1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31
32
33
34
35
36
37
38
39
40
41
42

QUYỂN 10

Lúc bấy giờ ngài Văn-Thù Sư-Lợi bạch Phật rằng: “ Thế-tôn! Nay ông Thuần- Đà còn có tâm nghi, ngưỡng mong đức Như-Lai vì ông giảng giải.

_ Nầy Thiện-nam-tử! Tâm nghi thế nào, ông cứ trình bày Như-Lai sẽ dạy nữa cho.

Văn-Thù Sư-Lợi nói: “ Ông Thuần-Đà nghi rằng: Đức Như-Lai là thường trụ, do vì đặng sức tri kiến Phật tánh. Nếu thấy Phật tánh mà là thường trụ, thời lúc trước chưa thấy lẽ ra là vô thường. Nếu lúc trước là vô thường, lúc sau cũng phải như vậy. Như những vật trong đời trước không nay có, có rồi trở thành không. Những vật như vậy đều là vô thường. Do nghĩa nầy nên chư Phật, Bồ- Tát, Duyên-Giác, Thanh-Văn không sai khác nhau”.

Đức Thế-Tôn liền nói kệ rằng:

Trước có nay không,

Trước không nay có,

Trọn không có nghĩa.

Ba đời là có.

Nầy thiện-nam-tử! Do nghĩa nầy mà chư Phật, Bồ-Tát, Duyên-Giác, Thanh- Văn, cũng có sai khác.

Văn-Thù Sư-Lợi tán thán rằng: “ Lành thay! Thiệt như lời dạy của Như-Lai, nay tôi mới biết chư Phật, Bồ-Tát, Duyên-Giác, Thanh-Văn cũng có sai khác, cũng không sai khác.”

Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật: “ Thế-Tôn! Như lời Phật nói, Chư Phật, Bồ- tát, Duyên-Giác, Thanh-Văn, tánh không sai khác, cúi mong đức Như-Lai giảng rộng nghĩa ấy, để lợi ích, an lạc tất cả chúng sanh.”

Phật nói: “ Nầy Thiện-nam-tử! Lóng nghe suy xét kỹ, đức Như-Lai sẽ vì ông giảng nói nghĩa ấy.

Nầy Thiện-nam-Tử! Ví như trưởng giả nuôi nhiều bò sữa, đủ các màu lông, sai một người chăn nuôi. Một hôm người chăn vì sự cúng kiếng, vắt sữa tất cả bò đựng chung trong một thùng. Người ấy thấy sữa đồng một màu trắng, lấy làm lạ nghĩ rằng: Bầy bò mỗi con đều khác màu, sao sữa của chúng nó đều đồng màu. Người ấy gẫm kỹ, xét rằng tất cả đều do nhơn duyên nghiệp báo của chúng sanh làm cho sữa đồng một màu.

Nầy Thiện-nam-tử! Hàng Thanh-Văn, Duyên-Giác, Bồ-Tát, đồng một Phật tánh, như sữa của bầy bò đồng một màu. Vì đồng sạch hết phiền não. Nhưng các chúng sanh nói chư Phật, Bồ-Tát, Duyên-Giác, Thanh-Văn, sai khác nhau. Cũng có hàng Thanh-Văn và người phàm phu nghĩ rằng: Ba thừa sao lại không sai khác. Những người nầy lâu lâu về sau tự hiểu rằng, tất cả ba thừa đồng một Phật tánh. Như người chăn bò hiểu rằng màu sữa đồng một, là do nhơn duyên nghiệp báo.

Nầy Thiện-nam-tử! Ví như quặng vàng, nấu lọc cặn bã, sau khi tiêu dung thành vàng, thời giá trị vô lượng. Thanh-Văn, Duyên-Giác, Bồ-Tát đều đặng thành tựu đồng một Phật tánh, vì trừ hết phiền não, như quặng vàng trừ hết cặn bã thành vàng. Do nghĩa nầy nên tất cả chúng sanh đồng một Phật tánh không có sai khác. Vì họ trước kia nghe tạng Như-Lai vi mật, thời gian sau thành Phật tự nhiên đặng biết, vì dứt vô lượng phiền não. Như ông Trưởng gia ûkia biết sữa đồng một màu.”

Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật rằng:: Thế-tôn! Nếu tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, thời Phật cùng chúng sanh có gì sai khác. Người nói như vậy có nhiều lỗi lầm. Nếu các chúng sanh đều có Phật tánh, do nhơn duyên gì Ngài Xá-Lợi- Phất vân vân lại nhập Tiểu Niết-Bàn. Hàng Duyên-Giác nhập Trung Niết-Bàn, các vị Bồ-Tát nhập Đại Niết-Bàn. Ba hạng người như vậy nếu đồng Phật tánh sao lại chẳng đồng nhập Đại-Niết-Bàn như đức Như-Lai?”

_ Nầy thiện-nam-tử! Niết-Bàn của chư Phật Thế-Tôn chính là chẳng phải cho ãchứng của Thanh-Văn, Duyên-Giác, do nghĩa nầy nếu nhập Đại Niết-Bàn gọi là thuần-thiện. Thế gian nếu không Phật ra đời chẳng phải là không có hàng nhị thừa chứng đặng hai thứ Niết-Bàn”.

Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật: Thế-Tôn! Nghĩa ấy như thế nào?

Phật nói vô lượng vô biên vô số kiếp mới có một đức Phật hiện ra nơi đời khai thị pháp tam thừa.

Nầy Thiện-nam-tử! như lời ông nói, Bồ-Tát, Duyên-Giác và Thanh-Văn không sai khác đó, trước kia trong tạng Như-Lai Đại-Niết-Bàn nầy ta đã có nói nghĩa đó. Các vị A-La-Hán không có thuần thiện, vì các vị A-La-Hán đều sẽ đặng Đại- Niết- Bàn nầy, do nghĩa nầy nên nhập Đại-Niết-Bàn có lạc rốt ráo, vì có lạc rốt ráo nên gọi là nhập Đại-Niết-Bàn.

Ca-Diếp Bồ-tát bạch Phật rằng: “ Như lời Phật nói tôi nay mới biết nghĩa sai khác, cùng nghĩa không sai khác, vì tất cả Bồ-Tát Thanh-Văn, Duyên-Giác đều sẽ đồng qui nơi Đại-Niết-Bàn ở đời vị lai, như các dòng nước chảy về biển cả. Thế nên hàng Thanh-Văn, Duyên-Giác đều gọi là thường chẳng phải là vô thường. Do nghĩa nầy nên cũng có sai khác, cũng không sai khác.

_ Bạch Thế-Tôn! Thế nào là tánh sai khác?

_ Nầy Thiện-nam-tử! Thanh-Văn như sữa. Duyên-Giác như lạc, Bồ-Tát như sanh-tô thục-tô, chư Phật Thế-tôn như đề-hồ. Do nghĩa nầy nên trong Đại- Niết- Bàn nói bốn chủng tánh sai khác nhau.

