QUYỂN 2
Bấy giờ, Thế Tôn bảo tôn giả Hộ Quốc:
– Có bốn pháp đối với các Bồ-tát là pháp trói buộc. Bốn pháp đó là gì?
1- Là khinh mạn người khác.
2- Là đối với việc thế gian phương tiện tìm cầu
3- Là dụng tâm tán loạn như đi đường nguy hiểm
4- Là đối với quyến thuộc lòng sanh tham trước.
Bốn pháp như thế là pháp trói buộc của Bồ-tát. Lại nói kệ:
Nếu hành khinh mạn với người khác
Phương tiện chỉ cầu việc thế gian
Tán loạn như đi trong đường hiểm
Như voi thân lún giữa đầm lầy
Đối với người thân sanh yêu mến
Thường ôm tham luyến như say rượu
Như vậy mỗi mỗi bị trói buộc
Tăng trưởng ngu si che trí lớn
Nếu người sợ khổ chán sanh tử
Mong khỏi chìm đắm hướng giải thoát
Xả bỏ khinh mạn… việc thế gian
Đó là Bồ-tát thực hành đạo
Diệt hết vô biên các khổ rồi
Và các quyến thuộc phiền não kia
Rốt ráo an vui không mong cầu
Viên mãn Bồ đề đạo vắng lặng
Thực hành sáu pháp ba la mật
Ba thân năm trí… và mười lực
Tất cả công đức đều trọn đủ
Như vậy lìa hẳn vô biên khổ
Quá khứ tu hành vô lượng kiếp
Vì chúng sanh nên cầu Bồ đề
Tất cả các thiện thảy đều tu
Xa lìa các ác… và quyến thuộc
Thường vui núi sâu chỗ yên tĩnh
Xa lìa thanh sắc, tưởng chơn không
Tinh tấn tu hành không gián đoạn
Đắc tuệ viên mãn đại trượng phu
Thấy nghiệp chúng sanh thế gian kia
Năm nẻo xoay vần không cùng tận
Ta đời quá khứ phát tâm từ
Tự bỏ thân mạng và vợ con
Kinh thành đất nước và trân bảo
Cầu Phật như vậy vô số kiếp
Ta xưa ở núi hành nhẫn nhục
Hoa quả ao khe thảy thanh tịnh
Vua Ca lợi đến chặt chân tay
Tâm sanh thương xót, nhẫn không giận
Xưa ở núi sâu tên Xà Ma
Ta là tiên tên Ba la đa
Khi ấy thiên tử bắn thân ta
Cũng không sân hận sanh tâm ác
Không tiếc thân mạng xem như đá
Chí cầu Bồ đề tâm không lùi
Thuở xưa Ta tên là Tát Đỏa
Gặp hổ đói muốn ăn thịt con
Gieo mình xuống vực cứu hổ kia
Trời người khen ngợi đại tinh tấn
Thường ưa bố thí cứu chúng sanh
Không tiếc thân mạng và tài bảo
Xưa Ta tên là Ma Nẳng Phược
Rộng hành bố thí hết bảy báu
Cho đại ma ni để người giàu
Như vậy cầu chứng quả Bồ đề
Thuở xưa làm vua Đại Tô Ma
Ta tu hành tiếng tăm vang khắp
Bấy giờ ta chịu trói thay người
Để trăm vua kia được giải thoát
Xưa ta làm vua hiệu Năng Xả
Ai mong cầu gì đều thỏa mãn
Cho đến thân mạng và châu báu
Khiến người giàu sang khỏi nghèo khổ
Xưa có chim câu bay đến Ta
Cắt thịt thân ta cứu mạng nó
Khi cầm dao cắt thịt như vậy
Không kinh, không sợ tâm an ổn
Cũng thời quá khứ bỏ ngôi vua
Trọn đời hành pháp ba la mật
Lại tự hóa thân làm thuốc hay
Bỏ thân mạng mình cứu quần sinh
Xưa kia Ta là sư tử chúa
Thường làm lợi lạc cho thế gian
Xả bỏ ngôi vua và quyến thuộc
Một lòng mong cầu đạo vô thượng
