QUYỂN 18
Nầy Thiện nam tử! Thế nào là tất cả thế gian chẳng thấy chẳng biết, mà là chỗ thấy chỗ biết của Bồ Tát? Đây là nói sáu chánh niệm: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm thí, niệm thiên.
Thế nào là niệm Phật? Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ,Thế Gian Giải, Vô thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, thường chẳng biến đổi, đầy đủ mười trí lực, bốn môn vô sở úy, đại Sư Tử Hống, gọi là đại Sa Môn, đại Bà La Môn, đại tịnh, rốt ráo đến nơi bờ kia, đấng Vô Năng Thắng, đấng Vô Kiến Đảnh, không có bố úy, chẳng kinh chẳng động, riêng một không bạn vô sư tự ngộ, trí mau lẹ, trí lớn, trí lanh lợi, trí sâu, trí giải thoát, trí bất cộng, trí rộng khắp, trí rốt ráo, trí bảo thành tựu, tượng vương trong loài người, Ngưu vương trong loài người, Long vương trong loài người, trượng phu trong loài người, Liên Hoa trong loài người, hoa Phân Đà Lợi, Điều Ngự Nhơn Sư, là đại thí chủ bực thầy đại pháp, hiệu đại pháp sư, vì biết pháp, vì biết nghĩa, vì biết thời, vì tri túc, vì tri ngã, vì biết đại chúng, vì biết chủng tánh của chúng sanh, vì biết căn tánh lợi độn, vì nói trung đạo, do những cớ nầy nên hiệu là đại pháp sư.
Thế nào gọi là Như lai? Như chỗ thuyết pháp của chư Phật quá khứ chẳng biến đổi. Chư Phật quá khứ vì độ chúng sanh nên nói mười hai bộ kinh. Đức Như Lai cũng vậy nên hiệu là Như Lai. Chư Phật Thế Tôn từ sáu môn Ba La Mật, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, mười một pháp không mà đến Đại Niết Bàn. Đức Như Lai cũng vậy, nên gọi Phật là Như Lai. Chư Phật Thế Tôn vì chúng sanh nên tùy nghi phương tiện khai thị ba thừa, thọ mạng vô lượng không thể tính đếm. Đức Như Lai cũng vậy nên gọi Phật là Như Lai.
Thế nào là Ứng? Pháp thế gian đều gọi là oan gia, vì đức Như Lai ứng phá hoại pháp ấy nên gọi là ứng. Luận về tứ ma là oan gia của Bồ Tát, chư Phật Như Lai lúc làm Bồ Tát, có thể dùng trí huệ phá hoại bốn thứ ma nên gọi là Ứng. Lại Ứng gọi là viễn ly, lúc làm Bồ Tát nên phải xa lìa vô lượng phiền não nên gọi là Ứng. Lại Ứng gọi là lạc, chư Phật quá khứ lúc làm Bồ Tát dầu trong vô lượng vô số kiếp vì chúng sanh mà thọ những khổ não, nhưng trọn không khi nào là không vui, mà thường vui đó nên gọi là Ứng. Và lại tất cả nhơn thiên nên đem các thứ hoa, hương, chuỗi ngọc, tràng phan, kỹ nhạc để cúng dường đó nên gọi là Ứng cúng.
Thế nào gọi là Chánh Biến Tri? Chánh là nói chẳng điên đảo. Biến tri là thông đạt tất cả bốn thứ điên đảo. Lại chánh là nói khổ hạnh. Biến tri là biết nhơn nơi khổ hạnh quyết định có quả khổ. Lại chánh là nói trong thế gian. Biến tri là rốt ráo quyết định biết tu tập trung đạo thời đặng vô thượng Bồ Đề. Lại chánh nói có thể đếm, có thể lường có thể cân. Biến tri là chẳng thể đếm, chẳng thể lường, chẳng thể cân vì thế nên gọi Phật là Chánh Biến Tri.
Nầy Thiện nam tử! Thanh Văn Duyên Giác cũng có biến tri, cũng chẳng biến tri. Vì biến tri là nói ngũ ấm, thập nhị nhập, thập bát giới. Thanh Văn Duyên Giác cũng đặng biến tri, đây gọi là có biến tri. Giả sử hàng nhị thừa trong vô lượng kiếp quán sát một sắc ấm cũng chẳng thể biết được hết, do nghĩa nầy nên hàng Thanh Văn Duyên Giác không có biến tri.
Thế nào là Minh Hạnh Túc? “Minh” là nói đặng vô lượng quả lành. “Hạnh” là chân cẳng. Quả lành gọi là vô thượng Bồ Đề. Chân cẳng là nói giới huệ. Nương nơi chân giới huệ mà đặng vô thượng Bồ Đề, vì thế nên gọi là Minh Hạnh Túc. Lại minh gọi rằng “chú”, hạnh gọi rằng “kiết”, túc gọi rằng “quả”, đây là nghĩa thế gian. “Chú’ là nói giải thoát, “Kiết’ là vô thượng Bồ Đề, “Quả” là nói Đại Niết Bàn, vì thế nên gọi là Minh Hạnh Túc. Lại “minh” là quang, “hạnh” là nghiệp, “túc” là quả, đây là nghĩa thế gian. “Quang” là nói chẳng phóng dật, “Nghiệp” là nói sáu môn Ba La Mật, “Quả” là nói vô thượng Bồ Đề. Và lại “Minh” là tam minh: Một là Bồ Tát minh, hai là chư Phật minh, ba là vô minh minh. Bồ Tát minh là Bát Nhã Ba La Mật. Chư Phật minh là Phật nhãn, vô minh minh là rốt ráo không. “Hạnh” là trong vô lượng kiếp vì chúng sanh nên tu tập các nghiệp lành. “Túc” là thấy rõ Phật tánh. Do nghĩa nầy nên gọi là Minh Hạnh Túc.
Thế nào là Thiện Thệ? “Thiện” là cao, “Thệ’ là chẳng cao, đây là nghĩa thế gian. “Cao” gọi là vô thượng Bồ Đề. “Chẳng cao” chính là tâm Như Lai. Nầy Thiện nam tử! Tâm nếu cao thời chẳng gọi là Như Lai, vì thế nên Như Lai gọi là Thiện Thệ. Lại “Thiện” là thiện tri thức, “Thệ:” là quả thiện tri thức, đây là nghĩa thế gian. Thiện tri thức là sơ phát tâm, quả của thiện tri thức là Đại Niết Bàn. Như Lai chẳng bỏ sự phát tâm tối sơ nên đặng Đại Niết Bàn, vì thế nên Như Lai hiệu là Thiện Thệ. Và lại “thiện” gọi là tốt, “thệ” gọi là có, đây là nghĩa thế gian. “Tốt” là nói thấy Phật tánh, “có” là nói Đại Niết Bàn thiệt chẳng phải có, chư Phật vì thế gian mà nói là có. Như người đời thiệt không có con mà nói là có con, thiệt không có đạo mà nói là có đạo. Nhơn thuận theo thế gian mà nói là có Niết Bàn. Chư Phật Thế Tôn thành Đại Niết Bàn nên gọi là Thiện Thệ.