_ Bạch Thế-Tôn! Tánh tướng của tất cả chúng sanh như thế nào?

Nầy Thiện-nam-tử! Như bò mới sanh, sữa máu chưa sai khác. Tánh phàm phu các phiền não xen tạp cũng lại như vậy.

Ca-Diếp Bồ-Tát bạch rằng: “ Trong thành Câu-Thi-La có gã chiên-đà-la tên là Hoan-Hỷ, Phật thọ ký người nầy do một lần phát tâm nên sẽ mau thành đạo vô thượng chánh giác trong số ngàn Phật ở thế giới nầy. Cớ sao đức Như-Lai chẳng thọ ký cho Tôn-Giả Xá-Lợi-Phất, Tôn-Gỉa Mục-Kiền-Liên vân vân, mau thành Phật

đạo?

_ Nầy Thiện-nam-tử! Hoặc có Thanh-Văn, Duyên-Giác, Bồ-Tát phát nguyện rằng: Tôi sẽ mãi mãi hộ trì chánh pháp vậy sau mới thành Phật đạo. Vì phát nguyện mau, nên thọ ký cho mau thành Phật.

Nầy Thiện-nam-tử!Ví như người buôn bán, có châu báu vô giá đem ra chợ bán. Người ngu thấy báu chẳng biết, khinh cười. Nhà buôn xướng rằng châu báu của tôi giá trị vô số. Bọn ngu càng nghe lại khinh cười thêm bảo nhau rằng: Thứ đó không phải chơn châu hay là châu pha lê. Cũng vậy, hàng Thanh-Văn, Duyên- Giác nếu nghe thọ ký mau thành Phật, thời bèn giãi đãi khinh cười coi rẽ. Như bọn người ngu chẳng biết chơn châu.

Đời vị lai có hàng Tỳ-kheo chẳng thể siêng năng tu tập pháp lành. Do nghèo cùng khốn khổ, đói khát mà xuất gia để thân được no ấm, tâm chí họ khinh tháo, tà mạn, siểm khúc, Hạng nầy nếu nghe đức Như-Lai thọ ký hàng Thanh-Văn mau thành Phật, họ sẽ cả cười khinh mạn chê bai. Nên biết bọn nầy tức là kẻ phá giới, tự nói rằng đã chứng đặng hơn người. Do nghĩa nầy nên tùy theo người phát nguyện mau thành, thời thọ ký cho mau thành. Người hộ trì chánh pháp, thời vì thọ ký cho lâu thành.

Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật: “ Thế-Tôn! Đại Bồ-Tát như thế nào sẽ đặng chẳng hư hoại quyến thuộc?

Phật nói: “ Nếu các Bồ-tát siêng năng tinh tấn muốn hộ trì chánh pháp. Do nhơn duyên nầy được quyến thuộc chẳng thể hư hoại.”

_ Bạch Thế-Tôn! Do nhơn duyên gì chúng sanh môi miệng khô cháy?

_ Nếu có người chẳng biết Tam-bảo là thường còn, do nhơn duyên nầy, môi miệng khô cháy. Như người miệng bịnh chẳng biết vị ngọt, đắng, cay, chua mặn, lạt. Tất cả chúng sanh ngu si vô trí chẳng biết Tam-bảo là thường còn, thế nên gọi là môi miệng khô cháy.

Nầy Thiện-nam-tử! Nếu có chúng sanh chẳng biết Như-Lai là thường trụ, nên biết người nầy là kẻ sanh manh, nếu biết Như-Lai là thường trụ, người nầy dầu là nhục nhãn nhưng Phật nói là thiên-nhãn.

Nầy Thiện-nam-tử! Nếu người có thể biết Như-Lai là thường trụ nên biết người nầy từ lâu đã tu tập kinh điển nầy. Phật nói những người nầy cũng gọi là thiên nhãn.

Nếu chẳng thể biết như-Lai là thường trụ, người nầy dầu có thiên nhãn, nhưng Phật gọi là nhục nhãn. Người nầy nhẫn đến chẳng biết tay chơn chi tiết của thân mình, cũng không thể làm cho người khác biết, do nghĩa nầy nên gọi là nhục nhãn.

Nầy Thiện-nam-tử! Đức Như-Lai thường vì tất cả chúng sanh mà làm cha mẹ. Vì tất cả chúng sanh các thứ hình loại: Hai chơn, bốn chơn, nhiều chơn, không chơn, đức Phật dùng một âm thanh mà vì thuyết pháp. Những loài chúng sanh khác nhau kia đều tự đặng nhận hiểu, đều tán thán rằng: Đức Như-Lai ngày nay vì tôi mà thuyết pháp. Do nghĩa nầy nên đức Như-Lai gọi là cha mẹ.

Nầy Thiện-nam-tử! Như người sanh con trai mới được mười sáu tháng, đứa trẻ dầu biết nói nhưng chưa rành rẽ. Mà cha mẹ của đứa trẻ muốn dạy con nói, nên theo đồng tiếng của nó để dạy lần lần. Lời nói của cha mẹ đứa trẻ có phải là chẳng đúng giọng ư?

_ Bạch Thế-tôn! Không phải vậy.

_ Nầy Thiện-nam-tử! Chư Phật Như-Lai tùy theo các thứ tiếng nói của mọi loài chúng sanh mà thuyết pháp. Vì làm cho chúng sanh an trụ nơi chánh pháp. Tùy theo chúng sanh đáng được thấy mà vì thị hiện các thứ hình tượng. Đức Như- Lai nói năng đồng với chúng sanh, có thể cho rằng âm thanh của Như-Lai là chẳng chánh ư?

_ Bạch Thế-Tôn! Không phải vậy. Vì Đức Như-Lai tùy thuận theo các thứ âm thanh của thế gian, mà vì chúng sanh diễn nói diệu-pháp.

17. PHẨM ĐẠI CHÚNG SỞ VẤN THỨ 17

(Hán bộ phần đầu quyển thứ mười)

Bấy giờ đức Thế-Tôn từ trên mặt phóng các thứ ánh sáng màu: Những ánh sáng xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, tía, chiếu thân Thuần-Đà. Thuần-Đà gặp ánh sáng nầy, bèn cùng quyến thuộc mang những thức ăn đến rừng Ta-La để cúng dường đức Phật lần cuối cùng và cúng dường chúng Tỳ-kheo.

Lúc đó có Trời Đại-Oai-Đức đứng án trước mặt bảo Thuần-Đà rằng: Ông Thuần-Đà nên dừng lại, chớ dâng cúng.

Đức Như-Lai lại phóng vô lượng vô biên ánh sáng, đại chúng cõi trời gặp ánh sáng nầy liền để cho Thuần-Đà đem những thức ăn uống dâng lên Phật.

Lúc đó chư thiên cùng các chúng sanh đem đồ cúng dường cũng lần đến nơi trước Phật, đồng quì bạch rằng: Ngưỡng mong đức Như-Lai cho phép các Tỳ- kheo thọ vật thực nầy.

Các Tỳ-kheo biết đã đến giờ ăn, bèn chấp trì y-bát an lành ngồi yên.

Thuần-Đà vì Phật và chúng sanh mà bố thí những tòa báu sư tử, treo phan lọng lụa cùng chuỗi ngọc hương hoa. Lúc bấy giờ cả tam thiên đại thiên thế giới trang nghiêm tốt đẹp như cõi Cực-lạc ở phương Tây.

Thuần-Đà quì trước Phật, sầu lo buồn bã bạch rằng: “ Ngưỡng mong đức Như- Lai xót thương trụ thọ một kiếp, hoặc dưới một kiếp.”

Phật bảo Thuần-Đà: “ Ông muốn đức Phật ở lâu nơi đời, phải nên mau dâng cúng dường lần cuối cùng.

Lúc đó tất cả Đại-Bồ-Tát, chư thiên, mọi người người khác miệng đồng lời xướng rằng: “ Lạ lùng thay ông Thuần-Đà, trọn nên phước đức lớn có thể làm cho đức Như-Lai nhận lấy lần cúng dường cuối cùng. Chúng ta vô phước uổng công trần thiết!”

Đức Thế-Tôn muốn làm cho tất cả đại chúng mãn nguyện, mỗi mỗi lỗ chơn lông trên thân Phật hoá thành vô lượng Phật mỗi đức Phật đều có vô lượng Tỳ-kheo Tăng. Chư Phật và Tỳ-kheo Tăng nầy thị hiện thọ sự cúng dường của Đại- chúng. Thích-Ca Như-Lai tự thọ phần của Thuần-Đà dâng.

Do thần lực của Phật tám hộc cơm của Thuần-Đà đều cung cấp đầy đủ tất cả Đại-hội. Thuần-Đà thấy vậy, vui mừng hớn hở, tất cả đại chúng cũng đều hoan hỷ.

Toàn thể đại chúng lúc đó đều nghĩ rằng: Nay đức Như-Lai đã nhận sự cúng dường rồi, không bao lâu sẽ vào Niết-Bàn. Lòng đại chúng vừa buồn vừa mừng.

Lúc bấy giờ rừng cây Ta-La vốn hẹp nhỏ, do thần lực của Phật, khoảng không gian như mũi kim đều có vô lượng chư Phật Thế-Tôn và quyến thuộc Bồ- Tát đồng ngồi thọ thực. Những thức ăn cũng đồng không sai khác.

Lúc đó chư Thiên, mọi người, A-Tu-La vân vân, khóc lóc buồn khổ than rằng: Nay đức Như-Lai đã thọ lần cúng dường cuối cùng củachúng ta, rồi đây đức Phật sẽ nhập Niết-Bàn, chúng ta còn biết sẽ cúng dường ai. Nay chúng ta mất hẳn bực điều-ngự vô thượng, khác nào người mù không con mắt.

Đức Thế-Tôn vì muốn an ủi tất cả đại chúng mà nói kệ rằng:

Đại chúng chớ buồn than, Pháp chư Phật phải vậy. Phật nhập nơi Niết-Bàn, Đã trải vô lượng kiếp. Thường hưởng vui vô thượng, Vĩnh biễn ở an ổn. Mọi người lóng lòng nghe! Phật sẽ nói Niết-Bàn: Phật đã lìa ăn uống. Trọn không khổ đói khát, Phật sẽ vì mọi người, Nói nguyện tùy thuận kia, Khiến tất cả đại chúng, Đều được vui an ổn, Nghe xong nên tu hành, Pháp thườngtrụ của Phật. Giả sử quạ chim cắt, Chung một cây làm ổ. Như anh em thân yêu, Phật mới Niết- Bàn hẳn. Như-Lai xem tất cả, Thương như La-Hầu-La, Thường làm thầy chúng sanh, Sao lại Niết-Bàn hẳn. Giả sử rắn chuột sói, Đồng ở chung một hang, Thương nhau như anh em, Phật mới Niết-bàn hẳn. Như-Lai xem tất cả, Thương như La- Hầu-La, Thường làm cha chúng snh, Thế nào Niết-Bàn hẳn. Giả sử hoa thất- diệp, Thơm như hoa bàn-sư. Trái cây ca-lưu-ca, Chuyển làm trái trấn-đầu, Như- Lai xem tất cả, Thương như La-Hầu-La, Sao lại bỏ Từ-Bi. Vĩnh viễn nhập Niết- Bàn. Giả sử nhứt-xiển-đề, Hiện thân thành Phật đạo, Thọ hẳn vui đệ nhứt, Phật mới vào Niết-Bàn. Như-Lai xem tất cả, Đều như La-Hầu-La, Sao lại bỏ Từ-Bi, Vĩnh viễn nhập niết-Bàn. Giả sử tất cả chúng. Đồng thời thành Phật đạo, Xa lìa các lỗi lầm, Phật mới nhập Niết-Bàn. Như-Lai xem tất cả, Đều như La-Hầu-La, Sao lại bỏ Từ-bi, Vĩnh viễn nhập Niết-Bàn. Giả sử nước đái muỗi, Ngập lụt cả đại địa, Ngập núi và trăm sông, Biển cả đều đầy tràn. Nếu có việc như vậy, Phật mới vào Niết-Bàn. Lòng bi xem tất cả, Đều như La-Hầu-La, Thường làm thầy chúng sanh, Sao lại Niết-Bàn hẳn. Vì thế nên mọi người, Phải ưa thích chánh pháp. Chẳng nên sanh buồn rầu, Than thở mà khóc lóc. Muốn có hạnh chơn chánh, Phải tu Phật thường trụ, Nên xét pháp như vậy, Còn mãi chẳng biến đổi. Lại nên suy nghĩ rằng: Tam-Bảo đều thường trụ, Thời đặng lợi ích lớn, Như cây khô sanh trái. Đây gọi là Tam-Bảo, Tứ chúng phải khéo nghe, Nghe rồi thêm vui mừng, Liền phát tâm Bồ-Đề. Nếu biết được Tam-Bảo, Thường trụ đồng chơn- đế, Đây thời là thệ nguyện,

Tối-thượng của chư Phật.

Nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, có thể y cứ theo thệ nguyện tối thượng của Như-Lai mà tự phát nguyện, nên biết người nầy không có ngu si, kham lãnh thọ sự cúng dường. Bởi nguyện lực nầy có công đức quả báo rất thù thắng nơi thế gian, như A-La-Hán. Nếu ai chẳng thể quan sát Tam-bảo thường trụ như vậy, kẻ nầy là chiên-đà-la.

Nếu có người biết được Tam-Bảo là thường trụ, là nhơn duyên pháp chơn thật, thời lìa khổ đặng an vui, không có gì nhiễu hại lưu nạn được người nầy.