Lại xưa Ta là vua Diệu Nha
Thời ấy tuổi thọ một ngàn năm
Tám mươi bốn năm tu khổ hạnh
Phát đại tinh tấn thí của báu
Ở trước tháp Phật đốt thân mình
Hết lòng cung kính để cúng dường
Xưa Ta là vua tên Vô Cấu
Có Bà-la-môn tên Ác nhãn
Đi đến thâm cung xin đầu Ta
Ta liền đem đầu mà ban cho
Thuở xưa Ta là vua Nguyệt Quang
Cứu khắp chúng sanh làm lợi ích
Trong tất cả thành ấp xóm thôn
Ngã tư đường bố thí thuốc hay
Ngàn thể nữ đoan nghiêm tướng đẹp
Châu báu vàng ròng khắp trang nghiêm
Bỏ ngàn thể nữ để tu hành
Việc làm ấy phước không ai sánh
Thuở xưa Ta là vua Du Bà
Đội mão quí báu đời hiếm có
Hoa hương các báu cùng trang nghiêm
Bố thí cho người không luyến tiếc
Xưa Ta là vua tên Bảo Kế
Tay chân mềm mại như bông, tơ
Nhãn láng vi diệu sắc như sen
Tự bỏ tay chân lợi chúng sanh
Thuở xưa Ta là vua An Ý
Có thương nhân tên là Tinh Hạ
Dẫn các thương khách vào trong biển
Bỗng nhiên trôi vào nước La Sát
Nước ấy trăm ngàn nữ Dạ xoa
Không thẹn, tàn ác ăn thịt người
Thương khách không biết nữ Dạ xoa
Thấy họ đẹp đẽ sanh lòng mến
Năm trăm thương khách sắp bị hại
Ta thương cứu họ đều thoát nạn
Thuở xưa Ta là vua Diệu Nhãn
Bốn triệu thể nữ thường vây quanh
Đoan chánh tuyệt đẹp như thiên nữ
Bỏ họ xuất gia cầu Phật đạo
Xưa kia Ta là vua Phước Quang
Sạch sẽ thanh tịnh sắc vàng ròng
Ngón tay thon dài đời hiếm có
Xả bỏ tay này lợi chúng sanh
Thuở xưa Ta là vua Pháp Tài
Mắt biếc sáng trong như sen xanh
Với thân đáng yêu rất khó bỏ
Người đến cầu xin cũng ban cho
Xưa kia Ta là vua Liên Mục
Thấy thương chúng sanh trong khổ não
Có người nữ mang bệnh ưu sầu
Ta hành bi mẫn khiến được khỏi
Thuở xưa Ta là vua Đại Ý
Thường cứu bệnh khổ cho chúng sanh
Hoặc thân ra máu và tủy não
Cứu liệu bệnh tật khiến được trừ
Tâm tinh tấn dõng mãnh như vậy
Chưa từng xả bỏ loài hữu tình
Thuở xưa Ta là vua Thành Lợi
Đem mắt yêu quí đẹp như sen
Cho các chúng sanh trị bệnh tật
Một lòng vì cầu đạo vô thượng
Ta xưa là vua tên Phổ Hiện
Thương xót hữu tình nên cứu độ
Khi ấy xả bỏ bốn châu lớn
Cõi nước nhân dân và các báu
Thậm chí cắt thân lấy máu thịt
Thí cho chúng sanh tâm hoan hỷ
Lại làm nữ vương tên Đại Trí
Thân đoan nghiêm sắc vàng mềm mại
Khi ấy người nữ tên Sắc Tướng
Là thương nhơn sanh một cháu gái
Đói gầy khốn khổ không lượng thực
Ta bỏ hai vú để cứu họ
Xưa Ta là vua hiệu Đa Văn
Có đủ trân châu y phục đẹp
Voi ngựa xe cộ… và tơ lụa
Bố thí như vậy vô số kể
Lại thấy thương nhơn trôi trên biển
Ta vào trong biển để cứu họ
Người ấy vong ơn xin mắt Ta
Ta cũng ban cho không sân hận
Xả bỏ đất đai và quyến thuộc
Quán họ, không chấp, như kiến nhỏ
Thuở xưa cứu quần sanh như vậy
Tâm không thối chuyển không mệt khổ
