1
2
3
4
5
6
7
8
9
10

QUYỂN II

PHẨM THỨ BA – PHẦN I – ĐẠI THÍ

Bấy giờ, trong chúng hội có vị Bồ Tát tên là Tịch Ý, sau khi nhìn thấy đủ mọi phép thần túc biến hóa của đức Như Lai rồi liền bạch rằng: “Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên gì mà các thế giới khác của chư Phật đều thanh tịnh vi diệu, đủ mọi sự trang nghiêm, lìa khỏi năm sự uế trược, không có mọi sự xấu ác, chỉ có toàn các vị Đại Bồ Tát, thành tựu vô số đủ mọi công đức, thọ hưởng đủ mọi sự vui sướng khoan khoái? Những cõi Phật ấy thậm chí còn không nghe đến các danh xưng như Thanh văn hay Bích-chi Phật, huống chi là thật có Nhị thừa!

“Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên gì mà nay Thế Tôn ở nơi cõi thế giới bất tịnh này, có đủ mọi thứ xấu ác, đủ năm sự uế trược là mạng trược, kiếp trược, chúng sinh trược, kiến trược, phiền não trược? Đức Thế Tôn ở nơi cõi đời xấu ác có năm sự uế trược này mà thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, ở giữa Bốn chúng thuyết dạy giáo pháp Ba thừa. Vì nhân duyên gì mà đức Thế Tôn không nhận lấy cõi thế giới thanh tịnh, không xa lìa cõi thế giới xấu ác với năm sự uế trược?”

Phật bảo Bồ Tát Tịch Ý: “Thiện nam tử! Đại Bồ Tát do nơi bản nguyện mà nhận lấy cõi thế giới thanh tịnh nhiệm mầu, cũng do nơi bản nguyện mà nhận lấy cõi thế giới bất tịnh. Vì sao vậy? Vì Đại Bồ Tát thành tựu đại bi nên mới nhận lấy cõi thế giới xấu ác này. Do đó, ta vì có bản nguyện nên mới ở nơi thế giới xấu ác bất tịnh này mà thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Thiện nam tử! Nay ông hãy lắng nghe và khéo suy xét kỹ, khéo nhận lãnh giữ gìn, ta sẽ nói đây.”

Bấy giờ, các vị Bồ Tát vâng lời dạy cùng lắng nghe.

Phật bảo Bồ Tát Tịch Ý rằng: “Thiện nam tử! Ta nhớ thuở xưa cách nay vô số kiếp nhiều như số cát sông Hằng, cõi Phật này có tên là San-đề-lam, đại kiếp ấy có tên là Thiện Trì. Trong kiếp ấy có vị Chuyển luân Thánh vương tên là Vô Tránh Niệm, làm chủ Bốn cõi thiên hạ.

“Khi ấy có một vị đại thần tên là Bảo Hải, thuộc dòng dõi Phạm-chí, giỏi việc xem tướng, sinh được một người con trai có đủ ba mươi hai tướng tốt, có chuỗi anh lạc quanh thân, với tám mươi vẻ đẹp tuần tự trang nghiêm thân hình. Do trăm phước đức mới tạo thành một tướng, thường có hào quang chiếu quanh đến một tầm. Thân thể tròn đẹp như cây ni-câu-lô, khiến người ta ngắm nhìn mỗi một tướng tốt đều không chán mắt.

“Khi người con này sinh ra, có trăm ngàn vị chư thiên cùng đến cúng dường, nhân đó mới đặt tên là Bảo Tạng.

“Về sau, Bảo Tạng lớn lên, cạo bỏ râu tóc, xuất gia tu tập, thành tựu quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, lại cũng lấy hiệu là Bảo Tạng Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế Tôn. Đức Phật Bảo Tạng chuyển bánh xe chánh pháp, giúp cho trăm ngàn ức na-do-tha chúng sinh được sinh lên các cõi trời, người, hoặc được giải thoát.

“Đức Phật Bảo Tạng đã làm lợi ích cho trời người như thế rồi, lại cùng với trăm ngàn ức na-do-tha đại chúng Thanh văn cung kính vây quanh mà lần lượt đi khắp các thành ấp, thôn xóm. Ngày kia, đến một thành lớn tên là An-chu-la, là nơi vị Chuyển luân Thánh vương đang cai trị. Cách thành không xa có một khu rừng tên là Diêm-phù. Đức Như Lai Bảo Tạng cùng đại chúng Thanh văn dừng nghỉ ở khu rừng này.

“Khi ấy, vị Chuyển luân Thánh vương Vô Tránh Niệm nghe tin đức Phật Bảo Tạng cùng đại chúng Thanh văn du hành đến rừng Diêm-phù, liền suy nghĩ rằng: ‘Nay ta nên đến chỗ Phật để lễ bái và cung kính cúng dường, tôn trọng tán thán.’

“Nghĩ như vậy rồi liền dùng thần lực của Thánh vương mà cùng với vô số đại chúng vây quanh, rời khỏi thành An-chu-la, hướng đến rừng Diêm-phù. Khi vừa đến ven rừng, vua giữ đúng theo phép tắc nên xuống xe đi bộ đến chỗ Phật. Đến nơi rồi, cúi đầu làm lễ dưới chân đức Phật, đi quanh Phật ba vòng về bên phải, rồi ngồi sang một bên.

“Thiện nam tử! Bấy giờ, đức Phật Bảo Tạng liền vì Thánh vương mà thuyết giảng Chánh pháp, dùng đủ mọi phương tiện để chỉ bày dạy bảo những điều an vui lợi ích. Thuyết pháp xong, đức Phật liền dừng lại lặng yên.

“Khi ấy, Chuyển luân Thánh vương liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đến quỳ trước Phật, chắp tay bạch rằng: ‘Nguyện đức Như Lai cùng với Thánh chúng nhận cho sự cúng dường của con trong vòng ba tháng, đủ các món ăn thức uống, thuốc men và mọi phương tiện ngủ nghỉ.’

“Thiện nam tử! Khi ấy đức Như Lai lặng yên chấp nhận. Vua biết được là Phật đã hứa nhận liền cúi đầu lễ bái, đi quanh Phật ba vòng về bên phải rồi vui mừng trở về.

“Bấy giờ, vị vua Chuyển luân ấy bảo các tiểu vương cùng với đại thần, nhân dân và quyến thuộc rằng: ‘Các ngươi nên biết, hôm nay ta đã thỉnh cầu đức Phật Bảo Tạng Như Lai và Thánh chúng nhận cho mọi sự cúng dường trong suốt ba tháng. Nay ta sẽ tự mình đem hết những món đồ mà ta yêu quý nhất để cúng dường Phật và Thánh chúng. Các ngươi cũng nên dùng tất cả những thứ quý trọng nhất để cúng dường Phật và Thánh chúng.’

“Mọi người nghe như vậy rồi cùng vâng lời dạy, vui vẻ làm theo. Bấy giờ, vị Chủ bảo thần liền dùng vàng ròng trải làm đất đai trong khu rừng Diêm-phù. Trên đất ấy dựng lên lầu cao bằng bảy món báu, bốn cửa lầu cũng toàn do bảy báu làm thành. Có bảy hàng cây báu, cây nào cũng treo những áo quý và chuỗi ngọc anh lạc. Có đủ các loại châu ngọc quý giá đẹp đẽ nhiệm mầu cùng những lọng báu, cờ phướn và các loại vật quý dùng để trang nghiêm. Lại có các loại hương thơm và hoa quả quý giá để làm đẹp thêm cho cây cối, tung rải đủ các loại hoa. Lại dùng thêm các loại tơ lụa quý treo đầy trên cờ phướn.

“Khi ấy vua Chuyển luân khiến cho bánh xe báu bằng vàng của vua hiện ra phía trước lầu, lơ lửng trên cao cách đất bảy thước. Vua lại sai khiến voi trắng báu đứng hầu sau Phật, mang cành cây bằng bảy báu, trên cây có nhiều ngọc quý và vải lụa quý, đủ các loại chuỗi ngọc anh lạc để trang nghiêm. Bên trên lại có những lọng báu và cờ phướn. Lại sai khiến ngọc nữ bảo đến trước Phật, dùng các thứ chiên-đàn Ngưu Đầu và hắc trầm thủy tán thành bột thơm để tung rải lên mà cúng dường Phật. Lại dùng hạt châu ma-ni rất quý đặt phía trước đức Phật. Ánh sáng của hạt châu quý và ánh sáng của bánh xe báu bằng vàng tỏa chiếu rực rỡ khắp cảnh rừng Diêm-phù, khiến cho ngày đêm không còn phân biệt.

“Từ nơi thân của đức Như Lai Bảo Tạng phóng ra ánh hào quang thanh tịnh nhiệm mầu, chiếu khắp cõi Tam thiên Đại thiên thế giới, dùng gỗ thơm chiên-đàn Ngưu Đầu tạo thành giường nằm cho mỗi vị Thanh văn, cạnh bên mỗi giường đều có các tòa ngồi cũng bằng gỗ thơm chiên-đàn Ngưu Đầu. Phía sau mỗi chỗ ngồi đều có voi trắng báu mang cành cây bằng bảy báu, đầy đủ các món trang nghiêm không khác gì những món đã cúng dường Như Lai. Trước mỗi tòa ngồi đều có một vị ngọc nữ bảo, dùng các loại gỗ thơm chiên-đàn Ngưu Đầu và hắc trầm thủy tán thành bột thơm tung rải lên để cúng dường. Phía trước mỗi tòa ngồi của mỗi vị Thanh văn cũng đều có đặt bảo châu ma-ni.

“Trong khu rừng Diêm-phù khi ấy trỗi lên đủ mọi thứ âm nhạc. Ven rừng có bốn đạo quân báu của vua Chuyển luân diễu hành vòng quanh.

“Thiện nam tử! Vua Chuyển luân Vô Tránh Niệm vừa sáng sớm liền ra khỏi thành, đi về hướng Phật. Khi đến bên ngoài rừng, vua theo đúng phép tắc xuống xe đi bộ đến chỗ Phật. Đến nơi rồi, vua cúi đầu lễ bái dưới chân Phật, đi quanh Phật ba vòng về bên phải. Sau đó, vua tự mình đi lấy nước rửa, tự tay dâng cúng đủ các món ăn ngon lạ. Khi đức Phật và đại chúng dùng bữa xong, rửa bát súc miệng rồi, vua Chuyển luân lại tự tay cầm quạt báu mà hầu quạt cho đức Phật và mỗi vị Thanh văn.

“Bấy giờ, một ngàn người con của vua Chuyển luân cùng với tám mươi bốn ngàn vị tiểu vương đều cùng nhau cúng dường hết thảy các vị Thanh văn, cũng giống như vua Chuyển luân đã cúng dường đức Phật.

“Ngay sau bữa ăn, liền có trăm ngàn vô lượng ức na-do-tha chúng sinh đi vào rừng Diêm-phù, đến chỗ đức Như Lai để lắng nghe và nhận lãnh Chánh pháp.

“Bấy giờ, trên không trung có trăm ngàn vô lượng ức na-do-tha chư thiên hiện ra rải các loại hoa cõi trời, trỗi lên âm nhạc cõi trời để cúng dường Phật. Khi ấy, trên hư không bỗng hiện ra các loại y phục cõi trời và chuỗi ngọc cùng với đủ các loại lọng báu có thể tự xoay chuyển. Lại có bốn mươi ngàn dạ-xoa áo xanh đến rừng chiên-đàn lấy chiên-đàn Ngưu Đầu về nhóm lửa nấu thức ăn cúng dường Phật và đại chúng.

“Đêm hôm ấy, vua Chuyển luân thắp lên vô lượng ức na-do-tha ngọn đèn để cúng dường Phật và đại chúng. Vua ấy tự mình trên đầu đội một ngọn đèn, hai vai đặt hai ngọn đèn, hai tay cầm bốn ngọn đèn, trên hai đầu gối đặt hai ngọn đèn, trên hai bàn chân cũng đặt hai ngọn đèn. Đặt yên như vậy suốt đêm để cúng dường đức Như Lai. Nhờ oai lực của Phật nên tuy vua giữ yên như thế suốt đêm mà không hề thấy mỏi mệt, thân tâm lại sảng khoái, vui vẻ như vị tỳ-kheo nhập cảnh giới thiền định thứ ba.

“Vua Chuyển luân cúng dường như vậy suốt trong ba tháng.

“Bấy giờ, một ngàn người con của vua Chuyển luân và tám mươi bốn ngàn vị tiểu vương cùng với vô lượng trăm ngàn ức na-do-tha dân chúng cũng đều dùng thức ăn ngon lạ cúng dường hết thảy các vị Thanh văn, giống như các món ăn mà Chuyển luân Thánh vương đã dùng để cúng dường Phật, và cũng kéo dài trong suốt ba tháng.

“Khi ấy, nàng ngọc nữ bảo của vua Chuyển luân cũng dùng đủ mọi loại hương hoa để cúng dường, không khác gì sự cúng dường của vua Chuyển luân đối với Phật.

“Ngoài ra tất cả những chúng sinh khác cũng dùng hương hoa cúng dường, không khác gì sự cúng dường của nàng ngọc nữ bảo đối với các vị Thanh văn.

“Thiện nam tử! Khi ấy vua Chuyển luân cúng dường trải qua 3 tháng rồi, lại sai vị Chủ tạng bảo thần dâng lên đức Như Lai ngọc đầu rồng khảm trên vàng Diêm-phù-đàn, tám mươi bốn ngàn bánh xe báu tốt nhất bằng vàng, cùng với voi trắng, ngựa tía, châu ma-ni quý, loại hỏa châu đẹp và tốt nhất, kể cả các báu vật là vị Chủ tạng thần và vị Chủ binh thần cai quản bốn đạo quân báu, các thành ấp nhỏ của các tiểu vương trong thành An-chu-la, cây bằng bảy báu có treo vải quý, có hoa đẹp bằng bảy báu và đủ các loại lọng báu.

“Chuyển luân Thánh vương cũng mang theo những loại y phục tốt, đủ mọi thứ vòng hoa đẹp, những chuỗi ngọc tốt, xe bằng bảy báu, các loại giường quý làm bằng bảy báu, có màn báu giăng quanh viền bằng vàng Diêm-phù-đàn với dây buộc bằng chân châu, những giày dép quý loại tốt nhất, các loại chiếu trải bằng tơ lụa tốt, những tòa ngồi tốt đẹp, chuông trống và các loại nhạc khí bằng bảy báu, khánh ngọc, cờ phướn rợp trời, đèn đuốc quý báu, các loại chim thú bằng bảy báu, những quạt báu và đủ mọi thứ thuốc thang. Hết thảy những thứ như trên, mỗi thứ đều đủ số tám mươi bốn ngàn, dùng để dâng cúng lên đức Phật và Thánh chúng.

“Đức vua cúng dường như vậy rồi bạch Phật rằng: ‘Bạch Thế Tôn! Trong nước con còn nhiều việc vẫn chưa được tốt, nay con biết lỗi, rất lấy làm hối tiếc. Nguyện đức Như Lai ở lâu tại nước này để con được nhiều lần tới lui lễ bái, cung kính cúng dường, tôn trọng tán thán.’

“Những người con của đức vua cũng đều đến trước tòa ngồi của Phật, mỗi người đều nguyện thỉnh Phật và chư tỳ-kheo tăng thọ nhận sự cúng dường đủ mọi thứ vật thực cần dùng trong suốt ba tháng và rất mong được đức Thế Tôn hứa nhận.

“Bấy giờ, đức Như Lai lặng thinh hứa nhận. Vua Chuyển luân biết rằng Như Lai đã hứa nhận lời thỉnh cầu của các con mình, liền cúi đầu lễ bái đức Phật và chư tỳ-kheo tăng, đi quanh ba vòng cung kính rồi vui vẻ ra về.

“Thiện nam tử! Trong một ngàn người con của vua Chuyển luân khi ấy, vị thái tử thứ nhất tên là Bất Huyễn, trong vòng ba tháng lo việc cúng dường đức Như Lai và chư tỳ-kheo tăng đủ mọi thứ cần dùng, mỗi thứ đều giống như sự cúng dường của Chuyển luân Thánh vương.

“Khi ấy, vua Chuyển luân mỗi ngày đều đến chỗ Phật để chiêm ngưỡng tôn nhan Phật và chư tỳ-kheo tăng, đồng thời lắng nghe và thọ nhận Chánh pháp nhiệm mầu.

“Thiện nam tử! Bấy giờ, vị đại thần là Phạm-chí Bảo Hải liền đi khắp trong cõi Diêm-phù-đề để khuyến khích hết thảy mọi người từ già đến trẻ cùng nhau đóng góp những thứ cần thiết trong việc cúng dường đức Phật và chư tăng. Tuy nhiên, trước khi nhận phẩm vật cúng dường của bất cứ ai, Phạm-chí Bảo Hải luôn yêu cầu vị thí chủ ấy rằng: ‘Nếu hôm nay quý vị chịu quy y Tam bảo, phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề thì tôi mới nhận những phẩm vật cúng dường này.’

“Khi ấy, trong khắp cõi Diêm-phù-đề, tất cả mọi người đều nghe theo lời Phạm-chí Bảo Hải, cùng nhau quy y Tam bảo và phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Phạm-chí Bảo Hải sau khi đã khiến cho người ta nghe theo lời răn dạy, liền nhận lấy những phẩm vật cúng dường của họ. Bấy giờ, Phạm-chí Bảo Hải giúp cho trăm ngàn ức vô lượng chúng sinh biết sống và tu tập theo Ba điều phúc, cho đến phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Thái tử Bất Huyễn cúng dường đức Như Lai và chư tỳ-kheo tăng suốt trong suốt ba tháng với đủ mọi thứ cần dùng, đủ tám mươi bốn ngàn viên ngọc đầu rồng khảm trên vàng tốt, duy chỉ thiếu bảy món báu vật của Thánh vương là: bánh xe báu bằng vàng, voi trắng, ngựa tía, ngọc nữ bảo, chủ tạng thần, chủ binh thần và châu ma-ni quý. Ngoài ra, những thứ có được như bánh xe vàng, voi, ngựa, loại hỏa châu đẹp và tốt nhất, cây bằng bảy báu có treo vải quý, có hoa đẹp bằng bảy báu và đủ mọi loại lọng báu, những loại y phục tốt, đủ mọi thứ vòng hoa đẹp, những chuỗi ngọc tốt, xe bằng bảy báu, các loại giường quý làm bằng bảy báu, có màn báu giăng quanh viền bằng vàng Diêm-phù-đàn với dây buộc bằng chân châu, những giày dép quý loại tốt nhất, các loại chiếu trải bằng tơ lụa tốt, những tòa ngồi tốt đẹp, chuông trống và các loại nhạc khí bằng bảy báu, khánh ngọc, cờ phướn, đèn đuốc quý báu, các loại chim thú bằng bảy báu, quạt báu và đủ mọi thứ thuốc thang.

“Hết thảy những thứ như trên, mỗi thứ đều đủ số tám mươi bốn ngàn, đều dâng cúng lên đức Phật và chư tỳ-kheo tăng. Cúng dường xong liền bạch Phật rằng: ‘Bạch Thế Tôn! Có những việc con chưa làm tốt, hôm nay xin sám hối.’

“Bấy giờ, vị vương tử thứ hai tên là Ni-ma cũng trải qua ba tháng cúng dường đức Như Lai và chư tỳ-kheo tăng, giống như sự cúng dường của Thái tử Bất Huyễn vừa kể ở trên.

“Vương tử thứ ba tên là Vương Chúng.

“Vương tử thứ tư tên là Năng-già-la.

“Vương tử thứ năm tên là Vô Sở Uý.

“Vương tử thứ sáu tên là Hư Không.

“Vương tử thứ bảy tên là Thiện Tý.

“Vương tử thứ tám tên là Mẫn-đồ.

“Vương tử thứ chín tên là Mật-tô.

“Vương tử thứ mười tên là Nhu Tâm.

“Vương tử thứ mười một tên là Mông-già-nô.

“Vương tử thứ mười hai tên là Ma-sư-mãn.

“Vương tử thứ mười ba tên là Ma-nô-mô.

“Vương tử thứ mười bốn tên là Ma-tha-lộc-mãn.

“Vương tử thứ mười lăm tên là Ma-xà-nô.

“Vương tử thứ mười sáu tên là Vô Cấu.

“Vương tử thứ mười bảy tên là A-xà-mãn.

“Vương tử thứ mười tám tên là Vô Khuyết.

“Vương tử thứ mười chín tên là Nghĩa Vân.

“Vương tử thứ hai mươi tên là Nhân-đà-la.

“Vương tử thứ hai mươi mốt tên là Ni-bà-lô.

“Vương tử thứ hai mươi hai tên là Ni-già-châu.

“Vương tử thứ hai mươi ba tên là Nguyệt Niệm.

“Vương tử thứ hai mươi bốn tên là Nhật Niệm.

“Vương tử thứ hai mươi lăm tên là Vương Niệm.

“Vương tử thứ hai mươi sáu tên là Kim Cang Niệm.

“Vương tử thứ hai mươi bảy tên là Nhẫn Nhục Niệm.

“Vương tử thứ hai mươi tám tên là Trụ Niệm.

“Vương tử thứ hai mươi chín tên là Viễn Niệm.

“Vương tử thứ ba mươi tên là Bảo Niệm.

“Vương tử thứ ba mươi mốt tên là La-hầu.

“Vương tử thứ ba mươi hai tên là La-hầu-lực.

“Vương tử thứ ba mươi ba tên là La-hầu-chất-đa-la.

“Vương tử thứ ba mươi bốn tên là La-ma-chất-đa-la.

“Vương tử thứ ba mươi lăm tên là Quốc Tài.

“Vương tử thứ ba mươi sáu tên là Dục Chuyển.

“Vương tử thứ ba mươi bảy tên là Lan-đà-mãn.

“Vương tử thứ ba mươi tám tên là La-sát-lô-tô.

“Vương tử thứ ba mươi chín tên là La-da-du.

“Vương tử thứ bốn mươi tên là Viêm-ma.

“Vương tử thứ bốn mươi mốt tên là Dạ-bà-mãn.

“Vương tử thứ bốn mươi hai tên là Dạ-xà-lô.

“Vương tử thứ bốn mươi ba tên là Dạ-ma-khu.

“Vương tử thứ bốn mươi bốn tên là Dạ-đoạ-thù.

“Vương tử thứ bốn mươi lăm tên là Dạ-phả-nô.

“Vương tử thứ bốn mươi sáu tên là Dạ-sa-nô.

“Vương tử thứ bốn mươi bảy tên là Nam-ma-thù-đế.

“Vương tử thứ bốn mươi tám tên là A-lam-già-nô.

… … …

“Cả thảy có một ngàn vị vương tử con vua Chuyển luân, mỗi người đều cúng dường đức Như Lai và chư tỳ-kheo tăng trong suốt ba tháng, hết thảy các thứ cần dùng như y phục, món ăn thức uống cho đến chỗ ngủ nghỉ, thuốc men, thảy đều giống như sự cúng dường của Thái tử Bất Huyễn, mỗi món cúng dường đều đủ số tám mươi bốn ngàn.

“Nhân nơi việc cúng dường như vậy, mỗi người đều có tâm nguyện, hoặc cầu được làm Đao-lợi Thiên vương, hoặc cầu làm Phạm vương, hoặc cầu làm Ma vương, hoặc cầu làm Chuyển luân Thánh vương, hoặc cầu được giàu sang phú quý, hoặc cầu được quả vị Thanh văn. Nhưng trong các vị vương tử ấy, không có lấy một người cầu được quả vị Duyên giác, nói chi đến việc cầu được Đại thừa!

“Bấy giờ, vua Chuyển luân nhân nơi việc bố thí mà cầu cho đời sau tiếp tục được ngôi vị Chuyển luân Thánh vương.

“Phải mất hơn hai trăm năm mươi năm thì Thánh vương và một ngàn vị vương tử mới hoàn tất việc cúng dường. Khi ấy, mỗi người đều hướng về đức Phật và chư tỳ-kheo mà sám hối những điều chưa tốt của bản thân mình.

“Thiện nam tử! Bấy giờ, Phạm-chí Bảo Hải liền đến chỗ Phật bạch rằng: ‘Xin đức Như Lai và chư tỳ-kheo tăng thọ nhận của con sự cúng dường các thứ y phục, món ăn thức uống, phương tiện ngủ nghỉ, thuốc men trong vòng bảy năm.’ Đức Như Lai lặng yên hứa nhận lời thỉnh cầu của Phạm-chí Bảo Hải.

“Thiện nam tử! Bấy giờ, Phạm-chí Bảo Hải cúng dường đức Như Lai và chư tỳ-kheo tăng đủ các vật thực cần dùng, cũng giống như sự cúng dường của vua Chuyển luân.

“Thiện nam tử! Phạm-chí Bảo Hải sau đó lại tự suy nghĩ rằng: ‘Nay ta đã giúp cho trăm ngàn ức na-do-tha chúng sinh phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, nhưng ta lại chẳng biết được chỗ mong cầu của Chuyển luân Thánh vương là gì. Không biết ông ấy cầu được làm vua cõi người, vua cõi trời, hay cầu được quả Thanh văn, Duyên giác, hay cầu được quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề? Trong đời vị lai, nếu như ta có thể thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, sẽ hóa độ cho những người chưa được hóa độ, giải thoát cho những ai chưa được giải thoát, giúp cho những người chưa lìa khỏi sinh lão bệnh tử, ưu bi khổ não sẽ được lìa khỏi, vì những người chưa được diệt độ mà khiến cho được diệt độ.

“Nếu chắc chắn sẽ được như vậy thì trong giấc ngủ đêm nay hẳn phải có chư thiên, ma, Phạm thiên, các loài rồng, dạ-xoa…, chư Phật Thế Tôn, Thanh văn, sa-môn, bà-la-môn… vì ta mà báo mộng, nói cho biết chỗ mong cầu của Thánh vương là cầu được làm vua cõi người, vua cõi trời, hay cầu được quả Thanh văn, Bích-chi Phật, hay cầu được quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’

“Thiện nam tử! Lúc bấy giờ, Phạm-chí Bảo Hải trong giấc mộng đêm ấy liền thấy có ánh hào quang rực sáng. Nhờ ánh hào quang ấy liền thấy được vô số thế giới nhiều như số cát sông Hằng trong khắp mười phương, tại mỗi một thế giới đều có chư Phật Thế Tôn. Các đức Thế Tôn ấy, mỗi vị đều từ xa cầm những hoa sen xinh đẹp mầu nhiệm mà ban cho Phạm-chí Bảo Hải. Hoa ấy rất xinh đẹp, cọng hoa bằng bạc, lá bằng vàng, tua bằng ngọc lưu ly, mầm non bằng mã não, nơi mỗi đài hoa đều thấy có một vòng tròn sáng như mặt trời, trên mỗi vòng tròn ấy đều có lọng che xinh đẹp bằng bảy báu. Mỗi vòng tròn sáng ấy đều chiếu tỏa ra sáu mươi ức đạo hào quang. Các đạo hào quang sáng rực ấy thảy đều bay đến chui vào trong miệng của Phạm-chí Bảo Hải.

“Bảo Hải tự thấy thân mình cao lớn trùm khắp cả ngàn do-tuần, trong sạch thuần khiết không chút bợn nhơ, như một tấm gương sáng. Lại thấy trong bụng mình có sáu mươi ức na-do-tha trăm ngàn vị Bồ Tát ngồi kết già trên đài hoa sen nhập thiền định tam-muội. Lại thấy có vòng hoa tròn như mặt trời vây quanh thân mình, trong các đóa hoa vang ra tiếng nhạc du dương như âm nhạc cõi trời.

“Thiện nam tử! Khi ấy Phạm-chí Bảo Hải lại nhìn thấy vua Chuyển luân khắp mình máu me nhơ nhớp, chạy khắp bốn hướng, khuôn mặt trông tựa như mặt lợn, ăn đủ các thứ sâu bọ côn trùng. Ăn xong đến ngồi dưới gốc cây y-lan, có vô lượng chúng sinh đến ăn thân thể của vua, cho đến khi chỉ còn lại duy nhất bộ xương. Vua lìa bỏ bộ xương ấy, thọ sinh nhiều lần các thân khác lại cũng phải chịu cảnh ngộ như vậy.

“Khi ấy, Bảo Hải lại nhìn thấy các vị vương tử, hoặc có khuôn mặt như lợn, hoặc như voi, hoặc như trâu, hoặc như sư tử, hoặc như chồn cáo, hoặc như chó sói, hoặc như hổ báo, hoặc như loài khỉ, thân thể đầy máu me nhơ nhớp, cũng ăn đủ các thứ sâu bọ côn trùng. Ăn xong cũng đến ngồi dưới gốc cây y-lan, cũng có vô lượng chúng sinh đến ăn thân thể của họ, cho đến khi chỉ còn lại duy nhất bộ xương. Khi họ lìa bỏ bộ xương ấy, thọ sinh nhiều lần các thân khác, lại cũng phải chịu cảnh ngộ như vậy.

“Lại thấy có một số vương tử lấy hoa tu-mạn-na làm chuỗi ngọc đeo cổ, đi trên xe nhỏ xấu xí do trâu kéo, theo con đường sai lệch mà chạy nhanh về hướng nam.

“Lại thấy Bốn vị Thiên vương, Thích-đề hoàn nhân, Đại Phạm thiên vương cùng hiện đến nói với Phạm-chí Bảo Hải rằng: ‘Chung quanh ông hiện nay có rất nhiều hoa sen. Trước tiên ông nên lấy một đóa hoa sen trao cho vua Chuyển luân, rồi đến tất cả các vị vương tử mỗi người một đóa, sau đó là các vị tiểu vương, rồi đến các con của ông và những người còn lại.’ Phạm-chí nghe lời nói như vậy rồi tức thì làm theo, lấy hoa trao cho tất cả những người ấy.

“Bảo Hải mộng thấy như vậy rồi, hốt nhiên bừng tỉnh. Ông ngồi dậy nhớ lại những điều đã thấy trong mộng, liền biết ngay là chỗ phát nguyện của Chuyển luân Thánh vương quá thấp kém, còn ưa thích chốn sinh tử, tham đắm sự vui thế tục. Lại cũng biết là trong các vị vương tử có những người phát nguyện thấp kém, nhỏ nhoi, nhưng cũng có những vương tử phát tâm cầu đạo Thanh văn nên trong mộng mới nhìn thấy họ dùng hoa tu-mạn-na làm chuỗi anh lạc, cưỡi xe trâu theo đường sai lệch chạy về hướng nam.

“Bảo Hải lại suy nghĩ: ‘Vì sao trong mộng ta lại nhìn thấy ánh hào quang rực rỡ, lại thấy được vô số thế giới nhiều như số cát sông Hằng trong khắp mười phương, tại mỗi thế giới đều có chư Phật Thế Tôn? Đó là do ta trước đây đã dạy bảo cho vô lượng chúng sinh trong cõi Diêm-phù-đề, khiến họ biết sống và tu tập theo Ba điều phúc, cho nên trong mộng mới được thấy ánh hào quang rực rỡ, lại thấy được vô số thế giới nhiều như số cát sông Hằng trong khắp mười phương, tại mỗi thế giới đều có chư Phật Thế Tôn.

“Do ta đã khuyên bảo hết thảy chúng sinh trong cõi Diêm-phù-đề phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, thỉnh Phật Bảo Tạng và chư tỳ-kheo tăng thọ nhận cúng dường đủ các thứ cần dùng trong vòng bảy năm, cho nên trong mộng được thấy chư Phật mười phương cầm hoa sen trao cho.

“Do ta đã phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề cho nên trong mộng được thấy chư Phật mười phương trao cho lọng báu.

“Còn như việc ta nhìn thấy trong đài hoa sen có vòng tròn sáng như mặt trời, có vô lượng đạo hào quang sáng rực chui vào trong miệng, cho đến tự thấy thân mình to lớn trùm khắp cả ngàn do-tuần, bên trên các lọng quý bằng bảy báu có vòng tròn sáng như mặt trời tô điểm, lại thấy trong bụng có sáu mươi ức trăm ngàn Bồ Tát ngồi kết già trên đài hoa sen nhập thiền định Tam-muội, cho đến khi Phạm thiên vương dạy bảo việc lấy hoa sen trao cho người khác… Những điều như thế trong mộng thật không phải chỗ ta có thể hiểu thấu. Duy chỉ Như Lai mới có thể giải thích rõ được. Nay ta nên đến chỗ đức Thế Tôn thưa hỏi những điều này, để xem vì nhân duyên gì mà ta mộng thấy những điều như thế.’

“Thiện nam tử! Bấy giờ Phạm-chí Bảo Hải chờ vừa hết đêm, ngay lúc sáng sớm liền đến chỗ Phật, bày biện các món ăn thức uống xong rồi tự mình bưng nước rửa tay, tự tay dâng cúng đủ các món ăn ngon lạ. Xong bữa, lại tự tay thâu dọn rửa bát, rồi ngồi sang một bên trên chiếc ghế nhỏ, mong muốn được lắng nghe chánh pháp nhiệm mầu.

“Bấy giờ, Thánh vương với một ngàn vị vương tử và vô lượng vô biên trăm ngàn đại chúng vây quanh cùng ra khỏi thành An-chu-la, hướng về rừng Diêm-phù. Khi đến ven rừng liền y theo phép tắc, xuống xe đi bộ đến chỗ Phật, cúi đầu lễ bái đức Phật và chư tỳ-kheo tăng. Sau đó cùng ngồi xuống phía trước đức Phật, mong muốn được lắng nghe chánh pháp nhiệm mầu.

“Khi ấy, Phạm-chí Bảo Hải liền đem hết những điều đã thấy trong mộng mà thưa hỏi Phật.

“Phật bảo Phạm-chí Bảo Hải: ‘Trong mộng ông nhìn thấy ánh hào quang rực rỡ, lại thấy được vô số thế giới nhiều như số cát sông Hằng trong khắp mười phương, tại mỗi thế giới đều có chư Phật Thế Tôn trao cho ông hoa sen, trong đài hoa lại có vòng tròn sáng như mặt trời, lại thấy ánh hào quang sáng rực chui vào trong miệng. Đó là vì trong suốt hai trăm năm mươi năm qua ông đã dạy bảo cho vô lượng chúng sinh trong cõi Diêm-phù-đề, giúp cho họ biết sống và tu tập theo Ba điều phúc.

“Ông còn giúp cho vô lượng chúng sinh phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, đến nay lại thực hành việc cúng dường bố thí lớn lao như thế này đối với đức Như Lai và chư tỳ-kheo tăng, do đó mà chư Phật trong mười phương mới thọ ký cho ông sẽ đắc quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Chư Phật Thế Tôn hiện tại thuyết pháp trong mười phương nhiều như số cát sông Hằng đều trao cho ông hoa sen báu, cọng hoa bằng bạc, lá bằng vàng, tua bằng ngọc lưu ly, mầm non bằng mã não, nơi mỗi đài hoa đều thấy có một vòng tròn sáng như mặt trời… Những điều nhìn thấy như thế đều là tướng mạo của việc ông được thọ ký.

“Này Phạm-chí! Trong mộng ông nhìn thấy vô số thế giới nhiều như số cát sông Hằng trong khắp mười phương, tại mỗi thế giới đều có chư Phật Thế Tôn hiện tại thuyết pháp. Mỗi vị Thế Tôn đều trao cho ông lọng quý bằng bảy báu, bên trên lọng ấy lại trang sức cho đến tận cõi Phạm thiên. Như vậy là trong đời vị lai ông sẽ đang đêm thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Liền trong đêm ấy có danh xưng lớn vang dội khắp vô số thế giới nhiều như số cát sông Hằng trong khắp mười phương, lên đến tận cõi Phạm thiên. Ông sẽ được tướng quý là Vô kiến đỉnh tướng, không ai có thể vượt hơn được. Đó chính là tướng mạo đầu tiên cho thấy sự thành đạo của ông.

“Trong mộng ông tự thấy thân mình to lớn, lại thấy có vòng hoa tròn như mặt trời vây quanh thân mình, như vậy là trong đời vị lai khi ông thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề rồi, vô lượng chúng sinh trong cõi Diêm-phù-đề mà trước đây ông đã từng giáo hóa, khiến cho phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, cũng sẽ đồng thời thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề ở vô số cõi thế giới trong khắp mười phương, nhiều như những hạt bụi nhỏ. Mỗi vị Phật ấy đều sẽ phát ra lời khen ngợi rằng: ‘Trước đây chúng ta nhờ được Phạm-chí Bảo Hải khuyên bảo dạy dỗ, khiến cho phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, nhờ đó mà ngày nay chúng ta mới được thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, xưng các danh hiệu Thế Tôn khác nhau. Phạm-chí Bảo Hải chính là bậc thiện tri thức chân thật.’ Bấy giờ, mỗi vị Phật đều sai khiến các Đại Bồ Tát đến cúng dường ông.

“Các vị Bồ Tát ấy trước tiên đều dùng đủ mọi phép biến hóa thần túc tự tại Sư tử du hý đã đạt được ở các cõi Phật ấy để cúng dường ông. Khi các vị Bồ Tát ấy đã cúng dường mọi thứ xong, liền lắng nghe ông thuyết pháp rồi chứng đắc các pháp môn Đà-la-ni, Tam-muội, Nhẫn nhục. Nghe thuyết pháp xong, mỗi vị đều quay về cõi Phật của họ, trình lên đức Phật Thế Tôn những sự việc ở thế giới của ông.

“Này Phạm-chí! Những điều trong mộng như thế đều là tướng mạo cho thấy sự thành đạo của ông.

“Phạm-chí! Trong mộng ông thấy trong bụng mình có vô lượng ức các vị Đại Bồ Tát ngồi kết già trên đài hoa sen nhập thiền định tam-muội, như vậy là trong đời vị lai khi ông thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề rồi, sẽ tiếp tục khuyên bảo giáo hóa cho vô lượng trăm ngàn muôn ức chúng sinh, khiến cho không còn thối chuyển đối với quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Sau khi ông nhập Niết-bàn Vô thượng, trong đời vị lai sau đó sẽ có vô lượng chư Phật, Pháp vương, Thế Tôn trong khắp mười phương thế giới cùng xưng tán danh hiệu của ông mà nói rằng: ‘Trong quá khứ trải qua số kiếp nhiều như những hạt bụi nhỏ, trong một đại kiếp kia đã có đức Phật danh hiệu như thế. Chính đức Phật Thế Tôn này đã khuyên bảo giáo hóa chúng ta trụ yên nơi đạo A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, khiến cho không còn thối chuyển. Nhờ vậy mà ngày nay chúng ta mới thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, làm vị vua Chánh pháp.’

“Này Phạm-chí! Những điều trong mộng như thế đều là tướng mạo cho thấy sự thành đạo của ông.

“Phạm-chí! Trong mộng ông nhìn thấy những người có khuôn mặt giống như lợn, cho đến giống như loài khỉ, thân hình máu me nhơ nhớp, ăn đủ các loài sâu bọ côn trùng, ăn rồi đến ngồi dưới gốc cây y-lan, lại có vô lượng chúng sinh xâu xé ăn nuốt thân thể, cho đến khi chỉ còn bộ xương, rồi lìa bỏ bộ xương ấy lại phải thọ sinh nhiều lần thân khác, như vậy là có những người ngu si mà tu tập Ba điều phúc, chỉ biết bố thí, điều phục, khéo giữ gìn thân và miệng. Những người như vậy dù sinh lên cõi trời Tha hóa tự tại vẫn phải chịu sự khổ suy thoái và diệt mất.

“Nếu chúng sinh nào sinh trong cõi người thì phải chịu những nỗi khổ như sinh lão bệnh tử, ưu bi khổ não, yêu thương phải chia lìa, oán ghét phải gặp gỡ, mong cầu không được toại nguyện… Nếu sinh trong cõi ngạ quỷ thì phải chịu nỗi khổ đói khát. Nếu sinh trong loài súc sinh thì phải chịu những nỗi khổ ngu tối u ám, phải chịu khổ chặt đầu lột da. Nếu sinh nơi địa ngục thì phải chịu đủ mọi cảnh khổ… Nếu vì muốn xa lìa những nỗi khổ như vậy cho nên mới tu tập Ba điều phúc, cầu mong được làm Thiên vương, Chuyển luân Thánh vương, hoặc muốn cai trị một trong Bốn cõi thiên hạ, cho đến cai trị cả Bốn cõi thiên hạ. Những người ngu si như vậy chính là đang ăn nuốt hết thảy chúng sinh, rồi những chúng sinh ấy quay trở lại ăn nuốt kẻ ngu si ấy. Cứ như vậy mà xoay vần mãi mãi trong sinh tử không thể suy lường hết được!

“Này Phạm-chí! Những điều ông thấy trong mộng như vậy chính là tướng mạo của việc thọ khổ lâu dài trong sanh tử.

“Phạm-chí! Trong mộng ông thấy có những người dùng hoa tu-mạn-na làm chuỗi ngọc anh lạc, đi trên xe nhỏ xấu xí do trâu kéo, theo đường sai lệch chạy nhanh về hướng nam. Này Phạm-chí! Đó là tướng mạo của những người trụ yên trong việc làm phước thiện, có thể tự điều phục để được sự an tĩnh, lặng lẽ, hướng đến quả vị của Thanh văn thừa.’

“Thiện nam tử! Lúc bấy giờ Phạm-chí Bảo Hải liền nói với vua Chuyển luân: ‘Đại vương nên biết rằng thân người khó được, mà nay đại vương đã có được điều ấy. Chư Phật Thế Tôn xuất thế rất khó gặp, còn khó hơn cả hoa ưu-đàm. Khéo điều phục tâm tham dục và phát khởi nguyện lành cũng là điều rất khó. Đại vương! Nếu ngày nay đại vương phát nguyện sinh trong hai cõi trời người tức là cội nguồn của khổ. Nếu muốn được làm chủ một trong Bốn cõi thiên hạ, cho đến hai, ba hay cả Bốn cõi thiên hạ cũng đều là cội nguồn của khổ, lưu chuyển mãi trong sinh tử.

“Đại vương! Nếu thọ sinh trong cõi trời, người, đều là vô thường, không có tướng quyết định, khác nào như cơn gió mạnh. Những người ưa thích, tham đắm năm món dục không biết chán lìa, khác nào như đứa trẻ say mê mặt trăng dưới nước. Nếu phát nguyện được ở trong cõi trời người để hưởng những sự khoái lạc buông thả, người như vậy sẽ phải đời đời sinh nơi địa ngục, chịu vô số khổ não, như sinh trong cõi người thì phải chịu nỗi khổ chia lìa người yêu mến, gặp gỡ người oán ghét; như sinh nơi cõi trời thì phải chịu nỗi khổ suy thoái và diệt mất, sau đó đời đời phải chịu nỗi khổ ở trong bào thai; lại có đủ mọi nỗi khổ vì chúng sinh luôn tranh giành ăn nuốt đoạt mất mạng sống của nhau. Chỉ vì ngu si không biết như trẻ thơ cho nên trong lòng mới không biết chán!

“Vì sao vậy? Vì xa lìa bậc thiện tri thức. Vì không phát khởi những nguyện lành chân chánh. Vì không thực hành tinh tấn. Vì không đạt được những điều nên được. Vì không hiểu rõ những điều nên hiểu. Vì không chứng được những điều nên chứng.

“Ngu si như đứa trẻ thơ thì chẳng có sự hiểu biết phân biệt. Chỉ riêng tâm Bồ-đề mới có thể lìa sạch hết thảy mọi nỗi khổ, ngược lại còn sinh chán lìa. Vòng sinh tử trong thế gian là mãi mãi chịu khổ, cho nên càng vui sướng khoái lạc thì lại càng làm cho khổ não tăng thêm.

“Đại vương! Nay ngài nên suy xét kỹ rằng trong chốn sinh tử có đủ mọi thứ khổ não như thế!

“Đại vương! Nay ngài đã cúng dường Phật, đã trồng được căn lành, vậy nên sinh lòng tin sâu vững đối với Tam bảo.

“Đại vương nên biết, người nào cúng dường đức Phật Thế Tôn chính là người sẽ giàu có lớn trong đời vị lai. Người nào ưa thích giữ gìn giới luật chính là người sẽ được sinh ra ở hai cõi trời, người trong đời vị lai. Và người nào hôm nay lắng nghe chánh pháp chính là người sẽ có trí huệ trong đời vị lai.

“Đại vương! Nay ngài đã thành tựu được hết thảy những điều như vậy, rất nên phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề!’

“Bấy giờ, vua Chuyển luân đáp rằng: ‘Phạm-chí! Ta nay không cần đến chỗ giác ngộ cao xa như vậy. Lòng ta hiện nay đang ưa thích, yêu mến cuộc sinh tử. Chính vì thế ta mới làm những việc bố thí, trì giới, nghe pháp. Này Phạm-chí! Ta nghĩ rằng đạt đạo Bồ-đề Vô thượng là việc quá sức khó khăn!’

“Khi ấy, Phạm-chí lại bảo vua rằng: ‘Đạo giải thoát thanh tịnh chỉ cần hết lòng mong cầu, đầy đủ nguyện lực. Đạo không có sự nhơ bẩn, vì tâm được thanh tịnh. Đạo chân chánh ngay thẳng, vì không có sự siểm nịnh, cong vạy. Đạo trong trắng, tươi mát, vì đã lìa xa phiền não. Đạo mênh mông rộng lớn, vì không có sự che bít ngăn ngại. Đạo bao hàm chất chứa, vì có nhiều tư duy. Đạo không có sợ sệt, vì không làm các việc ác.

“Đạo giàu có sung túc, vì thực hành Bố thí ba-la-mật. Đạo là thanh tịnh, vì thực hành Trì giới ba-la-mật. Đạo là vô ngã, vì thực hành Nhẫn nhục ba-la-mật. Đạo không dừng yên, vì thực hành Tinh tấn ba-la-mật. Đạo không rối loạn, vì thực hành Thiền định ba-la-mật. Đạo khéo chọn lọc, phân biệt, vì thực hành Trí huệ ba-la-mật.

“Đạo chính là chỗ vươn đến của trí huệ chân thật, vì thực hành đại từ. Đạo không thối chuyển, vì thực hành đại bi. Đạo luôn hoan hỷ, vì thực hành đại hỷ. Đạo kiên cố, bền vững, vì thực hành đại xả.

“Đạo không gai góc, vì thường biết xa lìa tham dục, sân hận. Đạo luôn an ổn, kín đáo, vì tâm không chướng ngại. Đạo không có gian tà, vì khéo phân biệt hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị nếm và sự xúc chạm. Đạo phá trừ ma, vì khéo phân biệt các ấm, nhập, giới. Đạo lìa bỏ ma, vì lìa bỏ mọi phiền não thắt buộc.

“Đạo nhiệm mầu thù thắng, vì lìa bỏ chỗ suy nghĩ của hàng Thanh văn, Duyên giác. Đạo biến hiện khắp nơi, vì được sự hộ trì của hết thảy chư Phật. Đạo quý báu như trân bảo, vì đầy đủ hết thảy trí huệ. Đạo sáng suốt thanh tịnh, vì trí huệ sáng suốt không có chướng ngại. Đạo khéo thuyết giảng, vì luôn được các bậc thiện tri thức ủng hộ.

“Đạo luôn bình đẳng, vì dứt trừ hết thảy mọi sự yêu ghét. Đạo không có bụi bẩn, vì lìa bỏ sự dơ bẩn của giận hờn oán ghét. Đạo luôn hướng thiện, vì lìa bỏ hết thảy mọi điều bất thiện.

“Đại vương! Đạo là như thế, có thể đưa ta đến chỗ an lạc, cho đến đạt được cảnh giới Niết-bàn. Vì thế, Đại vương rất nên phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề!’

Bấy giờ, Chuyển luân Thánh vương đáp rằng: “Phạm chí! Nay đức Như Lai xuất hiện ở đời, thọ đến tám vạn tuổi, như vậy vẫn là có giới hạn, không thể vì tất cả chúng sinh mà dứt trừ hết thảy ác nghiệp, trồng mọi căn lành, hoặc trồng căn lành rồi đạt đến thánh quả, hoặc đạt được các pháp môn Đà-la-ni, Tam-muội, Nhẫn nhục, hoặc được các căn lành thù thắng nhiệm mầu của hàng Bồ Tát, được chư Phật thọ ký quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hoặc có ít căn lành, sinh trong hai cõi trời người hưởng thọ các khoái lạc. Thảy đều chỉ là do chúng sinh mỗi người tự nhận lấy những quả báo thiện hay bất thiện của riêng mình.

“Phạm chí! Trong số chúng sinh dù chỉ có một người không có căn lành, đức Như Lai cũng không thể nào thuyết dạy họ cách dứt trừ khổ não. Như Lai Thế Tôn tuy là phước điền, nhưng đối với người không có căn lành cũng không thể khiến cho họ trừ dứt các khổ não!

“Phạm chí! Nếu ta có phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, thì khi thực hành đạo Bồ Tát, tu tập pháp Đại thừa, vào pháp môn Không thể nghĩ bàn, giáo hóa chúng sinh mà thực hiện các Phật sự, cũng chẳng bao giờ phát nguyện ở nơi cõi thế giới xấu ác có năm sự uế trược mà phát tâm Bồ-đề.

“Khi ta hành đạo Bồ Tát, phát nguyện thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề thì chúng sinh trong thế giới ấy không có mọi sự khổ não. Nếu như ta có thể được cõi Phật như vậy thì ta mới thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’

“Thiện nam tử! Bấy giờ, đức Như Lai Bảo Tạng liền nhập tam-muội có tên là Kiến chủng chủng trang nghiêm. Khi nhập tam-muội rồi, liền thực hiện các phép thần thông biến hóa, phóng hào quang rực rỡ. Do sức của tam-muội ấy, các thế giới trong mười phương liền hiện ra rõ ràng với đủ mọi phương diện, mỗi phương đều có vô số cõi Phật nhiều như số hạt bụi nhỏ, với đủ mọi sự trang nghiêm. Hoặc có thế giới Phật đã nhập Niết-bàn từ trước. Hoặc có thế giới Phật vừa mới nhập Niết-bàn. Hoặc có thế giới Bồ Tát chỉ vừa mới ngồi nơi đạo tràng ở gốc cây Bồ-đề hàng phục giặc ma. Hoặc có thế giới Phật vừa thành đạo liền chuyển bánh xe chánh pháp. Hoặc có thế giới Phật đã thành đạo lâu rồi mới chuyển bánh xe chánh pháp. Hoặc có thế giới chỉ toàn các vị Đại Bồ Tát đầy khắp trong cõi nước, không có đến cả tên gọi Thanh văn, Duyên giác. Hoặc có thế giới Phật đang thuyết giảng giáo pháp Thanh văn và Bích-chi Phật. Hoặc có thế giới không có Phật, cũng không có Bồ Tát, Thanh văn, Duyên giác. Hoặc có thế giới xấu ác với năm sự uế trược. Hoặc có thế giới thanh tịnh mầu nhiệm không có mọi sự xấu ác, nhơ nhớp. Hoặc có thế giới xấu kém, bất tịnh. Hoặc có thế giới trang nghiêm thanh tịnh, nhiệm mầu tốt đẹp. Hoặc có thế giới mạng sống dài lâu khôn lường được. Hoặc có thế giới mạng sống hết sức ngắn ngủi. Hoặc có thế giới chịu nạn lớn lửa thiêu. Hoặc có thế giới chịu nạn lớn nước ngập. Hoặc có thế giới chịu nạn lớn bão tố. Hoặc có thế giới chỉ vừa sắp hình thành. Hoặc có thế giới đã hình thành trọn vẹn.

“Có vô lượng cõi thế giới như vậy, hào quang sáng suốt mầu nhiệm của Phật đều chiếu khắp, khiến cho hiển hiện rõ ràng.

“Bấy giờ, đại chúng thảy đều được thấy rõ vô số cõi thế giới thanh tịnh của chư Phật với đủ mọi sự trang nghiêm.

“Khi ấy, Phạm-chí Bảo Hải bảo vua Chuyển luân rằng: ‘Đại vương! Nay ngài đã được nhìn thấy những thế giới của chư Phật với đủ mọi sự trang nghiêm. Vậy ngài nên phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, tùy ý mà cầu được một cõi Phật trong số đó.’

“Thiện nam tử! Bấy giờ vua Chuyển luân chắp tay hướng về đức Phật bạch rằng: ‘Thế Tôn! Các vị Bồ Tát do nơi nghiệp gì mà được cõi thế giới thanh tịnh? Do nơi nghiệp gì phải ở nơi cõi thế giới bất tịnh? Do nơi nghiệp gì được thọ mạng vô lượng? Do nơi nghiệp gì mà thọ mạng ngắn ngủi?’

“Phật bảo Thánh vương: ‘Đại vương nên biết rằng, các vị Bồ Tát đều do nơi sự phát nguyện mà nhận lấy cõi thế giới thanh tịnh lìa khỏi mọi sự xấu ác với năm sự uế trược, lại cũng do nơi sự phát nguyện mà nhận lấy cõi thế giới xấu ác với năm sự uế trược.’

“Bấy giờ, Thánh vương bạch Phật rằng: ‘Thế Tôn! Nay con sẽ trở lại trong thành, tìm nơi yên tĩnh để chuyên tâm tư duy, rồi sau đó mới phát thệ nguyện. Con sẽ theo như tướng mạo đã được nhìn thấy của các cõi Phật không có năm sự uế trược mà phát nguyện cầu được cõi thế giới thanh tịnh trang nghiêm.’

“Phật bảo Thánh vương: ‘Đại vương! Nay đúng là lúc thích hợp.’

“Thiện nam tử! Khi ấy vua Chuyển luân liền cúi đầu lễ Phật và chư tỳ-kheo tăng, đi quanh ba vòng cung kính rồi lui về. Vua vừa về đến trong thành liền chọn ngay một nơi yên tĩnh trong cung điện, ngồi ngay ngắn nhất tâm tư duy, tu tập đủ mọi sự trang nghiêm cho cõi Phật mà vua phát nguyện sẽ được.

“Thiện nam tử! Bấy giờ Phạm-chí Bảo Hải tiếp đó lại nói với thái tử Bất Huyễn: ‘Thiện nam tử! Nay ông cũng nên phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Như chỗ đã thực hành tu tập Ba điều phúc của ông, bố thí, điều phục và khéo thâu nhiếp các nghiệp thân, miệng, cùng với những nghiệp lành do tu hành thanh tịnh, hết thảy đều nên hồi hướng về quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’

“Khi ấy, thái tử đáp rằng: ‘Trước hết tôi nên trở về cung điện, chọn nơi yên tĩnh để ngồi ngay ngắn tư duy. Nếu thật tôi có thể phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, tôi sẽ trở lại nơi đây, đối trước Phật mà quyết định phát tâm, nguyện sẽ được cõi Phật với đủ mọi sự thanh tịnh mầu nhiệm.’

“Bấy giờ, thái tử cúi đầu lễ Phật và chư tỳ-kheo tăng, đi quanh ba vòng cung kính rồi lui về. Về đến cung điện liền chọn một nơi yên tĩnh, ngồi ngay ngắn nhất tâm tư duy, tu tập đủ mọi sự trang nghiêm cho cõi Phật mà mình phát nguyện sẽ được.

“Thiện nam tử! Khi ấy Phạm-chí Bảo Hải lại nói với vị vương tử thứ hai rằng: ‘Thiện nam tử! Nay ông cũng nên phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’

“Cứ như vậy, cả một ngàn người con của Thánh vương đều được Phạm-chí Bảo Hải lần lượt giáo hóa, khiến cho phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Bấy giờ, Phạm-chí Bảo Hải lại tiếp tục giáo hóa cho tám mươi bốn ngàn vị tiểu vương cùng với hơn chín mươi hai ngàn ức chúng sinh, khiến cho thảy đều phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Tất cả đều nói rằng: “Phạm-chí! Nay chúng tôi mỗi người đều nên trở về chỗ ở của mình, chọn nơi yên tĩnh ngồi ngay ngắn tư duy, tu tập đủ mọi sự trang nghiêm cho cõi Phật mà mình phát nguyện sẽ được.’

“Như thế, hết thảy mọi người đều nhất tâm tịch tĩnh trong vòng bảy năm, mỗi người đều tại nơi ở của mình, ngồi ngay ngắn nhất tâm tư duy, tu tập đủ mọi sự trang nghiêm cho cõi Phật mà mình phát nguyện sẽ được.

“Thiện nam tử! Phạm-chí Bảo Hải sau đó lại tự nghĩ rằng: ‘Nay ta đã giáo hóa vô lượng trăm ngàn ức na-do-tha chúng sinh, khiến họ phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Ta cũng đã thỉnh Phật và đại chúng trong vòng bảy năm nhận sự cúng dường mọi thứ cần dùng. Nếu như trong đời vị lai ta chắc chắn sẽ thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, chỗ phát nguyện được thành tựu, vậy ta nên khuyên bảo, khuyến khích chư thiên và các loài rồng, quỷ thần, a-tu-la, càn-thát-bà, khẩn-na-la, ma-hầu-la-già, dạ-xoa, la-sát, câu-biện-đồ… khiến cho họ đều phát tâm cúng dường đức Phật và đại chúng.’

“Thiện nam tử! Khi ấy Phạm-chí Bảo Hải liền nghĩ đến vị Tỳ-sa-môn Thiên vương.

“Thiện nam tử! Bấy giờ Thiên vương biết ngay ý nghĩ của Phạm-chí, liền cùng với trăm ngàn ức vô lượng dạ-xoa cung kính vây quanh, cùng đi đến chỗ Phạm-chí. Ngay trong đêm ấy, đứng trước mặt Phạm-chí nói rằng: ‘Phạm-chí! Ông có điều chi dạy bảo?’

“Phạm-chí hỏi: ‘Ông là ai?’

“Tỳ-sa-môn Thiên vương đáp: ‘Phạm-chí! Ông đã từng nghe nói đến Tỳ-sa-môn Thiên vương hay chăng? Chính là tôi đây. Ông muốn dạy bảo điều chi?’

“Khi ấy, Phạm-chí liền nói: ‘Lành thay, đại vương đã đến đây! Nay tôi đang cúng dường Phật và đại chúng, ông có thể giúp tôi làm việc cúng dường được chăng?’

“Tỳ-sa-môn Thiên vương nói: ‘Kính vâng theo lời dạy của ông, xin tùy ý cho biết nên làm việc gì?’

“Phạm-chí nói: ‘Đại vương, nếu có thể tùy theo ý tôi, xin khiến cho các dạ-xoa cùng phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, cũng như nói cho tất cả bọn họ đều biết rằng: Nếu muốn được phước báo, muốn thành quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, thì mỗi ngày hãy vượt qua biển lớn để tìm lấy những loại gỗ thơm chiên-đàn Ngưu Đầu, trầm thủy, cùng các loại gỗ thơm khác, đủ mọi thứ hương, đủ mọi thứ hoa mang về nơi đây, ngày ngày cúng dường Phật và chúng tăng giống như tôi đây.’

“Bấy giờ, Thiên vương nghe như vậy rồi liền trở về thiên cung, đánh trống triệu tập hết thảy dạ-xoa, la-sát đến bảo rằng: ‘Các ngươi có biết chăng, ở cõi Diêm-phù-đề nay có vị Chuyển luân Thánh vương tên là Vô Tránh Niệm, có vị Phạm-chí tên là Bảo Hải là quan đại thần của Thánh vương. Vị đại thần ấy đã thỉnh Phật và chư tăng thọ nhận cúng dường đủ mọi thứ cần dùng trong suốt bảy năm. Các ngươi đối với việc phước đức ấy nên sinh lòng tùy hỷ. Sanh lòng tùy hỷ rồi, nên dùng căn lành ấy mà phát tâm hồi hướng quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’

“Thiện nam tử! Bấy giờ có trăm ngàn vô lượng ức na-do-tha dạ-xoa cùng chắp tay thưa rằng: ‘Nếu như Phạm-chí Bảo Hải trong suốt bảy năm đã cúng dường đủ mọi thứ cần dùng cho đức Như Lai cùng với chư tỳ-kheo tăng, phước báo căn lành ấy chúng tôi xin tùy hỷ. Do nơi căn lành của sự tùy hỷ đó, nguyện cho chúng tôi đều được thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’

“Bấy giờ, Thiên vương lại nói: ‘Các ngươi hãy lắng nghe đây. Nếu muốn được nhiều phước đức và căn lành, thì mỗi ngày hãy vượt qua biển lớn, giúp vị Phạm-chí ấy tìm lấy các loại gỗ thơm chiên-đàn Ngưu Đầu và trầm thủy mang về, để ông ấy dùng thổi cơm cúng dường đức Phật và chư tỳ-kheo tăng.’

“Khi ấy có chín mươi hai ngàn dạ-xoa cùng lên tiếng: ‘Thiên vương! Nay chúng tôi xin nguyện rằng trong vòng bảy năm sẽ thường đi lấy các loại gỗ thơm chiên-đàn Ngưu Đầu và trầm thủy mang về cho vị Phạm-chí ấy, để ông ấy dùng thổi cơm cúng dường đức Phật và chư tỳ-kheo tăng.’

“Lại có bốn mươi sáu ngàn dạ-xoa cũng đồng thanh nói rằng: ‘Chúng tôi sẽ tìm mang về cho vị Phạm-chí ấy những loại hương thơm vi diệu, để ông ấy dùng cúng dường đức Như Lai cùng với chư tỳ-kheo tăng.’

“Lại có năm mươi hai ngàn dạ-xoa cũng đồng thanh nói rằng: ‘Chúng tôi sẽ tìm mang về cho vị Phạm-chí ấy đủ các loại hoa để ông ấy dùng cúng dường đức Như Lai cùng với chư tỳ-kheo tăng.’

“Lại có hai mươi ngàn dạ-xoa cũng đồng thanh nói rằng: ‘Chúng tôi sẽ tìm mang về cho vị Phạm-chí ấy những vị ngon tinh túy để điều hòa các món ăn cúng dường đức Như Lai cùng với chư tỳ-kheo tăng.’

“Lại có bảy vạn dạ-xoa cũng đồng thanh nói rằng: ‘Chúng tôi sẽ đến nơi đó để tự làm ra các món ăn cúng dường đức Như Lai và chư tỳ-kheo tăng.’

“Thiện nam tử! Khi ấy Phạm-chí Bảo Hải lại nghĩ rằng: ‘Tiếp theo ta nên khuyên bảo khuyến khích Tỳ-lâu-lặc Thiên vương, Tỳ-lâu-la-xoa Thiên vương và Đề-đầu-lại-trá Thiên vương.’

“Vừa nghĩ như thế thì ba vị Thiên vương tức thì biết được, cùng hiện đến chỗ Phạm-chí. Liền được nghe lời ông khuyên bảo rồi mỗi vị đều trở về chỗ ở của mình.

“Tỳ-lâu-lặc cùng với trăm ngàn ức na-do-tha câu-biện-đồ, Tỳ-lâu-la-xoa Thiên vương cùng với trăm ngàn vô lượng ức na-do-tha loài rồng, Đề-đầu-lại-trá cùng với trăm ngàn vô lượng ức na-do-tha càn-thát-bà, thảy đều phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề giống như Tỳ-sa-môn Thiên vương và tất cả dạ-xoa.

“Thiện nam tử! Bấy giờ, Phạm-chí Bảo Hải lại nghĩ đến Bốn vị Thiên vương ở cõi thiên hạ thứ hai. Bốn vị Thiên vương ấy nương oai thần của Phật hiện đến chỗ Phạm-chí, thưa rằng: ‘Phạm-chí! Nay ông có điều gì muốn dạy bảo?’

“Phạm-chí Bảo Hải đáp: ‘Nay tôi khuyên các ông cùng với quyến thuộc nên phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’

“Bốn vị Thiên vương cùng đáp: ‘Xin kính vâng lời dạy.’

“Rồi mỗi vị liền trở về chỗ ở của mình, cùng với tất cả quyến thuộc đều phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Cứ như vậy, Phạm-chí Bảo Hải lần lượt khuyên bảo hết thảy trong Tam thiên Đại thiên thế giới, hàng trăm ngàn vị Tỳ-sa-môn Thiên vương đều phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề; cho đến hàng trăm ức Tỳ-lâu-lặc Thiên vương, hàng trăm ức Tỳ-lâu-la-xoa Thiên vương, hàng trăm ức Đề-đầu-lại-trá Thiên vương, mỗi vị đều cùng với những quyến thuộc của mình phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Thiện nam tử! Bấy giờ Phạm-chí lại có ý nghĩ rằng: ‘Nếu như trong đời vị lai ta chắc chắn sẽ thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, khi chỗ phát nguyện của ta thành tựu, được lợi ích cho bản thân, sẽ khiến cho tất cả chư thiên cũng đều được phần phước đức ấy, lại cũng khuyến khích, làm cho họ phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Nếu như trong đời vị lai ta nhờ căn lành này mà chắc chắn sẽ thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề thì Đao-lợi Thiên vương sẽ đến đây cùng ta gặp gỡ; các vị thiên tử Dạ-ma, Đâu-suất, Hóa Lạc và Tha hóa tự tại cũng đều sẽ đến nơi đây cùng ta gặp gỡ.’

“Thiện nam tử! Khi Phạm-chí vừa nghĩ như vậy xong thì Đao-lợi Thiên vương, Dạ-ma Thiên vương, Đâu-suất Thiên vương, Hóa Lạc Thiên vương, Tha hóa tự tại Thiên vương, đều cùng nhau hiện đến gặp gỡ Phạm-chí. Các vị ấy hỏi rằng: ‘Phạm-chí! Nay ông có điều chi dạy bảo?’

“Phạm-chí liền hỏi: ‘Các vị là ai?’

“Khi ấy, năm vị Thiên vương mỗi người đều tự xưng danh tánh, rồi nói: ‘Phạm-chí! Chẳng phải ông có điều chi muốn dạy bảo nên mới hội họp chúng tôi đến đây đó sao?”

“Phạm-chí đáp: ‘Này các vị Thiên vương, cõi trời của các vị có đầy đủ những cung điện lầu gác quý báu xinh đẹp, có những cây báu cùng với cây y phục, cây hương thơm, cây hoa đẹp, cây quả tốt; có những tòa ngồi quý báu trải bằng các loại tơ lụa vải vóc quý tốt, đủ các loại đồ dùng tốt đẹp nhất cho đến những chuỗi ngọc anh lạc đẹp đẽ quý báu, cờ phướn, lọng che đều toàn là những thứ quý báu riêng của cõi trời, mọi thứ đều trang nghiêm đẹp đẽ, còn có cả đủ mọi thứ âm nhạc hay lạ. Nay các vị có thể dùng hết thảy những thứ tốt đẹp ấy để trang nghiêm cho cảnh rừng Diêm-phù nơi đây, cúng dường đức Phật cùng với chư tỳ-kheo tăng.’

“Bấy giờ, cả năm vị Thiên vương đều đồng thanh trả lời: ‘Xin cung kính vâng theo lời dạy!’

“Rồi mỗi vị Thiên vương đều quay trở về nơi ở của mình. Đao-lợi Thiên vương liền gọi Tỳ-lâu-lặc thiên tử đến, Dạ-ma Thiên vương gọi A-đồ-mãn thiên tử đến, Đâu-suất Thiên vương gọi Lộ-hề thiên tử đến, Hóa Lạc Thiên vương gọi Câu-đà-la thiên tử đến, Tha hóa tự tại Thiên vương gọi Nan-đà thiên tử đến, đều bảo với các vị thiên tử ấy rằng: ‘Nay các ông hãy xuống cõi Diêm-phù-đề, dùng tất cả mọi thứ tốt đẹp để trang nghiêm cho khu rừng Diêm-phù kia. Hãy treo các chuỗi ngọc anh lạc, dọn trải các thứ tòa ngồi giống như của các vị Thiên vương, mọi thứ đều trang nghiêm đẹp đẽ. Hãy vì đức Như Lai mà làm ra những lầu cao bằng trân bảo, nên làm cho giống hệt như những lầu báu ở cõi trời Đao-lợi.’

“Khi ấy, các vị thiên tử nghe lời dạy rồi, liền hiện xuống cõi Diêm-phù-đề, ngay trong đêm ấy thực hiện đủ mọi sự trang nghiêm đẹp đẽ nơi cảnh rừng Diêm-phù, dùng các loại cây báu cho đến cờ phướn để trang nghiêm, lại vì đức Như Lai mà làm ra lầu cao bằng bảy báu giống như lầu báu ở cõi trời Đao-lợi.

“Các vị thiên tử dùng những báu vật để trang nghiêm nơi cảnh rừng Diêm-phù rồi liền trở về nơi thiên cung, mỗi vị đều thưa với Thiên vương của mình rằng: ‘Đại vương, chúng tôi đã đến nơi khu rừng kia và trang nghiêm nơi ấy bằng những báu vật chẳng khác gì nơi đây, lại vì đức Như Lai mà làm ra lầu cao bằng bảy báu giống hệt như lầu báu ở cõi trời Đao-lợi.’

“Thiện nam tử! Khi ấy các vị Đao-lợi Thiên vương, Dạ-ma Thiên vương, Đâu-suất Thiên vương, Hóa Lạc Thiên vương và Tha hóa tự tại Thiên vương liền hiện xuống cõi Diêm-phù-đề, đến trước Phạm-chí Bảo Hải thưa rằng: ‘Phạm-chí! Chúng tôi đã vì đức Phật và chúng tăng mà trang nghiêm cảnh rừng ấy. Nay ông còn có điều chi muốn dạy bảo xin cứ nói ra.’

“Phạm-chí Bảo Hải nói: ‘Các vị mỗi người nên tự về nơi thiên cung, dùng sức tự tại mà tập hợp chư thiên rồi nói cho họ biết như thế này: Hiện nay trong cõi Diêm-phù-đề có vị Phạm-chí tên là Bảo Hải, trong vòng bảy năm đã cúng dường đầy đủ hết thảy mọi thứ cần dùng cho đức Phật Thế Tôn cùng với vô lượng chư tăng. Đối với việc làm phước đức ấy, các ông hãy sinh lòng tùy hỷ. Sinh lòng tùy hỷ rồi, hãy phát tâm hồi hướng quả vị A-nậu-đa-la Tam miệu Tam-bồ-đề. Vậy các ông hãy cùng nhau đi đến chỗ Phật, lễ bái đức Phật Thế Tôn và chư tỳ-kheo tăng, cúng dường những thứ cần dùng và lắng nghe chánh pháp nhiệm mầu.’

“Khi ấy, năm vị Thiên vương nghe lời dạy của Phạm-chí Bảo Hải rồi, mỗi vị liền tự trở về thiên cung của mình.

“Bấy giờ, Đao-lợi Thiên vương Thích-đề-hoàn-nhân liền tập hợp chư thiên đến bảo rằng: ‘Các ông nên biết, trong cõi Diêm-phù-đề có vị Chuyển luân Thánh vương tên là Vô Tránh Niệm, có vị Phạm-chí tên là Bảo Hải, chính là quan đại thần của Thánh vương. Vị đại thần ấy đã thỉnh đức Phật Thế Tôn cùng với vô lượng ức chư tăng thọ nhận cúng dường, trong vòng bảy năm đã cung phụng đủ hết thảy mọi thứ cần dùng. Nay ta đã vì Phật và chư tỳ-kheo tăng mà dùng các món vật báu để trang nghiêm cảnh rừng Diêm-phù nơi ấy. Các ông đối với nhân duyên căn lành này nên sinh lòng tùy hỷ. Sinh lòng tùy hỷ rồi, hãy phát tâm hồi hướng quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, cũng là khiến cho vị Phạm-chí kia được như sở nguyện.’

“Thiện nam tử! Khi ấy có trăm ngàn vô lượng ức na-do-tha thiên tử ở cõi trời Đao-lợi đều cung kính chắp tay thưa rằng: ‘Nay tất cả chúng tôi đối với căn lành ấy đều sinh lòng tùy hỷ. Do nơi sự tùy hỷ đó, nguyện cho tất cả chúng tôi đều được thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’

“Các vị Dạ-ma Thiên vương, Đâu-suất Thiên vương, Hóa Lạc Thiên vương và Tha hóa tự tại Thiên vương ngay khi trở về thiên cung cũng đều tập hợp chư thiên đến bảo rằng: ‘Các ông nên biết, trong cõi Diêm-phù-đề có vị Chuyển luân Thánh vương tên là Vô Tránh Niệm, có vị Phạm-chí tên là Bảo Hải, chính là quan đại thần của Thánh vương. Vị đại thần ấy đã thỉnh đức Phật Thế Tôn cùng với vô lượng ức chư tăng thọ nhận cúng dường, trong vòng bảy năm đã cung phụng đủ hết thảy mọi thứ cần dùng. Nay ta đã vì Phật và chư tỳ-kheo tăng mà dùng các món vật báu để trang nghiêm cảnh rừng Diêm-phù nơi ấy. Các ông đối với nhân duyên căn lành này nên sinh lòng tùy hỷ. Sinh lòng tùy hỷ rồi, hãy phát tâm hồi hướng quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, cũng là khiến cho vị Phạm-chí kia được như sở nguyện.’

“Thiện nam tử! Khi ấy ở bốn cõi trời, mỗi cõi đều có trăm ngàn vô lượng ức na-do-tha thiên tử, thảy đều cung kính chắp tay thưa rằng: ‘Nay tất cả chúng tôi đối với căn lành ấy đều sinh lòng tùy hỷ. Do nơi sự tùy hỷ đó, nguyện cho tất cả chúng tôi đều được thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’

“Bấy giờ, năm vị Thiên vương đều nói với các vị thiên tử rằng: ‘Hôm nay các ông nên đến cõi Diêm-phù-đề gặp đức Phật Bảo Tạng và chư tỳ-kheo tăng, lễ bái đi quanh cung kính cúng dường, tôn trọng tán thán.’

“Thiện nam tử! Khi ấy năm vị Thiên vương, mỗi vị ngay trong đêm ấy đều mang theo các vị thiên tử, thiên nữ, đồng nam, đồng nữ cùng với trăm ngàn ức na-do-tha quyến thuộc vây quanh, hiện đến chỗ Phật, lễ bái dưới chân Phật và chư tỳ-kheo tăng, rồi ở đó lắng nghe đức Phật thuyết pháp cho đến khi trời sáng. Lúc đó, các vị lại hiện thân lên hư không, dùng đủ các loại hoa cõi trời như hoa ưu-bát-la, hoa bát-đầu-ma, hoa câu-vật-đầu, hoa phân-đà-lợi, hoa tu-mạn-na, hoa bà-thi-sư, hoa a-đề mục-đa-già, hoa chiêm-bà-già, hoa mạn-đà-la, hoa ma-ha mạn-đà-la… rải xuống như mưa, lại trỗi lên tiếng trống và âm nhạc cõi trời để cúng dường pháp hội.

“Thiện nam tử! Bấy giờ Phạm-chí Bảo Hải lại có ý nghĩ rằng: ‘Nếu như trong đời vị lai ta chắc chắn sẽ thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, chỗ phát nguyện của ta thành tựu, được lợi ích cho bản thân, vậy nên giáo hóa các a-tu-la, khiến cho hết thảy đều phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’

“Thiện nam tử! Khi Phạm-chí vừa nghĩ như vậy xong, liền có năm vị vua A-tu-la hiện đến chỗ Phạm-chí, lần lượt cho đến có trăm ngàn vô lượng ức na-do-tha a-tu-la, trong đó có các a-tu-la nam, a-tu-la nữ, đồng nam, đồng nữ, đều y theo lời dạy của Phạm-chí Bảo Hải phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Rồi tất cả đều tìm đến chỗ Phật để nghe và thọ nhận chánh pháp nhiệm mầu.

“Thiện nam tử! Bấy giờ Phạm-chí Bảo Hải lại có ý nghĩ rằng: ‘Nếu như trong đời vị lai ta chắc chắn sẽ thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, chỗ phát nguyện của ta thành tựu, được lợi ích cho bản thân, vậy ta nên giáo hóa Thiên ma Ba-tuần, khiến cho hết thảy đều phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’

“Thiện nam tử! Khi ấy ma Ba-tuần liền biết được ý nghĩ của Phạm-chí Bảo Hải, lập tức cùng với trăm ngàn vô lượng ức na-do-tha nam, nữ, đồng nam, đồng nữ, hiện đến chỗ Phạm-chí, rồi đều vâng theo lời dạy bảo phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, rồi cùng tìm đến chỗ Phật để nghe và thọ nhận chánh pháp nhiệm mầu.”

    Xem thêm:

  • Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức – Đoàn Trung Còn & Nguyễn Minh Tiến dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Thích Minh Định dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết – Đoàn Trung Còn & Nguyễn Minh Tiến dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Bi Hoa – Thích Nữ Tâm Thường dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Niết Bàn – Đoàn Trung Còn & Nguyễn Minh Tiến dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Nguyên Thuận dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức – Thích Nguyên Chơn dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Bổn Nguyện Công Đức Của Bảy Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai – Thích Nguyên Chơn dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức – Nguyên Thuận dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức – Tuệ Nhuận dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện – Nguyên Thuận dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện – Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 30 – Tiểu Kinh Thí Dụ Lõi Cây (Cùlasàropama sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Pháp Cú – Nguyên Thuận dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Bổn Nguyện Công Đức Của Bảy Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai – Thích Nữ Tâm Thường dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Thích Trí Quang dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Dược Sư Như Lai Bổn Nguyện - Kinh Tạng
  • Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện – Vạn Phật Thánh Thành dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Giới Tiêu Tai – Thích Nguyên Chơn dịch - Kinh Tạng