Kinh Giải Hạ
Việt dịch: Thích Tâm Châu
Chính tôi được nghe một thời kia đức Phật ở Ca-Lan-Đà Trúc-Lâm (Kàranda- venùvana) tinh-xá thuộc thành Vương-xá, cùng với năm trăm chúng Bật-Sô (Tỳ Khưu). Các vị Bật-Sô này đều là bậc A-La-Hán, mọi lậu-nghiệp đã hết[2] chỗ tạo-tác đã xong[3], trừ được mọi gánh nặng[4], việc lợi mình đã được, hết mọi sự ràng buộc trong các cõi[5], tâm thiện giải-thoát. Duy có một vị Bật-Sô hiện ở Học-vị[6], đã được đức Thế-Tôn thụ-ký[7], thấy pháp đắc pháp sẽ chứng quả-vị viên-mãn.
Bấy giờ, đức Thế-Tôn an-cư đã đủ, đương thời giải Hạ, ngày rằm (15) Ngài cùng chúng Bật-Sô trải tòa mà ngồi. Hội-chúng ngồi rồi, lúc ấy đức Thế-Tôn mới bảo chúng Bật-Sô rằng: “Ta nay đã được Phạm-hạnh[8] tịch-tĩnh, thân tối-hậu[9] này, dùng thuốc Vô-thượng, để dứt trừ mọi bệnh, những đệ-tử ta, hiểu biết mọi pháp đều thông-đạt rồi, cho nên ta nay nói pháp giải Hạ. Các chúng Bật-Sô! Ta ở trong Hạ, có chi về nghiệp thân, nghiệp khẩu, nghiệp ý, các vị khả-nhẫn[10].”
Khi ấy, Tôn-giả: Xá-Lỵ-Phất nghe đức Phật nói rồi từ tòa ngồi của mình đứng dậy, chễ áo vai hữu, gối hữu để xuống đất, chắp tay hướng lên Phật, mà bạch Phật rằng: “Lạy đức Thế-Tôn, như Ngài vừa nói: Ta nay đã được Phạm-hạnh tịch-tĩnh, cho đến nghiệp thân, nghiệp khẩu, nghiệp ý…, khả nhẫn, riêng chúng con biết nghiệp thân, nghiệp khẩu, nghiệp ý của đức Phật không có những lỗi-lầm, hàng Bật-Sô chúng con nay không dám khả-nhẫn. Với ý ấy là sao? Đối với đức Phật Thế-Tôn của chúng con: những người khó điều phục, Ngài điều-phục được, những người không ngăn cấm được, Ngài khéo ngăn cấm được, những người không được an-ổn, Ngài khéo an-ủi họ, những người chưa được tịch-tĩnh, Ngài làm cho họ được tịch-tĩnh. Đức Như-Lai tỏ rõ chính-đạo, nói rõ chính-đạo, khai-thị chính-đạo, cho đến chúng con những người ưa đạo Bồ-đề của Thanh-Văn, đức Phật cũng vì chúng con mà nói rõ, khiến những Thanh-Văn chúng con như lý tu-hành, chứng được Thánh-quả. Thế nên, chúng con đối với thân, khẩu, ý-pháp của đức Phật Thế-Tôn, chúng con không dám “khả-nhẫn”.
Bấy giờ Tôn-giả Xá-Lỵ-Phất bạch Phật rằng: “Lạy đức Thế-Tôn, con nay đối trước Phật, nghiệp thân, nghiệp khẩu, nghiệp ý của con, có gì bất-thiện, cầu Phật khả nhẫn cho”.
Đức Phật bảo ông Xá-Lỵ-Phất: Ông nay có gì về nghiệp thân, nghiệp khẩu, nghiệp ý, ta sẽ nhẫn-khả cho. Với ý ấy là sao? – Ông Xá-Lỵ-Phất! Ông là người giữ giới đầy-đủ, nghe nhiều, ít muốn, biết đủ, dứt mọi phiền-não phát tâm tinh-tiến nhiều, an-trụ chính-niệm và đủ những trí-tuệ, trí-tuệ bình-đẳng tiếp-dẫn, trí-tuệ nghe hiểu, trí-tuệ mẫn-tiệp, trí-tuệ lợi-ích, trí-tuệ xuất-ly, trí-tuệ hiểu suốt, trí-tuệ thanh-tịnh rộng lớn, trí-tuệ sâu-xa, trí-tuệ không gì bằng cùng đầy-đủ trí-tuệ lớn-lao quý-báu; ai chưa thấy khiến họ thấy, ai chưa điều-phục khiến họ được điều-phục, ai chưa nghe pháp, ông liền vì họ thuyết pháp, ai đầy lòng giận tức, ông liền làm cho họ hoan-hỷ và ông nay vì bốn chúng thuyết pháp không chán. Ví như con vua Kim-Luân, chịu phép quán-đỉnh[11], nối dõi ngôi vua, y pháp mà trị. Ông Xá-Lỵ-Phất cũng lại như thế. Ông là đệ-tử ta, chịu pháp quản đỉnh, nối ngôi Pháp-Vương, và cũng như ta chuyển vô-thượng pháp-luân, cũng như ta lậu-nghiệp hết chứng được giải thoát. Thế nên, ông Xá-Lỵ-Phất! ông có ba nghiệp, đã tự bày tỏ, nay ta nhẫn-khả cho.
Khi ấy, ông Xá-Lỵ-Phất, nghe Phật nhẫn-khả cho rồi, đầu thành lễ tạ, lại bạch Phật rằng: Lạy đức Thế-Tôn, con cùng năm trăm chúng Bật-Sô, có gì về ba nghiệp đức Phật đã nhẫn-khả cho rồi, nhưng con nay còn có chút ngờ-vực, nên lại khải-thỉnh, kính mong đức Thế-Tôn vì con mà phân-biệt cho. Lạy đức Thế-Tôn, trong năm trăm vị Bật-Sô này, bao nhiêu vị Bật-Sô được ba phép minh[12] bao nhiêu vị Bật-Sô được Câu-giải-thoát[13], bao nhiêu vị Bật-Sô được Tuệ-giải-thoát[14]?
Đức Phật bảo ông Xá-Lỵ-Phất: Trong năm trăm vị Bật-Sô này, chín mươi vị Bật-Sô được ba phép minh, chín mươi vị Bật-Sô được Câu-giải-thoát và ngoài ra các vị Bật-Sô kia đều được Tuệ-giải-thoát. Ông Xá-Lỵ-Phất! Như thế các vị Bật-Sô, hết mọi phiền-não, đều trụ vào nơi chân-thực.
Khi ấy, trong hội có một vị Tôn-giả tên là Phạ-Nghi-Xá, khởi lên mối nghĩ thế này: “Ta nay đối trước đức Phật cùng chúng Bật-Sô nên làm bài kệ giải Hạ bày tỏ sự tán-thán của ta”. Tôn-giả Phạ-nghi-Xá, sau khi nghĩ thế rồi, liền từ tòa ngồi của mình đứng dậy, chễ áo vai hữu, gối hữu quỳ xuống đất, chắp tay cung-kính, nghiêm-chỉnh, nói bài kệ rằng:
Ngày rằm, ngày giải Hạ,
Thanh-tịnh hành luật-nghi;
Năm trăm chúng Bật-Sô,
Dứt sạch dây phiền-não.
Đều hết mọi lậu-pháp,
Mà chứng Thánh-quả-vị;
Trong lặng, ngoài khéo trị.
Giải-thoát mà ly “hữu”.
Hết bờ cõi sinh-tử,
Chỗ tạo-tác đã xong;
Vô-minh, ngã-mạn, kết…
Dứt sạch không còn nữa.
