Sự kiện của đức Phật gắn liền với nhiều yếu tố mang tính huyền thoại. Cùng với đó, đã có khá nhiều tín đồ biết đến ngày Phật Đản là một ngày lễ lớn của Phật giáo, thế nhưng ít ai hiểu rõ ý nghĩa “Phật Đản” như thế nào? Chúng ta cũng cần tìm hiểu qua ý nghĩa này.
Giá trị huyền thoại?
Về huyền thoại, thời đức Phật rất nhiều tín ngưỡng tôn giáo có mặt, vì vậy nếu không có giá trị thần thoại này thì không dễ thu hút niềm tin của mọi người. Và chính sự kiện ra đời của đức Phật làm chúng ta có thêm sắc màu về nét văn hóa trong cách trang trí lễ hội trong Phật giáo.
Tuy nhiên, mặt hạn chế về tính huyền thoại này là chỉ đem đến tín ngưỡng cho mọi người và đạo Phật chỉ dừng lại ở giá trị tín ngưỡng để thu hút mọi người, và đó không phải là ý nghĩa lớn. Chính huyền thoại này là một ngăn cách lớn cho việc tầm cầu học đạo và thay đổi chính mình.
Giá trị hiện thực?
Trong một bản kinh đức Phật từng nói rằng: Phật pháp là thiết thực hiện tại không có thời gian đến để mà thấy mà nó chỉ được người trí tự mình giác hiểu. Vì vậy giá trị của đạo Phật mang tính hiện thực, lời dạy của đức Phật có giá trị thay đổi một con người từ ác thành thiện chứ không phải là những giáo lý suông, mang tính thần quyền.
Do đó, huyền thoại vẫn mang giá trị nào đó trong việc giới thiệu đạo Phật hay là làm tăng thêm sắc màu tính văn hóa đa dạng trong văn hóa Phật giáo. Về mặt hiện thực, giáo lý đức Phật là một giá trị triết lý nhân sinh và giá trị giải thoát mà tùy từng đối tượng, từng cấp độ chúng ta có thể giúp mọi người đến với đạo Phật bằng nhiều con đường khác nhau.
Bài pháp thoại “Sự Kiện Đản Sanh Hiện Thực Và Huyền Thoại” được đại đức giảng sư Thích Phước Tiến thuyết giảng tại chùa Ấn Quang (HCM) ngày 21/05/2016 (15/04/Bính Thân)