1
2
3

Kinh Thụ Trì Thất Phật Danh Hiệu Sở Sinh Công Đức

Việt dịch: Chơn Tĩnh Tạng

***

Đúng thật như thế, chính tôi được nghe: Một thời, Đức Phật an trú tại Thệ-đa Lâm Cấp Cô Độc Viên[1] thuộc thành Thất-la-phiệt với vô lượng vô số thanh văn, đại bồ-tát, trời, người, a-tu-la… vây quanh. Bấy giờ Đức Phật bảo Xá-lợi Tử:

– Nay Ta thương xót tất cả chúng sinh mà nói sơ lược về công đức thụ trì danh hiệu bảy vị Phật, khiến cho người thụ trì đạt được lợi ích an lạc thù thắng. Ta sẽ vì các ông phân biệt giảng nói, các ông nên chú ý lắng nghe và suy nghĩ thật kĩ!

Xá-lợi Tử thưa:

– Thưa vâng, Thế Tôn! Con rất muốn nghe!

Đức Phật bảo Xá-lợi Tử:

– Ở phương đông thế giới này có một cõi Phật tên là Li Cấu Chúng Đức Trang Nghiêm. Đức Phật cõi đó hiệu là Luân Biến Chiếu Cát Tường Như Lai, Ứng Cúng, Chính Biến Tri, Minh Hành Viên Mãn, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Trượng Phu, Điều Ngự Sĩ, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Vị Phật ấy đến nay vẫn còn trụ nơi ấy. Ngài thương xót thế gian nên nói pháp vi diệu cho các đại chúng nghe. Pháp Ngài thuyết đều đạt sơ thiện[2], trung thiện, hậu thiện, văn nghĩa khéo léo, thuần nhất và trọn vẹn, hoàn toàn thanh tịnh. Nếu người nào được nghe danh hiệu Đức Phật ấy, thì thoát khỏi nỗi khổ sinh tử lưu chuyển trong trăm nghìn câu-chi đại kiếp, sinh ở nơi nào cũng luôn biết đời trước của mình. Nếu người nào siêng năng thụ trì danh hiệu Phật đó, thì được công đức như trên đã nói, lại trong trăm nghìn câu-chi đại kiếp dù sinh ở nơi nào cũng xa lìa ngu si, thụ hưởng những niềm vui tuyệt diệu trong cõi trời người. Nếu người nào kiến lập hình tượng Đức Phật ấy, rồi cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen thì được công đức như trên, lại trong vô lượng câu-chi đại kiếp dù sinh ở nơi nào cũng thường được gặp Phật, mau thành Vô thượng chính đẳng giác.

Lại nữa, Xá-lợi Tử! Ở phương đông thế giới này lại có một cõi Phật tên là Diệu Giác Chúng Đức Trang Nghiêm. Đức Phật cõi đó hiệu là Diệu Công Đức Trụ Cát Tường Như Lai, Ứng Cúng, Chính Biến Tri, Minh Hành Viên Mãn, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Trượng Phu, Điều Ngự Sĩ, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Vị Phật ấy nay vẫn còn trụ nơi ấy. Ngài thương xót thế gian nên nói pháp vi diệu cho các đại chúng nghe. Pháp Ngài thuyết đều đạt sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, văn nghĩa khéo léo, thuần nhất và trọn vẹn, hoàn toàn thanh tịnh. Nếu người nào được nghe danh hiệu Đức Phật ấy thì vượt thoát tất cả tám nạn[3], sinh ở nơi nào cũng luôn biết đời trước của mình. Người nào siêng năng thụ trì danh hiệu Phật đó thì được công đức như trên đã nói, lại trong vô lượng ức đại kiếp dù sinh ở nơi nào cũng thông tuệ, luôn ở cõi thiện hưởng những niềm vui sướng tuyệt diệu. Nếu người nào kiến lập hình tượng Đức Phật ấy, rồi cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen thì được công đức như trên đã nói, lại trong vô lượng câu-chi đại kiếp dù sinh ở nơi nào cũng thường được gặp Phật, tu hành tất cả ba-la-mật-đa, thành Đại đạo sư[4] độ vô lượng chúng sinh.

