1
2
3
4
5
6
7

QUYỂN 6

PHẨM THỨ 20: VÔ MINH

Bấy giờ, trong đại hội có Bồ tát tên Trí Thanh Tịnh, phân biệt rõ về không, không sanh già bệnh chết, người dâm nộ si nhiều, người dâm nộ si ít; phân biệt rõ ràng chúng sanh có ba bậc khác nhau, trong hạng người đó có những bệnh nặng gì, bị bệnh nặng đó là tà kiến.

Bồ tát Trí Thanh Tịnh đứng dậy, trịch bày vai phải, gối phải sát đất, chấp tay thưa trước Phật:

– Như Lai Vô sở trước Đẳng chánh giác không việc gì không biết, không điều gì không thấy, quá khứ đương lai hiện tại, từ loài người đến côn trùng, tâm nghĩ pháp gì, miệng nói lời gì, thân làm thiện ác, giới cấm sâu xa, oai nghi giới luật, biết nhiều biết ít, biết nặng biết nhẹ… Những gì con hỏi chẳng phải không, chẳng phải bất không; chẳng phải hữu, chẳng phải bất hữu; chẳng phải hữu không, chẳng phải hữu hữu. Chúng sanh thuộc ba tụ, ai là nhẹ, ai là nặng, ai là hiện báo, ai là sanh báo, ai là hậu báo. Thế nào là tưởng tri diệt, thế nào là Niết-bàn, thế nào là Vô dư?

Phật dạy Bồ tát Trí Thanh Tịnh:

– Lành thay! Lành thay! Ta rất vui khi ông hỏi nghĩa này. Vì thương xót tất cả, được nhiều lợi ích mới ở trước Phật hỏi pháp bình đẳng. Ông hãy về lại chỗ ngồi, Ta sẽ giải nói cho ông về cú nghĩa loại đầu, giữa, cuối. Nếu nghiệp đen thì thọ quả báo đen, nghiệp trắng, nghiệp trắng thọ quả báo trắng. Ta sẽ phân biệt rõ ràng để ông biết.

Bấy giờ Thế tôn nói kệ:

– Như người trồng cây trái

Hạt đắng, quả cũng đắng

Bị tội mắc báo đen

Chịu khổ vô số kiếp

Giống ngọt, được quả ngọt

Trở lại thọ báo ngọt

Hương thơm rất ngon ngọt

Được hưởng báo thanh bạch

Như người ở ao nước

Trong ngoài đều thanh tịnh

Không gió, không bụi dơ

Thơm đẹp được mát mẻ

Có chúng sanh nào thấy

Ưa thích không thể xa

Phật đạo hạnh thanh tịnh

Giống như cỏ khác đậu

Những chúng sanh báo đen

Đọa ba đường ác nạn

Theo dòng nước lên xuống

Nổi trôi chỗ ách nạn

Khi ấy phiền não khổ

Tự chịu không ai thay

Chẻ xương thấu tủy não

Thiêu đốt không thể lường

Đã đến ngục Vô cứu

Ý ngộ cầu giải thoát

Bị vô minh che lấp

Không thấy ánh sáng huệ

Như người đi lạc đường

Về Nam cho là Bắc

Suốt ngày tâm không ngộ

Tuy nghe cũng không tin

Chịu tội khổ não nặng

Đau đớn càng tăng thêm

Lâu sau tội tuy hết

Bị người đời khinh ghét

Thân thể hôi, xấu xí

Như heo nằm vũng phân

Lần lượt vào vạc sôi

Chết rồi sống trở lại

Vốn do ngu si tạo

Thọ báo như bóng hình

Thiện ác đều tương ứng

Phân loại theo chúng sanh

Vô đạo, không bè đảng

Hành cũng có cao thấp

Giữ giới sanh lên trời

Không thí, phước rất ít

Ăn cơm sợ người thấy

Xấu hổ không lộ diện

Tuy có chúng thiên nữ

Âm nhạc không hòa nhã

Luôn luôn đi dạo chơi

Sợ gặp thiên thần đẹp

Nếu giới, thí đầy đủ

Cam lồ, y, thực đến

Kỹ nhạc vây xung quanh

Như trăng sáng trong sao

Luôn luôn đi dạo chơi

Tùy tùng tự trang nghiêm

Nhạc trời tự nhiên trỗi

Đây do ở nhơn gian

Đủ trì giới, bố thí

Phước báo như hình bóng

Chư thiên tuy hưởng phước

Cũng có kiếp số nạn

Khi gần sắp qua đời

Mới biết pháp suy tàn

Niệm thiện chuyển rất ít

Còn phải chịu làm thân

Luân hồi trong năm đường

Trải qua vô số kiếp

Thiện ác chịu quả báo

Không riêng giàu hay hèn

Trong ấy bậc vượt lên

Như Ta, Thích Ca Văn.

Khi Phật nói kệ này rồi, trong đại chúng có chư thiên và người gồm bảy vạn bảy ngàn ức na-do-tha đều phát tâm đạo Vô thượng chánh chơn.

Bấy giờ, Thế tôn dạy Bồ tát Trí Thanh Tịnh:

– Đại Bồ tát Nhất sanh bổ xứ dùng quyền phương tiện sanh trong nhà bần tiện, muốn được thị hiện trừ kiết sử vô minh, ở trong thai mười tháng, khi mới sanh hiện không có tay chân, cha mẹ thấy vậy cho là quỷ nên đem quăng nơi đồng hoang, không muốn cho ai thấy. Vì sao? – Vì Bồ tát quyền hóa muốn cho cha mẹ cùng quyến thuộc ngu si thấy được ánh sáng của đạo. Sau đó vài tháng, người mẹ lại mang thai, đủ mười tháng sanh một cậu bé đoan nghiêm tuấn tú, hiếm có trên đời, nhưng vừa mới sanh ban ngày thì tối chết. Cha mẹ kêu khóc đấm ngực, ngước lên trời kêu:

“Thần núi, thần cây sao không thương tôi? Trước đây sanh một đứa con nhưng không có tay chân, đành phải quăng vào đồng hoang. Nay sanh một đứa con đẹp đẽ, tướng mạo không ai bằng, giống như thiên thần, nhưng lại sanh ban ngày thì tối chết. Ruột gan tôi đứt đoạn, phải làm sao bây giờ?! ”.