Thế nào là Thế Gian Giải? Thế gian là nói ngũ ấm, giải là rõ biết. Chư Phật khéo biết ngũ ấm nên hiệu là Thế Gian Giải. Lại thế gian là nói ngũ dục, giải là chẳng tham đắm. Chẳng tham đắm ngũ dục nên hiệu là Thế Gian Giải. Lại thập phương vô lượng vô số thế giới tất cả hàng Thanh Văn Duyên Giác chẳng biết chẳng thấy chẳng hiểu, chư Phật đều biết đều thấy đều hiểu, vì thế nên Phật hiệu là Thế Gian Giải. Lại thế gian là tất cả phàm phu, giải là biết nhơn quả thiện ác của phàm phu, chẳng phải hàng Thanh Văn Duyên Giác biết được, duy Phật có thể biết nên Phật hiệu là Thế Gian Giải. Lại thế gian là Liên Hoa, giải là nói chẳng ô nhiễm, đây là nghĩa thế gian. Liên Hoa là nói Như Lai, đức Như Lai chẳng bị tám pháp thế gian làm ô nhiễm, nên Phật hiệu là Thế Gian Giải. Lại chư Phật Bồ Tát thấy rõ thế gian nên hiệu là Thế Gian Giải. Như nhơn ăn mà đặng sống nên gọi ăn là mạng sống. Cũng vậy, chư Phật và Bồ Tát vì thấy rõ thế gian nên hiệu là Thế Gian Giải.
Thế nào là Vô Thượng Sĩ? Thượng Sĩ gọi là dứt, không chỗ dứt gọi là Vô Thượng Sĩ. Chư Phật Thế Tôn không có phiền não nên không chỗ dứt, vì thế Phật hiệu là Vô Thượng Sĩ. Lại Thượng Sĩ là nói tránh tụng, Vô Thượng Sĩ là không có tránh tụng. Như Lai không tránh tụng nên hiệu là Vô Thượng Sĩ. Lại Thượng Sĩ là lời nói có thể phá hoại, Vô Thượng Sĩ là lời nói chẳng thể phá hoại. Lời nói của Như Lai không ai phá được nên hiệu là Vô Thượng Sĩ. Lại Thượng Sĩ là nói bậc thượng tòa, Vô Thượng Sĩ là nói bậc vô thượng tòa. Chư Phật ba đời không có ai hơn nên hiệu là Vô Thượng Sĩ. Lại nữa “thượng” là mới, “sĩ” la cũ. Chư Phật Thế Tôn thể chứng Đại Niết Bàn không mới không cũ nên hiệu là Vô Thượng Sĩ.
Thế nào là Điều Ngự Trượng Phu? Tự mình đã là Trượng Phu, lại điều phục trượng phu khác.
Nầy Thiện nam tử! Như Lai thật chẳng phải trượng phu, cũng chẳng phải chẳng trượng phu, nhơn điều phục trượng phu nên gọi Như Lai là trượng phu. Tất cả nam nữ nếu đủ bốn pháp thời gọi là trượng phu: Một là gần thiện tri thức, hai là có thể nghe pháp, ba là tư duy nghĩa, bốn là đúng như pháp tu hành. Nếu nam nữ nào không có bốn pháp nầy thời chẳng được gọi là trượng phu. Vì thân dầu là trượng phu mà hành vi đồng như súc sanh. Như Lai điều phục những nam nữ ấy nên Phật hiệu là Điều Ngự trượng Phu. Lại như điều khiển ngựa phàm có bốn cách: Một là chạm đến lông, hai là chạm đến da, ba là chạm đến thịt, bốn là chạm đến xương, tùy chỗ chạm đến vừa ý người điều khiển. Cũng vậy, Như Lai dùng bốn cách điều phục chúng sanh: Một là vì chúng sanh mà giảng thuyết về sanh khổ khiến lãnh thọ lời Phật, như cách chạm lông thời ngựa tuân theo ý người điều khiển. Hai là giảng thuyết sanh tử bèn lãnh thọ lời Phật, như chạm đến lông da thời ngựa tuân theo ý người điều khiển. Ba là giảng nói sanh cùng lão bịnh bèn lãnh thọ lời Phật, như chạm đến lông, da, thịt, thời ngựa tuân theo ý người điều khiển. Bốn là giảng nói sanh, lão, bịnh và tử bèn lãnh thọ lời Phật, như chạm đến lông, da, thịt, xương, thời ngựa tuân theo ý người điều khiển.
Nầy Thiện nam tử! Người điều khiển ngựa không có quyết định. Như Lai điều phục chúng sanh quyết định chẳng luống nên Phật hiệu là Điều Ngự Trượng Phu.
Thế nào là Thiên Nhơn Sư? Sư có hai hạng: Một là dạy điều lành, hai là dạy điều ác. Chư Pật và Bồ Tát thường đem pháp lành dạy bảo chúng sanh. Pháp lành là nói thân, khẩu, ý đều lành. Chư Phật Bồ Tát dạy bảo chúng sanh: Các người nên xa nghiệp chẳng lành nơi thân, vì nghiệp ác nơi thân là thứ có thể xa lìa, để được giải thoát, nên ta đem pháp nầy dạy các ngươi. Nếu nghiệp ác chẳng thể xa lìa để được giải thoát, thời ta trọn chẳng dạy các ngươi. Các chúng sanh nếu lìa ác nghiệp rồi thời không bị đọa ba ác đạo. Do lìa ác nên thành Vô Thượng Bồ Đề đặng Đại Niết Bàn. Vì thế nên chư Phật và Bồ Tát thường đem pháp lành nầy giáo hoá chúng sanh. Khẩu và ý cũng như vậy. Vì thế Phật là Vô Thượng Sư. Lại xưa chưa đặng đạo nay đã đặng đạo đó, đem đạo đã đặng dạy cho chúng sanh. Từ trước tới nay chưa tu phạm hạnh nay đã tu xong, đem chỗ tu của mình dạy cho chúng sanh. Tự phá vô minh, lại phá vô minh cho chúng sanh. Tự đặng tịnh nhãn lại làm cho chúng sanh cũng đặng tịnh nhãn. Tự biết rõ hai đế lý lại vì chúng sanh mà giảng thuyết hai đế lý. Đã tự giải thoát lại vì chúng sanh nói pháp giải thoát. Tự qua khỏi sông lớn sanh tử không ngằn mé lại làm cho chúng sanh đều được qua khỏi.
Tự được vô úy lại dạy chúng sanh làm cho không còn sợ sệt. Tự đã được Niết Bàn lại vì chúng sanh nói Đại Niết Bàn. Vì thế nên Phật hiệu là Vô Thượng Sư.
“ Thiên” là nói ban ngày. Trên trời ngày dài đêm ngắn nên gọi là thiên. Lại: “thiên” là nói không sầu não thường vui sướng nên gọi là thiên. Lại “thiên” là nói đèn sáng có thể phá đen tối thành sáng suốt nên gọi là thiên. Cũng bởi có thể phá nghiệp ác tối tăm đặng nghiệp lành sanh lên trời nên gọi là “thiên”. Lại vì kiết tường nên gọi là: “thiên”, Lại vì có ánh sáng nên gọi là “ thiên”.
