1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15

36. PHÁP HỘI THIỆN TRỤ Ý THIÊN TỬ THỨ BA MƯƠI SÁU

PHẨM DUYÊN KHỞI THỨ NHẤT

Như vậy tôi nghe một lúc đức Bà Già Bà ở thành Vương Xá trong núi Kỳ Xà Quật cùng chúng Tỳ Kheo sáu vạn hai ngàn người câu hội đều là bực Đại Đức có đủ thần thông, các bực đại Thanh Văn làm thượng thủ.

Còn có bốn vạn hai ngàn Bồ Tát ma ha tát, tên các Ngài là: Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Sư Tử Tràng Bồ Tát, Di Lặc Bồ Tát, Quan Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, Đại Biện Tụ Vương Bồ Tát; Đà La Ni Tự Tại Vương Bồ Tát, Thiện Trượng Phu Bồ Tát, Tu Di Đảnh Bồ Tát, Tu Di Tràng Bồ Tát, Bất Khả Động Bồ Tát, Thiện Tư Nghĩa Bồ Tát, Thiện Tư Nghĩa Ý Bồ Tát, Thiện Tư Duy Bồ Tát, Tư Tâm Bồ Tát, Dũng Ý Bồ Tát, Thiện Tư Bồ Tát, Bửu kế Bồ Tát, Sơn Tướng kích Vương Bồ Tát, Bửu Thủ Bồ Tát, Bửu Ý Bồ Tát, Bửu Ấn Thủ Bồ Tát, Thường Cử Thủ Bồ Tát, Thường Hạ Thủ Bồ Tát, Thường Tinh Tiến Bồ Tát, Độ Chúng Sanh Bồ Tát, Thượng Tinh Tiến Bồ Tát, Như Ngôn Hành Bồ Tát, Thượng Nguyện Bồ Tát, Đăng Thủ Bồ Tát, Tâm Bình Đẳng Bồ Tát, Trừ Ác Đạo Bồ Tát, Trừ Chư Ưu Ám Bồ Tát, Bất Xả Trọng Đảm Bồ Tát, Nhựt Tạng Bồ Tát, Nguyệt tạng Bồ Tát, Kim Cương Bộ Bồ Tát, Vô Biên Bộ Bồ Tát, Vô Lượng Bộ Bồ Tát, Bất Động Hành Bộ Bồ Tát, Hư Không Tạng Bồ Tát, Thắng Ý Bồ Tát, Ích Ý Bồ Tát, Tăng Thượng Ý Bồ Tát, Thành Hạnh Bô Tát, Trì Địa Bồ Tát, Nguyệt Quang Bồ Tát, Nguyệt Tràng Bồ Tát, Quang Đức Bồ Tát, Minh Chiếu Bồ Tát, Dũng Bộ Bồ Tát, Sư Tử Phấn Tấn Hống Âm Bồ Tát, Vô Ngại Biện Bồ Tát, Tương Ưng Biện Bồ Tát, Thiệp Tật Biện Bồ Tát, Tối Thắng Bồ Tát, Ế Nhựt Nguyệt Quang Bồ Tát, Vô Phan Duyên Bồ Tát, Vô Trước Ý Bồ Tát, Thường Tiếu Bồ Tát, Hỉ Căn Bồ Tát, Trừ Chư Chướng Cái Bồ Tát, Chuyển Nữ Thân Bồ Tát, Ma Ni Châu Bồ Tát, Đăng Minh Bồ Tát, Tỳ Lô Giá Na Bồ Tát, Hỏa Diệm Bồ Tát, Chứng Thắng Vương Bồ Tát, Thâm Thuyết Giả Bồ Tát, chư đại Bồ Tát như vậy làm thượng thủ.

Còn có Tứ Thiên Đại Vương, Đao Lợi Thiên Vương, Ta Bà Thế Giới Chủ Đại Phạm Thiên Vương cùng sáu vạn chư Thiên câu hội.

Còn có Thiện Trụ Ý Thiên Tử, Thiện Đức Thiên Tử, Đại Tự Tại Thiên Tử cùng ba vạn Thiên Tử câu hội. Chư Thiên Tử nầy đã an trụ lâu nơi Bồ Tát đạo.

Còn có hai vạn A Tu La Vương, La Hầu A Tu La Vương và Tu Di A Tu La Vương làm thượng thủ, cũng đã an trụ lâu trong Bồ Tát đạo.

Còn có sáu vạn đại Long Vương. A Na Bà Đạt Đa Long Vương và Thắng Nguyệt Long Vương làm thượng thủ, cũng đã an trụ Bồ Tát đạo.

Ngoài ra còn vô lượng chư Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già Ức trăm ngàn chúng, nhẫn đến tất cả Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di vô lượng đại chúng đều đến tập hội.

Lúc bấy giờ đức Thế Tôn do vô lượng trăm ngàn đại chúng như vậy vây quanh lúc đang thuyết pháp, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát ở nơi thất của Ngài nhập tam muội tên Vô Tránh trừ Tâm yên lặng bất động. Văn Thù Sư Lợi nhứt tâm an tường từ tam muội dậy, liền đó vô lượng vô biên thế giới chấn động sáu cách.

Văn Thù Sư Lợi khởi tam muội rồi suy nghĩ rằng: Trong vô lượng vô biên thế giới ấy mới có một Phật Như Lai xuất thế như hoa ưu đàm ít khi xuất hiện. Chư Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác như vậy rất hi hữu rất khó xuất hiện, pháp được nói ra dứt hết sanh tử tịch diệt Niết bàn chẳng thể nghĩ lường, không có phân biệt rất sâu không thể dụ khó hiểu khó biết. Nhưng vì chư Phật chẳng xuất thế thì chẳng được nghe. Vì chẳng được nghe pháp nên chúng sanh khổ khó cùng tận được.. Nay tôi nên đến chỗ đức Như Lai để hỏi nghĩa ấy. Do hỏi nghĩa ấy mà khiến các chúng sanh thành tựu thiện căn, cũng làm cho tất cả người hành Bồ Tát đạo ở nơi các Phật pháp thậm thâm bất tư nghì nghĩa ấy không còn nghi hoặc và đều thành mãn Phật Bồ đề sự. Nhưng các chúng sanh ở thế giới Ta Bà nầy nhiều tham dục sân khuể ngu si dứt pháp lành ngoan độn dối trá không có tàm sĩ ngã mạn cống cao xa rời chư Phật trái pháp chống Tăng khiến họ được nghe diệu pháp thậm thâm như vậy để họ được trí nhãn thanh tịnh. Nay tôi còn phải vân tập chúng bồ Tát mười phương để đều được nghe đức Như Lai nói pháp môn vi diệu ấy mà chứng thâm pháp nhẫn.

Suy nghĩ như vậy rồi Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát liền nhập tam muội tên Phổ Quang vô cấu trang nghiêm phóng đại quang minh chiếu Đông phương hằng hà sa Phật độ cũng chiếu cả Nam Tây Bắc phương tứ duy thượng hạ hằng hà sa Phật độ, trong ấy bao nhiêu chỗ u ám ẩn khuất gộp núi rừng cây các núi lớn nhỏ như Mục Chơn Lân Đà Sơn, Ma Ha Mục Chơn Lân Đà Sơn, Thiết Vi Sơn, Đại Thiết Vi Sơn và các Hắc Sơn, Tu di Sơn, Đại Tu Di Sơn, quang minh ấy chiếu suốt không chướng ngại.

Nơi hằng hà sa thế giới mười phương ấy, hiện có Phật thuyết pháp, đệ tử thị giả đều bạch hỏi Phật mình về nhơn duyên có đại quang minh như vậy: “Bạch đức Thế Tôn! Nhơn duyên gì mà có đại thoại quang minh như vậy hiện ra thế gian. Bạch Thế Tôn! Tôi từ xưa chưa từng nghe thấy quang minh như vậy thanh thịnh vi diệu. Bạch Thế Tôn! Đó là quang minh gì mà làm cho chúng tôi rất hoan hỉ tâm được thanh tịnh cũng khiến các chúng sanh không còn tham sân si các ác phiền não. quang minh nầy ai làm ra ai gia trì nó mà chiếu đến đây? “.

Thập phương chư Phật kia im lặng không đáp.

Lúc ấy tất cả âm thanh trong thập phương thế giới, những là thiên âm thanh, long âm thanh đến bát bộ chúng âm thanh, nhơn phi nhơn âm thanh, tượng mã các loài thú điểu v.v… đều ngưng bặt. Tất cả âm thanh của gió lửa sóng nước âm nhạc ca vịnh do thần lực của Phật lúc ấy đều ngưng bặt.

Các đệ tử thị giả lại bạch chư Phật mình: “Bạch Thế Tôn! Ngưỡng mong đại từ vì thương xót tất cả Thiên Nhơn, vì an lạc tất cả Thiên Nhơn, vi lợi ích tất cả Thiên Nhơn mà vì chúng tôi tuyên nói quang minh ấy từ đâu chiếu khắp các Phật độ “.

Bấy giờ thập phương chư Phật liền dừng tất cả Phật thanh trong hằng hà sa thế giới đều đồng phạm âm như một miệng Như Lai tuyên nói, sự việc được nói cũng không sai khác đều đồng báo cáo với thị giả của mình. Đương lúc chư Phật phát thanh báo cáo thì tất cả thế giới chấn động sáu cách, trăm ngàn kỹ nhạc đồng thời trổi lên, tất cả âm nhạc của Thiên Long Bát Bộ chẳng đánh mà tự kêu. Trong tất cả tiếng nhạc ấy đều phát ra pháp âm: đó là tiếng vô thường, tiếng khổ, tiếng vô ngã, tiếng không vô tướng vô nguyện, tiếng ly dục, tiếng giải thoát, tiếng pháp giới, tiếng như như, tiếng thiệt tế, tiếng Đàn Ba la mật Thi Ba la mật Nhẫn Ba la mật Tiến Ba la mật Thiền Ba la mật Bát Nhã Ba la mật, tiếng đại từ bi hỉ xả, tiếng hòa hiệp, tiếng lợi ích, tiếng xuất ly, phát ra tiếng trăm ngàn Phật pháp như vậy. Lúc pháp âm phát xuất như vậy, có vô lượng a tăng kỳ ức na do tha trăm ngàn chúng sanh đều phát tâm Vô thượng Bồ đề và đều an trụ bất thối chuyển, cũng có người thành Bích Chi Phật, thành Thanh Văn, thành Phạm Vương, Đế Thích, Chuyển Luân Vương.

Thập phương chư Phập đều bảo đệ tử của mình rằng: “Nầy thiện nam tử! Ông chớ thỉnh hỏi sự ấy. Tại sao? Vì nhơn duyên quang minh ấy chẳng phải cảnh giới của hàng Thanh Văn Bích Chi Phật, nếu nay ta nói thì thế gian, Trời Người Bát Bộ sẽ mê muội. Vì vậy mà ông chớ nên thỉnh hỏi sự ấy. Chư Phật Thế Tôn nếu nói nhơn duyên của quang minh ấy thì hay sanh và thành tựu bất khả tư nghị các thắng thiện căn. Cũng do bất tư nghị các thắng thiện căn mà xuất sanh những hạnh Ba La mật bố thí trì giới nhẫn nhục tinh tấn, thiền định trí huệ. Các hạnh như vậy chính là do quang minh ấy xuất sanh và thành tựu. Chư Phật chúng ta hoặc một kiếp hay giảm một kiếp nói khen công đức quang minh ấy cũng chẳng cùng tận. Lại đem các thiện căn lực từ bi hỉ xả như vậy cùng chung huân tu khiến quang minh ấy hay sanh hoan hỉ”.

Thị giả đệ tử của chư Phật mười phương lại hai ba phen ân cần thưa thỉnh: “Ngưỡng mong đức Thế Tôn vì thương xót hàng Thiên Nhơn, vì an lạc hàng Thiên Nhơn, vì lợi ích hàng Thiên Nhơn, vì thành thục các thiện căn cho chư Bồ Tát mà vì chúng tôi nói nhơn duyên của quang minh ấy”. Chư Phật thập phương đều bảo chư thị giả: “Thiện nam tử! Ông nên lắng nghe sẽ vì ông mà nói.

– Vâng bạch đức thế Tôn Nguyện thích muốn nghe.

Chư Phật thập phương đều bảo thị giả mình rằng: “Nầy thiện nam tử! Có thế giới tên Ta Bà, Phật hiệu Thích Ca Mâu Ni Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác xuất hiện đời ngũ trược. Chúng sanh cõi ây phần đông có tham dục sân khuể ngu si phiền não khổ bách không cung kính chẳng tàm sĩ làm nhiều sự bất thiện. Đức Phật ấy hay ở đời ngũ trược như vậy thành tựu Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác hiện tại thuyết pháp cho đại chúng tại đó. Phật Thích Ca Mâu Ni có một đại đệ tử Bồ Tát Ma Ha Tát tên Văn thù Sư Lợi có đại công đức đủ đại trí huệ tinh tiến dũng mãnh có oai thần lớn, hay khiến chư Bồ Tát hoan hỉ, hay khiến chư Bồ Tát đầy đủ tu hành, hay khiến chư Bồ Tát tăng trưởng oai lực, hay khiến chư Bồ Tát phát cần dũng mãnh, hay khéo phân biệt tất cả pháp cú, hay đạt vô ngại trí huệ Ba La mật, hay đầy đủ vô ngại biện tài, nơi các đà la ni được tự tại, đã hoàn toàn thành mãn tất cả Bồ Tát công đức bất tư nghị. Nay Bồ Tát ấy sắp muốn thỉnh hỏi Thích Ca Mâu Ni Như Lai pháp môn thậm thâm để chư Bồ Tát thiện căn thành thục để hành bồ Tát thừa đầy đủ các Phật pháp bất tư nghị ấy, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát phóng quang minh nầy là muốn vân tập a tăng kỳ các chúng Bồ Tát ở thập phương thế giới để cho chư Bồ Tát được thắng pháp, do đó mà Bồ Tát ấy phóng đại quang minh chiếu các Phật độ như vậy”.

Chư thị giả lại bạch hỏi Phật mình rằng: “Văn thù Sư Lợi Bồ Tát ấy trụ tam muội nào để phóng đại quang minh nầy?”.

Chư Phật mười phương đều bảo thị giả mình: “Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát ấy nhập tam muội tên Phổ Minh vô cấu trang nghiêm mà phóng quang minh ấy”.

Chư thị giả bạch Phật mình: “Bạch đức Thế Tôn! Tôi chưa bao giờ được thấy quang minh như vậy, rất thanh tịnh hay khiến thân tâm hoan hỉ!”.

Chư Phật lại bảo thị giả mình: “Phải chăng chư Bồ Tát ấy muốn dạy chư Bồ Tát khởi tu hành, phải chăng Bồ Tát ấy muốn vân tập chúng Bồ Tát, phải chăng chư Bồ Tát ấy muốn vân tập chúng Bồ Tát để tuyên nói kinh điển vi diệu như thế nầy!’’.

Bấy giờ vô lượng bất tư nghị hằng hà sa thế giới, trong mỗi thế giới có vô lượng a tăng kỳ chúng Bồ Tát đều đến chỗ Phật mình mà bạch hỏi nhơn duyên quang minh ấy và đều mong muốn đến thế giới Ta Bà để được lễ kính Phật Thích Ca Mâu Ni và nghe Phật thuyết pháp cùng được thấy Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát và chúng hội Bồ Tát! Chư Phật đều bảo chúng Bồ Tát mình: “Chư thiện nam tử! Muốn đi thì tùy ý, nay đã phải lúc”.

Mười phương vô lượng vô số bất tư nghị bất khả kế bất khả xưng bất khả lượng ức na do tha bá thiên tần bà la chư đại Bồ Tát liền ẩn nơi thế giới mình, rồi như trong thời gian lực sĩ co duỗi cánh tay, hiện ra tại thế giới Ta Bà đến trước Thích Ca Mâu Ni Như Lai. Trong lúc ấy có vị mưa các thứ hương: hương xua, hương bột, hương kết thành vòng. Có vị mưa các thứ hoa vi diệu: hoa ưu bát la, hoa bát đầu ma, hoa câu vật đầu, hoa phân đà lị, hoa chiêm ba ca, hoa ba tra lợi, hoa đà lô ca lợi, hoa a tha mục đa ca, hoa tô ma đa, hoa bà lợi sư ca, hoa mạn đà la, hoa ma ha mạn đà la, hoa ba lô sa, hoa ma ha ba lô sa, hoa chiên đà la, hoa ma ha chiên đà la, hoa vi diệu chiên đà la, hoa chước ca la, hoa ma ha chước ca la, hoa tối diệu chước ca la, các thứ vòng hoa. Có vị phát xuất trăm ngàn âm thanh thượng diệu. Có vị dùng một âm thanh vang khắp cõi Đại Thiên ca tụng công đức của Phật. Chư Bồ Tát mười phương dùng nhiều thứ trang nghiêm như vậy mà đến chỗ đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai.

 Lúc chư Bồ Tát mười phương vân tập nơi Ta Bà thế giới nầy, các chúng sanh địa ngục súc sanh ngạ quỉ đều yên tĩnh thân tâm an lạc không có tham dục sân não ngu si, đều sanh lòng từ hoàn toàn hoan hỉ. Tại sao? Vì do thần lực của chúng Bồ Tát mười phương khiến có sự như vậy.

Chúng Bồ Tát mười phương đến lễ chưn đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai hữu nhiễu ba vòng ở trên hư không nhập tam muội tên là Bồ Tát ẩn thân. Nhập tam muội rồi tùy ý sanh ra vô lượng trăm ngàn các thứ hoa sen lớn màu sắc vi diệu, kiết già ngồi lên trên và đều ẩn thân chẳng còn hiện.

 Tôn giả Ma Ha Ca Diếp thấy sự đại thần thông hiện thoại tướng hi hữu thù đặc ấy, lại thấy mưa to hương và hoa, cũng nghe vô lượng âm nhạc, cũng thấy phóng đại quang minh, cũng thấy khắp cõi Đại Thiên đều mưa diệu hoa đầy đến gối, cũng thấy Thiên Long Bát Bộ và chúng Tỳ Kheo Tỳ kheo Ni Ưu Bà Tắc Ưu Bà Di tất cả đều thành tựu thân tướng kim sắc, liền đứng dậy giữ đúng oai nghi trịch y vai hữu gối hữu chấm đất chắp tay cung kính nói kệ khen Phật rằng:

“Hoan hỉ thương ban tất cả vui

Dung nhan viên mãn vô cấu tịnh

Thập lực hùng mãnh các đại nhơn

Đầy đủ kim cương tướng trăm phước

Đi trong tam giới khắp Nhơn Thiên

Tất cả không ai bằng Phật được

Chẳng thể nghĩ bàn khó đo lường

Ngưỡng mong dứt trừ lòng tôi nghi

Quá na do tha trăm ngàn kiếp

Thường làm Bố thí nhiếp thế gian

Lìa xa chấp trước vô sở y

Trì đủ cấm giới không ai sánh

Nhẫn nhục hoàn tòan siêu thế gian

Trong tất cả lực thập lực nhứt

Công đức đầy đủ không ai hơn

Ngưỡng mong dứt hẳn lòng tôi nghi

Quá trăm ngàn kiếp tu các hạnh

Bởi thấy chúng sanh thọ nhiều khổ

Dũng mãnh tinh tiến trọn không mõi

Thường sanh vô lượng lòng hoan hỉ

Đầu mắt óc tủy đem cho người

Xả bỏ con cái và thê thiếp

Chán lìa quốc thành và tư cụ

Ngưỡng mong cởi mở lưới nghi tôi

Thuở xưa Thế Tôn lúc bố thí

Voi ngựa xe cộ nhiều vô số

Quá na do tha thượng y phục

Với lòng hoan hỉ cho thế gian

Thế Tôn thường dùng lòng thí trước

Ban cho đồ vật và trân bửu

Uống ăn thuốc men và ruộng nhà

Vì thế nên nay tôi thưa hỏi

Xưa Phật cắt thân và mũi tai

Trong lòng tươi vui không chút hận

Có ai hỏi pháp liền tuyên dạy

Còn hay nói khéo sức nhẫn nhục

Do vì thâm đạt pháp không sâu

Tâm ý vi diệu khó cân lường

Người hay ban vui đủ công đức

Vì thế nay tôi hỏi thanh tịnh

Phiền não hết lâu khổ đều trừ

Thấy nhiều chúng sanh chìm biển khổ

Hạng si ngu bị tối tâm che

Sanh lòng phiền não chấp ngã nhơn

Phật thương chúng sanh khởi lòng từ

Quá trăm ngàn kiếp siêng tu hành

Khai phát chánh giác Bồ đề đạo

Ngưỡng mong dứt trừ lòng tôi nghi

Khéo hay xuất nhập môn thần thông

Ẩn hiện tự tại đi đứng khéo

Chứng được vô ngã phá ngã tướng

Hủy hoại các pháp cũng chẳng không

Phật ở trong đời không nhiễm trước

Chơn thiệt chánh hạnh và chánh tư

Vi diệu tịch diệt rời phiền não

Ngưỡng mong vì tôi quyết nghi nầy

Thế Tôn thuở xưa lúc tu hành

Thí giới nhẫn tiến không tạm bỏ

Thiền định trí huệ cũng thường tu

Lợi ích quần sanh không ai sánh

Các công đức tụ khó nghĩ lường

Sâu lớn như biển không cùng tận

Khéo hay qua lại cũng khéo dừng

Ngưỡng mong vì tôi làm chỗ nương

Thuở xưa đức Phật tu đại từ

Chim câu sợ cầu cứu không bỏ

Lốc thịt đem cân không tiếc thân

Trao cho chim ưng thế chim nhỏ

Toàn thân lên cân mong bằng chim

Mà chim câu kia vẫn nặng hơn

Đấng sáng suốt lớn làm hạnh từ

Ngưỡng mong vì tôi quyết nghi hoặc

Tu Di dao động tinh tú rơi

Cung điện chư Thiên đều sụp hư

Nước bốn biển cả một buổi khô

Cung A Tu La ở trên trời

Giả sử mặt nh ựt rớt xuống đất

Chư Phật Chánh Giác Lưỡng Túc Tôn

Trăng sáng trên không bỗng tối đen

Tuyên dạy chơn thành không sai khác”.

Nói kệ khen Phật xong, Tôn giả Ma Ha Ca Diếp lại bạch:

“Bạch đức Thế Tôn! Tại sao thế gian có quang minh vi diệu nầy lại do cớ gì bỗng hiện nhiều thoại tướng chưa từng có?”.

Đức Phật phán dạy: “Nầy Ma ha Ca Diếp! Nay ông chớ nên gạn hỏi sự ấy. Tại sao? Vì cảnh giới như vậy chẳng phải hàng Thanh Văn

Duyên Giác biết được. Nếu nay ta vì ông mà nói nghĩa của quang minh ấy thì tất cả thế gian Trời Người sẽ kinh nghi mê một. Vì vậy mà ông chớ nên hỏi “.

Tôn giả Ma Ha Ca Diếp lại bạch thỉnh: Duy nguyện đức Thế Tôn đại từ thương xót hàng Trời Người vì lợi ích cho tất cả, vì an lạc cho tất cả mà nói nhơn duyên thậm thâm của quang minh ấy cho tôi được hiểu”.

Đức Phật phán dạy: “Nầy Ma Ha Ca Diếp! Ông phải lắng nghe khéo suy nghĩ, ta sẽ vì ông mà nói “.

Tôn giả Ma Ha Ca Diếp bạch rằng: ” Lành thay, bạch đức Thế Tôn! Tôi xin thích muốn được nghe, mong đức Thế Tôn thương xót diễn bày”.

Đức Phật phán dạy: “Nầy Ma Ha Ca Diếp! Nay Văn Thù Sư Lợi của ta nhập Phổ Minh vô cấu trang nghiêm tam muội, do sức tam muội ấy phóng quang minh như vậy chiếu khắp mười phương quá hằng sa Phật độ để vân tập vô lượng vô biên bất khả số bất khả lượng vô số chư đại Bồ Tát đến thế giới Ta Bà nầy. Chúng Bồ Tát ấy đã đảnh lễ chưn ta hữu nhiễu ba vòng rồi ở hư không cao một cây đa la và đều ngồi kiết già trên tòa đại liên hoa của họ hiện ra”.

Tôn giả lại bạch rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Nay có những đại Bồ Tát nào dùng sức công đức oai thần mưa các thứ hương các thứ hoa vi diệu và phát xuất trăm ngàn âm nhạc như vậy?”.

Đức Phật phán dạy: “Nầy Ma Ha Ca Diếp! Đó là sức oai thần của chúng đại Bồ Tát ở mười phương vân tập đến làm mưa vô lượng hoa hương vi diệu và khắp hư không phát xuất trăm ngàn âm nhạc”.

 Tôn giả lại bạch rằng:” Bach đức Thế Tôn! Nay tôi chẳng thấy một người nào, sao đức Thế Tôn dạy rằng có chúng đại Bồ Tát mười phương vân tập ngồi kiết già trên tòa đại liên hoa ở trên hư không?

Đức Phật phán dạy: ” Nầy Ma Ha Ca Diếp! Tất cả hàng Thanh Văn Bích Chi Phật trọn chẳng thấy được chúng đại Bồ Tát ấy. Tại sao? Nầy Ma Ha Ca Diếp! Vì hàng Thanh Văn Duyên Giác ở nơi đại từ bi chẳng phải là chỗ an trụ của họ. Nếu có thể an trụ trong đại từ bi thì có thể làm những sự lợi tha, cũng hay làm bố thí trì giới nhẫn nhục tinh tiến thiền định tríhuệ các Ba la mật. Nếu người đã thọ chánh vị thì trọn chẳng thể làm được chỗ mà chư đại Bồ Tát làm.

Nầy Ma Ha Ca Diếp! Chư đại Bồ Tát nầy đều nhập ẩn thân tam muội nên tất cả Thanh Văn và Bích Chi Phật chẳng thấy được vậy. Chỉ trừ chư Phật và chư đại Bồ Tát trụ trong địa ấy mới thấy được. Hàng Bồ Tát sơ trụ Đại thừa còn chẳng thấy được huống là Thanh Văn và Duyên Giác mà có thể thấy”.

Tôn giả bạch rằng: “Bạch đức thế Tôn! Đại Bồ Tát có đủ bao nhiêu pháp, tu thiện căn nào được công đức gì mà nhập được ẩn thân tam muội?”.

 Đức Phật phán dạy: “Nầy Ma Ha Ca Diếp! Đại Bồ Tát thành tựu mười pháp thì có thể được ẩn thân tam muội ấy.

 Một là chí tánh hòa nhu thâm trụ chánh tín. Hai là hằng chẳng bỏ rời tất cả chúng sanh. Ba là rốt ráo thành mãn tâm đại từ bi. Bốn là giác liễu tất cả chẳng chấp trước các tướng. Năm là dầu suy nghĩ mong cầu tất cả Phật pháp mà chẳng vọng nắm lấy. Sáu là chẳng tư tưởng đến trí của tất cả Thanh Văn Bích chi Phật. Bảy là tất cả sở hữu thế gianđều có thể xả thí hết, nhẫn đến thân mạng còn không lẫn tiếc huống là các vật khác mà chẳng thí xả. Tám là dầu hành vô lượng sanh tử phiền não mà chẳng nhiễm trước các hạnh hữu vi. Chín là thường tu vô lượng bố thí trì giới nhẫn nhục tinh tiến thiền định trí huệ mà chẳng phân biệt các Ba la mật. Mười là thường sanh tâm như vầy: Tôi sẽ an lập tất cả chúng sanh nơi Bồ đề rồi tôi mới ngồi dưới cội Bồ đề nhưng chẳng nắm lấy tướng Bồ đề và tướng chúng sanh.

Nầy Ma Ha Ca Diếp! Đó là mười pháp mà đại Bồ Tát thành tựu thì hay được ẩn thân tam muội”

 Tôn giả Ma Ha Ca Diếp lại bạch rằng: “Hi hữu Thế Tôn tuyên nói sự ấy rất hay. Bạch đức Thế Tôn!

Tất cả Thanh Văn và Bich Chi Phật còn chưa từng phát tâm như vầy một lần: Tôi sẽ an trí chúng sanh nơi A La Hán địa, huống là Phật địa ư!

Đức Phật phán dạy: “Đúng như lời ông nói. Nầy Ma Ha Ca Diếp! Vì lẽ ấy nên tất cả Thanh Văn Duyên Giác đều không nhận được ẩn thân tam muội của Bồ Tát. Với tam muội nầy, họ còn chẳng biết huống là nhập được”.

Tôn giả Ma Ha Ca Diếp bạch rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Nay chúng rất mong được thấy chư Đại Bồ Tát ấy. Tại sao? Vì chư Đại Sĩ ấy rất khó được gặp”.

Đức Phật phán dạy: “Nầy Ma Ha Ca Diếp! Ông nên ở đó cần phải chờ Văn thù Sư Lợi ta đến đây, chư đại Bồ Tát ấy sẽ xuất định rồi sau các ông mới thấy họ.

Tuy nhiên ông cũng được vô lượng môn tam muội, nay ông nên nhiếp tâm tìm cầu chư đại Bồ Tát ấy ở chỗ nào, trụ oai nghi gì, làm sự nghiệp gì?”.

Được đức Phật phán dạy, Tôn giả Ma Ha Ca Diếp thừa oai thần của Phật và sức thần thông của mình nhập hai vạn môn tam muội để xét tìm chư đại Bồ Tát ấy nay ở chỗ nào trụ oai nghi gì có phải đang bước đi chăng, đang đứng chăng, đang nằm dựa chăng, đang ngồi yên chăng? Cũng đều chẳng thấy. Nhẫn đến cũng chẳng biết nói gì làm gì từ đâu đến và đi đến đâu. Tôn giả xuất định đến bạch rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Rất lạ rất lạ, tôi đã trải qua hai vạn môn chánh định tìm chư đại Bồ Tát ấy mà trọn chẳng thấy. Bạch đức Thế tôn! chư đại Bồ Tát ấy còn chưa chứng biết chỗ tát bà nhã mà đã được tam muội vi diệu như vậy, huống là sẽ chứng Vô thượng Bồ đề.

 Bạch đức Thế Tôn! Các thiện nam tử thiện nữ nhơn nào được thấy nghe thần biến nầy mà chẳng mau phát tâm Vô thượng Bồ đề thì chẳng bao giờ có.

Bạch đức Thế Tôn! đại Bồ Tát hay được ẩn thân tam muội như vậy vì muốn độ các chúng sanh mà mặc áo giáp tinh tiến, nhưng trọn chẳng được lìa chánh định vi diệu ấy’’.

Đức Phật phán dạy: “Đúng như vậy. Đúng như lời ông nói. Trong đây còn chẳng phải cảnh giới của Thanh Văn, Duyên Giác huống là chúng sanh khác”.

Bấy giờ Tôn giả Xá Lợi Phất nghĩ rằng: Đức Thế Tôn khen tôi là trí huệ đệ nhứt trong hàng Thanh Văn, nay tôi nên tìm xem chư Bồ Tát ấy ở đâu trụ oai nghi gì và làm gì? Nếu thấy được há chẳng hay lắm ư!

Tôn giả Xá Lợi Phất nghĩ như vậy rồi thừa oai thần của Phật và sức thần thông của mình liền nhập ba vạn môn tam muội suy tìm khắp nơi mà trọn chẳng thấy.

Bấy giờ Tôn giả Tu Bồ Đề nghĩ rằng: nay tôi cũng tìm xem chư đại Bồ Tát ấy ở đâu và đang làm gì? Nếu thấy được thì hay lắm. Nghĩ như vậy rồi Tôn giả liền nhập bốn vạn môn tam muội tìm khắp mọi nơi mà trọn chẳng thấy. Tôn giả xuất định đến đảnh lễ bạch đức Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Đức Như Lai thọ ký tôi là được vô tránh tam muội đệ nhứt trong hàng Thanh Văn. Bạch đức Thế Tôn! Nếu lúc tôi nhập định ấy, giả sử có đại thần lực hay đem trăm ức tứ thiên hạ hiệp làm một cái trống lớn, lấy tòa núi Tu Di làm một cái dùi lớn rồi sai một người to lớn đứng trước tôi cầm dùi ấy khua đánh trống lớn ấy không tạm dùng đến cả kiếp, tiếng trống như vậy cón chẳng lọt vào tai tôi huống là có thể làm loạn tâm tôi khíến tôi xuất định. Nay tôi được chánh định vô tránh rộng lớn như vậy mà tôi trải qua bốn vạn môn tam muội, tìm cầu cùng khắp mà trọn chẳng thấy chư đại Bồ Tát ấy, nhẫn đến chẳng thấy một người tạm thời vãng lai.

Bạch đức Thế Tôn! Chư đại Bồ Tát nguyện cầu trí bất tư nghị như vậy nên vì mỗi mỗi chúng sanh mà các Ngài sanh trong địa ngục cả hằng hà sa kiếp chịu đủ mọi thống khổ. Vì cầu Bồ Tát đạo nên dầu chịu nhiều thống khổ mà các ngài chẳng bỏ rời trí thậm thâm bất tư nghị ấy

Bạch đức Thế Tôn! Ngày nay nếu tôi tâm hữu lậu chưa hết chưa được giải thoát, nơi Phật pháp có chỗ chưa biết thì khiến tôi ở đương lai thường tại sanh tử chẳng bỏ rời Đại thừa vi diệu bất tư nghị ấy”.

Đức Phật khen Tôn giả Tu Bồ Đề: “Lành thay, lành thay! Thiệt như lời ông nói. Ông do nơi tín tâm mà nói như vậy, khiến thân nầy của ông chẳng lấy Niết bàn, do công đức nầy đương lai quá hằng sa kiếp, ông sẽ làm Chuyển Luân Thánh Vương dùng chánh pháp trị đời rồi sau sẽ thành Vô thượng Bồ đề.

Lại nầy Tu Bồ Đề! Nay trong tam thiên Đại Thiên thế giới nầy các số loại chúng sanh chừng có nhiều chăng?

– Bạch đức Thế Tôn! Rất là nhiều.

– Nầy Tu Bồ Đề! Giả thử chúng sanh ấy thành tựu trí huệ như Xá Lợi Phất, giải không đệ nhứt như Tu Bồ Đề, khổ hạnh siêu luân như Đại Ca Diếp, tất cả cùng chung tri kiến tìm cầu chư đại Bồ Tát ấy hoặc một kiếp trăm kiếp ngàn kiếp đến vô lượng hằng sa kiếp cũng chẳng thấy được. Tại sao? Vì chỗ làm của chư đại Bồ Tát ấy chẳng phải cảnh giới sở hành của tất cả Thanh Văn và Bích Chi Phật, vì thế nên hàng Nhị thừa trọn chẳng thấy được”.

Lúc nói pháp nầy trong hội có tám vạn bốn ngàn Thiên Nhơn phát tâm Vô thượng Bồ đề. Cõi Đại Thiên chấn động sáu cách.

Bấy giờ Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát ở tại tư thất nghĩ rằng: Nay mười vạn ức trăm ngàn số chư đại Bồ Tát mười phương đều đã tập hợp, tôi sẽ lại triệu đại chúng chư Thiên đều vân tập.

Nghĩ như vậy xong, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát liền dùng thần lực như ý hóa làm tám vạn bốn ngàn ức na do tha diệu bửu liên hoa lớn như bánh xe, thuần kim làm cọng, bạch ngân làm cánh hoa, màn lưới bằng thắng tạng tì lưu ly bửu. Trong hoa ấy đều có Hóa Phật và chư Bồ Tát ngồi kiết già trên liên hoa đài thân màu tử kim đủ ba mươi hai tướng tám mươi tùy hảo, oai đức nguy nguy quang minh phổ chiếu. Các bửu liên hoa ấy bay lên trời Tứ Vương, trời Đao Lợi, trời Dạ Ma, trời Đâu Suất, trời Hóa Lạc, trời Tha Hóa và các Phạm Thiên đến trời Hữu Đảnh, khắp Đại Thiên thế giới không chỗ nào không có bửu liên hoa ấy bay đến.

Chư Hóa Phật và chúng Hóa Bồ Tát ấy phát thanh lớn tuyên cáo khắp Đại Thiên thế giới với kệ rằng:

” Thế Tôn mặt trời huệ

Hi hữu xuất thế gian

Ví hoa ưu đàm kia

khó gặp còn hơn hoa

Thích sư tử nhơn hùng

Nay xuất hiện thế gian

Ban tuyên pháp thâm diệu

Dứt hẳn nguồn thống khổ

Chư Thiên dầu khoái lạc

Ai bảo đảm lâu dài

Theo nghiệp vào tam đồ

Trở lại thọ nhiều khổ

Quen làm các dục lạc

Riêng tăng trưởng tham ái

Tam giới vốn không vui

Mà kẻ ngu tham trước

Đã gặp sự khó gặp

Đó là Phật xuất thế

Người ngu si phóng dật

Dầu biết khổ chẳng dứt

Các người nên mau cầu

Thấy Phật nghe chánh pháp

Nếu Phật Niết bàn rồi

Dầu ăn năn đâu kịp

Lưới ma rất đáng sợ

Các người mãi phóng dật

Đã bị nó phủ trùm

Đâu có kỳ giải thoát

Riêng có cầu Phật pháp

Các người giúp chúng sanh

Các người phải mau cầu

Ba mươi hai diệu tướng

Phật hay cứu thế gian

Chỗ khác không nương được

Thế Hùng rất hi hữu

Đại từ khó nghĩ lường

Vô lượng ức số kiếp

Chỗ làm chẳng lường được

Họp công đức trí huệ

Thành tựu Thích Sư Tử

Xiển dương pháp vi diệu

Thậm thâm khó hiểu biết

Chỗ nào có chúng sanh

Và ngã nhơn thọ mạng

Phá thường kiến như vậy

Dứt hẳn không còn thừa

Phóng xả tất cả tướng

Vì chúng sanh thuyết pháp

Tuyên rõ chơn thiệt tế

Thế gian tuyệt tâm hành

Chỉ không vô tướng kia

Vô nguyện cũng vô tác

Hư Không vốn vô hình

Chẳng khởi cũng chẳng diệt

Vô lai cũng vô khứ

Lời nói của người trí

Vô tận và vô sanh

Bổn tịnh vô sở hữu

Không tướng mạo thấy được

Không tư tưởng nói được

Chúng sanh vốn vô sanh

Sao nói được là chết

Tịch diệt không chúng sanh

Chúng sanh ở chỗ nào

Lời nói để thuyết pháp

Pháp chẳng tại lời nói

Cũng chẳng ở văn tự

Thế Tôn nói như vậy

Các chỗ khắp tìm cầu

Chẳng thấy phong thủy hỏa

Địa cũng vô phân biệt

Huệ nhãn tuyên rõ đó

Sắc thọ và cùng tưởng

Hành thức đồng hư không

Giả nói là ngũ uẩn

Kỳ thiệt không tích tụ

Nhãn nhĩ tỷ thiệt thân

Tâm ý cả sáu căn

Dầu nói bổn tánh không

Không cũng bất khả đắc

Sắc thanh hương vị xúc

Và cùng các thứ pháp

Đều do phân biệt sanh

Phân biệt thể không tịch

Dục giới và Sắc giới

Cùng trời Vô Sắc kia

Đều nói như huyễn hóa

Hư ngụy chẳng chơn thiệt

Các Thế Tôn như vậy

Vì chúng sanh thuyết pháp

Muốn cầu thoát các khổ

Mau qui Đại Đạo Sư”.

Lúc chư Hóa Phật tuyên cáo như vậy, khắp Đại Thiên thế giới đều được nghe, có chín mươi sáu ức chư Thiên cõi dục xa trần lìa cấu được pháp nhãn thanh tịnh, hai vạn thiên tử chán lìa dục nhiễm, ba vạn hai ngàn thiên tử đều phát tâm Vô thượng Bồ đề, một vạn thiên tử tu Bồ Tát thừa được vô sanh pháp nhẫn.

Bấy giờ vô lượng vô biên a tăng kỳ ức na do tha trăm ngàn chư Thiên đại chúng được Hóa Phật tuyên triệu trong giây lát đều vân tập trước đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác lễ chưn Phật hữu nhiễu ba vòng rồi lui ở một phía đem các thứ hoa hương cõi trời, những là hoa ưu bát la, hoa bát đầu ma, hoa câu vật đầu, hoa phân đà lợi, hoa mạn đà la, hoa ma ha mạn đà la và các vòng hoa, cùng hương bột hương thoa phụng rải lên đức Thế Tôn và chúng hội để cúng dường. Còn dùng các thứ âm nhạc cõi trời ca vịnh khen ngợi đầy khắp hư không.

Lúc nầy đại chúng vân tập quá đông khó tính kể được đầy chật cả tứ thiên hạ không có một chỗ trống nào bằng đầu gậy. Chư Thiên Nhơn ấy đủ đại oai đức, hoa trời được rải đầy khắp tứ thiên hạ đầy đến gối.

PHẨM KHAI TRIỆT NGHĨA THỨ HAI

Trong chúng đại tập bấy giờ có các vị trời thượng thủ đó là Thiện Trụ Ý Thiên Tử, Thiện Tịch Thiên Tử, Tàm Quý Thiên Tử, cùng chín mươi sáu ức chư Thiên Tử như vậy câu hội, tất cả đều hành đạo Bồ Tát, đều cùng đến chỗ Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát. Đến ngoài cửa thất bửu nhiễu bảy vòng rồi rải hoa trời mạn đà la che khắp hư không cao mười do tuần thành lưới hoa hình như bửu tháp. Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát cầm hoa đài nầy cúng dường đức Thế Tôn, cúng dường xong, Ngài dùng thần lực khiến Đại Thiên thế giới trong tất cả quốc độ hư không lưới hoa giăng khắp, quang minh của hoa ấy chiếu khắp cõi Đại

Thiên đều rất chói sáng lại còn mưa thêm hoa trời mạn đà la.

Bấy giờ Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nhàn nhã an tường ra khỏi tư thất lại dùng thần lực khiến chỗ đất của Ngài ở tự nhiên có tòa thất bửu vi diệu, tòa ấy cao vọi đầy đủ trang nghiêm, Ngài liễm dung chỉnh y phục lên ngồi trên bửu tòa ấy.

Thiện Trụ Ý Thiên Tử thấy Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát lên ngồi bửu tòa xong liền đến đảnh lễ chưn Bồ Tát rồi lui ở một phía. Tất cả chư Thiên Tử cũng đều đảnh lễ chưn Bồ Tát.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát suy nghĩ rằng: Hôm nay ai là người có thể ở trước đứcThế Tôn cùng tôi hỏi đáp về pháp thậm thâm, ai là pháp khí có thể nhận câu bất tư nghị ấy, câu rất khó chứng, câu không xứ sở, câu vô sở trước, câu vô hí luận, câu bất khả đắc, câu bất khả thuyết,, câu thậm thâm, câu chơn thiệt, câu vô ngại, câu bất khả hoại, câu không, câu vô tướng, câu vô nguyện, câu như như, câu thiệt tế, câu pháp giới, câu vô hình mạo, câu bất thủ, câu bất xả, câu Phật, câu Pháp, câu Tăng, câu trí huệ mãn túc, câu tam giới bình đẳng, câu nhứt thiết pháp vô sở đắc, câu nhứt thiết pháp vô sanh, câu sư tử, câu dũng mãnh, câu vô cú. Nói những câu như vậy ai có thể nghe ư!

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát lại nghĩ rằng: Nay chỉ có Thiện Trụ Ý Thiên Tử từ quá khứ đã cúng dường nhiều Phật nhập thâm pháp nhẫn có đủ biện tài sẽ có thể cùng tôi ở trước Phật cùng đàm luận thiệt nghĩa. Suy nghĩ rồi, Ngài bảo Thiện Trụ Ý Thiên Tử: “Nầy Thiên Tử! Nay ông đã được thâm pháp nhẫn và có đủ vô ngại biện tài, nay sẽ cùng tôi đến chỗ đức Thế Tôn để cùng đối luận nghĩa thâm diệu ấy có được chăng?.

Thiện Trụ Ý Thiên Tử đáp rằng: “Bạch Đại Sĩ! Tôi nói như vầy: Người ấy nếu đối với tôi không có ngữ ngôn không vì diễn thuyết chẳng có hỏi han cũng không trả lời không Phật Pháp Tăng dứt tuyệt tam thừa không sanh tử không Niết bàn không hiệp không tan chẳng khải chẳng phát chẳng xuất thanh âm trừ các văn tự, người nói như vậy thì tôi sẽ cùng đàm luận”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: “Nầy Thiên Tử! Tôi nói như vầy: Người ấy có thể ở nơi tôi không lắng không nghe không đọc không tụng không thọ không trì chẳng tư chẳng niệm chẳng thủ chẳng xả chẳng giác chẳng tri chẳng nghe tôi nói chẳng vì người mà giảng, tại sao? Vì chư Phật Bồ đề vốn không văn tự không tâm lìa tâm, không có giác ngộ dầu giả danh để nói mà danh ấy cũng không”.

Thiện Trụ Ý Thiên Tử lại nói: “Bạch Đại Sĩ! Nay nên vì chư Thiên Tử mà nói. Chư Thiên Tử nầy đối với chỗ nói của Đại Sĩ rất thích muốn nghe”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: “Nầy Thiên Tử! Tôi trọn chẳng vì người thích nghe mà nói cũng chẳng vì người nghe nhận mà nói, Tại sao? Vì hễ có nghe nhận thì có thủ trước. Thủ trước những gì? Đó là trước ngã trước nhơn trước chúng sanh trước thọ mạng trước sĩ phu. Vì thủ trước mà có nghe nhận. Nghe nhận như vậy nên biết người ấy an trụ trong ba thứ phược, một là phược kiến ngã, hai là phược kiến chúng sanh và ba là phược kiến pháp. Nầy Thiên Tử! Nếu người không có ba thứ phược ấy mà nghe pháp thì nên biết người ấy an trụ trong ba thứ tịnh: một là chẳng thấy thân mình chẳng phân biệt chẳng tư niệm chẳng chứng biết, hai là chẳng thấy người thuyết pháp chẳng phân biệt chẳng tư niệm chẳng chứng biết, ba là chẳng thấy pháp được nói chẳng phân biệt chẳng tư niệm chẳng chứng biết.

Nầy Thiên Tử! Nếu ai có thể nghe pháp như vậy đó là bình đẳng nghe vậy”.

Thiện Trụ Ý Thiên Tử khen Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát: “Lành thay, lành thay! Ngài nói lời ấy rất hay. Bạch Đại Sĩ! Nếu ai có thể nói như vậy thì nên biết là thuyết bất thối chuyển”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: ” Thôi đi Thiên Tử, nay ông chẳng nên vọng tưởng phân biệt Bồ Tát thối chuyển. Tại sao? Vì giả sử Bồ Tát mà có thối chuyển thì họ trọn chẳng thành được Vô thượng Chánh Giác. Tại sao? Vì trong Bồ đề ấy không có pháp thối chuyển vậy”.

Thiện Trụ Ý Thiên Tử nói: “Bạch Đại Sĩ! Nếu như vậy thì sẽ ở đâu có thối chuyển ấy?”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: “Nầy Thiên Tử! Phải biết từ tham dục mà có thối chuyển, từ sân khuể mà có thối chuyển, từ ngu si mà có thối chuyển, từ hữu ái mà có thối chuyển, từ vô minh mà có thối chuyển, nhẫn đến từ mười hai hữu phần sanh tử mà có thối chuyển, từ nhơn duyên mà có thối chuyển, từ kiến chấp mà có thối chuyển, từ danh từ sắc mà có thối chuyển, từ Dục giới từ Sắc giới từ Vô sắc giới mà có thối chuyển, từ Thanh Văn mà có thối chuyển, từ Bích Chi Phật mà có thối chuyển, từ phân biệt mà có thối chuyển, từ chấp trước mà có thối chuyển, từ tướng mà có thối chuyển, từ thủ tướng mà có thối chuyển, từ đoạn kiến mà có thối chuyển, từ thường kiến mà có thối chuyển, từ thủ mà có thối chuyển, từ xả mà có thối chuyển, từ ngã tưởng mà có thối chuyển, từ chúng sanh tưởng mà có thối chuyển, từ thọ mạng tưởng mà có thối chuyển, từ sĩ phu tưởng mà có thối chuyển, từ bổ đặc già la mà có thối chuyển, từ tư tưởng mà có thối chuyển, từ hệ phược mà có thối chuyển, từ điên đảo mà có thối chuyển, từ ngã kiến mà có thối chuyển, từ ngã kiến làm căn bổn cho sáu mươi hai kiến mà có thối chuyển, từ ngũ cái mà có thối chuyển, từ ngũ ấm mà có thối chuyển, từ các nhập mà có thối chuyển, từ các giới mà có thối chuyển, từ Phật tưởng mà có thối chuyển, từ Pháp tưởng mà có thối chuyển, từ Tăng tưởng mà có thối chuyển, nhẫn đến tôi sẽ thành Phật tôi sẽ thuyết pháp tôi độ chúng sanh tôi sẽ phá ma tôi được trí huệ từ các tưởng ấy mà có thối chuyển.

Nầy Thiên Tử! Nếu có thể chẳng phân biệt Như Lai thập lực, chẳng phân biệt tứ vô sở úy chẳng phân biệt thập bát bất cộng pháp chẳng phân biệt tất cả căn lực giác đạo chẳng phân biệt các tướng hảo chẳng phân biệt trang nghiêm Phật quốc chẳng phân biệt Thanh Văn chẳng phân biệt Bồ Tát nhẫn đến chẳng phân biệt tất cả phân biệt thối chuyển thì gọi là bất thối chuyển”.

ThiệnTrụ Ý Thiên Tử nói: “Bạch Đại Sĩ! Nếu như vậy thì sẽ ở đâu để được bất thối chuyển?”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: “Nầy Thiên Tử! Phải biết từ thông đạt Phật huệ mà được bất thối chuyển, từ không vô tướng vô nguyện mà được bất thối chuyển, từ như như từ pháp tánh từ thiệt tế từ bình đẳng mà được bất thối chuyển”.

Thiện Trụ ý Thiên Tử nói: “Bạch Đại Sĩ! Nếu nói như vậy thì phân biệt cùng bất phân biệt hai thứ không sai khác. Tại sao? Vì đều là từ tư duy phân biệt mà sanh vì thế nên được nói là có thối chuyển.

Bạch Đại Sĩ! Thối chuyển như vậy là có pháp hay không pháp?”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: ” Chẳng phải có chẳng phải không có thối chuyển ấy”.

Thiện Trụ Ý Thiên Tử nói: ” Bạch Đại Sĩ! Nếu như vậy thì chỗ nào có thối chuyển?”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: ” Nầy Thiên Tử! Nếu có nếu không là hư vọng lấy, là điên đảo lấy là bất như lấy, kia là chẳng lấy cũng chẳng phải chẳng lấy, do nghĩa ấy mà được nói là thối chuyển. Nhưng pháp thối chuyển ấy chẳng thể nói có chẳng thể nói không. Tại sao? Vì nếu trong có không mà có thối chuyển thì có lỗi, tại sao? Vì nếu có pháp thối chuyển thì đọa thường kiến, nếu không pháp thối chuyển thì đọa đoạn kiến. Nhưng đức Thế Tôn nói chẳng ở trong thường chẳng ở trong đoạn. Chẳng phải đoạn chẳng phải thường là lời nói của Như Lai. Nầy Thiên Tử! Nếu họ ở nơi các tưởng chẳng chơn thiệt trước ấy mà họ chứng biết thì gọi là chẳng phải đoạn chẳng phải thường. Nầy thiên Tử! Đây là pháp môn thối chuyển của Bồ Tát vậy”.

Lúc nói pháp nầy có mười ngàn Thiên Tử được vô sanh pháp nhẫn.

PHẨM VĂN THÙ THẦN BIẾN THỨ BA

Bấy giờ Thiện Trụ Ý Thiên Tử bạch Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát: “Bạch Đại sĩ! Nay nên cùng đến chỗ đức Như Lai thân cận đảnh lễ thỉnh hỏi chỗ chưa nghe, cũng nhơn thời gian ấy mà hỏi gạn như pháp”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: ” Nầy Thiên Tử! Ngài chớ phân biệt thủ trước Như Lai”.

Thiện Trụ Ý Thiên Tử nói: ” Bạch Đại Sĩ! Như Lai ở tại đâu mà bảo chớ thủ trước?”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: ” Chính tại hiện tiền.

– Bạch Đại Sĩ! Nếu như vậy sao tôi chẳng thấy?

– Nầy Thiên Tử! Nếu nay Ngài có thể tất cả chẳng thấy thì gọi là chơn thiệt thấy Như Lai.

– Bạch Đại Sĩ! Nếu là hiện tiền sao bảo tôi chớ thủ trước Như Lai?

– Nầy Thiên Tử! Ngài cho rằng nay đây hiện tiền có gì?

– Bạch Đại Sĩ có hư không giới.

– Nầy Thiên Tử! Đúng vậy, nói là Như Lai chính là nói hư không giới. Tại sao? Vì các pháp bình đẳng như hư không vậy. Thế nên hư không tức là Như Lai, Như Lai tức là hư không. Hư Không và Như Lai không hai không khác. Nầy Thiên Tử! Do nghĩa ấy nên người muốn cầu thấy Như Lai phải quan sát như vầy: chơn tế như thiệt biết rõ trong ấy không có một vật có thể phân biệt được”.

Bấy giờ Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát lại dùng thần lực hóa làm ba mươi hai sở nhà báu nhiều từng mái hiên đầy đủ bốn mặt vuông vức bốn góc có trụ giáp vòng có bao lơn lưới báu giăng xen rất đẹp vi diệu cao vọi nguy nga hoàn toàn trang nghiêm rất đáng ưa thích. Trong nhà đều có giường báu thù thắng trải với thiên y, trên giường đều có Hóa Bồ Tát ngồi đủ ba mươi hai tướng đại nhơn.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát hiển hiện sự trang nghiêm như vậy rồi cùng các tòa liên hoa Hóa Phật Hóa Bồ Tát và nhà báu nhiều từng nầy cùng với chúng Bồ Tát đồng đến chỗ Phật hữu nhiễu bảy vòng cũng vi nhiễu chúng Tỳ Kheo rồi thăng lên hư không sáng chói chiếu khắp chúng hội đạo tràng an trụ nơi bốn phía.

Lúc ấy Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát đi sau Thiện Trụ Ý Thiên Tử mà bỗng đến chỗ Phật trước, còn Thiện Trụ Ý Thiên Tử lại đến sau. Thiện Trụ Ý Thiên Tử hỏi: “Bạch Đại Sĩ! Tôi đi trước mà đến sau. Đại Sĩ từ con đường nào đến đây?”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: “Nầy Thiên Tử! giả sử có người cúng dường hằng sa Như Lai cúi đầu đảnh lễ cũng trọn chẳng thấy được tôi qua lại đi đứng”.

Bấy giờ chư Hóa Bồ Tát trên hoa đài và trong nhà báu đồng thanh nói kệ tán thán đức Như Lai:

“Đã từng cúng dường quá hằng sa

Bất khả tư nghị các Thế Tôn

Dũng mãnh tu hành cầu Bồ đề

Thế nên siêu xuất trên Thiên Nhơn

Ánh sáng sắc đẹp hơn tam giới

Mâu Ni tướng tốt thiệt kỳ đặc

Vì chúng tuyên nói pháp thậm thâm

Không có thọ mạng không nhơn ngã

Thế Tôn hành thí trì tịnh giới

Nhẫn nhục tinh tiến đủ thiền định

Trí huệ thanh tịnh sáng ba cõi

Tôi lạy đấng thắng Ba la mật

Có ai phát tâm cầu Bồ đề

Thì thọ cúng dường của Thiên Nhơn

Nếu nơi thâm không chẳng nghi hoặc

Sẽ nối Pháp Vương xuất thế gian

Quá khứ chư Phật Đẳng Chánh Giác

Hiện tại tất cả Lưỡng Túc Tôn

Thường nói các pháp không như vậy

Bổn lai vô tướng cũng vô tác

Chúng sanh thể tánh bất khả đắc

Nào có kẻ sanh và tử diệt

Vốn đã không lai cũng không khứ

Tất cả các pháp như hư không

Như các hóa nhơn xem các sự

Dẫu lại thị hiện mà không thiệt

Thế Tôn thuyết pháp cũng như vậy

Đều là hư giả đồng ảo mộng

Hằng sa thế giới đầy châu báu

Mang đem bố thí tất cả người

Nếu hay tu nhẫn khéo nói không

Thí pháp như đây hơn tài thí

Lại trong số kiếp như hằng sa

Cúng dường chư Phật Thiên Nhơn Sư

Phụng hiến hương hoa và tư cụ

Vì cầu Bồ đề lìa thế gian

Được nghe thâm pháp rất sâu nầy

Không có ngã chúng sanh thọ mạng

Nên biết người nầy được tịnh nhẫn

Đây là cúng dường thập phương Phật

Trong vô số kiếp hành bố thí

Y thực tượng mã và trân bửu

Nên biết chẳng phải nhơn giải thoát

Bởi có tưởng ngã nhơn chúng sanh

Quy mạng đấng Vô thượng Niết bàn

Cứu tế chúng sanh số vô lượng

Các pháp đều không vốn thanh tịnh

Giải thoát như vậy trí trang nghiêm

Chư Phật xuất thế rất khó gặp

Được nghe chánh pháp sanh tin khó

Thân người khó dược nay đã được

Lành thay Phật pháp người thuận tu

Đã được bỏ trừ tám chướng nạn

Tuyệt hẳn chật hẹp ở không nhàn

Nơi các chánh pháp được tín hành

Phải nên dũng mãnh phát tinh tiến

Nếu nghe pháp rồi phải chánh tư

Chẳng nên nghe tiếng liền nắm lấy

Các người thường tu a lan nhã

Chắc sẽ mau chóng thành nhơn hùng

Gần thiện tri thức và pháp sư

Phải mau xa rời các ác hữu

Người nơi chúng sanh tưởng bình đẳng

Cẩn thận chớ khởi tâm ngã nhơn

Thường thích đa văn trì cấm giới

Lìa bỏ cửa nhà ngồi trong rừng

Hũ dược trị bịnh chớ dối tốt

Cũng luôn khất thực thọ phấn tảo

Tất cả hữu vi tức vô vi

Đồng đều nhứt tướng như dương diệm

Nếu rõ thiệt tế thấy chơn như

Mau thành Vô thượng Bồ đề đạo

Nên quán ngũ ấm dường mộng ảo

Các nhập trong ngoài như nhà hoang

Thế Tôn thường nói pháp như đây

Pháp cũng mộng ảo chớ chấp trước

Tham dục sân khuể tánh tự không

Ngu si ngã mạn phân biệt khởi

Pháp ấy đã diệt nay cũng không

Biết được như vậy thì thành Phật”.

Lúc chư Hóa Bồ Tát nói kệ nầy, trong chúng hội có hai vạn hai ngàn chúng sanh phát tâm Vô thượng Bồ đề, năm trăm Tỳ Kheo lậu tận ý giải tâm được giải thoát, năm trăm Tỳ Kheo Ni xa trần lìa cấu được pháp nhãn tịnh, bảy ngàn Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, hai vạn năm ngàn Thiên tử cũng đều được lìa trần cấu được pháp nhãn tịnh, ba trăm Bồ Tát được vô sanh pháp nhẫn. Cả đại địa tam thiên Đại Thiên thế giới chấn động sáu cách.

PHẨM PHÁ MA THỨ TƯ

Bấy giờ Tôn giả Xá Lợi Phất bạch đức Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Nay thoại tướng nầy do ai làm mà có thể khiến Đại Thiên thế giới đại địa chấn động sáu cách, lại còn nhà báu tòa liên hoa chư Hóa Bồ Tát phóng quang minh lớn soi sáng chúng hội diễn nói thâm pháp vi diệu, khiến vô lượng ức số chư Thiên Tử đều đến tập họp và ức số chư Bồ Tát cũng vân tập đến?”.

Đức Phật phán dạy: “Nầy Xá Lợi Phất! Đây là thần lực của Văn Thù Sư Lợi hiện ra những sự vi diệu trang nghiêm như vậy, cũng khiến chư Bồ Tát và chư Thiên vân tập. Nầy Xá Lợi Phất! Văn Thù Sư Lợi cùng Thiện Trụ

Ý Thiên Tử dắt đại chúng muốn đến chỗ Phật thỉnh hỏi về pháp môn Phá tán chư ma tam muội để thành tựu đầy đủ các Phật pháp thậm thâm bất tư nghị”.

Tôn giả Xá Lợi Phất lại bạch Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Nếu như vậy sao tôi xem khắp đại chúng mà trọn chẳng thấy Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát?”.

Đức Phật phán dạy: “Nầy Xá Lợi Phất! Ông chờ một chút, nay Văn Thù Sư Lợi cùng tất cả Ma Vương tất cả Ma chúng tất cả ma cung mà làm sự suy hao lớn, đó là thần biến cực vi diệu trang nghiêm sắp đến chỗ ta, ông sẽ tự thấy”.

Lúc nầy Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nhập Phá tán chư ma tam muội, do sức tam muội làm cho trong Đại Thiên thế giới trăm ức cung điện ma cũ mục tối tăm như sắp rã hư, không còn oai quang khiến tất cả ma chẳng thích chỗ mình ở, họ đều thấy thân hình mình già suy ốm gầy chống gậy mà đi, hàng thiên nữ biến thành bà già. Thấy sự như vậy, tất cả ma rất ưu sầu Cả mình rởn ốc hãi sợ suy nghĩ rằng: đây là biến quái gì mà khiến cho trong ngoài của ta đầy những bất tường, phải chăng là sắp chết mất đến lúc bị quả báo suy tán ư? Hay là thế gian sắp bị hoại kiếp ư?

Lúc chúng ma lo sợ suy nghĩ như trên, Văn Thù Sư Lợi bồ Tát dùng thần lực hiện ra trăm ức Thiên Tử đứng trước chúng ma bảo rằng: “Mọi người chớ lo sợ, đây chẳng phải tai họa của các người cũng chẳng phải kiếp hoại. Nay có Bồ Tát Đại Sĩ trụ bất thối chuyển tên là Văn Thù Sư Lợi có đại oai thần đạo đức siêu thế đang nhập Phá tán chư ma tam muội, do sức tam muội ấy mà có sự việc như thế nầy chớ chẳng phải có chi khác”.

Chư ma vương và ma chúng nghe Hóa Thiên Tử nói đến tên Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát họ càng tăng thêm kinh sợ run rẩy chẳng an, tất cả cung điện ma đều chấn động dữ dội.

Chư ma vương thưa với Hóa Thiên Tử: “Xin Ngài đại từ cứu tai ách cho chúng tôi”.

Chư Hóa Thiên Tử nói: “Chớ sợ chớ sợ, các người mau đến chỗ đức Thích Ca Mâu Ni Phật. Tại sao? Vì đức Phật Như Lai ấy có đại từ bi, nếu có chúng sanh quá lo sợ thì chỉ đến quy y với Phật đều liền được an lạc trừ hết lo khổ”. Nói xong, chư Hóa Thiên Tử bỗng ẩn mất.

Chư ma vương và ma chúng nghe lời chỉ trên tất cả đều vui mừng cùng nhau chống gậy trong khoảnh khắc đến chỗ Thích Ca Mâu Ni Phật đồng thanh bạch rằng: “Đại Đức Thế Tôn xin được cứu hộ, xin được cứu hộ khỏi tai quái khốn khổ đại họa nầy.

Bạch Thế Tôn! Thà chúng tôi thọ danh hiệu của muôn ngàn vạn ức chư Phật chứ chẳng mong nghe một tên Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát. Tại sao? Vì khi chúng tôi một lần nghe đến tên Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát thì rất kinh sợ như bị táng mạng”.

Đức Phật phán dạy: “Nầy Ba Tuần! Nay sao các ông bỗng thốt lên lời như vậy. Tại sao? Vì Văn Thù Sư Lợi Đại Sĩ phàm hể khai đạo thì đều làm lợi ích cho chúng sanh. Ức trăm ngàn Phật trước kia hiện nay và sau nầy đều không có làm sự ấy. Chỉ có Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát thuở quá khứ hiện tại vị lai thường vì chúng sanh mà kiến lập đại sự như vậy, lúc chúng sanh thành thục rồi thì Ngài đặt vào trong giải thoát, do đó mà các ông dầu nghe danh hiệu trăm ngàn Phật mà chẳng sanh lòng khổ não cũng chẳng kinh sợ. Sao các ông lại nói chúng tôi nghe tên một Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát thì đều rất kinh sợ”.

Chư ma bạch rằng:

“Bạch đức Thế Tôn! Chúng tôi thiệt hổ thẹn với thân hình già xấu nầy thêm quá kinh sợ nên nói như vậy.

Bạch đức Thế Tôn! Từ nay chúng tôi quy y đấng Chánh Giác, ngưỡng mong thương xót hoàn phục thân hình cho”.

Đức Phật phán dạy: “Các ông chờ giây lát, văn Thù Sư Lợi đến đây rồi sẽ trừ hết sự xấu hổ cho các ông”.

Bấy giờ Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát từ tam muội dậy cùng vô lượng trăm ngàn thiên chúng, vô lượng trăm ngàn đại Bồ Tát và vô lượng trăm ngàn chư Long Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, khẩn Na La, Ma Hầu La Già trước sau vây quanh, lại trổi vô lượng trăm ngàn âm nhạc, lại mưa vô lượng hoa trời vi diệu, đủ đại trang nhiêm có đại thần thông oai đức vô cực đồng đến chỗ đức Phật đảnh lễ chưn Phật hữu nhiễu ba vòng rồi lui ở một bên.

Đức Phật phán dạy: “nầy Văn Thù Sư Lợi! Có phải ông đã nhập Phá tán chư ma tam muội chăng?.

Văn Thù Sư Lợi bồ Tát bạch rằng: “Vâng, bạch đức Thế Tôn! Tôi đã có nhập”.

Đức Phật phán dạy: “Nầy Văn Thù Sư Lợi! Từ đức Phật nào mà ông được nghe dạy tam muội ấy và ông tu bao lâu được thành mãn?”

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát bạch rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Lúc tôi chưa phát tâm Bồ đề, được nghe tam muội ấy nơi đức Phật”.

Đức Phật phán dạy: “Đức Phật ấy danh hiệu là gì?”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát bạch rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Tôi nhớ thuở quá khứ vô lượng vô biên bất khả tư nghị a tăng kỳ kiếp, thuở ấy có đức Phật hiệu Mạn Đà La Hoa Hương Như Lai Ứng Đẳng Chánh Giác, xuất hiện thế gian tuyên nói Phá tán chư ma tam muội ấy, lúc ấy tôi sơ khởi được lắng nghe”.

Đức Phật phán dạy: “Nầy Văn Thù Sư Lợi! Tam muội như vậy tu thế nào để được?”.

Văn Thù Sư Lợi bạch rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Nếu đại Bồ Tát thành tựu đủ hai mươi pháp thì được Phá ma tam muội ấy.

Một là quở trách tham dục phá hoại lòng tham

. Hai là quở trách sân nộ phá hoại lòng sân. Ba là quở trách ngu si phá hoại lòng si.

Bốn là quở trách tật đố phá hoại lòng đố. Năm là quở trách kiêu mạn phá hoại lòng mạn. Sáu là quở trách ngũ cái phá hoại lòng cái. Bảy là quở trách nhiệt não phá hoại lòng não. Tám là quở trách tưởng niệm phá hoại lòng tưởng. Chín là quở trách các kiến phá hoại lòng kiến. Mười là quở trách phân biệt phá hoại lòng phân biệt. Mười một là quở trách thủ sự phá hoại lòng thủ. Mười hai là quở trách chấp trước phá hoại lòng chấp. Mười ba là quở trách các tướng phá hoại tâm tướng. Mười bốn là quở trách pháp có phá hoại lòng có. Mười lăm là quở trách pháp thường phá hoại lòng thường. Mười sáu là quở trách pháp đoạn phá hoại lòng đoạn. Mười bảy là quở trách các ấm phá hoại lòng ấm. Mười tám là quở trách các nhập phá hoại lòng nhập. Mười chín là quở trách các giới phá hoại lòng giới. Hai mươi là quở trách tam giới phá hoại lòng tam giới. Đại Bồ Tát đủ hai mươi pháp nầy thì thành tựu tam muội ấy.

Bạch đức Thế Tôn! Lại có bốn pháp, Bồ Tát tu hành đầy đủ thì thành tựu Phá ma tam muội ấy.

Một là kiến lập tâm hành thanh tịnh điều nhu. Hai là tâm tánh thuần trực không có các

siểm khúc. Ba là tâm không phan duyên nhập thâm pháp nhẫn. Bốn là nội ngoại sở hữu hay xả thí tất cả.

Bạch đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát còn có bốn pháp hay được tam muội ấy: những là cứu cánh thâm tín, thành tựu thiệt ngữ, thường thích không nhàn và chẳng nắm lấy các tướng.

Đại Bồ Tát còn có bốn pháp hay được tam muội ấy: những là gần gũi thiện hữu, thường biết chỉ túc, ngồi một mình tư duy và chẳng thích ồn ào.

Đại bồ Tát còn có bốn pháp hay được tam muội ấy: những là giới chẳng phá hoại, giới chẳng khuyết phạm, giới vô sở y và giới chẳng vọng báo.

Đại Bồ Tát còn có bốn pháp hay được tam muội ấy: những là bỏ tâm Thanh Văn, lìa tâm Duyên Giác, an trụ Bồ Tát nhẫn và chẳng bỏ chúng sanh.

Đại Bồ Tát còn có bốn pháp hay được tam muội ấy, những là tu không trừ ngã, lìa tướng không có tướng, vô nguyện trừ nguyện và xả bỏ các sở hữu.

Bạch đức Thế Tôn! Thuở ấy đức Mạn Đà La Hoa Hương Như Lai tuyên nói pháp môn

Phá tán chư ma ấy tôi được nghe và bắt đầu tu tập.

Kế lại có Phật hiệu Nhứt Thiết Bửu Điện Tế Nhựt Nguyệt Quang Như Lai Ứng Đẳng Chánh Giác, bấy giờ ở nơi tam muội ấy tôi thành tựu đầy đủ. Đức Thế Tôn ấy tuyên nói pháp môn nầy trong chúng hội ấy có mười ngàn Bồ Tát thành tựu pháp môn Phá tán chư ma tam muội. Tôn giả Xá Lợi Phất bạch đức Phật: “Hi hữu Thế Tôn! Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nầy có thể từ thuở xa xưa thành tựu Phá ma tam muội, do nơi lực tam muội khìến Ba Tuần và ma chúng tóc bạc già nua hình chí đều suy đến đỗi thế nầy”.

Đức Phật phán dạy: “Nầy Xá Lợi Phất! Nay ông cho rằng Văn Thù Sư Lợi riêng một Đại Thiên thế giới nầy biến chúng ma làm cho già suy thôi ư! Ông chớ quan niệm như vậy. Tại sao? Vì hiện nay trong mười phương hằng sa Phật độ tất cả chúng ma đều biến hoại như vậy cả, đều do oai lực của Văn Thù Sư Lợi làm ra vậy”.

Đức Phật bảo Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát: “: Nay ông nên nhiếp thần lực của ông lại khiến tất cả chúng ma hoàn phục bổn hình”.

Tuân lời đức Phật, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát bảo chúng ma rằng: “Các Ngài có thiệt chán sợ thân hình nầy chăng?”.

Chúng ma bạch rằng: “Vâng, bạch Đại Sĩ”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát bảo: “Nếu như vậy thì các Ngài cũng nên chán sợ tham dục chớ luyến tam giới”.

Chúng ma bạch rằng: “Lành thay Đại Sĩ, kính nghe lời dạy tốt há dám sai trái, mong Đại Sĩ cho chút oai thần trừ sự khổ xấu hổ nầy”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát liền nhiếp thần lực khiến chúng ma hoàn phục thân hình chư Thiên trang nghiêm như cũ rồi bảo chúng ma rằng: “Nầy Ba Tuần!Như nhãn sở hữu của Ngài, gì là nhãn? Gì là nhãn tưởng? Như vậy chỗ nào là nhãn trước, là nhãn tướng, là nhãn phan duyên, là nhãn chướng ngại, là nhãn tư, là nhãn ngã, là nhãn y chỉ, là nhãn hỉ lạc, là nhãn hí luận, là nhãn ngã sở, là nhãn hộ, là nhãn niệm, là nhãn thủ, là nhãn xả, là nhãn phân biệt, là nhãn tư lương,là nhãn thành tựu, là nhãn sanh, là nhãn diệt, là nhãn lai khứ? Các pháp như vậy là cảnh giới của Ngài, ma nghiệp chướng ngại.

Như nhãn, với nhĩ tỉ thiệt thân và ý cũng như vậy.

Lại như sắc, thanh hương vị xúc và pháp cũng như vậy. Các Ngài đều phải nên biết rõ như thiệt.

Lúc Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát thuyết pháp ấy trong chúng có một vạn ma vương Ba Tuần đều phát tâm Vô thượng Bồ đề. Tám vạn bốn ngàn các ma quyến thuộc xa lìa trần cấu được pháp nhãn thanh tịnh.

PHẨM BỒ TÁT THÂN HÀNH THỨ NĂM

 Bấy giờ Tôn giả Ma Ha Ca Diếp bạch Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Chúng tôi nguyện thỉnh Văn Thù Sư Lợi làm cho chúng tôi xem thấy chư đại Bồ Tát. Vì chư Đại Sĩ ấy khó được gặp gỡ vậy”.

Đức Phật phán bảo Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát: “Ông nên biết nay đại chúng cũng đều khát ngưỡng muốn thấy thập phương vân tập chư đại Bồ Tát. Hiện đã phải lúc ông nên hiển hiện”.

Tuân lời Phật dạy, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát bảo chư đại Bồ Tát mười phương vân tập đến như là Pháp Luân Bồ Tát, Nguyệt Quang Bồ Tát, Hàng Ma Bồ Tát, Diệu Âm Bồ Tát, Ly Cấu Bồ Tát, Tịch Diệt Bồ Tát, Tuyển Trạch Bồ Tát, Pháp Vương Hống Bồ Tát, vô lượng Bồ Tát như vậy rằng: “Chư Đại Sĩ! Nay các Ngài đều nên ở tại cung điện tự hiện thân mình rõ ràng đúng như hình trạng tại bổn quốc của các Ngài”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát phát xuất lời ấy xong, chư đại Bồ Tát từ tam muội dậy đều hiện bổn thân khiến tất cả đại chúng đều thấy:

Hoặc có Bồ Tát thân cao lớn như Tu Di sơn vương hoặc có Bồ Tát thân lớn tám vạn bốn ngàn do tuần, hoặc trăm ngàn do tuần, hoặc chín mươi ngàn do tuần nhẫn đến có mười ngàn do tuần, nhẫn đến có một trăm do tuần, nhẫn đến có mười do tuần, chín do tuần, tám do tuần đến một do tuần lần lượt cho đến hoặc có bồ Tát thân hình lớn nhỏ rộng hẹp bằng thân người ở Ta Bà thế giới nầy. Lúc nầy đại chúng đầy chật cả Đại Thiên thế giới không còn một chỗ trống bằng đầu gậy.

Tất cả chúng đại Bồ Tát ấy đều là công đức nguy nguy tri huệ sâu xa đầy đủ oai lực thành tựu thần thông phóng đại quang minh chiếu khắp mười phương vô lượng trăm ngàn Phật độ.

Nhẫn đến chư Thiên đại oai đức cùng chư Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhơn Phi Nhơn, chư đại vương, chư tiểu vương đều đông đủ.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát đứng dậy chỉnh y phục trịch y vai hữu gối hữu chấm đất chắp tay hướng Phật mà bạch rằng: “Bạch Thế tôn! Nay tôi muốn thưa hỏi đức Như Lai Ứng Đẳng Chánh Giác chút ít để giải quyết lòng nghi, chẳng biết đức Thế Tôn có thương cho phép chăng?”.

Đức Phật phán: “Cho phép ông hỏi, Như Lai Ứng Đẳng Chánh Giác sẽ giải thích quyết dứt lòng nghi cho ông khiến ông vui mừng”.

Văn Thù Sư lợi Bồ Tát Bạch rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Thế nào gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát, Nói Bồ Tát ấy có những nghĩa gì?”.

Đức Phật phán dạy: “Nầy Văn Thù Sư Lợi! Ông hỏi thế nào là Bồ Tát và Bồ Tát có nghĩa gì?

Do vì hay giác liễu tất cả pháp nên gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát vậy!

Nầy Văn Thù Sư Lợi! Tất cả pháp mà Bồ Tát giác liễu đó là ngôn thuyết.

Nầy Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là Bồ Tát giác liễu tất cả pháp? Những là giác liễu nhãn nhĩ tỷ thiệt thân và ý. Bồ Tát giác liễu nhãn căn v.v…bổn tánh là không, giác liễu như vậy rồi trọn chẳng sanh niệm rằng tôi hay giác tri.

Giác liễu nhãn v.v…như vậy rồi, bồ Tát lại giác liễu sắc thanh hương vị xúc và pháp bổn tánh tự không. Giác liễu như vậy rồi bồ Tát cũng chẳng phân biệt rằng tôi hay giác tri.

Đây là Bồ Tát giác liễu tất cả pháp vậy.

Nầy Văn thù Sư Lợi! Bồ Tát giác liễu ngũ ấm thế nào? Bồ Tát xem thấy ngũ ấm thể tánh vốn tự không. Vì giác liễu như vậy nên quán vô tướng. Vì giác liễu như vậy nên quán vô nguyện. Vì giác liễu như vậy nên quán vô dục. Vì giác liễu như vậy nên quán tịch tĩnh. Vì giác liễu như vậy nên quán viễn ly. Vì giác liễu như vậy nên quán sở hữu. Vì giác liễu như vậy nên quán vô thiệt. Vì giác liễu như vậy nên quán vô động. Vì giác liễu như vậy nên quán vô sanh. Vì giác liễu như vậy nên quán vô diệt. Vì giác liễu như vậy nên quán vô lai. Vì giác liễu như vậy nên quán vô khứ. Vì giác liễu như vậy nên quán vô chơn. Vi giác liễu như vậy nên quán vô chủ. Vì giác liễu như vậy nên quán vô chứng. Vì giác liễu như vậy nên quán vô tri. Vì giác liễu như vậy nên quán vô kiến.Vì giác liễu như vậy nên quán vô nhơn. Vì giác liễu như vậy nên quán vô tưởng. Vì giác liễu như vậy nên quán bất khả thuyết.Vì giác liễu như vậy nên quán đản hữu danh. Vì giác liễu như vậy nên quán vô ngã. Vì giác liễu như vậy nên quán phân biệt khởi. Vì giác liễu như vậy nên quán tùng duyên sanh. Vì giác liễu như vậy nên quán như huyễn. Vì giác liễu như vậy nên quán như hóa. Vì giác liễu như vậy nên quán như mộng. Vì giác liễu như vậy nên quán như cảnh tượng. Vì giác liễu như vậy nên quán như thanh hưởng. Vì giác liễu như vậy nên quán như ba tiêu. Vì giác liễu như vậy nên quán bất cửu trụ. Vì giác liễu như vậy nên quán bất lao cố. Vì giác liễu như vậy nên quán hư vọng. Vì giác liễu như vậy nên quán vô vật. Vì giác liễu như vậy nên gọi Bồ Tát giác liễu tất cả pháp.

Lại nầy Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là đại Bồ Tát giác liễu tham sân si? Bồ Tát giác liễu tham dục, kia nhơn vì phân biệt mà khởi, giác liễu sân khuể kia nhơn vì phân biệt mà khởi, giác liễu ngu si kia nhơn vì phân biệt mà khởi nhưng cũng giác liễu phân biệt kia không, vô sở hữu, vô vật, vô hí luận, vì bất khả thuyết bất khả chứng vậy. Đây là Bồ Tát giác liễu tất cả pháp.

Lại nầy Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là Bồ Tát giác liễu tam giới? Bồ Tát giác liễu Dục giới không ngã nhơn. Sắc giới vô sở tác, Vô Sắc giới không vô hữu. Giác liễu tam giới đều viễn ly vậy. Đây là Bồ Tát giác liễu tất cả pháp.

Lại nầy Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát! Thế nào là Bồ Tát giác liễu chúng sanh hành? Bồ Tát giác liễu chúng sanh nầy tham dục hành, chúng sanh nầy sân khuể hành, chúng sanh nầy ngu si hành, chúng sanh nầy đẳng phần hành. Giác liễu như vậy chứng tri như vậy, vì chúng sanh mà giảng thuyết như vậy giáo hóa như vậy khiến được giải thoát như vậy. Đây là Bồ Tát giác liễu tất cả pháp.

Lại nầy Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát! Thế nào là Bồ Tát giác liễu chúng sanh? Bồ Tát giác liễu chúng sanh chỉ có văn tự, rời lìa văn tự ấy, thì không có chúng sanh riêng, thế nên tất cả chúng sanh tức là một chúng sanh, một chúng sanh tức là tất cả chúng sanh. Chúng sanh như vậy tức là phi chúng sanh. Nếu ai có thể vô phân biệt như vậy đó là đại Bồ Tát giác liễu tất cả pháp.

Lại giác liễu tất cả pháp thế nào? Có thể giác liễu Bồ đề đạo như vậy đó là đại Bồ Tát giác liễu tất cả pháp”.

Thuyết minh lại nghĩa nầy, đức Thế Tôn nói kệ rằng:

“Giác liễu nhãn với nhĩ

Tự thể thường không tịch

Chẳng nói tôi hay giác

Thì gọi là Bồ Tát

Quán tỉ cùng với thiệt

Bổn tánh vô sở hữu

Chẳng phân biệt tôi giác

Thì gọi là Bồ Tát

Trí huệ quan sát thân

Cũng giác ý tự nhiên

Giác rồi nói dạy người

Thì gọi là Bồ Tát

Sắc thanh hương vị xúc

Ý chỗ thích trần cảnh

Giác tri bổn tánh không

Thì gọi là Bồ Tát

Giác sắc cùng thọ tưởng

Hành ấm và thức tâm

Tất cả đồng như huyễn

Thì gọi là bồ Tát

Ngũ ấm tụ như mộng

Giác nó không một tướng

Chẳng phân biệt tôi biết

Thì gọi là Bồ Tát

Chẳng sanh cũng chẳng xuất

Không tác cũng không nói

Chỉ có danh tự thôi

Danh ấy cũng không vật

Giác tham dục sân khuể

Đều do phân biệt khởi

Phân biệt ấy không thể

Cứu cánh trọn tự không

Si cũng phân biệt sanh

Phân biệt nhơn duyên sanh

Duyên đây sanh kiến chấp

Kiến chấp bất khả đắc

Giác sát tam giới không

Tất cả không chơn thiệt

Nơi kia bất khả động

Nên gọi là Bồ Tát

Dục giới chẳng thành tựu

Đều do phân biệt khởi

Sắc giới vô sắc giới

Tất cả chẳng bền vững

Sở hành của chúng sanh

Người trí đều biết rõ

Tham dục cùng sân khuể

Và ngu si kia thảy

Tất cả các chúng sanh

Tức là một chúng sanh

Trí giả không sở giác

Chẳng niệm chúng sanh kia

Các pháp được sanh khởi

Đều nhơn điên đảo sanh

Giác liễu điên đảo ấy

Biết chơn tướng điên đảo

Trí huệ rất vi diệu

Chẳng lấy các âm thanh

Giác rồi vô sở trước

Nên gọi là Bồ Tát

Hay xả thịt thân mình

Cũng trọn không y chỉ

Giác chơn thiệt như vậy

Mới gọi là Bồ Tát

Trì giới đến bỉ ngạn

Cũng chẳng niệm bỉ ngạn

Giác liễu giới hạnh như

Không sanh cũng không tận

Từ tâm khắp chúng sanh

Chẳng được tướng chúng sanh

Giác liễu chúng sanh tế

Chỉ do giả ngôn tuyên

Dũng mãnh đại tinh tiến

Thâm tâm chán hữu vi

Thấy tam giới không hư

Chứng Vô thượng Đẳng giác

Thường nhập thiền vi diệu

Vô trước vô sở y

Không trụ không phan duyên

Trí giả định như vậy

Hay dùng dao bén trí

Dứt trừ các dây kiến

Quan sát tánh pháp giới

Không dứt cũng không tổn

Nếu người chơn giác liễu

Tất cả pháp như thiệt

Liền đó lợi chúng sanh

Mới gọi là Bồ Tát”.

PHẨM PHÁ BỒ TÁT TƯỚNG THỨ SÁU

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát bạch Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Như lời Phật dạy bồ Tát sơ phát tâm ấy, do nghĩa gì gọi là sơ phát tâm?”.

Đức Phật phán dạy: “Nầy Văn Thù Sư Lợi! Nếu có Bồ Tát bình đẳng xem tam giới tất cả tưởng sanh như vậy, được nói tối sơ phát tâm. Đây gọi là Bồ Tát sơ phát tâm vậy.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát lại bạch Phật: “Bạch đức Thế Tôn! Như tôi hiểu nghĩa của đức Phật nói: nếu có Bồ Tát tâm tham dục sanh là sơ phát tâm, tâm sân khuể sanh là sơ phát tâm, tâm ngu si sanh là sơ phát tâm. Lời đức Thế Tôn nói phải chăng bảo đó là sơ phát tâm?”.

Thiện Trụ Ý Thiên Tử hỏi Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát: “Bạch Đại Sĩ! Nếu chư Bồ Tát khởi tham sân si mà gọi là sơ phát tâm thì tất cả cụ phược phàm phu đều tức là sơ phát tâm Bồ Tát. Tại sao? Vì từ xưa đến nay các phàm phu ấy thường phát ba độc tâm tham sân si như vậy”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: ” Nầy Thiên Tử! Ngài nói tất cả phàm phu từ xưa đến nay thường phát được ba độc tâm ấy, nghĩa đó không đúng. Tại sao? Vì tất cả phàm phu tâm lực kém yếu chẳng thể phát khởi tham sân si ấy. Duy có chư Phật Thế Tôn tất cả A La Hán Bích Chi Phật bất thối chuyển địa Bồ Tát mới hay phát khởi tham sân si thôi. Vì thế nên phàm phu chẳng phát được”.

Thiện Trụ Ý Thiên Tử nói: ” Bạch Đại Sĩ! Nay Ngài cớ chi nói như vậy khiến chúng hội nầy chẳng hiểu chẳng biết sa vào lưới nghi rất đáng kinh sợ”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: ” Nầy Thiên Tử! Như chim kia bay qua bay lại trong hư không, dấu chưn chim ấy tại hư không là có phát hành hay không có phát hành?

– Bạch Đại Sĩ! Chẳng phải không phát hành.

– Nầy Thiên Tử! Đúng như vậy. Do nghĩa ấy nên tôi nói nếu có ai hay phát tham sân si, thì duy chư Phật Thế Tôn Thanh Văn Duyên Giác bất thối Bồ Tát mới hay phát được thôi.

Nầy Thiên Tử! Không có y xứ đó gọi là phát, không có thủ trước đó gọi là phát. Đã không y xứ lại không thủ trước thì tức là không có, đây gọi là phát, là câu vô phân biệt đây gọi là phát, là câu bất khả sanh đây gọi là phát, là câu bất thiệt đây gọi là phát, là câu phi vật đây gọi là phát, là câu bất lai đây gọi là phát, là câu bất khứ, đây gọi là phát, là câu vô sanh đây gọi là phát, là câu vô phan duyên đây gọi là phát, là câu vô chứng đây gọi là phát, là câu bất tránh đây gọi là phát, là câu bất tư đây gọi là phát, là câu bất hoại đây gọi là phát, là câu vô ngôn đây gọi là pháp, là câu bất phá đây gọi là phát, là câu vô tự đây gọi là phát, là câu vô chấp đây gọi là phát, là câu vô trụ đây gọi là phát, là câu bất thủ đây gọi là phát, là câu bất xả đây gọi là phát, là câu bất đạt đây gọi là phát. Nầy Thiên Tử! Nên biết đây là Bồ Tát sơ phát tâm vậy.

Nầy Thiên Tử! Bồ Tát phát tâm nếu ở nơi tất cả pháp như vậy mà chẳng ái trước chẳng tư tuởng chẳng thấy chẳng biết chẳng nghe chẳng hiểu chẳng lấy chẳng bỏ chẳng sanh chẳng diệt thì gọi là chơn phát tâm vậy.

Nầy Thiên Tử! Đại Bồ Tát nếu hay y chỉ pháp giới như vậy bình đẳng như vậy thiệt tế như vậy phương tiện như vậy thì tham dục sân khuể ngu si phát. Lại nếu quyết hay y chỉ như vậy thì nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý kia phát, thì sắc thủ uẩn thọ tưởng hành thức thủ uẩn kia phát, như vậy thì tất cả kiến chấp phát, vô minh hữu ái phát, mười hai nhơn duyên hữu phần phát, ngũ dục các sự phát, ái trước tam giới phát, ngã kiến phát, ngã sở kiến phát, sáu mươi hai kiến phát, Phật tưởng phát, Pháp tưởng phát, Tăng tưởng phát, tự tưởng phát, tha tưởng phát, địa thủy hỏa phong không thức đại tưởng phát, tứ điên đảo phát, tứ thức trụ phát, ngũ cái phát, bát tà phát, cửu não phát, thập ác nghiệp đạo phát. Nói tóm lại, tất cả phân biệt, tất cả chỗ phân biệt, tất cả ngữ ngôn, tất cả các tướng, tất cả tiến xu, tất cả hi cầu, tất cả thủ trước, tất cả tư tưởng, tất cả ý niệm, tất cả chướng ngại Bồ Tát đều phải phát cả, các Ngài nên biết như thiệt.

Nầy Thiên Tử! Do nghĩa ấy nên nếu nay Ngài có thể ở nơi các pháp nầy mà chẳng ái trước chẳng tư tưởng thì gọi là chơn thiệt phát vậy “.

Đức thế Tôn khen rằng: “Lành thay lành thay, nầy Văn Thù Sư Lợi, nay ông có thể vì chư Bồ Tát mà tuyên đủ những nghĩa sơ phát tâm như vậy. Từ quá khứ ông đã từng cúng dường vô lượng vô biên quá hằng sa số chư Phật Thế Tôn nên ông có thể tuyên nói như vậy”.

Tôn giả Xá Lợi Phất bạch Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Nay chỗ nói của Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát về tối sơ phát tâm và được vô sanh pháp nhẫn của Bồ Tát, trước sau hai sự bình đẳng không khác ư”.

Đức Phật phán dạy: “Đúng như vậy. Nầy Xá Lợi Phất! Thuở xưa đức Nhiên Đăng Thế Tôn thọ ký ta rằng: Ma Na Bà! Đời vị lai quá a tăng kỳ kiếp ông sẽ được thành Phật hiệu Thích Ca Mâu Ni Như Lai Ứng Đẳng Chánh Giác. Nầy Xá Lợi Phất, lúc ấy ta cũng chẳng lìa tâm nầy mà được vô sanh pháp nhẫn. Ông nên biết nghĩa sơ phát tâm của tất cả Bồ Tát đúng như lời Văn Thù Sư Lợi nói không có khác vậy”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát bạch rằng: ” Bạch đức Thế Tôn như tôi hiểu nghĩa của đức Phật nói đều là sơ phát. Tại sao? Vì như lời Phật nói tất cả sơ phát tức là chẳng phát, chẳng phát ấy tức là Bồ Tát tối sơ phát tâm”.

Lúc nói pháp nầy, có hai vạn ba ngàn Bồ Tát chứng vô sanh nhẫn, năm ngàn Tỳ Kheo ở trong các pháp lậu tận giải thoát, sáu mươi ức chư Thiên Tử xa lìa trần cấu được pháp nhãn tịnh.

Tôn giả Đại Ca Diếp bạch Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Nay Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát lại còn làm được việc khó làm tuyên nói pháp môn thậm thâm như vậy khiến các chúng sanh được nhiều lợi ích”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: “Nầy Tôn giả Đại Ca Diếp! Thiệt tôi chẳng làm việc khó làm. Tại sao? Vì tất cả pháp đều vô sở tác; cũng không có đã làm, nay làm sẽ làm. Thưa Đại Ca Diếp! Nơi các pháp tôi chẳng phải làm chẳng làm nghĩa ấy cũng vậy.

Lại nầy Tôn giả! Với chúng sanh tôi không có độ thoát cũng không trói buộc. Tại sao?Vì tất cả các pháp vô sở hữu vậy. Sao Tôn giả ở trước Phật nói là hay làm việc khó làm.

Lại nầy Tôn giả! Thiệt tôi chẳng làm. Chẳng phải riêng tôi chẳng làm mà tất cả Như Lai cũng chẳng làm, Bích Chi Phật cũng chẳng làm, A La Hán cũng chẳng làm.

Lại nầy Tôn giả Đại Ca Diếp! Có những người nào hay làm việc khó làm? Nếu muốn nói đúng hay làm sự khó làm thì chỉ có tất cả anh nhi phàm phu kia nói như vậy là khéo nói. Tại sao?Vì như chư Phật không có đã được nay được sẽ được, nhẫn đến tất cả Thanh Văn tất cả Bích Chi Phật cũng vô sở đắc, chỉ có phàm phu kia tất cả đều được”.

Tôn giả Đại ca Diếp hỏi Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát: “Bạch Đại Sĩ! Tất cả chư Phật chẳng được những gì?”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: “Tất cả chư Phật chẳng được ngã, chẳng được nhơn chúng sanh thọ mạng sĩ phu, chẳng được đoạn thường; chẳng được ấm nhập giới, chẳng được các danh sắc, chẳng được Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới, chẳng được phân biệt tư duy niệm xứ, chẳng được nhơn sanh, chẳng được điên đảo, chẳng được tham sân si, chẳng được đời nầy đời kia, chẳng được ngã ngã sở, nhẫn đến chẳng được tất cả các pháp.

Nầy Tôn giả! Tất cả các pháp thứ đệ chẳng được như vậy cũng lại chẳng mất, chẳng phược chẳng giải, chẳng lấy chẳng bỏ, chẳng xa chẳng gần. Vì thế nên phải giác liễu pháp môn như vậy.

Nếu chư Phật Thế Tôn đều bất đắc thì tất cả pháp chẳng phải pháp chẳng phải nghe, còn phàm phu tất cả đều đắc nên phàm phu hay làm sự khó làm, mà chẳng phải chư Phật làm, chẳng phải Bích Chi Phật làm, chẳng phải A La Hán làm. Đây gọi là phàm phu hay làm vậy”.

Tôn giả lại hỏi: ” Bạch Đại Sĩ! Làm những gì?”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: “Làm đoạn làm thường, làm nhiễm trước, làm y chỉ, làm tư tưởng ức niệm, làm thủ làm xả nhẫn đến tất cả hí luận phân biệt tùy thuận cao hạ các sự việc.

Vì thế nên các pháp như vậy, chư Phật Thế Tôn đều không làm, không có đã làm nay làm sẽ làm, chỉ có phàm phu kia hay làm sự khó làm”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát bạch đức Phật: “Bạch đức Thế Tôn! Vô sanh nhẫn được nói ấy, thế nào là vô sanh nhẫn?Bạch đức Thế Tôn! Lại do nghĩa gì mà còn gọi là pháp vô sanh nhẫn, Bồ Tất thế nào được nhẫn pháp ấy?”.

Đức Phật phán dạy: “Nầy Văn Thù Sư Lợi! Thiệt không có người ở trong sanh pháp mà được vô sanh nhẫn. Nói là được ấy chỉ có ngữ nôn danh tự.Tại sao? Vì vô sanh pháp chẳng thể được vậy, vì lìa phan duyên vậy nên chẳng được pháp nhẫn, được không chỗ được, không đắc không thất do đây mà gọi là được vô sanh pháp nhẫn.

Lại nầy Văn Thù Sư Lợi!Vô sanh pháp nhẫn ấy đó là vì tất cả pháp vô sanh nên nhẫn như vậy, vì tất cả pháp vô lai vô khứ nên nhẫn như vậy, vì tất cả pháp vô ngã vô chủ nên nhẫn như vậy, vì tất cả pháp vô thủ vô xả nên nhẫn như vậy, vì tất cả pháp vô sở hữu vô thiệt nên nhẫn như vậy, vì tất cả pháp vô đẳng vô đẳng đẳng nên nhẫn như vậy, vì tất cả pháp vô tỉ nên nhẫn như vậy, vì tất cả pháp vô nhiễm như hư không nên nhẫn như vậy, vì tất cả pháp vô phá hoại nên nhẫn như vậy, vì tất cả pháp vô đoạn nên nhẫn như vậy, vì tất cả pháp vô cấu vô tịnh nên nhẫn như vậy, vì tất cả pháp không vô tướng vô nguyện nên nhẫn như vậy, vì tất cả pháp lìa tham sân si nên nhẫn như vậy, vì tất cả pháp như như pháp tánh thiệt tế nên nhẫn như vậy, vì tất cả pháp vô phân biệt vô tương ưng vô ức niệm, vô hí luận vô tư duy nên nhẫn như vậy, vì tất cả pháp vô tác vô lực gầy kém hư cuống như ảo như mộng như hưởng như ảnh như cảnh tượng như ba tiêu như tụ mạt như thủy bào nên nhẫn như vậy. Cái bị được nhẫn cũng không có được nhẫn, chẳng phải pháp chẳng phải phi pháp, chỉ dùng danh tự nói lên pháp ấy thôi. Mà danh tự ấy cũng bất khả đắc bổn tánh tự ly. Nói nhẫn như vậy tin hiểu thích vào không nghi hoặc không kinh bố không động không mất đầy khắp nơi thân rồi chánh thọ mà hành chẳng được thân mình cũng không chỗ trụ. Đây là đại Bồ Tát ở trong các pháp được vô sanh nhẫn cho đến chẳng hành tất cả tưởng vậy”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát bạch Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Nói rằng nhẫn ấy, thế nào là nhẫn cho đến chẳng bị cảnh giới phá hoại nên gọi là nhẫn’’.

Thiện Trụ Ý Thiên Tử hỏi Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát: “Bạch Đại Sĩ! Những gì chẳng bị cảnh giới phá hoại?”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: “Nầy Thiên Tử! Đó là nhãn. Pháp nào hoại nhãn? Đó là sắc tốt sắc xấu hay làm hoại nhãn. Như sắc hoại nhãn, các thứ thanh hoại nhĩ hương hoại tỷ vị hoại thiệt xúc hoại thân và pháp hoại ý cũng như vậy.

Nầy Thiên Tử! Nếu Bồ Tát mắt thấy sắc chẳng nắm lấy tướng chẳng ham tốt chẳng phân biệt chẳng tư tưởng chẳng ái chẳng yểm, biết là bổn tánh không chẳng có niệm tưởng, chẳng bị các sắc nó làm hư hại, cho đến ý đối với pháp cũng như vậy.

Nầy Thiên Tử! Nếu sáu căn ấy không trước không phược không hoại không hại, Bồ Tát nầy an trụ nơi pháp nhẫn. Vì an trụ pháp nhẫn nên ở nơi tất cả pháp không chỗ phân biệt không sanh bất sanh không lậu bất lậu không thiện bất thiện không vi bất vi, chẳng niệm thế pháp và xuất thế pháp, chẳng phân biệt chẳng tư duy thì gọi là vô sanh pháp nhẫn”.

Lúc nói pháp nầy, có sáu vạn ba ngàn chúng sanh phát tâm Vô thượng Bồ đề, một vạn hai ngàn Bồ Tát được vô sanh pháp nhẫn.

Thiện Trụ Ý Thiên Tử lại bạch hỏi Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát: “Bạch Đại Sĩ! Thế nào là đại Bồ Tát phát khởi thắng hạnh siêu việt chuyển tăng nhập vào các địa?”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: “Nầy Thiên Tử! Trong ấy ai có thể phát được thắng hạnh mà Ngài nói các địa có siêu chuyển ư?.

– Bạch Đại Sĩ! Ngài há chẳng biết chư Bồ Tát tu hành thù thắng càng tăng cho đến siêu việt hay viên mãn thập địa ư?

– Nầy Thiên Tử! Chẳng phải vậy. Như tôi được nghe đức Phật dạy rằng tất cả các pháp như huyễn hóa. Ngài có tin chăng?

– Bạch Đại Sĩ! Lời chơn thành của đức Phật ai dám chẳng tin!

– Nầy Thiên Tử! Như huyễn nhơn ấy và sự huyễn há lại có thắng hạnh siêu việt chuyển nhập cho đến đầy đủ thập địa ư?

– Bạch Đại Sĩ! không có

– Nầy Thiên Tử! Như vậy, giả sử nếu huyễn nhơn và sự huyễn hay có thắng hạnh siêu việt chuyển nhập thì chư Bồ Tát chúng tôi sẽ siêu việt chuyển nhập như vậy. Tại sao? Vì như đức Thế Tôn nói tất cả pháp như huyễn hóa nên không có chuyển nhập. Vì thế nên nếu nói chư địa có người chuyển nhập tức là chẳng phải chuyển nhập.

Tôi cũng chẳng nói địa có chuyển nhập. Tại sao? Vì tất cả pháp không có chuyển nhập vậy. Vì thế nên pháp ở trong pháp chẳng được chuyển nhập, nghĩa là sắc ở trong thọ, chẳng được chuyển nhập, thọ ở trong sắc chẳng được chuyển nhập, các pháp khác cũng như vậy. Tại sao? Vì tất cả các pháp tánh nó khác nhau, nó đi trong tự cảnh giới, ngoan si vô tri không có giác thức, cũng như cỏ cây ngói đá tường vách, như tượng trong gương, như huyễn như hóa chẳng chứng xúc được, một tướng không có tướng. Do vì nghĩa như vậy nên tất cả các pháp không có siêu chuyển, chẳng xuất chẳng nhập không khứ không lai.

Nầy Thiên Tử! Nếu chư Bồ Tát hiểu biết tất cả pháp không siêu chuyển như vậy thì chẳng lại còn có các địa sai khác, cũng không nhập đạo, không có xả địa cũng không thối chuyển, ở trong Bồ đề siêu chuyển ấy không có dứt mất. Tại sao?Vì nếu người thấy những ấm giới nhập kia là chơn thiệt thì không có siêu chuyển. Tại sao? Vì tất cả pháp bổn tịnh vậy. Đây gọi là Bồ Tát siêu việt đạo địa.

Nầy Thiên Tử! Như huyễn sư hóa làm mười thứ xe cộ cung điện rồi sai hóa nhơn ở trong đó. Nầy Thiên Tử! Ý Ngài thế nào, hóa nhơn cung điện ấy có định sở chăng?

– Bạch Đại Sĩ! Không có chỗ nhứt định.

– Nầy Thiên Tử! Đúng như vậy, người thấy Bồ Tát địa có siêu chuyển, sự ấy cũng như đây”.

PHẨM PHÁ NHỊ THỪA TƯỚNG HỨ BẢY

Bấy Giờ Thiện Trụ Ý Thiên Tử lại hỏi Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát: “Bạch Đại Sĩ! Nếu lúc có người đến chỗ Ngài để cầu xuất gia, thì Ngài đáp thế nào? Vì họ nói pháp xuất gia giải thoát thế nào? Thọ giới và bảo trì giới thế nào?

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: “Nầy Thiên Tử! Nếu có người tới chỗ tôi cầu xuất gia, tôi sẽ dạy họ rằng: “Chư thiện nam tử! Các ông chẳng nên phát tâm xuất gia. Nếu các ông chẳng phát tâm xuất gia thì tôi sẽ dạy các ông pháp chơn xuất gia. Tại sao? Nầy Thiên Tử! Nếu cầu xuất gia thì cầu Dục giới cũng cầu sắc giới cũng cầu vô sắc giới, lại cầu năm dục lạc thế gian và cầu các sự quả báo vị lai. Nếu thiện nam tử mà có sở cầu thì họ chẳng chứng pháp, vì chẳng chứng pháp nên họ chẳng thấy có tâm. Nầy Thiên Tử! Nếu vô sở thủ thì họ chứng pháp, vì chứng pháp thì chẳng thấy có tâm, vì chẳng thấy có tâm thì chẳng xuất gia, vì chẳng xuất gia thì không tâm xuất gia, vì không tâm xuất gia nên họ chẳng phát, vì chẳng phát nên không có sanh, vì vô sanh nên họ tận khổ, vì tận khổ nên cứu cánh tận, vì cứu cánh tận nên họ vô tận, vì vô tận nên là bất khả tận, bất khả tận đó tức là hư không. Nầy Thiên Tử! Tôi sẽ dạy thiện nam tử cầu xuất gia kia như vậy.

Lại nầy Thiên Tử! Nếu có người đến chỗ tôi cầu xuất gia, tôi sẽ dạy họ như vầy: Nầy thiện nam tử! Nay ông chớ phát tâm xuất gia. Tại sao? Vì tâm ấy vô sanh không phát được. Ông chớ làm cách lạ mà bảo thủ tâm ấy.

Nầy Thiện Tử! Tôi lại bảo người cầu xuất gia ấy rằng: Nay nếu ông chẳng cạo bỏ râu tóc thì ông xuất gia chơn thiệt. Tại sao? Vì như đức Phật nói tất cả các pháp không chỗ dứt trừ, những là sắc pháp chẳng đoạn cũng chẳng trừ, thọ tưởng hành thức các pháp chẳng đoạn cũng chẳng trừ.

Nầy Thiên Tử! Nếu có người quan niệm rằng: Tôi trừ bỏ râu tóc mới là xuất gia, thì nên biết người ấy có ngã tướng, vì có ngã tướng nên chẳng thấy bình đẳng. Lại vì thấy ngã nên thấy chúng sanh, vì thấy chúng sanh nên thấy râu tóc, vì thấy râu tóc nên có ý nghĩ trừ bỏ.

Nầy Thiên Tử! Nếu họ chẳng thấy có ngã tướng thì không thấy tha tướng, vì không tha tướng nên không ngã mạn, vì không ngã mạn nên không ngô ngã, vì không ngô ngã nên không phân biệt, vì không phân biệt nên không động dao, vì không động dao nên không hí luận, vì không hí luận nên không thủ xả, vì không thủ xả nên không có tác bất tác không có đoạn bất đoạn, không ly không hiệp không giảm không tăng không tập không tán không tu không niệm không thuyết không ngôn, như đây thì gọi là an trụ chơn thiệt”.

Thiện Trụ Ý Thiên Tử bạch rằng: ” Bạch Đại Sĩ! Nghĩa chơn thiệt thế nào?”

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: “Nầy Thiên Tử! Nói rằng thiệt ấy tức là hư không, hư không như vậy được gọi là thiệt: không khởi không tận không giảm không tăng. Vì nghĩa ấy mà hư không là thiệt, tánh không là thiệt, như như là thiệt, pháp giới là thiệt, thiệt tế là thiệt, thiệt như vậy cũng là chẳng thiệt. Tại sao? Vì trong thiệt ấy bất khả đắc vậy nên gọi là bất thiệt.

Lại nầy Thiên Tử! Nếu có người đến chỗ tôi cầu xuất gia, tôi sẽ dạy họ rằng: Nay nếu ông có thể chẳng thủ trước y ca sa ấy thì tôi cho rằng ông là chơn xuất gia. Tại sao? Vì chư Phật Thế Tôn chẳng có thủ trước, phàm có chỗ thuyết pháp đều không vì thủ trước, đó là chẳng thủ sắc là thường hay vô thường, nhẫn đến chẳng thủ thọ, tưởng, hành, thức là thường hay vô thường. Chẳng thủ nhãn là thường hay vô thường, nhẫn đến chẳng thủ nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý là thường hay vô thường. Chẳng thủ sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Chẳng thủ tham dục, sân khuể, ngu si. chẳng thủ điên đảo. Cho đến tất cả pháp đều chẳng thủ, mà cũng chẳng xả chẳng hiệp chẳng ly.

Nầy Thiên Tử! Nếu thủ trước ca sa, thì nên biết họ có kiến chấp lớn. Vì thế nên tôi nói chẳng do thủ trước ca sa mà được thanh tịnh và được giải thoát. Tại sao? Vì chư Phật Thế Tôn, chỗ đại Bồ đề không có ca sa.

– Bạch Đại Sĩ! Pháp gì là ca sa?

– Nầy Thiên Tử! Ngài hỏi pháp gì là ca sa? Chính tham dục là ca sa, sân khuể là ca sa, ngu si là ca sa, nhơn là ca sa, kiến là ca sa,, danh sắc là ca sa, vọng tưởng là ca sa, chấp trước là ca sa, thủ tướng là ca sa,, như vậy nhẫn đến hí luận tất cả các pháp là ca sa cả. Nếu biết các pháp không có thiện bất thiện không tu không niệm thì gọi là không có ca sa. Nếu không ca sa thì vô sở hữu, nếu vô hữu thì không cấu trược, nếu không cấu trược, thì không chướng ngại, nếu không chướng ngại thì không có tác, đây gọi là suy lường. Suy lường ấy ở nơi pháp bình đẳng không tăng không giảm không có tác bất tác, đây gọi là suy lường.

Nầy Thiên Tử! Nếu có thể ở nơi các pháp không làm tăng giảm, chẳng nên lại khởi tưởng niệm phân biệt đúng như lời đức Phật dạy thì gọi là suy lường vậy.

– Bạch Đại Sĩ! Những gì gọi là chẳng làm tăng giảm?

– Nầy Thiên Tử! Quá nơi bình đẳng, quá bình đẳng rồi pháp bất khả đắc, đó là quá khứ bất khả đắc, vị lai bất khả đắc, hiện tại bất khả đắc, pháp ấy chẳng phải như như, không có tăng giảm làm, không ngô ngã làm, không tha nhơn làm, không chúng sanh làm, không thọ mạng làm, không có đoạn làm, không có thường làm, không có phân biệt ấm nhập giới làm, không có phân biệt Phật Pháp Tăng làm, cũng không có quan niệm trì giới làm, phá giới làm, phiền não làm, thanh tịnh làm, đắc quả làm, Tu Đà Hoàn làm, Tư Đà Hàm làm, A Na Hàm làm, A La Hán làm, Bích Chi Phật làm, nhẫn đến không có quan niệm là không làm, là vô tướng làm, là vô nguyện làm, là minh giải thoát làm, là ly dục làm.

Như vậy, nầy Thiên Tử! Đây đều là vì kẻ vô văn phàm phu ấy mà tư lương phân biệt nói pháp nầy thôi, Ngài cần phải biết. Đây là người tối hạ ngu si cầu muốn đắc pháp hư vọng thủ trước. Nên đức Như Lai vì đoạn trừ sự chấp trước của họ mà diễn nói sự tư lương phân biệt tác bất tác ấy”.

Thiện Trụ Ý Thiên Tử khen Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát: ” Lành thay Đại Sĩ hay nói pháp môn thậm thâm như vậy”.

Đức Phật cũng khen Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát: “Lành thay lành thay! Văn Thù Sư Lợi, nay ông có thể tuyên nói như vậy”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát lại nói với Thiện Trụ Ý Thiên Tử:

“Nầy Thiên Tử! Nếu có người đến chỗ tôi cầu xuất gia, tôi sẽ dạy họ rằng: Nầy thiện nam tử! Nay nếu ông chẳng thọ giới cụ túc thì gọi là chơn xuất gia. Tại sao? Vì như đức Phật dạy: Chỉ có hai hạng thọ pháp cụ giới: một là thọ giới chánh bình đẳng, hai là thọ giới tà bất đẳng.

Trong đây gì là giới tà bất đẳng? Nghĩa là đọa ngã kiến, đọa nhơn kiến, đọa chúng sanh kiến, đọa thọ giả kiến, đọa sĩ phu kiến, đọa đoạn kiến, đọa thường kiến, đọa tà kiến, đọa kiêu mạn, đọa tham dục, đọa sân khuể, đọa ngu si, đọa Dục giới, đọa Sắc giới, đọa Vô sắc giới, đọa thủ trước phân biệt. Nầy Thiên Tử! Đây là lược nói đọa trong tất cả pháp bất thiện, theo kề ác tri thức vọng chấp lấy tất cả pháp, đọa chẳng hiểu biết chỗ xuất yếu giải thoát. Đây gọi là thọ giới tà bất đẳng.

Nầy Thiên Tử! Trong đây thế nào là thọ giới chánh bình đẳng? Không là bình đẳng, vô tướng là bình đẳng, vô nguyện là bình đẳng.

Nếu có thể nhập ba môn giải thoát như vậy, giác tri như thiệt chẳng phân biệt chẳng tư niệm, nơi tất cả pháp không có thối chuyển.Đây gọi là thọ giới chánh bình đẳng vậy.

Lại nầy Thiên Tử! Nếu tham dục phát, nếu sân khuể phát, nếu ngu si phát, nếu ái vô minh phát,ngã kiến phát, sáu mươi hai kiến phát, ba tà hạnh phát, bốn điên đảo phát, nhẫn đến tà chín não mười nghiệp đạo bất thiện phát nên gọi là thọ chánh giới vậy. Ví như tất cả chủng tử cỏ cây rừng bụi đều y nơi đại địa mà được sanh trưởng. Đất ấy bình đẳng không có tâm niệm làm như vậy. Cũng vậy, trong Phật pháp, nếu thọ chánh giới thì thành tựu cụ túc.

Nầy Thiên Tử! Nếu tất cả chủng tử cỏ cây y đại địa an trụ mà được tăng trưởng. Phải nên như vậy mà thọ cụ chánh giới. Tại sao? Vì an trụ nơi giới mà đạo pháp được tăng trưởng. Lại như chủng tử tăng trưởng được gọi là thành tựu, như vậy vì an trụ nơi giới nên tất cả pháp trợ Bồ đề phần xuất sanh tăng trưởng nên gọi là thành tựu.

Nầy Thiên Tử! Đây là chư Phật Thế Tôn quá khứ vị lai hiện tại, tất cả Thanh Văn thọ chánh giới vậy, đó là nhập vào ba môn giải thoát ấy chỗ mà tất cả hí luận ngữ ngôn dứt diệt.

Nầy Thiên Tử! Phải biết nếu người có thể thọ cụ giới như vậy thì gọi là thọ chánh, chẳng phải chẳng chánh.

Nầy Thiên Tử! Nay tôi lại ở nơi người xuất gia như vậy, thọ cụ như vậy mà dạy họ rằng: Các thiện nam tử! Nếu nay ông có thể chẳng trì cấm giới thì là chơn thiệt trì vậy. Tại sao? Vì tất cả pháp đều vô sở thủ nên không chỗ trì, cớ sao riêng nơi giới nầy mà có trì.

Nầy Thiên Tử! Nếu giớI có thể trì thì là trì tam giới.

Nầy Thiên Từ! Ý Ngài thế nào, lấy gì làm giới?

– Bach Đại Sĩ! Nếu có thể đầy đủ ba la đề mộc xoa thì gọi là giới.

 – Nầy thiên Tử! Thế nào gọi là ba la đề mộc xoa?

 – Bạch Đại Sĩ! Đó là trì thân và khẩu ý, ba nghiệp đầy đủ thì gọi là ba la đề mộc xoa vậy.

 Nầy Thiên Tử! Ý Ngài thế nào, nay đây hiện tiền chỗ nào là có thân nghiệp, tạo tác, quá khứ và vị lai cũng không có tạo tác? Nó đều không tạo tác không tượng mạo để có thể nói được là có, là thanh huỳnh xích bạch hay là màu pha lê ư?

– Bạch Đại Sĩ! Đều không vậy.

 – Nầy Thiên Tử! Nó gọi là gì và nói thế nào?

– Bạch Đại Sĩ! Nó gọi là vô vi thiệt không thể nói vậy.

 – Nầy Thiên Tử! Ý Ngài thế nào, vô vi kia có thể làm hữu vi được chăng?

 – Bạch Đại Sĩ! Không.

– Nầy thiên Tử! Vì nghĩa ấy nên tôi nói rằng họ chẳng trì thì gọi là chơn trì giới vậy.

Nầy thiên Tử! Nếu nói tăng thượng giới học, tăng thượng tâm học, tăng thượng huệ học đó là học tế phải nên biết như vậy: vì không chỗ trì nên nói tăng thượng học giới, vì không chỗ biết nên nói tăng thượng tâm học, vì không chỗ thấy nên nói tăng thượng huệ học. Vì tâm không phân biệt chẳng ức niệm chẳng sanh khác lạ nên gọi là tối thượng tâm học, giới học và huệ học cũng vậy

Nầy Thiên Tử! Nếu chẳng được tâm thì chẳng niệm giới, thì chẳng tu huệ. Nếu chẳng tu huệ thì không còn khởi tất cả nghi hoặc, đã không nghi hoặc thì chẳng trì giới nếu chẳng trì giới thì gọi là chơn thiệt trì giới vậy.

Nầy Thiên Tử! Người trì giới ấy thì không chỗ mong muốn nên không thối hoàn thì thanh tịnh, vì thanh tịnh nên giải thoát, vì giải thoát nên tinh tiến, vì tinh tiến nên vô lậu, vì vô lậu nên an trụ chánh hạnh, vì trụ chánh hạnh nên không tượng mạo. Vì không tượng mạo nên tức là hư không. Tại sao?Vì hư không kia không có hình mạo vậy. Vì thế nên, nầy Thiên Tử! Nếu có người học được như vậy là chẳng học, vì vô học nên là chơn học. Ở chỗ nào học? Là không chỗ học. Thế nào không có chỗ? Đó là hư không bình đẳng. Nếu có thể chánh trụ hư không bình đẳng. Nếu có thể chánh trụ hư không bình đẳng thì gọi là chơn trụ giới học.

Lại nầy Thiên Tử! nếu là người hay xuất gia như vậy, hay thọ cụ như vậy, tôi sẽ dạy họ như vầy:

Nầy thiện nam tử! Nay nếu ông có thể lãnh thọ đồ cúng dường của tất cả đàn việt trong Đại Thiên Thế giới mà ở trong ấy chẳng khởi phân biệt chẳng nghĩ báo ơn thì mới gọi là thanh tịnh trì giới. Tại sao? Vì, nầy Thiên Tử! Nếu người nắm lấy kẻ thí kẻ thọ và tài vật ba sự đó là báo ơn. Lại nếu thấy nếu tư duy nếu phân biệt ba sự ấy đó là báo ơn. Còn nếu chẳng nắm lấy chẳng thấy chẳng tư duy chẳng phân biệt ba sự ấy thì có gì báo ơn được, tại sao?Vì báo ơn như vậy từ bổn lai cứu cánh thanh tịnh vậy. Nầy Thiên Tử! Nếu là người nắm lấy nếu thấy nếu tư duy nếu phân biệt nếu nghĩ nhớ báo ơn thì là phàm phu chớ chẳng phải A La Hán. Vì hàng phàm phu trong tất cả thời gian luôn thủ trước tư lương phân biệt, đây thọ kia cho, kia cấu đây tịnh, do phân biệt mà có báo ơn. Thế nào là báo ơn? Đó là hàng phàm phu ở trong cõi sanh tử lấy thân đời sau nên ở nơi kia muốn làm sự báo ơn. Nầy Thiên Tử! Chư A La Hán chẳng thọ thân sau, cứu cánh chẳng có thấy chẳng tư lương chẳng phân biệt có đây kia chẳng còn thọ thân thì sẽ ở chỗ nào để báo ơn vậy.

Nầy Thiên Tử! Nếu thọ người cúng thí nên hành ba sự thanh tịnh rồi sau mới thọ, một là chẳng thấy tha nhơn tức không người thí, hai là chẳng thấy kỷ thân tức không người thọ, ba là chẳng thấy tài vật tức không có sự bố thí. Nầy Thiên Tử! Ba sự thanh tịnh như vậy là cứu cánh thanh tịnh, thanh tịnh như đây thì còn cần gì báo ơn, do nghĩa nầy mà tôi nói rằng nếu thọ lãnh đồ cúng thí của tất cả đàn việt đốc tín trong tam thiên Đại Thiên thế giới mà chẳng phân biệt chẳng nghĩ báo ơn, người nầy được gọi là phước điền chơn thiệt thù thắng ở thế gian là chơn xuất gia là tịnh trì giới.

Lại nầy Thiên Tử! Tôi làm cho người ấy xuất gia như vậy trì giới như vậy rồi, tôi sẽ còn dạy họ rằng: Nầy thiện nam tử! Nay ông có thể chẳng hành a lan nhã chẳng ở tụ lạc, chẳng ở gần chẳng ở xa, chẳng ngồi một mình chẳng ở trong đại chúng, chẳng nói nhiều chẳng nín lặng, chẳng khất thực chẳng thọ thỉnh, chẳng dùng y phấn tảo, chẳng nhận y bát của người, chẳng ăn nhiều chẳng thiểu dục, chẳng cầu nhiều chẳng tri túc, chẳng ngồi dưới cây, chẳng ngồi chỗ trống,chẳng uống thuốc hủ lãng, chẳng thọ thịt và tô lạc.

Nầy thiện nam tử! Nếu ông ở nơi tất cả hạnh đầu đà chẳng khởi phân biệt, hành như vậy thì gọi là hành đầy đủ đầu đà vậy. Tại sao?

Vì nếu dùng ghi nhớ để hành tức là ngã mạn nơi tâm còn thấy có các tướng, tôi thọ y phấn tảo, tôi khất thực, tôi ở dưới cây, tôi ngồi chỗ trống, tôi hành a lan nhã, tôi uống thuốc hũ lãng tôi thiểu dục, tôi tri túc, tôi hành đầu đà. Nầy Thiên Tử! Nếu là người chánh hành thì chẳng sanh niệm tưởng như vậy, tại sao, vì người nầy không có tất cả phân biệt vậy. Người nầy còn chẳng thấy có ngã huống là có thấy công đức đầu đà. Vì lẽ ấy nên nầy Thiên Tử! Nếu có người hành đầu đà mà chẳng ghi nhớ chẳng phân biệt như vậy thì tôi cho là chơn đầu đà vậy. Tại sao? Vì đầu đà ấy chẳng thủ chẳng xả chẳng tu chẳng niệm chẳng tu chẳng hành phi pháp phi phi pháp. Vì thế nên tôi nói là chơn đầu đà vậy.

Lại nầy Thiên Tử! Tôi làm cho người ấy xuất gia như vậy thật hành như vậy rồi, tôi sẽ dạy họ rằng: Nay nếu ông có thể chẳng quán tứ thánh đế chẳng tu tứ niệm xứ chẳng tu tứ chánh cần tứ như ý túc ngũ căn ngũ lực thất giác phần bát chánh đạo nhẫn đến chẳng tu ba mươi pháp trợ Bồ đề phần, chớ chứng ba môn giải thoát. Tại sao? Vì thánh đế ấy nhập vào tướng vô sanh không thể nhớ biết chẳng thể tu chứng. Vì thế nên tôi nói luận về niệm xứ là chẳng niệm chẳng tu tất cả pháp nên gọi là niệm xứ vậy.

Nầy Thiên Tử! Nếu Tỳ Kheo chẳng trụ Dục giới chẳng trụ Sắc giới chẳng trụ Vô sắc giới thì gọi là Tỳ kheo chẳng trụ tứ niệm xứ mà tư tu tứ niệm xứ. Thế nào là tư tu? Như trên kia nói chẳng tư chẳng tu thì gọi là tư tu. Và theo thứ đệ như vậy nhẫn đến ba mươi bảy pháp Bồ đề phần nên biết như vậy.

Nầy Thiên Tử! Nếu thiền hành Tỳ Kheo ấy nơi tất cả pháp đều vô sở đắc nên chẳng tư niệm chẳng phân biệt chẳng tu chẳng chứng. Tại sao?Vì các pháp ấy chỉ có danh tự thôi. Như ba mươi bảy pháp trợ Bồ đề, nó dầu có danh tự mà bất khả đắc, chỉ do nhơn duyên phân biệt mà sanh, là nhứt tướng vô tướng. Do danh tự như vậy nên nói như vậy, lời nói ấy cũng không. Nên nó dầu do danh tự chứng biết mà trọn bất khả đắc. Đây gọi là như thiệt giác tri ba mươi bảy pháp trợ Bồ đề.

– Bạch Đại Sĩ! Thế nào gọi là thiền hành Tỳ kheo?

– Nầy Thiên Tử! Nếu Tỳ Kheo ấy ở nơi tất cả pháp chỉ lấy một hạnh rồi tùy thuận tột mức, nghĩa là vô sanh, đây gọi là thiền hành. Lại không có một chút pháp để lấyđây gọi là thiền hành. Chẳng lấy pháp gì? Đó là chẳng lấy đời nầy đời kia, chẳng lấy tam giới nhẫn đến chẳng lấy tất cả pháp, bình đẳng như vậy thì gọi là thiền hành

Nầy Thiên Tử! Như thiền hành ấy, nhẫn đến không có một pháp tương ưng, không hiệp không tán, đây là thiền hành”.

Bây giờ trong pháp hội có đa số vô lượng trăm ngàn chúng sanh đều nghi ngờ rằng: nay Ngài văn Thù Sư Lợi nói như vậy làm sao tương ưng với lời của đức Phật đã dạy, như đức Thế Tôn nói: nếu người nhập được ba môn giải thoát thì gọi là Niết bàn. Đức thế Tôn lại nói: nếu ai hay tu tập ba mươi bảy pháp trợ Bồ đề thì có thể chứng Niết bàn. Nhưng nay Ngài Văn Thù Sư Lợi lại bảo, chẳng nên tu ba mươi bảy pháp trợ Bồ đề, cũng chớ nhập ba môn giải thoát. Có phải Ngài Văn Sư Lợi vọng thuyết ư?

Biết quan niệm nghi ngờ của chư Tỳ kheo và đa số chúng hội, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát liền nói với Tôn giả Xá Lợi Phất rằng:” Nầy Tôn giả! Nay Ngài rất nên chứng tín. Đức Phật nói Ngài trí huệ đệ nhứt.

Nầy Tôn giả! Ở nơi đâu Ngài chứng được pháp ly dục? Đương lúc chứng ấy há lại chẳng thấy tứ thánh đế ư?”.

Tôn giả Xá Lợi Phất nói: “Chẳng có”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát hỏI: “Há lại chẳng tu ba mươi bảy pháp trợ Bồ đề ư?”.

Tôn giả Xá Lợi Phất nói: “Chẳng có’’.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát lại hỏi: “Há lại chẳng nhập ba môn giải thoát ư?”.

Tôn giả Xá Lợi Phật nói: “Chẳng có. Nầy Đại Sĩ! Lúc ấy đối với tôi, nhẫn đến không có một pháp để thấy được trừ được tu được chứng được tuyển trạch được. Tại sao? Vì tất cả pháp vô vi vô sanh vô ngôn là không. Nếu đã là không thì có gì để chứng được”.

Lúc nói pháp nầy, trong chúng có ba vạn Tỳ kheo nơi pháp được lậu tận ý giải tâm được giải thoát.

Thiện trụ Ý Thiên Tử khen Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát: “Lành thay lành thay, thưa Đại Sĩ! Nay Ngài chơn thiệt thông biện lợi trí khéo nói không nhẫn thậm thâm như vậy”.

VănThù Sư Lợi Bồ Tát nói: “Nầy Thiên Tử tôi chẳng phải thông biện lợi trí như vậy.Luận về lợi trí là của anh nhi phàm phu kia.Vì phàm phu mới gọi là lợi trí. Những gì là lợi trí? Đó là địa ngục lợi trí, súc sanh lợi trí, ngạ quỉ lợi trí, nhẫn đến tam giới tất cả lợi trí. Tương ưng thủ trước như vậy được gọi là lợi trí. Tại sao? Vì chẳng biết tiên tế của sanh tử phiền não do đây mà các phàm phu chấp trước lợi tham dục, chấp trước lợi sân khuể, chấp trước lợi ngu si nhẫn đến thủ trước tương ưng với các kiến chấp danh sắc, nên gọi là lợi trí. Chẳng phải nói chư Phật chư Thanh Văn Duyên Giác chư Bồ Tát đắc nhẫn mà có lợi trí như vậy”.

Thiện Trụ Ý Thiên Tử hỏi: ” Bạch Đại Sĩ! Phải chăng nay Ngài muốn hiển bày trí ư?”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: “Chẳng có”.

Thiện Trụ Ý Thiên Tử hỏi: “Ngài muốn tùy hành ư?”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: ” Chẳng có “.

Thiên Trụ Ý Thiên Tử hỏi: “Ngài muốn tùy văn cú ư?”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: “Đúng như vậy. Nầy Thiên Tử! Tôi do nơi tự cú”.

Thiện Trụ Ý Thiên Tử hỏi: “Bạch Đại Sĩ! Nay cớ chi mà Ngài nói như vậy?”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: “Nầy Thiên Tử! Dầu chư Bồ Tát ở nơi một chữ một câu chưa bao giờ di động, nhưng đều như thiệt biết rõ các chỗ nghĩa môn xa gần sâu cạn của chữ của câu ấy. Đó là biết chỗ không chỗ vô tướng chỗ vô nguyện, biết chỗ viễn ly chỗ vô sở hữu chỗ vô sanh chỗ như như, mà ở trong ấy không có thọ không có tác không có giải không có tri. Do đó mà được nói là “duy tự cú” vậy”.

Đức Thế Tôn khen rằng: “Lành thay lành thay Văn Thù Sư Lợi, nay ông vì đã được đà la ni nên mới phân biệt nói được như vậy”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát bạch rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Tôi thiệt chẳng được đà la ni ấy. Tại sao? Vì nếu có ai được đà la ni ấy thì gọi là phàm phu ngu si mà chẳng phải chư Phật Thế Tôn và chư Bồ Tát được đà la ni. Tại sao? vì bạch Thế Tôn! Các chúng sanh phàm phu ngu si ấy có thủ trước nên có được đà la ni. Thủ trước những gì? Đó là họ thủ trước ngã mà được đà la ni, họ thủ trước nhơn chúng sanh thọ mạng sĩ phu mà được đà la ni, họ thủ trước đoạn diệt thường hằng mà được đà la ni, họ thủ trước tham sân si mà được đà la ni, họ thủ trước vô minh hữu ái mà được đà la ni, họ thủ trước thân kiến ngũ ấm mười hai nhập mười tám giới mà được đà la ni, họ thủ trước ức niệm phân biệt sáu mươi hai chấp kiến mà được đà la ni, nhẫn đến họ thủ trước các hành mà được đà la ni, vì lẽ nầy nên phàm phu được đà la ni. Tại sao? Vì nếu là pháp bị ngu si ấy thủ trước là sở đắc của phàm phu mà chẳng phải chư Phật được chẳng phải Thanh Văn được chẳng phải Bích Chi Phật được, chẳng phải Bồ Tát được, do nghĩa ấy nên chỉ có phàm phu kia được đà la ni. Tại sao? Vì phàm phu kia do vì ngu si mà nói có thủ đắc mà chẳng phải chư Phật chư Bồ Tát vậy”.

Thiện Trụ Ý Thiên Tử lại bạch Văn Thù Sư Lợi: “Bạch Đại Sĩ! Nếu Ngài chẳng được đà la ni toan không sa vào địa vị ngoan độn kia ư!”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: “Đúng vậy, Nầy Thiên Tử! Tôi chơn thiệt ngoan độn. Tại sao? Vì luận về ngoan độn là vô sở tri, chỗ sở hành của tôi chẳng thể biết được, vì thế nên tất cả chư Phật và chư Thanh Văn Đuyên Giác Bồ Tát đều sa vào ngoan độn mà chẳng phải phàm phu. Tại sao? Vì tất cả phàm phu ở tại trong số, các bực trí giả khác đều vào ngoan độn. Như Tu Đà Hoàn vì chướng ngại hành nên tâm tham dục hành còn sa vào trong số huống là các phàm phu ngu si mà chẳng phải số vậy. Vì thế nên, nầy Thiên Tử! Tôi là ngoan độn tôi chẳng được đà la ni. Tại sao?Vì nhẫn đến một pháp, tôi vô sở đắc vậy”.

Lúc nói pháp nầy, trong đại chúng có năm trăm Tỳ kheo nghe pháp như vậy chẳng thể tín thọ sanh đại khủng bố khởi lòng phỉ báng bỏ đi, họ liền tự thấy thân mình đọa đại địa ngục.

Tôn giả Xá Lợi Phất nói với văn Thù Sư Lợi Bồ Tát: “Ngài nên thôi chớ nói kinh điển thậm thâm như vậy. Tại sao?Vì trong hội nầy có năm trăm Tỳ kheo nghe pháp môn ấy chẳng thể tín thọ khởi lòng phỉ báng liền tự thấy thân mình ở đại địa ngục ’’.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói với Tôn giả Xá Lợi Phất: “Nay Tôn giả chẳng nên vọng sanh phân biệt. Tại sao? Vì nhẫn đến không có một pháp đọa địa ngục, vì tất cả các pháp vô sanh vậy. Nay sao Tôn giả bỗng bảo tôi thôi chớ tuyên pháp môn ấy. Nầy Tôn giả! Nếu có thiện nam tử thiện nữ nhơn y chỉ ngã kiến y chỉ chúng sanh nhơn thọ mạng kiến dầu có trọn đời cúng dường tất cả bửu vật đồ dùng cho chư Phật và Tỳ Kheo Tăng mà chẳng được nghe pháp thậm thâm nầy thì trọn chẳng giải thoát mau chứng Niết bàn. Nếu lại có người nghe tôi nói pháp thậm thâm không vô tướng vô nguyện vô tác tịch tĩnh vô sanh vô diệt vô ngã nhơn chúng sanh thọ mạng vô thường khổ vô ngã, họ nghe rồi không tín thọ phỉ báng mà đọa địa ngục, nhưng nầy Tôn giả, vì họ được nghe pháp thậm thâm nên dầu đọa địa ngục sau khi ra khỏi địa ngục mau được Niết bàn”.

Đức Phật khen rằng:” Lành thay lành thay, đúng như lời của Văn Thù Sư Lợi. Nếu ai được nghe kinh điển thậm thâm nầy thì đồng như được gặp Phật xuât thế. Tại sao? Vì người muốn chứng Tu Đà Hoàn quả cần phải do kinh nầy, người muốn chứng Tư Đà Hàm A Na Hàm và A La Hán đều phải nghe kinh nầy. Tại sao? Vì chẳng chấp ngã mới chứng được pháp. Vì lúc chứng pháp không có sở kiến không có sở đắc vậy”.

Đức Thế Tôn bảo Tôn giả Xá Lợi Phất: “Ông nên biết năm trăm Tỳ kheo ấy dầu đọa địa ngục sau nầy ra khỏi địa ngục họ mau chứng Niết bàn, chẳng phải kẻ phàm phu ngu si kia chìm nơi kiến chấp sa vào lòng nghi cúng dường Như Lai mà được giải thoát.

Nầy Xá Lợi Phất! Chư tỳ kheo ấy còn nhơn nghe pháp thậm thâm nầy ngày sau sẽ được giải thoát mau chứng Niết bàn, chẳng phải người khác mau được giải thoát. Tại sao? Vì chẳng được nghe pháp thậm thâm nầy vậy.

Nầy Xá Lợi Phất! Nếu thiện nam tử thiện nữ nhơn được nghe pháp môn thậm thâm nầy một lần qua tai, dầu họ chẳng tin thọ bị đọa địa ngục nhưng sẽ mau được giải thoát. Còn kẻ chấp kiến bị đọa địa ngục thì chưa giải thoát được”.

PHẨM PHÁ PHÀM PHU TƯỚNG THỨ TÁM

Bấy giờ Thiện Trụ Ý Thiên Tử lại bạch Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát: “Bạch Đại Sĩ! Nay Ngài có hứa cho tôi tu phạm hạnh chăng?”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: ” Phải, nầy Thiên Tử! Nếu nay Ngài có thể chẳng nghĩ tác cầu chẳng suy tiến xu thì tôi sẽ hứa cho Ngài tu phạm hạnh.

– Bạch Đại Sĩ! Ngài nói như vậy là có nghĩa gì?

Nầy Thiên Tử! Nếu có vi tác có thể gọi phạm hạnh, nếu không vi tác thì có gì gọi là phạm hạnh. Lại nếu có thấy được có thể gọi là phạm hạnh, nếu không thấy được thì có gì gọi là phạm hạnh.

– Bạch Đại Sĩ! Nay lẽ nào Ngài không phạm hạnh ư!

– Này Thiên Tử! Đúng như vậy, tôi không phạm hạnh. Tại sao? Vì xét về phạm hạnh thì chẳng phải phạm hạnh, vì chẳng phải phạm hạnh nên tôi gọi phạm hạnh “.

– Thiện Trụ Ý Thiên Tử khen rằng: ” Lành thay, lành thay, bạch Đại Sĩ! Ngài có đầy đủ lạc thuyết biện tài hay tuyên thuyết vô ngại như vậy.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: ” Nầy Thiên Tử! Nếu tôi có đủ vô ngại biện thì thành chướng ngại. Tại sao? Vì phàm thủ trước ngã và ngã sở đều do phân biệt, vì tất cả phân biệt không gì chẳng phải là chưóng ngại vậy. Nầy Thiên Tử! Nay nếu Ngài có thể giết chết tất cả chúng sanh mà chẳng cầm dao chẳng cầm gậy chẳng nấm tảng chẳng nấm khối để hành sự thì tôi sẽ đồng cùng với Ngài tu phạm hạnh.

– Bạch Đại Sĩ! Lại do nghĩa gì mà Ngài nói như vậy?

– Nầy Thiên Tử! Nói là chúng sanh ấy, nơi ý Ngài thế nào?

Bạch Đại Sĩ! Theo tôi thì chúng sanh ấy và nhẫn đến tất cả chỉ có danh tự vì đều là tưởng chấp thôi.

– Nầy Thiên Tử! Vì thế nên tôi nói nay Ngài phải cần giết hại ngã tưởng, giết hại nhân tưởng, giết chúng sanh tưởng, giết thọ mạng tưởng, nhẫn đến diệt trừ tưởng danh tự v.v… phải giết hại như vậy.

– Bạch Đại Sĩ! nơi dùng sát cụ gì để giết hại?

– Nầy Thiên Tử! Tôi thường dùng dao bèn trí huệ ấy để hành sát. Lúc hành sát nên cầm dao trí huệ như vậy, nên giết như vậy, nhưng cũng không có ý tưởng cầm nắm và giết nại. Do nghĩa nầy nên Ngài phải khéo biết giết hại ngã tưởng và chúng sanh tưởng, đây gọi là chơn thiệt sát hại tất cả chúng sanh. Được như vậy tôi sẽ hứa cho Ngài phạm hạnh

Nầy Thiên Tử! Nay tôi lại bảo Ngài rằng: Nếu Ngài tu hành mười ác nghiệp đạo, Ngài lại hay thành tựu pháp đen trược cấu uế, bỏ mười thiện nghiệp đạo phá hoại ly tán pháp trong trắng thanh bạch thì tôi sẽ cùng Ngài tu phạm hạnh.

– Bạch Đại Sĩ! Do nghĩa gì mà Ngài nói như vậy?

– Nầy Thiên Tử! Tất cả những nhiễm trược thanh bạch đều bình đẳng. Với bình đẳng ấy tôi được đồng với phạm hạnh của Ngài.

– Nầy Thiên Tử! Ý Ngài thế nào? Ngài lấy pháp gì làm nhiễm trược bình đẳng?

– Bạch Đại Sĩ! Do chẳng tham chẳng làm chẳng thối chẳng đọa, đây gọi là nhiễm trược bình đẳng.

– Nầy Thiên Tử! Lại do pháp gì làm thanh bạch bình đẳng?

– Bạch Đại Sĩ! Do như pháp tánh và cùng thiệt tế ba môn giải thoát, đây là thanh bạch bình đẳng.

– Nầy Thiên Tử! Như tôi khiến Ngài ở trong cơn pháp giới đầy đủ tu hành xoay vòng qua lại, sự ấy có được chăng?

– Bạch Đại Sĩ! Chẳng được.

– Vì lẽ ấy nên, nầy Thiên Tử, tôi nói nhiễm trược thanh bạch tất cả bình đẳng rồi sau mới có thể cùng tu phạm hạnh.

– Nầy Thiên Tử! Nay nếu Ngài có thể tay nắm người đáng chết rồi Ngài cầm dao bén chém đầu người ấy, tôi sẽ hứa cho Ngài phạm hạnh như vậy.

– Bạch Đại Sĩ! Do nghĩa gì mà Ngài lại nói như vậy?

– Nầy Thiên Tử! Kẻ đáng chết là ai? Cái gì là đầu? Ai hay hành sát?

Nầy Thiên Tử cần phải giết tham dục sân khuể ngu si, nhẫn đến cần phải giết những ngã mạn tật đố khi đối siểm khúc chấp trước thủ tướng và thọ tưởng v.v… đâylà những kẻ đáng giết.

Nầy Thiên Tử! Nếu người nhứt tâm chuyên tinh tự thủ,lúc tâm tham dục phát khởi liền phải hay biết phương tiện trừ tan nó khiến trở ngại tịch tĩnh.

Trừ tan nó thế nào?

Nên suy nghĩ như vầy: đây là không là bất tịnh, tìm tâm dục ấy chỗ sanh chỗ diệt, từ đâu đến, đi đến đâu, trong đây ai nhiễm, ai thọ nhiễm, gì là pháp nhiễm.

Quan sát như vậy chẳng thấy năng nhiễm chẳng thấy sở nhiễm chẳng thấy sự nhiễm. Vì chẳng thấy nên không có thủ. Vì không có thủ nên không có xả. Vì không có xả nên không có thọ. Chẳng xả chẳng thọ thì gọi là ly dục tịch diệt Niết bàn.

Nhẫn đến tất cả tâm cũng đều quan sát như vậy.

Nầy Thiên Tử! Phải biết pháp giết hại như vậy liền giết liền sanh, nên được gọi là lúc hành sát ấy trước hết chặt đầu nó. Đây là chơn thiệt sát vậy.

Lại nầy Thiên Tử! Nay nếu Ngài có thể chống trái chư Phật hủy báng Pháp và Tăng tôi sẽ đồng phạm hạnh với Ngài.

– Bạch Đại Sĩ! Nay sao Ngài lại nói như vậy?

– Nầy Thiên Tử! Ý Ngài thế nào, lấy gì làm Phật?

– Bạch Đại Sĩ! Như như pháp giới, tôi nói là Phật vậy.

– Nầy Thiên Tử! Ý Ngài thế nào, như như pháp giới có thể nhiễm trước chăng?

– Bạch Đại Sĩ! không được.

– Nầy Thiên Tử! Vì nghĩa ấy mà tôi nói nếu Ngài có thể chống trái chư Phật thì tôi sẽ đồng phạm hạnh với Ngài.

Nầy Thiên Tử! Ý Ngài thế nào, lấy gì lám pháp?

– Bạch Đại Sĩ! Ly dục tịch tĩnh tôi gọi là pháp.

– Nầy Thiên Tử! Ý Ngài thế nào, pháp tịch tĩnh ấy có thể nhiễm trước được chăng?

– Bạch Đại Sĩ! không được.

– Nầy Thiên Tử! Vì nghĩa ấy mà tôi nói nếu nay Ngài có thể hủy báng chánh pháp thì tôi sẽ đồng phạm hạnh như vậy.

– Nầy Thiên Tử! Ý Ngài thế nào, lấy gì làm Tăng?

– Bạch Đại Sĩ! Pháp vô vi ấy gọi là Thánh Tăng, như đức Thế Tôn dạy rằng tất cả thánh nhơn do vô vi mà được tên, nên pháp vô vi gọi là Thanh Văn Tăng.

– Nầy Thiên Tử! Pháp vô vi ấy có thể chấp trước được chăng?

– Bạch Đại Sĩ! không được.

– Nầy Thiên Tử!Vì nghĩa ấy nên tôi nói nếu nay Ngài có thể phá hoại Thánh Tăng thì tôi sẽ đồng phạm hạnh với Ngài như vậy.

 Nầy Thiên Tử! Nếu người thấy Phật là họ trước Phật, thấy Pháp là trước Pháp, thấy Tăng là trước Tăng. Tại sao? Vì Phật Pháp Tăng chẳng phải có thể được. Nếu người chẳng thấy Phật chẳng nghe Pháp chẳng biết Tăng, người ấy là chẳng trái Phật cẳng báng Pháp chẳng phá Tăng vậy. Tại sao? Vì người ấy chẳng có được Phật Pháp Tăng vậy.

Nầy Thiên Tử! Nếu người ái Phật ái Pháp ái Tăng, người ấy có nhiễm trước Phật Pháp Tăng. Phải biết nếu người chẳng nhiễm trước Phật, Pháp, Tăng, thì gọi là ly dục tịch diệt. Do nghĩa nầy mà tôi nói nếu Ngài chẳng nhiễm trước Phật Pháp Tăng thì tôi sẽ đồng phạm hạnh cùng Ngài”.

Thiện Trụ Ý Thiên Tử nói với Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát: ” Hy hữu, hy hữu, Đại Sĩ hay tuyên nói nghĩa xứ thậm thâm như vậy. Đối với Đại Sĩ tôi lấy gì để báo ơn”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói:

– Nầy thiên Tử! Ngài chớ báo ơn. Tại sao? Vì Ngài có thể chẳng báo ơn như vậy tức là chơn báo ơn.

– Bạch Đại Sĩ! Nay Ngài chừng có thể không báo ơn chăng?

– Đúng như vậy, nầy Thiên Tử, tôi chẳng báo ơn cũng chẳng phải là chẳng báo ơn.

– Bạch Đại Sĩ! Do nghĩa gì mà Ngài nói như vậy?

– Nầy Thiên Tử! Kẻ phàm phu tạo nhiều sự khởi nhiều kiến chấp làm nhiều hạnh. Bởi họ làm những kiến những hạnh như vậy nên họ nghĩ rằng tôi sẽ báo ơn. Đây chẳng phải là những chánh hạnh. Người có chánh hạnh thì chẳng có chút gì để làm hoặc làm hay chẳng làm, người nầy trọn chẳng hề nói tôi nhớ báo ơn.

Lại nầy Thiên Tử! Người chẳng báo ơn như đức Phật Thế Tôn tuyên nói bình đẳng. Nghĩa là tất cả pháp không có sở tác không có chỗ làm đều nhập vào bình đẳng không có thối chuyển cũng không siêu việt chẳng phải tự chẳng phải tha không có tác bất tác. Vì thế nên tôi không báo ơn vậy.

– Bạch Đại Sĩ! Ngài trụ chỗ nào mà nói như vậy? Ngài trụ nhẫn mà nói hay trụ pháp mà nói?

– Nầy Thiên Tử! Chỗ tôi trụ chẳng phải nhẫn chẳng phải pháp.

 – Bạch Đại Sĩ! Ngài thiệt trụ chỗ nào mà nói như vậy?

– Nầy Thiên Tử! Tôi không chỗ trụ, như thân hóa nhơn tôi trụ như vậy.

– Bạch Đại Sĩ! Hóa nhơn ấy lại y cứ nơi đâu để trụ?

– Nầy Thiên Tử! Như như như trụ, hóa nhơn trụ như vậy. Nầy Thiên Tử! Nếu là như vậy sao Ngài lại hỏi an trụ tại chỗ nào, là tại nhẫn hay tại pháp. Nầy Thiên Tử! Vì thế nên tôi nói nhẫn chỉ có danh tự. Danh tự không có chỗ trụ. Pháp cũng như vậy, không có chỗ trụ không có động chuyển cũng không có phân biệt. Thiên Tử nên biết tất cả các pháp đều không có chỗ trụ, mà nói chỗ trụ ấy là đức Phật vì các chúng sanh mà nói. Như đức Phật nói. Như Lai trụ trong pháp như như ấy tất cả chúng sanh cũng như vậytrụ trong như như chẳng hề di động. Như chúng sanh như là Như Lai như, Như Lai như là chúng sanh n, chúng sanh và Như Lai không hai không khác.

– Bạch Đại Sĩ! Nói rằng “Sa Môn na”. Sa Môn na ấy có nghĩa gì?

 – Nầy Thiên Tử! Nếu chẳng phải Sa Môn chẳng phải Bà La Môn thì gọi là chơn Sa Môn vậy. Tại sao? Vì họ chẳng trước Dục giới Sắc giới Vô sắc giới nên gọi chơn Sa môn.

Lại nầy Thiên Tử! Nếu nhãn chẳng lộ nhĩ tỉ thiệt thân và ý chẳng lậu, tôi gọi là chơn Sa Môn.

Nầy Thiên Tử! Nếu chẳng y chỉ thuyết chẳng y chỉ chúng chẳng y chỉ xứ, tôi lại gọi là chơn Sa Môn vậy.

Nầy Thiên Tử! Nếu không chỗ đi không chỗ đến không tổn không hại không tổn không hại, tôi lại nói là chơn Sa Môn vậy.

Nầy Thiên Tử! Vì thế nên câu nói trên kia: chẳng pha”i Sa Môn chẳng phải Bà La Môn tôi mới nói là chơn Sa Môn vậy”.

Thiện Trụ Ý Thiên Tử khen Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát “Lành thay, lành thay, thiệt chưa từng có, chí Ngài dường kim cương, lời Ngài tuyên nói không có chương cú cũng không có xứ sở, tâm đều liễu đạt không có sót thừa”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: “Nầy Thiên Tử! Tâm tôi chẳng cương, tại sao, vì tôi tự phóng ý lòng an nhu nhẫn nên chẳng cương vậy.

– Bạch Đại Sĩ! Nghĩa ấy thế nào?

– Nầy Thiên Tử! Tôi thả lỏng tâm nhập Thanh Văn địa ở duyên giác cảnh nên gọi là phóng ý. Tôi lại thả lỏng tâm vào trong các trần lao sanh tử mà cũng chẳng chán ghét họa hại phiền não tham sân si nên gọi là phóng ý”.

Thiện Trụ Ý Thiên Tử lại khen Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát: “Lành thay, lành thay, hi hữu Đại Sĩ! Do Ngài từ quá khứ đã lâu cúng dường chư Phật trồng các cội đức lành nên Ngài hay tuyên nói vi diệu dường ấy”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: “Nầy Thiên Tử! Tôi không cúng Phật, không trồng cội lành. Tại sao? Vì tôi không hề thấy thuở xưa đã qua, cũng chẳng biết đương lai sẽ làm. Dầu có làm cũng không có làm. Nơi các Phật pháp tôi chưa hề kiến lập thì sao lại hay trồng các cội đức lành!”

PHẨM THẦN THÔNG CHỨNG THUYẾT THỨ CHÍN

Bấy giờ Thiện Trụ Ý Thiên Tử lại bạch Văn Thù sư lợi Bồ Tát: “Bạch Đại Sĩ! Trước kia tôi có nói như huyễn tam muội, xin Ngài thương hiển bày chánh thọ ấy”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: ” ầy Thiên Tử! Ngài muốn thấy nghe cảnh giới thậm thâm của như huyễn tam muội ư!

– Bạch Đại Sĩ! Tôi thành tâm muốn thấy”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát theo lời thỉnh cầu mà nhập như huyễn tam muội. Liền đó mười phương hằng sa Phật độ tất cả cảnh giới tự nhiên hiện ra.

 Thiện Trụ Ý Thiên Tử thấy phương Đông hằng sa Phật độ, trong ấy có nhiều sự việc: hoặc thấy chúng Tỳ Kheo xưng dương tuyên nói kinh điển như vậy, hoặc thấy cảnh tượng chúng Tỳ kheo Ni, cảnh tượng Ưư Bà Tắc, Ưu Bà Di, hoặc thấy Đại Phạm Thiên Vương Thiên Đế Thích Tứ Thiên Đại Vương, hoặc thấy nhơn gian Chuyển Luân Thánh Vương, hoặc thấy chư Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, khẩn Na La, Ma Hầu La Già, hoặc thấy tất cả điểu thú hình mạo đẹp xấu đều được thuyết pháp. Như phương Đông, tất cả mười phương hằng sa Phật độ tất cả sự nghiệp cũng đồng hiển hiện, đều là sức oai thần của Văn Thù Sư lợi Bồ Tát.

Được thấy cảnh giới mười phương Phật độ như vậy, Thiện Trụ Ý Thiên Tử vui mừng hớn hở chẳng tự kềm giữ được. Bấy giờ Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát từ tam muội dậy. Thiện Trụ ý Thiên Tử nhứt tâm kính ngưỡng bạch Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát rằng; ” Bạch đại Sĩ! Vừa rồi thấy cảnh giới của vô lượng Phật độ mười phương, Phật sự sai khác mà đều diễn nói kinh điển thậm thâm như vậy cả”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát hỏi: “Nầy Thiên Tử! Vừa rồi Ngài thấy tất cả cảnh giới mười phương Phật độ có thể gọi là thiệt chăng?”.

Thiện Trụ Ý Thiên Tử nói: “Bạch Đại Sĩ! Chẳng thiệt, tất cả đều hư giả. Tại sao? Vì tất cả các pháp vốn không có sanh dường như huyễn hóa khi dối thế gian. Tất cả các pháp diễn biến đổi dời không thường còn, đều là hư vọng hiện lên, gạn cùng thiệt thể của nó thì trọn chẳng có được, nó vốn là chẳng tác chẳng sanh chẳng khởi chẳng diệt”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát khen Thiện Trụ Ý Thiên Tử: “Lành thay, lành thay, nầy Thiên Tử! đúng như lời Ngài nói”.

Lúc ấy trong đại hội có năm trăm bồ Tát đã được tứ thiền thành tựu ngũ thần thông, chư Bồ Tát nầy y nơi thiền nhập xuất dầu chưa được pháp nhẫn nhưng không phỉ báng. Do túc mạng thông, chư Bồ Tát nầy tự thấy đời trước mình tạo nghiệp ác: hoặc giết cha giết mẹ A La Hán, hoặc hủy phá Phật tự phá Phật tháp phá Tăng. Các Ngài thấy rõ ác nghiệp trước của mình như vậy rất lo lắng ăn năn, nơi pháp thậm thâm chẳng chứng nhập được. Vì nặng lòng phân biệt chẳng quên tội ác trước nên chẳng thể được thâm pháp nhẫn.

Vì muốn diệt trừ tâm phân biệt của năm trăm Bồ Tát ấy, đức Thế Tôn dùng oai thần cảnh giác Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát. Thừa oai thần của Phật, Văn Thù Sư Lợi Bồ tát đứng dậy trịch y vai hữu tay cầm gươm bén tiến đến trước Phật muốn làm sự nghịch hại. Đức Thế Tôn vội bảo Văn Thù sư Lợi Bồ Tát: “Ông đứng lại đứng lại chẳng nên tạo nghiệp chớ được hại Phật. Ta chắc bị hại là bị hại lành. Tại sao? Vì Văn Thù Sư Lợi từ nào tới giờ không ngã không nhơn không trượng phu, chỉ là nội tâm thấy có ngã nhơn, lúc nội tâm khởi lên thì ông ấy đã là hại ta rồi, liền gọi đó là hại vậy”.

Nghe đức Phật nói xong, năm trăm Bồ Tát đều suy nghĩ rằng: tất cả các pháp đều như huyễn hóa, trong ấy không có ngã nhơn chúng sanh thọ mạng không có trượng phu, không ma nô xà không ma na bà, không cha mẹ A La Hán. Không Phật Pháp Tăng, không có nghịch không người tạo nghịch, há lại có đọa nghịch. Tại sao? Vì nay đây Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát thông minh thành đạt trí huệ siêu luân?. Chư Phật khen ngợi Ngài đã được pháp nhẫn vô ngại thậm thâm, Ngài đã từng cúng dường vô lượng trăm ngàn ức na do tha chư Phật Thế Tôn, nơi Phật pháp Ngài khéo biết rành rẽ, Ngài hay nói pháp chơn thiệt như vậy, đối với chư Phật Như Lai Ngài hết lòng cung kính mà nay Ngài bỗng cầm gươm muốn bức hại đức Như Lai. Đức Phật vội bảo: đứng lại đứng lại, Văn Thù Sư Lợi ông chớ hại ta, nếu quyết hại đó thì phải hại lành. Tại sao? Vì trong ấy nếu có một pháp hòa hiệp tập tụ quyết định thành tựu được gọi là Phật là Pháp là Tăng là cha là mẹ là A La Hán chắc chắn có thể nắm lấy được thì chẳng nên diệt tận, nhưng nay đây tất cả các pháp không thể tánh không chơn thiệt hư vọng điên đảo chẳng phải có; là không như huyễn hóa, vì thế nên trong ấy không người mắc tội, không tội bị mắc, ai là người giết mà lại thọ tội khổ. quan sát biết rõ như vậy rồi, năm trăm Bồ Tát liền được vô sanh pháp nhẫn, tất cả dều vui mừng hớn hở thăng lên hư khôngcao bằng bảy cây đa la nói kệ tán thán:

“Các pháp như huyễn hóa

Đều do phân biệt khởi

Trong ấy có sở hữu

Tất cả pháp đều không

Điên đảo hư vọng tưởng

Ngu si lòng chấp ngã

Nhớ tội xưa của tôi

Quá ác trong ác nghiệp

Quá khứ tạo đại nghịch

Giết cha mẹ thánh nhơn

Phá tháp chùa phá Tăng

Đó là cực ác nghịch

Do ác nghiệp trước ấy

Tôi sẽ thọ khổ lớn

Chúng tôi ngập lưới nghi

Nghe pháp trừ nghi hối

Thế Tôn nhổ tên độc

Phá tan lòng tôi nghi

Tôi giác ngộ pháp giới

Tội ác vô sở hữu

Chư Phật phương tiện khéo

Giỏi biết ý chúng tôi

Phương tiện độ chúng sanh

Giải trừ lưới nghi họ

Chỗ nào có chư Phật

Pháp Tăng cũng đều không

Cha mẹ vốn tự không

A La Hán không tịch

Chỗ ấy không có giết

Sao lại có nghiệp quả

Như huyễn không có sanh

Các pháp tánh như vậy

Người Đại Trí Văn Thù

Sâu đạt pháp nguyên để

Tự tay cầm gươm bén

Đến bức hại thân Phật

Như gươm Phật cũng vậy

Nhứt tướng không có hai

Vô tướng cũng vô sanh

Trong ấy sao lại giết

Lúc nói pháp môn vi diệu cầm kiếm ấy, mười phương hằng sa Phật chấn động sáu cách, chư Phật mười phương lúc ấy hiện tiền thuyết pháp, thị giả của chư Phật tác lễ bạch Phật mình rằng: ” Bạch đức Thế Tôn! Nay do thần thông oai đức của ai mà cả đại địa chấn động sáu cách?”.

Chư Phật mười phương đều nói với thị giả mình rằng: “Nầy thiện nam tử! Nay có thế giới tên Ta bà, nơi ấy có Phật hiệu Thích Ca

Mâu Ni Như Lai Ứng Đẳng Chánh Giác hiện tại thuyết pháp có một thượng thủ Bồ Tát Ma Ha Tát tên Văn Thù Sư Lợi đã lâu chẳng thối chuyển Vô thượng Bồ đề, vì muốn phá hoại tâm chấp trước của hàng tân học Bồ Tát nên Ngài cầm gươm bén chạy đến trước Phật Thích Ca Mâu Ni hiển phát pháp môn thậm thâm, do đó mà đại địa mười phương đều chấn động như vậy. Chư Phật mười phương nhơn gươm trí huệ ấy mà nói pháp thậm thâm khiến vô lượng vô biên a tăng kỳ chúng sanh được pháp nhãn thanh tịnh, tâm được giải thoát, chứng thâm pháp nhẫn an trụ Bồ đề”.

Lúc đức Thế Tôn kiến lập đại thần biến ấy, Phật dùng sức phương tiện khiến hàng tân học thiện căn kém ít, chưa rời phân biệt còn thủ tướng đều chẳng thấy sự việc cầm gươm bén cũng chẳng nghe lời thuyết pháp ấy.

Tôn giả Xá Lợi Phất bạch Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát: “Bạch Đại Sĩ! Nay Ngài tạo ác nghiệp cực trọng muốn hại đấng Thiên Nhơn Đại Sư, nghiệp ấy nếu thực Ngài sẽ thọ tội nơi nào?”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: “Nầy Tôn giả! Như lời Ngài nói, nay tôi chỉ có thể tạo ác nghiệp cực trọng như vậy, mà thiệt tôi chẳng biết ở chỗ nào thọ tội. Nhưng, nầy Tôn giả, như chỗ tôi thấy thì sẽ như hóa nhơn, lúc huyễn nghiệp thực tôi thọ tội như vậy. Tại sao? Vì hóa nhơn ấy không có tâm phân biệt, không có niệm tưởng, vì tất cả pháp đều là huyễn hóa vậy.

Lại nầy Tôn giả Xá Lợi Phất! Nay tôi hỏi Ngài, tùy ý Ngài đáp:

 – Nầy Tôn giả, thiệt thấy gươm bén chăng?

– Bạch Đại Sĩ! không.

– Nầy Tôn giả! Lại quyết định thấy ác nghiệp ấy có thể được chăng?

– Bạch Đại Sĩ! Không.

– Nầy Tôn giả, lại quyết định thấy kia thọ quả báo chăng?

– Bạch Đại Sĩ! Không.

– Đúng vậy. Nầy Tôn giả! Gươm ấy đã không có, lại không có nghiệp báo, ai tạo nghiệp ấy, ai là kẻ thọ báo, mà Tôn giả lại hỏi tôi chỗ thọ báo.

– Bạch Đại Sĩ! Do nghĩa gì mà Ngài lại nói lời ấy?

Nầy Tôn giả! Theo như chỗ thấy của tôi thì thiệt không có pháp là nghiệp báo thục. Tại sao? Vì tất cả pháp không nghiệp không báo không có nghiệp báo thục vậy”.

Bấy giờ chư đại bồ Tát từ mười phương thế giới đến dự hội đồng cầu thỉnh đức Phật rằng: ” Ngưỡng mong đức Thế Tôn dùng sức oai đức khiến Văn Thù Sư Lợi đến mười phương Phật độ diễn nói pháp thậm thâm ấy làm cho các chúng sanh kia đều được thấy nghe như chúng tôi đã được thấy được nghe”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói với chư Bồ Tát rằng: “Nay các Ngài nên nhứt tâm quan sát thế giới của mình”.

Chư đại bồ Tát nghe lời Văn Thù Sư Lợi Bồ tát đều quan sát thế giới của mình, đều thấy Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát đang ở trước Phật mình vì đại chúng mà diễn nói pháp thậm thâm ấy, cũng đều thấy có Thiện Trụ Ý Thiên Tử hỏi về pháp môn ấy, cũng thấy mười phương chư đại Bồ Tát đồng vân tập cùng với số đông chư Thiên Tử và cũng đều thấy Phật độ mình thanh tịnh trang nghiêm vi diệu như đây không khác.

Quan sát thấy như vậy, chư đại Bồ Tát sanh lòng thù đặc chưa từng có đồng thanh khen rằng: “Rất lạ rất lạ, nay Ngài Văn Thù Sư Lợi đạo đức nguy nguy, ở an bất động tại thế giới Ta bà nầy mà có thể hiện thân khắp tại trước chư Phật mười phương”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói với chư Bồ Tát: “Nay các Ngài nên lắng nghe đây, như nhà ảo thuật đã học tập giỏi rồi chẳng rời chỗ mình ngồi mà hay ảo thuật ra các thứ hình sắc. Cũng vậy, đại Bồ Tát đã hay học giỏi pháp như huyễn Bát Nhã Ba la mật rồi liền ở trong các pháp như huyễn, nơi những Phật độ mười phương tùy ý hiện các hình tượng để làm Phật sự. Tại sao? Vì tất cả các pháp đều như huyễn hóa, do đó mà chỗ làm đều theo như ý muốn. Như vầng nhựt nguyệt kia ở hư không chẳng hề xuống vào trong các đồ vật mà ánh sáng của nó chiếu khắp mọi nơi.Cũng vậy, Bồ Tát, an trụ bất động mà tùy tâm hiện thân khắp trước chư Phật mười phương hoặc hiện các thân Thanh Văn, Duyên Giác, hoặc hiện các tượng Phạm Vương, Đế Thích, hoặc hiện các sự Tứ Thiên Đại Vương, Chuyển Luân Thánh Vương, hoặc hiện Quốc chủ Đại thần chánh hóa, nhẫn đến hoặc hiện tất cả ác đạo chúng sanh các hình các loại đều tùy ý, nhưng cũng không hề có ý tưởng hưng tác”.

PHẨM XƯNG TÁN PHÓ PHÁP THỨ MƯỜI

Đức Phật phán dạy: “Nầy Văn thù Sư Lợi! Nếu được nghe pháp môn Tu đa la thậm thâm nầy thì đồng với gặp Phật xuất thế.

Nầy Văn Thù Sư Lợi! Nếu được nghe kinh nầy thì đồng với chứng Tu Đà Hoàn, đồng với chứng Tư Đà Hàm, đồng với chứng A Na Hàm, đồng với chứng A La Hán. Tại sao? Vì như như ấy không khác vậy.

Lại nầy Văn Thù sư Lợi! Nếu được nghe kinh nầy sanh lòng tin hiểu thì đồng với bực hậu thân Bồ Tát ngồi đạo tràng dưới cội Bồ đề quyết định thành Vô thương Chánh Giác. Tại sao? Vì pháp môn nầy là yếu đạo của Tam thế chư Phật vậy”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói; “Đúng như vậy, bạch đức Thế Tôn! Như lời Phật dạy, như không chẳng khác, như vô tướng chẳng khác, như vô nguyện chẳng khác, như như như chẳng khác, như pháp giới chẳng khác, như thiệt tế chẳng khác, như bình đẳng chẳng khác, như ly dục chẳng khác. Duy nguyện Đức Như Lai hộ trì pháp môn như vậy, ở thời kỳ mạt thế năm trăm năm sau sẽ khiến kinh nầy lưu hành khắp Diêm Phù Đề cho các chúng sanh đều được nghe đều được biết”.

Lúc Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát thỉnh Phật như vậy, khắp Đại Thiên Thế giới tất cả âm nhạc không đánh tự kêu, tất cả cây cối tự nhiên sum suê, tất cả thứ hoa đều đua nở, cả Đại Thiên thế giới chấn động sáu cách phóng quang minh chiếu khắp mọi nơi hơn ánh sáng nhựt nguyệt. Trăm ngàn vạn ức chư Thiên hớn hở vui mừng được chưa từng có, ở trên hư không mưa thiên hương thiên hoa các thứ hoa các thứ vòng hoa, hương bột hương thoa mùi thơm ngào ngạt khắp mười phương, trổi âm nhạc trời hòa nhã dịu dàng tất cả chư Thiên ấy đều vòng tay chắp tay ca ngợi rằng: “Hi hữu hi hữu pháp môn kỳ đặc, nay đây Đại Sĩ Văn Thù Sư Lợi thuyết pháp chúng tôi được nghe, chúng tôi làm phước hội, từ lúc sơ sanh đến nay tái ngộ chuyển đại pháp luân tại Diêm Phù Đề, các chúng sanh có đủ thiện căn mới được nghe pháp môn thâm diệu nầy. Nếu các chúng sanh rồi tin thọ phụng hành thì nên biết là đã từng cúng dường tất cả chư Phật, cũng là đã được pháp nhẫn thậm thâm. Nếu có chúng sanh nghe kinh điển nầy mà chẳng kinh sợ chẳng thối thất, thâm tâm ưa thích thì nên biết người nầy chẳng phải chẳng phải từ căn lành nhị thừa mà đến vậy”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát bạch Phật: “Bạch đức Thế Tôn! Nay thoại ứng kỳ lạ nầy phải chăng là pháp môn nầy sẽ khắp lưu hành ở Diêm Phù Đề trong đời vị lai mà còn mãi chẳng diệt mất ư!”.

Đức Phật nói: “Đúng như vậy, vừa rồi hiện thoại ứng là chỉ để vì kinh nầy lưu hành khắp Diêm Phù Đề còn mãi chẳng mất vậy”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ;Tát nói: “Bạch đức Thế Tôn! Ngưỡng mong đức Phật lại lập lời thánh thiệt cho kinh nầy lưu hành hưng thạnh chẳng diệt mất tại thế gian’’.

Đức Phật dạy: “Nầy Văn Thù Sư Lợi! Nếu ba môn giải thoát có thể chứng Niết bàn là lời thành thiệt thì đời mạt thế năm trăm năm sau kinh pháp nầy lưu hành tại Diêm Phù Đề hưng thạnh chẳng diệt là lời thành thiệt vậy.

 Nầy Văn Thù Sư Lợi! Nếu khổ Vô thường, nếu không vô ngã là lời thành thiệt, đời mạt thế năm trăm năm sau kinh pháp nầy lưu truyền rộng khắp Diêm Phù Đề hưng thạnh chẳng diệt là lời thành thiệt vậy”.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: “Bạch đức Thế Tôn! Như lời Phật dạy không có ngã nhơn chúng sanh thọ mạng trượng phu, không có ma nô xà ma na bà không có phiền não không có thanh tịnh là lời thành thiệt, đời mạt thế năm trăm năm sau kinh pháp nầy hoằng truyền khắp Diêm Phù Đề hưng thạnh chẳng diệt là lời thành thiệt vậy.

Bạch đức Thế Tôn! Như lời Phật dạy không có sanh tử không có Niết bàn, không có tham dục sân khuể ngu si, không có danh sắc, không có nhơn quả, không có hữu không có tri, không có thân không có thân chứng, không có tâm không có tâm quả, không có niệm không có niệm xứ, không có phát không có phát xứ, không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức, không có nhãn nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, không có Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới, không đoạn không thường,các pháp được nói như vậy là lời thành thiệt, đời mạt thế năm trăm năm sau kinh pháp nầy hoằng truyền khắpDiêm Phù Đề hưng thạnh chẳng diệt là lời thành thiệt vậy.

Bạch đức Thế Tôn! Như lời Phật dạy không có Tu Đà Hoàn không có quả Tu Đà Hoàn, không có Tư Đà Hàm, không có quả Tư Đà Hàm, không có A Na Hàm không có quả A Na Hàm, không có A La Hán không có các pháp A La Hán, không có Bích Chi Phật không có các pháp Bích Chi Phật, không có Như Lai không có các pháp Như Lai, không có chứng quả v.v…không lực không úy không trí quả không thánh chúng, không có không vô tướng vô nguyện, không có ly dục xứ, không có được bổn tánh, không có bình đằng, không có chứng xứ, không có ám minh, không có phược giải, không có bỉ ngạn, thử ngạn và trung gian, không có niệm không có giác, các pháp được Phật nói như vậy là lời thành thiệt, đời mạt thế năm trăm năm sau pháp môn của kinh nầy hoằng truyền Diêm Phù Đề lưu hành khắp nơi hưng thạnh chẳng diệt là lời thành thiệt vậy.

Bạch đức Thế Tôn! Như lời Phật dạy ở nơi các pháp môn không có chúng sanh tín giải đắc quả tương ưng chẳng tương ưng chẳng hiệp chẳng tan, các pháp như vây là lời thành thiệt, đời mạt thế năm trăm năm sau pháp môn kinh nầy hoằng truyền Diêm Phù Đề lưu hành khắp nơi hưng thạnh chẳng diệt là lời thành thiệt vậy.

Bạch đức Thế Tôn! Như lời Phật dạy chư Như Lai Ứng Đẳng Chánh Giác thuở quá khứ đã nói không có một pháp nào có thể làm cho chúng sanh ở trong sanh tử diệt trừ phiền não được giải thoát Niết bàn, cũng không chúngg sanh có pháp sanh diệt nhẫn đến không có tội lỗi không xuất không động, chư Phật vị lai và hiện tại cũng nói như vậy, nếu các pháp ấy là lời thành thiệt, đời mạt thế năm trăm năm sau pháp môn của kinh nầy lưu hành Diêm Phù Đề truyền bá khắp nơi hưng thạnh không diệt là lời thành thiệt vậy.

Lại như lúc đức Thế Tôn nói pháp nầy không có Bồ Tát được tam muội các đà la ni cũng không có ngữ ngôn cú nghĩa được chư Phật ấy nói nhẫn đến chẳng nói một câu một chữ không có người lắng nghe không có người được hiểu không có người thành Phật các pháp như vậy là lời thành thiệt, đời mạt thế năm trăm năm sau pháp môn của kinh nầy lưu hành Diêm Phù Đề hoằng truyền khắp nơi hưng thạnh chẳng diệt là lời thành thiệt vậy.

Như đức Thế Tôn nói không có giới thân không có tam muội không có trí huệ, không có giải thoát không có giải thoát tri kiến, các pháp như vậy là lời thành thiệt đời mạt thế năm trăm năm sau pháp môn kinh nầy lưu hành Diêm Phù Đề hoằng truyền khắp noi hưng thạnh chẳng diệt là lời thành thiệt vậy.

Như đức Thế Tôn nói chư Bồ Tát chẳng hành bố thí chẳng trì cấm giới chẳng tu nhẫn nhục chẳng phát tinh tiến chẳng nhập thiền định chẳng được Bát nhã chẳng cầu Bồ đề chẳng chuyển các địa chẳng được Phật đạo chẳng được thập lực chẳng được tứ vô úy chẳng được các tướng hảo chẳng được biện tài chẳng chuyển pháp luân chẳng độ chúng sanh khiến được chánh giác, các pháp như vậy là lời thành thiệt, đời mạt thế năm trăm năm sau pháp môn kinh nầy lưu hành Diêm Phù Đề hoằng truyền khắp nơi hưng thạnh chẳng diệt là lời chơn thiệt vậy”.

Lúc Văn Thù Sư Lợi bồ Tát truyền lời thệ thành thiệt ấy, đại địa các Đại Thiên thế giới chấn động sáu cách.

Di Lặc Bồ Tát bạch Phật: “Bạch đức Thế Tôn! Nay duyên cớ gì mà thế giới chấn động?”.

Đức Phật phán: “Nầy Di Lặc! Nay ông chớ hỏi sự ấy. Tại sao? Vì đời mạt thế chúng sanh ít tín căn độn có nghe cũng chẳng hiểu được họ sẽ sa vào nghi mạn mãi mãi thọ khổ”.

Di Lặc Bồ Tát lại bạch Phật: “Ngưỡng mong đức Thế Tôn nói cho. Nếu được đức Thế Tôn tuyên nói thì có thể lợi ích nhiều cho tất cả thế gian Trời Người đại chúng vậy.

Đức Phật phán: “Nầy Di Lặc! Kinh điển như vậy thuở trước đã có bảy mươi bốn ức trăm ngàn na do tha chư Phật Thế Tôn ở địa phương nầy xưng dương tuyên nói, đều do nhơn Văn Thù Sư Lợi cùng Thiên Tử các người hỏi đáp luận bàn?”.

Di Lặc Bồ Tát bạch Phật: “Bạch đức Thế Tôn! Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát và Thiện Trụ Ý Thiên Tử nầy được nghe pháp môn như vậy đã bao lâu?”.

Đức Phật phán: ” Nầy Di Lặc! Quá khứ bảy a tăng kỳ kiếp có đức Phật xuất thế hiệu Phổ Hoa Tối Thượng Sư Tử Du Bộ Thắng Công Đức Tụ Như Lai Ứng Đẳng Chánh Giác, Văn Thù Sư Lợi và Thiện Trụ Ý Thiên Tử ở chỗ đức Phật ấy ban đầu nghe kinh nầy”.

Lúc nói kinh nầy, trong chúng có hằng sa chúng sanh phát tâm Vô thượng Bồ đề, lại có chúng sanh nhiều gấp bội được an trụ bất thối nhẫn, lại có chúng sanh gấp bội nữa xa lìa trần cấu được pháp nhãn tịnh.

Đức Phật nói kinh nầy rồi, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Thiện Trụ Ý ThiênTử cùng chư Bồ Tát mười phương, chúng chư Thiên, các Tôn giả Xá Lợi Phất, Ma Ha Ca Diếp và chúng Tỳ Kheo nhẫn đến tất cả ThiênLong Bát Bộ nghe lời đức Phật dạy đều rất vui mừng tín thọ phụng hành.

    Xem thêm:

  • Kinh Đại Bảo Tích tập 2 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 7 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 8 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 9 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 1 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 3 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 5 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích (trọn bộ 9 tập) – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 4 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Bộ (Dìgha Nikàya) – HT Thích Minh Châu dịch (Trọn bộ) - Kinh Tạng
  • Kinh Trường A-Hàm Phần 4 – HT Thích Tuệ Sĩ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Trường A-Hàm Phần 2 – HT Thích Tuệ Sĩ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Trường A-Hàm – HT Thích Tuệ Sĩ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Trường A-Hàm Phần 1 – HT Thích Tuệ Sĩ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ (Majjhima Nikaya) – HT Thích Minh Châu dịch (trọn bộ) - Kinh Tạng
  • Kinh Trường A-Hàm Phần 3 – HT Thích Tuệ Sĩ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikàya) – HT Thích Minh Châu dịch (trọn bộ) - Kinh Tạng
  • Kinh Dược Sư – HT Thích Trí Quảng soạn - Kinh Tạng
  • Kinh Tương Ưng Bộ (Samyutta Nikàya) – HT Thích Minh Châu dịch (trọn bộ) - Kinh Tạng
  • Kinh Tăng Nhất A-Hàm – HT Thích Thanh Từ dịch (trọn bộ) - Kinh Tạng