Lại nữa, Xá-lợi Tử! Ở phương đông thế giới này lại có cõi Phật tên là Chúng Sinh Trụ. Đức Phật cõi đó hiệu là Nhất Bảo Cái Vương Như Lai, Ứng Cúng, Chính Biến Tri, Minh Hành Viên Mãn, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Trượng Phu, Điều Ngự Sĩ, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Vị Phật ấy nay vẫn còn trụ ở nơi ấy. Ngài thương xót thế gian nên nói pháp vi diệu cho các đại chúng nghe. Pháp Ngài thuyết đều đạt sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, văn nghĩa khéo léo, đầy đủ và trọn vẹn, hoàn toàn thanh tịnh. Nếu người nào được nghe danh hiệu Đức Phật ấy thì liền được xa lìa tất cả sầu khổ; bảo toàn được tước vị, tài sản; chỉ trừ nhân định ác nghiệp đời trước. Nếu người nào siêng năng thụ trì danh hiệu Phật đó thì cũng được công đức như trên, dù sinh ở nơi nào cũng đầy đủ đại uy đức, thần thông tự tại, thân sắc rực rỡ, tướng mạo đoan nghiêm, mọi người thích nhìn. Nếu người nào kiến lập hình tượng Đức Phật ấy rồi cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen thì được công đức như trên, lại trong vô lượng câu-chi đại kiếp luôn sinh vào thế giới có Phật, tu bồ-tát hạnh, phát thệ nguyện lớn trang nghiêm, thành bậc Vô thượng giác, làm lợi ích cho tất cả chúng sinh.

Lại nữa, Xá-lợi Tử! Ở phương đông thế giới này lại có cõi Phật tên là Tự Tại Lực. Đức Phật cõi đó hiệu là Thiện Thệ Định Tích Như Lai, Ứng Cúng, Chính Biến Tri, Minh Hành Viên Mãn, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Trượng Phu, Điều Ngự Sĩ, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Vị Phật ấy nay vẫn còn an trụ nơi đó. Ngài thương xót thế gian nên nói pháp vi diệu cho các đại chúng nghe. Pháp Ngài thuyết đều đạt sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, văn nghĩa khéo léo, thuần nhất và trọn vẹn, hoàn toàn thanh tịnh. Nếu người nào được nghe danh hiệu Đức Phật ấy thì tâm liền vắng lặng, xa lìa các loạn động. Nếu người nào siêng năng thụ trì danh hiệu Phật đó thì được công đức như trên, lại trong vô lượng câu-chi đại kiếp dù sinh ở nơi nào thân cũng đầy đủ bốn oai nghi, nói năng hay im lặng thì tâm cùng thường ở trong định. Nếu người nào kiến lập hình tượng Đức Phật ấy, rồi cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen thì ngoài việc được công đức như trên, lại còn trong vô lượng câu-chi đại kiếp dù sinh ở nơi nào cũng thường được gặp Phật, mau đạt rốt ráo các môn tam-muội, thành bậc Lưỡng túc tôn, độ vô lượng chúng sinh.

