1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31
32
33
34
35
36
37
38
39
40
41
42

QUYỂN 29

Sư Tử Hống Bồ Tát bạch rằng: “ Thế Tôn! Như lời Phật nói tất cả các pháp có hai thứ nhơn là chánh nhơn và duyên nhơn. Do hai nhơn nầy lẽ ra không có trói buộc không có giải thoát: Thân ngũ ấm nầy niệm niệm sanh diệt, nó đã sanh diệt thời có gì là trói buộc và giải thoát.

Bạch Thế Tôn! Nhơn thân ngũ ấm nầy mà sanh thân ngũ ấm sau. Thân nầy tự diệt chẳng đến thân kia nhưng có thể sinh ngũ ấm kia. Như do hột sanh mọng, hột chẳng đến mọng, dầu hột chẳng đến mọng mà có thể sanh mọng. Chúng sanh cũng như vậy, thế nào có trói buộc và giải thoát?

Phật nói: “ Nầy Thiện nam tử! Lóng nghe! Lóng nghe! Ta sẽ vì ông phân biệt giải thuyết. Như người lúc chết rất khổ quyến thuộc bao quanh kêu khóc than thở, người nầy sợ hải chẳng biết cầu cứu với ai, dầu có năm giác quan mà không hay không biết, tay chưn run giựt, không thể tự chủ, thân thể lành lạnh sắp hết hơi nóng, thấy những tướng nghiệp báo thiện ác đã tạo từ trước. Như mặt trời sắp lặn, thời bóng của núi gò ngã về hướng đông, không bao giờ trở qua Tây. Nghiệp quả của chúng sanh cũng như vậy, lúc thân ngũ ấm nầy diệt thời ngũ ấm kia liền nối sanh. Như đèn cháy lên thời bóng tối mất. Đèn tắt, thời bóng tối hiện ra. Như ấn sáp in vào đất sét, ấn cùng đất sét hiệp, ấn rã, lằn chữ nổi lên, mà ấn sáp nầy chẳng biến nơi đất sét, lằn chữ chẳng phải từ đất sét ra, cũng chẳng phải chỗ khác đến, do ấn làm nhơn duyên mà sanh lằn chữ. Ngũ ấm hiện tại diệt, thân trung ấm liền sanh. Ngũ ấm hiện tại nầy trọn chẳng biến làm thân trung ấm, thân trung ấm chẳng phải tự sanh, cũng chẳng từ nơi khác đến, do thân hiện tại mà sanh thân trung ấm. Như ấn sáp in nơi đất sét, ấn rã lằn chữ thành, danh từ dầu không sai khác mà thời tiết đều riêng khác. Do đây nên ta nói thân trung ấm chẳng phải nhục nhãn thấy được, thiên nhãn mới ngó thấy. Thân trung ấm nầy có ba cách ăn: Tư thực, xúc thực, ý thực. Thân trung ấm có hai thứ: Một là nghiệp quả lành, hai là nghiệp quả ác. Do nghiệp lành nên được giác quán lành, do nghiệp ác nên được giác quán ác. Lúc cha mẹ giao hội phán hiệp theo nhơn duyên của nghiệp mà đến chỗ thọ sanh. Đối với mẹ sanh lòng thương, đối với cha sanh lòng sân. Lúc tinh của cha chảy ra cho rằng là của mình, sanh lòng vui mừng. Do nhơn duyên của ba thứ phiền não nầy, thân trung ấm diệt mà sanh, thân ngũ ấm sau. Như ấn sáp in vào đất sét ấn hư lằn chữ thành.

Lúc sanh ra những căn thân có đầy đủ cùng chẳng đủ. Người căn đầy đủ thấy sắc thời sanh lòng tham, vì tham nên gọi là ái. Do hư dối mà sanh lòng tham, vì tham nên gọi là vô minh. Do nhơn duyên tham ái và vô minh nên những cảnh giới xem thấy thảy đều điên đảo: Vô thường thấy là thường, vô ngã thấy là ngã, vô lạc thấy là lạc, bất tịnh thấy là tịnh. Do bốn thứ điên đảo nầy nên gây tạo những hạnh nghiệp thiện ác.

Phiền não gây ra nghiệp, nghiệp sanh ra phiền não, đây gọi là hệ phược. Do nghĩa nầy nên gọi là ngũ ấm sanh.

Người nầy nếu được gần gũi chư Phật, đệ tử của Phật cùng những thiện tri thức thời được nghe được học mười hai bộ kinh. Do nghe pháp nên quán những cảnh giới lành. Do quán cảnh giới lành nên được trí huệ lớn, đây gọi là chánh tri kiến. Vì được chánh tri kiến nên sanh lòng hối hận đối với sanh tử. Do tâm hối hận nầy nên chẳng ưa thích sanh tử, vì chẳng ưa thích nên phá được lòng tham, vì phá lòng tham nên tu tám thánh đạo, do tu tám thánh đạo nên được không sanh tử, vì không sanh tử nên gọi là được giải thoát. Như lửa chẳng gặp củi gọi đó là tắt. Vì tắt diệt sanh tử nên gọi là diệt độ. Do nghĩa nầy nên gọi là thân ngũ ấm diệt.

Sư Tử Hống Bồ Tát bạch rằng: “ Trong hư không chẳng có gai thế nào nói rằng nhổ? Ngũ ấm không cột trói thế nào gọi rằng hệ phược?”

Phật nói: “ Nầy Thiện nam tử! Vì xiềng xích phiền não trói buộc ngũ ấm, lìa ngũ ấm rồi thời không có phiền não riêng, lìa phiền não rồi thời không có ngũ ấm riêng.

Như cột chống đỡ nóc nhà, lìa nhà thời không cột, lìa cột thời không nhà. Thân ngũ ấm của chúng sanh cũng như vậy: Vì có phiền não gọi là hệ phược, vì không phiền não nên gọi là giải thoát.

Như nắm tay, chắp tay, cột gút, ba thứ hiệp tan sanh diệt không có thứ gì riêng. Ngũ ấm của chúng sanh cũng như vậy: Vì có phiền não gọi là hệ phược, vì không phiền não gọi là giải thoát.

Như nói danh sắc hệ phược chúng sanh, cũng gọi là chúng sanh hệ phược danh sắc.

Sư Tử Hống Bồ Tát bạch rằng: “ Thế Tôn! Như con mắt chẳng tự thấy, ngón tay chẳng tự chạm, dao chẳng tự cắt, thọ chẳng tự thọ sao đức Thế Tôn lại nói rằng danh sắc hệ phược danh sắc? Vì nói danh sắc thời chính là chúng sanh còn nói chúng sanh thời chính là danh sắc. Nếu nói danh sắc hệ phược chúng sanh thời là danh sắc hệ phược danh sắc.

Phật nói: “ Nầy Thiện nam tử! Như lúc hai tay chắp lại, thời không có cái gì khác đến chắp. Danh cùng sắc cũng như vậy. Do đây nên ta nói danh sắc hệ phược chúng sanh. Nếu rời danh sắc thời được giải thoát. Vì thế nên ta nói chúng sanh giải thoát.

Sư Tử Hống Bồ Tát bạch rằng: “ Thế Tôn!Nếu có danh sắc là hệ phược, các vị A La Hán chưa rời danh sắc, lẽ ra cũng là hệ phược!”

Phật nói: “ Nầy Thiện nam tử! Có hai thứ giải thoát: Một là tử đoạn, hai là quả đoạn”.

