1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13

Phẩm 11: PHÁT BỒ-ĐỀ TÂM

Bấy giờ, Đức Thế Tôn đã đạt được Quán đỉnh bảo quan của tất cả Như Lai, vượt qua ba cõi đã viên mãn được Đà-la-ni tự tại, đã chứng đắc viên mãn được Tam-ma-địa tự tại, thành tựu được tốt đẹp trí Nhất thiết trí, Nhất thiết chủng trí và hay làm mọi sự sai biệt đối với hữu tình.

Khi Đức Thế Tôn vì các chúng sinh tuyên thuyết về pháp môn Quán tâm thâm diệu rồi, Ngài bảo Đại Bồ tát Văn Thù Sư Lợi:

– Đại thiện nam, Ta đã vì chúng sinh nói về tâm địa rồi, nay Ta lại sẽ nói về Phát Bồ đề tâm đại Đà-la-ni, để cho các chúng sinh phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, mau viên mãn được diệu quả.

Lúc đó, Bồ tát Văn Thù Sư Lợi bạch Phật:

– Bạch Đức Thế Tôn, Như Lai nói “Quá khứ đã diệt, vị lai chưa đến, hiện tại không trụ, tất cả tâm pháp có trong ba đời, bản tánh của nó đều không”, vậy tâm Bồ đề kia, nói vào cái gì mà gọi là phát? Lành thay, Thế Tôn! Xin Ngài vì tất cả mà thuyết giảng, để cho tất cả dứt bỏ được các màn lưới ngờ vực, đạt tới nơi chốn Bồ đề!

Đức Phật bảo Bồ tát Văn Thù Sư Lợi:

– Thiện nam, từ trong các tâm pháp khởi ra mọi tà kiến; vì muốn dứt trừ sáu mươi hai kiến, cùng mọi thứ tà kiến khác, nên Ta nói tâm, tâm sở pháp là không; như thế là các kiến chấp kia không còn chỗ nương tựa nữa, ví như rừng rú xanh tốt, um tùm, sư tử, voi trắng, hùm, beo, thú dữ… lẫn vào trong ấy nhả độc hại người, làm cho vắng bặt dấu vết người đi. Lúc đó, có bậc trí giả đem lửa đốt rừng; vì rừng trống, các thứ dữ không còn sót lại. Tâm không, kiến diệt, cũng như thế!

Lại nữa thiện nam, do nhân duyên gì mà lập ra nghĩa “không” ấy? Vì muốn diệt phiền não từ vọng tâm sinh ra mà nói là “không”. Thiện nam, nếu chấp “lý không” là cứu cánh, thời ngay “không tánh” cũng không; chấp “không” thành bệnh, cũng nên trừ bỏ. Sao vậy? Nếu chấp nghĩa “không” là cứu cánh, các pháp đều không, không nhân, không quả, thời có khác gì với ngoại đạo Lộ-già-da-đà? Thiện nam, như thuốc A-già-đà chữa khỏi các bệnh, nếu người có bệnh uống thuốc ấy thì quyết khỏi; bệnh đã khỏi rồi, thuốc cũng theo bệnh mà bỏ và nếu không có bệnh mà uống thuốc, thuốc trở lại thành bệnh. Thiện nam, trước đặt ra thuốc “không” là để trừ bệnh “hữu”; chấp “hữu” thành bệnh, thời chấp “không” cũng thế. Ai là bậc trí giả lại uống thuốc để mang bệnh? Thiện nam, nếu khởi ra hữu kiến, còn hơn khởi ra “không kiến”; có thuốc “không” trị bệnh “hữu”, chứ không có thuốc nào trị bệnh “không” cả.

Thiện nam, do nhân duyên ấy, thuốc “không” trừ tà kiến rồi, tâm tự giác ngộ, phát ra Bồ đề, tâm giác ngộ ấy tức là tâm Bồ đề, chứ không có hai tướng. Thiện nam, tâm tự giác ngộ có bốn nghĩa. Những gì là bốn? Các phàm phu có hai tâm, chư Phật, Bồ tát có hai tâm.

Thiện nam, hành tướng hai tâm của phàm phu thế nào? Một là từ nhãn thức cho đến ý thức, cùng duyên tự cảnh gọi là Tự ngộ tâm. Hai là lìa tâm, tâm sở pháp của năm căn hòa hợp duyên cảnh gọi là Tự ngộ tâm. Thiện nam, hai tâm như thế hay phát Bồ đề!

Thiện nam, hành tướng hai tâm của Thánh hiền thế nào? Một là quán Chân thực lý trí. Hai là quán Nhất thiết cảnh trí. Thiện nam, bốn nghĩa như thế là Tự ngộ tâm

Lúc đó, Bồ tát Văn Thù bạch Phật:

– Bạch Đức Thế Tôn, tâm không có hình tướng cũng không có chỗ trụ, người phàm phu tu hành khi mới bất đầu phát tâm phải y vào những chỗ nào và quán những tướng gì?

Đức Phật bảo:

– Thiện nam, chỗ quán về tâm tướng Bồ đề của phàm phu, phải quán như là vành trăng tròn đầy, trong sạch sáng ngời đứng yên trên ngực. Nếu muốn mau được Bất thoái chuyển, thì ở nơi A-lan-nhã và nhà vắng lặng cần phải giữ thân ngay ngắn, chánh niệm, kết Kim cang phược ấn của Như Lai như trước, nhắm mắt quán sát mặt trăng sáng giữa ngực và suy nghĩ rằng: “Vành trăng tròn đầy này to lớn năm mươi do tuần, sáng tươi thanh tịnh, trong ngoài lắng suốt, không chút bụi nhơ và vô cùng trong mát”. Mặt trăng tức là tâm, tâm tức là mặt trăng, vết trần không nhiễm thời vọng tưởng không sinh, khiến cho chúng sinh thân tâm thanh tịnh, tâm Đại Bồ đề bền vững không thoái. Kết tay ấn ấy và quán sát trì niệm chương cú vi diệu Đại Bồ đề tâm là Thanh tịnh chân ngôn của tất cả Bồ tát khi mới bắt đầu phát tâm: “úm, bồ địa, thất đa, mưu chí ba, đà tà, nhị.”

Đà-la-ni này có đủ uy đức lớn khiến cho người tu hành không bị thoái chuyển. Tất cả Bồ tát trong quá khứ, vị lai, hiện tại khi tại Nhân địa mới phát tâm, đều chuyên trì niệm chân ngôn này, mà vào được cảnh giới Bất thoái và mau viên thành Chánh giác.

Thiện nam, khi người tu hành kia giữ thân ngay ngắn, chánh niệm, đều không dao động gì cả, chỉ để tâm vào vành trăng, quán sát thành thục, thế gọi là Bồ tát quán Bồ đề tâm thành Phật Tam muội. Nếu có phàm phu tu pháp quán ấy, trước kia gây ra năm tội nghịch, bốn tội trọng, mười điều ác và bất tín, thì các tội đó đều tiêu diệt hết và liền được năm thứ pháp môn Tam-ma-địa. Những gì là năm? Một là Sát na tam muội. Hai là Vi trần tam muội. Ba là Bạch lũ tam muội. Bốn là Khởi phục tam muội. Năm là An trụ tam muội.

Thế nào gọi là Sát na tam muội? Nghĩa là chỉ tạm thời an trụ tưởng niệm vào mặt trăng tròn đầy, ví như con khỉ, thân bị buộc, xa không đi được, gần không dừng được, nhưng chỉ khi đói khát quá, nó mới dừng nghỉ được chốc lát mà thôi. Phàm phu quán tâm cũng như thế mới được Tam muội trong tạm thời chốc lát, nên gọi là Sát na.

Thế nào gọi là Vi trần tam muội? Nghĩa là đối với Tam muội đã tương ứng được ít phần, ví như có người tự mình thường ăn đồ đắng, chưa từng ăn đồ ngọt bao giờ, trong một thời kia được nếm một chút mật vào lưỡi, người ấy vui mừng quá, càng sinh hăng hái mong cầu được nhiều mật. Người tu hành ấy, qua nhiều kiếp ăn những vị đắng mà nay được cho vị Tam muội ngon ngọt, tương ứng được ít phần nên gọi Vi trần.

Thế nào gọi là Bạch lũ tam muội? Nghĩa là, người phàm phu từ thời vô thỉ cho đến hết thuở vị lai, nay được định này, ví như nhuộm vải đen, trong màu quá đen thấy được một sợi chỉ trắng. Người tu hành ấy trong nhiều đêm sinh tử tăm tối, nay mới được Tam muội trắng sạch, nên gọi đấy là Bạch lũ (chỉ trắng).

Thế nào gọi là Khởi phục tam muội? Nghĩa là, người tu hành quán tâm chưa thành thục, hoặc khéo thành lập hay chưa khéo thành lập, Tam muội như thế còn là cao, thấp nên gọi là Khởi phục.

Thế nào gọi là An trụ tam muội? Nghĩa là tu bốn định trước, tâm được an trụ và khéo giữ gìn được, không nhiễm vào các trần, như người trong mùa hè đi qua cõi sa mạc xa xăm, chịu đủ mọi nóng bức độc hại, tâm khát thiếu quá, hầu như không chịu nổi được nữa, bỗng gặp được dòng nước ngọt của núi Tuyết, như vị Tô-đà cõi trời, mau khỏi được nhiệt não, thân tâm được thư thái, nên định ấy gọi là An trụ. Nhập định ấy rồi, xa lìa hoặc chướng, nảy mầm Vô thượng Bồ đề, chóng lên công đức Thập địa của Bồ tát.

Bấy giờ, trong pháp hội, vô lượng trời, người được lãnh hội đại Đà-la-ni sâu rộng không thể nghĩ bàn này, là mẹ đẻ của Bồ tát, có chín vạn tám ngàn Bồ tát chứng được bậc Hoan hỷ, vô lượng chúng sinh phát tâm cầu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

    Xem thêm:

  • Kinh Đại Diệu Kim Cang Đại Cam Lộ Quân Nã Lợi Diệm Man Sí Thạnh Phật Đỉnh - Kinh Tạng
  • Kinh Bí Mật Bát Danh Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Phẩm Đại Oai Đức Tối Thắng Kim Luân Tam Muội Chú Kinh Đà La Ni Đại Phật Đỉnh Như Lai Phóng Quang Tất Đát Đa Bát Đát La Đại Thần Lực Đô Nhiếp Nhứt Thiết Chú Vương - Kinh Tạng
  • Đại luân Kim Cang Tổng Trì đà-ra-ni kinh - Kinh Tạng
  • Pháp Nghi Quỹ Tôn Thắng Phật Đỉnh Tu Du Già - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Đại Phật Đỉnh Quảng Tụ - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Bồ Đề Trường Trang Nghiêm - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Bảo Tạng Văn Thù Sư Lợi - Kinh Tạng
  • Kinh Nhơn Vương Hộ Quốc Bát Nhã Ba La Mật Đa - Kinh Tạng
  • Kinh Tâm Phật - Kinh Tạng
  • Kinh Hiện Tại Hiền Kiếp Thiên Phật Danh – Thích Huyền Tôn dịch - Kinh Tạng
  • Phật Đảnh Tôn Thắng Đà La Ni Kinh Pháp Nghi Quĩ Niệm Tụng - Kinh Tạng
  • Kinh Hiện Tại Hiền Kiếp Thiên Phật Danh – Nguyên Thuận dịch (1) - Kinh Tạng
  • Kinh Đồng Tử Tô Bà Hô Thưa Hỏi - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Phật Danh – Thích Thiện Chơn dịch - Kinh Tạng
  • Phẩm Nhứt Thiết Như Lai Liên Hoa Nghi Quỹ Đại Mạn Đồ La Kim Cang Đỉnh Hàng Tam Thế Đại Pháp Vương Giáo Trung Quán Tự Tại Bồ Tát Tâm Chơn Ngôn - Kinh Tạng
  • Nghi Quỹ Thành Tựu Bí Mật Bốn Mươi Tám Sứ Giả Thắng Quân Bất Động Minh Vương - Kinh Tạng
  • Kinh Hiện Tại Hiền Kiếp Thiên Phật Danh – Nguyên Thuận dịch (2) - Kinh Tạng
  • Kinh Ngũ Thiên Ngũ Bách Phật Danh Thần Chú Trừ Chướng Diệt Tội - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Phật Danh – Nguyên Thuận dịch - Kinh Tạng