Quyển thứ ba
Đức Phật bảo ngài A Soa Mạt rằng:
– Ông hôm nay có thể bao bọc tất cả chúng sinh ư?
Ngài A Soa Mạt thưa rằng:
– Thừa thánh chỉ của đức Phật con đủ sức đảm nhiệm!
Ngài Bồ tát A Soa Mạt vừa vào tam muội thì tức thời tất cả các thân hữu sắc, hương, hoa, tràng phan, bảo cái bằng lụa ngũ sắc cúng dường đều vào trong rốn mà thân ngài như cũ chẳng tăng chẳng giảm. Có một vị Bồ tát hiệu là Đại Tịnh hỏi ngài A Soa Mạt rằng:
– Ngài đã vào tam muội tên là gì vậy? Sự hiển hiện biến hóa mới có thể nhận hết tất cả sắc thân, hương, hoa, phan, cái mà thân ngài chẳng tăng chẳng giảm.
Ngài A Soa Mạt đáp rằng:
– Định ấy hiệu là Phổ Thọ Sắc Thân.
Ngài Đại Tịnh hỏi:
– Tam muội đó chỉ thọ những cái này thôi hay lại có thọ những thứ khác nữa ư?
Ngài A Soa Mạt đáp:
– Ba ngàn đại thiên đất nước đều vào hết trong thân mà chỗ sở tại chẳng còn nhìn thấy. Sở dĩ vì sao? Vì do uy thần nên không có gì tăng tổn cả!
Các chúng hội, chư thiên, nhân dân, Bồ tát, Thanh văn…đều có ý nghĩ giống như kẻ khát lâu mong tưởng được uống vậy. Họ muốn thấy sự hiển hóa thần biến của Đại Sĩ. Đức Phật biết lòng của mọi người nên nói với ngài A Soa Mạt vì tất cả mọi người mà hiện tam muội đó. Ngài A Soa Mạt liền phụng thánh chỉ. Ngay tức thời các đức Phật, Bồ tát của mười phương đến hội và chúng tăng đều tự thấy thân mình ngồi ở rốn của ngài A Soa Mạt. Rốn ngài A Soa Mạt hiện có đất nước tên là Phổ Trang Nghiêm. Các Bồ tát ăn mặc như mọi Bồ tát của nước Phổ Trang Nghiêm. Họ cũng lại đều hiện ở trong rốn ấy với sự hiển hiện khắp cùng trang nghiêm lồng lộng. Hiện uy biến như vậy rồi thì chúng hội đều ngồi trở lại như cũ. Ngài Đại Tịnh Bồ tát báo cho ngài A Soa Mạt rằng:
– Uy đức thánh ân tam muội siêu việt thù thắng rực rỡ đến vậy!
Ngài A Soa Mạt nói rằng:
– Lời nói đó chẳng đủ để diễn tả đâu! Sở dĩ vì sao? Vì ba ngàn đại thiên trời đất núi gò thọ hết vào sắc thân là việc nhỏ nhoi vậy. Thọ nhận số cõi nhiều như cát sông mà chẳng lấy làm dồn nén huống gì là những thứ khác nữa vậy?
Khi nói phẩm Nhẫn Nhục, diễn ra thần túc thì bảy mươi vạn vạn người thiện nhân hòa phát lòng đại đạo. Một vạn hai ngàn Bồ tát đều được pháp nhẫn Vô Sở Tùng Sinh.
Ngài Xá Lợi Phất hỏi ngài A Soa Mạt rằng:
– Tôi nguyện ưa nghe tinh tấn chẳng thể tận của Bồ tát nữa!
Ngài A Soa Mạt nói rằng:
– Bồ tát có tám Tinh Tấn Vô Tận. Những gì là tám? Một là trang bị giáp đồng Hoằng Thệ Đại Đức. Đó là tinh tấn mà chẳng thể tận. Hai là tập hợp tinh tấn mà không gì thoái chuyển. Ba là siêng học, nuôi lớn tất cả công đức. Bốn là thường muốn nuôi dưỡng phổ cập chúng sinh. Năm là tạo lập vô số nguồn phước khánh. Sáu là lòng vì trăm họ cầu các độ vô cực. Bảy là hiểu rõ trí tuệ mà không cùng cực. Tám là muốn được đủ hết tất cả Phật pháp, vì vậy mà không tận. Đó là tám tinh tấn mà chẳng thể tận – Ngài A Soa Mạt nói – Sở dĩ gọi là trang bị giáp đồng Hoằng Thệ là vì chẳng do sinh tử mà lấy làm lao khổ. Sở dĩ vì sao? Vì chẳng tính kể số kiếp sẽ thành Phật đạo, cũng chẳng suy nghĩ đến ngần ấy kiếp tu hành nghiệp Bồ tát. Sở dĩ gọi là Hoằng Thệ là vì chẳng giới hạn vô lượng kiếp dài xa. Bồ tát còn là gốc của tất cả. Thói tục lại bắt đầu tính, một ngày đến mười lăm ngày, hoặc ba mươi ngày hợp làm một tháng, mười hai tháng làm một năm…như vậy chuyển dần tiến đến mười vạn năm, hoặc trăm ngàn vạn năm phát ý cầu đạo. Qua hết số đó bằng ngần ấy năm mới thấy một đức Phật. Số năm sánh bằng cát những dòng sông như vậy mới bắt đầu phát ý bình đẳng tất cả mọi người, từng người đều phát tâm, từng người đều bao dung. Những Bồ tát nhiều như cát sông cũng như vậy. Vô ương số chẳng thể kể tất cả người đều phát ý mà sự biết của ý chỉ theo kịp một việc, còn sự chưa biết của ý thì chẳng thể xưng kể, giống như cúng dường Phật nhiều như cát sông…Nhiên hậu mới đủ Thí độ vô cực. Giới, Nhẫn, Tinh Tấn, Nhất tâm, Trí tuệ, ba mươi bảy phẩm trợ đạo cũng lại như vậy. Bồ tát nghe điều này mà tâm chẳng giải đãi, chẳng bỏ giáp đồng Hoằng Thệ Đại Đức, người nhiều như cát sông đều phát ý đạo. Tập hợp hết đức này mới có thể đầy đủ một tướng của bậc Đại Nhân. Tất cả như vậy đều dụng công như trước thì mới hoàn bị hết các tướng của bậc Đại nhân. Đại nhân ấy là Bồ tát vậy. Bồ tát nghe những điều này chẳng lấy làm lao nhọc. Sở dĩ vì sao? Vì chưa từng chối bỏ giáp đồng Hoằng Thệ. Đó là Bồ tát mặc giáp đồng Hoằng Thệ mà chẳng thể tận vậy.
