1
2
3
4
5
6
7
8
9
10

QUYỂN 8

PHẦM 15: THIÊN NŨ ĐẠI BIỆN TÀI ( 2 )

Bà-la-môn Kiều-trần-như nói kệ tán thán và pháp chú tán khen ngợi thiên nữ Đại Biện Tài xong, liền thưa với đại chúng rằng: “Các vị hiền giả! Nếu muốn thỉnh cầu thiên nữ Biện Tài xót thương gia hộ, để đời hiện tại tùy ý thành tựu vô ngại biện tài, trí lớn thông minh, ngôn từ khéo léo, hiểu rộng tài cao, luận nghị trác tuyệt không bị ngăn ngại, thì nên thiết tha chí thành kính lễ: kính lễ Phật-đà[1], kính lễ Đạt-ma[2], kính lễ Tăng-già[3], kính lễ các vị Bồ-tát Độc giác, cùng hàng Thanh văn và các hiền thánh”.

Các đức Như Lai quá khứ hiện tại trong khắp mười phương, đều đã làu thông các lời chân thật, lại có năng lực tùy thuận tuyên thuyết các lời chân thật khế hợp căn cơ, lời không hư vọng. Các Ngài đã nói những lời chân thật từ vô lượng kiếp. Nếu có ai nói những lời chân thật, các ngài tùy hỉ. Vì không bao giờ nói lời hư dối, cho nên khi hiện tướng lưỡi rộng dài thì phủ cả mặt, phủ cõi Diêm-phù và bốn thiên hạ; lại che phủ khắp một ngàn hai ngàn, ba ngàn cho đến khắp các thế giới mười phương, không thể nghĩ bàn. Các Ngài lại có năng lực diệt trừ tất cả phiền não nóng bức. Kính lễ tướng lưỡi như thế của các Đức Phật Thế Tôn; xin cho chúng con thành tựu biện tài vô cùng mầu nhiệm. Con xin chí thành đảnh lễ:

Kính lễ năng lực diệu biện tài của các Đức Phật.

Kính lễ năng lực diệu biện tài của Đại bồ-tát

Kính lễ năng lực diệu biện tài của Độc giác

Kính lễ năng lực diệu biện tài của bốn hướng[4], bốn quả

Kính lễ năng lực diệu biện tài của bậc thuyết bốn thánh đế

Kính lễ năng lực diệu biện tài của bậc chánh hạnh chánh kiến

Kính lễ năng lực diệu biện tài của Phạm chúng và chư thiên

Kính lễ năng lực diệu biện tài của Đại thiên Ô-ma

Kính lễ năng lực diệu biện tài của trời Tắc-kiến-đà

Kính lễ năng lực diệu biện tài của vua Ma-na-tư

Kính lễ năng lực diệu biện tài của Thông Minh Dạ thiên

Kính lễ năng lực diệu biện tài của bốn vị Đại thiên vương

Kính lễ năng lực diệu biện tài của thiên tử Thiện Trụ

Kính lễ năng lực diệu biện tài của Kim Cang Mật Chủ

Kính lễ năng lực diệu biện tài của trời Phệ-suất-nộ

Kính lễ năng lực diệu biện tài của thiên nữ Tì-ma

Kính lễ năng lực diệu biện tài của thiên thần Thị Số

Kính lễ năng lực diệu biện tài của thiên nữ Thất-lợi

Kính lễ năng lực diệu biện tài của Thất-lợi-mạt-đa

Kính lễ năng lực diệu biện tài của ngôn từ hê-lị

Kính lễ năng lực diệu biện tài của mẹ lớn trong các mẹ

Kính lễ năng lực diệu biện tài của Ha-lị-để mẫu

Kính lễ năng lực diệu biện tài của các thần Dạ-xoa

Kính lễ năng lực diệu biện tài của các vua trong mười phương

Nguyện các nghiệp thiện giúp đỡ con

Khiến được vô ngại diệu biện tài

Con xin kính lễ bậc không hư dối

Con xin kính lễ bậc đã giải thoát

Con xin kính lễ bậc đã lìa dục

Con xin kính lễ bậc đã đoạn ngăn che, trói buộc

Con xin kính lễ bậc tâm thanh tịnh

Con xin kính lễ bậc có ánh sáng

Con xin kính lễ bậc nói lời chân thật

Con xin kính lễ bậc không còn tập khí phiền não

Con xin kính lễ bậc thâm nhập thắng nghĩa

Con xin kính lễ bậc Đại chúng sanh.

Kính lễ Biện Tài thiên

Giúp ngôn từ vô ngại

Cầu xin chóng thành tựu

Tất cả những ước nguyện.

Không bệnh, luôn an ổn

Thọ mạng được dài lâu

Hiểu rõ các thần chú

Siêng tu đạo bồ-đề

Lợi ích khắp chúng sanh

Cầu tâm nguyện sớm thành.

Tôi nói lời chân thật

Lời tôi không hư dối

Thiên nữ Đại Biện Tài

Giúp tôi được thành tựu.

Kính xin thiên nữ đến

Khiến tôi nói trôi chảy

Đưa vào thân miệng tôi

Thông minh, đủ biện tài.

Xin giúp lưỡi của tôi

Được biện tài như Phật

Do uy lực lời Ngài

Điều phục được chúng sanh.

Khi tôi nói lời gì

Tất cả việc đều thành

Người nghe đều kính tin

Việc làm không uổng phí.

Nếu tôi cầu biện tài

Mà không được thành tựu

Lời thật của thiên nữ

Đều trở thành hư vọng.

Kẻ tạo tội Vô gián

Phật dạy, liền điều phục

Cho đến lời báo ân

Của các A-la-hán

Đệ tử lớn của Phật

Xá-lợi-phất, Mục-liên

Lời chân thật như thế

Xin giúp tôi thành tựu.

Nay con xin kính thỉnh

Các vị đại thanh văn

Mau đến chỗ của con

Giúp thành tựu tâm nguyện

Nguyện cầu lời chân thật

Đều mong không hư dối.

Từ cõi Sắc Cứu cánh

Đến cõi Tịnh Cư thiên

Phạm Chí và Phạm Phụ

Tất cả các Phạm chúng

Cho đến cõi tam thiên

Chủ thế giới Ta-bà

Cùng tất cả quyến thuộc

Nay tôi đều kính thỉnh

Xin rủ lòng từ bi

Xót thương đồng nhiếp thọ.

