Quyển thứ tư
Ngài A Soa Mạt Bồ tát nói với ngài Xá Lợi Phất rằng:
– Bồ tát tu tập trí vào với các pháp nên không sở trước. Đó gọi là Tuệ. Có mười sáu việc chẳng cùng tuệ hòa hợp. Những gì là mười sáu? – Do vô minh nên khởi âm dương. Tự sinh già chết đều chẳng cùng Tuệ đồng. Các sở tác thì cũng chẳng đồng trần. Cũng lại chẳng cùng sáu mươi hai kiến mà xen lẫn vậy. Chẳng tự cống cao cũng chẳng tự hạ thấp mình. Có lợi, không lợi, hoặc khen hoặc chê, hoặc nổi tiếng, hoặc mất tiếng, hoặc khổ, hoặc vui, qua khỏi tám việc của thế tục, cống cao tự đại, khiêm ty, cung thuận. Cõi tục có hai mươi mốt việc chẳng cùng hợp đồng. Trừ khử mọi phiền não, chẳng bị ngu tối, tỉnh thức ngủ nghỉ, thoát những sợ sệt, chẳng cùng tội hợp và các tâm cấu bẩn, chẳng tiêu trừ năm ấm nên đến với sinh tử, ma thân, ma tội, ma chết, ma trời mà chung hòa hợp vậy. Tất cả chúng sinh, ngã, nhân, thọ mạng, những điều hy vọng mà tạo tác nhân duyên. Những ý niệm có hy vọng thế tục, phải vậy, chẳng phải vậy, cùng những việc sai quấy đều là nghiệp trói buộc. Có sự tham mộ là cùng giới trái ngược vậy. Chẳng phụng cấm giới hay phụng cấm giới, nhẫn nhục hay sân nhuế, tinh tấn hay giải đãi, nhất tâm hay loạn ý, trí tuệ hay ngu tối, do độ vô cực mà cống cao hay khiêm tốn…đều lìa khỏi những việc đó, trụ vững hay chẳng trụ thì gọi là Phạm Chí vậy. Định ý kiên cường, công đức cương nhu, tiêu tất cả niệm, khiến không có còn, liền thuộc vô vi, đất nước tốt, xấu, chúng sinh cát hung, tất cả thiện ác, ngu tuệ, thức minh, sinh tử diệt độ, chắc chắn cùng chẳng chắc chắn lìa tất cả niệm. Trí ấy thì không có sự nhìn thấy. Không có thấy, không có tướng, chẳng tưởng Nê hoàn. Sao gọi là tuệ? Xem xét tính toán tám pháp công đức, hiểu rõ tám pháp. Sao gọi là tám? Hiểu được năm ấm, tỏ rõ bốn đại, hiểu thấu sáu suy, phân biệt bốn đế, thông đạt mười hai duyên, thông suốt ba đời, phân biệt nhận thức được tất cả La hán và Duyên giác đến Bồ tát, diễn các pháp. Sao gọi là hiểu năm ấm? Những việc sinh diệt giống như huyễn hóa, như việc thấy trong mơ, như cây chuối, như ngựa hoang, như tiếng vang trong núi, như hình tượng trong gương, như bèo bọt trong nước. Quan sát đến các sắc, ngã, nhân, thọ mạng mà hiểu thấu sắc như thế này, thọ (thống) như bọt nước, tưởng như ngựa hoang, sinh tử như cây chuối, thức như huyễn hóa. Kể bọt nước, ngựa hoang, cây chuối, huyễn hóa là sở dĩ vì sao? Đây là vi diệu vậy. Sự vi diệu ấy là vô ngã, vô nhân, vô thọ mạng. Đó là hiểu năm ấm, ngã, nhân, thọ mạng giống như huyễn hóa vậy. Thức cũng như huyễn đó, đó là hiểu năm ấm. Năm ấm rơi vào thế tục. Tướng thế tục thì thoáng hiện liền không có. Đó là tướng của cuộc đời. Tướng đời ấy là nghiệp vô thường, khổ, không, vô ngã. Hiểu biết tướng ấy như thế thì gọi là hiểu năm ấm. Sao gọi là tỏ rõ bốn đại, đất nước gió lửa? Pháp giới ấy thì chẳng là cương cường. Nước là pháp giới thì không có nước. Lửa cũng là pháp giới thì chẳng do tự nóng. Gió là pháp giới thì chẳng dùng lay động. Bốn đại ấy là sự nhận biết của mắt đối với pháp giới. Chẳng dùng mắt nhìn mà nhìn biết hết. Pháp giới ấy là chẳng dùng tai mà nghe tiếng. Mũi chẳng hướng đến hương, miệng chẳng nếm vị, thân chẳng tiếp xúc, ý chẳng chấp trước pháp nhưng đều hiểu thấu pháp giới, đều đã đầy đủ. Pháp giới chúng sinh như giảng trao. Pháp giới thán tình chí tánh bình đẳng, bình đẳng như xưng nói. Pháp giới Dục giới cũng bình đẳng như xưng nói. Pháp giới Sắc giới, Vô sắc giới đều bình đẳng như xưng nói. Cõi sinh tử, cõi Nê hoàn, cõi Pháp thân bình đẳng xưng nói như rỗng không. Pháp giới cũng như không. Sở dĩ vì sao? Vì có đức không có đức cũng bình đẳng như không mà không có cái khác, cũng chẳng thể lường, đều chẳng thể xưng tán. Nê hoàn ấy cũng lại như vậy chẳng thể giảng nói. Vào pháp giới này thì đó gọi là Trí hiểu rõ bốn đại. Sao gọi là sáu suy? Như giải nói rằng, mắt ấy cũng không mà không ngô ngã, cũng chẳng vô ngã, chính đó cũng đều không. Sở dĩ vì sao? Vì giải được ngã không thì ở tại các suy mà chẳng bị suy. Đó gọi là hiểu thấu đến sáu suy. Tính chắc chắn sáu suy, chẳng chấp trước, chẳng đoạn tuyệt thì đó là Bồ tát hiểu đến sáu suy. Mắt thấy sắc là cái nhìn của suy chẳng đọa. Sở dĩ vì sao? Vì chẳng giữa đường thủ chứng. Tai, mũi, miệng, thân, ý cũng đều như vậy. Đó gọi là Bồ tát hiểu đến sáu suy. Sao gọi là sáu suy? Bồ tát ấy có thể phân biệt sáu suy. Phân biệt sáu suy rồi liền vào đến đạo. Chẳng phân biệt sáu suy thì chẳng phải là đạo. Lại như Bồ tát xử dụng đại ai nên chẳng gần chẳng xa, vì chúng sinh nên chẳng bỏ đại đạo, cũng chẳng lìa bố thí. Đó gọi là Bồ tát hiểu thấu sáu suy. Sao gọi là phân biệt bốn đế? Biết khổ, tập, tận, đạo, chẳng được ngũ ấm xứ thì đó gọi là biết cái sinh ra khổ là tập. Sắc hiện ra liền diệt thì gọi là Tận. Đắc đạo, không đắc đạo mà tâm bình đẳng trụ nên gọi là đạo. Bồ tát biết bốn đế mà chẳng thủ chứng. Sở dĩ vì sao? Vì hộ trì tất cả vậy. Đó gọi là phân biệt bốn đế. Lại có ba việc. Sao gọi là ba? Tướng chân đế ấy xét hiểu Như bản (gốc chân như). Lời nói của thế tục ấy là giả có hiệu vậy. Liễu ngộ chân đế thì tâm chẳng nghĩ có không. Xét hiểu gốc là tất cả các sắc đều là bình đẳng. Sở dĩ vì sao? Vì chẳng giữa đường thủ chứng, lấy tướng làm ứng thì đó gọi là phân biệt bốn đế – Ngài A Soa Mạt Bồ tát nói – Đế ấy có một không có hai. Sở dĩ vì sao? Vì đức Như Lai Chí Chơn không có gì hy vọng, cũng chẳng tưởng cầu sắc cùng vô sắc. Không điều hy vọng vừa được ở trong ấy chính là phân biệt bốn đế. Lại có khổ của năm ấm chính là tướng của phiền não. Ưa hiểu “không” thì đó gọi là Khổ đế. Thông đạt năm ấm là từ duyên khởi thì gọi là Tập đế. Việc thấy muôn vật đều có tưởng cầu, phân biệt rõ ràng ý ấy mà chẳng tham mộ, tuy chẳng cầu mà cũng lại chẳng quên. Đó gọi là bình đẳng biết nghĩa Tận diệt. Chẳng cùng sự việc quá khứ, vị lai và hiện tại hôm nay mà chung đồng trần, cũng chẳng trụ ở trong. Đó gọi là Tận đế. Muốn đạt đến đạo, liễu ngộ được Khổ, Tập, Tận chẳng trụ ở hai việc. Cái gọi là hai việc là do dự, lưới kết sử. Đó gọi là Tận đế. Quan sát chắc chắn đó, biết đó là khổ thì đó là Bồ tát phân biệt được bốn đế. Tất cả sự thấy khổ vui, thiện ác mà lòng nhìn thấy rõ hết gốc ngọn của thế gian. Đó gọi là biết khổ. Các duyên đều khổ thì đó gọi là Tập. Hiểu thấu cái khổ của thế gian, chẳng lấy làm cầu mong. Tuy chẳng cầu mong mà chẳng rơi vào tận chứng. Sở dĩ vì sao? Vì chẳng giữa đường thủ chứng. Đó gọi là Bồ tát nhân biết mà cầu đạo. Giống như muốn qua dòng nước mà chẳng tìm thuyền thì chẳng thể vượt ngang qua. Suy nghĩ phương tiện ấy hoặc được tấm ván gỗ cưỡi lên trên ấy để có thể được qua. Sở dĩ vì sao? Vì chẳng ưa, chẳng độ, chẳng sầu tại khổ. Tạo tác hạnh đó thì trụ đúng như lời dạy của bốn đế. Chẳng dùng sắc tranh tụng mà rơi vào thủ chứng thì đó gọi là Bồ tát phân biệt được Đế vậy. Ý xem xét khổ của sinh mà khổ từ duyên sinh, cũng chẳng từ duyên thì đó gọi là biết sinh. Tất cả sự sinh cũng không có sinh, không có khởi, cũng chẳng diệt tận, chẳng hưng khởi ý diệt thì đó gọi là ý tịch mà khổ diệt vậy. Ưa biết cầu thắng mà điều phục tâm ý ấy, giải nhập vào Tịch Ý này. Đó gọi là biết đạo mà chẳng trụ ở trong ấy. Sở dĩ vì sao? Vì Tuệ không trụ vậy. Đó gọi là Bồ tát phân biệt biết bốn Đế.
Sao gọi là đạt đến mười hai nhân duyên? Gọi là nhân vô minh thì liền đến với sinh tử. Theo như lời các pháp giáo thì cái có sinh ấy rõ ràng chẳng thể thấy, cũng chẳng thể biết. Sở dĩ vì sao? Vì không có sinh nên cũng chẳng phải chẳng sinh. Do rõ được việc nhân duyên như vậy nên duyên cầu Nê Hoàn đế, thấu rõ sở hạnh của chúng sinh chẳng bình đẳng, có thượng, trung, hạ. Duyên tác tội phước nên tạo sự hành đạo. Duyên điều sẽ đạt đến thì hưng khởi duyên Vô Sinh. Tu các nghiệp pháp thì cùng với đạo hòa hợp. Đó gọi là hiểu mười hai duyên. Giả sử không có duyên đó thì tiêu trừ vậy. Sở dĩ gọi tiêu trừ là gọi Vô minh diệt. Vô minh diệt tức là lão bịnh tử diệt. Lão, bịnh, tử diệt rồi, điều này có thể đạt thì hiểu được mười hai duyên. Các nhân sở hữu đều là sự thâu tóm của pháp các duyên sở hữu đều là sự hợp thành của pháp. Nhân duyên ấy hợp thành chẳng phải ta, chẳng phải đó, cũng lại chẳng phải ngã, nhân, thọ mạng, đều không sở nhập. Như vậy nhập (vào) là chẳng ở tại tất cả các sở hữu vậy. Ý ấy hiểu khắp mười hai duyên này. Bồ tát đều muốn đầy đủ các pháp. Đủ các pháp rồi thì đều rõ vô thường mà chẳng rơi vào thủ chứng. Sở dĩ vì sao? Vì cứu hộ chúng sinh vậy. Đó gọi là Bồ tát hiểu thấu mười hai duyên. Sao gọi là sáng ba đời? – Biết hết ý quá khứ có đức hay không đức, quán thân người khác bình đẳng không có khác. Sở dĩ vì sao? Vì thân có lầm lỗi, người khác có lỗi, đều đứng ra hối lỗi thay và tạo tác phước đức. Nhân phước lộc này, phát tâm cầu đạo. Đó là công đức quá khứ của Bồ tát. Ý tạo tác công đức ở đương lai ấy đều dùng phát tâm lập nguyện Bồ tát. Những điều phát tâm dùng để hộ ngăn, nắm giữ lòng kiên cố chẳng thọ ý vẩn đục. Đó là phước đương lai. Hiện tại hôm nay, sự tạo tác cầu đức của ý là do chính mọi duyên. Đó là công đức bỏ hết các bẩn, chẳng theo lời dạy sai quấy, là chẳng lìa khỏi đức. Sở dĩ vì sao? Vì gần với Phật đạo, chính là phước của hiện tại. Xem xét quá khứ, vị lai và hiện nay, tin ba đời rỗng không. Quan sát pháp ba đời thì dùng trí tuệ khuyến trợ trăm họ. Với Phật quá khứ, vị lai và hiện nay thì dùng phương tiện thiện quyền. Đó gọi là sáng ba đời các pháp quá khứ tận. Sở dĩ vì sao? Vì chẳng thể thấy. Chẳng dùng đức quá khứ mà biến đổi tâm ấy. Các pháp đương lai thấy không sở sinh, chẳng do sự nghi ngờ đó. Xem xét pháp hiện tại cũng không sở trụ thì không xứ sở. Sở dĩ vì sao? Vì chẳng bỏ tâm đạo. Đó gọi là sáng đến ba đời khắp đạt trí tuệ. Quá khứ đã diệt, đương lai chưa đến, hiện tại không trụ, trí không phá hoại, Bồ tát hưng khởi đức đều muốn hợp đồng. Vậy nên gọi là sáng đến ba đời, dùng tuệ nghĩ đến công đức quá khứ. Sở dĩ vì sao? Vì sở tác hôm nay đều là phước đời trước, là nguyên nhân của sự phát tâm đương lai vậy. Nghiệp trí tuệ ấy đầy đủ sở nguyện. Việc tạo tác công đức hiện tại ấy chẳng lấy làm khó. Sở dĩ vì sao? Vì là nguyện của Bồ tát vậy. Đó gọi là sáng đến ba đời vì những chúng sinh ở đời quá khứ biết hết sự tạo tác công đức. Sở dĩ vì sao? Vì hộ chúng sinh vậy. Sự dạy bảo thuở xưa đến nay tiếp tục chuyển hóa họ. Sự giáo huấn là muốn khiến cho những người ấy thấy thần túc biến hóa của các đức Phật đương lai mà đối với nghĩa đạo pháp liền có tăng thêm. Có tăng thêm rồi thì cũng tăng thêm phước lợi cho các quần lê. Đức Phật đã ra đời thêm nhiều ích lợi mà lời thề nguyền ấy đều không ngăn ngại thì đó gọi là sáng đến ba đời.
Sao gọi là hiểu rõ La hán và Duyên giác thừa, các đức của Bồ tát? Nếu không Phật thì không có La hán. Phật ra đời thì có pháp La hán. Pháp La hán là nhân nghe tiếng mà lý giải. Người được Thanh văn thì liền hoàn bị giới cấm. Giới cấm đã hoàn bị thì gọi là theo đúng như giới. Đã đúng như giới thì đủ giới, định, tuệ, độ tri kiến phẩm. Đó gọi là hiểu rõ Thanh văn. Từ cái duyên đó được A la hán, biết có đức, không có đức mà liễu ngộ phi thường, được thoát sinh tử, ở tại ba cõi chán hết mọi dục, thông đạt phi (vô) thường, khổ. Sở dĩ vì sao? Vì các pháp vô thường, Nê hoàn kia tịch tịnh cũng không sở hữu, chẳng cầu sở sinh. Sở dĩ vì sao? Vì sợ sinh tử vậy. Người sợ sinh tử thì chẳng tin nghiệp thế tục, coi thân như oán thù, bốn đại như rắn độc, sáu suy trống rỗng…chẳng nguyện sinh ra năm đường xoay vần, thọ nhận Nê hoàn hộ (trì). Người hành như vậy là hiểu rõ Thanh văn. Sao gọi là hiểu biết Duyên giác thì các Bồ tát đều biết? Sao gọi là sự tạo lập đức của Duyên giác? Là sự hưng tạo công lộc vượt lên trên La hán. Sở dĩ vì sao? Vì việc hành tinh tấn siêu việt hơn lên, bố thí, trì giới, Thanh văn chẳng theo kịp. Sở dĩ vì sao? Vì việc làm của Thanh văn, lòng họ dồn chứa chẳng bao nhiêu, việc cúng dường Phật tuệ chẳng đủ nói. Đã vào Phật pháp thì sở học của họ ưa nhỏ, chẳng ngu, chẳng tuệ. Sở dĩ vì sao? Vì nghe mọi âm thanh vui mà chán ghét chúng. Sở học của họ ít thôi, thường ưa ôm hận, nương theo đức lớn gắng hỏi mà ưa việc tôn quí, hưng khởi việc thí cho, nghĩ đến mười hai duyên. Do toan tính cầu được giải thoát thân mình mà riêng tin giữ đạo theo duyên khởi hạnh mà kiến lập công đức. Đó gọi là hiểu biết Duyên giác.
Sao gọi là giải thông suốt nghiệp Đại thừa mà vào hiểu rõ đức chẳng thể xưng kể ghi chép? Thừa ấy rộng lớn mênh mông vô cùng cực, vì lũ chúng sinh hành phương tiện thiện quyền. Đức ấy trang nghiêm chẳng lấy làm khó đều ban cho theo sự ưa thích của chúng sinh, dùng độ vô cực giáo hóa thành tựu Đại thừa, biết hết sở hạnh của tất cả lòng người, muốn độ thoát họ vượt mọi duyên khởi, chẳng cho là Phật đạo khó được vậy. Lại đem ánh sáng soi đến chúng sinh. Tâm ấy đặc biệt tôn quí tuyệt vời không ai bằng, độ tất cả khổ, hiểu rõ các pháp, không có ấm cái, hàng phục mọi tà đều khiến cho thanh tịnh nhu hòa, tổng nhiếp ba mươi bảy phẩm đạo pháp, uy đức đặc thù như dựng tràng phan, sống với mười hai duyên mà chẳng đắm trước, chẳng đoạn tuyệt. Những điều được thấy như lo buồn, thùy miên (ngủ mê), dâm dục, sân nhuế, điều hí, việc chẳng được…đều xa lìa hết. Chân thật dùng Phật tuệ và những vẻ đẹp của tướng mà làm trang sức, dùng thừa mà trang nghiêm hạnh của thân, miệng, ý mình. Sở dĩ vì sao? Vì không có tội lỗi. Đó gọi là công đức Đại thừa. Công đức của Đại thừa tức là độ thoát chúng sinh khắp trên trời dưới đất. Sao gọi là độ tất cả chúng sinh? Các pháp đều hợp gọi là thoát chẳng thoát. Thoát chẳng thoát là công lộc của Bồ tát Đại sĩ tràn đầy nối tiếp. Đó gọi là thoát. Hiểu rõ sự hưng tạo công đức trong sinh tử là do thân, miệng và lòng. Dùng sáng suốt để hiểu rõ miệng tạo tác công đức, thân kiến lập phúc lộc. Đó là ba việc hành động của thân, miệng, lòng trong sinh tử. Bồ tát do duyên hiểu biết giải thoát liền nguyện xin Nhất thiết chủng trí và các thông mẫn tuệ. Đó gọi là minh đạt. Thoát rồi lại hiểu những cái chẳng thoát. Năm độ vô cực vào trí độ vô cực gọi là thoát thì chẳng lấy làm khó. Giải thấu độ vô cực thường tổng nhiếp hết. Bồ tát thiện quyền đều nhờ ánh sáng soi đến tất cả. Sở dĩ vì sao? Vì do bốn việc gồm đến người khác, không ngã, không nhân, không thọ, không mạng, không nắm lấy, không xả bỏ. Vậy nên phân biệt, dùng nguyên cớ giải thoát tạo tác nguyện Bồ tát để minh giải độ thoát. Đó gọi là ở trong sinh tử được tiến tới dần từng chút do không sở đoạn. Không sở đoạn thì chẳng diệt, chẳng sinh. Chẳng diệt chẳng sinh thì đó là không có gì phá hoại Bồ tát. Sở dĩ vì sao? Vì chẳng tùng sự cùng người ngưỡng mộ thế lực. Do đó cho nên gọi là phân biệt chưa giải thoát, không, vô tướng, vô nguyện. Dùng pháp này xem xét hiểu rõ các kiến tín của Bồ tát. Sở dĩ vì sao? Vì ở trong ba giải thoát có thể chẳng đọa lạc. Vậy nên nói rằng chưa giải thoát, gọi là chẳng thủ chứng. Ở tại ba cõi mà không bị đắm trước thì đó gọi là thoát. Tuy ở tại ba cõi mà thi hành phương tiện rộng rãi. Sở dĩ vì sao? Vì sử dụng minh trí nên chẳng rơi vào thủ chứng. Đó gọi là hiểu rõ đức giải thoát. Pháp công đức đã tạo đều do đầy đủ các thông mẫn tuệ mà đã đủ thông tuệ thì chẳng lìa khỏi phổ trí, là hiểu rõ các pháp – Ngài A Soa Mạt nói với ngài Xá Lợi Phất – Đó là tám pháp sự hợp cùng trí tuệ mà chẳng thể tận. Đó là pháp trí tuệ bao hàm sự hiểu biết phân minh để có thể phân biệt rõ ràng đúng như Phật pháp, không có thù dị. Sở dĩ vì sao? Vì đã trừ khử căn cớ thùy miên phi pháp thì tức là nguyện lực liên đạt đến đạo pháp. Ánh sáng trí tuệ của tuệ tướng các kinh điển chiếu soi đến bản tế mà đã vào tuệ thì các dục kiến đều đã hiểu rõ có thể đến Nê hoàn, tổng trì tuệ nên chẳng xả bỏ đạo pháp, đã tin trí tuệ thì mọi cấu bẩn đều tiêu trừ. Đại trí ấy chính là nguyên thủ của các pháp vậy. Tự nhiên tuệ thì không có sư chủ, giải thấu hết các dục mà không chấp trước. Sở dĩ vì sao? Vì nhân đạt đến ánh sáng của Đạo, dùng tuệ đoạn căn nên chẳng thể tận. Mọi tưởng đều rỗng không mà sở dĩ tạo căn là do si tối nên muốn đạt đến Thánh minh thì dùng thuốc tuệ mà giáo hóa kẻ giữ đạo đều được chánh trụ. Có người đến học thì dùng tuệ dạy răn đều khiến cho họ được sở đắc, dùng ánh sáng trí tuệ soi rọi hết si tối đều khiến cho họ được sáng. Nếu người không mắt thì khiến cho được pháp nhãn, được nhìn thấy thông suốt, ánh sáng tuệ vô dư đều vượt các sắc, tuệ chân đế không kết lưới nữa, dùng tuệ để dạy bảo. Nếu kẻ chẳng phục thì đều khiến cho họ đều tự qui hàng. Vì những người tối tăm hiển hiện mắt trí tuệ, tuệ chẳng thể tận không đâu chẳng vào, không hành động gì chẳng chu toàn. Sở dĩ vì sao? Vì suốt thông mười hai nhân duyên, đã tuyên dương minh trí, hiểu rõ các phược trói buộc khiến cho không lầm lỗi, chẳng vì sinh tử mà mê man – Ngài A Soa Mạt nói với ngài Xá Lợi Phất – Bồ tát Đại sĩ dùng tuệ nắm lấy chung hết, vào trong lòng chúng sinh, tùy theo hành động của họ, thấy hết ý niệm trong lòng, minh giải phân biệt mọi quần lê (chúng sinh). Người không công đức thì Bồ tát tuệ dẫn đường đến lợi ích. Trí tuệ Bồ tát khắp cùng hết các thừa Thanh văn, Duyên giác, lên đến bậc Chính Giác. Đó là Tuệ xứ. Bồ tát học ấy gọi là Trí tuệ mà chẳng thể tận.
Khi diễn giảng Trí độ vô cực thông suốt chẳng thể tận và tuyên nói. Đạo phẩm pháp thì ba vạn hai ngàn Bồ tát đều được pháp nhẫn Vô Sở Tùng Sinh.
Ngài A Soa Mạt Bồ tát lại nói với ngài Xá Lợi Phất rằng:
– Bồ tát Từ Thị mà chẳng thể tận. Sở dĩ vì sao? Vì từ ấy rộng lớn không bờ cõi. Lòng nhân (từ) như hư không chẳng thể hạn lường. Sở dĩ nó vô biên là vì giống như bốn đại của chúng sinh như hư không, không đâu chẳng khắp cùng. Bồ tát dùng từ che chở khắp cũng như bốn đại, đất nước lửa gió, chẳng thể xưng nói hạn lường nên chẳng thể tận. Từ rộng lớn của Bồ tát cũng lại như vậy, chẳng thể cùng cực nên nói rằng “vô tế”. Giống như hư không vô biên, tất cả bốn đại đều chẳng thể lường, chúng sinh vô tận nên lòng nhân từ chẳng thể giới hạn. Vậy nên lòng đại từ của Bồ tát vô tận.
Lúc bấy giờ, ngài Xá Lợi Phất hỏi ngài A Soa Mạt rằng:
– Bốn đại chúng sinh tính chẳng thể tận thì làm sao gọi được?
Ngài A Soa Mạt nói rằng:
– Đất nước lửa gió, số ấy hơn cả dược thảo, rừng rậm.
Ngài Xá Lợi Phất lại hỏi:
– Ngài có thể vì chúng sinh nên dẫn thí dụ ư?
Ngài A Soa Mạt đáp:
– Có thể giả mượn thí dụ! Chẳng thể lấy dân chúng làm số cực cùng!
Ngài Xá Lợi Phất lại hỏi:
– Thí dụ ra sao?
Ngài A Soa Mạt đáp:
– Giống như Đông, Tây, Nam, Bắc, bống phương bàng, phương trên, phương dưới hợp làm thế giới mà mỗi thế giới có số cõi Phật mười phương nhiều như cát sông hợp làm biển lớn. Chọn lấy hết tất cả số người trụ ở bờ biển mà mỗi người dùng một sợi lông để lấy số nước biển. Lấy một giọt nước ví cho số người nhiều bằng cát một dòng sông. Lấy hai giọt nước ví cho số người nhiều bằng cát hai dòng sông. Cứ như vậy tính số giọt cho hết nước của biển lớn mà hạn lượng của chúng sinh chẳng thể tận cùng cực. Bốn đại của quần lê cũng chẳng có thể tính cũng lại như vậy. Đại từ của Bồ tát không đâu chẳng khắp cùng – Ngài A Soa Mạt Bồ tát nói với ngài Xá Lợi Phất – Nếu có thể hoằng từ thì phước đức đáng mừng ấy chẳng thể tận cùng cực.
Ngài Xá Lợi Phất nói rằng:
– Thật chẳng thể tận!
Ngài A Soa Mạt nói rằng:
– Nếu có Bồ tát nghe số lượng chúng sinh chẳng thể cùng tận mà chẳng sợ chẳng kinh, chẳng ôm lòng tủi thẹn thì đó mới nên gọi là Từ chẳng thể tận – Ngài A Soa Mạt nói với ngài Xá Lợi Phất – Hoằng từ ấy chính là sự hộ trì của Bồ tát mà lại vì nghiệp chúng sinh có công hiệu. Sở dĩ vì sao? Vì không có mất vậy. Mọi thô ác dữ dằn đều tiêu trừ vĩnh viễn, hàng phục mọi nộ hại và các ái dục. Kẻ ấy nếu có người thấy thì không ai chẳng vui lộ ra mặt. Sở dĩ vì sao? Vì không có các tà vạy. Những sự sợ hãi đều tan tác hết. Đạo ấy đoan chính mà không thiên lệch tà vạy có thể giáo hóa dẫn đường cho những kẻ loạn tâm. Nếu kẻ ấy có nguy nan thì Bồ tát đến nơi an ủi cứu giúp. Sở dĩ vì sao? Vì muốn độ thoát vậy. Các trói buộc của cõi hữu không gì chẳng giải tán được, những kẻ dua nịnh thì tu hành đầy đủ chất phác, chỉ học yếu nghĩa của đạo, chẳng hâm mộ thế vinh, đều được sự phụng kính của Đế Thích, Phạm Vương, thường quan sát bằng trí tuệ nên không đâu chẳng nhìn thấy. Sở dĩ vì sao? Vì hộ chúng sinh vậy. Tu bốn đẳng tâm, chẳng mang lòng khác bỏ hết trần lao, vào yếu nghĩa của Phật đạo, tổng trì tuệ nghiệp, dùng đức tự trang nghiêm, vượt qua mọi đức, ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp đều đầy đủ cả, không gì chẳng hoàn bị. Độ thoát khoái thay! Khoái thay! nê hoàn hiển hiện dẫn đường chúng sinh! Chẳng ở tại nơi có tám tủi thẹn (?), chẳng ở đất nhàn cư, ưa lấy pháp tự làm vui, tổng nhiếp lấy mọi dục, chẳng tham vương thổ, lòng bình đẳng với chúng sinh, sở hạnh không khác, làm thanh tịnh Phổ Tuệ này. Nếu có người phạm giới thì đều nuôi hộ họ. Hiện sức nhẫn nhục không được tự dụng mà ôm lòng kiêu mạn, buông lung, chẳng bỏ tinh tấn, thiền tư, nhất tâm, tam muội chánh thọ. Lòng ấy chẳng loạn nhờ nghiệp trí tuệ, những điều thính thọ đầy đủ hoằng từ. Những điều đó từ thân phát ra chẳng nương nhờ, ngưỡng mong ở người, chẳng theo lời dạy của ma. Sở dĩ vì sao? Vì thu hoạch được sự yên ổn lớn. Nhờ trí tuệ hiểu được sự xấu hổ những phi pháp, bớt hẳn mọi bệnh, che hộ chúng sinh, thường tự an thân, cũng làm yên tất cả. Pháp của La hán thì chỉ muốn tự hộ, chẳng hộ chúng sinh. Bồ tát sẽ dùng Đại Từ thêm thương tất cả.
Ngài A Soa Mạt Bồ tát nói với ngài Xá Lợi Phất rằng:
– Từ có ba việc. Những gì là ba? Một là Từ thí tất cả, hiểu rõ pháp từ thí bình đẳng. Hai là Từ chánh chơn bình đẳng. Ba là thường dùng Phổ Từ gia hộ chúng sinh. Sở dĩ gọi là Đẳng bởi vì khi phát tâm Bồ tát thì Từ cùng Pháp bình đẳng gọi là nghiệp thành tựu. Hưng khởi Phổ từ bình đẳng, nhân đó thành tựu nhẫn nhục. Đó gọi là ba việc Từ chẳng thể tận.
Ngài A Soa Mạt nói với ngài Xá Lợi Phất rằng:
– Bồ tát Đại sĩ phụng Vô Cực Ai mà chẳng thể tận. Sao gọi là người? Cái gọi là người thì lấy hơi thở làm gốc. Gốc ấy gọi là mạng. Chí hạnh của Bồ tát lấy Ai làm gốc để thành tựu Đại thừa vậy. Còn vua Chuyển luân lấy tử ma kim luân (vòng bánh xe vàng tía) làm nguyên thỉ, nhiên hậu bảy món báu liền đến đầy đủ. Đại thừa Bồ tát cũng lại như vậy. Nhờ có Đại Ai mà pháp bảo của chư Phật phổ biến đầy đủ khắp cùng. Giống như ông trưởng giả ưa thứ nhạc vi diệu thanh hòa. Tiếng nhạc ấy ai mỹ vào đến cốt tủy. Bồ tát Đại sĩ đạt đến hoằng ai, thương nghĩ chúng sinh quá hơn cốt nhục. Giống như ông trưởng giả có con một nên yêu vô cùng cực. Nghiệp Bồ tát lấy Đại ai làm gốc, nhiên hậu đầy đủ cả. Sở dĩ vì sao? Vì Bồ tát vì tất cả giáo hóa Đại ai không dua nịnh. Hành động không dua nịnh thì có hoằng ai (thương xót rộng lớn), liền chẳng tự đại, chuyên ý tự dụng, cũng chẳng phô trương rỗng…cho đến hành động chân chính. Trong lòng rất thẳng mà không có khác. Đó là hoằng ai. Sở dĩ vì sao? Vì không có lòng tà, đã đạt đến sự thương xót. Lòng ấy thuần thành cũng không kiêu mạn mà tự buông thả, thuận theo tất cả, dỗ dành, sách tấn, khai hóa mà độ thoát họ. Thân không có gì hao tổn là nhờ thế lực. Chẳng tham thọ mạng thì tự yêu mình, mọi ác lìa tan, che hộ chúng sinh. Lòng ấy đã tịnh, chẳng bỏ nghèo thiếu, các ách nạn. Sở dĩ vì sao? Vì chẳng lấy làm nhọc nhằn. Lòng ấy kiên cố tức là mẫn ai. Lòng ấy chẳng thoái chuyển thì vào Đại Đạo. Chân ý của Bồ tát có khả năng siêng nuôi dưỡng hộ trì thì đó là Đại ai. Nếu được các đức Phật tác chứng giải minh thì cũng được tự mình chứng minh cúng dường. Lại nữa, đạt đến đại ai thì lòng ấy thanh tịnh, việc làm không khác. Sở dĩ vì sao? Vì có thể bỏ sự yên ổn của mình mà tạo yên ổn cho chúng sinh. Thấy kẻ nguy ách thì thân muốn thay cho họ. Lòng chẳng mang hận, gánh vác tất cả chẳng lấy làm nặng, lòng bền tinh tấn. Đó gọi là Ai. Sở dĩ vì sao? Vì có thể nhẫn nhục vậy. Nếu có người gầy yếu thì nuôi hộ, phò trợ họ. Nếu có người bệnh mà thân thể hôi thối thì đối với họ lòng chẳng nhờm tởm. Muốn bằng sự lao nhọc đến với mọi nguy nan, thỉnh mời người giảng pháp chẳng lấy làm mệt mỏi, đầy đủ đạo tâm, tùy theo sự vui mừng của từng người. Những kẻ mừng theo dị học cũng đều được khai giải. Bồ tát thường bảo giữ công đức để làm trang nghiêm thân, các căn đầy đủ mà chẳng rơi vào khổ nạn. Nhân thành thục lòng mẫn ai, bình đẳng vô dư để yên ổn tất cả. Sở dĩ gọi là ai là vì không người tranh tụng. Sở dĩ vì sao? Vì không tham nên mới có thể đầy đủ ai. Lòng không hối hận, thường hộ cấm giới, ưa dẫn đường lợi cho hết tất cả chúng sinh. Thân như Kim cương, chẳng thể hủy thương. Đem thân ban cho không hề nuối tiếc, khuyên giúp người khác khiến cho họ hưng tạo công đức. Đó là mẫn ai. Tuy thân lập đức mà ôm lòng mừng vui chẳng bằng khuyên người kiến lập phúc lộc, chẳng dụng tâm ở niềm vui thiền. Sở dĩ vì sao? Vì thường vì tất cả. Đã ở tại trong dục suy nghĩ quan sát đạo tuệ chẳng lấy làm nhọc nhằn. Đó là mẫn ai. Việc tạo công đức chưa từng lười mệt. Làm vô úy thí, từ bỏ lòng tham lận, muốn khiến cho chúng sinh đều thành sở nguyện. Người suy nghĩ khai đạt thì liền khiến cho kiến lập Vô cực Đại Ai. Sở dĩ vì sao? Vì Bồ tát lấy giải khải, ủng hộ, khuyến lệ, khen ngợi, dẫn đường làm đầu vậy. Nếu có người phạm giới và bài báng thì Bồ tát tịch định chẳng nghĩ đến những lời nói đó. Sở dĩ vì sao? Vì Bồ tát thường dùng Phật giới dạy bảo mười phương. Nếu có người làm ác thì đem lòng thương xót họ, đem nhẫn của Như Lai mà răn bảo, không ngước nhìn bè đảng thế lực và ngu tối. Sở dĩ vì sao? Vì giáo hóa khiến cho người ấy vào bên trong Phật pháp. Bồ tát dạy khắp mọi người khiến cho họ học được ba mươi hai “ai” của đức Phật mà “ai” cũng chẳng thể tận.
Ngài A Soa Mạt lại nói với ngài Xá Lợi Phất rằng:
– Tất cả việc bố thí của Bồ tát Đại sĩ đều lấy “ai” làm gốc nên gọi là kiến lập Vô cực Đại Ai. Bồ tát cũng đều ứng dụng bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, nhất tâm, trí tuệ, sáu độ vô cực và cũng lại hoàn bị ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Sở dĩ vì sao? Vì Bồ tát, một mình có thể bước đi, không ai có thể làm thầy. Việc tu hành yên ổn chắc chắn mà không lầm lỗi, dùng trí tuệ và tình thương thành tựu tất cả chúng sinh nên gọi là Ai của Bồ tát là chẳng thể tận. Sở dĩ vì sao? Vì suy nghĩ, xem xét pháp điển thì tâm ấy vui vẻ, chẳng lấy làm nhọc nhằn, xả bỏ các âm nhạc, chẳng lấy làm ưa thích, lòng khắp trụ ở pháp, lấy pháp tự làm vui, thân ý hàng phục. Sở dĩ gọi là phục là vì thấy việc làm của người chẳng phù hợp nghĩa lý thì dựng tóc gáy (sợ), lòng buồn rơi nước mắt. Người ưa thích đạo Bồ tát thì lòng ấy kính ưa, nguyện lấy đủ các vẻ đẹp và ba mươi hai tướng của thân Như Lai làm trang nghiêm. Công huân đối với các pháp là thường muốn nghe kinh chưa từng no chán, luôn luôn nắm lấy kinh văn, thường muốn kiên trì. Do ứng với pháp thì chẳng do thế vinh mà hoài bão ở trong lòng, thường dùng niềm vui của pháp mà lấy làm tự vui sướng. Lòng bình đẳng với tất cả, tùy theo sự vui mừng của họ mà khai hóa cho. Sở dĩ vì sao? Vì đều khiến cho họ được đúng như pháp giáo của đức Phật. Đó gọi là hành hỷ. Nắm giữ ý, hiểu biết rộng lớn mà chẳng trái pháp chí chơn của đức Như Lai, thông suốt uy linh. Kẻ yếu hèn ấy thì lòng chẳng mộ pháp. Những người tham ái thì lòng chẳng thanh tịnh. Tuy Bồ tát ở tại Tam Tạng mà chẳng ôm lòng tự đại, có thể với người cẩn thận thì thay họ mừng vui. Với kẻ phạm sai quấy ấy thì thêm cho họ lòng thương xót, hiển bày con đường đạo. Thân tâm đã vượt qua nỗi sợ hãi đường ác, kiên phụng giới pháp giống như điều cấm của Như Lai ngang bằng không sai khác. Nếu có người chửi mắng thì lòng chẳng nổi sân nhuế mà điều phục khiến cho lòng nhẫn nhịn nhu hòa…Tôn kính bậc trưởng lão, khiêm tốn với hàng tuổi trẻ, nhan sắc thường hòa, lòng không thác loạn, ứng đối với người thì tùy thuận, thăm hỏi trước người mà chưa từng dua nịnh. Đó gọi là hành hộ của Bồ tát mà chẳng thể tận.
Ngài A Soa Mạt nói với ngài Xá Lợi Phất rằng:
– Thần thông của Bồ tát cũng chẳng thể tận. Sao gọi là thần thông? Một là thiên nhãn, hai là thiên nhĩ, ba là biết tâm niệm của người khác, bốn là biết việc thuở xưa, năm là bay đi, sáu là lậu tận. Sao gọi là thiên nhãn? Kể ra sự thấy của mắt các trời, rồng, Kiền đạp hòa và các quỉ thần, La hán, Duyên giác chẳng bằng sự nhìn thấy của mắt Bồ tát. Sự nhìn thấy ấy vượt qua những cái thấy kia, tất cả sự nhìn thấy thông suốt không thể bì kịp. Sự nhìn thấy ấy là tôn quí, là trên hết, là rất thù diệu, lồng lộng không gì sánh bằng. Mắt Bồ tát thì không chỗ nào mà chẳng nhìn thấu đạt các đường lối. Sự thấy của mắt ấy khắp cùng vô biên thế giới của mười phương. Những sắc tượng của cõi hữu thô tế, lớn nhỏ, xa gần, rộng hẹp…đều dùng thiên nhãn nhìn thấy hết, mỗi mỗi đều phân biệt rõ ràng. Nhờ thiên nhãn đó thấy được mười phương rồi, còn nhìn thấy trụ xứ sinh ra ở năm đường mà xem xét chỗ về sinh tử của quần lê, biết việc sẽ gặt hái kết quả của sự báo ứng ấy, nhận thức được căn nguyên ấy, cũng lại hiểu rõ các căn mạnh yếu. Những công huân thanh tịnh tươi sáng trong đất nước của các đức Phật Thế Tôn ở mười phương thế giới kia đều cũng nhìn thấy hết. Xem xét giới cấm thanh tịnh ấy, đem công huân này mà khuyến trợ cõi của mình, thường trụ ở cấm giới, sở nguyện liền thành. Dùng thiên nhãn này quan sát chư Phật, các chúng Bồ tát bất thoái chuyển địa vừa thấy ý nghĩa ấy thì các chánh sĩ liền học tập sở hạnh của các vị ấy. Chánh sĩ học tập uy nghi, lễ tiết, cử động tiến dừng, an tường hòa nhã, đứng vào cửa pháp, tổng trì biện tài, trí tuệ thiện quyền, tùy lúc phương tiện dạy, học đầy đủ. Dùng mắt chân đế thấy khắp tất cả không gì ngăn ngại, xét thấy tất cả sắc đều là hy ngụy, không một thứ gì chơn chánh. Do mắt chí thành cũng thấy giải thoát cùng với trói buộc. Do mắt chí thành nên thấy những thứ đó vốn tịnh hiển chiếu tươi sáng, ở các cảnh giới đều không chấp trước. Do mắt chí thành nên chẳng lại khởi sinh lưới kết trần lao, thấy ngần ấy tối mà chẳng mang lòng trầm ngâm. Do mắt chí thành nên chẳng trụ ở điên đảo, tất cả tệ ngại chẳng dè chừng đến pháp, sự nhìn thấy sáng suốt, dùng ánh sáng pháp mà soi sáng. Do mắt chí thành nên tuyên bố thánh tuệ, chẳng hâm mộ các hạnh nhân duyên tạo thành, chưa từng ôm hận, không kết sử, không mong chờ, chẳng nương cậy trần lao, tất cả phóng dật. Do mắt chí thành nên mổ phanh lao nhọc, kẻ chán hiền thánh thì theo căn do mà khai hóa, tướng chẳng tội lỗi thì đều khiến cho ánh sáng soi chiếu chúng sinh bình đẳng. Do mắt chí thành nên lòng ấy thanh tịnh, trừ các gốc rễ mãi mãi, khiến cho không còn, lìa khỏi tự đại, không có cấu bẩn, tâm tính thanh tịnh mà không chấp trước. Do mắt chí thành nên chứng kiến Phật nhãn, xả tâm tự tại mà chẳng ruổi dong, trừ khử hư ngụy, chẳng để yên các tật mọi nhóm kết sử. Do mắt chí thành nên đạt biết nghĩa lý, tiến lùi nẻo về. Pháp ấy tịnh thì tuệ Thánh chương cú tu hành không ngăn ngại, nắm giữ chế ngự chúng sinh, kiến lập Đại Ai, cắt bỏ loạn pháp, chắc chắn qua đến bờ kia, khiến không ngăn ngại, điều đã thấy thẩm xét chắc chắn, thân cận đạo tràng, không chỗ nương cậy, thấy người cầu xin chẳng mang lòng sân hận, răn bảo kẻ hủy giới, hộ mọi kẻ hận tâm, nuôi dưỡng người giải đãi. Kẻ ấy loạn tâm thì vì họ hiện thiền định. Người kia tà trí thì cho họ mắt tuệ. Nếu khách lạc đường thì hiển bày chính lộ. Người chí tại Tiểu thừa chỉ dạy bằng đại pháp vi diệu của Phật đạo khiến cho họ vào Phổ trí thuận theo chánh giác, chẳng phế bỏ thần thông. Đó là thiên nhãn của Bồ tát, thần thông nhìn thấy suốt vô tận.
Sao gọi là Thiên nhĩ vô tận thần thông? Do thiên nhĩ này mà nghe khắp mười phương, chẳng thể nói lên giới hạn. Những âm thanh nói lên của trời, rồng, quỉ thần, Kiền đạp hòa, A tu la, Ca lưu la, Khẩn đà la, Ma hầu lặc…, những ngôn ngữ của người cùng chẳng phải người, những ngôn từ của tất cả hiền thánh, các đức Phật, Thanh văn, Duyên giác, những âm thanh thông suốt các Bồ tát…nói chung là tất cả âm thanh của các loại hình tượng có trong thế giới của chư Phật, dùng Thiên nhĩ này đều được nghe hết mà nghe tỏ rõ không một chút ngăn ngại. Và nữa, Thiên nhĩ này còn nghe thấu âm thanh của địa ngục, ngã quỉ, súc sinh, ngay cả những âm thanh nhỏ xíu của loài côn trùng như muỗi, ruồi, ong phẩy cánh đều nghe được cả. Sự ưa thích thiện ác, phải quấy đều từ sự diễn nói của miệng chúng sinh, thiên nhĩ ấy cũng biết hết. Sự tuyên dương tội phước, báo ứng của miệng, như có miệng nói lên sự trói buộc của tham dâm, sân nhuế, ngu si, hoặc có miệng hoài kết loài thô ác, hoặc miệng tham lam giận dữ xuất hiện ngu xuẩn, hoặc miệng nói ra, nói thuần những lời thô tục tệ ác, hoặc miệng tham dục mà diễn nói sự kết nhiễm, hoặc mang lòng kết nộ miệng diễn nói lời hung hiển, hoặc mang lòng ngu tối miệng diễn nói lẩn thẩn si dại, hoặc có tâm tính thanh tịnh điều hòa mà miệng nói lừa dối, hoặc miệng nói thiện mà tâm tánh mang ý hại, hoặc miệng nói nhu hòa tâm tính yên ổn lời nói ra thanh tịnh, hoặc thân miệng ý chẳng tương ứng…tất cả thần thông Thiên nhĩ nghe hết, không ngăn ngại và đều hiểu rõ cả. Thiên nhĩ này nghe những điều nhân hiền và những điều chẳng hiền mà đối với hiền, chẳng hiền cũng không chấp trước. Tai nghe tiếng ác chẳng mang lo buồn mà thường hưng khởi lòng bi ai xót thương rộng lớn. Nếu gặp tiếng ác thì đạt đến vô cực từ, biết hết tất cả việc làm của chúng sinh quá khứ vị lai và hiện tại, thông đạt đúng như thẩm đế (xét biết chắc chắn). Do Thiên nhĩ này nên nghe được lời ban tuyên pháp của chư Phật mười phương và liền thọ trì, chẳng quên, theo đúng như những điều nghe của mình, thường ưa đạo pháp, xem xét những pháp khí thích ứng mà dạy bảo, đều khiến cho họ được nghe chẳng chỉ một lần mà nghe pháp Như Lai để lần lữa khải thọ, không thể gây hại phế bỏ khiến cho lòng thoái lui quên mất. Lại Bồ tát ấy vốn khi hành đạo đều theo chư Phật mở mang phụng thờ đạo giáo. Ngần ấy chúng hội mà mỗi mỗi Bồ tát đều phải nói pháp nên đều quan sát sự nghe của những tai chúng sinh rồi liền tự nhiên diễn nói lời pháp giáo cho từng người ấy. Như trong số quần lê đó, có người hiểu kinh nghĩa thì họ nghe lời nói pháp, còn người chẳng hiểu nghĩa thì họ chẳng chịu nghe. Giả sử pháp giới nhĩ căn thanh tịnh thì Thiên nhĩ giới ấy là Thánh tuệ thanh tịnh. Giả sử Nhĩ giới tự nhiên tịnh thì chúng sinh cũng tịnh. Nếu xem xét nhĩ giới tùy theo âm thanh, văn tự, lời nói bàn ấy thì Bồ tát đều có thể nghe hết. Tất cả chúng sinh sống tại năm đường được Bồ tát truyền đi ngần ấy âm vang lời nói chẳng đồng, nhiều chẳng thể kể xiết để tùy theo âm thanh họ thông suốt mà vào nói pháp. Sự nghe của tai ấy đều từ chân đế, đều do đạo nhĩ của Như Lai khuyến trợ, chẳng ưa thừa khác. Đó là sự nghe vô tận thần thông của Thiên nhĩ Bồ tát.