Kinh Đại Thừa Đồng Tử Bảo Nguyệt Vấn Pháp
Tống Thi Hộ dịch
Bản Việt dịch (1) của Thích Nữ Tâm Thường
Bản Việt dịch (2) của Nguyên Thuận
Bản Việt dịch (3) của Thích Nữ Đức Thuận
***
Kinh Đại Thừa Đồng Tử Bảo Nguyệt Vấn Pháp
Việt dịch: Thích Nữ Tâm Thường
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ngự tại núi Linh Thứu, nơi thành Vương Xá cùng với chúng đại Bí-sô năm vạn năm ngàn ức, nhất tâm hành hạnh Bồ-đề. Bồ-tát Vô Năng Thắng,.v.v… tám vạn trăm ngàn vô số ức na-do-đa ; các trời, người, v.v… trăm ngàn na-do-đa.
Bấy giờ, đến giờ khất thực, đức Thế Tôn đắp y, ôm bình bát cùng với chúng Bí-sô và các Bồ-tát, thiên, long, thần,v.v… cung kính vây quanh vào thành lớn Vương Xá khất thực.
Khi ấy, vương tử của Tần Bà Sa La tên là Bảo Nguyệt đồng tử, nhơn có việc nên cưỡi long tượng lớn ra khỏi thành lớn Vương Xá, từ xa trông thấy đức Thế Tôn, liền xuống khỏi long tượng và đi đến chỗ Phật, cung kính cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật rồi lui đứng một bên, Đồng tử Bảo Nguyệt bạch Phật:
– Cúi xin Thế Tôn, Như Lai, Ứng cúng, Chánh đẳng giác giảng thuyết về danh hiệu của Như Lai trong mười phương. Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhơn nào có tín tâm được nghe danh hiệu này rồi thì các tội ngũ nghịch đã có và tất cả nghiệp chướng đều được tiêu trừ, đối với Vô thượng Cháng đẳng Chánh giác mau chứng đắc, không còn thối lui.
Bấy giờ Thế Tôn bảo với đồng tử Bảo Nguyệt:
– Lành thay! Lành thay! Ngươi có thể ưa thích nghe nghĩa của danh hiệu Như Lai. Ý nghĩ này tốt đẹp, tất cả tội nghiệp chắc chắn tiêu trừ. Này đồng tử! Ngươi hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi giảng thuyết.
Này đồng tử! Ở phương Đông cách đây trăm ngàn vạn ức hằng hà sa các cõi Phật, ở đó có thế giới tên là Vô Ưu và có Như Lai hiệu là Hiền Cát Tường, Ứng cúng, Chánh đẳng Chánh giác, ít bệnh, ít não, cho đến vì các chúng sanh thường thuyết pháp vi diệu. Tuổi thọ của đức Phật kia sáu vạn trăm ngàn vạn ức na do đa vô số kiếp. Trong thế giới đó không có mặt trời, mặt trăng, ngày và đêm, chỉ có hào quang của Phật chiếu sáng khắp tất cả và chiếu tới tất cả cảnh giới chúng sanh ở địa ngục, bàng sanh, diêm-ma-la… làm cho được giải thoát, vô lượng chúng sanh đắc Vô sanh pháp nhẫn.
Phật bảo đồng tử:
– Ở phương Nam cách đây trăm ngàn vạn ức hằng hà sa các cõi Phật, ở đó có thế giới tên là Tịch Tịnh và cõi đó có Như Lai hiệu là Vô Biên Quang, Ứng cúng, Chánh đẳng Chánh giác, vì các chúng sanh thường thuyết pháp vi diệu.
Phật bảo đồng tử:
– Ở phương Tây cách đây trăm ngàn vạn ức na do đa hằng hà sa các cõi Phật, ở đó có thế giới tên là Hoan Hỷ, có Như Lai hiệu là Hỷ Cát Tường, Ứng cúng, Chánh đẳng giác, vì các chúng sanh thường thuyết pháp vi diệu.
Phật bảo đồng tử:
– Ở phương Bắc cách đây trăm ngàn vạn ức na do đa hằng hà sa các cõi Phật, ở đó có thế giới tên là Bất Động, có Như Lai hiệu là Bảo Tràng, Ứng cúng, Chánh đẳng giác, vì các chúng sanh thường thuyết pháp vi diệu.
Phật bảo đồng tử:
– Ở phương Đông-nam cách đây trăm ngàn vạn ức na do đa hằng hà sa các cõi Phật, ở đó có thế giới tên là Chánh Hạnh, có Như Lai hiệu là Vô Ưu Kiết Tường, Ứng cúng, Chánh đẳng giác, vì các chúng sanh thường thuyết pháp vi diệu.
Phật bảo đồng tử:
– Ở phương Tây-nam cách đây trăm ngàn vạn ức na do đa hằng hà sa các cõi Phật, ở đó có thế giới tên là Bảo Tràng Cát Tường, có Như Lai hiệu là Bảo Tràng, Ứng cúng, Chánh đẳng chánh giác, vì các chúng sanh thường thuyết pháp vi diệu.
Phật bảo đồng tử:
– Ở phương Tây-bắc cách đây trăm ngàn vạn ức na do đa hằng hà sa các cõi Phật, ở đó có thế giới tên là Diệu Thinh, có Như Lai hiệu là Cát Tường Hoa, Ứng cúng, Chánh đẳng chánh giác, vì các chúng sanh thường thuyết pháp vi diệu.
Phật bảo đồng tử:
– Ở phương Đông-bắc cách đây trăm ngàn vạn ức na do đa hằng hà sa các cõi Phật, ở đó có thế giới tên là An Lạc, có Như Lai hiệu là Liên Hoa Quang Hy Hý Trí, Ứng cúng, Chánh đẳng chánh giác, vì các chúng sanh thường thuyết pháp vi diệu.
Phật bảo đồng tử:
– Ở phương dưới, cách đây trăm ngàn vạn ức na do đa hằng hà sa các cõi Phật, ở cõi đó có thế giới tên là Quảng Đại, có Như Lai hiệu là Quang Minh Cát Tường, Ứng cúng, Chánh đẳng chánh giác, vì các chúng sanh thường thuyết pháp vi diệu.
Phật bảo đồng tử:
– Ở phương trên, cách đây trăm ngàn vạn ức na do đa hằng hà sa các cõi Phật, ở đó có thế giới tên là Nguyệt Quang, có Như Lai hiệu là Tài Cát Tường, Ứng cúng, Chánh đẳng chánh giác, vì các chúng sanh thường thuyết pháp vi diệu.
Này đồng tử! Tất cả thế giới cõi Phật như thế đều có lầu gác chiên đàn thanh tịnh, có danh hiệu Như Lai. Người nào sau khi nghe xong cung kính thọ trì, biên chép, đọc tụng, giảng thuyết rộng rãi cho mọi người, kẻ có tội nghiệp ngũ nghịch,v.v… tất cả tội chướng đều được tiêu trừ, cũng không còn đọa cảnh giới địa ngục, bàng sanh, Diêm-ma-la. Đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác mau chóng đạt được bất thối. Ý ngươi thế nào?
Này đồng tử! Ở quá khứ cách đây rất lâu xa vô biên vô số kiếp, khi ấy có thế giới tên là Bảo Sanh, ở đó có Như Lai hiệu là Tinh Tấn Kiết Tường, Ứng cúng, Chánh đẳng Chánh giác. Mười Như Lai kia ở chỗ Phật Tinh Tấn Cát Tường – còn là địa vị Bồ-tát – nên ở trước Phật đó cúng dường, phát nguyện: “Chúng con mỗi người ở nơi cõi Phật của mình – khi thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác – nếu có chúng sanh nào trải qua thời gian, cho đến chỉ thời gian giây lát, nghe danh hiệu mười đức Phật của con, sau khi nghe xong, cung kính thọ trì, biên chép, đọc tụng, giảng thuyết rộng rãi cho mọi người thì dù có tội ngũ nghịch,v.v… cùng tất cả tội nghiệp thảy đều được tiêu trừ, cũng không đọa cảnh địa ngục, bàng sanh, Diêm ma la. Đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác mau được bất thối.
Bấy giờ, đồng tử Bảo Nguyệt nghe như vậy xong lại bạch Phật:
– Kính bạch Thế Tôn! Phật Như Lai kia tuổi thọ bao lâu?
Thế Tôn đáp:
– Phật kia sống lâu mười a tăng kỳ trăm ngàn vạn ức na do đa các kiếp như thế giới vi trần.
Đồng tử nghe xong bạch Phật:
– Phật Như Lai kia thật là hy hữu. Với lòng từ như vậy, phát nguyện vì các chúng sanh nên được tuổi thọ như vậy.
Phật bảo đồng tử:
– Nếu có chúng sanh nào được nghe danh hiệu của mười đức Phật này, cung kính thọ trì, biên chép, đọc tụng, tin ưa tu hành thì vô lượng vô biên công đức có được đều được đầy đủ, tội thuộc ba nghiệp cũng không thể phát sanh.
Này đồng tử! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhơn nào đối với các cõi Phật như cát sông Hằng, dùng bảy báu cúng dường Như Lai đầy trong đó trải qua trăm ngàn năm thì đạt được vô lượng phước. Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhơn nào nghe danh hiệu của mười đức Phật này cung kính tin nhận, biên chép đọc tụng, vì người khác giảng thuyết, phước đức đạt được sẽ nhiều hơn phước đức cúng dường ở trước vô lượng vô biên.
Bấy giờ, chủ thế giới Sách Hà, thiên vương Đại Phạm, thiên tử Đế Thích, Tứ Đại thiên vương, thiên tử Tô Tỷ Lịch, thiên tử Đại Tự Tại đem bột hương thơm chiên-đàn tối thượng dâng rải trước Thế Tôn để cúng dường và bạch Thế Tôn:
– Nếu có chúng sanh nào đối với chánh pháp này biên chép, đọc tụng, tin hiểu, thọ trì thì được tất cả thiên nhơn, A-tu-la tôn trọng, lễ bái. Có địa ngục, súc sanh, Diêm ma la giới, thân A-tu-la và các ngạ quỷ đều được thoát khỏi.
Phật dạy:
– Nếu đối với chánh pháp này được nghe rồi thọ trì, đọc tụng thì tội ác ma oán không thể làm tổn hại, đối với Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề mau được bất thối.
Bấy giờ, đức Thế Tôn thuyết kệ:
– Trì danh hiệu mười Thế Tôn này
Như vậy sống lâu vô số kiếp
Công đức Phật thuyết không nghĩ bàn
Vị lai thành tựu Nhị túc tôn.
Bấy giờ, đồng tử Bảo Nguyệt – con vua Tần Bà Sa La – bạch với Thế Tôn bằng bài kệ:
– Đại Vô Úy khéo thuyết
Vô lượng vô biên Phật
Thầy tối thượng chúng sanh
Con nay quy mạng lễ
Nay tu học như vậy
Tất cả tri kiến Phật
Nguyện đoạn trừ phiền não
Mau thành tựu Bồ-đề.
Khi ấy đồng tử thuyết kệ tụng xong, bạch Thế Tôn:
– Con nay có được sự nhẫn nhục như vậy, đó là pháp môn tổng trì của Bồ-tát đại trí, là giáo pháp phương quảng, là hạnh Bồ-đề của Phật. Con tu học, thực hành hạnh Bồ-đề như vậy.
Bấy giờ đức Thế Tôn lại thuyết kệ:
– Người nào thọ trì danh hiệu Phật
Nước, lửa, giặc cướp không thể hại
Thuốc độc, dao, gậy, nạn vua thảy
Tất cả các khổ tự tiêu trừ
Như vậy mau chứng đắc Bồ-đề
Lưu bố rộng rãi danh hiệu Phật. Nếu chánh pháp này ở đời mạt thế, có người nào thọ trì, đọc tụng, thì người này sau khi chết mau thành Phật đạo. Nếu người nào đem hương hoa cúng dường tất cả chư Phật trải qua thời gian nhiều kiếp, không bằng người đối với chánh pháp này biên chép, đọc tụng thời gian ngắn, đạt được phước đức vô lượng vô biên. Nếu người nào đem bảy báu ưa thích nhất – đầy trong tất cả cõi đất – cúng dường tất cả chư Phật cũng không bằng như đọc tụng kinh này, được phước rất nhiều.
Khi Phật thuyết kinh này, có vô lượng trăm ngàn vạn ức na do đa chúng sanh phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vô lượng vô biên chúng sanh đắc Vô sanh nhẫn, đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không còn thối lui.
Khi Phật thuyết kinh này, đồng tử Bảo Nguyệt .v.v… đều rất vui mừng, đảnh lễ lui ra.