1
2
3

Kinh Bồ Tát Bản Hạnh

Thất dịch

Bản Việt dịch của Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

***

QUYỂN THƯỢNG

Nghe như vầy:

Một thuở nọ Đức Phật ở tại khu lâm viên thái tử Kỳ-đà, Cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ Đức Thế Tôn thấy các vị Sa-môn tâm biếng nhác, chẳng siêng năng, tinh tấn, mới bảo Tôn giả A-nan:

–Tánh biếng nhác, đem lại hậu quả vô cùng tai hại. Nếu người ở đời mà biếng nhác thì cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, tài sản nghiệp nhà không phát triển. Nếu hàng xuất gia mà biếng nhác thì không thể vượt ra khỏi bể khổ sinh tử. Do đó nên biết rằng tất cả kết quả tốt đẹp đều phát sinh từ hạnh tinh tấn. Nếu người ở đời mà tinh tấn thì cơm ăn, áo mặc đều đầy đủ, dư giả, nhà cửa ngày càng phát đạt, được kẻ xa người gần khen ngợi. Nếu người xuất gia tu hành tinh tấn thì đạo nghiệp sẽ được thành tựu. Muốn được đầy đủ kho tàng pháp ba mươi bảy phẩm trợ đạo và các chánh định… cắt đứt dòng sinh tử, đạt đến cảnh giới Niết-bàn vô vi an lạc, thì phải siêng năng tinh tấn.

Nếu biết lấy hạnh tinh tấn làm nền tảng, thì việc thực hiện các pháp: Sáu độ Ba-la-mật, bốn pháp bình đẳng, bốn ân, bốn vô úy, mười lực, mười tám pháp đặc biệt bất cộng của Như Lai, sáu thông, ba đạt, thành Nhứt thiết trí, thì cũng không có gì là khó khăn cao xa hết. Ngoài ra muốn đầy đủ ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, giáo hóa chúng sinh để trang nghiêm cõi Phật, cũng đều do tu hạnh tinh tấn này mà thành tựu.

Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Về thuở quá khứ cách đây vô số kiếp, có năm trăm người con hàng Trưởng giả, thiết lập đàn tràng bố thí rộng lớn, dựng cờ, đánh trống và bố cáo rằng: Các bậc Sa-môn, Bà-la-môn và những người ăn xin đều được cúng dường cung cấp. Năm trăm người con hàng Trưởng giả đều bỏ ra nhiều loại ngọc ngà châu báu, voi, ngựa, xe cộ, áo quần, mùng mền và các thức ăn uống… tùy theo nhu cầu của mỗi người mà cung cấp.

Thời ấy có một người nghèo khổ, tha phương cầu thực ở rất nhiều nước, nay đến nước này, thấy năm trăm người con hàng Trưởng giả thiết lập đàn tràng, chẩn thí để giúp đỡ người nghèo thiếu một cách chu toàn, trong tâm không có một chút lẫn tiếc, nên hỏi các người con hàng Trưởng giả:

–Quý vị đem công đức bố thí này cầu mong việc gì?

Năm trăm người con hàng Trưởng giả liền trả lời:

–Đem công đức bố thí này cầu thành Phật đạo.

Kẻ nghèo khổ lại hỏi:

–Sao gọi là Phật đạo? Và Phật ấy thế nào?

Các người con hàng Trưởng giả đáp:

–Xét về quả vị thì Phật vượt hai quả vị A-la-hán và Bích-chi-phật, là vị Thầy đặc biệt tôn quý của trời, người trong ba cõi. Ngài có lòng đại Từ vô lượng, đại Bi vô biên, thương xót chúng sinh trong năm đường giống như mẹ hiền thương con đỏ. Ngài khuyến hóa tất cả chúng khiến thực hành điều lành để cắt đứt các cảnh khổ trong ba đường ác, vượt qua biển khổ sinh tử, đi đến cảnh giới Niết-bàn an lạc.

Sở dĩ gọi là Phật vì Ngài đã dứt sạch các điều ác, chứa tất cả điều lành, các phiền não ô nhiễm không còn phát sinh, tâm ái dục đều diệt, đầy đủ sáu độ Ba-la-mật, dùng phương tiện tùy thời giáo hóa không có lúc nào gián đoạn. Có mười thần lực, bốn vô sở úy, mười tám pháp bất cộng đặc biệt, ba mươi bảy phẩm trợ đạo là kho tàng Phật pháp vô giá. Thân màu vàng tía, đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, sáu phép thần thông thông suốt không bị chướng ngại, biết rõ vô cùng kiếp quá khứ, vô cùng kiếp vị lai và những sự việc trong hiện tại, không có việc gì là không thấu suốt. Ba minh như tấm gương soi sáng vô cùng tận không gian và thời gian, được thể hiện qua mười câu nghĩa. Có đầy đủ những đức như thế gọi là Phật. Sở dĩ các người con hàng Trưởng giả mỗi mỗi đều ca ngợi Đức Phật có vô lượng đức hạnh là do nguyên nhân như vậy.

Khi đó, kẻ nghèo khổ nghe được công đức của Phật, trong tâm tự nghĩ: “Ta nay cũng muốn học theo nguyện ấy để rộng độ tất cả chúng sinh, ngặt vì ta nghèo không có tài sản quý giá, vậy nên đem cái gì làm việc bố thí?”. Trong tâm tự nghĩ sẽ đem tấm thân mình dùng vào việc bố thí. Ý nghĩ như vậy rồi, liền thực hành hạnh cao cả ấy, đem bùn thoa khắp châu thân, nằm ngoài gò mả, phát nguyện: “Ta nay dùng thân này bố thí cho tất cả chúng sinh. Như có ai muốn dùng thịt, đầu, mắt, tủy, não, ta đều xin bố thí, nguyện đem công đức này cầu thành Phật đạo, độ khắp chúng sinh”.

Phát nguyện này rồi, liền lúc đó, cả cõi Tam thiên đại thiên thế giới đều chấn động dữ dội, các cung điện cao ngất của chư Thiên bị lay chuyển. Bấy giờ, chư Thiên nơi cõi trời run rẩy lo sợ. Thích Đề-hoàn Nhân lập tức dùng Thiên nhãn quan sát cõi Diêm-phù-đề, thấy một Bồ-tát dùng thân bố thí đang nằm ngoài gò mả, liền giáng xuống để thử tâm Bồ-tát này. Thích Đề-hoàn Nhân liền biến hóa làm các loài chó, loài chim, loài thú… cùng nhau bay đuổi muốn đến ăn thịt. Bồ-tát thấy đàn chó và bầy chim cùng nhau đến ăn thịt mình, tâm ý lại hoan hỷ, không chút lay động, thoái chuyển. Vua trời bèn hiện nguyên hình là Thích Đề-hoàn Nhân ca ngợi:

–Lành thay! Lành thay! Rất là đặc biệt, khó ai làm được.

Rồi hỏi vị Bồ-tát:

–Chẳng biết ngài đem công đức của hạnh bố thí này cầu mong việc gì? Phải chăng là cầu mong làm vua cõi trời Phạm thiên hay làm vua Chuyển luân?

Bồ-tát đáp:

–Chẳng phải mong cầu làm Chuyển luân thánh vương hay làm vua các cõi trời, Ma vương, Phạm vương, cũng chẳng nguyện cầu cảnh vui trong ba cõi. Ta nay chí tâm cầu thành Phật. Vì ta nghèo không có tài sản dùng vào việc bố thí, nên đem thân này bố thí với sở nguyện cầu mong thành Phật, độ vô lượng tất cả chúng sinh.

Vua trời Thích Đề-hoàn Nhân cùng vô số chư Thiên, khác miệng cùng lời đồng nhau ca ngợi:

–Hay thay! Hay thay! Quá ư đặc biệt, khó ai sánh được!

Bèn đọc bài kệ:

Mong cầu đạo tối thắng

Chẳng tiếc thân mạng mình

Xả thân như đất bẩn

Do chấp ngã không còn.