Tử đoạn là dứt phiền não. Các vị A La Hán đã dứt phiền não, các kiết sử đã phá hư, nên tử kiết sử dứt chẳng hệ phược được. Vì A La Hán chưa dứt quả nên gọi là quả hệ phược. Các vị A la Hán chẳng thấy Phật tánh. Vì chẳng thấy nên chẳng được vô thượng Bồ Đề. Do đây nên có thể gọi là quả hệ phược mà chẳng được gọi là danh sắc hệ phược.

Nầy Thiện nam tử! Như thắp đèn, lúc dầu chưa hết thời ánh lửa chẳng tắt. Nếu đã hết dầu, thời lửa quyết phải tắt. Dầu là dụ cho phiền não. Đèn là dụ cho chúng sanh. Vì dầu phiền não nên chúng sanh chẳng nhập Niết Bàn. Nếu dứt hết phiền não, thời tất nhập Niết Bàn.

_ Bạch Thế Tôn! Đèn cùng dầu tánh cách riêng khác còn chúng sanh và phiền não thời không phải như vậy: Chúng sanh là phiền não, cũng như phiền não là chúng sanh. Chúng sanh gọi là ngũ ấm, chính ngũ ấm gọi là chúng sanh. Ngũ ấm gọi là phiền não, cũng như phiền não gọi là ngũ ấm. Sao đức Như Lai lại dụ như đèn?

_ Nầy Thiện nam tử! Có tám thứ ví dụ: Một là thuận dụ, hai là nghịch dụ, ba là hiện dụ, bốn là phi dụ, năm là tiên dụ, sáu là hậu dụ, bảy là tiên hậu dụ, tám là biến dụ.

Thế nào là thuận dụ?

Như trong kinh nói: Trời mưa lớn mương rãnh đều đầy nước, vì mương rãng đầy nước nên hố nhỏ đầy, vì hố nhỏ đầy nên hố lớn đầy, vì hố lớn đầy nên suối nhỏ đầy, vì suối nhỏ đầy nên suối lớn đầy, vì suối lớn đầy nên ao nhỏ đầy, vì ao nhỏ đầy nên ao lớn đầy, vì ao lớn đầy nên sông nhỏ đầy, vì sông nhỏ đầy nên sông lớn đầy, vì sông lớn đầy nên biển lớn đầy.

Pháp vỏ của đức Như Lai cũng như vậy, làm cho chúng sanh đầy đủ giới hạnh! Vì giới đầy đủ nên tâm chẳng hối hận được đầy đủ: Vì tâm chẳng hối hận đầy nên lòng hoan hỷ đầy đủ, vì lòng hoan hỷ đầy nên sự viễn ly đầy đủ, vì sự viễn ly đầy nên sự an ổn được đầy đủ, vì sự an ổn đầy nên chánh định đầy đủ, vì chánh tri kiến đầy nên sự nhàm lìa đầy đủ, vì yểm ly đầy nên sự quở trách đầy đủ, vì sự quở trách đầy nên giải thoát đầy đủ, vì giải thoát đầy nên Niết Bàn đầy đủ. Đây gọi là thuận dụ vậy.

Thế nào là nghịch dụ?

Biển lớn là nguồn chính là sông lớn ; sông lớn có nguồn chính là sông nhỏ, sông nhỏ có nguồn chính là ao lớn, ao lớn có nguồn chính là ao nhỏ, ao nhỏ có nguồn chính là suối lớn, suối lớn có nguồn chính là suối nhỏ, suối nhỏ có nguồn chính là hồ lớn, hồ lớn có nguồn chính là hồ nhỏ, hồ nhỏ có nguồn chính là mương rãnh, mương rãnh có nguyồn chính là mưa to.

Cũng vậy, Niết Bàn có nguồn chính là giải thoát: Giải thoát từ quở trách, quở trách từ yểm ly, yểm ly từ chánh tri kiến, chánh tri kiến từ chánh định, chánh định từ an ổn, an ổn từ viễn ly, viễn ly từ hoan hỷ, hoan hỷ từ chẳng hối hận, chẳng hối hận từ trì giới, sự trì giới bắt nguồn từ nơi pháp võ của đức Như Lai. Đây gọi là nghịch dụ vậy.

Thế nào là hiện dụ?

Như nói tâm tánh của chúng sanh như khỉ, vượn. Tánh của khỉ, vượn bỏ cái nầy liền bắt cái kia. Cũng vậy, tâm tánh của chúng sanh bắt lấy lục trần không lúc nào tạm dừng. Đây gọi là hiện dụ vậy.

Thế nào là phi dụ?

Như xưa kia ta bảo vua Ba Tư Nặc: Đại Vương! Có người thân tín từ bốn phương đến báo với nhà vua rằng có bốn hòn núi lớn từ bốn phương đến muốn hại nhơn dân. Nếu nghe như vậy Đại Vương sẽ lập kế gì?

_ Vua đáp: Bạch Thế Tôn! Nếu có như vậy thời không còn có chỗ trốn tránh, chỉ phải chuyên tâm trì giới bố thí.

_ Ta khen rằng: Lành thay! Đại vương! Ta nói bốn hòn núi là sanh lão bịnh tử của chúng sanh. Bốn sự khổ đó thường đến bức não chúng sanh, sao Đại vương chẳng trì giới bố thí? _ Vua đáp: Bạch Thế Tôn! Trì giới bố thí được quả báo gì? Ta nói: Trì giới bố thí sẽ được hưởng sự vui sướng ở cõi trời cõi người. _ Vua nói: Bạch Thế

Tôn! Cây Ni Câu Đà trì giới bố thí cũng được hưởng phước ư? _ Ta nói cây ni câu đà chẳng thể trì giới bố thí, nếu có nó có thể làm được thời cũng được hưởng phước như người. Đây gọi là phi dụ.

Thế nào là Tiên dụ? Trong kinh nói: Như có người ưa thích hoa đẹp, lúc hái lấy bị nước cuốn trôi, chúng sanh cũng vậy vì tham ái ngũ dục mà bị sanh tử. Đây gọi là Tiên dụ.

Thế nào là hậu dụ?

Như kinh pháp cú nói:

Chớ khinh tội nhỏ,

Cho là không hại.

Giọt nước dầu ít,

Lần đầy lu lớn.

Đây gọi là hậu dụ.

Thế nào là Tiên hậu dụ?

Ví như cây chuối có trái thời chết. Người ngu được lợi dưỡng cũng như vậy. Như con la có thai thời mạng sống chẳng còn lâu. Đây là Tiên hậu dụ.

Thế nào là biến dụ?

Như trong kinh nói Trời Đao Lợi có cây Ba Lợi Chất Đa, gốc nó sâu năm do diên, cao một trăm do diên, nhánh lá bủa ra bốn phía năm mươi do diên, lúc lá chín thời màu vàng, chư Thiên xem thấy sinh lòng vui mừng. Lá nầy chẳng bao lâu rơi rụng. Chư Thiên thấy lá rụng lại sanh lòng vui mừng. Nhánh cây chẳng bao lâu sẽ đổi sắc, chư Thiên thấy nhánh đổi sắc lại sanh lòng vui mừng. Nhánh nầy chẳng bao lâu sẽ sanh nụ tròn chư Thiên thấy nụ sanh lòng vui mừng. Những nụ nầy chẳng bao lâu sẽ dài nhọn, chư Thiên lại sanh lòng vui mừng. Những nụ dài nhọn nầy chẳng bao lâu sẽ nở ra, lúc nụ nở hơi thơm khắp năm mươi do diên, chiếu sáng tám mươi do diên. Lúc đó chư Thiên ba tháng mùa hạ chơi vui dưới cây nầy.

