QUYỂN 35
Nầy Thiện Nam Tử! Những điều tránh tụng như vậy là cảnh giới của chư Phật chẳng phải hàng Thanh Văn Duyên Giác biết được. Nếu người nào đối với những việc nầy sanh lòng nghi còn có thể phá hoại được vô lượng phiền não. Nếu người nào ở trong những việc nầy sanh lòng quyết định thời gọi là chấp trước.
Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật rằng: Thế nào là chấp trước?
_ Nầy Thiện Nam Tử! Những người như vậy hoặc do người khác dạy bảo, hoặc nghe người khác nói, hoặc tự tìm kinh điển, với những điều ham thích chẳng thể buông bỏ đây gọi là chấp trước.
_ Bạch Thế Tôn! Sự chấp trước nầy là thiện hay là bất thiện?
_ Nầy Thiện Nam Tử! Sự chấp trước như vậy chẳng gọi là thiện, vì không thể phá hoại những lưới nghi.
_ Bạch Thế Tôn! Những người nầy vốn tự chẳng nghi, sao lại nói rằng chẳng phá hoại lưới nghi?
_ Nầy Thiện Nam Tử! Luận về người chẳng nghi chính là nghi.
_ Bạch Thế Tôn! Nếu có người nói rằng bực Tu Đà Hoàn chẳng đọa ba ác đạo. Người nầy cũng nên gọi là chấp trước, là nghi.
_ Nầy Thiện Nam Tử! Nên gọi là quyết định, mà chẳng được gọi là nghi. Tại sao vậy? Nầy Thiện Nam Tử! Như có người trước kia thấy cây thấy người, về sau đi ban đêm từ xa thấy gốc cây trụi, bèn nghi rằng đó là người hay là cây? Như người trước thấy Tỳ Kheo và Phạm Chí, lúc sau đi đường từ xa thấy Tỳ Kheo bèn nghi rằng đó là Sa Môn hay là Phạm Chí? Như người trước thấy bò và trâu, lúc sau từ xa thấy bò, bèn nghi rằng đó là bò hay trâu?
Nầy Thiện Nam Tử! Tấ cả chúng sanh trước thấy hai vật về sau bèn sanh nghi, vì trong tâm họ chẳng nhận được rõ ràng.
Ta cũng chẳng nói rằng bực tu Đà Hoàn có đọa ba đường ác hay chẳng đọa ba đường ác, cớ gì người nầy lại sanh lòng nghi!
_ Bạch Thế Tôn! Như Phật nói phải trước có thấy rồi sau mới nghi. Nhưng có người lúc chưa thấy hai vật cũng lại sanh nghi. Như đối với Niết Bàn. Như có người đi đường gặp dòng nước đục, trước kia chưa từng thấy mà cũng sanh nghi rằng dòng nước nầy sâu hay cạn.
_ Nầy Thiện Nam Tử! Luận về Niết Bàn chính là dứt khổ, chẳng phải là Niết Bàn thời chính là khổ. Tất cả chúng sanh thấy có khổ cùng chẳng phải khổ. Như thấy đói khát, lạnh nóng, giận mừng, bịnh gầy, an ổn, trẻ, già, sống chết, trói buộc, cởi mở, ân ái biệt ly, oán thù gặp gỡ, sau khi thấy những việc nầy, chúng sanh bèn nghi rằng sẽ có những gì xa lìa vĩnh viễn những sự khổ não nầy chăng? Do đây nên chúng sanh đối với Niết Bàn mà sanh nghi.
Nếu ông cho rằng người đó từ trước đến nay chưa từng thấy dòng nước đục nầy sao lại sanh nghi. Lời nói nầy không đúng nghĩa, vì người đó ở nơi chỗ khác đã từng thấy rồi, nên ở nơi chỗ mới đến nầy mà sanh nghi.
_ Bạch Thế Tôn! Người đó lúc trước thấy nước sâu cạn đã chẳng sanh nghi, nay cớ gì mà sanh nghi?
_ Nầy Thiện Nam Tử! Vì trước kia chưa đi nên sanh nghi. Do đây nên ta nói rằng vì trong tâm họ chẳng nhận được rõ ràng nên sanh nghi.
_ Bạch Thế Tôn! Như lời Phật nói nghi chính là chấp trước, chấp trước chính là nghi, đây là ngườ nào?
_ Nầy Thiện Nam Tử! Là người dứt căn lành.
_ Bạch Thế Tôn! Những hạng người nào có thể dứt căn lành.
_ Nầy Thiện Nam Tử! Người thông minh lanh lợi có thể khéo phân biệt, nếu xa lìa bạn lành chẳng nghe chánh pháp, chẳng khéo tư duy, chẳng thật hành đúng pháp, người nầy có thể dứt căn lành.
Người thông minh nầy vì thiếu bốn điều trên mà tự suy nghĩ rằng: Không có vật bố thí, vì người thí là rời bỏ của cải, nếu bố thí mà có quả báo, thời thí chủ phải thường nghèo cùng, vì nhơn cùng quả giống nhau. Do suy nghĩ những việc như vậy nên người nầy nói rằng không nhơn không quả. Nếu nói không nhơn không quả như vậy thời gọi là dứt căn lành.
Người thông minh nầy lại suy nghĩ rằng: Thí chủ, người thọ và tài vật đều là vô thường biến đổi, nếu không biến đổi sao lại nói rằng đây là thí chủ, đây là người thọ, đây là của cải, nếu không người thọ sao lại được quả báo, do nghĩa nầy nên biết rằng không nhơn không quả. Nếu nói không nhơn không quả như vậy thời gọi là dứt căn lành.
Người thông minh nầy lại suy nghĩ rằng: Lúc thí chủ bố thí có năm sự bố thí: Người thọ thí khi lãnh được của cải rồi hoặc làm lành, hoặc làm điều chẳng lành, mà thí chủ nầy cũng chẳng mắc phải quả báo lành hay chẳng lành, như trong đời từ hột sanh ra trái, rồi từ trái trở lại có hột. Nhơn chính là thí chủ, quả chính là người thọ, mà người thọ nầy không thể đem điều thiện, điều bất thiện của mình đã làm khiến cho thí chủ được quả báo thiện cùng bất thiện, do nghĩa nầy nên không nhơn không quả. Nếu nói không nhơn không quả như vậy, nên biết người nầy có thể dứt căn lành.
Người thông minh nầy lại suy nghĩ rằng: Không có vật bố thí, vì vật bố thí là vô ký, đã là vô ký thời đâu có quả báo lành, không quả báo lành tức là vô ký, của vật nếu là vô ký nên biết rằng không có quả báo thiện ác, nên không có sự bố thí không nhơn không quả. Nếu nói rằng không nhơn không quả như vậy phải biết người nầy có thể dứt căn lành.
