Kinh Phật Thuyết Lô Chí Trưởng Giả Nhân Duyên

Lô Chí Trưởng Giả Nhơn Duyên Kinh

Thất dịch

Bản Việt dịch của Thích Nữ Huệ Thanh

***

Phật dạy:

– Nếu người tham lam, bỏn xẻn thì bị trời người khinh rẻ. Do đó, người trí nên bố thí. Vì sao? – Vì Ta từng nghe:

Xưa kia có đại trưởng giả tên là Lô Chí. Nhà rất giàu có, tài sản vô lượng, kho tàng đầy dẫy như vua Tỳ-sa-môn. Do thuở xưa gieo nhân phước điền bố thí lớn nên được phước báo này. Nhưng khi bố thí không có tâm chí thành, do đó tuy được giàu có mà tâm ý hèn hạ; mặc quần áo dơ bẩn, không sạch, ăn cơm độn, gạo lúa xấu đắng, rau cỏ sơ sài để no lòng; uống nước thiu, nước lạnh để trị bệnh khát; đi xe cũ mục, lấy lá cỏ làm tán xe; đối với tài sản của mình rất là keo kiệt, khổ nhọc tinh thần, chăm lo giữ gìn của cải mệt mỏi, cực khổ cũng như đầy tớ, bị mọi người chê cười.

Bấy giờ, La Hầu La nói kệ:

– Do bố thí không đồng

Nên quả báo sai khác

Bố thí với tâm thành

Tâm ý được thoải mái

Nếu không lòng kính trọng

Quả bố thí không sạch

Lô Chí tuy rất giàu

Bị khinh rẻ chê cười.

Lại nữa, vào một thời trong thành có lễ hội, nhà cửa được trang hoàng, vẽ vời rất đẹp; treo cờ, lọng, lụa là, lưu ly trang sức khắp nơi, treo các giỏ hoa, rưới nước thơm dưới ao và rải các loài hoa thơm, đẹp. Các cửa lớn, cửa nhỏ, cửa sổ đều có hoa trang trí. Lại có các thứ kỹ nhạc ca múa, vui chơi, hưởng lạc như các cung trời. Trong các cửa lớn đều đặt bình vàng đựng đầy nước thơm. Trong các hẻm nhỏ đều treo cờ lọng, lụa là, rải các loại hoa thơm đẹp, rưới nước thơm dưới đất.

Bấy giờ, thấy nhân dân người người hợp lại, cùng nhau vui chơi nhảy múa rất vui vẻ, Lô Chí liền nghĩ: “Những tôi tớ xin ăn hèn hạ đều mượn y phục, ăn những thức ăn ngon. Ta thì y phục, anh lạc, của báu đầy đủ, cớ sao lại không vui chơi?”.

Lô Chí liền đi mau về nhà, lấy chìa khóa mở cửa kho, lấy năm quan tiền rồi khóa cửa lại, liền suy nghĩ: “Nếu ở nhà ăn, có mẹ, vợ, thân thuộc thì sẽ không đủ. Nếu đến nhà người khác hoặc là người chủ, người xin ăn sẽ đến xin ta”.

Lúc đó, Lô Chí dùng hai quan tiền mua bánh, hai quan tiền mua rượu, một quan tiền mua hành, lấy vạt áo bọc muối, từ trong nhà ra ngoài thành, đến dưới gốc cây. Đến nơi, thấy có nhiều quạ, ông ta nghĩ: “Nếu ngồi ở đây, quạ sẽ đến rỉa ăn”.

Nghĩ vậy, ông ta liền đi đến gò cao, thấy có nhiều chó lại càng chạy xa, đến chỗ vắng vẻ, lấy muối bỏ vào rượu, ăn bánh với hành. Trước đây chưa từng uống rượu nên ông ta rất say. Say sưa rồi, ông ta nói:

– Bây giờ cả nước đều vui vẻ, ta sao lại một mình không vui?

Lô Chí liền đứng dậy nhảy múa, ca hát rằng:

– Dẫu làm Đế Thích

Ngày nay vui chơi

Còn không bằng ta

Huống Tỳ-sa-môn?!

Lại nói:

– Nay gặp lễ hội, tha hồ uống rượu, rất vui; còn hơn Tỳ-sa-môn, cũng hơn trời Đế Thích.