Ngã Phật: tối thượng-tôn,
Dứt mọi pháp tà-niệm;
Cùng dứt pháp hữu-lậu
Khéo trừ ái bệnh khổ.
Ái diệt không phục-sinh,
Lìa “thủ” (chấp): bậc (đại) Sư-tử;
Hết mọi sự sợ hãi,
Duy, Phật Thế-Tôn ta.
Ví như vua Kim-Luân,
Nghìn con thường vây-quanh;
Khéo trị bốn thiên-hạ,
Điều-phục khắp bốn bể.
Lại như đánh thắng trận,
Là tối thượng Điều-ngự;
Thanh-văn được Tam-minh
Pháp giải-thoát… cũng thế.
Phật-tử đều như thế.
Chứng, diệt không phục-sinh;
Ta nay lễ Pháp-vương,
Vô-thượng Đại-nhật-tôn.
Sau khi Bật-Sô: Phạ-Nghi-Xá nói bài kệ rồi, trở về bản-tọa.
Bấy giờ, Tôn-giả Xá-Lỵ-Phất cùng các vị Bật-Sô, nghe đức Phật tuyên-thuyết pháp giải Hạ, lòng sinh sung-sướng vui mừng hớn-hở, tín thụ phụng-hành.
Chú thích:
[1] Kinh này là cuốn kinh số 63 trong Đại-Tạng-kinh. Giải Hạ có nghĩa là trong 3 tháng an-cư thuộc mùa Hạ đã được viên-mãn làm lễ tự-tứ rồi giải-tán.
[2] Lậu-nghiệp đã hết: Nghĩa là đã hết những hành-động mê-vọng làm lọt mất những công-đức lành.
[3] Đã được ba nghiệp thanh-tịnh, không còn tạo-tác gì nữa.
[4] Giũ sạch phiền-não.
[5] Không còn bị sinh-tử luân-hồi trong cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô-sắc nữa.
[6] Học-vị: Học có hai: Hữu-học và vô-học. Người mà chân-lý cứu-cánh, vọng-hoặc diệt hết, không phải tu học gì nữa gọi là “vô học”. Người còn đang ở địa-vị nghiên-cứu chân-lý để dứt hẳn vọng-hoặc, gọi là “hữu-học”. Tiểu-thừa: từ quả thứ nhất đến quả thứ ba là “hữu-học”: A-La-Hán là “Vô học”. Đại-thừa: Thập-địa Bồ-Tát là “Hữu-học”, Phật là “vô-học”.
[7] Thụ-ký: Đức Phật đối với chúng-sinh phát tâm. Ngài trao cho sự ghi nhớ riêng biệt về việc thành Phật trong đời mai sau của chúng-sinh ấy.
[8] Phạm-hạnh: Hạnh thanh-tịnh.
[9] Tối hậu-thân: Sinh trong Dục-giới, do thân này thành đạo. Thân này là thân sau cùng của Bồ-Tát trụ nơi sinh-tử.
[10] Khả nhẫn: có nghĩa là nhận xét, sửa chữa và vui lòng xóa-bỏ.
[11] Quán-đỉnh (Abhisecani) Theo phong-tục Ấn-độ, mỗi khi ngôi Quốc-Vương tức vị lấy nước bốn bể lớn về rưới lên đầu, biểu ý chúc tụng.
[12] Ba phép minh: 1- Túc-mệnh. 2- Thiên-Nhãn. 3- Lậu-tận.
[13] Câu-giải-thoát: Đây là một pháp vô học trong 9 pháp vô học của bậc La-Hán. Vị La-Hán lìa phiền-não-chướng cùng lìa các chướng của Thiền-định đến chỗ chí cực: Diệt-tận-định gọi là Câu-giải-thoát.
[14] Tuệ-giải-thoát: Vị La-Hán có tính-phận ham-ngộ đạo-lý, không ham sự-dụng, chỉ giải-thoát được chướng-ngại của trí-tuệ mà thôi, nên gọi là Tuệ-giải-thoát.