1
2
3
4
5
6
7
8
9
10

QUYỂN 2

PHẨM 3: PHÂN BIỆT BA THÂN

Lúc ấy đại bồ tát Hư không tạng ở trong đại hội từ chỗ ngồi đứng dậy, vắt vạt pháp y ở vai bên phải, gối bên phải quì xuống chấm đất, chắp tay tôn kính, đảnh lễ ngang chân đức Thế tôn, đem cái lọng thượng hạng có gắn tràng phan và kết những thứ hoa vàng ngọc tinh hảo mà hiến dâng lên Ngài, thưa rằng, bạch đức Thế tôn, bồ tát đại sĩ tu hành chính xác như thế nào về bí mật sâu xa của chư vị Thế tôn? Đức Thế tôn dạy, thiện nam tử, hãy nghe cho kyլ hãy khéo suy nghĩ, Như lai sẽ phân tích giải thích cho ông.

Thiện nam tử, chư vị Như lai có ba thân, một là hóa thân, hai là ứng thân, ba là pháp thân. Ba thân như vậy bao quát đầy đủ về vô thượng bồ đề, nhận thức chính xác thì mau chóng siêu thoát sinh tử. Thiện nam tử, bồ tát nên nhận thức hóa thân như thế nào? Nên nhận thức rằng Như lai quá khứ ở trong vị trí tu hành, vì chúng sinh mà tu tập diệu pháp. Tu tập cho đến vị trí viên mãn. Thì do sức mạnh tu tập mà được sự tự tại lớn lao. Được sự tự tại nên tùy ý muốn của chúng sinh, tùy việc làm của chúng sinh, tùy thế giới của chúng sinh, biết rành tất cả. Rồi không chờ đợi cơ hội, không lỡ mất cơ hội, thích ứng địa phương, thích ứng thì gian, thích ứng việc làm, thích ứng thuyết pháp, mà thị hiện mọi loại thân hình, đó là hóa thân. Thiện nam tử, bồ tát nên nhận thức ứng thân như thế nào? Nên nhận thức rằng Như lai vì làm cho bồ tát được sự thông đạt mà nói về chân đế, rằng do thấu triệt sinh tử với niết bàn là nhất thể, do loại trừ sự sợ hãi và sự vui mừng của chúng sinh chấp ngã, do làm căn bản cho vô biên phẩm chất Phật đà, do sức mạnh bản nguyện thích ứng đích thực với như như trí của như như lý, mà hình thành thân thể với ba mươi hai tướng tốt và tám mươi nét đẹp, sau cổ là vầng sáng tròn, đó là ứng thân. Thiện nam tử, bồ tát nên nhận thức pháp thân như thế nào? Nên nhận thức rằng do loại trừ phiền não chướng và sở tri chướng, do đầy đủ thiện pháp, mà chỉ có như như lý của như như trí (12) , đó là pháp thân.

Thiện nam tử, hai thân trước là có giả, thân thứ ba mới có thật, làm căn bản cho hai thân trước. Tại sao? Vì tách rời như như lý và như như trí thì chư vị Như lai không có phẩm chất nào cả. Nhưng chư vị Như lai thì tuệ giác toàn hảo, phiền não diệt tận, thủ đắc vị trí Phật đà tối cực thanh tịnh. Thế nên như như lý và như như trí tổng quát tất cả phẩm chất Phật đà.

Thiện nam tử, chư vị Như lai tuyệt đối lợi ích mình người (13) . Lợi ích mình là như như lý. Lợi ích người là như như trí. Như như lý và như như trí làm cho đạt được tự tại trong sự lợi ích mình người, hoàn thành vô biên diệu dụng, do vậy mà phẩm chất Phật đà có vô biên các dạng dị biệt. Thiện nam tử, ví như do vọng tưởng mà nói các loại phiền não, các loại nghiệp dụng, các loại quả báo; cũng y như vậy, do như như lý và như như trí mà nói các pháp Phật đà, các pháp Độc giác, các pháp Thanh văn. Do như như lý và như như trí mà tự tại hoàn thành tất cả Phật pháp, đó là sự thể bậc nhất, bất khả tư nghị. Thiện nam tử, như vẽ đồ dùng trong không gian, đó là sự khó thể nghĩ bàn; do như như lý và như như trí mà hoàn thành phẩm chất Phật đà cũng khó nghĩ bàn như vậy. Tại sao như như lý và như như trí cả hai đều không phân biệt mà lại tự tại hoàn thành sự thể? Điều này ví như Như lai nhập niết bàn, nhưng do nguyện lực tự tại mà thành được đủ mọi sự thể. Như như lý và như như trí mà tự tại hoàn thành mọi sự cũng là như vậy. Thiện nam tử, bồ tát đại sĩ nhập định vô tâm (14) , nhưng do nguyện lực trước đó mà xuất định vẫn làm mọi sự; như như lý và như như trí không phân biệt mà vẫn tự tại thành sự cũng vậy. Như trời trăng không có phân biệt, nước gương không có phân biệt, ánh sáng không có phân biệt, nhưng cả ba thứ này hợp lại thì có hình ảnh; như như lý và như như trí không phân biệt, nhưng do nguyện lực tự tại mà chúng sinh thấy có ứng thân và hóa thân. Thiện nam tử, rất nhiều nước gương do ánh sáng mà không ảnh (15) hiện ra đủ hình dạng khác nhau, nhưng không gian thì không có hình dạng như vậy. Cũng y như vậy, những người tiếp nhận giáo hóa chính là hình ảnh của pháp thân. Do nguyện lực mà hai thân đủ mọi hình tướng, nhưng pháp thân thì không có hình tướng khác nhau.

Thiện nam tử, do hai thân mà nói chư vị Như lai là niết bàn hữu dư, do pháp thân mà nói chư vị Như lai là niết bàn vô dư, vì những gì dư lại đã tuyệt đối diệt tận. Lại do ba thân mà nói chư vị Như lai không trụ niết bàn. Hai thân là không trụ niết bàn, còn tách rời pháp thân thì không có Phật thân nào biệt lập, [nên pháp thân cũng là không trụ niết bàn]. Tại sao hai thân không trụ niết bàn, vì hai thân là có giả, sinh diệt như mỗi ý nghĩ, không cố định trụ lại, lại luôn luôn xuất hiện chứ không cố định. Pháp thân thì không như vậy. Nên hai thân thì không trụ niết bàn, còn pháp thân thì vì bất nhị [với hai thân] nên cũng là không trụ niết bàn mà thôi. Do vậy, căn cứ ba thân mà nói chư vị Như lai không trụ niết bàn (16) .

