1
2
3
4

QUYỂN 3

Bấy giờ, Thiên tử Tịnh Quang nói kệ:

Thái tử ngươi nên biết

Đừng đắm trước say mê

Ở nơi hiểm nạn này

Siêng năng cầu ra khỏi

Như lời đức Phật dạy

Nếu ai lìa say mê

Người ấy đại dõng mãnh

Khéo thực hành luật nghi

Thanh tịnh không tỳ vết

Thấy các loài chúng sanh

Tâm sanh hạnh từ mẫn

Không lâu sẽ thành Phật

Tất cả Phật quá khứ

Hiện tại và vị lai

Đều sanh từ các thiện

Xa lìa tham sân si

Ăn uống và y phục

Vàng bạc ma ni báu

Các thứ đồ trang nghiêm

Bố thí lợi chúng sanh

Trải qua nhiều ức kiếp

Một lòng cầu Bồ đề

Chưa từng sanh mệt mỏi

Hoặc xả bỏ thân phần

Đầu mắt… và tay chân

Đối với người cầu xin

Tâm hết sức vui mừng

Do tích công đức này

Mà thành Bồ đề Phật

Dù ở ngôi quốc vương

Được giàu sang tột bực

Mỹ nữ và quyến thuộc

Ngày đêm thường vây quanh

Cung điện và quốc thành

Thảy đều như huyễn hóa

Như đồ gốm chưa nung

Sóng nắng, bong bóng nước

Thể chúng không bền chắc

Chẳng thật chẳng dài lâu

Như vậy pháp vô thường

Hư vọng ông nên biết!

Cha mẹ và vợ con

Ai có thể cứu giúp

Tạo tác nghiệp thiện ác

Người ấy theo nghiệp dẫn

Như vậy vô số kiếp

Thường chìm biển sanh tử

Cũng như người không mắt

Đắm cảnh mà không biết

Luống uổng chịu khổ nhọc

Cuối cùng đọa nẻo ác

Đường Bồ đề tối thượng

Hành dõng mãnh tinh tấn

Cho đến lúc mạng chung

Không sanh ba đường ác

Người đời khó gặp Phật

Khó được nghe chánh pháp

Hàng phục phiền não oán

Gần gũi với bạn lành

Thường tu bát chánh đạo

An trú tâm Bồ đề

Bất thối nơi Phật đạo

Phương tiện hành như vậy

Thế gian không người hơn

Tất cả Phật quá khứ

Xa lìa sự mến thương

Thường ở chốn núi sâu

Chánh niệm tự tư duy

Vững chắc như kim cang

Chí cầu đạo vô thượng.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo tôn giả Hộ Quốc:

– Thiên tử Tịnh Quang nói kệ rồi, Thái tử Phước Quang kia năm lên mười tuổi, trí tuệ thông đạt nhưng không hý luận không đắm trước vườn, rừng, hoa cỏ, suối chảy, ao tắm, ca múa, kỷ nhạc thế gian, cho đến quốc thành, cung điện, voi ngựa, xe cộ, vàng bạc, của báu… tất cả việc ham muốn thảy đều xa lìa, nhất tâm tư duy: Thân ta hư huyễn bốn đại giả hợp, không có bền chắc, đại địa chư thiên đều chẳng chân thật, chúng sanh phàm phu thường hành phi pháp, ngu si mê muội, phân biệt thân sơ, đam mê dục lạc không biết nhàm chán, mãi ở luân hồi không ngày giải thoát; Ta lại thọ sanh giữa hạng người ngu mê như vậy. Nghĩ như thế rồi, Thái tử khởi chí buộc tâm chuyên cầu giải thoát.

Bấy giờ, Thế Tôn lại bảo tôn giả Hộ Quốc:

– Vua Phát Quang ấy chọn vùng đất có địa thế tốt đẹp hạng nhất, xây dựng một thành tên là Ái Lạc cho Thái tử. Thành ấy bảy lớp, bên trong có bảy trăm đường giao thông, võng lưới chơn châu chuông linh toàn bằng bảy báu, lưới báu chơn châu giăng khắp bên trên; lại có sáu mươi loại bảo cái tuyệt đẹp và tám vạn tràng phan quí báu, tuần tự bố trí thẳng tắp ở các nẻo đường, mỗi mỗi tràng phan báu có sáu vạn dây báu, mỗi một dây báu có mười bốn ức nhạc cụ, nhạc cụ như thế gió thổi làm lay động phát ra âm thanh vi diệu như trăm ngàn nhạc trời.

