1
2
3
4
5
6
7
8
9
10

QUYỂN 4

PHẨM 6: TỊNH ĐỊA ĐÀ-LA-NI

Bấy giờ trong hội, bồ-tát Sư Tử Tướng Vô Ngại Quang Diễm cùng với vô lượng quyến thuộc từ tòa đứng dậy, y lộ vai phải, chân phải quì gối, cung kính chắp tay, đảnh lễ chân Phật, dâng cúng hoa đẹp, hương thơm cờ phướn, lọng tàn quí báu, rồi bạch Đức Phật:

Bạch đức Thế Tôn! Có mấy nhân duyên được tâm bồ-đề? Tâm bồ-đề là gì? Đối với bồ-đề, tâm hiện tại bất khả đắc, tâm vị lai bất khả đắc, tâm quá khứ bất khả đắc; lìa bồ-đề không có tâm bồ-đề. Bồ-đề không thể diễn đạt bằng lời; tâm cũng không có tất cả sắc tướng, chẳng phải sự nghiệp[1], chẳng thể tạo tác; tất cả chúng sanh cũng bất khả đắc, cũng không thể biết. Bạch đức Thế Tôn! Làm sao biết được nghĩa lí sâu xa của tất cả pháp?

Phật dạy: Đúng thế, đúng thế! Bồ-đề nhiệm mầu, sự nghiệp hay tạo tác đều chẳng phải. Nếu lìa bồ-đề, không thể có tâm bồ-đề, bồ-đề không thể diễn đạt bằng lời, tâm cũng không thể diễn đạt bằng lời, không thuộc sắc tướng, chẳng phải sự nghiệp; tất cả chúng sanh cũng bất khả đắc. Vì sao như thế? Vì bồ-đề và tâm đồng chân như, tâm năng chứng và bồ-đề sở chứng thảy đều bình đẳng, nhưng chẳng phải không có các pháp để chúng ta nhận biết. Bậc Đại bồ-tát thấu suốt như thế, mới gọi là bậc thông hiểu các pháp, có thể luận bàn đúng về bồ-đề và tâm bồ-đề. Tâm bồ-đề này chẳng thuộc quá khứ, hiện tại-vị lai, tâm cũng như vậy, chúng sanh cũng vậy, ở nơi đây thật không có hai tướng. Vì tất cả pháp thảy đều vô sanh, không chỉ bồ-đề này bất khả đắc, danh từ bồ-đề cũng bất khả đắc, chúng sanh cũng như danh từ chúng sanh cũng bất khả đắc, thanh văn và cả danh từ thanh văn cũng bất khả đắc, Độc giác và cả danh từ độc giác cũng bất khả đắc, Bồ-tát cho đến danh từ bồ-tát cũng bất khả đắc, Phật-danh từ Phật cũng bất khả đắc, tu hành cho đến chẳng phải tu hành cũng bất khả đắc, danh từ tu hành-chẳng phải tu hành cũng bất khả đắc. Vì bất khả đắc, nên an trú trong các pháp vắng lặng. Tất cả đều nhờ công đức thiện căn mà được sanh khởi.

Này các thiện nam! Tâm bồ-đề này làm lợi ích cho tất cả chúng sanh, giống như núi báu Tu-di làm lợi ích cho tất cả, đó là nhân của thí ba-la-mật; tâm bồ-đề này giống như mặt đất giữ gìn muôn vật, là nhân của trì giới ba-la-mật; tâm bồ-đề này giống như sư tử có uy lực lớn, đi đứng một mình mà không sợ hãi, là nhân của nhẫn nhục ba-la-mật; tâm bồ-đề này giống như phong luân, như Na-la-diên, dõng mãnh-nhanh chóng, không hề lui sụt, đó là nhân của cần ba-la-mật; tâm bồ-đề như lâu đài bảy báu, chung quanh có bốn con đường bậc thềm, những luồng gió mát thổi vào bốn cửa, giúp người mát mẻ, sảng khoái an vui, kho tàng tĩnh lự cũng lại như thế, hay làm thỏa mãn mọi sự mong cầu, là nhân của tĩnh lự ba-la-mật; tâm bồ-đề như mặt trời sáng chói, chóng phá màn đêm vô minh sanh tử, là nhân của trí huệ ba-la-mật. Tâm bồ-đề có năng lực vượt thoát đường hiểm sanh tử, thâu hoạch được nhiều báu vật công đức, như các thương gia có thể thỏa mãn tất cả ước nguyện, là nhân của phương tiện ba-la-mật; tâm bồ-đề này hoàn toàn thanh tịnh đối với mọi cảnh, như trăng tròn sáng, không bị mây che, đó là nhân của nguyện ba-la-mật; tâm bồ-đề có năng lực trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật, cũng có vô lượng công đức lợi ích tất cả chúng sanh, như vị đại thần nắm giữ quân đội của Chuyển luân vương, tự do tùy ý, đó là nhân của lực ba-la-mật; tâm bồ-đề này không chướng ngại với tất cả cảnh giới, giống như hư không tự tại đối với tất cả vị trí, như Quán đảnh vương tự tại với địa vị Quán đảnh, đó là nhân của trí ba-la-mật. Đó là mười nhân về tâm bồ-đề của Đại bồ-tát, ông nên tu tập.

Này thiện nam tử!