Nhơn là nói, là có thể nhiều suy nghĩ nghĩa lý. Lại nhơn là thân khẩu dịu dàng. Lại nhơn là nói kiêu mạn. Lại nhơn là nói có thể phá kiêu mạn.
Nầy Thiện nam tử! Chư Phật dầu là đại sư vô thượng của tất cả chúng sanh, nhưng trong kinh nói là Thiên Nhơn Sư, vì trong các loài chúng sanh chỉ có người cùng trời có thể phát tâm vô thượng Bồ Đề, có thể tu mười nghiệp đạo lành, có thể đặng quả Tu Đà Hoàn, quả Tư Đà Hàm, quả A Na Hàm, quả A La Hán, quả Bích Chi Phật, chứng đặng vô thượng Bồ Đề. Vì thế nên Phật hiệu là Thiên Nhơn Sư.
Thế nào là Phật, Phật gọi là giác, đã tự giác ngộ lại có thể giác ngộ người khác. Như có người rõ biết kẻ giặc cướp, thời giặc cướp không hại được. Đại Bồ Tát có thể rõ biết tất cả vô lượng phiền não. Vì rõ biết nên các phiền não không làm não được. Do đây nên gọi là Phật. Do vì giác ngộ nên chẳùng sanh, chẳng lão, chẳng bịnh, chẳng tử, do đây gọi là Phật.
Phật hiệu là Bà Dà Bà, “ Bà Dà” là phá, “ Bà’ là phiền não. Có thể phá phiền não nên hiệu Bà Dà Bà. Lại có thể thành tựu các pháp lành, lại có thể hiểu rõ nghĩa của các pháp lại có công đức lớn không ai hơn, lại có tiếng đồn khắp mười phương, lại có thể bố thí tất cả, lại trong vô lượng a tăng kỳ kiếp lìa nữ căn.
Nầy Thiện nam tử! Hoặc nam hoặc nữ có thể niệm Phật như vậy, lúc đi đứng, lúc ngồi nằm, hoặc ban ngày, hoặc ban đêm, lúc tối, lúc sáng, thường đặng chẳng lìa thấy Phật Thế Tôn.
Nầy Thiện nam tử! Cớ sao gọi rằng Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri nhẫn đến Bà Dà Bà mà có vô lượng công đức cùng tiếng tăm lớn như vậy? Đại Bồ Tát trong vô lượng vô số kiếp trước, cung kính cha mẹ, hòa thượng sư trưởng, thượng tọa, trưởng lão. Trong vô lượng kiếp thường vì chúng sanh mà thật hành hạnh Bố Thí, trì Tịnh Giới, tập Nhẫn Nhục, siêng Tinh tấn, Thiền định, Trí Huệ, Đại Từ, Đại Bi, Đại Hỷ, Đại Xả, vì thế nên ngày nay đặng ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, thân kim cương. Và lại Bồ Tát trong vô lượng vô số kiếp trước tu tập ngũ căn: Tín, niệm, Tấn, Định, Huệ, cung kính cúng dàng các bực sư trưởng, thường vì pháp, chẳng vì ăn. Bồ Tát nếu trì mười hai loại kinh, hoặc đọc tụng, thường muốn cho chúng sanh đặng giải thoát an ổn vui sướng, trọn chẳng vì mình. Tại sao vậy? Vì Bồ tát thường tu tâm xuất thế và tâm xuất gia, lại thường tu tâm vô vi, tâm vô tránh, tâm vô cấu, tâm vô phược, tâm vô thủ, không tâm che đậy, không tâm vô ký, không tâm sanh tử, không tâm nghi, không tâm tham, không tâm sân, không tâm si, không tâm kiên mạn, không tâm uế trược, không tâm phiền não, không tâm khổ, tu tâm vô lượng, tâm quảng đại, tâm hư không, tâm không, không tâm không, không tâm chẳng điều phục, không tâm chẳng hộ trì, không tâm che giấu, không tâm thế gian, tâm thường định, tâm thường tu, tâm thường giải thoát, tâm không báo đền, tâm khôâng nguyện cầu, tâm nguyện lành, tâm không nói năng, tâm nhu nhuyến, tâm chẳng trụ, tâm tự tại, tâm vô lậu, tâm đệ nhất nghĩa, tâm bất thối, tâm vô thượng, tâm chánh trực, tâm không dua vạy, tâm không đa thiểu, tâm không ương ngạnh, tâm không phàm phu, không tâm Thanh Văn, không tâm Duyên Giác, tâm biết lành, tâm biết cõi, tâm biết sanh cõi nào, tâm biết ở cõi nào, tâm biết cõi tự tại. Vì ngày trước tu những tâm nầy nên nay đặng mười trí lực, bốn vô sở úy, đại từ bi, tam niệm xứ, thường, lạc, ngã, tịnh, do đây hiệu là Như Lai nhẫn đến Bà Dà Bà. Đây gọi là Đại Bồ Tát niệm Phật.
Thế nào là Đại Bồ Tát niệm Pháp? Đại Bồ Tát suy nghĩ giáo pháp của chư Phật nói ra rất vi diệu hơn tất cả. Do pháp nầy có thể làm cho chúng sanh đặng quả hiện tại, chỉ có chánh pháp nầy không thuộc thời gian, pháp nhãn ngó thấy, nhục nhãn không thấy được. Chẳng thể dùng thí dụ để so sánh. Chánh pháp nầy chẳng sanh, chẳng xuất, chẳng trụ, chẳng diệt, không thỉ, không chung, vô vi, vô số, kẻ không nhà thời làm nhà cho họ, kẻ không chỗ về thời làm chỗ về, không ánh sáng thời làm ánh sáng, không đến bờ kia thời làm cho đến bờ kia, chỗ không mùi thơm thời làm mùi thơm vô ngại, kẻ không nhìn thấy thời làm cho nhìn thấy rõ ràng. Chánh pháp nầy chẳng động, chẳng chuyển, chẳng dài, chẳng ngắn, dứt hẳn sự vui mà thường an vui, rốt ráo vi diệu, chẳng phải sắc đã dứt sắc thức mà cũng là thức, chẳng phải nghiệp đã dứt nghiệp, chẳng phải kiết sử, đã dứt kiết sử, chẳng phải vật đã dứt vật mà cũng là vật, chẳng phải giới đã dứt giới mà cũng là giới, chẳng phải hữu đã dứt hữu mà cũng là hữu, chẳng phải nhập đã dứt nhập mà cũng là nhập, chẳng phải nhơn đã dứt nhơn mà cũng là nhơn, chẳng phải quả đã dứt quả mà cũng là quả, chẳng phải hư, chẳng phải thiệt dứt tất cả thiệt mà cũng là thiệt, chẳng phải sanh chẳng phải diệt dứt hẳn sanh diệt mà cũng là diệt, chẳng phải tướng chẳng phải phi tướng dứt tất cả tướng mà cũng là tướng, chẳng phải dạy dỗ, chẳng phải không dạy dỗ mà cũng là thầy dạy, chẳng phải sợ chẳng phải an dứt tất cả sợ mà cũng là an, chẳng phải nhẫn chẳng phải không nhẫn, dứt hẳn sự chẳng nhẫn mà cũng là nhẫn, chẳng phải dừng ở chẳng phải không dừng ở dứt tất cả dừng ở mà cũng là dừng ở trên đảnh tất cả pháp. Chánh pháp nầy đều có thể dứt hẳn tất cả phiền não, thanh tịnh vô tướng, thoát hẳn các tướng, là chổ ở rốt ráo của vô lượng chúng sanh. Có thể diệt tất cả ngọn lửa sanh tử, là chỗ đi và ở của chư Phật, là thường còn chẳng biến đổi. Đây gọi là Bồ Tát niệm Pháp.
