1
2
3
4
5
6
7
8
9
10

QUYỂN 3

DIỆT NGHIỆP CHƯỚNG_PHẨM THỨ NĂM_

Bấy giờ, Đức Thế Tôn trụ ở sự phân biệt chính đúng, nhập vào Tĩnh Lự (Dhyāna) vi diệu thâm sâu. Từ lỗ chân lông trên thân phóng ánh sáng lớn với vô lượng trăm ngàn các màu sắc. Các cõi nước của Phật đều hiện trong ánh sáng đó, là điều mà hằng hà sa sự so sánh đo lường, ví dụ khắp mười phương chẳng thể theo kịp. Đời ác năm trược được ánh sáng chiếu đến thì các chúng sinh tạo mười nghiệp ác (Daśākuśala-karma), năm tội Vô Gián (Pañcānantarya), chê bai Tam Bảo (Tri-ratna), bất hiếu với cha mẹ Tổ Tiên (tôn thân); khinh mạn Sư Trưởng, chúng Bà La Môn… đáng bị đọa vào Địa Ngục, Quỷ đói, Bàng Sinh. Nhóm ấy đều nương vào ánh sáng chiếu đến nơi cư trú, các hữu tình đó thấy ánh sáng này xong thì nhân vào sức của ánh sáng cho nên đều được an vui, đoan chính xinh đẹp, đầy đủ sắc tướng, Phước Trí trang nghiêm, được thấy chư Phật.

Lúc đó, Đế Thích, tất cả Thiên Chúng với Nữ Thần sông Hằng và các Đại Chúng nương vào ánh sáng hiếm có đều đến chỗ của Đức Phật, nhiễu quanh theo bên phải ba vòng rồi lui ra ngồi một bên.

Khi ấy, Thiên Đế Thích nương theo uy lực của Đức Phật, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trật áo hở vai phải, quỳ gối phải sát đất, chắp tay hướng về Đức Phật, rồi bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Kẻ trai lành, người nữ thiện làm thế nào để nguyện cầu A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác), tu hành Đại Thừa, nhiếp nhận tất cả hữu tình điên đảo tà bậy (tà đảo)? Người đã từng gây tạo nghiệp chướng tội lỗi thì Sám Hối như thế nào sẽ được trừ diệt?”

Đức Phật bảo Thiên Đế Thích: “Lành thay! Lành thay Thiện Nam Tử! Nay ông tu hành muốn vì vô lượng vô biên chúng sinh, khiến được thanh tịnh, giải thoát, an vui, thương xót Thế Gian, phước lợi cho tất cả.

Nếu có chúng sinh do nghiệp chướng mà gây tạo các tội thì cần phải tự thúc dục mình gắng sức, ngày đêm sáu thời, trật áo hở vai phải, quỳ gối phải sát đất, chắp tay cung kính, một lòng chuyên niệm, miệng tự nói rằng: “Quy mệnh đỉnh lễ tất cả chư Phật hiện tại ở mười phương, bậc đã đắc A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác), chuyển bánh xe Pháp màu nhiệm, cầm bánh xe Pháp soi sáng, tuôn mưa Pháp lớn, đánh trống Pháp lớn, thổi loa Pháp lớn, dựng phướng Pháp lớn, cầm đuốc Pháp lớn… vì muốn lợi ích an vui cho các chúng sinh cho nên thường thực hành Pháp Thí (Dharma-deśanā: luôn nói Giáo Pháp lợi ích chúng sinh) khuyên nhủ chỉ đường cho quần mê (chúng sinh còn nhiều mê hoặc) tiến bước, khiến được Quả to lớn (Mahā-phala), chứng Thường (Nitya: hằng thường chẳng biến mà không có sinh diệt) Lạc (Sukha: Tịch diệt an bình vĩnh viễn).

Chư Phật Thế Tôn của nhóm như vậy. Dùng thân miệng ý cúi lạy quy thuận, chí Tâm lễ kính. Các Thế Tôn ấy dùng Tuệ chân thật, dùng con mắt chân thật, chứng minh chân thật, bình đẳng chân thật, đều biết đều thấy nghiệp thiện ác của tất cả chúng sinh

Con từ vô thủy sinh tử đến nay, tùy theo điều ác lưu chuyển, cùng với các chúng sinh tạo nghiệp chướng, tội lỗi… bị tham sân si ràng buộc, khi chưa biết Phật (Buddha), khi chưa biết Pháp (Dharma), khi chưa biết Tăng (Saṃgha), chưa biết thiện ác. Do thân miệng ý tạo tội Vô Gián, Tâm ác làm cho thân Phật chảy máu, chê bai Chính Pháp, phá hòa hợp Tăng, giết A La Hán (Arhat), giết hại cha mẹ, Thân ba, Ngữ bốn, Ý ba loại hành tạo mười nghiệp ác, tự mình làm dạy người khác làm, thấy làm tùy vui, đối với các người hiền thiện thì ngang ngược sinh hủy báng. Cân đong gian dối, dùng sự dối trá làm chân thật, đem thức ăn uống chẳng sạch ban cho tất cả. Gây tạo việc não hại cho hết thảy cha mẹ trong sáu đường. Hoặc trộm lấy vật trong Tốt Đổ Ba (Stūpa: cái tháp nhiều tầng), vật của bốn phương Tăng, vật của hiện tiền Tăng… tự tại mà dùng. Chẳng thích phụng hành Pháp Luật của Đức Thế Tôn, chẳng tùy thuận theo sự dạy bảo chỉ dẫn của Sư Trưởng. Thấy người thực hành Hạnh Thanh Văn, Độc Giác, Đại Thừa thì vui thích sinh chửi mắng khiến cho các Hành Nhân sinh Tâm hối hận lo lắng. Thấy người hơn mình thì liền ôm ấp sự ganh ghét. Đối với Pháp Thí (Dharma-deśanā), Tài Thí (Dhana-dā) thường sinh keo tiếc, Tâm bị Vô Minh che lấp, Tà Kiến mê hoặc, chẳng tu Nhân thiện khiến ác tăng trưởng. Ở chỗ của chư Phật thì khởi chê bai, Pháp (Dharma) nói là Phi Pháp (A-dharma), Phi Pháp nói là Pháp

Mọi tội như vậy, Đức Phật dùng Tuệ chân thật, dùng con mắt chân thật, chứng minh chân thật, bình đẳng chân thật, đều biết đều thấy

Nay con quy mệnh, đối trước mặt chư Phật thảy đều tỏ bày chẳng dám che dấu. Tội lỗi chưa làm, chẳng dám làm nữa. Tội lỗi đã làm, nay đều sám hối. Hết thảy nghiệp chướng đáng bị đọa trong đường ác, Địa Ngục, Bàng Sinh, Quỷ đói, chúng A Tu La với nơi có tám nạn. Nguyện hết thảy nghiệp chướng trong đời này của con đều được tiêu diệt. Vị lai chẳng thọ nhận hết thảy quả báo ác.

Cũng như các Đại Bồ Tát ở quá khứ tu Bồ Đề Hạnh (Bodhi-caryā), hết thảy nghiệp chướng đều đã sám hối. Nghiệp chướng của con, nay cũng sám hối, thảy đều tỏ bày chẳng dám che dấu. Tội lỗi đã làm, nguyện được trừ diệt. việc ác vị lai chẳng dám gây tạo.

Cũng như các Đại Bồ Tát ở vị lai tu Bồ Đề Hạnh, hết thảy nghiệp chướng thảy đều sám hối. Nghiệp chướng của con, nay cũng sám hối, thảy đều tỏ bày chẳng dám che dấu. Tội lỗi đã làm, nguyện được trừ diệt. việc ác vị lai chẳng dám gây tạo.

Cũng như các Đại Bồ Tát ở mười phương Thế Giới hiện tại tu Bồ Đề Hạnh, hết thảy nghiệp chướng đều đã sám hối. Nghiệp chướng của con, nay cũng sám hối, thảy đều tỏ bày chẳng dám che dấu. Tội lỗi đã làm, nguyện được trừ diệt. việc ác vị lai chẳng dám gây tạo.

Thiện Nam Tử! Do nhân duyên đó, nếu có tạo tội trong khoảng sát na chẳng được che dấu, huống chi là một ngày một đêm cho đến nhiều thời, nếu có phạm tội, muốn cầu thanh tịnh thì Tâm ôm ấp sự xấu hổ, tin ở vị lai ắt có ác báo, sinh kinh sợ lớn, nên Sám như vậy, như người bị lửa thiêu đốt đầu, thiêu đốt áo… muốn cứu thì khiến cho mau chóng diệt, nếu lửa chưa diệt thì Tâm chẳng được yên. Như người phạm tội cũng lại như vậy, liền nên sám hối khiến mau trừ diệt.

Nếu có nguyện sinh vào nhà giàu sang an vui, có nhiều tài bảo. Lại muốn phát ý tu tập Đại Thừa thì cũng nên sám hối diệt trừ nghiệp chướng.

Muốn sinh vào nhà có địa vị cực kỳ quý hiển, dòng Bà La Môn (Brāhmaṇa), Sát Đế Lợi (Kṣatriya) với Chuyển Luân Vương (Cakra-varti-rāja) đầy đủ bảy báu thì cũng nên sám hối diệt trừ nghiệp chướng.

Thiện Nam Tử! Nếu muốn sinh vào Tứ Thiên Vương Chúng Thiên (Cāturmahārājakāyika-deva), Tam Thập Tam Thiên (Trayastriṃśa), Dạ Ma Thiên (Yama), Đổ Sử Đa Thiên (Tuṣita), Lạc Biến Hóa Thiên (Nirmāṇa-rati), Tha Hóa Tự Tại Thiên (Paranirmita-vaśa-vartin) thì cũng nên sám hối diệt trừ nghiệp chướng.

Nếu muốn sinh vào Phạm Chúng (Brahma-pāriṣadya), Phạm Phụ (Brahma-purohita), Đại Phạm Thiên (Mahā-brahman), Thiểu Quang (Parīttābha), Vô Lượng Quang (Apramāṇābhā), Cực Quang Tịnh Thiên (Ābhāsvara: Quang Âm Thiên), Thiểu Tịnh (Parītta-śubha: Diệu Tịnh Thiên), Vô Lượng Tịnh (Apramāṇa-śubha), Biến Tịnh Thiên (Śubha-kṛtsna), Vô Vân (Anabhraka), Phước Sinh (Puṇya-prasava), Quảng Quả Thiên (Bṛhat-phala), Vô Phiền (Avṛha), Vô Nhiệt (Atapa), Thiện Hiện (Sudṛśa), Thiện Kiến (Sudarśana), Sắc Cứu Cánh Thiên (Akaniṣṭha) thì cũng nên sám hối diệt trừ nghiệp chướng.

Nếu muốn cầu quả Dự Lưu (Srotāpanna), quả Nhất Lai (Sakṛdāgāmi), quả Bất Hoàn (Anāgāmi), quả A La Hán (Arhat) thì cũng nên sám hối diệt trừ nghiệp chướng.

Nếu muốn nguyện cầu ba Minh (Tirso-vidyāḥ), sáu Thông (Ṣaḍ-abhijñāḥ), Thanh Văn (Śrāvaka), Độc Giác (Pratyeka-buddha), Tự Tại Bồ Đề (Īśvara-bodhi) đến Cứu Cánh Địa (Uttara-bhūmi), cầu Nhất Thiết Trí Trí (Sarva-jñā-jñāna), Tịnh Trí (Śuddha-jñāna), Bất Tư Nghị Trí (Acintya-jñāna), Bất Động Trí (Acala-jñāna), Tam Miệu Tam Bồ Đề (Samyaksaṃbodhi), Chính Biến Trí (Samyaksaṃbuddha) thì cũng nên sám hối diệt trừ nghiệp chướng.