Qua vài tháng, người mẹ lại mang thai, đủ mười tháng sanh một bé trai nhưng ba đầu tám chân, bốn mắt, tám tay, ai thấy cũng rợn tóc gáy. Cha mẹ quyến thuộc muốn bỏ mà đi, Bồ tát quyền hiện cho họ không đi được. Cha mẹ hỏi:

“Con là trời, là rồng, quỷ thần, A tu la, Càn thác bà, Ca lầu la, Khẩn na la, Ma hầu la già, người hay là phi nhơn?”

Bấy giờ, cậu bé nói với cha mẹ bằng kệ:

– Chẳng trời, quỷ, Dạ xoa

Tu luân, Ca lầu la

Vì trừ ngu cha mẹ

Quyền sanh nhà mẹ cha

Con trước không tay chân

Cũng chính là thân con

Sáng sanh, chiều lại chết

Bậc bát trụ vô thượng

Nay con thọ thân hình

Ba đầu, tám tay chân

Sao lại bỏ con đi?

Đi đến cửa địa ngục

Khổ địa ngục đầy đủ

Mười tám vạc dầu sôi

Mỗi vạc dầu sôi ấy

Có mười sáu vạc nhỏ

Chịu khổ vô lượng kiếp

Muốn ra khỏi rất khó

Cha mẹ người ngu si

Không biết pháp chơn tánh

Tà kiến thờ cúng thần

Cho là thoát khổ nạn

Như ngọn lửa hừng hực

Lại thêm củi, cỏ khô

Thiêu đốt gốc căn lành

Muốn diệt cũng chưa khó

Nay con làm thân lại

Hiện thân đẹp đẽ xưa

Đạo vững tâm kiên cố

Tu tập ba thông huệ

Từ a tăng kỳ kiếp

Thề độ người chưa độ

Giữ giới, nguyện không quên

Thác sanh nhà cha mẹ

Trước sau bỏ thân mạng

Số ấy như vi trần

Trải qua bao nhiêu chỗ

Đều nhờ phước giúp đỡ

Bao nhiêu loài quần sanh

Dấu chân đi khác nhau

Sẽ hoan hỷ độ họ

Cũng độ bằng khủng bố

Tùy theo niệm chúng sanh

Để họ được toại nguyện

Bệnh chúng sanh chẳng một

Cho uống thuốc cam lồ

Cho đi vào đường chánh

Không để vào đường tà

Chư thiên hưởng phước lạc

Cam lồ trừ bệnh: vui

Không trái Thánh giáo: vui

Giải thoát Niết-bàn: vui

Khi Bồ tát nói kệ này, cha mẹ dòng họ và những người trong hội đều phát tâm Vô thượng bình đẳng.

***

PHẨM THỨ 21: KHỔ HẠNH

Bấy giờ, các chúng hội Bồ tát, trời, rồng, quỷ thần, A tu la, Càn thát bà, Ca lầu la, Ma hầu la già, Khẩn na la, nhơn, phi nhơn, bậc học vô học và bốn bộ chúng Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, Như Lai quán sát biết tâm niệm của các chúng sanh là muốn thưa thỉnh Như Lai nói sự thành tựu rốt ráo về vô lượng khổ hạnh, làm thế nào để phát tâm được thành Phật đạo. Biết tâm niệm của họ, Phật liền nói cho họ về hạnh khổ cực xưa kia.

Phật dạy các Bồ tát:

– Hãy lắng nghe pháp tướng chân thật của Ta nói, không phải do thế tục mà đắc đạo, cũng không lìa thế tục mà đắc đạo; không theo chơn đạo, cũng không lìa chơn đạo. Vì sao? – Vì trong cái đen có cái đẹp của trắng, vì trong tục có cái đẹp của đạo. Khổ vui cùng có. Vì sao? – Vì xưa kia Ta học đạo rất trực tín, không nghi ngờ, được làm vua mặt trời, mặt trăng. Cung điện mặt trời ngang dọc năm mươi mốt do-tuần. Cung điện mặt trăng ngang dọc bốn mươi chín do-tuần. Mặt trời phóng ánh sáng một ức một ngàn ánh sáng. Mặt trăng tỏa một ức ánh sáng. Ta là thiên tử của mặt trời, mặt trăng nên cho rằng thường trụ, không hư, không hoại, từng đi qua hằng hà sa ức vạn cõi, làm thiên tử mặt trời, làm thiên tử mặt trăng, đến khi mạng hết mới biết chẳng phải thật, chẳng phải chân.

Sau đó thọ mạng giảm dần, làm đại thần mặt trời mặt trăng tên là Hà Già La, cung điện ngang dọc hai mươi lăm do-tuần, kế làm Tỳ Lê Ha Ba Đề (loài rồng), cung điện ngang dọc hai mươi do-tuần.

Lại làm Ương Già La, cung điện ngang dọc mười chín do tuần.

Lại làm Hê Mỗ, cung điện mười chín do tuần.

Lại làm Hàm Mi, cung điện mười lăm do tuần.

Năm đại thần này đứng hai bên mặt trời mặt trăng. Qua vô số trăm ngàn kiếp làm năm vì sao này đoạn tận rồi bị đọa lạc, cũng không chân thật, rồi thọ mạng của họ giảm dần.

Ta từng làm sao Mão cùng với bạn sáu người độ ba mươi.

Ta từng làm sao Tất với bằng đảng năm người, độ bốn mươi lăm.

Ta từng làm sao Tuy, bè đảng ba mươi người, độ ba mươi.

Ta từng làm sao Sâm, đơn độc một mình độ mười lăm.

Ta từng làm sao Tỉnh, bè đảng hai mươi người, độ bốn mươi lăm.

Ta từng làm sao Quỷ, bè đảng ba mươi người độ bốn mươi.

Ta từng làm sao Liễu, bè đảng bốn mươi người, độ mười lăm.

Bồ tát nên biết, bảy vì sao này đứng ở phía Đông.

Ta từng làm sao Tinh, bè đảng năm người độ ba mươi.

Ta từng làm sao Trương, bạn bè hai mươi người độ ba mươi.

Ta từng làm sao Dực, bạn bè hai mươi người độ ba mươi lăm.

Ta từng làm sao Chẩn, bạn bè năm người độ ba mươi.

Ta từng làm sao Giác, đơn độc một mình độ ba mươi.

Ta từng làm sao Cang, cũng đơn độc một mình độ mười lăm.

Ta từng làm sao Để, bạn bè hai mươi người độ ba mươi lăm.

Bồ tát nên biết, bảy sao này đứng ở phương Nam.

Ta từng làm sao Không, bạn bè bốn người độ ba mươi lăm.

Ta từng làm sao Tâm, bạn bè ba người độ mười lăm.

Ta từng làm sao Vĩ, bạn bè ba người độ ba mươi.

Ta từng làm sao Ky, bạn bè bốn người độ ba mươi.

Ta từng làm sao Đấu, bạn bè bốn người độ ba mươi lăm.

Ta từng làm sao Ngưu, bạn bè ba người độ mười sáu.

Ta từng làm sao Nữ, bạn bè ba người độ ba mươi.

Bồ tát nên biết, bảy vì sao này đứng ở phương Tây.

Ta từng làm sao Hư, bạn bè bốn người độ ba mươi.

Ta từng làm sao Ách, đơn độc một mình độ mười lăm.

Ta từng làm sao Thất, bè đảng hai người độ ba mươi.

Ta từng làm sao Bích, bạn bè hai người độ ba mươi lăm.

Ta từng làm sao Khuê, bạn bè hai người độ ba mươi.

Ta từng làm sao Lâu, bạn bè hai người độ ba mươi.

Ta từng làm sao Vị, bạn bè ba người độ ba mươi.

Bồ tát nên biết, bảy vì sao này đứng ở phương Bắc.

Từ vô số kiếp Ta làm vua mặt trời mặt trăng, hoặc làm quan thần qua lại xoay tròn, hình hài khô bại, không phải đạo chân thật. Sau đó đến nhân gian làm vua Chuyển luân Thánh vương, vua nhỏ đủ miền, hoặc làm trưởng giả, cư sĩ cầu đạo thanh tịnh cho là chân thật. Nhưng tất cả đều là việc làm trống không, không hợp với đạo chân thật.

Xưa kia có một thời Ta vào núi cầu đạo, thấy các tiên học gồm năm người đều nhóm họp ở một chỗ:

Có người co một chân, chấp tay đứng, chuyển thân nhìn theo mặt trời.

Hoặc có người thờ mặt trăng, chấp tay đứng, chuyển thân nhìn theo mặt trăng.

Có người nằm trên gai góc, hoặc nằm trên cát đá.

Có người giữ giới học theo gà, bò, ngựa, nai.

Có người từ trên đỉnh núi gieo mình xuống vực sâu.

Có người ôm đá, tự trầm mình xuống sông sâu.

Có người dùng năm thứ lửa tự đốt thân để cầu được sanh lên trời.

Có người xẻ từng bộ phận của thân để tìm chỗ ở của thần.

Có người mổ đỉnh đầu để lấy tủy não đốt đem cúng dường chư thiên.

Có người quăng mình vào dầu sôi nước nóng.

Có người ở bên phải của dòng sông giết vô lượng chúng sanh.

Có người ở bên trái dòng sông đốt hương để cho những chúng sanh qua đời đó được sanh lên cõi trời.

Có người tự suy nghĩ: “Nay ta độ cha mẹ trước”, nên đem cha mẹ quăng trong lửa, rồi xướng lên: sẽ sanh lên cõi Phạm.

Có người ăn phân bò, có người ăn hạt cỏ.

Có người bảy ngày ăn một lần, hoặc có khi không ăn, hình hài khô gầy.

Có người bện lá cây để làm y phục.

Có người nối xương để làm y phục.

Có người lấy đầu lâu để làm đồ đựng thức ăn.

Có người nằm trên gai, kim nhọn, rồi chích vào tim để giữ tâm trụ.

Có người nhóm họp lại một chỗ, cùng nhau mổ bụng để rửa ruột trừ đi sự dơ bẩn, nói rằng để sanh lên cõi Phạm thiên.

Những sự khổ hạnh xưa kia của Ta không thể lường được, học đạo sáu năm dưới gốc cây thọ vương, mỗi ngày ăn một hạt mè, hạt gạo, chim chóc làm ổ sanh con trên đỉnh đầu của Ta. Loài rắn, trăn quấn lấy thân Ta. Người thợ săn quăng ném gạch đá, có lúc chặt chẻ phá hoại thân thể, có lúc dùng gậy đâm vào bụng cho đến rốn,…chịu trăm ngàn vạn khổ như vậy mà không cho là khổ. Vì sao? – Vì lúc bấy giờ Ta cho là đạo chân thật, thật ra chẳng phải là đạo chân thật.

