QUYỂN HẠ
Bóng dáng sự vật như huyễn hóa
Như thành Càn-thát-bà trang nghiêm
Người ngu tham giàu cũng như vậy
Không biết là giả, sanh đam mê
Cầu giàu sang chịu trăm thứ khổ
Được rồi cực khổ bức bách thân
Vua, quan, nước, lửa làm tan hoại
Người trí lẽ nào sanh tham ái
Yêu mến vợ con và quyến thuộc
Tạo ra các tội sẽ chia lìa
Tội lỗi quá nặng không hiểu biết
Người trí đối thân không đắm trước
Người bỏn xẻn khi cầu giàu sang
Cha mẹ cũng không tâm tôn trọng
Vợ con, quyến thuộc lại ganh ghét
Một lòng thường tham đắm tài lợi
Người tham không biết gì ân nghĩa
Chỉ nghĩ không mất vật sở hữu
Bỏ chánh, hướng tà, mong cầu tài
Người trí không phát sanh lòng tin
Người tham ý nghĩ khác lời nói
Điều đáng tin lại không tin tưởng
Thấy người tuy thương mến như con
Đó là người tham sanh dối nịnh
Người bỏn xẻn hiện ở thế gian
Tuy học hỏi thông hiểu giáo lý
Rong ruổi, tán loạn, nói lời ác
Tâm không thương xót, rất hung dữ
Người tham ở đời không nơi tựa
Cũng không có bạn bè quyến thuộc
Có nương tựa chỉ để cầu tài
Không được người có trí tin tưởng
Người tham do mong cầu giàu sang
Thường nghĩ đến những việc rất ác
Nên người trí quán sát chân chánh
Những vật người ngu sanh hoan hỷ
Vàng bạc, châu báu, san hô đủ
Thiện nghiệp phát sanh như bọt nước
Ở trong tham ái sanh cạnh tranh
Nên không hiểu biết tánh huyễn hóa
Hiền kiếp có đức Phật ra đời
Tôn danh của Ngài là Từ Thị
Hoàng kim được rải khắp mặt đất
Ngài từ đâu đến, do nhân nào?
Ở ngoài chạy theo năm dục cảnh
Người ngu tán loạn, si mê pháp
Như mặt trời giữa tháng mùa Hạ
Khát dục cho sóng nắng là nước
Sau một kiếp không, thành thế gian
Hư không cũng thành tự tánh không
Thiêu đốt phá hoại, lại hoàn thành
Từ đâu đến và đi về đâu?
Ngòi, rãnh, khe, ao và biển cả
Khô cạn phá hoại đều đồng nhau
Hư giả không thật, tham cũng vậy
Bậc trí nào lại sanh tham ái
Bậc trí tuệ lực sắc tướng đủ
Đối thân thường tự lường sức mình
Trong đây không vị do đâu nhiễm?
Nhà cửa, tài sản nên xả bỏ
Chạy theo năm dục tạo ác nghiệp
Nuôi dưỡng vợ con và quyến thuộc
Lúc chết vợ con và thân quyến
Ai đâu cứu nạn khổ cho mình
Lúc chết, quyến thuộc không đi theo
Chỉ các hạnh nghiệp tạo theo mình
Khổ não bức bách đi theo ta
Lúc đó ai đâu chịu ít phần
Ba cõi chịu khổ, không người thân
Vợ con, quyến thuộc giả làm thân
Người ngu lấy đó cho là vui
Chỉ thêm khổ não và lo buồn
Cha mẹ, vợ con và quyến thuộc
Vì cầu tài lợi nên gặp nhau
Khi chết, họ không đi theo ta
Chỉ có nghiệp ta tạo đi theo
Tất cả đều theo nghiệp tạo ra
Tất cả cũng theo nghiệp mà có
Nên biết thân này do nghiệp thành
Người trí nên tu các nghiệp lành
Cha mẹ, vợ con và quyến thuộc
Do không hiểu biết nên tham ái
Người ngu gây tạo các tội lỗi
Người trí không đọa ngục vô gián
Dù cho nghiệp báo có cùng tận
Cực khổ vô gián vẫn không khỏi
Vì thế nên sợ nhân ác thú
Người trí siêng năng lìa các khổ
Khi vua Diêm Ma trị phạt tội
Không có bạn bè nào cứu giúp
Cũng không có cha mẹ, thân quyến
Theo nghiệp mình tạo mà chịu lấy
Diêm Vương nói: “Ngươi được thân người
Được rồi sao không lìa các tội
Nay phải chịu cực khổ đánh đập
Đều do người tạo nghiệp không lành”
Tự tâm đã tạo nghiệp bất thiện
Mà lại không tin có nghiệp báo
Như pháp, vua Diêm Ma nói rằng:
Ngươi chịu phạt, chẳng phải lỗi ta
Tự gây ác nghiệp và tạo tội
Do đã tạo tội nên đến đây
Nên phải cam tâm chịu cực khổ
Do trước tạo nghiệp, chẳng phải ưa
Khi chết, các khổ làm bức bách
Quyến thuộc không thể cứu giúp được
Nếu ngươi muốn mong cầu giải thoát
Thì nên phải xa lìa tội ác
Đánh đập, tra khảo và xiềng xích
Nếu muốn thoát khỏi những thứ ấy
Nên sợ hãi nhà cửa, thân thuộc
Ở trong Phật giáo tu chánh hạnh
Nhà cửa là gốc khổ, lửa dữ
Ngọn lửa thường thiêu đốt tâm này
Bậc trí không sanh tâm tham ái
Như ngọn lửa lớn rất đáng sợ
Nhà, lợi dưỡng, thân thuộc thường lo
Giàu vui, ưu sầu cũng như vậy
Lỗi của mình, người không sai khác
Vì thế nên xa các tội ác
Người trí tin ưa giáo pháp Phật
Không gieo điều ác, được căn lành
Người ngu không sanh tâm ưa thích
Chỉ tham nhà cửa, các gốc khổ
Thân nữ gân, thịt, xương hợp lại
Giả vọng tham làm vợ của ta
Những người không trí sanh ái nhiễm
Không biết thân nữ là như huyễn
Người trí hiểu biết các dục lạc
Và nhà cửa nên sanh nhàm chán
Thuốc chánh pháp điều trị bệnh tham
Hãy mau ra khỏi các trói buộc.
Bấy giờ Vô Úy Thọ và năm trăm trưởng giả nghe chánh pháp này rồi đều được Vô sanh pháp nhẫn, đã được pháp nhẫn đều rất vui mừng hớn hở, liền nói tụng:
– Lành thay ngày hôm nay
Chúng ta được lợi lớn
Trong tất cả các lợi
Lợi ích này hơn hết
Chúng ta nên phát sanh
Tâm Bồ-đề rộng lớn
Ở trong chánh pháp Phật
Thanh tịnh sanh khát ngưỡng
Ưa thích pháp thù thắng
Tâm Bồ-đề vô thượng
Vì tất cả hữu tình
Làm cho được an lạc
Chúng ta từ hôm nay
Thận trọng thân mạng này
Phát nguyện đối kinh này
Sanh lòng rất ưa thích
Do phát sanh ưa thích
Được tất cả hữu tình
Ở vào đời vị lai
Người thấy sanh hoan hỷ
Tất cả hữu tình ấy
Người sanh tâm ái dục
Đều phát sanh vô thượng
Tâm Bồ-đề rộng lớn
Nếu tất cả hữu tình
Ưa thích tâm Bồ-đề
Sẽ được quả thù thắng
Thân sắc vàng tối thượng
Tướng tốt đẹp trang nghiêm
Đều thù thắng vi diệu
Và được ánh sáng lớn
Chiếu soi khắp thế gian
Tâm Bồ-đề vô thượng
Đó là tâm rộng lớn
Vượt qua tất cả tâm
Tối thượng và thanh tịnh
Tất cả công đức ấy
Do tâm này đầy đủ
Lại đủ lực thù thắng
Hay khỏi tất cả bệnh
Các hữu tình ít phước
Không thích tâm Bồ đề
Tâm này nhân biếng nhác
Không thể quán sanh tử
Trí Bồ-đề thần thông
Được phước lực tối thắng
Tích chứa đầy hư không
Bố thí khắp hữu tình
Người nào đối hà sa
Vô số các cõi Phật
Đem bảy món tài bảo
Cúng dường bậc Chánh giác
Người nào chỉ chấp tay
Hướng về Bồ-đề tâm
Cúng dường thù thắng này
Vượt qua các cúng dường
Cúng dường này trên hết
Gọi là tâm Bồ-đề
Vượt qua hết tất cả
Là tối thắng, tối thượng
Công đức tâm Bồ-đề
Là thần dược vi diệu
Trị được tất cả bệnh
Làm hữu tình an vui
Quán thấy các hữu tình
Ba lửa thường thiêu đốt
Dứt trừ vô lượng kiếp
Bồ tát không thối lui
Tu hạnh Bồ-đề này
Là Y vương dõng mãnh
Cứu khổ các hữu tình
Thường xa lìa mệt mỏi
Qua lại trong các cõi
Không bỏ tâm Bồ-đề
Siêng hành giáo pháp Phật
Xuất hiện tướng hy hữu
Chúng con được lợi lớn
Ưa tâm Bồ-đề này
Nguyện chúng con sẽ thành
Đệ tử bậc Đại giác.
