1
2
3

QUYỂN 3

Lời kinh: “Xá-lợi-phất! Nếu có người nam, hoặc người nữ nào nghe nói Đức Phật A-di-đà, rồi chuyên tâm niệm danh hiệu Ngài, hoặc trong vòng một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày, hoặc bảy ngày, mà tâm chuyên chú không xao động”.

Lời tán:

6.2.2.2.2. Nói nhiều nhân

Thiện nam: tiếng Phạn phiên âm đầy đủ là Ô-ba-sách-ca. Trung Quốc dịch là Cận sự nam. Chữ Sách là tiếng của người nam. Là người giữ gìn năm giới một cách chắc chắn và có khả năng chịu đựng gần gũi giúp việc cho các tỳ-kheo tăng.

Thiện nữ: tiếng Phạn phiên âm là Ô-ba-tư-ca. Trung Quốc dịch là Cận sự nữ. Chữ Tư là tiếng dùng cho giới nữ. Cũng là người giữ gìn năm giới, nhưng trái lại là người có khả năng giúp việc cho tỳ-kheo ni.

Ở Ấn độ người ta phân nam, nữ làm hai tiếng khác nhau.

Văn thuyết A-di-đà Phật: nghĩa là được người bạn tốt nói cho nghe lại trong kinh A-di-đà này có dạy người cầu sinh về Tịnh độ. Hoặc tự tìm xem rồi chuyên tâm niệm danh hiệu Phật.

Nhất nhật nãi chí thất nhật nhất tâm: từ một ngày cho đến bảy ngày niệm liên tục, niệm này tiếp nối niệm kia không gián đoạn nên gọi là Nhất tâm.

Bất loạn: nghĩa là chuyên chú không phân tán.

Hỏi: Trong luận Tịnh độ ghi: “Người nữ và hàng Nhị thừa thiếu căn thì không được sinh về cõi kia. Vì sao có sự trái ngược nhau giữa kinh và luận như vậy”?

Đáp: Như có người nữ niệm Phật, hết lòng ròng rặt đến khi sắp qua đời muốn sinh về Cực-lạc thì liền chuyển thân gái thành thân trai và được vãng sinh Tịnh độ. Như vậy có gì không đúng? Và hàng Nhị thừa thiếu căn cũng giống như vậy.

Kinh Văn Thù Bát-nhã ghi: “Nếu có người nào muốn sinh về nước khác mà hiện đang ở trong cõi nước tịnh diệu, nên tuỳ theo danh hiệu của Đức Phật cõi nước kia mà nhất tâm tụng niệm nguyện vãng sinh, thì chắc chắn được vãng sinh”.

Kinh Quán Phật Tam-muội ghi: “Đây là pháp môn niệm Phật Tam-muội, người muốn thực hiện thành tựu cần phải có năm điều kiện. Một là giữ giới không trái phạm. Hai là không khởi tà kiến. Ba là không sinh tâm nịnh nọt, ngạo mạn. Bốn là không nóng giận, không ghen ghét. Năm hăng hái siêng năng”.

Kinh Cổ âm thinh ghi: “Nếu muốn niệm danh hiệu của Đức Phật kia thì trong vòng bảy ngày, suốt sáu thời phải ra sức lễ bái”.

Kinh Hiền ngu ghi: “Người trì giới chuyên tâm niệm Phật suốt bảy ngày cũng được vãng sinh”.

Kinh Bình đẳng giác và kinh Đại A-di-đà đều nói cả ba bậc đều được vãng sinh, như trong kinh A-di-đà có nói.

Lời kinh: “Người niệm Phật kia, đến lúc sắp qua đời có Đức Phật A-di-đà và các chúng thánh đều hiện ra trước mặt người ấy”.

Lời tán:

6.2.2.2.3. Chúng thánh đến đón rước

Kỳ nhân: là người đã niệm Phật suốt bảy ngày qua.

Lâm chung thời: là lúc tuổi thọ của con người sống ở cõi này sắp đến hồi kết thúc.

Là Đức Phật kia và các thánh chúng, cũng chính là chúng bồ-tát, Thanh văn v.v… hiện thân ra đứng ở trước mặt người tu hành niệm Phật kia. Giống như vào đời nhà Lương thiền sư Trân thấy đài bạch ngân hoặc thấy hóa Phật đến rước.

Lời kinh: “Người ấy lúc qua đời tâm không bối rối thì liền được vãng sinh về cõi nước Cực-lạc của Đức Phật A-di-đà”.

Lời tán:

6.2.2.2.4. Chúng sinh vãng sinh

Bất điên đảo: chính niệm kia cố không dời đổi, thì liền được sinh về cõi nước kia, được hóa sinh trong hoa sen, thân hình đoan chính chẳng thua kém gì các bồ-tát. Tâm không bối rối, ý tu chân chính, liền bỏ cõi nhơ uế mà sinh về Tịnh độ. Cho nên gọi là liền được vãng sinh.

Hỏi: Nghiệp ác của chúng sinh nhiều vô lượng, làm thế nào chỉ niệm Phật mà có thể diệt trừ được nghiệp chướng và liền được vãng sinh Tịnh độ?

Đáp: Trong luận Thập nghi nói có ba việc có khả năng tiêu trừ ác nghiệp.

– Một, tại tâm: vì còn tạo tội chính là hư vọng tâm. Niệm Phật là chân thật tâm. Lấy thật tâm trừ hư tâm có gì không đúng sao? Giống như bóng tối nghìn năm không thể ngăn trở ánh nắng ban mai được.

– Hai, tại cảnh: vì tạo tội là dựa vào những cảnh giới điên đảo. Niệm Phật là nương tựa vào những công đức thắng diệu. Dùng chân để trừ nguỵ có gì không được sao?

– Ba, ở nơi thanh tịnh: vì tạo tội là tâm ô nhiễm. Niệm Phật là tâm thanh tịnh. Thanh tịnh với ô nhiễm, thù thắng với hạ liệt há có thể tương xứng được sao? Giống như một đứa trẻ dùng cây dao bằng gỗ cũng có thể chặt đứt dây tơ nghìn trượng. Như một đóm lửa của sao có thể thiêu cháy nghìn bó củi.

Kinh Quán vô lượng thọ ghi: “Trong mỗi niệm mỗi niệm diệt trừ được tội sinh tử trong tám mươi vạn ức kiếp. Nghiệp đã đoạn trừ thì được vãng sinh, vì sao lại nghi ngờ”?

Người Ấn độ có tục khi sắp qua đời đều dùng cờ hiệu, hình tượng cầm đi trước, cha mẹ bạn bè quen biết trợ niệm danh hiệu Phật A-di-đà khiến cho người chết khởi tâm cầu vãng sinh.

Chữ Thị là chỉ cho lời dạy này vậy.

Kinh Hoa nghiêm ghi: “Khi người sắp chết nên làm cho người ấy nhớ niệm và tưởng thấy Như Lai, thì sau khi qua đời nhất định được vãng sinh Tịnh độ. Nếu thấy có người sắp qua đời nên khuyên họ niệm danh hiệu Phật, hoặc chỉ tôn tượng Đức Phật để họ chiêm ngưỡng kính lễ; làm cho họ sinh niệm thiện liền được vãng sinh”.

