1
2
3
4
5
6
7
8
9
10

Tu sai biệt thắng tướng thắng ngữ 5

Chương 1 : Đối trị

Luận nói : Như vậy là đã nói về ngộ nhập nhân quả rồi, vậy làm sao thấy tu sai biệt như thế nào ? Tu sai biệt này có 10 địa Bồ-tát. Những gì là 10 ? Là Hoan hỷ địa, Ly cấu địa, Chiếu minh địa, Diệm địa, Nan thắng địa, Hiện tiền địa, Viễn hành địa, Bất động địa, Thiện tuệ địa, Pháp vân địa. Các địa này thành lập làm 10. Làm sao thấy được lý do thành lập ? Vì để đối trị 10 thứ vô minh chướng ngại, nên có 10 thứ và pháp giới cũng có 10 thứ vô minh làm chướng trụ. Làm sao biết ? Mười thứ, pháp giới là địa đầu tiên có nghĩa là phổ biến khắp, địa thứ hai có nghĩa là vượt trội hơn hết, địa thứ ba có nghĩa là từ tội thượng lưu xuất, địa thứ tư có nghĩa là không nhiếp thụ, địa thứ năm có nghĩa là thể không sai biệt, địa thứ sáu có nghĩa là không nhiễm tịnh, địa thứ bảy có nghĩa là các pháp không sai biệt, địa thứ tám có nghĩa là không thêm bớt, địa thứ chin có nghĩa là y chỉ tướng tự tại và y chỉ cõi tự tại, y chỉ trí tự tại, địa thứ mười có nghĩa là y chỉ nghiệp tự tại, y chỉ Đà-la-ni môn tự tại, y chỉ Tam-ma-đề môn tự tại. Ở đây có kệ như sau :

Biến hành, nghĩa tối thắng,

Nghĩa tối thượng lưu xuất,

Là nghĩa không nhiếp thụ,

Và thể không sai khác,

Nghĩa không nhiễm không tịnh,

Không các pháp sai biệt,

Nghĩa không thêm không bớt,

Y chỉ 4 tự tại,

Vô minh trong pháp giới,

Mười chướng chẳng nhiễm ô,

Trong 10 địa là chướng,

Đối trị nói các địa.

Lại nữa nên biết rằng vô minh này đối với Thanh Văn là không nhiễm ô, nhưng đối với Bồ-tát là nhiễm ô.

Giải thích : Nay nói rõ về tu sai biệt. Thế nào là phải biết 10 thứ ? Pháp giới, nghĩa là phổ biến khắp cả, cho đến nghĩa Tam-ma-đề, Đà-la-ni tự tại. Nên biết 10 thứ này, pháp giới trong mỗi địa đều có một thứ, nhưng vì sức của vô minh nên không biết được. Để đối trị 10 chướng của vô minh kia nên có 10 địa. Những gì là 10 ? Một là tính phàm phu. Hai là tà hạnh đối với thân chúng sinh v.v… Ba là tối tăm đần độn nên quên mất đối với văn tư tu. Bốn là phiền não vi tế hiện hành cùng với thân kiến v.v…cộng sinh với hạ phẩm. Do ý niệm duyên nên bỏ xa các hiện hành vi tế. Nên biết đây là vi tế. Năm là hạ thừa nhập Niết-bàn. Sáu là thô tướng hành. Bảy là vi tế tướng hành. Tám là trong vô tướng làm công dụng. Chín là không làm việc lợi ích chúng sinh. Mười là đối với các pháp không được tự tại. Nay sẽ giải thích nghĩa biến hành của bài kệ. Pháp giới biến hành khắp mọi nơi. Bởi vì sao ? Vì tất cả pháp không một pháp nào chẳng là vô ngã. Nghĩa tối thắng, nghĩa là nghĩa này vượt trội trong tất cả các pháp. Tức là tinh túy lưu xuất từ nhị địa. Tối thắng là nếu biết có Đại thừa chính thuyết là tinh túy lưu xuất từ chỗ vượt trội hơn cả thì được địa thứ ba. Trong đó không chấp thủ ngã sở, như người Uất-đan-việt không có ngã sở. Khi chứng pháp giới, liền được không có ngã sở như vậy. Do cái trí này liền được địa thứ tư. Đây tức là thể không sai biệt, chẳng phải như mắt thấy sắc v.v… tùy theo mỗi mỗi cái thể sai biệt của các chúng sinh. Do trí này được nhập vào địa thứ năm. Cũng không nhiễm, vì bản tính không nhiễm cho nên không nhiễm tức tịnh. Do trí này nên được nhập địa thứ sáu. Tu-đa-la v.v… các nghĩa tuy thành lập có sai biệt nhưng không khác nhau. Do trí này được nhập địa thứ bảy. Khi phiền não diệt không giảm, tịnh pháp lớn không tăng, y chỉ tướng tự tại, y chỉ cõi tự tại. Do trí này được nhập địa thứ tám. Trong tướng được tự tại, do tùy sở dục tướng liền hiện tiền. Trong cõi tự tại là như muốn cõi biến thành vàng liền được thành nên gọi là tự tại. Trong trí tự tại là y chỉ trí biện tài tự tại nên được nhập địa thứ chín. Thân v.v… các nghiệp tự tại y chỉ, Đà-la-ni, Tam-ma-đề môn tự tại y chỉ nên được nhập địa thứ mười. Lại nữa vô minh này đối với Thanh Văn không phải nhiễm ô do không nhập các địa này. Nếu khi nhập sơ địa tức thì thông đạt tất cả các địa, vậy tại sao còn tuần tự lập ra các địa làm gì ? Để giải thích câu hỏi này là tùy theo chỗ thực hành ở mỗi bậc mà thành lập. Mặc dầu ở sơ địa đã thông đạt tất cả nhưng phải thành lập các địa.

Chương 2 : Đặt tên

Luận nói : Lại nữa vì sao sơ địa tên là Hoan hỷ ? Do lần đầu tiên có công năng thành tựu tự lợi lợi tha. Vì sao địa thứ hai tên Ly cấu ? Do xa lìa nhơ bẩn của sự phá giới. Vì sao địa thứ ba tên là Chiếu minh ? Do không thoái lui chỗ y chỉ Tam-ma-địa, Tam-ma-bát-để, y chỉ đại pháp sáng suốt. Vì sao địa thứ tư tên là Diệm ? Vì pháp Bồ-đề phần đốt cháy tất cả chướng. Vì sao địa thứ năm tên là Nan thắng ? Vì hai trí chân tục trái nhau rất khó làm tương ưng nhau. Vì sao địa thứ sáu tên là Hiện tiền ? Vì trí duyên sinh làm y chỉ khiến hạnh Bát-nhã Ba-la-mật hiện tiền. Vì sao địa thứ bảy tên là Viễn hành ? Vì đến biên giới sau cùng của hạnh công dụng. Vì sao địa thứ tám tên là Bất động ? Vì tất cả tướng hành không động. Vì sao địa thứ chín tên là Thiện tuệ ? Vì trí biện tài vượt trội hơn cả. Vì sao địa thứ mười tên là Pháp vân ? Do tướng chung duyên trí tất cả pháp, là kho chứa tất cả Đà-la-ni, Tam-ma-địa môn như mây trời. Lại chướng thô nặng như hư không, mây có thể kéo che. Lại pháp thân viên mãn.

Giải thích : Vì sao sơ địa tên Hoan hỷ ? Do mới bắt đầu được thành tựu công năng tự lợi lợi tha. Khi Thanh Văn chứng chân thật chỉ thành tựu được công năng tự lợi, không làm lợi tha. Vì vậy không được sự hoan hỷ như chư Bồ-tát. Vì sao địa thứ hai tên Ly cấu ? Do ở địa này tính giới thành tựu, không như sơ địa tác ý trì giới. Do thành tựu được tính giới, xa lìa sự nhơ bẩn của phá giới. Vì sao địa thứ ba tên Chiếu minh ? Do ở trong địa này thường không tách rời Tam-ma-địa, tam-ma-bát-để. Do không thoái lui nên liền được sáng tỏ trong pháp Đại thừa. Vì sao địa thứ tư tên Diệm ? Do ở địa này được thực hành pháp Bồ-đề phần. Do hành pháp này tất cả phiền não, tùy phiền não đều bị đốt cháy hết. Vì sao địa thứ năm tên Nan thắng ? Do ở địa này chân trí xuất thế là vô phân biệt. Thế trí công xảo luận là phân biệt. Cần phải tu đủ cả hai cái trái nhau này rất khó, nhưng có thể đủ được cả hai nên gọi Nan thắng. Vì sao địa thứ sáu tên Hiện tiền ? Ở địa này được hành duyên sinh. Do trí lực này nên hành vô phân biệt, Bát-nhã Ba-la-mật được hiện tiền. Các pháp không nhiễm không tịnh, sẽ được hạnh có công dụng trong địa thứ bảy. Trong địa thứ tám là hạnh vô công dụng. Vì sao địa thứ bảy tên Viễn hành ? Ở trong địa này do hạnh phương tiện cứu cánh nên do được quyết định trong tất cả các tướng mà có hạnh công dụng. Vì sao địa thứ tám tên Bất động ? Trong tất cả tướng và tất cả pháp dụng công, trong đây đều được bất động, tâm vô phân biệt tự nhiên thường lưu xuất. Vì sao địa thứ chín tên Thiện tuệ ? Tuệ này rất xuất sắc nên gọi là thiện tuệ. Trí biện tài gọi là tuệ. Do trí này nên nói là thiện tuệ. Vì sao địa thứ mười tên Pháp vân ? Tướng chung tất cả pháp duyên trí như mây, Đà-la-ni Tam-ma-đề v.v…như nước. Tức lấy trí này làm kho chứa, như mây chứa nước. Lại như mây kéo che kín hư không. Tướng chung tất cả pháp này duyên trí, che kín các chướng thô trọng cũng giống như vậy. Và viên mãn pháp thân là như mây phổ biến hư không. Trong thân Bồ-tát pháp thân viên mãn cũng giống như vậy. Viên mãn tức nghĩa là phổ biến.

Chương 3 : Được tướng

Luận nói : Làm sao thấy được chứng đắc các địa này ? Có 4 tướng : Một, được tín giải. Nghĩa là tin hiểu các địa. Hai, được chính hsnhj. Nghĩa là được tương ưng với 10 thứ pháp hạnh của địa. Ba, được thông đạt. Nghĩa là ở trong sơ địa, lúc thông đạt pháp giới là được thông đạt tất cả các địa. Bốn, được thành tựu. Nghĩa là tu các địa này được cứu cánh.

Giải thích : Trong đây nói được thành tựu là nếu tu các địa này đến cứu cánh tức là thành tựu.

Chương 4 : Tu tướng

Luận nói : Làm sao thấy được tu các địa này ? Các Bồ-tát này, trong các địa khi tu Xa-ma-tha, Tì-bát-xá-na, có 5 pháp tu. Đó là tu gồm chung, tu vô tướng, tu không công dụng, tu mãnh liệt, tu không chán đủ. Sinh 5 quả Bồ-tát. Đó là một, trong mỗi niệm tiêu diệt chỗ dựa của tất cả nhiễm trược. Hai, được thoát ly các tưởng, dạo chơi trong pháp lạc. Ba, hiểu rõ sáng suốt tướng pháp tất cả mọi nơi vô lượng không giới hạn. Bốn, có nhân duyên các phần thanh tịnh, không có tướng phân biệt nhưng vẫn hiện hành, nên pháp thân viên mãn thành tựu. Năm, do lần lượt thâu nhiếp nhân ở các bậc trên.

Giải thích : Tùy trong mỗi địa, có 5 pháp tu. Nay sẽ nói rõ. Xa-ma-tha, Tì-bát-xá-na, do 5 pháp tu nên đều được thành tựu. Nói “trong mỗi niệm tiêu diệt chỗ dựa tất cả nhiễm trược.”, cái gì gọi là nhiễm trược ? Là phiền não chướng trí chướng huân tập chủng tử từ vô thủy tạo thành khối chướng ngại. Do tướng chung duyên Xa-ma-tha, trí Tì-bát-xá-na nên được niệm niệm tổn giảm. Khối này bị phá tan nên gọi là tiêu diệt. Lại nữa tổn giảm tức là tiêu diệt. Nói “lìa các tướng được cái vui pháp lạc” nghĩa là nơi các thể tướng thành lập Tu-đa-la v.v…, nghĩa là trong pháp lìa các tưởng, được cái vui trong pháp lạc, chứ không phải thú vui nào khác. Ở đây nói vui là cái vui bên trong. Lại có giải thích khác rằng Xa-ma-tha, Tì-bát-xá-na, ở trong pháp hoặc thụ, hoặc giác, hoặc quán, chứ không phải thuận hành theo sự lãnh nạp thô thiển lộ liễu. Nhưng chỉ dùng ức niệm sáng suốt lãnh nạp và thuận hành vi tế. Nói “tướng mọi nơi vô lượng không giới hạn” nghĩa là không có sự hiểu biết giới hạn 10 phương. Nói “tất cả sự sáng suốt” như hay đọc kinh sách tâm tức sáng suốt. Nói “trong thanh tịnh phần tướng vô phân biệt hiện tiền” nghĩa là thành tựu tương ưng với thanh tịnh phần mà tướng vô phân biệt hiện tiền cho nên Phật quả là sở ưng thành tựu và pháp thân viên mãn thành tựu. Bao gồm nhân tối thượng là trong đó viên mãn là địa thứ mười, thành tựu là Phật địa thứ mười một. Trong đây pháp thân bao gồm nhân tối thượng là do đây tất cả nhân xuất sinh Phật địa vì vậy được gọi là vượt trội hơn cả.

Luận nói : Trong 10 địa tu 10 Ba-la-mật đều có tăng thượng. Trong 6 địa, 6 Ba-la-mật như trước đã nói. Trong 4 địa sau có 4 Ba-la-mật. Phương tiện thiện xảo Ba-la-mật, 6 Ba-la-mật tu tập thiện căn cùng tất cả chúng sinh hồi hướng A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Nguyện Ba-la-mật là phát khởi các nguyện đời vị lai, vì các Ba-la-mật nhân duyên đây có thể dẫn nhiếp. Lực Ba-la-mật là do sức tư duy tu tập 6 Ba-la-mật được tương tục hiện hành. Trí Ba-la-mật là thành lập trí 6 Ba-la-mật, được tự thụ dụng pháp lạc và thành tựu chúng sinh. Lại nữa 4 Ba-la-mật này là thuộc trí vô phân biệt hậu sở đắc trong Bát-nhã Ba-la-mật. Lại nữa trong 10 địa tất cả Ba-la-mật không cái nào không tu hành. Đây là pháp môn của các địa được thâu nhiếp trong Ba-la-mật tạng.

Giải thích : Nói “Trong 10 địa tu 10 Ba-la-mật đều có tăng thượng” nghĩa là trong Kinh Thập Địa nói sơ địa Đàn Ba-la-mật tăng thắng cho đến địa thứ 10 Trí Ba-la-mật tăng thắng. Vì lấy sự tăng thắng đó nên trong Thập Địa nói 10 Ba-la-mật. Trong tất cả các địa đều tu tập tất cả Ba-la-mật. Sáu Ba-la-mật trong 6 địa như tuần tự hiển thị, ban đầu Đàn Ba-la-mật cho đến thứ 6 là Bát-nhã Ba-la-mật. Các nghĩa ấy đều được nói như trong Kinh Thập Địa. Trong đó không đầy đủ như trước đã nói. Bốn địa sau có 4 Ba-la-mật là tùy ở nơi nào nói 6 Ba-la-mật, tức nơi đó Phương tiện thiện xảo v.v… 4 Ba-la-mật đều có trong đó. Nếu nói 10 Ba-la-mật thì trong đó chỉ lấy trí vô phân biệt làm Bát-nhã Ba-la-mật. Trí hậu đắc gồm Phương tiện thiện xảo v.v… 4 Ba-la-mật khác. Vì vậy cho nên trong 4 địa sau tu 4 Ba-la-mật được thành. Luận nói trong Phương tiện thiện xảo Ba-la-mật cùng với tất cả chúng sinh, nghĩa là trong đó có thiện căn gì thì đều được cùng chung với chúng sinh. Nay sẽ nói rõ về các “nguyện cầu vô thượng Bồ-đề” là muốn làm việc lợi ích tất cả chúng sinh, cần phải chính giác Bồ-đề mới đạt được ý muốn này. Cho nên có suy nghĩ tư duy gì, có thiện căn gì đều hồi hướng để làm lợi ích cho tất cả chúng sinh. Đây gọi là cùng chung với tất cả chúng sinh. Lại nữa thiện xảo phương tiện là hiển thị bi trí. Sáu Ba-la-mật tập họp được các thiện căn, do bi nên cùng chung với tất cả chúng sinh, do trí nên không hồi hướng các quả báo Phạm vương Đế-thích v.v… Vì vậy do trí này nên không khởi phiền não và không bỏ sinh tử mà trong đó không nhiễm, được thành phương tiện thiện xảo, nên gọi là Phương tiện thiện xảo Ba-la-mật. Do khởi các thứ nguyện lực nên được các nhân duyên Ba-la-mật. Vì vậy gọi là Nguyện Ba-la-mật. Trong thời vị lai, nghĩa là tướng nhân của thời vị lai, nên gọi là trong thời vị lai. Trụ trong nhân này, vì đời vị lai nên làm các nguyện. Có Tu-đa-la nói có 2 thứ sức, là sức tư duy và sức tu tập. Tuy không có sức tu tập, nhưng nhờ có sức tư duy nên tương ưng với các Ba-la-mật. Vì vậy được các Ba-la-mật tương tục hiện hành. Đây là nghiệp sự của Lực Ba-la-mật, như đã nói rõ các Ba-la-mật đều do trí kiến lập. Đó là Trí Ba-la-mật, tức tự tính Bát-nhã Ba-la-mật vô phân biệt. Nếu vì tự thụ dụng pháp lạc và vì thành tựu cùng chúng sinh trong pháp giới nên gọi là thành lập các Ba-la-mật. Pháp môn này được bao gồm trong các Ba-la-mật tạng. Trong đây Ba-la-mật tạng nghĩa là tất cả các pháp Đại thừa thì pháp môn 10 địa này được thâu nhiếp trong Ba-la-mật tạng, không có trong Thanh Văn tạng. Tất cả các Ba-la-mật được tu tạp thành trong các địa. Pháp môn các địa này cao lớn cùng tột cho nên chư Phật giảng nói trong kắp tất cả cõi Phật. Pháp môn này là vượt trội cho nên được nói trước tiên hết, và nói trong những trường hợp thù thắng nhất, nói nơi trụ xứ kiên cố nhất. Chính chỗ thù thắng đó nên nói là thắng.

Chương 5 : Thời gian tu tập

Luận nói : Lại nữa tu các địa này bao nhiêu thời gian thì được viên mãn ? Có 5 loại người tu trong 3 a-tăng-kì kiếp. Nghĩa là người ở Tín hành địa trong kiếp a-tăng-kì thứ nhất tu tịnh tâm hành hữu tướng, hành vô tướng, hành 6 thứ địa và địa thứ bảy. Kiếp a-tăng-kì thứ hai, tức trong vô tướng, vô công dụng hạnh trở lên. Cho đến địa thứ 10 trong kiếp a-tăng-kì thứ ba tu hành viên mãn. Ở đây có bài kệ như sau :

Sức thắng thượng tịnh diệu,

Tâm kiên cố chuyển thắng.

Bồ-tát ba tăng-kì,

Gọi là chính tu hành.

Giải thích : Nói 5 loại người trong 3 a-tăng-kì nghĩa là trong đó người Tín hành nghĩa là y theo nghĩa đó mà tin tưởng tu hành. Địa này hết một kiếp a-tăng-kì đầu tiên. Mãn kiếp a-tăng-kì này được Tịnh tâm địa, thông đạt chân như, nên ngay đây tu hành tịnh tâm. Trong 10 địa, đến 6 địa hãy còn tu hành hữu tướng. Địa thứ 7 là vô tướng hữu công dụng hành, tức được mãn a-tăng-kì thứ 2. Nếu vào địa thứ 8 thì được vô công dụng hạnh, nhưng chưa thành tựu hạnh vô công dụng ấy. Địa thứ 9 thứ 10 thì viên màn hạnh vô công dụng này. Người này là thuộc kiếp a-tăng-kì thứ 3. Tức mọt người này mà thành lập 5 loại, như Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm v.v… Tùy theo vị, xứ khác nhau cho nên như nói mãn 3 a-tăng-kì được Bồ-đề, tu hành thí v.v…trong sinh tử từ vô thủy, và được gặp chư Phật nào đến nay gọi là 3 kiếp a-tăng-kì ? Nghĩa này trong kệ nói rõ. Sức thăng thượng tịnh diệu, nghĩa là được thiện căn lực và nguyện lực. Trong đó thiện căn lực là tán loạn v.v…không thể phá hoại. Nguyện lực là hằng cùng quy tụ với các thiện hữu. Tâm kiên cố chuyển thắng nghĩa là sức thiện hữu, không bỏ tâm Bồ-đề. Hành chuyển thắng nghĩa là trong đời hiện tại và đời sauthiện căn tăng trưởng không thoái giảm. Các câu khác có thể hiểu lấy. Đến đây giải thích xong về tu sai biệt thắng tướng.

    Xem thêm:

  • Luận Bồ Đề Tư Lương - Luận Tạng
  • Luận Đại Trí Độ Tập 3 - Luận Tạng
  • Luận Đại Thừa Bảo Yếu Nghĩa - Luận Tạng
  • Luận Thích Ma Ha Diễn - Luận Tạng
  • Luận Đại Trí Độ Tập 5 - Luận Tạng
  • Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận - Luận Tạng
  • Niệm Phật Tam Muội Bửu Vương Luận - Luận Tạng
  • Luận Đại Trí Độ Tập 4 - Luận Tạng
  • Luận Giảng Rộng Ý Nghĩa Năm Uẩn Theo Giáo Pháp Đại Thừa - Luận Tạng
  • Thích Nghĩa Luận Nhiếp Đại Thừa - Luận Tạng
  • Luận Tịnh Độ - Luận Tạng
  • Bửu Tạng Luận - Luận Tạng
  • Luận Bảo Tạng - Luận Tạng
  • Sớ Giải Kinh A Di Đà - Luận Tạng
  • Luận Thủ Trượng - Luận Tạng
  • Luận Giải Thoát Đạo - Luận Tạng
  • Luận Đại Trí Độ Tập 1 - Luận Tạng
  • Luận Đại Thừa Tập Bồ Tát Học - Luận Tạng
  • Luận Đại Trí Độ Tập 2 - Luận Tạng
  • Thiền Ba La Mật - Luận Tạng