Người thông minh nầy lại suy nghĩ rằng: Người bố thí do nơi ý, ý nầy chẳng phải là sắc pháp, không thể thấy không đối tượng, đã chẳng phải là sắc pháp thời đâu có thể bố thí, do đây nên không có sự bố thí không nhơn không quả. Nếu nói không nhơn không quả như vậy, phải biết rằng người nầy có thể dứt căn lành.
Người thông minh lại suy nghĩ rằng: Nếu thí chủ cúng thí cho tượng Phật, tượng chư Thiên cho cha mẹ đã qua đời, như vậy là có người thí mà không người thọ, nếu không người thọ thời lẽ ra không quả báo, nếu không quả báo thời là không nhơn, nếu đã không nhơn thời là không quả. Nếu nói không nhơn quả như vậy, phải biết rằng người nầy có thể dứt căn lành.
Người thông minh nầy lại suy nghĩ rằng: Không cha không mẹ. Nếu nói cha mẹ là nhơn sanh ra chúng sanh, đúng lý phải thường sanh không có đoạn tuyệt, vì nhơn là thường có, nhưng chẳng thường sanh, do đây nên biết rằng không có cha mẹ. Người nầy lại nghĩ rằng: Không cha không mẹ. Vì nếu thân chúng sanh do cha mẹ mà có, lẽ ra một người phải đủ cả hai căn nam nữ, nhưng sự thật không có đủ, do đây biết rằng chúng sanh chẳng phải do cha mẹ mà có. Người nầy lại nghĩ rằng chẳng phải do cha mẹ mà có ra chúng sanh, vì chính mắt họ thấy chúng sanh chẳng giống với cha mẹ, nghĩa là thân hình diện mạo tâm tánh đi đứng cử động chẳng giống với cha mẹ, nên cha mẹ chẳng phải là nhơn sanh ra chúng sanh. Người nầy lại nghĩ rằng trong đời có bốn thứ không có: Một là chưa sanh gọi là không có, như lúc còn là viên đất sét thời chưa có công dụng của cái bình ; hai là đã diệt mất gọi là không có, như cái bình đã bể hư thời gọi là không có ; ba là riêng khác nhau nên lẫn không có, như trong bò không có ngựa trong ngựa không có bò ; bốn là rốt ráo gọi là không có, như sừng thỏ lông rùa. Cha mẹ cũng đồng như bốn thứ không có nầy. Nếu nói cha mẹ là nhơn có ra chúng sanh, lúc cha mẹ chết đứa con bất tất cũng chết, do đây nên cha mẹ chẳng phải là nhơn sanh ra chúng sanh. Người nầy lại nghĩ rằng: Nếu nói cha mẹ là nhơn sanh ra chúng sanh, lẽ ra nhơn nơi cha mẹ thường sanh ra chúng sanh, nhưng lại có hóa sanh và thấp sanh, do đây nên biết chẳng phải nhơn nơi cha mẹ sanh ra chúng sanh. Người nầy lại nghĩ rằng: Tự có chúng sanh chẳng phải nhơn nơi cha mẹ mà được sanh trưởng như chim công nghe tiếng sấm nổ mà có trứng, như chim thanh tước uống nước mắt của chim tước trống mà có trứng, như chim cộng mạng thấy chim trống múa bèn có trứng. Người nầy lúc suy nghĩ những điều trên đây nếu chẳng gặp được bực thiện tri thức khai thị, phải biết rằng người nầy có thể dứt căn lành.
Người thông minh nầy lại nghĩ rằng: Trong đời không có quả thiện ác, vì có những chúng sanh tu tập đủ mười điều lành, ưa thật hành bố thí siêng làm công đức, mà những người nầy cũng lại bị các bịnh tật nhóm trên thân, hoặc chết yểu, hoặc mất của, hoặc nhiều sự lo khổ. Cũng có những người tạo đủ mười điều dữ, tham lam bỏn xẻn tật đố giải đãi, mà lại mạnh khỏe sống lâu, hoặc giàu có không sầu khổ, do đây nên biết rằng không có quả thiện ác. Người nầy lại nghĩ rằng: Tôi cũng từng nghe các thánh nhơn nói có người tu tập pháp lành khi chết bị đọa trong ba đường dữ. Có người làm điều ác khi chết sanh trong loài người trên trời, do đây nên biết rằng không quả thiện ác. Người nầy lại nghĩ rằng: Các thánh nhơn nói hai thuyết: Hoặc nói sát sanh được quả báo lành, hoặc nói sát sanh mắc quả báo dữ. Thánh nhơn còn nói bất định, tại sao tôi lại nói quyết định, do đây nên biết không có quả thiện ác.
Người thông minh nầy lại nghĩ rằng: Trong đời không có thánh nhơn, vì nếu nói là thánh nhơn thời phải chứng được thánh đạo. Tất cả chúng sanh lúc có đủ phiền não tu hành chánh đạo, nên biết rằng người nầy đồng thời đủ có phiền não và chánh đạo. Nếu đồng thời có thời chánh đạo chẳn g phá được kiết sử. Nếu không phiền não mà tu hành chánh đạo, thời chánh đạo ấy dùng làm gì? Do đây nên người đủ phiền não thời chánh đạo chẳng thể phá hoại được, người không phiền não thời chánh đạo lại vô dụng. Do đây nên biết trong đời không có bực thánh nhơn.
Người thông minh nầy lại nghĩ rằng: Vô minh làm duyên cho hành, nhẫn đến sanh làm duyên cho lão tử, mười hai nhơn duyên nầy tất cả chúng sanh đồng có. Tám thánh đạo tánh nó bình đẳng cũng như vậy, lúc một người được, thời tất cả người lẽ ra cũng được, lúc một người tu hành lẽ ra tất cả khổ đều diệt, vì phiền não bình đẳng. Mà nay chẳng đồng chứng đặng, do đây nên biết rằng không có chánh đạo.
Người thông minh nầy lại nghĩ rằng: Các thánh nhơn đều có những pháp đồng với phàm phu, như là uống ăn, đi đứng ngồi nằm, ngủ nghỉ, vui cười, đói khát, lạnh nóng, lo buồn sợ sệt. Nếu đã đồng với phàm phu có những việc như vậy, nên biết rằng bực thánh nhơn chẳng chứng được thánh đạo, nếu đã được thánh đạo lẽ ra phải dứt hẳn những việc như vậy. Những việc như vậy nếu đã chẳng dứt, do đây nên biết rằng không thánh đạo.
Người thông minh nầy lại nghĩ rằng: Thánh nhơn có thân thọ vui ngũ dục, cũng mắng nhiếc đánh đập người, cũng tật đố kiêu mạn thọ những sự khổ vui, tạo nghiệp thiện ác, do đây nên biết rằng không có thánh nhơn. Nếu có chánh đạo lẽ ra đã dứt những việc nầy, nếu những việc nầy chẳng dứt nên biết rằng không chánh đạo.
