1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14

Phẩm thứ bảy: PHƯỚC ĐIỀN TƯỚNG

Lại nữa, này thiện nam tử! Đại Bồ-tát có luân mười tài thí đại giáp trụ. Đại Bồ-tát nào thành tựu luân này từ khi mới phát tâm có thể đoạn trừ tất cả ngũ dục, vượt hơn cả các hàng Thanh văn, Độc giác, làm ruộng phước lớn cho tất cả Thanh văn, Độc giác. Các hàng Thanh văn, Độc giác đều nên cúng dường, phụng sự, giữ gìn.

Thế nào là mười? – Nghĩa là bố thí các loại thức ăn uống, y phục, đồ trang sức quý báu, voi, ngựa, xe cộ cùng với tay, chân, tai, mũi, đầu, mắt, tủy, não, xương cốt, da thịt, máu mủ, quốc thành, vợ con, tôi tớ, ruộng vườn, nhà cửa.

Như thế, mỗi khi bố thí đều không luyến tiếc thân mạng, không vì mình mong cầu sự an vui ở thế gian và xuất thế gian mà phát tâm bố thí, chỉ vì muốn cho tất cả chúng hữu tình nuôi lớn mầm đại từ, đại bi mà phát tâm bố thí. Vì muốn chúng sanh phát khởi phương tiện thiện xảo, trí tuệ thù thắng nên phát tâm bố thí. Vì muốn làm cho tất cả chúng hữu tình được an lạc nên phát tâm bố thí. Vì muốn trừ diệt mọi khổ não cho chúng hữu tình nên phát tâm bố thí. Cũng không vì tâm muốn hơn người, tâm hung dữ, tâm tật đố, tâm keo lẫn mà bố thí. Đối với các vật thí – dù nhiều hay ít, cho đến một bữa ăn – cũng không mong cầu phước báo cho mình mà phát tâm bố thí. Cũng không mong cầu quả vị Thanh văn mà phát tâm bố thí, cũng không mong cầu quả vị Độc giác mà phát tâm bố thí. Đối với các vật thí – hoặc nhiều hoặc ít, cho đến một bữa ăn – chỉ vì mong cầu Nhất thiết chủng trí mà phát tâm bố thí.

Này thiện nam tử! Đại Bồ-tát nào thành tựu luân mười tài thí đại giáp trụ như thế từ mới phát tâm thì có thể đoạn trừ tất cả năm dục lạc, vượt hơn hàng Thanh văn, Độc giác; làm ruộng phước lớn cho tất cả Thanh văn, Độc giác. Tất cả Thanh văn, Độc giác đều nên cúng dường, phụng sự, giữ gìn. Vì sao? – Vì hàng Thanh văn, Độc giác phát tâm bố thí không có đại từ bi, chỉ vì xả bỏ nghèo cùng cho tự thân mình, muốn mình thoát khỏi các khổ não, muốn cho mình được an lạc, muốn cho mình chứng đắc Niết-bàn đạo quả, chứ không vì tất cả chúng hữu tình mà làm bố thí. Còn đại Bồ-tát phát tâm bố thí thì có đại từ bi, vì muốn cho chúng hữu tình xa lìa bần cùng, muốn cho chúng hữu tình thoát khỏi mọi khổ não, muốn cho chúng hữu tình được an lạc tự tại, muốn cho chúng hữu tình chứng đạo quả Niết-bàn. Đó là không vì tự thân mà phát tâm bố thí. Do nghĩa này nên vượt hơn hàng Thanh văn, Độc giác. Lại vì muốn làm ruộng phước lớn cho hàng Thanh văn, Độc giác, tất cả Thanh văn, Độc giác đều nên cúng dường, phụng sự, giữ gìn.