Thế nào là niệm Tăng?
Chư Phật Thánh Tăng đúng như Pháp mà trụ thọ trì chánh pháp tùy thuận tu hành, chẳng thể nhìn thấy, chẳng thể cầm nắm, chẳng thể phá hoại, chẳng thể nhiễu hại, chẳng thể nghĩ bàn, là ruộng phước tốt của tất cả chúng sanh. Dầu là ruộng phước nhưng không thọ, không lấy, thanh tịnh, không nhơ, vô lậu, vô vi, rộng khắp vô biên, tâm điều nhu bình đẳng không hai, không có loạn trựơc thường chẳng biến đổi. Đây gọi là niệm Tăng.
Thế nào là niệm giới?
Bồ Tát suy nghĩ có giới, chẳng phá, chẳng lậu, chẳng hoại, chẳng tạp, dầu không hình sắc mà nên hộ trì, dầu không xúc đối nhưng khéo tu phương tiện có thể đặng đầy đủ không có lỗi lầm, là chỗ mà chư Phật Bồ tát ngợi khen là nhơn của Đại Thừa Phương Đẳng Đại Niết Bàn. Như mặt đất, ghe thuyền, chuỗi ngọc, dòng họ tôn qúy, biển lớn, nước tro, nhà cửa, gươm đao, cầu kỳ, lương y, thuốc hay, thuốc A Dà Đà, như ý bảo châu, chân, mắt, cha mẹ, bóng mát, không ai trộm cướp được, không ai nhiễu hại được, lửa không cháy được, nước không trôi được, là thang bậc lên núi lớn, là tràng báu của chư Phật Bồ Tát, nếu trụ nơi giới nầy thời đặng quả Tu Đà Hoàn. Tôi cũng có phần nầy nhưng tôi chẳng cầu, vì nếu tôi đặng quả Tu Đà Hoàn thời không thể độ khắp tất cả chúng sanh. Nếu trụ nơi giới nầy đặng vô thượng Bồ Đề, thời tôi cũng có phần, đây là chỗ mong muốn của tôi: Vì nếu đặng vô thượng Bồ Đề, tôi sẽ vì chúng sanh giảng thuyết diệu pháp để cứu độ. Đây là Đại Bồ Tát niệm giới.
Thế nào là niệm thí?
Đại Bồ Tát quán sát kỹ hạnh Bố Thí là nhơn của vô thượng Bồ Đề. Chư Phật và Bồ Tát tu tập hạnh Bố Thí như vậy, tôi cũng tu tập như vậy. Nếu chẳng Bố Thí thời không thể trang nghiêm bốn bộ chúng. Bố Thí dầu không thể rốt ráo dứt kiết sử, mà có từ phá hiện tại phiền não. Do vì Bố Thí nên thường được chúng sanh trong vô lượng thế giới ở mười phương khen ngợi Đại Bồ Tát Bố Thí vật thực cho chúng sanh thời là Bố Thí mạng sống cho chúng sanh. Do quả báo bố thí nên lúc thành Phật thường chẳng biến đổi. Do Bố Thí làm chúng sanh an vui nên lúc thành Phật đặng an vui. Lúc Bố Thí, Bồ Tát cầu của cải đúng pháp, chẳng lánh người kia để cho người nầy, vì thế nên lúc thành Phật đặng thanh tịnh Niết Bàn. Lúc Bố Thí, Bồ Tát làm cho chúng sanh chẳng cầu mà đặng, nên lúc thành Phật đặng ngã tự tại. Vì Bố Thí làm cho người khác đặng sức khỏe, nên lúc thành Phật chứng đặng mười trí lực. Vì Bố Thí làm cho người đặng nói năng, nên lúc thành Phật đặng bốn môn vô ngại. Chư Phật và Bồ Tát tu tập hạnh Bố Thí nầy làm nhơn Niết Bàn, tôi cũng tu tập hạnh Bố Thí như vậy để làm nhơn Niết Bàn.
Nói rộng hạnh Bố Thí như trong kinh Tạp Hoa.
Thế nào là niệm Thiên?
Có cõi trời Tứ Thiên Vương nhẫn đến cõi trời Phi Tưởng, Phi Phi tưởng. Nếu có tín tâm đặng sanh cõi trời Tứ Thiên Vương v.v… Tôi cũng có phần. Nếu giới, đa văn, bố thí, trí huệ đặng sanh cõi trời Tứ Thiên Vương nhẫn đến cõi trời phi Tưởng, Phi Phi Tưởng, tôi cũng có phần nhưng chẳng phải chỗ mong muốn của tôi. Vì trời Tứ Thiên Vương nhẫn đến trời Phi Phi Tưởng đều là vô thường. Vì vô thường nên có sanh già bịnh chết, do lẽ nầy nên chẳng phải là chỗ tôi mong muốn. Như ảo thuật biến hoá phỉnh gạt người ngu, người trí không bị lầm. Phàm phu ngu mê ham muốn cõi trời Tứ Thiên Vương nhẫn đến trời Phi Tưởng, Phi Phi Tưởng. Tôi chẳng đồng với phàm phu. Tôi từng nghe có trời đệ nhứt nghĩa, chính là chư Phật và Bồ tát thường chẳng biến đổi. Vì thường trụ nên chẳng có sanh, lão, bịnh, tử. Tôi vì chúng sanh mà cần cầu trời đệ nhứt nghĩa vì trời đệ nhứt nghĩa có thể làm cho chúng sanh dứt trừ phiền não, như cây như ý. Nếu tôi có tín, niệm, tấn, định và huệ thời có thể đặng trời đệ nhứt nghĩa nầy. Tôi sẽ vì chúng sanh giảng thuyết phân biệt trời đệ nhứt nghĩa. Đây gọi là Đại Bồ Tát niệm Thiên.
Nầy Thiện nam tử! Đây là thế gian chẳng biết chẳng thấy, mà là chỗ thấy biết của Bồ Tát.
Nầy Thiện nam tử! Nếu đệ tử của ta cho rằng thọ trì đọc tụng biên chép diễn thuyết mười hai bộ kinh cùng với thọ trì đọc tụng biên chép diễn thuyết kinh Đại Niết Bàn đồng nhau, nói như vậy không đúng nghĩa. Vì Đại Niết Bàn là tạng bí mật rất sâu của tất cả chư Phật Thế Tôn, đây thời là hơn tất cả. Do nghĩa nầy nên kinh Đại Niết Bàn rất lạ, rất đặc biệt chẳng thể nghĩ bàn.
Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật: “ Tôi cũng biết kinh Đại Niết Bàn là rất lạ, rất đặc biệt chẳng thể nghĩ bàn. Phật, Pháp, Tăng chẳng thể nghĩ bàn. Bồ Tát, Bồ Đề, Đại Bát Niết Bàn cũng chẳng thể nghĩ bàn. Bạch Thế Tôn! Do nghĩa gì lại nói Bồ Tát chẳng thể nghĩ bàn?