Lúc đó cả đại chúng trời, người, a-tu-la vân vân, nghe lời Phật dạy, đều vui mừng hớn hở tâm tưởng đều nhu, dung nhan vui vẻ oai đức thanh tịnh, khéo dứt ngũ cái, tâm không phân biệt cao hạ, biết Phật là thường trụ. Do đó đại chúng sắp đặt các thứ cúng dường, cõi trời rải các thứ hoa trời, hương bột, hương thoa, đánh trống trời, trỗi kỹ nhạc trời để cúng dường Phật.

Phật bảo Ca-Diếp Bồ-Tát rằng: “Ông thấy việc hy hữu của đại chúng đây chăng?

Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật: “ Thế-Tôn! Tôi đã thấy. Tôi thấy các đức Như-Lai đông vô lượng vô biên không thể tính đếm, lãnh thọ những thức uống ăn của đại chúng cúng dường. Lại thấy chư Phật thân rất cao lớn, mà chỗ ngồi chỉ choán khoảng bằng mũi kim. Chúng đông vi nhiễu không chướng ngại nhau. Lại thấy đại chúng đều phát nguyện nói mười ba bài kệ. Tôi cũng biết đại chúng đều tự nghĩ rằng: Nay đức Như-Lai riêng thọ tôi cúng dường. Giả sử tất cả vật thực của Thuần-Đà dâng cúng, nghiền nhỏ như vi trần, đem một vi trần dâng một đức Phật, vẫn không khắp đủ, nhưng nhờ thần lực của Phật, mà đều cung cấp đủ tất cả đại chúng, chỉ có các vị Đại-Bồ-Tát như Văn-Thù Sư-Lợi Pháp-Vương Tử vân vân, mới biết được sự hi hữu nầy. Đây đều là đức Như-Lai phương tiện thị hiện, chúng Thanh-Văn và A-Tu-La vân vân đều biết đức Như-Lai là pháp thường trụ”.

Đức Thế-Tôn bảo Thuần-Đà rằng: “ Nay ông có thấy việc hi hữu lạ lùng nầy

chăng?”

_ Bạch Thế-Tôn! Tôi thiệt có thấy. Tôi trước thấy vô lượng chư Phật, ba mươi hai tướng, tám mươi thứ tốt trang nghiêm nơi thân. Chư Đại-Bồ-Tát cung kính vi nhiễu”.

Phật bảo Thuần-Đà: “ Vô lượng chư Phật mà ông đã thấy, đó là ta hoá hiện ra để đem sự lợi ích vui mừng đến cho tất cả chúng sanh. Hàng Đại Bồ-Tát như vậy công hạnh tu hành chẳng thể nghĩ bàn, có thể làm vô lượng Phật sự. Nầy Thuần-Đà, nay ông đã thành tựu hạnh Đại-Bồ-Tát, đặng trụ thập địa, đã làm xong đầy đủ công hạnh của Bồ-tát”ï

Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật: “ Thế-Tôn! Đúng như lời Phật dạy. Chỗ tu tập của Thuần-Đà trọn nên hạnh Bồ-Tát, tôi cũng tùy hỷ.

Hôm nay đức Như-Lai vì muốn đem sự sáng suốt lớn cho chúng sanh đời vị lai, mà nói kinh Đại-thừa Đại-Niết-Bàn nầy.

Bạch Thế-Tôn! Tất cả khế kinh có còn nghĩa dư thừa hay không nghĩa dư thừa?

Nầy Thiện-nam-tử! Kinh của Phật đã nói cũng có nghĩa dư thừa, cũng không nghĩa dư thừa.

Thuần-Đà bạch Phật: “ Thế-Tôn! Như lời Phật nói:

Tất cả vật của mình có, Đem bố thí cho tất cả, Chỉ phải nên đều tán thán, Trọn không được có khuy tổn.

Bạch Thế-Tôn! Nghĩa đó thế nào. Trì giới, hủy giới có sai khác gì?

Phật nói: “ Chỉ trừ một người, ngoài ra tất cả bố-thí đều nên tán thán”.

Thuần-Đà bạch Phật: “ Thế nào gọi là chỉ trừ một người?”

Phật nói:: Người phá giới như trong kinh nầy đã nói”.

Thuần-Đà lại bạch: “ Nay tôi chưa được rõ, cúi mong đức Phật nói rõ cho”.

Phật bảo Thuần-Đà: “ Trong kinh đây nói người phá giới là nhứt-xiển-đề. Ngoài ra tất cả chỗ bố-thí đều nên tán thán, đặng quả báo rất lớn”.

Thuần-Đà bạch Phật: “ Thế-Tôn! Nghĩa nhứt-xiển-đề như thế nào?”

Phật bảo Thuần-Đà: “ Nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, nói lời thô ác, chê bai chánh pháp, tạo tội nặng nề, trọn chẳng ăn năn, tâm không hổ thẹn, người như vậy gọi là xu hướng con đường nhứt-xiển-đề.

Nếu người phạm bốn tội trọng, năm tội nghịch, tự quyết định biết phạm tội trọng như vậy, mà tâm chẳng biết sợ sệt hổ thẹn, chẳng bằng lòng phát lồ, ở nơi chánh pháp trọn không lòng hộ trì kiến lập, chê bai khinh tiện, nhiều lời lỗi lầm, người như vậy cũng gọi là hướng đến đường nhứt-xiển-đề.

Nếu lại có ngưới nói rằng: Không Phật, không Pháp, không Tăng, người như vậy, cũng gọi là hướng đến đường nhứt-xiển-đề.

Chỉ trừ bọn nhứt-xiển-đề này, ngoài ra tất cả chỗ bố thí đều nên tán thán.”

Thuần-Đà lại bạch Phật rằng: “ Thế-Tôn! Như Phật nói phá giới, nghĩa đó thế

nào?”

_ Nầy Thuần-Đà! Nếu phạm bốn tội nặng và năm tội nghịch, cùng hủy báng chánh pháp, người như vậy gọi là phá giới.

Thuần-Đà bạch Phật: “ Thế-Tôn! người phá giới như vậy có thể cứu vớt được

chăng?”

_ Nầy Thuần-Đà! Có nhơn duyên thời cứu vớt được. Nếu người đó còn mặc pháp phục chưa bỏ, trong tâm luôn hổ thẹn sợ sệt, tự trách cứ lấy mình, trong lòng ăn năn, sanh tâm hộ trì chánh pháp, muốn kiến lập chánh pháp và nguyện sẽ cúng dường người hộ pháp. Nếu có người đọc tụng kinh điển Đại-thừa, tôi sẽ đến han hỏi để được thọ trì đọc tụng. Khi đã thông thuộc rồi, tôi sẽ vì người khác giảng nói.

Nầy Thuần-Đà người như trên đây, Phật gọi là chẳng phá giới. Ví như mặt trời mọc lên có thể phá trừ tất cả tối tăm sương mù. Cũng vậy, kinh Đại-thừa Đại- Niết-Bàn vi diệu nầy, khi hiện ra nơi đời, có thể phá trừ những nghiệp tội trong vô lượng kiếp của chúng sanh. Thế nên kinh nầy nói rằng hộ trì chánh pháp đặng quả báo lớn, có thể cứu vớt kẻ phá giới.

Nếu có người hủy báng chánh pháp nầy, mà có thể tự ăn năn chừa cải, trở về nơi chánh pháp, tự nghĩ tất cả điều ác đã làm, như người tự hại lấy mình, sanh lòng kinh sợ hổ thẹn. Trừ chánh pháp nầy ra không có gì cứu hộ được. Vì thế nên phải trở về nơi chánh pháp.

Người nầy nếu có thể quy y chánh pháp như trên, bố thí cho người nầy sẽ đặng vô lượng phước. Ngưới nầy cũng gọi là bậc đáng lãnh thọ sự cúng dường của thế gian.

Nếu người phạm những tội nghiệp ác như trên, trãi qua một tháng, hoặc mười lăm ngày, chẳng có lòng phát lồ quy y chánh pháp, nếu bố thí cho người nầy được quả báo rất ít.

Người phạm tội ngũ nghịch, nếu có thể sanh lòng ăn năn hổ thẹn quy y hộ trì chánh pháp như trên, người nầy chẳng gọi là phạm tội ngũ nghịch. Nếu bố thí cho người nầy, đặng vô lượng phước. Nếu phạm tội ngũ nghịch, mà chẳng sanh tâm quy y hộ pháp. Nếu bố thí cho người nầy, đặng phước không đáng kể.

Nếu Thiện-nam-tử! Người phạm tội trọng nên có tâm nầy: Chánh pháp tức là tạng Như-Lai vi mật, tôi phải hộ trì kiến lập. Nếu ai bố thí cho người nầy,thời đặng quả báo rất tốt.

Nầy Thiện-nam-tử! Ví như thiếu phụ kia mang thai gần ngày sanh nở, nhằm lúc trong nước loạn lạc, lánh nạn trốn đến xứ khác, giữa đường sanh nở. Sau đó nghe nước nhà đã an ổn, đem con trở về, giữa đường phải lội qua con sông nước đầy chảy xiết, đến giữa dòng đuối sức, tự nghĩ rằng: Tôi thà cùng con tôi đồng chết, quyết không bỏ con để được sống một mình. Do đó mẹ con đều bị nước cuốn chìm. Phụ nữ ấy, sau khi chết được sanh lên cõi trời. Phụ nữ nầy tánh vốn tệ ác nhờ lòng thương con mà đặng sanh lên cõi trời.

Cũng vậy, người phạm bốn tội nặng, năm tội nghịch, nếu sanh tâm quy y hộ trì chánh pháp thời là phước điền vô thượng của thế gian. Người hộ pháp nầy được vô lượng quả báo tốt như vậy.

Thuần-Đà bạch Phật: Thế-Tôn! Nếu hạng nhứt-xiển-đề có thể tự ăn năn chừa cải, cung kính cúng dường tán thán Tam-Bảo. Bố thí cho người nầy có đặng quả báo lớn chăng?

Nầy Thiện-nam-tử! Nay ông chẳng nên nói như vậy. Ví như có người ăn trái Am-La nghĩ rằng: Trong hột trái nầy có lẽ ngọt liền đập bể hột ra để nếm thấy vị rất chát đắng, lòng sanh hối hận sợ mất giống trái tốt, mới gom góp mãnh hột vụn đem ươm nơi đất, siêng năng săn sóc, đến dùng sửa, tô, dầu để tưới bón. Ý ông nghĩ thế nào, hột đó có thể mọc lên cây được chăng?

_ Bạch Thế-Tôn! “ Không thể mọc lên được, dầu cho trời mưa chất cam lồ, hột nát bể ấy cũng mọc không được”.

_ Nầy Thiện-nam-tử! Hạng nhứt-xiển-đề đã đốt cháy căn lành, sẽ ở nơi chỗ nào mà trừ tội đặng.

Nếu sanh tâm lành, thời kẻ đó chẳng gọi là nhứt-xiển-đề.

Do nghĩa nầy tất cả chỗ bố thí đặng quả báo chẳng phải không sai khác. Vì thí cho hàng Thanh-Văn đặng quả báo khác, thí hàng Bích-Chi Phật đặng quả báo cũng khác.

Duy cúng thí đức Như-Lai đặng quả báo vô thượng. Thế nên nói rằng: Tất cả chỗ bố thí chẳng phải không sai khác.

Thuần-Đà lại bạch: “ Thế-Tôn! Do cớ chi đức Như-Lai nói bài kệ ấy?”

_ Nầy Thuần-Đà! Vì có nhơn duyên nên ta nói bài kệ ấy.

Trong thành Vương-Xá có nhà cư sĩ không lòng tin Tam-Bảo, phụng thờ phái Ni- Kiền-Tử đến hỏi Phật nghĩa bố thí nên ta nói bài kệ ấy. Cũng vì các vị Đại-Bồ- Tát mà nói nghĩa tạng bí mật, bài kệ ấy nghĩa như vầy:

Tất cả đó là ít phần tất cả. Phải biết Đại-Bồ-Tát là bực tôn quý trong loài người, nhiếp thủ hạng trì giới cung cấp cho đồ cần dùng, dứt bỏ hạng phá giới, như bỏ cỏ rác.

Nầy Thiện-nam-tử! Như xưa kia ta nói kệ rằng:

Tất cả sông ngòi, Quyết có xoáy cong, Tất cả rừng rậm, Aét có cây cối, Tất cả người nữ. Quyết lòng dua vạy, Tất cả tự tại, Quyết hưởng an vui.

Lúc đó Văn-thù Sư-Lợi Bồ-Tát đến lạy chơn Phật mà nói kệ rằng:

Chẳng phải tất cả sông, Điều quyết có xoáy cong, Chẳng phải tất cả rừng, Quyết gọi là cây cối. Chẳng phải mọi người nữ, Quyết có lòng dua vạy. Tất cả hàng tự tại. Chẳng quyết đều hưởng vui.

Văn-Thù Sư-Lợi lại bạch: “ Kệ của đức Phật nói còn có nghĩa dư thừa, cúi mong đức Như-lai nói rõ nhơn duyên kia.

Thế-Tôn! Vì nơi thế giới nầy, có bờ Câu-da-ni, nơi ấy có con sông Ta-bà-da ngay thẳng chẳng cong, như sợi dây, chạy chăng vào biển Tây. Con sông ấy nơi trong những kinh khác Phật chưa từng nói, xin đức Như-Lai nhơn hội phương đẳng nầy, nói nghĩa còn dư thừa trong kinh A-Hàm, khiến các vị Bồ-Tát hiểu rõ nghĩa ấy.

Thế-Tôn! Ví như có người, lúc trước thời biết quặng vàng, lúc sau lại chẳng biết vàng. Cũng vậy, đức Như-Lai biết rõ tất cả pháp mà lời nói ra còn có nghĩa dư thừa chẳng trọn. Dầu đức Như-Lai nói nghĩa thừa như vậy, nhưng cũng nên phương tiện giải rõ ý nghĩa kia.