Thấy người già đơn độc bần cùng
Giúp đỡ cung cấp vật cần dùng
Thường hành yêu kính không khinh mạn
Cũng không xấu hổ không nhơn ngã
Xưa Ta từng làm thân Di Hầu
Cùng với đồng loại kia dạo chơi
Khi ấy thợ săn bắt trói chúng
Ta liền thay thế cứu chúng thoát
Thợ săn đem Ta dâng quốc vương
Vua sai buộc Ta sau hậu cung
Nghĩ đến cha mẹ già côi cút
Thức ăn uống ngon Ta chẳng màng
Chịu khổ như vậy giữ lòng hiếu
Nhờ thế được thoát khổ vương cung
Xưa Ta từng làm thân gấu lớn
Thường vào núi sâu hành từ nhẫn
Bỗng thấy tiều phu gặp mưa lớn
Dẫn vào hang núi để lánh mưa
Trải qua bảy ngày trời quang đãng
Dặn tiều phu ấy đừng chỉ chỗ
Khi ấy tiều phu yên ổn về
Chỉ dẫn thợ săn đến giết hại
Vong ân như vậy giết thân Ta
Ta không sân hận sanh từ nhẫn
Thuở xưa Ta là voi trắng chúa
Cầu Bồ đề Phật hành thập thiện
Khi ấy thợ săn bắn thân Ta
Ta xả bỏ ngà tâm hoan hỷ
Xưa có người ác Đế Lý Tử
Dùng lửa thiêu đốt ngọn núi lớn
Ta thấy lửa này khởi lòng thương
Trời mưa hoa hương lửa tự tắt
Xưa Ta từng làm chúa loài nai
Vàng báu trang nghiêm thân tuyệt đẹp
Lội xuống sông nọ cứu người chìm
Khiến người an ổn, toàn mạng sống
Bảo chớ nói Ta ở núi này
Vì sợ kẻ ác đến săn Ta
Khi ấy người kia quên ơn này
Chỉ cho quốc vương đến vây bắt
Chỉ rồi hai tay người ấy rụng
Khi ấy Ta không chút sân hận
Xưa đoàn thương nhân năm trăm người
Vì tìm châu báu vào trong biển
Thương chủ hết thức ăn nước uống
Thương chúng ốm gầy không lương thực
Lúc ấy Ta là rùa chúa lớn
Đem thân cứu mạng chúng thương nhơn
Với tâm từ làm lợi ích người
Họ đều bình an đến bờ biển
Xưa Ta hóa thân làm trùng thuốc
Trùng này tên là Câu tô ma
Ăn thân Ta trừ tất cả bệnh
Đều được an ổn hết các hoạn
Xưa Ta lại làm sư tử chúa
Đại lực vô úy hành từ mẫn
Có thợ săn giỏi, bắn thân Ta
Ta không sân hận không phẫn nộ
Ta xưa cũng làm ngựa trắng chúa
Thường hành hạnh Bồ-tát từ bi
Cứu thương nhân gặp nạn la sát
Chở mọi người ra khỏi biển nguy
Xưa làm loài chim Quân nô la
Xa lìa sắc dục không tán loạn
Khiến cho đồng loại các phi cầm
Cũng lại thực hành hạnh thanh tịnh
Ta xưa trong lúc làm thỏ chúa
Cùng các bầy thỏ nói pháp hạnh
Thấy vị tiên đói không thức ăn
Ta bỏ thân mạng cứu vị ấy
Xưa ta từng làm chim anh võ
Thường sống trong rừng cây hoa quả
Có kẻ ác thiêu hủy rừng này
Nhờ sức của Ta rừng xanh lại
Thuở xưa Ta làm Di Hầu chúa
Cùng đàn Di Hầu đi dạo chơi
Khi ấy quốc vương đến vây bắt
Ta vì cứu đàn đến trước vua
Xưa Ta lại làm chim Anh Võ
Cha mẹ già yếu không bay được
Ta vào trong ruộng gắp lúa thơm
Dưỡng nuôi song thân hành hiếu kính
Chủ ruộng lúa ấy lòng giận tức
Đuổi bắt Anh Võ và quở trách
Tại sao ngươi lại trộm lúa ta?