Ở ngã tư của các nẻo đường trong thành này đều có năm trăm đồng nữ thân tướng đoan nghiêm dung mạo tươi vui; tất cả đều có tài năng về âm nhạc, ca múa, xướng hát.

Khi ấy vua Phát Quang ra lệnh cho các đồng nữ ngày đêm tấu nhạc không gián đoạn. Tất cả dân chúng khắp bốn phương đều đến và vào thành này, họ nghe âm nhạc ấy và thấy sự vui nhộn nên vội vã đến xem, làm cho Thái tử sanh tâm mê đắm. Vua lại bảo:

– Có chúng sanh nào cầu ăn uống thì cho ăn uống; cầu y phục thì cho y phục; cầu vòng hoa hương xoa thì cho vòng hoa hương xoa; cầu giường nằm ngọa cụ thì cho giường nằm ngọa cụ… thậm chí đem vàng bạc, ma ni, xa cừ, mã não, san hô, chơn châu, phệ lưu ly… các của báu ấy chồng chất khắp nơi; lại đem voi ngựa xe cộ, dùng các vật báu để trang nghiêm rồi, ban cho tất cả chúng sanh tùy ý sử dụng.

Khi ấy vua Phát Quang kiến tạo một cung điện rộng một do tuần ở trong thành này cho Thái tử, cất lầu có bốn cửa lớn, cửa sổ và lan can đều dùng bảy báu để trang nghiêm, bên trong cung này lập một đại điện dùng trăm ngàn trân bảo trang trí xung quanh, ở giữa điện đặt bốn ức loại giường và ngọa cụ báu; ở trong thành lại bố trí một khu vườn lớn, số lượng hoa quả cây trái rất nhiều, sum xuê, nở rộ ở đời hiếm thấy. Ở giữa khu vườn trồng nhiều cây báu ánh sáng rực rỡ rất đáng ưa thích; trong vườn còn có ao bằng bảy báu, bốn mặt ao có bốn con đường được làm bằng bốn thứ báu đó là vàng, bạc, phệ lưu ly và pha lê. Ở quanh ao đặt một trăm lẻ tám con sư tử hút nước vào miệng và 108 con sư tử khác phun nước ra, trong ao lại có các loại hoa sen hồng, xanh, vàng, trắng, cùng với những loại hoa thơm khác luôn luôn nở rộ xung quanh hồ; còn có tám trăm cây báu, trên mỗi cây báu đều treo dây lụa báu trắng, trên mỗi dây báu có hàng ức nhạc cụ, gió thổi lay động phát ra âm thanh vi diệu, khiến chúng sanh nghe được đều ưa thích; trên cây báu còn treo tám trăm vạn trân bảo và tràng phan đẹp. Lại ở trên ao giăng lưới báu lớn để che thân Thái tử khỏi bị dính bụi.

Bấy giờ, vua Phát Quang lại ra lệnh dùng bảy báu làm bốn ức tòa báu đặt trong cung điện, mỗi tòa báu đều dùng năm trăm y tốt đẹp hạng nhất trải lên trên; ở chính giữa đặt một tòa lớn, cao bằng bảy người, đem tám mươi ức y báu hạng tốt nhất trải lên trên, đó là tòa ngồi của Thái tử Phước Quang, phía trước các tòa đều đặt lư hương làm bằng vàng, xung quanh lư hương treo chuông linh và hoa sen bằng vàng, bốn mặt trang trí bằng lưới báu ma ni ánh sáng rực rỡ, ngày đêm ba thời luôn đốt trầm hương và rãi hoa đẹp. Ở trong vườn lại có chín mươi chín trăm ngàn ma ni báu, mỗi một ma ni báu rộng một do tuần có vừng ánh sáng lớn chiếu soi tất cả thế giới.