Thiện nam tử, phàm phu vì ba tướng mà có ràng buộc, có ngăn cách, rời xa ba thân, không đạt đến ba thân. Ba tướng là gì, một là biến kế, hai là y tha, ba là thành tựu. Ba tướng như vậy mà không thể lý giải [cái nên lý giải], không thể diệt trừ [cái nên diệt trừ], không thể trong sáng [cái nên trong sáng], thế nên không thể đạt đến ba thân. Ba tướng như vậy mà có thể lý giải, có thể diệt trừ, có thể trong sáng, thì toàn hảo ba thân của chư vị Như lai. Thiện nam tử, phàm phu chưa trừ bỏ được ba tâm nên rời xa ba thân, không thể đạt đến. Ba tâm là gì, một là tâm sinh sự, hai làm tâm dựa vào căn bản, ba là tâm căn bản. Do đạo tạm dẹp mà tâm sinh sự diệt tận, do đạo đoạn trừ mà tâm dựa vào căn bản diệt tận, do đạo hơn hết mà tâm căn bản diệt tận. Tâm sinh sự diệt tận thì biến hiện hóa thân, tâm dựa vào căn bản diệt tận thì hình thành ứng thân, tâm căn bản diệt tận thì hiển lộ pháp thân. Do vậy, chư vị Như lai đủ cả ba thân.

Thiện nam tử, nơi thân thứ nhất thì chư vị Như lai đồng nhất công việc, nơi thân thứ hai thì chư vị Như lai đồng nhất ý muốn, nơi thân thứ ba thì chư vị Như lai đồng nhất thể tánh.

Thiện nam tử, thân Phật thứ nhất là tùy ý chúng sinh có lắm dạng nên hiện ra lắm dạng, do vậy mà nói thân này là nhiều. Thân Phật thứ hai thì ý của đệ tử là một tướng nên hiện ra một tướng, do vậy mà nói thân này là một. Thân Phật thứ ba siêu việt tất cả dạng tướng, không phải lĩnh vực dạng tướng, do vậy mà nói thân này là phi nhất phi dị.

Thiện nam tử, thân thứ nhất dựa ứng thân mà biểu hiện, thân thứ hai dựa pháp thân mà biểu hiện, còn thân thứ ba thì có thật, không cần chỗ dựa.

Thiện nam tử, ba thân như vậy có nghĩa nói là thường còn, có nghĩa nói là vô thường. Hóa thân thường chuyển pháp luân, nơi nơi tùy duyên, phương tiện liên tục, không có chấm dứt, nên nói là thường còn; nhưng không phải là căn bản, đại dụng đầy đủ không được biểu hiện, nên nói là vô thường. � thân thì vô thỉ đến nay liên tục bất đoạn, thu giữ được hết thảy phẩm chất đặc hữu của chư vị Như lai, chúng sinh vô tận nên diệu dụng cũng vô tận, nên nói là thường còn; nhưng cũng không phải là căn bản, đại dụng đầy đủ cũng không biểu hiện, nên nói là vô thường. Pháp thân không phải là hữu vi (17) , không có các dạng khác nhau, mà là căn bản, tựa như không gian, nên nói là thường còn. Thiện nam tử, rời như như trí thì không có tuệ giác tối thượng nào nữa, rời như như lý thì không có đối cảnh tối thượng nào nữa. Một mặt là như như của các pháp, một mặt là như như của tuệ giác, hai mặt như như ấy là như như, phi đồng nhất phi dị biệt. Do vậy, pháp thân thì tuệ giác trong sáng, diệt trừ trong sáng, do hai sự trong sáng này mà pháp thân hoàn toàn trong sáng.

Thiện nam tử, phân biệt ba thân thì có 4 sự khác nhau: có hóa thân không phải ứng thân, có ứng thân không phải hóa thân, có hoá thân cũng là ứng thân, có không phải hoá thân cũng không phải ứng thân. Hóa thân không phải ứng thân là thế nào, là chư Như lai nhập niết bàn rồi, do đại nguyện tự tại mà vẫn tùy duyên lợi ích chúng sinh. � thân không phải hóa thân là thế nào, là cái thân được thấy bởi bồ tát trước mười địa (18) . Hóa thân cũng là ứng thân là thế nào, là cái thân ở nơi niết bàn hữu dư. Không phải hóa thân cũng không phải ứng thân là thế nào, là chính pháp thân. Thiện nam tử, pháp thân như vậy do hai sự vô sở hữu mà hiển lộ. Hai sự vô sở hữu là thế nào, là nơi pháp thân thì ngã chấp pháp chấp (19) toàn là không, phi có phi không, phi một phi khác, phi số lượng phi siêu số lượng, phi sáng suốt phi ngu tối, ấy vậy, như như trí thì không thấy ngã chấp pháp chấp, không thấy phi có phi không, cho đến không thấy phi sáng suốt phi ngu tối. Thế nên phải biết đối cảnh trong sáng với tuệ giác trong sáng là bất khả phân biệt, không phải ở giữa [những khái niệm đối lập lẫn nhau]; làm căn bản cho diệt đế và đạo đế (20) , nên pháp thân đầy tính năng biểu hiện đủ loại sự nghiệp của chư vị Như lai.

Thiện nam tử, thân này (21) thì bản thân, yếu tố, đối cảnh, đối tượng, kết quả, tất cả toàn là dựa vào căn bản [như như lý] (22) và nó thật khó mà nghĩ bàn. Nếu hiểu nghĩa ấy thì biết thân này là cỗ xe vĩ đại, là thể tánh Như lai, là bào thai Như lai (23) . Dựa vào thân này thì được cái tâm vị trí mới phát và cái tâm vị trí tu hành đều hiện ra, cái tâm vị trí bất thoái cũng hiện ra, cái tâm vị trí bổ xứ, cái tâm vị trí kim cang, cái tâm vị trí Như lai cũng hiện ra cả, vô lượng vô biên phẩm chất tinh tế của Như lai cũng hiện ra. Thiện nam tử, dựa vào pháp thân mà đại định và đại trí được thực hiện, và do đó mà hóa thân dựa vào đại định với ứng thân dựa vào đại trí cũng được thực hiện. Pháp thân như vậy do tự thể của Nó mà nói là thường và nói là ngã, do đại định của Nó mà nói là lạc, do đại trí của Nó mà nói là tịnh. Do vậy mà Như lai thường trú, tự tại, an lạc, thanh tịnh (24) .

Do đại định mà hết thảy thiền định, định Thủ lăng nghiêm và các định đồng đẳng, hết thảy niệm xứ, đại pháp niệm xứ và những niệm xứ đồng đẳng, đại từ đại bi, hết thảy tổng trì, hết thảy thần thông, hết thảy tự tại, hết thảy bình đẳng, hết thảy các pháp Phật đà như vậy đều được thực hiện. Do đại trí mà mười lực, bốn vô úy, bốn vô ngại biện, một trăm tám mươi pháp bất cọng (25) , hết thảy các pháp bất khả tư nghị như vậy đều được thực hiện. Ví như do ngọc như ý mà vô số các loại ngọc quí đều được xuất hiện, cũng là như vậy, do ngọc đại định và ngọc đại trí mà xuất ra vô số diệu pháp của chư vị Như lai.

Thiện nam tử, pháp thân như vậy, và đại định đại trí của Nó, toàn là siêu việt hết thảy khái niệm (26) , không vướng mắc khái niệm nào hết, không thể phân biệt, phi thường phi đoạn, gọi là trung đạo (27) ; tuy phân biệt mà thể tánh không phân biệt, tuy có ba số (28) mà thể tánh không phải ba số, bất tăng bất giảm, tựa như mộng ảo không có năng chấp với sở chấp; là pháp thể như như, là xứ sở giải thoát, vượt qua lĩnh vực của vua chết, vượt qua luôn sự tối tăm của sinh tử, là chỗ chúng sinh không thể tu hành và đạt đến [bằng khái niệm của mình], là chỗ an trú của chư vị Phật đà và chư vị Bồ tát.

