1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15

35. PHÁP HỘI THIỆN ĐỨC THIÊN TỬ THỨ BA MƯƠI LĂM

Như vậy tôi nghe một lúc đức Phật ở nước Xá Vệ tại vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc cùng chúng đại Tỳ Kheo ngàn người câu hội, mười ngàn đại Bồ Tát với Thiện Đức Thiên Tử đồng ở trong pháp hội.

Bấy giờ đức Thế Tôn bảo Văn Thù Sư Lợi đại Bồ Tát: “Ông nên vì chư Thiên đại chúng và chư Bổ Tát mà diễn nói cảnh giới thậm thâm của chư Phật”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát bạch rằng: “Vâng, bạch đức Thế Tôn! Nếu thiện nam tử thiện nữ nhơn muốn biết cảnh giới Phật thì nên biết là chẳng phải cảnh giới nhãn nhĩ tỷ thiệt thân và ý, chẳng phải cảnh giới sắc thanh hương vị xúc và pháp.

Bạch đức Thế Tôn! Phi cảnh giới là cảnh giới Phật. Vì nghĩa ấy nên như Vô thượng Bồ đề của Phật đã được là cảnh giới gì ư?”.

Đức Phật nói: “Không cảnh giới, vì các kiến bình đẳng, vô tướng cảnh giới vì tất cả tướng bình đẳng, vô nguyện cảnh giới vì vì tam giới bình đẳng, vô tác cảnh giới vi hữu tác bình đẳng, vô vi cảnh giới vì hữu vi bình đẳng vậy”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: “Bạch đức Thế Tôn! Những gì là vô vi cảnh giới?”.

Đức Phật nói: “Vô niệm là vô vi cảnh giới”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: “Bạch đức thế tôn! Nếu vô vi v.v..là cảnh giới Phật ma là vô niệm thì y cứ nơi đâu để nói, vì không sở y thì không sở thuyết, vì không sở thuyết thì bất khả thuyết.

Bạch đức Thế Tôn! Cảnh giới chư Phật chẳng nói được vậy”.

Đức Phật nói: “Nầy Văn Thù Sư Lợi! Cảnh giới chư Phật sẽ phải cầu ở đâu.

Bạch đức Thế Tôn!Nên ở trong phiền não của tất cả chúng sanh mà cầu. Tại sao? Vì tánh phiền não của chúng sanh bất khả đắc, chẳng phải chỗ biết của Thanh Văn Duyên Giác, đây gọi là cảnh giới chư Phật.

– Nầy Văn thù Sư Lợi! Cảnh giới Phật có tăng giảm chăng?

– Bạch đức Thế Tôn! không tăng giảm.

– Nầy Văn Thù Sư Lợi! Thế nào biết rõ bổn tánh phiền não của chúng?

– Bạch đức Thế Tôn! Như cảnh giới Phật không tăng giảm bổn tánh phiền não cũng không tăng giảm.

– Nầy Văn thù Sư Lợi! Thế nào là bổn tánh phiền não?

– Bạch đức Thế Tôn! Bổn tánh phiền mão là bổn tánh cảnh giới Phật. Bạch đức Thế Tôn! Nếu bổn tánh phiền não khác cảnh giới Phật thì chẳng nói đức Phật an trụ trong tất cả pháp bình đẳng tánh. Vì tánh phiền não là tánh cảnh giới Phật nên nói đức Phật an trụ tánh bình đẳng..

– Nầy Văn Thù Sư Lợi! Ông thấy Như Lai an trụ bình đẳng gì?

Bạch thế Tôn! Như chỗ tôi hiểu thì hiện hành tham sân si của chúng sanh chỗ trụ của nó bình đẳng là chỗ trụ của Phật.

– Nầy Văn Thù Sư Lợi! Hiện hành tam độc phiền não của chúng sanh trụ bình đẳng gì?

– Bạch đức thế Tôn! Trụ trong tánh bình đẳng không, vô tướng vô nguyện.

– Nầy Văn Thù Sư Lợi! Trong tánh không ấy sao lại có tham sân si?

– Bạch đức Thế Tôn! Trong cái có ấy chỗ có tánh không có tham sân si.

– Nầy Văn Thù Sư Lợi! Trong cái có gì nói có tánh không?

– Bạch đức Thế Tôn!Trong văn tự ngữ ngôn nói có tánh không. Vì có tánh không nên có tham sân si? Như Phật đã nói: Nầy chư Tỳ Kheo! Có vô sanh vô vi vô tác vô khởi. Nếu vô sanh vô vi vô tác vô khỡi mà chẳng có thì cũng chẳng thể nói có hữu sanh hữu vi hữu tác hữu khởi. Thế nên, nầy chư Tỳ Kheo! Do có vô sanh vô vi vô tác vô khởi nên được nói hữu sanh hữu vi hữu tác hữu khởi. Bạch đức Thế Tôn! Như vậy nếu không có tánh không vô tướng vô nguyện thì chẳng thể nói tham sân si v.v… tất cả kiến chấp.

– Nầy Văn Thù Sư Lợi! Do nghĩa ấy nên như Lời ông nói trụ phiền não là trụ tánh không.

– Bạch đức Thế Tôn! Nếu người quán hạnh mà lìa phiền nãođể cầu tánh không thì chẳng tương ưng, sao lại có tánh không khác với phiền não. Nếu quán phiền não tức là tánh không thì là chánh tư hành vậy.

– Nầy Văn thù Sư Lợi! Ông trụ phiền não hay lìa phiền não?

– Bạch đức Thế Tôn! Tất cả phiền não thảy đều bình đẳng, bình đẳng như vậy tôi chánh tu hành, vào bình đẳng ấy thì chẳng lìa phiền não chẳng trụ phiền não.

Nếu có Sa Môn hay Bà La Môn tự cho mình ly dục mà thấy phiền não của người thì mắc phải hai kiến chấp: nói có phiền não là thường kiến, nói không phiền não là đoạn kiến.

Bạch đức Thế Tôn!Người chánh tu hành chẳng thấy có các tướng tự tha hữu vô. tại sao? Vì sáng tỏ tất cả pháp vậy.