Tất cả rừng rậm quyết là cây cối. Đây cũng chưa được trọn, vì các thứ cây vàng, bạc, lưu ly những cây bằng chất báu, cũng gọi là rừng.

Tất cả người nữ quyết có lòng dua vạy. Đây cũng chưa trọn, vì cũng có người nữ khéo giữ giới cấm trọn nên công đức, có lòng đại từ bi.

Tất cả tự tại quyết hưởng an vui. Đây cũng chưa trọn, ví như Thích-Ca Như-Lai là đấng pháp vương tự tại, chẳng ở trong phạm vi vô thường, chẳng thể diệt dứt là rốt ráo an vui. Hàng Phạm-Vương Đế-Thích, các trời, dầu đặng tự tại, nhưng đều là vô thường, chưa phải an vui. Nếu đặng thường trụ không biến đổi mới đặng gọi là tự tại, chính là Đại-thừa Đại-Niết-bàn.”

Phật bảo Văn-Thù Sư-lợi: “ Nay ông khéo đặng biện tài vô ngại.

Nầy Thiện-nam-tử! Vả thôi, nên lóng nghe. Ví như trưởng giả mang bịnh khổ, y sĩ hiệp thuốc cao để điều trị. Vì tham, người bịnh muốn uống nhiều. Y sĩ bảo, nếu có thể tiêu hoá được thời nên uống nhiều, nay thân trưởng giả gầy yếu chẳng nên uống nhiều. Phải biết thuốc cao nầy gọi là cam lồ, cũng gọi là độc dược, nếu uống nhiều chẳng tiêu hóa được thời thành chất độc.

Nầy Thiện-nam-tử! Nay ông chớ cho rằng lời nói của y sĩ là trái nghĩa mật lý, làm hư công hiệu của thuốc cao.

Nầy Thiện-nam-tử! Cũng vậy, đức Như-Lai nhơn vua Ba-Tư -Nặc, Vương-tử, và hậu phi có lòng kiêu mạn, vì muốn điều phục họ nên thị hiện nói lời ấy cho họ sợ sệt, như y sĩ kia. Do đó mà ta nói kệ rằng:

Tất cả sông ngòi, Quyết có xoáy cong, Tất cả rừng rậm, Quyết là cây cối. Tất cả người nữ, Quyết lòng dua vạy. Tất cả tự tại, Quyết hưởng an vui.

Nầy Văn-Thù Sư-Lợi! Ông nên biết rằng lời nói của đức Như-Lai không có sai sót. Như cõi đất nầy, có thể làm cho lật úp, lời nói của Như-Lai trọn không sai sót. Do nghĩa nầy nên lời nói của đức Như-Lai tất cả có dư thừa.

Lúc đó đức Phật khen Văn-Thù Sư-Lợi Bồ-Tát: “ Lành thay! Lành thay! Nầy Thiện-nam-tử! Từ lâu ông đã biết nghĩa như vậy. Vì thương xót tất cả, muốn làm cho chúng sanh đặng trí huệ, nên ông cố ý hỏi đức Như-Lai nghĩa của bài kệ như vậy “.

Văn-Thù Sư-Lợi Bồ-Tát lại ở nơi trước Phật mà nói bài kệ rằng:

Với lời nói của người, Tùy thuận chẳng chống trái, Cũng chẳng xem người khác, Làm hay là chẳng làm, Chỉ tự xem thân mình, Làm lành hay chẳng lành.

Thế-Tôn! Pháp dược như vậy chẳng phải là chánh thuyết, chỉ là đối với lời nói của người khác mà tùy thuận chẳng trái. Cúi mong đức Như-Lai xót thương chánh thuyết cho. Vì Thế-Tôn thường nói, tất cả ngoại giáo cả chín mươi lăm phái, đều đi đến ác đạo. Hàng Thanh-Văn đệ tử đều hướng đến chánh lộ. Khéo giữ gìn cấm giới, nhiếp trì oai nghi, gìn giữ sáu căn, những người như vậy, rất ưa thích đại thừa, thẳng đến thiện-đạo. Cớ sao đức Như-Lai ở trong chín loại kinh thấy có ai hủy báng người khác, thời bèn quở trách. Bài kệ trên đây ý nghĩa như thế nào?

_ Nầy Thiện-nam-tử! Ta nói kệ ấy cũng chẳng phải vì tất cả chúng sanh. Lúc đó chỉ vì vua A-Xà-Thế. Chư Phật nếu không nhơn duyên trọn chẳng nghịch thuyết.

Nầy Thiện-nam-tử! Vua A-Xa-Thế khi hại cha rồi, đến giáo hội muốn chiết phục ta, hỏi rằng: Thế-Tôn có nhứt-thiết-trí hay chẳng có nhứt-thiết-trí. Điều- Đạt trong vô lượng đời đã qua, thường ôm lòng ác, theo dõi muốn làm hại Như-Lai. Nếu là bực nhứt-thiết-trí, sao Như-Lai cho Điều-Đạt xuất gia.

Do nhơn duyên vua A-Xà-Thế hỏi mà ta nói bài kệ:

Với lời nói của người, Tùy thuận chẳng trái nghịch, Cũng chẳng xem người khác, Làm hay là chẳng làm. Chỉ tự xem thân mình, Làm lành hay chẳng lành.

Rồi Phật bảo nhà vua, nay nhà vua hại cha đã tạo tội nghịch, nay phải phát lồ để được tiêu tội, cớ sao lại xem lỗi lầm của người khác.

Nầy Thiện-nam-tử! Do nghĩa đó nên ta vì vua A-Xa-Thế mà nói bài kệ ấy.

Nầy thiện-nam-tử! Ta cũng vì người hộ trì cấm giới thành tựu oai nghi, lại xem lỗi của người khác mà nói bài kệ ấy.

Nếu lại có người, nhận lãnh lời dạy của người khác, xa lìa những tội ác, rồi dạy lại người khác, làm cho lìa những tội ác. Người như vậy thời là đệ tử của Phật. Đức Thế-tôn vì Văn-thù-Sư-Lợi Bồ-tát mà nói kệ rằng:

Tất cả đều sợ dao gậy, Không ai chẳng mến thân mạng, Tự tha thứ đáng làm lệ, Chớ giết cũng chớ đánh đập.

Văn-Thù-Sư-Lợi Bồ-Tát lại ở trước Phật mà nói kệ rằng:

Chẳng phải tất cả đều sợ gậy. Chẳng phải tất cả mến thân mạng, Tự tha thứ đáng lấy làm lệ, Siêng thực hành những phương tiện lành.

Pháp cú của đức Như-Lai nói cũng chưa trọn nghĩa. Vì như A-La-hán, Chuyển- Luân Thánh-Vương, ngọc nữ, tượng bảo, mã bảo, chủ tạng đại-thần, Chư Thiên và A-tu-la, không có ai cầm gươm bén có thể làm hại được.