Khi ấy, Thế Tôn lại bảo Hộ Quốc:

– Trong vườn của Thái tử Phước Quang có các loài chim như: Anh võ, Bồ câu, Uyên ương, Nga giáp(hồng nhạn), Khổng tước, Xá lợi, Câu chỉ la, Câu noa la, Ca lăng tần già, Mạng mạng… Các loài chim như vậy đều khéo nói tiếng người, mỗi khi chúng bay phát ra âm thanh vi diệu, y như các tiếng nhạc không khác, cũng như vườn hoan hỷ của Thiên Đế Thích, làm cho chư Thiên cảm nhận sự khoái lạc vi diệu.

Vua Phát Quang lại sửa soạn thức ăn ngon nhất cho Thái tử, mỗi ngày cung cấp năm trăm ngàn xe; còn ra lệnh cho các thành ấp xóm làng tuyển chọn đồng nữ từ mười sáu đến hai mươi tuổi, tướng mạo đoan nghiêm các căn đầy đủ, không cao không thấp, không mập không ốm, không đen không trắng, thân tỏa ra hương bạch đàn, miệng thoảng mùi thơm hoa ưa bát la, nói năng nhỏ nhẹ, tánh tình thuần hậu, không ghen ghét, khéo hiểu biết rộng về ca múa, hài hước, cho đến tất cả việc thế gian như: công xảo kỹ nghệ… không việc gì không hiểu rõ, có đến tám mươi ức đồng nữ như vậy vào vương thành.

Bấy giờ, vua Phát Quang đem tám mươi ức đồng nữ này ban cho Thái tử, lại ban cho một ức đồng nữ trong cung của mình; các thân quyến của vua cũng đem một ức đồng nữ dâng lên Thái tử; tể tướng và trọng thần cũng đem một ức đồng nữ dâng lên Thái tử; nhân dân trong nước cũng đem một ức đồng nữ dâng lên Thái tử. Như vậy có đến tám mươi bốn ức đồng nữ theo hầu hạ phụng sự và ca múa, diễn trò hài hước cho Thái tử vui.

Phật bảo tôn giả Hộ Quốc:

– Khi ấy, Thái tử Phước Quang thấy các hiện tượng nào là: quốc thành cung điện, lầu gác, vườn rừng, ao rạch, voi, ngựa, trân bảo, và các đồng nữ ca múa xướng hát, biểu hiện các việc vui như vậy, nhưng đều không đắm trước, mà tự tư duy: Các người nữ này đối với thân ta là bạn đại ác, làm tăng trưởng phiền não và đoạn thiện căn của ta, làm ta thường ở luân hồi không được tự tại, ví như kẻ bị giam cầm không thể ra khỏi.

Bấy giờ, Thái tử thấy được tội lỗi này, nên trong mười năm đối với các cảnh giới năm trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc không đắm trước, nhất tâm tư duy: làm sao xa lìa các bạn ác để tu hành, được giải thoát? Các đồng nữ kia liền đến cung vua tâu với vua cha:

– Thái tử Phước Quang đối với sự vui đùa ca múa của các thể nữ đều chẳng màng đến, chỉ ngồi tư duy xa lìa thanh sắc.

Khi ấy, vua Phát Quang nghe việc này rồi, tâm hết sức kinh ngạc, cho là chưa từng có, liền thống lãnh tám vạn tiểu vương và quần thần đến cung điện Thái tử, thấy Thái tử một mình ở trong cung điện nét mặt tĩnh lặng, vua buồn rơi lệ, tâm rất đau khổ, té ngã xuống đất mê man hồi lâu mới tỉnh, liền đứng dậy nói kệ:

Con là báu tối thượng

Tại sao không nhìn cha

Buồn rầu tâm hoảng loạn

Sao bỏ việc đáng yêu

Sự giàu sang vui vẻ

Thành này đẹp trang nghiêm

Trang hoàng bằng các báu

Cung điện lầu gác đẹp

Vườn rừng và ao tắm

Voi ngựa bảy món báu

Y phục và ăn uống

Như vậy số vô lượng

Dùng cung cấp cho con

Lại có các đồng nữ

Nhan sắc thật tuyệt đẹp

Đoan chánh khắp trang nghiêm

Như tướng của thiên nữ

Tâm tánh hiền thuận hậu

Biết rành các kỹ nghệ

Ca múa và âm nhạc

Thế gian không người sánh

Để làm con vui thích

Khiến con được hạnh phúc

Tại sao con không thích

Mà lìa bỏ cảnh ấy

Một mình ở thâm cung

Dung mạo rất tầm tĩnh

Làm cho các đồng nữ

Tất cả đều ưu sầu

Như hoa sen héo úa

Đều đến thưa với Ta

Thái tử! con nên biết,

Các đồng nữ như vậy

Đoan chánh tuổi thanh xuân

Miệng thoảng hương ưu bát

Thân tỏa hương chiên đàn

Mắt xanh như sen biếc

Thông hiểu tâm ý người

Trong suốt ngày và đêm

Gần gũi làm trò vui

Hôm nay, ngay bây giờ

Con lìa bỏ tất cả

Trong lòng con nghĩ gì?

Hãy nói cho cha biết!

Lại trong vườn còn có

An trí báu ma ni

Chín mươi chín trăm ngàn

Đều rộng một do tuần

Chiếu ánh sáng rực rỡ

Cây báu treo phan báu

Số lượng đến tám vạn

Hoa quả đều sum xuê

Có đủ các loài chim

Khổng tước và nga giáp (hồng nhạn)

Chim ca lăng tần già

Đều hót tiếng vi diệu

Khoảng giữa các hàng cây

Đều rủ xuống dây báu

Ở trong mỗi dây báu

Đều có nhạc khí đẹp

Gió thổi làm lay động

Phát ra tiếng rất hay

Tiếng hay như nhạc trời

Sao con chẳng ưa thích

Còn các cung điện này

Dùng các báu làm thành

Vàng bạc châu ma ni

Xa cừ cùng mã não

Ma ni và trân châu

Trang nghiêm rất đẹp đẽ

Trong cung điện báu này

An trí lư hương vàng

Lưới châu rủ bốn mặt

Hàng ức vải mịn đẹp

Dùng trang nghiêm ở trên

Ngày đêm trong ba thời

Luôn xông hương chiên đàn

Như cung điện Đế thích

Không khác nhà thiện pháp

Nay con chẳng ưa thích

Trái với ý cha mẹ

Không có tâm hiếu kính

Làm cha thêm khổ não

Mau nói cho cha biết!

Nói rồi rơi nước mắt.

Thái tử nghe cha hỏi

Đảnh lễ thưa vua cha :

Cảnh ngũ dục thế gian

Làm chúng sanh đọa lạc

Trói buộc các hữu tình

Thêm lớn các tội lỗi

Mãi ở trong luân hồi

Không có ngày ra khỏi

Nay con cầu giải thoát

Phát tâm đại Bồ đề

Xa lìa các trần nhiễm

Tất cả thân người nữ

Xấu xa gốc bất tịnh

Con quán như oan gia

Tham sân theo bức ép

Trôi nổi trong tử sanh

Trói dắt các chúng sanh

Thường ở đường hiểm lớn

Tướng đẹp người nữ này

Lớp da bọc bất tịnh

Máu thịt cùng xương tủy

Ruột dạ dày tiểu tiện

Nước mắt, mũi… nước miếng

Thân dơ nhớp như vậy

Làm sao ưa thích được

Ví như cây thuốc độc

Nở hoa nhiều người mến

Hái hoa độc chạm thân

Đâu biết tự hại mình

Nước thành và cung điện

Âm nhạc và ca múa

Rốt cuộc không chân thật

Như mộng như huyễn hóa

Như cây cối mùa xuân

Sum xuê khoe hương sắc

Khi trời chuyển sang đông

Lá rụng trơ thân gầy

Mỹ nhân và giàu sang

Không lâu cũng như vậy

Ngu si tâm cuồng loạn

Đắm chìm biển tham dục

Đấu tranh sanh ganh ghét

Chém giết hại lẫn nhau

Phụ vương và quyến thuộc

Vợ con và nam nữ

Ở trong nẻo ác ấy

Ai có thể cứu giúp

Bồ-tát bậc đại trí

Thân tâm thường tịch tịnh

Quán họ như cỏ cây

Không động như Tu di

Thường ưa chốn núi sâu

Một lòng cầu chánh đạo

Kiếp phù du chóng hết

Như nước dốc chảy xiết

Mạng người như mây nổi

Phút chốc liền tan hoại

Rơi vào trong ba cõi

Mê đắm trong sanh tử

Con không bị đắm say

Xa lìa những hư vọng

Sắc thinh năm dục trần

Chẳng phải cảnh Bồ-tát

Phước hết vô phước sanh

Nghiệp hết lại sanh nghiệp

Như chim nhốt trong lồng

Mãi không được tự tại

Sáu trần như rắn độc

Gây tổn hại chúng sanh

Bốn đại không chắc thật

Giống như xóm làng vắng

Nay phụ vương nên biết

Sớm bỏ cảnh hư vọng

Quay về chơn giải thoát

Thường dùng thuyền diệu pháp

Để độ thoát ba cõi

Giúp người mê tỉnh ngộ

Mở trói kẻ buộc ràng

Khổ nạn làm cho an

Cứu người mù sáng mắt

Cho trân bảo người nghèo

Đều khiến lìa khổ não

Lại vì chúng hữu tình

Làm cạn sông tham ái

Chiếu sáng đường tối tăm

Rộng bủa mây sấm chớp

Tuôn mưa nước Cam lồ

Trừ nóng được mát mẻ

Thành tựu trí tối thượng

Nay phụ vương nên biết!

Người nào sẵn lòng Từ

Mà muốn làm oan gia?

Người nào đủ trí tuệ

Sợ gặp Phật Pháp Tăng?

Người nào có mắt sáng

Mà đi vào đường hiểm?

Người nào được Bồ đề

Mà dục làm tán loạn?

Người có trí như thế

Quyết không hành tà đạo

Thà lên đỉnh Tu di

Gieo thân vào biển lớn

Đối với năm dục trần

Quyết không sanh nhiễm trước

Các thể nữ hiện có

Cùng với các quyến thuộc

Xin cha dẫn về gấp

Chớ ở lâu nơi đây

Tại gia nhiều tội lỗi

Chướng ngại Bồ đề Phật

Con xả bỏ quốc thành

Và tất cả quyến thuộc

Đi vào chốn núi sâu

Tu tập hạnh thanh tịnh

Chí cầu đạo vô thượng.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo tôn giả Hộ Quốc:

– Thái tử Phước Quang ở cung điện báu, các đồng nữ vây quanh hầu hạ, Thái tử quán sát hết mức nhàm chán; trong ba oai nghi đi đứng và ngồi chỉ mong đoạn trừ tất cả phiền não; vào ngày mùng tám tháng giêng, Thái tử ngồi kiết già trên đất, chánh ý tư duy lìa các trần nhiễm, quán sát như vậy rồi, vào lúc giữa đêm, bỗng nghe trên không Thiên tử Tịnh Quang khen ngợi Phật pháp và chúng Bí sô; vừa nghe như thế thân rởn tóc gáy, buồn vui lẫn lộn, chắp tay hướng lên không dùng kệ hỏi rằng:

Chư thiên trên không rất từ mẫn

Phát ra lời khen, khen ngợi ai

Con muốn qui y cầu xuất ly

Mong muốn được nghe xin giảng nói.

Khi ấy Thiên tử Tịnh Quang ở trên không trung nghe hỏi như vậy, vì Thái tử mà nói lên sự khen ngợi bằng bài kệ:

Nay tôi khen ngợi đại Sa-môn

Phật kia tên là Thành nghĩa ý

Thường đem thập thiện dạy quần sanh

Cứu giúp các khổ người cô độc

Phương tiện trí tuệ là hơn hết

Công đức thần lực không người sánh

Thường có mười ngàn na do tha

Các chúng Bí sô thường cung kính

Thái tử lại hỏi trời Tịnh Quang

Công đức tướng hảo như thế nào?

Phật kia hành hạnh Bồ đề gì?

Xin giảng nói lại, con muốn nghe.

Bấy giờ, Thiên tử Tịnh Quang lại vì Thái tử nói về công đức và tướng hảo của Phật bằng bài kệ:

Đảnh Phật như Tu di

Xuất chúng cao vòi vọi

Búi tóc màu xanh biếc

Xoay bên phải ngay ngắn

Lông trắng giữa chặn mày

Sáng như ngàn mặt trời

Mắt xanh biếc trong sạch

Tợ như lá sen xanh

Cằm ngực như sư tử

Môi đỏ hơn Tần bà

Răng khít không khuyết hỏng

Trắng như ngọc kha tuyết

Rốn tròn rộng xoay phải

Sạch như pha lê báu

Lưỡi đỏ tợ sen hồng

Rộng dài mà mỏng sạch

Trải ra phủ khắp mặt

Tướng này vi diệu nhất

Phạm âm rất trong trẻo

Hay tuyệt vượt thế gian

Tất cả trời và người

Nghe đều sanh hoan hỷ

Trăm ngàn thứ âm nhạc

Chẳng bằng âm thanh Phật

Công đức lớn vô biên

Đoạn Hoặc cho chúng sanh

Khiến hành hạnh Bồ đề

Lại nữa các loài chim

Tên là Khẩn na la

Uyên ương, Câu chỉ la

Phược lý, Hi noa nga

Cụ sa, Câu noa la

Chim Ca lăng tần già…

Đều có sắc tướng đẹp

Tướng Phật đẹp cũng vậy

Phật dùng một lời nói

Tùy căn tánh đều hiểu

Gần xa nghe như nhau

Pháp Như Lai tự tại

Cổ dài da mịn đẹp

Cân đối với thân mình

Bắp, khuỷu tay suông tròn

Duỗi tay dài quá gối

Đoan nghiêm đẹp như vậy

Bảy chỗ đều đầy đặn

Cánh tay như mũi voi

Bắp chân hơn nai chúa

Tướng âm tàng ẩn kín

Giống như của long mã

Lông xanh biếc xoay phải

Không sợ như sư tử

Đảnh Phật như Thiên Cái(bảo cái cõi trời)

Trang nghiêm thân sắc vàng

Bước đi như trâu chúa

Chân hiện Thiên bức luân

Tướng Sa Tất Đế Ca

Đẹp toàn diện như vậy

Thế gian rất hiếm thấy

Ông nay nếu gần gũi

Có đức cùng không đức

Có phước cùng không phước

Tất cả tự ông biết

Có ai xưng danh Phật

Khen chê đều không chấp

Như hoa sen trong nước

Không nhiễm chút bùn nhơ

Phật đạo sư của ta

Thế gian không ai bằng.

    Xem thêm:

  • Kinh Năm Giới Tướng Của Ưu Bà Tắc - Kinh Tạng
  • Kinh Thiện Ác Nhơn Quả – Thích Giác Quả dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Tội Nghiệp Báo Ứng Giáo Hóa Địa Ngục - Kinh Tạng
  • Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát Căn Bổn Đại Giáo Vương Kinh Kim Sí Điểu Vương Phẩm - Kinh Tạng
  • Kinh Thắng Quân Hóa Thế Bách Luận Già Tha - Kinh Tạng
  • Kinh Thiện Ác Nhơn Quả – Thích Trung Quán dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Lí Thú Lục Ba La Mật Đa - Kinh Tạng
  • Kinh Quán Sát Chư Pháp Hạnh - Kinh Tạng
  • Kinh Tối Thắng Hỏi Về Việc Trừ Cấu Đoạn Kết Của Bồ Tát Thập Trụ - Kinh Tạng
  • Kinh Hải Long Vương - Kinh Tạng
  • Kinh Di Lặc Hạ Sanh Thành Phật - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Thọ Diệt Tội Và Thần Chú Bảo Hộ Các Em Bé - Kinh Tạng
  • Giải Thích Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật - Kinh Tạng
  • Kinh Thái Tử Đức Quang - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Đại Thừa Nhật Tử Vương Sở Vấn - Kinh Tạng
  • Kinh Thái Tử Tu Đại Noa - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 30 – Địa Ngục - Kinh Tạng
  • Kinh Mục Kiền Liên Hỏi Năm Trăm Tội Khinh Trọng Trong Giới Luật - Kinh Tạng
  • Kinh A Di Đà - Kinh Tạng
  • Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện – Vạn Phật Thánh Thành dịch - Kinh Tạng