Khi ấy, Thích Đề Hoàn Nhân cùng vô số thiên chúng muốn đến vườn Kỳ Hoàn. Đi giữa đường, gặp Lô Chí đã say sưa, múa men, lại ca hát, nói hơn trời Đế Thích.

Đế Thích suy nghĩ: “Kẻ tham lam bỏn xẻn này ở chỗ vắng, uống rượu mạ nhục ta”.

Lại nghĩ: “Ta chớ nên đến chỗ Phật, mà trước hết nên quấy rối kẻ kia”.

Đế Thích liền biến hóa thân mình giống như Lô Chí, đi đến nhà ông ta. Đến nơi nhóm họp cha mẹ, tôi tớ, quyến thuộc, ngồi ở trước mẹ, thưa:

– Xin mẹ nghe lời con nói. Từ trước đến nay, có con quỷ bỏn xẻn theo con, làm cho con tiếc của không dám ăn, cũng không cho cha mẹ cho đến quyến thuộc tiền bạc, của cải gì… đều do con quỷ bỏn xẻn này. Nay con ra đi, gặp một đạo nhân cho con bài chú lành nên trừ được quỷ bỏn xẻn. Nếu quỷ bỏn xẻn kia đến, hoàn toàn không thể làm não loạn con được. Nhưng quỷ bỏn xẻn này lại giống như con. Nếu nó đến, các người giữ cửa hãy lấy cây đánh cho nó thật đau ắt nó sẽ giả xưng: “Ta là Lô Chí”. Mọi người chớ nên tin lời nó.

Nói rồi ông ta cho mở lớn các kho, lấy nhiều của cải, làm thức ăn ngon cho mẹ, vợ cùng quyến thuộc ăn uống no nê. Sau đó, bảo người giữ cửa mau ra đóng cửa kẻo bọn quỷ bỏn xẻn đến, đợi ta phân chia anh lạc, y phục, tấu các kỹ nhạc rồi mới mở cửa.

Lúc đó, Thiên đế mở rộng kho tàng, lấy anh lạc quý báu, trước hết dâng cho mẹ, rồi đến cho vợ và tất cả nam nữ trong nhà. Những khách đến thăm cũng được cho anh lạc, y phục, thức ăn, làm các kỹ nhạc. Quyến thuộc trong nhà dùng các loại hương thoa thân, xông trầm, rưới nước.

Khi ấy, Đế Thích một tay dắt mẹ, một tay dắt vợ vui chơi nhảy múa, vui vẻ không cùng.

Người thành Xá Vệ nghe quỷ xan tham trong người trưởng giả Lô Chí đã bị diệt trừ nên tụ họp đến xem thử.

Lô Chí tỉnh say, trở về thành, vào nhà thấy mọi người đứng chật đầy cả cửa, lại nghe trong nhà có tiếng ca múa nên rất kinh ngạc, nghĩ rằng: “Chắc là nhà vua giận ta nên đem quần thần, binh chúng đến nhà ta muốn trách phạt ta. Hay là người trong thành Xá Vệ nhân ngày lễ hội đều vào nhà ta ? Hay là chư thiên muốn làm ích lợi cho ta nên đến nhà ta tấu các kỹ nhạc này? Hay là người nhà phá hoại kho tàng của ta, tự ăn uống?”.

Suy nghĩ rồi, Lô Chí vội vàng chạy đến cửa chính, lớn tiếng gọi những người trong nhà.

Khi ấy, tiếng nhạc trong nhà rộn ràng làm cho mọi người không nghe tiếng Lô Chí gọi. Đế Thích nghe tiếng gọi, bảo mọi người:

– Ai đập cửa ngoài kia? Các người hãy ngừng nhạc lại. Hoặc có thể là quỷ bỏn xẻn kia trở về.

Nghe có quỷ, mọi người mở cửa lớn, bỏ chạy.

Khi ấy, Lô Chí đi vào nhà, thấy quyến thuộc vây quanh, Đế Thích ngồi ở giữa, mẹ ngồi bên phải, vợ ngồi bên trái, y phục xinh đẹp, đeo anh lạc quý, trống nhạc đàn ca, uống rượu mừng hội, sắc mặt vui vẻ, ngồi la liệt…, Lô Chí ngạc nhiên, hỏi Đế Thích:

– Ông là ai mà vào nhà tôi tự do như vậy?