– Nầy Văn Thù Sư Lợi! Y đâu để chánh tu hành?

– Bạch đức Thế Tôn! Người chánh tu hành là vô sở y vậy.

– Nầy Văn Thù sư Lợi! Chẳng y nơi đạo để tu hành ư?

 – Bạch đức thế Tôn! Nếu có sở y mà tu hành thì là hhữu vi, nếu hành hữu vi thì chẳng phải bình đẳng, vì chẳng lìa sanh trụ diệt vậy.

– Nầy Văn Thù Sư Lợi! Trong vô vi chừng có số ư?

– Bạch đức Thế Tôn!Nếu vô vi có số thì là hữu vi chẳng gọi là vô vi.

– Nầy Văn thù Sư Lợi! Nếu thánh giả chứng được vô vi thì có pháp ấy đâu không số ư?

– Bạch đức thế Tôn! Vì pháp không số nên thánh giả xa lìa số là vô số vậy.

– Nầy Văn Thù Sư Lợi! Ông chứng thánh pháp hay chẳng chứng?

– Bạch đức Thế Tôn! Nếu hỏi hóa nhơn rằng ông chứng thánh pháp hay chẳng chứng thì nó sẽ đáp thế nào?

– Nầy Văn Thù Sư Lợi! Xét về hóa nhơn thì không thể nói chứng hay không chứng.

– Bạch đức Thế Tôn! Đức Phật há chẳng đã dạy rằng tất cả pháp đều như hóa ư?

– Nầy Văn Thù Sư Lợi! Đúng như vậy.

Bạch đức Thế Tôn! Nếu tất cả pháp như hóa, sao lại hỏi rằng ông chứng thánh pháp hay chẳng chứng?

– Nầy Văn Thù Sư Lợi! Trong tam thừa ông chứng bình đẳng nào?

– Bạch đức Thế Tôn! Phật giới bình đẳng, tôi chứng như vậy.

– Nầy Văn Thù Sư Lợi! Ông được cảnh giới Phật ư?

– Bạch đức Thế Tôn! Nếu Thế Tôn được thì tôi được”.

Tôn giả Tu Bồ Đề hỏi Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát: “Đức Như Lai chẳng được cảnh giới Phật ư?”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: “Tôn giả ở nơi cảnh giới Thanh Văn có được chăng?”.

Tôn giả Tu Bồ Đề nói: “Thánh giả giải thoát phi đắc phi bất đắc”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: “Đúng như vậy. Như Lai giải thoát chẳng phải có cảnh giới chẳng phải không cảnh giới”.

Tôn giả Tu Bồ Đề nói: “Ngài chẳng thủ hộ Bồ Tát tân phát ý mà diễn nói pháp”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: “Ý Tôn giả thế nào, nếu có y sĩ vì thủ hộ bịnh nhơn mà chẳng cho uống thuốc đắng cay chua chát, đó là chữa lành hay là để chết?”.

Tôn giả Tu Bồ Đề nói: “Đó là để chết khổ chớ chẳng phải ban cho an vui”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: “Cũng vậy, người thuyết pháp nếu thủ hộ người nghe e rằng họ kinh sợ mà giấu các nghĩa thậm thâm như vậy chỉ dùng văn từ câu nghĩa tạp cạn để diễn thuyết thì là trao cho chúng sanh những khổ sanh lão bịnh tử mà chẳng ban cho họ Niết bàn an lạc”.

Lúc nói pháp nầy, có năm trăm Tỳ Kheo chẳng thọ các pháp lậu tận ý giải, tám ngàn chư Thiên xa trần rời cấu ở trong các pháp được pháp nhãn thanh tịnh, bảy trăm Thiên Tử phát tâm Vô thượng Bồ đề phát nguyện rằng đời vị lai chúng tôi sẽ được biện tài như Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát.

Tôn giả Tu Bồ Đề hỏi Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát: “Ngài há chẳng dùng pháp Thanh Văn để vì người Thanh Văn mà nói ư?”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: “Tất cả pháp của các thừa được tôi thừa trên đó”.

Tôn giả Tu Bồ Đề nói:”Ngài là Thanh Văn, Bích Chi Phật hay là Chánh Đẳng Giác?”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: “Tôi là Thanh Văn vì chẳng nhơn nơi âm thanh của người

khác mà sanh hiểu biết vậy. Tôi là Bích Chi Phật vì chẳng bỏ đại bi vô sở úy vậy. Tôi là Chánh Đẳng Giác vì chẳng bỏ bổn nguyện vậy”.

Tôn giả Tu Bồ Đề hỏi: “Ngài làm Thanh Văn thế nào?”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: “Các chúng sanh kia chưa từng được nghe pháp, vì khiến họ được nghe nên tôi làm Thanh Văn”.

Tôn giả Tu Bồ Đề hỏi: “Ngài làm Bích Chi Phật thế nào?”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: “Chúng sanh pháp giới vì làm cho họ hiểu nên gọi tôi là Bích Chi Phật”.

Tôn giả Tu Bồ Đề hỏi: “Ngài làm Chánh Đẳng Giác thế nào?”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: “Tất cả các pháp, pháp giới bình đẳng, vì biết rõ như vậy nên tôi làm Chánh Đẳng Giác”.

Tôn giả Tu Bồ Đề hỏi: “Ngài quyết định trụ địa nào?”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: “Tôi trụ tất cả địa vậy”.

Tôn giả Tu Bồ Đề hỏi: “Ngài cũng trụ phàm phu địa chăng?”.

Văn Thù Sư Lợi nói: “Tôi cũng quyết định trụ phàm phu địa vậy”.

Tôn giả Tu Bồ Đề hỏi: “Có mật ý gì mà Ngài nói như vậy?”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: “Vì tất cả pháp tự tánh bình đẳng nên tôi nói như vậy”.

Tôn giả Tu Bồ Đề hỏi: “Nếu tất cả pháp tự tánh bình đẳng thì ở chỗ nào mà lập thành các pháp: đây là Thanh Văn địa, là Bích Chi Phật địa, là Bồ Tát Phật địa ư?”.

Văn thù Sư Lợi Bồ Tát nói: “Như trong thập phương hư không giới mà nói rằng đây là Đông phương hư không, đây là Nam, Tây, Bắc tứ duy thượng hạ phương hư không. Nói có các phương hư không sai biệt như vậy, chẳng phải ở nơi hư không có khác nhau. Vì thế, nên thưa Tôn giả! Y cứ trong tất cả pháp cứu cánh không mà lập thành tướng các địa, cũng chẳng phải không tánh có sai khác vậy”.

Tôn giả Tu Bồ Đề hỏi: “Ngài đã chứng nhập chánh tánh ly sanh rồi chăng,”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: “Tôi đã chứng nhập nhưng cũng lại xuất”.

Tôn giả Tu Bồ Đề hỏi: “Sao đã chứng nhập mà lại còn xuất?”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: “Tôn giả nên biết đây là trí huệ phương tiện của Bồ Tát, ở nơi chánh tánh ly sanh như thiệt chứng nhập rồi phương tiện mà xuất. Ví như có người rất giỏi thuật bắn tên có một kẻ oán thù, xạ sư nầy nghĩ muốn giết hại. Xạ sư lại có một con trai rất thương yêu. Bấy giờ con trai ấy đương ở trong đồng hoang, xạ sư nhận lầm là kẻ thù, buông tên ra, đứa con la lên, xạ sư có sức thần tốc vọt đến bên con bắt lấy mũi tên ấy. Cũng vậy, vì điều phục Thanh Văn, Bích Chi Phật nên Bồ Tát nhập chánh vị rồi từ đó mà xuất chẳng sa vào Thanh Văn địa, Bích Chi Phật địa, do nghĩa nầy mà gọi là Phật địa”.

Tôn giả Tu Bồ Đề hỏi: “Thế nào mà Bồ Tát được địa ấy?”.

Văn thù Sư Lợi Bồ Tát nói: “Nếu chư Bồ Tát trụ tất cả địa mà vô sở trụ thì được địa nầy. Nếu hay diễn nói tất cả địa mà chẳng trụ địa hạ liệt là được địa nầy. Nếu có tu hành vì hết tất cả chúng sanh phiền não mà pháp giới vô tận, dầu trụ vô vi mà hành hữu vi, ở trong sanh tử tưởng như vườn nhà chẳng cầu Niết bàn là được địa nầy. Có bao nhiêu chí nguyện đều khiến viên mãn, được vô ngã nhẫn thành thục chúng sanh là được địa nầy, có trí huệ Phật mà chẳng sanh lòng sân hận đối với kẻ vô trí là được địa nầy, vì người cầu pháp mà chuyển pháp luân nhưng ở nơi pháp giới không có sai biệt tu hành như vậy là được địa nầy.

Lại nữa, nếu có Bồ Tát xô dẹp ma oán mà hiện làm tứ ma là được địa nầy”.

Tôn giả Tu Bồ Đề nói: “Hạnh Bồ Tát ấy, tất cả thế gian rất khó tin được”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: “Đúng như lời Tôn giả, hạnh Bồ Tát ấy siêu quá thế pháp”.

Tôn giả Tu Bồ Đề nói: “Ngài nên vì tôi mà nói siêu quá thế gian ấy”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: “Luận về thế gian gọi là ngũ uẩn. Trong các uẩn ấy, sắc là tánh khối bọt nước, thọ là tánh bong bóng nước, tưởng là tánh dương diệm, hành là tánh cây chuối, thức là tánh ảo huyễn. Như vậy nên biết bổn tánh thế gian là khối bọt bóng nước dương diệm cây chuối ảo huyễn, trong ấy không có uẩn không có danh tự uẩn, không có chúng sanh không có danh tự chúng sanh, không có thế gian siêu quá thế gian. Ở nơi ngũ uẩn nếu chánh biết như vậy thì gọi là thắng giải. Nếu chánh thắng giải thì bổn lai giải thoát. Nếu bổn lai giải thoát thì chẳng tham trước thế pháp. Nếu chẳng tham trước thế pháp thì là siêu quá thế gian.

Lại nầy Tôn giả Tu Bồ Đề! Ngũ uẩn bổn tánh không, nếu bổn tánh không thì không có ngã ngã sở, nếu không có ngã ngã sở thì là vô nhị. Nếu bổn vô nhị thì không có thủ xả, vì không có thủ xả nên không có sở trước, vì không sở trước nên siêu quá thế gian.

Lại nầy tôn giả Tu Bồ Đề! Ngũ uẩn ấy thuộc nhơn duyên, nếu thuộc nhơn duyên thì chẳng thuộc ngã chẳng thuộc chúng sanh, nếu chẳng thuộc ngã chúng sanh thì là vô chủ, vô chủ thì vô thủ, vô thủ thì vô tránh. Vô tránh luận là pháp Sa Môn, như tay vẽ trong hư không chẳng có chạm đụng. Tu hành không bình đẳng tánh như vậy thì siêu quá thế gian.

Lại nầy Tôn giả Tu Bồ Đề! Ngũ uẩn pháp giới đồng nhập pháp giới thì là không có giới. Nếu không có giới thì không có địa thủy hỏa phong các giới, không ngã chúng sanh thọ mạng, không dục sắc giới vô sắc giới, không hữu vi vô vi sanh tử Niết bàn giới. Nhập giới nầy rồi thì cùng chung với thế gian mà không sở trụ. Nếu không sở trụ thì siêu quá thế gian vậy”.

Lúc nói pháp siêu quá thế gian, có hai trăm Tỳ Kheo chẳng thọ các pháp lậu tận ý giải đồng cởi y Uất đa la tăng choàng lên mình Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát mà đồng thanh xướng rằng: “Nếu người chẳng tin hiểu pháp môn nầy thì người ấy không chỗ được cũng không chỗ chứng”.

Tôn giả Tu Bồ Đề hỏi chư Tỳ Kheo: “Các Trưởng Lão! Các Ngài có chút ít được chứng chăng?”.

Chư Tỳ Kheo đáp: “Nếu là kẻ tăng thượng mạn thì có thể nói là có được có chứng. Pháp của Sa Môn không tăng thượng mạn thì không được không chứng. Họ ở chỗ nào mà động niệm tự cho rằng tôi được như vậy tôi chứng như vậy. Nếu ở trong đây mà sanh động niệm là ma nghiệp”.

Tôn giả Tu Bồ Đề hỏi: “Nầy chư Trưởng Lão! Như chỗ hiểu của các Ngài thì được gì chứng gì mà nói như vậy ư?”.

Chư Tỳ Kheo nói: “Chỉ có đức Thế Tôn và Văn Thù Sư Lợi biết chỗ được chỗ chứng của tôi. Bạch Tôn giả! Như chỗ tôi hiểu, nếu chẳng biết rõ tướng khổ, tướng tập, tướng diệt, tướng đạo mà nói rằng khổ ấy tôi phải biết thì là tăng thượng mạn, tập ấy phải dứt, diệt ấy phải chứng, đạo ấy phải tu đều là tăng thượng mạn vậy. Họ chẳng biết rõ tướng khổ tập diệt đạo mà nói rằng khổ tôi đã biết tập tôi đã dứt diệt tôi đã chứng và đạo tôi đã tu đều là tăng thượng mạn vậy.

Thế nào là khồ tướng? Đó là vô sanh tướng, tập, diệt, đạo tướng cũng vậy.

Nếu là vô sanh tướng thì là vô tướng, trong ấy vô sở đắc, không có chút khổ để biết, tập để dứt, diệt để chứng và đạo dể tu. Nếu ở trong nghĩa thánh đế được nói đây mà chẳng kinh chẳng sợ thì chẳng phải tăng thượng mạn, còn nếu có kinh có sợ là tăng thượng mạn vậy”.

Đức Thê Tôn khen chư Tỳ Kheo: “Lành thay, lành thay! Nầy Tu Bồ Đề! Trong thời chánh pháp của Phật Ca Diếp, chư Tỳ Kheo ấy đã được ngheVăn thù Sư Lợi diễn nói pháp thậm thâm ấy. Vì thuở xưa đã tu pháp thậm thâm nên nay được nghe liền tùy thuận mau hiểu rõ. Ở trong pháp của ta theo thứ đệ như vậy, người nghe pháp thậm thâm ấy mà có thể tin hiểu, tất cả sẽ nhập vào số đại chúng trong pháp của Phật Di Lặc.

Bấy giờ Thiện Đức Thiên Tử bạch Văn Thù Sư Bồ Tát: “Ngài luôn luôn thuyết pháp tại Diêm Phù Đề, chúng tôi xin thỉnh Ngài đến cung Đâu Suất. Chư Thiên Tử nơi ấy cũng đã trồng căn lành rộng lớn từ lâu, họ được nghe pháp sẽ được hiểu rõ. Vì họ ham vui nên không thể đến chỗ Phật nghe pháp để phải mất lợi ích”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát liền hiện thần biến khiến Thiện Đức Thiên Tử và tất cả chúng hội đều tự cho mình vào cung trời Đâu Suất, thấy vườn rừng cung điện lâu đài nơi ấy báu đẹp trang nghiêm. Các đài báu từng cấp cao rộng đến hai mươi từng, các màn lưới báu và các hoa trời bủa khắp mọi nơi, các loài chim lạ bay lượn hòa minh, trong hư không có các thiên nữ rải hoa mạn đà la, ca vịnh khen tặng du hí khoái lạc.

Thấy vậy Thiện Đức ThiênTử bạch Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát: “Rất hi hữu, bạch Ngài! Sao chúng tôi đến cung trời Đâu Suất quá mau như vậy, thấy những lâu đài và chư Thiên. Mong Ngài vì họ mà thuyết pháp”.

Tôn giả Tu Bồ Đề bảo Thiện Đức Thiên Tử: “Ông chẳng rời lìa pháp hội mà đến chỗ khác, đó là do Văn Thù Sư Lợi biến hóa khiến ông tự thấy nhập cung trời Đâu Suất”.

Thiện Đức Thiên Tử bạch đức Phật: “Bạch đức Thế Tôn! Rất hi hữu Văn Thù Sư Lợi du hí tam muội thần thông biến hóa, trong một sát na liền khiến toàn đại hội nầy đều nhập cung trời Đâu Suất”.

Đức Phật phán: “Nầy Thiện Đức Thiên Tử! Ông đâu thấy thần thông biến hóa của Văn Thù Sư Lợi. Như chỗ ta biết thì Văn Thù Sư Lợi nếu muốn đem hằng sa Phật độ công đức trang nghiêm tập họp tại một Phật độ thì liền có thể hiện được. Ông ấy hoặc dùng đầu ngón tay cất hằng sa Phật độ qua khỏi hằng sa Phật độ ở thượng phương rồi đặt tại hư không. Hoặc ông ấy đem nước của tất cả đại hải trong các Phật độ để vào một lỗ lông mà loài thủy tộc không hề thấy chật hẹp và đều tự thấy chẳng rời khỏi biển. Hoặc ông ấy đem tất cả núi Tu Di trong các thế giới để váo trong một hột cải mà chư Thiên ở núi Tu Di đều tự cho mình vẫn ở bổn cung. Hoặc ông ấy đem tất cả ngũ đạo chúng sanh trong các thế giới đặt trong bàn tay ổng cho hưởng đồ dùng đẹp báu như Nhứt Thiết Lạc Trang Nghiêm. Hoặc ông ấy đem tất cả khối lửa trong các thế giới để vào trong một khăn bông đâu la. Hoặc ông ấy dùng một lỗ lông có thể che đậy tất cả nhựt nguyệt của các thế giới. Tùy chỗ đáng nên làm ông ấy đều làm được cả”.

Lúc bấy giờ ác ma hóa làm Tỳ Kheo bạch rằng: “Bạch đức Thế Tôn!

Chúng tôi muốn thấy Văn Thù Sư Lợi hiện tiền làm những thần thông biến hóa ấy, cần gì phải tuyên lời hư cuống như vậy mà các thế gian khó tin được”.

Đức Thế Tôn bảo Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát: “Ông nên ở trong chúng hội nầy mà hiện thần biến”.

Văn Thù Sư Lợi chẳng rời chỗ ngồi, nhập tâm tự tại nhứt thiết pháp trang nghiêm tam muội, liền thị hiện thần biến đúng như lời đức Phật đã trình bày.

Ma cùng chúng hội và Thiện Đức Thiên Tử đều thấy. Đại chúng khen chưa từng có và đồng nói rằng: “Lành thay lành thay, do đức Phật xuất hiện mà có bực Chánh sĩ nầy ở trong thế gian khai diễn pháp môn thậm thâm hiện các thần biến”.

Do oai thần của Văn Thú Sư Lợi Bồ Tát, ác ma bạch rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Rất hi hữu, Văn Thù Sư Lợi có thần thông như vậy, nay chúng hội nầy cũng đều hi hữu vì tin hiểu được thần thông biến hóa của Văn Thù Sư Lợi vậy. Bạch đức Thế Tôn! Dầu cho có hằng hà sa ác ma cũng chẳng lưu nạn được các thiện nam tử thiện nữ nhơn tin hiểu nầy. Tôi cũng là ác ma Ba Tuần hằng tìm dịp hại Phật não loạn chúng sanh. Từ đây về sau tôi lập thệ nguyện: nếu xứ nào có pháp môn nầy lưu hành mà có người tin hiểu ưa thích thọ trì đọc tụng diễn nói, thì ngoài trăm do tuần bốn phía chỗ ấy, tôi chẳng đi qua trong đó.

Bạch đức Thế Tôn! Nhưng quyến thuộc tôi có kẻ muốn đoạn diệt pháp Như Lai nên khiến người tu hành tâm niệm tán loạn, vì hàng phục họ nên tôi nói đà la ni chú. Nếu thiện nam tử thiện nữ nhơn ở nơi pháp môn nầy biên chép đọc tụng vì người diễn thuyết, chư Thiên ma sẽ được lợi lành khiến người thuyết pháp thân tâm vui đẹp siêng năng tu tập, cũng ban cho vô ngại biện tài và đà la ni cùng thừa sự cung cấp y phục ẩm thực ngọa cụ thang dược chẳng để thiếu thốn”.

Ba Tuần liền nói chú rằng: “Đát diệt tha, a mạt lệ, tì mạt lệ, thế đa đê, a yết tì, thị đa thiết đỗ rô, thệ duệ đỗ dã thiệt đê, bộ đa thiệt đê già mễ lệ, phiến đê, tô phổ đê, phổ phổ tế, địa rị tô khê, vị để, khả nghệ, mễ tẩy lễ, ương củ lệ bạt lệ, hô lô hốt lê, sách hê, thâu thú mễ đề địa rị, a na phiệt đê để để sử tra nệ, khất lợi đa rị đê, khất rị đa phí đê, phì lô giá đô phí để mạn đát ra bột trì na đà lộ ca, á bạt la mục đa ế phạ tô rị gia.

Bạch đức Thế Tôn! Nếu thiện nam tử thiện nữ nhơn chuyên tinh thọ trì đà la ni nầy thì tâm họ chẳng tán loạn thường được Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già thủ hộ, tất cả ác quỉ không làm hại được”.

Lúc ma Ba Tuần nói chú ấy, cõi Đại Thiên chấn động sáu cách.

Đức Thế Tôn khen ma Ba Tuần: “Lành thay lành thay, nầy Ba Tuần! Biện tài của ông nên biết đó cảnh giời thần thông cùa Văn Thù Sư Lợi”.

Lúc Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát hiện thần thông và ma Ba Tuần nói chú có ba vạn hai ngàn chư Thiên phát tâm Vô thượng Bồ đề.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nhiếp thần lực lại khiến đại chúng tự thấy như cũ.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát bảoThiện Đức Thiên Tử! “Ông đến trời Đâu Suất phổ biến cho Thiên chúng hay rằng tôi sẽ đến đó”.

Thiện Dức Thiên Tử cùng quyến thuộc đảnh lễ chưn Phật và Bồ Tát, Thanh Văn đại chúng rồi bổng ẩn mất, giây lát về đến cung trời Đâu Suất phổ cáo khắp Thiên chúng rằng: “Chư Thiên chúng nên biết Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát vì thương xót Thiên chúng nên muốn đến đây. Thiên chúng phải nên bỏ các dục lạc lìa xa kiêu mạn, cung kính tôn trọng tùy thuận nghe pháp”.

Thiện đức Thiên Tử trang nghiêm đạo tràng đúng theo pháp rồi chắp tay thỉnh rằng: “Bạch Ngài Văn Thù Sư Lợi! Nay đã đến giờ”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát cùng một vạn Bồ Tát và năm trăm đại Thanh Văn cùng Thiên Long Bát Bộ lễ chưn đức Phật rồi ẩn, hiện đến cung trời Đâu Suất theo thứ tự ngồi nơi đạo tràng. Các đại chúng đều nghe trời Tứ Thiên Vương, trời Đao Lợi, trời Dạ Ma, trời Đâu Suất, trời Hóa Lạc, trời Tha Hóa, trời Ma Chúng, Phạm Chúng đến trời Hữu Đảnh xướng nhau rằng: “Nay Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát ở tại cung trời Đâu Suất sắp muốn thuyết pháp”.Chư Thiên nghe lời xướng nầy có vô số trăm ngàn đồng đến tập họp, cả cung trời Dục giới không đủ chỗ dung thọ. Do thần lực của Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát khiến chư Thiên chúng tự thấy rộng rãi không trở ngại nhau.

Thiện Đức Thiên Tử bạch Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát: “Đại chúng đã vân tập xong xin Ngài thuyết pháp cho”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát bảo Thiện Đức Thiên Tử: “Có bốn pháp Bồ Tát an trụ chẳng phóng dật thì hay nhiếp thủ tất cả Phật pháp, một là an trụ giới luật mà đủ đa văn, hai là an trụ thiền định mà hành trí huệ, ba là an trụ thần thông mà khởi đại trí, bốn là an trụ tịch tĩnh mà thường quan sát.

Nầy Thiên Tử! có tám pháp nhập vào giới luật: thân thanh tịnh, ngữ thanh tịnh, ý thanh tịnh, kiến thanh tịnh, đầu đà công đức thanh tịnh, mạng thanh tịnh, bỏ lìa tất cả dị tướng đem lợi cầu lợi thanh tịnh và chẳng xả bỏ Nhứt thiết trí tâm thanh tịnh. Đây là tám pháp nhập vào giới luật.

Lại có tám pháp nhập vào đa văn: tôn trọng, khiêm hạ, phát khởi tinh tiến, chẳng mất chánh niệm, nghe pháp liền thọ trì, tâm khéo quan sát, đem pháp được nghe dạy lại kẻ khác và chẳng tự khen mà chê người. Đây là tám pháp nhập vào đa văn.

Lại có tám pháp nhập vào thiền định: tịch tĩnh, ở a lan nhã, bỏ lìa ồn ào, chẳng nhiễm cảnh giới, thân tâm khinh an, tâm duyên định cảnh, tuyệt các tướng âm thanh, bớt ăn uống vừa nuôi thân và chẳng lấy thánh lạc. Đây là tám pháp nhập vào thiền định.

Lại có tám pháp nhập vào trí huệ: uẩn thiện xảo, giới thiện xảo, xứ thiện xảo, các duyên khởi thiện xảo, đế thiện xảo, tam thế thiện xảo, tất cả thừa thiện xảo và tất cả Phật pháp thiện xảo. Đây là tám pháp nhập vào trí huệ.

Lại có tám pháp nhập vào thần thông: Thiên nhãn thông vì thây không chường ngại, Thiên nhĩ thông vì nghe không chường ngại,Tha tâm thông vì quan sát tâm tất cả chúng sanh, Túc mạng thông vì ghi nhớ tiền tế, Thần túc thông vì thị hiện tất cã thần biến, Lậu tận thông vì hết sạch tất cả lậu chúng sanh, chẳng trụ phiền não chẳng thủ giải thoát vỉ phương tiện lực và chẳng y Thanh Văn giải thoát mà nhập Niết bàn. Đây là tám pháp nhập vào thần thông.

 Lại có tám pháp hay nhập vào trí: khổ trí, tập trí, diệt trí, đạo trí, nhơn trí, duyên trí, thế trí và nhứt thiết trí. Đây là tám pháp hay nhập vào trí.

Lại có tám pháp nhập vào tịch tĩnh: nội tịch tĩnh, ngoại tịch tĩnh, ái tịch tĩnh thủ tịch tĩnh, hữu tịch tĩnh, sanh tịch tĩnh, tất cả phiền não tịch tĩnh và tam giới tịch tĩnh. Đây là tám pháp nhập vào tịch tĩnh.

Lại có tám pháp nhập vào quan sát: giời, văn, thiền định, trí huệ, thần thông, trí, tịch diệt và bất phóng dật. Đây là tám pháp nhập vào quan sát.

Nầy Thiên Tử! Vì Bồ Tát an trụ bốn pháp ấy chẳng phóng dật nên chư Phật Bồ đề và pháp Bồ đề phần đều sẽ được tất cả. Thế nên y nơi bất phóng dật nầy mà an trụ vậy

Chư Thiên Tử y nơi bất phòng dật thì ba điều vui thường chẳng tổn giảm, đó là thiên lạc, thiền định lạc và Niết bàn lạc.

Chư Thiên Tử y nơi bất phóng dật mà an trụ lại lìa được ba thứ khổ, đó là khổ khổ, hành khổ và hoại khổ. Lại siêu được ba thứ bố úy, đó là địa ngục, súc sanh và ngạ quỉ. Lại siêu được tam hữu, đó là dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu. Lại lìa được tam cấu, đó là tham cấu, sân cấu và si cấu. Lại sẽ được viên mãn ba học xứ, đó là tăng thượng giới, tăng thượng tâm và tăng thượng huệ. Lại thường được cúng dường Tam bửu, đó là Phật bửu, Pháp bửu và Tăng bửu. Lại được lìa ba thứ chướng Ba la mật, đó là sự xan lẫn, ganh ghét người bố thí và tùy thuận kẻ xan lẫn. Tự phá giới, ghét người trì giới và tùy thuận kẻ phá giới. Tự sân, ghét người nhẫn nhục và tùy thuận kẻ sân. Tự giải đãi ghét người tinh tiến và tùy thuận kẻ giải đãi. Tự tán loạn,ghét người thiền định và tùy thuận kẻ tán loạn. Tự không trí huệ, ghét người trí huệ và tùy thuận kẻ không trí huệ.

Lại nầy Thiên Tử! Y nơi bất phóng dật mà an trụ sẽ được ba thứ trợ bạn Ba la mật: đó là bố thí tăng trưởng, chẳng cầu quả báo và hồi hướng Bồ đề. Giới tăng trưởng, chẳng cầu sanh thiên và hồi hướng Bồ đề. Nhẫn nhục tăng trưởng, với tất cả chúng sanh chẳng có lòng hại và hồi hướng Bồ đề. Tinh tiến tăng trưởng, trồng các thiện căn không nhàm đủ và hồi hướng Bồ đề. Thiền định tăng trưởng, tâm chẳng tán loạn và hồi hướng Bồ đề. Trí huệ tăng trưởng, thường tu thiện nghiệp và hồi hướng Bồ đề.

Nầy chư Thiên Tử! An trụ pháp bất phóng dật thì tăng trưởng tất cả thiện pháp được đức Phật hứa khả.

Lại tất cả pháp như hư không, bốn pháp chánh cần đây phải thường quan sát:

Đó là các pháp tánh vô tác, điều bất thiện chưa sanh vì chẳng sanh nó nên phát khởi tinh tiến.

Pháp tánh thanh tịnh, điều bất thiện đã sanh vì trừ diệt nó nên phát khởi tinh tiến.

Pháp tánh tịch tĩnh, điều thiện chưa sanh vì khiến được sanh nên phát khởi tinh tiến.

Pháp tánh vô xứ vô hành, điều thiện đã sanh vì an trụ chẳng mất mà phát khởi tinh tiến.

Đây là bốn chánh cần của Bồ Tát được Phật ấn khả vậy.

Lại nầy chư Thiên Tử! Pháp tánh bình đẳng vô sanh vô diệt, vì y pháp tánh vô sở đắc nầy mà chẳng làm các điều ác vì thuận pháp tánh mà siêng tu các điều lành. Tu như vậy là vô sở tu.

Lại ở nơi tất cả pháp chẳng thủ chẳng xả, đây gọi là chánh cần vậy.

Lại nữa, nầy chư Thiên Tử!Nên quán Tứ niệm xứ: đó là không thân trụ xứ, không thọ trụ xứ, không tâm trụ xứ, không pháp trụ xứ, không chỗ trụ xứ, không chỗ kiến lập, đây gọi là niệm xứ.

Lại quán Tứ như ý túc: một là thân tâm chẳng giải đãi vì thích muốn tu các pháp lành vậy, hai là vì thành thục các chúng sanh mà phát khởi tinh tiến dứt tham dục vậy, ba là vì tất cả pháp bất khả đắc mà chứng các Phật pháp vậy, bốn là vì tâm như huyễn hóa pháp vô sở y nên siêu quá tất cả thủ trước vậy.

Lại nên quán ngũ căn: một là tín căn, vì quyết định an trụ trong các pháp làm thượng thủ vậy; hai là tinh tiến căn, vì tu khắp các hạnh để thành tựu Phật thân vậy: ba là niệm căn, vì đầy đủ các pháp tâm khéo điều nhu không quên mất vậy; bốn là định căn, vì xa rời phan duyên chẳng tùy theo hôn trầm thùy miên vậy; năm là huệ căn, vì quyết đoán các pháp chánh quán hiện tiền chẳng theo nơi người khác vậy.

Lại nên quán Ngũ lực, đó là an trụ trong các pháp tánh như vậy thì tất cả phiền não không trở hoại được nên gọi là lực.

An trụ các lực ấy bèn được thắng pháp như thiệt biết rõ phi dị phi như nên gọi là giác phần.

Nếu ở nơi các pháp tùy thuận biết rõ, do nơi đạo hạnh ấy mà thứ đệ tu hành thông đạt bí mật ở nơi pháp bất động thì gọi là Thánh đạo.

Nầy chư Thiên Tử! Vì thế nên phải tu ba mươi bảy phẩm Bồ đề phần pháp như vậy vượt hơn các công hạnh không còn chướng ngại trí huệ sáng rõ cứu cánh tịch tĩnh.

Thế nào gọi là cứu canh tịch tĩnh? Nghĩa là các pháp không khởi không tận, vì không tận nên không tác, vì không tác nên cũng chẳng phải không tác, không thọ, không kẻ thọ, không thi thiết, đây gọi là cứu cánh tịch tĩnh vậy”.

Lúc Van Thù Sư Lợi Bồ Tát nói pháp nầy, có vạn hai ngàn Thiên Tử ở trong các pháp được pháp nhãn thanh tịnh.

Thiện Đức Thiên Tử hỏi Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát: “Bồ Tát tu tập nơi đạo thế nào?”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: “Nầy Thiên Tử! Nếu Bồ Tát chẳng bỏ sanh tử mà làm cho chúng sanh nhâp nơi Niết bàn, chẳng bỏ ái thủ mà độ chúng sanh làm cho họ đứng nơi thánh đạo thì gọi là Bồ Tát tu tập nơi đạo vậy.

Lại người tu tập nơi đạo là thiện xảo an trụ tánh không thanh tịnh. Tại sao? Vì Bồ Tát dùng tâm tịch tĩnh thấy tất cả pháp tự tánh thanh tịnh, rồi vì các chúng sanh chấp kiến an trụ tùy miên không có phương tiện mà diễn nói các pháp tự tánh không. Tại sao?Vì các chúng sanh ấy ỡ trong tự tánh không mà sanh chấp kiến vậy.

Bồ Tát nầy dùng vô tướng vô nguyện tất cả pháp tự tánh bất sanh, vi các phàm phu từ lâu quen theo phiền não sanh diệt chấp kiến ở nơi vô sanh nầy làm cho họ tin ưa mà ở nơi sanh diệt cũng không chỗ động. Đây gọi là Bồ Tát tu tập nơi đạo vậy.

Nầy Thiên Tử! Nên thấy đạo khứ lai của Bồ Tát.

– Bạch Ngài Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là đạo khứ lai của Bồ Tát?

– Nầy Thiên Tử! Chư Bồ Tát vì chứng Bồ đề mà đi, vì như chỗ nên thuyết pháp mà đến. Vì được các thiền định giải thoát mà đi, vì hiện sanh trong dục giới mà đến. Vì nhập vào thánh đạo nên đi, vì đại bi thành thục chúng sanh nên đến, vì được vô sanh pháp nhẫn mà đi, vì nhẫn thọ chúng sanh nên đến. Vì nơi tất cả pháp xuất ly nên đi, vì độ chúng sanh nên đến. Vì thệ nguyện kiên cố mà đi, vì thệ nguyện không tự tánh mà đến. Vì ba giải thoát môn mà đi, vì thọ sanh mà đến. Vì Bồ đề đạo tràng nên đi, vì an lập chúng sanh nơi Bồ đề nên đến. Đây gọi là đạo khứ lai của Bồ Tát vậy”.

– Lúc nói Bồ Tát đạo nầy, có năm trăm Bồ Tát được vô sanh pháp nhẫn.

– Thiện Đức Thiên Tử hỏi: “Bạch Ngài Văn Thù Sư Lợi! Chúng tôi có được nghe thế giới tên là Nhứt Thiết Công Đức Quang Minh. Thế giới ấy ở đâu, đức Như Lai nào hiện thuyết pháp nơi ấy?”.

