Luận Tập Đại Thừa Tướng
Tập Đại Thừa Tướng Luận
Giác Kiết Tường Trí Bồ Tát tạo, Tống Thí Hộ dịch
Bản Việt dịch của Thích Như Điển
***
Quy mạng Diệu Cát Tường Bồ-tát Ma-ha-tát. Con nay giải thích lược các tướng của Đại thừa, từ tâm Bồ-đề sinh ra Đại bi tương ưng, được gọi là tất cả pháp, tức phải biết rõ rằng, tất cả pháp không có ngã. Cho nên nay nói tướng được biết này.
Trong đây thế nào gọi là tất cả pháp? Nghĩa là: Uẩn, Xứ, Giới, Duyên sinh, Ba-la-mật-đa, Địa, Không, Bồ-đề phần, Thánh đế, Tịnh lự, Vô lượng hành, Vô sắc, Đẳng chí, Giải thoát, Tam-ma-bát-đề, Tiên hành, Giải thoát môn, Thần thông, Đà-la-ni, Lực, Vô sở úy, Vô ngại giải, Đại từ, Đại bi, Phật bất cộng pháp, các quả Thanh văn. Biết rõ tất cả tướng- chân như thật tế vô tướng, các pháp của pháp giới. Đây gọi là tất cả pháp.
Nói Uẩn nghĩa là năm uẩn. Những gì là năm? Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức.
Trong đó, Sắc tức là năm căn và năm cảnh. Căn là: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Cảnh là: Sắc, thanh, hương, vị, xúc.
Chỗ được nhãn thức nương gọi là nhãn căn thanh tịnh. Được nương bởi nhĩ thức- là nhĩ căn thanh tịnh. Được nương bởi tỉ thức – là tỉ căn thanh tịnh. Được nương bởi thiệt thức- là thiệt căn thanh tịnh. Được nương bởi thân thức – là thân căn thanh tịnh.
Sắc có hai loại: Hiển sắc và hình sắc. Hiển sắc là: Xanh…; Hình sắc là: Dài…
Âm thanh có ba loại: Chấp thọ đại chủng, Bất chấp thọ đại chủng, Câu đại chủng.
Hương có hai loại: Mùi thơm và hôi.
Vị có sáu loại: Đắng, chua, ngọt, cay, mặn, nhạt.
Xúc có mười một loại: Cứng cáp, lưu nhuận (chảy đều), ấm lạnh, động nhẹ, động mạnh, nhám rít, đói khát v.v… Các xúc như thế, tổng quát mà nói có ba loại: Ưng ý, không ưng ý và trung gian giữa hai loại này.
Những thứ được sinh ra bởi mắt… như thế, nếu phân biệt theo giới và theo ba thời, thì có vô biên hành tướng khác nhau vi tế. Nên biết những điều này là lược nói về Sắc uẩn.
Thọ uẩn thì thế nào? Thọ có ba loại: Khổ thọ, lạc thọ và không khổ không lạc thọ. Nhưng, ba loại thọ này, nếu y theo mắt… để phân biệt thì có sáu phần, chúng như vậy sẽ có mười tám. Như trong hạ giới, nói hành tướng riêng, thì Thọ uẩn này, nếu phân biệt theo Giới và Thú thì có vô biên phần hành tướng. Phải biết, những thứ như thế là nói lược về Thọ uẩn.
Tưởng uẩn thì thế nào? Tưởng có sáu loại: Hành tướng của sáu loại này là nương theo nhãn… phân biệt những cảnh tướng được chúng thủ lấy, có sáu loại. Tướng được thủ lấy tức là sắc… nhưng tính của cái được nương thì không thể phân biệt. Hoặc phân biệt hoặc không phân biệt, tức là hai pháp: Sắc và thọ. Những thứ như thế đều được khởi lên từ tự loại của Ngã uẩn. Tưởng uẩn này, nếu phân biệt theo giới… thì có vô biên hành tướng. Phải biết như thế là lược nói về Tưởng uẩn.
Hành uẩn thì thế nào? Nghĩa là tâm sở hữu pháp, phần thiện như Tín…và phần phiền não như tham, sân, si. Pháp tâm sở như vậy, các hành tướng được có bởi các phần vị của tâm thì y theo mắt… mà chuyển; Hành uẩn này, nếu theo giới… mà phân biệt thì có vô biên phần hành tướng. Phải biết những thứ như thế là lược nói về Hành uẩn.
Thức uẩn thì thế nào? Tức là sáu thân thức. Thức uẩn này, nếu nương các căn như mắt…, các cảnh như sắc… mà phân biệt và tướng của Thức kia, cho đến thiện, bất thiện, vô ký phân biệt có vô biên phần hành tướng. Phải biết những thứ như thế là lược nói về thức uẩn.
Như trên tóm lại mà nói gọi là năm Uẩn.
Nói Xứ tức là mười hai xứ: Sáu nội xứ là: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; Sáu ngoại xứ: Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Trong đó phải biết rằng: Năm căn như mắt…, năm cảnh như sắc…là mười sắc xứ. Ý xứ tức là các thức. Các pháp còn lại chính là pháp xứ.
Nói Giới tức là mười tám giới, nghĩa là: Sáu căn giới, sáu cảnh giới, sáu thức giới. Trong đó nhãn thức… phân biệt có sáu, tức là có sáu xúc: Nhãn xúc cho đến ý xúc. Thức của sắc… có ba loại tướng: Thiện, bất thiện và trung gian. Các hành tướng này, các xúc của mắt… làm tính nhân sinh ra ba Thọ; tức là ba Thọ kia được sinh từ xúc của mắt…có sáu; Sáu thứ ấy, mỗi thứ phân biệt có ba loại, nghĩa là: Khổ, lạc, không khổ không lạc.
