1
2

Kinh Quán Hư Không Tạng Bồ Tát

Lưu Tống Đàm Ma Mật Đa dịch

Bản Việt dịch (1) của Tuệ Khai

Bản Việt dịch (2) của Thích Vạn Thiện

***

Kinh Quán Hư Không Tạng Bồ Tát

Việt dịch: Tuệ Khai

***

Tôi nghe như vầy, một thuở đức Phật trụ ở núi Khư Đà La, nương theo chỗ sở trụ của bậc tiên nhân Chánh Giác, cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ kheo và một ngàn vị Bồ tát của Kiếp Hiền mà ngài Di Lặc đứng đầu. Lúc bấy giờ, trưởng lão Ưu Ba Ly liền đứng dậy, sửa sang y phục, làm lễ đức Phật mà bạch rằng:

– Thưa đức Thế Tôn! Trước đây, ở trong kinh Công Đức, ngài nói là tên của Đại Bồ tát Hư Không Tạng có thể trừ tất cả nghiệp ác chẳng lành, sửa trị vua Chiên đà la… cho đến Sa môn Chiên đà la, các ác luật nghi. Như việc ác này muốn sửa trị thì phải quan sát Bồ tát Hư Không Tạng ra sao? Giả sử được thấy thì làm sao ở chung để bố tát tăng sự? Nếu Ưu bà tắc phá năm giới, phạm tám giới trai, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Sa di, Sa di ni, Thức xoa ma na xuất gia phạm bốn trọng cấm, Bồ tát tại gia hủy phạm sáu trọng pháp, Bồ tát xuất gia phạm tám trọng cấm… mà những người lỗi như vậy đức Thế Tôn trước đây ở trong Tỳ ni nói rằng, quyết định tẩn xuất đuổi đi như hòn đá lớn đã vỡ. Nay ở trong Kinh này, đức Phật nói rằng, Bồ tát Hư Không Tạng đại bi có thể cứu các khổ và nói chú để trừ tội lỗi. Giả sử có người này thì làm sao biết được? Lấy gì làm chứng? Nguyện xin đức Thiên Tôn phân biệt giải nói!

Đức Phật bảo ngài Ưu Ba Ly rằng:

– Ông và người giỏi trì Tỳ ni đời vị lai cần phải giáo hóa những chúng sinh phạm tội này và an ủi ý của họ! Lời hoằng thệ đại từ của Thế Tôn không lường, chẳng bỏ tất cả. Ở Kinh Công Đức thậm thâm nói về pháp sửa trị tội gọi là quyết định Tỳ ni, có ba mươi lăm đức Phật cứu thế đại bi mà ông phải kính lễ. Khi ông kính lễ phải mặc áo tàm quí, như mắt phát sinh nhọt sinh ra hổ thẹn sâu sắc, như người bệnh ghẻ theo lời dạy của lương y, ông cũng như vậy, nên sinh ra tàm quí. Đã sinh ra tàm quí rồi, từ một ngày cho đến bảy ngày lễ mười phương Phật, xưng danh hiệu của ba mươi lăm vị Phật và đặc biệt xưng danh hiệu Bồ tát Hư Không Tạng đại bi. Hành giả tắm gội thân thể, đốt mọi thứ hương thơm danh tiếng như kiên hắc trầm thủy, lúc sao mai mọc, quì dài chắp tay, buồn khóc nước mắt như mưa xưng danh hiệu Hư Không Tạng mà bạch rằng: “Thưa Đại đức! Đấng Đại bi Bồ tát! Ngài thương nghĩ đến con nên vì con hiện thân”. Bấy giờ, phải khởi lên tư tưởng này: “Trên đỉnh Bồ tát Hư Không Tạng đó có ngọc Như Ý. Ngọc Như Ý ấy tạo ra sắc vàng tía”. Nếu thấy ngọc Như Ý tức là thấy Thiên quan (mũ trời). Trong thiên quan này có ba mươi lăm tượng Phật xuất hiện. Trong ngọc Như Ý có mười phương Phật tượng xuất hiện. Thân Bồ tát Hư Không Tạng lớn hai mươi do tuần. Nếu hiện đại thân cùng với Bồ tát Quán Thế Âm.v.v… thì Bồ tát này ngồi kiết già, tay nắm vua ngọc Như Ý. Ngọc Như ý ấy diễn xướng mọi pháp âm hợp cùng Tỳ ni. Nếu Bồ tát này thương xót chúng sinh nên hóa làm hình dáng Tỳ kheo và tất cả sắc tượng, hoặc ở trong mơ, hoặc khi ngồi thiền, dùng ấn ngọc Ma ni in vào cánh tay người đó. Hoa văn của dấu ấn có chữ Trừ tội. Được chữ này rồi thì trở lại trong chúng Tăng nói giới như cũ. Nếu Ưu bà tắc được chữ này thì chẳng ngăn chận xuất gia. Giả sử người chẳng được chữ này thì liền trong hư không có tiếng xướng lên rằng: “Tội diệt! Tội diệt!” Nếu không có tiếng trong không cho biết Tỳ ni thì trong mơ thấy Bồ tát Hư Không Tạng bảo rằng: “Tỳ ni tát! Tỳ ni tát!” Ông giáp Tỳ kheo nào đó, ông giáp Ưu bà tắc nào đó, lại khiến cho cho họ sám hối từ một ngày cho đến bốn mươi chín ngày. Nhờ sức lễ bái ba mươi lăm đức Phật và Bồ tát Hư Không Tạng nên tội ông giảm nhẹ. Người biết pháp lại sai bảo họ làm vệ sinh cầu tiêu (chuồng xí) trải qua tám trăm ngày mà ngày ngày bảo họ rằng: “Ông làm việc bất tịnh! Ông nay phải một lòng làm vệ sinh tất cả cầu tiêu, không cho người biết. Làm vệ sinh xong tắm gội sạch, làm lễ ba mươi lăm đức Phật, xưng danh hiệu Hư Không Tạng, hướng về mười hai bộ Kinh, năm vóc gieo xuống đất, nói lên tội ác của ông”. Sám hối như vậy lại trải qua ba mươi bảy ngày. Bấy giờ, kẻ trí nên gom gần lại ở trước tượng Phật mà xưng danh hiệu ba mươi lăm vị Phật, xưng danh hiệu Văn Thù Sư Lợi, xưng danh hiệu của Bồ tát Kiếp Hiền… được những vị ấy làm chứng, rồi lại bạch yết ma pháp thọ giới như trước. Người này nhân sức khổ hạnh nên tội nghiệp tiêu trừ vĩnh viễn, chẳng chướng ngại ba thứ nghiệp Bồ đề.

Đức Phật bảo ngài Ưu Ba Ly rằng:

– Ông hãy giữ gìn phép quán Hư Không Tạng này, vì chúng sinh không tàm quí đời vị lai phạm nhiều nghiệp ác mà phân biệt giảng nói rộng rãi.

Khi nói lời này thì Bồ tát Hư Không Tạng ngồi kiết già, phóng ra ánh sáng màu vàng, trong ngọc hiện ra ba mươi lăm đức Phật rồi bạch đức Phật rằng:

– Thưa đức Thế Tôn! Ngọc báu Như Ý này từ Thủ Lăng Nghiêm sinh ra. Vậy nên chúng sinh thấy ngọc thì được như ý tự tại.

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn sắc bảo Ưu Ba Ly rằng:

– Ông hãy giữ gìn Kinh này, chẳng được vì nhiều người giảng nói rộng rãi! Ông chỉ làm một người giữ gìn Tỳ ni vì chúng sinh không nhẫn nhục đời vị lai mà làm con ngươi của tròng mắt (nhãn nhục) vậy. Ông hãy thận trọng chớ quên mất!

Ngài Ưu Ba Ly nghe lời đức Phật nói hoan hỷ phụng hành.

    Xem thêm:

  • Kinh Cư sĩ Tịnh Ý Thưa Hỏi - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 25 – Kinh Bẫy Mồi (Nivàpa sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Chiêm Sát Nghiệp Báo Thiện Ác - Kinh Tạng
  • Kinh Nhân Duyên Xuất Gia - Kinh Tạng
  • Kinh Hư Không Tạng Bồ Tát Thần Chú - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 14 – Khuyến Khích Tu Tập - Kinh Tạng
  • Kinh Bồ Tát Bản Hạnh - Kinh Tạng
  • Kinh Hải Long Vương - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 13 – Bần Tiện - Kinh Tạng
  • Quán Niệm A Di Đà Phật Tướng Hải Tam Muội Công Đức Pháp Môn - Kinh Tạng
  • Kinh Vị Tằng Hữu Thuyết Nhân Duyên - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 15 - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Đại Ca Diếp Vấn Đại Bảo Tích Chánh Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Nhập Định Bất Định Ấn - Kinh Tạng
  • Tịnh Từ Yếu Ngữ - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Đẳng Đại Tập Hiền Hộ Bồ Tát – Thích Hằng Đạt dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Quán Phật Tam Muội Hải - Kinh Tạng
  • Kinh Bát Nhã Ba La Mật (Phẩm 31 đến 45) - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 32 - Kinh Tạng
  • Kinh Bảo Tinh Đà La Ni - Kinh Tạng