1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13

Giải thích Y giới học thắng tướng 6

Luận nói : Như vậy là đã nói về nhập nhân quả tu sai biệt.

Thế nào là y giới học sai biệt ?

Giải thích : Trước ở trong phần nói về nhập nhân quả tu sai biệt đã đứng về các địa nói rõ sự tu sai biệt, chưa nói rõ Bồ-tát y vào giới học có sai biệt đối với Nhị thừa, nên hỏi “Thế nào”, làm sao biết được.

Luận nói : Phải biết như trong Bồ-tát địa chính thụ Bồ-tát giới phẩm đã nói.

Giải thích : Chữ “địa” đây chỉ vào 2 thứ : một là Kinh Thập Địa, hai là Luận Địa Trì. Trong Kinh Thập Địa, Phẩm nhị địa nói rộng về chính thụ Bồ-tát giới pháp. Trong Luận Địa Trì, Phẩm Thi Ba-la-mật nói rộng về chính thụ Bồ-tát giới pháp. Cần phải biết.

Luận nói : Nói đại lược có 4 thứ sai biệt về giới Bồ-tát cần phải biết.

Giải thích : Nếu giải thích rộng thì giới có 11 nghĩa : 1.danh, 2.danh nghĩa, 3.tướng, 4.nhân, 5.quả, 6.đối trị, 7.thanh tịnh, 8.không thanh tịnh, 9.được phương tiện, 10.lập nạn, 11.cứu nạn. Nếu không giải thích theo đây là nói đại lược. Lại nếu nói sai biệt 9 phẩm là nói rộng, nếu nói sai biệt 4 phẩm là nói đại lược.

Luận nói : Những gì là 4 ? 1. Sai biệt về phẩm loại,

Giải thích : Tất cả giới Bồ-tát, nếu gồm phẩm loại thì không ra ngoài 3 thứ.

Luận nói : 2. Sai biệt về chỗ học có chung và không chung,

Giải thích : Trong tính giới gọi là cộng học xứ, trong chế giới gọi là bất cộng học xứ. Trong 2 chỗ này có khác nhau giữa Bồ-tát và Nhị thừa.

Luận nói : 3. Sai biệt về sự rộng lớn,

Giải thích : Giới này hoàn toàn không đồng với Nhị thừa.

Luận nói : 4. Sai biệt về tính sâu xa.

Giải thích : Như Lai không vì nói cho hàng Nhị thừa, cũng chẳng phải hàng Nhị thừa hành trì.

Luận nói : Sai biệt về phẩm loại có 3 thứ : 1. Giới nhiếp chính hộ,

Giải thích : Đây là giới Tì-khưu, Tf-khưu-ni, Thức-xoa-ma-ni, Sa-di, Sa-di-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, tại gia xuất gia 2 bộ 7 chúng đều hành trì.

Luận nói : 2. Giới nhiếp thiện pháp,

Giải thích : Từ thụ chính hộ giới, sau được Đại Bồ-đề, Bồ-tát sinh trưởng tất cả thiện pháp. Tức là văn tư tu tuệ và tât cả các việc thiện thân khẩu ý cho đến 10 Ba-la-mật.

Luận nói : 3. Giới nhiếp lợi ích chúng sinh.

Giải thích : Nói đại lược có 4 thứ. Nghĩa là tùy căn tính chúng sinh, an lập chúng sinh nơi thiện đạo và 3 thừa. Lại có 4 thứ : Một là cứu tế 4 ác đạo. Hai là cứu tế người không tin, nghi hoặc. Ba là cưu tế người ghét và nghịch lại chính giáo. Bốn là cứu tế kẻ nguyện thích thừa dưới thấp.

Thế nào là chỗ khác nhau của cái thứ ba này với Nhị thừa ? Nhị thừa chỉ nhiếp trì chính hộ giới, không có 2 giới khác. Bởi vì sao ? Nhị thừa chỉ cầu diệt giải thoát chướng, không cầu diệt nhất thiết trí chướng, chỉ cầu tự độ không cầu độ tha, không thể thành thục Phật pháp và thành thục chúng sinh. Cho nên không có giới nhiếp thiện pháp và giới nhiếp lợi ích chúng sinh.

Luận nói : Trong đây nên biết giới nhiếp chính hộ là y chỉ vào 2 giới :

Giải thích : Nếu người không lìa bỏ ác mà lại có thể sinh thiện và làm lợi ích chúng sinh là điều không thể có. Cho nên chính hộ giới là y chỉ của 2 giới nhiếp thiện pháp và nhiêu ích hữu tình.

Luận nói : giới nhiếp thiện pháp là y chỉ Phật pháp mà sinh khởi, giới nhiếp lợi ích chúng sinh là y chỉ vào sự làm thành thục chúng sinh.

Giải thích : Giới nhiếp thiện pháp trước tiên gômg thâu văn tư tu 3 tuệ. Tất cả Phật pháp đều từ đó sinh khởi. Bởi vì sao ? Bởi tất cả Phật pháp đều không bỏ trí tuệ. Giới nhiếp chúng sinh gọi là tứ nhiếp. Trước hết là gồm chung lại như quyến thuộc của mình cùng quay lưng với cái ác hướng về nẻo thiện. Thư hai là gồm những người chưa phát tâm khiến phát tâm. Thứ ba là gồm những người đã phát tâm khiến thành thục. Thứ tư là đã thành thục khiến giải thoát. Ba thứ giới này lấy gì làm nhân ? Ba căn là nhân riêng biệt, 2 căn là nhân chung. Nói 3 căn là nhân riêng biệt tức là tinh tiến là nhân của giới thứ nhất, trí căn là nhân của giới thứ hai, , định căn là nhân của giới thứ ba. Hai căn là giới chung tức là hai căn tín và niệm là nhân chung của 3 giới. Lại nữa 6 pháp là nhân : 1.y thiện tri thức, 2.y chính văn, 3.y chính tư duy, 4.y tín căn, 5.y vào chán ghét sinh tử, 6.y vào từ tâm. Lại nữa có 4 thứ nhân : 1.từ chính thụ người khác được, 2.từ ý thanh tịnh được, 3.từ đối trị chán sợ được, 4.từ không phạm giới khởi nghĩ nhớ cung kính được. Lại nữa có 4 thứ nhân có thể khiến giới Bồ-tát thanh tịnh : 1.nhân có thiểu lìa phạm giới, 2.y chỉ đối trị phá giới, tức niệm xứ v.v…,3.y chỉ tịch tĩnh, tức không y chỉ những nơi thắng sinh, hồi hướng vì tất cả chúng sinh được Niết-bàn, 4.do đủ căn bản thập thiện, tùy phương tiện không tổn giác quán, ức niệm hồi hướng Phật quả.

Ba thứ giới này lấy pháp gì làm thể ? Không khởi ý não hại người, sinh thiện nghiệp thân khẩu ý làm thể, lìa chấp thủ làm loại.

Ba thứ giới này lấy pháp gì làm dụng ? Giới chính hộ giới có thể khiến tâm an trụ, giới nhiếp thiện pháp có thể thành thục Phật pháp, giới nhiếp chúng sinh có thể thành thục chúng sinh. Sự nghiệp chính của Bồ-tát không ra ngoài 3 cái dụng này. Do tâm được an trụ không mệt mỏi, không hối tâm, nên có thể thành tựu Phật pháp. Do thành thục Phật pháp nên có thể thành thục chúng sinh.

Luận nói : Giới về chỗ học chung là giới Bồ-tát phải xa lìa tính tội.

Giải thích : Sát sinh v.v…là tính tội. Tính tội quyết do phiền não khởi nơi tâm nhiễm ô, sau làm các nghiệp sát v.v…Lại có trường hợp có chế có trường hợp không chế. Nếu tạo nghiệp này, tất cả đều thành tội, nên gọi là tính tội. Lại Như Lai chưa ra đời và sau khi ra đời chưa chế giới, nếu người phạm tội này trong thế gian vương pháp theo luật trị tội, ngoại đạo v.v… lìa tội này, lập xuất gia pháp, nên gọi là tính tội. Trong tính tội, Bồ-tát và Nhì thừa đều lìa, nên gọi là cộng học xứ.