Thiện nam tử, như người muốn có vàng nên tìm kiếm khắp nơi, và tìm được mỏ vàng. Rồi đập ra, chọn phần nào tinh hơn thì bỏ vào lò mà luyện, nên thành vàng ròng, chế tạo đủ thứ đồ trang sức, đồ trang sức khác nhau mà vàng không biến đổi. Thế nên, thiện nam tử, thiện nam hay thiện nữ nào muốn cầu giải thoát siêu việt mà tu hành thiện căn thuộc phạm vi thế gian (29) , thì được thấy chư vị Như lai, và đệ tử của các Ngài, được thân gần, rồi thưa rằng, bạch đức Thế tôn, cái gì là thiện? cái gì là ác? cái gì là chính tu hành được thanh tịnh hạnh? Chư vị Như lai, và đệ tử của các Ngài, thấy họ hỏi thì nghĩ, thiện nam thiện nữ này muốn cầu thanh tịnh, muốn nghe chánh pháp. Nghĩ vậy nên liền nói cho họ khai ngộ. Họ nghe rồi chính xác ghi nhớ, phát tâm tu hành, được sức mạnh tinh tiến, loại trừ sự chướng ngại vì biếng nhác, diệt mọi tội lỗi, đối với giới pháp họ tách rời sự không tôn trọng, ngưng cả sự háo động và tiếc nuối, nên nhập vào địa thứ nhất. Do tâm của địa thứ nhất này loại trừ sự chướng ngại cho sự lợi ích chúng sinh, nên nhập vào địa thứ hai. Trong địa thứ hai này loại trừ sự chướng ngại cho sự không áp bức quấy rối chúng sinh, nên nhập vào địa thứ ba. Trong địa thứ ba này loại trừ sự chướng ngại cho tâm mềm dịu trong sáng, nên nhập vào địa thứ tư. Trong địa thứ tư này loại trừ sự chướng ngại cho phương tiện khéo léo, nên nhập vào địa thứ năm. Trong địa thứ năm này loại trừ sự chướng ngại vì thấy chân đế tục đế đối lập với nhau, nên nhập vào địa thứ sáu. Trong địa thứ sáu này loại trừ sự chướng ngại vì thấy có hành tướng, nên nhập vào địa thứ bảy. Trong địa thứ bảy này loại trừ sự chướng ngại vì không thấy sự diệt, nên nhập vào địa thứ tám. Trong địa thứ tám này loại trừ sự chướng ngại vì không thấy sự sinh, nên nhập vào địa thứ chín. Trong địa thứ chín này loại trừ sự chướng ngại cho lục thông, nên nhập vào địa thứ mười. Trong địa thứ mười này loại trừ sự chướng ngại vì ngu muội các pháp sở tri, loại trừ cái tâm căn bản, nên nhập vào Như lai địa. Như lai địa do ba sự trong sáng mà gọi là cực trong sáng. Ba sự ấy là những gì? Một là trong sáng vì loại trừ phiền não, hai là trong sáng vì loại trừ khổ não, ba là trong sáng vì loại trừ tập khí. Như vàng thật chảy ra vì nung luyện, nung luyện rồi thì không còn quặng bẩn nữa, chứng tỏ vàng vốn trong sáng, chứ không phải không có vàng. Như nước dơ mà lọc trong thì không còn cặn bẩn, chứng tỏ nước vốn trong suốt, chứ không phải không có nước. Cũng là như vậy, pháp thân vốn tách rời phiền não, khổ và tập loại trừ rồi thì không còn tập quán thừa lại, chứng tỏ thể tánh pháp thân vốn trong sáng, chứ không phải không có thể tánh. Như không gian bị khói mây bụi mù che đi, trừ cái che ấy rồi thì không gian trong sáng, chứ không phải không có không gian; pháp thân cũng vậy, mọi sự khổ não loại bỏ hết rồi thì nói là trong sáng, không phải không có thể tánh pháp thân. Như có kẻ trong mộng thấy bị trôi theo dòng nước sông lớn, nên vận dụng cả tay chân mà bơi qua, đến được bờ bến bên kia, ấy là do cả thân tâm kẻ ấy không nhác, không lùi. Khi mộng tỉnh thì không còn thấy nước, thấy bờ bên này bờ bên kia, nhưng không phải không có cái tâm: vọng tưởng sinh tử loại bỏ hết rồi thì tuệ giác trong sáng, chứ không phải không có tuệ giác. Ấy vậy, pháp thân thì mọi thứ vọng tưởng không còn phát sinh nên nói là trong sáng, chứ không phải chư vị Như lai không có thật thể.

Lại nữa, thiện nam tử, pháp thân do làm sạch hoặc chướng mà biểu hiện ứng thân, do làm sạch nghiệp chướng mà biểu hiện hóa thân, do làm sạch trí chướng mà pháp thân tự biểu hiện. Ví như do không gian mà phát điện lực, do điện lực mà phát ánh sáng; cũng là như vậy, do pháp thân mà biểu hiện ứng thân, do ứng thân mà biểu hiện hóa thân. Do thể trong sáng mà pháp thân tự biểu hiện, do trí trong sáng mà biểu hiện ứng thân, do định trong sáng mà biểu hiện hóa thân. Ba sự trong sáng như vậy là pháp tánh như như, bất dị như như, nhất vị như như, giải thoát như như, cứu cánh như như, do vậy, chư vị Như lai thì thể tánh không có dị biệt. Thiện nam tử, nếu thiện nam hay thiện nữ nào nói đức Thế tôn là bậc Thầy cao cả của tôi, tin tưởng quyết định như vậy, thì người ấy, từ trong tâm trí sâu xa, thấu hiểu pháp thân Như lai không có dị biệt. Và thiện nam tử, do vậy mà, đối với các pháp, người ấy loại trừ hết cả sự tư duy không chính xác, biết các pháp là phi nhị biên, là vô phân biệt, là thánh giả tu hành. Đối với các pháp, chính xác tu hành sự không có nhị biên như thế nào, thì đối với các chướng cũng loại trừ như vậy; loại trừ các chướng như thế nào thì như như lý và như như trí cũng tối cực trong sáng như vậy; như như lý và như như trí trong sáng như thế nào thì mọi sự tự tại cũng như vậy, bao quát đầy đủ, thành đạt tất cả. Các chướng loại trừ, các chướng lọc sạch, đó là chân tướng của như như lý và như như trí. Thấy như vậy là cái thấy của thánh giả, và thế gọi là thật thấy Như lai, tại sao, vì đó là đúng như sự thật mà thấy như như lý của các pháp. Do vậy, chư vị Như lai thấy biết tất cả chư vị Như lai. Còn chư vị Thanh văn và Độc giác tuy siêu thoát ba cõi, nhưng cầu mà không thể thấy biết như như lý. Thánh giả mà còn không thể thấy biết, huống chi phàm phu thì nghi hoặc, phân biệt thác loạn, nên không thể vượt đến. Khác nào thỏ mà bơi qua biển cả thì bơi không qua được, vì sức lực của thỏ quá kém, phàm phu cũng vậy, họ không thể thông đạt như như lý của các pháp. Nhưng chư vị Như lai thì siêu phân biệt, nên được đại tự tại đối với hết thảy các pháp, được đầy đủ tuệ giác trong sáng và sâu xa, và đó là lĩnh vực của chư vị Như lai, chứ không phải chung cùng với người khác. Do vậy mà biết chư vị Như lai trong vô số kiếp không tiếc tính mạng, làm khổ hạnh khó làm, mới được pháp thân tối thượng, không thể sánh bằng, bất khả tư nghị, vượt quá lĩnh vực ngôn ngữ, vắng lặng nhiệm mầu, rời hết mọi sự sợ hãi (30) .