Khi đại Bồ-tát tu pháp tài thí Ba-la-mật-đa, đối với mọi thú vui ngũ dục, tâm không đắm nhiễm, tự mình hưởng thọ đầy đủ các pháp an lạc, đem bố thí hết cho chúng hữu tình, đem tâm giúp đỡ tất cả chúng hữu tình, đem tâm nhẫn chịu tất cả khổ não của mọi loài, đem tâm diệt khổ cho tất cả hữu tình, đem tâm làm an vui cho mọi người và đem tâm đại Niết-bàn cho các loài hữu tình mà bố thí. Do ý nghĩa này vượt hơn các hàng Thanh văn, Độc giác, làm ruộng phước lớn cho hàng Thanh-văn, Độc giác. Tất cả Thanh văn, Độc giác nên cúng dường, phụng sự, giữ gìn.

Này thiện nam tử! Nếu đối với ngũ dục mà tâm không đắm nhiễm, đem tâm đại từ bi mà bố thí như thế thì gọi là Bồ-tát, cũng gọi là ruộng phước chân thật của tất cả Thanh văn, Độc giác. Nếu không đoạn trừ các ngũ dục ở thế gian, không có đại từ bi mà bố thí, tuy xả bỏ vô lượng vô biên tài vật cũng không được gọi là Đại Bồ-tát, cũng chẳng phải là ruộng phước chân thật của tất cả Thanh văn, Độc giác, không được ấn chứng vào quả vị Thánh. Cho nên phải đoạn trừ ngũ dục ở thế gian, phải có đầy đủ tâm đại từ bi để làm bố thí. Nếu không như thế mà bố thí thì chẳng phải là Bồ-tát, chẳng phải là ruộng phước chân thật.

Này thiện nam tử! Đem tâm nhiễm trước các thứ ngũ dục mà hành luân pháp bố thí còn không thể diệt trừ một chút phần phiền não của bản thân mình, huống là có thể diệt trừ vô lượng các khổ não của tất cả chúng sanh.

Bấy giờ, đức Thế Tôn muốn nói rõ lại nghĩa trên nên tuyên đọc bài kệ:

– Thành tựu tài thí luân

Người trí tâm thanh tịnh

Xa lìa hết năm dục

An lạc chúng hữu tình

Vì an lạc chúng sanh

Không cầu được quả báo

Dầu chỉ thí chút phần

Là ruộng phước chân thật

Tuy bố thí rất nhiều

Mà đắm nhiễm ngũ dục

Chẳng thể vào đạo Thánh

Trụ trong tụ bất định

Tùy làm việc thí ít

Mà không duyên ngũ dục

Là ruộng phước chân thật

Của Thanh văn, Độc giác

Nên phải bỏ ngũ dục

Thường hành thí thanh tịnh

An lạc chúng hữu tình

Thành ruộng phước chân thật.

Lại nữa, này thiện nam tử! Đại Bồ-tát có luân mười pháp thí đại giáp trụ. Nếu đại Bồ-tát nào thành tựu luân này từ khi mới phát tâm, có thể đoạn trừ tất cả ngũ dục, mau có thể đắc định Nhật đăng quang, vượt qua các hàng Thanh văn, Độc giác, làm ruộng phước lớn cho tất cả Thanh-văn, Độc giác. Tất cả Thanh văn, Độc giác đều nên cúng dường, phụng sự, giữ gìn.

Thế nào là mười? – Nghĩa là chánh pháp do chư Như Lai thuyết ra, hoặc là chánh pháp tương ưng với Thanh văn thừa, hoặc chánh pháp tương ưng với Độc giác thừa, hoặc chánh pháp tương ưng với Đại thừa, hoặc pháp thế gian, hoặc pháp xuất thế gian, hoặc pháp hữu lậu, hoặc pháp vô lậu, hoặc pháp hữu vi, hoặc pháp vô vi, hoặc pháp bất nhị.

Đại Bồ-tát đối với mười pháp này đều có lòng tin kính sâu xa, lắng nghe tất cả rồi tùy theo khả năng mà suy xét lãnh thọ, tư duy, quán sát đến chỗ rốt ráo thông suốt, tùy theo thích ứng mà diễn thuyết cho người khác. Lúc thuyết pháp lại không có tâm ganh ghét, tâm bỏn xẻn, tâm kiêu mạn; tâm không cầu lợi, không khinh người, tâm không cống cao mà có tâm cung kính, có tâm làm lợi ích khắp cùng, tâm đại từ, tâm đại bi.