Văn Thù Sư Lợi Bố Tát nói: “Nầy Thiên Tử! Thế giới Nhứt Thiết Công Đức Quang Minh ấy ở Thượng phương quá đây mười hai hằng hà sa Phật độ, đức Phổ Hiền Như Lai thuyết pháp trong ấy”.

Chư Thiên Tử đồng thanh nói: “Chúng tôi muốn thấy thế giới ấy và đức Phổ Hiền Như Laỉ”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát liền nhập quang minh trang nghiêm tam muội, do sức tam muội phóng đại quang minh chiếu qua mười hai hằng hà sa thế giới chiếu khắp thế giới Nhứt Thiết Công Đức Quang Minh. Chư Bồ Tát ở đó hỏi duyên cớ quang minh ấy. Đức Phổ Hiền Như Lai bảo rằng ở Hạ phương quá mười hai hằng hà sa Phật độ có thế giới tên Ta Bà, Phật hiệu Thích Ca Mâu Ni Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác hiện tại thuyết pháp. Nơi đó có Bồ Tát tên Văn Thù Sư Lợi nhập quang minh trang nghiêm tam muội phóng đại quang minh chiếu khắp vô lượng Phật độ mười phương, quang minh ấy chiếu đến nơi nầy.

Chư Bồ Tát bạch Phổ Hiền Như Lai rằng: “Chúng tôi muốn thấy Phật Thích Ca Mâu Ni và Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi”. Đức Phổ Hiền Như Lai liền phóng đại quang minh chiếu mười hai hằng hà sa thế giới Hạ phương đến Ta Bà thế giới cho chư Bồ Tát ấy đều thấy rõ Phật và chúng hội bên nầy.

Phổ Hiền Như Lai hỏi chư Bồ Tát: “Ai có thể qua được thế giới Ta Bà kia?”.

Trì Pháp Cự đại Bồ Tát bạch rằng: “Tôi có thể qua được”.

Phổ Hiền Như Lai bảo rằng: “Nay đã phải giờ”.

Trì Pháp Cự đại Bồ Tát cùng với mười ức Bồ Tát ẩn nơi ấy mà hiện đến cung trời Đâu Suất phóng đại quang minh chiếu khắp thế giới.

Cả chúng hội Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La,Ma Hầu La Già, Thích, Phạm, Hộ Thế chư Thiên Tử và chư Thanh Văn, chư Bồ Tát đều được chưa từng có đồng nói rằng: “Chư Bồ Tát nầy du hí thần thông rất là hi hữu”.

Nhơn quang minh ấy mà chúng hội thấy thế giới Nhứt Thiết Công Đức Quang Minh và Phổ Hiền Như Lai, cõi ấy trang nghiêm dầu trong một kiếp nói cũng chẳng hết được.

Trong lúc Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát hiện thần biến, có bảy na do Thiên Tử phát tâm Vô thượng Bồ đề.

Trì pháp Cự Bồ Tát nói với Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát: “Nên cùng đến đảnh lễ Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn”.

Bấy giờ Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát với chư Thiên Tử đáng được độ thì đều độ rồi, liền cùng Trì Pháp Cự Bồ Tát và đại chúng về đến chỗ Phật lễ chưn Phật xong ở qua một phía.

Trì Pháp Cự bạch Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Phổ Hiền Như Lai thăm hỏi đức Thế Tôn ít bịnh ít não khởi cư khinh lợi an lạc hành chăng?”.

Đức Phật phán bảo chúng hội: “Nầy đại chúng! Văn Thù Sư Lợi và Trì Pháp Cự đây thần thông biến hóa trí huệ quang minh thành thục chúng sanh phụng sự chư Phật, tất cả Bồ Tát chẳng biết được biên tế trí huệ phương tiện thâm nhập của hai Chánh sĩ nầy. Các thiện nam tử phải nên học những thần thông trí huệ phụng sự chư Phật thành thục chúng sanh của Văn Thù Sư Lợi và Trì Pháp Cự cùng chư đại Bồ Tát. Chư Chánh sĩ nầy đã vô số kiếp từ một Phật độ đến một Phật độ thường làm Phật sự.

Nếu có chúng sanh nào nhập vào cảnh giới của chư Chánh sĩ Nầy thì đương lai chẳng còn đọa nơi ma giới”.

Đức Thế Tôn bảo Tôn giả A Nan: “Nầy A Nan! Ông khéo thọ trì pháp môn nầy để chẳng dứt giống Tam bửu vậy”.

Bấy giờ Trì Pháp Cự Bồ Tát từ pháp hội dậy cùng các quyến thuộc trở về bổn quốc.

Đức Phật nói kinh nầy rồi, Thiện Đức Thiên Tử, Trưởng giả A Nan, tất cả thế gian Thiên Long Bát Bộ nghe lời Phật dạy đều rất vui mừng tín thọ phụng hành.

    Xem thêm:

  • Kinh Đại Bảo Tích tập 2 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 7 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 8 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 9 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 1 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 3 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 5 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích (trọn bộ 9 tập) – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 4 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Bộ (Dìgha Nikàya) – HT Thích Minh Châu dịch (Trọn bộ) - Kinh Tạng
  • Kinh Trường A-Hàm Phần 4 – HT Thích Tuệ Sĩ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Trường A-Hàm Phần 2 – HT Thích Tuệ Sĩ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Trường A-Hàm – HT Thích Tuệ Sĩ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Trường A-Hàm Phần 1 – HT Thích Tuệ Sĩ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ (Majjhima Nikaya) – HT Thích Minh Châu dịch (trọn bộ) - Kinh Tạng
  • Kinh Trường A-Hàm Phần 3 – HT Thích Tuệ Sĩ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikàya) – HT Thích Minh Châu dịch (trọn bộ) - Kinh Tạng
  • Kinh Dược Sư – HT Thích Trí Quảng soạn - Kinh Tạng
  • Kinh Tương Ưng Bộ (Samyutta Nikàya) – HT Thích Minh Châu dịch (trọn bộ) - Kinh Tạng
  • Kinh Tăng Nhất A-Hàm – HT Thích Thanh Từ dịch (trọn bộ) - Kinh Tạng