1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29

16. PHÁP HỘI BỒ TÁT KIẾN THIỆT THỨ MƯỜI SÁU

Phẩm Tự 01

 Như vậy tôi nghe, một lúc đức Phật ở tại nước Ca Tỳ La Vệ rừng Ni Cư Đà, cùng với chúng đại Tỳ Kheo ngàn hai trăm năm mươi người câu hội. Tên các Ngài là Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp, Già Gia Ca Diếp, Na Đề Ca Diếp, Ma Ha Ca Diếp, Xá Lợi Phất, Đại Mục Kiền Liên, tất cả đều là đại A La Hán các lậu đã hết không còn phiền não, tâm tự tại, tâm thiện giải thoát, huệ thiện giải thoát, như đại long tượng, chỗ làm đã xong, đều bỏ gánh nặng đến được tự lợi hết các kiết sử ở trong chánh giáo tâm được thiện giải, nơi tất cả pháp tâm không chỗ ngại, đến nơi bờ kia, tự được giải thoát và giải thoát quyến thuộc, tự được điều phục và điều phục kiến thuộc, tự được tịch định và tịch định quyến thuộc, tự được độ thoát và độ thoát quyến thuộc, tự đến bờ kia và làm quyến thuộc đến bờ, tự đến lục địa và làm quyến thuộc đến lục địa, tự được an ổn và an ổn quyến thuộc, tự được tịch diệt và tịch diệt quyến thuộc, tự phá phiền não và phá phiền não cho quyến thuộc, tự được Sa Môn và Sa Môn quyến thuộc, tự được dứt ác và dứt ác quyến thuộc, tự được Bà La Môn và Bà La Môn quyến thuộc, tự trừ ác pháp và trừ ác pháp quyến thuộc, tự biết rõ các pháp và làm quyến thuộc biết rõ, tự mình đắc độ và hay đắc độ quyến thuộc, tự đủ các đức và làm quyến thuộc đủ các đức, tự không phiền não và làm không phiền não cho quyến thuộc, tự lìa năm chi và làm quyến thuộc lìa năm chi, tự được lìa chướng và làm quyến thuộc lìa chướng, tự được tịnh ý và làm quyến thuộc được tịnh ý, tự được lục thông và làm quyến thuộc đủ lục thông, tự lìa ghét yêu giải thoát và làm quyến thuộc lìa ghét yêu giải thoát, tự thủ hộ nhất tâm và làm quyến thuộc thủ hộ nhất tâm, tự niệm môn cụ túc và làm quyến thuộc niệm môn cụ túc, tự y tứ y và làm quyến thuộc y tứ y, tự rời lìa các kiến chấp và làm cho quyến thuộc lìa kiến chấp, tự bỏ các hi vọng và làm cho quyến thuộc bỏ hi vọng, tự được tận hành và làm cho quyến thuộc tận hành, tự được sự việc xong và làm cho quyến thuộc sự việc xong, tự tu và làm cho quyến thuộc tự tu, tự không trược niệm và làm cho quyến thuộc không trược niệm, tự đoạn dứt hữu giác và làm cho quyến thuộc đoạn hữu giác, tự nương thân hành và làm cho quyến thuộc nương thân hành, tự được thích bất động và làm cho quyến thuộc thích bất động, tự tâm thiện giải thoát và làm cho quyến thuộc tâm thiện giải thoát, tự huệ thiện giải thoát và làm cho quyến thuộc huệ thiện giải thoát, tự được hiền thánh và làm cho quyến thuộc được hiền thánh, các bực như vậy đượcc rời lìa nhánh lá trù bỏ da thứa, chỉ có tâm thiệt an trú mà an trụ.

 Bấy giờ đức Thế Tôn vào lúc cuối đêm ngồi ngoài đất trống, chúng Tỳ Kheo vây quanh bốn mặt.

 Đức Thế Tôn quan sát chúng Tỳ Kheo rồi bảo rằng: “Các ông dò tìm một người có thể đến giáo hóa Tịnh Phạn Vương”.

 Huệ Mạng A Nhã Kiều Trần Như đứng dậy trịch y vai hữu gối hữu chấm đất chắp tay tác lễ rồi bạch Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn!

 Tôi đến giáo hóa Tịnh Phạn Vương được chăng?”.

 Đức Phật nói: “Thôi, nầy Kiều Trần Như! Nay ông đầy đủ đức của bực đại sư chẳng nên đến đó”.

 Các Ngài Huệ Mạng Bà Sáp Mô, Gia Du Đà, Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp, Ma Ha Ca Diếp, Xá Lợi Phất, Đại Mục Kiền Liên đều lần lượt bạch Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Tôi có thể đến giáo hóa Tịnh Phạn Vương”.

 Đức Phật nói: “Thôi, các ông đều đầy đủ pháp tôn trọng của bực đại sư chẳng nên đến đó giáo hóa”.

 Tôn giả Đại Mục Kiền Liên tự nghĩ nay đức Thế Tôn muốn ai đến giáo hóa Tịnh Phạn vương? Nghĩ xong liền nhập như thiệt tam muội, dùng sức tam muội trang nghiêm tâm mình liền thấy được ý của Phật muốn Huệ Mạng Ca Lưu Đà Di đến giáo hóa Tịnh Phạn Vương. Ví như trong cửa sổ lầu gác nhiều từng, ánh sáng mặt nhựt chiếu vào vách phía Tây, Đại Mục Kiền Liên thấy tâm của Phật chuyên ở Ca Lưu Đà Di muốn bảo đi giáo hóa phụ vương cũng như vậy.