Trời Tha Hóa Tự Tại

Cho đến Biến Hóa Lạc

Thiên chúng trời Đâu-suất

Từ Thị Phật vị lai

Các vị trời Dạ-ma

Và Tam Thập Tam thiên

Bốn vị Đại thiên vương

Cùng tất cả chúng thiên

Thần địa, thủy, hỏa, phong

Nương ở núi Diệu Cao

Thần bảy núi, bảy biển

Cùng với các quyến thuộc

Thần Mãn Tài, Ngũ Đảnh

Nhật nguyệt và tinh tú,

Các vị thần như thế

Giúp chúng sanh an ổn

Các vị thiên thần này

Không thích làm việc ác.

Kính lễ mẹ chúng quỉ[5]

Và quỉ nhỏ thương yêu

Trời rồng và dạ-xoa

Càn-thát-bà, tu-la

Cho đến khẩn-na-la

Và ma-hầu-la-già

Tôi nương oai lực Phật

Kính triệu thỉnh các ngài

Xin tỏ lòng từ bi

Giúp tôi vô ngại biện.

Tất cả chúng trời người

Đã chứng được tha tâm

Xin thị hiện thần lực

Ban cho diệu biện tài.

Cho đến loài hàm sanh

Đầy cả cõi hư không

Tận cùng khắp pháp giới

Xin ban cho biện tài.

Thiên nữ Biện Tài nghe lời cầu thỉnh, liền bảo bà-la-môn rằng: “Hay thay Đại sĩ! Nếu có người nào y theo thần chú và bài tán chú, hành trì nghi thức như trước đã nói, qui y Tam bảo, chuyên tâm chánh niệm, thì sẽ thành tựu tất cả mong cầu; nếu lại thọ trì đọc tụng kinh này, thì những sở nguyện chóng được thành tựu, trừ những người không có lòng chí thành”.

Bà-la-môn nghe thiên nữ Biện Tài nói thế, vô cùng vui mừng, chắp tay cung kính một lòng lãnh thọ.

Bấy giờ Đức Phật bảo thiên nữ rằng: “Hay thay, hay thay! Thiên nữ có thể lưu truyền kinh này, bảo vệ những người thọ trì đọc tụng, làm cho chúng sanh lợi ích an vui. Thiên nữ thuyết như thế, ban cho chúng sanh biện tài vô ngại, cô sẽ được vô lượng phước đức, đồng thời cũng giúp cho người phát tâm mau đạt đến bồ-đề”.

PHẨM 16. THIÊN NỮ ĐẠI CÁT TƯỜNG

Bấy giờ thiên nữ Đại Cát Tường từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, cung kính chắp tay bạch Đức Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Nếu thấy tì-kheo, tì-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di thọ trì đọc tụng, giảng thuyết cho người kinh Kim quang minh, thì con dốc lòng cung kính cúng dường thức ăn thức uống, vật dụng ngồi nằm, y phục thuốc men và tất cả những món cần dùng khác, không để thiếu thốn, hầu giúp vị này ngày đêm an ổn nghiên cứu văn từ, tư duy nghĩa lí, khiến kinh lưu truyền khắp cõi Diêm-phù. Vì những chúng sanh đã trồng căn lành từ vô lượng trăm ngàn Đức Phật thường được nghe, nên kinh này không mau chóng ẩn mất. Lại trong vô lượng trăm ngàn ức kiếp, người này luôn được hưởng thọ niềm vui cõi trời cõi người, nhiều của giàu sang, không bao giờ bị đói khát, lại còn giúp cho tất cả hữu tình luôn được an lạc, gặp được chư Phật, mai sau chứng quả Vô thượng bồ-đề, vĩnh viễn thoát khỏi nỗi khổ luân chuyển trong ba đường dữ.

Bạch đức Thế Tôn! Nay con nhớ lại, vào thời quá khứ con trồng cội lành nơi đức Lưu Li Kim Sơn Bảo Hoa Quang Chiếu Cát Tường Công Đức Hải Như Lai, Ứng Chánh Đẳng Giác. Do sức từ bi xót thương nhớ nghĩ của đức Như Lai, nên hôm nay con nghĩ về nơi nào, con nhìn đến đâu, đến quốc độ nào, vô lượng trăm ngàn vạn ức hữu tình sống ở nơi ấy đều được an vui, cho đến đầy đủ những món cần dùng như thức ăn uống, y phục đồ nằm, vật dụng sinh hoạt, vàng bạc, lưu li, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, chân châu.

Nếu có người nào chí tâm đọc tụng kinh Kim quang minh, thì phải hằng ngày đốt các hương thơm, rải các hoa đẹp, vì con cúng dường đức Lưu Li Kim Sơn Bảo Hoa Quang Chiếu Cát Tường Công Đức Hải Như Lai, Ứng Chánh Đẳng Giác; mỗi ngày ba thời niệm danh hiệu con, lại dùng hoa thơm và thức ăn ngon cúng dường cho con. Những người nghe nhận kinh này cũng được phước báo như thế. Cát Tường thiên nữ lại nói kệ rằng:

Do thường trì tụng kinh vua này

Tự thân, quyến thuộc lìa hoạn nạn

Y phục, uống ăn không thiếu thốn

Ánh sáng, thọ mạng cũng không cùng.

Đất đai ngày càng thêm màu mỡ

Trời luôn tuôn mưa thật đúng thời

Chư thiên cho đến thần vườn rừng

Và thần ngũ cốc đều hoan hỉ.

Rừng cây, hoa trái đều tươi tốt

Tất cả lúa mạ nảy mầm xanh

Muốn cầu tài bảo, đều mãn nguyện

Tất cả mong ước cũng tùy tâm”

Đức Phật lại bảo Đại Cát Tường rằng: “Hay thay, hay thay! Thiên nữ có thể nhớ lại ơn xưa mà cúng dường báo đáp, làm lợi ích an lạc vô lượng chúng sanh, lưu truyền kinh này, nhất định sẽ đạt được vô tận công đức”.