Sao gọi là tăng trưởng Tinh Tấn mà chẳng thể tận? Như có Bồ tát siêng muốn nghe pháp mà chẳng kể xa gần, chẳng kể nước lửa hung dữ. Sở dĩ vì sao? Vì không giải đãi, mỏi mệt. Bồ tát tăng trưởng tập hợp công đức chẳng chịu thoái lui, hợp hội khuyến trợ mọi công đức. Vì sao hợp hội? Vì muốn để khai hóa chúng sinh, khiến cho họ được độ thoát, khiến cho họ được vào Nê hoàn mà vào Nê hoàn chẳng do sự giải đãi kiêu mạn. Muốn vào Nê hoàn thì phải có lòng kiên cố, không thể quay trở lại, thường cầu công đức, phước lộc chẳng biết chán nản mệt mỏi, luôn luôn trụ ở Đại ai (Đại bi) nên gọi hợp tập. Bồ tát thậm chí bước đi, ngồi dậy chẳng quên tâm đạo, như trong khoảnh khắc một niệm, nghĩ đến lời pháp giáo của Phật, hộ trì đến tất cả mà chẳng lấy làm phiền nhiễu nên gọi là hợp tập mà chẳng thể tận. Sao gọi là trưởng dưỡng tất cả tinh tấn mà chẳng thể tận? Chí nguyện đã lập công đức thường còn ở các thông tuệ. Do vậy nên gọi là chẳng thể tận, giống như mọi con rồng đều mưa xuống trở lại biển cả mà chẳng thể phân biệt biết số giọt nhiều hay ít, cứ cho chúng là vô tận. Những người thông tuệ như vậy công đức cũng rất chẳng thể tận. Sao gọi là tạo lập vô số công đức? Việc làm dụng tâm vì tất cả nên thường mang ý bình đẳng, việc tạo lập công đức phúc lộc chẳng lìa khỏi thông tuệ, việc tu phúc nguyện muốn khiến cho chúng sinh đều chung nhờ ân huệ…do vậy nên gọi là tạo lập vô số công đức. Sao gọi là lòng cầu các Độ vô cực? Chúng sinh bốn đại đều chẳng thể tận, chẳng thể tính thì vào những số này. Một lời dạy bảo hết các loài chúng sinh của ba ngàn đại thiên thế giới. Hình tượng so sánh như vậy chẳng thể chuyển tải nói lên, a tăng kỳ con người đều khai hóa họ vô hạn như vậy, rồi gấp trăm lần, gấp ngàn lần, gấp vạn lần, gấp ức lần, gấp trăm ức vạn lần chẳng thể kể ra thí dụ được thì số người được giáo hóa độ thoát vẫn là còn ít vậy. Nghe thế này mà chẳng khủng, cũng chẳng úy cụ là ứng hợp với tinh tấn. Đó gọi là tạo lập vô số công đức mà chẳng thể tận. Sao gọi là hiểu rõ trí tuệ mà không cùng cực? Công đức Bồ tát chẳng thể tận. Như vậy kể hết những chúng sinh của tất cả Phổ Trí vốn đã tạo tác công đức mới bì kịp đạo tích (dấu đạo). Bậc vãng lai, bậc Bất Hoàn, bậc Vô Trước Duyên giác đều tập hợp đức này lại mới thành được công đức một sợi lông của đức Phật. Sự hợp tập kể ra đó, từng sợi lông từng sợi lông đều thành mọi công đức lồng lộng của những lỗ chân lông trên thân thể thì mới có thể thành tướng lưỡng mi gian của đức Phật. Như phước của tướng mi gian ấy gấp ngàn lần thì mới thành tướng đảnh của đức Phật. Sở dĩ vì sao? Vì trên trời dưới đất không ai có thể đủ sức nhìn thấy đảnh của đức Phật. Do đó cho nên nói rằng, đức chẳng thể tận, tuệ không cùng cực. Lại nữa, sao gọi là tuệ không cùng cực? Giả sử chúng sinh của ba ngàn đại thiên thế giới đều dốc lòng tin Phật. Tin Phật như vậy mà niềm tin ấy gấp lên trăm lần thì mới cùng đồng đẳng với người phụng tín. Giả sử người phụng tín đồng đẳng đầy khắp ba ngàn đại thiên thế giới thì trí của những người ấy gấp thêm trăm lần cũng chẳng bì kịp người bát đẳng (?). Như người bát đẳng đầy ba ngàn đại thiên thế giới, trí của những người ấy nhân lên trăm lần chẳng bằng đạo tích (dấu đạo). Nếu trong ba ngàn đại thiên thế giới tràn đầy người mà đều tìm nghiệp đạo tích như vãng lai, bất hoàn và cùng vô trước thì trí của những bậc ấy nhân lên một trăm lần chẳng bằng trí của một Duyên giác. Nếu trong ba ngàn đại thiên thế giới đầy Duyên giác còn chẳng bằng trí của một Phát Ý Bồ tát. Giả sử ba ngàn đại thiên thế giới mà trong đó đầy ắp những Bồ tát mới phát ý thì trí của họ nhân lên một trăm lần, chẳng bằng A duy việt trí. Giả sử chúng sinh của ba ngàn đại thiên thế giới đều thành Bất thoái chuyển thì trí của họ nhân lên một trăm lần còn chẳng bằng trí của một Bồ tát Nhất Sinh Bổ Xứ. Giả sử chúng sinh của ba ngàn đại thiên thế giới là Nhất sinh bổ xứ thì trí của họ nhân lên một trăm lần chẳng bằng xứ xứ tuệ của một đức Như Lai hợp với các lực, vô sở úy nhập vào du yếu tuệ của Phật pháp. Sở dĩ vì sao? Vì tuệ Nhất thiết trí ấy đều vào Phật ý. Bồ tát nghe những điều này chẳng khủng, chẳng cụ, chẳng úy, chẳng nạn thì đó gọi là tu tập vô cùng tuệ mà chẳng thể tận. Vì sao tu tập vô cùng tuệ mà chẳng thể tận? Vì vào tâm của tất cả chúng sinh vậy. Giả sử tâm niệm của chúng sinh quá khứ mà sự phát ý đạo của họ không giới hạn. Một người giải tỏ hiểu thông hết tâm niệm của những chúng sinh quá khứ này, bình đẳng đối với chúng sinh giống như một người. Hình tượng so sánh như vậy nhiều chẳng thể kể xiết. Bọn chúng sinh đều bị sự che chắn của dâm nộ si. Lại có một người vào trong dâm, nộ, si, hoặc, loạn mà bị mọi trần kiến làm rối loạn mê man. Bồ tát phát ý luôn luôn dùng đạo tuệ đều biết chúng sinh dâm nộ si loạn. Đó gọi là trí thánh hoằng tuệ minh. Nếu các chúng sinh đều phát ý nhân duyên thiện ác thì nhân duyên đã khởi lên là phải diệt đi. Như vậy người tuệ tuy ở trong ấy mà lòng chẳng lấy làm phiền nhiễu, đều có thể thông đạt giống như hư không. Hư không ấy thì không đâu chẳng trống rỗng. Bậc Thánh tuệ thì lòng của họ hiểu sáng chúng sinh ba đời, không đâu chẳng thông đạt. Vậy nên gọi là Tuệ mà không cùng cực cũng chẳng thể tận. Sao gọi là tất cả Phật pháp cũng chẳng thể tận? – Đủ hết tất cả sáu độ vô cực cầu các Phật pháp. Như có Bồ tát từ lúc bắt đầu phát ý đã tu phương tiện, nhiên hậu mới đạt đến ngồi dưới cây Phật. Công đức phát tâm chẳng thể kể xiết, đầy đủ khắp cả đều là thành tựu Phật pháp nên gọi là Bồ tát hợp tập các Phật pháp mà chẳng thể tận.
Lại có Bồ tát hợp tập Tinh Tấn cũng chẳng thể tận. Sự lập đức của thân chẳng lấy làm khó. Miệng nói công đức phúc lộc cũng chẳng lấy làm mệt. Ý chỉ siêng tu hành. Tinh tấn ba việc thân miệng ý là đứng đầu. Sao gọi là ý tinh tấn? Ý ấy rộng lớn (thái nhiên). Sao gọi là rộng lớn? Dụng ý cầu Phật đạo. Dụng ý cầu Phật đạo là thế nào? Tâm ấy rộng lớn vắng lặng vô vi. Phát khởi điều này gọi là gì? Phát khởi ý này thì gọi là phát tâm đạo đó. Đây là Đại ai của Bồ tát vậy. Sao gọi là Bồ tát địa? Tin ưa vô ngã thì gọi là Nhẫn. Tại sao phải phát khởi điều này? Phát khởi điều ấy thì có thể tổng nhiếp hết tất cả chúng sinh. Sao gọi là xử? Do được đầy đủ hết các pháp, chẳng lấy sinh tử làm cần lao vậy. Người phát khởi điều này chẳng chấp trước ba cõi. Người phát khởi điều này thì sở hữu của thân không có gì yêu tiếc. Lại, xử ấy là cái có thể thí cho mà chẳng tuyên dương mình đã có đức hạnh ấy. Cái gọi là xử là chẳng dùng cấm giới mà tự khen ngợi, ý còn tự đại. Lại, xử ấy là nhẫn nhịn mọi khổ não, chẳng dùng cái nghiệp này mà ôm lòng kiêu mạn. Cái gọi là xử ấy đã thu hoạch công đức ngày càng tăng thêm lồng lộng không lường. Cái gọi là xử ấy chính là chí độ thoát, chẳng lìa bố thí, điều phục tâm, chế ngự ý. Cái gọi là xử ấy là học vấn không chán, đúng như pháp, tu tập dạy bảo. Cái gọi là xử ấy là theo đúng ý nghĩa đã nghe mà phụng hành chẳng đổi, không có ý khác. Cái gọi là xử là học tập tư duy pháp chẳng thể giảng, phương tiện quyền mưu chẳng lấy làm khó, tập ban tuyên pháp mà không hy vọng đáp đền, tập tành đọc tụng, nghĩ xét, hiểu rõ điều qui thú của ý nghĩa ấy, chẳng vì lao nhọc, chán nản mà lười biếng phế bỏ, trăm họ học tu mà không mong tưởng đáp đền. Bốn việc đó chính là điều tu hành của Bồ tát. Sở dĩ vì sao? Vì Bồ tát ấy có thể phát khởi từ bi hỷ hộ này. Lại, xử ấy là sự chiêm nghiệm xem xét mà ý mang đại ai cùng khắp. Lại, xử ấy là vin vào cớ này mà đầy đủ năm thông, tu tập không sinh tử. Lại, xử ấy là được bốn ý chỉ, đạt đến thuận lý, chẳng đương đầu với suy mà chẳng nghĩ đến. Lại, xử ấy là biết bốn ý đoạn, chẳng phế bỏ công đức, cũng chẳng ức chế người không phước khánh. Sở dĩ vì sao? Vì tu hạnh trung gian. Lại, xử ấy là thần túc đã tu tập đúng như lời pháp giáo của đức Phật, không có điều hy vọng. Lại, xử ấy là học tập đức lành, các căn chẳng loạn, phi pháp nhiều vô hạn đều có thể phân biệt. Lại, xử ấy là mười thứ lực, không có gì có thể thắng tấm lòng mang thánh trí. Lại, xử ấy là muốn cầu giác ngộ của Phật, những hạnh hưng tạo vào mọi pháp nghĩa mà chẳng tự đại, thành tựu bảy giác ý. Lại, xử ấy là cầu đạo đức riêng, chẳng nghĩ những người đến, ở và đi, cũng không điều tưởng nghĩ. Lại, xử ấy là hâm mộ tìm cầu cung kính tịch tịnh, chí ấy mà không rối loạn. Lại, xử ấy là muốn được chánh quán, sáng suốt xem xét các pháp cầu tìm sự tồn tại ấy. Lại, xử ấy là từng đã nghe rộng thì có thể tu tập, thường đúng như pháp trụ, ham tu đức hạnh của thân. Lại, xử ấy là cầu đến pháp thân mà ném bỏ mọi thói tục, chấp trước vọng tưởng và tin đạt vô hình. Lại, xử ấy là gọi âm thanh đó thường muốn trang nghiêm, tùy thời phát ra thông suốt đến mười phương. Lại, xử ấy là ưa đúng như đạo hạnh, người thoát hay chẳng thoát đều khiến cho đến với yên vui vĩnh viễn. Lại, xử ấy là chẳng hợp với sai quấy, khuyến hóa bốn ma. Sao gọi là bốn ma? Một là ma thân, hai là ma tội trần, ba là ma chết, bốn là ma trời. Lại, xử ấy là lìa các ác, tu tập mọi gốc đức, các dơ bẩn lặng yên mà chẳng dấy loạn. Lại, xử ấy là thấy khắp đạo tuệ, xét mọi duyên khởi. Lại, xử ấy là thấy những sở nhập, sở tác thế tục, tiêu dứt nhân duyên phương tiện mà tế độ họ. Lại, xử ấy là đều nhìn thấy đạo pháp mà tùy lúc giáo hóa. Đó là tinh tấn mà chẳng thể tận. Nếu có người có thể đủ tất cả xử thì nhất định không có các nạn, các sở tác đều hóa giải hết. Chẳng dùng vọng tưởng trụ ở tuệ sở hành, cũng chẳng chuyển động, tất cả hành động đều chẳng lìa khỏi tuệ. Sao gọi là hành động Bồ tát chẳng lìa khỏi tuệ? Công đức đã làm đều nhân vào pháp đó, thường vì tất cả hưng khởi Vô Cực Từ. Vô Cực Từ là chẳng tận thế tục, nhân vào tuệ của Phật đạo mà chẳng theo vô vi. Đó là Tinh Tấn vô tận của Bồ tát.
Khi tuyên nói về Tinh Tấn chẳng thể tận thì chín mươi sáu vạn vạn chư thiên, người đời đều phát ý đạo Vô thượng Chánh Chơn, ba vạn hai ngàn thiên tử đều được pháp nhẫn Vô Sở Tùng Sinh.
Ngài Xá Lợi Phất lại hỏi ngài Bồ tát A Soa Mạt rằng:
– Há lại có nghĩa Thí độ vô cực chẳng thể tận ư?
Ngài A Soa Mạt đáp rằng:
– Do mười sáu việc mà chẳng thể tận! Thanh văn, Duyên giác đã chẳng thể bì kịp. Sao gọi là mười sáu? Một là việc bố thí chẳng mang dị tâm mà đều đầy đủ pháp thí của Như Lai. Hai là đã bố thí thì chẳng dấy khởi ý niệm này: Ta nhờ việc này nên sẽ được phước báo. Ba là đã bố thí thì thương khắp tất cả, chẳng mang dị tâm. Bốn là đã bố thí thì chẳng nghĩ mong được tam muội chánh thọ. Sở dĩ vì sao? Vì chẳng thích sinh lên cõi trời Tịnh Cư mà thường ưa nhân gian. Năm là đã bố thí thì đều có thể biết được tâm hạnh của chúng sinh. Sáu là đã bố thí thì ý ấy thanh tịnh nhu hòa. Sở dĩ vì sao? Vì muốn khiến cho tâm ấy tùy theo sự tính toán của mình, cũng khiến cho thân ấy theo ý nghĩ của tâm. Bảy là đã bố thí thì theo đúng ý của người nhận. Sở dĩ vì sao? Vì đức ấy qua khỏi trời Sắc và Vô Sắc. Tám là đã bố thí thì cho tịch mịch và điềm đạm. Sở dĩ vậy là vì vượt lên trên các Thanh văn, Duyên giác. Chín là đã bố thí thì lòng chẳng hối hận. Sở dĩ vì sao? Vì muốn khiến cho thông suốt đến thành tựu. Mười là đã bố thí thì uy thần lồng lộng không thể chế ngự đoạn tuyệt. Mười một là đem trí tuệ thí bình đẳng khắp chúng sinh, kiến lập, độ thoát tất cả. Mười hai là bố thí ấy là bố thí cho người tùy theo ý ưa thích mà lòng ban cho cứu giúp luôn yên ổn chân chính. Sở dĩ vì sao? Vì có thể chế ngự được ý. Mười ba là sự thí cho ấy chẳng đoạn tuyệt Tam Bảo. Sở dĩ vì sao? Vì chẳng xả bỏ giống Như Lai Chí Chơn. Mười bốn là Bố thí thường sáng suốt, chẳng hoài bão do dự mà chẳng mê hoặc. Mười lăm là việc thí cho là thuận theo đúng như lời pháp giáo. Sở dĩ vì sao? Vì việc làm theo nghĩa. Mười sáu là việc thí cho không đâu chẳng biết, có sự hưng tạo thì ưa theo gốc trí tuệ. Sở dĩ vì sao? Vì muốn cho trí ấy không có cùng cực rất to rộng vậy. Đó là mười sáu sự nghiệp Thí độ vô cực mà chẳng thể tận của Bồ tát.
Sao gọi là tâm thiền Tịch tịnh vậy? Sao gọi là thần thông Tuệ đầy đủ vậy? Sao gọi việc thấy các sắc của tuệ là chẳng thông? Nhìn thấy các sắc tận, ý ấy chẳng tùy theo cái thấy thì đây gọi là Thông. Sở dĩ vì sao? Vì thấy thế mà chẳng giữa đường tu hành thủ chứng. Việc thính văn (nghe) ấy đều ở tại chẳng thông. Các âm thanh có nghe đều không đạt được thì đây gọi là thông. Có thể biết hết tâm hạnh của chúng sinh thì đó là chẳng thông. Lòng trừ diệt trí này, chẳng đem hết lòng mà tạo chứng vậy. Sở dĩ vì sao? Vì chẳng chọn lấy La hán thì đây gọi là Thông. Có thể tự biết vốn nhân từ đâu đến thì đó là chẳng Thông. Chẳng đối với ba đời mà có ngăn ngại thì đây gọi là Thông. Châu biến các đất nước thì đó là chẳng Thông. Tuy châu biến các nước mà hiểu ra không sở hữu, không có tư tưởng về đất nước thì đây gọi là Thông. Tin hướng về các pháp thì đó là chẳng Thông. Thấy được gốc, ngọn của tất cả các pháp thì đây gọi là Thông. Tất cả sở tác có ý vọng tưởng thì đó là chẳng Thông. Hiểu rõ chúng sinh mà không hy vọng điều gì thì đây gọi là Thông. Ưa muốn vãng sinh hoặc qua các trời Đế Thích, Phạm Vương, Tứ Thiên vương thì đó là chẳng Thông. Bồ tát đều biết việc tu Thánh Tuệ của tất cả Thanh văn, Duyên giác, có thể nắm lấy chung hết thì đây gọi là Thông, là nguyên thủ (đứng đầu) của mọi người. Đã gọi là nguyên thủ thì ở tại bậc tối thượng của các pháp. Nhân đó gọi là Thông Tuệ công đức mà chẳng thể tận – Ngài A Soa Mạt Bồ tát lại nói với ngài Xá Lợi Phất – Nhân các ý loạn, Bồ tát lấy cớ tu tập tự điều phục tâm thì đó là Thiền. Trí tuệ ấy xả bỏ hết mọi ác thì đó gọi là Thiền Định. Lại, Bồ tát tu tập, trụ ở định ý thì tâm không biến đổi. Sở dĩ vì sao? Vì rằng tu chánh trụ. Tu chánh trụ nên tập sáu độ vô cực. Các pháp chân chánh nên tập các pháp. Vì chân chánh nên học tập hạnh Bồ tát, lòng bình đẳng với chúng sinh. Đã bình đẳng với chúng sinh rồi liền bình đẳng với các pháp. Đã bình đẳng các pháp thì biết tâm Bồ tát. Đã biết tâm Bồ tát thì có thể giải thông suốt chí tháo của chúng sinh. Biết tâm chúng sinh rồi thì biết các pháp. Đó gọi là tập bình đẳng rộng lớn với tất cả loài chúng sinh, bình đẳng với các pháp mà không thân sơ. Bình đẳng trụ ở các pháp thì đó gọi là Định ý, là Chánh thọ vậy. Không, vô tướng, vô nguyện. Gọi là bình đẳng với sinh tử. Bình đẳng sinh tử thì liền bình đẳng các pháp. Người ấy đã bình đẳng, thản nhiên không thiên lệch. Tâm đã bình đẳng khắp thì bình đẳng với tâm chúng sinh. Bình đẳng với tâm chúng sinh rồi thì mới gọi là bình đẳng nên gọi là Phổ Đẳng. Sở hành của tâm ấy bình đẳng như hư không, như đất nước lửa gió, không có yêu ghét. Tâm ấy bình đẳng thì không lo không mừng. Thân ấy đã trụ ở cõi Phật Bất Tuần thì định như tam muội, chẳng dùng dua nịnh như trụ ở bản tế mà chẳng tự đại, cũng chẳng hèn hạ. Đã chẳng si, chẳng ác, cũng chẳng nhiều lời, chỉ muốn hiểu rõ nguồn gốc của pháp, đúng lúc chẳng đúng lúc thường tùy nghi theo thời, chẳng theo dơ bẩn của tất cả thế tục, vượt qua tám việc thế gian: lợi, suy, hủy, dự (danh dự), khổ, vui, có danh xưng, mất danh xưng, bỏ các hữu vi, chẳng ưa rối rắm ồn ào…tùy theo những pháp đó thì chẳng lìa tam muội. Sở dĩ vì sao? Vì đều thấy sự tạo lập hạnh của thiên hạ tùy theo hành động ấy nối tiếp tại tam muội không thể biết được. Đó gọi là phương tiện thiện quyền của Bồ tát thâm nhập vào trí tuệ tịch độ vô cực. Nếu muốn tam muội nắm giữ chế ngự tâm ấy thì nhờ Vô cực ai mà tùy theo nhân duyên. Sở dĩ vì sao? Vì do chúng sinh vậy. Ý nghĩa ấy gọi là phương tiện thiện quyền, nghiệp của tam muội tịch nhiên điềm đạm. Đây là Thánh tuệ. Theo đúng như sự kiến lập của tam muội mà y ngưỡng Phật tuệ thì đó gọi là thiện quyền. Nếu đối với các pháp mà mãi mãi không có sự cầu xin thì đó gọi là Trí tuệ. Tôn phụng nắm giữ định ý, lại dùng công đức giáo hóa ủng hộ các pháp thì đó gọi là thiện quyền. Tâm ấy thản nhiên chẳng hoại pháp thân thì đó gọi là trí tuệ. Dùng tam muội định trụ ở niệm vẻ đẹp các tướng của thân Phật thì đó gọi là thiện quyền. Ơn rộng đến trăm họ, nghĩ về pháp thân của Phật thì đó gọi là trí tuệ. Ở trong tam muội niệm âm thanh của chư Phật giống như âm thanh Phạm thì đó gọi là thiện quyền. Nghĩ biết các pháp không có ngôn từ thì đó gọi là trí tuệ. Trụ ở tam muội, lòng như Kim cương thì đó gọi là thiện quyền. Tuy được thiền định mà chẳng quên bầy lũ chúng sinh thế tục thì đó gọi là trí tuệ. Nếu ở tam muội nghĩ đủ bổn nguyện, nuôi lớn tất cả thì đó là nơi nơi tùy lúc thiện quyền. Lại, ở trong thiền tư giải thấu chúng sinh đều không ngô ngã thì đó gọi là trí tuệ. Du hành trong tam muội mà chẳng xả các pháp thì đó gọi là thiện quyền. Hiểu các pháp không gốc ngọn cũng không căn nguyên thì đó gọi là trí tuệ. Tu ở tam muội mà nghĩ các cõi Phật đều là thanh tịnh thì đó gọi là thiện quyền. Hiểu thông các cõi Phật đều không sở hữu thì đó gọi là trí tuệ. Trụ tại tam muội tư duy có cây Phật tu trang nghiêm thì đó gọi là thiện quyền. Thân lìa khỏi mọi dục mà không uế trược thì đó gọi là trí tuệ. Lại, ở tại tam muội nghĩ chuyển pháp luân thì đó là thiện quyền. Tuân hành thiền định chuyển “không có cái chuyển” thì đó gọi là trí tuệ. Trụ ở tam muội muốn thấy Bồ tát dùng tướng trang nghiêm thì đó gọi là thiện quyền. Dùng pháp cứu tế mọi khổ mà không có phiền não thì đó là thiền của Như Lai. Như Lai thiền thì liễu ngộ tất cả pháp, vĩnh viễn chẳng tham dục, chẳng tưởng trần lao, biết các tình lạc, trừ mọi pháp tưởng thì gọi là Thiền tư. Đó là địa tuệ sở sinh của Bồ tát. Bậc Khai Sĩ đại sĩ do sự nhất tâm (định) cùng với pháp chẳng “đồng trần” nên mới gọi là Thiền chẳng thể tận. Chẳng để cho tất cả chúng ma được tiện nghi thì vì Chánh Giác tạo các pháp khí. Sở dĩ vì sao? Vì không gì chẳng dung chứa.
Khi vị Chánh Sĩ nói Tịch đô vô cực chẳng thể tận này thì bốn vạn Bồ tát được Nhật Minh tam muội. Sao gọi là Nhật Minh tam muội? Định này giống như lúc mặt trời mọc, lửa đèn, ánh đuốc, ánh sáng tinh tú bị che tối không sáng được. Bồ tát đã chứng được tam muội này thì tất cả các Thánh đều bị che phủ. Sở dĩ vì sao? Vì ánh sáng của tuệ ấy lồng lộng rộng lớn. Ánh sáng trí tuệ của Thanh văn, Duyên giác đều bị che trùm. Do vậy nên gọi là Nhật Minh tam muội. Bồ tát đã trụ ở Tịch độ vô cực đều có thể chứng thành các tam muội định. Những điều thô thiển đã nêu lên đều là sơ sài. Tóm lại, xin diễn nói tên các tam muội. Có tam muội tên là Chiếu Minh, có định tên là Nguyệt Quang, có định tên là Trang nghiêm, có định tên là Nghiêm Diệu, có định tên là Tu Nghiêm, có định tên là Vô Cục Huy Mãnh Phục, có định tên là Kỳ Minh Tiêu Minh (tối) , có định tên là Như Chư Pháp Giáo, có định tên là Thành Quang Minh, có định tên là Vô Sở Ưu, có định tên là Lập Kiên Cố, có định tên là Đẳng Như Thái Sơn, có định tên là Pháp Minh, có định tên là Pháp Ngự, có định tên là Pháp Quân (vua) , có định tên là Pháp Tuệ Thuận Giáo, có định tên là Cảm Pháp Bảo, có định tên là Pháp Thành Tổng Trì Ngự, có định tên là Tri Nhân Ý Hạnh, có định tên là Tràng Anh Khí Chúng Phiền Hà, có định tên là Lực Chế Tứ Ma, có định tên là Đã Thành Mười Lực, có định tên là Đoạn Chư Quái Ngại, có định tên là Tạo Đăng Quang, có định tên là Trụ Bền Như Đất, có định tên là Như Tu Di, có định tên là Do (giống như) An Minh, có định tên là Trí Hạnh Quang Diệu (ánh sáng) , có định tên là Trí Bất Khả Kế Tùy Cụ Giáo, có định tên là Tâm Giáo Nhu Nhuyến, có định tên là Vô Sở Cầu Thoát, có định tên là Như Thủy Nhật Nguyệt Quang, có định tên là Giống Như Thân Phật, có định tên là Đẳng Chư Vô Ngã, có định tên là Điều Tượng Tùy Giáo, có định tên là Kiến Đắc Chư Phật, có định tên là Pháp Ý Vô Ngại, có định tên là Vô Thoái Bất Chuyển, có định tên là Chúng Độc Tiêu Tịnh Như Nguyệt, có định tên là Nhập Không Tịch, có định tên là Hiểu Chúng Tưởng, có định tên là Vô Nguyện, có định tên là Trụ Nhất Tâm, có định tên là Như Kim Cương, có định tên là Vô Cực Quang Mạc Năng Đương, có định tên là Tự Tại Tịnh, có định tên là Nội Chư Lao Phiền Tận, có định tên là Quảng Đại Như Không, có định tên là Nhập Nhất Thiết Nghiệp, có định tên là Tâm Tư Đắc Tuệ, có định tên là Tuệ Duyệt Nhân Vô Tận, có định tên là Thành Thánh Tuệ, có định tên là Tổng Vô Sở Vong, có định tên là Minh (tối) Phổ Kiến Minh (sáng) Giai Đa Lạc, có định tên là Từ Hạnh, có định tên là Tâm Bản Tịnh Đại Ai, có định tên là Nhập Chư Hộ, có định tên là Tâm Đẳng Nhập Vô Sở Ngại Thoát, có định tên là Pháp Pháp Trụ, có định tên là Trí Minh Đạt, có định tên là Giải Sướng, có định tên là Bất Khả Sổ, có định tên là Sung Bão Chúng, có định tên là Vô Bất Liễu, có định tên là Thoát Tuệ Tùy Hóa Chúng, có định tên là Kim Cương Liên Hoa, có định tên là Liễu Vô Thường, có định tên là Tôn Trí Tuệ, có định tên là Dũng Phục, có định tên là Chư Phật Niệm, có định tên là Tùy Giáo Minh Thoát, có định tên là Nghiêm Phật Thổ, có định tên là Khai Tịch (mở) Tịnh Chư Quốc, có định tên là Nhập Chúng Sinh Tâm Hỷ, có định tên là Chánh Chân Trực, có định tên là Dĩ Bồ Tát Đạo Lục Độ Vô Cực Nghiêm, có định tên là Giác Giải Kết, có định tên là Giác Ý Hoa, có định tên là Thí Thoát Nhược Thiên Dược, có định tên là Quang Vô Bất Châu, có định tên là Minh Vô Trụ Phật, có định tên là Thậm Thâm Diệu, có định tên là Tích Bảo Như Hải, có định tên là Như Sơn Phương Diện, có định tên là Thần Túc Thậm Quảng Vô Bất Tổng, có định tên là Kiến Vô Số Phật, có định tên là Tổng Chư Học, có định tên là Như Đàn Chỉ Khoảnh Vô Bất Tri, có định tên là Trí Bất Khả Hạn Kế Như Đại Hải…Hàng vạn vạn ức những định như vậy. Bồ tát nhờ trụ ở Tịch độ vô cực mà hoàn bị khắp những định ấy.
Ngài A Soa Mạt Bồ tát lại nói với ngài Xá Lợi Phất rằng:
– Sao gọi là Trí độ vô cực mà chẳng thể tận Theo đúng như chỉ thú tuệ nghe được mà kiến lập hạnh nên gọi là chẳng thể tận. Ứng như hạnh ấy thì có tám mươi việc. Những gì là tám mươi?
Thuận điều nghe – Tìm đúng như ý – Theo như lời dạy tu tập – Theo lệnh bạn lành – Chẳng tự đại – Việc làm chẳng quên – Thường cung kính – Theo nghiệp kinh điển – Đúng như lời mà theo – Luôn tu tập trí – Lòng siêng thọ – Chẳng mất tiết tháo – Chẳng quên niệm – Ý chẳng loạn – Dấy lòng báu – Hiển bày chí dược (thuốc) – Trừ các bệnh – Chính là ý khí (đồ chứa ý) – Ưa nhẫn nhục – Tư duy ưa chân thật (chân lý) – Vào tuệ ý – Học không chán – Bố thí không mưu cầu gì – Bố thí không thân sơ – Điều nghe suy nghĩ thấu đáo – Hoan hỷ khải thọ – Lòng vui thân nhẹ – Ý ấy thanh tịnh nhu hòa – Mà không phiền hà – Việc học theo đúng như gốc – Thường ưa nói pháp – Nghe muốn hướng về đạo – Pháp tự giữ gìn – Ưa nghe chân chánh – Chẳng ở tại cái học khác.
Chỉ thọ nhã trí độ vô cực – Theo đến với kinh Bồ tát Phương Đẳng – Chỉ mộ nghe kinh quyền phương tiện – Lại ưa nghe tập tứ đẳng tâm – Lại xem xét giải rõ không thần thông (?) – Theo đúng như ý ban đầu không nghĩ khác – Lòng cốt chăm đến đế thiện phương tiện – Chỉ muốn nghe đến pháp Vô sinh. Không tham quán, chỉ ưa Từ, rõ mười hai duyên, thấu vô thường.
Biết đến khổ – Suốt thông vô ngã – Muốn biết Tịch – Phân biệt không – Giải vô tướng – Thể vô nguyện – Hiểu sinh tử – Rõ công đức – Đạt chúng sinh – Biết không quên – Nghiêm âm ấy – Như thành quách – Điều nghe siêng nắm giữ – Ưa nghe cái quí báu của kinh – Ở tại cõi tục biết tục – Mở mang ở trong ý – Lấy làm bạn bè – Muốn nghe hàng phục (?) – Các sự nghiệp.
Chí thường nghĩ may mắn – Vào khắp các pháp – Ưa đoạn dứt nghèo thiếu gọi là nghèo thiếu – Gọi là trí chẳng đủ – Niệm giải tuân thông – Hiểu giải Thánh tuệ – Mừng thọ Chánh đạo – Hiểu kẻ vô trí – Đều giáo hóa khiến cho biết – Rõ luôn gặp khổ – Cấp cho kẻ chẳng đủ – Biệt ly tất cả – Không nghiệp công đức – Hiểu sáng gốc ấy – Mọi ác chẳng làm – Thông suốt nghĩa của thân – Đạt lợi chúng sinh – Giải hạnh yên ổn – Ưa chẳng ôm hận – Muốn riêng chí tôn – Sự việc vô cực – Nghĩ các pháp Phật – Đã nhận được đạt đến.
Đó gọi là đúng như tuệ đã nghe liền kiến lập hạnh.
Ngài A Soa Mạt Bồ tát nói với ngài Xá Lợi Phất rằng:
– Bồ tát có ba mươi hai việc tùy lúc sở nhập. Những gì là ba mươi hai? Theo âm hưởng nhập (vào) (1) Muốn vào đến quán (2) Nhập tâm sở hạnh (3) Nhập thân cầu thoát (4) Mà tế độ chúng sinh (5) Nhập bất đoạn vô thường (6) Nhập vô sở trước (7) Nhập tùy nhân duyên để có thể làm việc (8) Chỗ vào không người (9) Vào đến vô thọ (sống lâu) (10) Vào đến vô mạng (11) Vào chỗ sở trụ của quá khứ, vị lai và hiện nay (12) Vào nghiệp công đức (13) Vào “không” chẳng giải đãi (14) Vào đến vô tướng (15) Mà vào vô nguyện chẳng phế bỏ cần tu, chẳng dùng “không” thủ chứng vô tướng vô nguyện, hộ trì rồi chẳng đọa (16) Muốn vào tam muội mà tu chánh thọ đều hướng về thành tựu tam muội chánh thọ. Do vậy nên chẳng sinh lên trời Vô Sắc. Sở dĩ vì sao? Vì ủng hộ sự đạt đến (17) Lại vào căn nguyên của các thông trí tuệ. Tuy vậy chẳng vào con đường Tận Diệt (18) Lại vào vô sinh cứu tế các chỗ sinh (19) Lại vào bản tế để tư duy nghĩa ấy (20) Muốn vào vô tế mà chẳng thủ chứng. Sở dĩ vì sao? Vì có sự nuôi hộ vậy. Cái gọi là không hộ tức là Thanh văn (21) Muốn vào chúng sinh lý giải không ngô ngã, chẳng bỏ Đại Ai (22) Vào tất cả nạn sinh tử đáng sợ (23) Đã có thể đi vào thì tuy có sinh tử mà không bị sinh (24) Lại vào các trần lao mà mọi người đã chán (25) Vào với kẻ chán dục cũng chẳng đọa lạc. Sở dĩ vì sao? Vì chẳng ở trong đó thủ chứng (26) Lại vào với nhóm chẳng nghĩ đến dục, vào mà chẳng bỏ pháp (27) Vào với những người phạm pháp mà chẳng làm điều sai quấy (28) Vào quyền phương tiện. Sở dĩ vì sao? Vì do nhân ý chúng sinh rơi vào tham ái dục mà muốn khai hóa (29 – Nguyên bản của kinh này ở các tạng đều khuyết mất việc thứ 30). Đã vào giáo thọ thì ứng bệnh mà cho thuốc (31) Việc hóa độ của Bồ tát đều được chỗ ấy (32). Đó là ba mươi hai việc mà sự dẫn đường đúng như sự việc. Sở dĩ vì sao? Vì chẳng mất tiết tháo vậy. Giống như muốn vào thành thì theo cửa mà vào, muốn thông suốt mọi duyên thì phải dùng mắt quan sát. Người hiểu thấu duyên nghiệp thì chẳng tranh tụng. Muốn cho không tranh tụng thì chớ như tự thủ (giữ). Muốn biết không nói là khoái tột cùng thì chẳng bằng chớ nói. Sở dĩ vì sao? Vì chẳng ưa nói là tự hộ trì thân miệng. Chẳng muốn dừng lại thì chớ ở tại đó. Chẳng muốn động thì thận trọng chớ được chuyển. Không hy vọng thì cũng không có gì tưởng nghĩ. Vậy nên gọi là bình đẳng. Muốn chẳng mê sắc thì phải trụ vững vàng chân chính. Đã trụ vững vàng thì ấy mới là đạt đến. Chẳng ưa khiến cho biến đổi, luôn tự cẩn thận. Nếu hâm mộ tịch tịnh, nuôi dưỡng mình thì chớ được xưng dương mình. Chẳng muốn hạ thấp thì chớ tự kiêu căng cao ngạo. Chẳng cao, chẳng thấp đầy đủ chánh pháp. Tổn hao chẳng mừng thì không có thể trách phạt. Nên ưa yên ổn tiện nghi thì việc làm không mất! Không gì mất thì không có nghi ngờ. Không có nghi thì hiểu thấu vô bản nên tiện nghi không mất gì, bình đẳng với ba đời mà không sai khác. Ba đời bình đẳng thì không có sự tăng, tổn. Chẳng trụ ở sắc, thọ (thống), tưởng, hành, thức cũng không đặc thù. Mắt thấy biết sắc thì không sở trụ. Tai nghe biết tiếng, mũi ngửi biết hương, lưỡi nếm biết vị, thân chạm biết mềm, ý nhận biết pháp đều không sở trụ. Từ bản tịnh làm như pháp, làm như tuệ, làm như chân lý (thẩm đế), làm như không ngô ngã. Thấy các pháp làm vô ngã thì gọi là Tuệ. Hiểu thấu các sở hữu đều không sở hữu, cũng đều vô bản thì đó gọi là Tuệ. Chẳng đem thân thêu dệt mà mang lòng tự đại thì đó gọi là Tuệ. Biết đối với Bồ tát tu tập tuệ chánh chơn, thông đạt tất cả chúng sinh, vì tất cả chúng sinh nên lòng thường chẳng bỏ, chẳng lìa các pháp. Đó mới gọi là Bồ tát tập tuệ.