Bấy giờ, Thế tôn hiện thần thông rộng lớn, từ kim khẩu Ngài phóng ra ánh sáng vô số màu sắc: xanh, vàng, đỏ, trắng, tía, xanh biếc. Ánh sáng này chiếu khắp vô biên thế giới, trên thấu đến cõi Phạm thiên, che mất ánh sáng của mặt trời, mặt trăng. Ánh sáng xoay quanh, nhiễu quanh bên phải Thế tôn trăm ngàn vòng rồi đi vào đảnh Thế tôn.
Bấy giờ, tôn giả A-Nan rời khỏi chỗ ngồi, bày vai bên phải, gối phải chấm đất, hướng về Phật chấp tay đảnh lễ thưa:
– Bạch Thế tôn! Do nhân duyên nào Ngài hiện ra ánh sáng này? Nếu không có nhân duyên, Như Lai Ứng cúng Chánh đẳng giác không phóng ánh sáng.
Khi ấy, tôn giả A-Nan liền nói tụng:
– Phật, bậc tối thắng không nhân duyên
Không hiện phóng ra tướng ánh sáng
Nguyện Ngài thương xót chúng hữu tình
Nói rõ nhân duyên phóng ánh sáng
Tất cả hữu tình đều nghèo thiếu
Xin Phật bố thí đại thánh tài
Chiếu sáng đến thế gian u tối
Nguyện xin Ngài nói rõ nhân duyên.
Bấy giờ, Thế tôn bảo tôn giả A-Nan:
– Này A-Nan! Ông có thấy năm trăm trưởng giả này không? Họ đều phát tâm Vô thượng Bồ-đề nên đến gặp Ta.
A-Nan thưa:
– Bạch Thế tôn! Con có thấy.
Phật bảo A-Nan:
– Năm trăm trưởng giả này đang ở trong hội, sau khi nghe chánh pháp đều được Vô sanh pháp nhẫn.
Này A-Nan! Các trưởng giả này vào thời Phật quá khứ đã phụng sự, thân cận, cúng dường, gieo trồng căn lành. Xả báo thân này, họ không trở lại đọa trong các đường ác, được sanh vào cõi trời, người hưởng vui thù thắng.
Lần lượt đến khi đức Từ Thị Như Lai Ứng cúng Chánh đẳng giác xuất hiện ở đời, họ sẽ được sanh vào cõi Phật ấy, thân cận, cúng dường, tôn trọng, phụng sự.
Sau đó, đến Hiền kiếp, chư Phật xuất hiện ở đời, đều thân cận cúng dường các đức Phật, nghe giảng chánh pháp, đọc tụng, ghi nhớ, thuyết giảng cho người.
Cuối cùng trải qua hai mươi lăm kiếp xuất hiện ở đời, ở các cõi Phật sẽ thành quả Vô thượng Chánh giác, cùng một danh hiệu là Liên Hoa Kiết Tường Tạng Như Lai Ứng cúng Chánh đẳng giác.
Bấy giờ, tôn giả A-Nan ở trước Phật thưa:
– Chánh pháp thâm sâu, rộng lớn này thật là hy hữu. Bạch Thế tôn, thật là hy hữu. Bạch Thiện thệ, kinh này tên là gì? Chúng con phụng trì như thế nào?
Phật bảo A-Nan:
– Kinh này tên là Bồ tát Du Già Sư Địa Pháp Môn,
cũng gọi là Vô Úy Thọ Sở Vấn.
Danh hiệu như vậy, ông nên thọ trì.
Phật thuyết kinh này rồi, tôn giả A-Nan, các đại Thanh văn, chúng đại Bồ tát và năm trăm trưởng giả, trời, người, A-tu-la, tất cả đại chúng trong thế gian nghe Phật thuyết giảng đều rất vui vẻ, tin nhận, phụng hành.