PHẨM 17: THIÊN NỮ ĐẠI CÁT TƯỜNG TĂNG TRƯỞNG TÀI VẬT

Bấy giờ thiên nữ Đại Cát Tường thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Con hiện ở tại cung điện bảy báu trong vườn Diệu Hoa Phước Quang, cách thành Hữu Tài của vị thiên vương Bệ-thất-la-mạt-noa phương bắc không xa. Nếu người nào muốn ngũ cốc tăng trưởng, kho lẫm đầy nhiều, thì nên phát khởi thật tâm tin kính, dọn dẹp một căn phòng thật sạch sẽ, phân bò trét nền, vẽ hình tượng con, trang trí các xâu chuỗi báu khắp nơi. Kế đến, người ấy tắm rửa, thay y phục sạch, thoa hương thơm quí rồi vào tĩnh thất, phát tâm vì con mỗi ngày ba thời xưng niệm: Nhất tâm kính lễ Đức Phật Lưu Li Kim Sơn Bảo Hoa Quang Chiếu Cát Tường Công Đức Hải Như Lai và xưng niệm tên kinh Kim quang minh, đồng thời chí thành cúng dường hoa thơm, thức ăn thức uống ngon lạ lên Phật, kinh và trước tượng con. Lại rải thức ăn thức uống khắp trong đàn tràng để ban cho các vị thần. Sau đó nói lời chân thật thỉnh con, nêu ra những việc mà mình mong cầu, đồng thời nguyện rằng: Nếu lời của thiên nữ là chân thật, thì không nên để cho lời thỉnh cầu của tôi luống uổng”.

Thiên nữ biết được, khởi lòng xót thương, tức thời làm cho gia đình người ấy có nhiều tiền của và cả lúa thóc. Nhưng muốn được thế, người ấy trước hết chí tâm xưng niệm danh hiệu chư Phật và các bồ-tát, sau đó mới tụng thần chú thỉnh con.

Nhất tâm kính lễ tất cả Đức Phật trong mười phương ba đời

Nhất tâm kính lễ Đức Phật Bảo Kế

Nhất tâm kính lễ Đức Phật Vô Cấu Quang Minh Bảo Tràng

Nhất tâm kính lễ Đức Phật Kim Tràng Quang

Nhất tâm kính lễ Đức Phật Bách Kim Quang Tạng

Nhất tâm kính lễ Đức Phật Kim Cái Bảo Tích

Nhất tâm kính lễ Đức Phật Kim Hoa Quang Tràng

Nhất tâm kính lễ Đức Phật Đại Đăng Quang

Nhất tâm kính lễ Đức Phật Đại Bảo Tràng

Nhất tâm kính lễ Đức Phật Bất Động, giáo chủ cõi nước ở phương đông

Nhất tâm kính lễ Đức Phật Bảo Tràng, giáo chủ cõi nước ở phương nam

Nhất tâm kính lễ Đức Phật Vô Lượng Thọ, giáo chủ cõi nước ở phương tây

Nhất tâm kính lễ Đức Phật Thiên Cổ Âm Vương, giáo chủ cõi nước ở phương bắc

Nhất tâm kính lễ bồ-tát Diệu Tràng

Nhất tâm kính lễ bồ-tát Kim Quang

Nhất tâm kính lễ bồ-tát Kim Tạng

Nhất tâm kính lễ bồ-tát Thường Đề

Nhất tâm kính lễ bồ-tát Pháp Thượng

Nhất tâm kính lễ bồ-tát Thiện An

Sau khi kính lễ Phật và bồ-tát, thì tụng thần chú để triệu thỉnh con, nhờ năng lực của bài thần chú này mà thành tựu tất cả những mong cầu.

Nam mô sơ ri, ma ha đê vi, tát ya tha, pa ri pua na, ca rê, Sa ma ta-đát sa ni, ma ha vi ha ra ga rê, sa man ta, pi ta ma ma ti, ma ha ka ri ya, pờ ra ti vít tha pa ni, sa van tha sa mam ta na, su pờ ra ti pu rê, a da na đạt ma ta, ma ha ba ghê na, ma ha mai tri, u pa sam hê tê, ma ha cờ lê sa su sam gờ hi tê, a nu pu la na, sa va ha.

Bạch đức Thế Tôn! Nếu ai trì tụng bài thần chú này để triệu thỉnh con, con liền đến đó giúp họ thỏa mãn tất cả mong cầu. Đây là câu pháp quán đảnh, câu định thành tựu, câu chân thật, câu không hư dối, là hạnh bình đẳng, làm căn lành chân chánh cho chúng sanh. Người nào trì tụng bài thần chú này, cần phải giữ gìn tám chi trai giới trong bảy ngày đêm, mỗi sáng thức dậy, đánh răng súc miệng; buổi chiều lại dâng hương hoa cúng dường tất cả Đức Phật, tỏ bày tất cả những tội đã tạo, rồi vì bản thân và các chúng sanh, hồi hướng phát nguyện, khiến cho tất cả những điều mong cầu đều sớm thành tựu. Trước tiên người ấy phải chuẩn bị một căn phòng thanh tịnh, hoặc đến một nơi an ổn vắng lặng, lập một đàn tràng, dùng phân bò trét trên nền, đốt hương chiên-đàn cúng dường, đặt tòa cao đẹp, giăng treo cờ lọng, trang trí hoa đẹp. Sau đó nhất tâm tụng bài chú ấy để triệu thỉnh con. Bấy giờ con liền nhớ nghĩ, quan sát người ấy rồi vào đàn tràng, ngồi trên tòa cao, thọ nhận phẩm vật cúng dường. Từ đó về sau, trong mỗi giấc mộng, người ấy thấy con, trình bày như thật những điều mong cầu, thì ở nơi đâu, hoặc trong làng xóm, hoặc nơi đầm vắng, trụ xứ của tăng, con đều giúp cho đầy đủ tất cả, nào là vàng bạc, báu vật trâu dê, lúa thóc y phục, thức ăn thức uống… Đã được phước báo tốt đẹp như thế, người ấy nên chọn phần quí và tốt đẹp nhất cúng dường Tam bảo và con. Sau đó lập pháp hội lớn, bày biện thức ăn thức uống hoa hương cúng dường; rồi bán những vật đã cúng dường ấy lấy tiền mua sắm những phẩm vật khác, tiếp tục cúng dường. Nếu được như vậy, con sẽ ở cạnh trọn đời giúp đỡ bảo vệ người ấy, không để thiếu thốn, giúp cho thỏa mãn tất cả mong cầu. Nhưng người ấy cũng phải thường cứu giúp những kẻ khốn cùng, không nên bỏn xẻn, chỉ lo thân mình; lại phải luôn luôn thọ trì đọc tụng, cúng dường kinh này, và ban tất cả phước báo có được cho khắp chúng sanh, mà hồi hướng về Vô thượng bồ-đề, phát nguyện ra khỏi luân hồi sanh tử, mau chóng giải thoát.

