Quyển 6
Bấy giờ Bồ-tất tìm đến nơi tu của đạo sĩ A-la-noa Ca-la-ma để tham học. Tới nơi, Bồ-tát chắp tay cung kính hỏi:
-Con đường tu hành của ngài có ý nghĩa như thế nào?
A-la-noa Ca-la-ma đáp:
-Ta thường tinh tấn tu tập định tuệ, thông đạt đến cảnh định Hữu tưởng thiên, người chưa biết sao?
Bồ-tát tự nghĩ: “Trí tuệ mà La-ma đã đạt được, tâm đạt đến cảnh định Hữu tưởng thiên, quả thật không dối. Với trình độ ấy Ta cũng có thể đạt được.” Nghĩ rồi, Bồ-tát liền nhập thiền định, chỉ trong chốc lát liền đạt trí tuệ thiền định như vị đạo sĩ kia và báo chỗ sở đắc của mình với đạo sĩ.
Đạo sĩ La-ma quan sát thấy đúng như thế, vô cùng kính phục, xem Bồ-tát như bậc thầy và dâng hoa quý, quả ngon để cúng dường Bồ-tát. Lúc đó Bồ-tát lại suy nghĩ: “Pháp tu này chưa đạt đến chỗ rốt ráo, không phải là chánh đạo.” Nghĩ vậy, Ngài liền từ giã ra đi đến tham học với một vị thầy khác là Ô-nại-la Ca-la-ma tử. Đến nơi, Ngài đảnh lễ rồi chắp tay hỏi vị đạo sĩ:
-Chỗ đạt đạo của ngài có ý nghĩa như thế nào?
Đạo sĩ Ô-nại-la Ca-la-ma đáp:
-Ta nhiều năm tinh tấn tu tập trí tuệ, đã từ lâu đạt đến cảnh định Phi phi tưởng. Người không biết sao?
Bồ-tát nghe nói liền quan sát thấy chỗ sở đắc của vị Tiên nhân là đúng sự thật, rồi tự nghĩ: “Với trình độ ấy sao Ta chưa đạt được?” Nghĩ như thế một lúc, Ngài liền đạt trình độ như vị đạo sĩ kia, liền nói với vị đạo sĩ ấy:
-Chỗ người chứng đắc tôi cũng đã đạt được.
Đạo sĩ Ô-nại-la Ca-la-ma lòng chưa tin tưởng, liền lắng lòng quan sát, thấy đúng sự thật, không sai nên vô cùng tôn kính, phụng sự hơn cả bậc thầy. Bồ-tát lại suy nghĩ: “Con đường tu hành này cũng chưa phải là cứu cánh, không phải là con đường giác ngộ thật sự. Ta cần rời nơi đây để tìm con đường tu tập khác.”
Bấy giờ ở vương cung, vua Tịnh Phạn nhớ Thái tử, không biết Thái tử hiện ở nơi đâu, nên rất buồn khổ. Có vị đại thần tâu:
-Hiện nay Thái tử đã rời thành Vương xá đến chỗ đạo sĩ Ô-nại- la Ca-la-ma, một thân một mình siêng năng tu tập đạo pháp.
Nghe thế vua càng thương xót, liền sai ba trăm người trong hàng thân quyến tìm đến nơi để hầu hạ Thái tử. Vua Tô-bát-la-một-đà ở thành Thiên chỉ cũng sai hai trăm người đi tới nơi ấy để theo hầu Thái tử. Năm trăm người đó đến nơi đều cung kính cúi lạy Thái tử rồi đi vòng quanh mà chiêm ngưỡng Ngài.
Bồ-tát suy nghĩ: “Ta rời bỏ vương cung, vào núi rừng thanh vắng là để dốc tâm chí tu tập tìm cầu đạo giải thoát. Nay có nhiều người ngày đêm ồn ào, phiền nhiễu làm tổn hại đạo tâm, vậy Ta chỉ lưu lại năm người thân trong dòng họ, còn thì cho về.” Bồ-tát lập tức dẫn năm người thân thuộc ấy đến vùng của Tiên nhân Nga-da gọi là Ô-lỗ-vĩ-loa-tây-nẩng-dã-nê. Nhìn thấy gần đó có một khu vực thanh vắng và gần sông Ni-liên có một khu rừng, đất đai bằng phẳng, cây cối rậm rạp mát mẻ, thật là một thánh địa, Bồ-tát nói với năm người đi theo:
-Này các thiện nam, nếu người nào ở đây tu tập phạm hạnh mà chưa chứng Niết-bàn thì không lâu sẽ chứng. Ta nay dừng ở đây để tu tập đạo Vô thượng.