Bây giờ Ta bắt ngươi bỏ mạng
Anh Võ bảo với chủ ruộng rằng:
Ông trồng ruộng lúa cứu hữu tình
Tôi lấy ít lúa cúng mẹ cha
Sao ông nói tôi là kẻ trộm?
Lúc đó chủ ruộng nghe lời ấy
Cho lúa gấp bội hoan hỷ nói:
Ta là cầm thú ngươi là người
Hiếu dưỡng như vậy thật hiếm có
Thuở xưa Ta hành hạnh Bồ-tát
Trải qua số kiếp như vi trần
Cầu đạt quả Phật đại Bồ đề
Chưa có lúc nào sanh mỏi mệt
Như vậy xả bỏ nội ngoại tài
Nước thành vợ con và châu báu
Đầu mắt tủy não và thân mạng
Giữ giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền
Trí tuệ phương tiện… và nguyện lực
Các độ như vậy rộng tu tập
Chưa từng xả bỏ hạnh Bồ-tát
Tất cả điều thiện không thiếu sót
Như Phật nói về hạnh đầu đà
Hạnh ấy cũng là nhân hướng Phật
Như vậy mỗi hạnh đều tu tập
Tinh tấn tu tập không khuyết phạm
Đối với các chúng sanh đời sau
Tuy làm Bí sô mà vô hạnh
Thường sanh ngã mạn tâm biếng nhác
Tham đắm thanh sắc và tài lợi
Nghe hạnh lớn này nhân thắng diệu
Nhưng không tin nhận lại phỉ báng
Khinh khi cười cợt bảo mọi người :
Lời nói này chẳng phải Phật dạy.
Ta nghe quá khứ có một người
Học rộng hiểu nhiều tiếng vang khắp
Nhưng nghe Phật nói không tin nhận
Đem lời pháp ấy hỏi thầy mình
Vị thầy tuy già nhưng học rộng
Đối với lời Phật cũng không tin
Tuần tự như vậy bảo mọi người:
Pháp này chẳng phải lời chân thật
Cầu xuất ly nhọc công vô ích
Bày vẽ trì giới học oai nghi
Tu tập như vậy để làm gì?
Đã không chúng sanh không nhơn ngã
Thân tộc cha mẹ thảy đều không
Đó là tà kiến lời ngoại đạo
Chẳng phải pháp giải thoát chân thật
Lại nữa đời sau các Bí sô
Gây ra tội lỗi không hổ thẹn
Ngã mạn cống cao tâm tán loạn
Ganh ghét tham ái như lửa thiêu
Không sửa ba y thỏng tay bước
Kéo lếch ca sa vào thôn xóm
Mặc tình phóng túng mà uống rượu
Làm đủ các việc làm thô ác
Mặc pháp phục làm sứ giả Phật
Không nương giới luật, gần vua quan
Mang thư tin dong ruổi bốn phương
Cậy thế lực quan tìm tài lợi
Bỏ mất rừng công đức Như Lai
Rơi vào tam đồ các nẻo ác
Hoặc là kinh doanh ở chợ búa
Hoặc là cày cấy ở nông thôn
Phật nói đó chẳng phải sa môn
Bí sô thanh tịnh không như vậy
Tài vật cúng dường của thường trụ
Sử dụng phi pháp như của mình
Thấy có Bí sô đủ giới đức
Sanh tâm khinh mạn và phỉ báng
Bôi nhọ Hiền thiện phá luật nghi
Thân cận thế tục nhiễm hạnh tà
Nuôi dưỡng vợ con làm các việc…
Buông lung thô ác như thế tục
Như vậy tạo nhiều nhân ác nghiệp
Chẳng phải sa môn hạnh xuất gia
Sẽ đọa trong nẻo ác tam đồ
Nhiều kiếp trầm luân chịu các khổ
Đối với các căn không điều phục
Tham đắm ăn uống và sắc dục
Chắc chắn mọi người sẽ khinh chê
Việc dạy đệ tử cũng như vậy
