1
2
3

QUYỂN TRUNG

Lại nữa, này trưởng giả! Đại Bồ tát quán sát thân này, ban đầu do đâu mà có? Nghĩa là thân này do tinh cha huyết mẹ hợp lại mà có, lại do thọ nhận các thức ăn uống. Thức ăn vào rồi lại biến hoại, tích tụ liền tan nát, nhờ vào sự tiêu hóa lưu thông thấm nhuần cơ thể, cuối cùng trở lại thành bất tịnh. Sau đó, hỏa đại tăng mạnh, nấu đốt biến thành chín. Cuối cùng trở về phong lực, do phong lực này có phần biến thành chất cặn bã, phần khác lưu thông thấm nhuần cơ thể. Chất cặn bã là phần đại tiểu tiện. Phần lưu thông thấm nhuần gọi là máu, máu biến thành thịt, thịt thành mỡ, mỡ thành xương, xương thành tủy, tủy thành tinh.v.v… mới thành thân bất tịnh này.

Bồ tát quán thân bất tịnh này nên mới tư duy: thân này do nhiều thứ tập hợp, tên gọi, tướng trạng khác nhau, nghĩa là: ba trăm xương, sáu mươi mỡ lá và mỡ nước, hiệp lại thành bốn trăm màng mỏng, năm trăm múi thịt, sáu trăm não, bảy trăm mạch máu, chín trăm gân, mười sáu xương sườn.

Lại có ba việc: bên trong là các bộ phận thục tạng, có mười sáu ruột quấn nhau, hai ngàn năm trăm mạch máu thông suốt nhau, một trăm lẻ bảy đốt, tám mươi vạn ức lỗ chân lông, đầy đủ năm căn, chín lỗ, bảy tạng đầy nhẫy bất tịnh. Tủy có một vốc, não một vốc, mỡ lá có ba vốc, đàm ấm có sáu vốc, cặn bã có sáu vốc. Nhờ phong lực, máu lưu thông có một đấu. Như vậy tất cả đều đầy nhẫy. Có bảy mạch nước vây quanh và các chất bổ. Bên trong, hỏa đại tăng mạnh, đốt nấu làm cho nóng bức, mệt nhọc, mồ hôi trong thân chảy ra. Các tướng như vậy rất khó thấy được.

Thân thể bất tịnh, ô uế như vậy, làm sao có thể phát sanh tâm tham ái được. Như người đi xin, được đồ vật rồi lại bỏ đi. Lại như xe lớn chở đồ rất nặng. Chỉ có người trí hiểu rõ các pháp nên biết như vậy.

Phật liền nói kệ tụng:

– Thân này hợp nhiều thứ bất tịnh

Người ngu không trí, không biết rõ

Phát sanh mạnh mẽ tâm tham ái

Như bình dơ vỡ nhiều hôi thối

Tai, mắt, miệng, mũi đều ô uế

Làm sao có thể thơm sạch được?

Ghèn, nước dãi, cứt ráy, nước mũi

Các trùng ô uế sao ưa mến?

Ví như người ngu lấy than củi

Ra sức mài giũa muốn làm trắng

Than hết, mỏi mệt, không thể trắng

Vô trí tham vọng cũng như vậy

Như người ý muốn được thanh tịnh

Phần nhiều lo trau chuốt thân này

Trăm cách tắm gội và thoa hương

Chết rồi thân rã thành bất tịnh.

Bấy giờ, Thế tôn lại bảo Vô Úy Thọ và năm trăm trưởng giả:

– Các trưởng giả nên biết! Đại Bồ tát muốn chứng quả Vô thượng Bồ đề, nên quán sát thân này có bốn mươi bốn tướng.

Thế nào là bốn mươi bốn?

– Nghĩa là: đại Bồ tát quán sát thân này thật là đáng chán bỏ.

Bồ tát quán thân không thể ưa thích vì không ích lợi gì.

Bồ tát quán thân rất là hôi dơ, máu mủ chảy tràn, nên Bồ tát quán thân thật không bền chắc, cuối cùng bị tan hoại.

Bồ tát quán thân thể tánh suy yếu, gân xương liền nhau.

Bồ tát quán thân bất tịnh, ô uế thường chảy.

Bồ tát quán thân như huyễn, phàm phu ngu muội phát sanh tướng dối trá, loạn động. Bồ tát quán thân nhiều chỗ rỉ ra vì có chín lỗ thường chảy rỉ.

Bồ tát quán thân lửa đốt hừng hực, nghĩa là lửa tham thiêu đốt, lửa sân dữ dội, lửa si mê ám.

Bồ tát quán thân thường bị lưới tham, sân, si, lưới ái che phủ liên tục.

Bồ tát quán thân nương vào các lỗ vì chín lỗ và các lỗ chân lông khắp thân thường rỉ ra chất dơ.

Bồ tát quán thân nhiều loại khổ não vì bốn trăm lẻ bốn bệnh thường tăng làm tổn hoại.

Bồ tát quán thân là hang ổ chứa tám vạn bốn ngàn hộ trùng.

Bồ tát quán thân vô thường, cuối cùng cũng trở về sự chết.

Bồ tát quán thân là vật vô tri, đối với pháp không biết gì.

Bồ tát quán thân như đồ dùng do các duyên hợp thành, cuối cùng cũng tan hoại.

Bồ tát quán thân bị bức bách vì nhiều sự ưu não.

Bồ tát quán thân không chỗ hướng đến, vì cuối cùng bị già chết.

Bồ tát quán thân hay che dấu làm những việc dối trá.

Bồ tát quán thân như đất, khó bằng phẳng.

Bồ tát quán thân như lửa vì ham mê sắc nên bị ràng buộc.

Bồ tát quán thân không nhàm chán vì chạy theo ngũ dục.

Bồ tát quán thân tan hoại vì bị phiền não làm chướng ngại.

Bồ tát quán thân không có phần vị nhất định, tùy theo lợi ích mà biểu hiện sự tiếp thu.

Bồ tát quán thân không có duyên nào chính phụ, vì không có nguồn gốc.

Bồ tát quán thân tâm ý rong ruổi vì các duyên tác ý quán xét.

Bồ tát quán thân lúc xả bỏ, cuối cùng quăng nơi Thi lâm.

Bồ tát quán thân bị thú dữ ăn thịt, chim thứu, sói ăn nuốt.

Bồ tát quán thân như ảnh hiện ở trong mâm gương đồng, gân xương nối tiếp nhau.

Bồ tát quán thân không có gì luyến tiếc, lúc trút hơi thở cuối cùng máu mủ chảy tràn.

Bồ tát quán thân tham đắm vị ngon ngọt của thức ăn uống.

Bồ tát quán thân cực nhọc, không lợi ích gì vì là pháp vô thường sanh diệt.

Bồ tát quán thân như bạn ác, sanh các tà kiến.

Bồ tát quán thân như kẻ sát hại, càng gặp nhiều càng tăng thêm khổ.

Bồ tát quán thân là pháp khổ, bị ba khổ bức bách, là: hành khổ, hoại khổ, khổ khổ.

Bồ tát quán thân là tập hợp các khổ, năm uẩn xoay chuyển, không có chủ tể.

Bồ tát quán thân không được tự tại, do các duyên hợp thành.

Bồ tát quán thân không thọ mạng, xa lìa tướng nam nữ.

Bồ tát quán thân là không tịch, do các uẩn, xứ, giới hợp thành.

Bồ tát quán thân là hư giả, như mộng.

Bồ tát quán thân không thật vì như huyễn.

Bồ tát quán thân tán loạn như sóng nắng.

Bồ tát quán thân là rong ruổi, như tiếng vang.

Bồ tát quán thân do hư vọng sanh, như hình bóng.

Này trưởng giả! Do quán sát bốn mươi bốn tướng nơi thân như vậy nên đại Bồ tát lúc quán sát sự ưa thích đối với thân, sự luyến tiếc đối với thân, sự chấp ngã đối với thân, sự ái nhiễm đối với thân, sự tích chứa đối với thân, sự đắm trước đối với thân đều đoạn trừ tất cả.

Do đó, sự ưa thích đối với mạng, sự luyến tiếc đối với mạng, sự chấp ngã đối với mạng, sự ái nhiễm đối với mạng, sự tích chứa đối với mạng, sự đắm trước đối với mạng, cho đến nhà cửa, vợ con, quyến thuộc, thức ăn uống, y phục, xe cộ, giường tòa, châu báu, của cải, lúa gạo, hương hoa, đèn đuốc…, tất cả những vật dụng hoặc ưa thích, hoặc luyến tiếc hoặc chấp ngã, hoặc ái nhiễm, hoặc tích chứa, hoặc đắm trước cũng đều đoạn trừ tất cả.

Do đối với thân mạng có thể xả bỏ, cho đến tất cả vật dụng ưa thích cũng đều xả bỏ, như vậy mới có thể viên mãn sáu Ba-la-mật-đa.

Này trưởng giả! Đại Bồ tát do có thể viên mãn Ba-la-mật-đa nên có thể mau chứng quả Vô thượng Bồ-đề.

Bấy giờ, đức Thế tôn muốn trùng tuyên nghĩa này, liền nói tụng:

– Nên biết thân người rất khó được

Chớ vì thân này tạo các tội

Quăng bỏ Thi lâm, sói ăn thịt

Hoàn toàn thân này là đồ bỏ

Người ngu vô trí thường động loạn

Đối thân hư giả sanh tham ái

Thân này khó điều, luôn chống trái

Ngày đêm chịu khổ không dừng nghỉ

Thân này đau khổ thường sanh bệnh

Thân này đầy dẫy thứ bất tịnh

Chịu đói khát, luôn làm khổ não

Người trí nào lại sanh tham ái?

Thân này như đất rộng không chủ

Như bạn ác ngu si sanh ái

Do thân này phát sanh các tội

Cuối cùng tự chịu các khổ đau

Thân không bền chắc như kim cương

Chớ vì thân này tạo các tội

Người trí nên tu nhân thắng phước

Đối Phật pháp phát sanh tịnh tín

Thân này không lâu, chỉ lo dưỡng

Y phục, hương thơm, thức ăn uống

Rốt cuộc tan hoại, chỉ tạm thời

Việc làm vọng động uổng tháng ngày

Trải qua trăm kiếp khó gặp được

Bậc Đại Mâu Ni hiện ở đời

Mau đối Phật pháp sanh tịnh tín

Chớ ở đường ác chịu sợ hãi

Giả sử sống đến ngàn ức tuổi

Còn phải chớ nên sanh tham ái

Huống là thọ không đầy trăm tuổi

Sao sanh tham ái không nhàm chán?

Hoặc có người ăn chơi phung phí

Không nghĩ thân này thật khó được

Nhóm họp lại vui chơi ca hát

Đối với vui chơi cầu khoái lạc

Tập hợp tài bảo có vui gì

Giữ gìn, luyến tiếc, khổ não tăng

Phàm phu hạ liệt sanh vui vẻ

Người có trí xa lìa tham đắm

Giàu sang không thật, như mộng huyễn

Người ngu tâm ý luôn rong ruổi

Sát-na phá hoại, sát-na thành

Người trí nào lại sanh tham ái.

    Xem thêm:

  • Tư Duy Lược Yếu Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Bất Tự Thủ Ý - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Đại Thừa Thiện Kiến Biến Hóa Văn Thù Sư Lợi Vấn Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Pháp Cú – Nguyên Thuận dịch - Kinh Tạng
  • Tịnh Độ Chỉ Quyết - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 29 – Xem Tướng - Kinh Tạng
  • Vạn Pháp Quy Tâm Lục - Kinh Tạng
  • Kinh Tám Điều Giác Ngộ Của Bậc Đại Nhân (Bát Đại Nhân Giác) - Kinh Tạng
  • Kinh Nhân Duyên Xuất Gia - Kinh Tạng
  • Uyển Lăng Lục Của Thiền Sư Hoàng Bá Đoạn Tế - Kinh Tạng
  • Lược Luận Về Nghĩa An Lạc Tịnh Độ - Kinh Tạng
  • Kinh Thiện Ác Nhơn Quả – Thích Giác Quả dịch - Kinh Tạng
  • Tây Phương Yếu Quyết Thích Nghi Thông Quy - Kinh Tạng
  • Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Nguyên Thuận dịch - Kinh Tạng
  • Thiền Tông Vĩnh Gia Tập - Kinh Tạng
  • Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ - Kinh Tạng
  • Tịnh Độ Cảnh Ngữ - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 34 - Kinh Tạng
  • Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tông Thông - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Ấm - Kinh Tạng