Thế Tôn khen rằng: “Hay thay, hay thay! Thiên nữ Cát Tường! Thiên nữ có thể giúp lưu truyền kinh này, đem lại lợi ích cho mình và người không thể nghĩ bàn như thế”.

PHẨM 18: ĐỊA THẦN KIÊN LAO

Bấy giờ địa thần Kiên Lao từ trong chúng hội đứng dậy, chắp tay cung kính bạch Đức Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Dù ở hiện tại hay là vị lai, hễ nơi nào có kinh này lưu truyền dù là thành thị, hay ở xóm thôn, lầu đài cung điện, núi rừng đầm vắng…con cũng sẽ đến cúng dường bảo vệ. Nếu nơi nào có đặt tòa cao cho pháp sư giảng thuyết bộ kinh vua này, con dùng thần lực, ẩn thân đến tòa dùng đầu đỡ chân vị pháp sư ấy. Bấy giờ con được nghe pháp, được nếm pháp vị, tăng thêm oai quang, nên lòng vô cùng vui mừng. Tự thân đã được lợi ích như thế, lại còn làm cho cả đại địa này, từ mặt đất sâu đến mười sáu vạn tám ngàn du-thiện-na giáp mé kim cang, cũng được tăng trưởng những chất dinh dưỡng, cho đến tất cả đất trong bốn biển cũng đều màu mỡ hơn xưa. Lại cũng khiến cho rừng rậm cây cối, cỏ thuốc hoa quả, cành lá gốc rễ, lúa mạ mầm chồi tốt tươi xinh đẹp, rất đáng ngắm nhìn, lại còn đầy đủ cả sắc hương vị, đều thọ dụng được. Nếu hữu tình nào thọ hưởng thức ăn thức uống ngon bổ như thế sẽ khỏe mạnh, tăng thêm tuổi thọ, giác quan an định, sắc diện tươi sáng, không còn thống khổ, ý chí mạnh mẽ, gánh vác mọi việc. Hơn nữa tất cả những món cần dùng khắp đại địa này, cho đến trăm ngàn sự việc đều giúp cho được hoàn bị.

Bạch đức Thế Tôn! Vì nhân duyên ấy, cõi Diêm-phù-đề sung túc an ổn, nhân dân đông đảo, không còn suy tổn, tất cả chúng sanh đều được an lạc. Nếu thân tâm đã hưởng được niềm vui như thế thì càng phải nên chí thành cung kính kinh này, mọi lúc mọi nơi đều nên thọ trì, cúng dường tôn trọng ngợi khen. Lại nên đến tòa của đại pháp sư thỉnh giảng kinh này cho khắp chúng sanh. Khi thuyết kinh này thì tự thân con, tất cả quyến thuộc đều được lợi ích, như tăng ánh sáng, khí lực mạnh mẽ, đầy đủ oai thế, dung mạo đoan chánh hơn lúc bình thường. Sau khi con hưởng pháp vị này rồi, liền khiến đất đai trong một phạm vi ngang dọc bảy ngàn du-thiện-na ở cõi Diêm-phù-đề đều được màu mỡ, tất cả chúng sanh đều được an lạc.

Bạch đức Thế Tôn! Vì muốn báo ân, những chúng sanh kia nên suy nghĩ rằng: ‘Ta nhất định sẽ nghe nhận kinh này, cung kính tôn trọng, khen ngợi cúng dường’. Sau đó từ nơi trụ xứ của mình, hoặc là thành thị, xóm làng đồng vắng, những người ấy đến pháp hội đảnh lễ pháp sư lắng nghe, tin nhận kinh này. Nghe nhận xong liền trở về trụ xứ, lòng ngập niềm vui, tất cả đồng nói: ‘Hôm nay chúng ta đã được nghe pháp vô cùng sâu xa, nhiệm mầu vô thượng, tức đã lãnh thọ công đức không thể nghĩ bàn. Do năng lực kinh, nên chúng ta được gặp và hầu hạ cúng dường vô lượng vô biên trăm ngàn câu-chi na-do-tha vị Phật, vĩnh viễn thoát khỏi ba đường khổ đau; trong trăm ngàn đời mai sau luôn được sanh vào cõi trời cõi người, thọ hưởng niềm vui’. Những chúng sanh ấy, ngay trụ xứ mình, vì các hữu tình mà giảng kinh này, hoặc một thí dụ, hoặc là một phẩm, một nhân duyên xưa, hoặc danh hiệu của một đức Như Lai, hoặc danh hiệu của một vị bồ-tát, hoặc một bài kệ đầy đủ bốn câu, hay chỉ một câu, hoặc nêu tên kinh, thì vùng đất nào chúng sanh ấy trú cũng sẽ phì nhiêu hơn những nơi khác. Đồng thời các loài thực vật vùng ấy cũng sẽ tăng trưởng tốt tươi cao lớn, khiến cho tất cả chúng sanh vui mừng, được nhiều tiền tài báu vật, thích hành bố thí, tin sâu Tam bảo”.

Sau khi nghe thế, Đức Phật bèn bảo địa thần Kiên Lao: “Nếu chúng sanh nào nghe kinh Kim quang minh, dù chỉ một câu, sau khi mạng chung cũng được sanh lên cõi Ba Mươi Ba hoặc cõi trời khác. Nếu có chúng sanh cúng dường kinh này, trang hoàng nhà cửa, cho dù chỉ treo một chiếc lọng lụa, một lá phan thêu thì sẽ tùy niệm sanh lên tầng trời thứ sáu cõi Dục, tùy ý thọ dụng cung điện bảy báu, bảy ngàn thiên nữ tự nhiên hiện đến cùng nhau vui đùa, ngày đêm luôn luôn thọ hưởng niềm an lạc vô biên”.

Địa thần Kiên Lao nghe nói như thế, liền bạch Đức Phật: “Bạch đức Thế Tôn! Vì những lẽ đó, nếu có người nào trong bốn chúng đây lên tòa giảng thuyết kinh mầu nhiệm này, thì cả ngày đêm con theo bảo vệ, ẩn thân bên tòa, dùng đầu đỡ chân người giảng pháp ấy. Vì những chúng sanh đã trồng căn lành từ nơi vô lượng trăm ngàn Đức Phật, mà con giúp đỡ lưu truyền kinh này nơi cõi Diêm-phù, không để diệt mất. Những chúng sanh nào được nghe kinh này, thì trong vô lượng trăm ngàn câu-chi na-do-tha kiếp vị lai sẽ được sanh vào cõi trời cõi người, hưởng thọ niềm vui tuyệt diệu, gặp các Đức Phật, thành tựu Vô thượng chánh đẳng chánh giác, không phải trải qua ba đường sanh tử.

