1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13

Phẩm 12: THÀNH PHẬT

Bấy giờ, Đức Thế Tôn an trụ trong pháp giới thanh tịnh, ba đời bình đẳng, không trước không sau, bất động ngưng lặng, miên mật xuyên suốt; ánh sáng đại trí soi khắp thế giới; phương tiện thiện xảo biến hiện thần thông, hóa độ mười phương quốc độ, đâu cũng cùng khắp.

Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo Đại Bồ tát Văn Thù Sư Lợi:

– Người tu hành Du già quán vành trăng rồi, nên quán ba pháp đại bí mật. Những gì là ba? Một là Tâm bí mật. Hai là Ngữ bí mật. Ba là Thân bí mật.

Thế nào gọi là pháp Tâm bí mật? Người tu hành Du già, quán trong mặt trăng tròn đầy sinh ra cái chầy Ngũ cổ Kim cang sắc vàng, ánh sáng rực rỡ như vàng chảy, phóng ra vô số ánh sáng trắng lớn; lấy sự ấy mà quán sát gọi là Tâm bí mật.

Thế nào gọi là Ngôn ngữ bí mật? “úm, địa thất đa, bà nhĩ la”. Đà-la-ni ấy đủ uy lực lớn, là chân ngôn của tất cả Bồ tát thành Phật, thế nên gọi là Ngữ ngôn bí mật.

Thế nào gọi là pháp Thân bí mật? ở trong đạo tràng, giữ thân ngay ngắn, chánh niệm, tay kết ấn Dẫn đạo Vô thượng Bồ đề tối đệ nhất, đặt giữa tâm nguyệt luân nơi ngực.

Thiện nam, Ta sẽ vì ông nói về tướng dáng của ấn ấy: Trước tiên lấy hai ngón tay cái của hai bàn tay đều đặt vào trong mỗi lòng bàn tay và lấy ngón trỏ, ngón giữa cùng ngón áp út của hai bàn tay nắm chặt lấy ngón tay cái, làm thành nắm tay, tức là Kiên lao Kim cang quyền ấn. Sau đó, không đổi nắm tay, chỉ duỗi một ngón trỏ của bàn tay trái, thẳng lên hư không, rồi đem nắm tay trái ấy đặt lên trái tim; ngón út của nắm tay phải nắm chặt lấy một đốt ngón trỏ của nắm tay trái, sau lại lấy đầu ngón trỏ của nắm tay phải, chỉ vào một đốt ngón tay cái của nắm tay phải và cũng để trước trái tim, thế gọi là Dẫn đạo Vô thượng Bồ đề đệ nhất trí ấn, cũng gọi là Năng diệt vô minh hắc ám đại quang minh ấn. Do kết ấn ấy, có sức gia trì nên được chư Phật mười phương xoa đầu hành giả và trao cho Đại Bồ đề thắng quyết định ký, là Đại Tỳ-lô-giá-na Như Lai vô thượng phước tụ đại diệu trí ấn.

Khi hành giả kết ấn ấy rồi liền thực hiện quán này: “Tất cả chúng sinh cùng kết ấn này, trì niệm chân ngôn, mười phương thế giới không bị quả khổ trong ba đường ác và tám nạn, mà cùng được hưởng pháp lạc thanh tịnh thứ nhất. Nay trên đầu ta có mũ Đại bảo, trong mũ Thiên quan ấy năm Đức Phật Như Lai ngồi kết già phu, ta là Tỳ-Lô-Giá-Na Như Lai, đầy đủ viên mãn ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp phóng ra hào quang sáng lớn soi khắp mười phương đem lại lợi ích an vui cho tất cả chúng sinh”. Quán sát như thế gọi là Nhập Tỳ-Lô-Giá-Na Như Lai tối thắng tam muội.

Ví như có người ngộ được quán môn Ca-lư-la vi diệu, tự thực hành quán này: “Thân ta tức là thân chim Kim sí đầu đàn, tâm, ý, ngữ ngôn cũng lại như thế”. Dùng sức quán ấy làm tiêu tan thuốc độc, tất cả ác độc không làm hại được. Người phàm phu tu hành cũng như thế, ngồi kiểu ngồi hàng phục, thân không dao động, tay kết trí ấn, mật niệm chân ngôn, nhập vào quán này, diệt được ba độc, tiêu trừ nghiệp chướng, tăng trưởng phước trí và nguyện ở thế gian hay xuất thế gian mau được viên mãn; tám vạn bốn ngàn các phiền não chướng không hiện khởi được, hằng hà sa sở tri chướng cực trọng dần dần tiêu diệt, Vô lậu đại trí Năng đoạn Kim cang Bát nhã ba la mật viên mãn hiện tiền, chóng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Lúc đó, Bồ tát Văn Thù Sư Lợi bạch Phật:

– Đức Thế Tôn hiếm có! Đấng Thiện Thệ hiếm có! Đức Như Lai ra đời còn hiếm có hơn như hoa Ưu đàm và giả sử Ngài ra đời và nói ra pháp này cũng khó. Ba pháp bí mật Vô thượng pháp luân của Tâm địa như thế thực là lợi lạc cho tất cả chúng sinh, là đường chánh chân thực để vào Như Lai địa và Bồ tát địa. Nếu có chúng sinh nào không tiếc thân mạng mà tu hành pháp ấy sẽ chóng chứng được Bồ đề.

Bấy giờ, Đức Phật bảo Bồ tát Văn Thù Sư Lợi:

– Nếu có các thiện nam, thiện nữ nào muốn tu tập được ba diệu môn bí mật thành Phật, sớm được Thân công đức của Như Lai, được mặc ba mươi hai thứ áo giáp Đại kim cang của Bồ tát mà Tu diệu quán ấy, thời quyết chứng được Pháp thân thanh tịnh của Như Lai.

Những gì là ba mươi hai thứ áo giáp?

1. Áo đại giáp Thọ khổ: Ở trong vô lượng kiếp vì chúng sinh chịu khổ mà không chán sinh tử.

2. Áo đại giáp Bất xả: Thề độ vô lượng hữu tình cho đến con sâu, con kiến cũng không bỏ.

3. Áo đại giáp Bí mật: Giác ngộ chúng sinh trong giấc mộng dài sinh tử, đặt để họ vào ba pháp bí mật.

4. Áo đại giáp Hộ pháp: Ủng hộ Phật pháp trong tất cả thời cũng như âm vang ứng hợp với tiếng.

5. Áo đại giáp Kim cang: Diệt hẳn sự khởi lên hai kiến “hữu, vô” và tất cả phiền não.

6. Áo đại giáp Năng xả: Dù là đầu, mắt, tủy, óc, vợ, con, ngọc báu… nếu có người lại xin đều xả cả.

7. Áo đại giáp Năng thí: Tất cả vật dụng đem lại an vui mà trong nhà hưởng thọ, quyết không tham đắm, đều đem cho tất cả.

8. Áo đại giáp Năng trì: Hay giữ Tam tụ tịnh giới của Bồ tát trọn không rời bỏ hạnh Đầu đà.

9. Áo đại giáp Nhẫn nhục: Mặc áo nhẫn nhục gặp các duyên trái ngược như bị hủy nhục, mạ lỵ, đánh đập… vẫn không báo thù lại.

10. Áo đại giáp Hồi tâm: Giáo hóa những bậc Duyên giác, Thanh văn, khiến họ hướng tâm về Nhất thừa.

11. Áo đại giáp Tinh tấn: Luôn Tinh tấn độ các hữu tình, ví như gió lớn ngày đêm không ngừng.

12. Áo đại giáp Tu hành giải thoát tam muội: Thân tâm tịch tĩnh, miệng không phạm lỗi.

13. Áo đại giáp Bình đẳng: Làm điều lợi ích cho chúng sinh, coi sinh tử và Niết bàn không có hai thiên kiến.

14. Áo đại giáp Dữ lạc: Đem tâm đại từ không còn vướng mắc, làm lợi ích an vui cho mọi loài, luôn luôn không chán bỏ.

15. Áo đại giáp Bạt khổ: Đem tâm đại bi vô ngại cứu độ thu nhiếp tất cả làm cho dứt sạch khổ, không có hạn lượng.

16. Áo đại giáp Đại hỷ: Đối với các chung sinh không hề kết oán, luôn luôn làm việc lợi ích.

17. Áo đại giáp Đại xả: Tuy thực hiện hạnh khổ nhưng không sợ nhọc mệt, luôn luôn không hề thoái chuyển.

18. Áo đại giáp Bất yếm: Chúng sinh có sự đau khổ tìm đến nơi Bồ tát, Bồ tát chịu thay khổ cho chúng sinh kia mà không chút chán ngán.

19. Áo đại giáp Giải thoát năng kiến: Sự xem xét, nhận thức rõ ràng như xem quả A-ma-lặc trong bàn tay, như thế là giải thoát được sự thấy.

20. Áo đại giáp Vô trước: Thấy rõ thân năm uẩn như hạng Chiên đà la, làm tổn hại việc thiện.

21. Áo đại giáp Yếm xả: Thấy rõ mười hai nhập như xóm làng trống vắng, thường mang lòng sợ hãi.

22. Áo đại giáp Đại trí: Thấy mười tám giới cũng như cảnh huyễn hóa, không có chân thực.

23. Áo đại giáp Chứng chân: Thấy rõ tất cả pháp, đồng trong pháp giới, không còn thấy có mọi tướng sai khác.

24. Áo đại giáp Xuất thế: Che điều xấu ác của người, không giấu lỗi xấu ác của mình, chán bỏ ba cõi.

25. Áo đại giáp Hóa độ: Như bậc Đại y vương, hợp bệnh cho thuốc, Bồ tát tùy nghi mà diễn hóa.

26. Áo đại giáp Quy nhất: Thấy chân thể của Ba thừa kia vốn không khác, cứu cánh đồng tâm quay về nơi một.

27. Áo đại giáp Độ người: Nối dòng Tam bảo, khiến không đoạn tuyệt, chuyển xe diệu pháp độ người.

28. Áo đại giáp Tu đạo: Phật đối với chúng sinh có ân đức lớn, vì muốn báo ân Phật, nên dốc tu tập Phật đạo.

29. Áo đại giáp Vô cấu: Quán bản tánh của tất cả các pháp là không tịch tĩnh, vắng lặng, không sinh, không diệt, không nhơ.

30. Áo đại giáp Vô ngại: Ngộ pháp nhẫn Vô sinh, được Đà-la-ni, khéo thuyết giảng với biện tài vô ngại.

31. Áo đại giáp Nhất vị: Hóa độ hữu tình rộng khắp khiến họ cũng được ngồi dưới cây Bồ đề, chứng đắc Phật quả.

32. Áo đại giáp Vô dư: Trong một sát na tâm tương ứng với Bát nhã, chứng ngộ đại pháp Vô dư trong ba đời.

Đó gọi là ba mươi hai thứ Kim cang đại giáp của Bồ tát.

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi, nếu có các thiện nam, thiện nữ nào thân mặc giáp trụ Kim cang như thế, nên dốc tu tập ba pháp bí mật, trong đời hiện tại đủ phước trí lớn, mau chứng được Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề.

Khi ấy, Đại Thánh Văn Thù Sư Lợi Bồ tát Ma-ha-tát cùng đại chúng nghe Đức Phật nói về ba môn bí mật của tâm địa diệu pháp và ba mươi hai thứ Kim cang giáp trụ, thì tất cả Bồ tát bậc Hữu học, mỗi vị đều cởi những chuỗi ngọc, áo báu vô giá, cúng dường lên Tỳ-Lô-Giá-Na Như Lai cùng các Thế Tôn trong mười phương mà tán thán Đức Phật:

– Lành thay! Lành thay! Phật Thế Tôn diễn nói về vô biên hạnh nguyện của Bồ tát, đem lại lợi ích an lạc cho tất cả chúng sinh, bỏ thân phàm phu, chứng nhập Phật địa. Nay chúng con trong hải hội đại chúng này, vì nhằm báo ân Phật, không tiếc thân mạng và vì các chúng sinh nên xin vào khắp các quốc độ, phân biệt diễn nói pháp vi diệu này cùng thọ trì, đọc tụng, chép viết, truyền bá, khiến cho diệu pháp này không bị đoạn tuyệt. Kính xin Đức Như Lai tối tôn rủ lòng hộ niệm!

Bấy giờ, đại hội nghe diệu pháp ấy thảy đều đạt được lợi ích lớn, vô số Bồ tát không thể kể xiết đều chứng ngộ được ngôi Bất thoái và tất cả trời, người đều được lợi lạc thù thắng; cho đến tất cả hữu tình trong năm cõi cũng dứt bỏ được các trọng chướng, có được vô lượng sự an vui và đều sẽ đạt được đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

    Xem thêm:

  • Kinh Đại Diệu Kim Cang Đại Cam Lộ Quân Nã Lợi Diệm Man Sí Thạnh Phật Đỉnh - Kinh Tạng
  • Kinh Bí Mật Bát Danh Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Phẩm Đại Oai Đức Tối Thắng Kim Luân Tam Muội Chú Kinh Đà La Ni Đại Phật Đỉnh Như Lai Phóng Quang Tất Đát Đa Bát Đát La Đại Thần Lực Đô Nhiếp Nhứt Thiết Chú Vương - Kinh Tạng
  • Đại luân Kim Cang Tổng Trì đà-ra-ni kinh - Kinh Tạng
  • Pháp Nghi Quỹ Tôn Thắng Phật Đỉnh Tu Du Già - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Đại Phật Đỉnh Quảng Tụ - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Bồ Đề Trường Trang Nghiêm - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Bảo Tạng Văn Thù Sư Lợi - Kinh Tạng
  • Kinh Nhơn Vương Hộ Quốc Bát Nhã Ba La Mật Đa - Kinh Tạng
  • Kinh Tâm Phật - Kinh Tạng
  • Kinh Hiện Tại Hiền Kiếp Thiên Phật Danh – Thích Huyền Tôn dịch - Kinh Tạng
  • Phật Đảnh Tôn Thắng Đà La Ni Kinh Pháp Nghi Quĩ Niệm Tụng - Kinh Tạng
  • Kinh Đồng Tử Tô Bà Hô Thưa Hỏi - Kinh Tạng
  • Phẩm Nhứt Thiết Như Lai Liên Hoa Nghi Quỹ Đại Mạn Đồ La Kim Cang Đỉnh Hàng Tam Thế Đại Pháp Vương Giáo Trung Quán Tự Tại Bồ Tát Tâm Chơn Ngôn - Kinh Tạng
  • Kinh Hiện Tại Hiền Kiếp Thiên Phật Danh – Nguyên Thuận dịch (1) - Kinh Tạng
  • Nghi Quỹ Thành Tựu Bí Mật Bốn Mươi Tám Sứ Giả Thắng Quân Bất Động Minh Vương - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Phật Danh – Thích Thiện Chơn dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Hiện Tại Hiền Kiếp Thiên Phật Danh – Nguyên Thuận dịch (2) - Kinh Tạng
  • Kinh Ngũ Thiên Ngũ Bách Phật Danh Thần Chú Trừ Chướng Diệt Tội - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Phật Danh – Nguyên Thuận dịch - Kinh Tạng