Nầy Thiện nam tử! Hàng đệ tử của ta cũng như vậy. Lá sắc vàng dụ cho đệ tử của ta có tâm niệm muốn xuất gia. Lá rụng dụ cho đệ tử của ta cạo bỏ râu tóc. Nhánh cây đổi sắc dụ cho đệ tử của ta bạch tứ yết ma thọ giới cụ túc. Mới sanh nụ tròn dụ cho đệ tử của ta phát tâm Bồ Đề, nụ nhọn dài dụ cho Thập Trụ Bồ Tát thấy được Phật tánh. Nở xòe ra dụ cho Bồ Tát được vô thượng Bồ Đề. Mùi thơm dụ cho vô lượng chúng sanh thọ trì cấm giới, chiếu sáng dụ cho Như Lai danh hiệu vô ngại cùng khắp mười phương. Ba tháng mùa hạ dụ cho ba môn chánh định. Chư Thiên chơi vui dụ cho chư Phật ở nơi Đại Niết Bàn được thường, lạc, ngã, tịnh. Đây gọi là biến dụ.

Nầy Thiện nam tử! Phàm dẫn ví dụ bất tất phải lấy trọn hết, hoặc lấy phần ít, hoặc lấy phần nhiều, hoặc lấy hoàn toàn. Như nói gương mặt của Phật như mặt trăng tròn, đây gọi là lấy phần ít.

Ví như có người chưa bao giờ thấy sữa, hỏi người khác rằng: Sữa là giống gì? Đáp: Như nước, mật, vỏ ốc ; nước thời là tướng ướt, mật thời vị ngọt, vỏ ốc thời là màu sắc. Dầu dẫu ba thí dụ nhưng chưa phải thiệt là sữa. Ta nói ví dụ cái đèn đem dụ cho chúng sanh cũng như vậy. Ta nói lìa nước thời không có con sông, chúng sanh cũng vậy lìa năm ấm thời không còn là chúng sanh. Như ngoài thùng, gọng, trục, bánh, căm thời không còn có cái xe. Chúng sanh cũng như vậy.

Nầy Thiện nam tử! Nếu muốn đem pháp hiệp với ví dụ cái đèn kia, thời nên lóng nghe: Tim đèn dụ cho hai mươi lăm cõi, dầu dụ cho tham ái, ánh sáng dụ cho trí huệ, trừ bóng tối dụ cho phá vô minh, hơi nóng dụ cho thánh đạo. Như đèn hết dầu thời ngọn lửa tắt, chúng sanh hết tham ái thời thấy Phật tánh, tuy có danh sắc nhưng chẳng hệ phược được, tuy ở trong hai mươi lăm cõi nhưng chẳng bị các cõi làm nhiễm ô.

Bạch Thế Tôn! Ngũ ấm của chúng sanh rỗng không chẳng có gì, ai lãnh thọ giáo pháp tu tập đạo hạnh?

Nầy Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh đều có niệm tâm, huệ tâm, phát tâm, tinh tấn tâm, tín tâm, định tâm. Những tâm như vậy dầu niệm niệm diệt nhưng vẫn tương tợ tương tục chẳng dứt nên gọi là tu hành.

_ Bạch Thế Tôn! Những tâm như vậy đều niệm niệm diệt, niệm niệm diệt nầy cũng là tương tợ, tương tục, thời thế nào có sự tu tập?

_ Nầy Thiện nam tử! Như ngọn đèn dầu niệm niệm diệt mà có ánh sáng trừ bóng tối. Như chúng sanh ăn uống dầu niệm niệm diệt nhưng cũng làm cho người đói bụng no. Như thuốc hay dầu niệm niệm diệt nhưng cũng có thể làm cho bịnh được lành. Như ánh sáng mặt trời mặt trăng dầu niệm niệm diệt nhưng cũng có thể làm cho cỏ cây sanh sống.

Ông nói niệm niệm diệt thế nào tu tập?

Nầy Thiện nam tử! Vì tâm nối luôn chẳng dứt nên gọi là tu tập thêm lên. Như người đọc tụng kinh sách, những chữ những câu đọc tụng chẳng đồng một thời gian: Chữ trước chẳng đến giữa, chữ giữa chẳng đến sau, người đọc cùng với chữ và tâm tướng tất cả đều niệm niệm diệt, do vì tập lâu mà được thông thuộc.

Nầy Thiện nam tử! Như thợ kim hoàn từ lúc ban đầu tập nghề nhẫn đến đầu bạc, dầu niệm niệm diệt trước chẳng đến sau, nhưng do tích tập nên nghề giỏi khéo, do đây được gọi là thợ kim hoàn khéo. Đọc tụng kinh sách cũng như vậy.

Như hột giống kia, đất chẳng bảo rằng ngươi phải sanh mầm, vì tánh tự nhiên nên mầm tự mọc lên, nhẫn đến bông cũng chẳng bảo ngươi nên thành trái, vì tánh tự nhiên mà trái tự thành. Chúng sanh tu hành cũng như vậy.

Ví như đếm số một chẳng đến hai, hai chẳng đến ba, dầu niệm niệm diệt mà đếm đến ngàn muôn chúng sanh tu hành cũng như vậy.

Như ngọn đèn niệm niệm diệt, ngọn trước diệt chẳng bảo ngọn sau sanh. Như con nghé sanh ra bèn tìm sữa bú, trí khôn tìm sữa thiệt không ai dại dầu niệm niệm diệt mà trước thời đói thời lúc sau được no. Do đây nên biết rằng trước và sau chẳng giống nhau thời lẽ ra chẳng sai khác.

Chúng sanh tu hành cũng như vậy, lúc mới tu dầu chưa tăng tiến nhưng vì tu tập lâu thời có thể phá hoại tất cả phiền não.

Sư Tử Hống Bồ Tát bạch rằng: “ Thế Tôn! Như lời Phật nói người được chúng quả Tu Đà Hoàn rồi, dầu thác sanh cõi nước hung ác, vẫn trì giới chẳng sát sanh trộm cướp, dâm dật, vọng ngữ, uống rượu. Thân ngũ ấm của Tu Đà Hoàn đã diệt chết ở đây chẳng qua đến nơi cõi nước hung ác, người tu hành cũng chẳng đến cõi nước hung ác, nếu là tương tợ thời cớ sao chẳng sanh nơi cõi nước tịnh diệu? Nếu thân ngũ ấm ở cõi nước hung ác chẳng phải là ngũ ấm của Tu Đà Hoàn, do đâu mà được chẳng gây tạo nghiệp ác?

_ Nầy Thiện nam tử! Vị Tu Đà Hoàn dầu thác sanh cõi nước hung ác nhưng vẫn chẳng mất danh hiệu Tu Đà Hoàn, thân ngũ ấm thời chẳng tương tợ, nên ta dẫn con nghé làm dụ vị Tu Đà Hoàn dầu thác sanh cõi nước hung ác, do đạo lực nên chẳng gây tạo nghiệp ác.

Như núi Hương Sơn có Sư Tử chúa, do đây nên tất cả loài phi cầm tẩu thú không dám đến gần núi nầy. Có lúc Sư Tử chúa đây đến trong núi Tuyết, tất cả chim thú cũng vẫn chẳng đến gần núi Hương Sơn. Vị Tu Đà Hoàn cũng như vậy, dầu chẳng tu hành nhưng do đạo lực nên chẳng gây tạo nghiệp ác.

Ví như có người uống chất cam lộ, chất cam lộ nầy dầu đã tiêu hoá mất, nhưng thế lực có thể làm cho người uống chẳng già chẳng chết.

