1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13

Phẩm 13: CHÚC LỤY

Bấy giờ, Đức Thích Ca Mâu ni Như Lai bảo Bồ tát Văn Thù Sư Lợi và vô số đại chúng trong hải hội:

– Ta ở trong vô lượng ức trăm ngàn đại kiếp, không tiếc thân mạng, đầu mắt, tay chân, máu thịt, xương tủy, cả đến vợ con, đất nước thành quách, tất cả ngọc báu, có ai lại xin, Ta đều đem bố thí, đồng thời tu tập trăm ngàn hạnh khổ khó làm, chứng được pháp môn Tâm địa quán của Đại thừa này. Nay, Ta đem pháp này phó chúc cho các ông, các ông nên biết kinh rất sâu rộng này, các bậc đạt được Thập lực vô thượng trong mười phương ba đời đều tuyên thuyết. Kinh báu nhiệm mầu tối cực như thế, làm cho hữu tình được mọi sự lợi lạc. Trong tam thiên đại thiên thế giới, quốc độ chư Phật trong mười phương này, có vô biên các loại hữu tình, chúng sinh trong bàng sinh, ngạ quỷ, địa ngục, do nhờ sức uy thần, công đức thù thắng của kinh Đại thừa Tâm Địa Quán này, mà khiến cho họ thoát khỏi các khổ não, được hưởng sự an vui. Diệu lực của kinh và phước đức khó nghĩ bàn như thế, làm cho đất nước sở tại được mọi sự vui thịnh, không có oán địch. Ví như có người được ngọc Như ý để trong nhà, thì có thể sinh ra tất cả vật dụng đem lại an vui kỳ diệu; kinh báu nhiệm mầu này cũng như thế, hay làm cho quốc giới được an lạc vô tận. Cũng như cái trống Mạt-ni trên cõi trời Tam thập tam thiên, hay phát ra trăm ngàn âm thanh, làm cho Thiên chúng ở đấy luôn thọ hưởng sự vui thích lợi lạc; trống pháp của kinh này cũng như thế, hay làm cho quốc giới được an vui tối thắng. Do nhân duyên ấy, đại chúng các ông nên an trụ trong sức nhẫn lớn lao mà lưu thông kinh này!

Khi ấy, Bồ tát Văn Thù Sư Lợi bạch Phật:

– Bạch Đức Thế Tôn, Đức Như Lai hiếm có! Đấng Thiện Thệ hiếm có! Nên Ngài mới nói ra kinh Đại thừa Tâm Địa Quán nhiệm mầu sâu rộng này, đem lại lợi ích rộng lớn cho người tu hành Đại thừa. Dạ, bạch Thế Tôn, kinh này thật là sâu nhiệm! Vậy, nếu có thiện nam, thiện nữ nào thọ trì kinh này, cho đến chỉ một bài bốn câu kệ, thời những người như thế được bao nhiêu phước?

Đức Thế Tôn báo Bồ tát Văn Thù Sư Lợi:

– Nếu có thiện nam, thiện nữ nào trong hằng hà sa Tam thiên đại thiên thế giới đầy dẫy bảy báu mà họ dùng đem cúng dường chư Phật ở mười phương; họ vì mỗi một Đức Phật tạo lập một tinh xá bằng bảy báu trang nghiêm, đặt để đồ cúng dường Phật và Bồ tát đủ hằng sa kiếp; các Như Lai kia còn có vô lượng đệ tử Thanh văn, họ cũng đem cúng dường các vị ấy tất cả những đồ cần dùng, như cúng Phật không khác. Các Đức Phật và các vị Thanh văn như thế sau khi nhập Niết bàn, họ lại xây bảo tháp lớn, cúng dường xá lợi. Lại có thiện nam, thiện nữ nào tạm nghe và tin, hiểu một bài kệ bốn câu trong kinh Tâm địa này, phát tâm Bồ đề, thọ trì, đọc, niệm, giảng giải, viết chép, cho đến hết sức ít là vì một người mà nói cho họ nghe, đem những công đức cung dường trên kia, so sánh với công đức thu được về việc thuyết kinh này, thời trong mười sáu phần kia cũng không bằng một phần này và cho đến toán số, thí dụ cũng không thể sánh kịp được, huống là người thọ trì, đọc tụng tu tập đầy đủ và rộng rãi vì người mà giảng nói, thời chỗ phước lợi đạt được không thể hạn lượng được.

Nếu có nữ nhân phát tâm Bồ đề, thọ trì, học tập, viết chép, giảng nói kinh Tâm Địa này, thì nữ nhân ấy chỉ phải làm thân nữ lần cuối cùng này thôi, sau đấy không phải chịu thân nữ nữa và không phải đọa vào nẻo ác cùng tám nạn. Và thân trong đời này cảm được mười phước thắng lợi:

1. Thọ mạng tăng thêm.

2. Trừ mọi bệnh não.

3. Diệt trừ nghiệp chướng.

4. Phước đức trí tuệ tăng bội.

5. Không thiếu tiền của.

6. Da dẻ tươi đẹp.

7. Được người yêu kính.

8. Được con hiếu dưỡng.

9. Quyến thuộc hòa mục

10. Tâm thiện bền vững.

Này Văn thù sư lợi, ở nơi này, nơi khác, nếu ai hoặc đọc tập, hoặc phúng tụng, hoặc giảng nói, hoặc viết chép kinh này thời chỗ để quyển kinh này tức là tháp Phật, tất cả Thiên, Nhân, Phi nhân… nên đem những đồ châu báu quý nhất trong nhân gian, thiên thượng mà cúng dường nơi ấy. Vì sao? Vì nơi để kinh sách này tức là có Phật, Bồ tát, Duyên giác, Thanh văn ở đó. Sao vậy? Vì tất cả Như Lai do tu hành kinh này, bỏ thân phàm phu, chứng được đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tất cả Hiền thánh cũng đều từ kinh này mà được giải thoát.

Này Văn Thù Sư Lợi, sau khi Ta nhập Niết bàn năm trăm năm, lúc chánh pháp sắp diệt, nếu có Pháp sư nào thọ trì, đọc tụng, giảng nói, biên chép kinh Tâm Địa này, là kinh đứng đầu trong mọi kinh, thời Pháp sư ấy cùng với Ta không khác. Nếu có thiện nam, thiện nữ nào cúng dường, tôn trọng vị Pháp sư ấy, tức là cúng dường tất cả chư Phật trong mười phương ba đời và phước đức được hưởng đều bình đẳng không khác. Thế gọi là “Chân pháp cúng dường Như Lai” và như thế gọi là “hạnh cúng dường” chánh đáng nhất. Vì sao thế? Vì vị Pháp Sư ấy ở trong thời không có Phật, vì chúng sinh trong đời ác trược bị tà kiến vây bủa mà diễn nói Tâm Địa Kinh Vương rất sâu rộng này, khiến cho chúng sinh lìa bỏ ác kiến, đi về đạo Bồ đề cùng truyền bá rộng rãi, làm cho giáo pháp này an trụ lâu bền tại thế gian. Như thế gọi là “Vô tướng hảo Phật”, tất cả hàng trời, người đều nên cúng dường. Nếu có thiện nam, thiện nữ nào chắp tay cung kính vị Pháp sư ấy, thì Ta thọ ký cho quả vị Vô thượng Đại Bồ đề và người ấy sẽ được đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Nếu người được nghe kinh Tâm Địa này, vì báo bốn ân, phát tâm Bồ đề, hoặc tự mình viết, hay mượn người viết, hoặc đọc niệm thông suốt, thì chỗ được phước đức của những người như thế, đem sức trí tuệ của Phật mà lường tính là nhiều hay ít cũng không thể biết được đến đâu là biên giới! Những người ấy là con người thực của chư Phật. Tất cả chư Thiên, Phạm vương, Đế Thích, Tứ đại Thiên vương, năm trăm quyến thuộc Ha-lỵ-để-mẫu, Nễ-la-bạt-đa đại quỷ thần vương, Long thần tám bộ, tất cả các quỷ thần nghe pháp ngày đêm, không rời và sẽ thường ủng hộ. Phật tử như thế luôn tăng trưởng Chánh niệm, cùng Biện tài vô ngại và thường thường giáo hóa chúng sinh, khiến họ vun trồng nhân Phật.

Này Văn Thù Sư Lợi, thiện nam, thiện nữ như thế khi sắp mất, hiện tiền được thấy chư Phật mười phương, ba nghiệp không loạn, bắt đầu có được mười thứ nghiệp thân thanh tịnh. Những gì là mười?

1. Thân không thọ khổ.

2. Con ngươi nơi mắt không lộ.

3. Tay không lay động.

4. Chân không co, duỗi.

5. Tiểu tiện không rỉ ra.

6. Thân thể không toát mồ hôi.

7. Dáng bên ngoài đều bình yên.

8. Nắm tay xòe mở.

9. Nét mặt không đổi.

10. Quay nghiêng dễ dàng.

Do năng lực của kinh mà có những tướng như thế!

Thứ nữa được mười thứ nghiệp ngữ thanh tịnh. Những gì là mười?

1. Nói ra lời nói nhiệm mầu.

2. Nói ra lời nói dịu dàng.

3. Nói ra lời nói tốt đẹp.

4. Nói ra lời nói thích nghe.

5. Nói ra lời nói tùy thuận.

6. Nói ra lời nói lợi ích.

7. Nói ra lời nói có uy đức.

8. Nói ra lời nói không trái với họ hàng.

9. Nói ra lời nói trời, người đều yêu kính.

10. Nói ra lời khen ngợi lời Phật dạy.

Lời nói thiện như thế, đều do nơi kinh này mà được!

Sau nữa, được mười thứ nghiệp ý thanh tịnh. Những gì là mười?

1. Không sinh giận bực.

2. Không mang lòng kết hận.

3. Không sinh tâm tham lam keo kiệt.

4. Không sinh tâm ghen ghét.

5. Không nói lời lỗi ác.

6. Không sinh tâm oán hận.

7. Không sinh tâm điên đảo.

8. Không tham mọi vật.

9. Lìa bảy thứ khinh mạn.

10. Mong muốn chứng được tất cả Phật pháp, viên mãn các pháp Tam muội.

Này Văn Thù Sư Lợi, những công đức như thế, đều do từ diệu lực khó nghĩ bàn trong sự thọ trì, đọc tụng, thông suốt, giảng nói, biên chép kinh sách nhiệm mầu này. Kinh Tâm Địa này, trong vô lượng chốn, trong vô lượng thời, có những chúng sinh không thể được nghe, huống chi là được thấy và tu tập đầy đủ! Đại hội các ông nên nhất tâm phụng trì, sẽ chóng bỏ được thân phàm phu, thành tựu Phật đạo.

Bấy giờ, Văn Thù Sư Lợi Pháp vương tử, vô lượng Đại Bồ tát, Bồ tát Trí Quang, nhiều vị Bồ tát mới phát tâm; A nhã Kiều Trần Như cùng nhiều vị Đại Thanh văn, Thiên, Long tám bộ, chúng Nhân, Phi nhân, tất cả cùng nhất tâm thọ trì lời Phật dạy và đều hoan hỷ, tín thọ phụng hành.

-HẾT-

    Xem thêm:

  • Kinh Đại Diệu Kim Cang Đại Cam Lộ Quân Nã Lợi Diệm Man Sí Thạnh Phật Đỉnh - Kinh Tạng
  • Kinh Bí Mật Bát Danh Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Phẩm Đại Oai Đức Tối Thắng Kim Luân Tam Muội Chú Kinh Đà La Ni Đại Phật Đỉnh Như Lai Phóng Quang Tất Đát Đa Bát Đát La Đại Thần Lực Đô Nhiếp Nhứt Thiết Chú Vương - Kinh Tạng
  • Đại luân Kim Cang Tổng Trì đà-ra-ni kinh - Kinh Tạng
  • Pháp Nghi Quỹ Tôn Thắng Phật Đỉnh Tu Du Già - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Đại Phật Đỉnh Quảng Tụ - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Bồ Đề Trường Trang Nghiêm - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Bảo Tạng Văn Thù Sư Lợi - Kinh Tạng
  • Kinh Nhơn Vương Hộ Quốc Bát Nhã Ba La Mật Đa - Kinh Tạng
  • Kinh Tâm Phật - Kinh Tạng
  • Kinh Hiện Tại Hiền Kiếp Thiên Phật Danh – Thích Huyền Tôn dịch - Kinh Tạng
  • Phật Đảnh Tôn Thắng Đà La Ni Kinh Pháp Nghi Quĩ Niệm Tụng - Kinh Tạng
  • Kinh Hiện Tại Hiền Kiếp Thiên Phật Danh – Nguyên Thuận dịch (1) - Kinh Tạng
  • Kinh Đồng Tử Tô Bà Hô Thưa Hỏi - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Phật Danh – Thích Thiện Chơn dịch - Kinh Tạng
  • Phẩm Nhứt Thiết Như Lai Liên Hoa Nghi Quỹ Đại Mạn Đồ La Kim Cang Đỉnh Hàng Tam Thế Đại Pháp Vương Giáo Trung Quán Tự Tại Bồ Tát Tâm Chơn Ngôn - Kinh Tạng
  • Nghi Quỹ Thành Tựu Bí Mật Bốn Mươi Tám Sứ Giả Thắng Quân Bất Động Minh Vương - Kinh Tạng
  • Kinh Hiện Tại Hiền Kiếp Thiên Phật Danh – Nguyên Thuận dịch (2) - Kinh Tạng
  • Kinh Ngũ Thiên Ngũ Bách Phật Danh Thần Chú Trừ Chướng Diệt Tội - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Phật Danh – Nguyên Thuận dịch - Kinh Tạng