Phật giáo có mặt tại Việt Nam từ rất lâu đời, được những thương buôn người Ấn Độ truyền vào đất nước ra thông qua hình ảnh Quan Thế Âm Bồ Tát. Họ nói rằng vị Bồ Tát này luôn cứu nạn và mang đến sự bình an cho những chuyến vượt biển gian nan của họ. Vì vậy, người Việt chúng ta đã tiếp nhận đạo Phật từ đây bằng sự tín ngưỡng.
Dù là Phật tử hay không phải Phật tử, ai cũng mong muốn mình được khỏe mạnh và có cuộc sống hạnh phúc. Vì thế, hầu hết người ta tìm đến đạo Phật bằng sự tín ngưỡng, họ cho rằng Đức Phật có khả năng ban phước giáng họa cho mọi người. Đó là suy nghĩ của những ai chưa đủ duyên để giác ngộ đạo Phật.
Bởi thực tế, Đức Phật không bao giờ cho rằng mình là thần linh hay Thượng Đế và có quyền năng như thế. Đức Phật không ban tặng sự hạnh phúc và sự giải thoát cho con người nhưng Ngài chỉ cách cho chúng ta làm thế nào để có được sự hạnh phúc và giải thoát thật sự trong cuộc đời. Vì thế, Đức Phật luôn được tôn xưng là bậc thầy dẫn đường của trời và người.
Đức Phật dạy: “Hãy tự xem con là hải đảo của con, hãy tự xem con là nơi nương tựa của con. Không nên tìm nương tựa nơi ai khác” (Trường A-hàm, kinh Đại bát Niết-bàn). Do vậy Phật ở trong chính nơi chúng ta, sự giác ngộ chính nơi chúng ta và sự giải thoát cũng chính nơi chúng ta. Nếu không giải quyết các vấn đề này bằng sự nội tĩnh tu hành thì chúng ta sẽ rơi vào lận đận, khổ tâm với tất cả sự phiền muộn của mình.
Có thể nói, Phật Pháp như chiếc phao nổi luôn cứu vớt những mảnh đời bất hạnh, đau khổ nếu họ biết lấy giáo lý của đạo Phật làm nền tảng để tu học và thực hành.
Pháp thoại Đức Phật Là Người Thầy Dẫn Đường được đại đức Thích Phước Tiến giảng tại chùa Ấn Quang (quận 10, HCM) ngày 10/05/2017