Luận nói : Giới về chỗ không học chung là giới Bồ-tát phải xa lìa các chế tội được lập ra.

Giải thích : Nghĩa là chế định việc đào đất nhổ cỏ v.v…, Bồ-tát xa lìa, không đồng với Nhị thừa. Bởi vì sao ?

Luận nói : Trong giới này hoặc có trường hợp với Thanh Văn thì có tội nhưng với Bồ-tát thì không tội. Hoặc có trường hợp với Bồ-tát thì có tội nhưng với Thanh Văn thì không tội.

Giải thích : Như Lai chế giới có 2 ý. Một là vì Thanh Văn tự độ mà chế giới. Hai là vì Bồ-tát tự độ độ tha mà chế giới. Thanh Văn, Bồ-tát lập ý thụ giới cũng như vậy. Cho nên hai hạng người trì phạm có khác. Như Thanh Văn nếu trong an cư mà đi là phạm giới, không đi thì không phạm. Bồ-tát thấy ra đi đối với chúng sinh có lợi ích, mà nếu không đi thì phạm giới, đi thì không phạm.

Luận nói : Bồ-tát có 3 phẩm đối trị thân, miệng và ý làm giới. Thanh Văn chỉ có đối trị thân và miệng làm giới.

Giải thích : Giới loại không đồng. Giới Bồ-tát lấy việc hành thiện 3 nghiệp làm thể. GiớiThanh Văn lấy việc hành thiện thân và khẩu làm thể.

Luận nói : Vì vậy Bồ-tát có phạm tội nơi tâm. Còn Thanh Văn thì không có chuyện này.

Giải thích : Bồ-tát nếu có 7 thứ giác quán v.v…khởi là Bồ-tát tâm địa tội, phạm giới Bồ-tát. Thanh Văn thì không như thế.

Tướng chung của giới Bồ-tát là gì ?

Luận nói : Nói đại lược nếu các nghiệp về thân, miệng, ý mà có thể tạo lợi ích chúng sinh thì không có tội. Đó là nghiệp mà Bồ-tát phải học tập và tu hành.

Giải thích : Nếu có lợi ích có tội lỗi không nên làm. Ví như một người nữ nói với Bồ-tát : Ông hãy lấy tôi. Ông không lấy tôi không được. Tôi sẽ chết. Nếu không chết, tôi phải giết ông. Bồ-tát nếu thuận theo lời người nữ kia thì người ấy không chết, lại không khởi việc ác, tức là có lợi ích. Chỉ có điều là lấy người nữ kia thì thành tội lỗi, nên không nên làm. Nếu không lợi ích, khôngn tội lỗi cũng không nên làm. Như Nhị thừa không thể lợi tha cũng không tội lỗi. Có lợi ích không tội lỗi tức là giới Bồ-tát. Phải sinh văn tuệ làm thụ, phải sinh tư tuệ làm học, phải sinh tu tuệ làm tu hành.

Luận nói : Như vậy phải biết sự sai biệt giữa giới chung và không chung.

Giải thích : Như vậy Bồ-tát với Nhị thừa, trong tính giới cũng có sai khác. Tức giữ trong tâm và không phải giữ trong tâm. Ở trong chế giới cũng có sai khác. Nghĩa là vì có lợi tha, không lợi tha. Bồ-tát với Nhị thừa, giới có sai biệt. Bồ-tát với Nhị thừa, giới lại có sai biệt. Nghĩa là sai biệt rộng lớn.

Sự rộng lớn này có nghĩa gì và có mấy thứ ?

Luận nói : Sai biệt về rộng lớn, có 4 thứ cần phải biết, vì đó là 4 thứ rộng lớn :

Giải thích : Rộng lớn có 4 nghĩa : Một là lấy nghĩa vượt trội hơn cả. Chuyên lợi tha không cầu báo ân và quả sinh tử. Lại lợi ích vô cùng. Do 2 nghĩa này nên gọi là hơn. Hai là nghĩa lâu xa, vì tu hành 3 Đại kiếp a-tăng-kì. Ba là lấy nghĩa viên mãn. Y vào 3 cảnh chân tục và việc lợi tha sinh đầy đủ phúc đức trí tuệ. Bốn là lấy nghĩa tự tại. Y vào ánh sáng Đại thừa v.v…4 thứ Tam-ma-đề, vì lợi tha có thể làm các thứ phương tiện.

Luận nói : 1. Rộng lớn vì học xứ có nhiều loại và nhiều vô lượng.

Giải thích : Học xứ của Bồ-tát có 2 nghĩa : một là nhiều thứ, hai là vô lượng. Nhiều thứ hiển thị nghĩa nhiều, vô lượng hiển thị nghĩa lớn. Tất cả ác không ác nào không lìa bỏ, tất cả thiện không thiện nào không tu, tất cả chúng sinh không chúng sinh nào không độ, gọi là nhiều thứ. Giữ 3 giới này thời tiết không giới hạn, công dụng không thừa, nên gọi là vô lượng.

Luận nói : 2. Rộng lớn vì có thể gồm thâu vô lượng phúc đức.

Giải thích : Nhân quả của Lục độ, Tứ nhiếp mỗi thứ đều có 9 phẩm, nên gọi vô lượng phúc đức. Như Luận Trì Địa nói : Vô lượng phúc đức tập họp như vậy, tất cả đều gồm thâu trong giới Bồ-tát.

Luận nói : 3. Rộng lớn vì gồm thâu tất cả những lợi ích ý và an lạc ý cho chúng sinh.

Giải thích : Khéo giáo hóa chúng sinh khiến lìa chỗ ác an lập chỗ thiện, gọi là lợi ích ý. Công đức này sẽ được quả báo trong vị lai, nguyện tất cả chúng sinh như ý thụ dụng, gọi là an lạc ý. Lại Đại bicứu khổ là lợi ích ý, Đại bicho vui là an lạc ý. Lại khiến được tất cả việc xuất thế là lợi ích ý, khiến được thế gian thắng sự là an lạc ý. Lại sự rộng lớn này lấy Tứ nhiếp làm thể. Hai nhiếp trước là an lạc ý, hai nhiếp sau là lợi ích ý.

Luận nói : 4. Rộng lớn vì là chỗ dựa để đi đến vô thượng Bồ-đề.

Giải thích : Do giới Bồ-tát có 3 phẩm và 9 phẩm. Giới có thể gồm thâu 3 thứ thắng đức và 9 thứ thắng đức của Như Lai, cho nên giới chính hộ là nhân đoạn đức của Như Lai, giới nhiếp thiện pháp là nhân trí đức của Như Lai, giới nhiếp chúng sinh là nhân an đức của Như Lai. Chín phẩm giới là 9 đức nhân của Như Lai, như trước đã nói. Do quả rộng lớn nên nhân rộng lớn. Quả rộng lớn có 3 nghĩa : Một là từ nhân rộng lớn sinh. Nghĩa là 33 Đại kiếp a-tăng-kì, tu hành 10 độ, 10 địa làm nhân. Hai là kết quả đạt được rộng lớn. Nghĩa là bao gồm trong nhất thiết trí, nhất thiết chủng trí, Hằng hà sa số công đức của Như Lai. Ba là lợi ích rộng lớn. Nghĩa là lợi ích phàm phu và 3 thừa cho đến sau khi tân cùng sinh tử. Bốn thứ giới rộng lớn này đều là y chỉ của vô thượng Bồ-đề. Chỉ có điều Bồ-tát có thể tu, còn Nhị thừa thì không, nên gọi là sai biệt.