Bạch đức Thế Tôn! Con thuyết một bài tâm chú, có năng lực làm lợi ích an lạc cho cả trời người. Nếu mọi người và bốn chúng muốn thấy thân thật của con, thì nên chí tâm trì tụng chú này. Muốn cầu tài sản, trân bảo kho tàng, thần thông tự tại, niềm vui lâu dài, thuốc men chữa bệnh, phá dẹp oán địch, tạo các dị luận… cũng được thỏa mãn. Trước tiên người ấy phải đến nơi tháp có xá-lợi Phật, hoặc lập pháp đàn trong nhà thanh tịnh, tắm gội thân thể, thay y phục sạch, ngồi trên tòa cỏ, đối trước tôn tượng Phật và xá-lợi, đốt hương rải hoa, bày biện thức ăn thức uống cúng dường, đúng ngày bố-sái, mồng tám mỗi tháng trì tụng thần chú sau đây để triệu thỉnh con: Tát da tha, chi ri chi ri, chu ru chu ru, ku ru ku ru, ku tu ku tu, tô tu tô tu, ba ha ba ha, sa va ri, sa va ri, sa va ha.

Bạch đức Thế Tôn! Nếu tụng chú này trăm lẻ tám biến để triệu thỉnh con, thì con sẽ vì người ấy mà đến. Nếu có chúng sanh muốn thấy thân con và cùng nói chuyện, thì cũng nên theo cách thức như trên mà tụng thần chú: Tát da tha, a ca ni, gờ ri li ga, cờ sa na ti, si ra, si đa ri, ha ha hi hi, ku ru, ba rê, sa va ha.

Bạch đức Thế Tôn! Nên tụng chú này trăm lẻ tám biến, và tụng thêm bài thần chú nói trên, con sẽ hiện thân, hoàn thành tất cả tâm nguyện của họ, hoàn toàn không dối. Nhưng trước tiên nên tụng chú hộ thân: Ta da tha, ni si ri, ma sa ka ni, na ti, ku ti, bút đi, bút đi rê, bi ti bi ti, ku ku ti, ba ci ri, sa va ha.

Nên trì tụng vào sợi chỉ năm màu hai mươi mốt biến, gút hăm mốt gút, rồi buộc vào khuỷu tay trái, sẽ bảo vệ thân, không còn lo sợ. Nếu người chí tâm tụng thần chú này, thì sẽ thỏa mãn tất cả mong cầu. Con không nói dối, Phật pháp tăng bảo sẽ chứng tri lời chân thật của con”.

Thế Tôn lại bảo địa thần Kiên Lao: “Hay thay, hay thay! Ông dùng thần chú bảo vệ kinh vua và người thuyết pháp, ông sẽ hưởng được vô lượng phước báo”.

PHẨM 19: ĐẠI TƯỚNG DẠ-XOA CHÁNH LIỄU TRI

Bấy giờ đại tướng Chánh Liễu Tri cùng hai mươi tám bộ thần dạ-xoa, từ chỗ ngồi trong chúng hội đứng dậy, áo bày vai phải, gối phải chấm đất, chắp tay cung kính, bạch Đức Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Hiện tại vị lai, bất kì nơi nào có kinh vua này lưu hành truyền bá, dù là thành thị xóm làng, núi non đầm vắng, cung điện lầu gác, trụ xứ của tăng, thì con cùng với hai mươi tám bộ dạ-xoa đồng đến, mỗi mỗi chia nhau ẩn thân bảo vệ, giúp vị pháp sư tránh những nạn khổ, luôn được an vui. Đối với những người nghe nhận kinh này, dù chỉ thọ trì bài kệ bốn câu, hoặc là một câu, hoặc chỉ đề kinh, hoặc là danh hiệu một đức Như Lai, một vị bồ-tát trong bộ kinh này, rồi phát tâm niệm, cung kính cúng dường thì con sẽ đến cứu giúp bảo vệ, khiến cho người ấy không gặp tai họa, lìa khổ được vui.

Vì sao con tên là Chánh Liễu Tri? Về nhân duyên này, xin Phật minh chứng; con biết các pháp, hiểu tất cả pháp, tùy thuận các pháp, như tất cả pháp; con cũng thấu suốt tất cả chủng loại, thể tánh sai biệt của tất cả pháp. Con có ánh sáng trí huệ không thể nghĩ bàn, có đuốc trí huệ không thể nghĩ bàn, có hạnh trí huệ không thể nghĩ bàn, có tụ trí huệ không thể nghĩ bàn. Đối với cảnh giới trí huệ không thể nghĩ bàn, con có khả năng thông đạt tất cả. Bạch đức Thế Tôn! Con biết chánh xác, con hiểu chánh xác, tỏ ngộ chánh xác, quán xét chánh xác tất cả các pháp. Vì thế con tên là Chánh Liễu Tri; do đó con có năng lực giúp cho pháp sư đầy đủ tất cả ngôn từ, luận biện thông suốt, cũng đưa sinh khí vào lỗ chân lông, giúp thân khỏe mạnh, uy lực to lớn, thành tựu ánh sáng trí huệ không thể nghĩ bàn, trí nhớ chánh xác, không có quên sót, tăng trưởng thể lực, không hề suy giảm, các căn thư thái, thường sanh hỉ lạc. Do đó con vì những chúng hữu tình đã trồng căn lành, tu tập phước đức từ nơi trăm ngàn Đức Phật mà giúp lưu truyền kinh này trong cõi Diêm-phù, không để ẩn mất. Các hữu tình ấy nghe kinh này rồi, liền được ánh sáng trí huệ vô cùng, cho đến vô lượng phước đức trí huệ, vào đời vị lai thọ hưởng vô lượng câu-chi na-do-tha chẳng thể nghĩ bàn niềm vui tuyệt diệu cõi trời cõi người, thường gặp Đức Phật, mau chóng đạt đến vô thượng bồ-đề, mà chẳng cần phải trải qua những nơi tăm tối khổ đau trong ba đường ác”.

Đại tướng dạ-xoa Chánh Liễu Tri lại bạch Đức Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Con có thần chú, nay vì thương xót muốn làm lợi ích cho các hữu tình, nên trước Thế Tôn, con xin tuyên thuyết: Nam mô Bút đa ya, nam mô Đạt ma da, nam mô Sam ga da, nam mô Bờ ra ma da, nam mô In dờ ra da, na ma hơ cha tu nam, ma ha ra ja nam, tát da tha, hi ri, hi ri, mi li, mi li, Gô ri Ma ha gô ri, Gan đa ri, Ma ha gan đa ri, Dờ ra vi đi, Ma ha dờ ra vi đi, đa đa, khu kun tê, ha ha ha ha ha, hi hi hi hi hi, hô hô hô hô hô, ha ja, đạt ma, ku đa mê, cha cha cha cha chi chi chi chi, chu chu chu chu, can đết va ra, sít kha ra, sít kha ra, út tít ta hi, ba ga van, sam chin ja da, sa va ha.

Nếu ai thọ trì bài minh chú này, con sẽ cung cấp vật dụng sinh hoạt mà lòng ưa thích, thức ăn thức uống, y phục hoa quả, tiền của báu vật; nếu cầu con trai hoặc cầu con gái, xâu chuỗi vàng bạc, châu báu… con cũng cấp cho đầy đủ theo nguyện, không để thiếu thốn. Thần chú này có oai lực rất lớn, nên khi nghe được có người tụng trì, con liền đến đó, giúp cho mọi việc mau chóng thành tựu, không bị trở ngại. Nhưng muốn trì tụng, phải biết phương pháp, trước tiên nên họa hình tượng dạ-xoa Chánh Liễu Tri cao khoảng bốn năm thước, tay cầm xà mâu, trước tượng lập một pháp đàn tứ phương, bốn phía đặt bình chứa đầy nước đường mật hoặc, hương xoa hương bột, hương đốt vòng hoa; trước đàn nên đặt một lò bằng đất, chứa than đang cháy, để đốt hạt cải và cỏ Tô-ma[6]. Sau đó trì tụng một trăm lẻ tám biến thần chú này, mỗi biến đốt một lần, cho đến khi con hiện thân đến hỏi người tụng chú rằng: ‘Ông cần những gì, muốn cầu điều gì, xin cứ nói thật!’. Con liền theo lời, thỏa mãn mong cầu của người trì tụng; dù là vàng bạc, kho tàng trong đất, hay muốn thần tiên từ không trung hiện, hay cầu được thiên nhãn thông, được tha tâm thông, cầu được tùy ý tự tại đối với tất cả chúng sanh giúp họ đoạn trừ phiền não, mau chóng giải thoát, thì con cũng giúp thành tựu tất cả”.

Bấy giờ Thế Tôn bảo Chánh Liễu Tri: “Hay thay, hay thay! Ông có thể làm lợi ích an lạc cho các chúng sanh, bảo vệ chánh pháp mà thuyết chú này. Ông sẽ nhận được vô biên phước lợi”.

PHẨM 20: VƯƠNG PHÁP CHÁNH LUẬN

Bấy giờ có một nữ thần đại địa tên là Kiên Lao, từ trong chúng hội đứng dậy đảnh lễ, chắp tay cung kính bạch Đức Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Trong một đất nước, nếu người làm vua không biết chánh pháp, sẽ không thể nào trị quốc an dân, tại vị lâu dài. Cúi xin Thế Tôn từ bi thương xót giảng thuyết rõ về Vương pháp chánh luận, là pháp cốt yếu của việc trị quốc, để khi các vị quốc vương nghe được, theo đó thực hành, y theo chánh pháp giáo hóa nhân dân, khiến cho vương vị trường tồn, đất nước thái bình, nhân dân lợi lạc”.

Đức Thế Tôn bảo: “Nữ thần lắng nghe! Vào thời quá khứ có một vị vua tên Lực Tôn Tràng, con vua tên là Diệu Tràng đã thọ quán đảnh kế thừa ngôi vị. Sau đó không lâu, vua cha lại bảo thái tử Diệu Tràng: ‘Có bộ vương pháp chánh luận tên là Thiên chủ giáo pháp. Khi ta vừa nhận ngôi vị quán đảnh để làm quốc vương, vua cha tên là Trí Lực Tôn Tràng cũng nói cho ta nghe chánh luận này. Ta liền tuân theo luận này trị quốc, trong hai vạn năm, chưa từng khởi một niệm tâm thực hành những điều phi pháp. Hôm nay con cũng phải làm như thế, chớ dùng phi pháp trị quốc an dân. Vương pháp chánh luận là gì? Con hãy lắng nghe, ta sẽ nói rõ’. Vua Lực Tôn Tràng dùng kệ trình bày chánh luận như sau:

Ta nói luận Vương pháp

Lợi lạc các chúng sanh

Dứt thế gian nghi ngờ

Diệt trừ bao lầm lỗi.

Tất cả vua cõi trời

Cùng quốc vương cõi người

Nên sanh lòng mừng vui

Chắp tay nghe ta nói.

Ngày xưa các vị trời

Nhóm tại núi Kim Cang

Bốn thiên vương đứng dậy

Thưa hỏi Đại Phạm thiên:

Phạm chủ, bậc tôn quí

Tự tại nhất trong trời

Xin thương xót chúng tôi

Giải trừ những nghi hoặc.

Vì sao ở cõi người

Mà được gọi là trời?

Vì những lí do gì

Mà được gọi thiên tử?

Vì sao sanh nhân gian

Độc nhất làm nhân chủ?

Vì sao sanh cõi trời

Được gọi là thiên vương?

Bốn thiên vương Hộ Thế

Hỏi Phạm vương như thế.

Bấy giờ Phạm thiên vương

Liền vì họ giảng nói.

Hộ Thế! Các ông đây

Vì lợi ích hữu tình

Mà hỏi cách trị quốc

Lắng nghe, ta sẽ nói!

Do sức nghiệp ngày xưa

Sanh thiên được làm vương

Nếu sanh vào cõi người

Làm vua lãnh thiên hạ

Được chư thiên bảo vệ.

Sau đó vào thai mẹ

Tuy đã vào bào thai

Chư thiên vẫn hộ trì.

Dù sanh tại nhân gian

Cao quí, nên gọi trời,

Do chư thiên bảo vệ

Nên cũng gọi thiên tử.