Lại nữa, Xá-lợi Tử! Ở phương đông thế giới này lại có cõi Phật tên là Tối Thắng Bảo. Đức Phật cõi đó hiệu là Bảo Hoa Quang Cát Tường Như Lai, Ứng Cúng, Chính Biến Tri, Minh Hành Viên Mãn, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Trượng Phu, Điều Ngự Sĩ, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Vị Phật ấy nay vẫn còn trụ ở đó. Ngài thương xót thế gian nên nói pháp vi diệu cho các đại chúng nghe. Pháp Ngài thuyết đều đạt sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, văn nghĩa khéo léo, thuần nhất và trọn vẹn, hoàn toàn thanh tịnh. Nếu người nào được nghe danh hiệu Đức Phật ấy thì liền được đầy đủ thắng niệm, thắng tuệ, thắng hạnh. Ngài thuyết pháp vô úy cho bốn chúng nghe, lời lẽ uy nghiêm khiến họ đều cung kính, tin nhận. Nếu người nào siêng năng thụ trì danh hiệu Phật đó thì được công đức như trên, lại trong vô lượng câu-chi đại kiếp dù sinh ở nơi nào cũng đầy đủ niệm, tuệ, hạnh; có trí tuệ nhạy bén, sức nghe nhận và ghi nhớ rất thù thắng. Nếu người nào kiến lập hình tượng Đức Phật ấy rồi cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen thì được công đức như trên, lại trong vô lượng câu-chi đại kiếp dù sinh ở nơi nào cũng được gặp Phật, biện tài vô ngại, tuyên thuyết diệu pháp rộng rãi, dần dần tu tập tư lương phúc-tuệ, thành bậc Thiên nhân tôn, độ vô lượng chúng.

Lại nữa, Xá-lợi Tử! Ở phương đông thế giới này lại có cõi Phật tên là Tịch Tĩnh Châu. Đức Phật cõi đó hiệu là Siêu Vô Biên Tích Như Lai, Ứng Cúng, Chính Biến Tri, Minh Hành Viên Mãn, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Trượng Phu, Điều Ngự Sĩ, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Vị Phật ấy nay vẫn còn an trụ nơi ấy. Ngài thương xót thế gian nên nói pháp vi diệu cho các đại chúng nghe. Pháp Ngài thuyết đều đạt sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, văn nghĩa khéo léo, thuần nhất và tron vẹn, hoàn toàn thanh tịnh. Nếu người nào được nghe danh hiệu Đức Phật ấy thì tâm an định, không bị tạp loạn. Nếu người nào siêng năng thụ trì danh hiệu Phật đó thì ngoài được công đức như trên, lại còn mau đạt được định Nguyệt Quang Thắng. Được định này rồi, hành giả lại chứng hằng hà sa môn tam-ma-địa. Nếu người nào kiến lập hình tượng Đức Phật ấy rồi cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen thì ngoài việc được công đức như trên, đối với những pháp môn mà chư Phật đã giảng thuyết lại khéo siêng năng thụ trì, thông hiểu nghĩa lí, chiếu soi vô ngại như ánh sáng mặt trời, dù sinh ở nơi nào cũng thường được gặp Phật, nhờ đó mà mau đạt Vô thượng bồ-đề.

Lại nữa, Xá-lợi Tử! Ở phương đông thế giới này lại có cõi Phật tên là Tối Thượng Hương. Đức Phật cõi đó hiệu là Diệu Hương Vương Như Lai, Ứng Cúng, Chính Biến Tri, Minh Hành Viên Mãn, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Trượng Phu, Điều Ngự Sĩ, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Vị Phật ấy nay vẫn còn trụ nơi ấy. Ngài thương xót thế gian nên nói pháp vi diệu cho các đại chúng nghe. Pháp Ngài thuyết đều đạt sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, văn nghĩa khéo léo, thuần nhất và trọn vẹn, hoàn toàn thanh tịnh. Nếu người nào được nghe danh hiệu Đức Phật ấy thì thân tâm nhu hòa thư thái, không còn nặng nề thô tháo, nghiệp ác tiêu trừ, phiền não nhẹ mỏng. Nếu người nào siêng năng thụ trì danh hiệu Phật đó thì ngoài việc được công đức như trên, thì đời sau sinh ở nơi nào cũng đầy đủ ba mươi hai tướng đại trượng phu, được mọi người chiêm ngưỡng. Nếu người nào kiến lập hình tượng Đức Phật ấy, rồi cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen thì ngoài việc được công đức như trên, đời sau dù sinh ở nơi nào cũng thường được xuất gia, đầy đủ giới luật thanh tịnh, đến các cõi Phật để nghe và thụ trì pháp, tu hành đầy đủ tất cả công đức, nhờ đó mà mau thành tựu A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề.

Đức Phật bảo Xá-lợi Tử:

– Nếu các chúng sinh được nghe danh hiệu bảy vị Phật này rồi thụ trì và cúng dường, chắc chắn được công đức như trên đã nói. Vì sao? Vì sắc tướng và danh hiệu bảy vị Phật ấy đều do bản nguyện đại bi mà thành, nên nếu chúng sinh nghe nhớ, thụ trì và cúng dường thì đều được lợi ích an lạc như vậy.

Nghe Đức Phật nói kinh này xong, Xá-lợi Tử cùng các vị đại thanh văn, đại bồ-tát, người, trời, a-tu-la… đều vô cùng vui mừng, tin nhận và cung kính thực hành.

***

Chú thích:

[1] Thệ-đa Lâm Cấp Cô Độc Viên 誓多林給孤獨園 (Cg: Kì Thụ Cấp Cô Độc Viên): tinh xá Kì-hoàn ở khu vườn phía nam thành Xá-vệ, trong thủ đô Thất-la-phiệt của nước Kiều-tát-la, thuộc Trung Ấn Độ. Đây là nơi nổi tiếng nhất trong các nơi Phật thuyết pháp.

[2] Sơ thiện-Trung thiện-Hậu thiện 初善中善後善: Trong một bộ kinh do Đức Phật thuyết ra thì phần đầu tức phần Tựa, phần giữa tức phần Chính tông và phần sau cùng tức phần Lưu thông, nghĩa lí đều viên dung và sâu xa.

[3] Tám nạn 八難 (Cg: bát nạn xứ, bát nạn giải pháp, bát vô hạ, bát bất nhàn, bát phi thời, bát ác, bát bất văn thời tiết): tám loại chướng nạn khiến không được gặp Phật, không được nghe chính pháp. Tám nạn đó gồm: 1. Nạn ở địa ngục, 2. Nạn ở trong quỉ đói, 3. Nạn ở trong súc sinh, 4. Nạn ở cõi trời sống lâu, 5. Nạn sinh vào Uất đơn việt, 6. Nạn mù điếc câm ngọng, 7. Nạn thế trí biện thông, 8. Nạn sinh ra trước Phật sau Phật.

[4] Đại đạo sư 大導師: Đức hiệu của chư Phật, Bồ tát, vì các Ngài có năng lực dắt dẫn chúng sinh vượt qua hiểm nạn sinh tử, cho nên gọi Đại đạo sư.

    Xem thêm:

  • Vãng Sanh Tịnh Độ Cảm Hiện Điềm Lành - Kinh Tạng
  • Nghi thức Du Già Tập Yếu Diệm Khẩu Thí Thực - Kinh Tạng
  • Nghi thức Du Già Tập Yếu Diệm Khẩu Thí Thực - Kinh Tạng
  • Kinh Tối Thắng Hỏi Về Việc Trừ Cấu Đoạn Kết Của Bồ Tát Thập Trụ - Kinh Tạng
  • Bố Thí Ẩm Thực Cho Các Ngạ Quỷ Và Thuỷ Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Mười Danh Hiệu Của Phật - Kinh Tạng
  • Tây Phương Xác Chỉ - Kinh Tạng
  • Kinh Nhân Duyên Của Thái Tử Phước Lực - Kinh Tạng
  • Danh Hiệu Kim Cương Giáo Pháp Của Thai Tạng - Kinh Tạng
  • Kinh Ngũ Thiên Ngũ Bách Phật Danh Thần Chú Trừ Chướng Diệt Tội - Kinh Tạng
  • Bài Tán Thán Đức Kiết Tường Của Phật - Kinh Tạng
  • Kinh Dược Sư – HT Thích Trí Quảng soạn - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 13 - Kinh Tạng
  • Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức – Tuệ Nhuận dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Du Già Tập Yếu Cứu A Nan Đà La Ni Diệm Khẩu Quỹ Nghi - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Quảng Bác Lâu Các Thiện Trụ Bí Mật Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 2 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Pháp Hoa Tam Muội - Kinh Tạng
  • Kinh Vô Cấu Xưng - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 14 - Kinh Tạng