1
2

Kinh Quán Hư Không Tạng Bồ Tát

Việt dịch: Thích Vạn Thiện

***

Đúng thật như thế, chính tôi được nghe: Một thời Đức Phật cùng với một nghìn hai trăm năm mươi tì-kheo và một nghìn bồ-tát ở kiếp Hiền do ngài Di-lặc làm thượng thủ, an trú tại trụ xứ của tiên nhân Chính Giác, núi Khư-đà-la.

Bấy giờ, trưởng lão Ưu-ba-li liền từ chỗ ngồi đứng dậy, chỉnh trang y phục rồi đảnh lễ Đức Phật và thưa:

– Bạch Thế Tôn! Trước đây ở trong kinh Công đức, Thế Tôn nói danh hiệu dại bồ-tát Hư Không Tạng có thể trừ tất cả các nghiệp ác bất thiện, đối trị các ác luật nghi của vua Chiên-đà-la, cho đến sa-môn Chiên-đà-la. Nếu muốn đối trị các việc ác ấy thì nên quán bồ-tát Hư Không Tạng như thế nào? Giả sử được diện kiến ngài, thì làm sao chung ở để bố-tát và làm việc của tăng? Trước đây, trong Tì-ni, Thế Tôn nói: Nếu ưu-bà-tắc phá năm giới, phạm tám trai giới; hàng tì-kheo, tì-kheo ni, sa-di, sa-di ni, thức-xoa-ma-na phạm bốn tội nặng; hàng bồ-tát tại gia hủy phạm sáu tội nặng, bồ-tát xuất gia phạm tám tội nặng tội thì quyết định đuổi đi, bọn họ như tảng đá lớn đã vỡ. Nay ở trong kinh này, Đức Phật nói bồ-tát Đại Bi Hư Không Tạng hay cứu các khổ và thuyết thần chú để tiêu trừ tội lỗi. Giả sử có vị bồ-tát này thì làm sao biết được? Lấy gì làm chứng? Cúi xin đức Thiên Tôn phân biệt giải nói?

Đức Phật bảo ngài Ưu-ba-li:

– Ở đời vị lai, ông và tất cả những người khéo hành trì Tì-ni, cần phải giáo hóa những chúng sinh phạm tội ấy và khuyên giải tâm họ! Thệ nguyện đại từ của Thế Tôn rộng lớn, chẳng bỏ một loài nào. Trong kinh Công đức sâu xa có nói đến pháp trị tội lỗi tên là Quyết định Tì-ni. Trong đó có ba mươi lăm Đức Phật đại bi cứu thế mà ông phải kính lễ. Khi kính lễ, ông phải mặc áo tàm quí, giống như đôi mắt bị ung nhọt, người bệnh cảm thấy hổ thẹn; như người bệnh hủi phải theo lời chỉ dạy của lương y. Ông cũng như thế, nên sinh lòng hổ thẹn. Đã hổ thẹn rồi, thì từ một ngày cho đến bảy ngày đảnh lễ mười phương Phật, xưng danh hiệu của ba mươi lăm vị Phật và đặc biệt xưng danh hiệu bồ-tát Đại Bi Hư Không Tạng. Hành giả phải tắm gội thân thể sạch sẽ, đốt đầy đủ các thứ hương thơm quí giá như Kiên hắc, Trầm thủy. Lúc sao mai mọc, hành giả nên quì dài chắp tay, rơi lệ buồn khóc, xưng danh hiệu Hư Không Tạng và thưa: “Bạch Đại đức! Đấng bồ-tát Đại Bi! Xin ngài thương xót nghĩ đến con, nên vì con mà hiện thân!”.

Bấy giờ, phải quán tưởng trên đỉnh bồ-tát Hư Không Tạng có hạt châu Như Ý màu vàng tía. Nếu thấy châu Như Ý tức là thấy thiên quan[1]. Trong thiên quan có ba mươi lăm tượng Phật xuất hiện. Trong hạt châu Như Ý có mười phương Phật tượng xuất hiện. Thân bồ-tát Hư Không Tạng cao hai mươi do-tuần. Nếu hiện thân lớn thì đồng với bồ-tát Quán Thế Âm .v.v… Vị bồ-tát này ngồi kiết già, tay cầm hạt châu vương Như Ý. Từ hạt châu ấy phát ra pháp âm hợp với Tì-ni.

Vì vị bồ-tát này thương xót chúng sinh, nên hóa làm hình dáng tì-kheo và tất cả sắc tướng. Hoặc ở trong mộng, hoặc khi ngồi thiền, tì-kheo này dùng ấn ngọc ma-ni in vào cánh tay người đó. Dấu ấn có chữ “Trừ tội”. Được chữ này rồi, người ấy liền trở lại trong chúng tăng nói giới như cũ. Nếu ưu-bà-tắc được chữ này thì chẳng chướng ngại việc xuất gia. Nếu không được chữ này, thì sẽ nghe trong hư không vang lên tiếng: “Tội diệt! Tội diệt!”. Nếu chẳng nghe trong hư không có tiếng phát ra khiến cho biết Tì-ni, thì khi mộng thấy bồ-tát Hư Không Tạng, người này phải thưa:

– Bồ-tát Tì-ni! Bồ-tát Tì-ni! Con là tì-kheo tên…, con là ưu-bà-tắc tên …!

Lúc bấy giờ bồ-tát dạy cho người ấy sám hối, từ một ngày cho đến bốn mươi chín ngày lễ bái ba mươi lăm đức Phật. Nhờ uy lực của bồ-tát Hư Không Tạng mà tội người ấy giảm nhẹ.

Người biết pháp, lại dạy họ nên dọn dẹp nhà vệ sinh trải qua tám trăm ngày. Mỗi ngày đều bảo họ: “Ngươi đã làm những việc bất tịnh, thì hôm nay phải dốc lòng tẩy rửa tất cả nhà vệ sinh, không cần để cho ai biết. Làm vệ sinh xong, trong hai mươi mốt ngày, ngươi nên tắm gội sạch, đảnh lễ ba mươi lăm Đức Phật, xưng niệm danh hiệu Hư Không Tạng. Lại hướng về mười hai bộ kinh, gieo năm vóc sát đất, tỏ bày tội lỗi của mình. Bấy giờ, người hiểu biết thì nên nhóm họp thân thuộc đến trước tượng Phật xưng danh hiệu ba mươi lăm vị Phật, danh hiệu Văn-thù-sư-lợi, danh hiệu của bồ-tát kiếp Hiền…, để những vị ấy chứng minh, rồi lại bạch yết-ma như pháp thụ giới ở trước. Người này nhân tu tập khổ hạnh như vậy, nên tội nghiệp vĩnh viễn tiêu trừ, chẳng chướng ngại ba nghiệp bồ-đề.

Đức Phật bảo Ưu-ba-li:

– Ông hãy thụ trì phép quán Hư Không Tạng này, vì những chúng sinh đời vị lai không biết tàm quí, phạm nhiều tội ác mà phân biệt giảng nói. Khi ông nói kinh này thì bồ-tát Hư Không Tạng ngồi kiết già, phóng ra ánh sáng sắc vàng, trong hạt châu Như Ý hiện ra ba mươi lăm đức Phật.

Bồ-tát Hu w Không Tạng bạch Phật:

– Bạch đức Thế Tôn! Hạt châu Như Ý này của con từ Thủ-lăng-nghiêm hiện ra. Vì thế, chúng sinh thấy hạt châu thì được như ý tự tại.

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn bảo Ưu-ba-li:

– Ông hãy giữ gìn kinh này, chẳng được giảng nói cho tất cả mọi người nghe, chỉ vì một hạng người hành trì Tì-ni, làm đôi mắt sáng cho chúng sinh mù tối đời vị lai. Ông chớ quên lời Ta!

Ưu-ba-li nghe Phật dạy, lòng vô cùng vui mừng cung kính vâng theo.

    Xem thêm:

  • Kinh Cư sĩ Tịnh Ý Thưa Hỏi - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 25 – Kinh Bẫy Mồi (Nivàpa sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Chiêm Sát Nghiệp Báo Thiện Ác - Kinh Tạng
  • Kinh Nhân Duyên Xuất Gia - Kinh Tạng
  • Kinh Hư Không Tạng Bồ Tát Thần Chú - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 14 – Khuyến Khích Tu Tập - Kinh Tạng
  • Kinh Bồ Tát Bản Hạnh - Kinh Tạng
  • Kinh Hải Long Vương - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 13 – Bần Tiện - Kinh Tạng
  • Quán Niệm A Di Đà Phật Tướng Hải Tam Muội Công Đức Pháp Môn - Kinh Tạng
  • Kinh Vị Tằng Hữu Thuyết Nhân Duyên - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 15 - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Đại Ca Diếp Vấn Đại Bảo Tích Chánh Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Nhập Định Bất Định Ấn - Kinh Tạng
  • Tịnh Từ Yếu Ngữ - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Đẳng Đại Tập Hiền Hộ Bồ Tát – Thích Hằng Đạt dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Quán Phật Tam Muội Hải - Kinh Tạng
  • Kinh Bát Nhã Ba La Mật (Phẩm 31 đến 45) - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 32 - Kinh Tạng
  • Kinh Bảo Tinh Đà La Ni - Kinh Tạng