Nói xong, Bồ-tát chọn một bóng cây ngồi kiết già tu tập thiền định bằng cách ngậm miệng, cắn răng, lưỡi đưa sát lên vòm họng, giữ tâm vắng lặng như cầm một vật trên tay không để cho vuột mất. Trong một thời gian thì mồ hôi chảy ra ở những lỗ chân lông, nhưng vẫn tinh tấn không lùi, tâm luôn tịch tĩnh tập trung tinh thần, hướng về tâm vô lậu nhưng tâm vô lậu vẫn không khởi lên. Tiếp đến Bồ-tát lại tu pháp biệt quán: Ngồi kiết già, ngậm miệng, khép mắt, để lưỡi sát vòm họng trên, nín thở không để hơi thở thoát ra ngoài. Một hồi lâu sau khí dồn lên đầu làm cho đầu rất đau đớn như có dùi đâm vào não, chịu khổ não vô cùng nhưng tâm Ngài vẫn vững vàng, không loạn động, sức tinh tấn càng bền chắc, chuyên chú nhất tâm hướng vào định niệm trong hiện tại nhưng tâm vô lậu vẫn không hiện ra. Khí trong thân của Ngài dần dần vận động, từ đỉnh đầu xuống hai lỗ tai, sự đau đớn lại tăng lên gấp bội như thể nỗi khổ trong địa ngục. Lúc ấy Bồ-tát vẫn giữ tâm kiên cố, không tán loạn, tự sách tấn quyết chí giữ vững chánh định một lòng quyết phá phiền não nhưng cũng không đạt được. Bồ-tát chuyển qua nín thở hoàn toàn, không còn thấy, nghe, quên tất cả cảnh bên ngoài, hơi chứa trong tạng phủ vận chuyển khắp toàn thân, đau khổ cùng cực không gì sánh bằng. Tâm Bồ-tát lúc ấy vẫn không loạn động, kiên định tinh tấn, tập trung tinh thần phá trừ phiền não, nhưng vẫn không đạt được.
Sau khi đã tu tập như thế, Bồ-tát tự nghĩ: “Từ nay về sau Ta sẽ dứt luôn việc ăn uống.” Lúc ấy có vị Thiên tử biết được, liền thưa với Bồ-tát:
-Trong lỗ chân lông của thân tôi có thức ăn quý báu xin được cúng dường cho Ngài.
Bồ-tát trả lời:
-Thức ăn của Ta không phải là những vị cay nồng, thức ăn từ thân ngươi không phải là thức ăn thanh tịnh, nếu ăn vào sẽ đọa địa ngục. Các Thiên tử nếu dùng các loại gạo, đậu đem đến thì Ta nhận.
Các Thiên tử y theo lời dạy đem các thứ ngũ cốc làm thức ăn cho Bồ-tát. Lúc ấy thân Bồ-tát gầy ốm, dung nhan tiều tụy, nhưng tâm vẫn không khổ não, không thoái lui mà tinh cần tu tập, chuyên chú nhất tâm diệt trừ phiền não, nhưng cũng không đạt được giải thoát.
Bồ-tát lại giảm khẩu phần ăn, thân thể càng gầy ốm, hai mắt lõm sâu vào như hai lỗ giếng sâu thẳm nhưng tâm Bồ-tát không khổ não, không thoái lui, an trú tâm trong định, chuyên chú diệt trừ phiền não nhưng vẫn không đạt được giải thoát. Bồ-tát lại giảm khẩu phần ăn lần nữa, ăn ít đến mức mỗi ngày chỉ ăn một hạt đậu, hoặc một hạt mè, hoặc một hạt gạo, hay một hạt lúa mạch. Do ăn như thế nên sức lực của Ngài càng thêm suy yếu, đi đứng thường hay vấp ngã, tu tập đến thế nhưng vẫn chưa đạt đạo.
Bấy giờ Bồ-tát suy nghĩ: “Lối tu khổ hạnh này không phải là lối tu chân chính, không đạt đến giải thoát rốt ráo.” Khi ấy có ba vị Thiên tử đến trước Bồ-tát, nhận thấy hình dạng của Ngài gầy ốm và biến đổi quá nhiều, nên mỗi vị thuật lại dung mạo của Bồ-tát khác nhau. Vị thì nói sắc thân Bồ-tát màu đen, vị thì bảo màu xanh tím. Bồ-tát nghe thế liền suy nghĩ: “Ta ở đây tu tập đủ các loại khổ hạnh đến nỗi dung mạo biến đổi mà cuối cùng vẫn không đạt đạo. Nếu muốn đạt Chánh giác thì vì sao Ta lại phải tiết thực, khổ hạnh? Người tương ứng với chánh kiến là người với mọi pháp dù thủ hay xả đều có thể viễn ly, đó mới là giác ngộ thật sự, cứu cánh thật sự, ví như củi ướt, bên ngoài có vẽ tươi, nhưng hễ gặp lửa chắc sẽ bốc cháy. Lại như ở nơi gia đình Bà-la-môn, tuy sống trong dục lạc mà tâm không tham đắm cũng được giải thoát. Ta nay cũng vậy, cứ đùng chánh pháp mà tu tập khổng đắm say, chấp trước thì sẽ chứng đạo Bồ-đề.”
Bấy giờ vua Tịnh Phạn nghe tin Thái tử tu khổ hạnh trong rừng, mỗi ngày chỉ ăn một hạt gạo, một hạt mè…để cầu đạo Bồ-đề thì xót xa than khóc và cùng với vua Tô-bát-la-một-đà, mỗi vị gởi đến hai trăm năm mươi người để hầu Thái tử. Biết công chúa Da-du-đà-la đang có thai, vua liền chỉ dụ cho các cung nhân quyến thuộc không được cho công chúa biết việc Thái tử tu hành khổ hạnh, sợ công chúa lo nghĩ mà hại đến thai nhi.
Lúc bấy giờ Thái tử đến rừng Thi-đà nằm nghiêng người bên phải, gối đầu lên tử thi, hai chân xếp chồng lên nhau, suy nghĩ người thế gian sống trong cảnh hữu vi, sinh diệt ở thế gian như đàn kiến bò quanh vô tận. Sau khi tư duy như thế xong, Bồ-tát ngồi dậy, nhập vào chánh định. Lúc ấy có đám trẻ con nam, nữ đi vào khu rừng, nhìn thấy Bồ-tát đang ngồi khép mắt bất động, chúng liền lấy cành cây chọc vào hai lỗ tai Bồ-tát rồi nói với nhau:
-Đây là than đất, không nên đến gần.
Nói xong chúng dùng cát đất ném vào Bồ-tát rồi kéo nhau đi. Được một thời gian, Bồ-tát xuất định, nhưng vẫn giữ chánh niệm, thân tâm bất động, tư duy: “Phương pháp tu này cũng không phải là chân chánh, không đưa đến đạo Vô thượng. Nhớ lại xưa kia khi còn làm Thái tử, Ta đã từng rời hoàng cung đến ngồi tham thiền dưới bóng cây Thiệm-bộ nhập chánh định, tâm Ta lúc ấy thanh tịnh, xa những tội lỗi, không có các nhơ xấu, xuất hiện căn lành, tu hành như thế nhất định sẽ đạt được đạo quả.” Tư duy xong, Bồ-tát muốn đứng dậy đi tới, nhưng sức lực suy kiệt không đứng dậy được, liền ăn uống trở lại, lấy dầu thoa lên thân, rồi tắm rửa ngủ nghỉ để làm cho thân thể phục hồi sức lực.
Lúc ấy năm người theo hầu nói với nhau:
-Trước kia Thái tử rời khỏi thành, bỏ ngôi Luân vương vào rừng nhiều năm khổ hạnh, đạo quả sắp thành, nhưng ý chí không vững vàng nên nay đã phóng túng ăn uống trở lại, xoa dầu, tắm rửa, ngủ nghỉ, đánh mất công phu tu tập như thế làm sao gọi là xuất ly được? Chúng ta ở đây chỉ tốn công vô ích. Nơi vườn Lộc dã tại thành Ba-la-nại thường có các vị Thánh La-hán đến ở, chúng ta nên đến đó mà cầu đạo quả.
Lúc đó Thái tử xuống sông Ni-liên để tắm nhưng vì sức lực quá yếu nên không lên được, may vin vào một cành cây gần bờ để leo lên. Sau đó Ngài đi đến thôn Tây-nẵng-dã-nhĩ. Trong thôn có hai cô gái tên Nan-na và Nan-na-mạt-la, thân tướng đoan chính, có lòng thương người nghe mọi người đồn nên biết được có vị Thái tử ở thành Ca-tỳ-la, đang tu tập phạm hạnh bên bờ sông Bà-nghi-la-để, dưới chân rặng núi Tuyết, có đủ ba mươi hai tướng tốt, phước đức trang nghiêm, nên sinh tâm vui mừng, mong muốn được kết duyên cùng Thái tử, nên lập hạnh bố thí, tu phước để được như nguyện ước.
Khi đó cô gái nghe nói trên bờ sông Ni-liên có vị Tiên nhân tu khổ hạnh, bèn phát tâm muốn dâng cúng cháo sữa. Nàng liền chia đàn bò một ngàn con ra làm hai, lấy sữa của năm trăm con này cho năm trăm con kia uống. Lại chia năm trăm con ấy ra làm hai đàn rồi lấy sữa của hai trăm năm mươi con này cho hai trăm năm mươi con kia uống… Cứ như thế, cho đến lúc chỉ còn tám con, sữa của tám con bò ấy trở nên ngon béo vô cùng. Nàng lại dùng chiếc nồi bằng pha lê để nấu món cháo sữa. Khi ấy trên mặt nồi cháo sữa bỗng hiện lên hình bánh xe ngàn tăm có hoa văn như chữ vạn. Có người trông thấy thế liền thầm nghĩ: “Ai ăn được cháo này sẽ nhanh chóng đạt đạo quả Vô thượng Bồ-đề”, nên bảo với nàng thiếu nữ:
-Tôi nay đang đói khát, nàng hãy cho tôi ăn món cháo sữa ấy.
Thiếu nữ đáp:
-Tôi làm món ăn này để cúng cho vị Tiên nhân đang tu khổ hạnh chứ không phải cho anh.
Lúc ấy vua trời Đế Thích hóa thân thành một vị Bà-la-môn đến trước mặt thiếu nữ, cô gái muốn đem sữa ấy dâng cho vị Bà-la-môn. Vị Bà-la-môn nói:
-Tôi không dám nhận. Gần đây có vị đại nhân chủ của thế gian, nàng nên đem cúng dường cho vị ấy.
Cô gái hỏi:
-Ai là vị chủ của thế gian?
Vị Bà-la-môn đáp:
-Đi cách đây không xa, có vị Đại Phạm thiên.
Cô gái bèn đem dâng cho vị Đại Phạm thiên. Vị Đại phạm Thiên vương nói:
-Tôi không dám nhận, có vị Tịnh quang Thiên vương cao quý, nàng nên đến cúng dường cho vị đó.
Thiếu nữ lại đem món cháo sữa đến dâng lên vị Tịnh quang Thiên tử, nhưng vị ấy liền nói:
-Ta không dám nhận. Nay có vị Bồ-tát tắm ở sông Ni-liên sức lực suy yếu phải vịn tay vào cành cây để lên bờ. Vị ấy khoác áo ca-sa sắp thành Phật quả. Nếu nàng cúng dường sẽ được phước đức lớn.
Thiếu nữ vâng lời, đem bát cháo sữa đến thành tâm hiến cúng cho Bồ-tát. Bồ-tát lặng yên thọ thực. Sau khi dùng xong, Ngài ném chiếc bát xuống sông Ni-liên. Long vương liền hiện lên muốn lấy chiếc bát, Đế Thích liền hóa thân thành Kim sí điểu, rồng sợ liền rút lui. Đế Thích lấy bát đem về để ở cung trời Đao-lợi xây tháp cúng dường.
Bấy giờ Bồ-tát hỏi hai thiếu nữ:
-Hai nàng cúng món cháo sữa này là muốn cầu điều gì?
Hai cô gái thưa:
-Chúng con nghe nói vua Tịnh Phạn ở thành Ca-tỳ-la có vị Thái tử thân tướng đoan nghiêm, sẽ là bậc Chuyển luân vương nên muốn kết duyên với Thái tử.
Bồ-tát nói:
-Thái tử ấy là người tu phạm hạnh, vắng lặng, xa lìa tham dục có tên là Nhất Thiết Nghĩa Thành, không lâu nữa sẽ đắc đạo Bồ-đề, làm sao lại có thể kết duyên với cô được?
Thiếu nữ nghe xong, đứng lặng yên, không nói. Bồ-tát bèn leo lên một tảng đá cao, dự tính sẽ nằm một mình giữa rừng cây, vừa ngồi xuống trong giây lát thì tảng đá đó bị sụp lở, Bồ-tát ngạc nhiên không biết do đâu.
Lúc ấy vua trời Tịnh Quang thưa với Bồ-tát:
-Nay Ngài muôn hạnh đã vẹn toàn, sắp thành tựu tứ trí. Nơi đây phước mỏng, không kham nổi đối với thành tựu to lớn ấy. Cách đây không xa có tòa Kim cang là nơi ba đời chư Phật đều thành Chánh giác.
Bồ-tát liền đến nơi vua trời đã chỉ. Mỗi bước đi của Bồ-tát đều nở hoa sen, sóng biển sôi động, đại địa rung chuyển gây nên âm thanh như tiếng chuông. Bồ-tát thong thả bước đến một hang lớn. Trong hang có một con rồng đen bị mù, vì nghe đất rung, sóng dậy liền ra khỏi hang, đôi mắt bỗng sáng trở lại, trông thấy Bồ-tát thân tướng đoan nghiêm, ánh sáng như mặt trời, rất vui mừng, chiêm ngưỡng và nói kệ:
Đất rung sóng dậy tiếng vang lừng
Ta nghe liền rời khỏi hang sâu
Mắt chợt sáng bừng thấy thân Phật
Hết lòng chiêm ngưỡng, thật vui mừng.
Rồng lại thưa với Bồ-tát:
-Nhớ lại thuở xưa khi Phật ra đời thì hai mắt tôi được sáng ra để thấy được Đức Phật ấy. Nay cũng như thế, đôi mắt sáng ra liền thấy thân tướng của Phật.
Bèn nói kệ:
Xưa con nhờ uy đức của Phật
Khiến con thấy được thân tướng tốt
Biết gặp Đấng Mâu-ni thành đạo
Ngắm thân tướng Ngài cũng như xưa.
Bấy giờ Bồ-tát muốn đến chỗ tòa Kim cang, bèn cất chân phải bước đi oai vệ như Ngưu vương, thân vững vàng như núi báu, ca-sa không lay động, tâm rộng như hư không, mặt rực rỡ như trăng rằm, hào quang chiếu khắp chứa đại pháp dược, các loài chim quý, thú hiếm di chuyển theo phía phải vòng quanh Bồ-tát. Đại thể có đến mười điềm lành như vậy.
Lúc ấy Bồ-tát nghĩ: “Ta nên lấy cỏ cát tường trải trên tòa Kim cang.” Vua trời Đế Thích hiểu rõ ý Bồ-tát, liền hóa thân đến núi Hương túy lấy cỏ Cát tường, loại cỏ này rất mềm mại như hoa Đâu-la-miên đem về trải lên tòa Kim cang.
Bồ-tát ngồi kiết già trên tòa Kim cang ấy, phát thệ nguyện:
-Ta sẽ không đứng dậy rời khỏi tòa ngồi này nếu không diệt hết phiền não.
Phát thệ xong, Bồ-tát thu nhiếp tâm ý nhập vào chánh định.
Bấy giờ trong cung Ma vương có hai lá cờ: Một lá tên là Hỉ tướng, lá kia là Nghi tướng, hễ lá cờ nào lay động là có điềm báo tương ứng. Lúc ấy lá cờ Nghi tướng bỗng nhiên lay động. Ma vương kinh hãi, nghi ngờ có việc chẳng lành nên liền quan sát biết rằng Thái tử Tất-đạt-đa, con vua Tịnh Phạn đang ngồi nơi tòa Kim cang mà cầu chứng đạo quả Vô thượng giác. Ma Ba-tuần liền sinh tâm ganh ghét, hóa thân thành người đưa thư của vua Tịnh Phạn đến cho Thái tử. Người ấy đến trước Bồ-tát hỏi thăm:
-Sao Thái tử ở gần đây mà lâu quá không về thăm? Nơi triều đình, Đề-bà-đạt-đa đã vào cung Thái tử ngang tàng làm điều phi pháp, lại sát hại nhiều người trong họ Thích.
Bồ-tát nghe qua, trong lòng chợt khởi sinh ba ý niệm bất thiện. Đó là nghĩ đến việc dâm dục, việc người thân bị giết hại, từ đó nổi lên giận dữ, nhưng vì biết là Ma vương đánh lừa nên chuyển thành ba ý niệm thiện là lìa dục, không nghĩ tới việc sát hại và dứt hẳn sân hận. Ma vương hỏi:
-Ngài ngồi dưới cội Bồ-đề để làm gì?
Bồ-tát đáp:
-Ta cầu đạt Vô thượng trí.
Ma vương lại nói:
-Làm sao Ngài đạt được trí tuệ vô thượng ấy?
Bồ-tát bảo:
-Ngươi là kẻ ma đạo có nhiều tội chướng. Giả sử có người Bà-la-môn vâng chịu bố thí hãy còn có được quả báo tự tại, huống chi Ta đã trải qua ba đại a-tăng-kỳ kiếp, xả bỏ vô số trăm ngàn na-do-tha vạn ức đầu, mắt, tủy, não, thành trì, vợ con, vàng bạc, châu báu để bố thí, làm lợi ích cho chúng sinh để cầu vô thượng trí, sao lại không đạt được?
Ma vương nói:
-Ta tạo cho nhóm người Bà-la-môn được giàu sang tự tại, người có thể làm chứng cho ta được, còn người nói trải qua ba đại a-tăng-kỳ kiếp bố thí đầu, mắt… thì lấy ai làm chứng?
Nghe thế Bồ-tát liền đưa bàn tay phải kỳ diệu kết ấn vô úy chạm vào mặt đất và nói:
-Hãy vì Ta mà làm chứng.
Ngay lập tức, các vị địa thần từ đất vọt lên, chắp tay đồng nói lớn:
-Này Ma vương, Đức Thế Tôn của chúng ta từ xưa đã trải qua ba đại a-tăng-kỳ kiếp dùng vô số trăm ngàn na-do-tha câu-chi đầu, mắt, não, tủy, thành quách, vợ con, vàng bạc châu báu làm lợi ích cho chúng sinh để cầu Vô thượng trí, đó là điều chân thật, không hư dối. Ma chúng các ngươi chớ có nghi ngờ.
Ma vương nghe lời ấy, trong lòng sợ hãi, yên lặng suy nghĩ: “Nếu Bồ-tát đắc đạo chắc sẽ xâm chiếm cảnh giới của ta, đoạt lấy hết uy quang của ta.” Nghĩ thế rồi y quay về ma cung để nghĩ ra kế độc ác khác.
Ma vương bèn biến ra ba nàng con gái, thân tướng xinh đẹp đến trước Bồ-tát, dáng bộ dịu dàng uyển chuyển, giả vờ chiêm ngưỡng Bồ-tát để mong làm mê loạn Ngài. Bồ-tát liền dùng thần lực biến chúng thành những bà già tóc bạc, da mặt nhăn nheo, xấu xí vô cùng, rồi dùng gương cho soi, chúng quá xấu hổ nên biến mất.
Ma vương thấy không thành công trong việc quấy phá Bồ-tát nên rất tức giận, liền thống lãnh ba mươi sáu ức binh tướng quỷ mị, thân mặc giáp, tay cầm đủ loại binh khí, kéo theo cả những thú dữ như rồng độc, voi, ngựa, hổ, báo… rồi còn làm sấm chớp, mưa đá bốn phía vây phủ nhằm nhiễu hại Bồ-tát. Bồ-tát thấy thế càng thương xót cho sự mê muội của Ma quân, tâm Ngài nhập định, khởi lên niệm từ bi. Lúc ấy vị Thiên tử Tịnh Quang ở trên hư không biến ra cây lọng thật to bao trùm bầu trời để che đỡ các thứ mưa đá, cung tên, gậy gộc… và những thứ ấy đều biến thành các loại hoa trời, như hoa Ưu-bát-la, Bát-nạp-ma, Câu-mẫu-na và hoa Bôn-trà-lợi, tất cả đều tung bay quanh tòa Kim cang như để cúng dường Bồ-tát.
Bấy giờ Bồ-tát từ trong chánh định vận thần thông hợp nhiều thành một, biến một thành nhiều, bay lên không trung đi đứng ngồi nằm, thân trên hóa nước, thân dưới hóa lửa, đi trên nước như đi trên đất bằng… Sau khi đã biến hiện xong, Bồ-tát quan sát chúng ma thấy còn nhiều tà kiến, nghi hoặc, tham dục, oán giận, ngu si và thấy các loài hữu tình có người ly dục lại có kẻ say đắm dục, có người có tưởng lại có kẻ không có tưởng… dẫn đến chỗ phân biệt giải thoát và phi giải thoát; tất cả những pháp ấy Bồ-tát đều thấu hiểu rõ ràng. Bồ-tát lại dùng Túc mạng thông quan sát xem cha mẹ của Ma vương và của chúng hữu tình trong quá khứ, từ một kiếp, hai kiếp, trăm kiếp, ngàn kiếp cho đến vô số kiếp, rồi đến thế giới, cõi nước, tộc họ quyến thuộc giàu sang hay nghèo hèn, sống lâu hay chết yểu, sau khi chết sinh đến nơi nào, đều biết rõ ràng tường tận.
Xong Bồ-tát lại dùng Thiên nhãn xem ở đời vị lai của Ma vương và chúng hữu tình sẽ sinh vào cõi nào, việc nhân quả và sống chết, nghiệp thiện và bất thiện của thân, khẩu, ý đưa đến hậu quả xấu, tốt, cuối cùng thế nào cũng đều hiểu rõ.
Ngài lại tư duy về ba cõi Dục giới, sắc giới và Vô sắc giới và về hành tướng của tứ đế Khổ, Tập, Diệt, Đạo, hoặc nhiễm hoặc tịnh, phân biệt các loại hoặc phiền não như Câu sinh hoặc, Căn bản hoặc, Tùy hoặc. Suy nghĩ như thế xong, trí tuệ vô lậu liền hiện ra, lìa bỏ nhận thức nhị kiến, Bồ-tát chứng thành Bậc Vô Thượng Giác. Lúc ấy chúng ma đều tan rã, thoái lui nhưng Ma vương lại đến nói dối vua Tịnh Phạn:
-Thái tử Tất-đạt-đa đã qua đời trên tòa Kim cang.
Nghe tin, vua và thân quyến vô cùng đau buồn, than khóc đến nỗi nhiều người ngã ra đất hôn mê. Bấy giờ có vị trời nói cho vua biết là Thái tử đã thành Bậc Vô Thượng Bồ-đề, vua nghe tin ấy liền vui mừng vô cùng. Vừa lúc đó, có quan vào tâu:
-Cam Lộ Phạn vương vừa có được người con mới sinh, công chúa Da-du-đà-la cũng vừa sinh được một người con trai.
Được tin, vua cùng quyến thuộc vô cùng phấn khởi. Vua Tịnh Phạn truyền lệnh dọn dẹp sửa sang đường sá, treo tràng phan cùng chuỗi quý, ở bốn cửa thành đều bày vàng bạc cùng nhiều loại đồ vật quý báu để cúng cho các Sa-môn, Bà-la-môn, các khất sĩ ngoại đạo để cầu phước.
Lúc con của Cam Lộ vương sinh ra, ai cũng vui mừng nên đặt tên là A-nan-đà. Công chúa Da-du-đà-la khi sinh con gặp lúc nguyệt thực nên có tên là La-hộ-la. Vua Tịnh Phạn bảo:
-Con của Da-du-đà-la không phải là dòng giống của Phật.
Công chúa nghe được trong lòng phiền muộn. Khi ấy ở bờ ao sau cung vua có một tảng đá tên Bồ-tát thạch, một hôm La-hộ-la đến ngồi chơi trên đó, công chúa nhìn thấy liền bảo:
-Nếu La-hộ-la đúng là con của Thái tử Tất-đạt-đa thì nguyện cho tảng đá sẽ không chìm, còn nếu không phải là con của Thái tử thì tảng đá sẽ chìm.
Phát lời nguyện xong, công chúa liền đẩy tảng đá luôn cả La-hộ-la đang ngồi chơi trên ấy xuống ao, nhưng tảng đá vẫn nổi trên nước, La-hộ-la vẫn chơi đùa một cách tự nhiên.
Bấy giờ vua và quyến thuộc thấy được cảnh ấy, ai cũng vui mừng ngạc nhiên, cho là điều chưa từng thấy. Lúc ấy đại địa chấn động, ánh sáng chiếu khắp đến tận các nơi tối tăm khiến các loài hữu tình ở đấy trông thấy nhau và đều cung kính cúi đầu đảnh lễ.