Tài thí tuy là quý

Việc này chẳng phải khó

Dũng mãnh như thế kia

Tinh tấn mau thành Phật.

Đọc bài kệ xong, Thích Đề-hoàn Nhân nói với Bồ-tát:

–Sức đại dũng mãnh, đại tinh tấn của ngài khó ai sánh bằng, vượt hơn sự tài thí của năm trăm vị Bồ-tát con hàng Trưởng giả, gấp hơn trăm ngàn muôn ức lần, không thể kể xiết. Do việc làm ngày hôm nay, ngài sẽ thành Phật trước năm trăm vị Bồ-tát kia.

Đế Thích và chư Thiên dùng hương hoa trời rải trên mình Bồ-tát, rồi lui về một cách hoan hỷ.

Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Người nghèo cùng đó chính là thân Ta hôm nay, còn năm trăm người con hàng Trưởng giả lúc ấy nay là Di-lặc cùng năm trăm vị Bồ-tát. Ta do dũng mãnh tinh tấn, vượt lên trên công đức của các vị Bồ-tát kia, nên nay Ta thành Phật trước.

Bồ-tát bố thí như vậy, siêng năng tu hành tinh tấn là việc làm cần thiết trước tiên.

Tôn giả A-nan và chư Tỳ-kheo nghe lời Phật nói, không một ai là không hoan hỷ, tất cả lễ Phật, mọi người đều tinh tấn, chỉnh đốn đạo hạnh của mình.

***

Nghe như vầy:

Một thuở nọ, Đức Phật ở tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ. Có một vị cư Sĩ giàu có, của cải vô số, ngọc ngà châu báu của ông ta nhiều hơn kho tàng nhà vua, tên là Ma-ha-nam-ma, là người tham lam bỏn sẻn, không dám ăn mặc, không biết bố thí. Khi nào đi đâu thì đánh chiếc xe cũ kỹ, kết cỏ làm lọng, mặc đồ tồi tàn, ăn thì cơm hẩm tầm thường chứ chưa từng nếm thử món ngon vật lạ, đến giờ ăn lại đóng cửa. Qua cơn đau nặng thành phải bỏ thân, lại không con cái nên vua Ba-tư-nặc sung công tất cả tài sản, châu báu ngọc ngà mà chính bản thân ông ta cùng vợ chưa từng dám thọ dụng bao giờ.

Vua Ba-tư-nặc liền đến nơi Đức Phật đang trụ, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, rồi trở về chỗ mình thường ngồi, bạch Phật:

–Thưa Đức Thế Tôn, nước con có một cư Sĩ tên là Ma-ha-nam-ma, là người tham lam bỏn sẻn, không biết bố thí, không dám ăn mặc nay đã chết rồi, không biết ông ta sinh về cảnh giới nào?

Đức Phật bảo nhà vua:

–Thần thức ông ta đọa vào địa ngục thú dữ, trải qua ngàn vạn năm chịu mọi đau khổ. Thoát khỏi cảnh địa ngục rồi, lại đọa vào cảnh ngạ quỷ, suốt ngày đêm bị đói khát, thân thường bị lửa đốt, trải qua trăm ngàn năm như vậy, hoàn toàn chưa từng nghe đến danh từ cơm nước.

Nhà vua nghe lời Phật dạy, lòng quá sợ hãi, chân long nổi ốc, không dằn được lòng nên buồn tủi rơi lệ.

Đức Phật bảo với vua:

–Xét về người trí, thường xả bỏ tánh bỏn sẻn tham lam, thực hành hạnh bố thí, hiện đời được nhiều người giúp đỡ, kiếp sau được hưởng phước giàu sang.

Đức Phật lại bảo:

–Này đại vương, về thời quá khứ, cõi Diêm-phù-đề này có một Hoàng đế trị vì một nước lớn tên là Ca-na-ca-bạt-di, là người nhân từ, làm chủ cõi Diêm-phù-đề có tám vạn bốn ngàn vua chư hầu, một vạn đại thần, hai vạn thể nữ và một vạn phu nhân, đời sống của dân chúng hết sức hưng thịnh.

Bỗng nhiên có hỏa tinh xuất hiện vận hành, quan thái sử tiên đoán: “Sẽ bị đại hạn, trải qua mười hai năm không mưa”. Thái sử đem việc này tâu lên Hoàng đế:

–Hỏa tinh vừa xuất hiện, chắc chắn cõi Diêm-phù-đề sẽ bị đại hạn, trải qua mười hai năm không mưa, nếu không mưa thì ngũ cốc thất thu, muôn dân đói khát, quốc gia sẽ lâm vào cảnh hoang tàn điêu đứng. Ta sẽ làm thế nào bây giờ?

Chúa thượng nghe tâu, lòng rất lo âu phiền muộn, liền ra lệnh quần thần triệu tập tám vạn bốn ngàn vua nơi các tiểu quốc lập tức về tâu chúa thượng, nói rõ chư hầu phải dâng sớ kê khai sổ nhân khẩu của nước mình, lại cũng phải kê khai số lượng thực hiện còn nhiều ít, là bao nhiêu đấu, thăng. Bất luận nam nữ, giàu sang, nghèo hèn, lớn nhỏ… Tính số người và số ngày, bình quân cấp mỗi người một ngày là một thăng thóc, không được ăn no.

Quần thần và các vua chư hầu răm rắp tuân lệnh, rồi mỗi người trở về nơi nước của mình tuyên đọc sắc lệnh của hoàng thượng cho dân chúng nghe, tất cả từ trên xuống dưới một mực thi hành.

Từ đó về sau trời hạn không mưa, không có nước gieo trồng, nên không thu hoạch lúa thóc gì cả, do đó dân chúng chết đói rất nhiều.

Quân thần tâu lên Hoàng đế:

–Dân chúng quá đói nên chết rất nhiều.

Hoàng đế ra lệnh bảo cho các nước chư hầu dạy dân của mình tu tập mười điều lành. Tuy thân có chết đi, thần thức sinh lên cõi trời hưởng mọi diệu lạc tự nhiên.

Quần thần nhận sắc lệnh của hoàng đế rồi, đều ra lệnh cho muôn dân từ lớn đến nhỏ phải tu tập mười điều lành, ai giữ được mười điều lành, sau khi chết sinh lên cõi trời.

Lúc ấy, có một người trí tuệ thông minh, hình dung tuấn tú không ai sánh bằng. Người này thấy gia đình bà Tỳ-xá mẹ con thông dâm, thấy việc như vậy rồi tâm ông không vui, trong ý suy nghĩ: “Tuy mang thân người mà làm việc súc sinh, bị sắc dục khiến cho điên cuồng, con chẳng biết mẹ, mẹ chẳng biết con, điên đảo không biết kẻ trên người dưới, ở trong sinh tử, thật đáng sợ hãi”. Người ấy liền cạo tóc xuất gia, mặc áo hoại sắc, vào trong thâm sơn hay đến nơi đầm vắng, thiền tọa tư duy, suy nghĩ thế này: “Do có ngu si, tham dục và sân hận mà phát sinh các hành nghiệp, nên chịu quả báo đau khổ sinh tử trong năm đường. Nếu không có ba độc thì không có hành nghiệp, hành nghiệp đã diệt thì không thọ thân căn, đã không có thân thì các khổ liền diệt.”

Suy nghĩ như vậy, bỗng nhiên tâm trí được khai ngộ, các sự ham muốn tức thì diệt hẳn, liền chứng quả Bích-chi-phật, sáu phép thần thông thấu suốt không bị ngăn ngại. Rồi lại nghĩ: “Ngày nay ta sẽ đi khất thực ở đâu? Quán sát dân chúng trong cõi Diêm-phù-đề đều đói khát, không thể đến họ khất thực được, chỉ có đại vương Ca-na-ca-bạt-di là thí chủ duy nhất, ta phải đến đó khất thực”, tức liền bay đến nội cung của đại vương ấy để khất thực. Đại vương nói:

–Thực phẩm của ta chỉ đủ ăn một ngày nay nữa là hết.