Ấy vậy, thiện nam tử, thấy biết như như lý của các pháp thì không sinh không già không chết, thọ lượng bất tận, không ngủ nghỉ, không đói khát, tâm thường thiền định, không có loạn động. Đối với Như lai mà tranh luận thì thế là không thể thấy được Như lai. Chư vị Như lai thì nói gì cũng lợi ích, ai nghe cũng giải thoát, và vì nghe pháp mà phước báo bất tận, đến nỗi chim dữ, thú dữ, người dữ, quỉ dữ, tất cả không bao giờ gặp phải. Nhưng chư vị Như lai không có sự vô ký (31) , không sinh tâm muốn biết đối với các pháp [mà vẫn tự nhiên biết hết], không có ý tưởng sinh tử với niết bàn khác nhau. Chư vị Như lai phán quyết gì cũng là chắc chắn. Chư vị Như lai thì tất cả cử động toàn là tuệ giác, tất cả sự việc toàn là từ bi, không có gì không vì lợi ích yên vui chúng sinh. Thiện nam tử, đối với bản kinh Ánh sáng hoàng kim này, thiện nam hay thiện nữ nào nghe, tin, hiểu, thì không sa vào các nẻo địa ngục, ngạ quỉ, bàng sinh, tu la, thường sinh trong nhân loại và chư thiên mà không phải những nơi thấp hèn; thì thân gần chư vị Như lai, nghe và tiếp nhận chánh pháp; thì thường sinh thế giới trong sạch của chư vị Như lai: tất cả thành quả này là do nghe được kinh pháp cực kỳ sâu xa này. Thiện nam hay thiện nữ như vậy là được Như lai đã thấy biết và đã ghi nhận sẽ được không thoái chuyển vô thượng bồ đề. Thiện nam hay thiện nữ nào được kinh pháp cực kỳ sâu xa này một khi lướt qua thính giác, thì nên biết người ấy không phỉ báng Phật, không hủy hoại Pháp, không khinh dể Tăng. Ai chưa gieo trồng thiện căn họ làm cho gieo trồng, ai gieo trồng thiện căn rồi họ làm cho tăng trưởng và thành thục. Họ khuyến khích mọi người trong mọi thế giới làm theo sáu pháp ba la mật.

Bấy giờ đại bồ tát Hư không tạng, Phạn vương, Đế thích, bốn Thiên vương, chư thiên, tức thì từ chỗ ngồi đứng dậy, vắt vạt áo của vai bên phải, chắp tay cung kính, đảnh lễ ngang chân đức Thế tôn, rồi thưa rằng, bạch Ngài, ở đâu mà có giảng diễn bản kinh mầu nhiệm Ánh sáng hoàng kim này, thì quốc gia ấy có bốn cái lợi. Một, quân đội hoàng gia cường thịnh, không có thù địch, vua và dân không bịnh tật, sống lâu dài, an lạc cát tường, hưng hiển Phật pháp. Hai, hoàng gia và quần thần vui đẹp với nhau, rời xa sự dua nịnh, vua cũng trọng nể. Ba, tu sĩ và quốc dân thực tu Phật pháp, không bịnh, yên vui, không ai uổng tử, phụng sự tất cả ruộng phước. Bốn, ngày đêm cơ thể điều hòa, thư thái, chư thiên tăng thêm giữ gìn hộ vệ, tâm lý từ bi, bình đẳng, không có sự thương tổn, tác hại, làm cho ai cũng qui kính Tam bảo, ai cũng nguyện tu tập bồ đề hạnh. Như thế đó là bốn cái lợi. Bạch đức Thế tôn, chúng con cũng thường xuyên vì làm cho kinh pháp này lan rộng nên theo dõi những người thọ trì, họ ở đâu chúng con cũng đem lại lợi ích cho họ. Đức Thế tôn dạy rằng, lành thay các thiện nam tử, các người hãy làm đúng như vậy. Các người hãy nỗ lực phổ biến bản kinh nhiệm mầu và chúa tể này, và thế là làm cho Phật pháp ở đời lâu dài.

PHẨM 4: ÂM THANH TRỐNG VÀNG (32)

Vào lúc bấy giờ, bồ tát Diệu tràng đích thân ở trước đức Thế tôn nghe diệu pháp Ngài nói, thì hoan hỷ, phấn chấn, nhất tâm tư duy, trở về chốn cũ. Trong đêm hôm ấy, bồ tát mộng thấy cái trống vàng ròng to lớn, ánh sáng rực rỡ như vầng thái dương. Trong ánh sáng ấy, bồ tát thấy được chư vị Thế tôn khắp mười phương hướng, cùng ngồi trên pháp tòa lưu ly ở dưới cây ngọc, được bao quanh bởi đại chúng gồm có vô số người. Bồ tát lại thấy một vị Bà la môn cầm dùi mà đánh trống vàng ấy, xuất ra âm thanh to lớn. Âm thanh này nói lên những bài chỉnh cú nhiệm mầu, diễn đạt diệu pháp sám hối. Bồ tát Diệu tràng nghe rồi nắm giữ tất cả trong ký ức, buộc trí nhớ lại như ở trước mắt. Trời sáng, bồ tát cùng với hàng trăm hàng ngàn người đem các cúng phẩm ra khỏi thành Vương xá, vào đỉnh Thứu phong, đến chỗ đức Thế tôn. Bồ tát đảnh lễ ngang chân của Ngài, sắp hương hoa ra, đi quanh Ngài ba vòng, lui lại ngồi một phía, chấp tay cung kính, chiêm ngưỡng tôn nhan mà thưa, bạch đức Thế tôn, trong đêm vừa rồi, con mộng thấy một vị Bà la môn lấy tay cầm dùi, đánh một cái trống bằng hoàng kim, rất đẹp, xuất ra âm thanh rất lớn. Âm thanh ấy nói lên những bài chỉnh cú nhiệm mầu, diễn đạt diệu pháp sám hối. Nghe rồi, con nắm giữ trong trí tất cả. Kính xin đức Thế tôn đại từ đại bi, cho con tường thuật. Đối trước đức Thế tôn, bồ tát Diệu tràng nói những chỉnh cú sau đây.

(1) Đêm hôm vừa rồi

trong mộng con thấy

cái trống bằng vàng

rất lớn và đẹp,

khắp cả thân trống

có ánh sáng vàng.

(2) Như vầng thái dương,

ánh sáng như vậy

chiếu rực khắp cả

mười phương thế giới,

làm ai cũng thấy

chư vị Thế tôn.

(3) Dưới những cây ngọc,

các Ngài cùng ngồi

pháp tòa lưu ly,

có hàng ngàn người

rất mực cung kính

bao quanh các Ngài.

(4) Một bà la môn

cầm dùi mà đánh

trống vàng hoàng kim

phát âm thanh lớn,

và chính âm thanh

phát từ trống ấy

nói những chỉnh cú

nhiệm mầu sau đây.

(5) Trống vàng sáng rực

phát ra tiếng mầu

vang khắp tất cả

đại thiên thế giới,

diệt tội cực nặng

trong ba đường ác

cùng bao khổ ách

của trong nhân loại.

(6) Uy lực âm thanh

của trống vàng này

diệt hẳn hết thảy

phiền não chướng ngại

loại trừ sợ hãi

làm cho yên vui,

in như chính đấng

Mâu ni tự tại.

(7) Chính trong cái nơi

biển cả sống chết,

Thế tôn tu hành

thành trí toàn giác,

làm cho chúng sinh

đủ các giác phần,

cứu cánh qui về

biển cả công đức.

(8) Trống vàng xuất ra

âm thanh mầu nhiệm

người nghe cùng được

phạn âm thâm thúy,

và rồi chứng được

vô thượng bồ đề,

thường chuyển pháp luân

trong sáng nhiệm mầu.

(9) Lại được thọ lượng

bất khả tư nghị,

tùy nghi thuyết pháp

lợi ích chúng sinh,

cắt đứt dòng nước

bao nhiêu khổ lụy,

bao nhiêu phiền não

cũng diệt trừ cả.

(10) Những người ở trong

nẻo đường rất dữ,

ngọn lửa dữ dội

phủ cả châu thân,

nghe được tiếng mầu

của trống vàng này

thì liền thoát khổ

qui y Phật đà.

(11) Và rồi thành được

trí biết đời trước,

nhớ được quá khứ

đến trăm ngàn đời,

nên cùng nhớ đến

đức Đại mâu ni,

được nghe kinh pháp

sâu xa của Ngài.

(12) Bởi nghe tiếng mầu

xuất từ trống vàng,

nên thường thân gần

chư vị Thế tôn,

lại thường rời bỏ

mọi hành vi ác,

thuần túy tu tập

các loại thiện pháp.

(13) Tất cả chúng sinh

nhân loại chư thiên

thiết tha chí thành

nguyện cầu những gì,

thì nghe tiếng mầu

xuất từ trống vàng

là thỏa mãn cả

những nguyện cầu ấy.

(14) Những kẻ sa vào

địa ngục vô gián,

lửa dữ bùng lên

đốt cháy thân thể,

và kẻ ở nơi

không ai cứu hộ,

nghe tiếng trống vàng

khổ sở mất cả.

(15) Chư thiên nhân loại

và các loài khác,

những ai hiện chịu

bao nỗi khổ nạn,

mà nghe tiếng mầu

xuất từ trống vàng

cũng hết đau khổ

và được giải thoát.

(16) Nguyện cầu tất cả

đấng Lưỡng túc tôn

hiện tại đang ở

mười phương thế giới,

đem lòng đại bi

nhớ nghĩ đến con.

(17) Tất cả những ai

không nơi nương tựa

không ai cứu hộ,

con nguyện làm nơi

nương tựa lớn lao

cho những người ấy.

(18) Trước đây con làm

bao nhiêu tội lỗi

trong đó gồm có

ác nghiệp nặng nề,

ngày nay đối trước

các đấng Thập lực

dốc lòng chí thành

sám hối tất cả.

(19) Con đã không tin

chư vị Thế tôn,

cũng không kính trọng

cha mẹ tôn trưởng,

không chăm tu hành

mọi thứ thiện nghiệp,

nên thường tạo ra

bao nhiêu ác nghiệp.

(20) Con đã tự thị

tôn quí cao sang

dòng dõi đẳng cấp

tiền tài địa vị,

tự thị trẻ mạnh

kiêu xa phóng túng,

nên thường tạo ra

bao nhiêu ác nghiệp.

(21) Tâm trí thường xuyên

nổi dậy tà niệm,

miệng nói độc ác,

không thấy tội lỗi,

nên thường tạo ra

bao nhiêu ác nghiệp.

(22) Con đã thường xuyên

làm việc phàm phu,

vô minh ám chướng

đi theo bạn xấu,

nên thường tạo ra

bao nhiêu ác nghiệp.

(23) Hoặc vì ăn chơi,

hoặc vì buồn nản,

ham muốn, tức giận

thắt kết trong lòng,

nên thường tạo ra

bao nhiêu ác nghiệp.

(24) Thân với người xấu,

keo kiết, ganh ghét

nghèo nàn, cùng khổ

nịnh hót, lừa dối,

nên thường tạo ra

bao nhiêu ác nghiệp.

(25) Cũng có những lúc

không thích tội ác,

nhưng vì e sợ,

vì bị sai sử,

nên thường tạo ra

bao nhiêu ác nghiệp.

(26) Hoặc vì háo động

hoặc vì hận thù

hoặc vì đói khát

dày vò hành hạ,

nên thường tạo ra

bao nhiêu ác nghiệp.

(27) Vì ăn vì mặc

vì ham nữ sắc,

vì lửa phiền não

thiêu đốt nung nấu,

nên thường tạo ra

bao nhiêu ác nghiệp.

(28) Với Phật Pháp Tăng

không biết tôn kính,

nên đã tạo ra

ác nghiệp như trên,

ngày nay con xin

sám hối tất cả.

(29) Độc giác Bồ tát

cũng không kính trọng,

nên đã tạo ra

ác nghiệp như trên,

ngày nay con xin

sám hối tất cả.

(30) Phỉ báng Phật pháp

bất hiếu cha mẹ,

nên đã tạo ra

ác nghiệp như trên,

ngày nay con xin

sám hối tất cả.

(31) Ngu muội kiêu căng

tham lam giận dữ

nên đã tạo ra

ác nghiệp như trên,

ngày nay con xin

sám hối tất cả.

(32) Trong mọi thế giới

hiến cúng vô lượng

chư vị Thế tôn,

con nguyện cứu vớt

cho bao chúng sinh

thoát ly khổ nạn.

(33) Nguyện cầu chúng sinh

đứng trong mười địa,

tròn đầy phước trí

thành Phật đà rồi

hướng dẫn bao kẻ

mê mờ ngu muội.

(34) Con vì chúng sinh

tu hành khổ hạnh

trăm ngàn đời kiếp,

đem đại trí lực

mà làm cho họ

vượt qua biển khổ.

(35) Con vì chúng sinh

diễn giảng kinh pháp

Ánh sáng hoàng kim,

bản kinh tối thượng

năng lực trừ được

bao thứ ác nghiệp.

(36) Những ai trải qua

trăm ngàn đời kiếp

tạo ra bao tội

cực kỳ nặng nề,

mà biết phát lộ

thì cũng tiêu trừ.

(37) Y theo kinh pháp

Ánh sáng hoàng kim,

sám hối như trên,

thì mau tận diệt

bao nhiêu ác nghiệp

đã gây đau khổ.