Như núi Tu Di có vị thuốc thượng diệu tên là Lăng Già Lợi, người uống vị thuốc nầy dầu niệm niệm diệt, nhưng do năng lực của thuốc làm cho người uống chẳng bao giờ phải bịnh khổ.

Như chỗ ngự của Chuyển Luân Vương, dầu vua chẳng ngự nơi đó nhưng không ai dám đến gần, đây là do oai lực của vua. Vị Tu Đà Hoàn cũng như vậy, dầu sanh nơi cõi nước hung ác, chẳng tu hành nhưng do đạo lực nên chẳng gây tạo nghiệp ác.

Thân ngũ ấm Tu Đà Hoàn chết mất ở đây, dầu sanh ngũ ấm khác, nhưng vẫn chẳng mất ngũ ấm Tu Đà Hoàn.

Ví như chúng sanh vì muốn được trái được hột nên đối với hột giống ra công săn sóc vun phân bón tưới, chưa gặp được trái được hột mà hột giống lại đã hư diệt, dầu vậy nhưng cũng được gọi là nhơn hột giống mà được trái. Ngũ ấm của Tu Đà Hoàn cũng như vậy.

Như có người sản nghiệp to tát, chỉ có một đứa con trai chết sớm, người con nầy cũng có một đứa con trai ở xứ khác. Lúc người giàu có nầy qua đời đứa cháu nội nghe tin bèn trở về lãnh lấy sản nghiệp, dầu mọi người đều biết tài sản đó chẳng phải của nó làm ra, nhưng không ai ngăn trở, vì nó là một họ, cháu ruột của phú ông. Ngũ ấm của Tu Đà Hoàn cũng như vậy.

Sư Tử Hống Bồ Tát bạch rằng: “ Thế Tôn! Như bài kệ của Phật nói:

Tỳ Kheo nếu tu tập.

Giới định và trí huệ,

Nên biết là bất thối,

Gần đến Đại Niết Bàn.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là tu giới? Thế nào là tu định? Thế nào là tu huệ?

Phật nói: “ Nầy Thiện nam tử! Nếu có người trì giới chỉ vì muốn tư lợi hưởng thọ sự vui cõi trời, cõi người, mà chẳng vì độ thoát tất cả chúng sanh, chẳng vì ủng hộ chánh pháp vô thượng, chỉ vì lợi dưỡng, sợ ba ác đạo, vì sống lâu, sắc đẹp, sức mạnh, an ổn, vô ngại biện, vì sợ luật pháp của vua, vì sợ tiếng xấu, vì sự nghiệp thế gian, vì những việc như trên mà hộ trì giới luật thời chẳng được gọi là tu tập giới luật.

Thế nào gọi là chơn thiệt tu tập giới luật? Lúc trì giới nếu vì độ thoát tất cả chúng sanh, vì hộ trì chánh pháp để độ người chưa được độ, khai ngộ người chưa tỏ ngộ, quy y người chưa quy y, người chưa nhập Niết Bàn làm cho được nhập, lúc tu tập như vậy chẳng thấy giới, chẳng thấy giới tướng, chẳng thấy người trì, chẳng thấy quả báo, chẳng tìm xem hủy phạm. Nếu có thể được như vậy thời mới gọi là tu tập giới luật.

Thế nào gọi là tu tập chánh định? Lúc tu tam muội, vì tự độ, vì lợi dưỡng, mà chẳng vì chúng sanh, chẳng vì hộ pháp, vì thấy những lỗi tham dục ăn uống, vì thấy những căn nam nữ chín lỗ bất tịnh, vì tranh đấu cãi cọ đánh đâm, giết hại lẫn nhau. Nếu vì những việc nầy mà tu tam muội, đây thời chẳng gọi là tu tập tam muội.

Thế nào gọi là chơn thật tu tam muội? Nếu tu tập tam muội là vì chúng sanh, đối với chúng sanh có tâm bình đẳng, vì làm cho chúng sanh được pháp bất thối, được thánh tâm, được đại thừa, vì muốn hộ trì pháp vô thượng, khiến cho chúng sanh chẳng thối tâm Bồ Đề, làm cho chúng sanh được Thủ Lăng Nghiêm tam muội, được Kim Cang tam muội, được Đà La Ni, được tứ vô ngại, được thấy Phật tánh. Lúc thật hành chẳng thấy tam muội, chẳng thấy tướng tam muội, chẳng thấy người tu, chẳng thấy quả báo. Nếu có thể như vậy thời gọi là tu tập chánh định.

Thế nào gọi là tu tập trí huệ? Nếu có người tu hành suy nghĩ như vầy: Nếu tôi tu tập trí huệ nầy thời được thoát khỏi ba ác đạo? Ai có thể làm lợi ích cho tất cả chúng sanh? Ai có thể ở trong đường sanh tử mà độ mọi người? Phật xuất hiện ra đời khó gặp như hoa Ưu Đàm, nay tôi có thể dứt phiền não kiết sử được quả giải thoát, nên tôi phải siêng năng tu hành trí huệ, để sớm dứt phiền não mau được giải thoát. Tu tập như vậy chẳng được gọi là tu tập trí huệ.

Thế nào gọi là chơn thật tu tập trí huệ? Người trí nếu quan sát sự khổ sanh lão bịnh tử, tất cả chúng sanh bị vô minh che đậy, chẳng biết tu tập đạo vô thượng. Nguyện thân tôi nhận lấy khổ não thay thế chúng sanh. Bao nhiêu những sự bần cùng hạ tiện phá giới, những nghiệp tham sân si của chúng sanh, nguyện tất cả đều đến nhóm chất trên thân tôi. Nguyện cho chúng sanh chẳng tham đắm, chẳng bị danh sắc trói buộc mau thoát khỏi sanh tử, chỉ để một thân tôi ở nơi sanh tử chẳng mõi nhàm. Nguyện cho tất cả chúng sanh đều được vô thượng Bồ Đề. Lúc tu tập như vậy chẳng thấy trí huệ, chẳng thấy tướng trí huệ, chẳng thấy người tu, chẳng thấy quả báo, đây thời gọi là tu tập trí huệ.

Nầy Thiện nam tử! Người tu tập giới định huệ như vậy thời gọi là Bồ Tát. Người không thể tu tập giới định huệ như vậy thời gọi là Thanh Văn.

Thế nào lại gọi là tu tập giới hạnh?Nếu có thể phá hoại mười sáu ác luật nghi của tất cả chúng sanh: Một là vì lợi mà nuôi dê, trừu cho mập để bán, hai là vì lợi mua dê trừu để làm thịt, ba là vì lợi nuôi heo cho mập để bán, bốn là vì lợi mua heo để làm thịt, năm là vì lợi nuôi bò con cho mập để bán, sáu là vì lợi mua bò để làm thịt, bảy là vì lợi nuôi gà cho mập để bán, tám là vì lợi mua gà để làm thịt, chín là câu cá, mười là thợ săn, mười một là cướp giựt, mười hai là thái thịt, mười ba là lưới chim, mười bốn là lưỡng thiệt, mười lăm là lính giữ ngục, mười sáu là bùa chú bắt rồng. Có thể vì chúng sanh mà dứt hẳng mười sáu nghiệp ác như vậy thời gọi là tu tập giới hạnh.

Thế nào là tu định? Có thể dứt tất cả tam muội thế gian, như vô thân tam muội có thể làm cho chúng sanh có tâm điên đảo cho là Niết Bàn, cùng những tam muội hữu biên tâm, vô biên tâm, tịnh tụ, thế biên, thế đoạn, thế tánh, thế trượng phu, phi tưởng, phi phi tưởng, những môn định nầy có thể làm chúng sanh có tâm điên đảo cho là Niết Bàn. Nếu có thể dứt hẳn những tam muội như vậy thời gọi là tu tập chánh định.