Như vậy nói chung xúc và thọ mỗi loại có mười tám. Như đã được chỉ ra ở thọ uẩn trước, hành tướng cũng như vậy.
Lại nữa, các tướng địa, thủy, hỏa, phong, không, thức- gọi là sáu Giới.
Cái gọi là duyên sinh thì hành tướng thế nào? Tức là mười hai duyên sinh. Những gì là mười hai? Nghĩa là: Vô minh cho đến già chết.
Trong đó, vô minh là vì trong pháp chắc thật của nghiệp quả, mà không chính hành. Do vô minh này khởi các phiền não, cho nên trong sự không có ngã mà chấp kể là Ngã uẩn…mà có sở đắc. Vô minh duyên hành. Hành có ba loại: Phúc hành, tội hành và bất động hành. Phúc hành là mười nghiệp đạo thiện, tội hành là mười nghiệp đạo bất thiện, bất động hành là các đẳng chí Vô Sắc.
Các hành như thế, vì vô minh làm nhân nên các hành được sinh.
Hành duyên với Thức, cho nên các thức mắt… chủng tử của quả ái và phi ái sinh trưởng.
Thức duyên Danh sắc. Danh sắc này là do Thức nên thi thiết danh ấy. Danh có chỗ sinh, cho nên bốn Uẩn như Thọ… là Danh sắc. Tức như thích đáng với danh mà lập.
Danh sắc duyên sáu Xứ. Sáu xứ ấy là do sáu Xứ như mắt… như vậy kiến lập.
Lục xứ duyên Xúc. Xúc nghĩa là mắt… sắc… Như trước đã nói.
Xúc duyên Thọ. Thọ có ba loại, cũng như trước đã nói. Trong đó hành tướng của Xúc, Thọ phải biết.
Thọ duyên Ái. Ái do vô minh.
Ái duyên Thủ. Thủ nghĩa là chấp giữ các sắc… mà sinh ra hành động vui thích…
Thủ duyên Hữu. Hành tướng của Hữu, là tức như trước đã nói về tướng của Hành, Thức.
Hữu duyên Sinh. Nghĩa là, tức Danh sắc có chỗ được sinh khởi. Do vô minh kia mà có pháp sinh. Tức cái tự tính của Vô minh này cũng không có phần vị.
Sinh duyên Lão, Tử. Lão nghĩa là các Uẩn suy hoại, chuyển biến. Tử nghĩa là các Uẩn hoại diệt. Cuối cùng của pháp sinh không có thật, thân đắc được lúc trước trọn xả bỏ. Sau đó Vô minh nơi các Uẩn sau lại chuyển trở lại, tăng trưởng tất cả phiền não lỗi lầm. Chúng đều do nghiệp phiền não tự loại của vô minh mà làm nhân, cho nên phiền não nghiệp sinh. Ba thứ này không dứt, do đó liên tục trôi lăn trong luân hồi.
Biết như vậy, phải với pháp thật mà khởi đối trị. Biết rõ tự tính của vô minh… không có ngã. Lược nói Mười hai duyên sinh như thế.
Cái được gọi là Ba-la-mật-đa thì có hành tướng thế nào? Có mười, trong đó Thí có ba loại, là: Pháp thí, Vô vọng thí và Từ thí.
Giới có ba loại là: Nhiếp luật nghi giới, Nhiếp thiện pháp giới, Nhiêu ích hữu tình giới.
Nhẫn nhục có ba loại là: Nhẫn Quán sát kỹ Pháp, Nhẫn nại oán hại, Nhẫn chịu khổ.
Tinh tiến có ba loại: Tinh tiến Gia hành, Tinh tiến rốt ráo, Tinh tiến Thành tựu.
Định có ba loại: Định Lìa lỗi lầm, Định Dẫn phát, Định Thành tựu sự.
Tuệ có ba loại: Tuệ thành tựu do nghe, Tuệ thành tựu do tư duy, Tuệ thành tựu do tu.
Ba loại phương tiện: Phương tiện lìa lỗi lầm, Phương tiện cứu vớt, Phương tiện mau chứng an lạc.
Nguyện có ba loại: Nguyện Tự hành thành tựu, Nguyện Giải thoát sự trói buộc của chúng sinh phược , Nguyện Thanh tịnh Phật độ.
Lực có ba loại: Lực Thành biện sự nghiệp, Lực Diệt trừ phiền não, Lực Hành phục ma oán.
Trí có ba loại: Trí Vô phân biệt, Trí phân biệt bình đẳng giác liễu, Trí Diệt tội chúng sinh.
Các Ba-la-mật-đa như Bố thí như vậy lấy tâm Bồ-đề làm đầu, với tất cả chúng sinh khởi quán từ tâm. Nhưng các Ba-la-mật-đa này, với các hành thế gian đều không thấy có tướng của hành, cũng không có cái đắc được. Trong các Uẩn… xuất thế tức là tướng vô ngã giải thoát. Chỗ chứng chân thật, như lý mà quán.
Cái gọi là Địa tức là mười Địa. Hoan hỉ địa tu Bố thí Ba-la-mật-đa, Ly cấu địa tu Giới Ba-la-mật-đa, Phát quang địa tu Nhẫn Ba-la-mật-đa, Diệm tuệ địa tu Tinh tiến ba-la-mật-đa, Nan thắng địa tu Định ba-la-mật-đa, Hiện tiền địa tu Tuệ ba-la-mật-đa, Viễn hành địa tu Phương tiện ba-la-mật-đa, Bất động địa tu Nguyện ba-la-mật-đa, Thiện tuệ địa tu Lực ba-la-mật-đa, Pháp vân địa tu Trí ba-la-mật-đa.