Nầy Thiện nam tử! Đại Bồ Tát không ai giáo hóa mà có thể tự phát tâm Bồ Đề, đã phát tâm rồi tinh tấn siêng tu. Giả sử lửa lớn đốt cháy thân thể, trọn chẳng vì cầu cứu mà bỏ tâm niệm Pháp. Vì Đại Bồ Tát thường tự suy nghĩ: Tôi trong vô lượng vô số kiếp hoặc ở địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, trong loài người, trên trời, bị các thứ lửa kiết sử đốt cháy, chưa từng đặng một pháp quyết định, pháp quyết định là vô thượng Bồ Đề. Nay tôi vì vô thượng Bồ Đề trọn chẳng tiếc thân mạng, dầu đến phải nát thân như vi trần, tôi trọn chẳng buông bỏ hạnh tinh tấn siêng tu. Vì tâm tinh tấn bèn là nhơn vô thượng Bồ Đề.
Nầy Thiện nam tử! BồTát nầy lúc chưa thấy vô thượng Bồ Đề đã có thể chẳng tiếc thân mạng như vậy, huống là đã thấy. Do đây nên Bồ Tát chẳng thể nghĩ bàn.
Lại Đại Bồ Tát thấy sanh tử có vô lượng tội khổ, chẳng phải hàng Thanh Văn Duyên Giác biết được. Dầu biết sanh tử có vô lượng tội khổ, nhưng vì chúng sanh ở trong đó chịu khổ mà chẳng sanh tâm nhàm lìa. Do đây nên gọi là Bồ Tát chẳng thể nghĩ bàn. Đại Bồ Tát vì chúng sanh nên dầu ở trong địa ngục chịu khổ nhưng vui như đệ tam thiền. Do đây nên lại gọi là chẳng thể nghĩ bàn.
Ví như nhà Trưởng Giả phát hỏa, Trưởng Giả xem thấy liền bỏ nhà chạy ra. Các con của Trưởng Giả ở sau chưa thoát khỏi nạn lửa. Trưởng Giả vì các con nên trở vào nhà để cứu, chẳng đoái đến họan nạn nguy hiểm. Cũng vậy, Đại Bồ Tát dầu biết sanh tử nhiều tội khổ, nhưng vì cứu chúng sanh nên ở trong sanh tử mà chẳng nhàm. Do đây nên lại gọi là chẳng thể nghĩ bàn.
Nầy Thiện nam tử! Vô lượng chúng sanh phát tâm Bồ Đề, thấy trong sanh tử nhiều tội khổ liền thối tâm Bồ Đề, hoặc làm Thanh Văn hoặc làm Duyên Giác. Nếu Bồ Tát được nghe kinh Đại Niết Bàn nầy thời trọn chẳng thối thất tâm Bồ Đề. Bồ Tát nầy dầu chưa đến bậc bất động địa, nhưng tâm bền chắc không thối thất. Do đây nên lại gọi là chẳng thể nghĩ bàn. Nầy Thiện nam tử! Như có người nói rằng tôi có thể tự lội qua khỏi biển lớn. Người nói như vậy có thể nghĩ bàn được chăng?
_ Bạch Thế Tôn! Lời nói như vậy hoặc có thể nghĩ bàn, hoặc chẳng thể nghĩ bàn. Vì nếu là người lội qua khỏi biển lớn thời chẳng thể nghĩ bàn. Còn nếu A Tu La lội qua thời là có thể nghĩ bàn.
_ Nầy Thiện nam tử! Ta chẳng nói A Tu La, chỉ nói người.
_ Bạch Thế Tôn! Trong loài người cũng có hai hạng: Một là Thánh Nhơn, hai là phàm phu. Nếu phàm phu lội qua thời là chẳng thể nghĩ bàn. Nếu Thánh nhơn thời là có thể nghĩ bàn.
_ Nầy Thiện nam tử! Ta nói phàm phu chẳng nói Thánh nhơn.
_ Bạch Thế Tôn! Nếu là phàm phu tự nói lội qua biển lớn được thời thiệt là chẳng thể nghĩ bàn.
_ Nầy Thiện nam tử! Phàm phu thiệt không thể lội qua biển lớn được. Bồ Tát đây thiệt có thể qua khỏi biển lớn sanh tử nên gọi là chẳng thể nghĩ bàn.
_Nầy Thiện nam tử! Nếu có người có thể dùng chỉ cọng sen treo núi Tu Di, thời có thể nghĩ bàn được chăng?
_ Bạch Thế Tôn! Không thể nghĩ bàn được.
_ Nầy Thiện nam tử! Đại Bồ Tát trong khoảng một niệm đều có thể tính lường tất cả sanh tử, nên lại gọi chẳng thể nghĩ bàn.
Nầy Thiện nam tử! Đại Bồ Tát trong vô lượng vô số kiếp thường quán sát sanh tử là vô thường, vô ngã, vô lạc, vô tịnh, vì chúng sanh phân biệt diễn thuyết thường, lạc, ngã, tịnh. Dầu diễn thuyết như vậy nhưng chẳng phải là tà kiến. Do đây nên lại gọi là chẳng thể nghĩ bàn.
Nầy Thiện nam tử! Như người vào nước, nước chẳng trôi được, vào lửa, lửa chẳng cháy được. Như vậy thời chẳng thể nghĩ bàn. Cũng vậy, Đại Bồ Tát dầu ở sanh tử, nhưng chẳng bị sanh tử não hại. Do đây nên lại gọi là chẳng thể nghĩ bàn.
Nầy Thiện nam tử! Loài người có ba hạng: Thượng, trung và hạ.
Hạng người hạ lúc mới nhập thai nghĩ rằng: Nay tôi ở nhà tiêu đầy những hôi nhơ tối tăm. Lúc mới xuất thai nghĩ rằng nay tôi ra khỏi nhà tiêu, ra khỏi chỗ hôi nhơ tối tăm.
Hạng người bực trung nghĩ rằng: Nay tôi vào trong rừng cây, trong sông sạch sẽ, trong nhà cửa. Lúc xuất thai cũng vậy.
Hạng người bực thượng nghĩ rằng: Tôi lên điện, ở trong rừng hoa, cỡi ngựa, cỡi voi trèo lên núi cao. Lúc xuất thai cũng vậy.
Đại Bồ Tát lúc mới nhập thai, tự biết là nhập thai, lúc ở trong thai biết là ở, lúc xuất thai biết là xuất, trọn chẳng sanh tâm niệm tham sân, nhưng chưa lên bậc sơ trụ. Do đây nên lại gọi là chẳng thể nghĩ bàn.
Nầy Thiện nam tử! Vô thượng Bồ Đề thiệt không thể dùng thí dụ để so sánh, nhưng đều có thể nói.
Đại Bồ Tát không có thầy thưa hỏi học tập, mà có thể đặng pháp vô thượng Bồ Đề. Đặng pháp nầy rồi tâm không lẫn tiếc, thường diễn thuyết cho chúng sanh. Do đây nên lại gọi là chẳng thể nghĩ bàn.