Luận nói : Sai biệt về tính rất sâu là Bồ-tát do thực hành trí phương tiện thù thắng mà làm 10 việc như sát sinh v.v…mà không nhiễm ô trược tội lỗi, sinh vô lượng phúc đức, mau được quả vô thượng Bồ-đề,

Giải thích : Nói nếu như Bồ-tát có thể hành các phương tiện thắng trí, nay hiển thị 2 nghĩa này : Nếu như Bồ-tát có thể những việc như vậy ắt có người sẽ tạo ác nghiệp vô gián. Bồ-tát hiểu rõ tâm kia, không có phương tiện nào khác có thể khiến lìa ác hạnh, chỉ có đoạn mạng làm phương tiện thôi là có thể khiến người kia không làm ác này. Lại biết người này xả mạng ắt sinh vào thiện đạo, nếu không xả mạng chắc sẽ tạo nghiệp này đọa vào nơi rất khổ nạn chịu khổ dài lâu. Bồ-tát biết việc như vậy và đã khởi ý niệm : nếu ta hành nghiệp sát này ắt đọa địa ngục, ta nguyện vì người kia chịu khổ báo này, khiến người kia trong hiện tại chịu một ít khổ, đời vị lai sẽ hằng thụ đại lạc. Ví như thầy thuốc giỏi chữa người bệnh, trước làm cho ít đau đớn sau trừ được bệnh nặng. Bồ-tát hành đạo cũng như vậy. Trong Bồ-tát đạo không gì không phúc đức nên lìa tội lỗi nhiễm trược, do đó sinh trưởng vô lượng phúc đức mau chứng vô thượng Bồ-đề. Phương tiện như vậy là rất sâu và việc làm lợi ích cũng rất sâu như vậy.

Luận nói : lại còn có các biến hóa nơi thân khẩu nghiệp. Nên biết đó là giới rất sâu của Bồ-tát.

Giải thích : Trước nói thật sự chẳng phải hiển thông tuệ. Dưới đây nói thông tuệ không luận đến thật sự. Giới Bồ-tát có 3 phẩm, tức nghiệp thân, khẩu, ý. Trừ ý nghiệp vì không biến hóa. Thân khẩu nghiệp có khi biến hóa ra làm, đó cũng là giới Bồ-tát. Giới thân khẩu này hoặc hiện làm thiện hoặc hiện làm ác, hoặc sinh sợ hãi, hoặc sinh hoan hỷ, đều khiến chúng sinh xa lìa chốn ác an lập nơi thiện. Giới này khó suy tư đo lường, nên nói là rất sâu. Chẳng phải thân khẩu của mình làm ra, làm sao thành giới ? Để có thể thành tựu sự của giới, khiến chúng sinh lìa bỏ ác sinh thiện, cho nên biến hóa này xuất phát từ ý nghiệp của Bồ-tát sinh ra. Vì vậy Bồ-tát lấy ý nghiệp làm giới.

Luận nói : Do giới này có khi Bồ-tát ở ngôi vị quốc vương, hoặc hiện các hình thức bức bách làm khổ não, để đặt chúng sinh vào trong giới luật,

Giải thích : Chúng sinh có 2 thứ : Hoặc hợp với hoan hỷ giáo hóa, ví như hoa câu-vật-đầu nở lúc trăng trong. Hoặc hợp với sự bức não giáo hóa, ví như hoa sen nở khi nắng gắt. Bồ-tát cũng vậy, như Na-la vương và đồng tử Thiện Tài, hoặc hiện tướng khả ái, hoặc hiện tướng dễ sợ để an lập chúng sinh vào nơi thiện.

Luận nói : hoặc hiện các chuyện bản sinh, làm bức bách khổ não người khác và bị bức não đối oán, để khiến chúng thương yêu nhau, an tâm làm việc lợi ích.

Giải thích : Để giáo hóa các chúng sinh tà kiến không tin nhân quả khiến được chính tín bỏ ác tu thiện, nên hóa hiện các thứ bản sinh, như Tì-tuân-đà vương bỏ con cho người Bà-la-môn, là bức não người khác. Đứa trẻ này là biến hóa ra. Bởi vì sao ? Bồ-tát không bức não người này, vì sinh an lạc cho người ấy. Lại như Dược Tạng Bồ-tát khiến Mi-hi-la vương và Tì-đề-ha vương bức não nhau. Đây cũng là hóa làm như vậy, sau khiến thương yêu lợi ích an tâm nhau.

Bồ-tát làm những việc như vậy có lợi ích gì ?

Luận nói : Trước tiên làm cho chúng phát khởi tín tâm, sau khiến chúng thành thục thiện căn trong ba thừa Thánh đạo.

Giải thích : Trước khiến sinh khởi lòng tin đối với Bồ-tát, sau sẽ tu hành như Bồ-tát dạy dỗ. Vì vậy thiện căn 3 thừa đều được thành thục.

Luận nói : Đó gọi là giới sai biệt rất sâu của Bồ-tát.

Giải thích : Sự thật hành này và giới của hóa thân thật hành chẳng phải điều mà các địa bậc dưới có thể thật hành được, Nhị thừa không thể thông đạt được, nên gọi là sai biết rất sâu.

Luận nói : Do 4 thứ sai biệt đây, nên biết đó là nói sơ lược về Bồ-tát thụ trì giới sai biệt.

Giải thích : Từ người khác được gọi là thụ, tức là nhận, tự mình thanh tịnh ý mà được gọi là trì. Lại mới được gọi là thụ, sau khi được cho đến thành Phật gọi là trì. Lại tu hành giới pháp gọi là thụ, nghĩ nhứ câu văn gọi là trì.

Luận nói : Lại nữa do 4 thứ sai biệt này lại còn có số sai biệt không thể tính kể của giới Bồ-tát, như có nói trong các Kinh Tì-na-da, Cù-sa, Tì-phật-lược.

Giải thích : Từ 4 thứ sai biệt này lại còn có vô số sai biệt. Bởi vì sao ? Chỉ trong sai biệt phẩm loại, lấy một giới chính hộ, dựa vào Nhị thừa giáo phân biệt thì thành 4 vạn 2 ngàn. Nếu lấy giới này với 2 giới kia, dựa theo Bồ-tát giáo mà phân biệt thì vô số không thể tính kể. Trong các Kinh Tì-na-da, Cù-sa, Tì-phật-lược nói rộng giới Bồ-tát có đến mười vạn thứ sai biệt.

Giải thích y tâm học thắng tướng 7

Luận nói : Như vậy là đã nói về y giới học sai biệt.

Thế nào là y tâm học sai biệt ?

Giải thích : Giới Bồ-tát với giới nhị thừa đã có sai biệt. Giới là y chỉ của định. Định y vào giới mà thành. Định của Bồ-tát và định của Nhị thừa cũng phải có sai biệt. Làm sao biết được ?

Luận nói : Nói sơ lược là do 6 thứ sai biệt.

Giải thích : Nếu nói rộng như trong Đại thừa tạng có lập Tam-ma-bạt-đề, thể loại sai biệt có 500 thứ. Tiểu thừa Thanh Tịnh Đạo Luận có lập Tam-ma-bạt-đề, thể loại sai biệt có 67 thứ. Nay đại lược chỉ nói 6 thứ sai biệt. Nên biết nghĩa này.

Luận nói : Những gì là 6 ? 1.Cảnh sai biệt, 2.Chủng loại sai biệt, 3.Đối trị sai biệt, 4.Tùy dụng sai biệt, 5.Tùy dẫn sai biệt, 6.Sự sai biệt.

Cảnh sai biệt là do duyên pháp Đại thừa làm cảnh mà khởi.