Tại sao thế? Này Thiện Nam Tử! Tất cả các Pháp từ nhân duyên sinh, Đức Như Lai đã nói: “Tướng suy biến (dị tướng: một trong bốn tướng sinh trụ dị diệt) sinh, tướng suy biến (dị tướng) diệt vì nhân duyên khác nhau”. Như vậy các Pháp ở quá khứ đều đã diệt hết thì hết thảy nghiệp chướng không có dư sót nữa. Các Hành Pháp (Saṃskāra-dharma) đó chưa được hiện sinh mà nay được sinh thì Nghiệp Chướng ở vị lai chẳng dấy lên nữa. Tại sao thế? Thiện Nam Tử! Tất cả Pháp trống rỗng (Śūnya: không), Đức Như Lai đã nói: “Không có: ta, người, chúng sinh, thọ giả. Cũng không có sinh diệt, cũng không có Hành Pháp”

Thiện Nam Tử! Tất cả các Pháp đều y vào gốc (bản), cũng chẳng thể nói. Tại sao thế? Vì vượt qua tất cả tướng.

Nếu có kẻ trai lành, người nữ thiện như vậy nhập vào Chân Lý vi diệu, sinh Tâm tin kính. Đấy gọi là không có chúng sinh mà có ở gốc (bản), Do nghĩa đó cho nên nói đến sám hối diệt trừ nghiệp chướng.

Thiện Nam Tử! Nếu người thành tựu bốn Pháp thì hay trừ nghiệp chướng, vĩnh viễn được thanh tịnh. Thế nào là bốn?

1_Chẳng khởi Tâm tà, thành tựu chính niệm

2_Đối với Lý sâu xa, chẳng sinh chê bai

3_ Đối với Sơ Hạnh Bồ Tát, khởi Tâm Nhất Thiết Trí

4_ Đối với các chúng sinh, khởi Từ (Maitra) vô lượng

Đấy là bốn”

Lúc đó, Đức Thế Tôn nói Tụng rằng:

“Chuyên tâm hộ (giữ gìn, bảo vệ) ba nghiệp

Chẳng chê Pháp sâu xa

Tác tưởng Nhất Thiết Trí (Sarva-jñā)

Tâm Từ (Maitra-citta) tịnh nghiệp chướng (Karmāvaraṇa)”

_Thiện Nam Tử! có bốn nghiệp chướng khó thể diệt trừ. Thế nào là bốn?

1_ Đối với Luật Nghi của Bồ Tát, phạm điều ác cực nặng

2_Đối với Kinh Đại Thừa, sinh tâm chê bai

3_Nơi căn lành của mình, chẳng thể tăng trưởng

4_Tham dính ba cõi, không có Tâm thoát lìa

_Lại có bốn loại đối trị nghiệp chướng. Thế nào là bốn?

1_Đối với tất cả Như Lai ở mười phương Thế Giới, chí Tâm gần gũi, nói bày tất cả tội

2_Vì tất cả chúng sinh, khuyến thỉnh chư Phật nói Pháp màu nhiệm sâu xa

3_Tùy vui với hết thảy Công Đức của tất cả chúng sinh

4_Hết thảy Công Đức, căn lành thảy đều hồi hướng A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác)”

Bấy giờ, Thiên Đế Thích bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Hết thảy người nam, người nữ của Thế Gian đối với Đại Thừa Hạnh (Mahā-yāna-caryā) thì có người hay thực hành, có người chẳng thực hành. Làm thế nào có thể được tùy vui với Công Đức, căn lành của tất cả chúng sinh?”

Đức Phật nói: “Này Thiện Nam Tử! Nếu có chúng sinh tuy đối với Đại Thừa chưa thể tu tập. Nhưng ở ngày đêm, sáu thời trật áo hở vai phải, quỳ gối phải sát đất, chắp tay cung kính, một lòng chuyên niệm, khi tác tùy vui thời được Phước vô lượng. Nên nói lời này: ‘Tất cả chúng sinh trong mười phương Thế Giới, hiện tại tu hành Thí (Dāna), Giới (Śīla), Tâm Tuệ (Tâm nghiên cứu Tuệ). Nay tôi thảy đều sinh tùy vui sâu xa”. Do làm Phước tùy vui như vậy ắt sẽ được quả tối diệu, tôn trọng, thù thắng, vô thượng không có gì bằng. Như vậy hết thảy căn lành của tất cả chúng sinh ở quá khứ, vị lai thảy đều tùy vui.

Lại ở hiện tại, hết thảy Công Đức của Sơ Hạnh Bồ Tát phát Tâm Bồ Đề, vượt hơn trăm Đại Kiếp thực hành Bồ Tát Hạnh có Đại Công Đức được Vô Sinh Nhẫn đến Bất Thoái Chuyển, Nhất Sinh Bổ Xứ. Tất cả Công Đức tích chứa như vậy, thảy đều chí Tâm tùy vui khen ngợi.

Hết thảy Công Đức của tất cả Bồ Tát ở quá khứ, vị lai thì tùy vui khen ngợi cũng lại như vậy

Lại ở hiện tại, Tất cả chư Phật Ứng Chính Biến Tri trong mười phương Thế Giới chứng Diệu Bồ Đề, vì hóa độ vô biên các chúng sinh cho nên chuyển bánh xe Pháp vô thượng, thực hành Pháp Thí không có ngăn ngại, đánh trống Pháp, thổi loa Pháp, dựng phướng Pháp, tuôn mưa Pháp, thương xót khuyến hóa tất cả chúng sinh đều khiến cho tin nhận, đều nương theo Pháp Thí đều được sung túc, an vui không tận.

Lại nữa, Công Đức gom chứa căn lành của hết thảy Bồ Tát, Thanh Văn, Độc Giác. Nếu có chúng sinh chưa đủ các Công Đức như vậy đều khiến cho đầy đủ. Con đều tùy vui.

Như vậy, hết thảy Công Đức của chư Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Độc Giác ở quá khứ, vị lai… cũng đều chí Tâm tùy vui khen ngợi.

Thiện Nam Tử! Tùy vui như vậy sẽ được vô lượng nhóm Công Đức như hết thảy chúng sinh trong hằng hà sa ba ngàn Đại Thiên Thế Giới đều chặt đứt phiền não thành A La Hán

Nếu có kẻ trai lành, người nữ thiện suốt cả đời thường đem quần áo thượng diệu, thức ăn uống, giường nằm, thuốc men để làm cúng dường, thì Công Đức như vậy chẳng bằng một phần ngàn (1/1000) Công Đức tùy vui như lúc trước. Tại sao thế? Vì Công Đức cúng dường có số có lượng chẳng nhiếp các Công Đức, còn Công Đức tùy vui vô lượng vô số hay nhiếp tất cả Công Đức của ba đời. Thế nên, nếu người muốn cầu tăng trưởng căn Thắng Thiện thì nên tu Công Đức tùy vui như vậy

Nếu có người nữ nguyện chuyển thân nữ làm người nam thì cũng nên tu tập Công Đức tùy vui ắt được tùy theo Tâm hiện thành người naṁ.

_Khi ấy, Thiên Đế Thích bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Đã biết Công Đức tùy vui, Công Đức khuyến thỉnh. Nguyện xin vì con nói, muốn khiến cho tất cả Bồ Tát đời vị lai sẽ chuyển bánh xe Pháp, Bồ Tát hiện tại tu hành chính đúng”

Đức Phật bảo Đế Thích: “Nếu có kẻ trai lành, người nữ thiện…nguyện cầu A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác) cần phải tu hành con đường của Thanh Văn, Độc Giác, Đại Thừa. Người đó nên ở ngày đêm sáu thời, như uy nghi lúc trước, một lòng chuyên niệm, nói lời như vầy: “Nay con quy y tất cả chư Phật Thế Tôn ở mười phương đã được A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác), chưa chuyển bánh xe Pháp vô thượng, muốn buông xả Báo Thân (Saṃbhoga-kāya) nhập vào Niết Bàn (Nirvāṇa) thì con đều chí thành đỉnh lễ, khuyến thỉnh chuyển bánh xe Đại Pháp, tuôn mưa Đại Pháp, thắp đèn Đại Pháp, chiếu sáng Lý Thú, ban bố Pháp không có ngăn ngại, đừng Bát Niết Bàn (Parinirvāṇa: nhập vào Niết Bàn), trụ lau ở đời, độ thoát an vui cho tất cả chúng sinh. Như lúc trước đã nói, cho đến an vui không cùng tận.

Nay con dùng Công Đức khuyến thỉnh hồi hướng A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề. Như Công Đức khuyến thỉnh của các Đại Bồ Tát ở quá khứ vị lai, hồi hướng Bồ Đề. Con cũng như vậy, Công Đức khuyến thỉnh hồi hướng Vô Thượng Chính Đẳng Bồ Đề”

_Này Thiện Nam Tử! Giả sử có người đem bảy báu tràn đầy trong ba ngàn Đại Thiên Thế Giới, cúng dường Như Lai. Nếu lại có người khuyến thỉnh Như Lai chuyển bánh xe Đại Pháp thì Công Đức có được, Phước ấy hơn việc kia. Tại sao thế? Vì việc kia là Tài Thí, còn việc này là Pháp Thí

Thiện Nam Tử! Tạm gác lại việc đem bảy báu trong ba ngàn Đại Thiên Thế Giới bố thí. Nếu người đem bảy báu trong hằng hà sa số Đại Thiên Thế Giới cúng dường tất cả chư Phật, thì Công Đức khuyến thỉnh cũng hơn hẳn việc ấy.

Do Pháp Thí ấy có năm thắng lợi. Thế nào là năm?

1_Pháp Thí kiêm cả lợi mình lợi người, còn Tài Thí thì chẳng như thế

2_Pháp Thí hay khiến cho chúng sinh ra khỏi ba cõi, còn Phước của Tài Thí chỉ ra khỏi Dục Giới (Kāma-dhātu)

3_Pháp Thí hay tịnh Pháp Thân. Còn Tài Thí chỉ tăng trưởng nơi hình sắc (Rūpa: sắc)

4_Pháp Thí không có cùng tận, còn Tài Thí có cùng tận

5_Pháp Thí hay chặt đứt Vô Minh, còn Tài Thí chỉ khuất phục được Tham Ái

Thế nên, Thiện Nam Tử! Công Đức khuyến thỉnh vô lượng vô biên chẳng thể ví dụ. Như Ta xưa kia khi thực hành Bồ Tát Đạo thời khuyến thỉnh chư Phật chuyển bánh xe Đại Pháp. Do căn lành ấy, thế nên ngày nay tất cả Đế Thích, các hàng Phạm Vương khuyến thỉnh Ta chuyển bánh xe Đại Pháp.

_Thiện Nam Tử! Thỉnh chuyển bánh xe Pháp vì muốn độ thoát, an vui cho các chúng sinh. Ta ở xưa kia, tu Bồ Tát Hạnh khuyến thỉnh Đức Như Lai trụ lâu ở đời, đừng Bát Niết Bàn (nhập vào Niết Bàn). Y theo căn lành này, Ta được mười Lực, bốn Vô Sở Úy, bốn Vô Ngại Biện, Đại Từ Đại Bi, chứng được vô số Pháp Bất Cộng. Ta sẽ nhập vào Vô Dư Niết Bàn (Nirūpadhiśeṣa-nirvāṇa), Chính Pháp (Saddharma) của Ta trụ lâu ở đời. Pháp Thân (Dharma-kāya) của ta thanh tịnh không có gì sánh bằng, mọi loại tướng màu nhiệm, vô lượng Trí Tuệ, vô lượng tự tại, vô lượng Công Đức khó thể nghĩ bàn, tất cả chúng sinh đều nương nhờ lợi ích, trăm ngàn vạn kiếp nói chẳng thể hết

Pháp Thân nhiếp chứa tất cả các Pháp, tất cả các Pháp chẳng nhiếp Pháp Thân. Pháp Thân thường trụ chẳng rơi vào Thường Kiến (Nitya-dṛṣṭi), tuy lại đoạn diệt cũng chẳng phải là Đoạn Kiến (Uccheda-dṛṣṭi), hay phá mọi loại Dị Kiến (kiến giải ác nhân vào phiền não mà dấy lên) của chúng sinh, hay sinh mọi loại Chân Kiến (kiến giải chân thật chính đúng) của chúng sinh, hay cởi bỏ sự cột trói của tất cả chúng sinh nhưng không có sự cột buộc nào có thể cởi bỏ, hay gieo trồng gốc rễ các thiện của chúng sinh, kẻ chưa thành thục khiến được thành thực, người đã thành thục khiến được giải thoát, không có tạo làm, không có lay động, xa lìa nơi tụ họp ồn ào, vắng lặng, Vô Vi (Asaṃskṛta), tự tại an vui, vượt qua ba đời, hay hiện ba đời. Ra khỏi cảnh của Thanh Văn Độc Giác, nơi tu hành của các Đại Bồ Tát. Thể của tất cả Như Lai không có khác nhau. Nhóm này đều do sức căn lành của Công Đức khuyến thỉnh.

Pháp Thân như vậy, nay Ta đã đắc được. Thế nên, nếu có người muốn được A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề thời ở trong các Kinh, một câu, một Tụng đều vì người giải nói ắt Công Đức, căn lành còn không có hạn lượng, huống chi là khuyến thỉnh Đức Như Lai chuyển bánh xe Đại Pháp, trụ lâu ở đời, đừng Bát Niết Bàn”.

_Thời Thiên Đế Thích lại bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Nếu kẻ trai lành, người nữ thiện vì cầu A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề cho nên tu Đạo của ba Thừa thì căn lành có được làm thể nào để hồi hướng Nhất Thiết Trí Trí (Sarva-jñā-jñāna)?”

Đức Phật bảo Thiên Đế: “Này Thiện Nam Tử! Nếu có chúng sinh muốn cầu Bồ Đề, tu Đạo của ba Thừa, đem hết thảy căn lành nguyện hồi hướng thì nên ở ngày đêm sáu thời, ân trọng chí Tâm nói như vầy: “Con từ vô thủy sinh tử đến nay, ở chỗ của Tam Bảo, tu hành thành tựu hết thảy căn lành, cho đến bố thí cho Bàng Sinh một nắm thức ăn, hoặc dùng lời tốt lành hòa giải sự tranh tụng, hoặc thọ nhận Tam Quy với các chỗ học (học xứ), hoặc lại có được căn lành do sám hối, khuyến thỉnh, tùy vui

Nay con tác ý, thảy đều nhiếp lấy, hồi thí cho tất cả chúng sinh, không có Tâm hối tiếc. Đấy là nơi mà căn lành của phần Giải Thoát đã nhiếp, như chỗ thấy biết của Phật Thế Tôn chẳng thể xưng lường, thanh tịnh không có ngăn ngại. Hết thảy Công Đức, căn lành như vậy đều đem hồi thí cho tất cả chúng sinh, Tâm chẳng trụ tướng, Tâm chẳng buông bỏ Tướng. Con cũng như vậy, Công Đức, căn lành đều đem hồi thí cho tất cả chúng sinh, nguyện đều được bàn tay Như Ý, phá mở hư không xuất ra vật báu, thỏa mãn Nguyện của chúng sinh, giàu có vui sướng không tận, Trí Tuệ không cùng tận, Diệu Pháp Biện Tài thảy đều không có vướng mắc, cùng với các chúng sinh đồng chứng A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề, chứng Nhất Thiết Trí

Nhân vào căn lành nay lại sinh ra vô lượng Pháp tốt lành (thiện Pháp) cũng đều hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề (Agra-bodhi)

Lại như các Đại Bồ Tát ở quá khư, khi tu hành thời Công Đức, căn lành thảy đều hồi hướng Nhất Thiết Chủng Trí (Sarvathā-jñāna). Hiện tại, vị lai cũng lại như vậy. Như thế, hết thảy Công Đức, căn lành của con cũng đều hồi hướng A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề. Nguyện đem các căn tốt lành này cùng với tất cả chúng sinh đều thành Chính Giác.

Như chư Phật khác, ngồi ở Đạo Trường dưới cây Bồ Đề, thanh tịnh không có ngăn ngại chẳng thể nghĩ bàn, trụ ở Vô Tận Pháp Tạng Đà La Ni (Akṣaya-dharma-garbha-dhāraṇī), Thủ Lăng Nghiêm Định (Śuraṃgama-samādhi), phá vô lượng binh chúng của Ma Ba Tuần (Pāpīyas). Nơi hiểu biết cần thấy, chỗ cần phải thông đạt… như vậy tất cả, trong một Sát Na thảy đều soi chiếu rõ, ở trong đêm hôm sau được Pháp Cam Lộ (Amṛta), chứng nghĩa Cam Lộ.

Con với chúng sinh, Nguyện đồng chứng Diệu Giác như vậy, giống như Vô Lượng Thọ Phật, Thắng Quang Phật, Diệu Quang Phật, A Súc Phật, Công Đức Thiện Quang Phật, Sư Tử Quang Minh Phật, Bách Quang Minh Phật, Võng Quang Minh Phật, Bảo Tướng Phật, Bảo Diệm Phật, Diệm Minh Phật, Diệm Thịnh Quang Minh Phật, Cát Tường Thượng Vương Phật, Vi Diệu Thanh Phật, Diệu Trang Nghiêm Phật, Pháp Tràng Phật, Thượng Thắng Thân Phật, Khả Ái Sắc Thân Phật, Quanh Minh Biến Chiếu Phật, Phạm Tịnh Vương Phật, Thượng Tính Phật… Nhóm Như Lai Ứng Chính Biến Tri như vậy ở quá khứ, vị lai với hiện tại hiền bày ứng hóa, đắc A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề, chuyển bánh xe Pháp vô thượng hóa độ chúng sinh. Con cũng như vậy. Rộng nói như bên trên

_Này Thiện Nam Tử! Nếu người nam, người nữ có niềm tin trong sạch, đối với Phẩm Diệt Nghiệp Chướng của Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương này, thọ trì đọc tụng, nhớ nghĩ chẳng quên, vì người khác rộng nói sẽ được vô lượng vô biên nhóm Công Đức lớn. Ví như hết thảy chúng sinh trong ba ngàn Đại Thiên Thế Giới một thời đều được thành tựu thân người. Được thân người xong, lại thành Độc Giác Đạo (Pratyeka-buddha-mārga).

Nếu có kẻ trai lành, người nữ thiện suốt cả cuộc đời, cung kính tôn trọng, bốn việc cúng dường mỗi một vị Độc Giác (Pratyeka-buddha), đều bố thí bảy báu như núi Tu Di. Sau khi các vị Độc Giác này vào Niết Bàn, đều đem châu báu dựng tháp cúng dường, cái tháp ấy cao rộng 12 Du Thiện Na, dùng các hoa, hương, vật báu, phướng, phan, lọng… thường làm cúng dường.

Này Thiện Nam Tử! Ý ông thế nào? Công Đức người đó đại được có nhiều không?”

Thiên Đế Thích nói: “Bạch Đức Thế Tôn! Rất nhiều”

_Thiện Nam Tử! Nếu lại có người đối với Phẩm Diệt Nghiệp Chướng trong Kinh Điển Kim Quang Minh vi diệu này, vua trong mọi Kinh… vì người khác rộng nói thì Công Đức đạt được (khi so sánh thời) Công Đức cúng dường đã nói lúc trước, trong trăm phần chẳng theo kịp một phần, trăm ngàn vạn ức phần cho đến tính đếm do lường, thí dụ cũng chẳng theo kịp. Tại sao thế? Vì kẻ trai lành, người nữ thiện đó trụ trong Chính Hạnh khuyến thỉnh tất cả chư Phật ở mười phương, chuyển bánh xe Pháp vô thượng đều được chư Phật vui vẻ khen ngợi.

_Này Thiện Nam Tử! Như Ta đã nói, trong tất cả Thí (Dāna) thì Pháp Thí là hơn hết. Thế nên, Thiện Nam Tử! Ở chỗ của Tam Bảo, bày các cúng dường…chẳng thể đem so sánh được.

Khuyên thọ Tam Quy, giữ gìn tất cả Giới không có hủy phạm, ba nghiệp chẳng trống rỗng (Śūnya: không)… cũng chẳng thể đem so sánh được.

Tất cả chúng sinh trong tất cả Thế Giới, tùy theo sức, tùy theo khả năng, tùy theo nguyện ưa thích, ở trong ba Thừa, khuyên phát Tâm Bồ Đề… cũng chẳng thể đem so sánh được.

Hết thảy chúng sinh trong tất cả Thế Giới ở trong ba đời, đều được vô ngại, mau khiến thành tựu vô lượng Công Đức… cũng chẳng thể đem so sánh được.

Tất cả chúng sinh trong cõi nước ở ba đời, khiến không có chướng ngại, được Tam Bồ Đề (Saṃbodhi: Chính Đẳng Giác)…cũng chẳng thể đem so sánh được.

Tất cả chúng sinh trong cõi nước ở ba đời, khuyên khiến mau chóng ra khỏi nỗi khổ trong bốn đường ác… cũng chẳng thể đem so sánh được.

Tất cả chúng sinh trong cõi nước ở ba đời, khuyên khiến trừ diệt nghiệp ác cực năng… cũng chẳng thể đem so sánh được.

Tất cả khổ não, khuyên khiến giải thoát… cũng chẳng thể đem so sánh được.

Tất cả sự sợ hãi, khổ não ép bức đều khiến được giải thoát… cũng chẳng thể đem so sánh được.

Hết thảy Công Đức khuyến thỉnh, tùy vui, phát Bồ Đề Nguyện của tất cả chúng sinh ở trước mặt Phật ba đời… cũng chẳng thể đem so sánh được.

Khuyên trừ Hạnh ác, Nghiệp mắng chửi… tất cả Công Đức đều nguyện thành tựu. Ở ngay chỗ sinh ra, khuyến thỉnh, cúng dường, tôn trọng, khen ngợi tất cả Tam Bảo. Khuyến thỉnh chúng sinh đều tu Phước Hạnh, thành mãn Bồ Đề… cũng chẳng thể đem so sánh được.

Chính vì thế, nên biết khuyến thỉnh Tam Bảo ba đời trong tất cả Thế Giới, khuyến thỉnh mãn túc Ba La Mật, khuyến thỉnh chuyển bánh xe Pháp vô thượng, khuyến thỉnh trụ ở đời trải qua vô lượng kiếp, diễn nói vô lượng Pháp màu nhiệm sâu xa… thì Công Đức thâm sâu không gì có thể so sánh được”.

_Lúc đó, Thiên Đế Thích với Nữ Thần sông Hằng, vô lượng Phạm Vương, bốn Đại Thiên Chúng từ chỗ ngồi đứng dậy, trật áo hở vai phải, quỳ gối phải sát đất, chắp tay, đỉnh lễ rồi bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Chúng con đều được nghe Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương này. Nay đều thọ trì, đọc tụng thông lợi, vì người khác rộng nói, y theo Pháp này trụ. Tại sao Thế? Bạch Đức Thế Tôn! Chúng con muốn cầu A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác) tùy thuận mọi loại Thắng Tướng của nghĩa này, như Pháp thực hành”

Bấy giờ, Phạm Vương với hàng Thiên Đế Thích ở chỗ nói Pháp, đều đem mọi loại hoa Mạn Đà La rải tán lên trên Đức Phật. Ba ngàn Đại Thiên Thế Giới, Đại Địa chấn động lớn. Tất cả trống Trời với các âm nhạc chẳng đánh tự kêu, phóng ánh sáng màu vàng ròng trản đầy khắp Thế Giới, phát ra âm thanh màu nhiệm.

Thời Thiên Đế Thích bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Nhóm này đều là sức Uy Thần của Kinh Kim Quang Minh, Từ Bi cứu khắp, mọi loại lợi ích, mọi loại tăng trưởng căn lành của Bồ Tát diệt các nghiệp chướng”

Đức Phật nói: “Đúng như vậy! Đúng như vậy! Như ông đã nói. Tại sao thế? Này Thiện Nam Tử! Ta nhớ về thời xa xưa, hơn vô lượng trăm ngàn a tăng kỳ Kiếp, có Đức Phật tên là Bảo Vương Đại Quang Chiếu Như Lai Ứng Chính Biến Tri hiện ra ở đời, trụ ở đời 680 ức Kiếp

Bấy giờ, Bảo Vương Đại Quang Chiếu Như Lai vì muốn độ thoát Người, Trời, Thích, Phạm, Sa Môn, Bà La Môn, tất cả chúng sinh khiến cho an vui, cho nên ngay lúc hiện ra thời: Hội đầu tiên nói Pháp hóa độ trăm ngàn ức ức vạn Chúng, đều được quả A La Hán, các Lậu (Phiền não) đã dứt hết. Ba Minh, sáu Thông tự tại không có ngăn ngại. Ở Hội thứ hai lại hóa độ chín mươi ngàn ức ức vạn Chúng đều được quả A La Hán, các Lậu (Phiền não) đã dứt hết. Ba Minh, sáu Thông tự tại không có ngăn ngại. Ở Hội thứ ba lại hóa độ chín mươi tám ngàn ức ức vạn Chúng đều được quả A La Hán, viên mãn như bên trên.

Này Thiện Nam Tử! Ta ở thời đấy mang thân người nữ tên là Phước Bảo Quang Minh. Ở Hội thứ ba, gần gũi Đức Thế Tôn, thọ trì, đọc tụng Kinh Kim Quang Minh này, vì người khác rộng nói, cầu A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề. Thời Đức Thế Tôn ấy vì Ta Thọ Ký (Vyākaraṇa): “Người nữ Phước Bảo Quang Minh này ở đời vị lai sẽ được thành Phật, hiệu là Thích Ca Mâu Ni Như Lai Ứng Cúng Chính Biến Tri Minh Hạnh Túc Thiện Thệ Thế Gian Giải Vô Thượng Sĩ Điều Ngự Trượng Phu Thiên Nhân Sư Phật Thế Tôn”. Sau khi bỏ thân nữ, từ đấy về sau vượt qua bốn đường ác, sinh trong cõi Người, Trời thọ nhận niềm vui thượng diệu. Tám mươi bốn ngàn đời làm Chuyển Luân Vương, cho đến ngày nay được thành Chính Giác, danh tiếng vang khắp Thế Giới”.

Lúc đó, Đại Chúng trong Hội đột nhiên đều thấy Đức Bảo Vương Đại Quang Nhiếu Như Lai chuyển bánh xe Pháp vô thượng, nói Pháp vi diệu.

“Này Thiện Nam Tử! Cách Thế Giới Sách Ha (Sāha-loka-dhātu) này về phương Đông, vượt hơn hằng hà sa số cõi Phật, có Thế Giới tên là Bảo Trang Nghiêm, Đức Bảo Vương Đại Quang Chiếu Như Lai ấy, hiện nay đang ở nơi đó, chưa Bát Niết Bàn, nói Pháp vi diệu, rộng hóa quần sinh. Người mà các ngươi nhìn thấy tức là Đức Phật ấy.

Thiện Nam Tử! Nếu có kẻ trai lành, người nữ thiện nghe danh hiệu của Đức Bảo Vương Đại Quang Chiếu Như Lai đó thì ở Bồ Tát Địa được Bất Thoái Chuyển cho đến Đại Niết Bàn. Nếu có người nữ nghe tên của Đức Phật đó, khi lâm chung thời được thấy Đức Phật ấy đi đến chỗ của mình. Đã thấy Đức Phật xong thì rốt ráo chẳng thọ nhận thân nữ nữa.

_Thiện Nam Tử! Kinh Điển Kim Quang Minh vi diệu này có mọi loại lợi ích, mọi loại tăng trưởng căn lành của Bồ Tát, diệt các nghiệp chướng.

Thiện Nam Tử! Nếu có Bật Sô (Bhikṣu), Bật Sô Ni (Bhikṣuṇī), Ô Ba Sách Ca (Upāsaka), Ô Ba Tư Ca (Upāsikā) tùy ở nơi chốn nào, vì người giảng nói Kinh Điển Kim Quang Minh vi diệu thì ở cõi nước ấy đều được bốn loại căn lành phước lợi. Thế nào là bốn?

1_Quốc Vương không có bệnh, lìa các tai ách

2_Thọ mệnh lâu dài, không có chướng ngại

3_Không có oán địch, binh chúng mạnh mẽ dũng cảm

4_An ổn vui sướng, Chính Pháp lưu thông

Tại sao thế? Vị vị Nhân Vương (Nārendra) đó thường được Thích Phạm, bốn Thiên Vương, chúng Dược Xoa cùng nhau thủ hộ”.

_Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Thiên Chúng rằng: “Việc đó có thật không?”

Khi ấy, vô lượng Thích Phạm, bốn Thiên Vương với chúng Dược Xoa cùng lúc đồng thanh đáp rắng: “Bạch Đức Thế Tôn! Như vậy! Như vậy! Nếu có cõi nước tuyên giảng, đọc tụng Diệu Kinh Vương này thì các Quốc Chủ đó được bốn Thiên Vương chúng con thường đi đến ủng hộ, cùng chung đi đứng. Nếu vị vua ấy có tất cả tai chướng với các oán địch thì bốn Thiên Vương chúng con đều khiến cho tiêu hết, cũng khiến trừ bệnh dịch lo buồn, tăng ích thọ mệnh, cảm ứng điềm tốt lành, ước nguyện toại Tâm, luôn sinh vui vẻ. Chúng con cũng hay khiến cho hết thảy quân binh trong nước ấy thảy đều mạnh mẽ dũng cảm”.

Đức Phật nói: “Lành thay! Lành thay Thiện Nam Tử! Như ông đã nói, ông nên tu hành. Tại sao thế? Vì các quốc chủ đó như Pháp thực hành thời tất cả người dân tùy theo đức vua tu tập, như Pháp thực hành. Các ông đều nương nhờ theo mà hình sắc, sức lực được thắng lợi, cung điện tỏa sáng, quyến thuộc cường thịnh”

Thời nhóm Thích, Phạm bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Thật đúng như vậy!”

_Đức Phật nói: “Nếu nơi chốn nào có giảng đọc, lưu thông Kinh Điển màu nhiệm này thì trong nước ấy: Đại Thần, Phụ Tướng có bốn loại lợi ích. Thế nào là bốn?

1_Gần gũi thuận hòa với nhau, tôn trọng yêu nhớ nhau

2_Thường được Nhân Vương yêu trọng. Cũng được Sa Môn, Bà La Môn, nước lớn, nước nhỏ tuân kính

3_Khinh tiền, trọng Pháp chẳng cầu lợi của đời, tiếng tốt vang khắp

4_Thọ mệnh lâu dài, an ổn, khoái lạc.

Đấy gọi là bốn loại lợi ích.

_Nếu có cõi nước tuyên nói Kinh này thì Sa Môn, Bà La Môn được bốn loại thắng lợi. Thế nào là bốn?

1_Thức ăn uống, quần áo, giường nằm, thuốc men không có thiếu thốn

2_Đều được an Tâm, suy nghĩ đọc tụng

3_Ở chốn núi rừng, được trụ an vui

4_Tùy theo Tâm ước nguyện, đều được đầy đủ

Đấy gọi là bốn loại thắng lợi.

_Nếu có cõi nước tuyên nói Kinh này thì tất cả người dân đều được sung túc an vui, không có bệnh dịch. Người đi buôn qua lại được nhiều hàng hóa quý báu, đầy đủ thắng phước

Đấy gọi là mọi loại Công Đức lợi ích”

Bấy giờ, Phạm, Thích, bốn Thiên Vương với các Đại Chúng bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Kinh Điển như vậy có nghĩa thâm sâu, nếu hiện còn thì nên biết 37 loại Pháp Trợ Bồ Đề của Như Lai còn trụ ở đời chưa bị diệt. Nếu khi Kinh Điển này diệt tận thì Chính Pháp cũng diệt”

Đức Phật nói: “Đúng như vậy! Đúng như vậy! Thiên Nam Tử! Thế nên các ông đối với một câu, một Tụng, một Phẩm, một Bộ của Kinh Kim Quang Minh này đều nên một lòng đọc tụng chính đúng, nghe giữ chính đúng, suy nghĩ chính đúng, tu tập chính đúng, vì các chúng sinh rộng tuyên lưu bày thời đêm dài an vui, phước lợi vô biên”

Khi các Đại Chúng nghe Đức Phật nói xong, đều nương theo lợi ích thù thắng, vui vẻ thọ trì.

    Xem thêm:

  • Kinh Đà La Ni Tiêu Trừ Hết Thảy Chướng Nạn Thiểm Điện Tùy Cầu Như Ý - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Thánh Tối Thắng - Kinh Tạng
  • Kinh Đà Lân Ni Bát - Kinh Tạng
  • Kinh Tinh Yếu Đế Thích Bát Nhã - Kinh Tạng
  • Tâm Kinh Thần Chú Thập Nhứt Diện - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Đà La Ni Đại Ái - Kinh Tạng
  • Kinh Văn Thù Sư Lợi Pháp Bảo Tàng Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Đại Thất Bảo - Kinh Tạng
  • Hà Da Yết Lợi Bà Quán Thế Âm Bồ Tát Thọ Pháp Đàn - Kinh Tạng
  • Nghi Quỹ Niệm Tụng Đà La Ni Nhứt Kế Văn Thù Sư Lợi Đồng Tử - Kinh Tạng
  • Kinh Bồ Tát Quán Tự Tại Tùy Tâm Chú - Kinh Tạng
  • Pháp Hà Da Yết Lợi Bà Tượng - Kinh Tạng
  • Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương - Kinh Tạng
  • Kinh Thần Chú Đà La Ni Bồ Tát Thiên Nhãn Thiên Tý Quán Thế Âm - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Vô Lượng Công Đức - Kinh Tạng
  • Kinh Chư Phật Tâm Ấn Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Kinh Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Lạo Đà La Ni Thân - Kinh Tạng
  • Nghi Quỹ Niệm Tụng Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Thất Phật Bổn Nguyện Công Đức - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Thanh Tịnh Quán Thế Âm Phổ Hiền - Kinh Tạng
  • Kinh 12 Danh Hiệu Của Đại Cát Tường Thiên Nữ - Kinh Tạng