Thế nào gọi là tu tập trí huệ? Có thể phá những ác kiến của thế gian.

Tất cả chúng sanh đều có ác kiến: Chấp sắc là ngã là ngã sở, trong sắc có ngã, trong ngã có sắc, nhẫn đến chấp thức cũng như vậy. Thường tức là ngã, sắc diệt ngã còn. Sắc tức là ngã sắc diệt ngã cũng diệt. Lại có người cho rằng: Tác giả là ngã, thọ giả là sắc. Lại có người nói: Tác giả là sắc, thọ giả là ngã. Lại có người nói: Không tác giả, không thọ giả, tự sanh, tự diệt đều chẳng phải nhơn duyên. Lại có người nói: Không tác giả, không thọ giả, đều là Tự Tại Thiên chỗ tạo ra. Lại có người nói: Không tác giả, không thọ giả, tất cả đều do thời tiết làm ra. Lại có người nói: Không tác giả, không thọ giả. Địa, thủy, hỏa, phong, không, năm đại nầy gọi là chúng sanh.

Nếu có thể phá hoại những ác kiến của chúng sanh như vậy thời gọi là tu tập trí huệ.

Nầy Thiện nam tử! Tu tập giới hạnh để cho thân được tịch tịnh. Tu tập chánh định để cho tâm được tịch tịnh. Tu tập trí huệ để phá trừ lòng nghi. Phá trừ lòng nghi là để tu tập Phật đạo. Người tu tập Phật đạo là để được thấy Phật tánh. Thấy Phật tánh để được vô thượng Bồ Đề. Được vô thượng Bồ Đề thời được vô thượng Đại Niêt Bàn. Được Đại Niết Bàn để dứt tất cả sanh tử, tất cả phiền não, tật cả cõi, tất cả đế của tất cả chúng sanh. Dứt sanh tử nhẫn đến dứt tất cả đế là để được thường, lạc, ngã tịnh vậy.

Sư Tử Hống Bồ Tát bạch rằng: “ Thế Tôn! Như lời Phật nói nếu bất sanh bất diệt gọi là Đại Niết Bàn, thời sanh cũng là bất sanh bất diệt như vậy, cớ sao chẳng được gọi là Niết Bàn?

Nầy Thiện nam tử! Đúng như lời của ông nói. Sanh dầu cũng là bất sanh bất diệt nhưng có thỉ có chung.

_ Bạch Thế Tôn! Pháp sanh tử nầy cũng là vô thỉ vô chung. Nếu là vô thỉ vô chung thời gọi là thường, thường trụ tức là Niết Bàn, cớ sao chẳng gọi sanh tử là Niết Bàn?

_ Nầy Thiện nam tử! Pháp sanh tử nầy đều có nhơn có quả, vì có nhơn quả nên chẳng được gọi là Niết Bàn. Thể tánh của Niết Bàn vốn không nhơn quả.

_ Bạch Thế Tôn! Luận về Niết Bàn cũng có nhơn quả như bài kệ của Phật nói:

Từ nhơn nên sanh cõi trời,

Từ nhơn mà đọa ác đạo,

Từ nhơn nên được Niết Bàn,

Do đây nên đều có nhơn.

Xưa kia Phật bảo các Tỳ Kheo: Nay ta sẽ nói đạo quả của Sa Môn. Nói là Sa Môn đó nghĩa là người có thể tu tập hoàn toàn đạo hạnh giới định huệ, đạo hạnh nầy là bát thánh đạo. Quả của Sa Môn chính là Niết Bàn.

Bạch Thế Tôn! Niết Bàn như vậy há chẳng phải là quả ư? Cớ sao hôm nay đức Phật nói rằng thể của Niết bàn không nhơn, không quả?

Nầy Thiện nam tử! Ta tuyên nói nhơn của Niết Bàn chính là Phật tánh, tánh của Phật tánh chẳng sanh Niết Bàn, nên ta nói Niết Bàn không có nhơn. Vì có thể phá phiền não nên gọi là quả Đại Niết Bàn. Niết Bàn nầy chẳng từ nơi đạo hạnh sanh ra nên gọi là không có quả. Do đây nên Niết Bàn là không nhơn, không quả.

_ Bạch Thế Tôn! Phật tánh của chúng sanh là chung có hay là riêng có? Nếu là chung có thời một người lúc được vô thượng Bồ Đề lẽ ra tất cả chúng sanh cũng đồng được. Như hai mươi người đồng có một kẻ oán thù, nếu một người trừ được kẻ thù, thời mười chín người kia cũng đồng hết người thù. Phật tánh cũng như vậy, lúc một người đặng thời lẽ ra những người khác cũng đồng đặng.

Nếu mỗi chúng sanh riêng có Phật tánh thời Phật tánh là vô thường, vì có thể tính đếm được. Nhưng Phật nói: Phật tánh của chúng sanh chẳng phải một chẳng phải hai. Nếu là riêng có, thời lẽ ra chẳng nên nói rằng chư Phật bình đẳng, cũng chẳng nên nói rằng Phật tánh như hư không.

_ Nầy Thiện nam tử! Phật tánh của chúng sanh chẳng một chẳng hai. Chư Phật bình đẳng, dường như hư không. Tất cả chúng sanh đồng chung có đó. Nếu người có thể tu bát thánh đạo, nên biết người nầy được thấy rõ.

Nầy Thiện nam tử! Trên núi Tuyết có thứ cỏ tên nhẫn nhục, nếu bò ăn cỏ nầy thời sanh ra chất đề hồ, Phật tánh của chúng sanh cũng như vậy.

_ Bạch Thế Tôn! Cỏ nhẫn nhục đó là một hay là nhiều? Như là một, bò ăn thời hết. Nếu là nhiều sao Phật lại nói Phật tánh của chúng sanh cũng như vậy?

Như Phật nói: Nếu có người tu tập bát thánh đạo thời được thấy Phật tánh. Lời đây chẳng đúng nghĩa, vì thánh đạo nếu là một như cỏ nhẫn nhục thời lẽ ra phải hết. Nếu thánh đạo có hết, thời một người tu xong những người khác không có phần. Thánh đạo nếu là nhiều, thời thế nào nói rằng tu tập đầy đủ, cũng chẳng được gọi là tác bà nhã trí.

_ Nầy Thiện nam tử! Như đường bằng thẳng, tất cả chúng sanh đồng đi trên đường không chướng ngại nhau. Giữa đường có cây to bóng mát, người đi đường nghỉ ngơi dưới bóng cây. Bóng cây nầy vẫn thường như vậy, chẳng biến đổi, chẳng hư mất, cũng chẳng ai mang đi.

Đường bằng thẳng dụ cho chánh đạo, bóng mát dụ cho Phật tánh.

Ví như thành lớn chỉ có một cửa, dầu đông người đồng do một cửa nầy ra vào nhưng đều không chướng ngại, cũng không ai phá hoại hoặc mang đem đi.

Ví như cây cầu nhiều người đi trên đó cũng không chướng ngại không ai phá hoại mang đi.

Ví như lương y trị đủ các chúng bịnh, không ai cấm ngăn lương y nầy trị người đây bỏ người kia.

Thánh đạo và Phật tánh cũng như vậy.

Bạch Thế Tôn! Những điều dụ của Phật dẫn ra đây, theo nghĩa thời chẳng phải. Vì người trước ở trên đường thời trở ngại cho người đi sau, sao lại nói là không chướng ngại. Những điều dụ khác cũng như vậy.