Nầy Thiện nam tử! Đại Bồ Tát có thân xa lìa mà chẳng phải khẩu, có khẩu xa lìa mà chẳng phải thân, có chẳng phải thân, chẳng phải khẩu mà cũng xa lìa. Lìa sát, đạo, dâm gọi là thân xa lìa mà chẳng phải khẩu. Lìa vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, vô nghĩa ngữ thời gọi là khẩu xa lìa mà chẳng phải thân. Xa lìa tham lam, ganh ghét, giận hờn, tà kiến thời gọi là ý xa lìa, mà chẳng phải thân chẳng phải khẩu. Đại Bồ tát chẳng thấy một pháp nào là thân là nghiệp cùng ông chủ xa lìa, nhưng cũng có xa lìa. Do đây nên lại gọi là chẳng thể nghĩ bàn, khẩu và ý cũng như vậy.
Nầy Thiện nam tử! Từ nơi thân xa lìa thân, từ nơi khẩu xa lìa khẩu, từ trí huệ xa lìa chẳng phải thân chẳng phải khẩu. Thật có trí huệ nầy nhưng chẳng thể khiến Bồ tát xa lìa vì không có một pháp nào hoại được làm được. Tánh của pháp hữu vi, lúc sanh khác, lúc diệt khác. Vì thế nên trí huệ nầy chẳng thể xa lìa.
Nầy Thiện nam tử! Trí huệ chẳng thể phá, lửa chẳng thể cháy, nước chẳng thể rã, gió chẳng thể động, đất chẳng thể giữ, sanh chẳng thể sanh, lão chẳng thể lão, trụ chẳng thể trụ, hoại chẳng thể hoại, tham chẳng thể tham, sân chẳng thể sân, si chẳng thể si. Bởi tánh của pháp hữu vi lúc sanh khác, lúc diệt khác. Đại Bồ Tát trọn chẳng nghĩ rằng tôi dùng trí huệ nầy phá các phiền não mà tự nói rằng tôi phá phiền não, dầu nói như vậy nhưng chẳng phải hư vọng. Do đây nên lại gọi là chẳng thể nghĩ bàn.
Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật! “ Thế Tôn! Nay tôi mới biết Đại Bồ Tát chẳng thể nghĩ bàn, Phật, Pháp, chúng Tăng, kinh Đại Niết Bàn và người thọ trì Bồ Đề Niết Bàn đều chẳng thể nghĩ bàn.
Bạch Thế Tôn! Phật pháp vô thượng thời gian bao lâu sẽ diệt?
Nầy Thiện nam tử! Nếu đệ tử ta còn có người thọ trì đọc tụng biên chép diễn thuyết nghĩa của kinh Đại Niết Bàn, nhẫn đến năm hạnh: Thánh hạnh, Phạm hạnh, Thiên hạnh, Bệnh hạnh, Anh nhi hạnh, được chúng sanh cung kính tôn trọng tán thán cúng dàng, nên biết đó là thời kỳ Phật pháp chưa diệt.
Nầy Thiện nam tử! Nếu kinh Đại Niết Bàn lúc lưu hành đầy đủ, hàng đệ tử của ta phần nhiều phạm giới cấm tạo nghiệp ác, không kính tin kinh điển nầy, vì không tin nên chẳng thọ trì đọc tụng biên chép, giải thuyết ý nghĩa của kinh nầy, chẳng được mọi người cung kính cúng dường, lúc thấy người thọ trì lại khinh chê, nên biết đó là thời kỳ Phật pháp sắp diệt chẳng còn lâu.
Ca Diếp Bồ Tát lại bạch Phật: “ Thế Tôn! Chính tôi từng nghe Phật nói rằng: Chánh pháp của Phật Ca Diếp ở đời bảy ngày thời diệt hết.
Bạch Thế Tôn! Phật Ca Diếp có kinh Đại Niết Bàn nầy chăng? Nếu như có sao lại nói là diệt? Nếu như không có thời sao lại nói rằng kinh Đại Niết Bàn là tạng bí mật của chư Phật?
_ Nầy Thiện nam tử! Trước kia ta nói rằng chỉ có Văn Thù Sư Lợi mới hiểu được nghĩa nầy. Nay ta sẽ nói lại, ông nên chí tâm lóng nghe!
Nầy Thiên nam tử! Chư Phật có hai loại pháp: Một là thế pháp, hai là đệ nhất nghĩa pháp. Thế pháp thời có hoại diệt, đệ nhất nghĩa pháp không có hoại diệt.
Lại có hai loại: Một là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh, những pháp nầy có hoại diệt, hai là thường, lạc, ngã, tịnh, pháp nầy không hoại diệt.
Lại có hai loại: Một là pháp của nhị thừa thọ trì đây thời có hoại diệt, hai là pháp của Bồ Tát thọ trì, đây thời không hoại diệt.
Lại có hai loại: Một là ngoại pháp thời có hoại diệt, hai là nội pháp thời không hoại diệt.
Lại có hai loại: Một là pháp hữu vi thời có hoại diệt, hai là pháp vô vi thời không hoại diệt.
Lại có hai loại: Một là pháp có thể được thời có hoại diệt, hai là pháp không thể được thời không hoại diệt.
Lại có hai loại: Một là cộng pháp thời có hoại diệt, hai là bất cộng pháp thời không hoại diệt.
Lại có hai loại: Một là pháp trong loài người thời có hoại diệt, hai là pháp trong loài trời thời không hoại diệt.
Lại có hai loại: Một là mười một bộ kinh thời có hoại diệt, hai là kinh Phương Đẳng thời không hoại diệt.
Nầy Thiện nam tử! Nếu hàng đệ tử của ta thọ trì đọc tụng, biên chép giải thuyết cùng cung kính cúng dàng tôn trọng tán thán kinh Phương Đẳng Đại Thừa, nên biết đó là thời kỳ Phật pháp chẳng diệt.
Nầy Thiện nam tử! Vừa rồi ông hỏi Phật Ca Diếp có kinh nầy chăng?
Nầy Thiện nam tử! Kinh Đại Niết Bàn là tạng bí mật của tất cả Phật. Vì chư Phật dầu có mười một bộ kinh, nhưng chẳng nói Phật tánh, chẳng nói thường, lạc, ngã, tịnh của Như Lai, chẳng nói chư Phật trọn không rốt ráo nhập Niết Bàn. Vì thế nên kinh nầy gọi là tạng bí mật của Như Lai. Trong mười một bộ kinh chẳng nói đến nên gọi là tạng. Như thất bảo của người chẳng đem ra ngòai để dùng thời gọi là bảo tạng. Tài vật của người nầy chứa cất để dùng vào việc tương lai. Nghĩa là dự phòng lúc lúa gạo mắc, giặc đến xâm lăng, chính trị khổ khắc, thời dùng để chuộc mạng, hoặc đường giao thông bế tắc mới đem ra dùng. Cũng vậy, tạng bí mật của Như Lai cũng để dự phòng đời vị lai các Tỳ Kheo ác chứa vật bất tịnh, đối với tứ chúng nói Như Lai rốt ráo nhập Niết Bàn, đọc tụng sách vở thế gian, chẳng kính kinh điển của Phật. Lúc những điều ác như vậy hiện ra nơi đời, đức Như Lai vì muốn dứt các sự ác ấy nên diễn nói kinh nầy, khiến mọi người xa lìa những lợi dưỡng tà mạn. Lúc kinh tạng bí mật nầy dứt diệt, nên biết đó là thời kỳ Phật pháp diệt.