Hỏi: Người sắp qua đời làm thiện liền được vãng sinh. Cần gì phải lo tu thắng nghiệp trước?

Đáp: Mạng sống của con người dài ngắn khó lường. Hoặc có người vì bệnh mà hôn mê, hoặc có người chết đột ngột. Hơn nữa, khi còn sống đã không tạo điều thiện, e đời sâu khó tránh khỏi tai ương. Vì thế, khuyên người tạo sẵn duyên lành là để phòng những lỗi lầm này vậy.

Hỏi: Người được vãng sinh có thân trung hữu[58] không?

Đáp: Trong luận Quần nghi có hai luận sư giải thích vấn đề này như sau:

Một sư nói: hoặc là người cực thiện, hoặc là người cực ác cả hai trường hợp này đều không có thân trung hữu.

Sư khác lại nói: trường hợp người không phân biệt thiện, ác chỉ xả báo thân thụ sinh thì đều có thân trung hữu. Vì đó là truyền thức. Trừ trường hợp người đó trong đời hiện tại biến thân thì không có thân trung hữu. Cõi Tịnh độ đã là nơi cảnh giới cực thiện cho nên nhất định có thân trung hữu. Vì thế, nói có thân trung hữu là đúng.

Lời kinh: “Xá-lợi-phất! Vì ta thấy sự lợi ích đó nên mới nói lời này. Nếu có chúng sinh nào nghe được lời nói này thì nên phát nguyện sinh về cõi nước kia”.

Lời tán:

6.2.2.2.5. Tóm lại lời khuyến khích vãng sinh

Ngã kiến thị lợi: ngã là từ đức Thế Tôn tự xưng mình với mọi người là ngã. Đây là chỉ Đức Phật Thích-ca.

Kiến thị lợi: thấy vãng sinh là một việc khác thường và vô cùng lợi ích. Vì thế, Đức Phật khuyến khích mọi người nên niệm Phật cầu sinh về nước kia.

Lơi kinh: “Xá-lợi-phất! Như nay Ta (Phật) khen ngợi công đức không thể nghĩ bàn của Đức Phật A-di-dà”.

Lời tán:

6.2.2.3. Dẫn chư Phật để chứng minh

Trong phần này văn chia làm ba đoạn. Thứ nhất, trình bày lời khen ngợi của mình. Thứ hai, dẫn các Đức Phật khác để chứng minh. Thứ ba, giải thích tên gọi của bộ kinh.

6.2.2.3.1. Trình bày lời tự khen

Như ngã kim: là tự chỉ về mình. Công đức của Đức Phật kia không thể dùng tâm suy nghĩ, không thể dùng lời nói mà bàn luận được.

Lời kinh: “Phương Đông còn có Phật A-súc-bệ, Phật Tu-di-tướng, Phật Đại-tu-di, Phật Tu-di-quang và Phật Diệu-âm”.

Lời tán:

6.2.2.3.2. Dẫn chư Phật để chứng minh

Kinh Xưng tán tịnh độ nói có mười phương chư Phật, còn ở kinh này chỉ tạm nêu ra sáu phương, nên văn kinh cũng chỉ chia ra làm sáu đoạn mà thôi. Trong mỗi mỗi phương lại chia ra làm năm đoạn. Một là chỉ quốc độ. Hai là nêu tên các vị Phật. Ba là trình bày số lượng nhiều ít. Bốn là hiện tướng chứng minh. Năm là dẫn lời để chứng minh.

6.2.2.3.3. Đầu tiên Đức Phật kể về phương Đông

Nay Đức Phật hợp hai đoạn đầu lại nói thành một.

Đông phương: chỉ cho cõi nước.

Từ câu diệc hữu A-súc trở xuống là nêu tên chư Phật. Sở dĩ Đức Phật nêu Đông phương trước tiên là vì ở Ấn độ lấy hướng Đông làm hướng chính. Vì thuận theo phong tục nên đức Thế Tôn nêu phương Đông trước.

A-súc là phiên âm của tiếng Phạn. Trung Quốc dịch là Vô Động. Nghĩa là không bị phiền não, bốn ma, các điều thuận, nghịch…. làm động.

Tu-di-tướng: nghĩa là thân sắc vàng của Đức Phật giống như Tu-di.

Đại Tu-di: nghĩa là các tướng rất lớn như Đại Sơn Vương.

Tu-di-quang: lớn như Sơn Vương nhưng thân lại có ánh sáng.

Diệu Âm: âm thanh ấy vi diệu, trong trẻo dù cách xa mấy vẫn nghe được.

Lời kinh: “Vô số chư Phật nhiều như số cát sông Hằng như thế, mỗi vị ở cõi nước kia hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cả ba nghìn đại thiên thế giới”.

Lời tán:

6.2.2.3.4. Trình bày số lượng nhiều ít và hiện tướng chứng minh

Như thị đẳng Hằng hà sa số chư Phật: là phân biệt số lượng nhiều hay ít.

Các ư kỳ quốc: trình bày việc hiện tướng để chứng minh.

Như thị đẳng: chỉ so sánh số lượng chư Phật nhiều như số cát sông Hằng mà không nêu tên cụ thể của từng vị, cho nên nói là Đẳng.

Cụm từ “Hằng hà số”: là phiên âm tiếng Phạn là khắc-ca. Vì vậy, nếu nói Hằng hà là nói sai hoặc nói lược. Hà là tên của một dòng sông thần. Chữ Hà có từ đó. Vì thế mà ghép chữ Hà vào chữ Hằng thành cụm từ Hằng hà. Trong kinh nói số cát sông Hằng làm thí dụ. Từ ao vô nhiệt não sản sinh ra bốn sông lớn. Con sông này chính là một sông trong bốn con sông lớn kia. Vì sông ấy có đầy đủ năm nghĩa nên lấy làm thí dụ. Một, vì dòng sông này có rất nhiều cát. Hai, vì người đời đều cho rằng đó là dòng nước phúc, tắm trong dòng nước ấy diệt được tội, chết ở dòng sông đó thì được sinh lên trời. Ba, dù trải qua kiếp hoại tên của dòng sông ấy vẫn thường còn. Bốn, Đức Phật thường nói diễn nói diệu pháp ở gần đó. Năm, dân chúng chung sống quanh đó rất đông. Vì có nhiều đặt tính như vậy nên mới lấy làm thí dụ. Miệng hồ vuông bốn mươi dặm nên Hà (sông) cũng lấy làm dụ.

Minh chứng tướng: hiện tướng để chứng minh.

Chư Phật các ư kỳ quốc xuất quảng thiệt tướng: nghĩa là mỗi Đức Phật ở tại cõi nước của mình hiện tướng lưỡi rộng dài.

Tam thiên đại thiên thế giới: theo luận Đại trí độ cho rằng 1000 núi Tu-di, 1000 mặt trời mặt trăng, 1000 cõi trời Tứ thiên cho đến 1000 cõi trời Phạm mới bằng một Tiểu thiên. Vì Tiểu thiên là tính từ số một cho đến số một nghìn, gọi là đại thiên. Cho nên cũng gọi là Tam thiên. Vì không phải tiểu thiên, không phải trung thiên nên gọi là đại thiên.