Nói pháp Thanh văn cho hàng Thanh văn, không nói pháp Độc giác thừa hoặc Đại thừa cho họ.

Thuyết pháp Độc giác cho hàng Độc giác, chứ không thuyết pháp Thanh văn hay Đại thừa cho họ.

Đối với hàng Đại thừa, thuyết pháp Đại thừa, không thuyết các pháp Thanh văn hay Độc giác thừa cho họ.

Tùy theo căn cơ của các chúng sanh mà thuyết chánh pháp cho họ. Nếu không phải căn cơ thì không nói pháp.

Đối với hàng Đại thừa, hoàn toàn không khuyên tu Độc giác, hành hạnh Thanh văn. Còn đối với Độc giác, có lúc cũng khuyên họ tu hạnh Đại thừa.

Đối với hàng Thanh văn, có lúc khuyên tu theo Độc giác thừa, hoặc khuyên tu Đại thừa.

Nếu ai đối với những lời thuyết pháp của đức Như lai – cho đến một bài tụng, thậm chí nửa câu – đều tin kính sâu xa, hoàn toàn không phỉ báng, làm chướng ngại, vùi lấp; đối với vị Pháp sư thuyết pháp tưởng như đức Thế Tôn, với đại chúng nghe pháp tưởng như người bệnh, với pháp được nghe tưởng là lương dược. Đoạn trừ ngũ dục, không còn mong cầu mà tuyên thuyết chánh pháp.

Này thiện nam tử! Đó gọi là luân mười pháp thí đại giáp trụ của đại Bồ-tát. Nếu đại Bồ-tát nào thành tựu được mười luân này thì có thể đoạn trừ ngũ dục, mau chứng được định Nhật đăng quang, vượt xa hàng Thanh văn, Độc giác, làm ruộng phước lớn cho tất cả Thanh văn, Độc giác. Tất cả Thanh văn, Độc giác đều nên cúng dường, phụng sự, giữ gìn.

Bấy giờ đức Thế Tôn muốn làm rõ nghĩa này nên thuyết kệ:

– Bậc trí tu pháp thí

Tùy cơ nói ba thừa

Không thuyết các thừa khác

Sợ nghe rồi báng pháp

Đúng căn cơ thuyết pháp

Chẳng phải thì không thuyết

Tùy theo sự ưa thích

Khuyên tu khiến an lạc

Trọn không khuyến Đại thừa

Chỉ khiến tu nhị thừa

Hoặc lúc khuyên nhị thừa

Tiến lần lên thượng thừa

Thường cung kính nghe pháp

Tin sâu, không hủy báng

Cúng dường đến Pháp sư

Tưởng như bậc Thế Tôn

Khuyên nghe thuốc diệu pháp

Để trừ bệnh não phiền

Bỏ lợi dưỡng, danh dự

Mà tuyên bày chánh pháp.

Lại nữa, này thiện nam tử! Đại Bồ-tát lại có luân tịnh giới đại giáp trụ. Nếu đại Bồ-tát nào thành tựu luân này từ lúc mới phát tâm thì có thể đoạn trừ mọi ngũ dục, vượt hơn tất cả Thanh văn, Độc giác, làm ruộng phước lớn cho tất cả Thanh văn, Độc giác. Hàng Thanh văn, Độc giác đều nên cúng dường, phụng sự, giữ gìn.

Thế nào là luân tịnh giới đại giáp trụ? – Này thiện nam tử! Tịnh giới của Bồ-tát có hai tướng:

1- Cọng.

2- Bất cọng.

