1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13

Quyển 13

Vua Tịnh Phạn sau khi nói những lời ấy, xong nghĩ đến những ngày tháng Phật tu khổ hạnh trong núi rừng mà chợt rơi nước mắt. Vua dùng kệ hỏi Phật:

Ngày trước ở trong cung

Có nhiều người hầu hạ

Chốn núi rừng vắng vẻ

Một mình làm sao yên?

Phật đáp:

Mười loại xứ của Thánh

Tôi đều đã ở yên

Nay giải thoát buộc ràng

Chẳng ở nơi cung cấm.

Vua hỏi:

Giường quý nhiều châu báu

Là nơi xưa người nghỉ

Núi rừng toàn cỏ cây

Làm sao an giấc được?

Đức Phật đáp:

Ngọa cụ là giải thoát

Bồ-đề phần trang nghiêm

Nằm ngủ rất an vui

Rũ bỏ bao phiền não.

Vua hỏi:

Voi ngựa cùng xe báu

Xưa lên xuống ra vào

Nơi nào cũng cỏ gai

Làm sao đi lại được?

Phật đáp:

Tôi có xe thần túc

Siêng năng đi mọi nơi

Dù đi khắp thế gian

Không ngại gai phiền não.

Vua hỏi:

Áo đẹp Ca-thích-ca

Mặc vào thân mát mẻ

Nay ca-sa vải thô

Sao chịu mặc như thế?

Phật đáp:

Với y Tăng-già-lê

Mâu-ni mặc trong núi

Mặc vào sinh tướng lành

Người thấy đều hoan hỷ.

Vua hỏi:

Xưa ăn bằng bát vàng

Thức ăn toàn thượng vị

Nay tự ôm bình bát

Thức ăn như thế nào?

Phật đáp:

Pháp bình đẳng thức ăn

Ăn vào được giải thoát

Đã lòng ái thế gian

Thương đời nên hóa độ.

Vua hỏi:

Sữa, đường toàn nước ngon

Xưa uống không hề chán

Nay uống nước suối trong

Làm sao biết ngon dở?

Phật đáp:

Vua trọng loại nước ngon

Thế gian tranh nhau uống

Uống rồi càng thêm nhiễm

Người tu không ưa thích.

Vua hỏi:

Điện báu và lầu cao

Xưa ở đâu tùy ý

Nay ở rừng một mình

Làm sao không sợ hãi?

Phật đáp:

Đã trừ gốc phiền não

Sợ sệt không phát sinh

Phiền não nhỏ cũng không

Khắp chốn đều an lạc.

Vua hỏi:

Nước thơm thật trong lành

Xưa từng tắm mát mẻ

Một thân trong núi, rừng

Ai lo cho việc đó ?

Phật đáp:

Hương giới, nước pháp lành

Người có đức tắm luôn

Thân sạch đến bờ giác

Là lời bậc Thánh dạy.

Vua hỏi:

Xưa hương thơm thoa thân

Mình mặc áo Ca-thích

Luôn ở trong hoàng cung

Nay lìa chẳng tương xứng.

Phật đáp:

Giới hương xông thơm ngát

Dùng đó trang nghiêm thân

Tôi nay không mê mờ

Xa rời vật trang sức.

Vua hỏi:

Nơi nào đáng xem thường

Nơi nào là đáng sợ

An nhàn và bận bịu

Nay xin nói cho biết?

Đức Phật đáp:

Ba điều già, bệnh, chết

Đáng sợ chớ xem thường

Nên tìm cảnh an lạc

Vô sự là điều vui.

Vua Tịnh Phạn nghe những lời ấy xong vô cùng vui vẻ, cất tiếng ngợi khen:

-Lành thay! Dòng họ Thích đã khéo sinh người con đi vào cõi đời mà không bị ô nhiễm.

Vua lại cung kính đảnh lễ Phật, thầm nghĩ: “Ta thật may mắn, có người con đạt được công đức như thế.” Rồi vua và quyến thuộc đồng đưa Đức Thế Tôn vào tinh xá Nhĩ-dã-nga-lỗ-đà.

Sau khi Đức Phật vào tinh xá, ngồi lên tòa, vua cùng mọi người vây quanh chiêm ngưỡng, chư Thiên trụ ở hư không vui mừng ngợi khen Đức Phật. Đức Phật xem xét, biết rõ căn tánh của mọi người xong liền giảng rộng pháp Tứ đế. Sau thời pháp, vua và bảy mươi bảy ngàn người họ Thích đều chứng được quả Tu-đà-hoàn. Đức Phật lại quán xem nơi nào có đủ duyên lành, thấy có thể thuyết pháp trong khu rừng Phạm hiện, liền cùng đại chúng đi đến đó, vô số người cũng đi theo để nghe pháp. Đức Thế Tôn giảng chi tiết về hành tướng của pháp Tứ đế. Hộc Phạn vương và những người thuộc họ Thích cùng với trời, người tất cả gồm bảy mươi sáu ngàn người nữa đều chứng được quả Tu-đà-hoàn. Thế Tôn lại đến rừng Lỗ-tứ-đát-ca, cũng có vô số chư Thiên, những người thuộc họ Thích cùng với dân chúng đi theo nghe pháp. Đức Phật cũng giảng về pháp Tứ đế khiến vua Cam Lộ và mọi người gồm bảy mươi lăm ngàn vị đều chứng quả Tu-đà-hoàn. Ngoài ra, cũng có người chứng quả vị Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la- hán, có người phát tâm cầu quả Thanh văn, có người phát tâm cầu quả Bích-chi-phật, có người phát tâm Vô thượng Bồ-đề, có người xuất gia dứt trừ phiền não, sau đó chứng được quả A-la-hán, lại cũng có người phát tâm thọ tam quy y.