Luận Câu-xá ghi: tiểu thiên đến tới sơ thiền, trung thiên đến nhị thiền, đại thiên đến tam thiền. Tất cả ba thiên đều chịu sự chi phối của thành, hoại, biến. Vì thế nên gọi là Biến. Và cũng vì vậy mà gọi là trùm khắp ba nghìn đại thiên thế giới. Đó là ý chỉ từ vô lượng kiếp đến nay khẩu nghiệp đã lìa bốn lỗi lầm. Đây là tướng của lưỡi. Để chứng minh việc nhỏ nên nói lưỡi che hết mặt cho đến chân tóc. Nay chứng minh việc lớn cho nên nói lưỡi che hết ba thiên. Nay kinh này nói nhân nhỏ, quả lớn là sợ chúng sinh sinh nghi. Đây chính là yếu môn dứt trừ khổ não. Là con đường nhanh nhất để đạt được thường lạc. Việc đã rộng lớn cho nên hiện điềm cũng phải lớn. Nói tướng lưỡi rộng dài trùm khắp đại thiên với mục đích chứng minh an lạc, vui sướng ở Tây phương là chân thật.

Lời kinh: “Nói lời thành thật. Tất cả chúng sinh nên tin kinh ‘Xưng tán bất khả tư nghị công đức nhất thiết chư Phật sở hộ niệm’ này”.

Lời tán:

6.2.2.3.5. Dẫn lời để chứng minh

Chữ Thành có nghĩa là thành thật.

Hỏi: Hai chữ Nhữ đẳng có phải là lời khuyên bảo đồ chúng tại cõi nước của chư Phật ở sáu phương hay là lời răn dạy chúng của đức Thích-ca ở Kỳ-viên?

Đáp: Xét kinh này, căn bản có hai ý. Thứ nhất, chư Phật ở các phương khác giáo hóa đồ chúng ở cõi nước mình. Thứ hai, đức Thích-ca dùng lại ý của các Đức Phật kia để chứng minh cho cảnh Tây phương, làm cho tất cả chúng sinh trong pháp hội sinh lòng kính trọng và tin tưởng.

Kinh nhất thiết chư Phật sở hộ niệm: chính là kinh A-di-đà này vậy. Cho nên nếu căn cứ theo đây và nói cho đầy đủ thì kinh này phải gọi là kinh Xưng tán A-di-đà Phật bất khả tư nghị công đức. Nói kinh A-di-đà là vì văn kinh lược bớt.

Nhất thiết chư Phật sở hộ niệm kinh: chư Phật bảo hộ cho được ghi nhớ rõ ràng. Tức các hạnh dù rộng, khó nhưng chỉ cần có công đức niệm Phật thì sẽ đạt được nhiều phúc lợi, cho nên mới khuyên mọi người cùng nhau giữ gìn hiệu lực của kinh. Chính vì thế khiến chư Phật ở sáu phương dùng thần lực để bảo vệ. Có thế thánh nhân ở Sa giới[59] mới nhất niệm ghi nhớ. Vì thế nên gọi kinh Nhất thiết chư phật sở hộ hiệm.

Hỏi: Nếu Đức Phật Thích-ca bàn về cõi Tịnh độ thì còn có thể nói Phật sở hộ niệm. Nhưng ở đây chư Phật không nói kinh này, vì sao lại nói Phật sở hộ niệm?

Đáp: Lời nói của vua gọi là sắc. Lời nói của Phật thì thành kinh. Cho nên Đức Phật đã khen ngợi về Tịnh độ thì lời nói ấy nhất định phải thành kinh. Hoặc hiểu theo cách khác; nói Phật sở hộ niệm chính là chỉ Đức Phật Thích-ca nói kinh A-di-đà.

Hỏi: Ở hội Linh Sơn Đức Phật mở tháp báu cốt nhờ đó mà triệu tập phân thân Phật. Khi mở hội ở Xá-vệ tại sao không mời chư Phật?

Đáp: Ở Linh Sơn triệu tập chư Phật đến để mở tháp báu là vì đáp ứng tâm nguyện của chư Phật kia. Vì chứng minh cõi nước mà hiện tướng chân thật. Đây là thể hiện lòng từ bi của Đức Phật Thích-ca. Vì thế, các Đức Phật chỉ ở tại cõi nước mình mà không đến những cõi Ta-bà này.

Lời kinh: “Xá-lợi-phất! Thế giới ở phương Nam có các Đức Phật như: Phật Nhật Nguyệt Đăng, Phật Danh Văn Quang, Phật Đại Diễm Kiên, Phật Tu Di Đăng, Phật Vô Lượng Tinh Tấn”.

Lời tán:

6.2.2.3.6. Trình bày về phương Nam

Phần này cũng phân là năm đoạn giống như phương Đông như trên đã chia. Hai đoạn đầu nói về cõi nước và tên gọi các Đức Phật.

Nhật Nguyệt Đăng Phật: hào quang của thân, ánh sáng của trí, bên trong tâm, ở ngoài thân đều chiếu soi.

Danh Văn Quang: có ánh sáng lớn danh văn chiếu soi bên trong và bên ngoài. Hoặc do nghe tên, thấy ánh sáng mà giác ngộ.

Đại Diễm Kiên: từ ánh sáng trên thân phát ra ngọn lửa nơi vai. Chữ Kiên có nghĩa là bằng nhau. Tức hào quang của thân và ánh sáng của trí đều phát ra lửa như nhau.

Tu Di Đăng: ánh sáng của thân như lửa đèn phá trừ được tối tăm.

Vô Lượng Tinh Tấn: làm lợi ích cho hữu tình.

Lời kinh: “Các Đức Phật nhiều như số cát sông Hằng như thế, mỗi vị ở tại cõi nước mình hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cả ba ngàn đại thiên thế giới”.

Lời tán:

– Trình bày số lượng nhiều hay ít và hiện tướng chứng minh. Diễn biến như thế nào?

Lời kinh: “Nói lời chân thật. Tất cả chúng sinh nên tin đây là kinh Xưng tán bất khả tư nghị công đức nhất thiết chư Phật sở hộ niệm”.

Lời tán:

– Dẫn lời để chứng minh. Phần này cũng giống như trên đã giải thích.

Lời kinh: “Xá-lợi-phất! Thế giới ở phương Tây có các Đức Phật như: Phật Vô Lượng Thọ, Phật Vô Lượng Tướng, Phật Vô Tràng, Phật Đại Quang, Phật Đại Minh, Phật Đại Tướng, Phật Tịnh Quang”.

6.2.2.3.7. Trình bày về phương Tây

Giống như hai phương trước cũng chia làm năm đoạn.

– Trình bày cõi nước và tên gọi của các Đức Phật

Vô Lượng Thọ: chính là đức giáo chủ cõi Tây phương. Vì có đủ hai nghĩa nên mới có tên là Vô Lượng Thọ; hai nghĩa ấy như những đoạn trước đã giải thích.

Hỏi: Nho gia còn không tự khen điều tốt của mình, vì sao Đức Phật A-di-đà tự khen mình khó nghĩ?

Đáp: Căn cứ vào văn bản của kinh này thì đây là lời chư Phật khen ngợi. Giả sử, nếu Đức Phật A-di-đà tự khen ngợi mình, theo lý có gì không đúng? Dẫn dắt, khuyến chuyển chúng sinh phát sinh tâm thù thắng.