Các địa như thế pháp được đắc là lý vô ngã, đều chứng được tâm từ không sai biệt. Nhưng các Ba-la-mật-đa như Bố thí được tu, thì an trụ sở đắc thanh tịnh hơn hết, nguyện lực rộng lớn thành tựu cùng khắp, không chung với tất cả Thanh văn, nên các Ba-la-mật này, với tướng sở duyên mà không sai khác, vì hoặc người, hoặc pháp đều lìa tướng- đều Không vậy.
Gọi là Không tức là mười tám Không, nghĩa là: Mắt… không thì gọi là Nội không, Sắc… không thì gọi là Ngoại không; Mắt… Sắc… trí quán bình đẳng gọi là Nội Ngoại Không. Các phần như phương hướng… của thế gian, mỗi mỗi quan sát đều là không, thì gọi là Đại không. Với các phân biệt lìa tướng thủ và xả, gọi là Không. Không này lại không thì gọi là Không Không. Nơi thắng nghĩa quán sát kỹ mà bất khả đắc thì gọi là Thắng nghĩa không. Nơi các hành như Thí… các pháp hữu vi trọn đều bình đẳng thì gọi là Hữu vi không. Các pháp vô vi không có tướng phát ngộ gọi là Vô vi không. Trong pháp Không, không có chút pháp nào có thể chuyển, tán mà chẳng tụ tập thì gọi là Tán không. Tất cả các pháp kia đều không có biên tế, gọi là Vô biên không. Trong tất cả pháp, rốt ráo không có một pháp nào khác mà chẳng Không, gọi là Tất cánh không. Các pháp như Uẩn… tự tính như vậy, không có chỗ sinh khởi, lìa tướng tự thủ xả, gọi là Tự tướng không. Tất cả các pháp Không, chẳng sai biệt, gọi là Nhất thiết pháp không. Trong ngã uẩn, thủ và xả bất khả đắc, gọi là Bất khả đắc không. Cái Bất khả đắc này, nghĩa là tướng của Sắc… bất khả đắc, chỉ có các nghiệp tính, gọi là Vô tướng không. Hoặc người, hoặc pháp, tự tính của nó là không, gọi là Tự tính không. Trong các tính, lìa tính thủ xả, gọi là Vô tính không. Vì cái vô tính ấy nghĩa là, lìa khỏi Uẩn…không có tính riêng khác, nếu lìa Uẩn…tự tính khởi không phân biệt, cái tướng đối ngại này tức gọi là Tính tự tính không. Nếu đó phân biệt như vậy đến chỗ tận cùng, ắt có thể giải thoát sự trói buộc của Sắc… không lại còn phân biệt phần Hữu, Vô biên, lìa khỏi thủ và xả các Uẩn… đây tức là một tướng; ma tính của một tướng ấy không có hai; đó như thế tức là Ba-la-mật-đa trụ một cảnh; Lý tự tính không lìa tướng hí luận, đây tức là được quán bởi Vô ngã chân thật.
Được gọi là Bồ-đề phần tức là ba mươi bảy phần Bồ-đề, nghĩa là: Tứ niệm xứ cho đến Bát Chánh đạo.
Tứ niệm xứ là: Thân, Thọ, Tâm, Pháp.
Trong đó, Thân niệm xứ là: Quán thân không có, đủ loại tích tụ mà không dính mắc, lìa tướng thủ và xả, đây gọi là Thân niệm xứ.
Thọ niệm xứ, Tâm niệm xứ và Pháp niệm xứ cũng quán như vậy.
Lại nữa, ngay trong Pháp niệm xứ, nếu phân biệt trong, ngoài và trung gian thời có ba loại, nghĩa là: Tinh tiến, Định và Chánh niệm. Ba thứ tương ưng này có thể quán sát tâm Bồ-đề tối thắng và các thiện hành của các Bồ-tát. Trong tất cả pháp được tương ưng vô ngã- đây là niệm tối thắng.
Lược nói như thế gọi là Tứ Niệm xứ. Các pháp còn lại cũng như thế mà biết.
Tứ Chánh đoạn là đối trị của các phần phi Bồ-đề, tức là: Đã sinh thì khiến đoạn, chưa sinh thì khiến không sinh- đây gọi là chăm đoạn hai phần phi Bồ-đề bị đối trị. Phần Bồ-đề chưa sinh thời khiến cho sinh, sinh rồi thời khiến tăng trưởng- đây gọi là chăm tu hai thiện. Lược nói như thế gọi là Tứ Chánh cần.
Tứ Thần túc là: Dục, Tinh tiến, Tam-ma-địa, Tuệ. Các hành tương ưng như thế tăng thượng quả đắc được; dùng sở đắc ấy mà quán sở duyên của dục, nghĩa là bốn loại Tam-ma-địa, nhưng thân tâm kia lìa các sở y mà trụ tưởng lìa tham, y chỉ tịch tĩnh, không có hành được làm. Lược nói như thế gọi là Tứ thần túc.
Năm Căn, Năm Lực tức là biết rõ tất cả các quả tướng, tức là căn và lực của Tín, Tấn, Niệm, Định, Huệ tương ưng tăng thượng. Lược nói như thế gọi là Năm Căn, Năm Lực.
Lại nữa, trong đó những điều được tu tập như thế tức là hai phần giác liễu, tức là: Noãn vị và Đảnh vị. Noãn vị là tu Tứ Niệm xứ, Đảnh vị là tu Tứ Chánh cần.
Lại nữa, có hai phần giác liễu thù thắng: Pháp Nhẫn và pháp Thế đệ nhất. Nhẫn vị là tu Tứ thần túc, Thế đệ nhất vị là tu Năm Căn, Năm Lực.
Những thứ như thế hành mà không có chỗ tạo tác, chân thật tối thượng. Tín… Căn, Lực là hành tướng duyên kiến đạo. Nên biết, kiến đạo sở tu kia là Bảy Giác chi.
Bảy Giác chi tức là Niệm giác chi cho đến Xả giác chi.
Trong đó, Niệm giác tri nghĩa là nguyện lợi ích chúng sinh, chứng Bồ-đề; Tướng chính niệm hiện tiền không có quên mất.
Trạch pháp giác chi nghĩa là nơi tự tính của Ngã và Pháp quyết trạch làm tướng.
Hỉ giác chi nghĩa là: Đạo được tự mình tu, vì được nhân vô lậu nên sinh hỉ lạc.
Khinh an giác chi nghĩa là: Như pháp tính chân thật được chứng kia, vì lìa bỏ chủng tử của phần phi Bồ-đề, vì thân nghiệp và tâm nghiệp được khinh an.
Định giác chi nghĩa là: Bốn Vô lượng và nguyện Bồ-đề vào trí chân như chỉ thuần một cảnh tướng.
Tinh tiến giác chi nghĩa là: Tuy quán sát môn công đức tịch tĩnh thắng thượng mà không đắm trước vị, tiến tu các hành lại không có giải đãi ngừng nghỉ.
Xả giác chi nghĩa là: Niệm lợi ích chúng sinh, như chỗ đáng điều phục, tùy chỗ hành kia, các pháp công đức Ba-la-mật-đa, bình đẳng phân biệt quán sát không có đến đi, vì trụ bình đẳng.
Nói lược như thế gọi là Bảy giác chi. Tức như vậy hành Bảy giác chi gọi là Chánh trí phần, chúng có thể đối trị hành tướng của phiền não chướng và sở tri chướng. Nên biết rằng, được tu bởi chánh đạo là Bát chánh đạo.
Bát chánh đạo là Chánh kiến cho đến Chánh định
Trong đó, Chánh Kiến là biết rõ tất cả pháp không có tướng Ngã, trụ nơi bình đẳng và các điên đảo khổ, hai phần đó là sở quán của tướng thắng tuệ vi diệu.
Chánh tư duy nghĩa là khởi tư duy không gián đoạn nhân sở tác như nguyện mà chứng quả.
Chánh ngữ nghĩa là các lời nói đều lìa vọng phân biệt , như thật mà nói.
Chánh nghiệp nghĩa là những điều được làm không điên đảo, không hại chúng sinh, cứu vớt chúng sinh… lìa vọng mà tu.
Chánh mạng với tịnh mạng lìa các tà vọng, tự tu hành sở tu mà chứng.
Chánh cần nghĩa là: Tuy đến địa vị tối thượng mà cũng vẫn tăng tiến, thân không mệt mỏi, tâm sinh dũng mãnh.
Chánh niệm nghĩa là các thứ như Niệm xứ… như thật mà quán, từ tâm trang nghiêm phương tiện của nguyện tự mình, với tất cả pháp đều không quên mất.
Chánh định nghĩa là các nghiệp của thân… thường y chỉ công đức tối thượng, an trụ trí vô phân biệt, tức là tương ưng với tướng tịnh lự bình đẳng.
Lược nói những điều như thế gọi là ba mươi bảy phần pháp Bồ- đề. Tùy hành tướng thích đáng mà thu lại một các tóm lược.
***
Lại nữa, nói Thánh đế tức là Bốn Thánh đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo.
Trong đó Khổ thánh đế nghĩa là các tướng điên đảo của Uẩn… tính chất của nó là ngược với Thánh pháp.
Tập thánh đế nghĩa là: Cái Khổ như đã được nói đó, do các nghiệp tập: Vô minh, hành… này làm duyên, làm tính nhân với các thứ như Sinh… Khổ.
Diệt thánh đế nghĩa là: Nơi tất cả pháp như thật vô phân biệt, tướng vô sinh làm tính. Thế gian si ám bị Diệt đối trị, như được chứng.
Đạo thánh đế nghĩa là các pháp như từ tâm và pháp niệm xứ thú hướng Bồ-đề.
Vì thu nhiếp tổng lược nên các Thánh đế này bình đẳng sở duyên với tất cả pháp.
Lược nói như thế gọi là Tứ thánh đế.
Tĩnh lự được nói đó tức là bốn tĩnh lự, nghĩa là: Ly sinh hỷ lạc gọi là Sơ tĩnh lự; Định sinh hỷ lạc gọi là Tịnh lự thứ hai; Ly hỷ diệu lạc gọi là Tịnh lự thứ ba; Xả niệm thanh tịnh gọi là Tịnh lự thứ tư.
Những Tịnh lự như thế đều là tướng tịnh chỉ, các tâm như tham… của cõi Dục không lưu động, gọi là Tịnh lự. Nhưng các Bồ-tát cũng không tham đắm vào vị lạc của Tịnh lự, rốt ráo chẳng bỏ chúng sinh, viên mãn pháp của đạo Bồ-đề, thành tựu vô lượng hành. Lược nói như thế gọi là bốn Tĩnh lự.
Vô lượng hành được nói đó tức là bốn Vô lượng hành, nghĩa là: Từ, Bi, Hỷ, Xả; Vì bốn thứ này đều duyên vô lượng chúng sinh làm cảnh giới.
Trong đó, Từ vô lượng hành nghĩa là cho tất cả chúng sinh lợi lạc rốt ráo, các hành được tu đều trọn lìa tướng, viễn ly điên đảo, thuận đạo Bồ-tát.
Bi vô lượng hành nghĩa là khiến cho chúng sinh không có đến một khổ. Bi này lấy sự có thể đối trị não hại khiến cho không khởi làm tính.
Hỷ vô lượng hành nghĩa là chứng tất cả pháp vô ngã bình đẳng; Các thiện của bố thí…có được để trụ tâm Bồ-đề, rộng vì lợi lạc tất cả chúng sinh. Phương tiện tu hành là nơi sinh ra hỷ là tướng thọ hỷ.
Xả vô lượng hành nghĩa là: Nơi ba Hữu, phân biệt bình đẳng, khởi hành rộng lớn cứu vớt chúng sinh; với cái lạc của tam-ma-đề tự mình đắc thời chẳng đắm trước vị. Điều này có thể đối trị tâm phóng dật, lỗi lầm, trụ thật tướng. Như cổ thích đáng mà điều phục tất cả tâm chấp tướng của thế gian rồi, có thể an trụ tĩnh lự. Với các sắc tưởng thì đối trị bằng thật pháp. Lại, nơi vô lượng pháp môn được pháp bình đẳng, trụ pháp vô ngã, như lý mà chứng. Tất cả các pháp lạc bình đẳng thu hoạch được, gọi là sở đắc tự tại tối thắng.
Lược nói như thế gọi là Bốn Vô lượng hành.
Các Đẳng chí Vô sắc được nói đó, có bốn là: Không vô biên xứ cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
Trong đó, Không vô biên xứ đẳng chí nghĩa là lìa khỏi đủ loại tưởng sắc đối ngại, quán hư không vô biên mà vì tương ưng, xả các tướng Hữu, tâm trụ một cảnh.
Lại nữa, Thức vô biên xứ đẳng chí, Vô sở hữu xứ đẳng chí, Phi tưởng phi phi tưởng xứ đẳng chí đều tương ưng như tịch tịnh hành đầu tiên, quán tướng vô tham mà làm sở duyên, còn lại, lại quán sát không trước, không ngại, như thích đáng mà sinh ra vô tướng tối thượng. Lược nói như thế gọi là bốn Vô sắc đẳng chí.
Giải thoát được nói đó tức là tám giải thoát, nghĩa là: Bên trong có sắc quán ngoại sắc giải thoát cho đến Diệt thọ tưởng giải thoát.
Trong đó, giải thoát đầu tiên nghĩa là: Bên trong, tưởng có sắc, lìa tham sắc bên ngoài, đây gọi là Trong có sắc quán sắc bên ngoài giải thoát.
Lại nữa, như hành tướng ấy, trong tưởng không có sắc, lìa tham ngoại sắc, đây gọi là trong tưởng không có sắc quán ngoại sắc giải thoát.
Lại nữa, nơi sắc… thanh tịnh, trụ hạnh không tham, gọi là Tịnh giải thoát.
Lại nữa, Không vô biên xứ giải thoát, Thức vô biên xứ giải thoát Vô sở hữu xứ giải thoát, Phi tưởng phi phi tưởng xứ giải thoát- bốn Vô sắc xứ giải thoát như thế đều như hành tướng kia, trụ như thật quán.
Lại nữa, hành tướng của Diệt thọ tưởng giải thoát. Nên biết, lược nói như thế gọi là tám giải thoát.
Tam-ma-bát-đề tiên hành được nói đó, nghĩa là: Muốn trụ các tam-ma-bát-đề như Không vô biên xứ, trước phải theo chỗ thích đáng, diệt các hành tướng, trụ pháp tự tính bình đẳng tịch tĩnh, sau sẽ an trụ các tam-ma-bát-đề, đây gọi là tiên hành.
Lại nữa, phải biết, bốn Vô sắc đẳng chí này và Diệt tận đẳng chí nhưng các Bồ-tát nơi địa vị Mạo-lý-nhạ-đa, nhập Sư tử du hí tam-ma-địa hiện tiền mà quán, không bị gián đoạn bởi tâm phi tam-ma-sất-đa, cũng lại không bị gián đoạn bởi Sơ tịnh lự.
Diệt tận đẳng chí này là tướng không động. Trong đó các tam-ma-bát-đề vì cớ gì mà thứ tự như thế? Nghĩa là để thành thục chúng sinh, như chỗ quán thích đáng phải thứ tự như vậy.
Lại nữa phải biết đây là môn an lạc tối thượng. Thu hoạch được an lạc này thời biết rõ Ngã không thật. Vì Ngã không thật nên tự tâm tịch tĩnh. Các thần thông Ba-la-mật-đa đáng được tu tập đều được quán bởi thắng tuệ như thật sinh ra.
Đây là lược nhiếp tất cả pháp tướng.
Môn giải thoát được nói đó tức là ba môn giải thoát: Không, Vô tướng, Vô nguyện.
Trong đó Không giải thoát môn là: Hoặc nhân, hoặc pháp, các sự như Uẩn… lìa tướng phân biệt, mà các Uẩn kia hoặc nhễm hoặc tịnh, trong tướng phân biệt rốt ráo không có tính. Trong pháp Không lìa tướng thủ và xả mà trí vô nhiễm như thật đối trị.
Vô tướng giải thoát môn nghĩa là: Nơi Uẩn… rốt ráo không có tướng, do không có tướng nên Thủ là bất khả đắc. Trí vô nhiễm kia như thật đối trị, không chấp trước các tướng.
Vô nguyện giải thoát môn nghĩa là tất cả thanh tịnh giải thoát môn Uẩn, Xứ, Giới và cái hành Ba-la-mật-đa thù thắng tối thượng-tất cả tướng, đều biết như thật, mà như thật sinh ra hiện tiền bình đẳng; lìa các sự chấp thủ, vì nguyện tâm an lạc. Lược nói như thế gọi là ba môn giải thoát.
Thần thông được nói đó có sáu loại, nghĩa là: Thiên nhãn thông cho đến Lậu tận thông.
Trong đó, Thiên nhãn thông là: Nơi các sắc tướng chính quán vô ngại, thanh tịnh tối thắng.
Thiên nhĩ thông là nơi tất cả âm thanh có thể nghe thanh tịnh.
Tha tâm thông là nơi tất cả hành tướng của tâm người khác đều biết như thật.
Túc trụ thông là những sự khác nhau trong quá khứ của tự mình và người khác trọn đều nhớ được.
Thần cảnh thông lại có ba loại: Ẩn hiển tự tại; Tùy các thế giới hiện đủ loại thân; Trong hư không đi, lại vô ngại; Tùy chỗ chuyển của điều được làm mà hiện thân thích đáng, hiện thần thông.
Lậu tận thông là: Các phiền não vô minh như tham… gọi là lậu, trí đoạn sạch không sót, gọi là hết sạch lậu.
Sáu thần thông tối thắng như thế, an trụ tâm Bồ-đề, trí lìa hí luận; là các hành thù thắng tối thượng được các bồ-tát tu hành, không chung với tất cả đạo Thanh văn, viên mãn Vô tướng, không có tính phát ngộ. Các Ba-la-mật-đa này thanh tịnh đạo hành. Vì thâu tóm lấy tất cả bạch pháp được tu, tất cả lực của nguyện, tất cả tướng, nên dũng mãnh tinh tiến mà làm tiên đạo, an trụ tâm thanh tịnh tối thượng tính một cảnh. Sơ tĩnh lự…như danh, như nghĩa tùy chỗ khác nhau; vì tóm thu lấy vô biên hành tướng, vì được trụ trì bởi tam-ma đàn-na.
Lược nói như thế gọi là sáu thông.
Đà-la-ni được nói đó tức là tất cả tướng và tất cả pháp kia. Tùy chỗ thích đáng mà tóm thâu lấy tính của tất cả pháp. Thanh danh cú văn là các tướng của nghĩa, có vô lượng niệm, vô biên biện tài và các môn Tam-ma-địa. Trí vô tướng kia trọn có thể chứng nhập, vì đối trị tâm hữu tướng, có chướng ngại. Đây tức là môn Đà-la-ni đắc được bởi Bồ-đề tối thắng vô thượng. Nhưng tất cả Tam-ma-địa, Đà-la-ni… kia, kim cương dụ định hiện tiền chứng nhập, tức tất cả tướng phổ biến bình đẳng, nhập trí Vô tướng chân thật mà chứng; tất cả chủng tập (chủng tử, tập khí) trọn đều lìa bỏ. Trí quán bình đẳng tương ưng đại bi. Kiên cố điều được làm, nơi các pháp tính như thật giải thoát. Quả báo thù thắng hiện hiền, an trụ bình đẳng. Đại viên kính trí như thật sinh ra. Tất cả nguyện lực trọn đều viên mãn. Lược nói như thế, gọi là Đà-la-ni.
Lực được nói đó tức là mười lực của Phật, nghĩa là: Xứ phi xứ trí lực cho đến Lậu tận trí lực.
Trong đó, Xứ phi xứ trí lực tức là trí biết như thật về nhân quả tất cả chỗ quyết định hay không quyết định. Những quả báo thù thắng được đắc hoặc của Phật, hoặc Phạm Vương, hoặc Chuyển Luân Thánh Vương- gọi đó là xứ. Còn phi xứ nghĩa là hành tướng đáng biết của nhân quả không quyết định.
Nghiệp báo trí lực nghĩa là: Các chúng sinh làm nghiệp ác, nghiệp thiện, đến đường ác, đường thiện, các nghiệp báo này trí biết như thật.
Chủng chủng giới trí lực là: Giới, thú khác nhau của các chúng sinh, trí như thật biết.
Chủng chủng thắng giải trí lực nghĩa là: Các Thanh văn… trong các pháp khởi lên đủ loại thắng giải, lìa các pháp nhiễm, thú hướng tịch tĩnh, những điều như thế, trí đều biết như thật.
Liễu biệt chư căn trí lực nghĩa là: Các căn của chúng sinh như Tín … đủ loại khác nhau, trí đều biết như thật.
Chủng chủng định trí lực nghĩa là: Sơ tĩnh lự…các Tam-ma-bát-đề như danh như nghĩa vô biên hành tướng, trí đều biết như thật.
Chí xứ đạo trí lực là: Đạo có hai loại: Thứ nhất: Phi ái lạc đạo- tức vô minh…; thứ hai: Khả ái lạc đạo- nghĩa là tịch tĩnh…, mà sự Diệt kia được chứng bởi Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát khác nhau, trí đều biết như thật.
Sinh diệt trí lực nghĩa là: Sinh diệt đủ loại của các chúng sinh, trí đều biết như thật.
Túc trụ tùy niệm trí lực nghĩa là: Sự việc quá khứ nhớ được như thật.
Lậu tận trí lực nghĩa là: Đại viên kính trí của Phật Thế Tôn quán sát tự tính, bình đẳng lìa các chướng nhiễm, phân biệt.
Xứ phi xứ…các lực như thế được chứng bởi thần thông du hí của Như Lai. Vì lực này đầy đủ, tức tất cả pháp tăng thượng sở quán. Lược nói như thế gọi là mười lực.
Vô úy được nói đó tức là bốn điều không sợ hãi: Nhất thiết trí vô úy, Lậu tận vô úy, Thuyết chướng đạo vô úy, Xuất khổ đạo vô úy. Những điều như thế, hoặc khác hoặc không khác, có lời nói ra trọn vô sở đắc, không sợ hãi, tự tại. Bốn thứ này đều là Bình đẳng tính trí mà quán. Như châu Như Ý tùy ý chúng sinh đều khắp bình đẳng, pháp này cũng như thế, tướng Ngã thanh tịnh lìa các chấp trước Hữu. Lược nói như thế gọi là Bốn vô sở úy.
Vô ngại giải được nói đó nghĩa là: Nghĩa, Pháp, Lạc thuyết, Biện tài…
Trong đó, Nghĩa vô ngại giải là: Nơi tất cả chúng sinh không có tướng ngã, dùng trí vi diệu bình đẳng mà quán.
Pháp vô ngại giải là: Tùy các tướng biết rõ các pháp, trí quán bình đẳng.
Lạc thuyết vô ngại giải nghĩa là: Tùy chỗ lạc thuyết mà năng thuyết và sở thuyết không lìa tự tính.
Biện tài vô ngại giải là: Với vô biên pháp môn, theo chỗ đáng phân biệt đều thông đạt vô tướng.
Những điều như thế với tất cả pháp tương ưng tăng thượng, đều vì nhiếp các chúng sinh ngu si trọn khiến điều phục, vì an trụ các pháp bình đẳng lìa tướng vậy.
Bốn thứ này đều là Diệu quan sát trí mà quán. Lược nói như thế gọi là Bốn Vô ngại giải.
Đại từ đại bi được nói đó là: Trong đó, Từ nghĩa là cho chúng sinh vui; Trụ tâm tịch tĩnh không có tướng phát ngộ, tối thắng rộng lớn lìa tướng, bình đẳng. Bi nghĩa là bạt khổ, điều phục chúng sinh khó điều phục, không xả bỏ chúng sinh, lìa các tướng Hữu. Hai thứ này đều do Thành sở tác trí mà quán. Lược nói như thế gọi là Đại từ đại bi.
Phật bất cộng pháp được nói đó tức là mười tám bất cộng pháp, nghĩa là: Như Lai thân vô thất cho đến Hiện tại tri kiến vô trước vô ngại.
Trong đó, đầu tiên- Như Lai thân vô thất, không có mệt mỏi, lìa các lỗi của thân.
Như Lai ngữ vô thất là: Không có lời chẳng phải là ái ngữ, lìa các lỗi của lời nói.
Như lai ý vô thất là: Không có thất niệm, lìa các lỗi của ý.
Ba nghiệp như vậy vì khiến người ngu si sinh tín tâm vậy.
Vô dị tưởng tâm là: Với tất cả chúng sinh trụ tâm bình đẳng.
Vô bất định tâm là: Vì khiến chúng sinh ngu si trừ tướng tán loạn.
Vô bất tri xả tâm nghĩa là: Sự của các chúng sinh, không có gì không biết mà đều xả. Sáu pháp này là được sinh ra bởi tăng thượng giới học của kia, làm nhân của Vô trụ Niết-bàn.
Tín vô giảm nghĩa là: Với Niết-bàn vô trụ không hoại lòng tin.
Dục vô giảm nghĩa là vì với Niết-bàn vô trụ không ái trước.
Tinh tiến vô giảm nghĩa là: Với lợi ích, mạng sống và hành trọn đều không trụ.
Tuệ vô giảm nghĩa là: Vì rốt ráo với các thế gian trưởng dưỡng chúng sinh, không có gì chẳng thông đạt.
Giải thoát vô giảm nghĩa là vì không thủ tướng Niết-bàn của các Thanh văn.
Giải thoát tri kiến vô giảm vì trí lợi ích chúng sinh, phá tướng hí luận, khiến các chúng sinh mỗi mỗi bình đẳng chứng đắc Vô thượng Niết-bàn.
Sáu pháp này là sinh ra bởi tăng thượng định học kia, vì làm duyên cho Vô trụ Niết-bàn.
Thân nghiệp tùy trí tuệ hành nghĩa là: Ở tất cả chỗ, các tướng: Hoặc động hoặc dừng, hoặc kinh hành, thường tương ưng với trí tuệ, cho nên trí tuệ là tiên đạo.
Ngữ nghiệp tùy trí tuệ nghĩa là: Tất cả lời nói đều lìa vọng phân biệt thường cùng với trí tuệ tương ưng. Cho nên trí tuệ làm tiên đạo.
Ý nghiệp tùy trí tuệ hành nghĩa là: Với chúng sinh tâm bình đẳng, tùy chỗ lợi ích không có sai biệt, thường tương ưng cùng với trí tuệ, cho nên trí tuệ làm tiên đạo.
Quá khứ tri kiến vô trước vô ngại nghĩa là: Trong không có tính thời gọi là vô trước, bên ngoài lìa các trói buộc thời gọi là vô ngại. Tất cả pháp quá khứ, trọn biết bình đẳng, phá tướng hí luận.
Vị lai tri kiến vô trước vô ngại nghĩa là với tất cả pháp vị lai trọn đều biết bình đẳng, phá tướng hí luận.
Hiện tại tri kiến vô trước vô ngại nghĩa là với tất cả pháp hiện tại bình đẳng biết trọn, phá tướng hí luận.
Vì sáu pháp này được sinh ra bởi tăng thượng tuệ học.
Các pháp như thế chỉ Phật Như Lai thành tựu viên mãn thắng trí vô thượng. Vì lợi ích chúng sinh tùy chúng sinh chuyển, vì không chung với tất cả những pháp mà Thanh văn có. Được sinh ra bởi pháp giới thanh tịnh trí. Lược nói như thế gọi là mười tám pháp bất cộng.
Quả Thanh văn được nói đó tức là bốn quả của Thanh văn, nghĩa là: Tu-đà-hoàn cho đến A-la-hán.
Trong đó, Tu-đà-hoàn là: Chán khổ, hân ngưỡng an lạc, tùy theo phiền não đáng đoạn trừ , bảy phen trở lại sinh tử, thấy các đế: Khổ…ngộ nhập vô ngã, thú hướng Niết-bàn.
Tư-đà-hàm là: Chán khổ, hân ngưỡng an lạc, tùy chỗ có phiền não đáng đoạn, một kiếp trong cõi này rồi kiến các đế Khổ…ngộ nhập vô ngã, hướng đến Niết-bàn.
A-na-hàm là: Chán khổ sinh tử, hân ngưỡng an lạc, không còn sót lại phiền não thuộc cõi Dục phải đoạn, không sinh trở lại cõi Dục mà sinh vào cõi Sắc, cõi Vô sắc. Tùy chỗ thích đáng thấy các đế Khổ…ngộ nhập vô ngã, hướng đến Niết-bàn.
A-la-hán là: Trọn đoạn phiền não của ba cõi, đến tận biên tế của khổ, ngộ lý vô ngã, tùy theo chỗ giải thoát thích đáng, hướng đến chứng Niết-bàn.
Lược nói như thế gọi là bốn quả Thanh văn.
Liễu tri nhất thiết tướng được nói đó nghĩa là: Chư Phật Như Lai với tất cả tướng biết rõ như thật, hiện tiền bình đẳng. Tất cả tướng tức là tất cả pháp. Chư Phật Như Lai vì lợi ích thế gian, tất cả chỗ hướng về đều tùy phương tiện thích đáng, được pháp không quyên mất vô, trụ tướng kiên cố.
Trong đây nên biết, ba thân cũng gọi là tất cả tướng: Pháp thân tự tính là tướng của trí vô ngã, vì không sai biệt vậy; Báo thân là tướng tối thắng, vì tức là tính sở y của tất cả trí tướng vậy; các sự tướng được tạo tác bởi Hóa Thân, vì ở tất cả chỗ thích đáng, hiện hóa mà thi thiết vậy.
Lại nữa, tất cả tướng thì tuy được biết rõ nhưng không có phân biệt, vì lợi ích chúng sinh tùy chỗ thích đáng mà hành động; là tướng tịch tĩnh, là tự tính vô duyên, tất cả đều bình đẳng. Uẩn… được có đó, với tất cả tướng cũng lại vô biên. Hoặc trong ba cõi, hoặc ngoài ba cõi, nên như thật biết rõ, các tướng bất khả đắc. Như thế gọi là biết rõ tất cả tướng.
Chân như được nói đó tức là tính của tất cả pháp, lìa thủ và xả; hoặc trí hoặc ngu, hoặc sắc hoặc tâm, trụ tính bình đẳng, lìa vọng phân biệt. Đây tức gọi là chân như.
Thật tế được nói đó tức là tính Bồ-đề, tất cả như lượng, như thật, lìa các phân biệt. Trong đó nên biết, như được Phật nói, tính của ngã, uẩn…rốt ráo vô sở đắc. Lại, với lượng khác thì không thể tuyên nói. Như thế gọi là Thật tế.
Vô tướng được nói đó tức là chân như kia gọi là vô tướng, mà vì Chân như chỉ là dùng danh tự giả phân biệt, trong danh tự, tính bất khả đắc. Phải biết rằng, tính của ngã…tức là tự tính các pháp. Cho nên trong đó, hoặc nhân, hoặc pháp, trọn lìa các tướng mà cùng một tướng. Cái một tướng này tức là tướng không có đối ngại của tất cả pháp, lìa các phân biệt. Nơi đệ nhất nghĩa, tự tính không động, gọi là Vô tướng.
Pháp giới được nói tức là các pháp nhân và quả trong mười phương, cho đến tự tính-chỗ nương của tất cả pháp. Đây tức là pháp giới. Trong pháp giới này lìa xa tất cả tướng hư vọng phân biệt điên đảo. Minh tuệ hiện tiền, như thật chiếu rõ- gọi là pháp giới.
Lại nữa, phải biết rằng, trong đó, Chân như… Đại viên kính trí… tức là môn tất cả pháp không có tạo tác; môn Chân như vô sở tác ấy tức là tự tướng các pháp.
Lại nữa, phải biết, trong đó Chân như và mười lực kia, đều lấy Đại viên kính trí mà quán. Thật tế được chứng và bốn Vô sở úy đều lấy Bình đẳng tính trí mà quán. Vô tướng vi diệu thanh tịnh và tính của bốn Vô ngại giải đều lấy Diệu quan sát trí mà quán. Tính của Pháp giới tất cả pháp chân thật được chứng, được y và đại từ đại bi đều lấy Thành sở tác trí mà quán. Có tất cả chỗ pháp được quán tăng thượng, trọn đều an trụ Pháp giới thanh tịnh trí.
Tất cả pháp như thế, phải biết trọn đều chính ngữ, như lượng, tương ưng với tâm Bồ-đề, đại từ tùy thuận tất cả chúng sinh. Tất cả pháp này bình đẳng cùng một sở duyên, tương ưng với pháp môn Vô tướng tối thượng. Vì tổng nhiếp tất cả pháp của Ba-la-mật-đa vậy, tùy chỗ làm mà tương ưng như lượng. Vì tương ưng này, gọi là tất cả pháp vô ngã. Người trí phải biết, pháp được Phật nói là được sinh ra như thật từ môn giải thoát.
Trí tuệ chư Phật không gì hơn,
Tính nhân được nói cũng vô biên,
Với vô biên kia, biết như thật,
Tương ưng tất cả mà biểu thị;
Các môn tương ưng hiển các tính,
Tùy nghi phương tiện mà sinh ra,
Đại tuệ tạo tác trọn viên thành,
Tôi vì lợi lạc nên xưng nói.