1
2
3
4
5
6
7
8
9
10

Tăng thượng tâm học thắng tướng thắng ngữ 7

Luận nói : Như vậy là đã nói xong về thắng tướng của tăng thượng giới học, còn thắng tướng của tăng thượng tâm học làm sao thấy được ? Lược nói có 6 thứ sai biệt : 1.sai biệt về sở duyên, 2.sai biệt về chủng loại, 3.sai biệt về đối trị, 4.sai biệt về công năng, 5.sai biệt về xuất sinh, 6.sai biệt về tác nghiệp. Pháp Đại thừa là sở duyên. Đại thừa quang minh, Nhất thiết phúc đức tụ, Tam-muội vương, Hiền hộ Thủ-lăng-già-ma v.v…Tam-ma-đề, vô lượng chủng loại. Tướng chung của tất cả các pháp duyên trí, ví như phương tiện dùng cây nêm để tháo cây nêm, trục xuất các chướng nhiễm trược trong thức A-lê-da. Vui trong thiền định, tùy ý muốn mà thụ sinh. Trong tất cả thế giới xuất sinh thần thông không chướng ngại. Nghĩa là như chấn động, bùng cháy, phổ biến, hiển hiện, thần biến, qua lại, kéo dài thu ngắn, tụ tán, tất cả sắc tượng nhập vào trong thân, đến đâu thì hiện thân đồng loại, hoặc ẩn hoặc hiện, ra làm tự tại, trấn áp thần thông đối phương, cho biện tài, cho nghĩ nhớ, cho vui thích, phóng ánh sáng v.v… xuất sinh các loại thần thông như vậy.

Giải thích : Nay nói rõ thắng tướng của tăng thượng tâm học. Nói là sở duyên trong pháp Đại thừa, nghĩa là do các Bồ-tát lấy pháp Đại thừa làm sở duyên, không phải như các Thanh Văn v.v… Đại thừa quang minh, Phúc tụ Tam-ma-đề vương v.v… là nói tên các Tam-ma-đề. Bởi các Thanh Văn trong các thứ Tam-ma-đề này chẳng có một thứ nào cả. Nói sai biệt về sự đối trị, nghĩa là do có thể đối trị tất cả chướng ngại cho nên như dùng một vật nhỏ mà đẩy được vật lớn ra. Cũng như vậy các chủng tử phiền não ở trong thức A-lê-da gọi là huân tập. Đây nói là thô đối trị. Đạo nói là tế. Đẩy cái thô kia ra. Nói sai biệt về công năng, nghĩa là do có công năng này nên vui trong thiền định nhưng có chỗ lợi ích tất cả chúng sinh. Cho đến thụ sinh cũng không mất thiền định, Thanh Văn thì không được vậy. Nói sai biệt về xuất sinh, nghĩa là ở trong tất cả thế giới được thần thông không chướng ngại, do từ thiền định sinh. Nói sai biệt về tác nghiệp, nghĩa là trong chấn động làm chấn động tất cả thế giới. Đốt cháy tức là đốt cháy tất cả thế giới. Phổ biến nghĩa là ánh sáng đầy khắp. Hiển hiện là chúng sinh như thế nào thì tùy theo đó ứng hiện. Do năng lực thần thông, Bồ-tát thấy được vô lượng thế giới, và thấy chư Phật Bồ-tát trong các thế giới kia. Chuyển biến là như chuyển đổi đất thành ra nước v.v…Qua lại là trong một sát-na đi qua vô lượng thế giới và trong một sát-na này liền trở về lại. Tụ là đem vô lượng thế giới nhập vào trong một hạt bụi mà không tăng lớn. Tán là đem một hạt bụi biến đầy khắp vô lượng thế giới. Nói tất cả sắc tượng nhập vào trong thân, nghĩa là như trong một thân hiển hiện tất cả vô lượng sắc tượng. Nói đến đâu thì hiện thân như đồng loại, nghĩa là như qua đến trời thứ 33 thì sắc tượng âm thanh đều đồng như người ở cõi đó để giáo hóa chúng. Và đi đến cõi nào cũng đều như vậy. Nói khi ẩn khi hiện, nghĩa là ở tất cả mọi nơi khi hiện khi không hiện. Việc ra làm tự tại, nghĩa là như biến ma vương làm Phật thân v.v… Trấn áp thần thông đối phương, là được vượt trội hơn tất cả mọi thần thông. Cho biện tài, là khiến có khả năng ứng đáp. Cho nghĩ nhớ và vui thích, là do nghe Bồ-tát thuyết pháp được Tam-ma-đề nên được nghĩ nhớ vui thích. Phóng ánh sáng, là phóng ánh sáng khiến các Bồ-tát ở các thế giới khác đều đến tập hội. Xuất sinh các đại thần thông như vậy, nghĩa là các đại thần thông đã nói ở trước. Các thần thông này Thanh Văn không có được.

Luận nói : Gồm thâu tất cả những việc khó làm, do xuất sinh 10 việc khó làm. Mười việc khó làm là : tự nhận việc khó làm, tự thụ nguyện Bồ-đề, việc khó làm không thoái lui, trong khổ sinh tử không thoái chuyển, không làm trái việc khó làm, không ruồng bỏ tất cả chúng sinh có hành vi điên đảo, các việc khó làm trước mắt, các chúng sinh gây xúc não Bồ-tát cũng hiện tiền làm lợi ích cho chúng, không nhiễm ô dầu việc khó làm, sinh ở thế gian không bị pháp thế gian nhiễm ô, tin vui việc khó làm, trong Đại thừa tuy có chỗ chưa hiểu nhưng vẫn sinh tin vui tất cả giáo pháp rộng lớn sâu xa, thông đạt những việc khó làm, thông đạt nhân pháp 2 vô ngã, tùy hiểu những việc khó làm, tùy thuận hiểu biết các bí mật ngữ sâu xa của Như Lai nói, không bỏ không nhiễm việc khó làm, không bỏ sinh tử mà không nhiễm, ra làm các việc khó làm, trụ trong giải thoát tất cả chướng ngại của chư Phật vận dụng vô công dụng cho đến tận cùng sinh tử làm việc lợi ích tất cả chúng sinh.

Giải thích : Như kinh nói Bồ-tát có những việc khó làm. Đó là những việc gì ? Có 10 thứ. Trong đó không lìa không nhiễm khó làm, không lìa nghĩa là không bỏ. Nếu ở trong sinh tử không bỏ sinh tử mà cũng không nhiễm. Đây là rất khó. Còn 9 thứ khác xem luận bản sẽ rõ.

Luận nói : Tùy theo mà hiểu các mật ngữ Phật nói là khó. Bồ-tát tùy thuận theo đó mà hiểu. Như nói : Thế nào là Bồ-tát thành tựu được bố thí ? Nếu không thí một vật mà trong 10 phương thế giới thành tựu vô lượng việc bố thí. Thế nào là thành tựu được sự ưa thích bố thí ? Là nếu trong tất cả bố thí chẳng có gì ưa thích. Thế nào là được thành tựu việc tin vào bố thí ? Là nếu không tin vào các Như Lai. Thế nào là thành tựu được sự khuyến khích bố thí ? Là tự bản thân chẳng có một động cơ gì khởi phát đối với sự bố thí. Thế nào là được thành tựu bố thí một cách thoải mái ? Là nếu không có một lúc nào bố thí một vật gì. Thế nào là được thành tựu sự bố thí rộng lớn ? Là nếu đối với sự bố thí sinh tưởng không chắc thật. Thế nào là được thành tựu sự bố thí thanh tịnh ? Là nếu sinh tâm keo kiệt. Thế nào là được thành tựu sự bố thí rốt ráo ? Là nếu đối với sự bố thí không được tự tại. Thế nào là được thành tựu sự bố thí vô tận ? Là nếu không trụ trong vô tận. Giống như bố thí, việc trì giới cho đến trí tuệ đều như vậy. Phải biết tùy theo sự thích hợp.

Giải thích : Trong đây hiển thị ý của các mật ngữ. Trong này nói thế nào là được thành tựu bố thí , tức là Bồ-tát lấy tất cả chúng sinh làm cái thể của mình, cho nên tất cả chúng sinh hành thí là Bồ-tát hành thí. Đây là mật ý. Thế nào là được thành tựu sự ưa thích bố thí, nghĩa là không ưa thích sự bố thí có sở đắc. Chỉ ưa thích tịnh thí của Bồ-tát. Tạp tướng và trước tướng là có sở đắc. Cho nên kinh nói bố thí có tạp tướng trước tướng. Thế nào là được thành tựu tin tưởng vào việc bố thí, nghĩa là do tự mình được tâm bố thí nên không phải nhờ duyên người khác. Thế nào là được thành tựu việc phát khởi khuyến khích bố thí, nghĩa là đây cũng hiển thị cái tự tính năng thí. Nếu tự thân không có động cơ khởi phát , nhưng do trừ bỏ keo kiệt nên tuy không phát động tự có thể hành thí. Thế nào là được thành tựu bố thí một cách thoải mái, nghĩa là không phải thí một lần mà thường thí, không phải chỉ thí một vật mà thí tất cả. Thế nào là được thành tựu bố thí một cách rộng lớn, trong đó nói không chắc thật tức là nếu lấy nghĩa bí mật thì gọi là không loạn. Đây là hiển thị định tâm thí và phá tham dục thí. Thế nào là được thành tựu bố thí thanh tịnh, nghĩa là trong đây nói sinh khởi tức lấy nghĩa bí mật gọi là bạt căn, bạt căn là nhổ gốc rễ, nhổ gốc rễ của tính keo kiệt, do đưa đầu keo kiệt xuống dưới nhổ gốc lên trên nên gọi là sinh khởi. Thế nào là được thành tựu bố thí một cách rốt ráo, nghĩa là cứu cánh tức Niết-bàn. Trong đây Niết-bàn cũng không trụ nên không như Thanh Văn trụ cứu cánh Niết-bàn. Thế nào là được thành tựu bố thí một cách tự tại, nghĩa là chỉ đối với thí, chướng không được tự tại. Thế nào là được thành tựu bố thí vô tận, nghĩa là vô tận tức Niết-bàn, để hiển thị không đồng với Thanh Văn trụ Niết-bàn.

Luận nói : Thế nào là thành sát sinh ? Là nếu cắt đứt sinh tử của chúng sinh. Thế nào là thành không cho mà lấy ? Là nếu tất cả chúng sinh không có ai cho mà tự lấy. Thế nào là thành dục tà hạnh ? Là nếu hành động trong tà dục. Thế nào là thành vọng ngữ ? Là nếu trong hư vọng nói là hư vọng. Thế nào là thành lời nói phá hoại ? Là nếu thường hành trong đệ nhất không hành. Thế nào là thành lời nói thô ác ? Là nếu trụ nơi phải biết bờ kia. Thế nào là thành lời nói tạp loạn ? Là nếu ở trong pháp chủng loại sai biệt nói như tướng của chúng. Thế nào là thành tham chẳng phải phần ? Là nếu đối với vô thượng thiền định thường tu tập để tự chứng đắc. Thế nào là thành tâm sân hại ? Là nếu đã sát hại được tất cả tâm phiền não. Thế nào là thành tà kiến ? Là nếu khắp tất cả mọi nơi là tà thể thấy như thể của chúng.

Giải thích : Như trong kinh nói : Phật bảo Tì-khưu, ta là kẻ sát sinh. Nay sẽ nói rõ ý của câu này. Thế nào là kẻ dục tà hạnh, nghĩa là nếu nghĩ biết cái dục này là tà, như vậy thì phải biết trụ ở bờ bên kia. Thế nào là tà kiến, nghĩa là đối với sắc v.v…biến hành khắp cả tà thể thì thấy như tướng của chúng, tức thấy tính phân biệt trong tính y tha là tà tướng. Ngoài ra nghĩa của 10 nghiệp đạo bất thiện, có thể hiểu như trong luận.

Luận nói : Pháp Phật rất sâu. Những gì là pháp Phật rất sâu, nay sẽ giải thuyết. Pháp thường trụ là pháp Phật, vì pháp thân thường trụ. Pháp đoạn diệt là pháp Phật, vì đoạn diệt tất cả chướng. Pháp sinh khởi là pháp Phật, vì hóa thân sinh khởi. Pháp chứng kiến là pháp Phật, vì chúng sinh có 8 vạn 4 ngàn hành vi và đối trị đều chứng kiến. Pháp có dục là pháp Phật, vì dục là muốn cùng chúng sinh nhiếp đồng tự thể. Cũng ý như vậy mà nói pháp có sân là pháp Phật, pháp có si là pháp Phật, pháp phàm phu là pháp Phật, pháp không nhiễm là pháp Phật vì thành tựu chân như thì tất cả không ô nhiễm, cho nên pháp không ô nhiễm là pháp Phật. Vì pháp Phật sinh tại thế gian không bị thế gian ô nhiễm. Cho nên nói pháp Phật rất sâu. Vì để tu Ba-la-mật, để thành thục chúng sinh, để thanh tịnh cõi Phật, để xuất sinh tất cả pháp Phật v.v…phải biết đây là nghiệp sai biệt Tam-ma-đề của Bồ-tát.

Giải thích : Lại có các kinh khác nói pháp thường trụ là pháp Phật, cho đến pháp không nhiễm là pháp Phật v.v… Nay sẽ hiển thị ý trong đó nói. Thường trụ nghĩa là pháp thân lấy pháp này nên nói là pháp thường trụ. Pháp đoạn diệt, pháp chứng kiến, pháp không ô nhiễm, các pháp này hiển thị sự xuất ly tất cả chướng nhiễm chân như. Vì pháp này nên nói là pháp không nhiễm ô. Trước không nói sự sai biệt về tác nghiệp, nên nay sẽ hiển thị. Nghiệp Tam-ma-đề của Bồ-tát, trong đây Bồ-tát y chỉ Tam-ma-đề nên được tu các Ba-la-mật. Cũng do y chỉ Tam-ma-đề nên thành thục chúng sinh. Do thần thông nên nhiếp dẫn khiến nhập. Cũng y chỉ sức của Tam-ma-đề mà thanh tịnh cõi Phật cũng như vậy. Nếu tâm được tự tại tức tùy ý muốn khiến thế giới trở thành vàng v.v…như vậy là nhờ sức của Tam-ma-đề. Xuất sinh pháp Phật, đó là nghiệp. Đến đây giải thích xong về tăng thượng tâm học.

    Xem thêm:

  • Luận Bồ Đề Tư Lương - Luận Tạng
  • Luận Đại Trí Độ Tập 3 - Luận Tạng
  • Luận Đại Thừa Bảo Yếu Nghĩa - Luận Tạng
  • Luận Thích Ma Ha Diễn - Luận Tạng
  • Luận Đại Trí Độ Tập 5 - Luận Tạng
  • Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận - Luận Tạng
  • Niệm Phật Tam Muội Bửu Vương Luận - Luận Tạng
  • Luận Đại Trí Độ Tập 4 - Luận Tạng
  • Luận Giảng Rộng Ý Nghĩa Năm Uẩn Theo Giáo Pháp Đại Thừa - Luận Tạng
  • Thích Nghĩa Luận Nhiếp Đại Thừa - Luận Tạng
  • Luận Tịnh Độ - Luận Tạng
  • Bửu Tạng Luận - Luận Tạng
  • Luận Bảo Tạng - Luận Tạng
  • Sớ Giải Kinh A Di Đà - Luận Tạng
  • Luận Thủ Trượng - Luận Tạng
  • Luận Giải Thoát Đạo - Luận Tạng
  • Luận Đại Trí Độ Tập 1 - Luận Tạng
  • Luận Đại Thừa Tập Bồ Tát Học - Luận Tạng
  • Luận Đại Trí Độ Tập 2 - Luận Tạng
  • Thiền Ba La Mật - Luận Tạng