Người thông minh nầy lại nghĩ rằng: Người nhiều lòng từ mẫn gọi là thánh nhơn. Do nhơn duyên gì gọi là thánh nhơn? Nhơn nơi thánh đạo mà gọi là thánh nhơn. Nếu tánh của thánh đạo là từ mẫn, thời nên thương xót tất cả chúng sanh, chẳng cần chờ tu hành rồi mới đặng. Nếu như không từ mẫn cớ sao thánh nhơn chứng được thánh đạo lại hay từ mẫn, do đây nên biết trong đời không có thánh đạo.
Người thông minh nầy lại nghĩ rằng: Tất cả tứ đại chẳng từ nhơn duyên sanh. Chúng sanh đồng có tánh tứ đại nầy. Chẳng quán sát chúng sanh đáng đến bờ nầy, chẳng đáng đến bờ kia, nếu là có thánh đạo, thời tánh của thánh đạo lẽ ra cũng như vậy, nhưng nay chẳng phải như vậy, do đây nên biết rằng trong đời không có thánh nhơn.
Người thông minh nầy lại nghĩ rằng: Nếu các bực thánh nhơn có một Niết Bàn thời nên biết rằng không có thánh nhơn. Vì Niết Bàn là bất khả đắc. Pháp thường trụ là bất khả đắc chẳng thể lấy chẳng thể bỏ. Nếu các bực thánh nhơn có nhiều Niết Bàn thời là vô thường, vì là pháp có thể đếm được. Niết Bàn nếu là một, lúc một người được thời lẽ ra tất cả đều được. Nếu Niết Bàn là nhiều thời là có chừng ngằn, nếu là có chừng ngằn thời đâu được gọi là thường trụ. Nếu nói rằng thể của Niết Bàn là một, mà người giải thoát là nhiều, như một cây lọng là một mà cọng cánh lá nhiều, lời nói nầy chẳng đúng nghĩa, vì mỗi người chứng đặng chẳng phải tất cả người chứng đặng, bởi có chừng ngằn lẽ ra là vô thường nếu đã là vô thường thời đâu được gọi là Niết Bàn. Nếu không có Niết Bàn thời ai là bực thánh nhơn? Do đây nên biết rằng không có thánh nhơn.
Người thông minh nầy lại nghĩ rằng: Chánh đạo của thánh nhơn chẳng phải do nhơn duyên mà được. Nếu chánh đạo của thánh nhơn đã chẳng phải do nhơn duyên mà được, cớ sao tất cả chúng sanh chẳng làm thánh nhơn. Nếu tất cả người chẳng phải là thánh nhơn, thời biết rằng không có thánh nhơn và không có thánh đạo.
Người thông minh lại nghĩ rằng: Thánh nhơn nói có hai nhơn duyên được chánh kiến: Một là nghe người khác thuyết pháp, hai là tự mình tư duy. Hai nhơn duyên nầy đã từ duyên sanh, thời duyên nầy lại từ duyên khác mà sanh, xoay vần mãi như vậy thành ra có lỗi vô cùng. Nếu hai nhơn duyên nầy chẳng từ duyên sanh, thời tất cả chúng sanh do cớ gì mà chẳng đều được.
Lúc người thông minh nầy suy nghĩ những điều như trên thời có thể dứt mất căn lành.
Nầy Thiện Nam Tử! Nếu có chúng sanh nào chấp chặt những điều không nhơn không quả như vậy người nầy có thể dứt mất năm căn: Tín, tấn, niệm, định và huệ. Người dứt mất căn lành chẳng phải là người hạ liệt, ngu độn, cũng chẳng phải chư thiên, chẳng phải ba ác đạo. Người phá Tăng cũng như vậy.
Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật rằng: Thế Tôn! Người như vậy, lúc nào sẽ có thể sanh căn lành trở lại.
_ Nầy Thiện Nam Tử! Người nầy có hai lúc sanh căn lành trở lại: Lúc mới vào địa ngục và lúc ra khỏi địa ngục.
Nầy Thiện Nam Tử! Căn lành có ba thứ: Quá khứ, hiện tại và vị lai. Nếu là quá khứ thời tánh nó tự diệt, dầu nhơn diệt nhưng quả báo chưa thục nên chẳng gọi là dứt quả quá khứ. Vì dứt nhơn lành ba đời nên gọi là dứt mất.
_ Bạch Thế Tôn! Nếu dứt nhơn lành ba đời mà gọi là mất căn lành, người dứt căn lành vẫn có Phật tánh, Phật tánh nầy là quá khứ, là hiện tại, là vị lai, hay là khắp cả ba đời? Nếu là quá khứ thế nào gọi là thường. Phật tánh là thường trụ nên biết rằng không phải là quá khứ. Nếu là vị lai thế nào gọi là thường? Cớ sao Phật nói rằng tất cả chúng sanh quyết định sẽ được? Nếu quyết định được thời sao lại nói rằng dứt mất? Nếu là hiện tại sao lại là thường? Cớ sao lại nói rằng quyết định có thể thấy?
Đức Như Lai cũng nói rằng Phật tánh cũng có sáu: Một là thường, hai là chơn, ba là thật, bốn là thiện, năm là tịnh, sáu là có thể thấy. Nếu người dứt mất thiện căn mà có Phật tánh thời chẳng được gọi là dứt mất căn lành. Nếu không có Phật tánh sao lại nói rằng tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Nếu nói rằng Phật tánh cũng có, cũng dứt, thế nào đức Như Lai lại nói Phật tánh là thường trụ?
_ Nầy Thiện Nam Tử! Đức Như Lai vì chúng sanh nên có ba thứ giải đáp: Một là đáp quyết định, hai là phân biệt mà đáp, ba là theo lời hỏi mà đáp, bốn là yên lặng mà đáp.
Thế nào là quyết định đáp? Nếu có ai hỏi rằng nghiệp ác cảm quả lành hay quả chẳng lành? Thời nêu quyết định đáp rằng cảm quả chẳng lành. Hỏi thiện nghiệp cũng đáp như vậy. Nếu hỏi đức Như Lai có phải là bực nhứt thiết trí chăng? Thời nên quyết định đáp rằng là bực nhứt thiết trí. Nếu hỏi Phật pháp là thanh tịnh chăng? Thời nên quyết định đáp rằng là thanh tịnh. Nếu hỏi đệ tử của Phật có ăn ở đúng như pháp chăng? Thời nên quyết định đáp rằng có đúng như pháp mà ở. Đây gọi là quyết định đáp.
