Bài giảng “Tứ Hoằng Thệ Nguyện Là Sứ Mạng Trụ Trì” do thầy Thích Phước Tiến thuyết giảng tại chùa Long Phước (phường 5, tp Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) ngày 02/07/2014 (06/06/Giáp Ngọ)
BỐN LỜI NGUYỆN LỚN (tứ hoằng thệ nguyện)
Những người phát tâm tu học và thực hành hạnh Bồ-tát đều phải phát bốn lời nguyện lớn như là hành trang tinh thần cho họ vào đời để thực hiện sứ mạng của mình. Không phát bốn lời nguyện này thì công phu của hành giả sẽ trở nên vô nghĩa.
1. Lời nguyện thứ nhất: Chúng sinh không số lượng, thệ nguyện đều độ khắp.
Lời nguyện này phát xuất từ đức tính từ bi của đạo Phật. Nhìn thấy chúng sinh là nhìn thấy đau khổ. Có nhìn thấy đau khổ mới có ý chí chấm dứt khổ đau. Chữ “độ” ở đây không có nghĩa gì khác hơn là chấm dứt khổ đau để đạt tới giải thoát, an lạc. Do đó chúng ta thấy, nội dung của lời nguyện thứ nhất này gắn bó rất chặt chẽ với sự thật thứ nhất –nhận thức về khổ đau (khổ đế) – của giáo lí Bốn Sự Thật. Với lời nguyện này, hành giả đã nói lên ý chí của mình là quyết tâm chấm dứt khổ đau để kiến tạo hạnh phúc, an lạc cho mình và cuộc đời.
2. Lời nguyện thứ hai: Phiền não không cùng tận, thệ nguyện đều dứt sạch.
Lời nguyện này phát xuất từ đức tính hùng lực (hay dũng mãnh) của đạo Phật. Phiền não là tất cả những gì đã gây ra đau khổ cho chúng sinh. Sở dĩ đau khổ cứ triền miên đè nặng cuộc sống là vì con người không thấy được nguyên nhân gây ra đau khổ; hoặc giả có kẻ thấy được thì lại không có đủ lòng từ bi để cứu khổ mà đôi khi còn nhân đó làm cho khổ đau tăng thêm, chồng chất mãi; hoặc giả có người muốn chấm dứt khổ đau nhưng lại không có đủ hùng lực để diệt trừ phiền não là nguyên nhân gây ra đau khổ. Cho nên lời nguyện này đã nói lên ý chí của hành giả quyết tâm đem dũng lực của mình để dứt sạch mọi nguyên nhân đã gây nên đau khổ. Nội dung của lời nguyện có liên hệ mật thiết với sự thật thứ hai – nguyên nhân của khổ đau (tập đế) – của giáo lí Bốn Sự Thật.
3. Lời nguyện thứ ba: Pháp môn không kể xiết, thệ nguyện đều tu học.
Lời nguyện này phát xuất từ đức tính trí tuệ của đạo Phật. Pháp môn là tất cả những phương pháp hành động chân chính dùng để tận diệt phiền não, chấm dứt khổ đau và xây dựng hạnh phúc, an lạc. Đó là những lời Phật dạy được ghi chép trong rừng kinh điển đạo Phật, và tất cả những lời luận thuyết của hàng đệ tử Phật trải qua bao thời đại nhằm xiển dương giáo nghĩa của đức Phật. Chữ “tu học” ở đây phải được hiểu là học hiểu giáo lí và áp dụng giáo lí ấy một cách thông minh vào đời sống hằng ngày để giúp ích cho chính mình và cho mọi người, mọi loài. Có học như vậy thì pháp môn kia mới trở thành hành trang chính yếu và quí báu cho hành giả vào đời. Pháp môn ấy sẽ là cây kiếm báu để chặt đứt mọi gốc rễ của phiền não, là viên gạch bền chắc để xây nền móng cho tòa nhà an lạc, và là nước trong, gạo trắng, hoa cỏ xinh tươi, không khí thơm lành của cõi tịnh độ. Lời nguyện đã nói lên cái ý chí khai mở trí tuệ của hành giả, vì chúng ta từng biết rằng, tình thương, trí tuệ và hùng lực là ba yếu tố cần thiết, không thể thiếu một, cho những người phát tâm thực hành hạnh Bồ-tát. Nội dung lời nguyện đã gắn bó chặt chẽ với sự thật thứ tư – phương pháp hành động để chấm dứt khổ đau và đạt tới an lạc, giải thoát (đạo đế) – của giáo lí Bốn Sự Thật.
4. Lời nguyện thứ tư: Quả Phật không gì hơn, thệ nguyện được viên thành.
Quả Phật là sự nghiệp giác ngộ đã được trọn vẹn. Đối với người tu học, không có mục đích gì khác hơn, không có địa vị nào cao hơn là đạo quả giác ngộ. Khi đã có đầy đủ ba đức tính từ bi, trí tuệ và hùng lực tức là hành giả đã có đầy đủ tư cách của một đức Phật. Cho nên lời nguyện này đã nói lên cái mục tiêu cuối cùng mà hành giả quyết tâm đạt tới, đó là sự nghiệp giác ngộ toàn vẹn sau khi đã tự độ, độ tha, tự giác, giác tha. Nội dung của lời nguyện đã gắn bó mật thiết với sự thật thứ ba – sự hiện hữu của an lạc và giải thoát (diệt đế) – của giáo lí Bốn Sự Thật.
-st-
Kính chúc quý Phật tử có những phút giây thư giãn và tu học tinh tấn, thân tâm an lạc vạn sự kiết tường. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!