Thế nào là luân Cọng tịnh giới của Bồ-tát? – Nghĩa là các luật nghi đã thọ của hàng tại gia cận sự, cận trụ, hoặc giới biệt giải thoát của hàng xuất gia và thọ giới Cụ túc. Luật nghi, giới biệt giải thoát như vậy gọi là luân Cọng tịnh giới của Bồ-tát, cùng chung với hàng Thanh văn, Độc giác thừa. Bậc Bồ-tát không do luân tịnh giới này mà có thể trừ được tất cả phiền não ác kiến thú và có thể giải thoát nghiệp chướng sanh tử. Đây không gọi là luân đại giáp trụ, cũng không do đây mà gọi là đại Bồ-tát và cũng không gọi là ruộng phước chân thật của tất cả Thanh văn, Độc giác.

Thế nào là luân Bất cọng tịnh giới đại giáp trụ? – Nghĩa là các Bồ-tát đối với chúng hữu tình ở khắp mười phương đều bình đẳng, không quấy nhiễu, không oán hận mà hộ trì tịnh giới.

Đối với tất cả người trì giới, kẻ phạm giới, người bố thí, kẻ xan tham, người từ bi, kẻ sân giận, người tinh tấn, kẻ giải đãi, các hữu tình thượng – trung – hạ đều đem tâm không sai biệt, tưởng không sai biệt mà hộ trì tịnh giới.

Đối với hữu tình trong tam giới không sân giận, cũng không làm các ác hạnh mà hộ trì tịnh giới.

Đối với uẩn – giới – xứ trong ba cõi không có phân biệt mà hộ trì tịnh giới.

Cũng không nương theo Dục giới mà hộ trì tịnh giới, cũng không nương theo Sắc giới mà hộ trì tịnh giới, không nương theo Vô sắc giới mà hộ trì tịnh giới.

Không quán tất cả quả báo của các cõi mà hộ trì tịnh giới. Không nương theo tất cả cái được và cái không được mà hộ trì tịnh giới.

Không nương theo các hành mà hộ trì tịnh giới.

Đó gọi là luân Bất cọng tịnh giới đại giáp trụ của Bồ-tát.

Này thiện nam tử! Nếu đai Bồ-tát nào thành tựu được luân tịnh giới đại giáp trụ này từ khi mới phát tâm, có thể đoạn trừ tất cả ngũ dục, nên được gọi là đại Bồ-tát, vượt hơn tất cả Thanh văn, Độc giác, làm ruộng phước lớn cho hàng Thanh văn, Độc giác. Tất cả Thanh văn, Độc giác đều nên cúng dường, phụng sự, giữ gìn.

Bấy giờ đức Thế Tôn nói bài kệ tụng để làm rõ nghĩa trên:

– Luật nghi hàng tại gia

Biệt giải thoát xuất gia

Cùng chung cho nhị thừa

Không là Ma-ha-tát

Bậc trí tu pháp không

Không nương theo thế gian

Cũng không nương các cõi

Mà hộ trì tịnh giới

Lìa chấp tướng Thi-la

Không nhiễm, không phiền não

Hộ trì giới như thế

Là ruộng phước chân thật

Lại nữa, này thiện nam tử! Đại Bồ-tát còn có luân An nhẫn đại giáp trụ. Đại Bồ-tát nào thành tựu được luân này từ khi mới phát tâm có thể đoạn trừ hết ngũ dục, vượt lên hàng Thanh văn, Độc giác, làm ruộng phước lớn cho tất cả hàng Thanh văn, Độc giác. Tất cả Thanh văn, Độc giác đều nên cúng dường, phụng sự, giữ gìn.

Thế nào là luân An nhẫn đại giáp trụ? – Này thiện nam tử! An nhẫn của Bồ-tát có hai tướng:

1- Thế gian.

2- Xuất thế gian.

Thế nào là An nhẫn thế gian của Bồ-tát? – Nghĩa là nhẫn hữu lậu, là nhẫn phát sinh do duyên theo chúng hữu tình, có chấp thủ, có tướng; do nương theo quả báo, nương theo các phước nghiệp; nhẫn phát sinh do nương theo sắc, thanh, hương, vị, xúc của bản thân; nhẫn hữu phát thú, nhẫn vô kham năng, nhẫn lực luy liệt, nhẫn khí chúng sanh, nhẫn hữu cuống trá, nhẫn kiều duyệt tha, nhẫn không làm lợi lạc cho chúng hữu tình. Đó gọi là An nhẫn thuộc thế gian của Bồ-tát. An nhẫn như vậy cùng chung với hàng Thanh văn, Độc giác. Đây không thể gọi là luân đại giáp trụ, cũng không do đây gọi là đại Bồ-tát, hay là ruộng phước chân thật cho hàng Thanh văn, Độc giác.

