1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13

Giải thích trí sai biệt thắng tướng 10-2

Luận nói : Có bao nhiêu thứ Phật pháp gồm trong pháp thân này ?

Giải thích : Đặt câu hỏi này không phải để hiển thị cái thể trong pháp thân mà hiển thị pháp chứng đắc trong pháp thân.

Luận nói : Nếu nói đại lược có 6 thứ :

Giải thích : Nếu nói rộng có vô lượng thứ. Nay đại lược chỉ nói 6 thứ.

Luận nói : Một là loại pháp thanh tịnh.

Giải thích : Diệt hết bất tịnh phẩm chứng được pháp thân, gọi là pháp thanh tịnh.

Làm thế nào được pháp thanh tịnh này ?

Luận nói : Một là do chuyển y thức A-lê-da,

Giải thích : Khi khởi đối trị, lìa một phần bất tịnh phẩm của bản thức, tương ưng với một phần tịnh phẩm của bản thức, gọi là chuyển y.

Luận nói : do chứng được pháp thân.

Giải thích : Do chuyển y này, sau Kim cương đạo chứng được pháp thân. Ngoài diệt đức, các đức khác gọi là pháp thanh tịnh. Là loại chứng đắc nên gọi là loại pháp thanh tịnh.

Luận nói : Hai là loại pháp quả báo,

Giải thích : Có pháp Như Lai là loại quả báo. Như trí thấy sắc v.v…gọi là pháp quả báo.

Làm thế nào được pháp quả báo này ?

Luận nói : do chuyển y hữu sắc căn,

Giải thích : Khi khởi đối trị, diệt sắc thức của nhãn căn v.v…, 5 căn như vậy, gọi là chuyển y.

Luận nói : do chứng được quả báo thắng trí.

Giải thích : Do chuyển y này, chư Phật được quả báo loại trí. Trí này trong 5 trần đúng với thức do 5 căn sinh của chúng sinh trong 10 phương thế giới. Trí này khởi trong 5 trần, nên gọi là quả báo loại. Quả báo loại pháp này là loại chứng đắc, nên gọi là quả báo loại pháp.

Luận nói : Ba là pháp trụ loại,

Giải thích : Như Lai chứng khắp được tất cả pháp, gọi là trụ pháp.

Làm thế nào được trụ pháp này ?

Luận nói : do chuyển y thụ hành dục trần,

Giải thích : Khi khởi đối trị, diệt thế gian thụ hành dục trần thức, nên gọi là được chuyển y.

Luận nói : do trụ vô lượng trí tuệ.

Giải thích : Do chuyển y này, Như Lai được vô lượng trí trụ vô lượng cảnh đều không quên mất. Trí này tức đúng với cái xúc trong thụ hành dục trần có quên mất. Thức tức là cái thể của tứ bất hộ. Pháp trụ loại này là loại chứng đắc, nên gọi là pháp trụ loại.

Luận nói : Bốn là loại pháp tự tại,

Giải thích : Thắng năng không ngại trong tất cả mọi nơi, gọi là pháp tự tại.

Làm thế nào được pháp tự tại này ?

Luận nói : do chuyển y các nghiệp, thâu nhiếp bình đẳng tự tại,

Giải thích : Trong thế gian có nhiều thứ nghề nghiệp như làm nông, thương mại v.v…hoặc tích trữ của cải tiền bạc gồm các thứ. Khi khởi đối trị, diệt thức của các nghiệp này v.v, gọi là chuyển y.

Luận nói : do trí lục thông này tự tại vô ngại trong tất cả mười phương thế giới.

Giải thích : Do chuyển y này được trí lục thông vô ngại trong 10 phương thế giới. Pháp tự tại này là loại chứng đắc, nên gọi là loại pháp tự tại.

Luận nói : Năm là loại pháp ngôn thuyết,

Giải thích : Như Lai có bất cộng, được 4 vô ngại giải, trong chính thuyết có đầy đủ thắng năng, nên nói là thuyết pháp.

Làm thế nào được pháp ngôn thuyết này ?

Luận nói : do chuyển y ngôn thuyết của tất cả thấy nghe hay biết,

Giải thích : Trong thế gian có ngôn thuyết thấy nghe hay biết, y 6 thức cảnh khởi ý thức phân biệt. Do phân biệt này sinh 4 thứ ngôn thuyết. Khi đối trị khởi, diệt cái thức ngôn thuyết này, gọi là chuyển y.

Luận nói : do trí chính thuyết tự tại này có thể khiến thỏa mãn tất cả tâm chúng sinh.

Giải thích : Do chuyển y này, Như Lai trong 4 ngôn thuyết được bất cộng 4 vô ngại giải, có thể như ý nói pháp xứng căn tính chúng sinh đều khiến đắc quả. Pháp ngôn thuyết này là loại chứng đắc, nên nói là loại pháp ngôn thuyết.

Luận nói : Sáu là loại pháp cứu tế,

Giải thích : Là ý chư Phật lợi ích an lạc chúng sinh, tức là Đại bi.

Làm thế nào được sự cứu tế này ?

Luận nói : do chuyển y ý cứu giúp tất cả tai họa lỗi lầm,

Giải thích : Trong thế gian, như vua v.v…tai họa khởi, Bồ-tát xưa do sức của thiện hữu, do thế lực của tự mình, do tài vật lực v.v… cứu vớt tai họa lỗi lầm cho chúng sinh. Khi khởi đối trị, diệt cái thức cứu vớt này, gọi là chuyển y.

Luận nói : do trí tuệ tự tại cứu giúp tai họa lỗi lầm tất cả chúng sinh.

Giải thích : Do chuyển y này có thể như ý cứu tế tất cả tai họa lỗi lần cho chúng sinh. Pháp cứu tế này là loại pháp chứng đắc, nên gọi là loại pháp cứu tế.

Luận nói : Như thế 6 thứ loại pháp này được gồm thâu trong pháp thân chư Phật Như Lai.

Giải thích : Sáu pháp này trước 4 là tự lợi, sau 2 là lợi tha. Lợi tha có 2 thứ : lợi vĩnh viễn và lợi tạm thời. Lợi vĩnh viễn là chân thật. Lợi tạm thời là giả danh. Cả hai đều là loại pháp thân chứng đắc, nên nói là nhiếp pháp.

Luận nói : Pháp thân chư Phật có thể nói là có sai biệt hay không sai biệt ?

Giải thích : Mười phương chư Phật là đồng một pháp thân, là phải có khác.

Luận nói : Do chỗ y chỉ, ý lạc, dụng nghiệp thì không khác, nên phải biết là không sai biệt.

Giải thích : Chư Phật đồng lý pháp thân làm y chỉ. Đối với ý dụng lợi ích an lạc chúng sinh cũng đồng, ở trong chúng sinh hiện thành chính giác, cho đến Bát-niết-bàn nghiệp này cũng đồng. Do nghĩa này, phải biết pháp thân chư Phật là không sai biệt.

Luận nói : Nhưng do về sự, có vô lượng chính giác, nên phải biết là có sai biệt.

Giải thích : Có chư Phật trong pháp thân đã được chính giác, cho đến đã Bát-niết-bàn. Có chư Phật đúng lúc được chính giác. Có chư Phật sẽ được chính giác, cho đến Bát-niết-bàn cũng vậy. Có vô lượng sự việc như thế, trước sau không đồng, cho nên phải biết pháp thân có sai biệt.

Luận nói : Như pháp thân, thụ dụng thân cũng vậy,

Giải thích : Chư Phật ứng thân không sai biệt, có sai biệt, nghĩa giống như pháp thân.

Luận nói : do y chỉ nghiệp không khác nên phải biết là không sai biệt.

Giải thích : Mười phương chư Phật, ứng thân đồng y chỉ pháp thân. Y chỉ không khác nên ứng thân không sai biệt. Ứng thân lấy hóa thân làm nghiệp. Ứng thân chư Phật không ứng thân nào không là y chỉ của hóa thân. Khởi nơi hóa thân bởi nghiệp đồng, nên không có sai biệt.

Luận nói : Không do y chỉ sai biệt nên không sai biệt, vì vô lượng y chỉ chuyển y.

Giải thích : Vô lượng Bồ-tát tu đạo chuyển y, như số lượng của Bồ-tát ứng thân cũng vậy. Không do y chỉ không sai biệt mà nói không sai biệt, do thân đều khác nên ứng thân cũng vậy, cho nên có sai biệt.

Luận nói : Nên biết biến hóa thân như thụ dụng thân.

Giải thích : Do y pháp thân nên không sai biệt. Do y ứng thân nên có sai biệt.

Luận nói : Pháp thân này tương ưng với bao nhiêu công đức ?