(38) Cả trăm cả ngàn

thiền định siêu việt,

cùng với tổng trì

bất khả tư nghị,

năm căn năm lực

bảy chi tuệ giác

tám chi thánh đạo

ba mươi bảy pháp,

con nguyện thường xuyên

tu tập không mỏi.

(39) Và con sẽ đến

mười bồ tát địa,

nơi đầy đủ cả

mọi thứ quí báu,

viên mãn tất cả

phẩm chất Phật đà,

cứu vớt chúng sinh

vượt dòng sinh tử.

(40) Đối với biển cả

quả vị Phật đà,

và với kho tàng

công đức sâu xa,

tuệ giác mầu nhiệm

bất khả tư nghị,

con nguyện thành tựu

một cách đầy đủ.

(41) Nguyện cầu mười phương

chư vị Thế tôn

hộ niệm cho con,

đem tâm đại bi

thương tưởng chấp nhận

cho con sám hối.

(42) Trong bao đời kiếp

con tạo ác nghiệp,

do ác nghiệp ấy

mà sinh đau khổ,

nguyện Phật thương tưởng

cho con trừ diệt.

(43) Con gây ác nghiệp

nên thường lo sợ,

trong mọi cử động

đi đứng nằm ngồi,

chưa hề có được

một chút vui vẻ.

(44) Thế tôn đại từ

trừ cho chúng sinh

bao nỗi sợ hãi,

nguyện xin chấp nhận

cho con sám hối

thoát ly lo sợ.

(45) Con có đủ cả

hoặc chướng nghiệp hướng

cùng với báo chướng,

nguyện xin Thế tôn,

đem nước đại bi

rửa cho sạch sẽ.

(46) Ác nghiệp quá khứ

ác nghiệp hiện tại

mà con tạo ra,

con xin chí thành

phát lộ tất cả

nguyện tiêu diệt hết.

(47) Và bao ác nghiệp

trong thì vị lai,

con xin giữ gìn

không cho nổi dậy,

giả sử vi phạm

lời thệ nguyện này

thì không bao giờ

con dám che giấu.

(48) Thân có ba nghiệp

miệng có bốn nghiệp,

ý có ba nghiệp

trói buộc chúng sinh

vô thỉ đến nay

thường xuyên liên tục.

(49) Do thân miệng ý

mà tạo thập ác,

tội ác như vậy

rất nhiều sắc thái,

ngày nay con xin

sám hối tất cả.

(50) Ác nghiệp con làm

sẽ phải tự chịu

ác báo đau khổ

[nếu không sám hối];

ngày nay đối trước

chư vị Thế tôn

con xin chí thành

sám hối tất cả.

(51) Đại lục Thiệm bộ

và bao thế giới

trong đó được có

bao nhiêu thiện nghiệp,

ngày nay con xin

tùy hỷ tất cả.

(50) Nguyện bỏ thập ác

nguyện tu thập thiện

an trú mười địa

thường thấy Thế tôn.

(53) Bao nhiêu những nghiệp

phước đức trí tuệ

mà thân miệng ý

của con tu được,

con xin vận dụng

thiện nghiệp như vậy

mau chóng đạt đến

tuệ giác tối thượng.

(54) Nay con đích thân

đối trước Thế tôn

chân thành phát lộ

lắm cái ác nạn :

cái nạn ngu muội

si mê ba cõi,

cái nạn thường làm

ác nghiệp cực nặng,

(55) cái nạn tập hợp

dục vọng, tà kiến,

cái nạn tham ái

thường xuyên chảy dài,

cái nạn đam mê

thế giới hiện hữu,

cái nạn toàn là

phiền não phàm phu,

(56) cái nạn cuồng phóng

náo động thác loạn,

cái nạn thân gần

bạn bè bất lương,

cái nạn tham nhiễm

trong chốn sinh tử,

cái nạn sân si

ngu độn làm ác,

(57) cái nạn sinh nhằm

tám nơi không rảnh (33) ,

cái nạn chưa hề

tập hợp công đức,

nay con đối trước

các đấng Tối thắng

sám hối vô số

ác nạn như vậy.

(58) Nay con qui y

các đấng Thiện thệ,

kính lạy các đấng

Biển đức vô thượng;

Ngài, núi vàng lớn

chiếu sáng khắp cả,

nguyện xin từ bi

gia hộ cho con.

(59) Thân Phật rực lên

ánh sáng hoàng kim,

mắt Phật tựa như

lưu ly xanh biếc;

là đấng cát tường

uy đức đặc tôn,

Ngài đem mặt trời

của lòng đại bi

xua tan u ám

cho bao chúng sinh.

(60) Phật như mặt trời

sáng soi khắp cả,

sáng không vẩn đục,

sáng sạch bụi dơ ;

Phật như mặt trăng

sáng soi mát mẻ,

sáng tan nhiệt lực

của bao phiền não.

(61) Ba hai tướng tốt

châu thân uy nghiêm,

tám mươi tướng phụ

toàn hảo cả người,

phước đức tuyệt bậc

khó nghĩ khó bàn,

như vầng thái dương

chiếu soi thế giới.

(62) Sắc thân tựa như

lưu ly trong suốt

lại như trăng đầy

ở giữa không trung.

Thân vàng như phủ

mạng lưới pha lê

rực rỡ bởi những

ánh sáng đủ màu.

(63) Trong cái thác nước

sinh tử khổ não,

già bịnh lo rầu

trôi cuốn chúng sinh;

biển khổ như vậy

khó mà chịu nổi,

mặt trời Phật đà

chiếu cho khô cạn.

(64) Con xin lạy đấng

Trí tuệ toàn giác,

đấng Hiếm có nhất

thế giới đại thiên,

đấng mình vàng tía

sáng lên rực rỡ,

đấng trang sức mình

với bao cái đẹp.

(65) Ngài như đại dương

mênh mông khó biết,

Ngài như đại địa

bụi nhỏ khó tính,

Ngài như núi cao

trọng lượng khó cân,

Ngài như không gian

giới hạn khó cùng.

(66) Phật đức là vậy,

chúng sinh khó biết;

càng nghĩ càng xét

trong lắm đời kiếp,

càng không biết nổi

bờ biển Phật đức.

(67) Nghiền nát đại địa

toán biết cực vi,

toán biết nước giọt

của cả đại dương

số lượng Phật đức

vẫn không biết nổi.

(68) Tất cả chúng sinh

cùng nhau ca tụng

phẩm chất danh tiếng

tướng hảo thanh tịnh

uy nghiêm nhiệm mầu

của đức Thế tôn,

cũng không khả năng

hết được giới hạn.

(69) Bao nhiêu thiện nghiệp

mà con có được,

con nguyện mau chóng

thành đấng Vô thượng,

thuyết pháp phong phú

ích lợi sinh linh,

làm cho tất cả

giải thoát khổ đau.

(70) Chiến thắng ma quân

có sức mạnh lớn,

chuyển đẩy bánh xe

chánh pháp tối thượng,

ở đời với những

thì gian khó tính,

con đem cam lộ

sung mãn chúng sinh.