Thế nào là luân An nhẫn xuất thế đại giáp trụ của Bồ-tát? – Nghĩa là nhẫn vô lậu. Tất cả bậc Hiền Thánh đại pháp quang minh vì lợi lạc cho các chúng hữu tình mà an nhẫn không dính mắc, đoạn trừ hẳn tất cả sự nghiệp. Ngôn ngữ, nhơn tướng, văn tự, âm thanh, việc làm đều dựa theo an nhẫn. Tu hạnh nhẫn này có thể đoạn trừ tam kết, tam thọ, tam tưởng, tam thế, tam hữu, tam hành, tam bất thiện căn, tứ chủng, tứ bộc lưu, tứ ách, tứ thủ, tứ chủng thân hệ. Khi tu các hạnh nhẫn này thì tâm được an tịnh. Đó gọi là luân An nhẫn xuất thế đại giáp trụ của Bồ-tát.

Này thiện nam tử! Nếu đại Bồ-tát nào thành tựu được luân An nhẫn đại giáp trụ này từ lúc mới phát tâm, có thể đoạn trừ hết ngũ dục nên gọi là đại Bồ-tát, vượt xa hàng Thanh văn, Độc giác, làm ruộng phước lớn cho hàng Thanh văn, Độc giác. Tất cả Thanh văn, Độc giác đều nên cúng dường, phụng sự, giữ gìn.

Bấy giờ, Thế Tôn dùng lời kệ tụng để nói rõ nghĩa trên:

– An nhẫn có hai loại

Là hữu tướng, vô tướng

Hữu tướng thường chấp giữ

Bậc trí không khen ngợi

Tu nhẫn nương tam hành

Nương theo uẩn – giới – xứ

Đó là nhẫn hữu lậu

Chẳng phải tướng Bồ-tát

Để diệt bốn điên đảo

Tu nhẫn vô nhiễm trước

Tịch tịnh cùng tam hành

Nhẫn này được xưng tán

Muôn hạnh đều an tịnh

Lìa tất cả phân biệt

Bình đẳng như hư không

Nhẫn này nên tán thán

Muôn pháp quy về một

Không, vô tướng, tịch diệt

Tâm không chỗ dính mắc

Nhẫn này lợi ích lớn.

Lại nữa, này thiện nam tử! Đại Bồ-tát có luân Tinh tấn đại giáp trụ. Nếu đại Bồ-tát nào thành tựu được luân này từ khi mới phát tâm có thể đoạn trừ được ngũ dục, vượt xa hàng Thanh văn, Độc giác, làm ruộng phước lớn cho hàng Thanh văn, Độc giác. Tất cả Thanh văn, Độc giác đều nên cúng dường, phụng sự, giữ gìn.

Thế nào là luân Tinh tấn đại giáp trụ? – Này thiện nam tử! Tinh tấn của Bồ-tát có hai tướng:

1- Thế gian.

2- Xuất thế gian.

Thế nào là Tinh tấn thế gian của Bồ-tát? – Nghĩa là các Bồ-tát tinh tấn dõng mãnh, chuyên cần tu ba loại phước nghiệp thế gian. Ba loại đó là gì?

1/ Thí phước nghiệp sự.

2/ Giới phước nghiệp sự.

3/ Tu phước nghiệp sự.

Pháp tu này là ba loại tinh tấn. Tinh tấn như vậy duyên theo các chúng sanh hữu lậu chấp thủ, nương theo các quả báo, nương theo các phước nghiệp. Đây gọi là tinh tấn thế gian của Bồ-tát. Tinh tấn này chùng chung với hàng Thanh văn, Độc giác nên không gọi là luân đại giáp trụ, cũng không vì thế mà gọi là đại Bồ-tát hay là ruộng phước chân thật của tất cả Thanh văn, Độc giác.

Thế nào gọi là luân Tinh tấn xuất thế đại giáp trụ của Bồ-tát? – Nghĩa là Bồ-tát này tinh tấn dõng mãnh, đối với tất cả chúng sanh đều bình đẳng, trừ hết mọi nghiệp khổ phiền não cho họ. Tinh tấn như thế được tất cả Hiền Thánh khen ngợi, là vô lậu, không chấp thủ, không có chỗ nương theo.

Đối với tất cả người tinh tấn, kẻ giải đãi, người bố thí, kẻ xan tham, người trì giới, kẻ phá giới, người từ bi, kẻ sân giận, các chúng sanh thượng – trung – hạ không phân biệt, không có tướng phân biệt mà tinh tấn dõng mãnh.

Đối với chúng sanh trong tam giới đều bình đẳng không hai, vì họ mà từ lời nói, việc làm, suy nghĩ đều nương vào chỗ không chấp trước mà tinh tấn dõng mãnh.

Đối với uẩn -xứ – giới trong tam hữu đều tinh tấn dõng mãnh, không phân biệt; không nương theo Dục giới mà tinh tấn dõng mãnh; không nương theo Sắc giới mà tinh tấn dõng mãnh; không nương theo Vô sắc giới mà tinh tấn dõng mãnh; không quán tất cả quả báo của các cõi mà tinh tấn dõng mãnh; không nương theo tất cả cái được và không được mà tinh tấn dõng mãnh; không nương theo các hạnh mà tinh tấn dõng mãnh; không nương theo ba loại phước nghiệp sự ở thế gian mà tinh tấn dõng mãnh. Vì muốn đầy đủ ba phước nghiệp sự xuất thế mà tinh tấn dõng mãnh.

Đó gọi là luân tinh tấn xuất thế đại giáp trụ của Bồ-tát.

Này thiện nam tử! Nếu đại Bồ-tát nào thành tựu được luân tinh tấn đại giáp trụ này từ khi mới phát tâm, có thể dứt trừ được ngũ dục, được gọi là đại Bồ-tát, vượt hơn hàng Thanh văn, Độc giác, làm ruộng phước lớn cho hàng Thanh văn, Độc giác. Tất cả Thanh văn, Độc giác đều nên cúng dường, phụng sự, giữ gìn.

Bấy giờ Thế Tôn nói bài kệ để làm rõ nghĩa này:

– Do sáu căn nhiễm trước

Chìm nổi theo năm dòng

Tuy tinh tấn dõng mãnh

Người trí đều chán xa

Duyên chúng sanh tinh tấn

Hữu lậu và chấp thủ

Chẳng phải ruộng phước chân

Không gọi là Bồ-tát

Bậc trí siêng tinh tấn

Xa lìa mọi nhiễm trước

Tâm không bị lệ thuộc

Là ruộng phước chân thật

Không dính mắc danh sắc

Lìa các uẩn – xứ – giới

Làm chỗ nương cho chúng

Gọi là Ma-ha-tát

Giữa đời như trăng nước

Tu tinh tấn luân này

Có thể đoạn trừ hết

Phiền não của chúng sanh.

Lại nữa, này thiện nam tử! Đại Bồ-tát có luân Tịnh lự đại giáp trụ. Nếu đại Bồ-tát nào thành tựu được luân này từ lúc mới phát tâm, có thể đoạn trừ được ngũ dục, vượt xa hàng Thanh văn, Độc giác, làm ruộng phước lớn cho tất cả Thanh văn, Độc giác. Hàng Thanh văn, Độc giác nên cúng dường, phụng sự, giữ gìn.

Thế nào là luân Tịnh lự đại giáp trụ? – Này thiện nam tử! Tịnh lự của Bồ-tát có hai tướng:

1- Thế gian.

2- Xuất thế gian.

Thế nào là Tịnh lự thế gian của Bồ-tát? – Nghĩa là các Bồ-tát nương theo các uẩn mà tu tập tịnh lự, nương vào các giới mà tu tập tịnh lự, nương vào các xứ mà tu tập tịnh lự, nương vào Dục giới mà tu tập tịnh lự, nương vào Sắc giới mà tu tập tịnh lự, nương vào Vô sắc giới mà tu tập tịnh lự, nương vào ba luật nghi mà tu tập tịnh lự, nương vào ba giải thoát mà tu tập tịnh lự, nương vào bốn niệm trụ mà tu tập tịnh lự, nương vào bốn chánh đoạn mà tu tập tịnh lự, nương vào bốn thần túc mà tu tập tịnh lự, nương vào năm căn mà tu tập tịnh lự, nương vào năm lực mà tu tập tịnh lự, nương vào bảy giác chi mà tu tập tịnh lự, nương vào tám Thánh đạo mà tu tập tịnh lự, nương vào địa giới mà tu tập tịnh lự, nương vào thủy giới mà tu tập tịnh lự, nương vào hỏa giới mà tu tập tịnh lự, nương vào phong giới mà tu tập tịnh lự, nương vào không giới mà tu tập tịnh lự, nương vào thức giới mà tu tập tịnh lự, nương vào lạc thọ mà tu tập tịnh lự, nương vào khổ thọ mà tu tập tịnh lự, nương vào bất khổ bất lạc thọ mà tu tập tịnh lự, nương vào hư không vô biên xứ mà tu tập tịnh lự, nương vào thức vô biên xứ mà tu tập tịnh lự, nương vào vô sở hữu xứ mà tu tập tịnh lự, nương vào phi tưởng phi phi tưởng xứ mà tu tập tịnh lự, nương vào đời này mà tu tập tịnh lự, nương vào đời khác mà tu tập tịnh lự, nương vào tiểu tưởng mà tu tập tịnh lự, nương vào đại tưởng mà tu tập tịnh lự, nương vào vô lượng tưởng mà tu tập tịnh lự.

Tịnh lự như thế là hữu lậu, có chấp thủ, có chỗ nương theo, gọi là Tịnh lự thế gian của Bồ-tát. Tịnh lự này cùng chung với hàng Thanh văn, Độc giác. Đây không thể gọi là luân đại giáp trụ, cũng không gọi là đại Bồ-tát hay là ruộng phước chân thật của tất cả Thanh văn, Độc giác.

Thế nào là Tịnh lự xuất thế gian của Bồ-tát? – Nghĩa là Bồ-tát đã xa lìa các uẩn mà tu tập tịnh lự, xa lìa các giới mà tu tập tịnh lự, xa lìa các xứ mà tu tập tịnh lự, xa lìa Dục giới mà tu tập tịnh lự, xa lìa Sắc giới mà tu tập tịnh lự, xa lìa Vô sắc giới mà tu tập tịnh lự, xa lìa ba luật nghi mà tu tập tịnh lự, xa lìa ba giải thoát mà tu tập tịnh lự, xa lìa bốn niệm trụ mà tu tập tịnh lự, xa lìa bốn chánh đoạn mà tu tập tịnh lự, xa lìa bốn thần túc mà tu tập tịnh lự, xa lìa năm căn mà tu tập tịnh lự, xa lìa năm lực mà tu tập tịnh lự, xa lìa bảy giác chi mà tu tập tịnh lự, xa lìa tám Thánh đạo mà tu tập tịnh lự, xa lìa địa giới mà tu tập tịnh lự, xa lìa thủy giới mà tu tập tịnh lự, xa lìa hỏa giới mà tu tập tịnh lự, xa lìa phong giới mà tu tập tịnh lự, xa lìa không giới mà tu tập tịnh lự, xa lìa thức giới mà tu tập tịnh lự, xa lìa lạc thọ mà tu tập tịnh lự, xa lìa khổ thọ mà tu tập tịnh lự, xa lìa bất khổ bất lạc thọ mà tu tập tịnh lự, xa lìa hư không vô biên xứ mà tu tập tịnh lự, xa lìa thức vô biên xứ mà tu tập tịnh lự, xa lìa vô sở hữu xứ mà tu tập tịnh lự, xa lìa phi tưởng phi phi tưởng xứ mà tu tập tịnh lự, xa lìa đời này mà tu tập tịnh lự, xa lìa đời khác mà tu tập tịnh lự, xa lìa tiểu tưởng mà tu tập tịnh lự, xa lìa đại tưởng mà tu tập tịnh lự, xa lìa vô lượng tưởng mà tu tập tịnh lự.

Tịnh lự như thế mới có thể phát ánh sáng rộng lớn của chư Hiền Thánh, vô lậu không chấp thủ, không có chỗ nương theo. Đó gọi là luân Tịnh lự xuất thế đại giáp trụ của Bồ-tát.

Này thiện nam tử! Nếu đại Bồ-tát nào thành tựu luân Tịnh lự đại giáp trụ này từ khi mới phát tâm, có thể đoạn trừ hết ngũ dục, được gọi là đại Bồ-tát, vượt xa hàng Thanh văn, Độc giác, làm ruộng phước lớn cho tất cả hàng Thanh văn, Độc giác. Hàng Thanh văn, Độc giác nên cúng dường, phụng sự, giữ gìn.

Bấy giờ Thế Tôn tuyên nói bài tụng để làm rõ nghĩa trên:

– Vì mình bỏ gánh nặng

Tu dẫu có đắc định

Đoạn phiền não riêng mình

Chẳng phải bậc trí chơn

Quán chiếu theo khả năng

Cầu giải thoát tu định

Chấp trước bờ kia đây

Chẳng lợi ích hữu tình

Vì lợi lạc mọi loài

Tu định, bỏ gánh nặng

Diệt hết mọi não phiền

Là bậc chơn trí vậy

Vì lợi khắp chúng sanh

Tu định, không chấp trước

Chấm dứt mọi khát ái

Đó là bậc Đại huệ

Vì giải thoát các hữu

Vào trong thành Vô úy

Tu định được vắng lặng

Thật là đại Bồ-tát.

    Xem thêm:

  • Phật nói Luận A Tỳ Đàm về Sự Thế Giới Thành Lập - Kinh Tạng
  • Kinh Bảy Giấc Mộng Của A Nan – Thích Nữ Tuệ Thành dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Lí Thú Lục Ba La Mật Đa - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Thập Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Bản Sinh Tâm Địa Quán - Kinh Tạng
  • Kinh Tối Thắng Hỏi Về Việc Trừ Cấu Đoạn Kết Của Bồ Tát Thập Trụ - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Đại Bi Phân Đà Lợi - Kinh Tạng
  • Phật Nói Kinh Đại Thừa Thiện Kiến Biến Hóa Văn Thù Sư Lợi Hỏi Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Nói Về Tám Thói Xấu Của Ngựa - Kinh Tạng
  • A Di Đà Thông Tán Sớ - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Đại Thừa Thiện Kiến Biến Hóa Văn Thù Sư Lợi Vấn Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Thắng Quân Hóa Thế Bách Luận Già Tha - Kinh Tạng
  • Kinh Vua Thắng Quân Thưa Hỏi - Kinh Tạng
  • Kinh Bảy Giấc Mộng Của A Nan – Huyền Thanh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Trưởng Giả Cự Lực Hỏi Về Đại Thừa - Kinh Tạng
  • Quán Niệm A Di Đà Phật Tướng Hải Tam Muội Công Đức Pháp Môn - Kinh Tạng
  • Giảng Giải Tinh Yếu Kinh A Di Đà - Kinh Tạng
  • Kinh Phạm Thiên Trì Tâm Thưa Hỏi - Kinh Tạng
  • Kinh Tôn Giả Hộ Quốc Hỏi Về Đại Thừa - Kinh Tạng
  • Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát Vô Tương Thập Lễ - Kinh Tạng