– Do năm điều kiện mà Đại bồ-tát thành tựu hạnh bố thí ba-la-mật: một là lòng tin; hai là từ bi; ba không tham cầu; bốn là giúp đỡ, bảo vệ chúng sanh; năm là nguyện đạt được Nhất thiết trí.

– Do năm điều kiện mà Đại bồ-tát thành tựu hạnh trì giới ba-la-mật: một, ba nghiệp thân miệng ý trong sạch; hai là chẳng gây những nguyên nhân khiến chúng sanh phiền não; ba, đóng nẻo ác, mở con đường thiện; bốn là vượt giới hạn Thanh văn-Độc giác; năm là đầy đủ tất cả công đức.

– Do năm điều kiện mà Đại bồ-tát thành tựu hạnh nhẫn nhục ba-la-mật: một là diệt ba độc tham sân si; hai là không hề quí tiếc thân mạng, không có ý niệm mong cầu ngủ nghỉ an ổn; ba là suy nghĩ đến nghiệp ngày xưa, gặp khổ nhẫn chịu; bốn là từ bi cứu giúp chúng sanh thành tựu căn lành; năm là mong được Vô sanh pháp nhẫn.

– Do năm điều kiện mà Đại bồ-tát thành tựu hạnh cần sách ba-la-mật[2]: một là không thích sống với phiền não; hai là khi chưa đầy đủ phước đức, chưa hưởng an lạc; ba là không chán hạnh khổ khó tu; bốn là khởi tâm đại từ đại bi giúp đỡ bảo vệ, làm lợi ích cho tất cả chúng sanh, lại dùng phương tiện giúp họ thành thục; năm là mong cầu đạt được vị Bất thoái chuyển.

– Do năm điều kiện mà Đại bồ-tát thành tựu hạnh tĩnh lự ba-la-mật[3]: một là gom giữ tất cả pháp thiện, không để tán lạc; hai là luôn có tâm nguyện giải thoát, không mắc nhị biên[4]; ba là luôn nguyện đạt được thần thông, để giúp chúng sanh thành tựu căn lành; bốn là dứt trừ tất cả tâm cấu, trong sạch pháp giới; năm là đoạn trừ căn bản phiền não cho các chúng sanh.

– Do năm điều kiện mà Đại bồ-tát thành tựu hạnh trí huệ ba-la-mật: một là gần gũi cúng dường chư Phật, các vị bồ-tát và bậc trí sáng mà không bao giờ có tâm chán bỏ; hai là luôn luôn thích nghe giáo pháp sâu xa của Phật, không bao giờ lòng cảm thấy nhàm chán; ba là ưa thích phân biệt thấu suốt thắng trí chân đế, thắng trí tục đế; bốn là đoạn trừ phiền não kiến hoặc[5], phiền não tu hoặc[6]; năm là thông đạt năm minh[7], gồm kĩ thuật và nghệ thuật thế gian.

– Do năm điều kiện mà Đại bồ-tát thành tựu hạnh phương tiện ba-la-mật: một là biết rõ tất cả ý thích, phiền não cùng với tâm hành[8] sai biệt của các chúng sanh; hai là thấu suốt các môn đối trị; ba là tự tại xuất nhập định đại từ bi; bốn là phát nguyện tu tập thành tựu các ba-la-mật; năm là nguyện hiểu tất cả Phật pháp.

– Do năm điều kiện mà Đại bồ-tát thành tựu hạnh nguyện ba-la-mật: một là quán biết các pháp xưa nay chẳng sanh chẳng diệt, chẳng có chẳng không mà tâm an trụ; hai là quán lí sâu xa nhiệm mầu của tất cả các pháp là trong sạch, xa lìa cấu bẩn mà tâm an trụ; ba là quán biết vượt qua ý niệm là đạt chân như, không thuộc tạo tác, không sanh không diệt, chẳng khác-chẳng động mà tâm an trụ; bốn là vì muốn lợi ích chúng sanh mà tâm an trụ nơi pháp tục đế; năm là tâm được an trụ khi xa-ma-tha[9] và tì-bát-xá-na[10] đồng thời vận hành.

– Do năm điều kiện mà Đại bồ-tát thành tựu lực ba-la-mật: một là dùng sức chánh trí thấu suốt tâm hành thiện ác của các chúng sanh; hai là giúp cho chúng sanh chứng pháp sâu xa vi diệu; ba là thấy biết đúng các chúng sanh tùy theo duyên nghiệp mà luân hồi sanh tử; bốn là dùng sức chánh trí phân biệt rõ ràng ba hạng căn tánh chúng sanh; năm là dùng sức trí huệ như lí giảng thuyết, khiến cho chúng sanh trồng sâu cội lành, rồi thành thục mà đạt đến giải thoát.

– Do năm điều kiện mà Đại bồ-tát thành tựu trí ba-la-mật: một là phân biệt các pháp thiện ác; hai là xa lìa pháp ác, thâu nhận pháp lành; ba là không chán sanh tử cũng không ưa thích niết-bàn; bốn là đầy đủ phước trí, đạt đến rốt ráo; năm là được vị Quán đảnh[11] tối thắng, đầy đủ tất cả các pháp bất cộng của chư Phật và trí Nhất thiết trí.

Này thiện nam tử! Ba-la-mật gồm có các nghĩa: Tu tập đạt được lợi ích tối thượng; trọn vẹn vô lượng trí huệ sâu rộng; tâm không chấp trước pháp tu hành hay pháp không tu hành; nhận biết chính xác và quán xét đúng lỗi của sanh tử và công đức của niết-bàn; giúp đỡ bảo vệ tất cả kẻ ngu cũng như người trí; hiện rõ pháp bảo; trí tuệ vô ngại giải thoát viên mãn; phân biệt chính xác, biết rõ chúng sanh giới[12] và pháp giới; không lui sụt hạnh bố thí cho đến trí ba-la-mật; làm cho trọn vẹn Vô sanh pháp nhẫn; giúp cho căn lành của các chúng sanh đều được thành thục; thành tựu tất cả các pháp mười lực, bốn vô sở úy, các pháp bất cộng của Phật bồ-đề; sinh tử niết-bàn không phải hai tướng; cứu độ chúng sanh; khéo léo giải thích những lời gạn hỏi của các ngoại đạo khiến họ qui phục; có năng lực chuyển, đủ mười hai hành pháp luân tứ đế[13]; tâm không nhiễm trước, tâm không ngăn ngại, tâm không khổ lụy.

Này thiện nam tử! Bồ-tát Sơ địa thấy biết rõ ràng vô lượng vô biên kho tàng bảo vật trong cõi tam thiên đại thiên hiện ra; bồ-tát Nhị địa thấy biết rõ ràng mặt đất nơi cõi tam thiên đại thiên bằng phẳng như lòng bàn tay, vô lượng vô biên trân bảo thanh tịnh màu sắc rực rỡ, các vật trang trí hiện ra đầy đủ; bồ-tát Tam địa thấy biết rõ ràng tự thân dũng mãnh, thân mang giáp trụ, vũ khí uy nghiêm, có thể phá dẹp tất cả oán địch; bồ-tát Tứ địa thấy biết rõ ràng gió từ bốn phương thổi hoa đẹp đến, trải khắp mặt đất; bồ-tát Ngũ địa thấy biết rõ ràng người nữ xinh đẹp tự nhiên hiện ra, thân được trang sức nhiều xâu chuỗi báu, đầu đội mũ hoa; bồ-tát Lục địa thấy rõ các cảnh ao bảy báu hiện, quanh ao có bốn con đường bậc thềm, đáy ao toàn bằng cát vàng, chứa đầy loại nước đủ tám đặc tánh[14], trong sạch không cặn, hoa ưu-bát-la[15], hoa câu-vật-đầu[16], hoa phân-đà-lợi[17] nở khắp mặt ao, được bơi trong ao thì thật vui thú, mát mẻ vô cùng; bồ-tát Thất địa thấy trước mặt mình có các chúng sanh, đáng lẽ rơi vào địa ngục chịu khổ, nhưng nhờ uy lực của các bồ-tát mà được thoát khỏi, không bị tổn thương cũng không sợ hãi; bồ-tát Bát địa thấy hai bên mình có sư tử chúa luôn theo bảo vệ, khiến các loài thú khác đều sợ hãi; bồ-tát Cửu địa thấy mình được làm Chuyển luân thánh vương, vô lượng quyến thuộc vây quanh cúng dường, trên đảnh đầu có lọng trắng được kết vô lượng bảo vật trang nghiêm che mát; bồ-tát Thập địa thấy thân Như Lai sắc vàng rực rỡ, phát ra vô lượng tia sáng trong sạch, vô cùng hoàn hảo, lại có vô lượng ức Phạm vương vây quanh cung kính cúng dường, đang chuyển pháp luân nhiệm mầu siêu tuyệt.

Đức Phật lại dạy: Sao gọi Sơ địa là Hoan hỉ địa? Bởi vì hôm nay mới vừa chứng được tâm xuất thế gian mà từ xưa nay chưa từng chứng được, tùy nguyện thành tựu tất cả đại dụng, vô cùng vui mừng, nên gọi Sơ địa là Hoan hỉ địa. Vì những cấu nhiễm vô cùng vi tế, những lỗi phạm giới đều đã thanh tịnh, nên gọi Nhị địa là Vô cấu địa. Vô lượng trí tuệ, tam-muội, ánh sáng đều không lay động, không thể phá hoại, văn trì đà-la-ni làm căn bản, cho nên Tam địa gọi là Minh địa. Vì lửa trí huệ đốt cháy phiền não, tăng trưởng ánh sáng, tu bồ-đề phần, cho nên Tứ địa gọi là Diễm địa. Tu hành rất khó đạt được Thắng trí phương tiện tự tại, nhưng chế phục được hai loại phiền não rất khó điều phục: kiến hoặc-tu hoặc, nên gọi Ngũ địa là Nan thắng địa. Hành pháp[18] liên tục hiển hiện rõ ràng, vô tướng tư duy cũng được hiện tiền, nên gọi Lục địa là Hiện tiền địa. Vô tướng tư duy đã được liên tục và đạt vô lậu, đồng thời tu hành cũng vào sâu trong giải thoát tam-muội, hơn nữa địa này hoàn toàn thanh tịnh, không còn chướng ngại, nên gọi Thất địa là Viễn hành địa. Vô tướng tư duy đã được tự tại, các hành phiền não không thể khuynh động, nên gọi Bát địa là Bất động địa. Tự tại giảng thuyết về những sai biệt của tất cả pháp, không còn lo sợ, không có lỗi lầm, trí huệ tăng trưởng, linh hoạt không ngại, nên gọi Cửu địa là Thiện huệ địa. Pháp thân như hư không, trí huệ như đám mây lớn, cả hai đều có năng lực che phủ, nên gọi Thập địa là Pháp vân địa.

Này thiện nam tử! Hai loại vô minh: vô minh chấp trước ngã pháp hữu tướng, vô minh sợ hãi đường ác sanh tử chướng ngại Sơ địa; vô minh trái phạm các giới nhỏ nhiệm, vô minh phát khởi các loại hành nghiệp chướng ngại Nhị địa; vô minh đắm trước vào điều chưa được đã mà nay được, vô minh ngăn che tổng trì thù thắng chướng ngại Tam địa; vô minh vui thích đắm trước Đẳng chí, vô minh thích pháp thanh tịnh nhiệm mầu chướng ngại Tứ địa; vô minh muốn lìa sanh tử, vô minh mong cầu đạt được niết-bàn chướng ngại Ngũ địa; vô minh quán các hành tướng lưu chuyển và vô minh về tướng thô hiện tiền chướng ngại Lục địa; vô minh về tướng vi tế hiện hành, vô minh khởi tâm ưa thích vô tướng chướng ngại Thất địa; vô minh về dụng công quán vô tướng và vô minh chấp trước tướng tự tại chướng ngại Bát địa; vô minh chưa đạt đến chỗ thiện xảo về nghĩa và danh cú văn[19] nói ra, vô minh chưa được tự tại đối với ngôn từ luận biện chướng ngại Cửu địa; vô minh chưa được tự tại biến hiện các món thần thông, vô minh chưa thể thấu triệt những chỗ sâu kín nhỏ nhiệm chướng ngại Thập địa; vô minh về sở tri vi tế chướng ngại tất cả cảnh, vô minh chủng tử phiền não vi tế chướng ngại Phật địa.

Các Đại bồ-tát: Sơ địa tu tập thí ba-la-mật, Nhị địa tu tập giới ba-la-mật, Tam địa tu tập nhẫn ba-la-mật, Tứ địa tu tập cần ba-la-mật, Ngũ địa tu tập định ba-la-mật; Lục địa tu tập huệ ba-la-mật, Thất địa tu phương tiện ba-la-mật, Bát địa tu tập nguyện ba-la-mật, Cửu địa tu tập lực ba-la-mật, Thập địa tu tập trí ba-la-mật.

Bồ-tát Sơ địa phát tâm tu hành môn tam-ma-địa sanh ra bảo vật; bồ-tát Nhị địa phát tâm tu hành môn tam-ma-địa sanh ra các việc rất đáng ưa thích; bồ-tát Tam địa phát tâm tu hành môn tam-ma-địa sanh ra các việc rất khó lay động; bồ-tát Tứ địa phát tâm tu hành môn tam-ma-địa sanh ra các việc không thể lui sụt; bồ-tát Ngũ địa phát tâm tu hành môn tam-ma-địa sanh ra hoa báu; bồ-tát Lục địa phát tâm tu hành môn tam-ma-địa sanh ra ánh sáng mặt trời rực rỡ, bồ-tát Thất địa phát tâm tu hành môn tam-ma-địa sanh tất cả nguyện như ý thành tựu; bồ-tát Bát địa phát tâm tu hành môn tam-ma-địa hiện tiền chứng ngộ; bồ-tát Cửu địa phát tâm tu hành môn tam-ma-địa sanh ra kho tàng trí huệ; bồ-tát Thập địa phát tâm tu hành môn tam-ma-địa sanh ra năng lực dõng mãnh tinh tấn. Đó là mười loại phát tâm tu hành của Đại bồ-tát.

Này thiện nam tử! Bồ-tát Sơ địa có bài thần chú Y công đức lực: ta đa tha, pu ru ni, man tra tê, tu hu, tu hu, tu hu, da va, su ru ya, a va ba sa ti, da va, can đa ra, chu ku ti, ta va ta, ra cơ sa, man chan đa, pa ri ha ram, ku ru, sa ha[20]. Thần chú này do hằng hà sa số các Đức Phật nói ra để bảo vệ các bồ-tát Sơ địa, nếu ai tụng trì, sẽ không sợ hãi các nạn thú dữ cọp sói sư tử, các loài ác quỉ, nhân và phi nhân, oán địch-tai họa, các khổ não khác, thoát khỏi năm chướng[21], luôn nghĩ nhớ đến bồ-tát Sơ địa.

Này thiện nam tử! Bồ-tát Nhị địa có bài thần chú Thiện an lạc trụ: Ta đa tha, ôn ta li, si ri, si ri, ôn ta li, tan nam, jan tu, jan tu, ôn ta li, hu ru, hu ru, sa ha. Thần chú này do hơn hai hằng sa Đức Phật nói ra để bảo vệ đại bồ-tát Nhị địa. Nếu ai tụng đọc bài thần chú này, thì không sợ hãi các nạn thú dữ cọp sói sư tử, ác quỉ ác thần, nhân và phi nhân, oán địch tai họa, các khổ não khác, thoát khỏi năm chướng, luôn nghĩ nhớ đến bồ-tát Nhị địa.

Bồ-tát Tam địa có bài thần chú là Nan thắng lực: Ta đa tha, tan ta ki, pao ta ki, ka ra ti, kao ra ti, kê yu ri, tan ti li, sa ha. Thần chú này do hơn ba hằng sa Đức Phật nói ra để bảo vệ đại bồ-tát Tam địa. Nếu ai tụng đọc bài thần chú này, thì không sợ hãi các nạn thú dữ cọp sói sư tử, ác quỉ ác thần, nhân và phi nhân, oán địch tai họa, các khổ não khác, thoát khỏi năm chướng, luôn nghĩ nhớ đến bồ-tát Tam địa.

Bồ-tát Tứ địa có bài thần chú là Đại lợi ích: Ta đa tha, si ri, si ri, đa mi ni, đa mi ni, đa ri i, si đa ri ni ri, si ri ni, vi ca ra, pa chi, pa chi na, pan đa mi tê, sa ha. Thần chú này do hơn bốn hằng sa Đức Phật nói ra để bảo vệ đại bồ-tát Tứ địa. Nếu ai tụng đọc bài thần chú này, thì không sợ hãi các nạn thú dữ cọp sói sư tử, ác quỉ ác thần, nhân và phi nhân, oán địch tai họa, các khổ não khác, thoát khỏi năm chướng, luôn nghĩ nhớ đến bồ-tát Tứ địa.

Bồ-tát Ngũ địa có bài thần chú Công đức trang nghiêm: Ta đa tha, ha ri, ha ri ni, ca ri, ca ri ni, ka ra ma ni, sam ca ra ma ni, sam bơ, su ni, cam ba ni, sa tao va ni, mô ha ni, si ja bu hê, sa ha. Thần chú này do hơn năm hằng sa Đức Phật nói ra để bảo vệ đại bồ-tát Ngũ địa. Nếu ai tụng đọc bài thần chú này, thì không sợ hãi các nạn thú dữ cọp sói sư tử, ác quỉ ác thần, nhân và phi nhân, oán địch tai họa, các khổ não khác, thoát khỏi năm chướng, luôn nghĩ nhớ đến bồ-tát Ngũ địa.

Bồ-tát Lục địa có bài thần chú là Viên mãn trí: Ta đa tha, vi tô ri, vi tô rim, a ri ni, ma ri ni, ki ri, ki ri, vit tô han ti, ru ru, ru ru, cu ru, cu ru, đơ ru va, đô ru va, đô ru va, sa sa, sách cha, va ri sa, sa vát ti, sát va sát tơ va nam, si đờ hi yan tu, ma ya, man tra, pan đa ni, sa ha. Thần chú này do hơn sáu hằng sa Đức Phật nói ra để bảo vệ đại bồ-tát địa thứ sáu. Nếu ai tụng đọc bài thần chú này, thì không sợ hãi các nạn thú dữ cọp sói sư tử, ác quỉ ác thần, nhân và phi nhân, oán địch tai họa, các khổ não khác, thoát khỏi năm chướng, luôn nghĩ nhớ đến bồ-tát Lục địa.

Bồ-tát Thất địa có bài thần chú tên Pháp thắng hành: Ta đa tha, ja ha, ja ha ru, ja ha, ja ha ru, vi dô kê, vi dô kê, am rơ ta, kha ni, vơ rơ sa ni, vai ru, ca ni, vai ru ci kê, va ru vát ti, vi đơ hi bi kê, bơ han đin, va ri ni, am rơ ti kê, ba bu ja ja, ba bu ja ja, sa ha. Thần chú này do hơn bảy hằng sa Đức Phật nói ra để bảo vệ đại bồ-tát Thất địa. Nếu ai tụng đọc bài thần chú này, thì không sợ hãi các nạn thú dữ cọp sói sư tử, ác quỉ ác thần, nhân và phi nhân, oán địch tai họa, các khổ não khác, thoát khỏi năm chướng, luôn nghĩ nhớ đến bồ-tát Thất địa.

Bồ-tát Bát địa có bài thần chú tên Vô tận tạng: Ta đa tha, si si, si ri ni, mi tê, mi tê, ka ri, ka ri, hê ru, hê ru, hê ru, cu ru, cu ru, van đa ni, sa ha. Thần chú này do hơn tám hằng sa Đức Phật nói ra để bảo vệ đại bồ-tát Bát địa. Nếu ai tụng đọc bài thần chú này, thì không sợ hãi các nạn thú dữ cọp sói sư tử, ác quỉ ác thần, nhân và phi nhân, oán địch tai họa, các khổ não khác, thoát khỏi năm chướng, luôn nghĩ nhớ đến bồ-tát Bát địa.

Bồ-tát Cửu địa có bài thần chú là Vô lượng môn: Ta đa tha, ha ri, can đa ri kê, ku lam bờ ha tê, tô ri si, ba ta, ba ta si, si ri, si ri, ka si ri, ka pi si ri, sơ vát ti, sa rơ va, sát tơ va nam, sa ha. Thần chú này do hơn chín hằng sa Đức Phật nói ra, để bảo vệ đại bồ-tát Cửu địa. Nếu ai tụng đọc bài thần chú này, thì không sợ hãi các nạn thú dữ cọp sói sư tử, ác quỉ ác thần, nhân và phi nhân, oán địch tai họa, các khổ não khác, thoát khỏi năm chướng, luôn nghĩ nhớ đến bồ-tát Cửu địa.

Bồ-tát Thập địa có bài thần chú Phá Kim Cang sơn: Ta đa tha, si đờ hi, su si đờ hê, mô ca ni, mô kờ sa ni, vi mu kờ ti, a ma lê, vi ma lê, nia ma lê, mo ga lê, hi ran ya ga rờ bờ hê, rát na ga rờ bờ hê, sa man ta bờ ha đờ rê, sa rờ van tê, sa than ni, man na si, am bu ti, an ti bu ti, a ca rê, vi ra rê, an nờ ti, am rờ ta, a ra sê, vi ra sê, bờ ra hờ mê, bờ ra hờ ma nê, pu rờ ni, pu ra na, nao tra tê, sa ha. Thần chú này do hơn mười hằng sa Đức Phật nói ra để bảo vệ đại bồ-tát Thập địa. Nếu ai tụng đọc bài thần chú này, thì không sợ hãi các nạn thú dữ cọp sói sư tử, ác quỉ ác thần, nhân và phi nhân, oán địch tai họa, các khổ não khác, thoát khỏi năm chướng, luôn nghĩ nhớ đến bồ-tát Thập địa.

Bồ-tát Sư Tử Tướng Vô Ngại Quang Diễm nghe Đức Phật nói các bài thần chú vô cùng vi diệu chẳng nghĩ bàn này, thì liền đứng dậy, y lộ vai phải, gối phải chấm đất, chắp tay cung kính, đảnh lễ chân Phật, dùng kệ ca ngợi:

Đảnh lễ đấng vô thượng

Pháp vô tướng sâu xa

Chúng sanh mất chánh kiến

Chỉ Phật mới độ được.

Như Lai mắt huệ sáng

Chẳng thấy tướng một pháp

Lại dùng mắt chánh pháp

Chiếu khắp chẳng nghĩ bàn.

Chẳng sanh khởi một pháp

Cũng chẳng diệt một pháp

Do thấy biết bình đẳng

Mà đến nơi vô thượng.

Chẳng chán nhàm sanh tử

Cũng chẳng trụ niết-bàn

Chẳng chấp cả hai bên

Cho nên chứng Viên tịch.

Thanh tịnh cùng bất tịnh

Thế Tôn xem một vị

Do chẳng khởi phân biệt

Nên được tối thanh tịnh.

Thân Thế Tôn vô biên

Không hề thuyết một chữ

Mà tất cả đệ tử

Thấm ướt mưa chánh pháp.

Phật quán tướng chúng sanh

Không có các chủng loại

Nhưng Ngài thường cứu độ

Những kẻ bị khổ đau.

Khổ-vui, thường-vô thường

Hữu ngã và vô ngã

Chẳng một cũng chẳng khác

Chẳng sanh cũng chẳng diệt.

Ý nghĩa nhiều như thế

Tùy thuận nói sai biệt

Như tiếng vọng hang sâu

Chỉ Phật mới biết được.

Pháp giới vô phân biệt

Nên không có thừa khác

Vì độ các chúng sanh

Phân biệt nói ba thừa.

Bấy giờ Phạm thiên vương Đại Tự Tại trong chúng đứng dậy, đắp y đúng pháp, gối phải chấm đất, chắp tay cung kính, đảnh lễ chân Phật rồi bạch Ngài rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Kinh Kim quang minh vô cùng hiếm có, đoạn đầu đoạn giữa và đoạn sau cùng đều rất tuyệt diệu, văn nghĩa rốt ráo, có đủ năng lực giúp cho thành tựu tất cả Phật pháp. Nếu ai thọ trì, thì người ấy đã báo được ân Phật”.

Đức Phật dạy rằng: “Đúng như ông nói! Nếu người nào nghe được bộ kinh này, sẽ không lui sụt Vô thượng bồ-đề. Vì người ấy sẽ thành thục căn lành thù thắng của bồ-tát Bất thoái chuyển. Kinh này chính là đệ nhất pháp ấn, là vua các kinh; chưa trồng hoặc chưa thành thục căn lành, chưa gần chư Phật thì không thể nghe kinh nhiệm mầu này. Nếu những người nam hoặc người nữ nào lắng nghe ghi nhớ, thì tội chướng diệt, thân tâm thanh tịnh, luôn được gặp Phật, luôn gần gũi Phật, các thiện tri thức, bậc có thắng hạnh, luôn nghe diệu pháp, trụ giai vị Bất thoái chuyển, đồng thời đạt được các đà-la-ni thù thắng vô tận vô giảm: Đà-la-ni Hải ấn xuất diệu công đức, đà-la-ni Thông đạt chúng sanh ý hành ngôn ngữ, đà-la-ni Nhật viên vô cấu tướng quang, đà-la-ni Mãn nguyệt tướng quang, đà-la-ni Năng phục chư hoặc diễn công đức lưu, đà-la-ni Phá kim cang sơn, đà-la-ni Thuyết bất khả thuyết nghĩa nhân duyên tạng, đà-la-ni Thông đạt thật ngữ pháp tắc âm thanh, đà-la-ni Hư không vô cấu tâm hành ấn, đà-la-ni Vô biên Phật thân giai năng hiển hiện. Các đà-la-ni thù thắng vô tận vô giảm như thế đều đã thành tựu. Các bồ-tát này có đủ năng lực hóa hiện thân Phật ở các cõi Phật trong khắp mười phương, giảng cho chúng sanh chánh pháp vô thượng. Đối với chân như của tất cả pháp, tâm các bồ-tát không động không trụ, không đến không đi, ngay nơi sanh diệt chứng vô sanh diệt. Nói các hành pháp không đến không đi, là vì thể các pháp không sai biệt.

Khi Đức Phật giảng thuyết giáo pháp này, có ba vạn ức Đại bồ-tát chứng Vô sanh pháp nhẫn, vô lượng bồ-tát không lui sụt tâm bồ-đề, vô lượng tì-kheo và tì-kheo-ni đắc Pháp nhãn tịnh[22], vô lượng chúng sanh phát tâm bồ-đề. Thế Tôn thuyết kệ :

Diệu pháp hay ngược dòng tử sanh

Mầu nhiệm, sâu xa, gặp thật nan

Hữu tình ngu si, tham dục lấp

Nên không thấy được, khổ muôn ngàn

Thế là toàn thể đại chúng đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, rồi bạch Ngài rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Bất cứ nơi nào có người giảng nói đọc tụng kinh Kim quang minh, tất cả chúng con sẽ đến đó làm thính chúng cúng dường pháp sư, đồng thời giúp cho lợi ích an vui, không bị chướng ngại, thân tâm thư thái. Chúng con cũng giúp thính chúng luôn được an ổn khoái lạc. Cõi nước ấy sẽ không có oán thù, giặc giã sợ hãi, tai nạn đói khát; nhân dân đông đúc, đời sống sung túc. Nơi thuyết kinh này chính là đạo tràng, tất cả chúng sanh: chư thiên loài người, các loài phi nhân… không được giẫm đạp, cho đến làm bẩn tại những nơi ấy. Vì nơi thuyết pháp chính là bảo tháp, phải dùng hương hoa, phan lọng quí đẹp trang trí cúng dường; chúng con cũng luôn bảo vệ nơi ấy, không để hư hoại”.

Đức Phật lại dạy: “Các ông siêng năng tu tập kinh này, thì chánh pháp trụ mãi ở thế gian”.

Chú thích:

[1] Sự nghiệp: tức các hành nghiệp tạo tác.

[2] Cần sách ba-la-mật: tức tinh tiến ba-la-mật.

[3] Tĩnh lự ba-la-mật: tức thiền định ba-la-mật.

[4] Nhị biên: hai bên có-không, đoạn-thường, nhất-dị, sanh-diệt.

[5] Phiền não kiến hoặc: những phiền não do mê chấp lí tứ đế, được đoạn diệt khi đạt đến giai vị Kiến đạo.

[6] Phiền não tu hoặc: những phiền não do mê chấp các hiện tượng-sự vật, được đoạn diệt khi đạt đến giai vị Tu đạo.

[7] Năm minh: năm môn học ở Ấn Độ thời cổ. Đó là:

1. Thanh minh: môn học về ngôn ngữ văn chương.

2. Công xảo minh: môn học về lịch toán, kĩ thuật, công nghệ.

3. Y phương minh: môn học về y dược chú pháp.

4. Nhãn minh: môn học về luận lí.

5. Nội minh: môn học về tông chỉ của tôn phái mình.

[8] Tâm hành: những hoạt động hay trạng thái biến hóa của tâm, như vui, buồn, yêu, ghét…

[9] Xa-ma-tha: Trung Quốc dịch là CHỈ, một trong bảy pháp thiền định, tức nhiếp tâm trụ nơi duyên, đình chỉ những hoạt động của tâm.

[10] Tì-bát-xa-na: Trung Quốc dịch là QUÁN, tức tư duy, quán xét một yếu lí hoặc một sự vật đặc định nào đó để phát sanh chánh trí.

[11] Vị Quán đảnh: quán đảnh vốn là nghi thức thời xưa của Ấn Độ, đó là dùng nước bốn biển rưới lên đầu vị hoàng tử lúc vừa lên ngôi báu, biểu thị ý chúc phúc của thiên hạ; sau nghi thức này, vị ấy mới chính thức trở thành hoàng đế. Ở đây nói giai vị bồ-tát Đẳng giác được các Đức Phật mười phương quán đảnh mà thành Phật. Mật giáo luôn áp dụng nghi thức này cho người sắp thọ học Mật pháp, hoặc tấn thăng giai vị.

[12] Chúng sanh giới: thế giới mà chúng sanh đang cư trú; hoặc chỉ chung cho chín cõi trong mười cõi, trừ cõi Phật.

[13] Mười hai hành pháp luân tứ đế: ba lần chuyển pháp luân tứ đế (khổ, tập, diệt, đạo). Tức là thị chuyển bốn đế, khuyến chuyển bốn đế, chứng chuyển bốn đế.

[14] Nước đủ tám đặc tánh: trong sạch, mát mẻ, ngon ngọt, mềm nhẹ, thấm nhuần, an hòa, trừ đói khát, nuôi lớn các căn.

[15] Hoa ưu-bát-la: hoa sen xanh.

[16] Hoa câu-vật-đầu: hoa sen trắng, cọng nhỏ tròn, ăn được.