Đế Thích mỉm cười:

– Ngày nay người trong nhà đã biết ta.

Quyến thuộc trong nhà liền hỏi Lô Chí:

– Ông là ai?

Lô Chí đáp:

– Ta là Lô Chí.

Mọi người đều chỉ Đế Thích, nói:

– Đây là Lô Chí, chủ nhà của ta.

Lô Chí lại hỏi người nhà:

– Còn tôi là ai?

Người nhà đáp:

– Ông tuy nhận như vậy nhưng giống như quỷ của Lô Chí.

Lô Chí nói:

– Tôi không phải là quỷ. Tôi là Lô Chí. Các người hãy xem cho kỹ.

Nhìn về phía mẹ, Lô Chí nói:

– Đây là mẹ tôi, đây là anh tôi, đây là em tôi, đây là vợ yêu quý của tôi, đây là con thương yêu của tôi, tất cả nô bộc đều là của tôi.

Lại chỉ Đế Thích và nói với người nhà:

– Đây là người nào mà dung mạo giống tôi, hóa ra giả tôi? Tôi từ nhỏ đến nay tích chứa tài sản, tiền của, kho tàng… Người nào huyễn hóa, gạt gẫm làm tiêu tan tài sản của tôi?

Khi ấy, mọi người trong nhà đều không tin.

Đế Thích hỏi mẹ:

– Con với người này rất giống nhau, phải không?

Mẹ đáp:

– Dung mạo quỷ kia rất giống con.

Mẹ lại nói với Đế Thích:

– Xem con là người hiếu thuận, biết phụng dưỡng mẹ. Chính con là thật, mẹ đã sinh con, người kia là quỷ. Nếu cả hai người đều hiếu thuận với mẹ thì mẹ không thể phân biệt được. Do con hiếu thuận, người kia trái nghịch nên mẹ chắc chắn biết con là con của mẹ.

Đế Thích quay lại hỏi vợ:

– Người kia là chồng của nàng, sao nàng không lại thân cận với hắn đi!

Người vợ thẹn đỏ mặt, nói:

– Lạ thay! Sao không đi đi! Tôi nhất định không làm vợ người này.

Người vợ thưa Đế Thích:

– Đại gia! Thiếp thà chết bên chàng chứ quyết không sống bên quỷ kia.

Đế Thích bảo người nhà:

– Các ngươi quyết định biết ta là Lô Chí, sao lại để quỷ kia vào đây?

Khi ấy, người nhà nghe nói vậy liền kéo ngược chân Lô Chí đánh đập, đẩy ra ngoài cửa. Đến hẻm nhỏ, Lô Chí khóc lớn, than rằng:

– Thật lạ thay! Nay tôi thân thể, đầu mặt có khác lúc trước hay sao mà bị mọi người đuổi đi như vậy?.

Lại nói với người xung quanh:

– Thân của tôi có giống như trước không? Mặt của tôi có giống như trước không?

Rồi lại hỏi những người đi đường: tướng mạo cao thấp có khác không?

Những người bên cạnh đáp:

– Ông vẫn như vậy, không khác lúc trước.

Lô Chí lại nói với mọi người:

– Ta nay là ai? Ai đã hóa ta làm người khác phải không? Tên ta là gì? Ta đang ở đâu?

Lại than lớn:

– Thật là lạ thay! Bây giờ ta biết đi đường nào?

Khi ấy, Lô Chí như người điên cuồng. Những người hàng xóm chẳng phải người nhà đều đến an ủi Lô Chí:

– Ông chớ lo sợ. Ông là Lô Chí, ông ở trên phố lớn, trong thành Xá Vệ. Chúng tôi là xóm giềng của ông nên đến thăm ông, ông hãy bình tĩnh để tìm phương kế phân minh rõ ràng.

Nghe nói vậy, Lô Chí tạm yên tâm, lau nước mắt, hỏi lại mọi người:

– Tôi có phải thật là Lô Chí không?

Mọi người đáp:

– Ông thật là Lô Chí.

Lô Chí bảo mọi người:

– Các người đều có thể làm chứng cho tôi được không?

Mọi người đáp:

– Chúng tôi có thể làm chứng: ông thật là Lô Chí.

Lô Chí nói:

– Nếu vậy, các người hãy nghe tôi nói nhân duyên:

Người trẻ này là ai?

Rất giống tôi như đúc

Cùng vợ yêu của tôi

Chung ngồi kề trên giường

Người quyến thuộc trong nhà

Đánh đuổi tôi ra khỏi

Họ đều thương người kia

Cho ở trong nhà tôi

Tôi chịu khổ đói rét

Tích chứa tiền của cải

Người kia dùng thoải mái

Tôi chẳng có hào nào

Cũng như Tỳ-sa-môn

Ăn mặc được thoải mái

Những người ở trong thành

Tất cả đều nghi ngờ

Đều nói như thế này:

“Việc này nên làm sao?”

Có người rất hiểu biết

Nói lời như thế này:

“Người xảo quyệt gian trá

Tướng mạo giống Lô Chí

Biết ông rất xan tham

Nên đến chọc quấy rối

Chúng ta cùng làm chứng

Đừng để ông bị đuổi”.

Bấy giờ, nghe nói như vậy, mọi người đồng lòng nói với Lô Chí:

– Sao, bây giờ ông muốn làm gì?

Lô Chí liền nói:

– Các người nên vì tôi, ngày mai tụ họp cùng đi đến cung vua.

Mọi người nói:

– Sáng mai chúng tôi sẽ đưa ông đến cung vua.

Qua ngày mai, mọi người nói:

– Lành thay! Lành thay! Nay đã đến lúc.

Lô Chí liền nói:

– Đây là việc lớn. Tiền bạc của tôi nay tôi không được quyền sử dụng. Các ông có thể cho tôi mượn, nếu kiện thắng được, tôi sẽ trả lại cho.

Mọi người nói:

– Ông muốn vật gì, chúng tôi sẽ cho ông.

Lại hỏi Lô Chí cần vật gì? Khi ấy trưởng giả Lô Chí nói:

– Các người đưa cho tôi hai tấm vải giá trị bốn thù vàng để dâng lên nhà vua. (24 thù = 1/2 lượng)

Mọi người đều cười, nghĩ thầm: “Lô Chí từ trước đến nay chưa từng có như vậy. Nay nói bốn thù, thật là bố thí lớn”.

Bấy giờ Lô Chí liền ôm hai tấm vải đến cung vua, bảo người gác cổng:

– Tôi có vật muốn hiến dâng nhà vua.

Khi ấy, người gác cổng rất kinh ngạc, mỉm cười nghĩ: “Ta ở đây ba mươi năm chưa từng nghe người kia đến đây dâng hiến vật gì. Nay vì sao lại như vậy?”.

Khi ấy, người giữ cửa liền vào, chấp tay tâu vua:

– Thật là việc chưa từng có: Ngày nay Lô Chí đến cửa cung dâng hiến.

Nhà vua suy ngẫm, không hề vội vàng mà chỉ tự nghĩ: “Hôm nay nhằm ngày lễ hội, vì lý do gì có nhiều người kéo đến cung ta? Lô Chí keo kiệt lại càng không đến cung ta. Người giữ cửa không nên đùa với ta. Việc này như thế nào, ta không thể tin. Phàm làm vua, ví như biển lớn không chảy ngược về các sông nhỏ, đâu có thể tính toán tài sản nhiều ít”.

Bấy giờ nhà vua liền cho dẫn Lô Chí vào. Vua suy nghĩ: “Lô Chí này vốn bẩm tánh keo kiệt, nếu không có việc chết đến nơi thì đâu có đến đây”.

Khi ấy, Lô Chí cùng với mọi người đến chỗ vua, muốn lấy ra hai tấm vải dâng lên vua. Lô Chí dùng tay kéo tấm vải đang kẹp dưới nách nhưng kéo hoài không được, liền quay lại dùng hết sức kéo mới lấy ra được.

Khi Lô Chí kéo ra được, Đế Thích liền hóa thành hai bó cỏ.

Nhìn thấy hai bó cỏ, Lô Chí rất hổ thẹn, liền ngồi xuống đất. Thấy vậy, nhà vua thương xót bảo:

– Dù là bó cỏ cũng không có gì khổ sở. Người muốn nói việc gì thì cứ nói đi.

Lô Chí nghẹn ngào, sụt sùi thưa:

– Thần thấy bó cỏ, thật là vô cùng xấu hổ. Không lẽ chui đầu xuống đất. Không biết hôm nay có thân này hay là không! Biết làm sao đây?!

Nghe nói, nhà vua thương xót, mới hỏi người bên cạnh:

– Hôm nay, người kia sao mà khổ sở, không thốt ra lời? Các ngươi nếu biết việc này thì nên thay thế trình bày rõ ràng.

Người bên cạnh tâu vua:

– Hôm nay Lô Chí đến cung vua là muốn tâu trình một việc: Không biết người nào hình dạng giống như Lô Chí, đến nhà giả xưng là Lô Chí, làm cho những người trong nhà đều yêu mến người ấy; tiêu dùng sạch hết tài sản, làm cho mọi người trong nhà đều không nhận biết được, đánh đuổi Lô Chí ra ngoài, trở lại như người ngoài đường, do đó nên buồn khổ, không thốt nên lời.

Vua bảo:

– Nếu như vậy thì thật đáng buồn khổ. Vì sao? Vì tài sản của mình bị người khác dùng. Tuy vậy, ta sẽ xét xử để lấy lại tài sản cho ngươi.

Vua lại nói:

– Người đời, tuy hình dạng giống nhau nhưng tâm ý chưa chắc giống nhau. Tuy tâm giống nhau nhưng chỗ ẩn kín trong thân thể có dấu vết có thể mọi người không biết, ắt phải khác nhau chút ít. Ngươi chớ buồn rầu, ta sẽ kiểm tra lại cho ngươi.

Khi ấy, có một vị quan tên là Túc Cựu, liền đứng dậy chắp tay tâu vua:

– Lành thay, đại vương! Trí tuệ của nhà vua thương xót người oan uổng, thật là chánh đáng.

Bấy giờ Túc Cựu liền nói kệ:

– Người buồn khổ lo sợ

Vua cứu giúp cho họ

Người nghèo cùng gặp nạn

Nhà vua làm bạn thân

Người làm thiện chân chánh

Vua cùng làm pháp lữ

Đối với người làm ác

Vua làm móc câu voi.

Bấy giờ Lô Chí năm vóc sát đất, tâu vua:

– Nhà thần có chỗ cất của báu rất kín đáo, người kia không thể biết được. Thân thể thần có vết kín, làm sao biết được. Cúi xin đại vương vì hạ thần kiểm xét.

Vua liền sai sứ đến gọi người giống Lô Chí, bảo ông ta mau đến. Nghe gọi, người kia liền đến chỗ vua, đứng một bên. Hình tướng hai người không thể phân biệt được. Vua quán xét kỹ, cho là việc chưa từng có, tuổi tác, tướng mạo, vóc hình lớn nhỏ, mặt mũi, nói cười, nhan sắc đều giống nhau như biến hóa ra, giống nhau không khác chút nào. “Nay hai người này đứng ở trước ta không thể phân biệt, làm cho ta kinh ngạc, nghi ngờ”.

Vua hỏi người mới gọi đến:

– Ông là ai?

Người kia liền than thở:

– Thần không sống ở đây, chi bằng chết còn hơn. Làm sao mà thần sanh trưởng ở đất nước nhà vua mà vua không biết, lại hỏi hạ thần là ai!

Vua thẹn đỏ mặt, nghĩ: “Đây thật là Lô Chí”. Vua nói với người đến trước:

– Ông lại muốn nói điều gì?

Lô Chí thưa:

– Thần là Lô Chí, người kia không phải.

Vua nói:

– Hai người các ông như bóng trong gương, mặt mũi, tướng mạo giống nhau, làm sao có thể phân biệt?!

Lô Chí thưa:

– Chính vì việc này hạ thần mới đến vua trước. Nếu như có người bệnh đau khổ sở, gặp nạn sợ hãi thì đều hướng về vua.

Vua nói:

– Thật đúng như vậy. Sở dĩ ta nhận tô thuế của mọi người, chính là việc này.

Vua suy nghĩ rồi nói với Đế Thích:

– Ta muốn hỏi ông: tánh Lô Chí là bỏn xẻn, còn tánh ông rộng rãi, mỗi người mỗi tánh khác nhau. Nay vì sao ông lại xưng là Lô Chí?

Đế Thích thưa:

– Nay vua hỏi điều nhỏ nhặt như vậy. Thật đúng như vua nói, nhưng nay hạ thần gần gũi, theo Phật giáo. Người bỏn xẻn đọa vào loài ngạ quỷ trăm ngàn vạn năm, chịu khổ đói khát, cầu xin máu mủ, phẩn tiểu bất tịnh để ăn, hoàn toàn không thể được, dù nhỏ như đầu sợi lông; nước sông suối mát mẻ biến thành dòng lửa… Thần nghe bỏn xẻn có lỗi như vậy nên sợ hãi, muốn xả bỏ tội lỗi này. Vì vậy liền xả bỏ xan tham, phát sanh tâm bố thí.

Nhà vua bảo:

– Ngươi nói có lý. Giống như áo hôi dơ, dùng tro giặt liền sạch. Nghe pháp, tâm phiền não được đoạn trừ.

Vua bảo các quan:

– Như vậy hai người làm sao phân biệt được ai là Lô Chí, là giả Lô Chí?!

Vị quan Túc Cựu tâu:

– Thần xin hỏi những việc ẩn kín trong nhà của hai người. Nếu có giống hay khác, sau đó ta có thể phân biệt biết được.

Vua bảo quan Túc Cựu:

– Ta bận nhiều việc, không thể tinh tế hỏi được. Theo lời ngươi nói, nên như vậy mà hỏi.

Quan Túc Cựu liền phân hai người, mỗi người mỗi chỗ, rồi bảo:

– Các người hãy ghi chép lại: hằng năm những người thân thuộc, trong ngoài, lớn nhỏ, số người, tên họ, bao nhiêu; trong nhà có phòng ốc, cửa lớn, cửa nhỏ và tài sản, tất cả kho chứa, các thứ đồ vật để trên đất hay giấu trong lòng đất, mọi thứ đều ghi rõ ra hết, thành sổ sách rồi mau đem đến đây.

Hai người đều đem sổ sách đến. Tất cả vật sở hữu, việc bí mật cho đến những dấu vết đều giống nhau.

Vua thấy việc này, cho là việc chưa từng có: “Ta đã hết sức suy nghĩ nhiều cách mà không thể phân biệt. Đây chẳng phải là việc của người thường. Chắc là việc làm của phi nhân”.

Vua bảo:

– Hãy gọi hai người đến bên ta.

Vua nhìn xem hồi lâu rồi bảo người hầu:

– Hãy gọi mẹ họ đến.

Quân lính liền gọi người mẹ đến. Đến nơi, người mẹ hướng đến nhà vua lễ bái:

Vua chắp tay:

– Tôi cũng chào bà.

Người mẹ tâu:

– Đại vương vạn tuế, lìa các oán hại, tu phước không mỏi!

Vua bảo trải tòa ngồi, mời người mẹ an tọa.

Vua hỏi người mẹ:

– Hai người này, ai là con bà? Ai chẳng phải là con bà?

Đế Thích nói nhỏ với mẹ:

– Mẹ chớ có nhìn lại cái khổ lúc trước.

Mẹ nói:

– Con chớ có lo.

Người mẹ cung kính tâu vua:

– Đây là đứa con hiếu thảo, cúng dường mọi thứ cho tôi, hiếu thuận với tôi, đó là con tôi. Kia là đứa con bất hiếu, thường không thương yêu tôi, nên biết chẳng phải là con tôi. Mà hai người này tuy biết tâm tốt xấu, nhưng tiếng nói hình dạng giống nhau. Tôi cũng không thể phân biệt.

Vua lại hỏi:

– Ta muốn hỏi thêm các việc khác: Bà nuôi đứa con này từ lúc còn nhỏ, thường tắm rửa, bà thấy trên thân thể nó – chỗ ẩn kín – có dấu sẹo hay nốt ruồi gì bí ẩn không?

Người mẹ nói:

– Tâu vua, có.

Đế Thích nghĩ: “Ta có thể biến hóa giống như lời người mẹ”.

Khi ấy, Đế Thích lắng nghe lời mẹ nói.

Người mẹ tâu vua:

– Con tôi ở phía dưới hông bên trái có vết sẹo nhỏ như hạt đậu.

Đế Thích nghĩ: “Giả sử có vết sẹo lớn như núi Tu-Di, ta cũng có thể hóa ra được, huống gì là vết sẹo nhỏ”, liền biến hóa ngay.

Vua liền nghĩ: “Nay ta sẽ xử được việc này. Chắc chắn quyết định được!”. Vua bảo:

– Các ngươi hãy bày nách bên trái, giơ cao cánh tay lên.

Hai người liền đưa cánh tay lên, thấy hai vết sẹo không khác, vua và quần thần cười lớn, nói:

– Việc này chưa từng nghe thấy, làm cho mọi người cười, làm cho mọi người sợ, làm cho mọi người nghi. Đây là việc kỳ lạ, rất đáng lo sợ.

Vua bảo các quan:

– Việc như vầy ta chẳng hiểu được, nên dẫn hai người này đến vườn Kỳ Hoàn gặp Phật, ắt sẽ được giải quyết rõ ràng; làm ta mất vui trong ngày lễ hội này.

Vua liền nói kệ:

– Phật ra đời đã lâu

Hay cứu giúp thế gian

Giải thoát các tội lỗi

Khô cạn biển ái dục

Mặt như ánh trăng rằm

Đầy đủ thần túc thông

Ba cõi đều kính ngưỡng

Tự tại trong thế gian

Bậc đại bi có thể

Giải nghi cho chúng ta

Tất cả đều khen ngợi

Việc này là rất tốt.

Nói kệ xong, vua và quần thần đều tự trang sức trên mão, đeo châu anh lạc. Quần thần cầm hương hoa đi theo sau vua. Hai Lô Chí cưỡi hai con voi, đều được trang sức. Khi ấy, nhà vua đi xe có mái che, trăm ngàn vạn loại kỹ nhạc đều đi theo sau vua.

Khi đến tinh xá Kỳ Hoàn, nhà vua cởi bỏ năm thứ mũ báu, lọng báu, dao kiếm, giày da và dây đai, ngọc châu, y phục tề chỉnh, đi đến chỗ Phật.

Lúc bấy giờ, trời, rồng, tám bộ chúng và bốn chúng vây quanh nghe Phật thuyết pháp.

Khi ấy, nhà vua và mọi người năm vóc sát đất làm lễ Phật rồi chắp tay bạch Phật:

– Con và chúng sanh bị vô minh che lấp, không phân biệt được chơn giả, chỉ có Phật là tâm ý thanh tịnh. Tất cả chúng sanh bị trăm ngàn ngọn lửa phiền não thiêu đốt, chỉ có Phật Thế tôn được đoạn trừ, vắng lặng. Tất cả thế gian đều bị trói buộc trong sanh tử, chỉ có Phật là bậc được giải thoát, làm bạn thân chân chánh của chúng sanh. Trong tất cả người mù, Phật là bậc mắt sáng. Chúng con không thể phân biệt được các nhân duyên trong hai người này, ai là Lô Chí, ai chẳng phải là Lô Chí.

Nhà vua cho dẫn hai Lô Chí đến trước Phật. Tất cả mọi người đều ngồi im lặng.

Lô Chí giả sắc mặt vui vẻ, ngọc châu anh lạc trang sức trên thân, ngồi im lặng.

Lô Chí thật sắc mặt tiều tụy, ăn mặc bẩn thỉu, bụi đất bám đầy thân, rất là buồn khổ, thưa:

– Thế tôn đại bi, cứu giúp tất cả. Xin Ngài cứu giúp cho con.

Bấy giờ Đế Thích thấy Lô Chí buồn rầu, tự mỉm cười.

Vua Ba Tư Nặc từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay thưa Phật:

– Đối với việc này, Phật có thể chứng biết. Tất cả chúng sanh bị phiền não che mờ, chỉ có Phật Thế tôn cầm ngọn đèn trí tuệ hướng dẫn chúng sanh theo đường giải thoát. Như đại Y vương, cũng như người dẫn đường, có thể ban cho tất cả chúng sanh sự không sợ hãi, cũng ban cho tất cả chúng sanh tài sản thiện căn, diệt trừ kiết sử, nên gọi là Đại tiên. Lành thay, đức Thế tôn! Xin Ngài dùng ngọn lửa trí tuệ thiêu đốt rừng lưới nghi, phiền não của con. Nguyện xin Thế tôn đoạn trừ nghi ngờ của chúng con. Hai người này, ai là thật, ai là giả?

Lúc bấy giờ, đức Thế tôn đưa cánh tay tướng hảo trang nghiêm chỉ Đế Thích mà hỏi:

– Ông làm việc gì vậy?

Đế Thích liền biến mất thân tướng Lô Chí, trở lại hiện nguyên hình các thứ ánh sáng, châu như ý, anh lạc, trang sức nơi thân, chắp tay hướng về Phật, nói kệ thưa:

– Bị xan tham chế phục

Không dám ăn mặc gì

Năm tiền mua rượu bánh

Trộn muối vào mà uống

Uống rồi liền say sưa

Cười giỡn mà ca múa

Khinh chửi con, chư thiên

Vì do nhân duyên này

Nên con làm não hắn.

Phật bảo Đế Thích:

– Tất cả chúng sanh đều có tội lỗi, ông nên xả bỏ.

Lúc bấy giờ Lô Chí thưa với Đế Thích:

– Tôi cực khổ lắm mới tích chứa được. Tất cả tài sản của tôi, nếu ông không tiêu dùng thì sao hết?

Đế Thích đáp:

– Tôi không làm tiêu hao một hào ly tài vật của ông.

Phật bảo Lô Chí:

– Hãy về nhà xem lại tài vật của ông.

Lô Chí bạch Phật:

– Tài vật của con, ông ấy đã tiêu dùng hết, về nhà làm chi nữa?!

Đế Thích đáp:

– Thật tình, tôi không tiêu hao một chút nào tài sản của ông.

Lô Chí thưa:

– Tôi không tin ông mà chỉ tin lời Phật dạy.

Do tin lời Phật nên Lô Chí đắc quả Tu-đà-hoàn.

Khi ấy, tám bộ chúng, trời, rồng và bốn chúng thấy, nghe việc này chứng đắc bốn đạo quả. Các chúng sanh gieo nhân duyên ba nghiệp, chư thiên và bốn chúng nghe Phật thuyết pháp vui mừng mà lui ra.

    Xem thêm:

  • Kinh Trung Bộ 129 – Kinh Hiền Ngu (Bàlapandita sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Thọ Đề Già - Kinh Tạng
  • Phật Thuyết Kinh Phóng Bát - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Tội Nghiệp Báo Ứng Giáo Hóa Địa Ngục - Kinh Tạng
  • Kinh Thiện Ác Nhơn Quả – Thích Giác Quả dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Nhân Duyên Đồng Tử Quang Minh - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 30 – Địa Ngục - Kinh Tạng
  • Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Thích Trí Quang dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Bổn Nguyện Công Đức Của Bảy Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai – Thích Nữ Tâm Thường dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Mục Kiền Liên Hỏi Năm Trăm Tội Khinh Trọng Trong Giới Luật - Kinh Tạng
  • Kinh Nói Về Nghi Thức Tẩm Liệm An Táng Khi Như Lai Diệt Độ - Kinh Tạng
  • Pháp Nghi Quỹ Tôn Thắng Phật Đỉnh Tu Du Già - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 08 – Hương Đăng - Kinh Tạng
  • Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Thích Minh Định dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Chú Tối Thắng Phật Đỉnh Đà La Ni Tịnh Trừ Nghiệp Chướng - Kinh Tạng
  • Kinh Bổn Nguyện Công Đức Của Bảy Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai – Thích Nguyên Chơn dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Tôn Giả Hộ Quốc Hỏi Về Đại Thừa - Kinh Tạng
  • Kinh Quán Di Lặc Bồ Tát Thượng Sanh Đâu Suất Thiên – Thích Tâm Châu dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 4 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng