1
2

Thọ Tuế Kinh [受歲經]

Tây Tấn Trúc Pháp Hộ dịch

Bản Việt dịch (1) của Thích Chánh Lạc

Bản Việt dịch (2) của Thích Tâm Châu

***

Kinh Thọ Tuế

Việt dịch: Thích Chánh Lạc

Nghe như vầy: “Một thời Bà Già Bà ở tại vườn trúc Ca Lan Đà, nước La Duyệt Kỳ, cùng đông đủ chúng đại Tỳ kheo để thọ tuế”.

Bấy giờ tôn giả Đại Mục Kiền Liên bảo các Tỳ kheo: “Này chư hiền! Vị Tỳ kheo Thọ Tuế thỉnh nguyện: “Xin các tôn giả nói với tôi, dạy dỗ tôi, giáo giới tôi, thương tưởng tôi”. Đó là lý do thứ nhất. Vì sao vậy ? Này chư hiền! Hoặc có người ương ngạnh, khó dạy bảo, cùng câu hội với pháp ác, thì vị phạm hạnh không thể nói, cũng không giáo thọ, cũng không giáo giới, cũng không thương tưởng kẻ ấy. Đó là loại người thứ nhất.

Này chư hiền, thế nào là kẻ ương ngạnh, khó dạy bảo, dù cùng câu hội với vị phạm hạnh, nhưng vẫn không được vị phạm hạnh nói chuyện, vẫn không dạy bảo, cũng không giáo giới, cũng không thương tưởng kẻ ấy. Đó là loại người thứ nhất. Này chư hiền, hoặc có một người tìm cầu cái ác cùng câu hội với ác. Này chư hiền, ta bảo kẻ ấy cùng câu hội với ác, đó là pháp ương ngạnh, khó dạy bảo. Cũng như thế, bị nhiễm dục, sân hận, xan tham, tật đố, không xả, dối láo, dua nịnh, huyền ảo, không hổ, không thẹn, ôm hận, nói lời uất hận, mắng lại Tỳ kheo khiển trách mình, nói cho mọi người biết vị Tỳ kheo đã chỉ trích mình, chê bai lời nói của Tỳ kheo chỉ trích mình. Tất cả lời lẽ đều nói lãng ngoài đề để tránh né, ôm ấp lòng phẫn nộ mà rộng câu hội với ác tri thức, ác bằng hữu, không biết ơn, không báo ơn, đền ơn. Này chư hiền, những người không biết ơn, không báo đền, đó là những kẻ ngang ngược, khó dạy. Do đó, này chư hiền, người có tánh ngang ngược, khó dạy thì dù câu hội với các vị Phạm hạnh, thì các vị ấy cũng không nói chuyện, không dạy dỗ, không khiển trách, không thương nhớ. Đó là hạng người thứ nhất.

Này chư hiền, Tỳ kheo nên tự suy nghĩ. Này chư hiền, nếu ai có tìm cầu cái ác (dục) cùng câu hội với ác (dục) thì ta không thương người đó. Nếu ta có ác dục, cùng câu hội với ác dục thì người ấy cũng không thương ta. Tỳ kheo hãy quán sát như vậy, đừng có ác dục, nên học như vậy. Cũng như thế, ai bị nhiễm dục, sân hận, xan tham, tật đố, không xả bỏ, dối láo, dua nịnh, hư huyễn, không hổ, không thẹn, ôm lòng sân hận, miệng nói lời sân kết, mắng lại Tỳ kheo khiển trách mình, chê bai lời nói của Tỳ kheo khiển trách mình. Tất cả lời nói đều ngoài đề để tránh né, ôm lòng sân hận, rộng câu hội với ác tri thức và ác bằng hữu, không biết ơn, không báo đền. Này chư hiền, nếu ai vong ơn, không báo ơn, thì ta không thương người ấy, và nếu ta vong ân, không báo ân thì người ấy cũng không thương ta. Tỳ kheo hãy quán sát như vậy. Đừng là kẻ không báo ơn, nên học như vậy.

Này chư hiền, nếu Tỳ kheo không thỉnh cầu các Tỳ kheo rằng: “Xin các vị nói với tôi, dạy dỗ tôi, khiển trách tôi, thương tưởng tôi”. Đó là một hạng người. Vì sao ? Này chư hiền, hoặc có một người dễ bảo, cùng câu hội với giáo pháp nên các vị đồng phạm hạnh nói chuyện, dạy dỗ, khiển trách và thương nhớ người ấy. Người ấy là số một vậy. Vì sao ? Này chư hiền, người dễ dạy bảo, cùng câu hội với giáo pháp, mà được các vị đồng phạm hạnh nói chuyện, dạy dỗ, khiển trách, thương yêu. Người đó là số một. Này chư hiền, hoặc có một người không có tìm cầu cái ác (dục), không câu hội cùng ác. Này chư hiền, kẻ ấy vì không có ác dục, không câu hội với ác dục, thì đó là pháp dễ dạy bảo. Cũng như thế, không bị nhiễm dục, không sân hận, không xan tham, tật đố, không dối láo, dua nịnh, hư huyễn, biết hỗ, biết thẹn, không ôm lòng giận, miệng không nói lời hận kết, không mắng lại Tỳ kheo khiển trách mình, không nói với mọi người về Tỳ kheo khiển trách mình, không phỉ báng lời nói của Tỳ kheo chỉ trích mình, không nói ngoài lề để tránh né, không san hận mà lại rộn rãi, không ở chung với ác tri thức cùng ác bạn hữu, không vô ơn mà nhớ ơn. Này chư hiền, vì người ấy cùng tương ưng với giáo pháp. Đó là này chư hiền, kẻ dễ dạy bảo cùng tương ưng với giáo pháp. Cho nên được các vị đồng phạm hạnh nói chuyện, dạy dỗ, khiển trách và thương nhớ. Kẻ ấy là người số một.

Này chư hiền, Tỳ kheo nên tự suy xét. Này chư hiền, nếu ai không có ác dục, không câu hội với ác dục thì ta thương người đó, và nếu ta không có ác dục, không câu hội với ác dục, thì người đó cũng thương ta. Tỳ kheo nên quán như vậy, không nên ác dục, nên học như vậy. Không nên ác dục, nên học như vậy. Cũng như thế, không bị nhiễm dục, không sân hận, không xan tham, tật đố, không xả bỏ, không dối láo, dua nịnh, biết hỗ, biết thẹn, không sân kết, miệng không nói lời sân kết, không mắng lại Tỳ kheo khiển trách mình, không nói với mọi người vị Tỳ kheo khiển trách mình, không phỉ báng lời nói vị Tỳ kheo khiển trách mình. Tất cả lời nói đều không nói ngoài lề để tránh né, không sân hận mà rộng rãi, không câu hội với ác tri thức và ác bạn hữu, không quên ơn mà nhớ báo đền. Này chư hiền, nếu người nào không quên ơn, nhớ báo đền thì ta thương yêu người đó. Nếu ta không quên ơn, nhớ báo đền thì người đó cũng thương yêu ta. Tỳ kheo nên quán sát như vậy. Hãy không quên ơn, nhớ báo đền, nên học như vậy.

Này chư hiền, nếu Tỳ kheo quán sát như vậy: “Ta đang có các dục, cùng tương ưng với ác dục, hay không có ác dục, không tương ưng với ác dục thì chắc chắn có nhiều lợi ích”. Này chư hiền, nếu Tỳ kheo quán sát mà biết được ta đang có ác dục, cùng tương ưng với ác dục thì kẻ ấy sẽ không hoan hỷ. Do đó kẻ ấy mong cầu đoạn trừ dục. Này chư hiền, nếu Tỳ kheo lúc quán sát mà biết ta hiện không có ác dục, không tương ưng với ác dục thì kẻ ấy liền vui mừng thấy mình được thanh tịnh, trong sạch đang hành động trong cảnh giới của đức Phật . Thấy vậy rồi vui mừng mà tu hành.

Này chư hiền, thí như người có mắt cầm cái gương sáng tự soi mặt mình. Này chư hiền, người có mắt ấy sẽ tự thấy mặt mình dơ dáy nên trong lòng không vui, kẻ ấy muốn rửa sạch chất dơ. Này chư hiền, nếu người có mắt ấy không thấy mặt mình có vết dơ, kẻ ấy liền vui mừng thấy mình được thanh tịnh. Kẻ ấy tự thấy như vậy rồi vui mừng mà thực hành. Này chư hiền, cũng như vậy Tỳ kheo quán sát mà biết mình có ác dục, cùng câu hội với ác dục, kẻ ấy mong cầu đoạn trừ dục. Này chư hiền, Tỳ kheo quán sát mà biết mình không có ác dục, không câu hội với ác dục, kẻ ấy liền vui mừng thấy mình được trong sạch, thanh tịnh, đang ở trong cảnh giới của đức Phật. Thấy vậy rồi vui mừng mà thực hành.

Cũng như vậy bị nhiễm dục hay không nhiễm dục; cũng vậy có sân hận hay không có sân hận; cũng vậy có xan tham tật đố không xả, hay không có xan tham tật đố, không xả; cũng vậy có dua nịnh dối trá hay không có dua nịnh dối trá; cũng như vậy có sự không hỗ, không thẹn hay biết hỗ biết thẹn; cũng vậy có hận kết, để miệng nói lời hận kết hay không có hận kết để miệng nói lời hận kết. Mắng lại Tỳ kheo khiển trách mình hay không mắng lại Tỳ kheo khiển trách mình ? Nói với mọi người về Tỳ kheo khiển trách mình hay không đem nói cho mọi người Tỳ kheo khiển trách mình ? Phỉ báng lời nói vị Tỳ kheo khiển trách mình hay không phỉ báng Tỳ kheo chỉ trích ? Tất cả lời lẽ đều nói ngoài lề để tránh né hay không dùng những lời lẽ nói ngoài lề để tránh né ? Có sân hận hay không sân hận ? Giao kết với ác tri thức cùng ác bạn hữu hay không giao kết với ác tri thức cùng các bạn hữu ? Không biết ơn, không báo ơn hay biết ơn, báo ơn ? Này chư hiền, Tỳ kheo quán sát biết rằng: “Ta là kẻ không biết ơn, không biết báo ơn”. Kẻ ấy trong lòng không vui, liền mong muốn đoạn trừ.

Này chư hiền, nếu Tỳ kheo quán sát biết rằng: “Ta là kẻ không vong ơn biết báo ơn”. Kẻ ấy liền vui mừng thấy mình trong sạch thanh tịnh, đang đi trong cảng giới của Phật Thế tôn, thấy như vậy rồi liền vui thích thực hành.

Này chư hiền, như người có mắt tự thấy mặt mình có bụi dơ, kẻ ấy liền không vui và mong muốn rửa sạch. Này chư hiền, nếu người ấy không thấy mặt mình có bụi dơ liền vui mừng là mình được thanh tịnh. Tự thấy như vậy thì vui thích mà tu hành. Cũng vậy, này chư hiền, Tỳ kheo quán sát và biết được mình là kẻ vong ân, không báo ân, kẻ ấy liền không hoan hỷ, liền có ý muốn trừ bỏ. Này chư hiền, nếu Tỳ kheo quán biết là ta không phải là kẻ vong ân, không báo ân, kẻ ấy liền vui mừng cho rằng mình trong sạch thanh tịnh đang đi trong cảnh giới của Phật Thế tôn. Do tự thấy như vậy rồi vui thích tu hành, do vui thích tu hành nên được hoan hỷ, do hoan hỷ nên thân tín hành, do thân tín hành nên biết an lạc, do an lạc nên định ý, do định ý nên biết như chơn, thấy như chơn; do thấy biết như chơn cho nên được nhàm chán xa lìa (?), nhờ nhàm chán xa lìa nên được vô nhiễm, do vô nhiễm nên được giải thoát, do giải thoát nên giải thoát tri kiến, biết như thật rằng: “Sanh đã hết, phạm hạnh đã thành, việc đáng làm đã làm xong, không còn tái sanh”.

Tôn giả Đại Mục Kiền Liên nói như vậy, các Tỳ kheo nghe tôn giả Đại Mục Kiền Liên nói xong, hoan hỷ vui mừng.

    Xem thêm:

  • Kinh Trường A-Hàm Phần 4 – HT Thích Tuệ Sĩ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Nói Về Pháp Bố Thí - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 34 – Tiểu Kinh Người Chăn Bò (Cùlagopàlaka sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Bổn Sự - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Niết Bàn – Tuệ Khai dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Tân Tuế - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 25 – Mười Việc Ác - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Công Đức Tạo Tượng Phật - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Diệu Cát Tường Bồ Tát Sở Vấn Đại Thừa Pháp Loa - Kinh Tạng
  • Kinh Hư Không Tạng Bồ Tát - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 15 – Báo Ân - Kinh Tạng
  • Quán Niệm A Di Đà Phật Tướng Hải Tam Muội Công Đức Pháp Môn - Kinh Tạng
  • Kinh Hiền Ngu - Kinh Tạng
  • Kinh Lục Độ Tập - Kinh Tạng
  • Kinh Bách Dụ – Thích Tâm Châu dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức – Tuệ Nhuận dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Quán Thế Âm Bồ Tát Thọ Ký - Kinh Tạng
  • Kinh Bồ Tát Thực Hành Phương Tiện - Kinh Tạng