Tương ưng với 4 vô lượng cực kỳ thanh tịnh, với 8 giải thoát, 8 chế, 8 thập nhất thiết nhập, vô tránh Tam-ma-đề, nguyện, trí, 4 vô ngại giải, 6 thông tuệ, 32 tướng của đại nhân, 80 tiểu tướng, 4 thứ nhất thiết tướng thanh tịnh, 10 lực, 4 vô úy, 4 vô hộ, 3 niệm xứ, nhổ bỏ tập khí, pháp không quên mất, Đại bi, 18 pháp không chung, các pháp tương ưng tất cả tướng tối thắng trí v.v…

Giải thích : Thân này tương ưng với các pháp công đức, cho nên gọi là pháp thân muốn hiển thị pháp tương ưng, vì thế có câu hỏi này.

Luận nói : Ở đây có bài kệ như sau :

Giải thích : Kệ có 2 nghĩa : một hiển thị công đức của Như Lai, hai hiển thị cung kính người có công đức.

Luận nói :

Đại bi đối chúng sinh,

Lìa các ý trói buộc.

Ý không lìa chúng sinh,

Kính lễ ý lợi lạc.

Luận nói : “Đại bi đối chúng sinh”

Giải thích : Một kệ dưới đây hiển thị 4 vô lượng. Câu này là nói Đại bi.

Luận nói : “Lìa các ý trói buộc.”

Giải thích : Câu này nói đại từ. Lìa ý nhiễm trước, cho chúng sinh an lạc.

Luận nói : “Ý không lìa chúng sinh,”

Giải thích : Câu này nói Đại hỷ. Chúng sinh nếu lìa khổ được an vui thì nơi chúng sinh thường khởi tâm hoan hỷ.

Luận nói : “Kính lễ ý lợi lạc.”

Giải thích : Câu này nói Đại xả. Xả bỏ ý cứu khổ cho vui, thường giữ ý lợi lạc. Lại xả bỏ các tướng oán thân, thường giữ ý lợi lạc bình đẳng. Do có đức này, nên đỉnh lễ. Lại nữa lìa các ý trói buộc, tức nói lìa bi tâm của ngoại đạo và Nhị thừa. Bi tâm của ngoại đạo duyên chúng sinh mà khởi nên là trói. Bi tâm của Nhị thừa duyên pháp mà khởi nên là buộc. Đại bi của Như Lai không duyên vào hai cái này, nên nói là lìa. Đại biđã vậy, từ v.v… cũng vậy. Không lìa ý chúng sinh nghĩa là tuy lìa duyên chúng sinh và duyên pháp, nhưng Như Lai đối với chúng sinh thường không lìa 4 ý vô lượng. Đối với người có khổ, không lìa ý cứu khổ. Đối với người không vui, không lìa ý cho vui. Đối với người đã lìa khổ lạc, không lìa ý hoan hỷ. Đối với chúng sinh như vậy, không lìa ý bình đẳng, ý lợi lạc. Đỉnh lễ là khiến được ích xuất thế gian làm lợi, khiến được ích thế gian làm lạc. Bốn thứ vô lượng đủ cả 2 ích này.

Luận nói :

Giải thoát tất cả chướng,

Hàng phục người thế trí.

Trí tuệ biến mãn khắp,

Kính lễ tâm giải thoát.

Luận nói : “Giải thoát tất cả chướng,”

Giải thích : Kệ này hiển thị 3 đức. Câu bày nói 8 giải thoát. Tám giải thoát trừ 2 thứ chướng : một tu tập chướng, hai thắng loại chướng. Tám giải thoát đủ 2 nghĩa : một vô lưu, hai cứu cánh. Là vô lưu nên trừ tu tập chướng, tức kiến đế v.v…các hoặc. Là cứu cánh nên trừ thắng loại chướng, tức tâm hạ liệt.

Luận nói : “Hàng phục người thế trí.”

Giải thích : Câu này nói 8 chế nhập. Là vô lưu chẳng phải cứu cánh. Là cứu cánh chẳng phải vô lưu. Thuộc 8 chế nhập cho nên khác 8 giải thoát. Tâm có thể chế ngự cảnh khiến cảnh theo tâm, nên gọi là hàng phục. Người thế trí tức là Phật.

Luận nói : “Trí tuệ biến mãn khắp,”

Giải thích : Câu này nói 10 nhất thiết nhập. Phải biết là 10 cảnh. Trí duyên 10 cảnh. Biến khắp nơi nên nói là biến mãn.

Luận nói : “Kính lễ tâm giải thoát.”

Giải thích : Tâm ở 3 nơi này đều được giải thoát.

Luận nói :

Các chúng sinh không sót,

Diệt trừ hết hoặc chướng.

Hại hoặc có nhiễm ô,

Kính lễ thường xót thương.

Luận nói : “Các chúng sinh không sót, Diệt trừ hết hoặc chướng.”

Giải thích : Kệ này nói về Vô tránh Tam-ma-đề. Tất cả những gì làm ra không khởi phiền não tranh cãi với chúng sinh.

Luận nói : “Hại hoặc có nhiễm ô, Kính lễ thường xót thương.”

Giải thích : Phật có thể hại các hoặc của chúng sinh. Chúng sinh có nhiễm ô, Như Lai thường khởi tâm thương xót.

Luận nói :

Không dụng công, không chấp,

Không ngại, thường vắng lặng.

Giải thích : Nửa kệ này nói về nguyện trí. Muốn biết tất cả việc trong 3 đời là nguyện. Như Lai đều có thể chứng biết là trí. Tu tập thuần thục nên không dụng công. Tập khí hết nên không chấp trước. Do 2 nghĩa này nên đều có thể chứng biết cảnh trong 3 đời. Như lượng có thể biết nên không ngại. Như Lai hằng không xuất quán nên vắng lặng. Vắng lặng hiển thị không dụng công. Không ngại hiển thị không chấp trước.

Luận nói :

Chúng sinh có nghi nan,

Kính lễ vì giải thích.

Năng y và sở y,

Ngôn ngữ và trí tuệ,

Giảng giải không trở ngại,

Kính lễ đấng đạo sư.

Luận nói : “Chúng sinh có vấn nạn, Kính lễ vì giải thích.”

Giải thích : Một kệ rưỡi dưới đây nói về 4 vô ngại giải. Do đủ 4 sự hiểu biết nên có thể giải thích sự nghi nan của chúng sinh.

Luận nói : “Nơi y và năng y, Ngôn ngữ và trí tuệ,”

Giải thích : Nơi y là nghĩa. Năng y là các pháp môn. Nên nói thì mới nói. Và trí là biện luận một cách khéo léo.

Luận nói : “Giảng giải không trở ngại,”

Giải thích : Trong 4 cái này công năng không trở ngại, nói cho người khác cũng không trở ngại.

Luận nói :”Kính lễ đấng đạo sư.”

Giải thích : Đã lìa hoặc ái, những gì nói ra là không cấu uế, người có cái đức có thể nói gọi là thuyết giả.

Luận nói :

Tiếp thụ, trụ và xả,

Biến hóa và đổi tính.

Được định trí tự tại,

Kính lễ đấng Thế Tôn.

Giải thích : Kệ này nói về thông tuệ. Nếu thọ mạng hết có thể nhiếp thụ khiến dài lâu, cho đến trải 8 vạn Đại kiếp. Chẳng phải chỉ 8 vạn kiếp mà thôi, muốn trụ lại nhiều kiếp cũng được như ý. Muốn xả bỏ cũng được như ý. Lại ở trong các định cũng có được 3 năng lực này. Từ trong một thân phân ra vô lượng thân là biến hóa. Chuyển vàng thành đất v.v…là đổi tính. Thông tuệ đều do định mà thành như ý không ngại nên nói “Được định trí tự tại”.

Luận nói :

Các chúng sinh thấy ngài,

Tin kính đức Điều ngự.

Do thấy sinh tịnh tâm,

Kính lễ Điều thắng sĩ.

Giải thích : Kệ này hợp lại nói về 32 tướng của Đại nhân, 80 tiểu tướng của chúng sinh. Thấy đại tiểu tướng của Phật sinh tâm kính tín. Như Lai là bậc tối thắng, đại tiểu tướng của Như Lai đều có thể sinh tâm thanh tịnh cho chúng sinh.

Luận nói :

Tùy ngôn ngữ âm thanh,

Đi về rồi xuất ly.

Chứng biết các chúng sinh,

Kính lễ đấng giáo hóa.

Giải thích : Kệ này nói về 4 thứ Nhất thiết tướng thanh tịnh. Tùy theo hình loại và ngôn ngữ âm thanh của chúng sinh mà thị hiện. Như chúng sinh kia thụ sinh đời quá khứ gọi là vãng, thụ sinh hiện tại gọi là hoàn. Đi về trong hai đời. Được đạo quả 3 thừa là xuất ly. Phật đều chứng biết việc này. Nếu thích hợp thì vì nói chính giáo. Do 4 thanh tịnh nên có công năng này.