Rồi đại vương thầm nghĩ: “Nếu hôm nay ta ăn phần ăn này rồi cũng phải chết, nếu ta không ăn thì cũng phải chết, chi bằng may gặp bậc Thần nhân khó gặp này, ta thà chẳng ăn, đem cúng phần ăn của ta cho vị Thượng nhân ấy”.

Nghĩ như thế rồi, đại vương đem phần ăn của mình dâng cúng cho vị Bích-chi-phật.

Bích-chi-phật thọ trai xong rồi, trong ý suy nghĩ: “Sự bố thí hôm nay của đại vương này khó ai sánh bằng, ta sẽ làm cho đại vương tăng thêm lòng hoan hỷ”. Nghĩ như vậy rồi, liền ở trước mặt đại vương, Bích-chi-phật bèn bay bổng lên hư không, biến hóa đủ cách: Ẩn phương Đông, hiện phương Tây; ẩn phương Tây, hiện phương Đông; ẩn phương Nam, hiện phương Bắc; ẩn phương Bắc, hiện phương Nam; ẩn phương dưới, hiện phương trên; ẩn phương trên, hiện phương dưới. Đi vòng quanh trên hư không, hoặc ngồi, hoặc nằm. Phía trên thân phun ra lửa, phía dưới thân phun ra nước, phía dưới thân phun ra lửa, phía trên thân phun ra nước. Từ một thân phân ra làm trăm ngàn vạn thân cho đến vô số, rồi đem vô số thân hiện làm một thân.

Biến hiện xong rồi, từ hư không giáng xuống đứng trước mặt đại vương, nói:

–Sự bố thí ngày hôm nay của đại vương khó ai sánh bằng. Đại vương muốn cầu nguyện những gì, ta sẽ giúp đỡ cho.

Đại vương cùng quần thần, phu nhân, thể nữ… tất cả đều vui mừng, đầu mặt sát đất đảnh lễ dưới chân Bích-chi-phật, cầu nguyện:

–Nay muôn dân trong nước chúng tôi gặp phải tai họa khốn cùng, đến nỗi mạng sống chỉ còn trong giây lát, nay đem công đức của bữa ăn cuối cùng cúng dường cho Thượng nhân để cầu dứt trừ tai họa đói khát hiện có trong nước này. Đó là niềm ước mong duy nhất.

Bích-chi-phật đáp:

–Ta sẽ đáp ứng đúng như sở nguyện của các vị.

Nói xong liền bay đi mất dạng. Ngay khi đó, trên bầu trời mây cuồn cuộn nổi lên, gió lớn nổi dậy thổi sạch những vật dơ bẩn trên mặt đất, tất cả phẩn uế đều biến mất. Tiếp theo, mưa xuống thực phẩm đủ trăm mùi hương vị khắp cõi Diêm-phù-đề. Kế đến, mưa tuông toàn là ngũ cốc, rồi đến áo quần, mền mùng, cuối cùng là mưa xuống bảy thứ châu báu.

Tất cả tám vạn bốn ngàn vua chư hầu cùng thần dân trong cõi Diêm-phù-đề đều vui mừng không kể xiết!

Khi ấy Hoàng đế bảo quần thần ra lệnh cho tám vạn bốn ngàn vua chư hầu, mỗi người phải dạy tất cả dân chúng trong nước của mình tu hành mười điều lành.

Bấy giờ, toàn cõi Diêm-phù-đề ngũ cốc đều tươi tốt, thực phẩm đầy dẫy, muôn dân vui vẻ thực hiện theo mười điều lành, đem tình thương đối xử với nhau như cha, như mẹ, như anh, như em. Tất cả mạng chung đều sinh về cõi trời, không có một ai đọa vào ba đường dữ.

Đức Phật bảo đại vương Ba-tư-nặc:

–Hoàng đế Ca-na-ca-bạt-di thời đó là thân Ta ngày nay. Ta lúc ấy chỉ đem một bữa ăn cúng dường cho một vị Bích-chi-phật, hiện đời đó đã được công đức phước báo như thế, do công đức này đưa đến ngày nay Ta thành Phật, tất cả dân chúng đói khát khổ não trong thời ấy nay đều được chứng đạo, hưởng cảnh an ổn diệu lạc cho đến Niết-bàn tịch diệt.

Lúc ấy, tất cả hàng đệ tử cùng vua quan, thứ dân trong hội đều vui mừng. Đức Phật bảo đại vương Ba-tư-nặc:

–Tất cả chúng sinh bị sợi dây tham lam bỏn sẻn trói buộc, bị sự phủ che của tham lam bỏn sẻn ấy nên không biết bố thí, phải chịu lấy quả đau khổ không thể kể xiết.

Đức Phật nhớ lại về thuở quá khứ xa xưa, tại cõi Diêm-phù-đề này, có một thành tên là Bất-lưu-sa, vị vua trong thành tên là Ba-đàn-ninh, phu nhân tên là Bạt-ma-kiệt-đề. Trong nước nhằm lúc củi quế gạo châu, muôn dân lâm vào cảnh đói khát, lại thêm bệnh tật. Nhà vua cũng bị lâm bệnh, phu nhân tự ý một mình ra ngoài thành cầu thần linh. Dọc trên đường đi có một gia đình, nhằm lúc người chồng đi vắng, người vợ lâm bồn mà không có người hộ sinh, thêm vào đó khi sinh xong ruột đói như cào, trong nhà không có thực phẩm, sản phụ đói lả muốn chết, nên lại thầm nghĩ: “Nay cái chết của ta sắp đến, toan tính vô phương, chỉ có một cách duy nhất là ăn thịt con mình để tự cứu mạng mà thôi”. Nghĩ như thế rồi, tay liền cầm dao sắp sửa giết con mình, nhưng trong lòng cảm động nên cất tiếng khóc òa! Đúng lúc đó phu nhân trên đường đi về cung, tai nghe tiếng khóc của sản phụ rất thảm thiết, lòng càng áo não xót thương, nên dừng chân lắng nghe. Còn người sản phụ ngay lúc cầm dao giết con mình trong tâm tự nghĩ: “Sao lại nhẫn tâm ăn thịt con”. Nghĩ như vậy rồi nên cất tiếng kêu khóc.

Phu nhân lập tức bước vào trong nhà, hỏi sản phụ:

–Vì sao kêu khóc? Muốn làm việc gì?

Sản phụ liền đáp:

–Không có thực phẩm để ăn, lại thêm vừa mới sinh, thân thể thêm yếu đuối bội phần, ý muốn giết con ăn thịt để cứu sống mạng mình.

Phu nhân nghe qua trong lòng xót xa đau đớn, nói:

–Người chớ giết con, đợi ta về cung, sẽ đem thịt đến cho người dùng.

Sản phụ nói:

–Phu nhân là bậc tôn quý, hoặc lại chậm trễ, hoặc lại quên mất. Mà tôi ngày nay mạng sống chỉ còn trong hơi thở không thể dần dà, chi bằng ăn thịt con mình để cứu lấy mạng.

Phu nhân lại hỏi:

–Người có thể ăn những thịt gì?

Sản phụ đáp:

–Thịt gì cũng được, miễn sao cứu được mạng người, không cần ngon dở.

Lúc ấy, phu nhân liền cầm dao tự cắt vú của mình và tự nguyện:

–Ta nay đem thịt vú này dùng vào việc bố thí để cứu nguy ách cho người ấy. Chẳng cầu làm Chuyển luân thánh vương, Thiên đế, Ma vương, Phạm vương… mà chỉ đem công đức này nguyện thành tựu đạo quả Vô thượng Chánh chân.

Nguyện rồi đem vú của mình đưa cho sản phụ. Ngay lúc phu nhân cầm dao tự cắt vú, cả cõi Tam thiên đại thiên thế giới hiện đủ sáu thứ chấn động, các cung điện của chư Thiên đều bị rung chuyển. Trời Đế Thích dùng Thiên nhãn quán sát thế gian, thấy phu nhân tự cắt vú của mình để cứu mạng sống cho sản phụ. Lúc đó, trời Đế Thích cùng vô số chư Thiên liền bay xuống trụ trong hư không, đều buồn khóc, nước mắt tuôn rơi như trận mưa lớn. Đế Thích hiện xuống, đứng trước mặt phu nhân, hỏi:

–Sự bố thí ngày nay của phu nhân không ai sánh bằng, không biết phu nhân đem công đức ấy cầu nguyện việc gì?

Phu nhân đáp:

–Nguyện đem công đức này cầu thành tựu đạo Vô thượng Chánh chân, để độ cho tất cả chúng sinh thoát khỏi các khổ ách.

Đế Thích hỏi:

–Sở nguyện ấy lấy gì làm bằng chứng?

Phu nhân lập lời thề:

–Nếu công đức bố thí ngày nay của ta chắc chắn thành tựu đạo Chánh giác thì cái vú bị cắt của ta lập tức bình phục như cũ.

Dứt lời thệ nguyện, thì vú của phu nhân bình phục lại như xưa.

Đế Thích ca ngợi:

–Lành thay! Lành thay! Đúng như sở nguyện, nhứt định không bao lâu ngài sẽ thành Phật.

Nhà vua, quần thần cùng muôn dân hết sức ca ngợi, cho là việc hy hữu, vui mừng không kể xiết. Sau đó, bệnh tật trong nước được tiêu trừ, lúa gạo dồi dào, muôn dân hưởng cảnh thái bình an lạc. Chẳng bao lâu, nhà vua băng hà, quần thần nhĩm họp, bàn luận tìm người kế vị.

Trời Đế Thích bèn giáng hạ, bảo quần thần:

–Phu nhân Bạt-ma-kiệt-đề ngày nay đã biến thành thân nam tử, lại thêm phước đức hơn người, vậy nên thỉnh người lên ngôi quốc vương. Tất cả quần thần vô cùng hoan hỷ, liền làm lễ đăng quang cho phu nhân.

Trong thời kỳ phu nhân làm vua, quốc gia hưng thịnh, dân chúng giàu có, hưởng cảnh thái bình no ấm.

Đức Phật bảo đại vương Ba-tư-nặc:

–Phu nhân Bạt-ma-kiệt-đề lúc ấy tức là thân Ta ngày nay. Ta không tiếc thân mạng, bố thí như vậy, nên hiện đời bấy giờ hưởng quả báo thân nữ biến thành thân nam, lại nối nghiệp đế vương. Cũng nhân công đức đó nên ngày nay thành Phật, hóa độ khắp tất cả chúng sinh.

Bồ-tát bố thí không còn chấp tướng và dũng mãnh như thế.

Thánh chúng đệ tử, vua, quan, muôn dân… nghe lời Đức Phật nói ai ai cũng đều hoan hỷ, lễ Phật mà lui về.

***

Nghe như vầy:

Một thuở nọ Đức Phật ở tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ.

Trong thành có một Bà-la-môn, một hôm ra ngoài thành lập đàn cúng tế, bày tiệc ăn uống. Cúng tế ăn uống xong rồi, vị Bà-la-môn ấy thỉnh các Bà-la-môn khác vào thành. Nhân lúc ấy Đức Phật vào thành khất thực.

Trên con đường vào thành, Bà-la-môn trông thấy Đức Phật dung mạo oai nghiêm, hào quang rực rỡ, nên trong lòng hớn hở vui mừng, đi nhiễu quanh Phật một vòng, đảnh lễ rồi đi. Đức Phật mỉm cười, hào quang từ miệng Phật chiếu khắp mười phương, trên tỏa đến cõi trời Ba mươi ba, dưới soi tới mười tám địa ngục lớn. Các loài ngạ quỷ… nói chung, cảnh giới nơi năm đường không một ai là không hưởng sự mầu nhiệm của ánh quang minh này. Người bệnh thì được lành, cảnh xiềng xích giam cầm trong lao ngục, tất cả đều được phóng thích. Còn chư Thiên, muôn dân, trông thấy hào quang của Đức Phật tất cả đều vui mừng, liền đi tới chỗ Đức Phật, dùng bao nhiêu là hương hoa để cúng dường Đức Thế Tôn.

Tôn giả A-nan quỳ mọp trước Đức Phật, bạch:

–Nụ cười hân hoan của Đức Phật hôm nay nhiệm mầu như vậy, không biết nụ cười ấy có ý nghĩa như thế nào mong Phật chỉ giáo cho.

Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Tôn giả có thấy ông Bà-la-môn lúc nãy đi nhiễu quanh Phật một vòng hay không?

Tôn giả A-nan đáp:

–Dạ vâng, con có thấy.

Đức Phật nói:

–Người Bà-la-môn ấy thấy Phật hoan hỷ, dùng ý thanh tịnh cung kính đi nhiễu quanh Phật một vòng. Do công đức này, Bà-la-môn đó từ nay trở về sau, trải qua hai mươi lăm kiếp không đọa vào trong ba đường ác. Ngược lại, sinh vào loài người hay trên cõi trời, nơi nào cũng hưởng an lạc vô cùng. Mãn hai mươi lăm kiếp rồi sẽ chứng quả Bích-chi-phật hiệu là Đặc-sấn-na-kỳ-lê.

Tôn giả A-nan và tất cả đại chúng nghe lời Đức Phật nói, thân tâm đều được thanh tịnh. Có vị chứng quả Tu-đà-hoàn, có người chứng quả Tu-đà-hàm, có người chứng quả A-na-hàm, A-la-hán, hoặc có người phát tâm cầu đạo quả Vô thượng Chánh chân.

Chúng hội vui mừng, nhiễu quanh bên phải rồi lễ Phật lui về.

***

Nghe như vầy:

Một thuở nọ Đức Phật ở tại nước Uất-đơn-la-diên. Đức Phật cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị Sa-môn đi vào trong xóm làng. Sắc tướng của Như Lai, với ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp tỏa hào quang rực rỡ chiếu sáng cả trời đất, không có một nơi nào là không sáng tỏ, cũng như ánh sáng vằng vặc của trăng đêm rằm giữa những đám sao nhấp nháy.

Ngài du hành gặp lúc trời nắng oi bức mà lại không có một bóng râm mát nào. Lúc ấy, có một người chăn dê thấy hào quang của Phật trong tâm tự nghĩ: “Như Lai Thế Tôn là Bậc Đạo Sư trong ba cõi, đi trong nắng oi ả thế này mà không có bóng râm mát.” Ông liền bện cỏ làm dù đi theo sau che trên đầu Đức Phật. Đi được một khoảng đường, cách bầy dê quá xa, anh ta bèn bỏ cỏ dù xuống đất, lật đật chạy về coi dê.

Đức Phật liền mỉm cười. Nụ cười vừa chớm nở thì nơi kim khẩu của Đức Thế Tôn phóng ra ngàn vạn đạo hào quang màu vàng rực rỡ lạ thường. Trong mỗi đạo hào quang lại phát ra trăm ngàn tia sang chiếu khắp cả mười phương, trên cho đến cõi trời thứ Ba mươi ba, dưới thì đến mười tám địa ngục lớn, ngạ quỷ, súc sinh… không một nơi nào là không sáng chói.

Người và chư Thiên trong ba cõi thấy ánh quang minh của Đức Phật, lập tức liền đến chỗ Phật, tất cả dân chúng và các loài Rồng, A-tu-la, vô số chúng hội hết sức vui mừng, đem tất cả hoa hương và đủ thứ âm nhạc cúng dường Đức Như Lai.

Tôn giả A-nan quỳ mọp trước Đức Phật, bạch:

–Nụ cười của Phật không phải chỉ là cười suông, ắt có lý do. Xin Đức Phật nói rõ về ý nghĩa của nụ cười ấy.

Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Tôn giả có thấy người chăn dê khi nãy không?

Tôn giả A-nan thưa:

–Dạ, con có thấy!

Đức Phật bảo:

–Người chăn dê ấy đem tâm cung kính, bện cỏ làm dù để che trên đầu Đức Phật. Do công đức này, trong mười ba kiếp tới đây, bất luận sinh lên cõi trời hay tại nơi thế gian, cuộc đời luôn luôn giàu sang phú quý, thường có chiếc dù bằng bảy thứ ngọc quý tự nhiên che trên đầu. Sau khi mạng chung không đọa vào ba đường ác. Mãn mười ba kiếp rồi, xuất gia hành đạo thành Bích-chi-phật hiệu là A- nậu-bà-đạt.

Tất cả đại chúng nghe Phật nói việc này rồi, có kẻ chứng các quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm hay A-la-hán, hoặc thành Bích-chi-phật, hoặc phát tâm cầu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng giác, hoặc chứng quả vị Bất thoái chuyển.

Chúng hội vui mừng lễ Phật lui về.

***

Nghe như vầy:

Một thuở nọ, Đức Phật ở tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ. Đệ tử lớn của Phật là Xá-lợi-phất, ngày đêm sáu thời thường dùng đạo nhãn quán sát tất cả chúng sinh, xem căn tánh ai có thể độ được, liền đến hóa độ.

Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc có một đại thần tên là Sư Chất, giàu có tài sản vô lượng, lại có cơ duyên đáng được hóa độ, nên Tôn giả Xá-lợi-phất sáng sớm hôm sau, đắp y, mang bình bát đi thẳng đến nhà đại thần kia để khất thực.

Đại thần Sư Chất vừa thấy Tôn giả Xá-lợi-phất liền cung kính lễ bái, mời vào trong nhà ngồi trên tòa, hỏi thăm sức khỏe, rồi đại thần dâng đủ các thức ăn.

Sau khi Tôn giả thọ trai xong, rửa tay súc miệng, rồi vì đại thần Sư Chất mà thuyết pháp.

Tôn giả nói:

–Phú quý, địa vị, bổng lộc là nguyên nhân của các đau khổ. Nhà cửa, ân ái cũng như ở trong chốn lao ngục. Tất cả mọi sở hữu đều là vô thường. Tất cả sự tôn quý trong ba cõi cũng như sự biến hóa của trò ảo thuật. Thân hình lưu chuyển theo sinh tử trong năm cõi đều không có chủ tể.

Đại thần Sư Chất nghe Tôn giả Xá-lợi-phất thuyết pháp như vậy, trong tâm lo sợ không còn ham thích địa vị giàu sang, chẳng màng ân ái. Xem nhà ở như chốn gò mả, nên đem tất cả gia nghiệp vợ con giao lại cho người em ruột mình, rồi cạo bỏ râu tóc, thân mặc áo hoại sắc vào trong thâm sơn, thiền tọa hành đạo.

Lúc ấy, người vợ của đại thần Sư Chất cứ ưu sầu áo não, vẫn mơ tưởng Sư Chất, không chịu ân ái với người em chồng.

Người em Sư Chất nói:

–Nhà cửa, tài sản châu báu rất nhiều, nào có gì thiếu thốn mà lại luôn luôn buồn phiền chẳng vui?

Người vợ của đại thần Sư Chất đáp:

–Ta nhớ đến đại thần Sư Chất, là người chồng cũ của ta, do đó ta buồn rầu.

Người em của đại thần Sư Chất nói:

–Nay nàng cùng ta đã tác thành vợ chồng, tại sao ngày đêm vẫn mơ tưởng đến người cũ làm gì?

Người vợ của đại thần Sư Chất lại đáp:

–Người chồng cũ của ta tâm địa tốt đẹp không ai sánh bằng. Do vậy ta luôn mơ tưởng.

Người em của đại thần Sư Chất thấy chị dâu luôn luôn mơ tưởng tới người anh mình, nên e rằng người anh nếu không may thoái chí bỏ tu hoàn tục, trở về sẽ đoạt lại gia nghiệp vợ con. Nghĩ như thế rồi, anh ta bèn tính một kế, liền gọi một tướng cướp đến bảo:

–Ta thuê ngươi năm trăm tiền vàng, đi chặt đầu Sa-môn Sư Chất đem về đây.

Tướng cướp nhận tiền thuê, rồi đi vào trong núi gặp Sa-môn Sư Chất. Sa-môn Sư Chất nói:

–Ta chỉ có một chiếc y cũ xấu này, ngoài ra không có tài sản gì nữa. Người vì lý do gì mà đến đây?

Tướng cướp đáp:

–Em ông thuê ta đến đây để giết ông.

Sa-môn Sư Chất nghe qua thì hoảng sợ, nói với tướng cướp:

–Ta là người mới xuất gia hành đạo, lại chưa gặp Đức Phật, cũng chưa tỏ ngộ giáo pháp, xin dừng tay giết ta, đợi khi ta gặp Đức Phật, hiểu ít giáo pháp rồi, chừng ấy sẽ giết cũng chẳng muộn.

Tướng cướp một mực nói rằng ta nhứt định giết ông, không thể trì hoãn.

Sa-môn Sư Chất liền dang một cánh tay ra nói với tướng cướp:

–Người có thể chặt một cánh tay ta, còn thân tàn này để ta gặp Đức Phật được chăng?

Tướng cướp liền chặt một cánh tay của Sa-môn Sư Chất đem về giao cho người em.

Sa-môn Sư Chất sau đó tìm đường đến gặp Đức Phật. Khi gặp Đức Phật rồi, làm lễ, lui về chỗ ngồi.

Đức Phật vì Sa-môn Sư Chất mà thuyết pháp:

–Ông từ vô số kiếp xa xưa đến nay đã từng giết hại bao nhiêu người. Lượng máu chảy ra do ông chặt lấy tay, chân, đầu người ấy nhiều hơn nước nơi bốn biển. Xương người do ông sát hại chất cao hơn núi Tu-di. Nước mắt đau khổ của người do ông tạo ra nhiều hơn nước nơi bốn sông to. Sữa mẹ ông bú nhiều hơn nước sông bể. Ngày nay ông bị chặt tay là do quả báo từ vô lượng kiếp đến nay, chẳng phải nhân quả chỉ trong một đời này.

Tất cả chúng sinh có thọ thân thì đều chịu các quả báo đau khổ. Tất cả các quả đau khổ đều từ nơi nhân tập mà phát sinh. Do tập nhân nơi ân ái mà có các khổ lụy này. Nếu si mê, ân ái dứt sạch thì nghiệp nơi tập nhân không còn. Hành nghiệp theo tập nhân không còn thì không thọ thân căn. Đã không có các thân căn thì các khổ liền tiêu diệt.

Ông phải tư duy tu tập bát Chánh đạo.

Lúc ấy, Sa-môn Sư Chất nghe lời Đức Phật dạy như vậy, tâm trí bỗng nhiên sáng suốt, liền ở trước Đức Phật chứng quả A-la-hán, rồi xả bỏ thân mạng nhập Niết-bàn.

Nói về tướng cướp, đem cánh tay của Sa-môn Sư Chất về giao cho người em. Người em liền đặt cánh tay của anh mình trước chị dâu, rồi nói:

–Nàng thường nói mình luôn mơ tưởng đến người chồng cũ. Đây là cánh tay của ông ấy.

Người chị dâu thấy vậy, càng đau đớn nên buồn khóc nức nở, trong lòng rất bất bình, liền đem sự vụ tâu lên nhà vua. Nhà vua cho người điều tra, thấy đúng như sự thật nàng đã khai báo. Vua liền ra lệnh xử trảm người em.

Chư Tỳ-kheo nghi ngờ về trường hợp của Sa-môn Sư Chất, nên bạch Đức Phật:

–Sa-môn này đời trước đã tạo nhiều điều ác gì mà ngày nay phải chịu quả báo bị chặt cánh tay? Rồi do đã tạo phước đức gì, nên được gặp Phật, lại chứng đạo quả A-la-hán? Xin Đức Phật thương xót chỉ dạy cho.

Đức Phật bảo đại chúng:

–Vào thời quá khứ lâu xa, tại nước Ba-la-nại có vị vua tên là Bà-la-đạt. Lúc ấy, nhà vua cùng quần thần du hành săn bắn, vì vua mãi mê đuổi theo con thú vào tận rừng sâu nên quên mất đường về. Lại thêm cây lá um tùm che khuất ánh sáng mặt trời, dù nghĩ đủ trăm cách nhưng không tài nào tìm được lối ra, nên càng hoảng hốt lo sợ. May đâu lúc ấy thấy phía trước đường có một vị Bích-chi-phật, nhà vua liền tiến đến, thưa:

–Quả nhân vì mãi đuổi theo con thú nên lạc đường không biết lối ra, hiện giờ không biết quần thần, quân lính, xe ngựa ở tại phương nào?

Do hai cánh tay của vị Bích-chi-phật bị ung độc nhức nhối vô cùng, nên không thể cử động để chỉ lối được, bèn dùng chân chỉ lối đi cho nhà vua.

Nhà vua tức giận, bắt tội khi quân, nói:

–Người là dân của ta, gặp ta đã không đứng dậy thủ lễ, còn lại khinh khi lấy chân chỉ lối cho ta.

Nhà vua nói xong liền rút gươm chặt đứt một cánh tay của Bích-chi-phật.

Bích-chi-phật tự nghĩ: “Nhà vua nếu không biết sám hối việc làm của mình vừa rồi, thì sẽ thọ quả báo trọng tội không có thời kỳ chấm dứt.” Lúc ấy Bích-chi-phật ở trước nhà vua liền dùng thần túc thông bay thẳng lên hư không, biến hóa đủ cách. Nhà vua thấy vậy, rồi gieo năm vóc sát đất, lớn tiếng cầu xin sám hối tạ tội:

–Cúi mong Phật thương xót, giáng hạ xuống mặt đất thọ sự sám hối của con.

Bích-chi-phật liền hạ xuống đất, nhận sự sám hối của nhà vua. Nhà vua gieo năm vóc xuống sát chân Bích-chi-phật, làm lễ sám hối, tự bày tỏ:

–Cúi mong ngài xót thương thọ nhận sự sám hối của con, để con khỏi phải thọ quả khổ lâu dài.

Lúc ấy, Bích-chi-phật xả thân nhập vào Niết-bàn vô dư. Nhà vua thu hài cốt, xây tháp để thờ linh cốt của ngài. Nhà vua ở trước bảo tháp luôn dùng hoa hương cúng dường cầu xin sám hối. Do đó, nay thoát khỏi vòng sinh tử.

Đức Phật bảo đại chúng:

–Nhà vua lúc ấy nay là vị Sa-môn Sư Chất này. Do chặt cánh tay của Bích-chi-phật nên bị quả báo trong năm trăm đời bị chặt cánh tay mà chết, cho đến việc thọ báo ngày hôm nay cũng vậy. Do sự sám hối nên không bị đọa địa ngục, mà được trí tuệ sang tỏ, thoát khỏi sinh tử thành bậc A-la-hán.

Đức Phật bảo các vị Tỳ-kheo:

–Tất cả những nghiệp nhân, họa hay phước đều không mất đi đâu cả.

Tất cả đại chúng nghe lời Đức Phật dạy, không ai là không kinh sợ, đồng gieo năm vóc sát đất lễ Phật.

***

Thuở xưa, Đức Phật ở tại ao A-nậu-đạt bảo năm trăm vị A-la-hán:

–Mỗi người tự nêu bày việc làm ở thời quá khứ của mình, mà do đó nay được chứng đạo.

Các vị A-la-hán theo lời dạy của Đức Phật, mỗi vị đều nói về công đức của các việc làm trong quá khứ của mình.

Lúc đó, có A-la-hán tên là Bà-đa-kiệt-lê tự nêu bày:

–Về thời quá khứ vô số kiếp, có Đức Phật ra đời hiệu là Định Quang Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Vi Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, giàu lòng đại từ bi, xót thương giúp đỡ tất cả, làm nơi nương tựa che chở cho chúng sinh, xuất hiện ở đời giáo hóa trời người khiến, họ đắc đạo rồi mới nhập Niết-bàn. Xá-lợi được phân chia, xây tháp an trí cúng dường.

Vào thời kỳ giáo pháp của Đức Phật này sắp diệt tận, tôi là người bần cùng không kế sinh nhai, nên đi đây đó đốn củi độ nhật. Bỗng từ xa trông thấy một ngôi tháp đồ sộ, nguy nga, nằm cạnh một cái đầm lớn. Khi mắt trông thấy thì tâm rất đỗi vui mừng, không sao kể xiết. Vội vàng rảo bước đến đó chiêm ngưỡng, lễ bái, trong người lâng lâng thoải mái. Thấy các loài chồn, cáo, chim chóc… nằm ngủ trong đó, chung quanh cây cỏ um tùm, gai góc chằng chịt và đầy dẫy phân chim, thú. Tuyệt nhiên không có người quản thủ và cũng không có một dấu vết của người đi lại chiêm ngưỡng cúng dường.

Tôi thấy cảnh hoang vắng như vậy, trong lòng lấy làm xót xa vô cùng. Không biết pháp công đức nơi thần lực của Như Lai như thế nào, mà đã khiến tâm tôi hớn hở dốc sức chặt phát cỏ cây và quét dọn sạch sẽ những phân của cầm thú, chim chóc, chồn cáo… Quét dọn xong, trong tâm càng vui vẻ, chí thành nhiễu quanh tháp tám vòng, chắp tay đảnh lễ rồi lui về.

Do công đức này, sau khi mạng chung được sinh lên tầng trời thứ mười lăm là cõi Quang âm, dùng các thứ ngọc quý trang sức nơi cung điện nên hào quang rực rỡ, trang nghiêm tráng lệ, vô cùng tươi đẹp, vượt hẳn các cung điện của chư Thiên khác. Thọ mạng ở cõi trời xong, lại một trăm đời làm Chuyển luân thánh vương trị vì bốn châu thiên hạ, bảy báu tự nhiên tùy theo ý muốn. Mãn kiếp số làm Chuyển luân thánh vương, lại thường sinh vào nhà Trưởng giả, dòng họ tôn quý của hoàng tộc, giàu có vô cùng, dung mạo đẹp đẽ, không có người thứ hai sánh bằng, hễ ai trông thấy tôi đều sinh tâm hoan hỷ kính mến. Khi muốn ra đi, đường sá tự nhiên sạch sẽ, chư Thiên ở trên không rải hoa tỏ lòng cung kính. Bất cứ sống ở chỗ nào cũng được như vậy.

Chín mươi kiếp xoay vần trong một A-tăng-kỳ, khi thì sinh lên cõi trời, khi thì sinh trong nhân gian, lúc nào cũng hưởng cảnh phú quý tự nhiên, không rơi vào ba đường ác.

Tôi nhớ đây là sự việc quan trọng trong các sự việc đặc biệt của đời tôi về quá khứ. Ngày nay, phước báo cuối cùng của tôi đã viên mãn, đã gặp được bậc Thầy họ Thích, Bậc Đại Hùng trong ba cõi, được vào trong giáo pháp của Ngài, thành bậc Sa-môn, chứng được sáu phép thần thông, không việc gì làm ngăn ngại, dứt sạch các tham dục, thành bậc A-la-hán. Lại không bị các việc lạnh nóng và ấm làm bực dọc, tâm được thanh tịnh, hết sức an vui.

Nếu đối với Tam bảo, tạo được mảy may điều lợi ích gì, bất cứ ở cảnh giới nào cũng được phước báo vô cùng to lớn.

Tôi nghĩ nhớ đức hạnh đã tạo trong quá khứ như vậy, nên nay được quả báo như thế này.

Bà-đa-kiệt-lê ở trước Phật trình bày việc làm về thời quá khứ của mình, rồi lễ Phật lui ra đứng qua một bên.

***

Khi Đức Phật mới thành đạo, quán xét căn tánh của chúng sinh do ngu si điên đảo, nên ương bướng khó giáo hóa. Như Lai dầu có thuyết pháp thì ai là người chịu nghe theo, chi bằng Ngài nhập vào Niết-bàn, vả lại cũng không có người đến thỉnh Phật thuyết pháp.

Vua trời Phạm thiên biết được Đức Phật có ý muốn nhập Niết-bàn, liền cùng với vô số chư Thiên cõi Phạm thiên chỉ trong khoảng khắc như lực Sĩ duỗi cánh tay, liền đến trước Đức Phật, đầu mặt lễ sát đất, nhiễu quanh Đức Phật ba vòng, rồi chắp tay quỳ mọp trước Phật, bạch:

–Chúng sinh nơi ba cõi sống trong cảnh mờ tối đã quá lâu, nay mới có Bậc Đại Thánh xuất hiện. Cúi mong Đức Thế Tôn dũ lòng đại từ đại bi vô lượng, thương xót chúng sinh, mong Ngài nhận lời thưa thỉnh này, hết sức mong Ngài nhận lời thưa thỉnh của chúng con, khai diễn kho tàng Phật pháp để bố thí ánh sáng trí tuệ.

Đức Phật bảo Phạm thiên:

–Chúng sinh khó giác ngộ, do mê lầm điên đảo. Dầu Ta có nói giáo pháp, ai là người chịu nghe theo, chi bằng Ta sớm nhập vào Niết-bàn.

Lúc ấy, Phạm thiên lập lại lời thỉnh:

–Chúng sinh trong ba cõi, đã từ lâu sống trong cảnh giới tối tăm, trải qua trăm ngàn vạn ức kiếp mới gặp Đức Phật ra đời. Như hoa Ưu-đàm-bát rất lâu mới nở, cũng như chư Phật khó gặp. Cúi xin Đức Như Lai tăng thêm lòng đại bi, nguyện nói giáo pháp để khai ngộ kẻ ngu si.

Phạm thiên nói tiếp:

–Đức Thế Tôn từ vô số kiếp đến nay đã từng xả bỏ thân mạng, đầu, mắt, tủy, não, da, thịt, xương, máu, quốc gia, vợ con… bố thí cho tất cả, vì chúng sinh phát nguyện rộng lớn, sẽ vì chúng sinh làm ánh quang minh rực rỡ.

Lại nữa, về thời quá khứ cách đây vô số kiếp, lúc ấy tại cõi Diêm-phù-đề có vị vua cai trị một nước lớn, tên là Độ-xà-na-tạ-lê, là người nhân từ, dũng mãnh, đoan chánh tột bực, thống lãnh tám muôn bốn ngàn các chư hầu, nước nhà hưng thạnh, dân chúng an lạc. Một hôm nọ, đại vương ngồi tĩnh tọa tư duy nơi cung điện, suy nghĩ: “Xét người ở đời được sự tôn vinh, hưởng cảnh giàu sang phú quý an lạc tự nhiên đều do đời trước đã trồng căn lành, trau dồi trí tuệ. Vì lý do đó nên hôm nay mới được như vậy. Đã được hưởng cảnh tôn vinh, phú quý, an lạc tự nhiên rồi, trở lại đam mê sắc dục, không nghĩ đến cơn vô thường, lại không biết vun trồng thiện căn để tiếp nối phước báo cho đời sau. Cũng như loài súc sinh, suốt ngày ăn no nê không biết dụng công tu tỉnh. Phàm là người có trí cần phải trau dồi trí tuệ, để chánh pháp ngày được mở mang”.

Nhà vua suy nghĩ như vậy rồi, liền bảo các cận thần:

–Ta muốn nghe chánh pháp, các khanh truyền lệnh cung thỉnh bậc trí tuệ vì ta mà thuyết pháp.

Quần thần nhận lệnh, rồi sai đi khắp các nước trong bốn phương tuyên lệnh của đại vương, cầu thỉnh các bậc đại trí thông minh.

Bấy giờ, có một người thuộc dòng Bà-la-môn, học vấn quảng bác, trí tuệ siêu quần, đến nhận lệnh của nhà vua. Quần thần tâu lên đại vương:

–Nay có một người Bà-la-môn là bậc thông minh trí tuệ, học thức uyên bác, đang đứng chờ lệnh ngoài ngõ.

Nhà vua vừa nghe qua trong lòng hớn hở, bèn đích thân ra tận ngọ môn cung kính đón rước vào nội cung, mời ngồi lên tòa làm bằng ngọc quý, rồi đầu mặt lễ sát đất, dâng lên các món cao lương mỹ vị. Bà-la-môn ăn xong, rửa tay súc miệng, rồi nhà vua mới thưa thỉnh:

–Từ lâu đã nghe danh nhân giả là bậc Hiền đức, nay từ xa đến đây, cúi xin đại Tiên vì tôi nói pháp.

Bà-la-môn nói:

–Ta tu học bấy lâu, trải qua nhiều năm cực khổ, mà nay đại vương muốn nghe pháp liền đâu được.

Nhà vua thưa:

–Nhân giả cần dùng quốc thành, ngọc ngà, châu báu…, tôi sẽ xin cung cấp tất cả theo ý muốn.

Bà-la-môn đáp:

–Ta không cần quốc thành, vợ con, ngọc ngà, châu báu, voi ngựa… Này đại vương, nếu có thể khoét thịt trên thân vua làm thành một ngàn ngọn đèn, nếu được vậy ta sẽ thuyết pháp cho nghe, còn không được như thế thì kinh pháp không dễ gì được nghe.

Nhà vua tự nghĩ: “Từ vô số kiếp đến nay, ta bỏ thân mạng không kể xiết, nhưng chưa có lần nào vì pháp mà bỏ thân mạng. Hôm nay vì pháp, đem thân làm đèn là việc làm hết sức vui sướng và tốt đẹp.” Nhà vua nghĩ như vậy rồi, hoan hỷ thưa với Bà-la-môn:

–Theo như lời nhân giả đã dạy, tôi sẽ tuân hành, không dám trái ý.

Bà-la-môn nói:

–Nếu được vậy thì tốt lắm! Và chừng nào sẽ thực hiện?

Nhà vua lại đáp:

–Bảy ngày sau mới thực hiện.

Nhà vua bảo quần thần ra lệnh cho các chư hầu:

–Bảy ngày nữa, đại vương sẽ vì pháp mà dùng thân mình làm một ngàn ngọn đèn. Ai muốn thăm đại vương, tất cả tập hợp về kinh đô.

Quần thần nhận lệnh đại vương, đều sai sứ đi đến tám muôn bốn ngàn nước chư hầu tuyên lệnh:

–Đại vương trong bảy ngày nữa sẽ đem thân khoét thành một ngàn ngọn đèn, chư hầu thần dân ai muốn thăm đại vương thì mau mau tập hợp về đại quốc.

Tất cả vua chư hầu, dân chúng nghe được tin ấy đều hết sức ngạc nhiên, như nghe tin cha mẹ qua đời, nên buồn rầu khóc lóc, cảm động cả cõi Diêm-phù-đề. Tất cả chư hầu, thần dân đều tập trung về đại quốc.

Đại vương bảo các quan cận thần:

–Tìm một chỗ đất bằng phẳng, rộng rãi, thiết lập tòa ngồi.

Quần thần phụng lệnh, tìm một chỗ đất bằng phẳng rộng rãi và thiết lập một tòa ngồi.

Khi đại vương ăn uống xong, cùng chư vị phu nhân, hai ngàn thể nữ, một ngàn đại thần thứ lớp đi theo nhau. Đại vương bước lên ngồi chính giữa tòa.

Các vị phu nhân, thế nữ, các vị chư hầu, quần thần, dân chúng, ở trước mặt đại vương, ai ai cũng đau lòng, đồng thanh tâu trình:

–Cúi xin đại vương đem lòng đại từ, đại bi vô lượng thương xót thần dân, vì chúng tôi, đại vương chớ đem thân đốt thành một ngàn ngọn đèn.

Đại vương nói với chư hầu, quần thần, muôn dân, phu nhân, thế nữ:

–Ta từ vô số kiếp đến nay, sinh tử trong năm đường bỏ thân vô số, nhưng chưa từng vì pháp mà xả bỏ thân mạng. Nay vì pháp khoét thân làm đèn, xin đem công đức này hồi hướng về Phật đạo, vì vô lượng chúng sinh khắp mười phương thế giới làm ánh sáng quang minh phá tan bóng tối của ba độc tham, sân, si. Khi ta thành Phật, sẽ vì các ông đem ánh sáng trí tuệ chiếu soi đoạn trừ sinh tử, mở cửa Niết-bàn để vào căn nhà an ổn là Phật pháp. Các người chớ khuyên ta thoái chuyển tâm Vô thượng đạo.

Khi ấy, tất cả chúng hội đều lặng thinh.

Rồi đại vương cầm dao đưa cho quan hầu cận, bảo khoét trên thân một ngàn chỗ để làm một ngàn ngọn đèn, thịt múc trong thân ra mỗi lỗ sâu bằng một đồng tiền lớn, đem dầu rót vào và đặt một ngàn ngọn tim làm thành một ngàn ngọn đèn. Làm vừa xong, đại vương thưa với Bà-la-môn:

–Xin nhân giả thuyết pháp trước, rồi sau đó mới đốt đèn.

Nhưng vị Bà-la-môn vì đại vương chỉ nói vỏn vẹn một bài kệ:

Đã có thì không

Đã thành thì hoại

Có hiệp có ly

Có sinh có diệt.

Đại vương nghe kệ rồi thì vui mừng không kể xiết, bảo chư thần, phu nhân, thể nữ đọc tụng ghi nhớ, liền truyền lệnh mọi người viết bài kệ dán nơi các cửa ra vào, ngã tư đường cái và những cổng làng. Lại cùng ra lệnh cho tất cả dân chúng trong đại quốc cũng chư hầu thần dân cả cõi Diêm-phù-đề đều đọc tụng.

Khi ấy đại vương thưa với Bà-la-môn:

–Giờ đây nên châm lửa đốt đèn.

Rồi vua lập lời thệ nguyện:

–Ngày nay vì pháp đem thân làm đèn, tôi không cầu ngôi vị Chuyển luân thánh vương, trên cho đến Thiên đế, Thiên vương và các thứ lạc thú vinh hiển ở đời, cũng không cầu chứng quả của Nhị thừa. Nguyện đem công đức này cầu đạo Vô thượng Chánh chân. Vì tất cả chúng sinh trong năm đường làm ngọn đèn đại pháp chiếu phá các bóng tối vô minh.

Khi đại vương phát nguyện như vậy rồi, tức thì cả cõi Tam thiên đại thiên thế giới hiện đủ sáu thứ chấn động, trên cho đến cõi trời Thủ-đà-hội, tất cả cung điện đều rung rinh, khiến chư Thiên thảy hoảng sợ, không biết lý do gì khiến quả đất biến động dữ dội như vậy, liền dùng Thiên nhãn quán sát khắp cõi Diêm-phù-đề, thấy có một vị Bồ-tát vì cầu pháp nên đem thân đốt thành một ngàn ngọn đèn và phát đại nguyện. Vì lý do đó nên đại địa chấn động dữ dội.

Lúc đó, chư Thiên đồng giáng hạ xuống cõi Diêm-phù-đề, thấy rõ một ngàn ngọn đèn đang cháy sáng trên thân Bồ-tát. Vô số chư Thiên thương khóc, nước mắt như mưa. Trời Đế Thích đứng trước mặt đại vương ca ngợi:

–Lành thay! Lành thay! Do quyết cầu pháp nên không tiếc thân mạng. Đại vương làm như vậy để cầu mong việc gì?

Bồ-tát đáp:

–Tôi chẳng cầu ngôi vị Chuyển luân thánh vương, Thiên đế, Ma vương, Phạm vương và thú vui theo ngũ trần: Sắc, thanh, hương, vị, xúc… cũng không cầu đạo quả Bích-chi-phật hay A-la-hán. Nguyện đem công đức này cầu quả Vô thượng Chánh chân, vì vô lượng chúng sinh khắp mười phương thế giới làm ngọn đèn trí tuệ để chiếu phá bóng tối của ba độc: tham, sân, si, khiến lìa các khổ, chứng cảnh an lạc nơi Nê-hoàn.

Trời Đế Thích lại hỏi:

–Thân đốt thành một ngàn ngọn đèn, đại vương có lấy làm đau khổ, sinh tâm hối hận chăng?

Vua đáp:

–Không lấy làm đau khổ, cũng không sinh tâm hối hận.

Thiên đế lại hỏi:

–Đại vương không sinh tâm hối hận, lấy gì làm bằng chứng.

Vua liền lập lời thề:

–Ta ngày nay vì cầu pháp, đem thân làm thành một ngàn ngọn đèn, nguyện đem công đức này hồi hướng về đạo quả Vô thượng Chánh chân. Như quả thật thành Phật thì xin những vết khoét của một ngàn ngọn đèn này trong tức khắc được lành, thân liền bình phục không còn vết sẹo.

Đại vương phát lời thệ nguyện ấy rồi, thì toàn thân liền bình phục như cũ, không còn một vết sẹo nào, lại đoan nghiêm tốt đẹp lạ thường, vượt hơn thân hình lúc trước.

Bấy giờ trời Đế Thích cùng vô số chư Thiên, các vua chư hầu, quần thần, phu nhân, thể nữ, vô lượng thứ dân đồng thanh ca ngợi:

–Lành thay! Lành thay! Thật chưa từng có!

Tất cả đều vô cùng hoan hỷ, cùng vâng lời tu hành mười điều lành.

Đức Phật bảo:

–Đại vương lúc ấy là thân Ta ngày nay, Bà-la-môn lúc ấy nay là Điều-đạt.

Bồ-tát cầu pháp tu tập trí tuệ luôn tinh tấn như vậy.

    Xem thêm:

  • Kinh Hưng Khởi Hạnh - Kinh Tạng
  • Kinh Nhơn Vương Hộ Quốc Bát Nhã Ba La Mật Đa - Kinh Tạng
  • Kinh A Hàm Chính Hạnh - Kinh Tạng
  • Kinh Bảo Thụ Bồ Tát Bồ Đề Hành - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 123 – Kinh Hy Hữu Vị Tằng Hữu Pháp (Acchariya-abbhùtadhamma sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Tu Hành Bản Khởi - Kinh Tạng
  • Kinh Ưu Bà Di Tịnh Hạnh Pháp Môn - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 120 – Kinh Hành Sanh (Sankhàrupapatti sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 114 – Kinh Nên Hành Trì, Không Nên Hành Trì (Sevitabba-asevitabba sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Bát Đại Bồ Tát – Thích Nữ Hạnh Diệu dịch - Kinh Tạng
  • Du Già Thập Bát Hội Chỉ Quy Kinh Kim Cang Đỉnh - Kinh Tạng
  • Pháp Nghi Quỹ Dược Sư Như Lai Quán Hạnh - Kinh Tạng
  • Kinh Hạnh Người Cư Sĩ - Kinh Tạng
  • Kinh Đồng Tử Tô Bà Hô Thưa Hỏi - Kinh Tạng
  • Kinh Tôn Giả Hộ Quốc Hỏi Về Đại Thừa - Kinh Tạng
  • Dược Sư Tam Muội Hành Pháp - Kinh Tạng
  • Bài Xưng Tán Hạnh Nguyện Bồ Tát Phổ Hiền - Kinh Tạng
  • Kinh chú Đà La Ni Thỉnh Bồ Tát Quán Thế Âm Tiêu Phục Độc Hại - Kinh Tạng
  • Kinh Bồ Đề Hạnh - Kinh Tạng
  • Kinh Từ Thị Bồ Tát Hạ Sanh Thành Phật - Kinh Tạng