Vô Lượng Tướng: hảo tướng và vẻ đẹp vô lượng.

Vô Lượng Tràng: công đức của thân vừa cao lại lớn giống như cây Tràng.

Đại Quang: ánh sáng của thân và trí đều chiếu soi.

Đại Minh: đạt được Tam minh của Phật không gì không biết. Tức là chính biến tri.

Bửu Tướng: hai tướng bên trong và bên ngoài đều toàn là một loại báu.

Tịnh Quang: tịnh nghĩa là không có phiền não. Quang là hào quang của thân và ánh sáng của trí. Cho nên gọi là Tịnh Quang.

Lời kinh: “Các Đức Phật nhiều như số cát sông Hằng như thế, mỗi vị ở tại cõi nước của mình hiện tướng lưỡi rộng dài trùm khắp ba nghìn đại thiên thế giới”.

Lời tán:

– Giống như trên đã trình bày, ở đây không nói lại nữa. Là trình bày số lượng Phật nhiều hay ít và hiện tướng chứng minh. Phần này cũng giống như các phần trên đã trình bày. Và những phương sau cũng có mục giống như vậy, cho nên đến các phương tiếp theo để tránh sự lập lại không cần thiết người dịch sẽ không trình bày lại mục này.

Lời kinh: “Nói lời thành thật. Tất cả chúng sinh nên tin vào kinh ‘Xưng tán bất khả tư nghị công đức nhất thiết chư Phật sở hộ niệm’ này”.

– Là phần dẫn lời chứng minh.

Lời kinh: “Xá-lợi-phất! Ở thế giới phương Bắc có các Đức Phật nhiều như số cát sông Hằng, các vị ấy là: Phật Hữu Diễm Am, Phật Tối Thắng Âm, Phật Nan Trở, Phật Nhật Sinh và Phật Võng Minh”.

Lời tán:

6.2.2.3.8. Trình bày về thế giới phương Bắc

Trong phần này văn cũng chia làm năm đoạn giống như các phương trên đã trình bày.

Phật Diễm Kiên: ý nghĩa giống như đã trình bày ở phương Nam trước.

Tối Thắng Âm: âm thanh mỹ diệu hơn hẳn các thứ tiếng khác.

Nan Trở Phật: các ma không thể làm ngăn ngại được.

Nhật Sinh: nương vào trí tuệ nhật mà lưu truyền giáo pháp. Hoặc nương vào trí tuệ nhật làm cho chúng sinh phát sinh các pháp lành.

Võng Minh: thực thi giáo võng này để khai mở sự hiểu biết cho chúng sinh.

Lời kinh: “Các Đức Phật nhiều như số cát sông Hằng như thế, mỗi vị ở tại cõi nước của mình hiện tướng lưỡi rộng dài, trùm khắp ba nghìn đại thiên thế giới”.

Lời kinh: “Nói lời thành thật. Tất cả chúng sinh nên tin vào kinh ‘Xưng tán bất khả tư nghị công đức nhất thiết chư Phật sở hộ niệm’ này”.

Lời kinh: “Xá-lợi-phất! Ở thế giới phương Dưới có các Đức Phật như: Phật Sư Tử, Phật Sinh Văn, Phật Danh Quang, Phật Đạt Ma, Phật Pháp Tràng, Phật Trì Pháp”.

Lời tán:

6.2.2.3.9. Dẫn chứng về phương Dưới

Phật Sư Tư: giống như loài sư tử ở trong các loài thú được tự tại. Cũng như vậy, Đức Phật trong các pháp một cách tự tại nên Ngài có tên là Sư Tử. Lại nữa, ở đời sư tử là loài mà các loại mãnh thú đều sợ. Còn Đức Phật thì nhiếp phục được bốn ma.

Danh Văn: tiếng tăm chấn động mười phương.

Danh Quang: nghe tên, thấy ánh sáng phát sinh giác ngộ.

Đạt-Ma: là phiên âm của tiếng Phạn, Trung Quốc dịch là Pháp. Lấy pháp làm thân, là chỗ nương tựa của các pháp hữu vi và vô vi.

Pháp Tràng: rộng mở đại pháp cao lớn như tràng.

Phật Trì Pháp: đem giáo pháp của chư Phật thời quá khứ trao lại cho đời vị lai.

Lời kinh: “Các Đức Phật nhiều như số cát sông Hằng như thế, mỗi vị ở tại cõi nước mình hiện tướng lưỡi rộng dài trùm khắp ba nghìn đại thiên thế giới”.

Lời kinh: “Nói lời thành thật. Tất cả chúng sinh nên tin kinh ‘Xưng tán bất khả tư nghị công đức nhất thiết chư Phật sở hộ niệm’ này”.

Lời kinh: “Xá-lợi-phất! Ở thế giới phương Trên có các Đức Phật như: Phật Phạm Âm, Phật Tú Vương, Phật Hương Thượng, Phật Hương Quang, Phật Đại Diễm Kiên, Phật Táp Sắc Bảo Hoa Nghiêm Thân, Phật Sa-La Thọ Vương, Phật Bảo Hoa Đức, Phật Kiến Nhất Thiết Nghĩa, Phật Như Tu Di Sơn”.

6.2.2.3.10. Trình bày các Đức Phật ở phương Trên

Phạm Âm: âm thanh mỹ diệu, người nghe trong lòng phơi phới.

Tú Vương: tú chính là tinh, là ngôi sao. Mặt trăng là vua trong các vì sao. Phật là vua của hàng Thập địa bồ-tát và hàng Nhị thừa phàm phu. Phật là bậc đã đạt được tự tại.

Phật Hương Thượng: giới đức thơm lừng không còn hương thơm nào hơn nữa.

Phật Hương Quang: hương thơm xa lìa, hào quang giáo pháp.

Phật Đại Diệm Kiên: thân và vai đều phát ra lửa.

Phật Tạp Sắc Bảo Hoa Nghiêm Thân: hoa tâm phát sáng và tự nhiên trang sức. Hoặc dùng các loại báu đủ màu sắc để trang điểm cho thân thể làm cho vẻ đẹp càng mỹ miều.

Phật Sa La Thọ Vương: như Đại Thọ vương có thể che mát. Giống như Đức Phật có thể che chở cho chúng sinh.

Phật Bảo Hoa Đức: công đức của thân và trí qúi giá giống như bảo vật.

Phật Kiến Nhất Nghĩa: Nghĩa là cảnh. Đức Phật có đủ ngũ nhãn cho nên có thể thấy tất cả cảnh.

Phật Như Tu Di Sơn: Đức Phật này phước và trí cao lớn ngút trời.

Lời kinh: “Các Đức Phật nhiều như số cát sông Hằng như thế, mỗi vị ở tại cõi nước mình hiện tướng lưỡi dài, trùm khắp ba nghìn đại thiên thế giới”.

Lời kinh: “Đức Phật tha thiết khuyên rằng: Các chúng sinh nên tin kinh ‘Xưng tán bất khả tư nghị công đức nhất thiết chư Phật sở hộ niệm’ này”.

Lời kinh: “Này Xá-lợi-phất! Thầy nghĩ thế nào, vì sao gọi là kinh Nhất thiết chư Phật sở hộ niệm?”

Lời tán:

6.2.2.3.11. Giải thích tên kinh

Trong phần này lại văn chia làm ba đoạn. Thứ nhất, giải thích những nghi vấn. Thứ hai, giải thích chung. Thứ ba, tổng kết và khuyến khích.

6.2.2.3.12. Giải thích nghi vấn

Thế Tôn hỏi lại tôn giả Xá-lợi-phất: Này Xá-lợi-phất! Thầy có biết vì sao kinh này vì sao có tên là Kinh Nhất thiết chư Phật sở hộ niệm không?

Lời kinh: “Xá-lợi-phất! Nếu có người nam hay người nữ nào nghe được tên của các Đức Phật và tên kinh, thì những người nam, người nữ ấy đều được chư Phật bảo hộ và tất cả cùng đắc được không thối chuyển nơi vô thượng chính đẳng chính giác”.

Lời tán:

6.2.2.3.13. Giải thích chung

Thiện nam tử, thiện nữ nhân v.v… là những người được bảo hộ. Nghe tên của Đức Phật A-di-đà và tên của các Đức Phật nhiều như số cát sông Hằng ở sáu phương là người bảo hộ.

Những người thiện nam tử, thiện nữ nhân đó đều được tất cả các Đức Phật bảo hộ, là những người được hộ niệm. Tức là những người này tụng đọc kinh và danh hiệu Phật. Người nam, người nữ nhờ nghe chư Phật và Phật Thích-ca nói rồi tụng đọc kinh Tịnh độ mới được vãng sinh về Tịnh độ. Tức người đọc tụng kinh này thì được chư Phật trợ giúp cho ghi nhớ rõ ràng.

A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề: là phiên âm của tiếng Phạn. Chữ A Trung Quốc dịch là Vô. Chữ Nậu-đa-la dịch là Thượng. Chữ Tam dịch là chính. Chữ Miệu dịch là đẳng. Chữ Tam dịch là chính. Bồ-đề dịch là giác. Cho nên, ghép chung lại mà dịch thì cụm từ A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề, Trung Quốc dịch là Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác.

Hỏi: Vì sao chỉ niệm danh hiệu Phật A-di-đà liền đạt được bất thối mà không cần phương pháp nào khác?

Đáp: Không phải chỉ xưng niệm danh hiệu, lễ kính thôi đâu, mà người muốn đạt được bất thối cần phải đối trước chư Phật chí tâm sám hối, khuyến thỉnh, tuỳ hỉ, hồi hướng và phát nguyện. Nhờ sám hối mới chuyển đổi được những định nghiệp. Như bảo châu như ý theo lòng mong muốn mà không bị thối chuyển. Vì nhờ chư Phật hộ niệm nên tâm không bị thối lui đối với đạo Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác.

Lời kinh: “Vì thế, Xá-lợi-phất! Các thầy và chúng sinh nên tin tưởng, ghi nhớ lời của Ta và chư Phật đã nói”.

Lời tán:

6.2.2.3.14. Tóm lại và khuyến khích

Thị cố: đúc kết lại lời khuyến hóa của Đức Phật vừa trình bày ở trên.

Giai đương v.v…: là lời khuyến khích, động viên của Đức Phật. Đức Phật khuyên: “Các ngươi hãy ghi nhận những lời mà Ta và chư Phật sáu phương đã nói ở trên”.

Lời kinh: “Xá-lợi-phất! Nếu có người nào đã phát nguyện, đang phát nguyện, sẽ phát nguyện muốn sinh về nước của Đức Phật A-di-đà”.

Lời tán:

6.2.2.4. Ba đời phát nguyện

Trong phần này lại chia làm ba đoạn. Thứ nhất, phát tâm cầu vãng sinh. Thứ hai, trình bày lợi ích của việc vãng sinh. Thứ ba, vị trí ở ba cõi. Thứ tư, khuyến khích sinh về nước kia.

6.2.2.4.1. Phát tâm cầu vãng sinh

Đã phát nguyện là thuộc về quá khứ. Đang phát nguyện là thuộc về hiện tại. Sẽ phát nguyện thuộc tương lai. Dục là mong muốn. Sinh tức năm uẩn là giả tạm.

Lời kinh: “Những người ấy đều được bất thối chuyển đối với đạo Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác”.

Lời tán:

6.2.2.4.2. Trình bày lợi ích của việc vãng sinh

Nếu người nào niệm Phật và phát nguyện thì được hai điều lợi ích. Thứ nhất, được Đức Phật A-di-đà âm thầm gia hộ. Thứ hai, được Đức Phật Thích-ca lặng lẽ bảo vệ. Vì thế làm cho tâm cầu đạo không thối lui, làm cho chí nguyện vãng sinh thêm kiên cố. Cho nên gọi là bất thối chuyển. Nếu người phát nguyện rồi thì đã được bất thối. Người đang phát nguyện thì hiện tại được không thối lui. Người sẽ phát nguyện thì tương lai được không còn thối chuyển.

Lời kinh: “Ở cõi nước kia, hoặc đã sinh, hoặc đang sinh, hoặc sẽ sinh”.

6.2.2.4.3. Vị trí ở ba cõi

Dĩ phát nguyện: là những người đã phát nguyện trong đời quá khứ thì nay đã vãng sinh rồi.

Kim phát nguyện: là người đang phát nguyện thì vãng sinh ngay trong đời này.

Vị lai phát nguyện: là những người chưa phát nguyện thì sẽ vãng sinh sau.

Lời kinh: “Vì thế, Xá-lợi-phất! Nếu có người nam, người nữ nào có lòng tin thì nên phát nguyện sinh về cõi nước kia”.

Lời tán:

6.2.2.4.4. Khuyến khích sinh về cõi nước kia

Nếu lòng tin sâu dày thì phiền não nhỏ nhiệm. Biết Đức Phật dùng lời thành thật, gặp được nguyện lành và sẽ vãng sinh.

Lời kinh: “Xá-lợi-phất! Hôm nay ta khen ngợi công đức không thể nghĩ bàn của các Đức Phật kia. Đồng thời những vị Phật kia cũng khen ngợi công đức không thể nghĩ bàn của Ta”.

Lời tán:

6.2.2.5. Đức Phật kia khen ngợi đều là việc hiếm có

Trong phần này văn chia làm bốn đoạn. Thứ nhất, khen ngợi công đức khó nghĩ. Thứ hai, khen ngợi giáo hóa ở đời nhơ uế. Thứ ba, ngạc nhiên về việc thành Phật. Thứ tư, nói pháp u huyền.

6.2.2.5.1. Đoạn văn này thuộc phần thứ nhất

Ta khen ngợi chư Phật ở sáu phương có thể vì chúng sinh nói lời chân thật. Nhờ đó chúng sinh không còn nghi ngờ gì nữa. Mặt khác, Đức Phật A-di-đà bằng lòng từ bi tiếp dẫn chúng sinh. Vì thế, Ta chỉ khen ngợi Đức Phật kia. Đồng thời Đức Phật kia cũng chỉ ngợi khen Ta thôi.

