1
2
3

QUYỂN HẠ

Khi Đức Như Lai nói lời chân chánh vi diệu như vậy, thì đám quỷ gây bệnh tật đều chạy về hướng nước Ma-kiệt-đà, nhờ vậy dịch bệnh trong nước Tỳ-xá-ly đều được tiêu trừ. Đức Phật phải quay trở về nước Ma-kiệt-đà, thì đám quỷ gây bệnh tật ấy lại chạy sang nước Tỳ-xá-ly. Do đó, Đức Thế Tôn phải qua lại hai nước đến bảy lần, cuối cùng lại nói:

–Ta từ vô số kiếp đến nay, tạo được bao nhiêu công đức, đều nhằm để phát đại nguyện. Nay Ta đem việc làm chân chánh này để trừ tâm bệnh và thân bệnh cho tất cả chúng sinh.

Đức Phật kể:

–Khi Ta làm vua tên là Thi-tỳ, vì một con bồ câu mà tự cắt thịt trên thân mình, Ta đã phát lời thệ nguyện trừ diệt tận mọi nguy hiểm cho tất cả chúng sinh.

Khi Ta làm thái tử tên là Ma-ha-tát-đỏa, vì hai mẹ con cọp đói mà ta xả bỏ thân mạng cho cọp được sống.

Khi Ta làm vua tên là Xá-thi, tự lấy thịt nơi thân mình hiến cho người bệnh trải qua mười hai năm.

Khi Ta làm vua tên là A-di-đà-da-lương, bị bệnh, tự chế thuốc để uống, lúc ấy có một vị Bích-chi-phật mắc bệnh đồng như nhà vua, đến chỗ nhà vua xin thuốc. Nhà vua nhịn không uống thuốc, đem phần thuốc của mình cúng cho Bích-chi-phật, rồi phát đại nguyện: Nguyện cho tất cả bệnh chúng sinh đều được diệt trừ.

Khi Ta làm vua tên là Tu-đà-tố-di, Ta cứu được mạng sống cho một trăm vua sắp chết và đã cải hóa vua Ca-ma-­sa-bạt khiến ông ta đạt được chánh kiến, lời thề ác của Ca-ma-­sa-bạt trong mười hai năm đều được tiêu trừ.

Khi Ta làm thái tử tên là Tu-đại-noa đã đem bố thí cả vợ lẫn hai con.

Khi Ta làm thái tử Ma-hưu-sa-đà, đã đem thuốc chữa bệnh cho tất cả chúng sinh, lại vào trong biển lớn tìm được ngọc Ma-ni, đem về giúp đỡ cho dân chúng khỏi cảnh đói nghèo.

Khi Ta làm vua tên là Ma-ha-bà-lợi, trải qua hai mươi bốn ngày đem thịt thân mình cung cấp cho người bệnh.

Khi Ta làm Tiên nhân tên là San-đề-bà-la bị cắt đứt tay chân mà tâm không hề khởi sân hận.

Khi Ta làm vua tên là Ca-thi, dân chúng trong nước bị tật bệnh, nhà vua thọ bát quan trai giới, phát tâm đại từ bi đến tất cả chúng sinh, nên tất cả dân chúng trong nước đều được lành bệnh.

Khi Ta làm thầy giải trừ chú thuật tên là Tỳ-bà-phù, dân chúng bị bệnh dịch hoành hành, ta đem máu thịt của mình cho loài quỷ gây bệnh ăn để dùng vào việc giải trừ, tất cả dân chúng đều được lành bệnh.

Khi Ta làm Phạm thiên vương, vì một bài kệ, đã tự lột da trên thân mình làm giấy chép kệ.

Khi Ta làm vua tên là Tỳ-lăng-kiệt-lê, vì một bài kệ, trên thân chịu đóng một ngàn đinh.

Khi Ta làm Tiên nhân tên là Ưu-đa-lê, vì một bài kệ mà Ta tự lột da làm giấy, chẻ xương làm viết, lấy máu làm mực.

Khi Ta làm vua tên là Bạt-di, dân chúng trong nước bị bệnh ghẻ lở, nhà vua đang đi, thấy một cây độc, lá cây độc này rụng vào dòng nước, người nào uống nhằm nước ấy thì sinh ra bệnh. Nhà vua liền ra lệnh chặt cành, đào gốc rễ rồi dùng lửa đốt rụi, thì một nửa dân chúng được lành bệnh, còn một nửa thì bệnh vẫn như cũ, không thuyên giảm.

Vua hỏi quan ngự y:

–Vì cớ gì một số dân chúng mắc bệnh không bớt?

Quan ngự y đáp:

–Bệnh ghẻ này quá trầm trọng cần ăn cá mới bớt.

Vua nghe lời quan ngự y, liền đến trên cây bên bờ sông, nguyện làm cá, nguyện rằng:

–Ta ngày nay đem thân trừ bệnh cho muôn loài, nguyện đem công đức này cầu thành Phật đạo, để diệt trừ vô lượng tâm bệnh, thân bệnh cho khắp tất cả chúng sinh, đều như sở nguyện. Nếu có chúng sinh nào được ăn thịt của ta, thì tất cả bệnh tật đều được lành khỏi. Phát lời thệ nguyện rồi liền từ trên cây gieo mình xuống dòng nước, thân nhà vua biến thành cá, biết nói tiếng người. Cá nói:

–Hễ ai có bệnh, đến bắt cá này về ăn thịt sẽ được lành bệnh.

Dân chúng nghe lời nói ấy, đều đến bắt cá về ăn thịt, nhờ vậy tất cả bệnh đều được lành hết.

Đức Thế Tôn đã tự kể về việc làm nơi đời trước của mình như vậy, tất cả những lời nguyện ấy ngày nay đều được thành tựu. Đức Phật nói:

–Nay Ta dùng giáo pháp chân chánh để trừ diệt tai họa cho tất cả chúng sinh. Khi ấy, Đức Phật liền tự hóa một thân thành hai đầu, một đầu ngó về nước Tỳ-xá-ly, một đầu ngó về nước Ma-kiệt-đà, tất cả đám quỷ gây bệnh đều chạy ra xa tận biển khơi. Dân chúng hai nước, mọi thứ tật bệnh đều được lành khỏi, lúa thóc hoa màu được mùa, muôn dân an lạc. Ngài đem Phật pháp giáo hóa, khiến mọi tâm bệnh dục vọng nơi mọi người đều được thanh tịnh, trụ trong chánh pháp, tất cả người dân đều hết sức vui mừng.

Lúc đó, các vị Tỳ-kheo khác miệng đồng lời cùng tán thán:

–Công đức Như Lai thật là vô lượng, vô cùng vi diệu không thể nghĩ bàn.

Đức Phật lại bảo chư vị Tỳ-kheo:

–Ta chẳng những trừ diệt những tai họa, đói khát, bệnh tật cho chúng sinh trong đời nay, mà trong thời quá khứ cũng lại như vậy.