Ở trên hư không có vị trời chấp tay thưa Bồ tát rằng: “Sức chịu đựng rất to lớn, có thể phá nát các kiết sử, xin Ngài hãy nghĩ đến thành Phật, cẩn thận đừng thối lui!”.

Hằng hà sa chư Phật quá khứ không giống như Bồ tát tuyệt thực để cầu đạo. Điều này làm cho thiên thần cảm động mới sai những cô gái dâng bát sữa. Uống xong, khí lực bình phục, tư duy bảy ngày chiến thắng quân ma. Phạm thiên xuống thỉnh: “Xin hãy thành Phật để xiển dương đại pháp, để nói đạo chân thật, đừng vào Niết-bàn”.

Niết-bàn là không sanh, già, bệnh, chết. Xưa kia Ta đã từng tu khổ hạnh như vậy.

Bấy giờ, trong chúng hội ca ngợi là điều chưa từng có và tất cả đều phát tâm đạo bình đẳng vô thượng.

***

PHẨM THỨ 22: TỨ ĐẠO HÒA HỢP

Bấy giờ, trong chúng hội có Bồ tát tên Biến Quang, trí huệ thông đạt, trụ vào địa vị Bất thối chuyển, lòng thệ nguyện rộng lớn không thể nào lường được. Được chư Phật khen ngợi chẳng phải một, chẳng phải hai, có công đức vô lượng với hằng hà sa Phật, chứa nhóm hạnh vô úy, thường dạo đi vô lượng cõi Phật, cùng học với tám vị:

1- Bồ tát Bất Tà Kiến

2- Bồ tát Trực Ý

3- Bồ tát Chúng Tướng

4- Bồ tát Khuất Thân

5- Bồ tát Giải thoát

6- Bồ tát Giải Phược

7- Bồ tát Ấn Khả

8- Bồ tát Thệ Nguyện.

Từ vô số kiếp đã trụ vào Tận địa, đắc bất thối chuyển.

Bấy giờ, Bồ tát Biến Quang thưa Phật:

– Làm thế nào đại Bồ tát nhập vào bốn loại đạo mà không có trước sau, đắc thành đạo Vô thượng Đẳng chánh giác? Bồ tát ngày đêm tư duy thấy dục như lửa, tưởng tri niệm đều tận những hành pháp điên đảo; thấy lợi pháp đầu tiên được quả A-na-hàm, thì ngay ở cung trời ấy thủ đạo minh chứng. Như vậy không bao lâu, có lúc Bồ tát ở địa vị trên quán sát xuống cõi Dục giống như đống bọt nước, đoạn trừ ba kiết sử, xa lìa ba ác đối với hữu, vô hữu. Hoặc có Bồ tát đắc căn đắc lực, lập chí tự tại, phá hữu diệt vô, không còn bốn đẳng tâm, kia đây đều bình đẳng không có tưởng ngã, chẳng quá khứ, vị lai, hiện tại, chẳng có Đẳng chánh giác. Vậy những chúng sanh (?) này đối với đạo Vô thượng có gì sai khác?

Phật dạy:

– Lành thay! Những câu hỏi này Ta sẽ phân biệt rõ ràng đầy đủ cho ông.

Sao gọi là nhân duyên của nhân duyên Bồ tát.

Sao gọi là nhân duyên của nhân duyên? – Sự xúc chạm của vòng xuyến nơi hai tay gọi là nhân duyên của nhân duyên.

Người kia dạy ta tiếp thu nhờ nơi âm thanh tiếng nói giáo hóa, gọi là Thanh văn, không có thầy, không có trí, không nhờ kia đây, nên gọi là Phật Duyên giác.

Lại nữa, đối với đạo này đạo kia, đại Bồ tát học hỏi quyết nghi với nhau, được chứng hay không chứng đều trôi theo năm đường. Đó gọi là Giác, cũng không thấy giác, cũng không thấy không giác, không một, không hai, đó là không hai nhập.

Đại Bồ tát bổn hạnh tu tập hiểu rõ Duyên giác, với hữu dư, vô dư kiết sử đều đoạn hẳn, đó là không hai nhập.

Tất cả tầng lớp chúng sanh hiểu rõ đều là vô thường. Thân chẳng phải của ta, trong ngoài đều là trống không. Đó là không hai nhập.

Ân đức của Phật lan rộng khắp nơi không bờ bến, lấy khổ tập đạo để đạt đến vô vi, đó là không hai nhập.

Tứ đẳng đại bi che trùm hết tất cả, chúng sanh ngu si được đến đạo chân thật, đó là không hai nhập.

Bấy giờ Thế tôn nói kệ:

