Kinh Bồ Tát Sanh Địa

Bồ Tát Sanh Địa Kinh

Ngô Chi Khiêm dịch

Bản Việt dịch của Thích Nữ Tâm Chánh

***

Nghe như vầy:

Một thời, Phật cùng với năm trăm vị Tỳ kheo nghỉ dưới gốc cây Ni-câu-loại ở tinh xá dòng họ Thích, thuộc nước Ca-duy-la-vệ.

Lúc ấy, trong thành có con của trưởng giả dòng họ Thích tên là Ta Ma Kiệt đi đến gặp Phật, đảnh lễ xong, ngồi qua một bên, chắp tay thưa:

– Bạch Phật! Bồ-tát thực hành hạnh gì để mau đắc đạo Vô thượng Chánh giác, đầy đủ ba mươi hai tướng, đi từ cõi Phật này đến cõi Phật khác, đến khi qua đời tâm ý không loạn, không đọa sanh vào tám chỗ nạn khổ, thường biết việc quá khứ, vị lai, thành tựu các pháp, viên mãn mọi việc, biết rõ tất cả pháp không còn chướng ngại, tin hiểu pháp không, chứng đắc Vô sanh pháp nhẫn, thường chí tâm mong cầu làm Sa-môn, chưa từng phạm giới, không ham thích chỗ ở…?

Phật dạy:

– Lành thay, Ta Ma Kiệt! Con đã hỏi hạnh của Bồ-tát. Hạnh Bồ-tát lấy nhẫn nhục làm gốc. Nhờ sức nhẫn nên mau được thành Phật. Nhẫn có bốn việc.

Thế nào là bốn?

1- Nếu bị người chửi mắng thì im lặng không trả lời.

2- Nếu bị người đánh đập thì lãnh chịu mà không đánh lại.

3- Nếu bị người sân giận thì hướng tâm từ về người ấy.

4- Nếu có người khinh chê hủy báng thì không nhớ đến điều xấu ác đó.

Khi ấy, Phật nói bài tụng:

– Đánh chửi mà không sân

Khinh chê cũng không hận

Bồ-tát nhẫn như vậy

Tu học đều đạt thành.

Thận trọng, không khinh mạn

Tâm ý chưa từng loạn

Không phạm, không làm ác

Như vậy mau thành Phật.

Bồ-tát thường hành nhẫn

Hết lòng hành từ bi

Cho nên được thành Phật

Ba mươi hai tướng tốt.

Làm theo việc người ác

Thường vui thích đánh đập

Tâm oán hại mọi người

Nên không lìa đường ác.

Tà kiến, tự cống cao

Nóng nảy, ưa sân giận

Gieo đầu vào lưới mê

Trọn không gần Bồ-tát.

Ngu vì tham quá độ

Ngang ngược không kính lễ

Không hiếu thuận mẹ cha

Nên chịu khổ địa ngục.

Muốn mau được thành Phật

Nên tu tập giới đức

Theo lời minh sư dạy

Bình đẳng với mọi người.

Lại có bốn việc thực hành để mau được thành Phật.

Những gì là bốn?

1- Ưa thích kinh điển, đạo Bồ-tát, hết lòng hộ trì chánh pháp, dạy bảo mọi người.

2- Xa lìa, không theo người nữ.

3- Thường thích bố thí Sa-môn, Phạm chí.

4- Không ngủ nghỉ phi thời, tu tập pháp không.

Khi ấy, Phật nói bài tụng:

– Người thích hạnh Sa-môn

Siêng hộ trì chánh pháp

Ưa pháp, không rời thầy

Người như vậy hiếm có.

Học rộng, cầu Phật đạo

Nghe nhiều, giáo hóa khắp

Thích bố thí, không tham

Do đó mau thành Phật.

Không nên gần người nữ

Tổn đức, loạn thế gian

Người nào tham đắm dục

Chưa từng gần Bồ-tát.

Vì thế người thanh cao

Thường phòng xa nữ sắc

Tịnh tu Bồ-tát đạo

Đại bi giúp quần sanh.

Lúc đó, Ta Ma Kiệt liền tháo châu báu anh lạc trên người ra, tung rải dâng lên Phật, oai thần của Phật làm cho châu báu ấy lơ lửng giữa hư không và hóa thành bảo cái, trong đó có năm trăm người biến hóa đi ra, cũng tháo châu báu trên thân ra, tung rải dâng lên Phật và cất tiếng thưa:

– Chúng con nguyện phát tâm Vô thượng Bồ-đề.

Thấy các người biến hóa, Ta Ma Kiệt hớn hở vui mừng, thưa hỏi Phật:

– Những người biến hóa này từ cõi trời đến hay từ khắp bốn phương đến?

Phật bảo:

– Những người này không từ mười phương đến.

Cũng chẳng phải trời, cũng chẳng phải rồng, cũng chẳng phải thần, chẳng phải người.

Cũng chẳng phải địa, thủy, hỏa, phong, không.

Chẳng phải sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

Cũng chẳng phải ý, chẳng phải tâm.

Chẳng phải làm.

Chẳng phải qua, chẳng phải lại.

Cũng chẳng phải đời này, chẳng phải đời sau.

Cũng chẳng phải sanh tử.

Những người này gọi là người biến hóa, không từ đâu sanh đến, gọi là không; như bóng hiện trong gương, không chấp, không xả, không do đâu đến, không nắm bắt, không ngã, không nhân, không thọ mạng, không thức.

Người nam, người nữ nào hiểu biết các pháp như huyễn hóa, không có thức, nghe điều này tin và thực hành theo, thì đó là Phật tử. Đẩy lùi bóng tối, đem lại ánh sáng cho thế gian, làm cho quân ma hàng phục, thành tựu đức lớn. Đó là Sa-môn, Phạm chí, là bậc Bồ-tát thanh tịnh, là người không do đâu sanh, đã được thọ ký, là bậc vô thượng, không thối chuyển. Tin ưa pháp này thì được như vậy.

Phật bảo Ta Ma Kiệt:

– Người nào nghe kinh này mà kinh ngạc, phỉ báng, chê cười, nên biết chẳng phải là Sa-môn, Phạm chí. Đó là bọn ngoại đạo buông lung, theo thầy xấu ác, không trở lại đường lành, bị che mờ, không có mắt sáng, giả xưng là Bồ-tát. Đó là bọn người lừa dối, gây xung đột.

Bấy giờ, ác ma đến hỏi Phật:

– Có bao nhiêu người tin pháp này?

Phật bảo:

– Có bốn trăm ức trời, người trong cõi Dục đều được Vô sanh pháp nhẫn.

Khi ấy, Ta Ma Kiệt đắc Vô sanh pháp nhẫn, năm trăm Tỳ-kheo và năm trăm thiện nam, hai mươi lăm tín nữ đều được địa vị bất thối chuyển. Hết tuổi thọ sẽ được sanh lên cõi Tây phương thanh tịnh của Phật Vô Lượng Thọ, thường hộ trì vô số Phật pháp, giáo hóa tất cả mọi người đều được bất thối chuyển. Như vậy, trải qua vô số kiếp ở cõi này rồi mới làm Phật.

Nghe Phật dạy, ma bước đi chầm chậm đến thưa Phật:

– Đời sau có thể không cần nói lại pháp này.

Hiền giả A-Nan bạch Phật:

– Kinh này tên là gì? Phụng trì như thế nào?

Phật bảo A-Nan:

– Kinh này tên là “Bồ-tát Sanh Địa kinh”, do Ta Ma Kiệt hỏi. Hãy nên phụng trì. Trăm kiếp thực hành năm độ hoàn hảo mà không có đại trí, không có Bồ-tát dẫn dắt, không bằng đọc tụng kinh này và thuyết giảng khắp mọi người.

Khi ấy, Phật nói bài tụng:

– Ai tin học kinh Sanh Địa

Công đức ấy thật vô lường

Vượt ra khỏi ba đường ác

Chắc chắn hưởng phước đời sau.

Phật nói kệ xong, Ta Ma Kiệt và bốn chúng đệ tử, chư thiên, long, thần đều hoan hỷ thọ trì.

    Xem thêm:

  • Kinh Pháp Tập Yếu Tụng - Kinh Tạng
  • Kinh Long Thí Bồ Tát Bổn Khởi - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Phật Mẫu Xuất Sinh Tam Pháp Tạng Bát Nhã Ba La Mật Đa - Kinh Tạng
  • Kinh Từ Thị Bồ Tát Hạ Sanh Thành Phật - Kinh Tạng
  • Kinh Nhân Duyên Của Vua Đảnh Sinh - Kinh Tạng
  • Kinh Pháp Cú – Tâm Minh Ngô Tằng Giao dịch - Kinh Tạng
  • Kinh A Di Đà Tam Da Tam Phật Tát Lâu Phật Đàn Quá Độ Nhơn Đạo - Kinh Tạng
  • Kinh Phương Quảng Đại Trang Nghiêm - Kinh Tạng
  • Kinh Di Lặc Hạ Sanh Thành Phật - Kinh Tạng
  • Bích Nham Lục Của Thiền Sư Phật Quả Viên Ngộ – Thích Thanh Từ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Hoa Thủ - Kinh Tạng
  • Hợp Bộ Kinh Kim Quang Minh - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 30 – Địa Ngục - Kinh Tạng
  • Vạn Pháp Quy Tâm Lục - Kinh Tạng
  • Kinh Phổ Diệu - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác - Kinh Tạng
  • Kinh Hiền Ngu - Kinh Tạng
  • Kinh Pháp Cú – Nguyên Thuận dịch - Kinh Tạng
  • Truyện Các Vị Tăng Thần Dị - Kinh Tạng
  • Kinh Hải Long Vương - Kinh Tạng