Về thời quá khứ vô số kiếp xa xưa, tại cõi Diêm-phù-đề này có vị vua của một nước lớn tên là Phạm thiên, tám vạn bốn ngàn vua tiểu quốc thuộc cõi Diêm-phù-đề. Nhà vua có hai vạn phu nhân, một vạn thể nữ, lại không có thái tử. Ngày đêm ưu sầu, nên cầu khẩn nơi các đền thờ thần linh: Phạm thiên, Đế Thích, Ma-ha Bá-lê thiên, cầu trời đất, cầu mặt trăng, mặt trời… nhân đó mới sinh được thái tử. Thái tử sinh ra, hình dung đoan nghiêm, đẹp đẽ lạ thường, có tướng đại nhân, quý danh là Đại Tự Tại Thiên. Thái tử là người nhân từ, thông minh, trí tuệ, tất cả sách vở của thế gian, mọi sự chuyển biến của tinh tú, nhật thực, nguyệt thực và tất cả kỹ thuật ngoài đời không một nghề nào là không thông đạt. Thái tử lại học nghề thầy thuốc và cách bào chế dược phẩm, lại ra lệnh cho tất cả bệnh nhân trong nước: “Hễ ai có bệnh thì hãy đến đây ta sẽ cung cấp thuốc men, thực phẩm và chăm Sóc.” Dân chúng được tin này, bao nhiêu người bệnh đều đổ xô về chỗ ở của thái tử. Tất cả người lớn, kẻ nhỏ trong nước đều vui vẻ, không một ai là không ca ngợi công đức này. Bệnh nhân không đến các thầy thuốc khác, trong đó có một số thầy thuốc tỏ ra khinh mạn, hầu hết đám này đều ôm lòng oán hận, ganh tỵ với thái tử.

Thời gian này, dân chúng cõi Diêm-phù-đề bị bệnh dịch lan tràn, lại thêm cảnh củi quế gạo châu. Nhà vua đã tập trung tất cả danh y mà không chữa khỏi bệnh, dân chúng bị bệnh chết từng ngày, từng ngày tăng lên rất nhiều. Nhà vua rất đỗi ưu sầu, bèn ra chiếu chỉ mời các danh y về triều để hỏi phương thuốc cứu chữa.

Lúc ấy, có một thầy thuốc sẵn lòng đố kî với thái tử, trong tâm suy nghĩ: “Thái tử này là oan gia của ta, nay đúng là gặp dịp may hiếm có”, liền tâu lên nhà vua:

–Thần nhớ có một phương thuốc xin thử về xem lại cho tường tận.

Nhà vua đồng ý, ông ta liền đi, sáng hôm sau mới trở lại, đến trước đại vương tâu:

–Tâu đại vương, thần tìm được một phương thuốc, nếu như đại vương đồng ý thì tất cả bệnh tật đều được trừ lành.

Vua liền hỏi:

–Phải cần những dược liệu gì? Khanh cứ nói thử xem!

Thầy thuốc đáp:

–Phải tìm cho được một người từ khi sinh ra cho đến ngày nay luôn đầy lòng Từ bi, thương xót tất cả chúng sinh và chưa bao giờ khởi tâm sân hận, sẽ dung máu của người ấy hòa với thuốc để uống, móc hai tròng con mắt của người ấy để trừ quỷ, thì các chứng bệnh mới hết được.

Nhà vua bảo:

–Con người từ khi mới sinh cho đến hôm nay chưa từng sinh tâm sân hận, đây là việc khó có, việc này thật khó vô cùng, có lẽ không thể nào tìm được đâu!

Thái tử nghe lời nói như vậy, liền tâu phụ vương:

–Việc này dễ thôi, không có gì là khó cả!

Thái tử lại thưa:

–Con là con của phụ vương, từ khi sinh ra cho đến ngày nay chưa từng khởi tâm sân hận và cũng không hề có tâm độc ác đối với tất cả mọi người, luôn đem lòng Từ bi thương xót tất cả chúng sinh, từ trước tới giờ chưa có một niệm ác. Thân con vô thường không có gì bền chắc, chẳng bao lâu rồi cũng dẫn đến cái chết. Cúi xin đại vương đồng ý đem thân con làm thuốc để trừ bệnh cho chúng sinh.

Vua cha liền than:

–Ta không có con cái, đi cầu thần linh nơi các đền thờ thần mặt trời, mặt trăng, thần tinh tú, năm đỉnh núi cao, bốn quả núi lớn, do đó mới sinh được con. Ta nay dầu bỏ thân mất nước, nhất định không chìu theo ý con được.

Thái tử lại nài nỉ phụ vương:

–Con nay cầu Phật đạo, đem máu bố thí cho chúng sinh, nguyện đem công đức này để hiểu rõ tất cả kinh điển của Như Lai. Con nay đem nhục nhãn này bố thí cho chúng sinh, nguyện đem công đức ấy để được con mắt trí tuệ của Như Lai, con sẽ vì tất cả chúng sinh nguyện làm bậc Đạo sư chân chánh. Đại vương tuy không còn thái tử mà vẫn được làm vua. Giả sử quốc độ này không có muôn dân thì phụ vương làm vua với ai? Còn như tất cả dân chúng được lành bệnh, phụ vương tất sẽ trút khỏi nỗi ưu sầu.

Nhà vua lại buồn khóc nói với thái tử:

–Ta nay thà bỏ ngôi vua chứ đứa con đáng yêu quý này thật không thể bỏ.

Thái tử lại quỳ mọp, chắp tay thưa:

–Con nay dốc cầu đạo quả Vô thượng Chánh chân. Nếu như luyến tiếc cái thân nhơ nhớp hôi thối này, thì làm sao tỏ ngộ được giáo pháp cao sâu vi diệu trí tuệ của Như Lai! Làm sao có thể đạt được tất cả tuệ nhãn! Cúi xin phụ vương chớ khước từ tâm cầu đạo vô thượng của con.

Phụ vương im lặng không nói một lời. Ông thầy thuốc liền tâu:

–Thần thử lấy một ít máu hòa với thuốc đem cho các bệnh nhân uống, nếu lành bệnh rồi mới móc mắt. Nếu chẳng lành thì chẳng nên móc mắt.

Khi ấy, thái tử tự tay chích máu nơi cánh tay mình và phát lời thệ nguyện:

–Ta dùng máu này quyết trừ bệnh cho chúng sinh, nguyện đem công đức này để thành tựu đạo quả Vô thượng Chánh chân. Nếu quả thật ta sẽ thành Phật đạo, thì tất cả chúng sinh uống thuốc này bệnh sẽ được diệt trừ.

Tên thầy thuốc liền đem máu hòa với thuốc cho các bệnh nhân uống, tất cả đều được lành khỏi.

Thầy thuốc lại tâu với đại vương:

–Bất cứ bệnh nhân nào uống thuốc này đều được lành mạnh. Đại vương thấy việc rõ ràng trước mắt, có thể không tin sao?

Bấy giờ, tám vạn bốn ngàn chư hầu cùng thần dân cả cõi Diêm-phù-đề, nghe thái tử của đại vương vì lòng Từ bi nhằm cứu giúp tất cả muôn dân mà móc hai tròng mắt, không một ai là không buồn khóc, nên tất cả đều tập hợp trước mặt thái tử, quỳ mọp chắp tay thưa:

–Cúi mong thái tử của đại vương, suy xét, chúng tôi thà tự xả bỏ thân mạng, chẳng nỡ để thái tử hủy hoại hai mắt. Lòng từ bi thương xót chúng sinh của thái tử cũng đủ công đức để chẳng bao lâu sẽ thành Phật, mong thái tử chớ hủy hoại hai mắt.

Thái tử liền dùng lời an ủi tất cả chư hầu và thần dân:

–Ta nay đem máu thịt, cho đến hai con mắt này để quyết trừ bệnh cho chúng sinh, nguyện đem công đức này cầu thành Phật đạo. Khi ta thành Phật sẽ quyết trừ tâm bệnh, thân bệnh cho các vị, chớ nên cản ngăn tâm vô thượng đạo của ta.

Chư hầu cùng tất cả thần dân nghe thái tử nói lời quả quyết như vậy, đều đứng lặng thinh.

Thái tử bèn sai quan hầu cận đem dụng cụ để mình khoét mắt. Thái tử bảo quan hầu cận:

–Ai là người có thể khoét giùm mắt ta?

Quan tả hữu cùng dân chúng thảy đều từ chối, không đủ can đảm làm việc này. Tên thầy thuốc vốn ganh tỵ với thái tử liền lên tiếng:

–Tôi có thể làm được.

Thái tử hoan hỷ nói:

–Ta rất sung sướng!

Rồi cầm dao đưa cho thầy thuốc và dặn:

–Khoét tròng con mắt và đặt vào trong lòng bàn tay ta đây.

Tên thầy thuốc liền khoét một tròng con mắt, đặt vào bàn tay thái tử.

Khi đó, thái tử lập nguyện:

–Ta nay đem nhục nhãn này bố thí cho chúng sinh, chẳng cầu được làm Chuyển luân thánh vương, chẳng cầu làm Ma vương, chẳng cầu cảnh vui nơi năm dục sắc, thinh, hương, vị, xúc của Phạm vương. Nguyện đem công đức này cầu thành tựu đạo quả Vô thượng Chánh chân, để ta được đầy đủ mắt trí tuệ, vì vô lượng chúng sinh khắp mười phương làm bậc Đại y vương, trừ diệt tâm bệnh, thân bệnh cho tất cả muôn loài, làm con mắt trí tuệ cho họ.

Thái tử phát nguyện rồi, cầm tròng mắt đặt lên chiếc án kề bên. Thái tử nói tiếp:

–Đúng như sở nguyện của tâm ta, thì tất cả chúng sinh đều được lành bệnh.

Phụ vương và mẫu hậu thấy cảnh như thế, liền ngã xỉu, chết giấc, giây lâu mới tỉnh. Chư hầu, thần dân đều cất tiếng kêu khóc thảm thiết cảm động đến đất trời, có người tự đánh đập vào thân mình, hoặc có người hôn mê, chết giấc.

Ngay lúc tên thầy thuốc cầm dao khoét tròng mắt của thái tử, thì khắp cõi Tam thiên đại thiên chấn động dữ dội, tất cả chư Thiên trong ba cõi đều giáng hạ, thấy Bồ-tát vì chúng sinh mà tự khoét mắt cùng chích máu mình, nên vô số chư Thiên tất cả đều buồn khóc, nước mắt tuôn rơi như trận mưa lớn.

Trời Đế Thích bèn đến trước mặt thái tử thưa:

–Lòng từ bi của thái tử hôm nay, vì chúng sinh nên không tiếc thân mạng, khoét mắt lấy nhục nhãn. Sự đau khổ như vậy thật là khó làm. Vậy thái tử đem việc làm công đức đó nhằm cầu nguyện những gì? Phải chăng là cầu Thiên đế, Ma vương, Phạm vương, Vương tử hay cầu nguyện những gì khác chăng?

Thái tử đáp:

–Ta chẳng cầu ngôi vị Chuyển luân thánh vương, Thiên đế, Ma vương, Phạm vương, chẳng cầu cảnh vui nơi năm dục sắc, thanh, hương, vị, xúc trong ba cõi, chỉ đem công đức này cầu đạo quả Vô thượng Chánh chân. Vì tất cả chúng sinh làm bậc Đại y vương, trừ tâm bệnh, thân bệnh cho tất cả muôn loài, làm con mắt trí tuệ dẫn dắt, để tất cả chúng sinh đều lìa tai họa sinh tử.

Trời Đế Thích cùng tất cả chư Thiên đồng ca ngợi:

–Lành thay! Lành thay! Hết sức to lớn, khó có gì sánh bằng! Như sở nguyện ấy, chẳng bao lâu tất sẽ thành Phật.

Trời Đế Thích bèn lấy tròng mắt đặt lại nơi con mắt đã bị khoét, tức khắc mắt thái tử bình phục như xưa, lại sáng đẹp gấp bội lần con mắt cũ. Vô lượng chư Thiên dùng hoa trời rải trên người thái tử, không ai là không vui mừng. Phụ vương, mẫu hậu, cùng thể nữ và các tiểu vương, thần dân đều vô cùng vui mừng, hớn hở.

Trời Đế Thích lại sai đại tướng quân Tỳ-ba-đan-ma đuổi các loài quỷ gây bệnh trở về tận biển cả. Mọi người bị bệnh đều khỏi. Trời Đế Thích liền mưa các thức ăn uống, kế đến mưa lúa gạo, rồi mưa y phục, rồi tiếp mưa bảy báu. Tất cả bệnh nhân đều được lành mạnh, mọi người no đủ, không ai bị đói khát, dân chúng vui mừng, quốc gia hưng thịnh.

Sau đó vài năm, vua cha băng hà, thái tử lên ngôi hoàng đế ngự tại chánh cung, bảy thứ quý báu tự nhiên hiện đến, làm vị Chuyển luân thánh vương trị vì bốn châu thiên hạ, không một ai là chẳng nhờ ân.

Công đức của việc làm ấy đời hiện tại đã được phước báo như vậy.

Đức Phật bảo các vị Tỳ-kheo:

–Thái tử Tự Tại Thiên lúc ấy là thân Ta ngày nay, phụ vương Phạm thiên nay là phụ vương Bạch Tịnh, mẫu hậu nay là mẫu hậu Ma-da, mẹ của Ta, tên thầy thuốc khoét mắt Ta nay là Điều-đạt, dân chúng cõi Diêm-phù-đề thời đó là dân chúng hai nước Tỳ-xá-ly và Ma-kiệt-đà. Ta lúc ấy cũng trừ hoạn nạn, bệnh tật, đói khát cho muôn dân. Ta nay cũng tận trừ tâm bệnh, thân bệnh cho chúng sinh, cũng khiến cho chúng sinh được mắt trí tuệ, lập nguyện, chứng đạo.

Bồ-tát làm việc bố thí siêng năng khổ nhọc hoàn toàn không chấp tướng như thế.

Bấy giờ, các vị Tỳ-kheo nghe lời Đức Phật dạy, đều hoan hỷ lễ Phật.

***

Nghe như vầy:

Một thuở nọ Đức Phật ở tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ. Đức Phật cùng một ngàn hai trăm năm mươi vị Sa-môn sắp vào thành khất thực.

Khi Đức Phật sắp vào thành, có năm trăm vị trời phóng làn gió thơm thổi trên mặt các đại lộ và những đường hẻm trong thôn xóm, nên tất cả đều được sạch sẽ. Những nơi bất tịnh, nhơ nhớp, phân uế hôi thối đều tự nhiên vùi lấp vào lòng đất, tất cả đường sá đều thoáng sạch. Năm trăm vị trời tuôn mưa bằng những giọt nước thơm, nên mọi đường sá lớn nhỏ đều được thấm ướt, cùng tung rải các hoa trời. Nhà vua, thần dân thấy điềm lành này, biết là Đức Phật sắp đến, nên mọi người đều bỏ các công việc của mình đang làm, cùng nhau chạy nhanh đến nghênh đón Đức Thế Tôn. Trong số dân chúng đến diện kiến Đức Phật, có người quét đường, có người rải hoa, có người xông hương, có người cởi áo trải nơi đất, có người xõa tóc trải trên mặt đường, mong Đức Phật giẫm trên đó mà đi qua. Có người đem thân nằm rạp trên đất mong được Đức Phật bước qua trên thân mình, có người cầm phướn lọng, có người trỗi nhạc. Mọi người đều chắp tay, nhứt tâm thanh tịnh chiêm ngưỡng Đức Như Lai. Tất cả chúng sinh, mỗi người đều đem mỗi thứ để cúng dường Đức Thế Tôn.

Khi ấy có một người dòng Bà-la-môn quá nghèo, không có hoa hương để cúng dường Đức Điều Ngự, tự lấy làm buồn, dù đã nghĩ đủ cả trăm phương, chỉ còn một việc là nhứt tâm tịnh ý chiêm ngưỡng mà thôi! Liền thể hiện rõ oai nghi nghiêm chỉnh, chí tâm cung kính, với tấm lòng phấn khởi, chắp tay đứng yên chiêm ngưỡng tôn nhan Như Lai và dùng kệ tán thán Đức Phật:

Tôn nhan ánh vàng rực

Ba hai tướng tốt hiện

Tất cả hàng chúng sinh

Thấy Ngài đều tán thán.

Thấy Phật tâm hoan hỷ

Ưu sầu liền dứt sạch

Vượt qua biển sinh tử

Cúi đầu lễ Từ Tôn.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn nở nụ cười hân hoan, hào quang năm sắc từ kim khẩu phóng ra hàng trăm ngàn sự kỳ diệu. Mỗi đạo hào quang có vô số tia sáng. Trên mỗi tia sáng có hoa sen bằng bảy báu. Trên mỗi hoa sen có Hóa Phật xuất hiện. Ánh sáng tỏa khắp mười phương, dưới đến các địa ngục lớn, trên thì đến cõi trời Ba mươi ba, chiếu khắp các chỗ tối tăm trong năm đường, tận cùng các cảnh giới Phật, không một nơi nào là không sáng tỏ.

Chư Thiên, dân chúng trong Đại thiên thế giới thấy được hào quang của Phật không ai là không vui mừng hớn hở, đều xả bỏ mọi thứ dục lạc, rời cung điện, cùng nhau hướng về chỗ Đức Phật đang ngự, nghe Phật thuyết pháp mà được độ thoát. Có người thấy được hào quang mà được độ thoát. Hoặc có người nghe Hóa Phật thuyết pháp mà được giải thoát. Hoặc có người thấy ánh hào quang tìm đến chỗ Đức Phật ngự mà được độ thoát.

Cảnh khảo tra trong vô lượng địa ngục đều được dừng nghỉ, các chúng sinh ở đấy sau khi mạng chung đều được sinh về cõi Phật.

Tất cả cầm thú trong cảnh giới súc sinh, tâm lành được khai phát, dùng tâm Từ đối xử với nhau, không còn mang tâm sát hại, sau khi mạng chung cũng được sinh về cõi trời.

Trong cảnh ngạ quỷ, tự nhiên được thức ăn trăm vị, không còn một ai lo nghĩ về sự đói khát, nên đều vui mừng hớn hở, lại không có tâm bỏn sẻn, sau khi mạng chung đều được sinh lên cõi trời.

Vô lượng chúng sinh bị mù thì lại được thấy. Kẻ điếc thì được nghe, kẻ câm thì nói được. Kẻ tay bị cong vẹo thì co duỗi tự nhiên. Kẻ chân què thì đi được. Người tàn tật, mắc trăm bệnh đều được lành. Tất cả cảnh giam cầm, trói buộc trong địa ngục đều được thả ra.

Tất cả đại chúng, chư Thiên, muôn dân trong cõi đại thiên lúc ấy không ai là không hoan hỷ, tâm được thanh tịnh không dấy khởi tham, sân, si. Trong số này có người sinh về cõi trời, có người chứng quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích-chi-phật, hoặc có người phát tâm cầu đạo quả Vô thượng Chánh chân, hoặc có người kiên trụ nơi pháp bất thoái chuyển…, số người chứng quả như vậy không thể kể xiết.

Hào quang của Đức Thế Tôn chiếu khắp mười phương thế giới, lại quay về, nhiễu quanh Đức Phật ba vòng, rồi nhập vào khoảng giữa hai hàng lông mày.

Khi ấy, Tôn giả A-nan sửa lại y phục, thể hiện oai nghi, quỳ trước Đức Phật chắp tay, bạch:

–Nụ cười hôm nay của Đức Thế Tôn ắt phải có nguyên do, cúi xin Đức Thế Tôn nói rõ nguyên do ấy.

Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Tôn giả, ông có thấy vị Bà-la-môn ấy chăng?

Tôn giả A-nan đáp:

–Bạch Đức Thế Tôn, dạ vâng, con có thấy.

Đức Phật bảo:

–Người Bà-la-môn này dùng tâm thanh tịnh, làm một bài kệ khen ngợi Phật, nên từ nay cho đến mười ba kiếp về sau, bất cứ sinh vào cõi trời hay cõi người đều được giàu có tự nhiên, thân hình đoan nghiêm, có trí tuệ và tài biện luận, được mọi người ca ngợi, chẳng đọa vào ba đường ác và tám nạn, về sau sẽ thành Bích-chi-phật tên là Hoan Duyệt.

Tất cả chúng hội nghe lời Đức Phật nói, ai nấy đều sinh tâm hoan hỷ, ca ngợi công đức của Như Lai.

Tôn giả A-nan bạch Phật:

–Công đức của Như Lai thật không thể nghĩ bàn, một bài kệ ca ngợi Đức Phật của Bà-la-môn ấy đã đạt được công đức không thể lường tính. Công đức của Như Lai thật vô cùng to lớn.

Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Bà-la-môn ấy chẳng phải chỉ mỗi đời nay ca ngợi Ta mà được thiện lợi như vậy.

Trong thời quá khứ xa xưa, vua nước Ba-la-nại tên là Bà-ma-đạt-đa. Khi nhà vua đi săn bắn, các binh chủng: Tượng binh, mã binh, xa binh… đều theo nhau mở đường và hộ tống. Săn bắn trong núi được một con voi trắng, thân voi trắng như tuyết, làn da mịn đẹp, dễ thương, mà lại có sáu ngà.

Nhà vua được bạch tượng lòng rất sung sướng, liền giao cho người dạy voi để luyện tập điều khiển. Lúc ấy, người dạy voi dùng cùm xiềng voi với một cây gỗ lớn và khóa xiềng lại. Voi buồn khóc rơi lệ, trải qua bảy ngày không ăn uống. Người dạy voi lo sợ voi này không ăn uống chẳng bao lâu sẽ chết, liền tâu lên nhà vua:

–Bạch tượng săn được không chịu ăn uống, buồn khóc rơi lệ.

Nhà vua nghe tâu liền đến xem voi. Đại vương hỏi voi:

–Tại sao ngươi không chịu ăn?

Voi nói tiếng người đáp lại:

–Tâm tôi lo sầu, cúi xin đại vương giải sầu cho tôi.

Đại vương hỏi:

–Ngươi sầu lo những gì?

Bạch tượng nói:

–Tôi còn cha mẹ quá già yếu, đi lại không được, mà không có người nuôi dưỡng, chỉ có mỗi một mình tôi đi hái thức ăn và mang nước uống về cho cha mẹ. Nếu tôi cứ bị xiềng ở đây, thì cha mẹ không ai nuôi dưỡng, cả hai sẽ bị chết thôi. Tôi nghĩ vậy mà buồn sầu. Tâu đại vương, nếu như đại vương có lòng Từ bi, xin tha tôi về để nuôi dưỡng cha mẹ, đến ngày cha mẹ mãn phần, tôi sẽ trở lại cung phụng đại vương, chẳng dám trái lời hứa này.

Vua nghe bạch tượng nói, lòng buồn bã chẳng vui, liền khen ngợi:

–Ngươi tuy là súc sinh mà làm việc con người, ta tuy là con người mà làm việc như súc sinh.

Nhà vua bèn quỳ xuống mở xiềng, ra lệnh cho voi đi.

Bạch tượng trở về nuôi dưỡng cha mẹ suốt mười hai năm, khi cha mẹ mãn phần, liền trở lại cung vua.

Nhà vua thấy bạch tượng trở lại, lòng càng thêm hoan hỷ, lấy anh lạc, bảy báu trang sức cho bạch tượng. Khi đại vương sắp ra đi thì bạch tượng dẫn đường, nên nhà vua yêu bạch tượng còn hơn thái tử. Trong bầy voi của nhà vua, bạch tượng là con voi có quá trình đặc biệt nhất, nên đặt tên là Tượng Phan.

Bấy giờ, có một Bà-la-môn nghèo cùng, muốn đến nhà vua xin bố thí, lại hỏi mọi người:

–Làm thế nào để nhà vua cho nhiều của cải?

Có người bảo:

–Nhà vua có con bạch tượng hết sức yêu quý, nếu ông có thể ca ngợi bạch tượng ấy, mới có thể xin được nhiều của cải.

Bà-la-môn liền theo dõi, đợi khi nhà vua đi ra, đứng sẵn bên vệ đường, cất tiếng khen ngợi bạch tượng:

Thân ngươi đẹp vô cùng

Giống như voi Đế Thích

Đầy đủ sắc tướng voi

Phước đức cao vòi vọi.

Màu sắc không ai bằng

Giống như làn tuyết trắng

Hình dung khó bì kịp

Đặc biệt khó nghĩ lường.

Quốc vương nghe kệ ca ngợi bạch tượng, lòng rất đỗi vui mừng, liền thưởng cho Bà-la-môn năm trăm tiền vàng. Bà-la-môn trở nên giàu có.

Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Tượng Phan thời đó là thân Ta ngày nay. Bà-la-môn kia nay là người Bà-la-môn này. Khi ấy, Bà-la-môn khen ngợi Ta, được lợi ích và nhờ Ta giúp cho khỏi cảnh nghèo cùng. Nay Ta thành Phật, mà Bà-la-môn lại tán thán Ta nên được phước báo không thể lượng tính, vì nhân duyên này, được Ta cứu vớt thoát nạn sinh tử.

Tôn giả A-nan bèn ở trước Phật, quỳ mọp bạch:

–Như có người dùng bài kệ bốn câu tán thán Đức Như Lai, sẽ được phước báo về công đức như thế nào?

Đức Phật nói:

–Giả sử có trăm, ngàn, vạn, ức, vô số chúng sinh đều được thân người, đều thành tựu đạo quả Bích-chi-phật. Ví như có người cúng dường: áo mền, thực phẩm, thuốc men, giường nằm, chăn nệm… cho những Bích-chi-phật ấy trong một trăm năm, thì người này có công đức nhiều chăng?

Tôn giả A-nan đáp:

–Rất nhiều! Rất nhiều! Không thể nào tính toán được!

Đức Phật lại nói:

–Nếu có người dùng bài kệ bốn câu, đem tâm hoan hỷ ca ngợi Đức Như Lai, thì được công đức hơn phước đức của người cúng dường những vị Bích-chi-phật kia gấp trăm ngàn vạn lần, gấp ức ức vô số lần không thể dùng ví dụ.

Tôn giả A-nan và tất cả đại chúng nghe lời Đức Phật dạy, đều hết sức vui mừng, nhiễu quanh Đức Phật ba vòng, đầu mặt sát đất đảnh lễ.

***

Nghe như vầy:

Một thuở nọ Đức Phật dừng chân nơi một tinh xá thuộc nước Ba-la-nại. Theo đúng pháp của chư Phật, ngày đêm ba thời dùng mắt của Bậc Chánh Giác quan sát chúng sinh, xem người nào có thể độ được, liền đến độ. Lúc ấy, có quan Thừa tướng thuộc dòng Bà-la-môn, là người giúp việc cho vua Ba-la-nại, vừa mới lập gia đình, nên ông ta rất yêu chuộng vợ.

Người vợ thưa với Thừa tướng:

–Xin lang quân cho thiếp một điều.

Quan Thừa tướng đáp:

–Muốn những gì cứ tùy ý nàng.

Người vợ liền thưa:

–Xin lang quân cho phép thiếp tổ chức cúng dường Đức Phật và chư vị Tỳ-kheo Tăng, tự tay rót nước và nghe Đức Phật thuyết pháp.

Thừa tướng liền đồng ý và nói:

–Ta sẽ thuận theo những gì nàng mong muốn.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn biết được vợ chồng quan Thừa tướng là người đáng độ, nên tờ mờ sáng hôm sau, Ngài đắp y, mang bát đến thẳng nhà vợ chồng quan Thừa tướng. Vợ chồng quan Thừa tướng nghe Đức Phật đã đến ngoài ngõ, nên hết sức vui mừng, liền ra tận nơi cung nghinh, đảnh lễ đầu mặt sát đất, rồi thiết trí tòa ngồi, thỉnh Đức Phật thăng tòa, vợ chồng Thừa tướng dâng cúng thức ăn đặc biệt tinh khiết, ngon ngọt. Khi Đức Thế Tôn thọ trai xong, vợ chồng tự tay cầm bình rót nước để Thế Tôn rửa tay, súc miệng. Xong xuôi, Đức Phật vì vợ chồng Thừa tướng mà thuyết pháp. Đức Phật tán thán công đức bố thí, trì giới sẽ sinh lên cõi trời hay cõi người, tự nhiên hưởng cảnh giàu có, tôn vinh, phú quý, an lạc vô cùng. Tuy được cao sang, được thỏa chí mong cầu, nhưng không thoát khỏi cảnh khổ trong ba đường ác:

Cảnh khổ trong địa ngục, như lửa đốt, nước sôi, núi đao, rừng kiếm, lò than, dao cắt, cưa sả… đau khổ vô cùng khốc liệt, không sao kể xiết.

Cảnh khổ trong ngạ quỷ, như thân hình tiều tụy, bụng lớn, cổ nhỏ như cây kim, tất cả lóng đốt trong thân luôn đau nhức rã rời dường như lửa đốt. Trải qua trăm ngàn vạn năm, không nghe danh từ cơm ăn, nước uống, đói khát khổ sở không thể nào diễn tả.

Lại như sự đau khổ trong loài súc sinh, với cảnh tương tàn ăn nuốt sát hại lẫn nhau của các loài cọp, Sói, sư tử, mãng xà, rắn độc, bò cạp…

Tâm độc ác của chúng sinh trong ba đường dữ luôn dấy khởi mãnh liệt, không có mảy may tâm thiện, nên phải chịu xoay vần mãi trong cảnh khổ đau xấu ác không có thời kỳ ra khỏi. Chỉ có điều duy nhất là xả bỏ ái dục, suy tư về chân lý, như vậy mới có thể lìa được các khổ não!

Thọ thân trong ba cõi đều nhận lấy khổ báo. Tất cả khổ báo đều từ Tập đế phát sinh. Tập là do các cấu nhiễm ái dục của ba độc, quả báo của các hành nghiệp, lại sinh ra các khổ. Nếu dứt hẳn ba độc, tiêu diệt các dục thì không có các hành nghiệp. Các hành nghiệp đã diệt thì không thọ thân căn. Thân căn đã không thì các khổ liền diệt. Muốn diệt sạch sự ràng buộc của các hành nghiệp, điều duy nhất là phải tư duy thực hiện pháp Bát chánh đạo.

Đức Phật vì Thừa tướng và phu nhân thuyết pháp như vậy. Vợ chồng Thừa tướng vô cùng vui mừng, ngộ được pháp Tứ thánh đế, nên ở ngay trước Phật chứng quả Tu-đà-hoàn. Khi chứng đạo quả rồi, vợ chồng xem gia đình như lao ngục, thấy ái dục như lửa đốt, nên chẳng màng ân ái, quỳ mọp trước Phật xin làm Sa-môn. Đức Phật thâu nhận, tức thì hai người râu tóc tự rụng, pháp y đắp vào thân, người chồng thành Tỳ-kheo, người vợ thành Tỳ-kheo-ni, đều theo hầu Đức Phật trở về tinh xá.

Khi về đến tinh xá, Đức Phật lại vì hai người thuyết giảng về ba mươi bảy phẩm trợ đạo và các pháp thiền định tam-muội. Hai người tư duy, tâm trí khai ngộ, dứt hẳn các dục, đều thành bậc A-la-hán, đủ sáu phép thần thông diệu dụng.

Lúc ấy, chư Tỳ-kheo cùng tán dương thần lực trí tuệ của Như Lai, đồng thời ca ngợi hai vị A-la-hán là những người có nhân duyên quá đặc biệt. Người chồng hiện hưởng địa vị cao sang, lại bỏ cảnh phú quý, bổng lộc vinh hiển, còn người vợ đang tuổi thanh xuân mà lìa bỏ được dục lạc. Việc của hai người rất khó làm, không ai sánh kịp.

Đức Phật bảo đại chúng Tỳ-kheo:

–Hai vị A-la-hán này vào thời quá khứ cũng đã phát tâm lành, cho đến ngày nay tâm lành ấy cũng vậy.

Đức Phật lại nói:

–Vào thời quá khứ xa xưa cách đây vô lượng kiếp, vua Ba-la-ma-đạt nước Ba-la-nại có vị Thừa tướng tên là Tỳ-đậu-lê, là người nhân từ, thông minh học rộng, không gì là không thông đạt, luôn đem mười điều lành giáo hóa dân chúng, từ vua cho đến mọi người không ai là không học tập, nhà vua rất kính mến.

Khi ấy, trong biển có vị Long vương tên là Ba-lưu-ni, Long vương có một phu nhân tên là Ma-na-tư được vua hết sức yêu quý. Một hôm, Long vương sắp lên cung trời Đế Thích để dự đại hội, nên đem phu nhân giao cho năm trăm thể nữ ở trong cung chăm Sóc, không được vì một lý do gì quấy nhiễu xúc phạm, khiến tâm phu nhân không được vui vẻ.

Sau khi Long vương đi rồi, phu nhân ở nhà tĩnh tọa, tư duy về việc làm nơi đời quá khứ của mình. Bà nghĩ nhớ về đời trước của mình, khi làm thân người do hủy phạm giới cấm, nay phải bị đọa trong loài rồng, tức thời chẳng vui, buồn khóc lệ trào. Đám tỳ nữ hầu cận thấy lịnh bà chẳng vui, cùng nhau thưa hỏi:

–Vì cớ gì lịnh bà không vui?

Phu nhân đáp:

–Ta nhớ lại đời quá khứ của mình, vốn khi làm người, mặc tình phạm giới cấm nên nay phải làm thân rồng, thọ lấy hình dáng xấu ác này, do đó mà chẳng vui.

Phu nhân lại hỏi các tỳ nữ:

–Các ngươi có biết làm cách nào để thoát khỏi thân rồng, được sinh lên cõi trời không?

Các tỳ nữ tâu:

–Đem thân rồng chứa đầy sự xấu ác này để cầu sinh lên cõi trời là điều rất khó. Cầu sinh làm thân người còn không thể được huống hồ là sinh vào cõi trời!

Trong số này, có một tỳ nữ thưa:

–Con từng nghe vua Ba-la-ma-đạt cõi Diêm-phù-đề có một Thừa tướng, là người hết sức nhân từ, trí tuệ vô song, tất cả kinh điển không loại nào là không am hiểu, ông hiểu tất cả các pháp sinh trong năm cõi, nhân, thiên… ông đem năm giới, mười điều thiện giáo hóa mọi người. Vậy có thể đến đó hỏi ông ta, mới biết làm thế nào để thoát khỏi thân rồng và thực hiện những pháp gì để được sinh lên cõi trời.

Khi Long vương trở về, thấy dung nhan của phu nhân không được vui, liền hỏi:

–Vì cớ gì hậu không được vui?

Phu nhân đáp:

–Hậu nghe tại cõi Diêm-phù-đề, vua Ba-la-ma-đạt nước Ba-la-nại có quan Thừa tướng tên là Tỳ-đậu-lê, là người hết sức nhân từ, thương xót chúng sinh, trí tuệ tuyệt vời, tất cả kinh điển không một loại nào là không thông suốt. Hậu muốn được trái tim ông ấy để ăn, muốn được máu ông ấy để uống. Nếu bắt được ông ấy thì nỗi buồn của hậu mới khuây khỏa.

Long vương đáp:

–Khanh chớ có phiền muộn, ta sẽ làm theo ý muốn của khanh.

Long vương có một người bạn Dạ-xoa chí thân tên là Bất-na-kỳ. Long vương nói với Dạ-xoa:

–Bỗng dưng phu nhân của ta nghe cõi Diêm-phù-đề nước Ba-la-nại, nhà vua có một Thừa tướng tên là Tỳ-đậu-lê là người nhân từ, trí tuệ đệ nhất, tất cả kinh điển không loại nào là không thông suốt. Phu nhân của ta muốn được trái tim và máu của ông ấy để về ăn uống, xin bạn niệm tình ta mà bắt cho được ông ấy đến đây.

Nói rồi, Long vương liền lấy hai hạt minh châu trao cho Dạ-xoa. Dạ-xoa liền nhận lời, cất hạt minh châu, liền đi.

Khi Dạ-xoa đến cõi Diêm-phù-đề, hóa làm khách buôn, cầm hai hạt ngọc Ma-na đi vào trong thành Ba-la-nại, khách đi đường hỏi người lái buôn:

–Người cầm ngọc này muốn bán phải chăng?

Người lái buôn đáp:

–Ta không bán nó, ta muốn dùng nó trong cuộc vui đỏ đen thôi.

Người nghe tức thì vào triều tâu vua:

–Bên ngoài có một khách buôn mang theo hai viên ngọc báu muốn trổ tài trong cuộc vui đỏ đen.

Nhà vua nghe nói trong lòng rất mừng, vì luôn tự ỷ lại nơi tài cờ bạc của mình, cho rằng nhất định thắng cuộc. Vua ra lệnh cho vào, khách buôn liền vào trong nội cung. Nhà vua hỏi khách buôn:

–Trong cuộc đỏ đen, nhà ngươi muốn cá những gì?

Dạ-xoa đáp:

–Nếu tôi thắng cuộc thì Đại vương đem đại thần Tỳ-đậu-lê giao cho tôi. Còn nếu nhà vua đắc thắng thì hai hạt minh châu này thuộc về nhà vua.

Nhà vua liền đồng ý. Chư quần thần tả hữu cùng nhau can gián. Nhà vua vì tham lợi và ỷ lại vào tài nghệ trong lãnh vực cờ bạc của mình, nên bảo với quần thần:

–Ta nhứt định thắng cuộc, các khanh khỏi phải can ngăn.

Liền cùng nhau vào cuộc, kết quả Dạ-xoa đắc thắng, được đại thần Tỳ-đậu-lê. Lúc ấy Dạ-xoa tóm lấy Tỳ-đậu-lê bay thẳng lên hư không.

Nhà vua mất Tỳ-đậu-lê, trong lòng hết sức ưu sầu. Tất cả quần thần đều tâu:

–Nếu nhà vua làm năm việc này sẽ mất ngôi, mất nước:

1. Ham vui cờ bạc.

2.Ưa thích uống rượu.

3.Say đắm nữ sắc, đam mê âm nhạc.

4.Thích đi săn bắn.

5.Chẳng nghe lời can gián của trung thần.

Làm theo năm việc này thì ngôi vua chẳng giữ được bao lâu.

Nói về Dạ-xoa, vác Tỳ-đậu-lê đi đến giữa núi, định giết. Tỳ-đậu-lê hỏi Dạ-xoa:

–Tại sao giết ta?

Dạ-xoa đáp:

–Phu nhân của Long vương nghe ông là người nhân từ, thông minh trí tuệ bậc nhất, muốn được máu và trái tim ông để ăn uống. Đó là lý do khiến ta giết ông.

Tỳ-đậu-lê nói:

–Ông ngu si chẳng hiểu dụng ý của phu nhân, phu nhân nghe danh ta, muốn được máu ta nghĩa là muốn được nghe giáo pháp của ta. Phu nhân muốn được tim ta nghĩa là muốn được trí tuệ trong tâm ta. Thôi, hai ta đồng đến gặp phu nhân, xem phu nhân cần những gì, ta sẽ cho tất cả.

Rồi Tỳ-đậu-lê vì Dạ-xoa mà nói pháp:

–Người làm ác có năm việc:

1. Làm việc bộp chộp, không đắn đo suy nghĩ.

2. Sau khi hành động rồi thường ôm nhiều hối hận.

3. Nhiều sân hận, không có từ tâm.

4. Tiếng ác đồn xa, mọi người chán ghét không muốn thấy mặt.

5. Chết rồi bị đọa vào trong ba đường ác.

–Người làm việc thiện có năm điều tốt. Năm thứ đó là những gì?

1. Trước khi làm một việc gì phải suy nghĩ chín chắn, có đường lối hẳn hoi, không vội vã hấp tấp, nên về sau khỏi hối hận.

2. Giàu lòng Từ bi, không manh tâm làm hại người.

3. Tiếng tốt được lưu truyền khắp nơi.

4. Được mọi người ái kính, xem như bậc cha mẹ, sư trưởng.

5. Sau khi chết được sinh lên trời hay trong nhân gian được hưởng mọi cảnh an lạc.

Dạ-xoa nghe những lời giảng giải như vậy, tâm trí liền được khai ngộ, đảnh lễ đầu mặt sát chân Tỳ-đậu-lê, cầu xin Tỳ-đậu-lê nhận sự sám hối. Tỳ-đậu-lê vì Dạ-xoa nói mười pháp lành để được sinh lên cõi trời. Dạ-xoa nghe pháp, lòng vui mừng hớn hở vâng làm.

Dạ-xoa liền đưa Tỳ-đậu-lê đến Long cung. Phu nhân thấy Tỳ-đậu-lê thì vô cùng hoan hỷ, đầu mặt đảnh lễ sát đất, cúi đầu quy mạng, rồi trần thiết bảo tọa, dâng cúng mỹ vị trăm món. Khi ấy, Tỳ-đậu-lê vì Long vương và phu nhân giảng nói về pháp nhân quả họa phước trong năm đường:

–Giữ thân không làm ba điều ác:

Đem lòng Từ bi thương xót chúng sinh, không làm điều tổn hại.

Trừ bỏ lòng tham lam bỏn sẻn, làm những việc nghĩa giúp đỡ lẫn nhau, không sinh tâm trộm cắp.

Quán sự dâm dục là nhơ nhớp, đem tâm lìa nữ sắc, sống cuộc đời trong sạch, không dâm dục.

– Giữ miệng không làm bốn điều ác:

Lời nói luôn luôn thành thật, không dối trá.

Thường nói lời mềm mỏng, không nói lời thô lỗ, cộc cằn.

Không nó lời gây kiện tụng, bè phái, hòa giải được mọi tranh chấp.

Lời nói phải thành thật, không nên trau chuốt, dối gạt.

–Giữ ý không làm ba điều ác:

Tâm thường từ bi nhẫn nhục, không khởi sân hận.

Thấy người thành công tốt đẹp ta mừng cho họ, không có tâm ganh tỵ.

Một lòng sùng kính Tam bảo cho đến giới luật, hiểu rõ tội phước, không hồ nghi.

Thực hành đầy đủ mười điều lành này, không hủy phạm, liền được sinh lên cõi trời, cung điện bằng bảy báu, mọi nhu cầu tùy theo ý muốn được có tự nhiên.

Giữ đủ năm việc: Không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối và dứt hẳn rượu chè không được say sưa, sẽ được sinh trong loài người, thuộc dòng hoàng gia hay nhà trưởng giả, địa vị cao sang, giàu có sung sướng vô cùng.

Không có tâm Từ, giết hại chúng sinh, cướp đoạt của người, trộm cướp làm điều trái phép, tư thông vợ người, đam mê ái dục vô độ, nói lời không thật, nói lời hai chiều, nói lời thô ác, mắng nhiếc người ta, sân hận ganh ghét, không hiếu thuận với cha mẹ, không tin Tam bảo, bỏ chánh theo tà…, ai làm những điều ác này, sau khi chết sẽ bị đọa vào địa ngục, bị thiêu đốt đánh đập, vạn sự độc ác, trải qua bao nhiêu sự đau khổ không thể nào kể xiết.

Mắc nợ chẳng đền, được vay không trả, không tin nhân quả, kiêu mạn tự đại, hủy báng Tam bảo…, chết đọa làm loài súc sinh như ngựa, lạc đà, heo, dê, chó, sư tử, hổ, Sói, rắn độc, bò cạp, kỳ đà…, cho đến các loài cầm thú khác. Tâm chúng hết sức độc ác, giết hại lẫn nhau, xoay vần chịu khổ không có thời kỳ ra khỏi.

Tham lam, bỏn sẻn, ganh ghét, không chịu bố thí, không dám ăn mặc, không tin Tam bảo…, bị lửa bỏn sẻn đốt cháy, chết đọa làm ngạ quỷ, thân hình tiều tụy, lóng đốt rã rời, toàn thân như lửa nung, trăm ngàn vạn năm không có lúc nào xen hở, ngày đêm đói khát, hoàn toàn chưa từng nghe danh từ cơm ăn, nước uống.

Chỉ thực hiện mười điều lành, giữ thân, khẩu, ý thì luôn luôn được sinh lên trời hưởng diệu lạc vô cùng.

Lúc ấy Long vương, phu nhân và tất cả loài rồng đều kinh sợ dựng chân lông. Tất cả đều vâng thọ mười điều lành, giữ thân, khẩu, ý, thọ bát quan trai một cách hoan hỷ. Đang khi ấy bỗng có chim đại bàng cánh vàng muốn đến ăn thịt loài rồng, dung hết thần lực mà không tới gần được. Tất cả loài rồng vui mừng vô cùng, vì thấy điều chưa từng có.

Long vương, phu nhân, tất cả loài rồng trong biển cả cùng tất cả quỷ Dạ-xoa đều tu theo pháp Thập thiện, không ai là không hoan hỷ cúi đầu đảnh lễ Tỳ-đậu-lê.

Long vương liền hỏi Tỳ-đậu-lê:

–Đại sư muốn trở về Diêm-phù-đề không?

Tỳ-đậu-lê đáp:

–Muốn về.

Long vương bèn đem hương chiên-đàn, ngọc Ma-ni và các vật quý báu khác dâng cúng cho Bồ-tát. Phu nhân, thể nữ, tất cả rồng và các quỷ Dạ-xoa đều đem ngọc ngà quý báu lạ thường, dâng lên cho Tỳ-đậu-lê, rồi cùng tiễn đưa trở về cho đến tận nước Ba-la-nại mới cúi đầu hoan hỷ từ biệt.

Loài rồng và các quỷ Dạ-xoa ở trong biển lớn, tâm độc ác đều được tiêu diệt, sau khi chết đều được sinh lên cõi trời.

Vua Ba-la-ma-đạt và chư vị quần thần cùng tất cả dân chúng thấy Tỳ-đậu-lê trở về trong lòng rất đổi vui mừng, đầu mặt sát đất đảnh lễ hỏi han cớ sự? Tỳ-đậu-lê trình bày đầy đủ đầu đuôi sự việc với nhà vua. Đại vương và thần dân không ai là không hoan hỷ, ca ngợi điều chưa từng có. Tỳ-đậu-lê lại đem ngọc Ma-ni treo trên đầu cây phướn, chí tâm cầu nguyện, tức thời khắp trong cõi Diêm-phù-đề trời mưa bằng bảy báu, áo mền, các thức ăn uống… Vô lượng dân chúng quần thần đều được giàu có, an lạc.

Bấy giờ, vua trời Đế Thích, vua cõi người, Long vương nơi đại hải và vua Đại bàng cánh vàng Ca-lưu đều xả bỏ dục lạc, vào nơi thâm sơn đầm vắng ăn chay tọa thiền, tự kiềm chế thân tâm, mỗi người đều tự nói mình đạt được phước đức nhiều nhất.

Vua cõi trời tự nói:

–Ta xả bỏ dục lạc trên cõi trời, ngày nay đến nơi đây giữ gìn thân khẩu ý, ta được phước đức nhiều.

Vua cõi người lại nói:

–Ta xả bỏ các thứ vui về năm dục trong cung điện, đến nơi đây thu nhiếp thân ngữ ý, ta được phước đức nhiều.

Long vương lại nói:

–Ta xả bỏ các thứ dục lạc nơi cung điện bảy báu trong biển cả, nay đến chốn này chế ngự thân ngữ ý, ta được phước đức nhiều.

Vua Đại bàng cánh vàng cũng nói:

–Long vương này là món ăn của ta, ta nay trì trai giữ thân ngữ ý, không còn tâm làm tổn hại, cho đến không còn ăn thịt, ta được phước đức nhiều.

Lúc ấy, bốn vua tự than rằng chưa thể quyết định vị nào được phước đức nhiều, nên cùng nhau bàn:

–Phải cùng đến hỏi Đại sư Tỳ-đậu-lê.

Bốn vị liền đến chỗ Tỳ-đậu-lê, đầu mặt đảnh lễ sát đất, mỗi người đồng bạch:

–Xin Đại sư xem xét ai là người được phước đức nhiều?

Bồ-tát đáp:

–Các ông hãy dựng bốn cây phướn, một cây màu xanh, một cây màu trắng, một cây màu vàng và một cây màu đỏ.

Bốn vua liền vâng lời dựng bốn cây phướn.

Bồ-tát lại hỏi:

–Cái bóng của bốn cây phướn kia có khác nhau không? Có phải chỉ là một màu chăng?

Bốn vua đồng đáp:

–Màu sắc mỗi cây phướn khác nhau, nhưng bóng của chúng thì đồng một màu không khác.

Bồ-tát nói:

–Bốn vua các ông đều xả bỏ mọi thú vui dục lạc của mình, đồng đến đây trì giới, giữ gìn thân khẩu ý, công đức của mỗi người đồng đều, không có sai khác, như bốn cây phướn có màu sắc khác nhau, mà bóng của chúng thì cùng một loại không khác.

Lúc đó bốn vị vua nghe Bồ-tát nói thế thì tâm ý đều thông tỏ nên hết sức vui mừng. Vua cõi trời Đế Thích bèn đem áo bằng bông cõi trời cúng dường cho Bồ-tát. Vua cõi người thì đem đủ các loại ngọc quý cúng dường cho Bồ-tát. Long vương trong biển cả thì đem ngọc báu Ma-ni trên búi tóc của mình dâng cúng Bồ-tát. Vua chim Đại bàng cánh vàng thì đem dây thao quấn tóc dâng cúng Bồ-tát.

Lúc ấy, bốn vua rất hoan hỷ lễ tạ từ biệt. Bây giờ dân chúng cõi Diêm-phù-đề, rồng cùng Dạ-xoa luôn tu Thập thiện, hễ ai mạng chung đều được sinh lên trời, không ai bị đọa vào ba đường ác.

Đức Phật bảo chư Tỳ-kheo:

–Đại sư Tỳ-đậu-lê thời ấy là thân Ta ngày nay, Long vương Ba-lưu-ni thời ấy nay là quan Thừa tướng, phu nhân Ma-na-tư thời ấy nay là vợ quan Thừa tướng. Khi xưa làm rồng theo Ta nghe pháp, hoan hỷ ghi nhớ vào lòng, được thoát khỏi thân rồng sinh lên cõi trời. Nay Ta thành Phật, lại theo Ta nghe pháp, tâm sinh hoan hỷ, ý được tỏ ngộ, liền xuất gia, tư duy theo trí tuệ, đoạn tuyệt các dục, cả hai đều chứng A-la-hán. Trong quá khứ cũng nhờ tâm lành, cho đến ngày nay cũng nhờ nơi tâm lành.

Các Tỳ-kheo nghe lời Đức Phật nói, tất cả đều hoan hỷ cung kính đảnh lễ Đức Thế Tôn.

-HẾT-

    Xem thêm:

  • Kinh Hưng Khởi Hạnh - Kinh Tạng
  • Kinh Nhơn Vương Hộ Quốc Bát Nhã Ba La Mật Đa - Kinh Tạng
  • Kinh A Hàm Chính Hạnh - Kinh Tạng
  • Kinh Bảo Thụ Bồ Tát Bồ Đề Hành - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 123 – Kinh Hy Hữu Vị Tằng Hữu Pháp (Acchariya-abbhùtadhamma sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Tu Hành Bản Khởi - Kinh Tạng
  • Kinh Ưu Bà Di Tịnh Hạnh Pháp Môn - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 120 – Kinh Hành Sanh (Sankhàrupapatti sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 114 – Kinh Nên Hành Trì, Không Nên Hành Trì (Sevitabba-asevitabba sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Bát Đại Bồ Tát – Thích Nữ Hạnh Diệu dịch - Kinh Tạng
  • Du Già Thập Bát Hội Chỉ Quy Kinh Kim Cang Đỉnh - Kinh Tạng
  • Pháp Nghi Quỹ Dược Sư Như Lai Quán Hạnh - Kinh Tạng
  • Kinh Hạnh Người Cư Sĩ - Kinh Tạng
  • Kinh Đồng Tử Tô Bà Hô Thưa Hỏi - Kinh Tạng
  • Kinh Tôn Giả Hộ Quốc Hỏi Về Đại Thừa - Kinh Tạng
  • Dược Sư Tam Muội Hành Pháp - Kinh Tạng
  • Bài Xưng Tán Hạnh Nguyện Bồ Tát Phổ Hiền - Kinh Tạng
  • Kinh chú Đà La Ni Thỉnh Bồ Tát Quán Thế Âm Tiêu Phục Độc Hại - Kinh Tạng
  • Kinh Bồ Đề Hạnh - Kinh Tạng
  • Kinh Từ Thị Bồ Tát Hạ Sanh Thành Phật - Kinh Tạng