Nầy Thiện nam tử! Kinh Đại Niết Bàn thường còn chẳng biến đổi, sao ông lại hỏi rằng lúc Phật Ca Diếp có kinh nầy chăng?
Nầy Thiện nam tử! Thời kỳ Phật Ca Diếp, chúng sanh ít tham dục, nhiều trí huệ, hàng Đại Bồ Tát điều thuận nhu hòa dễ giáo hóa, có đại oai đức tổng trì chẳng quên, như Đại Tượng Vương. Cõi nước thanh tịnh. Tất cả chúng sanh đều biết Như Lai chẳng rốt ráo nhập Niết Bàn thường trụ chẳng biến đổi, nên dầu có kinh nầy mà chẳng cần diễn thuyết.
Chúng sanh đời nay phiền não nhiều, ngu si ưa giận hờn không trí huệ, lòng tin chẳng vững, nhiều nghi ngờ, cõi nước bất tịnh, chúng sanh cho rằng Như Lai vô thường dời đổi rốt ráo nhập Niết Bàn. Do cớ nầy nên Như Lai diễn thuyết kinh đây.
Nầy Thiện nam tử! Chánh pháp của Phật Ca Diếp thật chẳng diệt mất vì chánh pháp thường trụ chẳng biến đổi.
Nầy Thiện nam tử! nếu có chúng sanh đối với chơn ngã mà thấy là vô ngã, vô ngã lại thấy là có ngã, chơn thường thấy là vô thường, vô thường thấy là thường, chân lạc thấy là vô lạc, vô lạc thấy lạc, chơn tịnh thấy là bất tịnh, bất tịnh thấy là tịnh, diệt thấy là bất diệt, bất diệt thấy là diệt, tội thấy là chẳng phải tội, phi tội thấy là tội, tội nhẹ thấy là nặng, tội nặng thấy là nhẹ, thừa thấy là phi thừa, phi thừa thấy là thừa, đạo thấy là phi đạo, phi đạo thấy là đạo, thật là Bồ Đề thấy chẳng phải Bồ Đề, thật chẳng phải là Bồ Đề thấy lầm là Bồ Đề, khổ thấy chẳng phải khổ, tập thấy chẳng phải tập, diệt thấy chẳng phải diệt, đạo thấy chẳng phải đạo, thật là thế đế lại thấy là đệ nhất nghĩa đế, còn đệ nhất nghĩa đế lại thấy là thế đế, quy thấy là chẳng quy, chẳng phải quy thấy là quy, cho lời của Phật nói là lời của ma, còn thiệt lời ma lại cho là lời Phật, vào thời kỳ như trên đây chư Phật bèn nói kinh Đại Niết bàn.
Nầy Thiện nam tử! Thà nói vòi con muỗi tột đến đáy biển lớn, chẳng nên nói chánh pháp của Như Lai diệt. Thà nói rằng lấy dây vấn buộc luồng gió mạnh, thà nói lấy miệng thổi tan núi Tu Di, thà nói trong đống lửa hừng mọc bông sen, thà nói thuốc A Dà Đà là độc dược, thà nói có thể làm cho mặt trăng nóng mặt trời lạnh, thà nói bốn đại chủng đều bỏ tánh chất của nó, trọn chẳng nên nói rằng chánh pháp của Như Lai diệt.
Nầy Thiện nam tử! Lúc Phật mới ra đời chứng đặng vô thượng Bồ Đề rồi, hàng đệ tử chưa có người hiểu thấu Đại Thừa rất sâu, đức Phật đó bèn nhập Niết Bàn, nên biết chánh pháp đó chẳng ở lâu nơi đời. Nếu có hàng đệ tử đã hiểu thấu nghĩa đại thừa rất sâu, Phật dầu nhập Niết Bàn nhưng chánh pháp vẫn ở lâu nơi đời.
Nầy Thiện nam tử! Nếu Phật ra đời chứng vô thượng Bồ Đề, hàng đệ tử dầu có người hiểu nghĩa Đại Thừa rất sâu, mà không có hàng Bạch Y Đàn Việt hết lòng kính tin tôn trọng Phật pháp, khi Phật nhập Niết Bàn rồi, thời chánh pháp đó chẳng ở lâu nơi đời. Nếu có hàng Bạch Y Đàn Việt hết lòng kính tin Phật pháp. Phật dầu nhập Niết Bàn nhưng chánh pháp vẫn ở lâu nơi đời.
Nầy Thiện nam tử! Nếu Phật ra đời chứng vô thượng Bồ Đề, có các đệ tử hiểu nghĩa đại thừa rất sâu, cũng có Bạch Y Đàn Việt hết lòng kính tin tôn trọng Phật pháp, mà các đệ tử thuyết pháp lại vì danh lợi, chẳng cầu Niết Bàn, khi Phật diệt rồi thì chánh pháp chẳng ở lâu nơi đời. Trái lại nếu hàng đệ tử thuyết pháp vì cầu Niết Bàn chẳng ham danh lợi, Phật dầu nhập diệt nhưng chánh pháp vẫn ở lâu nơi đời.
Nầy Thiện nam tử! Nếu Phật ra đời chứng đặng vô thượng Bồ Đề, dầu có các hàng đệ tử hiểu nghĩa đại thừa rất sâu, cũng có hàng Bạch Y Đàn Việt hết lòng kính tin tôn trọng Phật pháp, mà các đệ tử sanh nhiều sự tranh tụng hơn thua phải quấy lẫn nhau, Phật lại nhập Niết Bàn, thời chánh pháp chẳng ở lâu nơi đời. Trái lại các đệ tử thật hành pháp hòa kính, chẳng hơn thua phải trái nhau, tôn trọng lẫn nhau, dầu Phật nhập Niết Bàn nhưng chánh pháp vẫn ở lâu chẳng diệt.
Nầy Thiện nam tử! Nếu Phật ra đời chứng vô thượng Bồ Đề, có những đệ tử hiểu nghĩa đại thừa rất sâu, cũng có hàng Bạch Y Đàn Việt hết lòng kính tin tôn trọng Phật pháp, các đệ tử vì cầu Đại Niết Bàn mà thuyết pháp, cung kính lẫn nhau, nhưng cất chứa những vật bất tịnh, lại khen rằng tôi đặng quả Tu Đà Hoàn, nhẫn đến quả A La Hán Phật lại nhập Niết Bàn thời chánh pháp đó chẳng ở lâu nơi đời. Trái lại hàng đệ tử chẳng cất chứa những vật bất tịnh cũng chẳng tự nói mình đã chứng quả Tu Đà Hoàn, nhẫn đến quả A La Hán, Phật dầu diệt độ, nhưng chánh pháp vẫn còn không diệt.
Nầy Thiện nam tử! Nếu Phật ra đời chứng vô thượng Bồ Đề có các đệ tử đủ những điều kiện trên nhưng lại chấp kiến giải của mình mà lập những dị thuyết: Nầy Trưởng lão! Giới của Phật chế, bốn giới trọng nhẫn đến bảy pháp diệt tránh, vì chúng sanh nên hoặc ngăn, hoặc mở, mười hai bộ kinh cũng như vậy. Vì Phật biết cõi nước đều sai khác, chúng sanh căn tánh lợi độn chẳng đồng vì thế nên Như Lai nói có khinh có trọng, hoặc ngăn hoặc mở. Như lương y trị bịnh người bịnh nóng thời cho uống sửa, bịnh lạnh thời ngăn không cho uống sửa. Đức Như Lai quán sát căn bịnh phiền não của chúng sanh, nên cũng mở cũng ngăn. Nầy Trưởng lão tôi đích thân nghe Phật nói nghĩa ấy, chỉ tôi biết chớ ngài không biết được, chỉ tôi hiểu luật chớ ngài không hiểu, chỉ tôi biết kinh chứ ngài không biết được. Nên biết khi Phật diệt độ chánh pháp đó chẳng ở lâu nơi đời. Trái lại hàng đệ tử đủ các điều kiện trên lại không lập dị thuyết. Phật dầu diệt độ nhưng chánh pháp vẫn ở lâu nơi đời.
Nầy Thiện nam tử! Lúc chánh pháp của ta diệt, hàng Thanh Văn đệ tử hoặc có người nói có thần, hoặc nói không thần, có trung ấm hoặc không trung ấm, có ba đời hoặc không ba đời, có ba thừa hoặc không ba thừa, hoặc nói tất cả đều có, hoặc nói tất cả đều không, hoặc nói chúng sanh có thỉ có chung, hoặc nói chúng sanh không thỉ không chung, hoặc nói có mười hai nhơn duyên là pháp hữu vi, hoặc nói là pháp vô vi, hoặc nói Như Lai có bịnh khổ, hoặc nói Như Lai không bịnh khổ, hoặc nói Như Lai không cho Tỳ kheo ăn mười thứ thịt: Thịt người, thịt rắn, thịt voi, thịt ngựa, thịt lừa, thịt chó, thịt sư tử, thịt heo, thịt chồn, thịt khỉ vượn, ngoài ra đều cho, hoặc nói tất cả thứ thịt đều không cho ăn, hoặc nói Tỳ kheo chẳng được làm năm việc: Chẳng đặng bán những thứ: Sanh vật, dao, rượu, thuốc nhuộm, dầu mè, ngoài ra đều cho, hoặc nói chẳng cho vào năm thứ nhà: Nhà hàng thịt, nhà dâm nữ, nhà rượu, cung vua, nhà Chiên-đà-la, ngoài ra đều cho, hoặc nói chẳng cho mặc y Kiều-xa-gia, ngoài ra đều cho, hoặc nói Như Lai cho các Tỳ Kheo lãnh thọ và chứa cất y phục đồ nằm trị giá mười muôn lượng vàng, hoặc nói chẳng cho, hoặc nói Niết Bàn là thường, lạc, ngã, tịnh, hoặc nói Niết Bàn chính là kiết sử dứt hết không còn có pháp gì khác nên gọi là Niết Bàn, như dệt chỉ gọi đó là y, y đã hư rách thời gọi là không y, không có pháp gì khác gọi là không y, thể của Niết Bàn cũng như vậy. Đương thời kỳ đó, các đệ tử của ta: Chánh thuyết thời ít tà thuyết thời nhiều, thọ chánh pháp thời ít, thọ tà pháp thời nhiều, thọ lời Phật thời ít, thọ lời ma thời nhiều. Bây giờ trong nước Câu Diêm Di có hai đệ tử: Một là La Hán hai là phá giới, người phá giới có năm trăm đồ chúng, La Hán có một trăm đồ chúng. Người phá giới nói đức Như Lai rốt ráo nhập Niết Bàn, chính tôi nghe Phật nói nghĩa đó, bốn giới trọng của Phật chế, nếu trì cũng được, nếu phạm cũng không tội, nay tôi cũng đặng quả A La Hán, bốn trí vô ngại, mà A La Hán cũng phạm tội như vậy, nếu bốn giới trọng thật là tội, thời A La Hán lẽ ra chẳng phạm. Lúc đức Như Lai còn ở đời bảo phải giữ gìn, đến lúc nhập Niết Bàn thời đều phóng xả.
Lúc đó A La Hán bảo Tỳ Kheo rằng: Nầy Trưởng lão ông chẳng nên nói đức Như Lai rốt ráo nhập Niết Bàn. Tôi biết đức Như Lai thường còn chẳng biến đổi. Đức Như Lai ở đời cùng lúc đã nhập Niết Bàn, phạm bốn trọng giới, tội không sai khác. Nếu nói A La Hán phạm trọng giới thời không đúng nghĩa. Vì Tu Đà Hoàn còn chẳng phạm cấm giới huống là A La Hán. Nếu Trưởng lão nói rằng tôi là A La Hán. Trưởng lão nên biết A La Hán trọn chẳng tưởng rằng tôi đặng A La Hán. A La Hán chỉ nói pháp lành chẳng nói pháp ác. Lời nói của Trưởng lão thuần là phi pháp. Nếu có người được đọc mười hai bộ kinh thời quyết định biết rằng Trưởng lão chẳng phải A La Hán.
Lúc đó đồ chúng của Tỳ Kheo phá giới liền giết A La Hán chết.
Ma Vương nhơn hai chúng giận hờn nhau bèn hại cả sáu trăm Tỳ Kheo.
Bầy giờ phàm phu trong đời đều bảo nhau rằng: Thương thay Phật pháp nay đã dứt. Nhưng chánh pháp của ta thật chẳng dứt mất, vì trong nước ấy có mười hai muôn Đại Bồ Tát khéo hộ trì pháp của ta.
Lúc bấy giờ trong Diêm Phù Đề không có một Tỳ Kheo làm đệ tử của ta. Ma Vương Ba Tuần dùng lửa đốt tất cả kinh điển. Trong đó hoặc còn sót, hàng Bà La Môn bèn trộm lấy lượm lặt để vào trong sách của họ. Do đây nên hàng Tiểu Bồ Tát, lúc Phật chưa ra đời đem nhau tin lấy lời của Bà La Môn. Hàng Bà La Môn dầu nói rằng tôi có trai giới, nhưng thiệt ra các ngoại đạo đều không có. Hàng ngoại đạo dầu nói: Có ngã, có lạc, có tịnh, nhưng thiệt ra họ chẳng hiểu nghĩa lạc, ngã, tịnh. Chính là họ lấy một chữ hai chữ một câu hai câu trong Phật pháp rồi nói là trong sách vở họ có nghĩa như vậy.
Lúc bấy giờ trong rừng Ta La Song Thọ nơi thành Câu Thi Na, vô lượng vô biên vô số đại chúng nghe lời Phật nói như trên, liền đồng tiếng xướng rằng: “Thế gian trống rỗng! Thế gian trống rỗng!”
Ca Diếp Bồ Tát bảo đại chúng: Các người chớ lo rầu khóc lóc. Thế gian chẳng trống rỗng vì Phật pháp và Tăng là thường trụ không biến đổi.
Đại chúng nghe lời nầy liền thôi khóc, tất cả đều phát tâm vô thượng Bồ Đề.