[17] Hoa phân-đà-lợi: cũng một loại hoa sen trắng.

[18] Hành pháp: phương pháp tu hành. Ở đây nói quán tưởng đạo lí mười hai nhân duyên liên tục, không gián đoạn.

[19] Nghĩa-danh-cú-văn:

– Nghĩa: Ý nghĩa, đạo lí. Trong các kinh điển Phật giáo, tùy theo ý nghĩa được hiển bày hoặc tùy theo văn cảnh mà chữ nghĩa được dùng khác nhau, như Liễu nghĩa, Bất liễu nghĩa, Đệ nhất nghĩa, Thắng nghĩa…

– Danh: thông thường chỉ cho tên gọi, nhưng theo Phật học thì tùy theo âm thanh gọi vật thể mà người nghe danh tưởng đến tướng của vật thể. Thế nên, danh là một trong hai mươi bốn món tâm Bất tương ưng hành pháp; một trong bảy mươi lăm pháp của tông Câu-xá; một trong một trăm pháp của tông Duy thức.

– Cú: chương cú để dùng giải thích nghĩa lí của sự vật, một trong bảy mươi lăm pháp của tông Câu-xá; một trong một trăm pháp của tông Duy thức.

– Văn: nghe. Nghe và tin hiểu giáo pháp gọi là Văn pháp. Đệ tử Phật thường nghe thanh giáo gọi là Thanh văn.

[20] Từ đây đến hết kinh, người dịch căn cứ theo chính văn tiếng Phạn của các bài thần chú mà trực tiếp phiên âm thành tiếng Việt, chứ không qua âm Hán. Nguyên âm Phạn của bài thần chú này: Tadyathā pūrṇi mantrate tuhu tuhu tuhu yava-sūrya avabhāsati yava-candra cukuti tavata raksa maṃ caṇḍa pariharaṃ kuru svāhā.

[21] Năm chướng: năm chướng ngại trong việc tu tập. Đó là:

1. Phiền não chướng: chướng ngại do các phiền não căn bản.

2. Nghiệp chướng: chướng ngại do nghiệp ác ở quá khứ, hiện tại.

3. Sinh chướng: chướng ngại do nghiệp kiếp trước mà sinh vào hoàn cảnh xấu.

4. Pháp chướng: do đời trước không gặp thiện tri thức, nên chướng ngại không được nghe chánh pháp.

5. Sở tri chướng: dù nghe chính pháp nhưng bị các thứ nhân duyên ràng buộc, nên không thể tu hành Bát-nhã Ba-la-mật.

[22] Pháp nhãn tịnh: mắt pháp, tức mắt có năng lực quán sát chân lí các pháp mà không bị chướng ngại và nghi hoặc.

    Xem thêm:

  • Hợp Bộ Kinh Kim Quang Minh - Kinh Tạng
  • Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương - Kinh Tạng
  • Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương - Kinh Tạng
  • Kinh Nhất Thiết Chư Như Lai Tâm Quang Minh Gia Trì Bồ Tát Phổ Hiền Đà La Ni Diên Mạng Kim Cang Tối Thắng - Kinh Tạng
  • Kinh Nhân Duyên Đồng Tử Quang Minh - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Quảng Tổng Trì Bảo Quang Minh - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Oai Đức Kim Luân Phật Đảnh Xí Thạnh Quang Như Lai Tiêu Trừ Nhất Thiết Tai Nạn Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Biến Chiếu Quang Minh Tạng Vô Tự Pháp Môn - Kinh Tạng
  • Kinh Phổ Biến Quang Minh Thanh Tịnh Sí Thạnh Như Ý Bảo Ấn Tâm Vô Năng Thắng Đại Minh Vương Đại Tùy Cầu Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Kinh Nhân Duyên Tiên Nhân Nhất Thiết Trí Quang Minh Từ Tâm Không Ăn Thịt - Kinh Tạng
  • Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức – Đoàn Trung Còn & Nguyễn Minh Tiến dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Đà La Ni Thánh Vô Lượng Thọ Quyết Định Quang Minh Vương Như Lai - Kinh Tạng
  • Ý Nghĩa Phát Xuất Từ Kim Cang Đỉnh Du Già Ba Mươi Bảy Tôn Vị - Kinh Tạng
  • Phẩm Đại Oai Đức Tối Thắng Kim Luân Tam Muội Chú Kinh Đà La Ni Đại Phật Đỉnh Như Lai Phóng Quang Tất Đát Đa Bát Đát La Đại Thần Lực Đô Nhiếp Nhứt Thiết Chú Vương - Kinh Tạng
  • Kinh Kim Cang Khủng Bố Tập Hội Phương Quảng Quỹ Nghi Quán Tự Tại Bồ Tát Tam Thế Tối Thắng Tâm Minh Vương - Kinh Tạng
  • Kinh Thái Tử Đức Quang - Kinh Tạng
  • Kinh Nghi Quỹ Đại Minh Thành Tựu Trì Minh Tạng Du Già Đại Giáo Tôn Na Bồ Tát - Kinh Tạng
  • Kinh Bồ Tát Nguyệt Quang - Kinh Tạng
  • Kinh Kim Cang Quyết Nghi - Kinh Tạng
  • Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Thích Trí Quang dịch - Kinh Tạng