(71) Y như quá khứ

các đấng Tối thắng

đã viên mãn cả

sáu ba la mật,

hủy diệt tham dục

sân hận ngu si,

loại trừ phiền não,

triệt đoạn khổ lụy.

(72) Con nguyện thường được

trí biết đời trước

nhớ được quá khứ

cả trăm ngàn đời,

nhất là thường nhớ

đấng Đại mâu ni,

được nghe diệu pháp

rất sâu của Ngài.

(73) Nguyện con biết đem

thiển căn như vậy

phụng sự vô biên

các đấng Tối thắng,

viễn ly hết thảy

nghiệp nhân bất thiện,

thường được tu hành

Pháp mầu chân thật.

(74) Làm cho chúng sinh

trong mọi thế giới

khổ não thoát ly

yên vui thật hiện,

bao kẻ giác quan

không được toàn hảo

thì làm cho được

cơ thể đầy đủ.

(75) Những ai gặp phải

khổ vì bịnh tật,

thân hình ốm yếu

không nơi nương tựa,

thì con làm cho

hết cả bịnh khổ,

sức khỏe tướng tốt

cùng được đủ cả.

(76) Những ai phạm pháp

sắp bị hành hình,

khổ sở hành hạ

lo sợ dày vò ;

khi họ đau khổ

cực độ như vậy,

không biết nhờ ai

thì con cứu giúp.

(77) Ai bị đánh khảo

gông cùm xiềng xích,

đủ loại hình cụ

hành hạ thân thể,

trong khi vô số

những nỗi lo sợ

dày vò tâm trí

không chút yên vui ;

(78) thì con làm cho

thoát được giam cầm

mà bao hình cụ

đã làm khổ họ,

sắp bị hành hình

thì toàn tính mạng,

bao khổ sở khác

cũng hết vĩnh viễn.

(79) Có những chúng sinh

đói khát hoành hành,

thì con làm cho

hưởng đủ myՠvị,

làm mù được thấy

làm điếc được nghe

làm què được đi

làm ngọng được nói.

(80) Những kẻ nghèo nàn

thì được kho báu,

kho lẫm dẫy đầy

không thiếu thốn chi.

Con làm tất cả

hưởng vui thượng thặng,

không còn một ai

chịu lấy đau khổ.

(81) Người nào cũng được

mọi người thích nhìn,

dung nghi phong nhã

mà lại nghiêm chỉnh,

ai nấy cùng được

hiện tại yên vui,

đời sống phong phú

phước đức đủ cả.

(82) Tùy ý chúng sinh

nghĩ đến âm nhạc,

âm nhạc tuyệt hảo

tức thì tấu lên ;

và nghĩ đến nước

nước mát đầy hồ,

sen màu hoàng kim

nổi trên nước ấy.

(83) Tùy ý chúng sinh

nghĩ đến vật dụng,

vật dụng đủ cả

cơm áo ghế giường,

đủ vàng đủ ngọc,

đủ ngọc lưu ly,

chuỗi ngọc vòng xuyến

có đủ hết thảy.

(84) Lại làm chúng sinh

không nghe tiếng dữ,

cũng không nhìn thấy

những gì trái ý;

dung mạo có được

toàn là đoan trang,

và hướng về nhau

toàn bằng lòng từ.

(85) Lạc cụ để sống

nghĩ là có đủ,

vàng ngọc có được

không hề tiếc nuối,

phân cho tất cả

những ai cần thiết.

(86) Các loại hương liệu

và các loại hoa

từ cây rơi xuống

mỗi ngày ba lần,

tùy ý hưởng dụng

lòng tràn hoan hỷ.

(87) Con nguyện chúng sinh

đều biết hiến cúng

các đấng Tối thắng

thế giới mười phương,

hiến cúng Diệu pháp

hoàn bị cả ba

cỗ xe sáng sủa,

hiến cúng Thánh chúng

đủ cả Bồ tát

Độc giác Thanh văn.

(88) Con nguyện chúng sinh

đừng ai ở vào

những nơi hèn hạ

những chỗ tám nạn,

thường sinh làm người

có thể tu hành,

thường được phụng sự

chư vị Thế tôn.

(89) Con nguyện chúng sinh

sinh nhà sang giàu

tài sản bảo vật

đầy kho đầy lẫm,

tướng mạo, danh tiếng

không ai sánh bằng,

thọ lượng trải qua

nhiều kiếp lâu dài.

(90) Con nguyện chúng sinh

nữ biến thành nam

thông minh khỏe mạnh

đa trí đa năng,

và ai cũng đi

đường đi bồ tát

là siêng mà tu

sáu ba la mật.

(91) Con nguyện chúng sinh

thường thấy chư Phật

an tọa bảo tòa

dưới những cây ngọc —

bảo tòa sư tử

bằng chất lưu ly,

thường được thân nghe

Phật chuyển pháp luân.

(92) Quá khứ hiện tại

nếu con luân hồi

ở trong ba cõi

tạo các ác nghiệp

khả năng rước lấy

ác báo đáng ghét,

thì nguyện diệt sạch

không còn thừa sót.

(93) Ở trong biển có (34)

bao nhiêu chúng sinh

bị buộc thắt chặt

trong lưới sinh tử,

con nguyện vì họ

cắt đứt lưới ấy

bằng kiếm trí tuệ,

làm cho mau chóng

thoát khỏi sinh tử

chứng đắc tuệ giác.

(94) Đại lục Thiệm bộ

hay thế giới khác,

chúng sinh trong đó

tạo bao thắng phước,

nay con nguyện xin

tùy hỷ tất cả.

(95) Con nguyện vận dụng

sự tùy hỷ này,

và bao thiện hạnh

của than miệng ý,

làm cho thắng nghiệp

thường xuyên lớn lên,

thực hiện mau chóng

tuệ giác vĩ đại.

(96) Bao nhiêu thắng phước

lễ bái tán dương

công đức chư Phật,

với tâm sâu xa

cực kỳ trong sáng

không chút gợn bẩn,

con đem hồi hướng,

lại đem phát nguyện,

thì sáu mươi kiếp

vượt nẻo đường dữ.

(97) Nếu có thiện nam

hay thiện nữ nào,

hoặc các vọng tộc

như Bà la môn,

chắp tay dốc lòng

tán dương chư Phật,

thì sinh ở đâu

cũng nhớ đời trước,

(98) giác quan toàn hảo

cơ thể toàn myլ

và hoàn thành hết

công đức siêu việt,

thì trong vị lai

sinh ra ở đâu

chư thiên nhân loại

cũng thường chiêm ngưỡng.

(99) Người ấy không phải

ở nơi một đức

mười đức Phật đà

tu tập thiện căn

mà nay nghe được

pháp sám hối này,

mà phải ở nơi

trăm ngàn Phật đà

gieo trồng thiện căn,

mới được nghe đến

pháp mầu sám hối

như thế này đây.