Dũng sĩ, liệt nữ, mã vương, thú vương. Tỳ-kheo trì giới, dầu có oan đối đến làm hại, nhưng họ chẳng sợ sệt. Do nghĩa nầy bài kệ của Như-Lai nói cũng chưa trọn nghĩa.

Nếu nói tự tha thứ đáng lấy làm lệ đó, cũng không trọn nghĩa. Vì nếu giả sử A- La-Hán, lấy mình làm lệ cho người, thời có ngã tưởng và thọ mạng tưởng. Nếu có ngã tưởng và thọ mạng tưởng thời phải giữ gìn. Như thế thời phàm phu lẽ ra cũng thấy A-La-Hán đều là hạng người còn tu hành. Nếu thấy như vậy, thời thành tà kiến, sẽ phải đọa Địa ngục A-Tỳ.

Lại A-La-Hán trọn không móng tâm sát hại chúng sanh. Vô lượng chúng sanh cũng không thể làm hại A-la-Hán.

_ Nầy Thiện-nam-tử! Nói rằng ngã tưởng là đối với chúng sanh có lòng đại bi, không có tưởng giết hại là nói tâm bình đẳng của A-La-hán. Chớ cho rằng đức Thế-Tôn không nhơn duyên mà nghịch thuyết.

Ngày xưa trong thành Vương-Xá, có người thợ săn giết nhiều nai, mời ta ăn thịt. Lúc đó dầu ta nhận lời mời, nhưng đối với các chúng sanh sanh lòng từ bi xem như La-Hầu-La mà nói kệ rằng:

Sẽ khiến người được trường thọ, Mãi mãi sống ở nơi đời, Thọ trì pháp chẳng giết hại. Dường như thọ mạng của Phật. Do cớ đó nên ta nói bài kệ: Tất cả đều sợ dao gậy, Không ai chẳng mến thân mạng. Tự tha thứ, đáng làm lệ, Chớ giết, cũng chớ đánh đập.

Lành thay! Lành thay! Văn-Thù-Sư-Lợi vì các vị Đại-Bồ-Tát gạn hỏi đức Như-Lai giáo pháp như vậy.

Văn-Thù Sư-Lợi Bồ-Tát lại nói kệ rằng:

Thế nào là kính cha mẹ, Tùy thuận tôn trọng song thân? Thế nào thật hành pháp nầy, Bị đọa nơi ngục vô gián?

Đức Như-Lai nói kệ đáp:

Nếu dùng tham ái làm mẹ, Dùng vô minh, để làm cha. Rồi tùy thuận tôn trọng đó, Thời phải đọa ngục vô gián.

Đức Như-Lai lại vì Văn-Thù Sư-Lợi Bồ-Tát nói kệ rằng:

Tất cả thuộc kẻ khác, Thời gọi đó là khổ, Tất cả do nơi mình. Tự tại được an vui, Tất cả kẻ kiêu mạn, Thế lực rất bạo ác, Những người hiền người lành, Tất cả đều mến tưởng.

Văn-Thù Sư-Lợi Bồ-Tát bạch Phật rằng: “ Thế-Tôn! Lời nói của Như-Lai cũng chẳng trọn nghĩa. Ngưỡng mong đức Như-Lai thương xót nói nhơn duyên đó. Ví như con trai của trưởng giả, lúc theo thầy học tập, là thuộc nơi thầy chăng? Nếu thuộc nơi thầy, thời chẳng phải. Nếu chẳng thuộc nơi thầy, thời cũng chẳng phải. Nếu đặng tự tại, theo nghĩa cũng chẳng phải.

Ví như Vương-tử không có học tập, làm việc gì cũng chẳng thành, ngu tối thường khổ. Vương-tử ấy nếu cho là tự tại, thời chẳng đúng nghĩa, nếu nói thuộc người khác, nghĩa cũng chẳng phải.

Do lẽ trên đây lời nói của Phật gọi là có thừa. Vì thế nên tất cả thuộc người khác chẳng ắt thọ khổ. Tất cả tự tại chẳng ắt hưởng vui. Tất cả kẻ kiêu mạn, thế lực rất bạo ác, lời nầy cũng có thừa. Thế-tôn! Như các liệt nữ, vì tâm kiêu mạn, mà xuất gia học đạo, giữ gìn cấm giới, thành tựu oai nghi, kềm giữ sáu căn chẳng cho buông lung. Thế nên tất cả phiền não kiêu mạn chẳng ắt là bạo ác.

Người hiền, ngườilành, tất cả đều mến tưởng lời nầy cũng có thừa.Như người phạm bốn tội nặng rồi chẳng bỏ pháp phục, giữ gìn oai nghi, hộ trì chánh poháp, người khác thấy chẳng mến, người nầy sau khi chết ắt đọa địa ngục. Nếu có người hiền phạm tội trọng, người hộ pháp thấy đó, liền đuổi ra bảo hoàn tục. Do nghĩa nầy tất cả người hiền người lành chẳng ắt đều được mến tưởng.

.

Phật bảo Văn-thù Sư-Lợi Bồ-tát: Vì có duyên do nên đức Như-Lai ở trong trường hợp nầy nói pháp có nghĩa thừa. Lúc đó trong thành Vương-Xá có người nữ tên Thiện-Hiền trở về nhà cha mẹ. Nhơn đó nàng đến chỗ ta quy y Phật, Pháp, và chúng Tăng mà bạch rằng: Tất cả người nữ chẳng được tự do, tất cả người nam tự tại vô ngại.

Ta biết rõ tâm nàng bèn vì nàng mà nói bài kệ tụng như trên.

Nầy Văn-Thù-Sư-Lợi! Lành thay! Lành thay! Nay ông có thể vì tất cả chúng sanh hỏi nơi đức Như-Lai mật ngữ như vậy”.

Văn-Thù- Sư-Lơiï Bồ-Tát lại nói kệ rằng:

Tất cả loài chúng sanh, Nhờ ăn uống được sống, Tất cả người đại-lực, Tâm họ không tật đố, Tất cả nhơn uống ăn, Mà mắc nhiều bịnh khổ, Tất cả tu tịnh hạnh, Mà đặng hưởng an vui.

Nay đức Thế-Tôn thọ vật thực của ông Thuân-Đà cúng dường, phải chăng đức Như-Lai có sợ sệt ư?

Đức Phật vì Văn-Thu-ø Sư-Lợi Bồ-Tát mà nói kệ rằng:

Chẳng phải tất cả chúng sanh, Đều nhờ uống ăn mà sống, Chẳng phải tất cả đại lực,

Tâm họ đều không tật đố, Chẳng phải tất cả do ăn, Mà chác lầy bịnh hoạn, Chẳng phải tất cả tịnh hạnh. Đều đặng hưởng quả an vui.

Nầy Văn-Thù Sư-Lợi! Nếu ông mang bịnh, thời đức Phật cũng mang bịnh. Vì hàng A-La-Hán va Bích-Chi Phật, các vị Bồ-Tát cùng chư Phật Như-Lai đều thiệt không có ăn uống. Chỉ vì muốn giáo hóa chúng sanh nên thị hiện thọ dụng vật thực của chúng sanh cúng thí. Làm cho chúng sanh đầy đủ đàn-ba-la-mật, cứu vớt cho ngã quỉ, súc sanh, địa ngục.

Nếu cho rằng đức Như-Lai khổ hạnh sáu năm, thân thể ốm gầy, thời là không đúng. Chư Phật Thế-Tôn giải thoát ba cõi chẳng đồng với phàm phu. Lẽ nào thân thể lại ốm gầy. Chư Phật siêng năng tu tập đặng thân kim cương chẳng đồng với thân nguy hiểm vô thường của người đời. Hàng đệ tử của ta cũng chẳng thể nghĩ bàn, đều chẳng nương nơi ăn uống mà sống.

Nói rằng tất cả người đại lực tâm không tật đố, đây cũng là không trọn nghĩa. Như trong thế gian có người cả đời không có lòng tật đố, mà họ cũng không có đại lực.

Nói rằng tất cả bịnh khổ do ăn uống sanh ra, đây cũng chưa trọn nghĩa. Vì thấy có người mang phải bịnh ở ngoài đưa đến, như bị chém đâm v.v…

Nói rằng tất cả người tu tịnh hạnh hưởng quả an vui, đây cũng chưa trọn nghĩa, vì trong đời cũng có hàng ngoại đạo tu tịnh hạnh, mà vẫn thọ lấy quả khổ não.

Lời thuyết pháp của đức Như-Lai còn có nghĩa thừa, đó là đức Như-Lai vì có duyên do mà nói những kệ như vậy: Xưa kia nơi nước Ưu-Thiền-Ni, có nhà Bà- La-Môn tên Cổ-Đê-Đức đến nơi Phật thọ pháp bát-quan-trai. Lúc đó ta vì nhà Bà-La-Môn ấy mà nói kệ như vậy”.

Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật: “ Thế-Tôn! Những gì gọi là không nghĩa thừa? Thế nào lại gọi là nhứt-thiết-nghĩa?”

_ Nầy Thiện-nam-tử! Chỉ trừ pháp lành trợ đạo, thường, lạc, gọi là nhứt- thiết, cũng gọi là không thừa, ngoài ra các pháp khác cũng gọi là có thừa, cũng gọi là không thừa. Vì muốn làm cho mọi người ưa thích chánh pháp, biết nghĩa có thừa và nghĩa không thừa nầy.

Ca-Diếp Bồ-Tát vui mừng hớn hở bạch Phật rằng: Rất lạ lùng! Rất lạ lùng! Đức Thế-Tôn bình đẳng xem chúng sanh như La-Hầu-La”.

Đức Phật tán thán Ca-Diếp Bồ-Tát: Lành thay! Lành thay! Chỗ kiến giải của ông rất sâu vi diệu. Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật: “ Cúi xin đức Như-Lai nói về sự được công đức ở nơi kinh Đại-thừa Đại-Niết-Bàn nầy”.

_ Nầy Thiện-nam-tử! Nếu có người đặng nghe danh hiệu của kinh nầy, công đức của người đó đặng chẳng phải hàng Thanh-Văn Bích-Chi Phật có thể tuyên thuyết, duy đức Phật biết rõ thôi. Vì chẳng thể nghĩ bàn là cảnh giới Phật. Huống là người thọ trì đọc tụng thông thuộc, biên chép kinh nầy.

Lúc đó chư Thiên, mọi người và A-tu-La ở trước Phật khác miệng đồng lời mà nói kệ rằng:

Chư Phật khó nghĩ bàn. Pháp, Tăng cũng như vậy, Vì thế nay kính thỉnh. Xin Phật nán ở lại. Đại-Ca-Diếp Tôn-Giả, Cùng với A-Nan-Đà, Quyến thuộc của hai ngài, Xin chờ giây lát đến. Và chúa nước Ma-Già, Đại-vương A-Xà-Thế. Chí tâm kính tin Phật, Vẫn còn chưa đến đây. Cúi xin đức Như-Lai, Xót thương ở giây lát, Nơi trong đại chúng nầy. Quyết lưới nghi chúng tôi.

Đức Như-Lai vì đại chúng mà nói kệ rằng:

Trưởng tử trong giáo pháp ta, Tức là ông Đại-Ca-Diếp, Ông A-Nan siêng tinh tấn. Dứt được tất cả lưới nghi. Đại chúng nên quán sát kỹ, A-Nan là bực đa văn, Tự nhiên có thể hiểu rõ. Pháp thường và pháp vô thường. Vì thế đại chúng chẳng nên, Sanh lòng lo buồn sầu khổ.

Bấy giờ đại chúng đem các đồ vật cúng dường Như-Lai. Cúng Phật xong tất cả đều phát tâm vô thượng bồ-đề. Vô lượng vô biên hằng hà sa Bồ-Tát đặng trụ bực sơ địa.

Đức Thế-Tôn thọ ký cho Văn-Thù Sư-Lợi Bồ-Tát, Ca-Diếp Bồ-Tát và Thuần-Đà. Thọ ký xong đức Phật nói rằng: Nầy các Thiện-nam-tử, phải tự tu tập tâm mình, chớ nên phóng dật. Nay lưng ta có bịnh, cả mình đều đau nhức, ta muốn nằm như đứa trẻ nít và người thường bịnh hoạn. Các ông Văn-Thù Sư-Lợi nên vì bốn bộ chúng mà giảng nói đại pháp. Nay ta đem pháp nầy, giao phó cho các ông. Đến khi Đại-Ca-Diếp và A-Nan đến, các ông sẽ phó chúc chánh pháp như vậy”.

Dặn dò xong, vì muốn điều phục chúng sanh, nên đức Phật hiện thân có bịnh, nằm nghiêng bên mặt.

    Xem thêm:

  • Kinh Trường Bộ (Dìgha Nikàya) – HT Thích Minh Châu dịch (Trọn bộ) - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích (trọn bộ 9 tập) – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 9 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 8 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 7 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 6 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 5 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 4 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 3 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 2 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 1 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ (Majjhima Nikaya) – HT Thích Minh Châu dịch (trọn bộ) - Kinh Tạng
  • Kinh Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikàya) – HT Thích Minh Châu dịch (trọn bộ) - Kinh Tạng
  • Kinh Văn Thù Sư Lợi Bát Niết Bàn – Thích Nữ Thành Thông dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Bát Nhã Ba La Mật – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Tăng Nhất A-Hàm – HT Thích Thanh Từ dịch (trọn bộ) - Kinh Tạng
  • Kinh Tương Ưng Bộ (Samyutta Nikàya) – HT Thích Minh Châu dịch (trọn bộ) - Kinh Tạng
  • Kinh Chú Tối Thắng Phật Đỉnh Đà La Ni Tịnh Trừ Nghiệp Chướng - Kinh Tạng
  • Kinh Bách Dụ – Thích Tâm Châu dịch - Kinh Tạng