Luận nói :

Phương tiện, quy y, tịnh,

Trong các chúng sinh chướng.

Pháp Đại thừa xuất ly,

Kính lễ đấng phá ma.

Giải thích : Từ xuất gia thụ giới cho đến Thế đệ nhất pháp đều gọi là phương tiện. Khổ pháp nhẫn cho đến quả thứ hai là quy y. Đã được 4 bất hoại tín nên quả thứ ba và thứ tư là tịnh. Bởi lìa dục ở cõi Dục cho đến cõi Sắc, nên trong khoảng này. Ma hay gây chướng ngại chúng sinh khiến không được đạo quả này. Nếu trong Đại thừa tu hạnh 10 địa, xuất ly 3 chướng, nhưng trong đó ma cũng có thể gây chướng ngại. Do Như Lai có đủ thập lực có thể vì chúng sinh đè bẹp các ma.

Luận nói :

Trí, diệt và xuất ly,

Nói rõ các chướng sự.

Mình người đều được lợi,

Kính lễ đấng phá tà.

Giải thích : Kệ này nói 4 không sở hãi. Trí tức Nhất thiết trí vô úy. Diệt tức Lưu tận vô úy. Xuất ly tức Thuyết tận khổ đạo vô úy. Chướng sự tức Thuyết chướng đạo vô úy. Nếu có ngoại đạo bài báng Phật nói chẳng phải Nhất thiết trí, hoặc nói các lưu chưa hết, hoặc nói Như Lai nói hết đạo hết khổ vậy mà tu không hết khổ được. Nói khởi pháp chướng đạo thì các chướng này không hại được đạo. Trong đó Như Lai có thể hàng phục tà ma, không sợ hãi.

Luận nói :

Không cấm không lỗi lầm,

Không ô nhiễm không trụ.

Với các pháp, không động,

Kính lễ không hý luận.

Giải thích : Kệ này nói về 4 bất hộ. Không thầy ngăn cấm, thân, khẩu, ý, mạng tự không có lỗi lầm 10 điều ác. Không phải chỉ không tham sân tà kiến phiền não, mà tất cả phiền não đều đã diệt hết. Không đắm trước các pháp nên nói là không nhiễm trược, không trụ. Không nảy ý nghĩ là biết các pháp, các pháp không có nghĩa gì lại phải học, lìa phân biệt, trí tuệ đầy khắp nên nói là không động. Lỗi lầm đã trừ nên không hý luận.

Luận nói :

Giảng thuyết điều phục chúng,

Xa lìa hai hoặc chướng.

Không giữ .không quên mất,

Kính lễ đấng nhiếp hóa.

Giải thích : Kệ này nói về 3 niệm xứ. Nếu có chúng sinh trong Đại pháp hội nghe Như Lai thuyết pháp sinh hủy báng, Như Lai cũng không giận. Nếu sinh tin tưởng thụ trì, Như Lai cũng không yêu. Nếu không hủy báng không tin, Như Lai cũng không bỏ. Trong 3 trường hợp này thường khởi Đại bi, dùng sức phương tiện nói chính pháp, khiến chúng nhập lý. Trong đại chúng, Phật có năng lực hàng phục các chúng sinh như vậy. Vì chúng thuyết chính pháp, không khởi sân, dục hai hoặc. Đã không sân, dục tức biết không có vô minh. Không do tâm bảo vệ gìn giữ nên không quên mất. Đại niệm, Đại bi thường tự kiên cố không quên mất. Dùng Đại bi này có thể nhiếp hóa đại chúng.

Luận nói :

Vì sự nghiệp lợi tha,

Thế Tôn không chờ thời.

Việc làm không trống rỗng,

Kính lễ đấng không mê.

Giải thích : Mười phương vô lượng chúng sinh, trong một sát-na phải được lợi ích. Như Lai dùng sức Đại bi trong mỗi sát-na đều khiến được lợi ích không bỏ luống qua. Cũng không một chúng sinh khi đắc đạo, đợi cho khi sắp đến mới vì nói pháp. Tất cả mọi việc làm đều ứng thời được lợi ích, cho nên việc làm là không trống rỗng. Mê là vô minh. Vô minh là thể của tập khí. Do tập khí hết nên lợi ích, chẳng phải hư dối rỗng suông.

Luận nói :

Trong tất cả hành, trụ,

Đều viên mãn trí tuệ.

Biết khắp cả ba đời,

Kính lễ đấng thật thể.

Giải thích : Kệ này nói về không quên mất. Đã thụ sinh và chưa thụ sinh là hành. Chính thụ sinh là trụ. Việc trong 3 đời của chúng sinh đều là cảnh của trí tuệ viên mãn cho nên có thể biết khắp 3 đời. Chân như là thể nên gọi là thật thể. Do thể là thật, trí thì viên mãn nên không quên mất. Lại nữa Phật trong lúc tu nhân, tu thập địa là hành, đắc Phật là trụ. Trí viên mãn có thể thông đạt việc nhân quả này. Biết khắp 3 đời có thể thông đạt rõ ràng việc 3 đời của chúng sinh. Đây là giải thích sự thông minh có thể biết được mình và người.

Luận nói :

Ngày đêm sáu thời quán,

Chúng sinh trong các cõi.

Tương ưng tâm Đại bi,

Kính lễ đấng lợi lạc.

Giải thích : Kệ này nói về Đại bi. Phật thường quán chúng sinh, nên nói 6 thời là muốn dùng đó làm khuôn phép tu đạo. Có hạnh tự lợi có hạnh lợi tha. Dùng 6 thời tu hạnh lợi tha, 6 thời tu hạnh tự lợi. Nói cõi chúng sinh tức nói tính của chúng sinh. Tính chúng sinh không đồng, hoặc nhan ác sinh thiện, hoặc nhân thiện sinh thiện, hoặc nhân sợ hãi sinh thiện, hoặc nhân hoan hỷ sinh thiện. Đại bi có thể hợp với tất các tính này mà hóa độ, cho nên đều cùng Đại bi tương ưng. Căn và dục lạc cũng vậỵ

Luận nói :

Do hành và do đắc,

Do trí và do nghiệp,

Hơn tất cả Nhị thừa,

Kính lễ đấng cao tột.

Giải thích : Kệ này nói về 18 pháp không chung. Hành là nhân. Đắc là quả. Trí là trí như lý như lượng. Sự tức việc lợi ích chúng sinh. Mười tám pháp không chung không ra ngoài 4 nghĩa. Không cùng với Nhị thừa v.v…nên nói không chung.

Luận nói :

Ba thân rất tôn quý,

Đủ tướng Vô thượng giác.

Tất cả pháp nếu nghi,

Kính lễ đấng năng trừ.

Giải thích : Kên này nói về trí tối thắng tất cả tướng. Ba thân tức 3 đức. Pháp thân là đoạn đức. Ứng thân là trí đức. Hóa thân là ân đức. Do 3 thân nên đủ 3 quả của đức tướng. Do được vô thượng giác nên tối thắng. Chúng sinh trong tất cả pháp sinh nghi, Như Lai đều có thể vì chúng đoạn trừ.

Luận nói :

Không buộc, không lỗi lầm,

Không thô trược, không trụ,

Đối các pháp không động,

Kính lễ không hý luận.

Giải thích : Kệ này nói về 6 thứ thanh tịnh của Như Lai : Một là hoặc chướng thanh tịnh, tức không trói buộc, do diệt hoặc v.v… 3 chướng. Hai là nghiệp chướng thanh tịnh, nghĩa là không lỗi lầm, do diệt 22 nghiệp chướng. Ba là báo chướng thanh tịnh, nghĩa là không thô trược, do trừ 7 thứ sinh tử. Bốn là lợi ích thanh tịnh, nghĩa là vô trụ, do không cách ngại sinh tử với Niết-bàn. Năm là tự tại thanh tịnh, nghĩa là không động đối với các pháp, không do dụng công, đối với tất cả các pháp có thể hiện như ý. Sáu là không hý luận thnh tịnh, do cảnh giới vượt quá ngôn ngữ giác quán tư duy. Ba trước nói về tự lợi. Ba sau nói lợi tha.

Luận nói : Pháp thân chư Phật không phải chỉ hằng tương ưng với các công đức này mà còn tương ưng với các công đức khác

Giải thích : Trước nói công đức là thông cả Đại thừa Tiểu thừa. Đã nói pháp thân tương ưng với công đức này, lại có công đức bất cộng của Đại thừa tương ưng với pháp thân.

Luận nói : như tự tính, nhân quả, nghiệp tương ưng, hành sự công đức tương ưng.

Giải thích : Trong đây lược nói 6 thứ công đức của Đại thừa tương ưng với pháp thân. Tức là tự tính pháp thân, nhân pháp thân, quả pháp thân, nghiệp pháp thân, tương ưng pháp thân, sinh khởi pháp thân.

Luận nói : Cho nên phải biết pháp thân chư Phật có công đức vô thượng.

Giải thích : Ở trong Đại Tiểu thừa không cùng chung với cái khác nên nói không có cái gì trên.

Luận nói : Ở đây có bài kệ như sau :

Giải thích : Để nói 6 thứ công đức này, nên nói kệ.

Luận nói :

Phật thành tựu chân như,

Tu ra khỏi các địa.

Đến địa vị vô đẳng,

Giải thoát các chúng sinh.

Luận nói : “Phật thành tựu chân như,”

Giải thích : Câu này nói về tự tính pháp thân. Thành tựu chân như là vô cấu thanh tịnh. Nếu ở trước đạo, trong đạo, các cấu uế chưa hết chưa được gọi thành tựu. Sau đạo các cấu uế đã hết nên gọi thanh tịnh. Chân như này là tự tính của pháp thân.

Luận nói : “Tu ra khỏi các địa.”

Giải thích : Câu này nói nhân của pháp thân. Trong lúc tu nhân, tu chân như, 10 địa cứu cánh thoát khỏi bì, hục, tâm 3 chướng, tức trí, đoạn, 2 thứ chuyển y. Do chuyển y này nên được pháp thân.

Luận nói :”Đến địa vị vô đẳng,”

Giải thích : Câu này nói về quả của pháp thân. Nếu chứng quả của pháp thân thì được 4 quả đức : tịnh, ngã, lạc, thường. Tịnh thì không ngang hàng với xiển-đề, ngã thì không ngang hàng với ngoại đạo, lạc thí không ngang hàng với Thanh Văn, thường thì không ngang hàng với Độc Giác.

Luận nói :”Giải thoát các chúng sinh.”

Giải thích : Câu này nói về nghiệp của pháp thân. Nếu được quả này giải thoát chúng sinh. Giải thoát có 4 thứ, tức là an lập nghiệp thiện đạo và nghiệp 3 thừa, giải thoát phàm phu và người trong 3 thừa.

Luận nói :

Công đức là vô tận,

Tương ưng hiện thế gian.

Nơi tam luân dễ hiện,

Trời người chẳng ai bằng.

Luận nói :”Công đức là vô tận,Tương ưng hiện thế gian.”

Giải thích : Hai câu này nói về tương ưng của pháp thân. Vô tận có 5 thứ công đức tương ưng với pháp thân : Một, thanh tịnh là thắng. Hai, tất cả là thắng. Ba, vô lượng là thắng. Bốn, khó tư duy là thắng. Năm, vô tận là thắng. Từ sơ địa đến thất địa, đối trị các tập khí cấu uế như tật đố v.v…vĩnh viễn diệt không sinh làm y chỉ, các đức thanh tịnh là thắng, cùng pháp thân tương ưng. Ở địa thứ 8, không phân biệt, không gián đoạn thiếu sót, tự nhiên vô lưu đạo làm y chỉ. Chư Phật trong vô lưu giới tất cả công đức là thắng, cùng pháp thân tương ưng. Ở địa thứ 9 không thể đếm kể số biển Tam-ma-đề Đà-la-ni môn, có thể thâu nhiếp vô lượng pháp trí làm y chỉ cho nên từ biển này sinh mỗi một công đức đều vô lượng là thắng, cùng pháp thân tương ưng. Ở địa thứ 10, nơi tất cả Như Lai sở hữu bí mật, hiện tiền chứng trí là y chỉ, cho nên khó tư nghị llà thắng, cùng pháp thân tương ưng. Sau đây khi chứng đắc Phật địa, trí giải thoát tất cả chướng là y chỉ, các công đức vô tận là thắng, cùng pháp thân tương ưng. Vô tận tức là thường trụ. Để hiển thị thường trụ nên nói hiện ở đời. Bốn công đức trước tuy là nói về sai biệt của các địa, nhưng đồng đến quả mới cứu cánh nên đều cùng pháp thân tương ưng.

Luận nói :

Nơi tam luân dễ thấy,

Trời người khó thấy được.

Giải thích : Hai câu này nói về sinh khởi. Tam luân tức ba thân. Trong 3 thân, ứng hóa 2 thân dễ thấy, pháp thân khó thấy. Lại nữa pháp thân đối với Bồ-tát thực hành sâu và chư Phật thì dễ thấy, còn đối với 4 loài chúng sinh thì khó thấy như một là phàm phu, hai là Thanh Văn, ba là Độc Giác, bốn là Bồ-tát mới tu. Như kinh nói : Như Lai tạng chẳng phải cảnh giới đọa thân kiến chúng sinh, chẳng phải cảnh giới của du hý điên đảo chúng sinh, chẳng phải cảnh giới của không tán loạn Bồ-tát. Bởi vì sao ? Người phàm phu đối với sắc v.v… các pháp không có tính như vậy, tính của chúng là chấp có ngã và ngã sở, không thể tín lạc nơi thân kiến diệt ly cam lồ giới, huống chi được chính giác Như Lai tạng của cảnh giới chư Phật. Người Nhị thừa trong khi phải tu thường trụ tối thắng, đảo tu thường trụ tướng, du hý vô thường tướng, tu lạc ngã tịnh cũng vậy. Như thế người Nhị thừa do đảo tu không thể được đạo pháp thân của chư Phật. Vì trong đó du hý nên 4 đức tương ưng pháp thân chẳng phải cảnh giới của họ. Đối với tu hành, mê Như Lai tạng không đạo lý, tín lạc không giải thoát môn, chấp cho rằng diệt hữu vật là không, cho rằng các pháp lúc trước là có, sau thì đoạn diệt là không. Lại có các Bồ-tát, do được không tướng, tư duy chọn lựa nghĩa không, nghĩa là lìa sắc v.v… các pháp riêng có vật gọi là không, nay ta tu hành là để chứng cái không này, tương lai ắt sẽ được. Lý của Như Lai tạng là phi hữu phi vô, cho nên chẳng phải là cảnh giới hữu vô của loạn tâm thiên lệch chấp trước. Nói thiên, nhân v.v…tức 4 loại chúng sinh đã nói ở trước. Pháp thân là rất sâu, chẳng phải cảnh giới của họ. Sinh khởi hạnh mê hoặc của 4 loại chúng sinh đối với pháp thân, nên tự tính thân trong 3 thân chẳng phải là đối tượng nhân thiên có thể thấy được.

Luận nói : Lại nữa pháp thân Như Lai là rất sâu xa, cực kỳ sâu xa.

Giải thích : Vì khó tu hành, khó thông đạt, khó chứng đắc nên rất sâu xa, cực kỳ sâu xa. Lại nữa vì ngôn thuyết khó có thể hiểu thấu nên gọi là rất sâu xa. Phẩm loại chẳng phải một nên nói cực kỳ sâu xa.

Luận nói : Làm sao thấy được chỗ sâu xa này ?

Giải thích : Dùng tướng gì có thể hiển thị chỗ rất sâu này để có thể thấy được ?

Luận nói : Ở đây có bài kệ như sau :

Giải thích : Như trong Đại thừa hiển thị, có 12 nghĩa rất sâu của pháp thân. Nay dùng kệ để nói nghĩa này.

Luận nói :

Phật không sinh mà sinh,

Lấy không trụ mà trụ.

Việc làm không dụng công,

Thụ thực : pháp thứ tư.

Luận nói : “Phật không sinh mà sinh,”

Giải thích : Một kệ dưới đây nói về nghĩa rất sâu thứ nhất. Trong rất sâu này lại có 4 thứ rất sâu : một sinh, hai không trụ, ba nghiệp, bốn trụ. Câu này nói cái rất sâu của sinh. Chư Phật thụ sinh, vô sinh là tướng. Có 10 nhân để chứng minh nghĩa này : một vì không đồng tướng với vô minh, hai vì có nhiều thứ bất đồng, ba vì nhiếp thụ tự tại, bốn vì trụ tự tại, năm vì xả tự tại, sáu vì không hai tướng, bảy vì tương tự hiển hiện, tám vì ví dụ đồng ảo hóa, chín vì vô trụ xứ là trụ xứ, mười vì có thể thành tựu việc lớn.

Luận nói : “Lấy không trụ mà trụ.”

Giải thích : Câu này nói nghĩa rất sâu của không trụ. Cũng có 10 nhân để chứng minh nghĩa này : một vì chẳng phải lìa vĩnh viễn, hai vì diệt không hết, ba vì chư Phật chẳng phải hữu pháp, bốn vì biết phi hữu là tính, năm vì không sở đắc, không phân biệt, sáu vì do đã lìa tâm, bảy vì do được tâm, tám vì do tâm bình đẳng, chín vì trụ nhân là không thể được, mười vì không trụ nhân là không thể được.

Luận nói : “Việc làm không dụng công,”

Giải thích : Câu này nói nghĩa rất sâu của nghiệp. Cũng có 10 nhân để chứng minh : một vì tất cả ngại diệt, hai vì không y chỉ, ba vì phải không tư duy, bốn vì làm không làm tâm, năm vì nghiệp chẳng phải vận động, sáu vì không dụng công đối với phi hữu, bảy vì do nguyện đời trước có lợi ích nhanh chóng, tám vì việc làm đã xong, chín vì việc phải làm chưa xong, mười vì do tu hành thuần thục, tự tại trong tất cả pháp.

Luận nói : “Thụ thực : pháp thứ tư.”

Giải thích : Câu này nói nghĩa rất sâu về trụ. Cũng có 10 nhân để chứng minh : Một, vì hiển thị chư Phật không nhờ vào 4 cách ăn, để cho thấy tự thân do cái ăn mà trụ. Hai, vì để nuôi lớn thiện căn chúng sinh. Ba, vì hiển thị cùng mọi người. Bốn, vì muốn khiến đệ tử như pháp học, thụ dụng 4 thứ mạng duyên. Năm, vì muốn khiến người khác học hạnh tri túc. Sáu, vì muốn khiến người khác khởi phương tiện chính cần. Bảy, vì thành thục thiện căn người khác. Tám, vì muốn hiển thị tự thân không nhiễm trước. Chín, vì để trị chính pháp cung kính tâm. Mười, vì viên thành bản nguyện sinh.

Nếu Như Lai do nghĩa này mà thụ thực thì trong 4 cách ăn thuộc về cách thứ mấy ?

Thuộc cách ăn thứ tư. Bốn cách ăn ấy là : Một là phi thanh tịnh y chỉ trụ thực. Nghĩa là đoàn v.v… 4 cách ăn khiến thân chúng sinh trong cõi Dục được tương tục trụ. Chúng sinh trong cõi Dục đủ kiến, tu, 2 trói buộc nên y chỉ vào không thanh tịnh. Y chỉ này do 4 cách ăn mà được trụ, cho nên gọi là phi thanh tịnh y chỉ trụ thực. Hai là tịnh bất tịnh y chỉ trụ thực. Nghĩa là nghiệp thức tiếp xúc với 3 cách ăn, khiến chúng sinh cõi Sắc, cõi Vô sắc thân được tương tục trụ. Chúng sinh 2 cõi này đã lìa các hoặc của hạ giới, chưa lìa các hoặc của tự địa và thượng giới nên cũng y chỉ cả tịnh và bất tịnh. Y chỉ này do 3 cách ăn được trụ nên gọi là tịnh bất tịnh y chỉ trụ thực. Ba là thanh tịnh y chỉ trụ thực. Nghĩ là đoàn v.v…4 cách ăn khiến thân Thanh Văn, Độc Giác được tương tục trụ. Người Nhị thừa đã hết hoặc trong 3 cõi, y chỉ thanh tịnh. Y chỉ này do 4 cách ăn được trụ, nên gọi là thanh tịnh y chỉ thực trụ. Bốn là có thể hiển thị y chỉ trụ thực,, đoàn v.v…4 cách ăn đều là chư Phật thụ thực. Bởi vì sao ? Vì chư Phật do sự thụ thực nên hiển thị tự thân được trụ ở đời để sinh trưởng tịnh tín cho thí chủ, để làm nhân cho thiện căn công đức. Việc thụ thực này không làm việc thụ thực của Như Lai. Khi Như Lai thụ thực, chư thiên làm chúng sinh thụ thí, đó là ý Như Lai hứa khả, cho nên chúng sinh do việc thụ thực này sẽ được thành Phật, Để khiến chúng sinh được thành Phật nên Như Lai thị hiện dùng tay xúc thực. Tất cả nghĩa như thế đều là rất sâu.

Luận nói :

Không khác, khác vô lượng,

Vô số lượng, một việc.

Nghiệp rất chắc, không chắc,

Vô thượng ứng ba thân.

Luận nói : “Không khác, khác vô lượng,”

Giải thích : Một kệ dưới đây nói về cái rất sâu thứ hai. Trong cái rất sâu này lại có 3 thứ rất sâu : một là an lập, hai là số, ba là nghiệp. Câu này nói về an lập rất sâu. Pháp thân chư Phật không sai biệt nên không khác. Chúng sinh có nhiều pháp y chỉ chứng được pháp thân này nên vô lượng.

Luận nói : “Vô số lượng, một việc.”

Giải thích : Câu này nói rất sâu về số. Chúng sinh trong 3 thừa số lượng không kể hết. Trong đó chư Phật thì một việc.

Luận nói : “Nghiệp rất chắc, không chắc, Vô thượng ứng ba thân.”

Giải thích : Hai câu này nói về nghiệp rất sâu. Chư Phật có 3 thân tương ưng. Thật thể thường trụ nên nói là vô thượng. Do ứng thân Như Lai nghiệp kiên cố, vì chân thật không thể chuyển đổi. Do hóa thân Như Lai nghiệp không kiên cố vì tạm dùng phương tiện dẫn xuất Nhị thừa, sau dùng ứng thân dạy dỗ họ tu đạo Bồ-tát.

Luận nói :

Không một pháp năng giác,

Không pháp nào không giác.

Mỗi một niệm vô lượng,

Hiển hiện có không có.

Luận nói : “Không một pháp năng giác,”

Giải thích : Một kệ dưới đây nói về chính giác rất sâu, cái thứ ba. Nhân, pháp là phi hữu. Sở giác đã không, nên năng giác cũng không.

Luận nói : “Không pháp nào không giác.”

Giải thích : Chư Phật do giả danh nên không có gì chẳng phải Phật.Vì vậy không một pháp gì không phải giác.

Pháp này như thế nào :

Luận nói : “Mỗi một niệm vô lượng,”

Giải thích : Mỗi một sát-na vô lượng chư Phật chính giác chân như.

Nếu vậy chư Phật và chân như là một hay là khác ? Nếu một thì không giác. Nếu khác thì không chân như.

Luận nói : “Hiển hiện có không có.”

Giải thích : Tất cả pháp gọi là có không có. Nghĩa là tất cả pháp không. Chư Phật là hiển hiện của các pháp không. Cho nên không thể nói năng giác, không thể nói là không giác.

Luận nói :

Không dục, không lìa dục,

Y dục được xuất ly.

Biết dục là không dục,

Ngộ nhập dục như pháp.

Luận nói : “Không dục, không lìa dục,”

Giải thích : Một kệ dưới đây nói về nghĩa dục rất sâu thứ tư. Do dục là bất hữu cho nên Như Lai vô dục. Từ căn bản là không dục nên cũng không lìa dục. Nếu dục là có thì có lìa dục. Dục đã vốn không , nên không lìa dục.

Luận nói : “Y dục được xuất ly.”

Giải thích : Do các Bồ-tát đã vĩnh viễn trừ thượng tâm dục, chỉ còn lưu lại tùy miên dục nên chư Bồ-tát được xuất ly thành Phật. Bởi vì sao ? Nếu không lưu lại tùy miên dục này thì đồng với Niết-bàn của Nhị thừa. nếu không trừ thượng tâm dục thì chẳng khác phàm phu. Như Kinh Vô Thượng Y nói : Chư Bồ-tát nghĩ như vầy : Các hoặc xưa nay không nhập vào tự tính thanh tịnh tâm của chúng sinh. Các hoặc chỉ là khách trần do tự phân biệt khởi lên. Nay ta có thể vì trừ khách trần phiền não cho các chúng sinh có thể nói chính giáo như lý. Do ý niệm này Bồ-tát không khởi tâm hạ liệt. Bồ-tát do ý niệm này, đối với chúng sinh sinh tâm kính quý. Chư Bồ-tát lại nghĩ như vầy : Các hoặc là vô lực, vô năng. Bởi vì sao ? Các hoặc không có y chỉ chân thật, hư vọng phân biệt các hoặc, chính tư duy như lý quán sẽ không khởi sai trái, cho nên chúng ta nên quán như thế này như thế này. Do quán này, các hoặc không sinh nhiễm trước nữa. Nếu các hoặc không nhiễm trước trở lại nữa là rất tốt, chẳng phải là nhiễm trước. Nếu ta bị nhiễm trước, ta làm sao có thể vì chúng sinh cởi bỏ phiền não trói buộc, nói chính giáo như lý ? Hoặc này có thể khiến sinh tử tiếp nối cùng thiện căn tương ưng, thành thục chúng sinh. Cho nên ta nay phải lưu lại hoặc này.

Luận nói : “Biết dục là không dục, Ngộ nhập dục như pháp.”

Giải thích : Bồ-tát thấy dục là tính phân biệt cho nên dục là không có. Tính không tướng của dục tức là dục pháp chân như. Bồ-tát biết dục là không có, được nhập vào chân như này nên đối với dục được xuất ly.

Luận nói :

Chư Phật vượt năm ấm,

Mà trụ trong năm ấm.

Ấm chẳng một chẳng khác,

Không xả ấm Niết-bàn.

Luận nói : “Chư Phật qua năm ấm, Mà trụ trong năm ấm.”

Giải thích : Một kệ dưới đây nói về cái rất sâu thứ năm là diệt ấm. Chư Phật đã qua sắc v.v… 5 thủ ấm, do không được 5 ấm nên trụ trong ấm pháp.

Luận nói : “Ấm chẳng một chẳng khác,”

Giải thích : Chư Phật đã xả ấm phân biệt. Tính y tha với ấm chẳng phải một chẳng phải khác. Bởi vì sao ? Sở trụ của Phật là 5 ấm chân như, là phân biệt y tha ấm gia pháp nên không khác. Do nghĩa này, tuy là một chẳng phải không khác. Chân như là cảnh giới thanh tịnh. Ấm chẳng phải cảnh giới thanh tịnh nên chẳng phải một.

Luận nói : “Không xả ấm Niết-bàn.”

Giải thích : Do hằng tương ưng với ấm chân như, không có nghĩa lìa bỏ, cho nên Như Lai Bát-niết-bàn tối thắng.

Luận nói :

Việc chư Phật hòa đồng,

Như nước trong biển lớn.

Việc ta đã nên làm,

Thì không nghĩ chuyện khác.

Luận nói : “Việc chư Phật hòa đồng, Như nước trong biển lớn.”

Giải thích : Một kệ dưới đây là nói về nghĩa thứ sáu sự thành thục rất sâu. Việc cùng chung lợi ích đối với chúng sinh của chư Phật ví như các dòng sông chảy vào biển lớn, đều dùng cho các loại rùa cá. Như vậy chư Phật cùng nhập pháp giới chân như bình đẳng làm việc lợi ích thành thục chúng sinh.

Luận nói : “Việc ta đã nên làm, Thì không nghĩ chuyện khác.”

Giải thích : Ta đã làm việc lợi tha là việc chính phải làm, trong 3 đời hoàn toàn không có ý nghĩ so lường tính toán. Tuy không nảy ý nghĩ nhưng việc lợi ích thành tựu như pháp. Ví như ngọc báu Ma-ni và trống trời, không tác ý mà sự việc thành tựu.

Luận nói :

Thế Tôn không xuất hiện,

Như bình vỡ không trăng.

Phổ biến khắp thế gian,

Pháp sáng như mặt trời.

Luận nói : “Thế Tôn không xuất hiện, Như bình vỡ không trăng.”

Giải thích : Một kệ dưới đây nói về nghĩa hiển hiện rất sâu thứ bảy. Chư Phật không hiện rõ trong thế gian, mà thế gian nói chư Phật thân thường trụ. Nếu thân thường trú sao không thấy hiện ? Ví như cái đồ đựng bị vỡ không chưa được nước nên không thấy có mặt trăng hiển hiện chứ không phải không có trăng. Cũng như vậy chúng sinh không có Xa-ma-tha duy trì mà liên tục chỉ có tội lỗi thì đối với chúng sinh kia không thấy chư Phật hiển hiện cũng vậy. Nước ví cho tính nhuyễn hoạt của Xa-ma-tha, nếu Phật không hiển hiện đâu phải không có Phật ?

Luận nói : “Phổ biến khắp thế gian, Pháp sáng như mặt trời.”

Giải thích : Nếu chư Phật hiển hiện với chúng sinh không lỗi lầm, cũng hằng làm Phật sự, nói 12 bộ kinh 3 thừa như ánh quang minh, chắc chắn sẽ được chư Phật gieo giống thành thục giải thoát v.v.. các lợi ích. Như người mù , tuy không thấy ánh sáng mặt trời thường chiếu, mà người có mắt thì trông thấy.

Luận nói :

Hoặc hiện được chính giác,

Hoặc như lửa Niết-bàn.

Hai pháp thật chẳng có,

Vì chư Phật thường trú.

Luận nói : “Hoặc hiện được chính giác, Hoặc như lửa Niết-bàn.”

Giải thích : Một kệ dưới đây nói ý nghĩa rất sâu thứ tám của Bồ-đề Niết-bàn. Chư Phật có nơi thị hiện được chính giác, có nơi thị hiện nhập Niết-bàn. Ví như tính lửa, có nơi cháy có nơi tắt, chư Phật cũng vậy. Có các chúng sinh đã thành thục, Như Lai nơi chúng hiện nhập Niết-bàn, chưa thành thục thì thị hiện được chính giác để chúng được thành thục và giải thoát. Ví như tính lửa, do chủng loại là một, pháp thân cũng vậy, do tính chân như là một.

Luận nói : “Hai pháp thật chẳng có, Vì chư Phật thường trú.”

Giải thích : Bồ-đề và Bát-niết-bàn là hai, chỉ biến khác tha tâm khiến tha tâm cho là hai thể, thật ra chẳng có, bởi pháp thân Như Lai thường trú không có trước sau.

Luận nói :

Như Lai đối việc ác,

Trong nhân loại, ác đạo,

Đối pháp phi phạm hạnh,

Trụ đệ nhất trụ ngã.

Giải thích : Một kệ này nói ý nghĩa rất sâu thứ chín của trụ. Chư Phật Như Lai trụ ở tối thắng trụ, trụ ở tối thắng ngã. Chư Phật nếu trụ không lìa hai nơi này : hoặc trụ tối thắng trụ, hoặc trụ tối thắng ngã. Nói “việc ác” là tất cả các pháp bất thiện. Như Lai trong pháp bất thiện hằng trụ tối thắng trụ. Tối thắng trụ là chân không định, tức Thánh trụ. Chúng sinh nếu ở trong loài người, nếu ở trong ác đạo, Như Lai duyên chỗ ở của chúng sinh kia, hoặc do đệ tứ định tức Thiên trụ là tối thắng trụ, hoặc do Đại bi tức Phạm trụ là tối thắng trụ. Trong pháp phi Phạm hạnh, tức 6 trần nhiễm trước, trong đây Phật trụ tối thắng ngã. Tối thắng ngã tức pháp giới thanh tịnh. Như Lai hằng quán 6 trần không làm thể, làm cảnh, tức là Phật trụ.

Luận nói :

Phật hiện hành khắp nơi,

Không hiện hành nơi nào.

Hiện tất cả loài sinh,

Phi cảnh giới sáu căn.

Luận nói : “Phật hiện hành khắp nơi,”

Giải thích : Một kệ dưới đây nói về ý nghĩa rất sâu thứ mười của hiện tự thể. Như Lai hậu trí hằng biến mãn hiện hành trong các pháp thiện ác vô ký.

Luận nói : “Không hiện hành nơi nào.”

Giải thích : Do trí vô phân biệt, lìa cảnh giới của trí không thể phân biệt, nên không hiện hành một nơi. Lại nữa do hóa thân, không nơi nào không hiện hành. Do pháp thân, ứng thân không có nơi hiện hành.

Luận nói : “Hiện tất cả loài sinh, Phi cảnh giới sáu căn.”

Giải thích : Chư Phật Như Lai do hóa thân, hiển hiện đủ các tướng trong tất cả chúng sinh. Chư Phật do hóa thân, cho đến cũng hiện trong chúng sinh nơi địa ngục đạo, thụ sinh nơi chúng để hóa độ chúng. Cho nên do chư Phật không hiện tính biến hóa tương tự nên chúng sinh kia tuy thấy cũng không thể biết rõ, cho là đồng loại với mình. Cho nên hóa thân Phật chẳng phải là chúng sinh trong địa ngục v.v… không phải chúng sinh trong cảnh giới có 6 căn.

Luận nói :

Các hoặc đã diệt hết,

Như bị chú độc hại.

Lưu hoặc đến hết hoặc,

Phật chứng nhất thiết trí.

Luận nói : “Các hoặc đã diệt hết, Như bị chú độc hại.”

Giải thích : Một kệ này nói ý nghĩa rất sâu thứ 11 về diệt hoặc. Các hoặc là kiến tu phiền não. Ở trong Bồ-tát địa, trước đã diệt hết, các tâm phiền não khác tuy chưa diệt, do trí niệm đè bẹp hủy bỏ công dụng của chúng. Ví như bị sức các chú độc làm hại, không còn năng lực như cũ. Tâm hoặc cũng vậy, bị trí niệm giữ không thể sinh hai hoặc nhiễm ô trở lại.

Luận nói : “Lưu hoặc đến hết hoặc, Phật chứng nhất thiết trí.”

Giải thích : Chư Bồ-tát lưu lại tùy miên hoặc làm trợ đạo phần, không giống như Nhị thừa vội nhập Niết-bàn. Do việc này nên tu đạo cứu cánh, được diệt hết tập khí và chứng viên trí.

Luận nói :

Các hoặc thành giác phần,

Sinh tử là Niết-bàn.

Được thành phương tiện lớn,

Nên Phật khó nghĩ bàn.

Luận nói : “Các hoặc thành giác phần,”

Giải thích : Dưới đây nói ý nghĩa rất sâu thứ 12 về sự không thể nghĩ bàn. Nếu do lưu hoặc nên được hết hoặc là Nhị thừa tập đế thành Bồ-tát giác phần. Như Nhị thừa giác phần có thể diệt tập đế kia. Bồ-tát dùng tập đế kia để diệt tâm hoặc cho nên thành giác phần.

Luận nói : “Sinh tử là Niết-bàn.”

Giải thích : Nếu tập đế là giác phần, khổ đế tức Niết-bàn. Bởi vì sao ? Chư Bồ-tát ở trong sinh tửkhông bị nhiễm ô, khởi tự tha lưỡng lợi đều được viên mãn. Ví như Nhị thừa trong hữu dư Niết-bàn không bị hai hoặc nhiễm ô, có thể được tự lợi.

Luận nói : “Được thành phương tiện lớn, Nên Phật khó nghĩ bàn.”

Giải thích : Tại nhân vị được phương tiện lớn

như Bát-nhã, Đại bi. Tại quả vị được phương tiện lớn là ba thân. Pháp thân là tự lợi phương tiện. Hai thân kia là lợi tha phương tiện. Cho nên Như Lai là không thể nghĩ bàn.

Luận nói : Do nghĩa này nên biết có 12 sự sâu xa, tức là sự sâu xa về sinh, không trụ, nghiệp trụ, về an lập số nghiệp, về chính giác, về ly dục, về ấm diệt, về thành thục, về hiển hiện, về Bồ-đề Bát-niết-bàn hiển hiện, về trụ, về hiển tự thể, về diệt hoặc, về không thể nghĩ bàn.

Giải thích : Phật có ba thân. Chư Bồ-tát nếu niệm Phật nên duyên thân nào ? Phải duyên pháp thân.

Luận nói : Các Bồ-tát duyên pháp thân, nghĩ nhớ đến Phật. Sự nghĩ nhớ này duyên bao nhiêu tướng ?

Giải thích : Pháp thân có vô lượng đạo lý rất sâu. Nếu duyên pháp thân phải duyên bao nhiêu tướng ?

Luận nói : Nếu lược nói về Bồ-tát y pháp thân, tu tập niệm Phật, có 7 tướng.

Giải thích : Bảy tướng này chính là cái dụng của pháp thân, tức viên đức của pháp thân. Để làm rõ việc niệm Phật phải duyên viên đức này, nên lược nói 7 tướng : Một, chư Phật viên đức thuộc tự tâm, do lục thông tự tại. Hai, đức này thường trụ nên là chân thật thiện. Ba, hết lỗi lầm, diệt hết tập khí. Bốn, không mệt mỏi, không khó khăn, không dụng công. Năm, thụ đại pháp lạc, do các cõi thanh tịnh. Sáu, không khổ, không khó, không nhiễm chướng. Bảy, có sự dụng lớn, bình đẳng lợi tha. Nếu Bồ-tát nghĩ nhớ 7 thứ viên đức này thì có thể thông đạt pháp thân. Nói phải y pháp thân tu tập niệm Phật là để cho thấy rằng học tất cả các môn quán hạnh đều duyên chân như mà được thành tựu. Nếu không duyên chân như thì quán hạnh không thanh tịnh.

Luận nói : Những gì là bảy ? Một là chư Phật tự tại trong tất cả pháp, không gì sánh được.

Giải thích : Ba đời các Phật trong cảnh lục thông được rất tự tại, người đồng loại không thể làm ngại, người hạ loại không thể bì kịp, trong hữu tâm vô tâm vị hằng không phế bỏ vì tu tập thành thục, nên gọi là tự tại. Thanh Văn, Độc Giác, Bồ-tát không thể có được. Trong thế gian không có gì có thể sánh ví, nên nói không gì sánh được.

Luận nói : “Tu tập niệm Phật như vậy.”

Giải thích : Niệm Phật với pháp thân thành một, nên gọi là tu tập.

Luận nói : “Chư Phật có 6 trí thông vô biên vô ngại trong tất cả thế giới.”

Giải thích : Chư Phật thành tựu lục thông, trong 10 phương thế giới không gì có thể làm trở ngại hay tổn hại, không có giới hạn cuối cùng, không như Nhị thừa có ngại, có giới hạn, cho nên thông tuệ của Như Lại là không gì sánh được.

Luận nói : Cho nên ở đây có bài kệ như sau :

Giải thích : Nếu chư Phật trong tất cả các pháp sự tự tại không thể sánh được, vì sao tất cả chúng sinh không đều Bát-niết-bàn ? Để giải thích câu hỏi này , nên nói kệ. Kệ này cho thấy do nhân này nên chúng không Bát-niết-bàn.

Luận nói :

Đủ chướng nhân không đủ,

Tất cả cõi chúng sinh.

Trụ trong hai thứ định,

Chư Phật không tự tại.

Luận nói : “Đủ chướng nhân không đủ,”

Giải thích : Tất cả chúng sinh nếu có nghiệp v.v… các chướng, chư Phật ở trong địa vị đó không thể khiến chúng Bát-niết-bàn. Thông tuệ do bị chướng nên không được tự tại. Nếu chúng sinh không có tính Niết-bàn, gọi là nhân không đủ, chư Phật trong địa vị đó không thể khiến chúng Bát-niết-bàn. Thông tuệ cũng không tự tại, không tính Niết-bàn, nghĩa là tham trước sinh tử không tín lạc Đại thừa.

Luận nói : “Tất cả cõi chúng sinh. Trụ trong hai thứ định, Chư Phật không tự tại.”

Giải thích : Cõi chúng sinh, nghĩa là tứ đại, không, thức, 6 cõi là thật. Dựa vào 6 cõi giả lập chúng sinh. Chúng sinh là giả danh. Có lục đạo thông sai biệt, nên gọi là tất cả. Chúng sinh này nếu ở trong hai thứ định : một là sở tác nghiệp định, hai là thụ quả báo định tác nghiệp định, nghĩa là phàm phu tạo tác 10 ác nghiệp v.v…chắc chắn cảm báo trong 4 ác đạo. Quả báo định nghĩa là các chúng sinh cực kỳ độn căn điên cuồng và chính thụ 4 ác đạo báo. Như Lai đối với các chúng sinh này cũng không tự tại. Bởi vì sao ? Vì không có ngoại duyên.

Luận nói : Hai là thân Như Lai thường trú,

Giải thích : Bởi 10 nhân cộng chứng pháp thân và các đức thường trú 3 nhân chứng pháp thân. Bảy nhân chứng các thân khác. Ba nhân chứng pháp thân là

Luận nói : do chân như giải thoát tất cả cấu uế không gián đoạn.

Giải thích : Đây tức là một nhân trong ba nhân. Chân như tức là đạo hậu chân như. Vô gián vị tức Kim cương tâm của Phật có thể diệt tối hậu vi tế vô minh, và không có sinh tử khổ tập hai đế, cho nên nói giải thoát tất cả cấu uế. Cấu uế thanh tịnh chân như này là pháp thường trú. Chư Phật lấy đó làm thân nên thân chư Phật thường trú. Do thân này thường trú, y vào thân này có các đức, nên các đức cũng thường trú. Thường trú này lấy tính chân thật làm tướng.

Luận nói : Ba là Như Lai rất mực không tội lỗi, vì vĩnh viễn lìa xa tất cả hoặc chướng và trí chướng.

Giải thích : Tất cả trong chúng sinh có tội lỗi không tội lỗi, Như Lai là rất mực không tội lỗi, do nhân duyên gây nên tội lỗi đã diệt hết. Hiện tại đã diệt, vị lai không sinh, nên nói là vĩnh viễn xa lìa.