Thánh đạo cùng Phật tánh nếu là như vậy, thời lúc một người tu hành lẽ ra trở ngại những người khác.

Nầy Thiện nam tử! Như lời ông vừa gạn hỏi, xét nơi nghĩa thời chẳng tương ưng. Những điều dụ của ta dẫn ra là dụ phần ít chẳng phải dụ tất cả.

Nầy Thiện nam tử! Con đường ở đời thời có chướng ngại, kia khác với đây, không có bình đẳng. Đạo vô lậu thời chẳng như vậy, có thể làm cho chúng sanh không có chướng ngại, luôn bình đẳng không hai, không có kia đây sai khác. Thánh đạo như vậy có thể làm liễu nhơn cho Phật tánh của tất cả chúng sanh, mà chẳng làm sanh nhơn. Như ngọn đèn sáng soi rõ các đồ vật.

Nầy Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh đều đồng vô minh làm nhơn duyên cho hành nghiệp. Không thể nói rằng một người vô minh làm nhơn duyên cho hành nghiệp rồi những người khác lẽ ra không có. Tất cả chúng sanh đều có vô minh làm nhơn duyên cho hành nghiệp, do đây nên nói rằng mười hai nhơn duyên tất cả đều bình đẳng.

Chúng sanh tu hành đạo vô lậu cũng như vậy, đồng dứt phiền não tứ sanh, các cõi các đường, do nghĩa nầy nên gọi là bình đẳng. Những người đã chứng được, kia đây thấy biết không có chướng ngại, nên được gọi là tát bà nhã trí.

_ Bạch Thế Tôn! Tất cả chúng sanh chẳng phải đồng một thân: Hoặc là thân người, thân súc sanh, thân ngạ quỉ, thân địa ngục, những thân sai khác như vậy tại sao nói rằng Phật tánh là một?

_ Nầy Thiện nam tử! Như có người để chất độc trong sữa, sữa thành lạc nhẫn đến thành đề hồ, danh tự dầu biến đổi nhưng chất độc chẳng mất, nếu uống đề hồ cũng có thể bị độc mà chết, thật ra chẳng để độc trong đề hồ.

Phật tánh của chúng sanh cũng như vậy dầu ở trong thân sai khác của năm loài, nhưng Phật tánh nầy vẫn thường trụ duy nhứt không biến đổi.

_ Bạch Thế Tôn! trong mười sáu nước lớn, có sáu thành lớn: Thành Xá Bà Đề, thành Bà Chỉ Đa, thành Chiêm Bà, thành Tỳ Xá Ly, thành Ba La Nại, thành Vương Xá, tại sao đức Như Lai bỏ những thành lớn ấy mà đến nơi thành Câu Thi Na nhỏ hẹp xấu xa nầy để nhập Niết Bàn?

_ Nầy Thiện nam tử! Ông chẳng nên nói rằng thành Câu Thi Na là nhỏ hẹp xấu xa, mà nên nói rằng thành nầy có nhiều công đức trang nghiêm tốt đẹp, vì chỗ nầy là chỗ mà chư Phật và Bồ Tát thường đi đến. Như nhà của người dân hèn, nếu có vua đi qua, thời nên tán thán nhà nầy là phước đức trang nghiêm, nên nhà vua mới ngự giá đến.

Như người bịnh nặng uống chất thuốc dơ xấu, uống xong bịnh liền lành, thời nên vui mừng khen ngợi thuốc nầy là rất hay, rất tốt, chữa lành được bịnh của tôi.

Như người đi ghe ở trong biển lớn, bị ghe hư chìm nhơn ôm tử thi mà được vào bờ, đã đến bờ rồi thời nên vui mừng khen ngợi rằng tôi nhờ tử thi nầy mà được an ổn.

Thành Câu Thi Na nầy cũng như vậy, là chỗ đi của chư Phật Bồ Tát, sao ông lại nói rằng là chỗ hẹp nhỏ xấu xa.

Nầy Thiện nam tử! Ta nhớ thuở xa xưa cách đây hằng hà sa kiếp. Kiếp ấy hiệu là Thiện Giác. Lúc đó có vị Thánh Vương họ Kiều Thi Ca, bảy báu, ngàn con đều đầy đủ. Vua nầy là người ban đầu xây dựng thành trì nơi đây, ngang rộng đều mười hai do diên, bảy báu trang nghiêm, có nhiều con sông, nước sông trong sạch nhu nhuyễn ngon ngọt: Sông Ni Liên Thiền, sông Y La Bạt Đề, sông Hy Liên Thiền, sông Y Sưu Mạc Hoàn, sông Tỳ Bà Xá Na. Tất cả có năm trăm con sông như vậy. Hai bên bờ sông cây cối rậm rạp, hoa trái sum sê. Người thời ấy sống lâu vô lượng. Vua Chuyển Luân Thánh Vương qua khỏi trăm năm bèn xướng lên rằng: Như lời Phật nói tất cả pháp đều vô thường, nếu ai có thể tu tập mười pháp lành thời dứt được sự vô thường khổ não ấy. Toàn thể nhơn dân nghe Thánh Vương truyền ra như vậy, đều phụng trì mười pháp lành. Thuở đó ta nghe danh hiệu của Phật, suy nghĩ tu tập mười pháp lành, ban đầu phát tâm vô thượng Bồ Đề. Ta phát Bồ Đề tâm rồi lại đem pháp lành nầy chỉ dạy vô lượng vô biên chúng sanh, giảng nói tất cả pháp đều vô thường biến hoại.

Do cớ trên đây nên hôm nay ta ở nơi chỗ nầy tiếp tục giảng nói các pháp đều vô thường biến hoại, chỉ có thân của Phật là pháp thường trụ. Ta nhớ việc đời trước nên đến nơi đây để nhập Niết Bàn, cũng là muốn đền đáp ơn đời trước chính tại chỗ nầy ta thật hành pháp lành phát tâm Bồ Đề. Vì thế nên trong kinh ta nói: Quyến thuộc của ta thọ ơn đều có thể báo đáp.

Nầy Thiện nam tử! Thuở xưa lúc chúng sanh tuổi thọ vô lượng, thời thành nầy hiệu là Câu Xa Bạt Đề, ngang rộng năm mươi do diên. Thuở ấy trong Diêm Phù Đề người ở khít nhau. Có vua Chuyển Luân Thánh Vương hiệu là Thiện Kiến, thất bảo và ngàn con đều đầy đủ, cai trị khắp bốn cõi. Vị Thái Tử thứ nhứt xuất gia tu hành được thành Bích Chi Phật. Thánh Vương thấy Thái Tử của mình thành Bích Chi Phật oai đức trang nghiêm, thần thông hi hữu, liền vất bỏ ngôi vua như nhổ bỏ nước mũi dãy, xuất gia nơi rừng Ta La nầy, trải qua tám muôn năm tu tập từ tâm, tám muôn năm tu tập bi tâm, tám muôn năm tu tập hỷ tâm, tám muôn năm tu tập xả tâm.

Nầy Thiện nam tử! Nên biết rằng Thánh Vương Thiện Kiến thuở xưa chính là thân của ta. Do đây nên ngày nay ta thường ưa thích thật hành bốn pháp nầy, bốn pháp nầy gọi là chánh định. Do nghĩa nầy nên thân Như Lai là thường, lạc, ngã, tịnh.

Nầy Thiện nam tử! Vì cớ trên đây nên hôm nay ta đến nơi thành Câu Thi Na nầy ở trong rừng Ta La Song Thọ mà nhập tam muội chánh định.

Nầy Thiện nam tử! Ta nhớ thuở xưa cách đây vô lượng kiếp, thành nầy hiệu là Ca Tỳ La Vệ, trong thành có vua hiệu là Bạch Tịnh, phu nhơn hiệu là Ma Da, vua chỉ có một Thái Tu tên là Tất Đạt Đa. Lúc đó Thái Tử chẳng học với Thầy, tự mình tư duy tu tập chứng được vô thượng Bồ Đề. Có hai người đệ tử: Xá Lợi Phật và Đại Mục Kiền Liên. Đệ tử thị giả tên là A Nan. Đức Thế Tôn ấy ở trong rừng Song Thọ diễn nói kinh Đại Niết bàn.

Lúc đó ta được dự pháp hội, nghe Phật nói chúng sanh đều có Phật tánh. Nghe xong ta liền được bực bất thối chuyển, liền phát nguyện rằng. Nguyện đời vị lai lúc tôi được thành Phật, cha, mẹ, cõi nước, danh hiệu, đệ tử,thị giả, thuyết pháp giáo hóa, tất cả đều đồng như đức Thế Tôn. Do nhơn duyên phát nguyện thuở xưa, nên hôm nay ta đến nơi đây diễn nói kinh Đại Niết Bàn.

Nầy Thiện nam tử! Lúc ta mới xuất gia chưa được vô thượng Bồ Đề, vua Tần Bà Ta La sai sứ đến thưa với ta rằng: Thái Tử Tất Đạt Đa nếu làm Thánh Vương thời tôi sẽ là hạng thần thuộc. Nếu Thái Tử xuất gia được vô thượng Bồ Đề, xin trước đến nơi thành Vương Xá để thuyết pháp độ người và thọ sự cúng dường của tôi: Lúc đó ta yên lặng nhận lời thỉnh của vua Tần Bà Ta La.

Nầy Thiện nam tử! Lúc ta mời được vô thượng Bồ Đề, bèn đi về hướng nước Kiệt Xà. Lúc đó nơi sông Y Liên Thiền có nhà Bà La Môn họ Ca Diếp cùng năm trăm đệ tử ở bên sông cầu đạo vô thượng. Ta vì người nầy nên đến thuyết pháp. Ca Diếp nói: Thưa Cù Đàm! Nay tôi đã già một trăm hai mươi tuổi, trong nước Ma Già Đà, tất cả nhơn dân cùng vua Tần Bà Ta La, đều cho rằng tôi đã chứng quả A La Hán. Nếu nay tôi ở trước Cù Đàm mà nghe pháp thời tất cả mọi người sẽ sanh lòng nghi ngờ. Trông mong Cù Đàm mau đi chỗ khác. Nếu mọi người biết rõ rằng công đức của Cù Đàm hơn tôi, thời chúng tôi sẽ mất sự cúng dường.

Lúc đó ta đáp rằng: Nầy ông Ca Diếp. Nếu ông chẳng tôn trọng ta, chẳng thích ta ở đây, xin cho ta nghỉ nhờ một đêm sáng sớm sẽ đi.

Ca Diếp nói: Thưa Cù Đàm, tôi không có lòng gì khác, thật ra tôi rất kính mến Cù Đàm. Ngặt vì chỗ ở của tôi có một con rồng độc tánh nó hung dữ, sợ rằng nó làm hại Cù Đàm.

Ta nói: Ông Ca Diếp! Độc trong các thứ độc không gì hơn ba thứ độc, nay ta đã dứt, tất cả thứ độc trong đời ta đều chẳng sợ.

Ca Diếp lại nói: Nếu Cù Đàm không sợ xin mời đến ở.

Lúc đó ta có ý vì Ca Diếp mà hiện mười tám môn thần biến. Ca Diếp cùng năm trăm đệ tử thấy thần thông nghe ta thuyết pháp đều chứng quả A La Hán.

Lúc đó Ca Diếp lại có hai người em: Già Da Ca Diếp, Na Đề Ca Diếp. Hai người nầy có năm trăm đệ tử, nghe ta thuyết pháp cũng đều chứng quả A La Hán.

Lúc đó trong thành Vương Xá, hàng lục sư ngoại đạo nghe việc nầy, liền sanh lòng rất ác đối với ta. Lúc đó ta nhận lấy lời thỉnh của vua Tần Bà Ta La đi đến thành Vương Xá. Giữa đường gặp vua cùng trăm ngàn người đón rước. Ta vì đại chúng nầy thuyết pháp. Tám muôn sáu ngàn chư Thiên cõi dục phát tâm vô thượng Bồ Đề. Mười hai muôn người đi theo vua Tần Bà Ta La được quả Tu Đà Hoàn. Vô lượng chúng sanh thành tựu nhẫn tâm.

Sau khi ta vào thành, độ ông Xá Lợi Phất và Đại Mục Kiền Liên cùng hai trăm năm mươi đệ tử của hai người, đều khiến bỏ tâm ngoại đạo theo ta xuất gia. Ta liền ở nơi thành Vương Xá nhận lấy sự cúng dường của vua Tần Bà Ta La. Hàng lục sư ngoại đạo hợp nhau qua ở nơi thành Xá Vệ.

Trong thành Xá Vệ có một Trưởng giả tu Tu Đạt Đa, nhơn việc hỏi vợ cho con nên đến thành Vương Xá, ngụ ở nhà của trưởng giả San Đàn Na. Giữa đêm Trưởng giả dạy bảo các quyến thuộc lo quét rửa trần thiết nhà cửa cùng sắm sửa những thức ăn uống.

Ông Tu Đạt Đa nghĩ rằng: Nhà nầy hoặc sắp sửa thỉnh vua, hay có lễ gả cưới hội hè gì chăng? Ông đem ý mình nghĩ mà hỏi Trưởng giả San Đàn Na. Được biết sáng ngày sẽ thỉnh Phật cùng giáo hội chư Tăng đến phó trai.

Ông Tu Đạt Đa nghe đến danh hiệu Phật, cả mình rởn ốc, liền hỏi rằng thế nào gọi là Phật? Trưởng giả đáp: Ông chẳng biết ư! Thành Ca Tỳ Đàm có Thái Tử Thích Ca hiệu là Tất Đạt Đa, họ Cù Đàm, Phụ Vương là Bạch Tịnh. Lúc Thái Tử sanh ra, các nhà tướng sư bàn quyết định sẽ được làm Chuyển Luân Thánh Vương. Lớn lên Thái Tử bỏ sự giàu sang mà xuất gia, không thầy được giác ngộ chứng vô thượng Bồ Đề, hết tham, sân, si, thường trụ không biến đổi, chẳng sanh chẳng diệt, chẳng còn lo sợ. Đối với chúng sanh tâm ngài bình đẳng thương đồng như cha mẹ thương con một. Dầu cao thượng hơn tất cả mà ngài không kiêu mạn. Với người kính mến cũng như với người ghét hại, lòng ngài không phân biệt. Trí huệ thông suốt đối với tất cả pháp không chướng ngại, đầy đủ mười trí lực, bốn vô sở úy, năm trí, đại từ, đại bi và tứ niệm xứ, do đầy đủ những công đức trên đây nên hiệu là Phật. Vì sáng ngày đức Phật sẽ đến nhà tôi thọ trai nên phải rộn ràng lo sắp đặt chẳng rỗi rảnh tiếp đãi nhau.

Tu Đạt Đa nói: Lành thay! Thưa trưởng giả! Đức Phật thật là công đức vô thượng, hiện nay Phật ngự tại đâu?

Trưởng giả đáp: Hiện nay Phật đang ở tại Trúc Lâm Tịnh xá nơi thành Vương Xá nầy.

Lúc đó ông Tu Đạt Đa nhứt tâm nghĩ tưởng đến công đức của chư Phật. Bổng nhiên có ánh sáng như ban ngày chiếu đến. Ông liền theo ánh sáng đi đến cửa thành, do thần lực của Phật nên cửa thành tự mở. Ra khỏi cửa thành bên đường có miếu thờ trời, ông Tu Đạt Đa vô miễu lễ cúng. Lúc đó trời tối lại như cũ, ông sanh lòng sợ sệt bèn muốn trở về nhà ngủ. Trên cửa thành có Thiên Thần bảo Tu Đạt Đa rằng: Nếu ông đến chỗ đức Như Lai thời sẽ được nhiều lợi ích lành tốt.

Ông Tu Đạt Đa thưa với thiên thần thế nào là lợi ích lành tốt?

Thiên Thần đáp: Nầy Trưởng giả! Giả sử có người đem trăm xe châu báu vàng bạc cùng voi ngựa và mỹ nữ, nhà cửa chạm trổ tốt đẹp, mâm vàng đựng lúa bạc, mâm bạc đựng lúa vàng, mỗi thứ đều đủ số một trăm, đem tất cả những thứ trên đây bố thí cho một người, lần lượt bố thí khắp tất cả người trong Diêm Phù Đề. Công đức bố thí nầy chẳng bằng có người phát tâm bước một bước đến chỗ Như Lai.

Tu Đạt Đa hỏi: Ngài là ai?

Đáp rằng: Nầy Trưởng giả! Tôi là Thắng Tướng Bà La Môn, bạn cũ của ông. Lúc còn sống, tôi thấy ngài Xá Lợi Phất và ngài Mục Kiền Liên sanh lòng hoan hỷ cung kính, do đó được sanh làm Thái Tử của Tỳ Sa Môn Thiên Vương, có bổn phận hộ trì thành Vương Xá nầy. Chỉ do cung kính ngài Xá Lợi Phất và ngài Đại Mục Kiền Liên mà tôi còn được thân trời tốt đẹp thế nầy, huống là được thấy đức Như Lai để đảnh lễ cúng dường!

Trưởng giả Tu Đạt Đa liền thẳng đường đến chỗ Phật, từ xa thấy Phật đi kinh hành thân chiếu sáng màu vàng, ông liền đến đảnh lễ dưới chơn Phật. Lúc đó đức Phật vì ông mà thuyết pháp. Sau khi nghe pháp, Trưởng giả Tu Đạt Đa chứng đặng quả Tu Đà Hoàn. Ông lại thỉnh Phật đến thành Xá Vệ để giáo hoá mọi người.

Đức Phật hỏi: “ Nước Xá Vệ của ông có Tinh Xá có thể dung nạp giáo hội của ta chăng?” Tu Đạt Đa thưa: “ Nếu đức Phật xót thương hứa khả, tôi xin tận lực về nước lo xây dựng. Ông lại bạch cùng Phật từ nào tới giờ tôi chưa hiểu cách thức kiến trúc Tinh Xá. Mong đức Phật cử một vị đến Xá Vệ chỉ bày cách thức cho.

Đức Phật liền sai ngài Xá Lợi Phất theo Trưởng giả Tu Đạt Đa qua thành Xá Vệ.

Về đến Xá Vệ, Trưởng giả Tu Đạt Đa thỉnh ngài Xá Lợi Phất chọn khu đất xứng đáng để lập Tinh Xá. Ngài Xá Lợi Phất chọn được khu vườn của Kỳ Đà Thái Tử. Trưởng giả Tu Đạt Đa liền vào cung thưa với Thái Tử xin nhường khu vườn ấy để mình lập Tinh Xá thỉnh Phật về ở.

Thái Tử đáp rằng: Tôi không bán vườn, hoặc giả có đem vàng lót khắp mặt đất ta sẽ đổi cho.

Trưởng giả Tu Đạt Đa mừng rỡ thưa rằng: “ Khu vườn ấy sẽ thuộc về tôi, Thái Tử sẽ lấy vàng.”

Thái Tử nói ta không bán vườn.

Trưởng giả Tu Đatï Đa thưa nếu Thái Tử không bằng lòng xin đến quan đoán sự để giải quyết.

Quan đoán sự bảo rằng: “ Cứ theo lời của Thái Tử và Trưởng giả giao ước với nhau thời vườn thuộc về Trưởng giả, Thái Tử lấy vàng.”

Trưởng giả Tu Đạt Đa liền cho voi ngựa chở vàng đến lót, trong một ngày lót gần khắp cả vườn chỉ còn năm trăm bước.

Thái Tử nói: “ Nếu Trưởng giả hối hận thời tùy ý trả vườn lại tôi”.

Trưởng giả thưa: “ Tôi chẳng hối hận, tôi đương suy nghĩ coi kho vàng nào đủ lót khoảng đất còn lại.

Thái Tử nghĩ rằng: “ Có lẽ đức Phật thiệt là đấng Pháp vương vô thượng, nên khiến ông nầy không tiếc vàng như vậy. Thái Tử liền bảo Trưởng giả Tu Đạt Đa thôi đừng đem vàng lót nữa, tôi xin dâng hết đất vườn, và tự xây dựng cửa ngõ lầu, để đức Như Lai thường do nơi đó mà ra vào.

Sau đó Thái Tử Kỳ Đà xây dựng cửa ngõ lầu. Trưởng giả Tu Đạt Đa trong bảy ngày dựng xong ba trăm căn phòng lớn, sáu mươi ba tòa thiền, phòng tịch tịnh, cùng nhà mùa đông, nhà mùa hạ, nhà trù, nhà tắm, chỗ rửa chân, nhà đại tiểu tiện, tất cả cơ sở đều đầy đủ. Trưởng giả tay bưng lư hương quỳ hướng về thành Vương Xá mà bạch rằng: Tinh Xá xây dựng đã xong, ngưỡng mong đức Như Lai xót thương vì chúng sanh mà nhận ở nơi Tinh Xá nầy.

Lúc đó đức Phật ở thành Vương Xá rõ biết tâm niệm của Trưởng giả Tu Đạt Đa, liền cùng đại chúng rời thành Vương Xá đến nước Xá Vệ. Trưởng giả đem tất cả giừơng nhà đã xây dựng phụng thí nơi Phật. Phật nhận lấy rồi cùng chúng tăng ở lại Tịnh xá Kỳ Hoàn.

    Xem thêm:

  • Kinh Trường Bộ (Dìgha Nikàya) – HT Thích Minh Châu dịch (Trọn bộ) - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích (trọn bộ 9 tập) – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 9 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 8 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 7 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 6 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 5 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 4 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 3 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 2 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 1 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ (Majjhima Nikaya) – HT Thích Minh Châu dịch (trọn bộ) - Kinh Tạng
  • Kinh Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikàya) – HT Thích Minh Châu dịch (trọn bộ) - Kinh Tạng
  • Kinh Văn Thù Sư Lợi Bát Niết Bàn – Thích Nữ Thành Thông dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Bát Nhã Ba La Mật – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Tăng Nhất A-Hàm – HT Thích Thanh Từ dịch (trọn bộ) - Kinh Tạng
  • Kinh Tương Ưng Bộ (Samyutta Nikàya) – HT Thích Minh Châu dịch (trọn bộ) - Kinh Tạng
  • Kinh Chú Tối Thắng Phật Đỉnh Đà La Ni Tịnh Trừ Nghiệp Chướng - Kinh Tạng
  • Kinh Bách Dụ – Thích Tâm Châu dịch - Kinh Tạng