Chủ cõi Ba Mươi Ba

Chia sức giúp nhân vương

Tất cả các thiên chúng

Cũng giúp sức tự tại.

Diệt trừ các phi pháp

Khiến nghiệp ác không sanh

Dạy mọi người tu thiện

Để được sanh cõi trời.

Nhân loại, a-tu-la

Các loài càn-thát-bà

La-sát, chiên-đà-la

Đều giúp nửa sức lực.

Cha mẹ thêm nửa sức

Khiến bỏ ác tu thiện

Chư thiên cùng hộ trì

Chỉ rõ quả báo thiện.

Nếu tạo các nghiệp ác

Ngay trong đời hiện tại

Chư thiên không bảo vệ

Chỉ cho quả báo ác.

Người trong nước tạo ác

Quốc vương không cấm ngăn

Thì chẳng đúng chánh lí

Nên đúng pháp trị phạt.

Nếu thấy ác không ngăn

Phi pháp ngày càng tăng

Khiến trong toàn cõi nước

Gian trá ngày càng nhiều.

Vua thấy nhân dân mình

Tạo ác mà không cấm

Thiên chúng Ba Mươi Ba

Đều vô cùng giận dữ.

Do đây tổn quốc chánh

Gian trá khắp thế gian

Khiến quân địch xâm lăng

Hủy hoại cả đất nước.

Nhà cửa và vật dụng

Tài sản đều không còn

Dối gạt, dua nịnh sanh

Lại thay nhau chiếm đoạt.

Do chánh pháp làm vua

Mà không hành pháp ấy

Khiến đất nước tan hoang

Như ao sen voi xéo.

Cuồng phong nổi bất thường

Mưa lớn trái mùa đổ

Sao xấu hiện điềm quái

Nhật nguyệt thực tối tăm.

Ngũ cốc và hoa quả

Trái hạt đều không thành

Đất nước bị đói kém

Do vua bỏ chánh pháp.

Nếu vua bỏ chánh pháp

Dùng pháp ác trị dân

Chư thiên tại cung điện

Nhìn thấy lòng lo buồn.

Bấy giờ các thiên vương

Cùng nhau đồng nói rằng:

Vua này hành phi pháp

Luôn gần gũi kẻ ác

Vương vị không dài lâu

Chư thiên đều phẫn nộ

Do chư thiên phẫn nộ

Nước ấy sớm bại vong.

Dùng phi pháp dạy người

Lưu truyền khắp quốc gia

Tranh đấu, nhiều gian dối

Dịch bệnh, khổ não sanh.

Thiên chủ không bảo vệ

Chúng trời cũng bỏ rơi

Đất nước sẽ bại vong

Quốc vương bị khổ nạn.

Cha mẹ cùng vợ con

Anh em và chị em

Chịu cảnh ái biệt li

Cho đến phải mất mạng.

Biến quái và sao băng

Hai mặt trời đồng hiện

Oán địch từ ngoài đến

Đất nước gặp loạn li.

Đại thần quan dân trọng

Phải bị chết oan uổng

Voi, ngựa mọi người quí

Cũng mất hết không còn.

Chiến tranh khắp mọi nơi

Người chết thật oan uổng

Ma quỉ vào cõi nước

Dịch bệnh lan khắp cùng.

Vị đại thần tối cao

Cùng với các phụ tướng

Lòng tràn đầy dua nịnh

Cùng nhau hành phi pháp.

Vua thấy hành phi pháp

Lại sanh tâm yêu kính

Thấy người làm điều thiện

Thì hành hạ đớn đau.

Do yêu kính kẻ ác

Trị phạt người hành thiện

Tinh tú và mưa gió

Không xuất hiện đúng mùa.

Có ba tai họa sanh:

Chánh pháp liền ẩn mất

Chúng sanh không tươi nhuận

Đất đai lại cằn cỗi.

Do trọng ác khinh thiện

Lại có ba họa sanh:

Sương, mưa đá trái mùa

Đói khát và dịch bệnh,

Các hạt lúa, đậu mè

Phẩm chất lại kém hẳn.

Nhân dân trong khắp nước

Phần nhiều bị dịch bệnh,

Các loại cây cho quả

Trước kia thật ngon ngọt

Do đây vị tổn giảm

Đắng chát, không mùi vị.

Vườn rừng trước xinh đẹp

Là nơi đáng du lãm

Bỗng nhiên lại khô cằn

Người nhìn sanh buồn chán.

Lúa mạch, các loại hạt

Vị ngon dần tiêu mất

Khi dùng, không vừa ý

Làm sao nuôi dưỡng thân.

Sắc diện chúng sanh giảm

Sức lực cũng suy kiệt

Dù ăn uống rất nhiều

Vẫn không thấy no đủ.

Tất cả loài chúng sanh

Trong khắp các cõi nước

Ốm yếu, không sức lực

Chẳng làm được việc gì.

Nhân dân bị bệnh tật

Khổ não bức bách thân

Nơi nơi quỉ mị hiện

Chốn chốn la-sát sanh.

Nếu vua hành phi pháp

Gần gũi những kẻ ác

Khiến ba loại thế gian

Sẽ phải chịu tổn giảm.

Vô biên họa như thế

Xảy ra khắp cõi nước

Đều do thấy kẻ ác

Mà không chịu trị phạt.

Do chư thiên gia hộ

Mà được làm quốc vương

Lại không dùng chánh pháp

Bảo vệ đất nước mình.

Nếu người tu hạnh lành

Sẽ được sanh cõi trời

Còn kẻ tạo nghiệp ác

Chết ắt vào ba đường.

Nếu vua để tự do

Người trong nước tạo ác

Thì chúng trời Đao-lợi

Lòng vô cùng phiền não.

Bởi chẳng thuận trời dạy

Và lời của mẹ cha

Đây là người phi pháp

Chẳng phải vua, con hiếu.

Như thấy dân trong nước

Làm những điều phi pháp

Phải như pháp trị phạt

Không khởi ý cho qua

Từ đó các chúng trời

Hộ trì vị vua này.

Vì diệt trừ pháp ác

Tu tập các pháp lành

Hiện đời vị vua này

Ắt được quả báo tốt.

Do đối với thiện ác

Khuyên chúng sanh tu, lìa

Chỉ rõ quả thiện ác

Nên làm vua cõi người

Chư thiên cùng hộ trì

Tất cả đều tùy hỉ.