Luận nói : Bốn là tất cả việc làm của Như Lai là không dụng công mà thành,

Giải thích : Tác ý gọi là dụng công. Duyên 3 đời khởi, nghĩa là ta đã làm, đang làm, sẽ làm. Lìa bỏ các tác ý như vậy gọi là không dụng công. Chỉ do sức bản nguyện muốn làm, việc tự nhiên thành.

Luận nói : vì hằng khởi không do dụng công mà chính sự không bao giờ bỏ.

Giải thích : Nếu do dụng công có chính sự thì có khởi không khởi. Bởi không do dụng công , nên là hằng khởi. Do bản nguyện vô tận nên vĩnh viễn không bỏ. Vì chúng sinh là bất tận nên bản nguyện cũng không bao giờ hết.

Luận nói : Năm là Như Lai ở địa vị đại phú lạc.

Giải thích : Đại phú là do ngoại tài, đại lạc là do chính pháp.

Luận nói : Vì phú lạc, tất cả cõi Phật rất mực vi diệu thanh tịnh.

Giải thích : Trong cõi Tịnh độ có 8 cái không thể được và 2 cái có thể được, nên rất mực vi diệu thanh tịnh. Tám cái không thể được là : 1.ngoại đạo, 2.chúng sinh có khổ, 3.chênh lệch giàu nghèo sang hèn, 4.người làm ác, 5.người phá giới, 6.ác đạo, 7.hạ thừa, 8.các Bồ-tát hạ ý hạ hạnh. Hai có thể được là : 1.các Bồ-tát thượng phẩm ý hạnh, 2.chư Như Lai hiển hiện ra đời, sở trụ là tối vi thanh tịnh, năng trụ là tối diệu thanh tịnh.

Luận nói : Sáu là Như Lai rất mực không nhiễm trước,

Giải thích : Thượng tâm hoặc là nhiễm, tùy miên hoặc là trước. Lại nữa về mặt hoặc chướng là nhiễm, trí chướng là trước. Lại phiền não có 2 tướng : một lấy hỷ làm tướng, hai lấy ưu làm tướng. Dục, mạn, kiến v.v…lấy hỷ làm tướng. Sân, nghi, vô minh v.v..lấy ưu làm tướng. Hỷ tướng hoặc là nhiễm. Ưu tướng hoặc là trước. Hai hoặc đều diệt hết nên gọi là không nhiễm trước.

Luận nói : xuất hiện thế gian không bị tất cả pháp thế gian làm ô nhiễm. Như bụi trần không thể làm nhiễm hư không.

Giải thích : Nhân lập nên gọi là xuất thế. Quả thành nên gọi là hiện thế. Lại tự lợi viên mãn nên gọi xuất thế. Lợi tha viên mãn nên gọi hiện thế. Hoặc Phật xuất thế chưa hiện ra đời, như đã thành đạo chưa chuyển pháp luân. Nếu chuyển pháp luân, thế gian mới có thể hiểu rõ Phật là Nhất thiết trí. Thế gian được hiểu rõ nên gọi hiện thế. Như Lai tuy thụ dụng y thức 4 duyên là vì sinh trưởng thiện căn chúng sinh, không phải vì ích lợi riêng cho thân mình. Đối với các duyên không sinh ưu hỷ, nên không bị thế pháp làm nhiễm ô. Không, lấy phi hữu làm thể. Thể không ngại, nên không bị các hữu vật làm nhiễm. Như Lai cũng vậy.

Luận nói : Bảy là Như Lai có đại sự dụng trong thế gian,

Giải thích : Như Lai ra đời lấy hóa thân thành đạo, cho đến nhập Niết-bàn gọi là đại sự. Thân này làm các việc lợi ích chúng sinh gọi là dụng.

Luận nói : do hiện thành vô thượng Bồ-đề và Đại Bát-niết-bàn, chúng sinh chưa thành thục thì khiến cho thành thục, chúng sinh đã thành thục thì khiến được giải thoát.

Giải thích : Vì chúng sinh chưa gieo giống và chưa thành thục thì khiến gieo giống thành thục, nên hiện thành Bồ-đề. Vì chúng sinh đã thành thục chưa giải thoát khiến giải thoát, nên hiện Bát-niết-bàn.

Luận nói : Ở đây có bài kệ như sau :

Giải thích : Ở đây nói 2 kệ, làm rõ lại 7 tướng, hiển thị 7 thứ viên đức của pháp thân.

Luận nói :

Tùy thuộc tâm Như Lai,

Viên đức, thường, không mất.

Thường làm không dụng công,

Đại pháp lạc cho đời.

Luận nói : “Tùy thuộc tâm Như Lai, viên đức,“

Giải thích : Viên đức của chư Phật là lục thông v.v… chỉ thuộc tự tâm không quan hệ ngoại duyên.

Luận nói “thường,”

Giải thích : Viên đức này do y thường trụ pháp thân chân thật thiện làm tính, nên các đức đều thường.

Luận nói : “không mất,”

Giải thích : Do pháp thân lìa tất cả chướng, sở y không mất, nên năng y cũng không mất.

Luận nói : “không dụng công,”

Giải thích : Do tu nhân và bản nguyện thành thục, chỗ làm Phật sự đều tự nhiên thành. Không mệt mỏi không vất vả khó khăn, nên nói không dụng công.

Luận nói : “Năng thí chúng sinh Đại pháp lạc”

Giải thích : Do được Tịnh độ tự tại, có Đại nhân có thể thụ Đại pháp, được mở rộng tự mình như lý hành khiến người như lý hành, nên gọi pháp lạc.

Luận nói :

Biến khắp không trở ngại,

Bình đẳng lợi nhiều người.

Tất cả tất cả Phật,

Người trí duyên niệm này.

Luận nói : “Biến khắp không trở ngại,”

Giải thích : Trong 8 thế pháp, Như Lai hậu trí hằng phân biệt việc này. Trong đó vì tâm không ưu hỷ nên biến khắp không ngại. Nếu có ngại thì có khổ. Không ngại nên an lạc. Chư Phật tuy hành 6 trần quá hơn ngôn thuyết để lìa chấp có không.

Luận nói : “Bình đẳng lợi nhiều người.”

Giải thích : Phàm phu, Nhị thừa, tân hành Bồ-tát và thâm hành Bồ-tát gọi là “nhiều người”. Như Lai có thể bình đẳng lợi ích nói Đại phú hạnh, thiện đạo hạnh, an lạc hạnh, tự lợi hạnh, nhị lợi hạnh. Đây tức là có Đại sự dụng.

Luận nói : “Tất cả tất cả Phật, Người trí duyên niệm này.”

Giải thích : Chữ “nhất thiết” tức tự trí nhân gọi các Bồ-tát. Các Bồ-tát duyên 7 tướng này, niệm tất cả pháp thân Phật.

    Xem thêm:

  • Giảng Luận Và Giải Thích Luận Nhiếp Đại Thừa - Luận Tạng
  • Luận Nhiếp Đại Thừa - Luận Tạng
  • Luận Nhiếp Đại Thừa - Luận Tạng
  • Luận Tập Chư Pháp Bảo Tối Thượng Nghĩa - Luận Tạng
  • Luận Bản Nhiếp Đại Thừa - Luận Tạng
  • Luận Đại Thừa Bảo Yếu Nghĩa - Luận Tạng
  • Luận Thích Phật Mẫu Bát Nhã Ba La Mật Đa Viên Tập Yếu Nghĩa - Luận Tạng
  • Luận Giảng Rộng Ý Nghĩa Năm Uẩn Theo Giáo Pháp Đại Thừa - Luận Tạng
  • Luận Chư Giáo Quyết Định Danh Nghĩa - Luận Tạng
  • Thập Nhị Môn Luận – Thích Thanh Từ - Luận Tạng
  • Thập Nhị Môn Luận – Thích Viên Lý - Luận Tạng
  • Thập Nhị Môn Luận – Thích Nhất Chân - Luận Tạng
  • Luận Thánh Phật Mẫu Bát Nhã Ba La Mật Đa Cửu Tụng Tinh Nghĩa - Luận Tạng
  • Luận Phật Mẫu Bát Nhã Ba La Viên Tập Yếu Nghĩa - Luận Tạng
  • Luận Nhập Đại Thừa - Luận Tạng
  • Luận Đề Bà Bồ Tát Giải Thích Với Ngoại Đạo Tiểu Thừa Về Niết Bàn Theo Kinh Lăng Già - Luận Tạng
  • Giải Nghĩa Kinh Kim Cang - Luận Tạng
  • Luận Thích Du Già Sư Địa - Luận Tạng
  • Luận Tối Thượng Thừa - Luận Tạng
  • Luận Đại Thừa Duy Thức - Luận Tạng