Giải thích : Sở duyên có 3 cảnh : 1.Duyên tất cả cảnh chân như, 2.Duyên tất cả cảnh văn tự ngôn thuyết, 3.Duyên tất cả cảnh việc lợi ích chúng sinh. Ba cảnh này gọi là Đại thừa pháp. Chỉ có định của Bồ-tát duyên, không phỉ định cảnh của Nhị thừa nên nói là sai biệt. Lại có 12 thứ cảnh như Luận Trung Biên nói : 1.Sở thành lập cảnh. Tức 10 Ba-la-mật là do 10 thứ công đức của chân như thành lập. 2.Năng thành lập cảnh. Tức 10 thứ công đức của pháp giới có thể thành lập 10 Ba-la-mật. 3.Trì cảnh. Nghĩa là văn tuệ duyên pháp môn, văn tuệ có thể được cái thể của A-hàm, tức nói văn tuệ là trì. 4.Quyết định trì cảnh. Tức tư tuệ duyên cảnh như lý như lượng, tư tuệ có thể phân biệt lựa chọn A-hàm và đạo lý. Đó là tuệ thành thục nên gọi lá quyết định trì. 5.Chứng trì cảnh. Tức cảnh của tu tuệ duyên. Tu tuệ với đạo lý một thể nên gọi là chứng, có thể gồm thâu văn và nghĩa, nên gọi là trì. 6.Thông đạt cảnh. Tức chân như được thấy ở sơ địa. 7.Tương tục cảnh. Tức cảnh chân như từ nhị địa trở đi duyên, đã thông đạt chân như truyền lưu nên gọi tương tục. cái được tương tục duyên này gọi là tương tục cảnh. 8.Thắng hạnh cảnh. Tức cảnh duyên của vô tướng, vô công dụng tâm, tức cảnh của địa thứ tám. 9.Sinh trí cảnh. Tức cảnh duyên của địa thứ chín, đó là trí tự tại y chỉ chân như, được tứ vô ngại giải, có thể sinh tha trí. Lại duyên Như Lai pháp tạng, có thể tự sinh thế xuất thế trí. 10.Thắng cảnh. Tức cảnh duyên của thượng thượng phẩm. Trí này không còn có trí nào cao hơn, tức cảnh của địa thứ mười. Trí này lấy 10 lực làm thể. Vô biên trí có thể gọi là lực. Trí này đứng về 10 cảnh gọi tên là 10 lực. Mười lực này có thể thành tựu 10 địa của Bồ-tát và 9 thứ chính sự của Như Lai, cho đến vô biên hóa thân. 11, 12 cảnh. Tức cảnh duyên của nhất thiết trí, nhất thiết chủng trí, tức cảnh như lý như lượng. Mười hai cảnh này là cảnh duyên chung của Xa-ma-tha, Tì-bát-xá-na. Tất cả cảnh duyên của định tuệ không ra ngoài 12 cảnh này.

Luận nói : Chúng loại sai biệt là

Giải thích : Có 4 Tam-ma-đề. Là 500 phẩm loại cuả định nên gọi là chúng loại. Trong Tiểu thừa, đến tên này cũng không nghe thấy nói chi có thể tu tập, cho nên nói là sai biệt. Bốn thứ Tam-ma-đề này có thể phá 4 chướng ngại của đức tức 4 thứ sinh tử, có thể được 4 quả của đức tức tịnh ngã lạc thường, cho nên lập4 định này làm 4 đức đạo.

Luận nói : Đại thừa quang Tam-ma-đề,

Giải thích : Đại thừa có 3 nghĩa : một là tính, hai là tùy, ba là đắc. Tính tức 3 vô tính. Tùy tức gồm thâu hạnh phúc đức trí tuệ. Mười địa, 10 Ba-la-mật tùy thuận vô tính. Đắc tức sở đắc quả của 4 đức. Định này duyên 3 cái này làm cảnh, nên gọi là Đại thừa. Y chỉ định này được vô phân biệt trí. Do vô phân biệt trí chiếu chân như và Phật không khác nên gọi là quang, tức là sáng. Định này duyên chân như thật dễ đắc, vì có vô lượng công đức cho nên có thể phá tập khí Nhất-xiển-đề, tức phương tiện chướng sinh tử. Đối với Đại tịnh, do phá chướng này nên được quả Đại tịnh.

Luận nói : Tập phúc đức vương Tam-ma-đề,

Giải thích : Tất cả thiện pháp, trừ Bát-nhã, đều gọi là phúc đức. Phúc đức này có 4 phẩm. Nghĩa là phàm phu, Nhị thừa, Bồ-tát. Bồ-tát do định này nên đối với 4 phúc đức chưa sinh có thể sinh, chưa tăng trưởng có thể tăng trưởng, chưa viên mãn có thể viên mãn, nên gọi là tập. Đối với 3 chỗ sinh, trưởng và viên đều tự tại , nên gọi là vương. Do tự tại nên có thể hành thí v.v…10 độ. Hành viên mãn Bồ-đề tư lương phúc đức cho nên có thể phá ngã kiến tập khí của ngoại đạo, tức là nhân duyên sinh tử chướng đối với đại ngã. Do phá chướng này nên được quả đại ngã. Lại nữa tất cả thiện pháp y chỉ chân như, chân như có thể tập họp tất cả thiện pháp, nên gọi chân như là tập phúc đức. Định này được tự tại trong chân như nên gọi là vương.

Luận nói : Hiền hộ Tam-ma-đề,

Giải thích : Hiền có 2 nghĩa : một là hiện tiền có thể trụ trong an lạc, hai là có thể dẫn nhiếp các công đức. Nói hiện tiền trụ trong an lạc là định này có thể khiến Bồ-tát thân không bỏ hư không tính, lìa bỏ 3 đời nên được trụ trong an lạc. Nói dẫn nhiếp các công đức nghĩa là có thể dẫn nhiếp vô số lượng các định, Nhị thừa không nghe biết. Nhân đó mỗi một định khởi vô lượng thông tuệ. Do 2 nghĩa này cho nên Bồ-tát có thể lìa cái tập khí sợ sệt của Thanh Văn, tức là có hữu sinh tử chướng đối với đại lạc. Do phá được chướng này nên được quả đại lạc. Định này duyên chân như, là thể của Bồ-tát nên không lìa trí, có thể dẫn các định và thông tuệ, cho nên lấy định làm thể.

Luận nói : Thủ-lăng-già-ma Tam-ma-đề v.v.

Giải thích : Định này là định của Bồ-tát địa thứ 10 và Phật hành trì nên được tên này. Bởi vì sao ? Bồ-tát thập địa và Phật có 4 thứ đức vượt trội, nên gọi là Thủ-lăng : Một là không sợ sệt do được nhất thiết trí. Hai là không nghi vì đối với chúng sinh thanh tịnh, thấy tự thân không bằng. Ba là công đức kiên thật hẳng ở trong quán tâm không tán loạn. Bốn là có năng lực vượt trội, có thể phá vô minh trụ địa chướng khó phá. Người đủ 4 đức, đối với định này có thể thực hành có thể chứng đắc, nên gọi là Già-ma. Định này đa phần hành lợi tha, có thể phá trừ tập khí tự ái của Độc Giác, tức là đối với đại thường không có hữu sinh tử chướng. Do phá chướng này nên được quả đại thường. Nói “v.v…” là nói chung các định.

Luận nói : gồm thâu các thứ phẩm loại Tam-ma-đề.

Giải thích : Tên các thứ của 500 định đều là phẩm loại của 4 định, tất cả đều gồm thâu trong 4 định.

Luận nói : Đối trị sai biệt là do duyên tất cả pháp làm cảnh chung của trí tuệ.

Giải thích : Vô phân biệt trí duyên chân như tất cả các pháp hữu vi vô vi. Chung , tức là một cảnh. Trí này với cảnh không còn phân biệt.

Luận nói : Như dùng một cây nêm làm phương tiện để lấy cây nêm khác ra

Giải thích : Như người đời muốn chẻ cây, trước dùng cây nêm nhỏ, sau dùng cây nêm lớn. Người tu quán phá phiền não cũng vậy, trước dùng liệt đạo, tiếp đến dùng trung đạo, sau dùng thắng đạo.

Luận nói : là rút tất cả các chướng thô trọng ra khỏi bản thức vậy.

Giải thích : Trong bản thức liên tục có 3 phẩm nghiệp báo phiền não nhiễm trược chủng tử gọi là tập khí có thể làm chướng 4 đức. Do định này nên chưa diệt thì khiến diệt, đã diệt thì khiến không sinh. Năng đối trị, sở đối trị và kết quả đối trị được hoàn toàn không đồng với Nhị thừa nên nói là sai biệt.

Luận nói : Tùy dụng sai biệt là trong đời hiện tại an lạc trụ trong Tam-ma-đề đã lâu, có thể tùy ý thụ sinh nơi thắng xứ.

