Hoa sen là biểu tượng đặc trưng của Phật Giáo. Người Phật tử chúng ta chào nhau bằng hành động chấp hai tay vào nhau, đó là hình ảnh của búp sen. Bên cạnh đó, tư thế ngồi tu, hay ngồi tụng kinh ở trong chùa gọi là ngồi kiết già hoặc bán già cũng là một hình ảnh của hoa sen
Xuyên suốt lịch sử cuộc đời của Đức Phật, biểu tượng của hoa sen được gắn liền với truyền thuyết, hay là triết lý của Phật Giáo nhất là gắn liền với giai đoạn chứng đạo của Đức Phật
Sau khi giác ngộ dưới cội Bồ Đề thành Phật, ý tưởng của Đức Phật là muốn nhập Niết Bàn. Chư thiên ba lần thưa thỉnh Đức Phật, vì chúng sinh mê muội rất cần sự có mặt của Ngài. Lúc đó, Đức Phật ngồi quán chiếu hồ sen nơi Ngài ngồi tịnh tu và đưa ra phương tiện để hoằng pháp lợi sinh bằng cách pháp phương tiện.
Trong Kinh Pháp Cú Đức Phật từng nêu câu liên hệ đến hoa sen: “Như từ đống bùn nhơ vứt bỏ. Trên đường lớn, sinh ra hoa sen thanh khiết ngọt ngào, làm đẹp ý mọi người; cũng thế, chỉ từ nơi chốn phàm phu ngu muội mới sản sinh những vị đệ tử bậc Chánh giác, đem trí tuệ soi sáng thế gian.”
Nhiều kinh điển, tông phái liên quan đến biểu tượng hoa sen để chúng ta thấy biểu tượng hoa sen rất quan trọng trong triết lý của Phật giáo. Biểu tượng hoa sen được lồng ghép trong đây, để mang nghĩa là con người tu hành cần phải vượt ra khỏi sự đắm nhiễm của trần lao phiền não.
Ý nghĩa hoa sen là mang tính nhân văn cao đẹp, thể hiện một thông điệp rằng Phật tánh luôn tiềm ẩn trong mỗi chúng sinh trên bất cứ một thế giới nào trong lục đạo.
Bài thuyết pháp Hoa Sen – Biểu Tượng Đặc Thù Trong Đạo Phật được đại đức Thích Phước Tiến giảng tại Chùa Xá Lợi (Quận 3, HCM), ngày 06/05/2017 (11/04/Đinh Dậu)