Bấy giờ đức Thế tôn nghe những lời chỉnh cú ấy thì tán dương bồ tát Diệu tràng, rằng lành thay thiện nam tử, âm thanh xuất từ trống vàng mà ông mộng thấy, đã tán dương công đức Phật đà và diệu pháp sám hối. Ai nghe âm thanh như vậy cũng được rất nhiều phước đức. Âm thanh ấy lợi ích rộng lớn cho bao chúng sinh, loại trừ nghiệp chướng cho họ. Ông nên biết sự thể siêu việt này nguyên nhân là do tập quán quá khứ ông đã quen tán dương chư Phật và sám hối phát nguyện, lại do uy lực chư Phật da trì cho ông. Nguyên nhân ấy, rồi đây vì ông mà Như lai sẽ nói đến (35) .

Lúc ấy, cả đại hội nghe pháp thoại này, ai cũng hoan hỷ, tin chịu, phụng hành.

Chú thích:

(12) Như như: như nhau như nhau. Chính nghĩa là vô phân biệt.

(13) Chính văn là tự tha, chính xác thì nên dịch là chủ thể khách thể.

(14) Những định không còn tư tưởng và cảm giác, như vô tưởng định, diệt tận định.

(15) Không ảnh là hình ảnh có ra là có trong không gian, nhờ không gian; nếu không có khoảng trống thì chẳng hình ảnh nào có được.

(16) Cũng nên nói bất trụ sinh tử nữa (Chính 39/217).

(17) Chính văn là hành pháp: cái pháp có tính cách chuyển biến (tức hữu vi).

(18) Thật ra nên nói cả 10 địa nữa, vì đây là tha thọ dụng thân.

(19) Chính văn là tướng cập tướng xứ, Chính 39/222 nói là nhân ngã pháp ngã. Tôi nghĩ hơi khác; tướng là ngã pháp, tướng xứ là y tha phần nhiễm. Do vậy, đáng lẽ tướng cập tướng xứ nên dịch là ảo giác và căn cứ của ảo giác.

(20) Niết bàn và đường đến niết bàn.

(21) Thân này là thân này đây, thân chúng ta đây, mà nói chính xác là cái “thắng thân” (thân hơn bình thường), cái thân “đạo khí” (đồ chứa đựng Phật pháp) mà ghi chú 22 nói. Coi thêm ghi chú ấy.

(22) Chính văn là thị thân nhân duyên cảnh giới xứ sở quả y ư bản. Theo Chính 39/223, thân (bản thân) là quả báo được cái thắng thân làm đồ chứa đựng chánh pháp, và đó là dị thục quả. Nhân duyên (yếu tố) là thắng thiện đã tu trong đời trước, và đó là tăng thượng quả. Cảnh giới (đối cảnh) là bồ đề và niết bàn, sở duyên của đẳng lưu quả. Xứ sở (đối tượng) là đại bồ đề mà sĩ dụng quả nguyện cầu. Quả y ư bản (kết quả; nhưng 4 chữ liền lại thành 1 từ ngữ thì phải dịch là căn bản) là ly hệ quả không rời như như lý. Nhưng cách chấm câu như vậy tôi không đồng ý, nên đã chấm câu và dịch như đã dịch.

(23) Chính văn là đại thừa, Như lai tánh, Như lai tạng.

(24) Tự tại là ngã. Ngã trong 4 đức niết bàn của Phật không phải là nghĩa chủ tể (khái niệm về ngã của ngã chấp).

(25) Là 32 tướng tốt, 80 tướng phụ, 18 bất cọng, 10 lực, 4 vô úy, đai bi, 3 niệm, 32 độc đắc. Tham chiếu Chính 39/224-226.

(26) Chính văn ở đây là tướng.

(27) Ở đây nghĩa là phi nhị biên.

(28) Là pháp thân, đại định, đại trí.

(29) Chính văn là thế thiện, nói đủ là thế gian thiện căn, đối lại với xuất thế thiện căn.

(30) Có 5 sự: sợ không đủ sống, sợ chết, sợ đường dữ, sợ tiếng dữ, sợ công chúng.

(31) Là trung tính, không thiện, không ác, tản mạn, không kiểm soát.

(32) Dịch đủ là mộng thấy trống vàng ròng phát ra âm thanh diễn đạt diệu pháp sám hối.

(33) Tám nơi là địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh (khổ quá) bắc câu lô (vui quá) cõi trời trường thọ (yên ổn quá) điếc mù câm ngọng, thế trí biện thông (thông minh rất đời) sinh trước hay sau Phật (mà không còn Phật pháp). Đây là 8 nơi gọi là nạn (khó cho sự thấy Phật nghe Pháp) là không rảnh (không có sự tu tập xen vào).

(34) Chính văn là hữu hải, chỉ cho 3 cõi mà tổng kê có 25. Có, hữu, là hiện hữu sinh tử, không phải niết bàn (như ngoại chấp không dưới 3 trong số 25 hữu ấy).

(35) Nói ở phẩm 7 cuốn 5.

    Xem thêm:

  • Kinh Nhứt Thiết Như Lai Tâm Bí Mật Toàn Thân Xá Lợi Bảo Khiếp Ấn Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa – Đường Huyền Trang - Kinh Tạng
  • Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa – Đường Bát Nhã Cộng Lợi Ngôn Đẳng - Kinh Tạng
  • Kinh Kim Cương Tam Muội Bản Tính Thanh Tịnh Bất Hoại Bất Diệt - Kinh Tạng
  • Nghi Thức Tụng Niệm Đại Lạc Kim Cang Tát Đỏa Lược Trích Từ Kinh Kim Cang Đỉnh Thắng Sơ Du Già - Kinh Tạng
  • Bá Trượng Hoài Hải Thiền Sư Quảng Lục - Kinh Tạng
  • Truyền Tâm Pháp Yếu Của Thiền Sư Hoàng Bá - Kinh Tạng
  • Kinh Kim Sắc Vương - Kinh Tạng
  • Uyển Lăng Lục Của Thiền Sư Hoàng Bá Đoạn Tế - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Diệu Kim Cang Đại Cam Lộ Quân Nã Lợi Diệm Man Sí Thạnh Phật Đỉnh - Kinh Tạng
  • Kinh Hoằng Đạo Quảng Hiển Tam Muội - Kinh Tạng
  • Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát Căn Bổn Đại Giáo Vương Kinh Kim Sí Điểu Vương Phẩm - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Nhập Niết Bàn Mật Tích Kim Cương Lực Sĩ Ai Luyến - Kinh Tạng
  • Pháp Môn Lược Thuật Kim Cang Đỉnh Du Già Phân Biệt Thánh Vị Tu Chứng - Kinh Tạng
  • Nghi Quỹ Đàn Tràng Đại Khổng Tước Minh Vương Hoạch Tượng - Kinh Tạng
  • Kinh Nhất Thiết Chư Như Lai Tâm Quang Minh Gia Trì Bồ Tát Phổ Hiền Đà La Ni Diên Mạng Kim Cang Tối Thắng - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Oai Đức Kim Luân Phật Đảnh Xí Thạnh Quang Như Lai Tiêu Trừ Nhất Thiết Tai Nạn Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Danh Hiệu Kim Cương Giáo Pháp Của Thai Tạng - Kinh Tạng
  • Kinh Pháp Bảo Đàn (Đôn Hoàng) - Kinh Tạng
  • Kim Cang Đỉnh Siêu Thắng Tam Giới Kinh Thuyết Văn Thù Ngũ Tự Chơn Ngôn Thắng Tướng - Kinh Tạng