Giải thích : Bồ-tát có nhiều phương tiện điều trị tâm khiến thành thục, như người thợ luyện kim luyện lấy kim loại ròng. Đã điều trị cái tâm thành thục gọi là tùy dụng. Bởi vì sao ? Do định này nên Bồ-tát nếu muốn thành thục Phật pháp, duyên một cảnh có thể như ý trụ được lâu, chưa được khiến cho được, đã được khiến viên mãn, đã viên mãn khiến không thoái mất. Trong đời hiện tại có được năng lực như vậy, đời sau nơi thụ sinh có thể làm nhiều lợi ích chúng sinh, và gặp Phật ra đời được nghe chính pháp, gọi là thắng sinh xứ. Do định này cho nên Bồ-tát ở nơi thắng sinh xứ được 3 cái thủ, trụ, xả, có thể tùy ý vận dụng không hết khônng thoái mất. Trong Thanh Văn thừa không có định này, cho nên nói là sai biệt.

Luận nói : Tùy dẫn sai biệt là có thể dẫn xuất vô ngại các thứ thần thông trong tất cả thế giới.

Giải thích : Bồ-tát có Đại sự định. Nghĩa là đối với tất cả mọi sự và tất cả mọi nơi đều không có ngại. Dẫn có 2 nghĩa. Một là năng dẫn. Nghĩa là sức mạnh của định, hoặc tùy người, tùy cảnh, tùy sự tu hành, nếu người lợi căn duyên cảnh vô vi, được nhập, trụ, xuất 3 thứ tự tại. Hai là sở dẫn. Nghĩa là do định mà thành sự. Động địa, phóng quang v.v…đối với những việc như thế thắng thông tuệ không thể đoạt, những việc thị hiện đều như ý. Hoặc không thể chướng, nghiệp không thể ngăn trở, nên gọi là vô ngại dẫn. Chỉ có thể không có dụng. Dụng tức sự sai biệt. Chỉ Bồ-tát có định này, Nhị thừa không tu tập được, cho nên nói là sai biệt.

Luận nói : Do sự sai biệt là

Giải thích : Do sự này, nên biết định của Bồ-tát với định của Nhị thừa có sai biệt. Sự là cái gì ?

Luận nói : khiến động,

Giải thích : Như ý có thể làm rúng động 10 phương thế giới.

Luận nói : phát ra ánh sáng,

Giải thích : Có thể như ý chiếu sáng 10 phương thế giới.

Luận nói : biến khắp,

Giải thích : Ánh sáng, tiếng pháp, phân thân, như ý biến khắp 10 phương thế giới.

Luận nói : thị hiện,

Giải thích : Các chúng sinh nương nhờ thông tuệ của Bồ-tát có thể thấy vô lượng thế giới và chư Phật Bồ-tát, tùy chỗ muốn thấy đều được trông tháy như ý.

Luận nói : chuyển biến,

Giải thích : Tính của tứ đại v.v…khiến đổi khác lẫn nhau.

Luận nói : đi về,

Giải thích : Trong một sát-na có thể đi qua lại vô lượng thế giới. Thông tuệ này tự có 3 thứ : 1.Tâm thông tuệ mau chóng, như tâm duyên ứng niệm liền hiện đến. 2.Tướng thân thông tuệ, như chim bay. 3.Biến khác thông tuệ, nghĩa là thu rút dài thành ngắn.

Luận nói : xa làm gần,

Giải thích : Khiến xa thành gần, không có trung gian. Đây có 3 việc là thấy nghe và làm.

Luận nói : chuyển thô thành tế,

Giải thích : Khiến vô số thế giới nhỏ hơn vi trần, vào trong vi trần vi trần như cũ.

Luận nói : biến tế thành thô,

Giải thích : Khiến một vi trần bao gồm vô số thế giới. Thế giới như cũ.

Luận nói : khiến tất cả sắc đều nhập vào trong thân,

Giải thích : Tất cả hy hữu. Có nhiều thứ việc đều hiện trong thân.

Luận nói : tựa như đồng loại nhập vào trong đám đông,

Giải thích : Như các Bồ-tát qua trời Đao-lợi, đồng với hình hài cách phục sức và tiếng nói như nơi đó vào trong đám đông hóa độ họ.

Luận nói : hoặc hiện hoặc ẩn,

Giải thích : Có thể ở trong không, hiện ra một, hiện ra nhiều là hiển hiện. Có thể ở trong có, làm cho thành không một, không nhiểu tướng là ẩn.

Luận nói : đủ 8 thứ tự tại

Giải thích : Số 8 như trước nói. Lại như Phật Thế Tôn khiến ma vương tu hành Phật đạo sau được thành Phật v.v…cũng gọi là tự tại.

Luận nói : chống lại thần lực của người khác,

Giải thích : Do định lực của Bồ-tát khiến thông tuệ người khác đều không thành tựu.

Luận nói : hoặc làm cho người khác có tài hùng biện

Giải thích : Nếu người muốn vấn nạn một cách đột ngột, Bồ-tát có thể làm cho người ấy có tài biện luận.

Luận nói : và nghĩ nhớ,

Giải thích : Nếu người tà kiến, khiến nhớ đến túc mạng, tự nghiệm nhân quả.

Luận nói : sự hỷ lạc,

Giải thích : Bồ-tát hoặc vào Địa ngục, hoặc sinh vào đời đói kém, hoặc nơi có bệnh tật, nếu Bồ-tát thụ sự hỷ lạc thì khiến chúng sinh nơi đây cũng bình đẳng được sự hỷ lạc như vậy. Hoặc chỉ cho vui, hoặc trước khiến cho được định, hoặc chính khi nghe pháp khiến do sự hỷ lạc này trải qua 60 Tiểu kiếp như khoảnh khắc một sát-na.

Luận nói : hoặc phóng ra ánh sáng,

Giải thích : Để dẫn Bồ-tát phương khác đến tập hội.

Luận nói : có khả năng dẫn xuất đủ các tướng đại thông tuệ,

Giải thích : Như Thánh thông tuệ của Thanh Văn có thể biến hóa một trăm lẻ một việc, còn thông tuệ của Bồ-tát biến hiện không thể tính kể. Lại nữa muốn hiển thị những điều chưa nói nên trước nêu ra câu tổng quát như vậy.

Luận nói : có thể hướng dẫn tất cả các chính hạnh khó làm,

Giải thích : Thành tựu việc lợi tha như trước đã nói. Dưới đây lại nói rõ việc tự hành trì của Bồ-tát. Định này có thể dẫn xuất chính hạnh của Bồ-tát. Đây là điều Nhị thừa không thể làm được.

Luận nói : có thể gồm thâu 10 thứ chính hạnh khó tu.

Giải thích : Mười thứ chính hạnh này là chủng loại của định, cho nên định có thể thâu nhiếp chính hạnh này.

Luận nói : Mười thứ chính hạnh khó tu ấy là những gì ? Một là tự nhận lấy những điều khó tu, vì tự nhận thiện nguyện Bồ-đề.

Giải thích : Nếu dựa vào người khác mà phát 10 nguyện thì chẳng phải khó làm, vì chưa thành lập. Bồ-tát tự mình có 3 năng lực : Một là có trí tuệ có thể hiểu rõ phương tiện. Hai là có từ bi có thể thâu nhiếp chúng sinh. Ba là có chính cần có thể thành mãn 10 nguyện. Ba thứ khó được này Bồ-tát có thể được. Do đủ 3 điều có thể được này nên không dựa vào người tự mình có thể phát nguyện. Lại nếu vì bản thân thụ thiện nguyện thì điều này không khó. Nếu không nhân duyên, chỉ vì người mà thụ mới là khó.

Luận nói : Hai là không thể tránh thoát những điều khó tu, bởi các khổ sinh tử không làm thoái chuyển.

Giải thích : Tám cái khổ từ vô thủy sinh tử, và sau khi phát tâm sẽ trường kỳ chịu 8 khổ cũng không làm trái hạnh từ bi của Bồ-tát, không làm thoái lui hạnh Bồ-đề của Bồ-tát. Điều này có nói rộng trong Luận Địa Trì. Vì vậy nói là khó tu.

Luận nói : Ba là không làm trái những điều khó tu, do đối trị các chúng sinh chuyên làm ác.

Giải thích : Chúng sinh trong sinh tử hằng khởi ác hạnh. Bồ-tát không quán tội lỗi, để khiến chúng giải thoát hằng hướng về chúng làm các điều thiện, nên gọi là khó tu.

Luận nói : Bốn là những điều khó tu trước mắt, như kẻ thù oán mà vẫn phải làm tất cả những việc lợi ích cho họ.

Giải thích : Nếu chúng sinh làm điều cực ác đối với Bồ-tát, Bồ-tát đem ơn đức lớn báo đáp lại họ, cho nên nói là khó tu.

Luận nói : Năm là khó tu không ô nhiễm, nghĩa là Bồ-tát sinh trong thế gian, không bị nhiễm pháp thế gian.

Giải thích : Bồ-tát vì yêu chúng sinh mà vào trong sinh tử. Vào trong sinh tử rồi không bị 8 pháp thế gian nhiễm ô. Ái mà không nhiễm, cho nên nói là khó tu.

Luận nói : Sáu là khó tu tín lạc, nghĩa là thực hành Đại thừa sâu thẳm, có thể tin và yêu thích nghĩa lý rộng sâu.

Giải thích : Sâu thẳm, nguyên văn là vô để, tức không đáy, có 3 nghĩa : một là giáo lý khó tư duy, hai là đạo khó thực hành, ba là quả khó chứng đắc. Oai đức viên mãn nên rộng lớn. Lý vi tế nên rất sâu. Oai đức có 3 thứ : một là như ý, hai là thanh tịnh, ba là không đổi khác. Lý tức là lý 3 vô tính. Tất cả đều không phải cảnh giới của địa dưới thấp, nên nói là khó tu.

Luận nói : Bảy là khó tu thông đạt, vì khó thông suốt được nhân và pháp cả hai là vô ngã.

Giải thích : Trước ở Thập giải đã thông đạt nhân vô ngã. Nay ở sơ địa lại thông đạt pháp vô ngã. Hai không này lìa tính hữu vô. Nếu thông đạt tức đồng với pháp này, cho nên nói là khó tu.

Luận nói : Tám là khó tu tùy giác, tức đối với các kinh không liễu nghĩa của chư Phật Như Lai là rất sâu, có thể phán đoán đúng như lý.

Giải thích : Chính pháp Như Lai nói không ngoài 2 trường hợp liễu nghĩa và không liễu nghĩa. Nếu chúng sinh chỉ có tín căn chưa có trí căn, Như Lai vì hoàn thành tín căn cho chúng nên nói pháp không liễu nghĩa, như giáo lý Nhị thừa. Lại muốn hàng phục chúng sinh kiêu mạn nên nói pháp không liễu nghĩa. Có nói rộng trong Thập Thất Địa Luận. Để sinh văn tư tu tuệ nên nói kinh liễu nghĩa. Kinh không liễu nghĩa lời kinh bí mật, phán đoán đúng được như lý là khó, nên nói là khó tu.

Luận nói : Chín là khó tu vì không lìa bỏ mà không nhiễm, tức không bỏ sinh tử mà không bị sinh tử làm nhiễm ô.

Giải thích : Vì từ bi không bỏ sinh tử. Do Bát-nhã nên không bị nhiễm ô. Đối với sinh tử Niết-bàn khong chấp trước cũng không an trụ, nên nói là khó tu.

Luận nói : Mười là khó tu gia hành, như chư Phật Như Lai giải thoát tất cả chướng, trụ trong chỗ không dụng công, có thể làm việc lợi ích tất cả chúng sinh, gia công tu hành cho đến tận cùng sinh tử

Giải thích : Hiển thị đầy đủ 3 thân nên nói là chư Phật Như Lai. Nói tất cả chướng tức 3 chướng, 4 chướng, 30 chướng v.v…Pháp thân đã được vô cấu thanh tịnh nên trụ trong giải thoát tất cả chướng. Pháp thân thường trụ trong giải thoát. Sau khi tận cùng sinh tử, y vào pháp thân khởi ứng thân, tất cả chính sự tự nhiên hằng diễn ra mà không phải dụng công. Y ứng thân khởi hóa thân, làm tất cả việc lợi ích chúng sinh, tùy căn tính khiến gieo giống lành cho đến được giải thoát.

Luận nói : vui tu gia hành này.

Giải thích : Vui, nguyên văn là lạc, chữ lạc được giải thích là muốn được. Khởi chính cần là tu. Hằng tu, cung kính tu là gia hành, vì vậy nói là khó tu.

Luận nói : Trong khó tu tùy giác có nói chư Phật Như Lai nói kinh không liễu nghĩa. Ý ấy như thế nào ?

Nghĩa là Bồ-tát phải tùy theo lý, quán sát mà hiểu.

Giải thích : Trong 10 khó tu, 9 nghĩa dễ giải nên không giải thích lại. Cái thứ 8 khó giải, Bồ-tát phải tùy theo giác sát, cho nên phải hiển thị lại tướng của nó.

Luận nói : Như kinh nói : Thế nào là Bồ-tát không tốn một vật, không thí cho một người ?

Là nếu Bồ-tát thực hành tốt việc bố thí vô lượng vô số, trong mười phương thế giới hạnh tu bố thí liên tục sinh khởi.

Giải thích : Bồ-tát xả tự ái, thâu nhiếp tất cả chúng sinh làm tự thể, tất cả hành đạo, tất cả tài vật đều thuộc chúng sinh nên của cải không phải sở hữu của mình, sử dụng không phải người khác. Của cải kia, người sử dụng kia đâu có liên quan gì đến ta. Nếu vận dụng tâm được như vậy, tức có thể hành thí tốt. Lại nữa Bồ-tát xả tự ái, thâu nhiếp tất cả chúng sinh làm tự thể thì tất cả chúng sinh hành thí tức Bồ-tát hành thí, nên Bồ-tát khởi tâm tùy hỷ, được vô lượng phúc do bố thí. Như vậy cũng là không tổn hao một vật, không thí cho một người. Đó gọi là hành thí tốt.

Luận nói : Thế nào là Bồ-tát thích làm việc bố thí ?

Là nếu Bồ-tát không thích làm tất cả bố thí.

Giải thích : Nếu Bồ-tát không thích hành Tùy chí v.v…8 nghĩa thí đến chỉ thích hành Bồ-tát tịnh tâm thí. Lại nữa nếu Bồ-tát không thích Tam luân thí theo kiểu chấp trước của thế gian, thích hành không chấp trước Tam luân thí. Lại nữa chấp trước gọi là thích. Nếu Bồ-tát chấp trước vào thí nhân hay chấp trước vào thí quả thì gọi là thích hành thí, nguyên văn gọi là lạc hành thí. Nếu Bồ-tát không chấp trước vào hành thí thì gọi là không thích hành thí, nguyên văn gọi là bất lạc hành thí.

Luận nói : Thế nào là Bồ-tát hành tâm tín thí ?

Là nếu Bồ-tát không hành tín tâm chư Phật Như Lai.

Giải thích : Bởi Bồ-tát tự chứng thí nên hành thí. Không phải do tin người kia mà hành thí. Cái tin trước là có tín căn nên thành tín, cái tin sau không có tín căn nên không thành tín.

Luận nói : Thế nào là Bồ-tát phát hạnh bố thí ?

Là nếu Bồ-tát đối với việc bố thí bản thân không mưu tính.

Giải thích : Nếu Bồ-tát tự tính có thể hành thí không có các chướng như tham tiếc đố kị v.v. bản thân không có mưu tính rồi mới hành thí.

Luận nói : Thế nào là Bồ-tát hằng vui vẻ tự tại trong việc bố thí ?

Là nếu Bồ-tát không có thời gian lúc nào là lúc bố thí.

Giải thích : Bồ-tát bố thí không ấn định thời gian là lúc nào, không theo một thứ mà bố thí.

Luận nói : Thế nào là Bồ-tát có thể làm việc đại bố thí ?

Là nếu Bồ-tát đối với bố thí lìa tưởng Sa-la.

Giải thích : Sa-la có 2 nghĩa : một là trinh thật, hai là tán loạn. Trinh thật là lời nói thẳng. Tán loạn là mật ngữ. Nếu lấy lời nói thẳng lìa trinh thật thì trái với đại thí. Nếu thủ mật ngữ lìa tán loạn thì phù hợp với đại thí. Nếu lìa dục 3 cõi khi hành thí gọi là đại thí. Bởi vì sao ? Bồ-tát lìa dục hành thí thì phàm phu đầy đủ trói buộc hành thí gấp trăm ngàn vạn lần cũng không bì kịp. Nếu thí và định trở ngại nhau không gọi là đại thí. Bởi không trở ngị nhau nên được gọi là đại.

Luận nói : Thế nào là Bồ-tát thanh tịnh đối với bố thí ?

Là nếu Bồ-tát tham tiếc Uất-ba-đề.

Giải thích : Uất-ba-đề có 2 nghĩa : một là sinh khởi, hai là nhổ gốc bỏ thân. Sinh khởi là trực ngữ. Nhổ gốc bỏ thân là mật ngữ. Nếu thủ trực ngữ sinh khởi tham tiếc thì trái với thanh tịnh thí. Nếu thủ mật ngữ nhổ gốc bỏ tham tiếc thì phù hợp với thanh tịnh thí. Nhổ gốc là trừ thân kiến. Thân kiến là gốc rễ của tham tiếc. Bỏ thân là trừ cái thể của tham tiếc. Do Bồ-tát có thể đoạn thân kiến diệt tham tiếc nên thanh tịnh đối với thí.

Luận nói : Thế nào là Bồ-tát có thể trụ nơi bố thí ?

Là nếu Bồ-tát không trụ cứu cánh sau cùng.

Giải thích : Cứu cánh sau cùng có 2 nghĩa : Một là thí có bắt đầu, giữa và sau, lấy tối hậu làm cứu cánh sau cùng. Nếu y theo nghĩa này là không trụ ở phần sau cùng của thí, lẽ nào nói được là trụ nơi thí, thế là mâu thuẫn. Hai là nếu hữu dư Niết-bàn gọi là cứu cánh thì vô dư Niết-bàn gọi là cứu cánh sau cùng. Nếu Thanh Văn trụ vô dư Niết-bàn, không khởi tâm trở lại, không làm việc lợi ích chúng sinh thì không thể trụ nơi thí. Bồ-tát y vào Đại bikhông như Thanh Văn trụ vô dư Niết-bàn, nên hằng khởi Lục độ không có tận cùng. Nếu y theo nghĩa này thì phù hợp với nghĩa trụ thí.

Luận nói : Thế nào là Bồ-tát tự tại đối với bố thí ?

Là nếu Bồ-tát không được tự tại đối với bố thí.

Giải thích : Nếu Bồ-tát không được thí chướng tự tại, tức là Bồ-tát đối với thí được tự tại. Xưa ở địa vị phàm phu, không có đạo đối trị kiến tu 2 hoặc, muốn khởi là khởi nên được tự tại. Nay nhập Thánh vị, vì đạo đối trị nên Bồ-tát đối với hoặc không được tự tại, đối với thí thì được tự tại.

Luận nói : Thế nào là Bồ-tát vô tận đối với thí ?

Là nếu Bồ-tát không trụ trong vô tận.

Giải thích : Vô dư Niết-bàn gọi là vô tận. Bồ-tát không như Thanh Văn nhập trong vô tận không làm lợi tha. Cho nên Bồ-tát vô tận đối với thí.

Luận nói : Như Thí Kinh nói. Đối với giới cho đến Bát-nhã đúng lý nên biết như vậy.

Giải thích : Như Thí Kinh nói thí có bất liễu nghĩa ngữ, nói các độ cũng có bất liễu nghĩa ngữ, đều phải như lý phân biệt phán đoán để hiểu.

Luận nói : Lại có kinh nói : Thế nào là Bồ-tát hành sát sinh ?

Là nếu Bồ-tát có thân mạng, chúng sinh đoạn dứt sự tương tục ấy.

Giải thích : Nếu có mạng thì biết có nghiệp. Nếu có nghiệp thì biết có hoặc. Do 3 cái này lục đạo tứ sinh tương tục không dứt. Nếu Bồ-tát tùy theo căn tính chúng sinh nói 3 thừa Thánh đạo khiến chúng tu hành đoạn 3 pháp này, được quả vô dư Niết-bàn không còn tương tục, tức là đoạn mạng, nên gọi là sát sinh.

Luận nói : Thế nào là Bồ-tát đoạt lấy, không phải được người cho.

Là nếu Bồ-tát tự đoạt lấy, không phải người khác và chúng sinh.

Giải thích : Bồ-tát dùng Đại binhiếp hóa tất cả chúng sinh làm quyến thuộc, khiến lìa sinh tử hiểm nạn mà không phải do cha mẹ hay chủ nhân cho. Vì vậy nói đoạt chứ không phải do người khác cho.

Luận nói : Thế nào là Bồ-tát hành tà dâm ?

Là nếu Bồ-tát khởi ý tà đối với dục trần v.v…

Giải thích : Ba nghiệp của Bồ-tát tương phản với dâm dục. Ý biết nó là hư vọng không thật, là nguồn gốc các ác. Miệng nói nhưng thân không làm cũng là tương phản. Tức khởi tà ý đối với dục trần v.v… nên gọi là hành tà dâm.

Luận nói : Thế nào là Bồ-tát có thể nói vọng ngữ ?

Là nếu Bồ-tát là vọng thì có thể nói là vọng.

Giải thích : Tất cả pháp đều là hư vọng. Bồ-tát đúng như hư vọng mà nói, cho nên nói là có thể nói vọng ngữ.

Luận nói : Thế nào là Bồ-tát nói hai lưỡi ?

Là nếu Bồ-tát thường trụ nơi không tịch cùng cực.

Giải thích : Nói 2 lưỡi tức nói đâm thọc khiến kia và đây bất hòa. Bồ-tát tư duy không, nói không, khiến mình và người không thấy có đây kia huống chi là hòa hợp, cho nên nói là hai lưỡi.

Luận nói : Thế nào là Bồ-tát có thể trụ Ba-lưu-sư ?

Là nếu Bồ-tát trụ sở tri bỉ ngạn.

Giải thích : Nếu y vào trực ngữ Ba-lưu-sư là thuộc danh mục ác khẩu. Người trụ trong ác khẩu thì không gần gũi người khác. Bồ-tát trụ nơi sở tri bỉ ngạn, tức lý 3 vô tính, cũng không được chúng sinh gần gũi. Lý này không phải lý phàm phu Nhị thừa thực hành, nên nói là có thể trụ ác khẩu. Nếu y vào mật ngữ, Ba-lưu-sư thuộc bỉ ngạn trụ. Tức lấy mật ngữ hiển thị trực ngữ.

Luận nói : Thế nào là Bồ-tát có thể nói lời không tương ưng ?

Là nếu Bồ-tát có thể phân phá các pháp, tùy loại giải thích.

Giải thích : Bồ-tát có thể phân phá các pháp, tức là căn trần thức đều vô sở hữu. Cái vô sở hữu này không nhất định là không, cũng không nhất định là có. Hữu vô đều bất khả đắc, cho nên có thể nói lời không tương ưng.

Luận nói : Thế nào là Bồ-tát hành A-tì-trì-ha-lâu ?

Là nếu Bồ-tát thường thường khiến tự thân được các định vô thượng.

Giải thích : Nếu y vào trực ngữ, A-tì-trì-ha-lâu thuộc tham dục. Người hành tham dục ắt yêu thích ngoại trần. Bồ-tát hằng muốn khiến tự thân được định cao tột, nên gọi là hành tham dục. Lại nếu y vào mật ngữ A-tì-trì-ha-lâu thuộc danh mục thường được định, tức dùng mật ngữ hiển thị trực ngữ.

Luận nói : Thế nào là Bồ-tát khởi tâm ganh ghét làm hại ?

Là Bồ-tát đối với tâm địa mình và người có thể làm hư hại các hoặc.

Giải thích : Giận dữ lấy ganh ghét hại người làm tướng. Bồ-tát khởi ý muốn đoạn diệt tất cả phiền não của mình và người, nên khởi tâm ghét và làm hại.

Luận nói : Thế nào là Bồ-tát khởi tà kiến ?

Là nếu Bồ-tát như lý quán sát khắp các nơi hành tà tính.

Giải thích : Đại thừa lấy sự có phân biệt làm tà tính. Tính phân biệt biến khắp trong tính y tha, tức là tà tính. Nếu lìa phân biệt gọi là chân tính nhân pháp không. Tiểu thừa lấy thân kiến làm tà tính. Do thân kiến này sinh các hoặc, nên nếu lìa thân kiến thì tất cả tà chấp không khởi được, được chân tính nhân không. Bồ-tát có khả năng như lý quán sát tà tính này thấy kia là tà nên gọi là khởi tà kiến.

Luận nói : Lại có kinh nói : Phật pháp rất sâu.

Giải thích : Trước nói rõ Lục độ, sau hiển thị Thập ác. Dưới đây nói về đạo và đạo quả, cho nên nói là rất sâu.

Luận nói : Rất sâu như thế nào ?

Trong luận này tự phân biệt rộng :

-Tất cả Phật pháp, thường trú là tính, vì pháp thân thường trú.

Giải thích : Chư Phật pháp thân thường trú. Tất cả Phật pháp đều y vào pháp thân, lấy pháp thân làm trên hết, nên pháp thân thường trú là tính của tất cả Phật pháp.

Luận nói : -Tất cả Phật pháp đều đoạn là tính, vì tất cả chướng đều đoạn hết.

Giải thích : Mỗi mỗi Phật pháp đều không có hoặc chướng và trí chướng, cho nên chướng đoạn hết là tính tất cả Phật pháp. Phiền não hiện tại diệt là đoạn, phiền não vị lai không sinh là hết là tận cùng. Tức là tận cùng trí vô sinh.

Luận nói : -Tất cả Phật pháp, sinh khởi là tính, vì hóa thân hằng sinh khởi.

Giải thích : Do bản nguyện Đại bisinh khởi hóa thân. Tương tục vô tận nên hóa thân sinh khởi. Là tính của tất cả Phật pháp.

Luận nói : -Tất cả Phật pháp, năng đắc là tính, vì năng đắc cùng hành với đối trị 8 vạn 4 ngàn phiền não của chúng sinh.

Giải thích : Tất cả Phật pháp lấy vô sở đắc làm tính. Đó là chính thuyết. Do 3 vô tính, không thể nói cố định là hữu vô. Cho nên tuy lấy vô đắc làm tính, cũng có nghĩa năng đắc. Nếu tách rời Phật pháp, không thể hiểu được những hoặc phải đối trị, không thể an lập được đạo năng đối trị.

Luận nói : -Tất cả Phật pháp, hữu dục là tính, vì yêu thương chúng sinh có ý muốn thâu nhiếp khiến thành tự thể.

-Tất cả Phật pháp, có sân là tính.

-Tất cả Phật pháp, có si là tính.

-Tất cả Phật pháp, phàm phu pháp là tính.

Giải thích : Đây có 2 nghĩa : Một là Bồ-tát thâu nhiếp tất cả chúng sinh hữu dục làm tự thể, vì tất cả Phật pháp đều y vào tự thể. Hai là Đại bilà ái, ái tức là dục. Bồ-tát dùng Đại bithâu nhiếp tất cả chúng sinh, y vào Đại bisinh hạnh phúc đức trí tuệ, cho nên sân si và phàm phu pháp cũng vậy.

Luận nói : -Tất cả Phật pháp, không nhiễm trước là tính, vì thành tựu chân như, tất cả chướng không thể nhiễm.

Giải thích : Đạo hậu chân như đoạn tất cả chướng. Tất cả là vô cấu thanh tịnh nên gọi là thành tựu. Tất cả chướng không thể nhiễm vì tất cả Phật pháp lấy chân như này làm thể.

Luận nói : -Tất cả Phật pháp, không thể nhiễm trước. Chư Phật xuất hiện ra đời, chẳng có pháp thế gian nào có thể nhiễm.

Giải thích : Trước nói rõ cảnh chân như. Đây là nói trí chân như. Chư Phật Bồ-tát lấy trí chân như làm thể, tức là ứng thân. Cái thể này là duy thức chân như hiển hiện, không phải do căn trần khởi, không phải 8 thứ thế pháp và do thế pháp khởi dục, sân v.v…các hoặc có thể nhiễm trước. Bởi vì sao ? Vì đó là những thứ bị cái thể chân như đối trị. Tu đắc trí vô phân biệt thành tựu gọi là chư Phật xuất hiện ở đời.

Luận nói : Vì vậy nói Phật pháp là rất sâu.

Giải thích : Câu này kết thúc ý trước. Cho thấy khó tư duy, khó thực hành, khó chứng đắc. Đủ 3 nghĩa nên nói là rất sâu.

Luận nói : Vì tu hành Ba-la-mật. Vì thành thục chúng sinh. Vì thanh tịnh cõi Phật. Vì dẫn khởi và thâu giữ tất cả Phật pháp. Nên biết nghiệp sai biệt Tam-ma-đề của Bồ-tát.

Giải thích : Trong luận này nói rõ Tam-ma-đề của Bồ-tát, không nói sai biệt gì khác, chỉ nói chung về nghiệp sai biệt. Các Bồ-tát tu định có tổng quát có riêng biệt. Tổng quát có 4, riêng biệt có 500. Bốn đây là nghiệp chung của các định. Bởi vì sao ? Chư Bồ-tát tu được định rồi, y vào định này tu hành Thập độ, y vào định này thành thục chúng sinh. Làm sao thành thục chúng sinh ? Y vào định này khởi thông tuệ, dẫn khiến nhập chính định vị. Lại y vào định lực này thanh tịnh cõi Phật. Bởi vì sao ? Do tâm tự tại như ý có thể thành Tịnh độ vàng báu v.v…Lại y vào định này hiện tại đượ an lạc trụ, có thể dẫn nhiếp thành thục tất cả Phật pháp. Bốn việc này là tất cả nghiệp chung và sai biệt của định, nên biết như vậy.

    Xem thêm:

  • Giảng Luận Và Giải Thích Luận Nhiếp Đại Thừa - Luận Tạng
  • Luận Nhiếp Đại Thừa - Luận Tạng
  • Luận Nhiếp Đại Thừa - Luận Tạng
  • Luận Tập Chư Pháp Bảo Tối Thượng Nghĩa - Luận Tạng
  • Luận Bản Nhiếp Đại Thừa - Luận Tạng
  • Luận Đại Thừa Bảo Yếu Nghĩa - Luận Tạng
  • Luận Thích Phật Mẫu Bát Nhã Ba La Mật Đa Viên Tập Yếu Nghĩa - Luận Tạng
  • Luận Giảng Rộng Ý Nghĩa Năm Uẩn Theo Giáo Pháp Đại Thừa - Luận Tạng
  • Luận Chư Giáo Quyết Định Danh Nghĩa - Luận Tạng
  • Thập Nhị Môn Luận – Thích Thanh Từ - Luận Tạng
  • Thập Nhị Môn Luận – Thích Viên Lý - Luận Tạng
  • Thập Nhị Môn Luận – Thích Nhất Chân - Luận Tạng
  • Luận Thánh Phật Mẫu Bát Nhã Ba La Mật Đa Cửu Tụng Tinh Nghĩa - Luận Tạng
  • Luận Phật Mẫu Bát Nhã Ba La Viên Tập Yếu Nghĩa - Luận Tạng
  • Luận Nhập Đại Thừa - Luận Tạng
  • Luận Đề Bà Bồ Tát Giải Thích Với Ngoại Đạo Tiểu Thừa Về Niết Bàn Theo Kinh Lăng Già - Luận Tạng
  • Giải Nghĩa Kinh Kim Cang - Luận Tạng
  • Luận Thích Du Già Sư Địa - Luận Tạng
  • Luận Tối Thượng Thừa - Luận Tạng
  • Luận Đại Thừa Duy Thức - Luận Tạng