– Thanh văn, Bích Chi Phật

Là tên mượn để gọi

Như người đại chiến thắng

Thắng giặc là trên hết

Không ai sánh bằng Phật

Một mình vào ba cõi

Điều tâm chiến thắng ma

Sức nhẫn đến Niết-bàn

Luân chuyển khổ sanh tử

Mạng như lửa đá mài

Trải qua ức trăm ngàn

Không biết khi nào thoát

Phật vốn không danh hiệu

Vì do người tôn trọng

La hán, Bích Chi Phật

Chỉ một không có hai

Như Phật Định Quang kia

Thọ ký Ta vô thượng

Sau chín mươi mốt kiếp

Ở trong Hiền kiếp này

Bậc tối thắng thứ tư

Hiệu là Thích Ca Văn

Đời vạc sôi năm trược

Không hiếu thuận cha mẹ

Sát hại A-la-hán

Không vâng lời Phật dạy

Những nơi Ta từng ở

Chẳng một, chẳng hai đường

Trong sáu đường phiền não

Trải qua vô số kiếp

Đầu, giữa, cuối không ngủ

Kinh hành tu đạo đức

Kỉnh tâm tự giác ngộ

Lìa chấp trước ba hữu

Hạnh nguyện xưa của Phật

Không xả thủ diệt độ

Một thân, một thần thức

Giống mình không có khác

Cực khổ trong số kiếp

Tinh thần bị suy sụp

Vì họ, không vì mình

Nên được thành Phật đạo

Ta là Nhất thiết trí

Dạy cho người chưa dạy

Huệ thông không chấp trước

Một tiếng dứt nghi ngờ

Ba đời Tu-đà-hoàn

Đạt đến đạo vô vi

Huống chi người đệ nhất

Theo Phật không còn nghi

Các đệ tử của Ta

Hữu học và vô học

Tứ đẳng cứu vớt khổ

Không khởi, không sanh diệt

Vốn do tư tưởng sanh

Lại do tư tưởng diệt

Phi ngã tư tưởng sanh

Phi ngã tư tưởng diệt

Hành vốn do có căn

Trôi nổi chẳng một mối

Căn đoạn dứt tư tưởng

Không còn niệm căn bản

Khi Thế tôn nói kệ xong, có mười hai na-do-tha chúng sanh đều phát tâm đạo bình đẳng vô thượng.

***

PHẨM THỨ 23: Ý

Bấy giờ trong hội chúng có Bồ tát tên Căn Liên Hoa, huệ thí vô ngại, thực hành bốn tâm bình đẳng kiên cố khó lay động, đi đứng nằm ngồi không mất oai nghi lễ độ. Từ vô số kiếp đến nay luôn tu hành phạm hạnh, thiền định không tán loạn, phân biệt rõ ràng về thiện ác, quán sát chúng sanh có tâm dâm nộ si hay không có tâm dâm nộ si. Dù nhiều hay ít gì cũng đều biết rõ, dạo đi qua các cõi Phật, cúng dường phụng thờ chư Phật Thế tôn. Khéo dùng phương tiện thị hiện vô thường, vô ngã, vô thân, vô thọ mạng, vô nhân; đi biết đi, đứng biết đứng, có lòng từ bi thương xót hết thảy mọi loài.

Khi ấy Bồ tát Căn Liên Hoa đứng dậy, trịch bày vai phải, gối phải sát đất, chấp tay thưa trước Phật:

– Lành thay, bạch Thế tôn!

Ý của bốn đạo ở chỗ nào?

Ý hữu vi hay ý vô vi?

Ý là quả hay ý là phi quả?

Ý là hữu đối hay vô đối?

Ý có thể thấy hay không thể thấy?

Ý là quá khứ, vị lai, hiện tại hay chẳng phải quá khứ, vị lai, hiện tại?

Ý là pháp của tiên nhơn, hay chẳng phải pháp của tiên nhơn?

Ý là pháp hữu vi hay là pháp vô vi?

Ý là pháp hữu lậu hay là pháp vô lậu?

Đối với quả báo ba pháp thì ý ở đâu?

Ý ở trong đen hay quả báo đen?

Ý ở trong trắng hay quả báo trắng?

Ý ở trong không đen không trắng, hay trong quả báo không đen không trắng?

Ý ở hành pháp thô, hay hành pháp tế?

Thế tôn dạy Bồ tát Căn Liên Hoa:

– Lành thay! Lành thay! Này Bồ tát Căn Liên Hoa! Nghĩa mà ông hỏi là thương xót tất cả, khai hóa pháp tâm ý thức cho chúng sanh, thị hiện ánh sáng cho người mù tối. Nay ông hãy lắng nghe cho rõ, suy nghĩ thật kỹ.

Bấy giờ Thế tôn nói kệ:

– Tối thắng không ai bằng

Thanh tịnh không vết dơ

Mặt đẹp như hoa sen

Không bị bụi làm dơ

Sống ở đời hữu vi

Bị khổ nạn ba cõi

Ta không, kia cũng không

Ý tịch không tâm thức

Như nước trong đồ đựng

Tùy theo tướng của vật

Quá khứ vốn chẳng có

Hiện tại hành thiện ác

Vị lai pháp sẽ hoại

Ý này vốn chẳng phải

Bồ tát hành đại bi

Cũng hiện đối – vô đối

Rửa trừ bệnh dơ nhớp

An ổn đạo cứu cánh

Người bị năm cái che

Khiến tâm bị chướng ngại

Như trời chiếu thiên hạ

Thường bị năm việc che

Khói bụi trần Tu-luân

Bít lấp pháp căn môn

Ý vốn không thiện ác

Theo hành động đã tạo

Tịch diệt, không, vô pháp

Như nhánh nhiều trái, gãy

Ví như cây chuối ấy

Lột mãi không có lõi

Thân người do bốn đại

Tìm ý không ý căn

Ý ở trong ba đời

Ba đời không có ý

Phân biệt thức tâm pháp

Tìm cầu không thật có

Ý pháp không hình tướng

Không thể nói ý ấy

Tâm nghĩ rất nhiều điều

Sanh diệt không đứt đoạn

Quá khứ nghĩ thiện ác

Vị lai sẽ thọ báo

Hiện tại hành đã đủ

Ý tạo chẳng phải ai

Một niệm chín mươi ức

Nghiệp có thiện có ác

Chỉ một niệm tạo ra

Diệt trừ không thể hết

Huống chi ngày tháng kiếp

Nghiệp thiện ác đã tạo

Người trí sẽ hộ thân

Kiên cố không lay động

Như kẻ phạm tội kia

Bưng bát dầu đầy tràn

Nếu rớt một giọt dầu

Càng thêm bị tội lớn

Hai bên trỗi âm nhạc

Sợ chết không dám nhìn

Bồ tát tu tịnh quán

Giữ ý như kim cang

Chê khen và não loạn

Tâm ý không lay động

Hiểu không xưa nay tịnh

Không kia, đây, chặng giữa

Pháp chơn như bốn đế

Hướng đến cửa Niết-bàn

Những việc xưa Ta tạo

Kết nối gốc thân căn

Chẳng tính thầy, đệ tử

Có thể tính đếm được

Vô số ức ngàn kiếp

Đem thân đền nợ tội

Thân voi ngựa lục súc

Không được sanh làm người

Dù được làm thân người

Bị điếc, đui, câm, ngọng

Phật hiện chiếu thế gian

Biên địa không thấy Phật

Khổ năm vạc nước sôi

Thuần ác không nghe thiện

Điên đảo theo tà pháp

Trong chơn tánh đạo suy

Ta từ vô số kiếp

Giữ hạnh như bát dầu

Yêu thân tự giữ gìn

Đưa đến chỗ vô úy

Chín mươi sáu loại đạo

Như đom đóm trong đêm

Phật nhật chiếu thế gian

Trừ bỏ các tối tăm

Có Phật người đời vui

Có thuốc người bệnh vui

Có bảo người nghèo vui

Thành Phật Niết-bàn vui

Khổ hạnh nhẫn nhục vui

Ta không chấp sắc vui

Xan tham bố thí vui

Giữ giới không phạm vui

Được nghe Phật dạy vui

Tư duy thiền định vui

Hữu – vô bình đẳng vui

Khó gặp được gặp vui

Địa ngục bát nạn khổ

Vô cứu đệ nhất khổ

Hạt giống mục nát khổ

Gieo mạ không lên khổ

Sanh thiên rồi đọa khổ

Chánh kiến đảo điên khổ

Rồng Nan, bạt nan khổ

Quấn núi Tu Di khổ

Kiếp thiêu lửa cháy khổ

Trạo hối cầu Phật khổ

Nhất hạnh hướng nhất đạo

Nhất tâm không thối lui

Một thân tu đạo đức

Cuối cùng thành nhất thật

Tu nhất, không lìa nhất

Đoan nghiêm nhất biết nhất

Giữ nhất, không lìa nhất

Nên nói đi một mình.

Khi Thế tôn nói kệ này, có mười sáu na-do-tha chúng sanh đạt được dấu đạo ban đầu, trừ bỏ trần cấu, đắc pháp nhãn tịnh, với Vô sở trước nhập vào định tam muội.

***

PHẨM THỨ 24: ĐỊNH Ý

Bấy giờ trong hội chúng có Bồ tát tên Trì Không, đầy đủ tướng tốt, nhập vào bốn pháp môn, biện tài số một, tu trì cõi Phật, mỗi cõi Phật đều lưu thân lại để giáo hóa, thị hiện sanh diệt tùy theo căn cơ cao thấp của con người, âm thanh nói năng có khi ngọt có khi đắng, nói rõ ràng về quá khứ, vị lai, hiện tại. Ở trước mặt người hỏi thì một khi trả lời bằng vạn ý, ý nghĩa thâm thúy khó có thể lường được.

Bấy giờ, Bồ tát Trì Không đứng dậy, trịch bày vai phải, gối phải sát đất, thưa trước Thế tôn:

– Bồ tát làm thế nào để độ chúng sanh khổ đau?

Phật dạy Bồ tát Trì Không:

– Bồ tát làm thế nào để chúng sanh nghe tiếng khổ, hạnh khổ thì khổ đoạn, khổ diệt, không còn thấy nguồn gốc của khổ nữa. Con đường đưa đến khổ là do ân ái sanh ra, những sợi dây ân ái làm trói buộc tâm người. Lấy hai mươi pháp hạnh làm thuốc trị liệu, không còn theo gốc khổ, chất chứa hành nghiệp nhiều kiếp, diệt rồi sanh trở lại. Chúng sanh tà kiến cho là đạo chân thật, chuyển nhập định ý tam muội thanh tịnh. Thanh tịnh không vết dơ, không kia không đây. Tâm thức khai ngộ, dần dần được định ý. Lành thay sự lợi ích của Ta, an ổn khoái lạc không gì bằng. Tâm ý thức bị trói buộc lần lần mở ra, gọi đó là đạo chân thật, còn đây chẳng phải đạo chân thật. Vì sao? – Vì pháp hư ngụy lừa dối chẳng phải bổn hạnh của Phật. Những gì xưa kia chư Phật hành là chân thật. Ngoài Ta ra, không có pháp chân thật nào hơn những pháp mà Phật đã hành, đó là bốn bất tư nghì. Bốn bất tư nghì là gì?

– Bồ tát giữ ý có thể làm cho ba ngàn đại thiên thế giới cõi Phật đều bằng bảy báu, rồi làm trở lại như cũ. Đó là bất tư nghì thứ nhất.

– Như Ta ngày nay ở trong bào thai mẹ dẫn dắt cho vô lượng a tăng kỳ chúng sanh, người chưa độ được độ, người chưa đến được đến, trừ bỏ đi những dơ bẩn để đạt đến vô cấu. Đó là bất tư nghì thứ hai.

– Xưa kia Ta thệ nguyện cốt yếu là độ người đau khổ để đến nơi không còn khổ. Một người khổ, chưa độ được thì Ta không bao giờ vào Niết-bàn. Đó là bất tư nghì thứ ba.

– Thân Phật vô lượng, Đông – Tây – Nam – Bắc có thể dung chứa hết. Một mình không có bạn bè, tự tánh pháp không, quán chúng sanh rồi tự quán tánh của mình, đây đẹp kia xấu, đây tịnh kia bất tịnh, đây là địa thủy hỏa phong, đây là của ta, kia chẳng phải là của ta, đây khổ kia không khổ, đây vui kia không vui, đây thường kia vô thường, đây là đời này kia là đời sau, làm phước được phước, tạo tội chịu tội.

Khi ấy Thế tôn nói kệ:

– Thân như tro, đất, phân

Do bốn đại tạo thành

Không phong thủy trang nghiêm

Thì địa thủy ly tan

Hỏa diệt trong chốc lát

Thì thức không chỗ trụ

Tội nhiều chứa gốc khổ

Đây do thức tạo nên

Nay Ta biết bổn thức

Bỏ ngươi, ngươi không thật

Vải năm màu rực rỡ

Làm hư hoại tâm người

Như người thở ra vào

Hành pháp không dừng lâu

Hiểu biết vô thường, khổ

Không đây, kia, chặng giữa

Một tiếng ứng vạn ức

Hiển bày giáo đệ nhất

Thân vô thường, khổ, không

Hiểu rõ các pháp tướng

Trở về trụ lục tịnh

Hiểu không, vô tướng, nguyện

Thân chẳng phải của ta

Như Phật dạy chúng sanh

Thân còn tâm thức lìa

Nếu Phật không như vậy

Làm sao phân thân dạy

Báo tội phước theo trước

Nguyện đều được thỏa mãn

Nay thọ, sau không thọ

Hiện tại cũng như vậy

Tội giết hại cha mẹ

Cũng hiện, cũng không hiện

Giống như việc đánh cầu

Thần thức bị ô nhiễm

Hoặc nghịch hoặc hối hận

Một lòng hướng Niết-bàn

Bậc đại sư vô vi

Xả thân bỏ tục lụy

Pháp vốn không nhân duyên

Quả báo như hình bóng

Như có cũng không có

Tà kiến nói chân thật

Bị lưới si quấn trói

Từ đen vào lại đen

Không phân biệt pháp trắng

Giới nhẫn có năm hạnh

Không sợ, không bị sợ

Định lực chấn đại thiên

Thắng ma như điều binh

Người cầu đạo vô thượng

Có người thối, người tiến

Như sông chảy về biển

Đến nhiều, đạt thì ít

Gặp được duyên đại bi

Thiện quyền vượt bờ kia

Phật là Nhất thiết trí

Không nhiễm, không chấp trước

Ta vốn hành nghiệp khổ

Bỏ nước, thành, vợ con

Quên cha mẹ, sư trưởng

Không tiếc thân mạng mình

Như người giữa đồng hoang

Khao khát cần nước uống

Gặp sông, suối, ao, giếng

Lấy uống không còn khát

Người thọ thân tứ đại

Có định không định xứ

Huống thức không thiện ác

Thức thọ báo rõ ràng

Nhà bảy báu trì giới

Có trăm vạn thiên nữ

Nhạc trỗi để vui chơi

Không bao giờ sầu ưu

Lực Phật Nhất thiết trí

Thấm nhuần khắp mọi người

Trước đạt năm thần thông

Nhuần gội pháp cam lồ

Xưng dương bốn cú nghĩa

Không trước, sau, chính giữa

Pháp này nối pháp khác

Thông pháp tánh trong ngoài

Những gì Ta đã tạo

Bị ác sử trói buộc

Luân hồi trong năm đường

Mà cho là nhà cửa

Cảnh trời như lửa xẹt

Tìm kiếm không có thật

Rùa mù tìm bọng cây

Có lúc còn được gặp

Một khi ta mất mạng

Ức kiếp khó lại được

Biển rộng lớn sâu thẳm

Ba trăm ba mươi sáu

Nếu quăng kim vào biển

Tìm kiếm còn khi được

Một khi ta mất thân

Khó được hơn đó nữa

Người giữ luật, trì giới

Ở đời khó gặp được

Trong ức ngàn vạn kiếp

Phật như hoa Ưu-đàm

Những chúng sanh hữu duyên

Được Phật giáo hóa đạo

Đoạn trừ các kiết sử

Vĩnh viễn không bị vướng.

Khi Phật nói kệ này xong, có hai mươi na do tha chúng sanh lập tín căn kiên cố, không còn nghi ngờ và đều phát tâm đạo chân chánh vô thượng.

***

PHẨM THỨ 25: QUANG ẢNH

Khi ấy ở trong thai, đức Thế tôn giảng rộng về đại thừa bất khả tư nghì. Vì sắp diệt độ nên Ngài thị hiện đức bóng ánh sáng, làm cho chúng hội đều cùng một màu, giống như màu vàng ròng của Phật không khác. Chư thiên, rồng, thần, A tu la, Ca lầu la, Khẩn na la, Ma hầu La Già, nhơn, phi nhơn và bốn bộ chúng Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di có người hướng đến quả, có người đã đắc quả cũng đều một màu. Ai nấy đều muốn nghe Như Lai nói về bóng ánh sáng nên định ý gây dựng công đức, giải thoát vô ngại, có bốn biện tài, ứng đối rất mau lẹ, tưởng tri đều diệt tận, cứu giúp và gánh nặng cho mọi người, đi đứng nằm ngồi không mất oai nghi. Theo pháp chư Phật thường giảng nói về khổ – tập – diệt – đạo, dìu dắt chúng sanh vào bốn ý chỉ (tứ niệm xứ), thành tựu đoạn ý, giác lực, sư tử vô úy, tám con đường của bậc Thánh, không – vô tướng – vô nguyện.

Bấy giờ, trong hội chúng có Bồ tát tên Hiền Quang, đứng dậy trịch bày vai phải, gối phải sát đất, chấp tay thưa trước Phật:

– Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật Thế tôn phóng ánh sáng này chiếu khắp ba ngàn đại thiên thế giới; ánh sáng được hóa này, có giống như Phật hóa không? Công đức của sức Phật chẳng phải một, chẳng phải hai, ánh sáng này tiếp xúc không thể cùng tận. Hai đức hạnh này có khác nhau không? Cúi xin đức Thế tôn giải thích những mối nghi ngờ để cho người chưa tin dứt hẳn hồ nghi.

Bấy giờ đức Thế tôn dạy Bồ tát Hiền Quang:

– Những điều ông hỏi đều là do thần lực của Như Lai. Vì sao? – Vì ánh sáng thần diệu của Như Lai là để cứu độ chúng sanh nên không bị chướng ngại. Từ cõi Diêm Phù Đề lên đến trời Quả Thật, ánh sáng chiếu xa, giảng nói sáu độ vô cực: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Đúng như thần lực của Phật độ thoát chúng sanh, không còn kia, không còn đây. Vô số a tăng kỳ chúng sanh được cứu độ đều là nhờ ánh sáng mát dịu của đức Phật che chở.

Khi ấy, ánh sáng tự nhiên vang tiếng nói kệ:

– Quá khứ vô số Phật

Đều phóng ánh sáng này

Mỗi mỗi vầng ánh sáng

Nói sáu độ vô cực

Giới, nhẫn, giải thoát môn

Thích pháp để tự vui

Trước nói ba không định

Kế tiếp thành tựu đạo

Những người bị ba độc

Không trói, không bị trói

Bốn mươi tám kiết sử

Không cứu, không được cứu

Chẳng thật người hành đạo

Những nơi đã trải qua

Sống an vui ba chỗ

Dấu chân thần rất quý

Đi qua rất cao thượng

Đạt đến bờ vô vi

Lập hạnh không thối chuyển

Vô úy sức oai thần

Được thần quang tiếp độ

Hơn trăm ức vạn lần

Như mỗi ánh sáng kia

Phân làm số bụi trần

Một bụi là các cõi

Vô số không thể lường

Sức Phật không cùng tận

Chẳng có cũng chẳng không

Ánh sáng giảng nói pháp

Độ thoát a tăng kỳ

Pháp thân tự nhiên không

Trong ngoài hạnh thanh tịnh

Tám vạn tư phiền não

Định tâm không tán loạn

Xưa Ta chín mươi hai

Kiếp số khó thể lường

Ngồi thẳng dưới gốc cây

Hành đạo không thối lui

Trời, người, tu luân, quỷ

Năn nỉ hỏi nghĩa Ta

Ánh sáng lại tiếp độ

Độ thoát vô ương số

Quá khứ Phật Thức Khí

Phóng ánh sáng dạy sau

Ai vào ánh sáng ấy

Tiêu diệt khổ ba độc

Tiếp Phật Duy Vệ Tôn

Thần đức không thể lường

Cũng lại phóng ánh sáng

Cứu vớt người khổ não

Câu Na Hàm Mâu Ni

Đấng ra khỏi ba cõi

Hiện ở núi Tiên nhơn

Ánh sáng luôn rực rỡ

Câu Lưu: trời trong trời

Không vướng, không bị nhiễm

Tịch diệt nhập Niết-bàn

Phóng quang sau giáo hóa

Ca Diếp Bổn Vô Tôn

Độ người không thể lường

Cũng lấy đức ánh sáng

Độ người chưa được độ

Ta, Thích Ca Mâu Ni

Nói pháp ở trong thai

Thân đây, ánh sáng kia

Biến khắp các cõi Phật

Đối với người tiểu tiết

Không thể nào lường nổi

Chỉ Phật lường được Phật

Công đức không khác nhau

Chư Phật ở vị lai

Đều hiện phóng ánh sáng

Hiện để độ chúng sanh

Ánh sáng trước, pháp sau.

Khi Thế tôn nói kệ này xong, có bảy trăm bảy mươi ức chúng sanh nghe Phật nói thần đức quang minh này, ngay tại chỗ ngồi đều phát tâm Vô thượng bình đẳng.

***

    Xem thêm:

  • Kinh Luân Vương Thất Bảo - Kinh Tạng
  • Kinh Ưu Bà Di Tịnh Hạnh Pháp Môn - Kinh Tạng
  • Kinh Tùy Cầu Tức Đắc Đại Tự Tại Đà-ra-ni - Kinh Tạng
  • Pháp Thức Thực Hành Tâm Chú Thiên Thủ Thiên Nhãn Đại Bi - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 24 – Thọ Báo - Kinh Tạng
  • Kinh Ca Diếp Tiên Nhơn Nói Phương Thuốc Cho Người Nữ - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 48 – Kinh Kosambiya (Kosambiya sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Tu Hành Bản Khởi - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Thọ Diệt Tội Và Thần Chú Bảo Hộ Các Em Bé - Kinh Tạng
  • Kinh Trường A-Hàm Phần 4 – HT Thích Tuệ Sĩ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Thọ Đề Già - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 40 - Kinh Tạng
  • Kinh Hạnh Người Cư Sĩ - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Bản Hạnh Tập Phẩm 1 Đến Phẩm 10 - Kinh Tạng
  • Phật nói Luận A Tỳ Đàm về Sự Thế Giới Thành Lập - Kinh Tạng
  • Kinh Phổ Diệu - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Thọ Vương - Kinh Tạng
  • Kinh Vô Năng Thắng Phan Vương Như Lai Trang Nghiêm Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Kinh Phương Quảng Đại Trang Nghiêm - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 4 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng