1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13

Phẩm 5: A-LAN-NHÃ

Bấy giờ, trong pháp hội có một vị Đại Bồ tát tên là Thường Tinh Tấn, nhờ uy thần của Phật, liền từ tòa ngồi đứng dậy, trịch áo vai phải, gối phải sát đất, chắp tay cung kính bạch Phật:

– Bạch Đức Thế Tôn, như Phật nói nơi A-lan-nhã là Bồ đề đạo tràng, nếu có người nào phát tâm cầu Bồ đề, không nên lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Trong nơi A-lan-nhã ấy có nhiều chúng sinh như: hổ, báo, sài lang, trùng độc, thú dữ cho đến chim bay, thợ săn, không biết đến Như Lai, không nghe Chánh pháp, lại không kính Tăng, các chúng sinh ấy lại không tu thiện căn, xa lìa sự giải thoát, thế mà, vì sao Như Lai lại khiến người tu học ở nơi A-lan-nhã ấy để chóng được thành Phật? Kính xin Thế Tôn vì các chúng sinh phân biệt, giảng dạy, giải quyết cho sự ngờ vực ấy, làm cho họ được vui vẻ phát tâm Bồ đề, khiến không bị thoái chuyển!

Đức Phật bảo Bồ tát Thường Tinh Tấn:

– Quý hóa thay! Quý hóa thay! Thiện nam, ông đem lòng đại từ hỏi Như Lai về sự thanh tịnh giải thoát, rất có lợi ích cho những người tu hành mai sau, công đức ấy thật vô lượng. Ông nghe kỹ, nghe kỹ và khéo nhớ nghĩ! Nay Ta vì ông phân biệt diễn nói về vô số các công đức của nơi A-lan-nhã!

Bồ-tát Thường Tinh Tấn bạch:

– Dạ, bạch Thế Tôn, con nguyện muốn được nghe!

Đức Phật bảo Bồ-tát Thường Tinh Tấn:

– Như ông nói ở nơi A-lan-nhã được thành các bậc Thánh, nhưng trong rừng núi có nhiều chúng sinh, do nhân duyên gì không được thành Phật. Nghĩa ấy không phải. Sở dĩ thế là sao? Các chúng sinh kia không biết đến Tam bảo, không biết chán đủ, không biết thiện, ác; ở trong rừng núi tuy có nhiều châu báu của thế gian, mà họ vẫn không biết được nơi tiềm ẩn của chúng. Đại Bồ tát thì không như thế. Thiện nam, Bồ tát biết Phật, Pháp, Tăng bảo là của báu xuất thế gian, bảy thứ ngọc báu ẩn tàng là của báu thế gian; các vị đều phân biệt được mọi sắc tướng của chúng, biết chúng ở đâu nhưng không tham cầu, cũng không thích thấy, huống là nhặt lấy?

Bồ tát xuất gia phát tâm kiên cố không tiếc thân mạng, lìa bỏ cha mẹ, thân quyến họ hàng, thích ở nơi chốn rừng núi, thường nghĩ: “Giả sử khi hết kiếp, cõi tam thiên đại thiên này bảy mặt trời mọc ra, hỏa tai bừng cháy, thiêu đốt muôn vật, mặt trời, trăng, sao, núi Tu di và bảy núi Kim sơn, núi Thiết vi…, vào lúc ấy thảy đều bị tiêu tan; ngay đến cõi cao nhất trong ba cõi là cõi trời Phi phi tưởng, khi hết tám vạn kiếp lại sinh xuống cõi đất; Chuyển luân thánh vương có ngàn con vây quanh, bảy báu, quyến thuộc và bốn châu đều phục, mà khi quả báo của thọ mạng hết thì cũng không dừng được trong chốc lát. Nay ta cũng thế, giả sử tuổi thọ đủ trăm năm, bảy báu đều đầy đủ, hưởng thọ mọi sự an lạc, nhưng sứ giả Diễm-ma đến thì không khỏi được vô thường.” Thấy thế nên suy nghĩ: “Nay ta không gì bằng việc thay thế cha mẹ ta cùng các chúng sinh tu hạnh Bồ tát, sẽ được thân kim cang bất hoại, rồi trở lại trong ba cõi độ cho cha mẹ”. Phát nguyện ấy rồi ở nơi Lan-nhã vì các chúng sinh phát ra những thệ nguyện rộng lớn.

Bồ tát thượng căn phát nguyện:

– Nguyện, con khi chưa thành Phật cho đến lúc chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột, thường ở nơi đất trong, luôn luôn ngồi không nằm.

Bồ tát trung căn phát nguyện:

– Nguyện, con khi chưa thành Phật, thường ngồi ở dưới cây có lá che rợp, không nằm.

Bồ tát hạ căn phát nguyện:

– Nguyện, con khi chưa thành Phật, thường ngồi trong nhà đá, không nằm.

Ba căn trong hàng Bồ tát xuất gia như thế ngồi nơi ba loại tòa, vừa nói, đều nghĩ: “Bồ tát thuở quá khứ ngồi trên tòa này, chứng được pháp môn Đà la ni công đức tự tại; các Bồ tát trong đời quá khứ, hiện nay và mai sau, đều ở trên tòa này được Đà la ni tu chứng tự tại; ta cũng như thế, nay ta ngồi nơi này quyết sẽ thành tựu Đà la ni, được tự tại. Nếu chưa thành tựu và đạt được tự tại, ta quyết không lìa bỏ A-lan-nhã”.

Hoặc có Bồ tát chưa viên mãn được bốn Tâm vô lượng (Từ, Bi, Hỷ, Xả) quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ tát chưa viên mãn được năm sức thần thông, quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ tát chưa viên mãn được sáu pháp Ba-la-mật, quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ-tát chưa viên mãn được phương tiện thiện xảo, quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ tát chưa điều phục được tất cả hữu tình, quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ tát chưa viên mãn được bốn Nhiếp pháp, quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ tát chưa tu tập được pháp sáu niệm, quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ tát chưa thành tựu được “trí tuệ, đa văn”, quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ tát chưa thành tựu được sức tin bền vững, quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ tát chưa dứt trừ sáu mươi hai thứ kiến chấp, quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ tát chưa tu tập được tám Chánh đạo, quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ tát chưa dứt hẳn được tập khí của phiền não chướng, sở tri chướng, quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ tát chưa viên mãn được trí tuệ vi diệu trong việc tùy bệnh cho thuốc, quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ tát chưa viên mãn được tâm Đại Bồ đề, quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ tát chưa viên mãn được hằng sa pháp Tam-muội, quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Họặc có Bồ tát chưa thành tựu được vô lượng thần thông, quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ tát dùng sức thần thông nơi đại định (định thông lực) thấy mười tám “không” mà tâm không hoảng sợ, đại sự như thế nếu chưa thành tựu, quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ tát chưa viên mãn được Nhất thiết trí, quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ tát chưa viên mãn được Nhất thiết chủng trí, quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ tát chưa tu tập được ba mươi bảy Bồ đề phận pháp, quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ tát chưa viên mãn được muôn hạnh trong Thập địa, quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ tát ở trong trăm kiếp chưa tu hành được về nghiệp quả của tướng tốt, quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ-tát chưa viên mãn được bốn Trí của Như Lai, quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ tát chưa viên mãn được sự chứng đại Niết bàn, quyết không lìa bỏ nơi A-lan-nhã. Hoặc có Bồ tát ngồi tòa Kim cang mà chưa chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, quyết ngồi luôn không đứng dậy. Đó là Bồ tát thực hành hạnh A-lan-nhã.

Này thiện nam, Bồ tát xuất gia phát tâm Bồ đề, vào trong rừng núi, ngồi trên ba loại tòa trên, tu luyện thân tâm, trải qua ba đại kiếp, tu tập muôn hạnh, chứng được Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Lúc đó, Đức Thế Tôn nói lại ý nghĩa trên bằng lời kệ:

Thuở xưa chư Phật ở nhân gian

Nơi A-lan-nhã, lìa trần tục

Đoạn, dẹp phiền não, sở tri chướng

Vượt qua ba cõi chứng Bồ đề.

Bồ tát quá khứ tu hạnh nguyện

Lấy A-lan-nhã làm nhà cửa

Trong vô số kiếp tu phước trí

Cứu cánh Thập địa chứng Ba thân.

Bồ tát vị lai cầu quả Phật

Vào trong núi sâu Tu diệu hạnh

Dứt trừ hai chướng, nhân sinh tử

Sẽ chứng Tam không chân giải thoát.

Mười phương hiện tại các Bồ tát

Tu trì muôn hạnh ở “không nhà”

Không tiếc thân mạng cầu Bồ-đề

Niệm niệm chứng được Vô sinh trí.

Nếu muốn chóng chứng Tam muội sâu

Nhân Tu diệu định siêu thần thông

Nơi A-lan-nhã tâm không rộn

Biến được đại địa thành bảy báu.

Nếu muốn du hóa khắp mười phương

Đi lại tự tại vận thần thông

Cúng dường chư Phật lợi quần sinh

Ở nơi Lan-nhã không sợ hãi.

Muốn chứng trí như huyễn hữu, vô

Hiểu thấu các pháp bản lai không

Ở A-lan-nhã, Bồ đề tràng

Khiến chúng cũng vào chân giải thoát.

Nếu muốn chóng được trí Như như

Chứng hội các pháp Như như tánh

Trọn vô sô kiếp lợi quần sinh

Thường ở Lan-nhã chốn không tịch.

Nếu người muốn được trí nan tư

Tu di thu vào trong hạt cải

Tu di, hạt cải tướng bất hoại

Vào nhà thần thông trong Lan-nhã.

Nếu người muốn được trí Vô ngại

Một tiếng diệu âm dùng thuyết pháp

Tùy loại chúng sinh đều được thoát

Nên ở Lan-nhã tu diệu quán.

Nếu muốn không sinh và không diệt

Ứng hiện quốc độ khắp mười phương

Phóng quang thuyết pháp lợi quần sinh

Chớ lìa Lan-nhã nhà không tịch.

Nếu lấy ngón chân ấn đại địa

Khiến cõi mười phương đều chấn động

Thấy tướng, phát tâm trừ tà kiến

Nên ở Lan-nhã quán tự tâm.

Nếu muốn trong khi Phật xuất hiện

Tối sơ kính dâng cúng vi diệu

Thí Ba-la-mật đều viên mãn

Ở A-lan-nhã tu diệu hạnh.

Nếu người, khi Phật nhập Niết bàn

Tối hậu cúng dường thành nghĩa “Thí”

Dứt hẳn nghèo cùng và tám nạn

Thệ nguyện ở trong A-lan-nhã.

Nếu muốn phước trí đều viên mãn

Chư Phật mai sau sắp Niết bàn

Nhận nguyện rộng lớn, Phật giao phó

Ở A-lan-nhã tu sáu niệm.

Sau khi chư Phật nhập Niết bàn

Kết tập Chánh pháp độ chúng sinh

Trợ tán chân thừa cửa chư Phật

Ở nhà “không tịch ” trong Lan-nhã.

Đại sư trời, người: Đấng Thế Tôn

Khó thấy, khó gặp hơn Ưu-đàm

Nếu muốn yết kiến, tu cúng dường

Nên ở Lan-nhã, bi nguyện rộng.

Mọi báu tuy quý, Pháp quý hơn

Thành Phật, hóa độ lợi do đây

Như người muốn thường được nghe pháp

Ở A-lan-nhã tu phạm hạnh.

Khởi từ thân này đến thân Phật

Thường nguyện phát tâm hoằng chánh giáo

Cho đến khi chưa được Bồ đề

Niệm niệm không bỏ A-lan-nhã.

Nếu người muôn báo ân cha mẹ

Thay thế cha mẹ phát thệ nguyện

Vào Bồ đề tràng trong Lan-nhã

Ngày đêm thường tu về diệu đạo.

Nếu muốn đời nay thêm phước trí

Mai sau không đọa trong tám nạn

Như thế, chứng sinh phát tâm thiện

Ở A-lan-nhã tu bi nguyện.

Bồ tát ba đời cầu chân giác

Được đạo Niết bàn trong Lan-nhã

Thế nên gọi là Đại đạo tràng

Thánh chúng Ba thừa đồng ở đó.

Bồ tát chán khổ vào rừng núi

Vì độ quần sinh cầu Thánh đạo

Tự chưa thành Phật, độ người trước

Sáu đạo, bốn loài đều thương xót.

Bồ tát thượng căn ngồi đất trông

Bồ tát trung căn dưới bóng cây

Bồ tát hạ căn trong thạch thất

Chưa thành Phật đạo thường không nằm.

Bồ tát ba đời ở Lan-nhã

Được sức tự tại Đà-la-ni

Nay ta cùng phát tâm Bồ đề

Chưa được Tổng trì, ở đây mãi.

Được Đại Bồ đề tại Lan-nhã

Vào Đại viên tịch do chốn đây

Bồ tát khởi phát trí Kim cang

Đoạn hoặc, chứng chân thành Diệu giác

Rộng độ chúng sinh khắp xóm làng

Vì cầu tịch diệt, ưa rừng núi

Muôn hạnh: nhân đầy, quả cũng trọn

Tận đời vị lai độ quần sinh.

Khi Đức Thế Tôn nói về hạnh A-lan-nhã của Bồ tát xuất gia như thế, có vô lượng Bồ tát chứng địa Cực hỷ; hằng hà sa vô số Bồ tát lìa hẳn tướng dụng của phiền não vi tế, chứng địa Bất động, vô số Đại Bồ tát số lượng chẳng thể nêu bày được đã dứt tất cả hoặc chướng vào địa Diệu giác; vô biên chúng hữu tình phát tâm Vô đẳng đẳng, Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác; chín vạn bảy ngàn chúng sinh xa lìa mọi thứ bụi bặm cấu uế, đạt được pháp nhãn thanh tịnh.

    Xem thêm:

  • Kinh Đại Diệu Kim Cang Đại Cam Lộ Quân Nã Lợi Diệm Man Sí Thạnh Phật Đỉnh - Kinh Tạng
  • Kinh Bí Mật Bát Danh Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Phẩm Đại Oai Đức Tối Thắng Kim Luân Tam Muội Chú Kinh Đà La Ni Đại Phật Đỉnh Như Lai Phóng Quang Tất Đát Đa Bát Đát La Đại Thần Lực Đô Nhiếp Nhứt Thiết Chú Vương - Kinh Tạng
  • Đại luân Kim Cang Tổng Trì đà-ra-ni kinh - Kinh Tạng
  • Pháp Nghi Quỹ Tôn Thắng Phật Đỉnh Tu Du Già - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Đại Phật Đỉnh Quảng Tụ - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Bồ Đề Trường Trang Nghiêm - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Bảo Tạng Văn Thù Sư Lợi - Kinh Tạng
  • Kinh Nhơn Vương Hộ Quốc Bát Nhã Ba La Mật Đa - Kinh Tạng
  • Kinh Tâm Phật - Kinh Tạng
  • Kinh Hiện Tại Hiền Kiếp Thiên Phật Danh – Thích Huyền Tôn dịch - Kinh Tạng
  • Phật Đảnh Tôn Thắng Đà La Ni Kinh Pháp Nghi Quĩ Niệm Tụng - Kinh Tạng
  • Kinh Đồng Tử Tô Bà Hô Thưa Hỏi - Kinh Tạng
  • Phẩm Nhứt Thiết Như Lai Liên Hoa Nghi Quỹ Đại Mạn Đồ La Kim Cang Đỉnh Hàng Tam Thế Đại Pháp Vương Giáo Trung Quán Tự Tại Bồ Tát Tâm Chơn Ngôn - Kinh Tạng
  • Kinh Hiện Tại Hiền Kiếp Thiên Phật Danh – Nguyên Thuận dịch (1) - Kinh Tạng
  • Nghi Quỹ Thành Tựu Bí Mật Bốn Mươi Tám Sứ Giả Thắng Quân Bất Động Minh Vương - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Phật Danh – Thích Thiện Chơn dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Hiện Tại Hiền Kiếp Thiên Phật Danh – Nguyên Thuận dịch (2) - Kinh Tạng
  • Kinh Ngũ Thiên Ngũ Bách Phật Danh Thần Chú Trừ Chướng Diệt Tội - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Phật Danh – Nguyên Thuận dịch - Kinh Tạng