Chưa từng chỉ bày pháp tu hành
Cũng không truyền dạy tâm cung kính
Nói mình Từ Bi trước mọi người
Chẳng cần đệ tử để kế thừa
Người bệnh phong điên hoặc bệnh hủi
Sáu căn không đủ kẻ xấu ác
Nhận người như vậy cho xuất gia
Chẳng phải sa môn đệ tử Phật
Không giới không hạnh không đạo đức
Hạng ấy phi tục phi sa môn
Ví như chất củi thiêu thây thúi
Những người thanh tịnh nên lánh xa
Tánh vốn kiêu căng nhiều tán loạn
Cũng như voi điên không thuần phục
Dù ở núi sâu tâm không an
Lửa tham thiêu đốt không tạm dừng
Quên mất tất cả công đức Phật
Phương tiện trí tuệ hạnh Đầu Đà
Các thiện như vậy không thực hành
Đọa vào A Tỳ không ngày thoát
Thường bàn việc nước nơi thôn ấp
Việc quan việc giặc và quyến thuộc
Ngày đêm suy nghĩ việc như vậy
Chưa từng giây lát hành chánh định
Đối với chùa chiền sanh tâm tham
Sửa sang tự viện và phòng ốc
Không có trì tụng và tu tập
Chỉ vì quyến thuộc và đệ tử
Nếu Bí sô nào nương tựa ta
Ta sẽ cho họ cùng sống chung
Ai muốn trì giới phụng hành luật
Chẳng phải việc ta phải xa lìa
Có ngọa cụ giường nằm các vật
Đồ vật thường dùng thức ăn uống
Cất giấu phòng kín hoặc che khuất
Nói rằng không có khiến người đi
Đời mạt pháp người ngu như vậy
Làm cho giáo pháp Phật sớm diệt
Tham cầu lợi dưỡng đoạn gốc thiện
Hạng Bí sô này nhiều không kể
Nếu người thanh tịnh có trí tuệ
Xa lìa tất cả ở núi sâu
Mạt pháp Bí sô không giới đức
Không ưa ở núi sâu yên tịnh
Thường ở thị thành và thôn xóm
Chỉ lo toan phải trái đấu tranh
Trái với pháp luật của quốc gia
Biển công đức giáo pháp chư Phật
Do phá giới nên đều khô cạn
Ví như biển báu nước lắng trong
Do bị bùn nhơ làm vẩn đục
Cũng như hoa sen nở khắp ao
Bị trận cuồng phong làm tơi tả.
Vào đời mạt pháp người phá giới
Làm tổn hại pháp Phật cũng vậy.
Nếu có người tịnh tu phạm hạnh
Gặp bạn ác này phải xa lánh
Người ấy mạng dứt, đọa A Tỳ
Chịu khổ trăm ngàn… vô số kiếp
Ở địa ngục này chịu tội rồi
Sanh vào súc sanh hoặc làm người
Bần cùng hạ tiện và câm điếc
Mắt chột lưng còm nhiều bệnh tật
Tay chân các căn không đầy đủ
Ai thấy cũng đều sanh kinh sợ
Không tín không hạnh không căn lành
Ngày đêm đói lạnh thường sầu khổ
Lại bị mọi người sanh sân hận
Họ dùng ngói đá để đánh ném
Ba khổ như vậy thường trói buộc
Tất cả tội nghiệp phải xa lìa
Thường nên gần gũi Phật Pháp Tăng
Trì giới thanh tịnh hạnh Đầu Đà
Như vậy lợi danh và quyến thuộc
Như huyễn như hóa như bóng hình
Pháp hữu vi có trong chốc lát
Không lâu chống nhau liền tan hoại
Chỉ có Bồ đề Phật vô thượng
Diệu địa mười lực ba la mật
Kiên cố tu tập chớ sanh nghi
Vị lai rốt ráo an vui lớn.
