1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13

Quyển 10

Ô-lỗ-vĩ-loa Ca-diếp có hai người em trai là Nẵng-đề Ca-diếp và Nga-da Ca-diếp, mỗi người có hai trăm năm mươi đệ tử và đều cư ngụ bên bờ vùng hạ lưu sông Ni-liên. Các học trò đều siêng năng tu tập theo pháp thức của thầy.

Một hôm, hai vị Ca-diếp ấy bỗng trông thấy những dụng cụ thờ lửa, những áo da nai, áo bằng vỏ cây, tịnh bình, gậy, giày bằng da thú của người anh trôi trên sông Ni-liên, họ rất ngạc nhiên, suy nghĩ: “Anh của ta đắc tội với vua chăng, hay bị nạn cướp, nạn nước, lửa? Vì có bị các nạn ấy mới không thể tu hành, nếu không thì sao các dụng cụ thờ lửa lại bị bỏ trôi sông như thế?”

Lúc ấy hai người suy nghĩ, bàn luận mãi về việc dị thường ấy và quyết định cùng nhau đi tìm anh. Họ đến chỗ ở của người anh, không thấy Ô-lỗ-vĩ-loa Ca-diếp và các đệ tử ở đó, chỉ thấy phòng ốc vắng vẻ, trông trơn. Hai người càng thêm hoang mang buồn bã bèn đi hỏi thăm, những người láng giềng cho biết là Ô-lỗ-vĩ-loa Ca-diếp đã bỏ đạo tiên, dẫn các đệ tử đến quy y vị Sa-môn, còn ra sao nữa thì họ không rõ, nên thân hành đến đó tìm hiểu xem.

Hai anh em Ca-diếp được tin ấy bèn nói với nhau:

-Ta nghe nói có vị Sa-môn tới ở gần đây và có nhiều quyền phép kỳ diệu, các hành động, oai nghi của vị ấy đều khác người thường, có thể anh của ta và các đệ tử đã đến đó rồi. Nếu quả thật như thế thì đúng là việc vô cùng hy hữu. Nay chúng ta hãy tới đó để xem thật hư thế nào.

Hai người cùng nhau đến chỗ Đức Phật liền thấy người anh Ô-lỗ-vĩ-loa Ca-diếp cùng các đệ tử đều vận ca-sa với hình dáng Sa-môn đang ngồi trước Phật, chăm chú nghe pháp. Thấy thế hai người thất kinh, lông tóc dựng đứng, chân như thể không bước được.

Đức Phật thấy Nẵng-đề và Nga-da đến tìm anh, lại đứng ngây người ra không bước được, liền bảo Ô-lỗ-vĩ-loa tới đón hai em. Hai người thấy anh mình đến liền bước vội tới, quỳ lạy và hỏi:

-Anh đã lớn tuổi, đức hạnh cao, tu hành lâu năm, học rộng biết nhiều, đời không ai bằng. Vua nước Ma-già-đà và các quan đại thần cùng chúng dân đều cho anh là đã chứng quả La-hán, thường đem thức ăn, hương hoa, y phục và nhiều báu vật đến cúng dường. Anh dạy điều gì họ cũng nghe theo, sao hôm nay bỗng bỏ đạo mình mà theo đạo người khác. Xưa nay chúng em tu tập theo lời truyền dạy của anh, cho đến các đệ tử cũng không bỏ theo đường lối nào khác. Nay anh lại từ bỏ con đường tu tập của mình, thì chúng em làm sao giữ đạo được? Chúng em rất hoang mang, nghi ngờ vậy xin anh chỉ dạy cho.

Nói xong hai người em đều đứng sang một bên. Ô-lỗ-vĩ-loa nói với hai người em Nẵng-đề và Nga-da:

-Trước khi có Phật, thế gian giống như đêm tối, con người không có đôi mắt tuệ nên không thấy đường dễ rơi vào hang hố. Trước đây anh tu khổ hạnh, thờ lửa để cầu chứng Thánh quả, lại đem đạo ấy dạy lại các em, cho rằng không đạo nào hơn được, rồi tự cho là đã chứng quả A-la-hán, may có vị Đại Sa-môn, tức Đức Phật Thế Tôn, thân cao một trượng sáu, sắc vàng rực rỡ, tướng tốt đầy đủ, uy đức vô cùng. Vì Ngài thương anh nên đến ở gần, mọi động tỉnh của Ngài chư Thiên đều biết, có cả Tứ Thiên vương, Phạm thiên, Đế Thích đến nghe pháp. Ngài lại có thần túc thông chỉ trong khoảnh khắc đã đi khắp bốn châu thiên hạ, lại lên cung trời nhận thức ăn về…, tất cả đều nhằm để khai thị cho anh, lại biết anh chưa chứng quả A-la-hán. Qua những điều đó ta thấy đức ta không bằng, nên tỉnh ngộ trước để khỏi hối hận về sau. Thế là anh cùng các đệ tử xin xuất gia, Ngài thương chúng ta nên chấp nhận cho mặc pháp phục làm Tăng-già. Ta không báo trước cho các em thật ta có lỗi.

Bấy giờ Nẵng-đề và Nga-da căn duyên đã thuần thục, nghe xong liền khởi sinh lòng tin với Đức Phật, trong lòng buồn vui lẫn lộn, liền nói với anh:

-Chúng em tu hành là do anh dạy, nay anh xuất gia, chúng em cũng xin đi theo. Nếu không có Phật ra đời làm sao nghe được chánh pháp, chúng em dù tuổi đã già cũng mong được giải thoát.

Ô-lỗ-vĩ-loa nói:

-Quý hóa thay! Nay đã đúng lúc.

Nẵng-đề và Nga-da đến lễ Phật, rồi đứng sang một bên thưa:

-Bạch Thế Tôn, anh của chúng con là Ô-lỗ-vĩ-loa trước là thầy chúng con, nay đã xuất gia làm Sa-môn, nên chúng con cũng muôn xuất gia, xin Phật thương mà cứu độ.

Đức Phật bằng lòng, nhưng muốn hóa độ luôn số đệ tử của hai người, nên bảo:

-Các đệ tử của ông đã biết chưa?

Hai người thưa:

-Chưa biết.

Phật bảo:

-Các ông hãy nói rõ với họ rồi đến đây, Ta sẽ nhận cho xuất gia.

Hai người vâng lời Phật, mỗi người trở về tập hợp các đệ tử của mình lại bảo:

-Các ngươi có biết không, có một vị Đại Sa-môn gọi là Phật đã đến ở chỗ của anh ta, hiện nhiều thần thông và tướng lạ để khai thị cho anh ta, lại dùng uy lực chế phục anh ta, làm anh ta tỉnh ngộ biết đạo pháp mình không bằng, nên đã đem tất cả đệ tử đến xin xuất gia Phật. Vì thấy những dụng cụ thờ lửa trôi trên sông, nên chúng ta đã đến tìm hiểu và tới chỗ Phật. Đến nơi ta đã thấy anh ta và các đệ tử vận ca-sa thành Sa-môn đang ngồi chăm chú nghe thuyết pháp. Khi thấy việc ấy, lúc đầu ta vô cùng kinh hãi, sững sờ. Anh ta ra đón và cho biết đầy đủ mọi việc nên ta đã xin xuất gia, nhưng nghĩ đến các ngươi nên phải về nói lại cho hay. Các ngươi nghĩ thế nào cứ thật lòng cho ta biết.

Các đệ tử liền thưa:

-Chúng con theo học với thầy, thầy dạy gì đều nghe theo, nay thầy xuất gia theo Phật, chúng con sao dám bảo thủ đạo của mình. Chúng con cũng nguyện xin theo.

Lúc ấy Nẵng-đề Ca-diếp và Nga-da Ca-diếp liền đem tất cả đệ tử đến đảnh lễ Phật, rồi đứng lên chờ nghe Phật dạy. Đức Phật hỏi hai người:

-Các ông đã đến rồi sao?

Hai người đáp:

-Chúng con và các đệ tử đồng đến lễ Phật cầu xin được xuất gia, theo chánh pháp, vâng giữ giới luật, tu trì phạm hạnh. Xin Đức Phật từ bi chấp thuận.

Đức Phật thâu nhận họ làm Sa-môn. Ngài dạy:

-Hôm nay các ông mới thật là xuất gia, mới thật có phạm hạnh.

Các vị ấy nghe thế vui mừng khôn xiết, mỗi vị đều đảnh lễ, nhiễu quanh Phật và đứng sang một bên chiêm ngưỡng Ngài.

Lúc bấy giờ, sau khi độ ba anh em Ca-diếp và một ngàn vị Tỳ- kheo xong, Đức Phật liền cùng họ rời khỏi nơi đó, lên đỉnh núi Nga-da kinh hành. Đến nơi, Đức Phật vì các vị Tỳ-kheo làm ba việc: Một là thị hiện thần thông, hai là thuyết pháp và ba là điều phục tâm họ. Lúc ấy Thế Tôn nhập chánh định, hiện thần thông, biến ra các tướng trạng, biến mất ở chỗ ngồi hiện ra nơi hư không phương Đông với bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, thân phóng năm sắc hào quang xanh, vàng, trắng, đỏ và hồng. Thân trên Phật hóa lửa, thân dưới hóa nước, hoặc ngược lại. Đức Phật lại hiện ra ở các phương Tây, Nam, Bắc cũng với các biến tướng ấy và chỉ trong khoảnh khắc, lại trở về chỗ ngồi. Đức Phật lại vì các vị Tỳ-kheo thuyết pháp, Ngài dạy:

-Trong lòng các ông đối với các pháp điều nào còn nghi, điều nào hết nghi, điều nào nhớ, điều nào không nhớ, phiền não đã diệt, hay chưa diệt, trong những pháp ấy hãy chọn mà quyết tâm tu tập.

Đức Phật lại nói tiếp:

-Các ông cần biết: Nhãn thức do duyên tham luyến với các sắc, do tiếp xúc với sắc nên tâm phát sinh, do đó mà có khổ, vui, không khổ, không vui, cho đến thức của các căn tai, mũi, lưỡi, thân và ý cũng đều như vậy. Này các Tỳ-kheo, lửa tham thế nào thì sân, si cũng thế, do đó mà có luân hồi cùng sinh lão bệnh tử, lo buồn khổ đau. Này các Tỳ-kheo, ba thứ lửa ấy thịnh lên là do cái ta mà ra, muốn diệt ba thứ lửa kia thì phải trừ ngã chấp, ngã chấp không có thì ba thứ lửa kia tự nhiên không còn, từ đó sự luân hồi và tất cả khổ đau trong ba cõi tự nhiên chấm dứt.

Lúc ấy ba anh em Ca-diếp cùng một ngàn vị Tỳ-kheo được Phật thị hiện các thần thông và giảng nói chánh pháp, nên dứt trừ phiền não, đạt tâm giải thoát, mọi việc cần làm đã làm xong, trút được gánh nặng, dứt được luân hồi và đều chứng quả La-hán.

Đức Phật sau khi độ ba vị Ca-diếp cùng một ngàn vị đệ tử của họ chứng được quả vị A-la-hán, thì vua Dân-di-ta-la, các vị đại thần cùng dân chúng đều biết được Đức Phật và hơn ngàn vị đệ tử đang ở tại đỉnh núi Nga-da. Lúc ấy có một vị quan đại thần tâu với vua:

-Thần nghe gần đây dân chúng thường bàn rằng dòng họ Thích có sinh một người con trai. Khi mới sinh vị ấy đã có đầy đủ tướng tốt, thầy tướng đoán là sau này sẽ lên ngôi Chuyển luân thánh vương cai trị bốn châu thiên hạ, dùng chánh pháp để dạy dân hành thập thiện, lại có đầy đủ bảy thứ báu, có một ngàn người con tướng mạo đẹp tô”t tuyệt trần, có nhiều oai lực, đâu đâu cũng phải hàng phục, còn nếu xuất gia thì sẽ thành Bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Thần nghe như thế nên xin trình tâu hết lên bệ hạ. Xin bệ hạ sớm tìm kế trừ diệt đi để tránh tai họa về sau.

Bấy giờ vua Dân-di-ta-la, những lúc ngự ở chánh điện thường nghĩ mơ ước năm điều: Một là có Đức Phật xuất hiện ở thế gian. Hai là sớm được đến chỗ Đức Phật đảnh lễ, chiêm ngưỡng và vui theo những công đức của Ngài. Ba là được nghe thuyết pháp. Bốn là nghe thuyết pháp thì liền được liễu ngộ. Năm là được Đức Phật truyền giới rồi hết lòng giữ giới. Đang mơ ước như thế, bỗng nghe quan đại thần tâu như vậy trong lòng đau xót, một lúc sau mới cất tiếng bảo:

-Ngươi là kẻ ngu si nên sinh tâm ác độc đối với Như Lai, thật là một kẻ đại ngu. Hãy đi đi, chớ nói nữa!

Vị quan kia biết vua không chịu nghe lời tâu nên sợ sệt, xấu hổ đi ra. Vua Dân-di-ta-la nhìn các quan chung quanh, thấy một vị đại thần có nhiều phước tướng và trí tuệ nên truyền lệnh cho vị ấy:

-Ngươi hãy đến đỉnh núi Nga-da, nơi Đức Thế Tôn đang ở, thay mặt ta cung kính bạch Thế Tôn rằng vua Dân-di-ta-la xin cung kính cui đầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, gởi lời vấn an sức khỏe, cầu cho Thế Tôn tâm thể an lành, mọi việc điều an vui và kính thỉnh Thế Tôn giáng lâm kinh thành thọ sự cúng dường, để ta và nhân dân trong nước được nhiêu lợi lạc, nguyện xin Thế Tôn và chư Thánh chúng từ bi chấp nhận cho. Ta sẽ trọn đời dâng cúng thực phẩm, thuốc men, y Tăng-già-lê và tất cả các vật dụng khác, nguyện xin Thế Tôn và Thánh chúng từ bi không ngại lao khó quang lâm. Bạch như thế xong, ngươi hãy cung kính đảnh lễ nơi chân Phật và chờ nghe lời Ngài dạy.

Vị đại thần vâng lời vua tìm tới chỗ Đức Phật tâu bày mọi việc đúng như nhà vua truyền. Khi đảnh lễ xong, thấy Đức Thế Tôn im lặng, vị sứ giả biết Phật đã hứa nên vui mừng đảnh lễ, nhiễu quanh Đức Thế Tôn rồi từ tạ trở về triều.

Vua Dân-di-ta-la nghe sứ giả trở về, liền ngự lên điện. Vua tôi chào nhau xong, nhà vua hỏi sứ giả:

-Đức Thế Tôn có nhận lời mời không?

Sứ thần tâu:

-Thần thừa lệnh nhà vua lên Nga-da sơn thỉnh Đức Phật và chúng Tăng, trình những lời của vua lên Phật. Ngài lặng im chấp nhận, chắc chắn là Phật sẽ giáng lâm.

Vua liền truyền lệnh các quan cận thần lo dọn sửa cung điện cho sạch sẽ, trang nghiêm, cả đến thành hào, đường xá đều được dọn dẹp, lại bày các thứ hương thơm, hoa quý để chuẩn bị đón tiếp Đức Phật.

Bấy giờ Đức Phật cùng các đệ tử lớn tuổi như ba anh em Ca-diếp, cùng một ngàn vị La-hán từ núi Nga-da đến vương thành. Cách thành không xa có ngôi tháp ở khu Trượng lâm, Đức Phật và Thánh chúng dừng lại nghỉ nơi tháp đó. Vua Dân-di-ta-la nghe tin Đức Phật đã tới Trượng lâm tháp liền sai chuẩn bị xa giá có người hầu hạ, rồi vua cùng quyến thuộc cùng quần thần ra khỏi thành đến nơi Đức Phật dừng chân. Vừa ra khỏi cung không xa, xe vua bị rơi vào hô” không đi tới được. Vua nghĩ: “Chắc đời trước ta đã tạo nghiệp bất thiện nên nay mới gặp sự cố này.” Vua vừa nghĩ như vậy thì nghe trong không trung có tiếng nói:

-Không phải đời trước vua làm điều bất thiện mà vì hiện tại còn có nhiều tù nhân bị giam cầm trong tù ngục. Đó là nguyên nhân khiến xe bị sụp hố.

Vua nghe tiếng nói từ không trung, biết là do các vị Thánh hiền dạy bảo nên rất vui mừng, liền sai quan đi đến tất cả nhà lao, tù nhân tội nặng nhẹ lần lượt được ân xá. Xe đi tới cửa thành, bỗng mũ vua đội bị hư rách, vua lại nghĩ: “Nhất định kiếp trước ta làm điều bất thiện nên nay có nhiều việc chẳng lành xảy ra.” Hiền thánh từ không trung lại nói:

-Không phải đời trước vua làm điều chẳng lành mà là hiện tại trong khi tha tù nhân, chỉ tha tù tội nhẹ, còn tù tội nặng tuy còn sống nhưng lại đày nơi khác. Mũ bị hư rách là vì cớ ấy.

Vua nghe thế liền sai quan đi khắp nơi, truyền ân xá cho tất cả. Tù nhân được thả vui mừng vô cùng và đều ca ngợi đạo đức của nhà vua. Lúc ấy vua cùng những người hầu cận và quyến thuộc đi trên một vạn hai ngàn cỗ xe, những người Bà-la-môn, trưởng giả và dân chúng trong nước thì đi trên trăm ngàn chiếc xe khác, tất cả đều rời khỏi thành, đến nơi Đức Phật đang ngự. Khi tới tháp Trượng lâm, nơi vườn hoa, vua hái năm đóa hoa Ca-câu-la rồi tự tay cầm hoa đi đến chỗ Phật. Lúc gần đến vua xuống xe đi bộ, cho dẹp hết những đồ nghi trượng như cờ lọng, kiếm kích… Đến trước Đức Phật, vua trịch áo bày vai bên phải, chắp tay hướng Phật, ba lần tự xưng:

-Con là vua Dân-di-ta-la. Đức Phật cũng ba lần trả lời:

-Đúng vậy! Đúng vậy!

Vua dâng năm đóa hoa rồi cúi đầu lễ dưới chân Phật, dùng những lời tốt đẹp nhất tán thán Đức Phật. Đức Thế Tôn mời vua ngồi. Sau khi vua an tọa, vương quyến và những vị Bà-la-môn, các trưởng giả cùng chúng dân lần lượt lễ Phật, đều vui mừng vô cùng. Mỗi người nói kệ ca ngợi Thế Tôn xong liền đứng sang một bên.

Ô-lỗ-vĩ-loa Ca-diếp, trước đây đã từng được vua, các quan đại thần và dân chúng rất tôn kính, nay lại thành Sa-môn đứng hầu bên Phật, nhà vua và dân chúng không ai là không ngạc nhiên. Có người nghĩ: “Trưởng lão Ca-diếp thờ lửa, tu hành khổ hạnh lâu năm, trí tuệ đạo đức hơn người, nay lại ở đây khiến chúng ta thắc mắc là Ca-diếp hóa độ Như Lai hay Như Lai hóa độ Ca-diếp?”

Đức Phật ngầm biết những thắc mắc ấy, liền bảo Ca-diếp:

Đến lúc ông nên cho họ thấy sở đắc của mình.

Ca-diếp vâng lời Đức Phật, ngay tại chỗ ngồi nhập chánh định, rồi biến mất hiện sang phương Đông với bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, từ thân phóng ra hào quang rực sáng gồm năm màu xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, các màu xen nhau, hoặc trong như pha lê, lại biến thân trên hóa nước, thân dưới hóa lửa, hoặc ngược lại. Phương Nam, phương Tây cho đến phương Bắc đều biến hóa như thế. Hiện thần thông xong, trong chóc lát Ca-diếp trở về chỗ ngồi, chắp tay hướng Phật, nói kệ:

Con vốn tu hành

Theo đạo thờ lửa

Trải qua nhiều năm

Siêng năng lao khổ

Lòng thường tự nhủ

Đã chứng La-hán

Chấp ngã còn nhiều

Không thể giải thoát.

Phật vì từ bi

Nên đến cứu độ

Làm lửa không cháy

Cháy rồi không tắt.

Lúc đầu cứ tưởng

Cùng đạo thờ lửa

Phật nói: Không cầu

Dùng lửa làm chi

Khắp cả trời người

Không gì luyến ái.

Con lập pháp hội

Vì muốn lợi dưỡng

Muốn đến không đến

Đều biết ý con.

Phật đến bốn châu

Cũng ở cõi trời

Hái trái lấy cơm

Đều cho con nếm.

Con cố thờ lửa

Mê mờ chánh đạo

Như người đui mù

Hoặc như người chết

Không hay biết gì

Chắc bị đọa lạc.

Đức Đại Mâu-ni

Giống như rồng lớn

Rải mây tinh tấn

Rưới nước Cam lộ

Lợi ích tất cả

Hữu tình vô tình.

Con muốn giải thoát

Xin làm Sa-môn

Ân Phật từ bi

Nói pháp thanh tịnh

Dạy pháp tối thượng

Khiến con liễu ngộ.

Con nay mới thật

Chứng A-la-hán

Phật là thầy con

Con là đệ tử.

Các ngươi nên biết

Chớ nên hoài nghi

Những lời thành thật

Nên hết lòng tin.

Nói kệ xong Ca-diếp đảnh lễ Đức Phật rồi trở về chỗ ngồi. Lúc ấy vua và mọi người mới biết Ca-diếp là đệ tử của Đức Phật. Bấy giờ Đức Phật biết mọi người trong chúng đã hết nghi ngờ, thắc mắc nên bảo vua:

-Ta nay sẽ vì vua mà nói những pháp quan trọng. Vua nên lắng nghe, suy nghĩ cho kỹ.

Đức Phật lại nói tiếp:

-Này Đại vương, Đại vương nên biết rằng sắc thân của Đại vương có sinh thì có diệt, nên quán sát kỹ hai tướng sinh diệt cho thật rõ ràng và cần quán thọ, tưởng, hành, thức cùng giống như sắc uẩn. Này các thiện nam tử, nếu các vị có thể liễu ngộ được các uẩn là sinh diệt thì lại cần nội quán kỹ tính không sinh diệt. Nếu các vị có thể tuệ quán rõ tính không sinh diệt của sắc thì sẽ biết thọ, tưởng, hành, thức cũng không sinh diệt. Này các thiện nam tử, sắc, thọ, tưởng, hành, thức vốn không sinh diệt, không đến, không đi. Nếu liễu ngộ được thật tướng không sinh không diệt, không đến, không đi của các pháp thì cũng không được chấp thủ vào tính không sinh, không diệt, không đến, không đi ấy. Thưa Đại vương, nếu đã biết rõ tướng như thật của các pháp rồi thì sẽ đạt được vô số a-tăng-kỳ các pháp tịch diệt.

Lúc ấy tất cả chúng hội, từ các vị Bà-la-môn, các trưởng giả cho đến dân chúng đều sinh tâm niệm nghi ngờ, thắc mắc: “Nay Thế Tôn nói sắc, thọ, tưởng, hành, thức vốn là không thì sao lại có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh, tướng thọ giả, tướng Bố-nại-nga- la, tướng Ma-noa-phược-ca, tướng của người chủ, tướng của người thừa hành. Nếu các tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả… đều không thì sao biết được nhân quả của chúng sinh khi làm điều thiện hay bất thiện, bỏ thân này rồi lại đến với thân khác?”

Đức Thế Tôn biết những suy nghĩ thắc mắc trong chúng, liền nói với Ca-diếp và chúng Tỳ-kheo:

-Này các Tỳ-kheo, thấy có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh, tướng thọ giả… thì đó chính là cái thấy sai lạc của hàng phàm phu, vô trí. Nếu có tri kiến như thế thì sẽ nhận lấy sự khổ. Nếu biết khổ đã sinh thì phải cầu diệt khổ. Này các Tỳ-kheo, vô số các pháp nhân quả hữu vi đều chính từ những hạt giống âm thầm phát sinh, Ta đều đã nhận biết rõ, nay muốn cho chúng sinh cũng như Ta thấu đạt được sự sinh diệt của các pháp. Này các Tỳ-kheo, tuệ nhãn của Phật sáng suốt hơn cả chư Thiên nhiều. Những chúng sinh có tướng tốt, xấu, sinh nơi sang, hèn, muốn làm điều lành hay điều ác theo nghiệp của họ, tất cả Ta đều thâu rõ. Các nghiệp của chúng sinh có thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp, khái quát thì chúng sinh có tà kiến sẽ sinh tà nghiệp, hoặc hủy báng Phật pháp. Vì những nghiệp ấy mà sau khi chết bị đọa vào những đường dữ, chịu bao nỗi khổ. Này các Tỳ-kheo, nếu chúng sinh nào ở thân khẩu tạo nên nghiệp lành, có đủ chánh kiến, chánh hạnh, chánh nghiệp và thường ngợi ca Phật pháp, do có thiện hạnh như thế nên khi lâm chung sẽ sinh cõi trời Thiện Thệ. Này các Tỳ-kheo, Ta có tri kiến như thật, không có gì mà không biết, biết rõ tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh, tướng thọ giả, tướng Ma-noa-phược-ca, cho đến tướng người chủ và người thừa hành…, hoặc gây ra nhân quả về nghiệp thiện nghiệp ác, rời bỏ thân này tìm đến thân khác, tất cả những việc đó chẳng gì là thật có. Ta đã từng nói tất cả pháp nhân quả hữu vi đều có nguyên nhân sinh ra thì cũng có nguyên nhân mà tiêu diệt. Nhân đó là duyên với vô minh sinh ra hành, duyên với hành sinh ra thức, duyên với thức sinh danh sắc, duyên với danh sắc sinh lục nhập, duyên với lục nhập sinh xúc, duyên với xúc sinh thọ, duyên với thọ sinh ái, duyên với ái sinh thủ, duyên với thủ sinh hữu, hữu là nhân của sinh, sinh là nhân của lão tử, lo buồn đau khổ. Vì do một nguyên nhân mà bao nỗi khổ sinh ra. Này các Tỳ-kheo, nếu diệt được nguyên nhân ấy thì khổ sẽ không còn, tức là vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì lục nhập diệt, lục nhập diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sinh diệt, sinh diệt thì lão tử, lo buồn đau khổ không còn nữa, như thế toàn bộ khổ uẩn đều diệt. Này các Tỳ-kheo, do nhân của Tập diệt nên khổ đau sẽ tự diệt, dứt hết đau khổ chính là Niết-bàn an vui. Lại nữa, nếu tướng ngã dứt được thì không còn nguyên nhân sinh ra khổ tức không còn luân hồi. Nếu biết cái khổ là không có thì diệt cái gì? Đó là đạt được sự dừng dứt dòng nhân quả kia, đạt được sự thanh tịnh trong lành, xa rời tất cả mọi vướng mắc của khái niệm đạt, chính là Niết-bàn.

    Xem thêm:

  • Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết – Thích Huệ Hưng dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Giáo Hóa Phạm Chí A Bạt - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 138 – Kinh Tổng Thuyết Và Biệt Thuyết (Uddesavibhanga sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh A Hàm Chính Hạnh - Kinh Tạng
  • Kinh Tám Bộ Danh Hiệu của Chư Phật - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Phật Mẫu Xuất Sinh Tam Pháp Tạng Bát Nhã Ba La Mật Đa - Kinh Tạng
  • Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết – HT Thích Tuệ Sỹ dịch - Kinh Tạng
  • Truyền Tâm Pháp Yếu Của Thiền Sư Hoàng Bá - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Di Lặc Hạ Sanh Thành Phật – Thích Nữ Như Phúc dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Vị Tằng Hữu Thuyết Nhân Duyên - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Quán Di Lặc Bồ Tát Hạ Sanh – Thích Nữ Như Phúc dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Đẳng Đại Tập Hiền Hộ Bồ Tát – Thích Hằng Đạt dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết – Đoàn Trung Còn & Nguyễn Minh Tiến dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Vị Tằng Hữu - Kinh Tạng
  • Bích Nham Lục Của Thiền Sư Phật Quả Viên Ngộ – Thích Thanh Từ dịch - Kinh Tạng
  • Phật Thuyết Công Đức Của Tu Lại - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Ha Điêu A Na Hàm - Kinh Tạng
  • Kinh Phạm Thiên Trì Tâm Thưa Hỏi - Kinh Tạng
  • Bích Nham Lục Của Thiền Sư Phật Quả Viên Ngộ – Thích Mãn Giác dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Quỷ Hỏi Mục Liên - Kinh Tạng