Lời kinh: “Rồi nói lời rằng: Đức Phật Thích-ca có thể làm những việc rất khó có; có thể ở trong cõi Ta-bà năm trược ác thế như: kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sinh trược, mạng trược”.

Lời tán:

6.2.2.5.2. Khen ngợi hạnh hóa độ ở thế giới nhơ uế

Rồi nói lời rằng: đây là lời của nhà kiết tập.

Thích-ca: là phiên âm từ tiếng Phạn. Trung Quốc dịch là Năng Nhân. Mâu-ni, Trung Quốc dịch là Tịch Mặc. Nguyên nhân Đức Phật có họ này giống như các chỗ khác đã nói.

Nói thậm nan hi hữu chi sự: tức chỉ việc Đức Phật cam chịu khổ nhọc để giáo hóa chúng sinh.

Năng ư Ta-bà quốc độ: Ta-bà là phiên âm của tiếng Phạn. Trung Quốc dịch là Kham Nhẫn. Kham nghĩa là Có thể, Nhẫn có nghĩa là Cam chịu. Kham Nhẫn có nghĩa là có thể cam chịu sự khổ sở.

Ngũ trược ác thế: tạm chia làm năm môn. Một giải thích danh từ. Hai nêu ra bản chất. Ba phương pháp đối trị. Bốn phế lập. Năm tổng kết.

6.2.2.5.2.1. Giải thích danh từ

Chữ Trược có nghĩa là cặn đục. Như thức ăn cặn bã. Nhơ xấu đáng nhờm gớm nên gọi là Trược. Ở đây ý nói đến kiếp tăng ba tai[60] dần dần giảm nhẹ, phiền não ngày một mỏng dần. Chúng sinh hướng về điều tốt, điều xấu giảm nhỏ dần. Tuổi thọ bắt đầu tăng từ từ hướng đến tột bực. Khi đạt đến mức tốt đẹp nhất đáng vui mừng nên gọi là Thanh. Chúng sinh không khổ thì hóa Phật không xuất hiện ở đời. Chư hóa Phật ra đời nhất định nhằm vào kiếp giảm. Tiểu tam tai bắt đầu phát sinh, phiền não từ từ sâu dày. Chúng sinh hướng về điều xấu ác nhiễm ô thấy tăng dần. Tuổi thọ bắt đầu ngắn lại, dần dần hướng về chỗ thấp kém. Xấu tợ đáng chán cho nên gọi là Trược.

Ngũ: là một số từ. Đây là giải thích theo cách Đới số thích. Kế đến giải thích từng tên riêng, tất cả đều giải thích theo cách Trì nghiệp thích. Hoặc lấy cái riêng để phân biệt cái chung. Hoặc giải thích theo cách Y chủ thích.

6.2.2.5.2.2. Nêu ra bản chất

Luận Trì địa ghi: Đó là đời này con người phần nhiều tuổi thọ ngắn ngủi. Người sống lâu nhất là một trăm tuổi. Đó gọi là mạng trược. Đây là căn cứ vào bản thức nên gọi là chủng tử. Vì nghiệp lực dẫn dắt có công năng khác nhau nên lấy mạng căn làm thể. Nghiệp thiện yếu thì mạng căn ngắn dần. Là cảm ứng của nghiệp sát sinh. Nếu những chúng sinh nào không biết cha mẹ, không biết sa-môn và họ hàng cha ông, không tu nghĩa lý, không khiếp, không sợ quả báo, nghiệp ác đời này, đời sau, không tu bố thí, không làm việc công đức, không tu trai pháp, không giữ gìn giới cấm. Đó gọi là hữu tình trược. Dù thức thứ tám gọi là hữu tình. Nay nói vì tiếp xúc duyên ác bên ngoài.

Ngũ uẩn giả: chỉ làm ác mà không làm thiện nên gọi là hữu tình trược. Hợp thức thứ tám, ngũ uẩn làm tính. Nếu những chúng sinh này phát triển phi pháp, tham lam, hoặc thí dao kiếm, hoặc thí binh khí, kiện tụng, tranh đấu, nịnh nọt, nói dối, lãnh nhận pháp tà, các pháp ác, pháp bất thiện. Đây gọi là phiền não trược.

Ngoài ngũ kiến ra tất cả những phiền não khác và tùy phiền não đều là thể của phiền não trược. Đây là phi pháp tham, bố thí dao, kiếm v.v… sai làm việc sát hại. Hoặc keo kiệt, thích tài sản, chỉ bỏ đao kiếm. Vì phi pháp tham, tranh tụng, kiện cáo v.v… mà cảnh phát sinh, cho đến các pháp ác, các pháp bất thiện đều thuộc nhất thiết phiền não và tuỳ phiền não. Vì tính tình chạy theo thói quen, nên khi cảnh ác dẫn dắt thì phiền não nặng thêm. Nếu vào đời này là thời kỳ pháp hoại, pháp diệt thì đến thời kỳ tượng pháp dần dần trổi dậy và pháp tà sinh trở lại. Đây gọi là kiến trược. Đây là lấy ngũ kiến làm thể tính. Vì hay gần gũi ngoại đạo nên cũng thường phát sinh ác kiến. Nếu kiếp đói khát phát sinh, kiếp tật bệnh phát sinh, kiếp đao binh phát sinh thì gọi đó là kiếp trược. Đây là lấy sắc uẩn và bốn trần làm thể. Hoặc bao gồm cả ngũ uẩn, song lấy bất tương ưng thời làm thể. Nương vào bốn trần và năm uẩn mà kiến lập nên. Phiền não thêm nhiều, ác nghiệp càng nặng, chuốt lấy quả ác, tai tam liền sinh.

6.2.2.5.2.3. Tam đối trị

Trong luận Đại trí độ nói có bốn thứ tất-đàn[61]. Tất-đàn có nghĩa là Tông. Thứ nhất, thế giới tất-đàn. Thứ hai, vị nhân tất-đàn. Thứ ba, đối trị tất-đàn. Thứ tư, đệ nhất nghĩa tất-đàn. Đối với kiếp trược, chúng sinh trược thì dùng Thế giới tất-đàn để đối trị. Vì biết khí thế gian và chúng sinh thế gian đều hư huyễn, sinh tâm nhàm chán, lo sợ, từ đó siêng tu thánh đạo cho nên được vĩnh viễn lìa xa. Mạng trược thì dùng mỗi mỗi Vị nhân tất-đàn đối trị. Vì biết thân người nhờ nghiệp thiện đạt được, tu trì tịnh giới, thực hành các giới bất sát v.v… vì thế mạng sống từ nhiên kéo dài. Hoặc vì người tu hạnh Tam thừa, đều nói quả thừa niết-bàn của mình, liền trừ diệt sinh tử có mạng trược. Đối với phiền não và kiến trược thì dùng đối trị tất-đàn mà chế phục. Người tu tập thì tuỳ đối tượng mà dùng pháp đối trị, khiến cho các pháp ác không phát sinh. Vì ba tất-đàn pháp ngũ trược. Vào đệ nhất nghĩa tất-đàn chứng được chân tông.

6.2.2.5.2.4. Phế lập

Hỏi: Vì sao chỉ đưa ra có năm trược mà không nói nhiều hơn hoặc ít hơn.?

Đáp: Vì chúng sinh thì có hai loại. Một loại ác hạnh: đó là hàng bạch y tại gia. Hai tà hạnh: đó là hàng ngoại đạo xuất gia. Hàng bạch y không có trí tuệ, khi phiền não tăng dần thì gọi là phiền não trược. Hàng ngoại đạo hiểu lầm sinh tâm cầu khẩn vớ vẩn gọi là kiến trược. Vì hai nguyên nhân này mà khi đắc quả li, hợp không đồng nhau. Lại có chỗ chia làm hai trược. Hợp hai nội quả lại gọi là chúng sinh trược. Đây là chúng sinh xấu ác. Hợp hai ngoại quả lại gọi chung là kiếp trược. Đây là khí cụ xấu ác.

Kiếp: đó là thời gian. Thời gian thì không có sai khác. Căn cứ theo pháp mà phân tích thì kiếp trược lấy ác khí làm thể. Đây là chúng sinh ác và các quả của ngoại đạo. Tuy đã trình bày rõ về hai trược nhưng phần quả vị vẫn chưa phân tích cụ thể. Vì sao? Chính thể của ác quả, nay trình bày căn bản cho nên lập mạng trược. Hoặc nội ác quả gọi là Mạng trược. Do đó, ngũ trược căn cứ vào hàng tướng tăng. Vì muốn cho chúng sinh sinh tâm nhàm chán nên nói chung là ngũ. Nhưng kỳ thật năm cái đó phụ thuộc vào nhau. Kinh Tát-giá-ni-kiền-tử ghi: “Lập mười hai trược. Một thị hiện kiếp trược, hai thị hiện thời trược, ba thị hiện chúng sinh trược, bốn thị hiện phiền não trược, năm thị hiện mạng trược, sáu thị hiện tam thừa sai biệt trược, bảy thị hiện bất tịnh quốc độ trược, tám thị hiện nan hóa chúng sinh trược, chín thị hiện thuyết chủng chủng phiền não trược, mười thị hiện ngoại đạo loạn trược, mười một thị hiện ma trược, mười hai thị hiện ma nghiệp trược”. Kiếp trược và thời trược hợp lại thành một là kiếp trược. Chúng sinh trược và nan hóa chúng sinh trược hợp lại thành chúng sinh trược. Phiền não trược và thuyết chủng chủng phiền não hợp thành phiền não trược. Mạng tức mạng trược. Ngoại đạo loạn tức kiến trược. Tám thứ trược này chính là ngũ trược mà trong kinh này nói. Còn bốn trược khác đó là tam thừa sai biệt, bất tịnh quốc độ, ma và ma nghiệp không thuộc ngũ trược mà kinh này muốn nói. Nói ngũ trược là căn cứ vào điều thắng diệu thì nó chỉ toàn là điều tạp nhiễm. Còn mười hai trược này gồm cả năng hóa và năng chướng, do Phật thị hiện ra.

Hỏi: Vì sao Đức Phật Thích-ca sinh vào lúc con người chỉ thọ một trăm tuổi, còn Đức Phật Di-lặc tuổi thọ con người tám vạn tuổi mới sinh?

Đáp: Mỗi vị theo bản nguyện của mình mà ra đời cho nên thời điểm không giống nhau.

Lời kinh: “Đạt được A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề”.

Lời tán:

6.2.2.5.3. Ngạc nhiên về việc thành Phật

Nương vào cảnh giới này chỉ toàn là người uế ác, nếu không phải như vậy thì không chứng bồ-đề. Như trong lửa mà mọc hoa sen, đạt được giải thoát giống như trong băng giá mà xuất hiện ngọn đuốc.

Lời kinh: “Vì các chúng sinh mà nói tất cả những pháp khó tin ở thế gian đó”.

Lời tán:

6.2.2.5.4. Nói pháp huyền bí

Nan tín chi pháp: như kinh này mỗi sáng tụng danh hiệu Phật mười niệm siêng năng thành khẩn thì có thể vượt khỏi ngũ trược ở cõi Ta-bà này, chứng sơ quả của cõi Tịnh. Há không phải khó ư? Từ trước đến phần thứ năm này là lời Đức Phật khen ngợi, Đức Phật đều nói hiếm có.

Lời kinh: “Xá-lợi-phất! Thầy phải biết ta ở trong đời ác năm trược làm những việc khó làm này”.

Lời tán:

6.2.2.6. Đức Phật tự trình bày những việc khó làm

Trong phần này văn chia làm bốn đoạn. Một trình bày hạnh khó tu. Hai trình bày quả khó chứng. Ba trình bày pháp khó tin. Bốn đúc kết lại tất cả đều rất khó.

6.2.2.6.1. Hạnh khó tu

Hành thử nan sự: tức là trong ba a-tăng-kỳ kiếp tu tập tất cả vạn hạnh. Hi sinh thân mạng để cầu đạt đến quả vị bồ-đề. Bỏ quốc thành để làm quận chúng sau mới thành tựu chính giác. Há chẳng phải là việc khó làm sao?

Lời kinh: “Đạt được A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề”.

Lời tán:

6.2.2.6.2. Trình bày việc khó chứng

Như trên đã giải thích và trong đoạn văn này ý nghĩa cũng tương tự như vậy.

Lời kinh: “Vì tất cả thế gian nói pháp khó tin này”.

Lời tán:

6.2.2.6.3. Trình bày pháp khó tin

Lời kinh: “Việc đó rất khó tin”.

Lời tán:

Đây là đoạn thứ tư, một lần nữa nhấn mạnh là rất khó. Với ý tổng kết lại ba việc ở trên. Đồng thời đến đây thì phần giải thích về phần chính tông cũng đã hết.

Lời kinh: “Khi Đức Phật Thích-ca nói kinh này rồi, tôn giải Xá-lợi-phất, chư tì-kheo và tất cả trời, người, A-tu-la trong thế gian v.v…cũng nghe kinh này xong, trong lòng rất vui sướng tin nhận, làm lễ rồi rời khỏi pháp hội”.

Lời tán:

6.2.3. Phần Lưu Thông

Trong phần lưu thông này văn chia làm bốn đoạn. Thứ nhất, việc nói kinh đã hoàn tất. Thứ hai, nhân duyên nghe pháp hoàn mãn. Thứ ba, người nghe pháp lòng hớn hở. Thứ tư, lễ Phật và lui về. Nhưng trong văn kinh trình bày về phần lưu thông này cả bốn đoạn hợp lại và chỉ trình bày một lần.

Phật thuyết thử kinh dĩ: câu này thuộc đoạn thứ nhất, trình bày việc Đức Phật nói pháp đã hoàn tất, và các câu tiếp theo cũng chỉ là lời đúc kết lại mà thôi.

Xá-lợi-phất cập chư Tì-kheo nhất thiết thế gian thiên, nhân, A-tu-la đẳng văn Phật sở thuyết: câu này thuộc về phần thứ hai, trình bày nhân duyên được nghe pháp đã hoàn mãn.

Nói thế gian: chính chỉ cho hữu tình thế gian. Là những yếu tố có thể bị tan rã, huỷ hoại.

Thiên, nhân: thiên chính là chỉ cho sáu cõi trời ở dục giới. Thiên là những gì có tính chất sáng sạch, tự tại thì gọi là Thiên. Nhân chính là nhân thú[62]. Nghĩa là những gì có tính chất cam chịu gọi là Nhân.

A-tu-la: là phiên âm của tiếng Phạn, Trung Quốc dịch là Phi nhân. Loại này giống như con người nhưng không có lòng nhân từ như người nên gọi là Phi nhân. Tu-la cũng như vậy.

Hoan hỉ tín thụ: đây là đoạn thứ ba, trình bày tâm trạng người sau khi được nghe pháp thì trong lòng tràn ngập vui sướng. Vẻ mặt thư thái gọi là Hoan. Tinh thần sảng khoái gọi là Hỉ. Vẻ mặt thư thái, tâm hồn sảng khoái nên gọi chung là hoan hỉ. Cũng chính là ý thức tương ưng với hỉ thụ.

Kinh này là diệu chỉ của hàng Tam thừa[63]; là mấu chốt của hàng thánh giả, là bí quyết để thoát khỏi sinh tử; là con đường tắt để chứng chơn thường. Nghe được diệu pháp, nắm vững phương thức thực hành, há không vui sướng sao? Bởi thế nên gọi là hoan hỉ.

Hỏi: Trong phần đầu kinh, khi trình bày về đối tượng nghe pháp thì nói có cả chúng bồ-tát lẫn chúng Thanh văn, nhưng đến cuối bộ kinh đoạn làm lễ hoan hỉ, lui về, vì sao lại không thấy nhắc đến hàng bồ-tát?

Đáp: Ở hội Linh Sơn các vị bồ-tát như những vị khách mời, nên ở phần cuối kinh này chỉ đề cập sơ lược về hàng Thanh văn mà không cần phải kể thêm hàng bồ-tát.

Tác lễ nhi khứ: đây là đoạn thứ tư nói về việc thính chúng giả từ Đức Phật lui về chỗ ở cũ. Ngũ thể[64] đều rạp sát đất, ba nghiệp chí thành, tất cả đều từ biệt đức Thế Tôn và mỗi người trở về cõi nước của mình, cho nên gọi là làm lễ rồi ra về.

*

Chú thích:

[58] Trung hữu thân 中有身: hay còn gọi là: trung ấm, trung uẩn, trung ấm hữu. Là thức thân của chúng sinh trong khoảng thời gian từ khi chết đến lúc được thụ sinh; là một trong bốn hữu, một trong bảy hữu.

Luận Câu-xá 10 ghi: Trung hữu là thời kỳ giữa một nháy mắt sau khi thân trước vừa chết (tử hữu) cho đến trước một sát-na thụ sinh thân sau (sinh hữu). Trung hữu thân này chính là sự tồn tại của Thức thân, là hóa sinh thân do ý sinh ra, chẳng phải do các ngoại duyên như tinh huyết …tạo thành, nên còn gọi là Ý sinh thân; vì chỉ ngửi mùi hương để nuôi thân nên gọi là Kiện-đạt-phạ, lại thường mong cầu, tìm kiếm chỗ sinh ở đời sau nên gọi là cầu sinh; vì sau khi thân hữu hoại, trung hữu thân tạm thời khởi lên trước khi sinh đời sau, nên gọi là Khởi.

[59] Sa giới có hai cách hiểu: Thứ nhất có thể coi đó là Thế giới Sa-bà này. Nghĩa là hai chữ Sa giới là viết tắt của chữ Sa-bà thể giới. Thứ hai có thể hiểu đây là chỉ cho số thế giới nhiều như cát sông Hằng.

[60] Tam tai 三災: là ba tai hoạ. Gồm có hai loại Tiểu và Đại. Đại tam tai: hủy hoại khí thế gian này có ba thứ: hỏa tai, thủy tai, phong tai. Đó gọi là Đại tam tai. Tiểu tam tai: trong một trụ kiếp có 20 Tăng giảm kiếp. Tam tai nổi lên vào cuối giảm kiếp, đó gọi là Tiểu tam tai. Gồm có ba loại: binh đao, bệnh dịch và đói kém.

[61] Tất-đàn 悉檀: là phiên âm từ tiếng phạn là Suddham. Còn gọi là Tất-đàn. Tất-đàn có nghĩa là Thành tựu. Nhưng các bậc cổ sư hoặc dịch là Tông, hoặc dịch là Lý, lại có người dịch là Thành. Riêng ngài Nam Nhạc cho chữ Tất là Hán ngữ, chữ Đàn là tiếng Phạn, nên dịch là Trí.

[62] Nhân thú 人趣: nẻo người. Là một trong lục thế. Nẻo của những chúng sinh có nhân duyên làm người. Giống như nhân đạo.

[63] Tam thừa 三乘: 1. Thanh văn thừa, còn gọi là Tiểu thừa. 2. Duyên Giác thừa, còn gọi là Trung Thừa. 3. Đại thừa, còn gọi là Bồ-tát thừa.

[64] Ngũ luân 五輪: còn gọi là Ngũ thể: vì hai cánh tay, hai đầu gối và đầu tất cả đều có hình tròn, nên gọi là Ngũ luân. Ngũ luân đó chạm đất mà lễ thì gọi là Ngũ thể đầu địa.

    Xem thêm:

  • Giảng Giải Tinh Yếu Kinh A Di Đà - Kinh Tạng
  • Bồ Tát Đại Thánh Diệu Cát Tường Dạy Trừ Tai Giáo Linh Pháp Luân - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Diệu Kim Cang Đại Cam Lộ Quân Nã Lợi Diệm Man Sí Thạnh Phật Đỉnh - Kinh Tạng
  • Kinh Thi Ca La Việt Lạy Sáu Phương - Kinh Tạng
  • Phật nói Luận A Tỳ Đàm về Sự Thế Giới Thành Lập - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Bản Sinh Tâm Địa Quán - Kinh Tạng
  • Kinh A Di Đà - Kinh Tạng
  • Quán Niệm A Di Đà Phật Tướng Hải Tam Muội Công Đức Pháp Môn - Kinh Tạng
  • Kệ Lễ Tán Sáu Thời - Kinh Tạng
  • Nghi thức Du Già Tập Yếu Diệm Khẩu Thí Thực - Kinh Tạng
  • Nghi thức Du Già Tập Yếu Diệm Khẩu Thí Thực - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thông Phương Quảng Sám Hối Diệt Tội Trang Nghiêm Thành Phật – Thích Thiền Tâm dịch - Kinh Tạng
  • Ngữ Lục Của Thiền Sư Thụy Châu Động Sơn Lương Giới - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Thọ Diệt Tội Và Thần Chú Bảo Hộ Các Em Bé - Kinh Tạng
  • Kinh Quan Trung Sáng Lập Giới Đàn Đồ - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Lí Thú Lục Ba La Mật Đa - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Vì Ta Già La Long Vương Sở Thuyết Đại Thừa - Kinh Tạng
  • Kinh Bổn Nguyện Công Đức Của Bảy Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai – Thích Nữ Tâm Thường dịch - Kinh Tạng
  • Pháp Nghi Quỹ Tôn Thắng Phật Đỉnh Tu Du Già - Kinh Tạng
  • Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện – Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng