1
2
3
4

Kinh Vu Lan Bồn

Việt dịch: Thích Huyền Tôn

Tôn Giả A-Nan, tụng lại lời Phật : Một thuở nọ tại nước Xá-vệ, Tinh-xá lập trong vườn của trưởng giả Cấp-Cô độc, rừng cây của Thái-Tử Kỳ-Đà.

Bấy giờ đức Đại Mục-Kiền-Liên vừa chứng A-la-hớn quả, đầy đủ sáu phép Thần-thông, Ngài muốn cứu độ cha mẹ, mong đền ơn sâu nuôi nấng, bao năm bồng bế, cho giòng sữa ngọt, nay đến trưởng thành.

Ngài dùng đạo nhãn, quán xem các cõi, thấy vong thân mẫu, sống trong loài quỷ đói không được uống ăn da mỏng bọc xương ! Ngài Mục Kiền Liên lệ bỗng trào tuông xót thương bi thảm ! Mẹ ơi ! Hình hài của mẹ ! Ngài liền lấy bát dựng cơm, nhanh đến nơi mẹ, dâng bát cơm đầy mà lòng đau se thắt ! Thương mẹ vô vàn !

Mẹ Mục Kiền Liên, từ lâu trong ngục, chưa một lần ăn uống, nay được con thảo dâng cơm, bà liền lấy tay trái che bát, tay mặt bốc cơm, cơm đưa chưa tới miệng, bỗng hoá thành lửa, bừng lên bốc cháy, Cơm lửa nóng bỏng, Ôi ! Thương thay cho mẹ ! Cơm không ăn được còn bị lửa đốt ! Mục Liên khóc lớn, lệ tràn xót đau ! Bay về bạch Phật, trước sau tỏ bày.

Duỗi tay bạch ngọc, xoa đầu an ủi, Phật dạy Mục Liên : Mẹ của ông kết nghiệp tội báo thâm trọng, dù ông có nhiều thần lực, nhưng sức chỉ một mình, làm sao cứu nổi ! Cho dù lòng hiếu của ông vang động đất trời, khắp cõi thiên thần, địa kỳ, tà ma ngoại đạo, với cùng đạo sĩ ,bốn cõi thiên vương, hợp sức với ông cũng không lay chuyển được tội báo của mẹ ông !.

Nay ta dạy ông phương pháp cứu độ, giải thoát tất cả các ưu lo khổ nạn. Phương pháp đó là nhờ vào lực oai thần của mười phương Tăng chúng mới có thể cứu được tội báo của mẹ ông.

Phật dạy Mục Liên :

Nhân vào Ngày Rằm Tháng Bảy, là ngày lễ Tự-Tứ[2]

của mười phương Tăng chúng, ông phải hết lòng vì ân hiện tiền cha mẹ và ân bảy đời cha mẹ, đang trong ách nạn, ông sắm đủ các thứ, cơm canh thanh khiết, trăm vị thơm ngon, cây trái hương hoa, đèn dầu quả phẩm, mền mùng giường nệm, các món đều tinh sạch trân quí, đựng vào bồn lớn vu lan, thành kính dâng lên cúng dường mười phương đại đức chúng tăng.

Ngay trong ngày này, là ngày tất cả thánh chúng, -Hoặc đang thiền định ở chốn núi rừng! -Hoặc vừa chứng được bốn thánh quả ! -Hoặc là kinh hành dưới hàng đại thọ ! -Hoặc chứng sáu thông tự tại, giáo hoá hàng sơ quả duyên giác thinh văn! -Hoặc bậc thập địa Bồ Tát ! Đại nhân, Quyền hiện trong chúng tỳ-kheo, đều đồng một lòng thọ nhận bát cơm “Hoà-La”[3] !

Đạo cả của Thánh chúng, đã đầy đủ giới đức thanh tịnh, là đức lớn bao la. Như có ngừơi cúng dường, đúng vào ngày Tự Tứ tăng này, thì sáu thân[4] quyến thuộc cha mẹ hiện đời, đều được ra khỏi khổ nạn tam đồ[5] đúng thời liền được giải thoát.

Như Cha Mẹ hiện tiền của thí chủ, được vui trăm năm Phúc Lạc. Nếu là cha mẹ bảy đời về trước, sanh về cõi trời tự tại hóa sanh vào chỗ thiên hoa.

Bây giờ Đức Phật lại dạy chúng tăng trong mười phương, trước hết phải chú nguyện cho Thí Chủ và tất cả gia thân. Kế đến nhập thiền định ý, chú nguyện cho bảy đời cha mẹ của các thí chú. Rồi sau mới được thọ cơm cúng dường. Nhưng, trước khi thọ thực phải an cúng trước Phật tiền, trong chùa tháp cũng cúng như vậy, chúng tăng cùng chú nguyện, rồi cùng thọ thực.

Bấy giờ Tỳ Khưu Mục Kiền Liên và các bậc đại Bồ Tát, thảy đều vui mừng ! Bao nỗi buồn lo than khóc của Ngài Mục Liền tức thời tiêu diệt. Ngay trong ngày giờ ấy vong mẫu của Ngài Mục Kiền Liên được thoát khỏi kiếp khổ Ngạ-quỉ.

Ngài Mục Kiền Liên lễ Phật bạch rằng :

Sanh mẫu của con, được nhờ công đức của Tam Bảo, Oai thần của chúng tăng, mà được siêu thoát ! Như tất cả đệ tử Phật trong đời vị lai, cùng đều vâng làm lễ cúng Vu-Lan-Bồn, để cầu an lành cho cha mẹ hiện tiền! Để cầu siêu độ cha mẹ bao đời về trước, vâng làm như thế, có được hay chăng ?

Đức Thế Tôn liền dạy: Lành thay lời hỏi của ông, đó là điều ta muốn nói, này Thiện nam tử: Như có các vị Tỳ-khưu, Tỳ-khưu-ni, vua các nước, Thái-tử, Các đại-thần, quan tể tướng, bậc tam công, trăm quan chức, cùng muôn ngàn dân chúng, muốn làm hạnh hiếu từ ấy, trước là, phải vì ơn sanh thành của cha mẹ hiện tiền, và ơn bảy đời cha mẹ về qúa khứ ,

Nhân ngày rằm tháng bảy, là ngày Phật Hoan-hỷ, là ngày Tăng tự tứ ! Nên dùng trăm thức ăn uống thơm ngon, dựng trong Bồn Vu Lan, dâng cúng lên mười phương Tăng Tự-Tứ. Chí nguyện này, khiến cho cha mẹ hiện tiền, trăm năm tuổi thọ, không bịnh không sầu. Bao đời cha mẹ xa xưa, thoát ly nghiệp báo ngạ quỉ, sanh trong cõi đẹp trời người, phước lạc trọn đời an hưởng.

Là đệ tử Phật, siêng tu hiếu thuận, thường trong mỗi niệm, nhớ nghĩ mẹ cha, và bảy đời cha mẹ. Mỗi năm ngày rằm tháng bảy, thiết lễ Vu-Lan, cúng dường Tam Bảo Thánh tăng, hồi hướng báo đền công ơn sanh thành, nuôi dưỡng của mẹ cha , tất cả các đệ tử của Phật, đều nên phụng trì pháp Vu-Lan-Bồn.

Tôn giả Đại Mục Kiền Liên và bốn chúng đệ tử, đều hoan hỷ phụng hành.

Chú thích:

[1] Chữ BỒN :Nên hiểu như cái MÂM lớn trong tiếng Việt.

[2] (Có 2 nghĩa : 1, ngày sau cùng của khóa an-cư. 2, Do đại chúng cữ tội, mình nhận tội sám hối./ Mình tự nói có tội, đại chúng luận tội và tự xin sám hối)

[3] (Tự tứ thực: Cơm của ngày tự tứ dâng cúng Phật)

[4] ( 6 thân: cha, mẹ, anh em, vợ, con.)

[5] (tam đồ: Huyết đồ,thuộc súc sanh đạo. Đao đồ, thuộc ngạ quỷ đạo. Hoả đồ, thuộc địa ngục đạo).

    Xem thêm:

  • Nghi Quỹ Tắm Tượng Phật Bản Mới - Kinh Tạng
  • Kinh Cha Mẹ Ân Trọng (Phụ Mẫu Ân Trọng Kinh) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung A-Hàm 13 – Phẩm Căn Bổn Phân Biệt - Kinh Tạng
  • Kinh Vu Lan – HT Thích Trí Quảng soạn - Kinh Tạng
  • Thanh Quy Của Ngài Bách Trượng - Kinh Tạng
  • Kinh Lão Mẫu - Kinh Tạng
  • Kinh Lão Nữ Nhân – Nguyên Thuận dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Phước Cái Chánh Hạnh Sở Tập - Kinh Tạng
  • Kinh Sáu Điều Thiết Yếu Cho Bà Lão - Kinh Tạng
  • Kinh Trung A-Hàm 15 – Phẩm Song - Kinh Tạng
  • Kinh Đà Lân Ni Bát - Kinh Tạng
  • Kinh Trung A-Hàm 10 – Phẩm Lâm - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 21 - Kinh Tạng
  • Kinh Bồ Tát Thiểm Tử (Bản dịch 3) - Kinh Tạng
  • Kinh Bồ Tát Thiểm Tử (Bản dịch 2) - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 12 - Kinh Tạng
  • Kinh Thiên Vương Thái Tử Bích La - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Nguyệt Quang Đồng Tử - Kinh Tạng
  • Kinh Dị Xuất Bồ Tát Bản Khởi - Kinh Tạng
  • Kinh Bồ Tát Thiểm Tử (Bản dịch 1) - Kinh Tạng