Lúc ấy Đề-bà-đạt-đa thấy Đức Phật hiện thần thông và diễn thuyết diệu pháp nhưng ông không được chứng quả nên sinh tâm ganh ghét, nói những lời bất thiện với nhiều người:

-Mọi người đều mù mắt nên mới tin những trò ảo thuật ấy. Những trò ấy tất cả mọi người đều có thể làm được.

Một người trong họ Thích tên Bát-la-ma-nô liền bảo Đề-bà-đạt-đa:

-Ông không nên nói xấu Đức Thế Tôn là Bậc Đại Trượng Phu như vậy.

Đề-bà-đạt-đa yên lặng không nói gì. Vua Tịnh phạn suy nghĩ: “Ngày xưa, trời, người, A-tu-la được thế gian cúng dường. Nay Đức Phật ra đời, đúng là lúc thế gian phải cung kính cúng dường.” Lúc đó có một đồng tử họ Thích nói kệ khen ngợi Phật:

Bậc trượng phu Đại Tiên họ Thích

Tuôn mưa pháp cam lộ nhiệm mầu

Cứu kẻ bị đọa chốn tối tăm

Dần đưa về nơi cửa giải thoát.

Vua Tịnh Phạn nghe đồng tử nói kệ tán thán Đức Phật, trong lòng rất vui. Nhưng tự thân vua chưa thể đạt được chân lý nên nghĩ rằng chỉ có Đức Thế Tôn là Bậc Trượng Phu, có đầy đủ đại uy đức và tự hào là không ai có người con Thánh như vua.

Đức Thế Tôn quán sát tư duy: “Tịnh Phạn vương, cha Ta chưa thể đạt chân lý nên vướng mắc hai việc: Một là tâm chấp ngã, hai là tâm phân biệt. Nếu người có thể lìa được hai tâm trạng ấy thì sẽ thấy được chân lý.” Đức Phật lại quán thấy Tôn giả Đại Mục-kiền-liên có túc duyên với vua nên nói với Tôn giả:

-Ông nên dùng phương tiện làm cho vua Tịnh Phạn không còn tâm chấp ngã nữa.

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên vâng lời Đức Phật liền đến chỗ vua. Gặp Tôn giả, vua rất vui mừng. Ngay khi đó Tôn giả liền nhập định và hiện ra ở phương Đông với đủ bốn tướng oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, thân trên hóa nước, thân dưới hóa lửa, phóng ra hào quang năm sắc như ánh sáng đi qua quả cầu pha lê, phản chiếu lẫn nhau. Tôn giả lại biến hiện ra rất nhiều hình tướng ở phương Đông như thế và ở các phương Nam, Tây, Bắc cũng như vậy, chỉ trong choc lát là trở về chỗ cũ, đứng trước mặt nhà vua. Vua hỏi Tôn giả:

-Trong hàng đệ tử Phật có ai được như Tôn giả không?

Tôn giả nói kệ trả lời vua:

Đệ tử Thế Tôn uy đức lớn

Có đủ tam minh và lục thông

Vượt ra ba cõi chứng La-hán

Thanh văn tịch tĩnh như tôi nhiều.

Lúc đầu vua Tịnh Phạn tưởng chỉ có Đức Phật là tu chứng, có được thần thông, nên tâm luôn có niệm chấp ngã, đến khi thấy Tôn giả Đại Mục-kiền-liên thần thông thật mầu nhiệm và nghe bài kệ ấy mới biết đệ tử Phật đắc đạo rất nhiều, từ ấy dứt được tâm chấp ngã. Đức Thế Tôn muốn phương tiện độ sinh nên dùng tâm thế gian nghĩ: “Làm sao có các chư Thiên như Phạm vương, Đế Thích, Tịnh Quang thiên… đến nghe Ta thuyết pháp. Vì sao? Vì tâm của Như Lai thì các bậc Thanh văn, Bồ-tát còn không thể biết được, còn tâm thế gian thì thấp như loài sâu kiến còn có thể lãnh hội được huống chi là chư Thiên.” Biết được ý nghĩ đó của Đức Phật, vua trời Đế Thích bèn bảo vị Thiên tử Tỳ-thủ-yết-ma:

-Ngươi hãy đến rừng Nhĩ-dã-nga-lỗ-đà biến hóa tạo ra một đại pháp hội, bên trong lâu đài, điện các đều đặt tòa sư tử, đều phải dùng châu báu để trang hoàng, mở bốn cánh cửa, mỗi cánh cửa đều dùng tứ bảo để tô điểm và truyền lệnh bốn vị Thiên vương canh giữ.

Vị Thiên tử Tỳ-thủ-yết-ma vâng lệnh của Đế Thích làm xong mọi việc rồi đến bạch với Đức Thế Tôn:

-Pháp hội đã xong, kính thỉnh Thế Tôn quang lâm.

Thế Tôn và Thánh chúng cùng các vị Thiên vương Đế Thích, Phạm thiên, Tịnh quang thiên… và vô số trăm ngàn chúng đều đến pháp hội tại rừng Nhĩ-dã-nga-lỗ-đà.

Sau khi mọi người tề tựu, Đức Phật lên ngồi tòa sư tử tuyên nói diệu pháp. Lúc ấy Tôn giả Mục-kiền-liên cùng đi với vua Tịnh Phạn đến pháp hội, đến cửa thì Tôn giả vào còn vua bị ngăn lại. Vua thắc mắc thì có tiếng trả lời:

-Hôm nay Đức Phật thuyết pháp cho chư Thiên, người phàm không thể vào.

Vua hỏi:

-Bậc Thần thánh nào giữ cửa này?

Đáp:

-Ta là Trì Quốc Thiên vương.

Vua lại hỏi:

-Ở cửa Nam và cửa Đông có cho vào không?

Vị Thiên vương đáp:

-Ta không biết.

Vua lần lượt đi hết bốn cửa: cửa Nam có vị Tăng Trưởng Thiên vương cản lại, cửa Tây có Quảng Mục Thiên vương ngăn, cửa Bắc cũng có vị Tỳ-sa-môn Thiên vương chặn lại. Vua thấy sự ngăn cách giữa Thánh và phàm, nên buồn rầu nghĩ: “Ta là chí thân mà cũng còn cách xa thế này.” Từ đó, tâm chấp ngã phân biệt của vua không còn nữa.

Lúc đó Đức Thế Tôn biết tâm vua đã diệt được niệm phân biệt ngã, nhân và thấy tình cảm của vua thật tha thiết, sợ vua có bề gì nên dùng thần lực biến đền đài, cung điện, tường vách trong suốt như pha lê khiến vua trông thấy được Phật. Vua vô cùng vui mừng đảnh lễ rồi ngồi sang một bên.

Đức Phật vì vua mà thuyết giảng để vua diệt trừ ngã chấp, phân biệt rồi Ngài giảng tiếp pháp Tứ đế. Vua nghe xong bài pháp bao nhiêu tâm chấp ngã của vua đều bị tiêu tan, khác nào hai mươi ngọn núi bị trí tuệ kim cang phá tan nát, lập tức chứng quả Tu-đà-hoàn. Vua nghĩ: “Nay ta đạt được tâm vô phân biệt như thế này là nhờ tâm từ hiếu của Như Lai. Bao nhiêu đời nay ta bị trôi lăn trong vòng sinh tử, xương tụ thành núi, máu và nước mắt tuôn ra như biển, hoặc bị đọa vào các đường dữ, nay mới được vào cửa giải thoát, mới được dự vào Thánh đạo.” Nghĩ xong, vua bèn tán thán:

-Lành thay! Đức Thế Tôn đã trải qua vô số kiếp tu hành khổ hạnh, không nghĩ đến thân mình mà chỉ vì chúng sinh. Nay tôi muốn cầu phước báo lớn lao ở cõi trời.

Với lòng từ bi, Đức Phật liền bảo vua:

-Thưa phụ vương, nay người muốn cầu phước báo gì?

Vua vội đứng dậy, chắp tay đảnh lễ, bạch Phật:

-Tôi muốn thỉnh Đức Phật và Thánh chúng mai vào cung thọ trai. Mong Thế Tôn vì thương mà chấp nhận.

Đức Phật im lặng tỏ dấu bằng lòng. Vua biết Đức Phật nhận lời nên vui mừng, đảnh lễ từ tạ rồi trở về cung, về đến cung vua cho mời ba vị vương đệ là Bạch Phạn, Hộc Phạn và Cam Lộ Phạn để bàn việc nhường ngôi vì vua đã chứng quả, nhưng khi hỏi ba vua kia thì ai cũng từ chối nhận ngôi vua, vị người nào cũng được nghe pháp và đã chứng quả rồi. Bốn vị đồng ý chọn một người trong họ Thích có đủ tài đức để lên thế vị.

Sắp xếp mọi việc hoàn tất, vua truyền lệnh dọn dẹp trang hoàng cung điện trong ngoài sạch sẽ, mỹ lệ và cho nấu những thức ăn ngon quý để mai cúng dường Đức Phật và Thánh chúng. Vua còn cho bày biện san hương, hoa, nước thơm… không thiếu thứ gì.

Sau khi chuẩn bị xong, vua sai sứ tới thỉnh Đức Phật và Thánh chúng vào cung thọ thực. Khi Đức Phật đến, vua và quyến thuộc tay nâng lư hương rước Đức Phật vào cung. Sau khi Đức Phật và Thánh chúng đã an tọa, vua và hoàng tộc đảnh lễ, vấn an, tán dương Đức Phật và Thánh chúng, rồi chính tay vua dâng thức ăn lên cúng dường Phật. Đức Phật thọ thực xong, vua Tịnh Phạn dùng nước trong bình vàng rưới nước rửa tay Phật và thưa:

-Nay tôi xin cúng tinh xá ở rừng Nhĩ-dã-lỗ-đà, xin Đức Phật tùy ý sử dụng.

Khi vua nói lời ấy, nước rưới từ bình phát ra đủ năm loại tiếng công đức. Đức Phật cũng chúc nguyện cho vua:

-Do phước cúng dường này mà vua và mọi người trong họ Thích muốn cầu điều gì đều được thành tựu.

Vua và quyến thuộc nghe những lời chúc ấy vô cùng vui mừng, lễ Phật rồi lui ra. Đức Phật và Thánh chúng trở về tinh xá.

Ngày kia, khi Đức Phật được thỉnh vào cung thọ thực, các quyến thuộc của vua bàn với nhau:

-Đệ tử Phật hiện đều là những vị cao tuổi, thân tướng uy nghi rất đáng kính, nhưng chưa có ai thích hợp làm thị giả hầu cận bên Phật. Nay nên chọn những người trẻ tuổi tánh hiền thiện trong họ Thích, cho xuất gia để hầu hạ Phật mới thật xứng.

Bàn xong, vua liền hạ lệnh kêu gọi trong thân tộc và các quan cận thần:

-Nay Nhất Thiết Nghĩa Thành bỏ ngôi Chuyển luân vương, tu khổ hạnh đã thành Bậc Đại Pháp Vương. Các người hãy chọn ra các người con hiền đức để xuất gia theo hầu Đức Phật mới thật xứng với Ngài.

Bấy giờ vua Hộc Phạn có hai người con tên là A-nhĩ-lỗ-đà và Ma-hạ-nẵng-ma. Ma-ha-nẵng-ma giỏi làm việc trị quốc, nhưng lại tham tài lợi. A-nhĩ-lỗ-đà thì thường ở trong cung hưởng mọi thú vui. Vua Hộc Phạn gọi Ma-ha đến bảo:

-Con có thể xuất gia theo lệnh vua không?

Ma-hạ-nẵng-ma trả lời:

-Con không xuất gia đâu. A-nhĩ-lỗ-đà luôn ở trong cung hưởng sự vui thú. Phụ vương nên để cho anh ấy đi xuất gia.

Vua cha nói:

-Anh con có nhiều phước đức, con không nên phê phán.

Ma-hạ nói:

-Đó là do cha mẹ thương yêu thôi, nếu thật có phước đức thì hãy thử xem.

Người cha hỏi:

-Thử như thế nào?

Đáp:

-Đến bữa ăn hãy đem đến cho anh ấy cái mâm không, nếu thật có phước đức thì tự nhiên có thức ăn.

Vua liền cho cung tần bưng chiếc mâm không đưa đến chỗ A-nhĩ-lỗ-đà và dặn:

-Nếu Thái tử hỏi có những thức ăn gì thì nói là có đủ thức ăn trong ấy.

Bấy giờ vua trời Đế Thích xem thấy sự việc và biết A-nhĩ-lỗ-đà trong quá khứ đã từng cúng dường thức ăn cho Bích-chi-phật, nay phải giúp ông ấy, liền hóa ra những thức ăn ngon quý đầy trong mâm. Cung nữ đến nơi, A-nhĩ-lỗ-đà hỏi:

-Có những thức ăn gì?

Vị cung nữ vì giận nên không đáp đúng như lời dặn mà trả lời:

-Không có thức ăn gì cả.

A-nhĩ-lỗ-đà thầm nghĩ: “Vì sao cha mẹ lại đưa đến ta chiếc mâm không?”, liền giở mâm ra xem thì thấy thức ăn ngon lạ chưa từng thấy, mùi thơm tỏa khắp nơi. A-nhĩ-lỗ-đà ngạc nhiên, hỏi lại người cung nữ:

-Thật sự là có thức ăn không?

Cung nữ thưa:

-Thật sự là chỉ có chiếc mâm không thôi.

Thái tử liền đem thức ăn ấy dâng lên cha mẹ. Vua và hoàng hậu càng ngạc nhiên hơn, lấy thức ăn đó đưa cho Ma-hạ-nẵng-ma xem và nói:

-Con xem thức ăn này do anh con biến hóa ra. Ai cũng mến yêu A-nhĩ-lỗ-đà. Ta đã nói là nó có phước, con không sánh bằng, lúc đầu con không tin, bây giờ đã chứng nghiệm.

Ma-hạ-nẳng-ma bèn thưa với cha mẹ:

-Anh ấy có phước nên cho xuất gia, con là kẻ vô phước nên không thể xuất gia được.

Cha mẹ liền nói với A-nhĩ-lỗ-đà:

-Vua nay truyền lệnh tuyển người xuất gia, con có xuất gia không?

A-nhĩ liền hỏi:

-Xuất gia có lợi ích gì? Tại gia có thiệt hại gì?

Cha mẹ nói:

-Người xuất gia sẽ chứng Niết-bàn, có thể thọ nhận sự cúng dường của trời, người. Nếu người tại gia hay xuất gia mà xa lìa tham dục cũng được trời người cúng dường. Nếu tại gia mà dối xưng là xuất gia thì sẽ chịu quả báo rơi vào đường ác.

A-nhĩ-lỗ-đà thưa:

-Xuất gia hay tại gia có lợi hay không lợi như thế nào con đã rõ rồi. Nay con muốn xuất gia theo lệnh vua.

Cha mẹ nói:

-Lời con nói thật là tốt lành.

A-nhĩ-lỗ-đà có người bạn cùng tuổi tên là Hiền Vương. Hai người rất tương đắc nên A-nhĩ đến báo cho bạn biết. Vừa tới cửa nhà Hiền Vương thì gặp lúc đàn vừa đứt dây, âm thanh không đủ. A-nhĩ là người có khiếu thẩm âm nên nghe biết là đàn đứt dây, liền đứng lại không vào nhà, đến khi biết là đàn đã nối dây rồi thì mới cho người vào báo. Hiền Vương mời vào và hỏi:

-Anh đến vào lúc nào?

Đáp:

-Dây đàn vừa đứt thì tôi cũng vừa đến cửa, phải chờ nối dây đàn rồi mới cho người vào báo.

Hiền Vương khen hay mời ngồi và hỏi:

-Hôm nay anh đến tôi có việc gì không?

Đáp:

-Vua Tịnh Phạn có lệnh cho những người trong dòng họ Thích xuất gia để hầu hạ Đức Phật, biết anh là người yêu điều thiện nên tôi đến thông báo cho anh biết.

Hiền Vương nói:

-Tôi cũng biết lệnh của vua truyền. Nếu anh xuất gia thì tôi sẽ đi với anh. Đêm nay mời anh ngủ lại nhà tôi.

A-nhĩ-lỗ-đà bằng lòng. Hiền Vương cho người sửa soạn chỗ ngủ, nhưng đêm đó A-nhĩ ngủ không yên giấc. Sáng ngày Hiền Vương hỏi:

-Đêm rồi anh ngủ ngon không?

Đáp:

-Chiếc chiếu trải giường dành cho người bệnh nên tôi khó ngủ.

Hiền Vương liền gọi người hầu đến hỏi:

-Sao lại có việc này?

Người hầu thưa:

-Lúc ngài vừa mới sinh, đem trải thì dài. Sau này do ngài có bệnh nên đã từng dùng đến chiếu ấy.

Hiền Vương khen:

-Quý hóa thay! Dòng họ Thích có người con kỳ lạ như thế.

Hiền Vương lại nói tiếp:

-Nếu tôi xuất gia thì Đề-bà-đạt-đa sẽ thay ngôi vua của tôi.

Liền khiến người hầu đi mời Đề-bà-đạt-đa đến hỏi:

-Chúng ta theo lệnh vua đều xuất gia, còn em sẽ làm gì?

Đề-bà suy nghĩ: “Nếu ta bảo không xuất gia thì Hiền Vương sẽ không xuất gia”, liền nói đại:

-Tôi cũng xuất gia.

Hiền Vương liền viết công văn tâu lên vua Tịnh Phạn. Vua Tịnh Phạn liền bố cáo trong ngoài: “Nay có Hiền Vương, A-nhĩ-lỗ-đà và Đề-bà-đạt-đa cùng với năm trăm người của dòng họ Thích xin xuất gia.” Ai biết tin cũng vui mừng, chỉ riêng có Đề-bà-đạt-đa là khổ não, thầm nghĩ: “Ta vốn muốn cho Hiền Vương xuất gia nên nói thế thôi, nay nếu trái lời sợ mang tội dối trá, mà xuất gia thì tương lai mất ngôi vua. Thôi thì tạm thời cứ nhận chịu theo mọi người đi xuất gia.”

Bấy giờ muốn cho đời sau biết dòng họ mình là tôn quý, vua Tịnh Phạn truyền lệnh cho dọn dẹp trong ngoài, đường xá, thành quách đều vô cùng sạch sẽ, trang nghiêm. Trên đường thì rưới nước thơm, bày cờ lọng, hương hoa để tiễn nhóm Hiền Vương và năm trăm người họ Thích đi xuất gia. Cha mẹ của họ đều đứng bên đường kéo dài cho đến cổng thành để xem và tiễn con đi. Vua lại cho vị thầy tướng giỏi đứng ở cổng thành xem ai tu đắc đạo, ai không.

Đầu tiên Hiền Vương đi qua, vị tướng sư khen ngợi:

Người này xuất gia chắc là thành đạo.

Kế là A-nhĩ-lỗ-đà, tướng sư đoán không lâu người này sẽ đắc đạo. Lúc Đề-bà-đạt-đa đi qua, tự nhiên mũ trên đầu rơi xuống. Tướng sư thấy thế cho đó là người gây ác nghiệp, chắc đọa địa ngục. Tiếp theo là Hải Thọ, vừa đến cổng thành đã phát lên những lời ác, tướng sư biết người này mắc khẩu nghiệp vì từng phỉ báng Thanh văn, trong tương lai chắc chắn sẽ đọa vào đường ác. Ô-ba-na-đà cỡi voi đi ngang qua cổng thành, xâu chuỗi ngọc trên cổ bỗng nhiên rơi xuống đất, liền xuống voi để nhặt, tướng sư cho đây là kẻ keo kiệt, chắc đọa địa ngục. Cứ thế năm trăm người họ Thích trước sau diễu qua, tướng sư xem thiện ác ra sao đều báo với cha mẹ họ.

Năm trăm người ấy ra khỏi thành Ca-tỳ-la, đi nhiễu quanh vườn rồi đến chỗ Phật xin xuất gia. Đức Phật nghĩ: “Nay những người họ Thích này tuy cầu xuất gia nhưng có kẻ thật sự muốn xuất gia, có kẻ không thật sự.” Đức Phật bèn dùng Tứ pháp độ tất cả họ, thâu nhận vào Tăng đoàn.

Lúc ấy vua Tịnh Phạn có một người hầu cận tên Ô-ba-lê rất giỏi nghề cắt tóc. Vua bèn phái tới để cạo tóc cho những người họ

Thích vừa xuất gia. Đến nơi anh ta không làm mà buồn bã than khóc. Hiền Vương hỏi:

-Sao lại thế?

Ô-ba-lê nói:

Tôi vâng lệnh của một người, chứ không phải là người sai của mọi người, có thể thà chết chứ không cạo tóc.

Hiền Vương liền khuyên can:

-Chớ nói vậy! Ông vâng lời vua, chứ không phải mọi người sai khiến. Đó là điều tốt chớ có ưu phiền.

Hiền Vương liền bảo với Thích chúng:

-Các vị xuất gia, mũ tốt, áo đẹp, cùng những đồ trang sức nay nên bỏ đi vì không thể dùng. Nay hãy bỏ vào một nơi giao cho Ô-ba-lê.

Mọi người vui vẻ đem mũ áo chất thành một đông. Lúc ấy Ô ba-lê mới cạo tóc cho họ. Cạo tóc cho các vị ấy xong, ông nghĩ: “Những người họ Thích này tuổi đều còn trẻ, mà bỏ giàu sang đi xuất gia. Ta nay nghèo hèn có gì mà luyến tiếc? Nên bỏ ân ái, lìa xa phiền não để khỏi trôi lăn trong vòng sinh tử.” Ô-ba-lê lại có dáng ưu tư. Tôn giả Xá-lợi-phất thấy thế hỏi:

-Sao ông có vẻ ưu tư không vui như vậy?

Ô-ba-lê đáp:

-Không phải không vui, nhưng có điều suy nghĩ.

Rồi đem nỗi lo của mình thưa thật với Tôn giả. Tôn giả Xá-lợi-phất bảo:

-Đức Thế Tôn độ người không phân biệt sang hèn. Nay đã đúng lúc, ông nên hăng hái lên.

Đức Thế Tôn biết nhân duyên của Ô-ba-lê đã đến. Cùng Lúc ấy Xá-lợi-phất cũng đưa ông ta tới trước Đức Phật. Tôn giả cũi mình sát đất cung kính lễ Phật thưa:

-Bạch Đức Thế Tôn, Ô-ba-lê muốn được xuất gia theo chánh pháp, xin Đức Phật thương mà nhận cho.

Đức Phật liền nói với Ô-ba-lê:

-Ngươi đã đạt phạm hạnh.

Đức Phật vừa dứt lời, râu tóc Ô-ba-lê tự rụng, ca-sa hiện lên thân. Bảy ngày sau râu tóc mọc lại, hiện ra thân tướng uy nghi như vị Tỳ-kheo có trăm hạ lạp, liền tự nói kệ:

Tôi nay trước Như Lai

Cầu xuất gia học đạo

Phật bảo đạt phạm hạnh

Râu tóc tự nhiên rơi

Ca-sa bỗng tự hiện

Đó là do căn lành

Hôm nay mới được vậy

Tôi vào hàng Bí-sô.

Bấy giờ Đức Phật nói với đại chúng Tỳ-kheo:

-Kể từ nay, các vị xuất gia đều lấy hạ lạp mà phân trên dưới, cho đến sau này cũng theo quy tắc ấy. Ô-ba-lê cũng được xem bằng những người họ Thích.

Lúc ấy Hiền Vương lần lượt lạy mọi người, đến trước Ô-ba-lê, ông không chịu lạy và đến bạch Phật:

-Ô-ba-lê là người giúp việc, nay lạy ông ta thật không hợp lẽ.

Đức Phật nói:

-Ông đã xuất gia nên bỏ chấp ngã. Vị ấy có hạ lạp lớn hơn thì ông phải kính trọng.

Hiền Vương bèn lạy Ô-ba-lê làm cho đại địa hiện ra sáu loại chấn động. Đề-bà-đạt-đa cũng không chịu lễ Ô-ba-lê đến thưa với Đức Phật. Đức Phật cũng dạy nên xả bỏ tâm chấp ngã. Lúc ấy Đề-bà-đạt-đa và tất cả người trong họ Thích đều đến lễ Ô-ba-lê. Họ đều thắc mắc: “Do nhân duyên gì mà khi Hiền Vương lễ Ô-ba-lê, đại địa lại hiện ra sáu loại chấn động?” Họ đem điều thắc mắc ấy đến xin Thế Tôn chỉ dạy. Đức Phật kể:

-Trong đời quá khứ, nơi cõi Diêm-phù-đề, trong nước Ba-la-nại có vị vua tên là Phạm Thọ, đất nước giàu có, nhân dân an vui. Lúc bấy giờ trong thành có một ca sĩ tên là Bạt-nại-la nhan sắc đoan chính, nhiều người mến thương. Có một người đàn ông tên là Tôn-na-la-ma-noa-phược-ca đến chỗ nữ ca sĩ kia bày tỏ sự hâm mộ. Cô ấy trả lời: “Hãy đem đến đủ năm trăm đồng tiền thì mới được hội kiến.”

Người kia vì nghèo nên không đáp ứng nổi, liền tìm cách ở gần, bèn dời nhà đến cạnh nhà cô gái và thường tặng biếu hoa trái. Nhân đến ngày hội, nam nữ vui chơi, trang điểm cài hoa tươi đẹp. Hôm ấy, Bạt-nại-la suy nghĩ: “Nếu có Tôn-na-la-ma-noa-phược-ca đến chơi thì thích thú hơn.” Giây lát, anh ta tới. Cô gái vui vẻ nói: “Anh hãy hái hoa đem đến để cùng tôi vui chơi.”

Hôm ấy vì anh ta có việc buồn phiền, nên suốt đêm không ngủ được, gần sáng mới chợp mắt ngủ say nên dậy trễ, các hoa đẹp đã bị mọi người hái hết, chỉ còn những hoa Thi-lợi-sa, anh bèn hái đem đến nhà cô gái. Cô ta không vui và nói kệ:

Do nghiệp không siêng năng

Lười nhác lo ngủ mãi

Người ta hái hoa hết

Chỉ còn hoa Thi-lợi.

Rồi cô ta bảo anh đi tìm hái hoa khác. Lúc ấy là đầu mùa thu, trời còn rất nóng, anh mãi mê đi tìm hoa đến giờ ngọ mà vẫn ca hát quên cả nóng nực. Khi đó, đúng lúc vua Phạm Thọ, vào bìa rừng tránh nắng dưới bóng cây, bỗng vua nghe tiếng hát, bèn cho lính đi tìm người ca hát đến. Gặp anh ta, vua liền hỏi: ‘Trời nóng bức thế này, sao ngươi ca hát được vậy?”

Anh ta dùng kệ đáp:

Vì lòng đam mê

Không phải không nóng

Trong lòng có việc

Nên không thấy khổ.

Vua thấy anh chàng hái hoa nói năng cũng hay nên lưu lại trò chuyện. Vua hỏi: “Ta đi đường gặp nắng vào đây nghỉ mát, vậy ngươi nói những gì làm ta bớt nóng xem.”

Tôn-na-la-ma-noa-phược-ca vốn là người nhanh trí, biết đoán tâm lý vua nên nói về những ích lợi của việc chinh phục rất hợp ý vua khiến nhà vua khen là kỳ lạ, quên cả nóng nực. Vua hỏi vị đại thần: “Theo thông lệ trong nước khi có người cởi mở được những khổ nhọc của vua thì nên thưởng phần thưởng gì là cao nhất?” Vị đại thần tâu: “Có thể lập làm Thái tử.”

Vua liền bảo vị đại thần ghi cho anh ta vào địa vị đó, đồng thời thông báo trong cung, ngoài thành chuẩn bị nghi thức để đến cung làm lễ tôn anh ta lên ngôi Thái tử, được hưởng thức ăn trân quý, ngủ nghỉ trên giường êm nệm âm bậc nhất. Tôn-na-la-ma-noa-phược-ca suy nghĩ: “Ngôi Thái tử này thật là cao quý nhưng dễ khiến người nảy lòng tham muốn đạt ngôi báu. Nếu ta chiếm ngôi ấy sau này chắc có quả báo.” Do suy nghĩ vậy nên không ngủ được bèn rời giường, xuống nằm trên đất ngủ đến sáng. Nhà vua cho quan đến quan sát thấy anh ta ngủ trên đất, liền về tâu lại nhà vua: “Anh ta thật không xứng là Thái tử, chỉ là kẻ tiện nhân.”

Vua hỏi: “Vì sao ngươi biết?”

Vị quan liền thuật lại những điều trông thấy. Vua nói: “Đó là bậc đại trí không phải kẻ tiện nhân.” Bèn sai triệu anh ta đến hỏi duyên cớ, vua hỏi: “Đêm qua ngươi không ngủ trên giường mà ngủ dưới đất là lý do gì?”

Anh ta tâu: “Giàu sang không phải là chân hạnh phúc nên thần không cảm thấy an lạc.”

Vua hỏi: “Ý ngươi muốn điều gì?”

Đáp: “Nay thần chỉ muốn xuất gia.”

Vua lại hỏi: “Ta chưa biết việc ấy. Xuất gia là gì và có được công đức gì?”

Anh ta bèn thưa: “Tìm nơi vắng vẻ, khổ công tu hành, không có thầy cũng không tìm bạn, quan sát chân lý nên chứng được quả vị Độc giác Bồ-đề.”

Vua cho là tốt và để anh ta xuất gia. Sau khi tu chứng, anh ta liền đến trước vua, ở trên không trung biến hiện thần thông. Vua thấy được việc ấy, rất tin tưởng, cúi mình sát đất đảnh lễ và nói kệ:

Lành thay bậc Trí tuệ

Nghiệp ác không buộc ràng

Nơi vắng vẻ tu hành

Chứng quả Độc giác Phật.

Nói kệ xong, vua tiếp: “Nếu có những người như Ma-noa-phược-ca xuất gia cầu đạo thì ta sẽ vui theo.”

Lúc ấy có vị cận thần tên là Khắc-nga-ba-la nghe được bài kệ kia thì vui vẻ vô cùng, luôn nhớ trong lòng để tự tâm nhắc nhở không tham dục. Nhà vua cũng từ đó luôn tự khích lệ mình không mê chốn thâm cung mà ưa thích tìm nơi vắng vẻ. Khắc-nga-ba-la sau đó thấy vua vui vẻ liền xin xuất gia. Vua bằng lòng, ông ta liền từ giã đi vào rừng sâu, gặp được vị tiên khổ hạnh kia liền theo học đạo, siêng năng tu tập, sau chứng được ngũ thông cũng tìm đến trước vua hiện đủ thần thông. Vua hỏi: “Ông đã đạt công đức như thế sao?”

Khắc-nga-ba-la thưa: “Tôi đã chứng được.”

Vua sinh lòng cung kính, cúi đầu đảnh lễ. Đầu vua vừa chạm đất thì đại địa chấn động. Bấy giờ vương mẫu xem xét việc ấy là có thật không, liền vì Khắc-nga-ba-la mà nói kệ:

Nếu thật sự xuất gia

Phụng sự vị Sa-môn

Yên lặng và siêng năng

Khổ hạnh chứng Duyên giác

Mọi tội vĩnh viễn trừ

Tất cả phước đều sinh

Sau ở tại thế gian

Rộng làm lợi chúng sinh.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

-Vua Phạm Thọ ngày xưa là Hiền Vương bây giờ, còn Khắc-nga-ba-la thuở xưa nay là Ô-ba-lê vậy. Xưa lạy khiến đại địa chấn động thì nay lễ cũng giống như trước. Này các Tỳ-kheo, những việc về quá khứ Ta đã nêu giảng rõ, các ông nghe xong nên tin tưởng, thọ trì.

Lúc ấy các vị Tỳ-kheo nghe xong lời ấy đều vui mừng, cung kính đảnh lễ Phật và lui ra.

    Xem thêm:

  • Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết – Thích Huệ Hưng dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Giáo Hóa Phạm Chí A Bạt - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 138 – Kinh Tổng Thuyết Và Biệt Thuyết (Uddesavibhanga sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh A Hàm Chính Hạnh - Kinh Tạng
  • Kinh Tám Bộ Danh Hiệu của Chư Phật - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Phật Mẫu Xuất Sinh Tam Pháp Tạng Bát Nhã Ba La Mật Đa - Kinh Tạng
  • Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết – HT Thích Tuệ Sỹ dịch - Kinh Tạng
  • Truyền Tâm Pháp Yếu Của Thiền Sư Hoàng Bá - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Di Lặc Hạ Sanh Thành Phật – Thích Nữ Như Phúc dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Vị Tằng Hữu Thuyết Nhân Duyên - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Quán Di Lặc Bồ Tát Hạ Sanh – Thích Nữ Như Phúc dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Đẳng Đại Tập Hiền Hộ Bồ Tát – Thích Hằng Đạt dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết – Đoàn Trung Còn & Nguyễn Minh Tiến dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Vị Tằng Hữu - Kinh Tạng
  • Bích Nham Lục Của Thiền Sư Phật Quả Viên Ngộ – Thích Thanh Từ dịch - Kinh Tạng
  • Phật Thuyết Công Đức Của Tu Lại - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Ha Điêu A Na Hàm - Kinh Tạng
  • Kinh Phạm Thiên Trì Tâm Thưa Hỏi - Kinh Tạng
  • Bích Nham Lục Của Thiền Sư Phật Quả Viên Ngộ – Thích Mãn Giác dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Quỷ Hỏi Mục Liên - Kinh Tạng