Thế nào là phân biệt mà đáp? _ Như đức Phật giảng nói bốn chơn đế. _ Thế nào là bốn? _ Là khổ tập diệt đạo. _ Sao gọi rằng khổ đế? _ Vì có tám điều khổ nên gọi là khổ đế. _ Thế nào là tập đế? _ Vì là nhơn của ngũ ấm nên gọi là tập đế. _ Thế nào là diệt đến? _ Vì đã dứt hẳn tham sân si nên gọi là diệt đế. _ Thế nào là đạo đế? _ Ba mươi bảy pháp trợ đạo gọi đó là đạo đế. Đây gọi là phân biệt mà giải đáp.
Thế nào là theo lời hỏi mà đáp? Hỏi rằng đức Thế Tôn nói những pháp gì là vô thường? _ Đáp rằng đức Như Lai nói pháp hữu vi là vô thường. Vô ngã cũng như vậy. _ Hỏi rằng đức Thế Tôn vì những pháp gì mà nói tất cả đốt cháy? _ Đáp rằng đức Như Lai vì tham, sân, si mà nói tất cả đốt cháy.
Nầy Thiện Nam Tử! Đức Như Lai có mười trí lực, bốn vô sở úy, ba niệm xứ, Đại Từ Đại Bi, Thủ Lăng Nghiêm v.v…tám muôn ức môn Tam Muội, ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp, năm trí ấn v.v… ba muôn năm ngàn môn Tam Muội, Kim Cang định v.v…bốn ngàn hai trăm môn Tam Muội, vô lượng vô biên phương tiện Tam Muội, những công đức trên đây là Phật tánh của Phật. Phật tánh nầy có bảy điều: Thường, lạc, ngã, tịnh, chơn, thật và thiện. Đây gọi là phân biệt mà giải đáp.
Nầy Thiện Nam Tử! Phật tánh của Bồ Tát thân rốt sau có sáu điều: Thường, tịnh, chơn, thật, thiện và thiểu kiến. Đây gọi là phân biệt mà giải đáp.
Như trước kia ông hỏi: Người dứt mất căn lành có Phật tánh. Người nầy cũng có Phật tánh của Như Lai, cũng có Phật tánh của Bồ Tát thân rốt sau. Hai Phật tánh nầy vì chướng ngại vị lai nên được gọi là không, vì rốt ráo sẽ được nên gọi là có. Đây gọi là phân biệt mà đáp.
Phật tánh của Như Lai chẳng phải quá khứ, chẳng phải hiện tại, chẳng phải vị lai.
Phật tánh của Bồ Tát thân rốt sau là hiện tại và vị lai: Vì có thể thấy phần ít nên gọi là hiện tại, vì chưa thấy đầy đủ nên gọi là vị lai.
Đức Như Lai lúc chưa chứng được vô thượng Bồ Đề, về nhơn Phật tánh cũng là quá khứ, hiện tại và vị lai. Về quả Phật tánh thời chẳng như vậy: Có là ba đời, có chẳng phải ba đời.
Phật tánh của Bồ Tát thân rốt sau về nhơn cũng là ba đời, về quả cũng như vậy. Đây gọi là phân biệt mà đáp.
Phật tánh của Cửu Trụ Bồ Tát có sáu điều: Thường, thiện, chơn, thật, tịnh, khả kiến. Nhơn Phật tánh cũng là ba đời, quả cũng như vậy. Đây gọi là phân biệt mà nói.
Bát Trụ Bồ Tát xuống đến bực Lục Trụ, Phật tánh có năm điều: Chơn, thật, tịnh, thiện và khả kiến. Nhơn Phật tánh cũng là ba đời, quả cũng như vậy. Đây gọi là phân biệt mà đáp.
Ngũ Trụ Bồ Tát xuống đến bực Sơ Trụ, Phật tánh có năm điều: Chơn, thật, tịnh, khả kiến và thiện bất thiện.
Nầy Thiện Nam Tử! Năm thứ Phật tánh, sáu thứ Phật tánh, bảy thứ Phật tánh, người dứt mất căn lành quyết sẽ được nên gọi là có, đây gọi là phân biệt mà đáp.
Nếu nói rằng người dứt mất căn lành quyết định có Phật tánh quyết định không Phật tánh. Đây gọi là yên lặng mà đáp.
_ Bạch Thế Tôn! Tôi nghe rằng chẳng đáp mới gọi là yên lặng mà đáp. Nay cớ gì đức Như Lai đáp mà lại gọi là yên lặng đáp?
_ Nầy Thiện Nam Tử! Ta cũng chẳng nói ra, để đó chẳng giải đáp nên gọi là yên lặng mà đáp.
Nầy Thiện Nam Tử! Yên lặng đáp như vậy lại có hai thứ: Một là ngăn dứt, hai là chẳng chấp trước. Do nghĩa nầy nên được gọi là yên lặng đáp.
_ Bạch Thế Tôn! Như lời Phật nói, thế nào gọi rằng nhơn Phật tánh cũng là ba đời, quả cũng là ba đời, lại chẳng phải là ba đời?
_ Nầy Thiện Nam Tử! Ngũ ấm có hai thứ: Một là nhơn hai là quả. Nhơn ngũ ấm nầy cũng là ba đời, quả ngũ ấm nầy cũng là ba đời mà cũng chẳng phải là ba đời.
Nầy Thiện Nam Tử! Tất cả những kiết sử vô minh phiền não đều là Phật tánh, vì là nhơn của Phật tánh. Từ vô minh, hành và các phiền não mà được ngũ ấm lành, đây gọi là Phật tánh. Từ ngũ ấm lành nhẫn đến chứng đặng vô thượng Bồ Đề. Do đây nên trong kinh ta nói trước rằng Phật tánh của chúng sanh như sữa lẫn lộn trong máu. Máu là nói vô minh, hành v.v… tất cả những phiền não. Sữa là nói ngũ ấm lành. Nên ta nói rằng do từ những phiền não và ngũ ấm lành mà chứng được vô thượng Bồ Đề như thân chúng sanh đều do từ tinh huyết mà được thành, Phật tánh cũng như vậy.
Bực Tu Đà Hoàn và Tư Đà Hàm dứt phần ít phiền não, Phật tánh của những bực nầy như sữa. Bực A Na Hàm Phật tánh như lạc. Bực A La Hán Phật tánh như sanh tô. Từ bực Bích Chi Phật đến Thập Trụ Bồ tát, Phật tánh như thục tô. Phật tánh của đức Như Lai như đề hồ.
Nầy Thiện Nam Tử! Vì phiền não hiện tại chướng ngăn làm cho chúng sanh chẳng thấy được Phật tánh. Như trong núi Hương Sơn có cỏ nhẫn nhục chẳng phải tất cả bò đều có thể được ăn. Phật tánh cũng như vậy. Đây gọi là phân biệt và giải đáp.
_ Bạch Thế Tôn! Năm thứ, sáu thứ, bảy thứ Phật tánh, nếu là đến vị lai sẽ có, tại sao nói rằng người dứt căn lành có Phật tánh?
_ Nầy Thiện Nam Tử! Như các chúng sanh có nghiệp quá khứ, do nghiệp nầy mà chúng sanh thọ lấy quả báo hiện tại. Có nghiệp vị lai vì chưa sanh nên trọn chẳng thành quả. Chúng sanh hiện tại có phiền não, nếu không phiền não thời tất cả chúng sanh lẽ ra phải thấy rõ Phật tánh hiện tại. Do đây nên người dứt căn lành do phiền não đời hiện tại nên có thể dứt căn lành, do năng lực Phật tánh đời vị lai nên căn lành sanh trở lại.
_ Bạch Thế Tôn! Đời vị lai thế nào có thể sanh căn lành?
_Nầy Thiện Nam Tử! Như ngọn đèn và mặt trời dầu lại là vị lai mới sáng nhưng cũng phá tối tăm. Tánh vị lai có thể sanh ra chúng sanh, Phật tánh đời vị lai cũng như vậy. Đây gọi là phân biệt mà giải đáp.
_ Bạch Thế Tôn! Nếu nói ngũ ấm là Phật tánh tại sao nói rằng Phật tánh của chúng sanh chẳng phải trong chẳng phải ngoài.
Nầy Thiện Nam Tử! Cớ sao quên mất như vậy. Trước kia ta chẳng nói rằng Phật tánh của chúng sanh là trung đạo ư?
_ Bạch Thế Tôn! Thiệt ra tôi chẳng quên lời Phật dạy. Chỉ vì chúng sanh chẳng hiểu được trung đạo nầy nên bạch hỏi đức Phật như vậy.
_ Nầy Thiện Nam Tử! Chỗ mà chúng sanh chẳng hiểu được chính đó là trung đạo. Có lúc hoặc có hiểu hoặc có người chẳng hiểu. Ta vì muốn làm cho chúng sanh được hiểu rõ nên nói Phật tánh của chúng sanh chẳng phải trong chẳng phải ngoài. Vì kẻ phàm phu cho rằng Phật tánh ở trong ngũ ấm, như trái cây đựng trong chậu. Cũng có kẻ cho rằng rời ngoài ngũ ấm mà có Phật tánh, như hư không. Do đây nên đức Như Lai nói nghĩa trung đạo: Phật tánh của chúng sanh chẳng phải là sáu căn ở trong, chẳng phải là sáu trần ở ngoài. Vì hiệp trong và ngoài nên gọi là trung đạo. Do đây đức Như Lai nói rằng: Phật tánh chẳng phải trong chẳng phải ngoài, nên gọi là trung đạo, đây là phân biệt mà giải đáp.
Nầy Thiện Nam Tử! Thế nào gọi là chẳng phải trong chẳng phải ngoài?
Nầy Thiện Nam Tử! Có người nói rằng Phật tánh chính là ngoại đạo, vì các bực đại Bồ Tát trải qua vô lượng kiếp ở trong ngoại đạo, mà dứt phiền não điều phục tâm của mình, giáo hoá vô lượng chúng sanh, rồi sau mới được vô thượng Bồ Đề.
Hoặc có người cho rằng Phật tánh chính là nội đạo. Vì đại Bồ Tát dầu trong vô lượng kiếp tập học ngoại đạo, nhưng nếu rời nội đạo thời chẳng thể được vô thượng Bồ Đề.
Đức Như Lai vì ngăn hai thứ chấp trước nầy nên nói rằng Phật tánh chẳng phải trong chẳng phải ngoài, cũng gọi là trong ngoài, đây là trung đạo.
Có người nói Phật tánh chính là Kim Cang của Như Lai: Ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Có người nói Phật tánh chính là mười trí lực, bốn món vô sở úy, đại từ đại bi, tam niệm xứ, Thủ Lăng Nghiêm v.v… tất cả môn Tam Muội, vì do những Tam Muội nầy mà sanh ra thân Kim Cang ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Đức Như Lai vì ngăn hai sự chấp trước nầy nên nói rằng Phật tánh chẳng phải trong, chẳng phải ngoài cũng là trong ngoài, đây gọi là trung đạo.
Nầy Thiện Nam Tử! Có người cho rằng Phật tánh chính là trong tâm khéo tư duy, vì rời khéo tư duy thời chẳng thể được vô thượng Bồ Đề. Có người nói rằng Phật tánh chính là do nghe pháp với người khác, vì nghe pháp với người khác thời có thể trong tâm khéo tư duy, nếu chẳng nghe pháp thời không tư duy.
Do đây nên Như Lai vì ngăn hai sự chấp trước nầy nên nói Phật tánh chẳng phải trong chẳng phải ngoài, cũng là trong ngoài, đây gọi là trung đạo.
Lại có người nói Phật tánh là ngoài nghĩa là Đàn Ba La Mật. Từ Đàn Ba La Mật mà chứng được vô thượng Bồ Đề. Có người nói Phật tánh là trong nghĩa là năm môn Ba La Mật, vì rời năm môn nầy thời không có nhơn quả Phật tánh.
Do đây nên Như Lai vì ngăn hai thứ chấp trước nầy mà nói Phật tánh chẳng phải trong chẳng phải ngoài, đây gọi là trung đạo.
Nầy Thiện Nam Tử! Có người nói Phật tánh ở nơi trong, như viên bảo châu trtên trán của lực sĩ, vì thường, lạc, ngã, tịnh như bảo châu. Có người nói Phật tánh ở nơi ngoài như kho báu của bần nữ, vì do phương tiện mà được thấy.
Vì ngăn hai thứ chấp trước nầy nên đức Như Lai nói rằng Phật tánh chẳng phải trong, chẳng phải ngoài cũng là trong ngoài, đây gọi là trung đạo.
Nầy Thiện Nam Tử! Phật tánh của chúng sanh chẳng phải có chẳng phải không. Vì Phật tánh dầu là có nhưng chẳng phải như hư không. Vì hư không của thế gian dầu dùng vô lượng thiện xảo phương tiện cũng chẳng thể thấy được, còn Phật tánh thời có thể thấy, do đây nên Phật tánh dầu là có nhưng chẳng phải như hư không.
Phật tánh dầu là không nhưng chẳng đồng như sừng thỏ. Vì lông rùa, sừng thỏ dầu dùng vô lượng thiện xảo phương tiện cũng chẳng thể sanh lên được, còn Phật tánh thời có thể sanh. Do đây nên Phật tánh chẳng phải có, chẳng phải không, cũng là có, cũng là không.
Thế nào gọi là có? Tất cả chúng sanh đều có chẳng dứt chẳng diệt, dường như ngọn đèn, mãi đến chứng đặng vô thượng Bồ Đề, nên gọi là có Phật tánh.
Thế nào gọi là không? Tất cả chúng sanh hiện tại chưa có đủ tất cả Phật pháp thường, lạc, ngã, tịnh nên gọi là không Phật tánh.
Vì có và không hiệp lại chính là trung đạo, nên đức Như Lai nói Phật tánh chúng sanh chẳng phải có, chẳng phải không.
Nầy Thiện Nam Tử! Như có người hỏi trong hột giống nầy có trái hay không? Tất phải đáp rằng cũng có cũng không. Vì ngoài hột giống thời không thể sanh ra trái nên gọi là có, còn hột giống chưa mọc mọng nên gọi rằng không. Do nghĩa nầy nên nói cũng có cũng không. Vì thời tiết có khác, nhưng thể chất của hột giống là một. Phật tánh của chúng sanh cũng như vậy. Nếu nói rằng trong chúng sanh riêng có Phật tánh thời không đúng nghĩa. Vì chúng sanh là Phật tánh, Phật tánh là chúng sanh, chỉ do thời gian có tịnh và bất tịnh sai khác.
_ Nầy Thiện Nam Tử! Nếu có người hỏi hột nầy có thể sanh trái chăng, trái nầy có thể sanh hột chăng? Tất phải đáp rằng cũng sanh cũng chẳng sanh.
_ Bạch Thế Tôn! Như người đời nói rằng trong sữa có chất lạc, nghĩa nầy như thế
nào?
_ Nầy Thiện Nam Tử! Nếu nói trong sữa có chất lạc thời là chấp trước. Nếu nói trong sữa không chất lạc thời là hư vọng. Tất phải nói rằng cũng có cũng không. Từ sữa sanh ra chất lạc: Nhơn là sữa, quả là lạc, đây gọi là có. Màu sắc cùng mùi vị đều khác nhau, ăn dùng cũng chẳng đồng: Bịnh nóng thời dùng sữa, bịnh lạnh thời dùng lạc, sữa sanh bịnh lạnh, lạc sanh bịnh nóng.
Nếu nói trong sữa có tánh của lạc, sữa là lạc, lạc là sữa, hai thứ đồng một tánh, nhơn duyên gì mà sữa lại có trước, còn lạc chẳng sanh ra trước? Nếu có nhơn duyên tại sao tất cả người đời chẳng nói? Nếu không nhơn duyên cớ sao lạc chẳng sanh ra trước? Nếu lạc chẳng sanh ra trước thời ai làmra có thứ tự: Sữa, lạc, sanh, tô, thục tô, đề hồ? Do đây nên biết rằng chất lạc trước không có nay mới có, nếu là trước không nay có thời là pháp vô thường.
Nầy Thiện Nam Tử! Nếu nói rằng trong sữa có chất lạc có thể sanh ra lạc, trong nước không có chất lạc nên chẳng sanh ra lạc, lời nầy không đúng nghĩa. Vì nước cỏ cũng có tánh chất của sữa và lạc, vì do nước cỏ mà sanh ra sữa và lạc. Nếu nói trong sữa quyết định có chất lạc, còn nước cỏ không chất lạc, lời nầy gọi là hư vọng, vì tâm chẳng bình đẳng nên gọi là hư vọng.
Nầy Thiện nam Tử! Nếu nói trong sữa quyết định có chất lạc, thời lẽ ra trong chất lạc cũng quyết định có chất sữa. Cớ gì trong sữa sanh ra lạc mà trong lạc chẳng sanh ra sữa? Nếu là không duyên cớ thời nên biết rằng chất lạc nầy trước không mà nay có. Do đây nên người trí phải nói rằng trong sữa chẳng phải có chất lạc chẳng phải không chất lạc.
Nầy Thiện Nam Tử! Do đây nên đức Như Lai từng nói trong khế kinh rằng:Nếu cho tất cả chúng sanh quyết định có Phật tánh thời gọi là chấp trước, nếu cho không Phật tánh thời gọi là hư vọng. Người trí nên nói rằng: Phật tánh của chúng sanh cũng có cũng không.
Nầy Thiện Nam Tử! Do bốn pháp hòa hiệp mà có nhãn thức: Nhãn căn, sắc trần, ánh sáng, tác ý. Tánh nhãn thức nầy chẳng phải là nhãn căn, chẳng phải sắc trần, chẳng phải ánh sáng, chẳng phải tác ý. Do bốn pháp nầy hòa hiệp mà nhãn thức được sanh. Nhãn thức như vậy là trước không mà nay có, đã có trở lại không. Do đây nên biết rằng nhãn thức vốn không có tánh. Chất lạc ở trong sữa cũng như vậy.
Nếu nói rằng trong nước không chất lạc nên chẳng xuất sanh ra lạc, còn trong sữa sanh ra lạc, nên trong sữa quyết định có chất lạc. Lời nói trên đây không đúng nghĩa. Vì tất cả pháp: Nhơn khác, quả khác, cũng chẳng phải một nhơn sanh tất cả quả, chẳng phải tất cả quả từ một nhơn sanh. Như do bốn pháp sanh ra nhãn thức, chẳng nên nói rằng từ bốn pháp nầy phải sanh ra nhĩ thức hay tỷ thức.
Nầy Thiện Nam Tử! Rời các phương tiện thời không thể được chất lạc trong sữa, cũng không thể từ chất lạc sanh ra chất tô. Do đây nên cần phải có phương tiện. Người trí chẳng nên có quan niệm rằng rời các phương tiện mà được chất lạc từ nơi sữa. Được sanh tô cũng như vậy.
Do đó nên trong khế kinh ta từng nói: Vì “nhơn” sanh nên có pháp, vì “ nhơn” diệt nên không pháp.
Nầy Thiện Nam Tử! Như muối tánh chất là mặn có thể làm cho vật chẳng phải mặn thành mặn. Nếu vật chẳng phải mặn mà trước có tánh chất mặn, cớ sao người đời cho rằng chẳng phải là muối ư! Nếu trước không mặn thời nên biết rằng trước không mà nay có, do các duyên khác mà thành mặn.
Nếu nói rằng tất cả vật chẳng mặn đều có tánh chất mặn vì quá ít nên chẳng biết, do tánh chất quá ít nầy nên muối có thể làm cho vật ấy thành mặn, nếu vốn không tánh chất mặn thời dầu có muối cũng chẳng thể làm thành mặn được. Như hột giống tự nó có tứ đại, duyên nhờ tứ đại ngoài mà nó được tăng trưởng: Nẩy mầm, lên cây, đâm chồi ra lá, tánh chất của muối cũng vậy. Lời nói trên đây không đúng nghĩa, vì vật chẳng mặn nếu trước đã có tánh chất mặn, muối lẽ ra cũng có tánh chất chút ít chẳng mặn. Muối nầy nếu có hai tánh chất như vậy, duyên cớ gì rời vật chẳng mặn nó không thể riêng dùng? Do đây nên biết muối vốn không có hai tánh. Như muối không có hai tánh, tất cả vật chẳng mặn cũng không có hai tánh như vậy.
Nếu nói rằng tứ đại ngoài có năng lực làm tăng trưởng tứ đại trong. Lời nói nầy không đúng nghĩa, vì là theo thứ tự mà nói chẳng phải từ phương tiện: Trong sữa được chất lạc, chất sanh tô, nhẫn đến tất cả pháp đều cũng chẳng phải do phương tiện mà được, tứ đại cũng như vậy. Nếu nói từ tứ đại trong tăng trưởng tứ đại ngoài. Như trái Thi lợi sa, từ trước không hình chất, lúc gặp sao Mão mọc thời sanh trái lớn đủ năm tấc. Trái nầy thiệt chẳng do nơi tứ đại ngoài mà tăng trưởng.
Nầy Thiện Nam Tử! Như mười hai bộ kinh của ta nói: Hoặc tùy tự ý mà nói, hoặc tùy tha ý mà nói, hoặc tùy tự tha ý mà nói.
Thế nào gọi là tùy tự ý mà nói? Như năm trăm Tỳ Kheo hỏi Xá Lợi Phất: Bạch Đại Đức! Phật nói nhơn của thân là những gì? Xá Lợi Phất nói: Chư Đại Đức cũng đều được chánh giải thoát tự mình nên biết đó, duyên cớ gì mà hỏi như vậy? Có Tỳ Kheo nói: Bạch Đại Đức! Lúc tôi chưa được chánh giải thoát, cho rằng vô minh là nhơn của thân, lúc quán sát như vậy chứng được quả A La Hán.
Lại có Tỳ Kheo nói: Bạch Đại Đức! Lúc tôi chưa được chánh giải thoát, cho rằng thọ và vô minh là nhơn của thân, lúc quán sát như vậy đặng quả A La Hán.
Hoặc có Tỳ Kheo nói: Hành, thức, danh, sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, ẩm thực, ngũ dục là nhơn của thân.
Lúc đó năm trăm Tỳ Kheo mỗi người tự nói chỗ hiểu biết của mình rồi, bèn cùng nhau đến đảnh lễ chơn Phật, đi nhiễu ba vòng rồi ngồi qua một bên. Mỗi người tự đem chổ hiểu của mình như đã nói ở trên mà bạch với Phật. Xá Lợi Phất bạch rằng: Thế Tôn! Những Tỳ Kheo nầy ai là chánh thuyết, ai là không chánh thuyết.
Phật nói: Lành thay! Lành thay! Tất cả Tỳ Kheo đây đều là chánh thuyết cả.
Xá Lợi Phất bạch rằng: Thế Tôn! Ý của Đức Phật thế nào?
_ Nầy Xá Lợi Phất! Ta vì chúng sanh trong cõi dục mà nói cha mẹ là nhơn của thân.
Những kinh như vậy gọi là tùy tự ý mà nói.
Thế nào gọi là tùy tha ý mà nói? Như Bà Tra La Trưởng giả đến hỏi ta rằng: Thưa Cù Đàm! Ngài có biết ảo thuật chăng? Nếu biết ảo thuật thời ngài là nhà đại ảo thuật, còn nếu không biết thời ngài chẳng phải là nhứt thiết trí.
Phật nói: Nầy Trưởng giả! Người biết ảo thuật có gọi là người ảo thuật chăng?
Trưởng giả nói: Đúng vậy! Đúng vậy! Người biết ảo thuật chính là người ảo thuật.
Phật nói: Nầy Trưởng giả! Trong nước Xá Vệ vua Ba Tư Nặc có gã Chiên Đà La tên là Khí Hứ, ông có biết không?
Trưởng giả thưa rằng: Từ lâu tôi đã biết người ấy.
Phật nói: Từ lâu ông đã biết người ấy mà ông có thể chính là Chiên Đà La không?
Trưởng giả thưa: Tôi dầu biết gã Chiên Đà La ấy, nhưng thân của tôi chẳng phải Chiên Đà La.
Phật nói: Ông biết được nghĩa ấy: Người biết Chiên Đà La chẳng phải là Chiên Đà La. Nay cớ sao ta chẳng được biết ảo thuật mà chẳng phải là ảo thuật? Nầy Trưởng giả, thiệt ra ta biết ảo thuật, biết người ảo thuật, biết quả báo ảo thuật, biết nghề ảo thuật. Ta biết sát nghiệp, biết người sát nghiệp, biết quả báo sát nghiệp, biết giải thoát sát nghiệp, nhẫn đến biết tà kiến, biết người tà kiến, biết quả báo tà kiến, biết giải thoát tà kiến.
Nếu Trưởng giả nói người chẳng phải ảo thuật gọi là người ảo thuật, người chẳng phải tà kiến gọi là người tà kiến, thời mắc vô lượng tội.
Trưởng giả nói: Thưa Cù Đàm! Cứ như lời của ngài nói thời tôi mắc tội rất lớn. Nay tất cả của cải của tôi, tôi đem dâng cho ngài tất cả. Mong ngài chớ cho vua Ba Tư Nặc biết việc của tôi.
Phật nói: Nầy Trưởng giả! Tội của ông bất tất mất của. Ông sẽ do tội nầy mà phải bị đọa trong ba ác đạo.
Trưởng giả nghe nói đến ba ác đạo, kinh sợ bạch Phật rằng: Thưa Thánh Nhơn! Nay tôi vì quên sót mà mắc lấy tội lớn. Thánh nhơn là bực nhứt thiết trí tất là biết rõ con đường giải thoát. Nay tôi phải thế nào để thoát khỏi địa ngục, ngạ quỉ và súc sanh?
Lúc đó đức Phật giảng giải về bốn lý chơn đế. Nghe xong trưởng giả chứng được quả Tu Đà Hoàn. Trong lòng hổ thẹn hướng về đức Phật mà sám hối: Tôi vốn ngu si, đức Phật không phải người ảo mà nói là ảo. Ngày nay tôi xin quy y Tam Bảo.
Đức Phật nói: Lành thay! Lành thay!
Đây gọi là tùy tha ý mà nói.
Thế nào gọi là tùy tự tha ý mà nói? Như ta từng nói: Trong tất cả thế gian, người trí nói có thời ta cũng nói có, người trí nói không thời ta cũng nói không.