Do tự lợi, lợi tha

Dùng chánh pháp trị quốc

Thấy những kẻ dua nịnh

Như pháp mà trị phạt.

Giả sử mất vương vị

Cho đến hại bản thân

Trọn không hành pháp ác

Thấy ác lại bỏ qua.

Họa mất đi vương vị

Lớn nhất trong các họa

Đều do kẻ dua nịnh

Vì thế nên trị phạt.

Nếu gần kẻ dối trá

Sẽ đánh mất vương vị

Do đây tổn pháp vua

Như voi vào vườn hoa.

Thiên chủ đều nổi giận

A- tu-la cũng thế

Vì người ấy làm vua

Không dùng pháp trị quốc.

Vì thế nên như pháp

Trị phạt những kẻ ác

Dùng thiện dạy nhân dân

Chẳng thuận theo phi pháp

Thà xả bỏ thân mạng

Quyết không theo bạn ác

Với kẻ thân, không thân

Đều đối xử bình đẳng.

Nếu làm vua chánh pháp

Đối xử không thiên vị

Vua pháp có tiếng thơm

Vang khắp cả ba cõi.

Thiên chúng trời Đao-lợi

Vui mừng đồng nói rằng:

Vua pháp cõi Diêm-phù

Chính là con của ta

Dùng điều thiện dạy dân

Dùng chánh pháp trị quốc

Khuyên người hành chánh pháp

Sẽ sanh vào cung ta.

Chư thiên và thiên tử

Cho đến a-tu-la

Thấy vua hành chánh pháp

Nên trong lòng mừng vui

Bởi chư thiên mừng vui

Nên hộ trì vua ấy.

Tinh tú chuyển đúng vị

Nhật nguyệt không trái đường

Gió thuận thật đúng mùa

Mưa hòa hợp thời tiết

Trái hạt đều kết thành

Nhân dân không đói khát

Tất cả các thiên chúng

Đầy khắp các thiên cung.

Vì thế làm nhân vương

Nên quên thân hoằng pháp

Nên tôn trọng pháp bảo

Do đây dân an vui.

Thường gần gũi chánh pháp

Dùng công đức trang nghiêm

Quyến thuộc thường hoan hỉ

Điều ác nên xa lìa.

Dùng chánh pháp giáo hóa

Luôn giúp họ an ổn

Khiến tất cả mọi người

Tu tập pháp thập thiện

Cả nước luôn sung túc

Quốc độ được thái bình.

Vua dùng pháp dạy dân

Giỏi điều phục kẻ ác

Thanh danh sẽ vang khắp

Làm an lạc quần sanh.

Tất cả quốc vương trên khắp thế giới và đại chúng nghe Đức Phật nói về pháp yếu trị quốc của vị vua xưa, đều cho là được điều chưa từng có, nên rất vui mừng, cung kính thực hành.

Chú thích:

[1] Phật-đà: phiên âm đủ của từ Buddha, gọi tắt là Phật, Trung Quốc dịch là Giác giả, Trí giả.

[2] Đạt-ma: phiên âm của từ Dharma, Trung Quốc dịch là Pháp, chỉ cho giáo pháp của Đức Phật, một trong ba ngôi báu: Phật, Pháp, Tăng.

[3] Tăng-già: phiên âm của từ Saṃgha, Trung Quốc dịch là Chúng, tức tập thể tì-kheo hay tì-kheo-ni từ bốn người trở lên sống trong tinh thần hòa hợp.

[4] Bốn hướng: Tu-đà-hoàn hướng, Tư-đà-hàm hướng, A-na-hàm hướng, A-la-hán hướng. Hướng tức là hướng đến, sắp đến chứ chưa đến.

[5] Mẹ chúng quỉ: tức quỉ mẹ của năm trăm quỉ con, âm Hán là quỉ tử mẫu.

[6] Cỏ Tô-ma: một loại cỏ mọc lan khắp mặt đất, nước được ép từ cỏ này có thể làm men rượu.

    Xem thêm:

  • Hợp Bộ Kinh Kim Quang Minh - Kinh Tạng
  • Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương - Kinh Tạng
  • Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương - Kinh Tạng
  • Kinh Nhất Thiết Chư Như Lai Tâm Quang Minh Gia Trì Bồ Tát Phổ Hiền Đà La Ni Diên Mạng Kim Cang Tối Thắng - Kinh Tạng
  • Kinh Nhân Duyên Đồng Tử Quang Minh - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Quảng Tổng Trì Bảo Quang Minh - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Oai Đức Kim Luân Phật Đảnh Xí Thạnh Quang Như Lai Tiêu Trừ Nhất Thiết Tai Nạn Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Biến Chiếu Quang Minh Tạng Vô Tự Pháp Môn - Kinh Tạng
  • Kinh Phổ Biến Quang Minh Thanh Tịnh Sí Thạnh Như Ý Bảo Ấn Tâm Vô Năng Thắng Đại Minh Vương Đại Tùy Cầu Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Kinh Nhân Duyên Tiên Nhân Nhất Thiết Trí Quang Minh Từ Tâm Không Ăn Thịt - Kinh Tạng
  • Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức – Đoàn Trung Còn & Nguyễn Minh Tiến dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Đà La Ni Thánh Vô Lượng Thọ Quyết Định Quang Minh Vương Như Lai - Kinh Tạng
  • Ý Nghĩa Phát Xuất Từ Kim Cang Đỉnh Du Già Ba Mươi Bảy Tôn Vị - Kinh Tạng
  • Phẩm Đại Oai Đức Tối Thắng Kim Luân Tam Muội Chú Kinh Đà La Ni Đại Phật Đỉnh Như Lai Phóng Quang Tất Đát Đa Bát Đát La Đại Thần Lực Đô Nhiếp Nhứt Thiết Chú Vương - Kinh Tạng
  • Kinh Kim Cang Khủng Bố Tập Hội Phương Quảng Quỹ Nghi Quán Tự Tại Bồ Tát Tam Thế Tối Thắng Tâm Minh Vương - Kinh Tạng
  • Kinh Thái Tử Đức Quang - Kinh Tạng
  • Kinh Nghi Quỹ Đại Minh Thành Tựu Trì Minh Tạng Du Già Đại Giáo Tôn Na Bồ Tát - Kinh Tạng
  • Kinh Bồ Tát Nguyệt Quang - Kinh Tạng
  • Kinh Kim Cang Quyết Nghi - Kinh Tạng
  • Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Thích Trí Quang dịch - Kinh Tạng