1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13

Quyển 2

Thuở ấy, ở thành lớn Bổ-đa-lạc-ca có một dâm nữ hết sức xinh đẹp. Một người đàn ông tên là Di-lí-nã-la rất say mê nàng, thường tặng vàng bạc, ngọc ngà, cùng những y phục quý, đẹp cho nàng. Rồi có một người khác cũng say đắm cô gái, đến nói với nàng: “Ta tặng nàng năm trăm đồng tiền, nàng hãy theo ta vui chơi.”

Dâm nữ bằng lòng và sai thị nữ đến nói với Di-lí-nã-la rằng hôm nay có khách, chờ hôm khác sẽ gặp. Nã-la nghe thế, nói với tỳ nữ: “Nếu cô ta trở về thì ngươi nói với cô ta hãy mau đến tại khu viên lâm, ta chờ cô ta ở đấy.”

Tỳ nữ về thưa, nhận thấy cô ta có ý không muốn đến chốn hẹn, bèn trở lại nói với Di-lí-nã-la. Nghe xong, anh ta rất tức giận, bảo tỳ nữ trở về tìm cách khuyên giải. Vị tỳ nữ trở về nàng dâm nữ đã đến. Người đàn ông lớn tiếng trách: “Ta trước nay thường cung cấp cho nàng những y phục cùng các đồ vật quý giá, tại sao nay nàng phản bội ta?” Nói xong, y lập tức lấy thanh gươm bén đâm chết dâm nữ. Giết xong, y đem gươm ném vào am của cồ-đàm gần đó, rồi bỏ trốn. Nữ tỳ tri hô lên: “ở đây có kẻ giết người. “

Mọi người chạy đến, tìm thấy thanh gươm còn vấy máu trong am của cồ-đàm. Họ liền trách mắng: “Ông là người tu hành, sao nay lại giết người?” Trách xong, họ cùng nhau dùng dây trói tay vị Tiên nhân, giải vào trước điện vua và tâu với vua: “Người này là Tiên nhân xuất gia không giữ phạm hạnh, làm việc bất chính lại còn dùng gươm giết chết dâm nữ.”

Vua nghe tâu như thế rất giận dữ bèn sai dẫn ra ngoài thành dùng cây nhọn xuyên qua tay chân. Vua ra lệnh xong, quan quân liền giải Tiên nhân cồ-đàm đi. Lúc đó đầu Tiên nhân đang đội vòng hoa, thân mặc áo xanh, những người giải ông tay cầm binh khí vây quanh, hô to:

-Đây là kẻ phạm giới giết người.

Cồ-đàm vẫn bình thản, không chút sợ hãi, cứ tự nhiên đi ra ngoài thành mà chịu hình phạt.

Bấy giờ thầy của ngài, Tiên nhân Ngật-lí-sắt-nỗ-phệ-ba-dã-nẵng đến thăm không gặp, bèn tìm tới nơi thấy đệ tử chân tay bị trói bị cây nhọn xuyên qua, thọ khổ hình như thế, lấy làm đau xót, rơi nước mắt hỏi: “Con sao lại có thể phạm tội như vậy được? Con thọ hình phạt đau đớn cùng cực suốt ngày đêm làm sao chịu đựng nỗi?” Tiên nhân cồ-đàm thưa: “Con cầu cho thân thể con đau đớn mà không được.”

Người thầy hỏi: “Làm sao con rời khỏi những đau đớn ấy được?”

Cồ-đàm thưa: “Con xin thành thật phát nguyện trước thầy: Nếu quả thật thân con không đau đớn thì thân thầy sẽ có sắc vàng.”

Sau lời phát nguyện của Cồ-đàm thì thân vị thầy bỗng choc hiện sắc vàng. Tất cả mọi người ở đấy đều thấy như thế, cho nên gọi vị thầy là Tiên nhân Kim sắc. Lúc ấy Cồ-đàm hỏi thầy: “Sau khi con chết thì sẽ được sinh ở đâu?”

Vị Tiên nhân đáp: ‘Theo pháp của Bà-la-môn, nếu không có con nối dõi thì khi chết sẽ không có nơi sinh!”

Vị đệ tử nói: “Từ thuở nhỏ con đã không ham thích chốn vương cung, từ bỏ ngôi vị để xuất gia, sao lại có con được?”

Vị thầy bảo: “Hiện giờ con hãy tưởng tượng đến những lạc thú nơi vương cung đi.”

Cồ-đàm nói: “Thân con hiện chịu hình phạt của vua như thế này, làm sao có thể tưởng tượng đến những lạc thú được?”

Khi đó Tiên nhân Kim sắc liền dùng thần lực chỉ trong khoảnh khắc làm tuôn xuống một cơn mưa rưới khắp thân thể đệ tử, khiến cho vị đệ tử mát mẻ, tiêu tan mọi khổ não, thân thể bình phục như xưa, do đó ông bèn nhớ lại những lạc thú trước kia mà sinh dục tâm, làm rơi hai giọt tinh trên đất. Lúc đó Cồ-đàm Tiên nhân suy nghĩ đến bốn điều: Một là tự nghĩ đến thân mình, hai là nghĩ đến chúng sinh, ba là nghĩ tới chúng sinh sẽ thành Phật, bốn là nghĩ tới tất cả cõi Phật. Khi ông suy nghĩ về những điều đó thì hai giọt tinh kia bỗng kết thành hai quả trứng. Mỗi ngày mặt trời hiện lên, ánh nắng đã sưởi ấm hai quả trứng, chẳng bao lâu hai quả trứng nỏ, sinh ra hai đồng tử có sắc tướng đoan chính. Tiên nhân Cồ-đàm đem hai đồng tử vào ở trong một vườn mía. Sau khi ông lâm chung, Kim sắc Tiên nhân đến thăm gặp hai đồng tử, hỏi ra mới biết là con của Cồ-đàm, rất vui mừng liền đem hai đồng tử về am nuôi. Vì do mặt trời sưởi nóng mà sinh ra nên đồng tử thuộc về Nhật tộc (chủng tộc mặt trời), lại do Cồ-đàm sinh ra nên có họ Cồ-đàm, lại do tự sinh ra nên lấy họ A-nghi-la-ta, lại do gặp từ trong vườn mía rồi đem về nuôi nên còn có họ là Cam Giá.

Bấy giờ vua Bà-la-nại-phược-nhạ băng hà, không có con nối ngôi, triều thần chưa biết chọn ai. Một vị đại thần thưa: “Trước kia vua Ca-la-nã có vị Thái tử tên là Cồ-đàm, đã bỏ ngôi báu theo vị Tiên nhân Ngật-lí-sắt-nỗ-phệ-ba-dã-nẵng vào rừng núi tu hành. Thái tử thuộc dòng họ Thích có thể rước về nối ngôi.”

Quần thần nghe lời, liền vào núi tìm đến chỗ vị Đại tiên cung kính đảnh lễ rồi thưa: “Xưa vua Ca-la-nã có người con tên là Cồ-đàm vậy Tiên nhân có biết hiện Thái tử ở đâu?”

Đại tiên cho biết Thái tử đã mất rồi và nói rõ mọi việc cho họ nghe. Quần thần rất đau xót, nhận rõ tội của mình, chợt thấy hai vị đồng tử thân tướng đoan nghiêm, hỏi ra mới biết đó là con của Thái tử Cồ-đàm, quần thần rất vui mừng, xin đón đồng tử về và lập làm vua lấy hiệu là Cam Giá vương. Vua Cam Giá truyền được một trăm đời và đều đóng đô ở thành Bổ-đa-lạc-ca. Đến đời vua Cam Giá cuối cùng thì sinh được bốn người con: Người thứ nhất tên là Ô-la-ca-mục-khư, người thứ hai tên Ca-la-ni, người thứ ba tên Hạ-tất-đế-nẵng-dã, người thứ tư tên Tô-nẩng-bố-la-ca. Sau khi hạ sinh bốn người con, hoàng hậu qua đời. Nhà vua rất buồn rầu đau khổ. Bấy giờ có vị đại thần thấy vua buồn khổ bèn thưa hỏi: “Tâu Đại vương, vì sao ngài kém vui như vậy?”

Vua cho biết vì hoàng hậu mất nên đau buồn. Vị đại thần tiền tâu: ‘Thần được biết vị tiểu vương của nước lân bang có một người con gái đầy đủ phước đức, nhan sắc xinh đẹp, hình tướng đoan chánh, vua có thể xin cưới về lập hoàng hậu.”

Vua nói: “Vua nước ấy luôn muốn đem quân xâm phạm nước ta, làm sao có thể cầu thân được?”

Vị đại thần tâu: “Nhưng ở tiểu quốc kia cũng có nàng công chúa xinh đẹp, đoan trang có thể rước về làm phi hậu, mới khiến nhà vua bớt buồn được.”

Vua bèn sai sứ đến tiểu quốc kia nói ý muốn của vua là xin cưới công chúa về làm chánh phi. Vị tiểu vương ấy rất vui mừng, nhưng lại nói với sứ giả: “Nếu Đại vương xin cưới con ta làm chánh phi thì khi sinh được con trai thì phải cho nôi ngôi. Được như vậy thì ta mới bằng lòng gả.”

Sứ thần trở về tâu rõ ý của vua tiểu quốc. Nhà vua nghe điều ấy trong lòng không vui bảo: “Ta đã có con lớn, theo lý phải được nối ngôi, sao có thể bỏ lớn lập nhỏ?”

Một vị đại thần tâu: “Nay ta cứ xin cưới, còn việc sinh con trai hay gái đâu có thể biết được.”

Vua nghe theo, sai đem lụa là, vàng bạc, gấm vóc đến xin cưới. Sau người phi hậu này có mang, trải qua chín tháng sinh được một Thái tử thân tướng đoan nghiêm. Sau khi Thái tử hạ sinh, quần thần đến chúc mừng, vua bèn nói: “Nay đứa con này nên đặt tên là gì?”

Vị đại thần tâu: “Vị tiểu vương kia đã thuận gả con cho bệ hạ làm phi, muốn Thái tử khi sinh ra được nối ngôi, vậy nên đặt tên cho Thái tử là Lạc vương.” Vua nghe rồi truyền cho tám vị phu nhân làm nhũ mẫu để lo việc nuôi dưỡng Thái tử.

Lúc ấy vua muốn lập Thái tử lớn lên nối ngôi. Vua tiểu quốc biết tin liền nổi giận sai sứ giả sang trách: “Trước đã hứa, nếu con gái ta sinh được hoàng tử thì cho nối ngôi, sao nay lại bội ước? Nếu như thế, nước ta tướng mạnh binh đông, ta sẽ đem quân sang đánh.”

Vua nghe vậy rất lo, nói với quần thần: “Bỏ con lớn lập con nhỏ thật không hợp lẽ?”

Các quan trong triều tâu: “Nước kia tuy nhỏ nhưng vị vua ấy rất uy dũng, binh tướng rất thiện chiến. Nếu họ cất binh sang đánh sợ ta không thắng được, vậy nên cho Thái tử ra nước ngoài để tránh họa chiến tranh.”

Vua nghe tâu thì yên lặng không nói gì. Bấy giờ quần thần bèn lập mưu, ra gần thành lập một ngự uyển có đủ đền đài, ao, suối, dùng trầm hương vật báu trang sức lộng lẫy. Khi đó Thái tử cùng quần thần ra ngoài thành du ngoạn, nhìn thấy hoa viên liền hỏi:

“Vườn này của ai?” Quần thần cho biết đó là ngự viên của hoàng cung. Thái tử nghe nói liền quay ngựa trở về. Các quan khuyên Thái tử nên vào dạo vườn hoa, Thái tử nói: “Ngự uyển của phụ hoàng, ta đâu dám vào.”

Các quan thưa rằng nếu là các quan cùng dân chúng thì không thể vào, còn Thái tử thì có thể vào được. Nghe thế, Thái tử liền vào ngự viên vui chơi.

Bấy giờ có một vị đại thần tâu lên vua: “Nay ngự viên đã xong, thỉnh Hoàng thượng đến ngoạn cảnh.” Vua nghe tâu liền cho xa giá đến ngự uyển. Vừa tới nơi đã nghe tiếng nhạc, vua liền sinh nghi, hỏi ra mới biết là Thái tử đã đến trước, đang chơi nhạc ở đấy. Vua nổi giận phán: “Ta cho lập ngự viên, chưa đến xem qua, sao Thái tử lại dám đến chơi trước? Tội này không thể tha được, hãy đuổi Thái tử ra khỏi nước!”

Quần thần can gián nhưng nhà vua giận dữ không nghe, truyền lệnh trong bảy ngày phải đem Thái tử ra khỏi nước, cho phép được đem theo tùy tùng, quyến thuộc. Thái tử vâng lệnh, đem theo tùy tùng quyến thuộc ra khỏi thành, cách thành không xa mà ở, nhưng vua lại truyền lệnh bảo phải đi xa hơn nữa.

Ngày đó, bên núi Tuyết, cạnh bờ sông Bà-nghi-la có một vị tiên tên là Ca-tỳ-la, giữ gìn phạm hạnh, lập am tu ở đây. Thái tử lại đem theo tất cả người thân đến chỗ Tiên nhân kia lập nghiệp, hái trái, săn thú để nuôi thân, về sau, vì quá nghĩ đến sắc dục nên thân hình Thái tử tiều tụy. Vị Tiên nhân sinh nghi hỏi, Thái tử liền nói thật. Tiên nhân bảo: “Với chị em thân thuộc thì không được, nhưng với người ngoài thì có thể.”

Thái tử say đắm vui đùa huyên náo ngày đêm, số nam nữ lại đông đảo làm Tiên nhân loạn tâm, bèn nói với Thái tử là mình muốn đi nơi khác để lo tu hành. Thái tử nghe nói thì hổ thẹn, nói với Tiên nhân: “Đại tiên ở đây tu hành từ lâu, đạo quả đã thành, không nên đi nơi khác. Nay tôi xin đem quyến thuộc tìm chỗ khác để ở.”

Tiên nhân nghe thế vui lòng, bèn chọn một chỗ đất tốt gần đó, rưới nước phân ranh giới, để Thái tử an cư nơi ấy. Sau một thời gian nhân dân hưng thịnh, quyến thuộc đông đảo bèn theo ranh giới mà xây thành, lập quốc lấy tên là Ca-tỳ-la. Sau đó có một vị Hiền Vương lên ngôi, tạo riêng một tòa thành đặt tên là Chỉ thành và đóng đô ở thành ấy.

Bấy giờ vua Vĩ-lỗ-trà-ca hỏi các đại thần: “Thái tử con ta nay ở đâu?”

Một vị đại thần thưa: “Thái tử nay ở phía nam Tuyết sơn, bên bờ sông Bà-nghi-la, tại thành Ca-tỳ-la, đã xây dựng hai ngôi thành lớn nơi đó dùng làm đô ấp. Quan liêu, sĩ thứ, bà con thân thuộc phồn thịnh, đông đảo, giống như một nước lớn.”

Vua Vĩ-lỗ-trà-ca Cam Giá cúi toàn thân xuống hỏi vị đại thần: “Con ta sao được như thế?”

Vị đại thần tâu: “Do Thái tử có nhân đức nên được hùng thịnh như thế, nhân đó mà lập nên họ.”

Sau khi vua Vĩ-lỗ-trà-ca Cam Giá qua đời thì Thái tử Năng Nhân lên ngôi. Vua Năng Nhân có con là Ô-la-ca-mục-ca vương, con của Ô-la-ca-mục-ca vương là Nhược-ca-ni vương, con của Nhược-ca- ni vương là Hạ-tât-đế vương, kế tiếp là: Nỗ-bố-na-la-ca vương, Ô-bố- la-ca vương, như thế con cháu nối truyền đến năm vạn năm ngàn đời vua, đóng đô ở thành lớn Ca-tỳ-la. Sau đó có vị vua tên là Thập Xa vương, tiếp theo là Cửu Thập Xa vương, rồi Bách Xa vương, Họa Xa vương, Tối Thắng Xa vương, Lao Xa vương, Thập Cung vương, Cửu Thập Cung vương, Bách Cung vương, Tối Thắng Cung vương, Họa Cung vương, Lao Cung vương, vua này là bậc có tài bắn cung giỏi nhất ở cõi Nam Diêm-phù-đề. Vua Lao Cung vương có hai người con, vị thứ nhất tên là Tinh Hạ Hạ Nỗ vương, vị thứ hai tên là Sư Tử Hống vương. Tinh Hạ Hạ Nỗ vương sinh bốn người con là Tịnh Phạn vương, Bạch Phạn vương, Hộc Phạn vương và Cam Lộ Phạn vương. Tịnh Phạn vương có hai con trai là Tất-đạt-đa và Nan-đà. Bạch Phạn vương có hai con trai là Ta-đế-sơ-lỗ và Bà-nại-lí-hạ. Hộc Phạn vương có hai con trai là Ma-hạ-nẵng-ma và A-nễ-lâu-đà. Cam Lộ Phạn vương có hai con trai là A-nan-đà và Đề-bà-đạt-đa. Tịnh Phạn vương có một người con gái tên là Tô-bát-la. Bạch Phạn vương có một người con gái tên là Bát-đát-la-ma-lê. Hộc Phạn vương có một con gái là Bạt-nại-lê. Cam Lộ vương có con gái là Tế-phược-la. Tất-đạt-đa có người con là La-hỗ-la, đó là con của Phật. Đấy là chủng tộc Chúng Hứa của đời quá khứ. Nay gặp Phật ra đời, theo Phật xuất gia rõ được sinh tử, dứt được luân hồi, chứng được chân không mà thành Thánh vị.

Lúc ấy sau khi nêu bày những điều đó xong, ngài Đại Mục-kiền-liên liền từ chỗ ngồi đứng lên chắp tay hướng về Đức Phật. Đức Phật bảo:

-Ông hãy về chỗ ngồi. Lành thay! Quý thay! Ông đã vì các Bí-sô mà nói về đời quá khứ của dòng họ Thích khiến các Bí-sô được điều thiện lợi, mãi được an ổn.

Lúc ấy tất cả Thích chúng đều vui mừng, tin tưởng, theo đó thọ trì.

Bấy giờ vua nước Ca-tỳ-la là Tịnh Hạ Hạ Nỗ vương, có đầy đủ đại phước đức, tài sản nhiều vô số, nhân dân đông đúc, đất đai phì nhiêu. Cách nước này không xa có một nước tên là Thiên chỉ thành, vị quốc vương tên là Tô-bát-la-một-đà, rất giàu có, bạc vàng, châu báu đầy khắp nơi. Nhà vua có vị chánh phi tên là Long Nhĩ Nễ, thân sắc đoan nghiêm, đầy đủ tướng tốt. Trong nước ấy có một vị trưởng giả vốn có căn lành, đức hạnh thuần hậu, quyến thuộc đông đảo, kho tàng dồi dào chẳng khác gì vị Tỳ-sa-môn Thiên vương. Ông trưởng giả có một hoa viên, trong đó có đền đài, lầu gác, suối chảy, ao tắm và gồm đủ các loài hoa cỏ chim muôn quý hiếm. Một hôm, vua Tô-bát-la-một-đà cùng chánh phi và quyến thuộc đến vườn hoa của trưởng giả dạo chơi. Vị chánh phi thấy vườn hoa rực rỡ, đẹp đẽ nên sinh lòng rất yêu thích, liền tâu với vua:

-Thiếp muốn có một hoa viên như thế này để dạo chơi.

Vua nói:

-Khu vườn này là của trưởng giả, làm sao ta lấy được, nhưng ta là quốc vương thì cũng tạo được thôi.

Nhà vua liền truyền lệnh xây dựng một ngự uyển có suối, ao, đài quán đẹp đẽ hơn hết, đặt tên là Long-nhĩ-nễ viên. Lúc ấy nhà vua ngày đêm suy nghĩ mong muốn có được một Thái tử, sau có thể làm đến Kim luân vương. Theo điều mong muôn ấy, vị chánh phi bỗng sau đó mang thai, rồi sinh được một người con gái có đủ phước đức trí tuệ, dung mạo đoan trang, nhan sắc diễm lệ nhất thế gian. Mọi người khi nhìn thấy phước tướng ấy đều cho là hy hữu, thậm chí có người còn cho là do vị trời cõi Tỳ-thủ-yết-ma hoặc do Phạm thiên tạo ra. Sau khi công chúa hạ sinh, trong suốt hai mươi mốt ngày, nhà vua luôn mở tiệc mừng công chúa ra đời cùng quần thần và quyến thuộc vui chơi, rồi đặt tên nàng là Ma-da. Công chúa có đến tám vú, thầy tướng cho là quý tướng, sẽ sinh quý tử nối ngôi vua. Sau đó, vua lại có thêm một công chúa, hình tướng cũng đoan chánh bậc nhất thế gian. Lúc công chúa hạ sinh, ánh sáng rực rỡ chiếu khắp thành trì, do đó vua đặt tên là Ma-hạ Ma-da. Thầy tướng cho biết là công chúa về sau sẽ sinh con trai có đủ ba mươi hai tướng, làm đến Kim luân vương. Lúc bấy giờ vua Tô-bát-la-một-đà nghe đồn Thái tử con vua Tịnh Hạ Hạ Nỗ vương là bậc hiền đức liền cử sứ thần đến tâu:

-Tôi có hai công chúa tên Ma-da và Ma-hạ Ma-da. Khi mới sinh thầy tướng đều bảo sau này hai công chửa sẽ sinh con có đủ ba mươi hai tướng, làm đến Kim luân vương.

Vua Tinh Hạ Hạ Nỗ nghe tâu xong bèn nói với Thái tử Tịnh Phạn:

-Vua Tô-bát-la-một-đà muốn gả hai người con gái cho con, sau này sinh con có thể làm đến Kim luân vương.

Rồi vua liền cho năm trăm người họ Thích sang nước kia xin đón dâu.

Bấy giờ ở biên giới có một bộ tộc tên là Bán-nô-phược có ý định xuất lãnh binh tướng chặn đường hiểm yếu để cướp đoạt. Đoàn người họ Thích biết được tin đó, sợ gặp tai họa, bèn tâu lên vua và thỉnh vua ngự giá. Vua bảo:

-Trẫm nay tuổi đã cao, hãy để Thái tử Tịnh Phạn đem quân thảo phạt, nếu chiến thắng trẫm sẽ ban thưởng.

Nói rồi, vua sai tuyển lựa quân lính giao cho Thái tử Tịnh Phạn và chúng họ Thích cùng đi dẹp tộc họ kia để rước dâu về. Công việc xong, họ tâu vua về lời hứa mà vua đã nói. Vua bảo:

-Nay con đã cưới được vợ. Nếu sau này có con phải cố gắng giữ gìn để có người nối ngôi.

Sau khi vua qua đời, quần thần cùng nhau tôn Thái tử Tịnh Phạn lên nối ngôi. Lúc bấy giờ trong nước thịnh vượng, vua và phu nhân cùng các phi tần thường hưởng mọi sự an lạc.

Lúc đó Bồ-tát Thích-ca tại cung trời Đâu-suất muốn thị hiện ở cõi nhân gian, bèn quán sát năm điều: Một là xem nên sinh vào các tầng lớp nào. Ngài nghĩ: “Ta không thể sinh vào các tầng lớp Bà-la-môn, Phệ-xá, Thủ-đà, vì đó không phải là tầng lớp cao thượng. Nếu là tầng lớp Sát-đế-lợi thì Ta có thể sinh vào đó, vì chúng sinh thời ấy thường tôn trọng phú quý, nếu sinh trong tầng lớp thấp kém thì chúng nhân sẽ không tôn kính. Nay vì để nhiếp hóa muôn loài khiến họ trở về nương tựa, Ta nên sinh ra nơi gia đình thuộc tầng lớp Sát-đế-lợi.” Thứ hai là xem xét về quốc độ, Bồ-tát thấy rằng nếu có quốc độ tốt đẹp hơn hết như trù phú, có nhiều thức ngon quý, không xảy ra tranh đấu, dân cư luôn an lạc thì nơi đó Bồ-tát có thể hạ sinh được, như vậy để chúng sinh khỏi cho là Bồ-tát đã trải qua nhiều kiếp tu phạm hạnh, sao lại sinh nơi chốn biên địa. Thứ ba là xem xét về thời gian, Bồ-tát thấy rằng nếu vào thời kiếp tăng, loài người sống đến tám vạn tuổi, nhưng căn trí trì độn, không phải là pháp khí, do đó không nên sinh ra. Vào thời kiếp giảm, chúng hữu tình thọ mạng một trăm tuổi, tuy gần với ngũ trược, nhưng loài người căn tánh lanh lợi, trí tuệ sáng láng, cho nên Bồ-tát sẽ hạ sinh. Thứ tư là xem xét về dòng giống, Bồ-tát thấy Tịnh Phạn vương là dòng Chúng Hứa vương trong thời thành kiếp, trải qua nhiều đời đều là Luân vương, do đó Bồ-tát có thể hạ sinh. Thứ năm là xem xét về người mẹ, Ngài thấy nếu có người nữ nào có trí tuệ thâm diệu, phước đức lớn lao, các tướng đoan nghiêm, giữ giới trong sạch, được chư Phật quá khứ thọ ký thì Bồ-tát có thể chọn làm mẹ. Nay thấy Ma-da phu nhân có đầy đủ những duyên lành ấy lại thuộc dòng hoàng tộc nên có thể được chọn làm mẹ Bồ-tát.

Xem xét những điều kể trên xong, Bồ-tát bèn nói với vua của sáu cõi trời Dục giới:

-Các vị chú ý, Ta nay sẽ sinh xuống cõi Nam thiệm-bộ châu, giáng thần nơi Ma-da phu nhân, các vị hãy rưới mưa cam lộ để Ta hưởng điều vui.

Các vị Thiên tử thưa:

-Ở Nam thiệm-bộ châu có sáu đại ác nhân: Một là lão Ca-diếp, hai là Ma-sa-ca-lê-ngu-bà Tử, ba là Sa-nhạ-dã-vĩ-la-trí Tử, bốn là A-nhĩ-đa-kế-xả-ca-ma-la, năm là Ca-đã-dã, sáu là Nhĩ-nga-la-ngã-đế tử. Nam thiệm-bộ châu lại có sáu phái ngoại đạo lõa hình: Một là Cu-trá-đa-nỗ Bà-la-môn, hai là Tô-lỗ-nỗ-đa-nô Bà-la-môn, ba là Ma-nhi Bà-la-môn, bôn là Phạm Thọ Bà-la-môn, Năm là Bố-sa-ca-la Bà-la-môn, sáu là Lộ-tư-đã Bà-la-môn. Ở Nam thiệm-bộ châu còn có sáu đại lực sĩ: Một là Ô-nại-la-củ-la-ma Tử, hai là A-la-nã, ba là Ca- loại-ma, bốn là Tô-bạt-nại-la, năm là Ba-lí-một-la-nhạ-ca, sáu là Tán-da-ma-nô-phược-ca. Đó là mười tám hạng chúng sinh khó điều phục.

Thuở ấy, trong nhân gian có một vị tiên, tuổi đã già tên là Ô-lư-vĩ Ca-diếp, thầm nghĩ: “Chính ở cõi nước trải rộng tới mười hai do-tuần là đất có nhiều phước đức, đúng là nơi Bồ-tát ngự đến thuyết pháp. Ước mong Bồ-tát hãy sớm xuống nhân gian vì ta mà nói pháp, khiến ta được nhiều lợi ích lâu dài.”

Bấy giờ Bồ-tát nói với vua cõi trời Đâu-suất:

-Ông nay hãy vì Ta mà tấu tất cả các loại nhạc khí.

Chư Thiên bèn cử tấu âm nhạc, còn Bồ-tát thì thổi đại Pháp loa, tiếng loa cao xa hơn cả thiên nhạc, do đó mười tám hạng hữu tình khó điều phục ở Nam thiệm-bộ châu sẽ được Bồ-tát dùng biện tài vô ngại hàng phục cũng như trên, Bồ-tát liền nói kệ:

Sư tử gầm lên muôn thú hãi

Một chày kim cang đỉnh núi tan

Vô số Tu-la đều theo phục

Vầng dương chiếu phá trừ tối tăm.

Lúc đó vua sáu cõi trời thuộc Dục giới và trời Đế Thích xem thấy Bồ-tát cưỡi voi trắng sáu ngà từ trời Đâu-suất đi vào bụng Ma-da phu nhân, liền rưới cam lộ hộ trì làm cho thân Ma-da phu nhân thanh tịnh an ổn, rồi nói kệ:

Ta xem Bồ-tát giáng cõi trần

Cung vua Cam Giá, chốn thọ sinh

Lợi ích hữu tình, tròn nguyện ước

Như vầng dương hiện phóng quang minh.

    Xem thêm:

  • Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết – Thích Huệ Hưng dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Giáo Hóa Phạm Chí A Bạt - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 138 – Kinh Tổng Thuyết Và Biệt Thuyết (Uddesavibhanga sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh A Hàm Chính Hạnh - Kinh Tạng
  • Kinh Tám Bộ Danh Hiệu của Chư Phật - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Phật Mẫu Xuất Sinh Tam Pháp Tạng Bát Nhã Ba La Mật Đa - Kinh Tạng
  • Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết – HT Thích Tuệ Sỹ dịch - Kinh Tạng
  • Truyền Tâm Pháp Yếu Của Thiền Sư Hoàng Bá - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Di Lặc Hạ Sanh Thành Phật – Thích Nữ Như Phúc dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Vị Tằng Hữu Thuyết Nhân Duyên - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Quán Di Lặc Bồ Tát Hạ Sanh – Thích Nữ Như Phúc dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Đẳng Đại Tập Hiền Hộ Bồ Tát – Thích Hằng Đạt dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết – Đoàn Trung Còn & Nguyễn Minh Tiến dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Vị Tằng Hữu - Kinh Tạng
  • Bích Nham Lục Của Thiền Sư Phật Quả Viên Ngộ – Thích Thanh Từ dịch - Kinh Tạng
  • Phật Thuyết Công Đức Của Tu Lại - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Ha Điêu A Na Hàm - Kinh Tạng
  • Kinh Phạm Thiên Trì Tâm Thưa Hỏi - Kinh Tạng
  • Bích Nham Lục Của Thiền Sư Phật Quả Viên Ngộ – Thích Mãn Giác dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Quỷ Hỏi Mục Liên - Kinh Tạng