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ rồi bảo tôn giả Hộ Quốc:
– Nếu có người đối với Bồ-tát thừa không nương pháp thực hành thì người có lỗi ấy sẽ được người không nương pháp kính mến; người biếng nhác được người biếng nhác kính mến; người vô trí được người vô trí kính mến, như vậy họ kính mến lẫn nhau, tham đắm lợi dưỡng, ganh ghét quí tộc, biếng nhác cuồng loạn, thêu dệt hai lưỡi, nịnh hót người khác, dối trá cha mẹ và sư trưởng, hoặc vào thị thành các thôn xóm, không vì lợi ích chúng sanh để giáo hóa mà chỉ nói dối ta là đại trí nghe nhiều hiểu rộng để mê hoặc hữu tình, chỉ cầu tài lợi, khinh bỏ pháp thiện nên chẳng được gì; như đồ đựng bị vỡ nên không thể dùng cất chứa, oán ghét mọi người, nghe tin lời tà, dối trá quá đổi, phải nói là trái, trái nói là phải, đối với chánh pháp của Phật tâm không ưa thích, sanh vào nhà bần tiện dòng họ thấp kém, vì thấy chút lợi nên mới đầu Phật để cầu xuất gia và được làm Tăng, hành phi phạm hạnh, ở trong giáo pháp Phật hoàn toàn không có sự thành tựu, huống chi là trí lớn. Phật bảo tôn giả Hộ Quốc: Hạng người như vậy không nên nói pháp, vì việc thiện của trời người họ còn không thể tiếp nối, thì đối với Bồ đề làm sao thành tựu được.
Khi ấy, Thế Tôn lại bảo tôn giả Hộ Quốc:
– Có tám hạng người xa lìa Bồ đề không được nói pháp thù thắng vi diệu cho họ.
Hộ Quốc bạch:
– Tám hạng đó là những ai? Xin Thế Tôn giảng nói.
Phật bảo:
1- Là hạng người sanh ở biên địa.
2- Là hạng người sanh trong nhà bần cùng.
3- Là hạng người sanh trong nhà hạ tiện.
4- Là hạng người xấu xí ngu si.
5- Là hạng người đủ mọi trói buộc thân tâm sầu lo.
6- Là hạng người bỏ người hiền gần gũi bạn ác.
7- Là hạng người luôn tật bệnh thân thể yếu đuối.
8- Là hạng người bị các khổ bức bách.
Tám hạng người như vậy xa lìa Bồ đề không nên nói pháp cho họ.
Lúc ấy, Hộ Quốc lại bạch Phật:
– Không nên nói pháp còn nghĩa gì chăng?
Phật bảo Hộ Quốc:
– Nếu có người không quyết định thì Ta không nói Bồ đề; với người hư vọng Ta không nói hạnh thanh tịnh; với người biếng nhác Ta không nói hạnh Bồ-tát; với người keo kiệt Ta không nói hạnh cúng Phật; với người ngã mạn Ta không nói ba la mật thanh tịnh; với người vô trí Ta không nói pháp đoạn nghi; với người ganh tỵ Ta không nói tâm thanh tịnh; với người không lòng tin Ta không nói pháp tổng trì; với người không có đức Ta không nói pháp Thiện Thệ; đối với người tham ái Ta không nói thân thanh tịnh; với người không rành luật nghi Ta không nói pháp hủy báng Phật có lỗi; với người nói láo Ta không nói lời thanh tịnh; với người ngã mạn Ta không nói pháp cung kính; với người không hiểu biết Ta không nói pháp Tu học; với người trọng thân mạng Ta không nói pháp cầu đạo; những hạng người như vậy không nên nói pháp.
Khi ấy Hộ Quốc bạch:
– Ý đó thế nào?
Phật bảo Hộ Quốc:
– Vì hữu tình này ngu si mê muội, tâm thức điên đảo, hư vọng phân biệt, không nương giáo pháp, thậm chí (pháp) trời người cũng không nên nói cho kẻ ấy.
Bấy giờ Thế Tôn nói kệ:
Các hữu tình bất định
Và các chúng sanh khác
Ngã mạn tự cống cao
Lại tham đắm lợi dưỡng
Thường làm trái luật nghi
Đắm sâu trong ngũ dục
Tăng thêm các phiền não
Xa lìa Bồ đề Phật
Đối thiện pháp thối lui
Biếng nhác không tu tập
Do dự nhiều tán loạn
Lời dạy của giới pháp
Mà không sanh lòng tin
Bởi nghèo cùng bức bách
Mới tìm cách xuất gia
Dù được làm Bí sô
Cũng khinh bỏ đạo pháp
Như vất bỏ gánh vàng
Mà chọn lấy gánh gai
Tuy muốn vào núi sâu
Đến ở nơi vắng lặng
Ý không thích tu thiền
Nghĩ tà thêm tán loạn
Chướng ngại các biện tài
Trí tuệ lớn chìm mất
Rơi vào trong nẻo ác
Dù có được thân người
Xấu xí không toàn vẹn
Tánh biếng nhác ngu si
Không hành các pháp thiện
Các căn thường ám độn
Rơi vào hiểm nạn lớn
Trải qua vô số kiếp
Chìm đắm không giải thoát
Nếu hành tà có lợi
Là chứng được Phật quả
Điều đạt không chánh tri
Đáng lẽ thành Thiện Thệ
Nếu người tham lợi dưỡng
Rơi vào trong chúng sanh
Như cuồng phong trên không
Làm rơi các loài chim
Phước tà khi đã hết
Nghĩa ấy cũng như vậy
Người không tin, phá giới
Thấy thiện như người mù
Ví như thiêu thây chết
Không lành người ghét bỏ
Tuy đã phát thiện tâm
Không có trí rộng lớn
Chê pháp bởi không tin
Giải thoát chẳng rốt ráo
Như vẽ tranh không keo
Màu sắc tranh không bền
Ngã mạn tự cống cao
Nghĩa ấy, cũng như vậy
Nếu cầu Bồ đề Phật
Thì không tiếc thân mạng
Với lời pháp sâu xa
Dõng mãnh siêng tu học
Bỏ thiện hành phi pháp
Hành động ấy thêm tội
Rơi vào hầm lửa lớn
Ai nghe pháp như vậy
Nương pháp để hành trì
Đoạn trừ tâm tham ái
Tu trồng cội công đức
Thậm chí đối một câu
Thông suốt hiểu trọn vẹn
Tích công đức như vậy
Thành tựu đạo tối thượng
Mãi mãi lìa ngu tối.
Khi ấy, Thế Tôn nói kệ rồi bảo tôn giả Hộ Quốc:
– Ta ở vô lượng vô biên không thể nói, không thể nói A tăng kỳ kiếp trong quá khứ. Lúc ấy, có Phật ra đời hiệu là Thành Nghĩa Ý Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn.
Bấy giờ, có vua nước lớn tên là Phát Quang, chủ Diêm Phù Đề, đất đai rộng lớn một vạn sáu ngàn do tuần, trong đó có hai mươi vạn châu thành. Thành ấp vua Phát Quang ở tên là Bảo Quang. Thành ấy đông tây dài mười hai do tuần, nam bắc rộng bảy do tuần, có bảy lớp thành bằng bảy báu. Vua ấy khéo thực hành tám chánh đạo có một ngàn ức dòng họ giàu mạnh, nhân dân nước ấy thọ mười ức tuổi. Vua có Thái tử tên là Phước Quang, các căn đầy đủ, dung mạo đoan nghiêm, đẹp đẽ đệ nhất. Khi Thái tử sanh có một ngàn kho báu từ đất nổi lên, trong đó có một kho báu hiện trước điện vua, bên trong đầy bảy báu, cao bằng bảy người, lại khiến cho việc làm của tất cả chúng sanh được như ý… cho đến người bị giam cầm đều được phóng thích. Thái tử ấy sanh được bảy ngày thì thông thạo tất cả kỹ nghệ, công xảo, toán thuật, thậm chí tất cả nghề nghiệp, sự việc thế gian và xuất thế gian, không việc gì không thông suốt. Vào nửa đêm có Thiên tử Tịnh Quang đến thuyết pháp, bảo với Thái tử:
– Phước Quang hãy lắng nghe! Ông phải dừng tâm không nên tán loạn, thường phải xa lìa các trần cảnh, ngày đêm tư duy pháp hữu vi, thường quán vô thường, khi tuổi thọ hết ai người cứu ta, đối với phi pháp nên sanh sợ hãi.