 Tôn giả Đại Mục Kiền Liên xuất định đến chỗ Tôn giả Ca Lưu Đà Di mà nói rằng: “Tâm niệm của Thế Tôn biết Ngài có thể giáo hóa Tịnh Phạn Vương, nay Ngài phát đại dũng mãnh mau đến giáo hóa”.

 Tôn giả Ca Lưu Đà Di nói: “Thứ dân còn khó giáo hóa huống là quốc vương. Tại sao? Đại Vương dòng Sát Lợi Quán Đảnh có sức tự tại khó giáo hóa được. Ví như chứa họp củi khô hoặc hai năm ba năm đến ngàn năm, củi tích chứa lâu năm như vậy rất là khô ráo, bấy giờ có người phóng hỏa đốt thành ngọn lửa lớn. Thưa Ngài Đại Mục Kiền Liên! Khối lửa ấy chừng có lớn chăng?”.

 Tôn giả Đại Mục Kiền Liên nói: “Rất lớn”.

 Tôn giả Ca Lưu Đà Di nói: “Nếu lại có người đem vô lượng dầu tô tưới vào, khối lửa ấy có thêm thạnh chăng?”.

 Tôn giả Đại Mục Kiền Liên nói: “Càng thạnh hơn gấp bội”.

 Tôn giả Ca Lưu Đà Di nói: “Có thể đến gần khối lửa ấy chăng?”.

 Tôn giả Đại Mục Kiền Liên nói: “Khó gần được”.

 Tôn giả Ca Lưu Đà Di nói: “Đại Vương dòng Sát Lợi Quán Đảnh ấy, khó có thể giáo hóa, khó đến gần cũng như vậy.

 Thưa Ngài Đại Mục Kiền Liên! Ví như ngà của voi cuồng có nên đụng chạm được chăng?”.

 Tôn giả Đại Mục Kiền Liên nói: “Chẳng nên đụng chạm”.

 Tôn giả Ca Lưu Đà Di nói: “Đại Vương dòng Sát Lợi Quán Đảnh khó giáo hóa được cũng như vậy”.

 Tôn giả Đại Mục Kiền Liên nói: “Đức Thế Tôn tâm niệm biết Ngài có khả năng đến giáo hóa Tịnh Phạn Vương vậy”.

 Tôn giả Ca Lưu Đà Di nói: “Có thiệt đức Thế Tôn nghĩ rằng tôi có khả năng đến giáo hóa Tịnh Phạn Vương chăng?”.

 Tôn giả Đại Mục Kiền Liên nói: “Đức Thế Tôn thiệt nghĩ đến Ngài cho rằng Ngài có khả năng giáo hóa được Phụ Vương”.

 Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Ca Lưu Đà Di rằng: “Ông nên vào thành giáo hóa Phụ Vương. Chỉ có Phật và ông là có thể giáo hóa được Tịnh Phạn Vương thôi.

 Nầy Ca Lưu Đà Di! Trong hàng Thanh Văn đệ tử Phật, ông là người có khả năng đệ nhứt về việc giáo hóa các ấp tụ lạc”.

 Đức Thế Tôn liền nói kệ tụng bảo Ca Lưu Đà Di rằng:

 “Lắng nghe Ưu Đà Di

 Ông hay giáo hóa giỏi

 Quyết khiến dòng Thích mừng

 Đến hóa Tối Thắng Vương

 Lúc vua được tỏ ngộ

 Lợi ích hàng Trời Người

 Quyết được đến bờ kia

 Ông nên mau đến hóa

 Tịnh Phạn Vương dòng Thích

 Nay lòng hờn loạn trược

 Niệm huệ chẳng hiện hành

 Dường như té gộp cao

 Luyến tiếc nơi ngôi cao

 Tâm huệ mê mất hết

 hư người buôn mất vốn

 Vói nhớ sanh khổ nhiều

 Như trời mất cung điện

 Luyến nhớ ngũ dục lạc

 Chưa biết Phật chánh pháp

 Buồn rầu rất não loạn

 Tự nghĩ mất thất bửu

 Và bốn cấp nhơn gian

 Nhớ đến ngôi Thánh Vương

 Miệng thốt lời phi pháp

 Có lúc vua buồn loạn

 Chẳng biết mình và người

 Như quỉ đoạt tinh hồn

 Nắm giữ lấy thân người

 Như tại núi Kê La

 Tất cả không chỗ thấy

 Não hận ấy che chướng

 Nên thấy lại chẳng thấy

 Cũng như ngủ mê chết

 Tâm mình chẳng tự biết

 Bị lo hờn mê chướng

 Vua chẳng biết tự mừng

 Như người vợ chết chồng

 Buồn khóc sanh lo khổ

 Nay vua si não loạn

 Buồn thương sanh khổ lớn

 Ông có phương tiện giỏi

 Đến hóa Tịnh Phạn Vương

 Xô ngã tràng tà mạn

 Kiến lập đèn chánh pháp

 Không còn ai hóa được

 Tịnh Phạn Đại Vương ấy

 Chỉ có Ưu Bà Di

 Thuở trước từng đồng hành

 Ưu Bà Di nên biết

 Từng có đại Quốc Vương

 Tên là Tăng Trưởng Thiệt

 Danh tiếng chấn mười phương

 Như pháp làm Quốc Vương

 Tất cả đều quy hóa

 Dùng chánh pháp trị dân

 Vua lãnh tứ thiên hạ

 Trong ấy đầy thành ấp

 Vườn tược bông trái thơm

 Nhiều những chúng hiền thánh

 Không có người tạp ác

 Rừng tốt rất trù mật

 Đất sạch không gai góc

 Rất nhiều thứ tịnh diệu

 Ao hoa trang nghiêm đẹp

 Nhơn dân rất đông giầu

 Bỏ ác ăn ở lành

 Đóng các cửa ác thú

 Quyết lên thiên đạo tốt

 Xưa vua ấy có con

 Từng cúng dường nhiều Phật

 Tu đủ các căn lành

 Tròn đầy những công đức

 Tên là Diệu Kiên Huệ

 Được nhiều người hầu hạ

 Thường thấy lỗi ngũ dục

 Bỏ nhà ưa nhàn tĩnh

 Phụ Vương bảo Vương Tử

 Con nên thọ ngũ dục

 Thể nữ tự vui chơi

 Ở cung điện báu đẹp

 Cha sắm sửa cho con

 Đồ chơi không hề thiếu

 Sao con chẳng thọ vui

 Con nên nói ý con

 Biết các loài lành tốt

 Trong cung báu của con

 Gái báu thường vây quanh

 Cảnh tốt rất đáng vui

 Chư tiên nhơn ở rừng

 Còn bỏ trở về nhà

 Thọ các vui nữ sắc

 Huống con không thiếu thốn

 Chúng thể nữ vây quanh

 Vua quan đều tùy tùng

 Cung điện như thiên cung

 Nên thọ ngũ dục lạc

 Cung nữ rất đẹp xinh

 Chẳng khác gì thiên nữ

 Múa ca đánh nhạc hay

 Có thể tùy ý vui

 Mắt như lá ưu ba

 Môi đỏ như ngậm son

 Mặt tròn mày rộng đen

 Trán bằng cổ cao ngấn

 Tay thẳng đầy tròn trịa

 Đẹp như vòi tượng vương

 Bàn tay màu hoa sen

 Ngón tròn vót mềm đẹp

 Lưỡi mỏng rộng đỏ hồng

 Lời hay như cam lộ

 Răng trắng trong kín đều

 Chuỗi ngọc y phục báu

 Rún sâu chẳng hiện bụng

 Lưng như chày kim cương

 Vế đùi mêm tròn thẳng

 Không khác đùi lộc vương

 Bước đi như nga vương

 Thảy đều nhìn ngó con

 Tuổi trai tráng đáng yêu

 Có thể nối dòng dõi

 Con và các người đẹp

 Như hoa xuân nở tốt

 Trai tráng tuổi chưa gìa

 Phải mau thọ dục lạc

 Kiên Huệ bạch Phụ Vương

 Cha nói phi chánh lý

 Nếu có lời đúng pháp

 Truyền bảo chẳng dám trái

 Nay cha nghe con nói

 Lời lành và chơn thiệt

 Nhẫn đến trong giấc mơ

 Chẳng có ý tưởng dục

 Nay lời nói của cha

 Người trí chẳng bằng lòng

 Kẻ ngu thích dục lạc

 Người sáng thì thường nhàm

 Sao có người mắt sáng

 Khen người mù dẫn đường

 Đâu có người giải thoát

 Mà lại ưa ngục tù

 Đâu có người an lạc

 Lại khen tặng sự khổ

 Ý con xem Phụ Vương

 Như kẻ mù chìm tù

 Như mộng thọ ngũ dục

 Lại bị dục nhận chìm

 Phụ Vương như đui mù

 Mắt con sáng thấy rõ

 Cha bị dục cuốn trôi

 Nay con rất nhàm chán

 Dục như chén thuốc độc

 Cũng như đầu rắn độc

 Như mũi dao gươm bén

 Cũng như khối lửa lớn

 Lúc vua quan khuyên bảo

 Kiên Huệ đều chẳng nghe

 Bỏ cha và quốc độ

 Rời dục mà xuất gia

 Như rắn lột da cũ

 Cũng như bỏ mũi dãi

 Rời xa những lỗi ác

 Tuyệt hi vọng xuất gia

 Lúc Kiên Huệ bỏ tục

 Có một quan chức trẻ

 Người ấy tên Nguyệt Thí

 Bỏ nhà theo Kiên Huệ

 Đồng tử xuất gia rồi

 Và cùng quan trẻ kia

 Thành tựu bốn phạm trụ

 Đầy đủ ngũ thần thông

 Thấy rõ lỗi ngũ dục

 Siêu tuyệt nơi dục giới

 Chuyển chánh diệu pháp luân

 Sanh chẳng lên Phạm Thiên

 Đồng tử xuất gia rồi

 Phụ Vương lòng ghét giận

 Nguyệt Thí đến chỗ vua

 Giáo hóa cho vua mừng

 Ưu Đà Di nên biết

 Thuở xưa kia Kiên Huệ

 Rời xa nơi ngũ dục

 Nay chính là thân ta

 Ưu Đà Di nên biết

 Vua Tăng Thiệt xưa kia

 Đâu phải ai xa lạ

 Là Tịnh Phạn Vương vậy

 Ưu Đà Di nên biết

 Người theo ta xuất gia

 Nguyệt Thí là thân ông

 Đã từng hóa Tăng Thiệt

 Thế nên Ưu Đà Di

 Nay nên hóa Phụ Vương

 Quyết có lợi ích lớn

 Vì xưa đã giáo hóa”.

 Tôn giả Ưu Đà Di nghe lời phán dạy của Phật liền nín lặng lãnh nhận.

 Lúc đó Ưu Đà Di qua đêm đến sáng vào giờ khất thực đắp y mang bát đi vào thành Ca Tỳ La. Có hơn ngàn người dòng thích Ca tập họp tại vương môn đều có chỗ cần.

 Vua Tịnh Phạn Vương nghe Phật Như Lai đến thành Ca Tỳ La tại rừng Ni Cư, Vương sanh lòng ghét hờn rằng: Đức con ấy xuất gia chối bỏ chủng tộc giàu sang ta. Nếu nó ở nhà sẽ nối ngôi Kim Luân cai trị tứ thiên hạ thống lãnh đúng pháp nhơn dân không nghịch mạng, đầy đủ bảy báu: luân bửu, tượng bửu, mã bửu, ma ni bửu, nữ bửu, chủ tạng thần bửu, đạo sư bửu, ngàn con trai dũng kiện, dung nhan xinh đẹp có khả năng dẹp cường địch bảo hộ tứ thiên hạ, chẳng dùng vũ khí ngự trị quốc độ, chỉ trị chánh đúng pháp tự nhiên thái bình. Ta được làm Luân Vương tự tại khoái lạc, họ phải tôn trọng cúng dường cho ta, vì đức con ấy xuất gia nên những sự đáng lẽ được ấy mà đều mất cả.

 Tịnh Phạn Vương nghĩ như vậy rồi truyền cho dòng Thích: Tất cả mọi người chẳng được đến chỗ con ta ở kính tin nghe pháp, nếu có ai phạm sẽ chém đầu.

 Bấy giờ có người dòng Thích tên Hỉ Diện chẳng ở trong chúng chẳng nghe lệnh Vương, thấy Tôn giả Ưu Đà Di liền đến cúi đầu thưa: “Tôn giả mới đến, được bình an chăng? Đức Thế Tôn an vui ít bịnh ít não đi đứng nhanh nhẹ đi đường chẳng mệt ăn uống chẳng thiếu chăng?”.

 Tôn giả Ưu Đà Di báo Hỉ Diện rằng: “Đức Như Lai an lạc ít bịnh ít não đi đứng nhanh nhẹ đi đường chẳng mệt uống ăn chẳng thiếu”.

 Có người dòng Thích tên Thiện Giác thấy Hỉ Diện cùng Tôn giả Ưu Đà Di tại chỗ vắng nói chuyện, cũng đến thưa rằng: “Đại Đức từ xa đến được an lành chăng? Đức Thế Tôn đi đứng an lạc ít bịnh ít não đi đường chẳng mệt ăn uống chẳng thiếu chăng?”.

 Tôn giả Ưu Đà Di báo Thiện Giác rằng: “Đức Như Lai thánh ngự an lạc ít bịnh ít não đi đường chẳng mệt ăn uống chẳng thiếu”.

 Lại có hai người dòng Thích tên Vô Ưu và Ly Ưu thấy Hỉ Diện và Thiện Giác cùng Ưu Đà Di ở chỗ vắng nói chuyện, hai người cũng đến chào đón hỏi thăm như trên rồi tiếp hỏi: “Bạch Đại Đức! Đức Như Lai ở trên đường đi cớ sao không thiếu?”.

 Tôn giả Ưu Đà Di báo với Vô Ưu và Ly Ưu rằng: “Do Tứ Thiên Vương, Thiên Đế Thích, Phạm Thiên Vương và chư Thiên thường đến cúng dường nên chẳng thiếu vậy”.

 Các người dòng Thích ấy đồng thưa rằng: “Bạch Đại Đức Ưu Đà Di! Chúng tôi đều muốn đến chỗ đức Phật Thế Tôn cúng dường nghe pháp mà sợ chẳng được. Vì Tịnh Phạn Vương có sắc lịnh nghiêm cấm tất cả người dòng Thích. Nếu ai vi phạm sẽ bị chém đầu”.

 Tôn giả Ưu Đà Di nghe nói bèn nghĩ rằng đây là Phụ Vương rất oán hận, tôi phải dùng phương tiện để đến chỗ vương.

 Tôn giả Ưu Đà Di liền nhập như thiệt tam muội, dùng sức tam muội trang nghiêm tâm mình, lại dùng thần lực bay cao bằng bảy cây đa la, ngồi kiết già trên hư không rồi bay đến chỗ Tịnh Phạn Vương. Nhà vua ngó thấy liền rời chỗ ngồi chắp tay cung kính hướng về Ưu Đà Di mà nói kệ rằng:

 “Đại Sư ca sa từ đâu đến

 Thành tựu oai nghi khó được thấy

 Nếu có cần gì xin nói mau

 Nay tôi thành tâm quyết phụng cấp”.

 Tôn giả Ưu Đà Di nói kệ đáp Vương rằng:

 “Tôi là con của con Đại Vương

 Đại Vương là Tổ phụ của tôi

 Tôi vì Như Lai đi khất thực

 Được đồ ăn sẽ về dâng Phật

 Hôm nay Đại Vương được lợi lành

 Con vua là đấng Tối Tôn Thượng

 Oai đức quang minh chiếu mười phương

 Như trăng rằm mặt nhựt giữa trưa

 Như mặt nhựt không gian chẳng mây mù

 Ánh sánh chói chang đều chiếu khắp

 Đấng Tối Thắng con trai Đại Vương

 Oai đức danh tiếng vang mười phương

 Dường trăng đêm thu lúc mới mọc

 Che lấp lửa đóm khắp soi sáng

 Đấng Tối Thắng con trai Đại Vương

 Hàng phục ngoại đạo riêng chói sáng

 Như giữa trưa mặt nhựt chói chang

 Tinh tú bị lấn nên chẳng hiện

 Đấng Tối Thắng con trai Đại Vương

 Hàng phục ngoại đạo tự mình sáng

 Như giữa trưa mặt nhựt lấn trăng

 Làm mặt nguyệt mất sáng chẳng hiện

 Con trai Đại Vương phục ngoại đạo

 Như mặt nhựt sáng làm trăng ẩn

 Như cầm thú nghe sư tử rống

 Thủy lục không hành tan về hang

 Sợ chạy đào tẩu mê phương hướng

 Vì tiếng sư tử khó chịu đựng

 Đại Thánh Như Lai lúc gầm rống

 Tà ngoại được nghe tiếng vô ngã

 Dầu kẻ vô tri đến hữu đảnh

 Nghe tiếng vô ngã thảy đều sợ

 Trong Nhơn Thiên kẻ ngu si mù

 Như Lai mắt sáng chỉ đường họ

 Vì họ làm đèn trừ tối tăm

 Phát khởi trí sáng tối vô thượng

 Chánh tà bình đẳng chẳng bình đẳng

 Dạy bảo thế gian đạo phi đạo

 Vì người lạc đường chỉ đúng đường

 Từ bùn dục nhiễm vớt ra khỏi

 Như mây bao phủ ao khô cạn

 Mưa tuôn đầy tràn ruộng ướt đều

 Con trai Đại Vương đấng Tối Thắng

 Gầy dựng mưa pháp nhuận Trời Người

 Như nước thấm đất và núi sông

 Cùng trăm giống cỏ rừng cây cối

 Cỏ thuốc cây cành và dây leo

 Hoa thơm đua nở khắp núi đẹp

 Đấng đủ thập lực tứ vô úy

 Đầy đủ mười tám pháp bất cộng

 Trái Nhứt thiết trí hoa trang nghiêm

 Con trai Đại Vương thân vi diệu

 Như núi Tu Di ở giữa biển

 Nghiêm tốt bất động trời thích ở

 Con trai Đại Vương đấng Thiện Thệ

 Trong biển Sa Môn tối đệ nhứt

 Đao Lợi Thiên Chúa Xá Chỉ Phu

 Trong chúng chư Thiên kỳ diệu nhứt

 Con trai Đại Vương đấng Thế Tôn

 Trong chúng Sa Môn kỳ diệu nhứt

 Tuyên nói bí áo pháp thậm thâm

 Dùng điện đại bi chiếu khắp chỗ

 Như Lai Long Vương tuôn mưa pháp

 Niệm xứ nước ao chảy chậm xuống

 Oai đức trì giới như mặt nhựt

 Dùng sức tam muội trừ mê tối

 Sáng trí huệ dứt phiền não ái

 Mặt nhựt Đại Thánh chiếu thế gian

 Đầy đủ niệm xứ báu ma ni

 Thuyền bè giới định qua bỉ ngạn

 Giác chi gươm báu thiền tràn đầy

 Lại cầu vô ưu vào biển Phật

 Rễ giới thanh tịnh chắc khó động

 Tam muội lá cây cành niệm xứ

 Thất giác hoa không thân cây cứng

 Vô ngã kiên cố thành cây Phật

 Đi trong rừng giới người đại lực

 Tam muội điều phục nương núi đức

 Ba môn giải thoát làm cảnh giới

 Phật thập trí lực là Vương Tử

 Chánh kiến vô trước đấng Thế Tôn

 Hàng phục cường địch đại Pháp Vương

 Khủng bố tất cả các ngoại đạo

 Con trai Đại Vương đấng vô úy

 Tịnh giới đức tạng diệu trang nghiêm

 Thiền định tịch diệt y phục báu

 Thế Tôn đủ trí cảnh giải thoát

 Bố thí tài vật như trưởng giả

 Xa lìa các ác họp những lành

 Gốc thiện huệ diệt các phiền não

 Trí huệ thí phát cho Trời Người

 Con trai Đại Vương đấng chói sáng

 Mây giới trời huệ dùng làm chớp

 Tám sợi tơ mưa hay nhuần thấm

 Thế Tôn giúp ích mầm mạ tốt

 Vương Tử dường như rồng lớn mưa”.

 Tịnh Phạn Vương nói kệ hỏi rằng:

 “Thắng Sĩ đến đây an lạc chăng

 Đến như uống ăn không thiếu thốn

 Thân không mỏi mệt giường nệm chiếu

 Như hoa bờ sông chẳng héo úa?”.

 Tôn giả Ưu Đà Di nói kệ đáp rằng:

 “Cảnh giới thiền định đủ thần lực

 Thân tâm an lạc khắp đầy đủ

 Thế Tôn tinh thần trụ tịch tĩnh

 Dường như sen vàng chẳng khô khan”.

 Tịnh Phạn Vương nói kệ hỏi rằng:

 “Xưa dùng cờ trống tự cảnh tỉnh

 Âm nhạc tranh sắc cùng tiêu sáo

 Kỹ nữ xinh đẹp để tự vui

 Nay ở rừng vắng chẳng khổ ư?”.

 Tôn giả Ưu Đà Di nói kệ đáp rằng:

 “Thiền định tịch tĩnh làm cảnh giới

 Khéo hay tu học tam muội vui

 Đi đứng ngồi nằm tu pháp lành

 Tâm thường mừng vui không khổ não”.

 Tịnh Phạn Vương nói kệ hỏi rằng:

 “Giường báu vô giá thường nằm an

 Lúc ngủ gái đẹp luôn hầu cạnh

 Giáp vòng trần thiết nhiều đèn sáng

 Vậy sao nằm tối chẳng buồn bực?”.

 Tôn giả Ưu Đà Di nói kệ đáp rằng:

 “Lúc ngủ Thế Tôn nằm giường thánh

 Nệm êm là từ gối mềm bi

 Phật an trụ hỉ tâm thường vui

 Bỏ ba cõi khổ chẳng buồn bực”.

 Tịnh Phạn Vương nói kệ hỏi rằng:

 “Hàng Thích chủng mạnh thường vây quanh

 Học rộng thông thái dùng làm bạn

 Lớn khôn trong cung điện nguy nga

 Vậy sao ngày nay thích rừng vắng?”.

 Tôn giả Ưu Đà Di nói kệ đáp rằng:

 “Như pháp sanh con luôn kề cận

 Đồng tu chỉ định ở tại bên

 Lòng ưa rừng vắng tu thiền định

 Đạo sư vô úy thích nuí rừng”.

 Tịnh Phạn Vương nói kệ hỏi rằng:

 “Đồng tử ngày xưa lúc ở cung

 Dùng ao tắm trời để tắm gội

 Cũng dùng dầu thơm thoa thân mình

 Nay ở trong rừng ai tắm cho?”.

 Tôn giả Ưu Đà Di nói kệ đáp rằng:

 “Nước ao các pháp bờ giới lành

 Thế Tôn tự tắm và tắm người

 Mình cùng các con nổi chẳng ướt

 Tự độ đã xong độ quần sanh”.

 Tịnh Phạn Vương nói kệ hỏi rằng:

 “Ngày xưa hương thơm thường ướp thân

 Chỉ vàng châu ngọc để trang nghiêm

 Thường mặc thiên tử báu

 Nay ở trong rừng trang sức gì?”.

 Tôn giả Ưu Đà Di nói kệ đáp rằng:

 “Tràng hoa công đức hương ướp giới

 Anh lạc thiền định y tàm quí

 Trí huệ giải thoát tự trang nghiêm

 Ánh sáng oai đức chiếu khắp rừng”.

 Tịnh Phạn Vương nói kệ hỏi rằng:

 “Xưa dùng dao gươm cung tên mâu

 Dũng sĩ cầm mang luôn phòng vệ

 Cũng dùng lọng báu thường chen trên

 Nay ở rừng vắng ai hộ vệ?”.

 Tôn giả Ưu Đà Di nói kệ đáp rằng:

 “Từ bi nhẫn nhục tự phòng vệ

 Đệ tử Thanh Văn quyến thuộc mạnh

 Dùng công đức lành quyết không sợ

 Thập lực hùng mãnh tứ vô úy”.

 Tịnh Phạn Vương nói kệ khen rằng:

 “Lành thay khéo nói đức con tôi

 Lâu tu pháp lành chẳng thối chuyển

 Ngài lấy bát xong mang bát về

 Tôi cũng đi đến chỗ Thế Tôn”.

 Tôn giả Ưu Đà Di lại thưa vua rằng: “Tâu Đại Vương! Đức Bà Già Bà là Thầy đại chúng hay ngự phục chúng sanh, là đại tiên nhơn hay khéo an trụ, trong chúng Sa Môn là vua Sa Môn, ánh sánh chiếu khắp. Như trăng đêm rằm muôn sao vây quanh ánh trăng rất sáng chiếu khắp nơi, đức Thế Tôn cũng vậy, ở trong chúng Sa Môn ánh sáng chiếu khắp. Như trăng mùa thu ở trong hư không chẳng có mây che, đức Bà Già Bà cũng vậy, ở trong đại chúng ánh sáng chiếu khắp. Như Thiên Đế Thích là vua chư Thiên ở Thiện pháp đường, trong hàng chư Thiên ánh sáng rực rỡ, đức Bà Già Bà ở trong đại chúng ánh sáng rực rờ cũng như vậy. Như Dạ Ma Thiên Vương, Đâu Xuất Đà Thiên Vương, Hóa Lạc Thiên Vương, Tha Hóa Tự Tại Thiên Vương ở trong chúng chư Thiên ánh sáng rực rỡ oai đức độc tôn, đấng Bà Già Bà ở trong đại chúng oai đức độc tôn cũng như vậy. Như Đại Phạm Thiên Vương chúa thế giới Ta Bà trăm ức chúng Phạm Thiên vây quanh ánh sáng rực rỡ oai đức độc tôn, đấng Bà Già Bà ở trong chúng Sa Môn oai đức hiển hích độc tôn cũng vậy”.

 Nghe nói đạo đức của đấng Bà Già Bà xong, Tịnh Phạn Vương tự nghĩ rằng Sa Môn nầy là đệ tử Thanh văn còn có đại thần thông đại oai đức như vậy, huống là đức Như Lai. Vua lại nhớ lúc Thái Tử vừa sanh thì cả đại địa chấn động sáu cách mười tám tướng: động, biến động, đẳng biến động, dũng, biến dũng, đẳng biến dũng, khởi, biến khởi, đẳng biến khởi, chấn, biến chấn, đẳng biến chấn, hống, biến hống, đẳng biến hống, kích, biến kích, đẳng biến kích, phóng ánh sánh lớn, không ai đỡ dìu mà tự đi bảy bước, trên không có hai đường nước chảy xuống tắm gội thân thể, tự nhiên có thánh tọa bằng chơn kim, trong hư không hóa thành lọng trời, chư Thiên lễ bái, từ đó đến ngày chưa xuất gia chẳng bị ngũ dục mê hoặc, phàm có làm điều gì thì quyết định chẳng bỏ dở, nói gì thì làm được nấy, trong tất cả thời gian kiên cố đại lực, chẳng nói dối, chẳng trái tín hành, từng có lời rằng tôi thành Vô thượng Bồ đề tự độ mình rồi sẽ độ Phụ Vương.

 Tịnh Phạn Vương nhớ Phật lúc còn là Thái Tử Bồ Tát đã có bốn thệ nguyện nên vua nói kệ rằng:

 “Nếu có người sơ sanh

 Trí sáng nói chẳng luống

 Lời cùng việc chẳng khác

 Người trí ai chẳng tin

 Nếu người lúc sơ sanh

 Đối cha nói thành Phật

 Quyết làm bực Thế Tôn

 Người trí ai chẳng tin

 Nếu có người chẳng tiếc

 Khối báu bằng núi Tuyết

 Rời lìa những tham lẫn

 Người trí ai chẳng tin

 Nếu người trong giấc mộng

 Chẳng nói lời hư vọng

 Như lời mà tu hành

 Người trí ai chẳng tin

 Lời nói như gươm dao

 Chẳng não cũng khiến giận

 Người rời sự giận hờn

 Người trí ai chẳng tin

 Không có ai khi được

 Tham sân cũng chẳng nhiễm

 Vua đầy đủ trí huệ

 Người trí ai chẳng tin

 Tất cả ngù dục lạc

 Và cùng những sang giàu

 Đều không cột trói được

 Người trí ai chẳng tin

 Các thứ sự hi hữu

 Và cùng những vật tốt

 Không làm động lòng được

 Người trí ai chẳng tin

 Dùng những lời ngọt ngon

 Thông minh lời khéo nói

 Không làm mê hoặc được

 Người trí ai chẳng tin

 Dùng những lời thuận nghĩa

 Những câu muốn quyết định

 Cũng chẳng buộc ràng đưọc

 Người trí ai chẳng tin

 Quân lực bố trí mạnh

 Cùng nhiều cách canh phòng

 Vẫn vượt khỏi hoàng thành

 Người trí ai chẳng tin

 Rời bỏ ngũ dục lạc

 Để cầu hạnh cam lộ

 Hi vọng được Bồ đề

 Người trí ai chẳng tin

 Sáu năm tu khổ hạnh

 Dũng mãnh không ai bằng

 Cầu được thắng Bồ đề

 Người trí ai chẳng tin

 Sáu năm ăn thô ít

 Cầu được thắng Bồ đề

 Lợi an các thế gian

 Người trí ai chẳng tin

 Sáu năm bị ma nhiễu

 Nối nhau tìm lỗi dở

 Vẫn chẳng gặp được dịp

 Người trí ai chẳng tin

 Rời xa lỗi ngũ dục

 Chẳng cầu vật người khác

 Thường lợi ích thế gian

 Người trí ai chẳng tin

 Chẳng nghe pháp nơi người

 Tự nhiên thành Bồ đề

 Tịch định khó biết được

 Người trí ai chẳng tin

 Phạm Vương đến khuyến thỉnh

 Cần cầu Phật Thế Tôn

 Như thỉnh mà diễn thuyết

 Người trí ai chẳng tin

 Vì thương xót nhớ tôi

 Nên đến vườn Ni Câu

 Vì độ các Thích chủng

 Người trí ai chẳng tin

 Như Lai tự độ rồi

 Độ tôi khỏi biển khổ

 Ghi nhớ thệ nguyện xưa

 Người trí ai chẳng tin

 Nay là lúc được lợi

 Biết Phật Nhứt thiết trí

 Vì thương xót đến tôi

 Người trí ai chẳng tin

 Nay tôi sẽ đến đó

 Thấy thân đấng Đạo Sư

 Lúc nghĩ suy như vậy

 Biết mình là Nhơn Vương”.

 Tịnh Phạn Vương suy gẫm xong nói với Tôn giả Ưu Đà Di: “Thưa Đại Đức! Ngài đến đây còn cần thứ gì?”.

 Tôn giả Ưu Đà Di nói kệ đáp rằng:

 “Vốn vì lợi ích cho Đại Vương

 Tôi dùng thần thông bay đến đây

 Nếu nơi thập lực một niệm tin

 Nam nữ đều được đến đường lành

 Thập lực công đức vô biên tế

 Thế Tôn vì Thích chủng mà đến

 Sự đáng mừng vui nay mới tới

 Nhơn chúa phải nên phát lòng tin

 Đại Vương danh tiếng quyết thêm lớn

 Đầy khắp cõi tam thiên Đại Thiên

 Con vua đã là kho của vua

 Đầy đủ thập lực tâm từ bi

 Du hành mười phương tâm vô ngại

 Như sen ở nước chẳng dính nước

 Tự độ tứ lưu các cõi rồi

 Cũng độ Trời người bốn sông dữ

 An trí trên bờ đất vô úy

 Đại Vương phải nên tin Đạo Sư

 Nhổ khỏi tứ lưu ba tên độc

 Cũng làm quần sanh thắng y sư

 Trong chúng y sư tôn thượng nhứt

 Đại Vương phải nên kính tin sâu

 Cũng hay hàng phục các quân ma

 Ma Vương quyến thuộc bè đảng ác

 Chứng được tịch diệt đại Bồ đề

 Đại Vương phải nên kính tin sâu

 Nhơn Vương Thiên Vương đều khuyến thỉnh

 Vì độ chúng sanh nói diệu pháp

 Diễn bày vô thượng thuốc cam lộ

 Là đấng Pháp Vương phải nên tin

 Che lấp tất cả chúng ngoại đạo

 Chuyển diệu pháp luân quá cân lường

 Hóa độ vô lượng ức chúng sanh

 Đại hùng Nhơn Vương phải nên tin

 Vô minh phủ dầy trong hắc ám

 Mắt mình trong sáng sáng mắt người

 Thuyết pháp trừ được những mù lòa

 Đại hùng Nhơn Vương phải nên tin

 Lão bịnh tử khổ bức bách người

 Nói pháp trừ được lão bịnh tử

 Khiến chúng thế gian lên đường lành

 Đại hùng Nhơn Vương phải nên tin

 Ba lửa đốt cháy chúng thế gian

 Như đất cháy hồng dùng nước tắt

 Nói Bát chánh đạo Phật vì người

 Đại hùng Nhơn Vương phải nên tin

 Dứt hết ba uế trừ các ác

 Hay rời thế gian ba cấu trược

 Du hành mười phương rất kỳ diệu

 Dũng mãnh Đại Vương phải nên tin

 Như cha yêu con thương thế gian

 Thập lực đại từ tâm nhuần khắp

 Phát khởi đại bi độ chúng sanh

 Dũng mãnh Đại Vương phải nên tin

 Khó điều điều được đức Thế Tôn

 Người đáng được độ nay đều độ

 Hay dứt lửa phừng các phiền não

 Dũng mãnh Đại Vương phải nên tin

 Chúng sanh đọa trong biển ba cõi

 Phật như thuyền tầu hay tế độ

 Thập lực đại bi cứu thế gian

 Dũng mãnh Đại Vương phải nên tin

 Thân đoan chánh vô lượng công đức

 Đại bi du hành hóa thế gian

 Khiến tâm trược lâu được thanh tịnh

 Dũng mãnh Đại Vương phải nên tin

 Như nhọc ma ni lắng nước trong

 Đi trong đời làm sạch chúng sanh

 Trừ dứt bầy mê đua loạn trược

 Dũng mãnh Đại Vương phải nên tin

 Như châu ma ni tánh thanh tịnh

 Hay khiến người trí lòng vui đẹp

 Thế Tôn rời ác tâm sáng sạch

 Khiến những người trí hâm mộ thích

 Nơi đức Thế Tôn khởi tín tâm

 Hay khiến Trời Người lìa gánh khổ

 Bỏ báu sanh tử được tịnh diệt

 Dũng mãnh Đại Vương phải nên tin

 Trong khối công đức nói ít phần

 Như giữa không gian một dấu chim

 Bờ Phật công đức tôi chẳng biết

 Đại Vương phải nên kính tin sâu”.

 Tịnh Phạn Vương nghe Tôn giả Ưu Đà Di khéo nói công đức được tu lúc đức Phật còn làm Bồ Tát, vua liền tự nhớ bổn thệ của Như Lai: Tôi được độ rồi sẽ độ Phụ Vương. Vì nhớ như vậy nên vua rất kính tin và nói với Tôn giả Ưu Đà Di rằng: “Nầy Tỳ Kheo! Nay Ngài chính là con của con trai tôi, Ngài nên ăn rồi mau về chỗ đức Phật đem cơm dưng lên, nay tôi cũng phải đến ra mắt đức Thế Tôn”.

 Tôn giả Ưu Đà Di biết lòng vua đã kính tin, ăn cơm xong, Tôn giả bưng cơm canh về dưng lên đức Phật.

 Đức Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo rằng: “Ưu Đà Di giáo hóa Tịnh Phạn Vương được chánh tín. Hôm nay chư Thiên và người đời được lợi ích rất lớn”.

 Đức Thế Tôn khen ngợi Tôn giả Ưu Đà Di rằng: “Lành thay! Lành thay! Nay ông được phước đức lớn, vì đã làm cho Tịnh Phạn Vương kính tin vậy”.

 Đức Thế Tôn lại bảo chư Tỳ Kheo rằng: “Ưu Đà Di giáo hóa Tịnh Phạn vương được công đức, nếu là có sắc thì hằng sa thế giới mười phương chẳng dung thọ được, vì khối công đức ấy rộng lớn vô lượng vậy”.

    Xem thêm:

  • Kinh Đại Bảo Tích tập 6 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Ngũ Thiên Ngũ Bách Phật Danh Thần Chú Trừ Chướng Diệt Tội - Kinh Tạng
  • Kinh Ca Diếp Tiên Nhơn Nói Phương Thuốc Cho Người Nữ - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 9 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 7 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 2 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Năm Giới Tướng Của Ưu Bà Tắc - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích (trọn bộ 9 tập) – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 1 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Thọ Diệt Tội Và Thần Chú Bảo Hộ Các Em Bé - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 3 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Trường A-Hàm Phần 4 – HT Thích Tuệ Sĩ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Tăng Nhất A-Hàm Tập 2 – HT Thích Thanh Từ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Di Lặc Hạ Sanh Thành Phật – Thích Đồng Tiến dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Trị Bệnh Hợp Dược - Kinh Tạng
  • Kinh Công Đức Tin Phật - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 8 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Di Lặc Hạ Sanh Thành Phật – Thích Nữ Như Phúc dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 5 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Phật Danh – Thích Thiện Chơn dịch - Kinh Tạng