Quyển 7
Bấy giờ tại cung trời Phạm thiên, có hai vị Phạm thiên tử suy nghĩ: “Nay ở cõi Nam thiệm-bộ châu có Đức Phật Thế Tôn ra đời, vừa thành đạo trên bờ sông Ni-liên, gần hồ Ô-lô-vĩ-la, Đức Thế Tôn ấy đang ngồi kiết già dưới cội Bồ-đề đã bảy ngày đêm nhập vào Chánh định.” Hai vị Phạm thiên ấy bèn nói với nhau:
-Chúng ta có đại thần lực, trong thời gian co duỗi cánh tay có thể đến được nơi đó, vậy nay chúng ta hãy mau tới đó dùng lời kệ ca ngợi Phật và xin Ngài chuyển Pháp luân cứu vớt chúng sinh.
Nói xong, hai vị liền đến chỗ Phật, cung kính nhiễu hành, lễ bái, rồi đứng trước Phật, một vị nói kệ thưa thỉnh:
Xin Phật dựng gốc đạo
Cứu chúng sinh thế gian
Nên nói pháp Tối thượng
Để trí thâm nhập pháp.
Vị Phạm thiên kia cũng nói kệ thỉnh:
Khuôn mặt như trăng tròn
Tâm tịnh, không phiền não
Xin nói pháp vi diệu
Làm an vui thế gian
Hai vị Phạm thiên kia nói kệ xong liền biến mất. Lúc Đức Thế Tôn ra khỏi định, quan sát khắp thế gian rồi nói kệ:
Những thú vui trong cõi thế gian
Cho đến niềm vui ở cõi trời
Đem so niềm vui dứt tham dục
Mười sáu phần không được một phần.
Lại nói tiếp kệ:
Gánh nặng khổ của đời
Khổ vì không bỏ mê
Nếu buông gánh nặng khổ
Ắt được Tối thượng lạc.
Thế Tôn lại nói tiếp:
Dứt được tham ái ở thế gian
Tất cả phiền não tự tiêu trừ
Biết được phiền não thoát luân hồi
Sẽ được niềm vui trong giải thoát.
Suốt trong bảy ngày đêm, Đức Thế Tôn ngồi kiết già nhập định, trong thời gian ấy người không ăn uống gì cả. Ngài vừa xuất định nói kệ xong, bỗng có một lái buôn tên Bố-tát-bà-lê-ca đang chuyển năm trăm cỗ xe hàng sang nước khác để bán, đi ngang qua gần nơi Đức Phật thiền định. Vốn có thiện căn nên ông ta thường suy nghĩ: “Làm thế nào để có những bạn lành và quyến thuộc tốt.” Bỗng ông ta nghe có người nói:
-Đức Thế Tôn nhập định luôn bảy ngày không ăn uống, ngồi dưới cội Bồ-đề bên bờ sông Ni-liên, gần hồ Ô-lỗ-vĩ-la. Ngài đã chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Người lái buôn thầm nghĩ rằng Đức Phật chính là bậc Thiện hữu đem lại lợi ích cho anh ta nên vội vàng đến đó dâng những thức ăn ngon bổ nhất để cúng dường Phật.
Bấy giờ có một vị trời biết được tâm nguyện của Bố-tát-bà-lê-ca, bèn xem xét người lái buôn và những hàng hóa ông đang đem đi bán. Quan sát xong vị ấy đến bạch Phật:
-Hôm nay sẽ có người lái buôn tên là Bố-tát-bà-lê-ca biết Thế Tôn tu hành đắc đạo ở đây nên đến cúng dường, mong cầu phước báo an vui, lợi ích.
Nói xong, vị trời liền biến mất.
Lúc ấy Bố-tát-bà-lê-ca cùng các bạn thân cùng đi trong đoàn tự tay nấu những thức ăn thơm ngon, tinh khiết, với tấm lòng thành đem đến cúng dường Đức Phật. Đi chưa tới nơi, ông ta lại nghĩ: “Nay ta đem thức ăn dâng lên cúng dường chắc thế nào cũng được nghe Phật thuyết pháp tối thượng. Chúng ta nhờ gieo nhân này hẳn sẽ được quả tốt.” Đến nơi, người lái buôn cung kính cúi đầu lễ xuống chân Phật, rồi đứng lên chiêm ngưỡng Ngài và thưa:
-Bạch Đức Thế Tôn, con cùng các thân hữu đã làm các thức ăn đem đến cúng dường. Xin Ngài thương xót nhận cho.
Đức Phật nhận lời, nhưng chưa dùng. Vì lúc mới thành đạo, Ngài chưa có bát để thọ thực nên nghĩ: “Nếu Ta không dùng bát để thọ nhận các món cúng dường, Ma vương, ngoại đạo sẽ chê cười mà nói rằng chẳng lẽ trong quá khứ, các Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác vì lợi ích cho mọi chúng sinh, lại thọ sự cúng dường như vậy sao?”
Khi Đức Phật vừa khởi niệm như thế, Phạm thiên liền bạch Phật:
-Bạch Thế Tôn, các Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác trong quá khứ vì lợi ích cho chúng sinh, đều dùng bát để thọ lãnh các thức ăn cúng dường của tín thí.
Lúc ấy Thế Tôn khởi niệm muốn có một cái bát, bốn vị Đại thiên vương biết tâm ý của Ngài nên mỗi vị đã dùng những thứ đá quý sai các thợ giỏi trong thời gian ngắn tạo được các chiếc bát rất thanh tịnh, tốt đẹp không gì bằng. Sau khi làm xong, bốn vị Thiên vương đồng nhau cầm bình bát đến dâng cho Đức Phật. Tới nơi, bốn vị cúi đầu đảnh lễ Phật rồi đứng sang một bên chiêm ngưỡng người và đồng lên tiếng thưa với Đức Phật:
-Chúng con mỗi người đã dùng đá quý tạo thành chiếc bát, nay cùng nhau đem đến dâng lên Đức Phật. Cúi mong Đức Thế Tôn thương chúng con mà nhận cho.
Bạch xong các vị đều đứng chờ ý chỉ của Phật. Khi ấy Đức Phật tự nghĩ: “Bốn vị Thiên vương đều dâng bát, nếu Ta nhận bát của một vị thì ba vị kia sẽ không vui, nên nay Ta sẽ nhận cả bốn cái.” Sau khi nhận cúng bốn chiếc bát, Ngài lại nghĩ: “Ta chỉ dùng một chiếc bát, nay nên dùng chiếc bát nào trước?” Nghĩ thế rồi, Đức Phật liền dùng thần lực hợp bốn chiếc bát thành một, tuy hợp lại nhưng vẫn giữ nguyên hình một chiếc bát. Vì lợi ích cho muôn loài, Đức Phật cầm bát đến thọ nhận thứ ăn cúng dường của người lái buôn Bố-tát-bà-lê- ca. Thọ thực xong, Đức Phật nói với người lái buôn:
-Hôm nay Ta vì ông mà nói pháp Tam quy, ông nên chú ý lắng nghe.
Bố-tát-bà-lê-ca vâng lời đứng yên lãnh hội. Đức Thế Tôn dạy:
-Tam quy gồm có quy y Phật, quy y pháp và quy y Tăng-già trong tương lai. Trọn đời ông phải hết lòng giữ gìn chớ có sai phạm.
Bố-tát-bà-lê-ca thưa:
-Bạch Đức Thế Tôn, con nay xin quy y Phật, quy y Pháp và quy y Tăng-già trong tương lai, trọn đời không dám sai phạm.
Đức Thế Tôn nói với Bố-tát-bà-lê-ca:
-Tùy hỷ bố thí chắc chắn hưởng được phước quả. Ông đã là người tự ý bố thí nhất định sẽ được an vui, mọi điều mong cầu sẽ được thành tựu, tương lai cũng sẽ chứng quả Niết-bàn. Này Bố-tát- bà-lê-ca, ngươi tu hạnh bố thí, làm điều phước lợi, trời, người và cả Ma vương cũng không thể mê hoặc được. Nếu tu tập thiền định, trí tuệ nữa thì sẽ diệt được nguồn gốc-của khổ đau, chứng được quả thánh.
Bố-tát-bồ-lê-ca nghe lời Phật dạy xong, tâm ý vô cùng vui mừng, phát nguyện cả trong đời vị lai sẽ luôn nhớ nghĩ không bao giờ quên. Sau khi phát nguyện rồi, ông liền đảnh lễ Phật và lui ra.
Bấy giờ Đức Phật sau khi thọ lãnh sự cúng dường của người lái buôn Bố-tát-bà-lê-ca rồi, liền đem thức ăn đến bờ sông Ni-liên, trải cỏ làm chỗ ngồi và thọ thực. Ăn xong, rửa bát, bỗng Đức Thế Tôn cảm thấy trong người không được thoải mái. Vì sao vậy? Chính vì Ngài muốn cho chúng sinh biết rõ thân này là huyễn ảo nên mới thị hiện việc ấy.
Lúc ấy Ma vương sợ Đức Phật ra đời giáo hóa chúng sinh thoát khỏi khổ não nơi ba cõi thì cảnh giới của mình sẽ trở nên vắng vẻ, nên thường chờ dịp thuận lợi để đến nhiễu loạn Phật. Nay biết Phật đang khó ở trong người, Ma vương liền rời khỏi ma cung đến chỗ Đức Phật nói:
-Thưa Bậc Thiện Thệ, Ngài nay phát bệnh, giờ vào Niết-bàn sắp tới. Nay tôi tới để thỉnh Phật nhập Đại Niết-bàn.
Phật biết Ma vương muốn làm loạn tâm, nên bảo Ma vương:
-Giờ Niết-bàn của Ta vẫn chưa đến, Ta nay còn chờ các hàng đệ tử chứng quả Thanh văn có trí tuệ sáng suốt, hiểu rõ pháp Phật, quảng diễn pháp tướng cùng với các hàng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di… đều tu hành phạm hạnh và nhiều chúng sinh trong thiên hạ, cho đến các vị trời đều được chứng quả giải thoát. Đến lúc đó Ta mới vào Niết-bàn.
Ma vương nghe Đức Phật nói thế, biết là Ngài chưa vào Niết-bàn nên trong lòng buồn bã, xấu hổ mà bỏ đi.
Khi đó Đế Thích biết trong người Đức Phật không được khỏe, nên từ thiên cung thân hành xuống cõi Nam thiệm-bộ châu đến rừng Đại Ha-lê-lặc cách cội Bồ-đề không xa hái những trái Ha-lê-lặc ngon nhất đem đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ, chiêm ngưỡng và thưa: -Bạch Đức Thế Tôn, con được biết thánh thể của Thế Tôn không được khỏe nên đến cõi Thiệm-bộ châu này hái những quả Ha-lê-lặc có màu sắc tốt tươi, hương vị thơm nhất, có thể chữa được bệnh ấy, đem đến đây xin Phật từ bi nhận cho.
Đức Thế Tôn nhận và ăn những trái cây ấy xong, thân thể khỏe mạnh như xưa. Đức Phật liền an ủi, khen ngợi trời Đế Thích. Vua trời từ tạ trở về thiên cung.
Bấy giờ Thế Tôn rời cội Bồ-đề đến cung điện của Long vương Mầu-tức-lân-na. Tới nơi Ngài ngồi kiết già nhập định bên một cội cây. Trong suốt bảy ngày đêm Đức Phật nhập định luôn có mưa. Long vương thấy trời mưa tuôn, gió thổi, biết Đức Phật đang thiền định, biết rõ về thời tiết này, sợ gió mưa hại đến thân Phật, lại sợ các loài sâu bọ quấy nhiễu thánh thể nên dùng thân mình quấn quanh người Phật, đầu biến thành lọng che cho Đức Phật, trải qua bảy ngày đêm không rời.Lúc Đức Phật xuất định, Long vương cũng thu hình lại và trở về long cung, dùng các loại hoa hương trang điểm thân rồi đến chỗ Phật đảnh lễ thưa:
-Bạch Đức Thế Tôn, mưa gió trong bảy ngày vừa qua và các loại côn trùng có nhiễu loạn đến thân Ngài không? Thánh thể Ngài có được an vui không?
Đức Phật liền nói kệ đáp:
Ta quan sát thế gian
Tất cả khắp muôn loài.
Nếu không bị xâm hại
Sẽ vui mừng sung sướng.
Lìa dục đoạn phiền não
Vui ấy lớn hơn nhiều
Điều phục được vô minh
Ấy, niềm vui tối thượng.
Sau khi nói kệ trả lời Long vương, Đức Phật liền trở lại cội Bồ-đề trong bảy ngày đêm ngồi kiết già nhập định quán sát lý mười hai duyên sinh. Ngài nội quán: “Do nguyên nhân căn bản nào mà có sự sinh? Đó là do vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên lão tử, sầu bi khổ ưu não. Do nhân ấy mà tích tụ tất cá nỗi khổ lớn như vậy. Nếu căn bản phiền não không khởi lên thì tất cả mười hai nhân duyên đều diệt. Đó là khi vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì lục nhập diệt, lục nhập diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sinh diệt, sinh diệt thì lão tử, sầu bi khổ ưu não cũng diệt. Hiểu rõ quá trình sinh diệt như thế thì diệt được các khổ não lớn đang tích tụ.”
Trong bảy ngày đêm nhập định, Đức Phật đã quan sát rõ về lý mười hai duyên sinh. Vừa ra khỏi chánh định, Ngài liền nói kệ:
Lắng lòng quán sát các tướng khổ
Biết rõ các pháp có nguyên nhân
Nếu biết tướng khổ không phát sinh
Tự nhiên tất cả ái dục dứt.
Lắng lòng quán sát ái hữu vi
Biết pháp hữu vi là vô cùng
Nếu biết pháp hữu vi không sinh
Tự nhiên trừ tất cả ái dục.
Lắng lòng quan sát nhân duyên sinh
Biết pháp duyên sinh là vô tận
Nếu biết duyên sinh không phát khởi.
Tự nhiên tất cả ái dục dứt.
Lắng lòng quan sát pháp hữu lậu
Mới biết pháp hữu lậu vô cùng
Nếu biết pháp hữu lậu không sinh
Tự nhiên tất cả ái dục dứt.
Lắng lòng quan sát pháp như thị
Biết pháp như thị là không sinh
Như mặt trời chiếu khắp thế gian
Đi đứng trên không, không trở ngại.
Lắng lòng quan sát các tướng khổ
Biết tất cả khổ đều không sinh
Phá trừ phiền não chứng Niết-bàn
Như Phật hàng phục chúng ma quân.
Nói kệ xong, Đức Phật lại nói tiếp:
-Nếu có chúng sinh nào đoạn được luân hồi, biết các pháp sâu xa, thông tỏ tất cả ngôn từ vi diệu, những người như thế là bậc Trí, Ta sẽ vì những người đó mà nói, vì những người ấy mà dạy cho họ hiểu. Nay Ta ở một mình nơi núi rừng, nương theo pháp ấy để tu hành, tìm thấy niềm vui trong việc tu tập.
Thế Tôn nói xong bèn đi đứng tự tại không gì ràng buộc, không thuyết pháp, cũng không có ý định sẽ thuyết pháp.
Bấy giờ vua trời cai quản cõi Ta-bà là Đại phạm Thiên vương biết Thế Tôn không thuyết pháp cũng không có ý định thuyết pháp, liền suy nghĩ: “Như thế thì thế gian sẽ bị hoại diệt! Vì sao? Vì Như Lai xuất hiện ở thế gian khác nào như hoa Ưu-đàm lâu lắm mới nở một lần. Nay Đức Phật không thuyết pháp, tự vui với pháp mình vừa đạt, sẽ khiến tất cả những kẻ tham dục vui thích theo tà pháp, không được giác ngộ, thế thì làm sao thế gian không bị hủy diệt? Ta nay phải tự thân đến chỗ Đức Phật, hết lòng khuyến thỉnh Đức Phật thuyết pháp độ sinh.” Nghĩ xong, Đại phạm Thiên vương rời khỏi Phạm giới trong khoảnh khắc thời gian co duỗi cánh tay đã đến chỗ Đức Phật, đứng trước Đức Phật nói kệ:
Ra đời nước Ma-già
Bậc Vô Cấu thuở xưa
Đều mở cửa Cam lộ
Thuyết pháp độ chúng sinh.
Đức Thế Tôn bảo:
-Pháp của Ta rất sâu xa khó gặp, khó hiểu, nếu Ta vội nói ra chắc sẽ bị tiêu hoại. Vì sao? Vì tất cả những kẻ ham thích tà pháp, những kẻ nhiều tham dục trong thế gian sẽ không ưa thích nghe theo nên không thể giác ngộ. Vì sao vậy? Vì nội tâm những kẻ tham dục ấy luôn bị màn đen tối che lấp.
Đại Phạm vương thưa:
-Bạch Đức Thế Tôn, chúng sinh ở thế gian có sinh có lão, có người căn tính thông minh lanh lợi, có người căn tính kém cỏi chậm lụt hoặc có kẻ trung căn, tướng mạo thì có xấu có đẹp nhưng cũng có người dễ cảm hóa, những kẻ phàm phu có ít phiền não trần lao. Bạch Thế Tôn, như loài hoa sen xanh hoặc trắng sinh ra, phát triển và tàn úa trong nước, có hoa nhô lên khỏi mặt nước, có hoa không nhô lên khỏi mặt nước. Cũng như thế, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn không vì muôn loài mà nói pháp vi diệu thì họ sẽ đều rơi vào các đường dữ. Cúi xin Đấng Thiên Thệ hãy ban pháp bảo, hãy rưới cam lộ!
Lúc ấy Đức Thế Tôn yên lặng nhận lời khuyến thỉnh của Đại phạm Thiên vương. Ngài dùng Phật nhãn quán sát chúng sinh trong thế gian có trẻ có già, có kẻ lợi căn, có người độn căn, cho đến kẻ ở bậc giữa hoặc bậc dưới, dung mạo đẹp xấu, dễ cải hóa hoặc khó cải hóa, có kẻ ít phiền não hoặc rất ít phiền não… rồi Ngài tư duy: “Với các chúng sinh ấy, nếu Ta không giảng nói các pháp vi diệu thì họ sẽ không biết nguồn gốc của khổ đau, sẽ dễ rơi vào các đường dữ.”
Sau khi quan sát thấy rõ như thế, Đức Thế Tôn khởi tâm từ bi muốn giảng nói diệu pháp. Trước hết Ngài nói kệ:
Ta nay tuôn mưa pháp cam lộ
Thấm nhuần chúng sinh, kẻ thích nghe
Từ nay cõi đời được diệu pháp
Nếu gặp ác ma không quảng diễn.
Khi ấy Đại phạm Thiên vương nghe Đức Phật nói kệ, biết rõ Đức Phật sẽ giảng nói pháp mầu nên trong lòng vui mừng khôn xiết, liền cúi đầu đảnh lễ chân Phật, nhiễu quanh Phật ba vòng rồi cáo lui.
Bấy giờ Đức Phật suy nghĩ: “Người nào sẽ được nghe Ta giảng diệu pháp trước tiên?” Ngài bèn nhớ lại: “Ngày trước, Tiên nhân A-la-nã Ca-la-ma từng cúng dường và cầu chúc cho Ta khi Ta đi ngang qua nơi vị ấy đang tu tập. Vậy Ta hãy đến thuyết pháp cho người đó trước.”
Bỗng có vị Phạm thiên đến bạch với Phật:
-Tiên nhân A-la-nã Ca-la-ma và các bạn ông đã mất vừa đúng bảy ngày.
Nghe lời ấy, Đức Phật liền cất tiếng than:
-Luật vô thường ở thế gian thật đáng sợ.
Ngài lại nghĩ: “Những Tiên nhân kia thật bạc phước, không được nghe chánh pháp.”
Lúc ấy Đức Phật lại nhớ đến Lỗ-nại-la Ca-la-ma tử cũng đã từng cúng dường và chúc tụng Ngài. Khi Phật vừa nghĩ đến đó bỗng có vị La-trá đến bạch Phật:
Lỗ-nại-la Ca-la-ma Tử cũng đã qua đời.
Đức Thế Tôn nghe báo liền than:
-Phật pháp khó được nghe, ông ta thật là bạc phước!
Đức Phật lại nghĩ đến năm người khi Phật mới rời vương cung vào rừng tu khổ hạnh thì năm người ấy đã tìm đến cúng dường, giúp đỡ nên muốn thuyết pháp cho họ trước tiên. Lúc ấy Thế Tôn dùng Thiên nhãn thanh tịnh quán xem năm người đó hiện giờ ở đâu, thì thấy năm người đang ở vườn Lộc dã, thuộc nước Ba-la-nại. Ngài liền rời khỏi cội Bồ-đề đi đến nơi ấy. Giữa đường, Đức Phật gặp một vị Tiên nhân tên ô-ba-nga đang đi ngược chiều. Vị ấy trông thấy Thế Tôn thân tướng cao một trượng sáu, thân sắc vàng chói, tướng thật đoan nghiêm đặc biệt, vượt hẳn người thế gian, ngạc nhiên trong giây lát rồi vị ấy nói:
-Hỡi Ngài Cù-đàm, Ngài có thân tướng tuyệt đẹp, trong sáng thanh tịnh, tỏa ra ánh sáng như vàng ròng, cõi đời không có, do nguyên nhân gì Ngài xuất gia? Tu tập theo pháp môn nào? Ai là thầy của Ngài? Nay Ngài đi về đâu?
Đức Thế Tôn liền nói kệ đáp:
Ta tu không có thầy
Ở đời không bạn lữ
Ngộ pháp Chánh đẳng giác
Là Thầy của trời người,
Biết các pháp thế gian
Không nhiễm cũng không dứt
Đầy đủ Nhất thiết trí
Hàng phục chúng ma quân.
Tiên nhân Ô-ba-nga nói:
-Thưa Cù-đàm, nếu đúng như lời Ngài vừa nói thì đó chính là quả vị Phật.
Đức Phật nói:
-Vì Ta đã ngộ được chân lý, các lậu hoặc phiền não đều tận diệt, hàng phục được các nghiệp chướng và tội báo nên có hiệu là Phật.
Tiên nhân lại hỏi:
-Thưa Cù-đàm, nay Ngài đi đâu?
Đức Phật bảo:
-Ta đến thành Ba-la-nại để trối lên tiếng trống pháp, chuyển đại pháp luân, những điều mà người ở thế gian chưa từng nói, lại cũng giảng nói về những lời dạy của chư Phật trong quá khứ để thế gian biết mà xa rời dục vọng.
Đức Phật nói thế rồi, Tiên nhân Ô-ba-nga đảnh lễ Phật và tiếp tục tục lên đường.
Khi Đức Phật đến vườn Lộc dã, năm đạo sĩ ở đấy là Sái-thế-lê- ca, Ma-hộc-lê-ca, Mạt-hộc-lê-ca, Phược-bát-la-hạ và Nã-vĩ-bà-la-đa mới vừa tắm rửa xong, thoa dầu lên thân thể, dọn bày thức ăn và cùng nhau ngồi chuẩn bị thọ trai. Bỗng năm người nhìn thấy Đức Thế Tôn từ xa đi đến, nhận ra Ngài, đều ngạc nhiên, nói với nhau:
-Thái tử đã tu khổ hạnh trên rừng mong thành Phật nhưng rồi thoái chí, nay lại đến tìm chúng ta. Chúng ta cứ ngồi yên đừng đứng lên nghênh tiếp.
Từ xa, Đức Phật đã biết thái độ của họ, nhưng Ngài vẫn điềm nhiên đi tới, thân hình Phật sừng sững như kim sơn, các tướng tôn quý, an lành hiện ra đầy đủ, uy đức lớn lao không ai sánh bằng.
Năm người ấy thấy Đức Phật đến gần với oai đức còn tăng hơn trước, tất cả đều không thể ngồi yên, vội đứng lên nghênh tiếp. Năm người cùng nói:
-Lành thay! Mời Ngài ngồi.
Rồi thì kẻ dọn chỗ ngồi, người thì lấy nước rửa chân, kẻ dâng áo, người chắp tay đứng hầu. Năm người hầu hạ Đức Phật giống như lúc trước.
Đức Thế Tôn sau khi an tọa, ung dung nói với năm người:
-Năm người các ông khi mới nhìn thấy Ta liền bàn với nhau là nên tỏ ra xem thường Ta. Các ông chẳng hiểu biết gì cả! Các ông đều là người trong họ của Ta, phải nghe những lời Ta chỉ dạy. Các ông không nên khinh mạng Như Lai. Vì sao? Nếu khinh mạng Như Lai sẽ không đạt lợi ích gì cả, mà sau này sẽ mãi mãi gặp khổ đau.
Năm người ấy bạch Phật:
-Trước kia Phật là người có uy nghi hơn hết trong đời, lại có phép tu rất mầu nhiệm, sau tu khổ hạnh được trí Vô thượng và sự thanh tịnh tối thắng, thông đạt diệu pháp. Lúc trước Ngài thường độc cư tu tập, nay Ngài tu tập ở nơi nào?
Đức Phật nói:
-Này năm vị, nếu Ta nay nhận tất cả đồ cúng dường, bố thí của chúng sinh những thức ăn uống quý giá như cháo sữa, ăn uống xong thì tắm rửa, thoa dầu thơm lên thân thể, các căn trong sạch, thân tướng oai nghiêm đẹp đẽ, ngắm nhìn sắc dáng trước sau rất là tươi vui, như thế thì các ông cho là đã thấy Ta hay là chẳng phải thấy Ta?
Sái-thế-lê-ca thưa.
-Đúng như vậy. Lúc trước năm người chúng tôi thường đi khất thực; lúc Đức Thế Tôn đến thì ba người đi khất thực, còn hai người thì phục vụ Ngài, hoặc hai người đi khất thực thì ba người phục vụ, luôn thay đổi phục vụ siêng năng khổng mỏi mệt.
Nhân đó Đức Phật dạy:
-Có hai điều mà người tu hành không được làm. Hai điều đó là gì? Đó là tâm tham đắm sắc dục, ấy là cội nguồn của luân hồi, chẳng phải là pháp của bậc Thượng nhân. Nếu có người nào có thể tự thân giữ đoan chánh, tu tập khổ hạnh, như thế người ấy không bị mê chấp với các pháp năm uẩn, ba độc, dùng con mắt trí tuệ để quan sát thì dứt được luân hồi, lìa cả khổ và vui, đi theo Trung đạo. Lại phải tu tập theo tám con đường chân chánh, đó là Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh cần, Chánh niệm và Chánh định thì sẽ đạt được thần thông, chứng quả Niết-bàn. Theo đúng nẻo Trung đạo tu tập sẽ đạt Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Những điều đó Ta đã thực hiện một cách đầy đủ, rốt ráo.
Bấy giờ Đức Thế Tôn lại quan sát thấy năm người này có thể thọ lãnh pháp, liền bảo với họ.
-Đây là Khổ, các ông phải biết.
Năm người lúc ấy tư duy, dùng tuệ nhãn quán pháp ấy, thấy rõ trong đời quá khứ đã từng được nghe thấy, tâm Bồ-đề phát sinh nên được hiểu rõ hoàn toàn.
Đức Phật lại nói:
-Đây là Tập (Nguyên nhân gây khổ), các ông nên dứt trừ.
Năm người lại tư duy về chân lý thứ hai này, dùng tuệ nhãn xem xét trong đời quá khứ đều đã từng nghe thấy, nên tâm Bồ-đề phát sinh và được hiểu rõ.
Đức Phật lại dạy tiếp:
-Đây là Diệt, chân lý mà các ông cần phải chứng ngộ.
Năm người suy nghĩ, dùng tuệ nhãn quan sát chân lý ấy, thấy trong quá khứ đã từng nghe biết, trí giác phát sinh nên được hiểu rõ hoàn toàn.
Cuối cùng Đức Phật dạy:
-Này các ông, đây là Đạo, tức con đường đưa đến giải thoát, mà các ông cần phải tu tập.
Năm người suy nghĩ, dùng tuệ nhãn xem xét con đường tu tập ấy, cũng thấy trong đời quá khứ đã từng nghe biết, do đó trí giác phát sinh nên được liễu ngộ.
Đức Thế Tôn lại dạy:
-Chân lý thứ nhất là Khổ, Ta đã hiểu rõ. Tập, nguyên nhân của khổ, Ta đã đoạn trừ. Diệt là chân lý mà Ta đã chứng ngộ. Đạo là những con đường Ta đã tu tập. Chính do phát hiện ra những chân lý ấy và tu tập theo đó mà Ta đã thành tựu được Phật đạo. Các ông cần phải học tập. Ta đã biết khổ, dứt trừ các nguyên nhân gây khổ (Tập), chứng đạt cảnh an vui (Diệt), bằng việc tu tập theo những con đường chân chính (Đạo). Nếu các ông giác ngộ được con đường chân thật của Tứ đế thì tự nhiên hiểu rõ lý Trung đạo không phiền não, không giải thoát, không có trí, không có tuệ, không có Bồ-đề, không phải bất sinh, cũng không trụ vào tướng Sa-môn, Bà-la-môn cho đến các cõi Phạm thiên, Ma, Trời, Người, xa rời các tưởng điên đảo, tâm ý an vui, sẽ chắc chắn chứng được quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Sau đó Đức Phật đã ba lượt chuyển pháp luân, giảng nói về mười hai hành, thì Tôn giả Câu-ni dứt bỏ trần cấu, đạt được pháp nhãn thanh tịnh. Lúc ấy tám vạn trời, người cũng đạt được pháp nhãn thanh tịnh.
Sau khi đã ngộ đạo, năm vị ấy liền bạch Phật:
-Chúng con muốn xuất gia tu theo Phật pháp, xin Đức Phật thương mà chấp nhận.
Đức Như Lai liền vui vẻ nói:
Hay lắm! Các Tỳ-kheo.
Năm người liền tự cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, trở thành Sa-môn. Lúc đó Đức Phật dạy cho nhóm của Tôn giả Câu-ni:
-Này các ông, sắc uẩn là thường hay vô thường, là khổ hay không phải khổ, là không hay phi không, là hữu ngã hay vô ngã? Bốn uẩn kia: Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy chăng?
Tôn giả Câu-ni thưa:
Bạch Đức Thế Tôn, con xem xét năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều là pháp vô thường, khổ, không, vô ngã.
Khi đó năm vị Tỳ-kheo nghe Đức Phật giảng về năm uẩn liền dứt được các lậu và chứng bậc Vô học (A-la-hán). Đức Phật lại nói:
-Này các ông, việc Ta làm đã xong, phạm hạnh đã trọn. Ta đã dứt hẳn tái sinh, mãi mãi không còn bị luân hồi. Ta và các ông là sáu người sẽ là phước điền đệ nhất ở thế gian, ba ngôi báu ngày nay đã đu.
Khi Đức Thế Tôn nói pháp như thế, có một vị Dạ-xoa tên là Bồ-ma bèn lớn tiếng xướng lên:
-Hôm nay ở nước Ba-la-nại, trong vườn Lộc dã, nơi ở của các Tiên nhân, Đức Phật vì lòng từ mẫn đã ba lần chuyển Pháp luân, giảng nói Tứ đế và Thập nhị hành, vì đem lại lợi ích cho cả cõi thế gian và xuất thế gian, cõi Phạm thiên, Ma giới, Trời, Người, Sa-môn, Bà-la-môn.
Lúc ấy bôn vị Thiên vương của cõi Tam thập tam thiên và chư Thiên chúng cùng nhau truyền vang khiến các vị trời ở cõi Phạm thiên đều nghe biết rõ Thế Tôn đã ở nước Ba-la-nại, trong vườn Lộc dã, nơi ở của các Tiên nhân ba lần chuyển pháp luân, Tam bảo đã xuất hiện ở thế gian làm lợi lạc cho khắp trời người cùng các loài hữu tình.
Khi đó đại địa chấn động, không trung rực sáng, các vị Phạm thiên, Đế Thích và chư Thiên… mỗi vị đều cầm các thứ tràng phan, bảo cái đồng đến chỗ Phật, tung xuống các loại thiên hoa vi diệu như mưa, trông trời vang lừng, ca nhạc ngợi khen… để cúng dường Phật. Sau đó tất cả đều vui mừng cung kính lễ Phật lui ra.