Người trí trong đời nói sự vui ngũ dục có vô thường, khổ, vô ngã, đáng dứt diệt, thời ta cũng nói là có như vậy.
Người trí trong đời nói không bao giờ có vui ngũ dục, mà có thường, lạc, ngã, tịnh, thời ta cũng nói là không bao giờ có.
Đây gọi là tùy tự tha ý mà nói.
Nầy Thiện Nam Tử! Như ta nói bực Thập Trụ Bồ Tát thấy Phật tánh một phần ít. Đây gọi là tùy tha ý mà nói.
Thế nào gọi là thấy phần ít? Thập Trụ Bồ Tát được ba ngàn môn Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội v.v…nên biết rõ mình sẽ được vô thượng Bồ Đề, mà chẳng thấy tất cả chúng sanh quyết định được vô thượng Bồ Đề, do đây nên ta nói bực Thập Trụ Bồ Tát thấy Phật tánh phần ít.
Nầy Thiện Nam Tử! Ta thường tuyên nói: Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Đây gọi là tùy tự ý mà nói.
Tất cả chúng sanh chẳng đoạn chẳng diệt mãi đến chứng được vô thượng Bồ Đề. Đây gọi là tùy tự ý mà nói.
Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, vì phiền não che ngăn nên chẳng thể thấy được. Ta nói như vậy, ông cũng nói như vậy. Đây gọi là tùy tự tha ý mà nói.
Nầy Thiện Nam Tử! Đức Như Lai có lúc vì một pháp mà nói vô lượng pháp. Như trong khế kinh nói: Tất cả phạm hạnh nhơn nơi thiện tri thức. Tất cả phạm hạnh dầu có vô lượng nhơn, nhưng nói thiện tri thức thời đã nhiếp hết cả.
Như ta từng nói: Tất cả ác hạnh nhơn nơi tà kiến. Tất cả ác hạnh dầu có vô lượng nhơn nhưng nói tà kiến thời đã nhiếp hết cả.
Hoặc như ta nói: Tín tâm là nhơn của vô thượng Bồ Đề, dầu Bồ Đề có vô lượng nhơn, nhưng nói tín tâm thời đã nhiếp hết cả.
Nầy Thiện Nam Tử! Dầu đức Như Lai nói vô lượng pháp là Phật tánh, nhưng chẳng rời ấm, nhập, giới.
Nầy Thiện Nam Tử! Vì chúng sanh nên đức Như Lai thuyết pháp có bảy thứ từ ngữ: Một là từ ngữ về nhơn, hai là từ ngữ về quả, ba là từ ngữ về nhơn quả, bốn là từ ngữ về ví dụ, năm là từ ngữ bất ưng thuyết, sáu là từ ngữ về thế đế lưu bố, bảy là từ ngữ như ý.
Thế nào gọi là từ ngữ về Nhơn?
Trng Nhơn hiện tại nói quả báo vị lai. Như ta từng bảo Tỳ Kheo: Ông xem chúng sanh ưa sát hại nhẫn đến ưa tà kiến, phải biết đó là người địa ngục vậy. Nếu có người chẳng ưa sát hại nhẫn đến chẳng ưa tà kiến, phải biết đó là người cõi trời. Đây gọi là từ ngữ về Nhơn.
Thế nào là từ ngữ về Quả?
Trong quả báo hiện tại nói nhơn quá khứ. Như trong khế kinh, ta bảo Tỳ Kheo: Như ông thấy mấy người nghèo khó, hình dung xấu xa, không được thong thả, phải biết rằng những người ấy quyết định đời trước có phá giới, tật đố, sân hận, không lòng hổ thẹn. Nếu thấy người giàu có, lành mạnh, có thế lực, phải biết rằng người nầy đời trước quyết định có trì giới, bố thí, tinh tấn, hổ thẹn, không lòng tật đố, sân hận. Đây gọi là từ ngữ về Quả.
Thế nào là từ ngữ về Nhơn Quả?
Như trong khế kinh ta bảo các Tỳ Kheo chúng sanh hiện tại lục nhập, xúc làm nhơn đây gọi là nghiệp quả quá khứ. Đức Như Lai cũng gọi đó là nghiệp, nghiệp nầy làm nhơn duyên sẽ có quả vị lai. Đây gọi là từ ngữ về nhơn quả.
Thế nào là từ ngữ về Ví Dụ?
Như nói rằng Sư Tử Vương dụ cho thân của Phật. Cũng nói những ví dụ: Đại Tượng Vương, Đại Long Vương, cây Ba Lợi Chất Đa La, đấng Thất Bảo, Đại Hải, núi Tu Di, quả đất, mưa to, Thuyền Sư, Đạo Sư, Điều Ngự Trượng Phu, Đại Lực Sĩ, Ngưu Vương, Bà La Môn, Sa Môn, Đại Thành, cây Đa La, đây gọi là từ ngữ về ví dụ.
Thế nào là từ ngữ Bất Ưng Thuyết? Như trong kinh ta từng nói: Trời đất có thể hiệp, con sông chẳng chảy vào biển. Như ta nói với vua Ba Tư Nặc bốn phía núi đồng đến. Như ta vì Lộc Mẫu Ưu Bà Di nói nếu cây Ta La có thể thọ giới Bát Quan Trai thời nó được hưởng thọ sự vui sướng cõi trời cõi người. Thà nói Thập Trụ Bồ Tát có tâm thối chuyển chẳng nên nói đức Như Lai nói hai lời. Thà nói bực Tu Đà Hoàn đọa ba ác đạo chẳng nên nói Thập Trụ Bồ Tát có tâm thối chuyển. Đây gọi là từ ngữ Bất Ưng Thuyết.
Thế nào là từ ngữ Thế Đế Lưu Bố? Như Phật nói: Nam, nữ, lớn, nhỏ, đến, đi, nằm, ngồi, xe cộ, nhà cửa, bình, áo, chúng sanh, thường, lạc, ngã, tịnh, quân, rừng, thành, ấp, tăng, phường, hiệp, tan. Đây gọi là từ ngữ về Thế Đế Lưu Bố.
Thế nào là từ ngữ Như Ý? Như ta quở trách người hủy phạm cấm giới khiến họ tự trách hộ trì cấm giới. Như ta khen ngợi bực Tu Đà Hoàn, khiến hàng phàm phu sanh tâm lành. Ngợi khen Bồ Tát làm cho chúng sanh phát tâm Bồ Đề, nói những sự khổ não của ba ác đạo khiến chúng sanh tu tập các pháp lành. Chỉ vì tất cả pháp hữu vi mà nói tất cả đều đốt cháy, vô ngã cũng như vậy, nói tất cả chúng sanh đều có Phật tánh khiến mọi người chẳng phóng dật. Đây gọi là từ ngữ Như Ý.